Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo án - Bài giảng Sáng kiến kinh nghiệm Sáng kiến một số biện pháp rèn kĩ năng viết đúng chính tả cho học sinh lớp 5...

Tài liệu Sáng kiến một số biện pháp rèn kĩ năng viết đúng chính tả cho học sinh lớp 5

.DOC
14
90
112

Mô tả:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc MÔ TẢ SÁNG KIẾN Mã số:.......................................................................................... 1. Tên sáng kiến: Một số biện pháp rèn kĩ năng viết đúng chính tả cho học sinh lớp 5. 2. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục tiểu học. 3. Mô tả bản chất của sáng kiến: 3.1. Tình trạng giải pháp đã biết Bản thân tôi là một giáo viên dạy lớp 5 nhiều năm liền, tôi thấy các em viết còn mắc lỗi chính tả nhiều. Đặc biệt là khi kiểm tra, đánh giá bài Tập làm văn của các em thì thật là khổ. Các em viết không dài nhưng đọc bài viết và sửa lỗi cho các em thì rất là vất vả.Vì vậy, việc dạy HS viết đúng chính tả là một việc làm hết sức quan trọng, nó đòi hỏi sự kết hợp, vận dụng linh hoạt và sáng tạo nhiều yếu tố, nhiều biện pháp và hình thức dạy học. Như chúng ta đã biết, việc gì càng khó khăn thì nó lại càng quan trọng. Mà đã là quan trọng thì chúng ta lại càng phải làm và quyết tâm làm cho bằng được. Cũng vì những lí do trên mà tôi đã chọn đề tài sáng kiến kinh nghiệm giáo dục là: Một số biện pháp rèn kĩ năng viết đúng chính tả cho học sinh lớp 5. Mong rằng những biện pháp mà tôi đã sử dụng và đã thành công sẽ được nhiều thầy, cô biết đến và cùng chia sẻ. 1. Ưu điểm - Một số học sinh có thái độ học tập tốt, có ý thức về chính tả và kĩ năng viết đúng chính tả. - Học sinh phát hiện lỗi kịp thời và sửa chữa, khắc phục viết đúng. - Học sinh có tiến bộ khá rõ rệt. Các em cũng ý thức hơn khi viết bài nên bài viết ngày càng tiến bộ, ít mắc lỗi chính tả. 2. Hạn chế - Còn một số HS chưa có ý thức viết đúng chính tả. Cụ thể là những tiếng, từ có sẵn trong sách hoặc được GV hướng dẫn phân tích, so sánh, tìm hiểu về nghĩa nhưng các em vẫn viết sai. - Học sinh đọc còn yếu, nhiều tiếng còn phải dừng lại đánh vần, tốc độ đọc chỉ đạt 70 đến 80 tiếng / phút. Vì thế các em không nhớ chữ ghi âm, tiếng và từ, dẫn đến việc không hiểu nội dung câu văn. - Học sinh không nhớ các qui tắc chính tả đã học, nghĩ sao viết vậy, có em còn tự sáng tạo thêm các vần mới lạ như: unh, ing, âch,... - Học sinh không nắm được nghĩa của từ, vốn từ ngữ tích lũy được còn rất hạn chế hay viết lẫn lộn các âm đầu, âm cuối, vần và thanh. - Hiện nay, với sự phát triển nhanh về kimh tế, văn hóa và xã hội; việc nghe, nói, đọc, xem của học sinh thì rất nhiều nhưng viết thì ngày càng giảm. Học sinh chịu sự tác động của kênh hình trong học tập nhiều hơn kênh chữ và việc lạm dụng các vở bài tập, các câu hỏi trắc nghiệm trong kiểm tra làm cho học sinh rất ít có cơ hội được viết, được rèn chính tả. Lỗi mà đa số HS lớp tôi mắc phải chủ yếu là lỗi do ảnh hưởng của cách phát âm theo phương ngữ. Cụ thể: - Lẫn lộn các phụ âm đầu (v/d/gi; r/g; x/s; ng/ ngh;...) - Lẫn lộn hai âm chính (o/ô; ă/â) - Lẫn lộn các vần (iu/iêu; in/inh; ui/uôi; un/uôn; êu/iêu; it/ích) - Lẫn lộn các âm cuối (n/ng; t/c; i/y; o/u) - Lẫn lộn thanh hỏi với thanh ngã. - Ngoài các lỗi phổ biến trên, một số HS lớp tôi cón mắc một số lỗi riêng biệt (do không nắm vững cấu trúc âm tiết Tiếng Việt). Cụ thể: Ví dụ: chăm sóc thì viết thành chăn sóc; thành công thì viết là thàng công; củng cố thì viết là củnh cố;... 3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến - Mục đích của giải pháp Tôi viết sáng kiến kinh nghiệm này nhằm: + Giải quyết những khó khăn trong việc dạy chính tả, rèn cho HS ý thức, thói quen và hoàn thiện kĩ năng viết đúng chính tả, nhằm nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt. + Nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tích lũy thêm kinh nghiệm, giúp bản thân và các GV trong khối dạy tốt phân môn Chính tả. + Làm cho tất cả các GV tiểu học thấy rõ tầm quan trọng của phân môn Chính tả, kiên trì rèn luyện cho các em viết đúng chính tả ngay từ các lớp dưới. + Đẩy mạnh phong trào thi đua viết đúng, viết đẹp trong HS các khối lớp. + Trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp về dạy chính tả cho học. - Nội dung giải pháp Tính mới của giải pháp Mặc dù đề tài chỉ nghiên cứu ở HS lớp 5, nhưng có thể áp dụng ở cả cấp học, ở những môn học khác có liên quan đến chính tả. Đề tài này tôi đã thống kê những lỗi mà học sinh hay mắc phải và đưa ra một số biện pháp, mẹo luật chính tả để giúp học sinh dễ nhớ, dễ vận dụng. Các bước thực hiện a) Rèn cho HS kĩ năng phân tích chính tả (giải nghĩa từ, so sánh) Kĩ năng phân tích chính tả có vai trò rất quan trọng, quyết định học sinh có viết sai lỗi chính tả hay không. Để có được kĩ năng này, các em phải hiểu nghĩa của từ. Từ nghĩa đó, các em mới phân biệt với các từ mang nghĩa khác mà mình dễ lẫn lộn, viết nhầm. Có nhiều em kĩ năng phân tích chính tả còn yếu nên lỗi chính tả của các em mắc phải; ví dụ "song song" thì em viết thành "sông sông" hoặc "ngọn núi" thì em viết thành "ngọn nuối" thậm chí những từ rất gần gũi nhưng HS cũng viết sai một cách vô lí. Trong trường hợp này, GV đặc biệt chú ý giúp đỡ các em kĩ năng phân tích "từ" trong từng tiết học với nhiều hình thức để giúp HS hiểu nghĩa và viết đúng như: đặt câu, tìm từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, tranh ảnh, vật thật,...Công việc này đòi hỏi phải có thời gian dài, cần sự kiên trì của GV và HS. b) Rèn kĩ năng đọc đi đôi với luyện viết chính tả Như chúng ta đã biết đọc thông thì mới viết thạo. Học sinh đọc còn chậm, phát âm không chuẩn thì khó có thể viết đúng chính tả. Vì đọc chưa thông nên khi viết chính tả các em thường mắc các lỗi do không nắm vững chính tự và cấu trúc âm tiết Tiếng Việt. Vì vậy, đối với những HS này, trước hết tôi phải chú trọng khâu luyện đọc cho các em. Đầu năm học, lớp tôi có khoảng 5 em đọc còn yếu. Hằng ngày trên lớp, tôi chú ý rèn đọc cho các em bằng nhiều cách: - Gọi các em đọc bài nhiều lần không chỉ ở phân môn Tập đọc mà cả ở những môn học khác, kiên trì sửa phát âm cho từng em. - Tổ chức cho các em đọc bài theo nhóm đôi trong 15 phút đầu giờ; ít nhất 2 lần / tuần. - Phân công HS giỏi đọc bài cùng các em khi luyện đọc trong nhóm. - Giao bài cho các em luyện đọc và viết bài ở nhà; ngày sau tôi kiểm tra và nhận xét (tuyên dương trước lớp dù tiến bộ chậm). - Khuyến khích các em học thuộc lòng một đoạn văn ngắn, một vài khổ thơ, rồi nhớ - viết đoạn văn hay khổ thơ đã thuộc. c) Kết hợp ghi nhớ hình thức chữ viết của từ và nghĩa của từ Việc nắm nghĩa của từ rất quan trọng, giải nghĩa từ thường được thực hiện trong tiết Luyện từ và câu, Tập đọc, Tập làm văn,... Hiểu nghĩa của từ là một trong những cơ sở giúp HS viết đúng chính tả. Nó sẽ giúp HS giải quyết được những lỗi chính tả do ảnh hưởng cách phát âm theo phương ngữ. Có nhiều cách để giải nghĩa từ cho HS: GV có thể cho HS đọc phần chú giải, đặt câu, tìm từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, miêu tả đặc điểm hoặc sử dụng vật thật, mô hình, tranh ảnh. Học sinh lớp tôi mắc lỗi chính tả một phần lớn là do các em không nắm được nghĩa của từ. Vì thế, khi dạy chính tả hoặc dạy các phân môn học khác của môn Tiếng Việt, tôi luôn chú ý giúp các em: - Hiểu nghĩa của từ, phân biệt từ này với từ khác để các em ghi nhớ cách viết của mỗi từ. Ví dụ: Nếu tôi đọc một từ có hình thức ngữ âm là "dành" thì HS sẽ lúng túng trong việc xác định hình thức chữ viết của từ này. Nhưng nếu tôi đặt nó vào một ngữ cảnh hay gắn cho nó một nghĩa xác định như: + Em để dành tiền mua sách truyện Thiếu nhi. + Trong trận đấu bóng ngày mai, các em phải giành lấy chiến thắng. + Các em cần đọc rõ ràng, rành mạch để cả lớp cùng nghe. Có như vậy, HS sẽ dễ dàng viết đúng chính tả. - Khi đọc chính tả cho HS viết, tôi đọc từng cụm từ (diễn đạt một ý nhỏ), tôi luôn nhắc nhở HS chú ý lắng nghe, hiểu nghĩa của từ. - Khi HS sửa lỗi trong bài chính tả, tôi đề nghị các em ghi từ chứa tiếng sai rồi sửa lại cho đúng; không nên chỉ ghi một tiếng sai rồi sửa lại, sửa như vậy các em sẽ không ghi nhớ các từ đã viết sai. - Trong các tiết Tập đọc, tôi tập cho các em tìm cách ngắt, nghỉ hơi ở những câu dài, ngắt nghỉ đúng các dấu câu, giải nghĩa các từ khó. - Khi HS làm bài tập chính tả, tôi chọn các bài tập theo phương ngữ Nam Bộ, tập trung vào các "trọng điểm chính tả" để khắc phục các lỗi chính tả do cách phát âm của địa phương. Ngoài việc hướng dẫn HS làm bài tập trong sách, tôi còn thay đổi hình thức và nội dung bài tập bằng cách vận dụng nguyên tắc phối hợp giữa phương pháp tích cực với phương pháp tiêu cực. Nghĩa là tôi hướng dẫn HS làm các bài tập chính tả theo hướng loại bỏ cái sai, xác định cái đúng. Theo cách này, tôi đã điều chỉnh thay đổi nội dung và hình thức một số bài tập trong sách nhưng vẫn bám sát yêu cầu cần đạt của bài học. Ví dụ: Bài tập chính tả tuần 16 yêu cầu tìm các từ ngữ chứa tiếng vàngdàng; vào-dào; vỗ-dỗ. Thay vì cho các em tìm từ chứa các tiếng đã cho, tôi cho sẵn các từ và yêu cầu các em tìm các từ viết sai chính tả, rồi sửa lại cho đúng. Chẳng hạn: Tìm các từ viết sai chính tả trong bảng dưới đây rồi sửa lại: vàng - dàng vào - dào vỗ - dỗ - màu vàng - ra dào - dỗ tay - dàng bạc - vào học - vỗ về - dội dàng - dồi dào - sóng dỗ - dễ dàng - dạt dào - dỗ dành - dềnh dàng - dào lớp - dạy dỗ Đối với những bài tập dạng này, tôi thường tổ chức cho các em thi đua " Tìm đúng, tìm nhanh" trong nhóm. d) Ôn tập giúp HS nắm vững các qui tắc chính tả Ngoài những bài tập chính tả phân biệt mà mỗi GV phụ đạo cho HS, từng lúc GV cho HS học lại những mẹo, luật viết chính tả mang tính rập khuôn như: nguyên tắc kết hợp k, ng, ngh với i, e, ê, iê; luật bổng trầm: ngang/sắc/hỏi; huyền/ngã/nặng đối với các từ láy âm... Các quy tắc viết hoa. Lưu ý những HS ở trường hợp này thường rất ngại học những điều mang tính lí thuyết đơn thuần. GV cần khéo léo đưa vào một số bài tập để HS tự phát hiện, tự nhớ và sẽ nhớ lâu hơn. Để giúp HS nắm vững quy tắc chính tả một cách khái quát có hệ thống, tôi đã chọn lọc, tổng hợp các quy tắc và một số "mẹo" chính tả ở mức độ đơn giản để HS dễ nhớ, dễ thuộc, thậm chí khi nào quên các em có thể giở ra xem để viết đúng chính tả. Ngoài ra, GV có thể cung cấp HS một số mẹo luật khác để các em dễ học, dễ nhớ và nhanh thuộc. - Qui tắc ghi phụ âm đầu + Qui tắc viết k/c/q Cách viết: Trước i, e, ê được viết là k; trước âm đệm u được viết là q. Ví dụ: kể chuyện, kiên cường,... + Qui tắc viết g/gh và ng/ngh Cách viết: trước i, e, ê được viết là gh hay ngh. Viết g hay ng trong các trường hợp còn lại. Ví dụ: ghi nhớ, ghe xuồng, nghiên cứu, suy nghĩ,... - Qui tắc ghi âm i, y Cách viết: Viết i sau phụ âm đầu. Viết y sau âm đệm. Khi nguyên âm này đứng một mình thì viết i đối với từ thuần Việt; viết y đối với từ gốc Hán. Ví dụ: niềm tin, tiên tiến, truyện, chuyển, âm ỉ, ầm ì, ... y tá, y hệt, y phục,... - Qui tắc ghi dấu thanh các tiếng có nguyên âm đôi Cách viết: Có âm cuối thì đặt dấu thanh ở chữ cái thứ hai của nguyên âm đôi. Không có âm cuối thì đặt dấu thanh ở chữ cái thứ nhất của nguyên âm đôi. Ví dụ: mượn, trườn, cuồn, cuộn, chuối, ... múa, mía, lửa, cứa, đĩa, ... - Qui tắc viết tên riêng Việt Nam (tên người và tên địa danh Việt Nam, tên các cơ quan, tổ chức, ...) Cách viết: Viết hoa tất cả các chữ cái đầu của mỗi tiếng tạo thành tên riêng đó. Viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên riêng đó. Ví dụ: Võ Thị Sáu, Trần Quốc Toản, Nông Văn Dền, ... Trường Tiểu học Tân Quý, Nhà Xuất bản Giáo dục, ... - Qui tắc viết tên riêng nước ngoài (trường hợp phiên âm qua âm Hán Việt. Trường hợp không phiên âm qua âm Hán Việt) Cách viết: Viết hoa chữ cái đầu mỗi bộ phận tạo thành tên riêng và có gạch nối giữa các tiếng. Viết hoa theo qui tắc viết hoa tên người, tên địa lí Việt Nam. đ) Cung cấp cho học sinh một số mẹo luật chính tả đơn giản, dễ nhớ Mẹo luật chính tả là một hiện tượng chính tả mang tính quy luật chi phối hàng loạt từ, giúp GV khắc phục lỗi chính tả cho HS một cách rất hữu hiệu. Ngay từ lớp 1, các em đã được làm quen với luật chính tả đơn giản: các âm đầu k, ngh chỉ kết hợp với các âm i, e, ê. Ngoài ra, GV có thể cung cấp cho HS một số mẹo luật khác: - Mẹo tương ứng thanh điệu trong từ láy: Trong các từ láy đôi, các dấu thanh bao giờ cũng cùng một nhóm: huyền, ngã, nặng hoặc không, sắc, hỏi. HS dễ dàng nhớ mẹo này qua câu lục bát sau: Chị Huyền mang nặng, ngã đau Hỏi không sắc thuốc lấy đâu mà lành. - Mẹo "Mình nên nhớ viết là dấu ngã" : + Với m (mình): mẫn cảm, mãnh liệt, mạnh mẽ, mĩ thuật, mĩ mãn, .... + Với n (nên): nỗ lực, phụ nữ, noãn bào, nỗi niềm, ... + Với nh (nhớ): nhẫn nại, nhiễm bệnh, truyền nhiễm, tham nhũng, ... + Với v (viết): vĩ đại, vĩ nhân, vĩ tuyến, viễn thị, viễn cảnh, vỗ tay, cổ vũ, ... + Với d (dấu): dưỡng sinh, nuôi dưỡng, dũng cảm, dã thú, dã man, ... + Với ng (ngã): té ngã, ngỡ ngàng, ngưỡng mộ, ngôn ngữ, ... - Mẹo nhóm nghĩa tr - ch: + Mẹo trường từ vựng: Những từ chỉ quan hệ thân thuộc trong gia đình thì thường viết là ch chứ không viết là tr: cha, chú, chị, cháu, chắt, chồng, ... Những từ chỉ đồ vật trong gia đình thì thường viết là ch không viết là tr: chai, chum, chạn, chén, chổi, chõng, chão, chiếu, ... (ngoại trừ tráp, đồ vật này ít dùng). + Mẹo kết hợp âm đệm: Tr không bao giờ đi với các vần: oa, oă, oe, uê. Chỉ có ch là có khả năng đi với các vần này. Ví dụ: choáng váng, loắt choắt, chạch chọe, chuệch choạng, ... + Mẹo láy âm: Ch láy âm với các phụ âm đứng trước hoặc đứng sau; Tr không láy âm với các phụ âm khác, trừ 4 ngoại lệ, đều láy với L: trọc lóc, trụi lủi, trót lọt, trẹt lét. + Mẹo thanh đệm trong từ Hán Việt: Những từ Hán Việt mang dấu nặng và dấu huyền đều chỉ đi với Tr chứ không đi với Ch Ví dụ: trịnh trọng, trạm xá, trục lợi, từ trường, lập trường, trừng trị, ... + Mẹo đồng nghĩa "tranh - giành": Trong tiếng Việt có nhiều cặp từ đồng nghĩa mà một được viết với Tr, một được viết với Gi Ví dụ: tranh - giành, trai - giai, trở mặt - giở mặt, trồng - giồng, ... - mẹo nhóm nghĩa s - x + Tên thức ăn và đồ dùng nấu ăn thường viết là x: xôi, xúc xích, xì dầu, xoong, ... + Các động từ, tính từ thường viết là: xem, xách, xẻ, xay, xát, xào, ... Hầu hết các danh từ còn lại đều viết là s . Chỉ người: đại sứ, sư sãi, giáo sư, gia sư, kĩ sư, ... . Chỉ cây cối: sen, sung, sấu, sắn, si, sim, ... . Chỉ đồ vật: sọt, sợi dây, sợi vải, ... . Chỉ sự vật, hiện tượng: sao, sương, sông, suối, sấm, sét, ... - Mẹo kết hợp âm đệm: S không kết hợp với oa, oă, oe, uê. Chỉ có thể viết X với 4 vần này: xoa tay, xoắn lại, xòe tay, xuề xòa, ... Ngoại lệ: soát trong rà soát, kiểm soát,... soạn trong bài soạn, tòa soạn,... soán trong soán ngôi, soán đoạt. - Mẹo láy âm: Chỉ có X mới láy âm với các phụ âm đầu khác, còn S hầu như không có khả năng này. Ví dụ: bờm xờm, búa xua, lòa xòa, xích míc, xo ro, ... Ngoại lệ; sáng láng, loạt soạt. Nhờ có bảng tổng hợp các qui tắc và mẹo luật chính tả này mà HS lớp tôi sôi nổi học tập, hầu như em nào cũng thuộc các câu thơ về mẹo luật chính tả, lỗi chính tả đã giảm đi đáng kể. Nhưng chỉ nắm các qui tắc và các "mẹo" chính tả thì vẫn chưa khắc phục được triệt để các lỗi chính tả. Vì vậy, khi dạy chính tả, tôi phải phối hợp vận dụng cả qui tắc "Kết hợp chính tả có ý thức với chính tả không ý thức". Phương pháp có ý thức vẫn được coi là chủ yếu như ghi nhớ các qui tắc, các mẹo chính tả,... Nhưng trong một số trường hợp ghi nhớ các hiện tượng chính tả có tính chất võ đoán, không gắn với một qui luật, qui tắc nào thì tôi dạy các em cách "nhớ từng từ một", đây cũng là giải pháp khá hữu hiệu, hợp lí. Bởi vì, phần lớn những người viết đúng chính tả hiện nay đều dựa vào cách nhớ từng từ một. Theo cách này, tôi hướng dẫn HS chỉ cần tập trung nhớ mặt chữ của những từ dễ viết sai. Những từ dễ viết sai này chiếm tỉ lệ không nhiều, do đó HS có thể ghi nhớ được. Chẳng hạn: rượu, huơu, khướu, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, xoong,... hoặc từ để chỉ viết thanh hỏi; từ kể chỉ viết thanh hỏi; từ những chỉ viết thanh ngã (ngoại lệ: nước nhửng) chỉ sự việc dừng lại. e) Hướng dẫn HS phát hiện lỗi vả sửa lỗi Song song với việc ôn tập giúp HS nắm vững các qui tắc và mẹo chính tả, việc HS phát hiện lỗi và sửa lỗi trong bài cũng rất quan trọng. Đây là một thói quen mà GV cần phải rèn cho HS, không chỉ ở chính tả mà ở tất cả các môn học khác. - Đối với bài chính tả Đoạn bài, sau khi HS viết xong, tôi tổ chức cho các em đổi vở và soát lỗi lẫn nhau. Tôi qui định lỗi cụ thể, yêu cầu các em soát lỗi bài của bạn, dùng bút chì gạch chân chữ viết chưa chính xác, tổng hợp số lỗi rồi trả về cho bạn. HS nhận vở về, tự sửa chữ viết chưa chính xác sao cho đúng. - Sau khi các em đã soát lỗi xong, tôi thu vở khoảng 1/4 lớp để nhận xét, đánh giá. Ghi nhận xét cụ thể, khen những em có tiến bộ, động viên những em còn mắc lỗi ở trong vở, nhằm kích lệ sự cố gắng của các em. - Đối với các bài tập, tôi thường tổ chức các em làm bài trong nhóm nhỏ, bằng nhiều hình thức thi đua như: Ai nhanh, ai đúng; Tìm nhanh, viết nhanh; ... Các nhóm ghi bài làm của nhóm mình vào bảng phụ hoặc phiếu học tập để cả lớp nhận xét, bầu chọn nhóm làm đúng, nhanh, trình bày đẹp. - Đối với những môn học khác, tôi cũng luôn nhắc nhở HS viết đúng chính tả. Khi kiểm tra, đánh giá bài tập của HS, ngoài mặt kiến thức, tôi cũng gạch chân chữ viết chưa đúng và yêu cầu các em sửa lại. Có như vậy, sẽ hình thành dần thói quen HS viết đúng chính tả. g) Tuyên dương, khen thưởng những HS có tiến bộ trong học tập Học sinh Tiểu học rất thích được khen, thưởng, tuyên dương. Các em rất thích được thầy, cô khen bằng lời nhận xét cụ thể: về chăm học, về sự phấn đấu, rèn luyện, về sự tiến bộ đáng kể của bản thân, ... Những lời khen đó, các em hết sức vui mừng, thích đến trường; tích cực, cố gắng hơn, tự giác hơn trong học tập. Hiểu được tâm lí của các em như vậy, nên tôi luôn động viên, khuyến khích các em. Tôi luôn theo dõi sát quá trình học tập của HS, dù chỉ một tiến bộ nhỏ của các em về thái độ học tập cũng như kết quả học tập, tôi đều khen ngợi kịp thời. Đối với những em còn chính tả nhiều, cứ nửa học kì, tôi chọn vài em có sự tiến bộ nhanh trong chính tả, các em đó sẽ nhận được phần thưởng của tôi. Thường là một cuốn vở có chữ kí của tôi và được bao bìa cẩn thận. Tôi nghĩ phần thưởng tuy nhỏ nhưng các em sẽ rất vui và rất hãnh diện. 3.3. Khả năng áp dụng của giải pháp Qua nhiều năm giảng dạy lớp 5 và tham khảo ý kiến của bạn bè đồng nghiệp, tôi thấy với phương pháp rèn cho HS viết đúng chính tả này có thể áp dụng cho cả cấp học: từ lớp 1 đến lớp 5. Tôi đã áp dụng các biện pháp nói trên và tôi nhận thấy HS lớp tôi đã có sự chuyển biến rõ rệt, chất lượng phân môn Chính tả có được nâng lên. Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo chuyên đề này cho tổ, nếu được sự đồng ý của BGH, tôi sẽ báo cáo cho toàn thể GV trong trường tham khảo, có thể vận dụng để giúp HS viết đúng Tiếng Việt. 3.4. Hiệu quả, lợi ích thu được do áp dụng giải pháp Bằng các biện pháp, các hình thức tổ chức nói trên, tôi đã từng bước hình thành ở HS năng lực và thói quen viết đúng chính tả, các em viết chính tả một cách có ý thức chứ không tùy tiện như trước nữa. Đầu năm, lớp tôi có khoảng hơn 1/3 học sinh viết sai chính tả nhiều, (từ 5 đến 10 lỗi/bài). Nhưng hiện tại, các em đã có sự tiến bộ rõ rệt; các em không chỉ có ý thức viết đúng chính tả mà còn có ý thức rèn luyện chữ viết, về nhà các em tự luyện viết thêm. Đến thời điểm hiện tại, lớp tôi chỉ còn khoảng 2-3 em còn mắc lỗi, nhưng không quá 5 lỗi. Điều đó tôi rất vui và nhận thấy được sự thành công của mình trong lĩnh vực chuyên môn. Qua thực tế giảng dạy và áp dụng các biện pháp nói trên tôi rút ra được một số bài học kinh nghiệm như sau: * Đối với giáo viên: - Giáo viên cần phải nắm vững các qui tắc của chính tả Tiếng Việt. - Giáo viên căn cứ vào đặc điểm phát âm thực tế của địa phương, thường phát âm chưa chuẩn ở những lỗi nào để chọn bài tập cho thích hợp. - Giáo viên không chỉ sửa lỗi chính tả cho HS trong giờ học chính tả mà còn phải sửa lỗi ở các môn học khác nếu các em viết sai. - Giáo viên phải có kĩ năng viết đúng chính tả, kĩ năng phát âm rõ Tiếng Việt và rèn chữ viết cho đúng mẫu để HS bắt chước. * Đối với học sinh: - Cần thường xuyên đọc thêm sách, báo, truyện để mở rộng vốn từ, hiểu đúng nghĩa của từ và cách viết của từ. Khi thực hành viết bài chính tả cần tập trung lắng nghe để có bài viết tốt, không hoặc ít mắc lỗi. - Cần rèn kĩ năng viết đúng chính tả trong tất cả các môn học. - Nắm được một số qui tắc chính tả đã học để thực hành và sửa sai kịp thời những lỗi mắc phải trong giờ học. - Có thói quen đọc, soát lại bài sau khi viết xong. Bên cạnh sự cố gắng của bản thân, tôi còn nhận được sự ủng hộ từ phía phụ huynh học sinh. Và đặc biệt là sự tiến bộ hằng ngày của HS. Sự tiến bộ và chăm ngoan của các em đã làm tôi phấn khởi và tự tin vào sự thành công của mình./. Bến Tre, ngày 15 tháng 4 năm 2016 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập- Tự do- Hạnh phúc MÔ TẢ SÁNG KIẾN Mã số:............................................................................................................ Tên sáng kiến: Nâng cao năng lực sư phạm qua các tiết dự giờ. 1. Lĩnh vực áp dụng: Giáo viên tiểu học 2. Mô tả bản chất của sáng kiến: 2.1. Tình trạng giải pháp đã biết: Với chủ đề năm học:" Năm học tiếp tục đổi mới quản lí và nâng cao chất lượng giáo dục", đội ngũ giáo viên trường tôi không ngừng ra sức học tập, rèn luyện phấn đấu để nâng cao chất lượng dạy và học đạt hiệu quả cao. Nhìn chung, đội ngũ giáo viên trường tôi khá đông; giáo viên dạy bộ môn, giáo viên dạy chuyên hầu như chưa được qua trường lớp đào tạo chuyên môn. Còn nói về giáo viên chủ nhiệm thì tay nghề, năng lực sư phạm không đồng đều lắm, còn hạn chế về nhiều mặt trong công tác giảng dạy, chẳng hạn: Về đổi mới phương pháp dạy học hoặc quy trình dạy cho một môn học, dạy phân hóa theo chuẩn kiến thức- kĩ năng, nội dung lồng ghép, tích hợp. Thậm chí dạy chưa sát mục tiêu bài học mới... Từ đó tiết học trở nên rườm rà, rời rạc, thiếu tự nhiên, hoạt động thầy và trò không đồng bộ, không phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Do đó, hiệu quả giáo dục không cao.Từ đó, bản thân tôi muốn tìm ra phương pháp hữu hiệu nhất nhằm giúp đỡ giáo viên trường từng lúc sẽ nâng cao năng lực sư phạm qua các tiết dự giờ, thao giảng, sinh hoạt cụm chuyên môn. Bản thân tôi được dạy nhiều năm ở tiểu học, là giáo viên chủ nhiệm lớp, tôi đã được dạy, đi dự giờ, thao giảng, sinh hoạt cụm chuyên môn trao đổi với bạn bè đồng nghiệp rất nhiều, nhằm từng lúc nâng cao tay nghề, năng lực giảng dạy cho bản thân. Tuy nhiên trong hội đồng sư phạm trường vẫn còn số ít giáo viên tuy được bạn bè đồng nghiệp, Ban giám hiệu giúp đỡ dự giờ, kiểm tra nhưng tay nghề vẫn không tiến bộ, thậm chí có giáo viên ngày càng sa xúc trong chuyên môn. Với những lí do trên, tôi chọn đề tài:" Nâng cao năng lực sư phạm qua các tiết dự giờ". Dự giờ ở đây bao gồm thao giảng, hội giảng, sinh hoạt cụm chuyên môn... nói chung là dừ giờ. Ưu điểm: Những năm gần đây và hiện nay Phòng giáo dục đã chỉ đạo cho các trường: mỗi giáo viên phải dạy cho đồng nghiệp dự ít nhất là 6 tiết, rải đều ở các môn học trong một năm học và đi dự ở bạn bè trong và ngoài trường ít nhất 18 tiết trong một năm học. Như vậy, được dạy và dự nhiều tiết như thế, chúng ta sẽ được học hỏi, trao đổi, rút kinh nghiệm lẫn nhau, nhằm tích cực đổi mới, tìm ra phương pháp dạy học tốt nhất, đạt hiệu quả cao nhất. Từ đó sẽ trau dồi, trang bị chuyên môn cho mỗi giáo viên, để mỗi giáo viên chúng ta phục vụ cho công tác giảng dạy ngày càng tốt hơn. Như vậy, công tác dự giờ là hết sức quan trọng, mỗi giáo viên thực sự yêu nghề, mến trẻ thì phải thực hiện một cách nghiêm túc và thật tốt công tác dự giờ, thao giảng, sinh hoạt cụm chuyên môn. Khuyết điểm: Hiện nay, một số bộ phận giáo viên chúng ta vẫn còn xem nhẹ công tác dự giờ, cho rằng công việc này là một phần gánh nặng trong chuyên môn. Do đó, khi dự giờ chỉ đi cho có, chỉ ghi chép qua loa; nhằm để đối phó với chỉ tiêu năm học hoặc kiểm tra của các cấp lãnh đạo, chứ chưa rút ra được cái hay, cái hạn chế qua mỗi tiết dạy của từng phân môn. Cho nên, khi được bạn bè đồng nghiệp dự giờ thì không thể hiện được năng lực sư phạm của mình, thậm chí vẫn còn mắc phải những lỗi, những hạn chế mà đồng nghiệp đã thực hiện. Như vậy, các tiết dự giờ đó trở nên vô ích, uổng phí thời gian và công sức của bản thân mà thôi. 2.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến a)- Trong dự giờ, học hỏi, trao đổi đồng nghiệp cơ bản là: - Tìm ra phương pháp dạy học tốt nhất, học sinh tự mài mò đi tìm kiến thức một cách chủ động, sáng tạo dưới sự hướng dẫn của giáo viên. - Học tập, trao đổi về hình thức tổ chức các hoạt động cho một tiết dạy; cơ bản là hoạt động trọng tâm của tiết học. - Hình thức, phương pháp dạy học phân hóa theo chuẩn kiến thức- kĩ năng. Ở đây, có nghĩa là tất cả học sinh trong lớp, với mọi trình độ tiếp thu bài khác nhau đều được đóng góp, tham gia phát biểu ý kiến xây dựng bài mới một cách linh hoạt, tự nhiên. - Nội dung lồng ghép, tích hợp như: giáo dục tư tưởng, tình cảm, giáo dục học sinh về bảo vệ tài nguyên môi trường biển, hải đảo; ứng phó biến đổi khí hậu hoặc sử dụng phương pháp: Bàn tay nặn bột...Giáo viên tiến hành như thế nào? Ở đây, đòi hỏi giáo viên giáo dục học sinh một cách nhẹ nhàng nhưng phải có chiều sâu, có tác dụng rõ rệt. Từ đó, học sinh mới thấy được trách nhiệm cần thực hiện của bản thân và của cộng đồng xã hội. Qua nghiên cứu học tập ở đồng nghiệp, tài liệu, báo đài, ... rối áp dụng vào thực tế, thực hiện những cái hay, cái mới ở bạn bè, tài liệu, báo đài. Tôi nhận thấy rằng thành công chính là: Tình yêu nghề, tính cần cù, sáng tạo và làm việc có kế hoạch... Dạy bằng cái " tâm" của người thầy đó là " điểm mới" trong giảng dạy của tôi. b)- Những điểm khác biệt, tính mới của giải pháp so với giải pháp đã, đang được áp dụng: Khi dự giờ đồng nghiệp, để có một tiết dự giờ tốt, hoàn chỉnh chúng ta cần phải chú ý đến quá trình lên lớp của giáo viên một cách đầy đủ, chính xác, không lơ là bỏ qua chi tiết nào. Có như vậy, chúng ta mới hệ thống, bao quát được tiết dạy và ghi chép một cách đầy đủ. Tôi xin nêu một số kinh nghiệm của bản thân trong công tác dự giờ: * Ghi chép trong dự giớ: - Sổ ghi chép phải thể hiện rõ hoạt động của thầy và hoạt động của trò trong suốt một tiết học. - Giáo viên đứng trên lớp phải chuẩn mực về tác phong, ngôn phong; thể hiện được mối quan hệ thân thiện giữa thầy và trò( có lúc cũng phải nghiêm khắc, nhưng có lúc cũng phải cởi mở, gần gũi, thân thiện với học sinh) trong suốt quá trình lên lớp. - Tiết dạy nhẹ nhàng, không gây áp lực; giáo viên phải bao quát được lớp và phải phân hóa được các đối tượng học sinh trong lớp. Có nghĩa là đối với học sinh yếu kém các em cũng được tham gia phát biểu ý kiến, xây dựng bài. Có như vậy tiết học nới sinh động, kích thích được sự học tập của học sinh cả lớp. - Giáo viên phải có sự chuẩn bị bài chu đáo trước khi lên lớp: Giáo viên tự tin xác định mục tiêu bài dạy, chủ động trong tiết dạy, không bị lúng túng trong từng hoạt động của tiết học. - Lời nói, câu hỏi hoặc các tình huống giáo viên nêu ra đòi hỏi phải rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn, sát mục tiêu để học sinh dễ tiếp thu bài học. - Sắp xếp, phân bố thời gian cho từng hoạt động một cách hợp lí chưa? Có dành thời gian ưu tiên cho hoạt động trọng tâm chưa? - Trong quá trình dạy phải đảm bảo tính hệ thống, lô gic cho từng hoạt động; cách chuyển ý của từng hoạt động phải có mối quan hệ nhau... có như vậy mới giúp học sinh sẵn sàng nắm bắt kiến thức tiếp theo. - Bài học có liên quan đến giáo dục tư tưởng, tình cảm; giáo dục về Bảo vệ tài nguyên môi trường biển- hải đảo hoặc Ứng phó Biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tiết kiệm- hiệu quả... Nội dung lồng ghép phải sát mục tiêu bài dạy, lồng ghép giáo dục phải nhẹ nhàng, tự nhiên, nhưng phải có chiều sâu. Từ đó, học sinh sẽ thấy được trách nhiệm phải thực hiện của bản thân và của cộng đồng xã hội. - Dạy học phải đảm bảo đúng chuẩn kiến thức- kĩ năng, thực hiện đúng công văn 5842.( Ngoài nội dung bài học, nếu giáo viên có bổ sung thêm củng cố bài học để học sinh nắm vững, chắc kiến thức mà vẫn đảm bảo được thời gian; thì đây mà điều mà chúng ta cần phải trao đổi, học hỏi và áp dụng. - Cách trình bày bảng, giáo viên đứng lớp phải có định hướng trước cho từng hoạt động, trình bày khoa học, đẹp, rõ ràng, dùng phấn màu thích hợp thể hiện được nội dung bài học. Giáo viên dự giờ cần ghi chép đầy đủ quá trình thực hiện của giáo viên đứng lớp. Có như vậy sau tiết dạy tổ đóng góp, rút kinh nghiệm một cách thiết thực, chân thành những ưu điểm, hạn chế... Từ đó, mỗi giáo viên tự điều chỉnh về chuyên môn cho bản thân nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn trong công tác giảng dạy. * Vận dụng phương pháp dạy học: - Đây là việc đòi hỏi về tính kĩ thuật, chuyên môn cao nhất, đòi hỏi người giáo viên phải nghiên cứu, đầu tư nhiều. Để học sinh tự sáng tạo, tích cực, chủ động tiếp thu kiến thức một cách linh hoạt. Do đó, người giáo viên phải đầu tư nghiên cứu về mục tiêu bài dạy, bài dạy có bao nhiêu hoạt động, hoạt động nào là trọng tâm... để từ đó giáo viên lựa chọn phương pháp dạy học sao cho đạt hiệu quả cao nhất. * Cách tổ chức các hoạt động trong lớp. Tiết học có sinh động hay không là do sự sắp xếp, tổ chức các hoạt động của giáo viên đứng lớp: - Sự phối hợp và làm việc giữa thầy và trò có đồng bộ không? - Giáo viên có tôn trọng và gần gũi, thương yêu học sinh không? Những vấn đề trên sẽ được biểu hiện qua thái độ, cử chỉ, ngôn ngữ, phong thái của giáo viên đứng lớp. - Giáo viên có bao quát được tất cả học sinh trong lớp và có khích lệ được sự học tập của học sinh chưa? Đặc biệt đối với học sinh yếu, kém. - Không khí làm việc trong lớp có đồng bộ không? Hay chỉ là giả tạo, gò ép, tiết học trở nên nặng nề. - Về cách thức tổ chức các hoạt động trên lớp có khoa học; có gây được sự hứng thú học của học sinh không? - Hình thức tổ chức các hoạt động phải linh hoạt, sôi nổi trong quá trình học hay chỉ là hình thức sơ sài. * Giải quyết các tình huống sư phạm. Trong quá trình giảng dạy, đôi lúc xảy ra những tình huống khác nhau. Chẳng hạn: thắc mắc đề xuất của học sinh, học sinh làm bài sai hoặc làm bài không được; học sinh lơ là thiếu tập trung, còn làm việc riêng trong giờ học... thì cách giải quyết các tình huống trên như thế nào, có động viên kích thích được việc học tập của học sinh hay không? 2.3. Khả năng áp dụng của giải pháp: Qua nhiều năm công tác, ngoài việc học tập, bồi dưỡng, bản thân tôi đã được dạy và dự giờ nhiều tiết ở trường, cũng như ở trường bạn, được dạy và dự đều ở các phân môn. Hiện nay, tôi thấy mình tự tin hơn, vững vàng hơn trên bụt giảng. Sẵn sàng đăng kí thi đua giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, Chiến sĩ thi đua cơ sở và đã có nhiều năm đạt các danh hiệu trên. Qua các tiết dự giờ, thao giảng ở trường, trong tổ chuyên môn, được sự góp ý, trao đổi một cách chân thành, thiết thực về những ưu điểm và hạn chế của từng tiết dạy. Từ những việc làm trên mà bạn bè đồng nghiệp trường tôi hiện nay ngày càng tự tin trong công tác và tay nghề cũng vững vàng hơn ; chất lượng hiệu quả giáo dục từng lúc được nâng cao rõ rệt. 2.4. Hiệu quả, lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng giải pháp: Trong dạy học, việc tìm ra phương pháp hữu hiêu nhất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; đó là nỗi đắn đo, trăn trở của tôi, đó cũng chính là động lực thúc đẩy tôi tìm ra những bài học cho mình, nhằm giúp học sinh biết cách học đề giúp các em có kết quả cao trong học tập. Dạy học bằng tình yêu thương học sinh: nói là phải làm, giao việc phải kiểm tra, đánh giá đúng với thực chất, năng lực của học sinh. Dạy học phải nắm được tâm, sinh lí lứa tuổi, phải động viên, luôn tìm lời khen ngợi, tạo cơ hội để những học sinh yếu cũng được khen. Kích thích sự nổ lực, phấn đấu học tập của các em. Bằng nhiều con đường: tự học, tự rèn, tự bồi dưỡng, dự giờ học hỏi ở bạn bè đồng nghiệp... tôi đã mang lại cho lớp sự hứng thú học tập: " Học mà vui, vui mà học" quên đi sự nhàm chán. Nhiều năm qua, lớp tôi không có học sinh yếu ở kết quả cuối năm. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra được Ban giám hiệu tin tưởng, bạn bè đồng nghiệp tin yêu. Tôi sẵn sàng san sẽ những gì mình đã làm được, nhất là góp ý chân tình qua các tiết dạy của bạn bè đồng nghiệp. Với tất cả những gì tôi đã nêu trên, đều là do trong quá trình nhiều năm công tác; tôi cảm thấy mình tự tin khi được đóng góp công sức trong ngành giáo dục. Xin được san sẽ một phần nhỏ của bản thân cùng với các cấp lãnh đạo và bạn bè đồng nghiệp. Chân thành cảm ơn. Ngày 12 tháng 01 năm 2016
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng