Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Trung học cơ sở Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học ...

Tài liệu Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học tình huống cải tạo khu vườn sau nhiều năm không sử dụng

.DOCX
10
795
84

Mô tả:

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ HÀ NỘI Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm -------------* * * * *------------ Bài dự thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học” Trường Trung học cơ sở Trưng Vương Địa chỉ:26 Hàng Bài, phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội Cải tạo khu vườn sau nhiều năm không sử dụng Họ và tên:VÕ TRUNG KIÊN Ngày tháng năm sinh:12 – 02 – 2000 Học sinh lớp: 9H1 Điện thoại:0989723661 Email:[email protected] Người hướng dẫn:Võ Tứ Cường – ĐT:0903283661 Hoàn Kiếm, tháng 11 năm 2014 Bài dự thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học” I- Tên tình huống: “Cải tạo khu vườn sau nhiều năm không sử dụng” Khu vườn hoa ở xã La Khê, Hà Đông, gần nhà bà nội em Nhà ông bà nội em ở quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.Bố em bảo ông bà nội em đã ở đó từ rất lâu, từ đời ông nội của bố em, còn bây giờ chỉ có bà nội của em còn đang ở đó trông coi nhà cửa. Chỉ những ngày thứ bẩy chủ nhật thì gia đình em và các bác, các anh chị mới về thăm bà. Nhà bà em có một mảnh vườn rộng 300 mét vuông, và đã từ bao giờ, mảnh vườn đó không được sử dụng đến. Bà bảo đây là ruộng phần trăm, hợp tác xã chia cho gia đình bà trước đây, mấy sào cơ, nhưng giờ chỉ còn có thế. Thời ông nội còn sống, ông thường trồng rau, trồng hoa, giúp gia đình vừa có rau sạch để ăn vừa có hoa trang trí nhà cửa. Song kể từ khi ông ốm rồi ông mất đến nay cũng đã gần 5 năm.Bà nội một mình trông coi nhà cửa, ruộng vườn của gia đình thì không ai sử dụng đến nên cỏ mọc xanh um, người qua lại còn vứt cả rác vào bên trong, khiến cho toàn bộ khu vườn này trông như một “khu rừng rậm”. Mỗi khi đi vào vườn để hái rau thơm vẫn còn mọc, em phải luồn lách qua các bụi cỏ dại thì mới hái được, lại còn sợ rắn rết nữa. Mùa nghỉ hè vừa rồi, em về ở với bà nội được hơn một tháng. Có một lần em vào trong vườn nhặt quả bóng do sơ ý đá vào, nên đã bị gai cây dại đâm vào chân, làm chảy bao nhiêu máu. Thế là bà em cấm tiệt không cho em vào đó nữa.Sau khi biết chuyện, bố em đã quyết định sẽ cải tạo khu vườn đó để làm sạch sẽ môi trường xung quanh, vừa có thêm những sản phẩm cải thiện cho gia đình. Nhân dịp nhà trường phát động cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống”, em đã mạnh dạn đề đạt với bố em là sẽ xây dựng một kế hoạch cải tạo khu vườn này, vừa là để tham gia cuộc thi rất ý nghĩa này, vừa để thể hiện với bố mẹ về khả năng của mình sau nhiều năm ăn học. Vậy là bố đồng ý và thỉnh thoảng giúp em xem phần trình bầy. II- Mục tiêu giải quyết tình huống: Đây là những bông hoa chụp từ vườn nhà hàng xóm, trông rất thích mắt Trong nhiều năm gần đây, nhiều người dân thành phố đã tranh thủ từng mét vuông đất trống để trồng rau sạch, trồng hoa. Mọi người rất lo lắng về vấn đề vệ sinh thực phẩm, trong đó phải kể đến những nguy hại của thuốc bảo vệ thực vật, của công nghệ bảo quả thực phẩm, về rau củ quả không rõ nguồn gốc.Đó là điều em thường xuyên được nghe mẹ giải thích mỗi khi ngồi vào mâm cơm. Chính vì vậy, mục tiêu đầu tiên khi em nghĩ đến việc cải tạo khu vườn chính là nhằm đáp ứng ít nhiều nhu cầu sử dụng rau sạch của gia đình.Ngoài ra, việc làm này còn góp phần cải thiện môi trường xung quanh và tránh lãng phí tài nguyên đất vì không sử dụng. 1. Về kiến thức: Khi bắt tay vào viết đề án này, em đã hình dung ra không biết bao nhiêu điều em đã học được để đưa vào áp dụng. Tuy em chưa biết khi triển khai đề án, em có thực hiện được hết hay không, nhưng em vẫn rất vui vì đây là những suy nghĩ và mong muốn của em. Giáo dục công dân: là môn học đầu tiên mà em thấy đã rất bổ ích khi giúp em nhận thức được về ô nhiễm môi trường, về tiết kiệm tài nguyên, về giúp đỡ gia đình. Khi mà khu vườn được cải tạo, em chắc chắn con đường qua lại khu vườn sẽ được sạch sẽ, môi trường xung quanh được thoáng đãng, không còn là nơi trú ngụ của bao nhiều loại muỗi, mối, côn trùng, và không còn là nơi vứt rác bừa bãi nữa. Sinh vật: Có lẽ kiến thức của môn học này là rất quan trọng và cần thiết để em sử dụng cho đề án. Em đã được học về cây trồng, bao gồm đặc điểm sinh trưởng và các cách chăm sóc.Mẹ em cực kỳ yên tâm với em về môn học này vì em toàn đạt trên 9 phẩy về sinh vật. Hóa học: Em yêu hóa và dự định sẽ thi vào chuyên hóa ở bậc học Trung học phổ thông. Đặc điểm, tính chất lý hóa học của phân bón, hóa chất bảo vệ cây trồng, rồi thuốc diệt cỏ, cải tạo đất là những điều mà em rất thích tìm hiểu để sử dụng. Công nghệ: Em hình dung ra các máy tưới cây, máy làm cỏ cho khu vườn, và đó chính là những nội dung mà em đã được học từ môn Công nghệ. Toán, lý: Kiến thức của hai môn học này dường như luôn nằm trong tâm trí em mỗi khi em làm bất cứ điều gì. Đó là sự tính toán về kích thước trong đo đạc, về mật độ cây trồng, về lắp đặt hệ thống sưởi điện cho cây, … Địa lý và lịch sử:Các thông tin về thời tiết không bao giờ tách rời những người làm nghề nông. Hiểu được sự thay đổi, đặc điểm của thời tiết trong năm sẽ rất quan trọng trong các quyết định trồng cây, trồng rau vụ, trồng hoa. Mỹ thuật:Một khu vườn đẹp tất nhiên đòi hỏi người làm vườn phải có con mắt mỹ thuật. Bộ môn Mỹ thuật trong nhiều năm qua đã giúp em cảm thụ được vẻ đẹp của thiên nhiên, của các tác phẩm hội họa, và đặc biệt em được các thầy cô dạy Mỹ thuật giới thiệu những bức tranh vườn hoa rất đẹp. Đó sẽ là mẫu hình để em tham khảo khi làm đề án này. 2. Về kỹ năng: Ngay từ khi còn bé, em đã rất hay hỏi bố mẹ về những điều em thấy ở xung quanh mình. Bố mẹ rất kiên trì giải thích cho em, nhưng thực tế, em ít khi có dịp được nhìn trực tiếp công việc làm ruộng của các bác nông dân, chính vì thế, đề án cải tạo khu vườn sẽ là cách để em được thể hiện kỹ năng đưa lý thuyết vào thực hành. Mẹ em bảo nếu không khéo tay thì rau trồng sẽ không ngon, nếu không biết chăm sóc thì rau sẽ còi cọc. 3. Về thái độ: Có lẽ đây là điều mà bố mẹ em đang mong đợi nhiều nhất.Các bạn em ai ai cũng đã từng bị bố mẹ phàn nàn về việc mải chơi game, khiến cho đầu óc căng thẳng, mệt mỏi.Em không phải là game thủ, nhưng cũng hay mượn điện thoại của bố mẹ để tranh thủ chơi mỗi khi rảnh rỗi. Do đó, việc em tiến hành cải tạo khu vườn sẽ là dịp để bố mẹ em thấy thái độ chững chạc của em khi bắt đầu tuổi trưởng thành. Em hứa với bố mẹ sẽ quyết tâm cao nhất cho đề án này. III- Tổng quan về các nghiên cứu liên quan tới việc giải quyết tình huống Saukhi nhận nhiệm vụ với bố, em đã vào mạng để đọc rất nhiều bài viết về các cách cải tạo khu vườn, khu đất trống.Qua đó em hiểu được các mô hình làm vườn, các loại cây, rau, hoa thích hợp với một khu vườn không lớn nhưng cũng không nhỏ như của nhà bà em.Em đã học được một số điều liên quan đến những việc cần phải làm, cụ thể như sau: 1- Sự thích hợp của đất trồng với loại cây:Đất ruộng ở khu vực phường La Khê, quận Hà Đông trước đây thường được người dân trồng lúa, sau này được chuyển sang trồng màu. Ông nội em cũng hay trồng các loại su hào, bắp cải, cà rốt, hành tỏi, cải xanh, cải cúc và một số loài hoa như hoa cúc, hoa hồng. 2- Kỹ năng xử lý đất: Do khu vườn lâu không sử dụng, cỏ mọc um tùm, đất không còn nhiều mầu mỡ cho cây, nên kh bắt đầu cải tạo khu vườn, em sẽ phải làm cỏ, phát quang bụi rậm rồi sẽ tiến hành cải tạo đất. Em đọc được nhiều phương pháp về các cách xử lý đất, như cuốc đất, phơi khô, đập đất, đánh tơi, đánh luống, bón phân. 3- Kỹ năng trồng cây, trồng rau, trồng hoa: Đây sẽ là “nội dung chính” của khu vườn, là sản phẩm mà khu vườn tạo ra. Bố em vẫn hay đùa nói rằng, “số giầu trồng lau thành mía”, còn em thì lý luận rằng, trồng lau thì không thể thành mía được, cũng như chuyện ông tây đen không thể đẻ ra con da trắng. Thế là em tìm đọc về kỹ năng trồng và chăm sóc rau, hoa. Em hiểu các công đoạn từ khi gieo hạt, đến khi thu hoạch gồm những gì, như tưới rau, làm cỏ, xới đất, cắt tỉa, che sương, bón phân, kỹ năng thu hoạch, … Lúc này em lại nhớ lại nhiều điều thầy cô giáo đã từng nói đến trong các bài giảng về sinh vật. Những kiến thức cơ bản mà các thầy cô dạy giúp em hiểu rất nhanh những điều mình đọc được. 4- Phân bổ mùa vụ theo bài toán kinh tế: Những kiến thức về “Địa lý kinh tế” đang giúp em giải quyết câu hỏi này. Em đã đọc một số bài viết, bài nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp. Em hiểu được sự lãng phí của những mùa vụ trồng nhưng không được tiêu thụ, hoặc sau khi thu hoạch sản phẩm không được bảo quản tốt, … dẫn đến những thiệt hại nặng nề cho người nông dân. Nên em đã dự toán được số tiền đầu tư cho khu vườn và giá trị kinh tế mà khu vườn mang lại, tận dụng được những sản phẩm của khu vườn mà không phải đầu tư tốn kém. Ngoài việc đọc thông tin trên mạng, trên các diễn đàn, em đã được bố mẹ cho đi tham quan một số khu vườn trồng hoa, trồng rau của các gia đình gần nhà.Qua đó, em được tận mắt chứng kiến những vườn rau xanh tốt, những vườn hoa đẹp lung linh, và ước gì khu vườn của mình cũng sẽ đẹp như thế. IV- Phương pháp giải quyết tình huống Sau một loạt những “trải nghiệm” về nghề làm vườn qua sách vở, em đã mạnh dạn trình bầy về quy trình cải tạo khu vườn như sau: 1- Làm sạch khu vườn:cắt cỏ cây, bụi rậm rồi tập trung vào một góc vườn đẻ chờ khô rồi đốt. Gom toàn bộ rác thải ra khu vực tập kết rác của thành phố, trong đó có việc phân loại rác vô cơ và hữu cơ. 2- Làm hàng rào xung quanh khu vườn: Em sẽ mua các cây tre nhỏ, chặt dài khoảng 70cm và cắm xung quanh khu vườn để bảo vệ. 3- Làm đất: Saukhi khu đất đã được làm sạch, em dự kiến sẽ mua cuốc, xẻng về để bắt đầu công việc làm đất. Có thể em sẽ nhờ mấy người anh chị họ về cùng cuốc đất cho vui, lại tiết kiệm được thời gian. 4- Làm luống, quanh vùng trồng rau: Theo lời khuyên của bố mẹ, em sẽ chia khu vườn thành ba phần, hai phần trồng rau và một phần trồng hoa. Phần trồng rau được dành một nửa để trồng rau và rau thơm theo mùa, nửa còn lại em sẽ trồng các loại cây leo như bí ngô, cà chua, dưa chuột, mướp đắng, những loại cây mà em thấy các khi vườn xung quanh hay có và gia đình em cũng hay sử dụng. 5- Tuyển chọn hạt giống và cây giống: Theo gợi ý của bố mẹ, em sẽ rủ mấy bạn thân đi chợ Vạn Phúc để mua hạt giống, cây giống hoa và rau theo chủng loại đã lựa chọn. 6- Trồng rau: Saukhi có hạt giống và cây giống, em sẽ bắt đầu gieo trồng trên mảnh vườn quê thân yêu này. Em sẽ nhờ một người cô họ nhà gần đó và vẫn đang làm nghề nông sang để hướng dẫn và giúp em trồng rau. Lần đầu trồng rau chắc sẽ nhiều thú vị, nhưng em tin là em sẽ làm được. 7- Quá trình chăm sóc rau, hoa: Đây là quá trình có vẻ như khó nhất đối với em vì bố mẹ em vẫn hay bảo em là vụng về, còn chưa biết tự chăm sóc mình. Tuy nhiên, em đã được học và được đọc về quá trình chăm sóc cây trồng rồi, nên sẽ cố gắng thử nghiệm. Em sẽ mua bình tưới, dầm xới đất, mua một số loại phân bón thường dùng trên thị trường như đạm, phân vi sinh, một số chất tác dụng tăng trưởng cho cây hoa. Riêng đối với trồng rau, vì mục đích của em là trồng rau sạch nên em sẽ chỉ tưới bằng nước vo gạo, nước hồ ở gần đó, nước giếng khoan. Chắc chắn em sẽ không dùng các loại hóa chất kích thích. 8- Thu hoạch: Công đoạn hồi hộp nhất sẽ là đây. Mẹ em hay đùa bố rằng “bố mua cây cảnh về chơi một thời gian thì thành củi”. Em rất lo, có thể em trồng rau chưa già đã ra hoa, còn trồng hoa thì mãi chẳng thấy hoa. Nhưng thôi để chờ xem thế nào. Vậy mà em đã có kế hoạch phân bổ sản phẩm rồi: Rau thu hoạch sẽ được chia cho các gia đình bác em, cậu, cô và hàng xóm. Hoa cúc, hoa hồng thì được hái để chia cho các nhà cúng vào các ngày tuần rằm, giỗ tết và để làm đẹp cho không gian ấm cúng của các gia đình. V- Thuyết minh về tiến trình giải quyết tình huống Kinh nghiệm trồng cấy của người dân Việt Nam ta: “Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống” sẽ là điều vô cùng hữu ích cho em cải tạo khu vườn. Đối với em, việc phụ trách một khu vườn hơn 300 mét vuông là cả một trọng trách lớn, do đó em sẽ phải cố gắng hết sức để còn ghi điểm với bố mẹ. 1- Làm sạch và xử lý đất: Thời gian cho việc này mất khoảng 2-3 tuần. Em sẽ chọn thời điểm trước Tết nguyên đán sắp tới để tiến hành. Lúc này trời hanh khô, cỏ cây sau khi chặt sẽ chóng khô để đốt được. Em sẽ tranh thủ tưới nước vo gạo, giúp cho đất thêm mầu mỡ. 2- Gieo hạt và trồng rau: Cô giáo em bảo trong tiết xuân, cây cối sẽ có sức phát triển tốt nhất. Do vậy chờ ăn Tết xong em sẽ làm luống để giao hạt trồng rau cải cúc, các loại rau thơm: kinh giới, hành, tỏi, … và trồng hoa hồng. 3- Chăm sóc vườn rau: Hàng ngày em sẽ tưới rau, cắt tỉa cho hoa và vun xới cho các luống rau. Tuy nhiên, chắc là em sẽ phải xin phép bố mẹ chuyển về ở với bà nội để tiện chăm sóc cho vườn, ít ra là trong mùa vụ đầu tiên này. 4- Những vấn đề có thể phát sinh và cách giải quyết: a) Mưa gây úng ngập: Em sẽ cố gắng hết sức để che chắn các luống rau, hoa, nhất là lúc mới trồng để cây tránh bị giập nát khi trời mưa. Với các luống cây, em làm các rãnh thoát nước, đảm bảo khu vườn không bị ngập cục bộ cũng như không bị ứ đọng nước. b) Sâu bệnh ăn rau, hoa: Hàng ngày em sẽ phải để ý quan sát nhằm sớm phát hiện sâu bệnh để kịp thời chữa trị. VI- Ý nghĩa của việc giải quyết tình huống Nếu đề án này thành công khi triển khai, chắc chắn bố mẹ em sẽ rất vui vì em đã thực sự trưởng thành. Tuy nhiên nếu không thành công lắm (rau không tốt, hoa không đẹp) thì em cũng đã học được rất nhiều điều thông qua thực tiễn với nghề làm ruộng.Song cho dù thế nào, em cũng thấy việc thực hiện đề án này có những ý nghĩa như sau: 1- Góp phần làm sạch sẽ và làm đẹp cảnh quan môi trường gần nhà; 2- Đưa khu đất trống vào sử dụng để tạo ra giá trị; 3- Giúp gia đình cải thiện được bữa ăn hàng ngày thông qua các mùa vụ rau sạch, hoa tươi; 4- Giúp bà nội em có thêm chỗ để ngắm nghía mỗi khi bà rảnh rỗi, và (bố em bảo) là lý do để các bác, các cô chú gia đình em hay về thăm bà và nhân tiện lấy ít rau về ăn; 5- Trên tất cả, ý nghĩa của việc làm này là em được rèn luyện bản thân mình, được trải nghiệm một công việc đòi hỏi cả tri thức và kỹ năng khéo léo. Mặt khác, khi đã đam mê với việc chăm sóc rau hoa hàng ngày, em sẽ giảm tối đa thời gian chơi game. Điều đó chắc hẳn khiến bố mẹ em rất vui. Em được trau dồi kiến thức đã học bằng việc đưa chúng vào thực tiễn công việc. Em hiểu được rằng công việc của người làm vườn còn đòi hỏi độ kiên nhẫn và kỹ năng mềm rất nhiều. Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo đã giúp em có nhiều kiến thức để ứng dụng vào cuộc sống. Võ Trung Kiên
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan