Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Chuyên đề rèn luyện năng lực tưduy cho học sinh thpt chuyên ngữ văn qua phân mô...

Tài liệu Chuyên đề rèn luyện năng lực tưduy cho học sinh thpt chuyên ngữ văn qua phân môn tập làm văn và lý luận văn học

.PDF
15
631
78

Mô tả:

MÃ: V19 Chuyên đề: Rèn luyện năng lực tư duy cho học sinh THPT chuyên Ngữ văn qua phân môn tập làm văn và lý luận văn học. Người thực hiện: Phan Huy Nghiêm, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha Tây Ninh. A. PHẦN MỞ ĐẦU: Văn học là một loại hình nghệ thuật sáng tạo bằng ngôn từ. Nó là kết quả của một loại hoạt động tư duy đặc trưng- tư duy nghệ thuật. Tư duy nghệ thuật là dạng hoạt động trí tuệ của con người hướng tới việc sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật. Phương tiện của nó là hệ thống các ký hiệu nghệ thuật, các hình tượng, các phương tiện tạo hình và biểu hiện. Tư duy nghệ thuật dựa trên một nền tảng tâm lý khác hẳn với các loại tư duy khác. Chính vì thế mà bộ môn ngữ văn trong nhà trường từ trước đến nay là giáo dục nhân cách, bồi dưỡng tư tưởng tình cảm thẩm mỹ, phát triển tư duy hình tượng cho học sinh- chức năng phi đối xứng của bán cầu đại não. Thế nhưng bộ môn văn học không chỉ có vậy, chúng ta cần nhận thức cho thật đầy đủ các chức năng mà bộ môn này đảm nhiệm. Văn học nhận thức con người và đời sống trong tính toàn vẹn, tổng hợp đa chiều. Vì thế nó mang lại cho độc giả rất nhiều tri thức của nhiều khoa học. Trong nhà trường, các bộ môn: toán học, lý học, sinh học … hay văn học, sử học…đều có một điểm tương đồng trước hết đó là những khoa học. Văn học là khoa học về văn chương ( xét ở phương diện tiếp nhận). Vì thế bên cạnh những đặc trưng của bộ môn nghệ thuật chúng ta cần nhận thức rằng văn học là một khoa học. Và đã là một khoa học thì cũng đòi hỏi cần sử dụng tư duy khoa học- tư duy lô gíc. Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, chúng tôi đặc biệt chú ý đến khía cạnh này. Với một học sinh giỏi môn Ngữ văn, ngoài việc có vốn văn chương và cuộc sống phong phú, có năng lực cảm thụ tinh nhạy, khả năng diễn đạt trình bày các ý tưởng… thì theo chúng tôi còn cần có năng lực tư duy logic sắc sảo. Điều này giải thích tại sao các học sinh lớp chuyên Toán dù không đầu tư cho bộ môn Ngữ văn nhưng viết văn khá tốt. Trong thực tế ở trường chúng tôi đã có học sinh giỏi môn Ngữ văn ở kỳ thi Quốc gia là học sinh lớp chuyên Toán hay chuyên Hóa khi đang học lớp 11. B. PHẦN NỘI DUNG. I. Cơ sở lý luận: 1   Những năm gần đây trong xu thế hội nhập- toàn cầu hóa với những cơ hội và thách thức đang đặt ra cho ngành giáo dục nhiều câu hỏi: làm sao cho nền giáo dục nước nhà sánh vai với các nền giáo dục tiên tiến? làm sao cho các thế hệ học sinh có đầy đủ trí tuệ, năng lực, bản lĩnh…khi bước vào đời? làm sao để giáo dục trở thành động lực để thúc đẩy xã hội phát triển?...Tất cả chúng ta đều ý thức rằng: hiện nay đang diễn ra một cuộc cạnh tranh ráo riết về giáo dục toàn cầu. Đứng trước những đòi hỏi cấp bách ấy, Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển giáo dục nước nhà theo hướng hiện đại hóa. Cùng với nó là vô số các văn bản chỉ đạo của ngành từ cấp Bộ đến các Sở nhằm hiện thực hóa đổi mới giáo dục. Tất cả nhằm mục tiêu: đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục như nghị quyết của Đảng đã đề ra. II. Cơ sở thực tiễn: Từ thế kỷ thứ XIX nhà văn, nhà tư tưởng lớn L.Tônxtôi đã nhấn mạnh rằng: “Vấn đề quan trọng không phải là biết trái đất tròn mà là làm sao biết được trái đất tròn”.Ngày nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, công nghệ thì vai trò của tư duy của phương pháp càng trở nên nổi bật. Trong nhà trường hiện nay hai khái niệm đã gắn chặt với các nhà khoa học và các nhà sư phạm là “Cái gì ?” và “Như thế nào ?”. Vấn đề không phải chỉ là dạy cái gì mà còn là dạy như thế nào ? Trong hai vấn đề mấu chốt ấy thì việc rèn luyện năng lực tư duy vừa là phương tiện vừa là mục tiêu của chúng ta. III. NỘI DUNG VẤN ĐỀ: Để rèn luyện năng lực tư duy cho học sinh chúng tôi tập trung ở phân môn tập làm văn và các tiết lý luận văn học. I. Rèn luyện năng lực tư duy qua phân môn tập làm văn: Tập làm văn là phân môn mang tính thực hành nó sẽ bộc lộ đầy đủ những năng lực của học sinh. Ở các bài viết đòi hỏi học sinh phải có kiến thức phong phú về tác giả , tác phẩm, về đời sống xã hội, năng lực cảm thụ, phân tích văn học… ngoài ra theo chúng tôi thì cần có một năng lực tư duy khoa học thật tốt. Để rèn luyện năng lực này chúng tôi tập trung ở hai khâu: - Phân tích đề, tìm ý, lập dàn ý bài văn nghị luận. - Rèn luyện các thao tác lập luận như so sánh, bác bỏ, bình luận… 2   1. Rèn luyện tư duy khoa học qua phân tích đề bài. Khi đứng trước một đề bài tập làm văn học sinh thường có thói quen là đọc xong đề, suy nghĩ một chút và bắt tay vào viết. Cái gì nẩy ra trong đầu ,là viết ngay. Như vậy bài văn là tổng hợp các dạng lỗi: luận điểm không rõ ràng, thiếu cân đối giữa các phần, xa đề thậm chí lạc đề. Các hậu quả ấy là do học sinh không biết phân tích đề bài. Phân tích đề bài là công việc đòi hỏi năng lực tư duy cao độ. Bởi vì đây là việc đi vào khám phá một đối tượng cụ thể. Khám phá một hiện tượng văn học, một tác phẩm hay một đề bài cũng giống như khám phá bao hiện tượng tự nhiên và xã hội, cũng có đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, tức là một hoạt động khoa học thực sự. Rèn luyện tư duy khoa học qua việc phân tích đề bài trước hết là khả năng định hướng. Có định hướng đúng sẽ khai thác đúng và bài viết sẽ đáp ứng được yêu cầu của đề bài. Định hướng khi làm bài thường quy về việc xác định các mặt sau: vấn đề trọng tâm, thao tác lập luận chính và phạm vi nghị luận song thực tế thì không đơn giản như vậy. Vấn đề trọng tâm của đề bài thường ở hai dạng: trực tiếp và gián tiếp. Dạng trực tiếp thì không có gì đáng bàn vì nó lộ rõ trong đề bài. Cái khó đối với học sinh là dạng đề gián tiếp. Vấn đề trọng tâm thường ẩn trong các từ ngữ, hình ảnh, cách diễn đạt… Và đây là lúc đòi hỏi năng lực tư duy của học sinh. Chúng tôi trở về những đề bài hết sức quen thuộc như: * Nói về sáng tác của Nguyễn Trãi, nhà thơ Tố Hữu viết: Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng Giải thích ý thơ trên. Bằng cuộc đời và sáng tác của Nguyễn Trãi để làm sáng tỏ. Nhiều học sinh khi đọc đề bài này xác định trọng tâm chỉ ở “tiếng thơ kêu xé lòng” tức là nội dung thơ Nguyễn Trãi và cho rằng “Tiếng gươm khua” là nói tới quãng đời Nguyễn Trãi khi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Có học sinh giàu trí tưởng tượng nói Nguyễn Trãi “khua gươm” ở nhiều trận đánh. Thật là tai hại. “Tiếng gươm khua” chỉ là một hình ảnh, một cách diễn đạt. “Tiếng gươm khua” là gắn với cuộc đời Nguyễn Trãi, tham gia cuộc khởi nghĩa không phải là cầm gươm ra trận mà đóng vai trò vị quân sư số một của Lê Lợi và dùng văn chương như một thứ vũ khí để đuổi giặc thù- thứ văn chương có sức mạnh của “mười vạn hùng binh”. Như vậy vấn đề trọng tâm của đề bài được xác định là: văn chương giàu tính chiến đấu “tiếng gươm khua” và thơ giàu chất trữ tình “tiếng thơ kêu xé lòng”- thơ hướng nội thẫm đẫm bi kịch của Nguyễn Trãi. 3   Hay đề bài: “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú vào con người” (Nguyễn Văn Siêu). Bình luận ý kiến trên. Với đề bài này tư duy học sinh cần hướng vào những từ ngữ quan trọng “loại” và “đáng thờ”. Nói loại tức là phân loại tác phẩm văn chương. Người ta phân loại trên tiêu chí khác, Nguyễn Văn Siêu phân loại trên tiêu chí “đáng thờ” hay “không đáng thờ”. Nói “đáng thờ” hay “không đáng thờ” là thể hiện sự đánh giá, thái độ của tác giả- đây mới là trọng tâm của đề bài. Hay đề bài: Trong bài thơ “Lời thơ vào tập gửi hương” (1939), nhà thơ Xuân Diệu viết: “ Tôi là con chim đến từ núi lạ Ngứa cổ hát chơi, …………………………………… Hát vô ích thế mà chim vỡ cổ, Héo tim xanh cho quá độ tài tình; Ca ánh sáng bao lần giây máu đỏ, Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh…” Anh/ chị hãy tìm những điều tâm đắc với nhà thơ Xuân Diệu về con người nghệ sĩ và sáng tác của họ qua đoạn thơ trên. Con người nghệ sĩ như “ Con chim đến từ núi lạ”, họ mang đến cho người đọc tiếng nói riêng, lạ lẫm. Cũng như loài chim kia “ngứa cổ hát chơi”, nghệ sĩ sinh ra để hát, để ca ngợi- yêu thương (Kêu tự nhiên, nào biết bởi sao ca). Đó là lẽ tự nhiên- thiên chức của họ. Tiếng hát của loài chim như sáng tác của nghệ sĩ. Chim hát đến “vỡ cổ”, đến “héo tim xanh” đến “dây máu đỏ”. Nghệ sĩ cũng viết bằng tất cả tâm huyết bằng máu , nước mắt của mình. Như con tằm rút ruột nhả tơ. 4   Cần chỉ ra cho học sinh nhận biết sự tinh tế của ý thơ “ Héo tim xanh cho quá độ tài tình”. Ý thơ nói đến mối quan hệ giữa chữ Tâm (Tim xanh) và chữ Tài. Cái tâm là gốc để làm cho tài năng tỏa sáng, tạo nên sự sâu sắc về tư tưởng và vẻ đẹp lung linh của hình thức nghệ thuật “cho quá độ tài tình”. Sáng tác của nghệ sĩ là để “ca ánh sáng”, “bình minh”, hướng tới những gì tốt đẹp nhất. Nhưng cái giá phải trả là “bao lần dây máu đỏ”, “rồi một ngày sa rụng giữa bình minh”. Nhưng sự “sa rụng” lại giữa “bình minh”. Cái chết lại là sự bắt đầu, mở ra một “bình minh”. Hay như đề bài: Chớ đẽo mảnh gỗ thừa sơn son làm thần tượng Máu người đẻ ra thơ mà thơ lại hòng quên Hãy đặt những người trồng hoa sau người trồng lúa Đặt tất cả những bài thơ thiên tài về Điện Biên sau những Điện Biên (Trích “Sổ tay lý luận tự răn mình”- Chế Lan Viên) Theo anh/ chị, Chế Lan Viên “Tự răn mình” và những người cầm bút những điều gì? Phân tích đề còn là việc xác định các thao tác lập luận. Ở những dạng đề bài thông thường đều đưa ra yêu cầu cụ thể về thao tác lập luận. Nhưng ở những đề bài khác đòi hỏi học sinh phải tự xác định lấy thao tác lập luận. Ví dụ “ Sức sống của con người Việt Nam qua văn học”. Kinh nghiệm cho thấy rằng đề bài càng ngắn thì nội dung nghị luận càng rộng, thao tác lập luận cũng vì thế mà càng đa dạng. Với đề bài này trước hết học sinh phải trả lời câu hỏi: sức sống con người Việt Nam thể hiện như thế nào? Tức là thao tác lập luận chứng minh. Nhưng đề bài không chỉ dừng lại ở đấy mà còn đòi hỏi trả lời câu hỏi:-Tại sao người Việt Nam lại có sức sống mãnh liệt? Như vậy là lập luận giải thích. Trong lịch sử và trong hiện tại kẻ thù vẫn cho rằng nước ta chỉ là một nước nhược tiểu cần được khai hóa, bảo hộ. Vì thế đề bài còn yêu cầu thao tác lập luận bác bỏ, bình luận. Văn nghị luận lấy việc thuyết phục người đọc về một vấn đề bằng lý lẽ, dẫn chứng, bằng lập luận của mình. Văn nghị luận vì thế hướng tới phát triển trí lực, tư duy logic ở học sinh. Giáo viên cần ý thức rõ điều này trong mọi thao tác nhất là việc ra đề. Đề bài cần phải đa dạng, gần với thực tế đời sống, tránh những đề khuôn mẫu không khơi dậy trí sáng tạo, sự tìm tòi, nguồn cảm hứng cho học sinh. Giáo viên có thể ra những đề bài để học sinh có dịp đóng vai trò của người phản biện. Ví dụ: 5   Trong lần chuyện trò với vãi Giác Duyên, sư Tam Hợp Đạo Cô đã phán rằng: Thúy kiều sắc sảo khôn ngoan Vô duyên là phận hồng nhan đã đành. Lại mang lấy một chữ tình, Khư khư mình buộc lấy mình vào trong Vậy nên những chốn thong dong Ở không yên ổn ngồi không vững vàng. ( Nguyễn Du – Truyện Kiều) Anh/ chị có đồng tình với quan điểm của sư Tam Hợp Đạo Cô không? Và trình bày cho nhà sư rõ quan điểm của mình. Ở đề bài trên rõ ràng đòi hỏi người viết phải có sự đối thoại tranh luận. Đoạn thơ thể hiện quan điểm của Tam Hợp Đạo Cô về nguyên nhân bi kịch cuộc đời Kiều. Tam Hợp Đạo Cô thực chất chỉ là cái loa phát ngôn cho quan điểm của tác giả. Đó là cách lý giải của nhà sư và cũng là của Nguyễn Du. Hiện thực 15 năm lưu lạc của nàng Kiều đã bác bỏ điều đó. Khi lý giải nguyên nhân bi kịch cuộc đời Kiều Nguyễn Du đã tự mâu thuẫn giữa triết lý “tài mệnh tương đố” với ngòi bút miêu tả, cảm hứng của tác giả. Hay đề bài: Cao Bá Quát- kẻ nghịch thần, hay nhà nho yêu nước? Với đề bài này, học sinh rất rộng đường cho việc bộc lộ quan điểm của mình, đồng thời đòi hỏi phải sử dụng kiến thức ở nhiều lĩnh vực, phát huy được trí lực học sinh, bản lĩnh của các em cũng có dịp thể hiện. Còn đề bài: Nước Việt Nam lớn hay nhỏ? Cũng tạo hứng thú cho học sinh. Các em có thể nhìn nhận vấn đề ở nhiều phương diện: địa lý, lịch sử , văn hóa…trong đó trách nhiệm công dân, lòng tự hào dân tộc là điểm tựa để học sinh giải quyết vấn đề. Đề bài: Hiện nay luật pháp của một số nước vẫn duy trì bản án tử hình. Quan điểm của Anh/ chị về vấn đề này. Nói về quan điểm, rõ ràng người viết phải đứng trên quan điểm nhân văn- tất cả vì con người. Ở phương diện chủ quan trong con người luôn ẩn chứa những mặt đối lập, trái ngược: cái tốt và cái xấu, ánh sáng và bóng tối, thiên thần và quỷ dữ… Dù con người có xấu xa đến đâu nhưng không phải là không thể cứu vãn. Bản án tử hình là biểu hiện sự 6   bất lực trước khả năng cải tạo con người.Trong khi đó chủ nghĩa nhân văn luôn có niềm tin mãnh liệt vào bản chất tốt đẹp khả năng hướng thiện của con người. Còn ở phương diện khách quan, con người là sản phẩm của hoàn cảnh. Cần phải thay đổi hoàn cảnh để con người sống tốt hơn, nhân đạo hơn. Có một thực tế là trong thời gian dài chúng ta đã duy trì tình trạng bao cấp về tư tưởng. Lối nghĩ , tư duy đã được chúng ta đã “bao cấp”. Học sinh luôn theo lối mòn, không có khả năng phán xét, phản biện những vấn đề của văn học cũng như đời sống. Theo chúng tôi, đây là vấn đề quan trọng của nền giáo dục tương lai. Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục có lẽ cũng bắt đầu từ đây. Đề bài cần đa dạng về đề tài về thao tác lập luận và cũng cần thay đổi cả cấu trúc. Ví dụ, như đề sau: “Nghệ thuật không kéo con người ta xuống thành con vật, cũng không làm cho con người ta trở thành ông thánh vô duyên vô bổ”. Nghệ thuật… Anh/ chị hãy viết tiếp ý tưởng trên. “Viết tiếp ý tưởng” vừa tạo ra không gian của sự sáng tạo vừa phải trên cơ sở của ý đã triển khai. 2.Rèn luyện tư duy khoa học qua các thao tác lập luận: Trong bài văn nghị luận, các thao tác đóng vai trò quan trọng, nó thể hiện ý thức rõ nét của người viết trong việc thuyết phục người đọc. Nhưng trong thực tế học sinh tỏ ra yếu kém trong việc sử dụng thao tác lập luận, thậm chí là không có ý thức về nó. Rèn luyện thao tác lập luận cần phải được tiến hành trong mọi tình huống sư phạm, không chỉ trong các tiết luyện tập, các bài viết mà cả trong tiết đọc văn, hay khi học sinh phát biểu trên lớp, trả bài cũ… Giáo viên cần giúp học sinh nắm vững quy trình của các thao tác lập luận và hình thành các kỹ năng. Trong khuôn khổ đề tài này chúng tôi chỉ đề cập việc rèn luyện tư duy khoa học cho học sinh ở hai thao tác lập luận: bác bỏ và bình luận. * Bác bỏ là dùng các lý lẽ, dẫn chứng để phủ định tính chân thực của các luận điểm, luận cứ và cách lập luận sai. Từ đấy để khẳng định những luận điểm và cách lập luận đúng. Trong thao tác lập luận bác bỏ, biểu hiện của tư duy khoa học trước tiên là nhận ra vấn đề có sai không? Và sai ở cấp độ nào: luận điểm, luận cứ hay cách lập luận? 7   Trong cuộc sống có rất nhiều tình huống và vô cùng đa dạng những cái sai. Có những luận điểm có thể rất logic kể cả trong luận cứ và cách lập luận nhưng xét kỹ thì mâu thuẫn và tỏ ra không ổn. Ví dụ có những lập luận sau: - Ông ấy là người thích vui vẻ. Uống rượu thì vui vẻ, nên ông ấy thường xuyên uống rượu. - Đã là con người thì đều có sai lầm. Anh ta là một con người, nên sai lầm của anh ta là một điều tất nhiên. - Loài bò sát thì có máu lạnh, những kẻ có máu lạnh cũng giống như loài bò sát vậy. Qua các bài tập nhỏ này giáo viên giúp học sinh phát hiện ra cái sai và đó cũng là tập cho các em bước vào bài học vỡ lòng làm “ Luật sư cuộc đời”. Chân lý bao giờ cũng là cụ thể, luôn thay đổi trong những hoàn cảnh, tình huống khác nhau. Tư duy khoa học của học sinh sẽ bộc lộ trong việc khám phá chân lý trong những hoàn cảnh, tình huống ấy. Vì vậy cũng cần để cho học sinh thử thách trí tuệ của mình trong việc tìm đến chân lý cụ thể. Ví dụ ở bài tập sau. Nhiều người cho rằng: thật thà là dại dột. Trong lúc đó tục ngữ ta lại có câu: “thật thà là cha quỷ quái”. Ý kiến anh/ chị thế nào? Cần có nhiều bài tập cho học sinh luyện tập bác bỏ. Các đề bài nghị luận xã hội là mảnh đất màu mỡ. Trong các vấn đề xã hội cần lưu ý học sinh lật đi, lật lại vấn đề, xem xét soi chiếu từ nhiều góc độ, khía cạch khác nhau. Điều quan trọng là để cho các em bộc lộ quan điểm cá nhân của mình về các vấn đề đời sống. Ví dụ: Lòng dũng cảm, dám xả thân là một hành động đáng được ca ngợi, tôn vinh. Nhưng xả thân bất chấp hoàn cảnh, tình huống có đáng ca ngợi không? *Bác bỏ là thao tác lập luận rất gần với bình luận. Bình luận là bàn bạc, đánh giá về sự đúng- sai, thật- giả, hay-dở, lợi- hại…của các hiện tượng, sự vật, chủ trương, tư tưởng, hành vi…của con người, xã hội. Trước mọi vấn đề, hiện tượng trong đời sống xã hội chúng ta đều có nhu cầu bộc lộ quan điểm, chính kiến, bình luận về nó. Để bàn bạc, đánh giá về một hiện tượng sự vật thì người bình luận phải hiểu thấu đáo về đối tượng bình luận. Không hiểu về nó thì bàn bạc, đánh giá hời hợt, phiến diện, có khi sai lệch. Vấn đề bình luận cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ. Chẳng hạn đề bài sau. 8   Anh/ chị hãy bình luận về hiện tượng thần tượng của giới trẻ hiện nay. “Thần tượng” là một hiện tượng xã hội có ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa tư tưởng, văn hóa…Trong bản chất thể hiện tình cảm của đám đông với một cá nhân- sự tôn thờ và hành động- bắt chước theo thần tượng. Xét ở phương diện lịch sử, chúng ta thấy thời nào cũng có thần tượng. Thời trung cổ đó là những bậc thánh, những kẻ tuẫn tiết,tử vì đạo. Trong xã hội phong kiến là những kẻ trung thần. Và tùy theo thời kỳ mà nó thay đổi, biến chuyển. Hoàn cảnh chiến tranh, thần tượng là những bậc anh hùng ái quốc, dám xả thân cho tổ quốc. Chuẩn mực là sự hy sinh. Nhưng thời bình thần tượng gắn với tài năng, sự thành đạt trong một lĩnh vực nào đấy như khoa học, kinh doanh hay thành công trên con đường nghệ thuật: ca nhạc, điện ảnh, tạo mẫu hoặc thể thao…Loại thần tượng này thiên về sự hưởng thụ. Vì thế, một điều dễ hiểu là hiện nay giới trẻ có xu hướng là tìm cho mình các thần tượng là ca sĩ, diễn viên, người mẫu, cầu thủ… Thần tượng còn gắn với tâm lý lứa tuổi. Lúc còn bé trong gia đình bố mẹ là thần tượng. Là học sinh, thầy cô giáo là thần tượng. Và lúc ra ngoài đời thần tượng càng lớn lao, đa dạng hơn. Xét ở phương diện văn hóa, thần tượng có tính chất trào lưu. Đó như một thứ “Mốt”. Giới trẻ hiện nay không thủy chung với một thần tượng. Các thần tượng nhanh chóng hết thời và sụp đổ để nhường chỗ cho các thần tượng khác với trào lưu, xu hướng mới. Thần tượng phản ánh thị hiếu thẩm mỹ, trình độ văn hóa, cá tính của mỗi người. Kẻ tôn thờ tài năng, kẻ tôn thờ cái dáng vóc bề ngoài. Kẻ thích, bị cuốn hút bởi sự lịch lãm, tinh tế và sự hiểu biết sâu rộng của thần tượng, kẻ si mê chỉ bởi cách ăn mặc, đầu tóc của thần tượng… Thần tượng còn được nhìn trong chiều sâu là ý thức xã hội. Trong xã hội cũ, khi mà cái tôi cá nhân bị kìm hãm thì thần tượng thường đơn nhất, có tính chất bao trùm bền vững. Giữa cá nhân thần tượng và đám đông có khoảng cách của sự chiêm ngưỡng. Nhưng trong xã hội dân chủ, cái tôi được giải phóng thì thần tượng lại đa dạng, gần gũi cụ thể hơn và cũng nhất thời hơn. Thời đại dân chủ tạo điều kiện cho sự khẳng định con người cá nhân, tôn trọng và phát triển cá tính. Thần tượng là cái khuôn mẫu lý tưởng để cá nhân hướng tới, tìm thấy mình trong đó. Rõ ràng vấn đề bình luận cần được mổ xẻ và nhìn nhận từ nhiều góc độ, đòi hỏi người viết có tầm hiểu biết sâu rộng. Với đề bài này không chỉ dừng lại ở đấy. Các thao tác phân tích, giải thích chỉ là cơ sở cho bình luận- tức chuẩn bị cho sự đánh giá, bàn bạc tiếp theo. Cần nhìn nhận cả mặt trái của vấn đề. Trong thời đại ngày nay với xu hướng cởi mở dân chủ, tôn trọng và tạo điều 9   kiện cho sự phát triển cá tính khi hướng tới thần tượng của mình. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Đấy là khi tôn thờ thần tượng thì cũng dễ trở thành một thứ nô lệ của thần tượng. Và như vậy cá nhân mình chỉ là cái bóng mờ nhạt của thần tượng. Điều đó đi ngược lại với mục tiêu khẳng định cá nhân, trở thành một thứ “Ngu tín” thời hiện đại. Từ đấy học sinh có thể bàn rộng về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng. II. Rèn luyện năng lực tư duy ở các tiết lý luận văn học. Lý luận văn học là một bộ môn của khoa nghiên cứu văn học, có nhiệm vụ nghiên cứu bản chất, chức năng xã hội và thẩm mỹ, quy luật phát triển của sáng tác văn học, có tác dụng xác định phương pháp luận và phương pháp phân tích văn học. Các vấn đề của lý luận bao gồm ba nhóm: lý thuyết về các đặc trưng phản ánh đời sống hiện thực bằng hình tượng nghệ thuật, lý thuyết về cấu trúc tác phẩm và về quá trình văn học. Các tiết lý luận văn học ở chương trình THPT bao gồm các vấn đề: văn bản học, đọc hiểu văn bản; đọc tác phẩm theo thể loại: truyện, thơ, kịch, văn nghị luận; các giá trị văn học, phong cách văn học, quá trình văn học…Tức là bao hàm cả ba nhóm lý thuyết trên. Lý luận văn học đi vào những vấn đề chung nhất của sáng tác và tiếp nhận văn học. Vì vậy đây là lĩnh vực quan trọng có thể rèn luyện năng lực tư duy cho học sinh. Trong thực tế giảng dạy chúng tôi đã tập trung vào mấy công việc sau: Tập cho học sinh có thói quen tra từ điển ( Từ điển văn học, từ điển thuật ngữ văn học, từ điển tác giả- tác phẩm văn học…). Hoạt động này giúp cho học sinh tập làm quen với tác phong khoa học trong học tập. Trong mỗi bài học, học sinh sẽ gặp những từ mới, khái niệm, thuật ngữ văn học. Giáo viên hoặc do điều kiện thời gian hoặc không có ý thức đã không dừng lại cung cấp nội hàm của nó, nên học sinh hiểu lờ mờ, thậm chí không hiểu gì mà vẫn dùng. Điều này trở thành một hiện tượng phổ biến ở học sinh phổ thông, kể cả sinh viên chuyên ngành ngữ văn là có thói quen dùng khái niệm- thuật ngữ văn học theo người khác. Thấy người khác dùng như vậy thì cứ dùng theo, rất lờ mờ về nghĩa của nó. Vì vậy rất nhiều trường hợp dùng sai hoặc không phù hợp. Các thuật ngữ như: đề tài, tư tưởng- chủ đề,thể loại, phong cách, bút pháp, điển hình, trữ tình, tự sự, tình tiết, chi tiết nghệ thuật…là rất quen thuộc và được sử dụng thường xuyên trong các tiết giảng của giáo viên và bài làm của học sinh. Nhưng trong lớp học khó kiếm được một học sinh có thể hiểu đúng các thuật ngữ đó. Việc sử dụng theo “quán tính” theo kiểu “ăn theo” là hiện tượng phổ biến. Vì vậy khi giảng dạy, giáo viên có nhiệm vụ cung 10   cấp nội hàm các thuật ngữ mới, hoặc yêu cầu các em tra từ điển và theo dõi, chấn chỉnh việc sử dụng của các em. Ngoài ra kiến thức lý luận văn học đã được cung cấp khá hệ thống ở mục “Tri thức đọc hiểu” ( Chương trình nâng cao) đi liền với một số bài học. Thông thường giáo viên chỉ lo giảng dạy cho đủ những đơn vị kiến thức, ít chú ý kiến thức lý luận văn học ở mục này. Đây là một thiếu sót lớn. “Tri thức đọc hiểu” thể hiện rõ ý đồ của các nhà soạn sách- tạo cơ sở cho việc đọc hiểu văn bản. Như vậy, không chỉ dừng lại tập cho học sinh có thói quen sử dụng từ điển mà tiến thêm một bước là tập cho học sinh có khả năng tư duy trên khái niệm- thuật ngữ khoa học nói chung và thuật ngữ văn học nói riêng. Tức là hiểu nội hàm môt cách đầy đủ và sử dụng nó trong việc lý giải các vấn đề văn học. Chẳng hạn, để đọc hiểu văn bản “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân thì cần dựa vào tri thức đọc hiểu “Văn học lãng mạn”. Tri thức đọc hiểu này giúp học sinh hiểu tác giả đã xây dựng những nhân vật của mình dựa trên giá trị nào? Thể hiện lý tưởng và tình cảm thẩm mỹ ra sao? Và các thủ pháp nghệ thuật chính được sử dụng. Tri thức đọc hiểu này không chỉ là cơ sở đọc hiểu văn bản trên mà của nhiều tác phẩm trong chương trình thuộc khuynh hướng văn học này như “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam), đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” (“Những người khốn khổ”- V.Huygo) hay các sáng tác thuộc trào lưu thơ mới. Trong bài viết, các khái niệm- thuật ngữ văn học là cơ sở để xây dựng luận điểm. Ví dụ đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Để giải quyết vấn đề này trước hết học sinh cần hiểu khái niệm “Giá trị nhân đạo” là gì? Những khía cạnh- biểu hiện của giá trị nhân đạo. Từ đấy mới soi chiếu vào tác phẩm để phân tích giá trị nhân đạo. Hay đề bài: Phân tích truyện ngắn “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành để làm rõ khuynh hướng sử thi của văn học giai đoạn 1945-1975. Học sinh không hiểu “Sử thi” hay “Khuynh hướng sử thi” thì bài làm sẽ rất mơ hồ. Rèn luyện năng lực tư duy cho học sinh theo chúng tôi là một mục tiêu quan trọng của bộ môn ngữ văn bậc THPT. Tất nhiên không chỉ như hai đề xuất như trên của chúng tôi mà bằng nhiều con đường, nhiều cách khác nhau. Điều quan trong là giáo viên phải có kế hoạch và kiên trì từng bước thực hiện. Cần đánh giá năng lực tư duy qua từng bài viết và từng năm học để thấy được sự trưởng thành của các em. 11   Cách làm trên chúng tôi không những áp dụng ở lớp chuyên mà cho tất cả các lớp. Tất nhiên ở lớp chuyên văn yêu cầu sẽ cao hơn. C. KẾT LUẬN Trong nhiều năm qua chúng tôi đã kiên trì thực hiện cách làm này và kết quả thực tế qua các kỳ thi đã khẳng định. Bài học kinh nghiệm cho mỗi giáo viên là phải thường xuyên quan tâm tới công việc này ở mỗi tiết dạy, mỗi bài làm của các em. Cần có sự nhận xét, đánh giá sự tiến bộ của các em qua thời gian. Theo chúng tôi cách làm này không chỉ áp dụng ở các trường chuyên, lớp chuyên mà có thể áp dụng cho tất cả các đối tượng, nhất là trên tinh thần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục hiện nay của Đảng và nhà nước. Cái chính là tùy từng đối tượng để có cách làm phù hợp và cho có hiệu quả. Trong năm học tới- năm học 2015-2016, chúng tôi sẽ thực hiện đề tài nghiên cứu: phát hiện và bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ cho học sinh ngữ văn chuyên. 12   HƯỚNG DẪN HỌC SINH HỌC TẬP I. Câu hỏi: 1. Qua chuyên đề, anh/ chị có rút ra những kinh nghiệm nào trong việc tìm hiểu, khám phá một đề bài? 2. Ở các đề bài nghị luận xã hội, anh/ chị thể hiện mình bằng con đường nào ? 3. Kiến thức lý luận văn học đã giúp được gì cho anh/ chị trong việc học tập bộ môn ngữ văn ? II. Thử tìm hiểu một số đề bài sau: 1. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết: “Tác phẩm văn học lớn hấp dẫn chúng ta bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới về những điều, những việc mà ai cũng biết cả rồi” Giải thích và chứng minh ý kiến. 2. “ Không những quan sát cuộc sống bên ngoài, mà nhà văn còn rất nhạy bén trong việc tự quan sát. Họ giỏi lắng nghe những xúc động tinh vi của mình một cách đầy đủ và rõ ràng, rồi từ đó tìm được một cách thể hiện không giống ai.” ( Trần Đình Sử “ Lý luận văn học”, Phương Lựu chủ biên) Giải thích và chứng minh ý kiến. 3. “Tuy chỉ có năm ngày ngắn ngủi, nhưng nó thực sự là một quãng đời khác: Chí được sống rồi chết như một con người”. ( Chu Văn Sơn, Phân tích- bình giảng tác phẩm văn học 11, NXBGD, 1999) Anh/ chị có đồng tình với ý kiến trên không? Tại sao?. 13   TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đổi mới giờ học tác phẩm văn chương ở trường trung học phổ thông, NXB GD 1999. 2. Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, NXB đại học Quốc gia Hà Nội. 3. Sách giáo khoa, sách giáo viên ngữ văn 12, NXB GD. 3. Hệ thống đề mở ngữ văn 12, NXB GD, 2009. 14   Mục lục A.Phần mở đầu: I. Lý do chọn đề tài; Trang 1 II. Đối tượng, phương pháp nghiên cứu… Trang 2 B. Phần nội dung: I. Cơ sở lý luận. Trang 2 II. Cơ sở thực tiễn. Trang 2 III. Nội dung: 1. Rèn luyện năng lực tư duy qua phân môn TLV Trang 3-10 2. Rèn luyện năng lực tư duy ở các tiết lý luận VH Trang 10- 12 C. Kết luận: Trang 13 15  
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan