Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Xử lý nợ xấu ở việt nam nhìn từ mô hình trung quốc và một số nền kinh tế khác...

Tài liệu Xử lý nợ xấu ở việt nam nhìn từ mô hình trung quốc và một số nền kinh tế khác

.PDF
26
189
143

Mô tả:

CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY KINH TẾ FULBRIGHT Tháng 12/2004 HUỲNH THẾ DU* XỬ LÝ NỢ XẤU Ở VIỆT NAM NHÌN TỪ MÔ HÌNH TRUNG QUỐC VÀ MỘT SỐ NỀN KINH TẾ KHÁC GIỚI THIỆU Trong gần 20 năm thực hiện chính sách đổi mới, hệ thống ngân hàng Việt nam đã có những thay đổi đáng kể và đóng vai trò hết sức quan trọng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cũng như Trung Quốc, một trong những cải cách không mang lại hiệu quả như mong đợi nhiều nhất ở Việt nam là cải cách hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng đã bộc lộ nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Để xây dựng một hệ thống ngân hàng mạnh, Việt nam đã có những giải pháp tích cực như: cấp vốn thêm cho các ngân hàng thương mại nhà nước, sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần, từng bước nới lỏng hoạt động của các ngân hàng nước ngoài, áp dụng các chuẩn mực kế toán, xếp loại tín dụng, phân loại nợ theo tiêu chuẩn quốc tế, cơ cấu, thành lập các công ty quản lý tài sản (AMC) để xử lý nợ xấu cho các ngân hàng thương mại… Nhưng nợ xấu và xử lý nợ xấu vẫn là vấn đề hết sức nan giải, cần phải có những giải pháp hữu hiệu hơn. Theo báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước Việt nam, đến cuối năm 2003, tỷ lệ nợ xấu (quá hạn) của các ngân hàng thương mại Việt Nam chiếm 4,74% trong tổng dư nợ cho vay gần 300.000 tỷ VNĐ (tương đương với 14.200 tỷ VNĐ). Con số này chưa kể khoản nợ tồn đọng 21.280 tỷ VNĐ trước ngày 01/01/2001 mới chỉ xử lý được 13.386 tỷ đồng. Nếu tính số chưa được xử lý cộng với số nợ tồn đọng nêu trên thì số nợ tồn đọng của các ngân hàng thương mại Việt Nam là 22.094 tỷ VNĐ (bằng 7,36% dư nợ và 3,4% GDP). Nhưng theo ý kiến của bà Susan Adams đại diện thường trú cao cấp của IMF tại Việt Nam và ông Klaus Rohland - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Tôi xin chân thành cảm ơn thầy Châu Văn Thành - Giám đốc Đào tạo, thầy Nguyễn Xuân Thành - nguyên Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu, tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh - phụ trách nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã giúp tôi hình thành ý tưởng và hỗ trợ thực hiện bài viết này. Xin cảm ơn các thành viên tham gia buổi thảo luận ngày 20/10/2004 tại Trường Fulbright đã góp ý cho tôi rất nhiều vấn đề bổ ích để tôi thực hiện bài viết này. * Những nội dung, nhận xét, bình luận trong bài nghiên cứu này chỉ là ý kiến riêng của tác giả mà không phải là công bố của Trường Fulbright. Bản quyền © 2004 Chương trinh Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ thì nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam vào khoảng 15-20%1 (tương đương 45.000-60.000 tỷ VNĐ), chiếm từ 7-10% GDP Việt nam. Theo đánh giá của một số chuyên gia thì tỷ lệ nợ xấu lên đến 30% (Thomas 2003). Đây là con số lớn, nhưng so với Trung Quốc, nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường trước Việt Nam gần một thập kỷ, thì con số này là không đáng kể. Vào thời điểm cuối năm 2003, nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc là 480 tỷ USD, chiếm 24,8% tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng và 36% GDP (Herrero&Santabárbara 2004). Tỷ lệ nợ xấu cao của Trung Quốc và các nền kinh tế chuyển đổi chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước mà nguyên nhân các doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả. Để giải quyết nợ xấu ở các ngân hàng (giải pháp xử lý các khoản nợ xấu đã phát sinh) 2, các nước áp dụng các mô hình xử lý nợ xấu khác nhau, có nước thành công, có nước không thành công. Trung Quốc đã và đang có những nỗ lực nhất định, nhưng việc xử lý nợ xấu ở các ngân hàng vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi. Với đặc điểm chuyển đổi nền kinh tế nói chung, cải cách hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng gần tương tự như Trung Quốc, liệu trong một vài năm nữa, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng Việt Nam sẽ như thế nào? Ngay cả khi khối lượng nợ xấu không phát sinh thêm mà chỉ ở mức hiện tại thì những vấn đề rút ra cho Việt Nam từ Trung Quốc và một số mô hình xử lý nợ tiêu biểu trên thế giới (nhất là các nền kinh kế chuyển đổi) là gì? Đó chính là vấn đề được đặt ra trong bài nghiên cứu này. Để trả lời câu hỏi được đặt ra, bài viết sẽ đi tuần tự qua từng phần như sau: Phần thứ nhất là một sự so sánh giữa hệ thống ngân hàng Trung quốc và hệ thống ngân hàng Việt nam. Phần tiếp theo sẽ đánh giá thực trạng và những nguyên nhân gây ra nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc và Việt nam nói riêng, các nền kinh tế nói chung. Phần 3, đánh giá các mô hình xử lý nợ tiêu biểu, ưu điểm, nhược điểm, thành công và thất bại của nó. Phần 4 đánh giá việc lựa chọn mô hình và kết quả xử lý nợ xấu ở Trung Quốc và Việt nam. Phần 5 sẽ phân tích các nguyên nhân chính dẫn đến việc xử lý nợ xấu ở Trung Quốc và Việt nam chưa đạt được kết quả như mong đợi. Cuối cùng là các kết luận và đề xuất chính sách đối với việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng Việt nam. 1. Hệ thống ngân hàng Việt Nam - bản sao của mô hình Trung Quốc? Nhìn lại quá trình hình thành, phát triển và những việc mà hệ thống ngân hàng Việt Nam đã và đang trải qua cho chúng ta thấy rằng, Hệ thống ngân hàng Việt Nam gần như là bản sao của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào ngày 01/12/1948 (Trước thời điểm quốc khánh Trung Quốc), trên cơ sở hợp nhất các ngân hàng Bắc Hải, Hoa Bắc và Tây Bắc. Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa trực thuộc Bộ Tài chính và hoạt động theo mô hình hệ thống ngân hàng một cấp (monobank), vừa làm nhiệm vụ phát hành tiền, vừa cung ứng tín dụng cho nền kinh tế. Để thực hiện chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, một số ngân hàng chuyên doanh được thành lập và sau này trở thành bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất Trung Quốc Đến tháng 09/1983, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã quyết định để cho Ngân hàng Nhân Dân Trung Hoa hoạt động như Ngân hàng Trung ương. Điều này có nghĩa là hệ thống ngân hàng hai cấp ở Trung Quốc chính thức được thành lập. Trong thập niên 80, bốn ngân hàng chuyên doanh, sau này trở thành bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất Trung Quốc có vai trò rất lớn gồm: Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China - BOC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (Construction China Bank - CCB), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (Industrial and Commercial Bank of China - ICBC) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (Agriculture Bank of China - ABC). Các ngân hàng này có nhiệm vụ cấp phát vốn cho những khu vực chuyên biệt (gần với tên gọi của chúng) và có quan hệ (phụ thuộc) rất chặt chẽ với Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa. Cũng trong thời gian này, các hợp tác xã tín dụng, ngân hàng khu Bà Susan Adams và ông Klaus Rohland trả lời phòng vấn của phóng viên hãng Reuter trong hội nghị “Đầu tư tại Việt Nam” ngày 17-18/08/2004 2 Để xử lý nợ xấu ở một hệ thống tài chính nào đó, có hai việc phải làm song song đó là xử lý các khoản nợ xấu đã phát sinh và ngăn chặn các khoản nợ xấu mới phát sinh. Trong bài nghiên cứu này, chỉ tập trung xem xét vế thứ nhất. 1 Trang 2/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ vực, ngân hàng cổ phần bắt đầu được thành lập và hoạt động. Các ngân hàng nước ngoài bắt đầu được tham gia theo hình thức liên doanh, thành lập chi nhánh hoặc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Luật Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa năm 1995 đã khẳng định lại vai trò ngân hàng trung ương của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa. Đồng thời trong giai đoạn này, các ngân hàng chính sách cũng được thành lập nhằm tách bạch tín dụng chỉ định và tín dụng thương mại. Năm 1998, trước yêu cầu của việc xử lý nợ xấu, Chính phủ Trung Quốc đã rót 5 tỷ USD để thành lập 4 Công ty Quản lý tài sản với nhiệm vụ xử lý nợ cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh của Trung Quốc. Trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá 10 (năm 2003) của Trung Quốc đã quyết định tách chức năng giám sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa để thành lập Uỷ ban giám sát ngân hàng Trung Quốc. Tháng 8/2004, lần đầu tiên một ngân hàng thương mại quốc doanh dược cổ phần hoá. Đó chính là Ngân hàng Trung Quốc. Hiện nay, các ngân hàng thương mại quốc doanh Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh thị phần chủ yếu với 62%. Trong khi các loại hình khác như 123 Ngân hàng khu vực, ngân hàng cổ phần chiếm 21,5%, 36.000 hợp tác xã tín dụng chiếm 11,4%, 157 chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm 1,2% thị phần (Herrero&Santabárbara 2004) và (Pei&Shirai 2004). Đối với hệ thống ngân hàng Việt nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thành lập vào ngày 06/05/1951. Tuy là thời điểm sau quốc khánh, nhưng là thời điểm trước khi giải phóng Miền bắc 1954. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ là Ngân hàng Quốc gia, hoạt động theo mô hình ngân hàng một cấp. Để thực hiện nhiệm vụ cấp phát vốn cho nền kinh tế, các ngân hàng chuyên doanh lần lượt ra đời. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam được thành lập năm 1957, Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Ngoại thương được thành lập năm 1962, Ngân hàng Công thương Việt Nam được thành lập vào năm 1990. Năm 1990, hệ thống ngân hàng Việt Nam mới chính thức hoạt động theo mô hình ngân hàng 2 cấp sau khi Hội đồng Nhà nước Việt Nam ban hành các pháp lệnh ngân hàng năm 1989 - thời điểm hệ thống các hợp tác xã tín dụng bị đổ bể. Chính điều này, khác với hệ thống ngân hàng Trung Quốc, các hợp tác tín dụng được đổi tên thành Quỹ tín dụng Nhân dân. Từ năm 1990, các ngân hàng cổ phần bắt đầu được thành lập, các ngân hàng nước ngoài được tham gia dưới hình thức thành lập chi nhánh hoặc liên doanh với các ngân hàng trong nước. Năm 1996, Ngân hàng người nghèo và sau đó đổi thành Ngân hàng chính sách được thành lập. Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997, khẳng định lại vai trò Ngân hàng Trung ương của Ngân hàng Nhà nước Việt nam. Năm 2000, bốn công ty quản lý tài sản được thành lập để làm nhiệm vụ xử lý nợ cho các ngân hàng thương mại quốc doanh, nhưng với mức vốn điều lệ chỉ 30 tỷ đồng. Một con số hoàn toàn không tương xứng với số nợ hơn 21.000 tỷ đồng vào cuối năm 2000. Ngoài ra, còn có một công ty quản lý tài sản thuộc ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng mức vốn điều lệ chỉ có 3 tỷ đồng. Cũng giống như hệ thống ngân hàng Trung Quốc, 5 Ngân hàng Thương mại Quốc doanh vẫn chiếm thị phần chi phối với 75%, 37 ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 11%, 27 chi nhánh ngân hàng nước ngoài chiếm 12%, các quỹ tín dụng nhân dân chỉ chiếm khoảng 1,5%3. Hơi khác với hệ thống ngân hàng Trung Quốc, hiện nay, Việt Nam chưa có ngân hàng 100%4 vốn nước ngoài và các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam chiếm một thị phần rất đáng kể, tới 12%, trong khi ở Trung Quốc chỉ có 1,2%. Hệ thống ngân hàng Việt Nam và Trung Quốc có một điểm khác biệt nữa là quy mô so với nền kinh tế. Vào cuối năm 2003, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng Trung Quốc lên đến 1.963 tỷ USD, bằng 165% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng Việt Nam chỉ khoảng 20 tỷ USD, bằng 50% GDP. Một con số còn khiêm tốn. Tuy nhiên, với mức độ tăng trưởng tín dụng trên 25% trong những năm qua, thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, dư nợ cho vay sẽ vượt quá GDP. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao như vậy đã được IMF, WB khuyến cáo là nóng, không có lợi cho việc ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển dài hạn. Quá trình phát triển và cơ cấu hệ thống ngân hàng Trung Quốc và Việt Nam có thể tóm tắt theo hộp dưới đây. Nguồn Ngân hàng Nhà nước Việt nam, IMF và tính toán của tác giả Theo Hiệp định thương mại Việt nam Hoa kỳ (BTA), đến năm 2010, các ngân hàng 100% vốn của Hoa Kỳ mới được phép thành lập và hoạt động tại Việt nam. 3 4 Trang 3/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ Hộp 1: CÁC MỐC LỊCH SỬ CHÍNH CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM TT 1 CÁC MỐC LỊCH SỬ TRUNG QUỐC VIỆT NAM 1948-83 1951-90 1980s 1990s NA 1997 4 Thành lập ngân hàng chính sách 1995 1996 5 Cơ cấu lại Ngân hàng Trung ương 1998 6 Thành lập các AMC 1999 7 Thành lập uỷ ban giám sát ngân hàng 2003 Hệ thống ngân hàng 1 cấp 2 Thành lập các ngân hàng chuyên doanh 3 Thử nghiệm mô hình HTX tín dụng 2000 CÁC LOẠI HÌNH TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ THỊ PHẦN THEO HÌNH THỨC SỞ HỮU Trung Quốc TT Việt nam Loại hình tổ chức Số lượng Thị phần 1 Ngân hàng thương mại nhà nước 4 61% 5 75% 2 Ngân hàng chính sách 3 NA 1 NA 3 Ngân hàng khu vực, cổ phần 123 21.5% 37 11% 4 Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài 157 1.2% 27 12% 5 Ngân hàng 100% vốn nước ngoài 7 NA 0 0 6 Ngân hàng Liên doanh 7 NA 4 NA 36 11.4% 898 1.5% 7 Hợp tác xã tín dụng 8 Công ty quản lý tài sản 4 Số lượng Thị phần 6 NA: Không có số liệu Nguồn: Herrero&Santabárbara 2004, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, IMF và ước tính của tác giả. Trang 4/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ 2. Nợ xấu và quá trình phát sinh nợ xấu ở Trung Quốc và Việt nam Khối lượng nợ xấu ở các ngân hàng Trung Quốc và Việt Nam Việc phân loại nợ có nhiều tiêu chí khác nhau. Theo chuẩn chung thì một khoản nợ được xem là xấu khi không còn khả năng thu hồi, bất kể nó là khoản mới cho vay hay đã cho vay từ lâu (không phân theo thời gian mà phân theo bản chất nợ). Tiêu chí này đang dần được áp dụng tại Trung Quốc và Việt nam. Tuy nhiên, phân loại nợ theo thời gian vẫn là tiêu chí đang được áp dụng tại Trung quốc và Việt nam. Trong bài Viết này, xin tạm dùng định nghĩa nợ xấu là các khoản nợ không thu hồi được đúng thời hạn. Khối lượng nợ xấu tính đến thời điểm cuối năm 2003 của các Ngân hàng Trung Quốc và Việt Nam như sau: TT Chỉ tiêu Thời gian Tỷ USD % Dư nợ %GDP I Trung Quốc 1 NHTM quốc doanh 12/2003 232 20 17 2 NH cổ phần 03/2004 23 7 2 3 NH chính sách 06/2003 19 18 1 03/2004 60 30 4 Hợp tác xã tín dụng Tổng hệ thống ngân hàng 12/2003 373 19 28 Các AMCs 12/2003 107 0 8 Tổng hệ thống tài chính 03/2004 480 0 36 12/2003 1,5-6 7-30 3,7-15 12/2003 1,2 33,5 4 5 II Việt nam Các ngân hàng VN Ngân hàng ĐT&PTVN(Nợ dưới chuẩn)5 Nguồn: Herrero&Santabárbara 2004, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, IMF và ước tính của tác giả. Những nguyên nhân phát sinh nợ xấu Đối với một nền kinh tế, một hệ thống tài chính ngân hàng, nợ xấu phát sinh tập trung chủ yếu vào các nguyên nhân chính sau: Các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Vấn đề ở đây là sự việc kéo dài trong nhiều năm, các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Thua lỗ kéo dài dẫn đến việc Theo báo cáo kiểm toán do Ernst & Young thực hiện, ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tổng dư nợ không đạt tiêu chuẩn chiếm 67%, nợ dưới chuẩn 33,5% trong 52.860 tỷ đồng dư nợ cho vay vào cuối năm 2003. 5 Trang 5/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ không thể hoàn trả được các khoản công nợ, nhất là các khoản nợ vay ngân hàng. Đây là loại nợ khó xử lý nhất và nó bị tồn đọng trong nhiều năm, bản chất là đã mất vốn, không còn tài sản tương ứng với các khoản nợ này. Đây cũng chính là nguyên nhân chính trong việc phát sinh nợ xấu ở các nước kém phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi. Các khoản nợ này thường tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước hoặc các đối tượng doanh nghiệp được chính phủ ưu tiên. Mối quan hệ ràng buộc giữa chính phủ và các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước trong các nền kinh tế chuyển đổi: Chính sự trợ giúp của chính phủ đã tạo ra tâm lý ỷ lại “không trưởng thành” được của các doanh nghiệp nhà nước. János Kornai đã mô tả mối quan hệ ràng buộc này trong quyển sách “Hệ thống Xã hội chủ nghĩa” đã được dịch giả Nguyễn Quang A dịch sang tiếng Việt do Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin xuất bản năm 2002 như sau: Hộp 2: SỰ PHỤ THUỘC DỌC CỦA XÍ NGHIỆP 1. Gia nhập: Nhìn chung bộ máy quan liêu vẫn quyết định về việc thành lập mới các doanh nghiệp độc lập thuộc sở hữu công cộng. Bộ máy quan liêu thậm chí còn quyết định việc cấp phép thành lập các doanh nghiệp tư nhân và có cho phép cạnh tranh nhập khẩu không. 2. Rút lui: Bộ máy quan liêu quyết định khi nào giải thể một doanh nghiệp thuộc sở hữu công cộng. Việc này có quan hệ mật thiết thiết với hiện tượng ràng buộc ngân sách mềm. 3. Sáp nhập và tách: Cơ hội khởi xướng việc sáp nhập hay tách các xí nghiệp tăng lên, nhưng bộ máy quan liêu vẫn có quyền phán quyết cuối cùng. 4. Bổ nhiệm lãnh đạo: Bộ máy quan liêu hoặc quyết định trực tiếp hoặc có ảnh hưởng mang tính quyết định đến việc bổ nhiệm, chọn hay chuẩn y sự lựa chọn. 5. Đầu ra và đầu vào: Sự can thiệp của bộ máy quan liêu có thể là sự hỗ trợ hiệu quả khi có khó khăn mua một nguyên liệu đầu vào nào đó. Sự can thiệp này về đầu vào nhiều khi dẫn đến sự can thiệp không chính thức về đầu ra. Sự xoá bỏ kiểm soát đã làm tăng vai trò của của những hợp đồng tự nguyện trong các mối quan hệ giữa người bán và người mua. 6. Xuất nhập khẩu và trao đổi ngoại hối: Vai trò của doanh nghiệp sản xuất đã tăng đáng kể trong các giao dịch xuất nhập khẩu. Nhưng thậm chí cả khi doanh nghiệp được phép chính thức tham gia hoạt động ngoại thương, mà không phải nhờ vả đến một doanh nghiệp chuyên làm ngoại thương khác, thì các cơ quan cấp cao vẫn can thiệp bằng nhiều cách khác nhau như: việc quy định các mặt hàng xuất khẩu, thúc ép xí nghiệp hoàn thành các đơn hàng nhất định, ưu tiên một số thị trường và loại trừ các thị trường khác. Về nhập khẩu, hạn ngạch được thiết lập hoặc mỗi hợp đồng phải đi kèm với một thủ tục cấp phép. Cùng với tất cả các điều này, vẫn còn sự tập trung hoá chặt chẽ liên tục trong quản lý ngoại hối. 7. Sự lựa chọn công nghệ và phát triển sản phẩm: Các cơ quan cấp cao thường can thiệp vào việc lựa chọn công nghệ của doanh nghiệp cũng như việc lựa chọn các sản phẩm mới. Từ việc trợ cấp, các phương tiện tín dụng, đến giấy phép nhập khẩu… thường đều gắn bó với lựa chọn này. 8. Giá cả: Phi điều tiết từng phần được thực hiện trong việc định giá. Một dải rộng giá cả vẫn được quy định bởi các cơ quan có thẩm quyền, tuy vậy họ vẫn can thiệp vào việc quy định các mức giá, mà trên danh nghĩa người bán và người mua tự do quyết định. Các phương pháp tính toán được quy định, mức lãi được cố định và nếu mức giá được coi là cao một cách vô lý thì họ phản đối. 9. Việc làm và lương: Những giới hạn nhiều loại khác nhau ngăn cản việc thoả thuận tự do về Trang 6/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ lương giữa xí nghiệp sử dụng lao động và người lao động. Thường xuyên có sự can thiệp về việc làm thông qua các quy định chính thức hay không chính thức về các giới hạn trên và giới hạn dưới về việc làm. 10. Thuế và trợ cấp: Trên danh nghĩa, hệ thống thuế có hiệu lực thống nhất cho các doanh nghiệp. Trên thực tế, thì việc định mức thuế riêng cho một ngành hay cho một doanh nghiệp cụ thể là rất phổ biến và ngoài ra người ta còn có những nhượng bộ riêng lẻ về thực hiện nghĩa vụ thuế - cả về số thuế lẫn thời hạn nộp thuế. 11. Tín dụng và thanh toán nợ: Các đặc điểm của chế độ quan liêu vẫn tiếp tục chi phối hoạt động của ngành ngân hàng. Quan hệ giữa một ngân hàng và một xí nghiệp không phải là quan hệ thương mại theo chiều ngang, trong đó ngân hàng quan tâm đến chính lợi nhuận của mình, mà nó hoạt động như một ngành của chế độ quan liêu nhằm duy trì sự kiểm soát đối với doanh nghiệp. 12. Đầu tư: Phi điều tiết từng phần xảy ra trong việc quyết định đầu tư. Ở tất cả các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cải cách, có thể thấy sự gia tăng đáng kể tỷ trọng các khoản đầu tư mà doanh nghiệp có thể quyết định độc lập và nguồn tài chính chủ yếu là các khoản trích lại từ lợi nhuận. Tỷ trọng các khoản đầu tư không hoàn lại từ ngân sách giảm xuống, và vai trò của tín dụng ngân hàng tăng lên. Cho dù các khoản đầu tư từ nguồn tài chính tự có của doanh nghiệp tăng lên đáng kể, nhưng mức độ phi tập trung hoá thực tế khiêm tốn hơn thế nhiều. Các dự án lớn đòi hỏi sự tài trợ thêm ngoài các nguồn tài chính tự có của xí nghiệp. Điều này mở ra khả năng can thiệp đối với quyết định đầu tư từ các tổ chức tài chính nhà nước cung cấp vốn, từ ngân sách nhà nước hoặc từ hệ thống ngân hàng được tập trung hoá chặt chẽ. Những chính sách không hiệu quả hoặc nhà nước thay đổi chính sách tác động đến một số ngành, một số doanh nghiệp. Như chính sách đóng cửa rừng những năm cuối thập niên 90 đã ảnh hưởng không ít đến một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế biến lâm sản. Chính sách xây dựng các nhà máy đường, chính sách dữ trữ cà phê... Sự thay đổi hoặc áp dụng các chính sách không hiệu quả nhiều khi gây ra những khối lượng nợ xấu rất lớn cho các ngân hàng6. Điều này cũng thường xảy ra đối với các nền kinh tế chuyển đổi. Vì quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm không tránh khỏi những điều bất hợp lý mà không thể lường đoán trước được. Nền kinh tế rơi vào tình trạng khủng hoảng. Do phản ứng dây chuyền, các doanh nghiệp tạm thời mất khả năng thanh khoản không đủ tiền để trả các khoản nợ vay. Các khoản nợ xấu phát sinh do nguyên nhân này là tương đối dễ xử lý và có thể xử lý trong một thời gian ngắn vì cơ bản các khoản nợ vẫn được cấn đối bằng các tài sản nằm bên trái bản cân đối chứ không phải là những khoản phải thu hay chi phí chờ phân bổ không bao giờ thực hiện được. Về bản chất kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp vẫn có khả năng phục hồi và hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Đối với các nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, dù có chuyển đổi ngay hay làm từng bước một thì các doanh nghiệp nhà nước vẫn là khách hàng chính và là đối tượng gây ra nợ xấu cho các ngân hàng thương mại nhà nước nhiều nhất. Những khoản nợ xấu này chiếm tỷ lệ chủ yếu trong nợ xấu của các ngân hàng thương mại quốc doanh. Đây cũng chính là sự khác biệt rất lớn trong việc xử lý nợ xấu của các nền kinh tế chuyển đổi và các nền kinh tế thị trường rơi vào khủng hoảng nói chung, xử lý nợ của hệ thống tiết kiệm ở Hoa Kỳ vào cuối thập niên 80 nói riêng. Tổng khối lượng đầu tư cho chương trình mía đường của Việt nam gần 700 triệu USD. Nợ khoanh cho các doanh nghiệp cà phê gần 1.000 tỷ đồng. 6 Trang 7/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ Đối với Trung Quốc và Việt nam, nợ xấu phát sinh chủ yếu là do nguyên nhân thứ nhất và thứ hai, tức là do các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả và do sự thay đổi chính sách hoặc chính sách không thành công. Để thấy rõ vấn đề này, chúng ta cùng xem xét con nợ của các ngân hàng thương mại quốc doanh Trung quốc và Việt Nam là ai? Đối với Trung Quốc, đến cuối năm 2001, Trung Quốc còn 174.000 doanh nghiệp nhà nước, với tổng tài sản khoảng 2.032 tỷ USD, tổng nợ 1.186 tỷ USD, vốn chủ sở hữu 749 tỷ USD. Như vậy tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bằng 158%. Trong đó có 51,2% doanh nghiệp thua lỗ, số tài sản không luân chuyển (unhealthy asset) của các doanh nghiệp địa phương chiếm 15% tổng tài sản của các doanh nghiệp này (tương đương 186 tỷ USD)(Mako&Zhang 2003). Tổng dư nợ của các doanh nghiệp nhà nước trong các ngân hàng thương mại chiếm 75% (Unteroberdoester 2004) 7. Nợ xấu của các ngân hàng thương mại quốc doanh Trung Quốc chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước (Pei&Shirrai 2004). Đối với Việt nam, đến cuối năm 2003, cả nước còn khoảng 4.800 doanh nghiệp nhà nước, tổng số vốn được đánh giá lại khoảng 189.000 tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp sở hữu 40 tỷ đồng, song số doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 47%, đa số do địa phương quản lý. Tổng số nợ phải thu, phải trả là gần 300.000 tỷ đồng, trong đó khoản phải trả là 207.789 tỉ đồng mà các khoản nợ phải trả chủ yếu là vay ngân hàng (NH) và các tổ chức tín dụng (chiếm khoảng 76% nợ phải trả) 8. Thực tế trong 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước chỉ ở mức 10%. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn là 10,8%. Số doanh nghiệp có lãi chiếm 77%, nhưng chỉ khoảng 40% trong số đó có mức lãi cao hơn lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại 9. Nếu loại trừ các doanh nghiệp có những lợi thế riêng biệt như bưu chính viễn thông, điện, khai khoáng, tài chính ngân hàng… và sử dụng suất chiết khấu hợp lý10 thì số doanh nghiệp có NPV <0 sẽ chiếm tỷ trọng đa số. Theo IMF, dư nợ cho vay các doanh nghiệp nhà nước của các ngân hàng Việt Nam chiếm 37.8% (Unteroberdoester 2004) tổng dư nợ. Nhưng nếu loại trừ phần dư nợ cho vay các hộ nông dân (có tính chất tương tự các khoản cho vay chỉ định vì nó có một số điều kiện ưu đãi và nỗ lực trả nợ của những hộ nông dân này là rất thấp, điển hình là chương trình cho vay đánh bắt hải sản xa bờ và chương trình cho vay xây nhà sống chung với lũ) và chỉ tính riêng các ngân hàng thương mại quốc doanh thì tỷ trọng dư nợ của các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng rất lớn. Khối lượng nợ xấu chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp này11. 3. Các mô hình xử lý nợ Nợ xấu và xử lý nợ xấu luôn là vấn đề đau đầu của hầu hết các quốc gia, các hệ thống tài chính và của từng tổ chức tài chính riêng biệt. Khi khối lượng nợ xấu của các tổ chức tài chính gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung, hệ thống tài chính nói riêng. Điều này đặt ra yêu cầu cho tất cả các nước cần phải có những biện pháp xử lý và ngăn chặn các khoản nợ xấu phát sinh. Trong quá trình phát triển, hệ thống tài chính của nhiều quốc gia đã rơi vào khủng hoảng, phát sinh khối lượng nợ xấu rất lớn. Tuỳ theo đặc điểm riêng mà mỗi nước đã và đang áp dụng các mô hình xử lý nợ khác nhau. Có nước thành công, có nước không thành công. Nguyên nhân tạo ra sự khác biệt là gì? Dưới đây là mô hình xử lý nợ của một số nước. Trước khi đi vào mô hình của từng quốc gia hay nhóm quốc gia cụ thể, chúng ta cùng xem qua hai mô hình xử lý nợ chính, đó là mô hình xử lý nợ tập trung và mô hình xử lý nợ không tập trung (Centralized and Decentralized Model). Số liệu tính đến cuối năm 2000 http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(37,95994) 9 Nguồn báo cáo của Thứ trưởng Bộ tài chính Lê Thi Băng Tâm tai Hội nghị sắp xếp, đổi mới Doanh nghiệp nhà nước ngày 15-16/2004 và tổng hợp thông tin từ các báo. 10 Theo mô hình định giá tài sản vốn CAPM thì mức sinh lợi yêu cầu (suất chiết khấu) của doanh nghiệp bằng lãi suất phi rủi ro (thường là lãi suất tín phiếu kho bạc) cộng với phần bù rủi ro. Mức độ rủi ro của doanh nghiệp cao hơn các ngân hàng thương mại. Điều này có nghĩa là suất sinh lợi theo yêu cầu của doanh nghiệp phải cao lãi suất huy động của ngân hàng thương mại. 11 http://www.vnn.vn/kinhte/2004/09/261340/ 7 8 Trang 8/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ Mô hình xử lý nợ tập trung (điển hình là mô hình của Hoa Kỳ): Đây là mô hình mà nhà nước sẽ đóng vai trò chính trong quá trình xử lý nợ bằng việc thành lập ra cơ quan xử lý nợ quốc gia (thường là công ty xử lý nợ quốc gia). Cơ quan này có trách nhiệm chính trong việc xử lý tất cả các khoản nợ xấu của nền kinh tế được chuyển giao từ các tổ chức tài chính. Ưu và nhược điểm của các AMC tập trung được mô tả theo hộp dưới đây: Hộp 3: ƯU ĐIỂM VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA AMC TẬP TRUNG Ưu điểm  Tạo ra lợi thế kinh tế do qui mô lớn, tức là tập trung nguồn kỹ năng cơ cấu tài chính và nguồn lực vốn khan hiếm vào một cơ quan.  Trợ giúp việc chứng khoán hóa vì AMC công trung ương quản lý một cơ sở tài sản lớn hơn.  Tập trung về trung ương quyền sở hữu đối với tài sản thế chấp, tạo ra sức mạnh đòn bẩy lớn hơn đối với con nợ và quản lý tốt hơn.  Phá vỡ sự liên kết giữa ngân hàng và công ty và cải thiện khả năng thu hồi nợ.  Cho phép ngân hàng tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.  Cải thiện triển vọng tái cơ cấu ngành trong trật tự cho nền kinh tế.  Cho phép áp dụng các biện pháp thống nhất về tái cơ cấu tài chính.  Đẩy nhanh việc thu hồi nợ và tái cơ cấu ngân hàng khi được trao quyền hạn đặc biệt. Nhược điểm  Ngân hàng có lợi thế về thông tin nhiều hơn AMC vì ngân hàng đã từ lâu thu thập thông tin về khách vay vốn.  Để lại những khoản nợ trong ngân hàng có thể tạo ra động cơ tốt hơn khuyến khích việc thu hồi nợ và tránh thua lỗ trong tương lai bằng cách cải thiện thủ tục phê duyệt và theo dõi vốn vay.  Ngân hàng có thể cho vay thêm, điều này có thể là cần thiết trong tiến trình tái cơ cấu.  Nếu các tài sản chuyển giao cho các AMC không được quản lý một cách tích cực, thì sự hiện diện của một AMC có thể dẫn đến sự suy đồi chung về kỷ cương thanh toán và suy giảm nhiều hơn nữa của giá trị tài sản.  Cách ly một cơ quan công khỏi áp lực chính trị có thể là điều khó khăn, nhất là nếu cơ quan đó quản lý một tỷ lệ lớn tài sản của hệ thống ngân hàng. (Klingebiel 1999). Mô hình xử lý nợ phi tập trung (điển hình là mô hình của Thuỵ Điển): Theo mô hình này thì các ngân hàng sẽ tự xử lý các khoản nợ xấu của mình bằng việc thành lập ra AMC hoặc bộ phận xử lý nợ riêng hoặc là các tư nhân đứng ra thành lập các công ty xử lý nợ. Và điều đương nhiên là các AMC tư nhân này hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Những lợi thế và bất lợi của mô hình này gần như ngược lại với mô hình xử lý nợ tập trung. Công ty xử lý tài sản quốc gia của Hoa Kỳ (The Resolution Trust Company in the United States) RTC được thành lập như một cơ quan xử lý nợ nhanh vào năm 1989 để xử lý các khoản nợ xấu của các hiệp hội tiết kiệm và cho vay. Như một cơ quan nhà nước, RTC có rất nhiều mục tiêu, gồm: Tối đa hoá thu nhập ròng từ việc bán các tài sản được chuyển nhượng; tối thiểu hoá tác động lên các thị trường địa ốc và thị trường tài chính địa phương; tối đa hoá việc tạo ra nhà ở cho các cá nhân có thu nhập thấp. RTC thực hiện việc xử lý đối với cả hai loại nợ luân chuyển thông thường và nợ tồn đọng, khó xử lý (Performing and non-performing assets). Kết quả xử lý nợ của RTC là rất tốt. Tổng số tài sản mà RTC đã xử lý được là 465 tỷ USD bằng 8,5% tổng tài sản trong khu vực tài chính, tương đương 8,5% GDP của Hoa Kỳ năm 1989 (Bonin&Huang 2002). Trang 9/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ Nguyên nhân tạo ra thành công của RTC là do tổng khối lượng nợ xấu chỉ bằng 3% tổng tài sản tài chính trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất. Hơn thế nữa, khoảng 50% tài sản là các khoản vay bất động sản và vay cầm cố, 35% là tiền mặt và các loại chứng khoán khác. Vì vậy, nhiều tài sản được chuyển nhượng là rất tốt và dễ dàng bán thông qua việc đóng gói, chứng khoán hoá và đấu giá trên thị trường tài chính phát triển nhất thế giới. RTC chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn và đã hoàn thành sứ mệnh vào năm 1995. Một trong những yếu tố hết sức quan trọng khác tạo ra sự thành công này là các nhân sự cao cấp của RTC được lấy từ Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (đây là cơ quan có sự hiểu biết rất rõ về vấn đề lựa chọn bất lợi và tâm lý ỷ lại trong hoạt động tài chính) và đội ngũ nhân viên của họ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các tổ chức tài chính khó khăn, lâm vào tình trạng phá sản. Mặt khác, RTC đã dựa vào những nhà thầu tư nhân để đánh giá, quản lý và bán nhiều tài sản. Một cấu trúc quản lý hiệu quả đã cho phép RTC thu hồi 1/3 tài sản được chuyển nhượng, giảm thiểu đáng kể khối lượng nợ phải bán. Mặc dù tỷ lệ thu hồi trên tổng tài sản được chuyển nhượng đạt 86%, nhưng tổng chi phí hoạt động của RTC là 88 tỷ USD, bằng 20% giá trị tài sản được chuyển nhượng và bằng 1,5% GDP năm 1989. Theo Klingebiel, có nhiều yếu tố không thuận lợi ảnh hưởng đến hoạt động của RTC như: việc tài trợ của chính phủ rời rạc làm gia tăng chi phí xử lý; việc xử lý tài sản nhanh chóng bị cản trở bởi nhiều mục tiêu không nhất quán đan xen. Tuy có một số khó khăn, trở ngại, nhưng nhìn chung hoạt động của RTC là rất thành công vì đã có những điều kiện rất thuận lợi và những yếu tố cơ bản giúp nó thực hiện được sứ mệnh của mình. Mô hình các nước Đông Á sau khủng hoảng 1997 (mô hình tập trung) Đối với những con rồng, con hổ châu Á, năm 1997 quả là một cơn ác mộng đối với họ, Vấn đề còn trầm trọng hơn đối với hệ thống tài chính. Sau cuộc khủng hoảng này, hàng loạt các tổ chức tài chính, các ngân hàng rơi vào tình trạng phá sản. Tỷ lệ nợ xấu gia tăng đáng kể. Để giải quyết vấn đề này, dù sớm hay muộn các nước Đông Á đều đã thành lập cơ quan xử lý nợ quốc gia như: Indonesia Bank Restructuring Agency (IBRA), Korea Asset Management Company (KAMCO), Thai Asset Management Company (TAMC), DANAHARTA của Malaysia. Kết quả chỉ hơn 7 năm sau khủng hoảng, việc xử lý nợ xấu của các nước này đã cơ bản hoàn tất. IBRA đã ngừng hoạt động, DANAHARTA và TAMC dự kiến sẽ chấm dứt hoạt động vào năm 2005, KAMCO đã tham gia xử lý 125 tỷ USD nợ xấu xuống còn 15 tỷ USD12. Nguyên nhân dẫn đến thành công trong xử lý nợ của các nền kinh tế Đông Á là do khủng hoảng xảy ra đột ngột, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất thanh khoản tạm thời nên chưa thể hoàn trả đúng hạn các khoản nợ và các ngân hàng phải chuyển nợ quá hạn làm cho tỷ lệ nợ xấu tăng cao, nhưng về mặt bản chất, chủ nợ của các các khoản nợ nêu trên vẫn còn khả năng phục hồi và hoạt động hiệu quả là rất cao. Chính điều này làm cho việc xử lý nợ của các nền kinh tế Đông Á có tính khả thi cao. Nói chung các nền kinh tế Đông Á xử lý nợ hiệu quả là các khoản nợ đều có con nợ và các con nợ này có nỗ lực trả nợ. Từ mô hình xử lý nợ của Hoa Kỳ và các nền kinh tế Đông Á cho thấy rằng, việc xử lý nợ xấu sẽ có tính khả thi cao nếu các khoản nợ được đảm bảo hoặc các khoản nợ vẫn còn con nợ và con nợ có nỗ lực trả nợ. Đối với loại nợ này, sử dụng mô hình xử lý nợ tập trung sẽ mang lại thành công. Mô hình các nền kinh tế chuyển đổi ở Đông Âu Mô hình của Cộng hoà Séc(mô hình tập trung): Bắt đầu quá trình cải cách hệ thống ngân hàng vào đầu những năm 1990. Lúc này, tất cả vốn lưu động của các doanh nghiệp nhà nước được tài trợ bởi các khoản tín dụng ngắn hạn theo hạn mức với lãi suất thấp được xem là các khoản vay khó đòi (TOZ) (Bonin&Huang 2002). Với mục tiêu tái cấu trúc các khoản vay này theo các điều kiện thương mại, Séc 12 http://www.vir.com.vn/Client/Dautu/dautu.asp?CatID=13&DocID=3809 Trang 10/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ đã thành lập centralized hospital bank với tên gọi là Konsolidacni Banka (KnB). Tất cả các khoản vay khó đòi (TOZ) được chuyển nhượng cùng với một lượng tương ứng các khoản tiền gửi doanh nghiệp từ các ngân hàng khác. Tuy nhiên, các khách hàng là doanh nghiệp nhà nước vẫn duy trì quan hệ với các ngân hàng mà nó đang cung cấp các dịch vụ ngân hàng và các khoản vay mới. Qua nhiều thời kỳ, nhiều khoản vay khác được phân loại nợ xấu và chuyển từ các ngân hàng lớn nhất cộng hoà Séc cho KnB để xử lý và nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng này. Mặc dù được xem thời điểm cải cách là phù hợp, nhưng Séc đã thất bại trong việc tái cấu trúc hệ thống tài chính với mục tiêu xây dựng 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất thành các trụ cột của hệ thống và tách bạch các khoản cho vay chỉ định với các điều kiện ưu đãi sang một ngân hàng chuyên biệt. Nguyên nhân thất bại ở đâu? Đơn giản là vì nền tảng cho khu vực ngân hàng định hướng thị trường mạnh chưa được thiết lập. Các ngân hàng lớn vẫn chưa có sự độc lập từ Chính phủ. Nhà nước vẫn chiếm cổ phần chi phối trong các ngân hàng sau khi chúng được cổ phần hoá. Thứ hai, các ngân hàng không những vẫn giữ lại mối quan hệ với các khách hàng mà còn nắm giữ cổ phần của các khách hàng này trong quá trình cổ phần hoá. Điều này đã làm nảy sinh vấn đề mâu thuẫn giữa lợi ích của chủ sở hữu và chủ nợ. Khi có một cuộc khủng hoảng tiền tệ nhỏ tác động, bảng cân đối của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Một điểm thú vị là là chính sách bảo hộ của chính phủ Séc đã cho phép các ngân hàng nội địa duy trì một dải rộng và thu nhập các biên lợi nhuận đáng kể. Mặc dù trong môi trường này trong các ngân hàng có thể tự cấp vốn. Vấn đề nợ xấu không được xử lý vì các khoản tín dụng mềm vẫn được tiếp tục. Để giải quyết triệt để vấn đề này, các ngân hàng lớn của Séc cần một đợt tái cấp vốn đáng kể trước khi có thể bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ước tính tổng chi phí của việc tái cấu trúc các ngân hàng của Séc lên đến 30% GDP. Đây là con số cao nhất trong chương trình tái cấu trúc của các nền kinh tế chuyển đổi (Bonin&Huang 2002). Mô hình Hungary (mô hình phi tập trung): Ngược lại với Cộng hoà Séc, Hungary theo đuổi chính sách cổ phần hoá các ngân hàng quốc doanh bằng việc bán cổ phần chi phối cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài càng nhanh càng tốt. Việc bán như vậy đã yêu cầu tái cấp vốn của các ngân hàng tạo ra sự kết nối giữa giá trị ròng hiện tại và những giá trị đặc lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Hai đợt tái cấp vốn lớn và nhiều đợt tái cấp vốn bổ sung của các ngân hàng trong nước tạo cho Hungary có những ý niệm về vấn đề tâm lý ỷ lại mà trước đó nó gần như chưa được đề cập đến. Đợt tái cấp vốn lần thứ nhất chưa đủ tác động mạnh vì các công cụ được sử dụng chưa đủ thanh khoản và thu hút về phương diện tài chính và bởi vì các ngân hàng được tái cấp vốn vẫn cung ứng tín dụng và các dịch vụ ngân hàng cho các khách hàng kém hiệu quả (vấn đề này tương tự như trường hợp của Cộng hoà Séc). Đợt tái cấp vốn thứ hai sử dụng các công cụ có tính thị trường là sự thành công đáng kể vì việc cổ phần hoá thực sự nhắm đến các nhà đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Việc kết hợp tái cấp vốn và chiến lược cổ phần hoá đưa Hungary trở thành nước có hệ thống ngân hàng mạnh nhất trong các nền kinh tế chuyển đổi . Kinh nghiệm của Hungary chỉ ra tầm quan trọng của việc vận hành một cách độc lập và giảm thiểu các áp lực từ nhà nước và các khách hàng hoạt động kém hiệu quả. Quan trọng hơn những khoản nợ xấu được thừa hưởng tác động đến hoạt động sắp tới của ngân hàng là phải duy trì quan hệ với những khách hàng kém hiệu quả. Ngân hàng Hungary có doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nhiều nhất là Magyar Hitel Bank (MHB). Đầu tiên tìm kiếm một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nhưng sau khi được tái cấp vốn, danh mục nợ của MHB được chia thành tài sản tốt và tài sản không tốt. Những khoản nợ xấu cùng với các khoản tiền gửi của các khách hàng này được tách ra khỏi các khoản nợ tốt. MBH đã thành lập bộ phận chuyên xử lý các khoản nợ xấu. Với quan điểm chỉ ngân hàng tốt mới được cổ phần hoá. Điều này đã thu hút được một nhà đầu tư chiến lược tham gia để tăng vốn của ngân hàng này (Bonin&Huang 2002). Mô hình Ba lan (mô hình phi tập trung): Kinh nghiệm của Ba Lan chỉ ra sự không thích hợp của việc tạo ra trách nhiệm của các ngân hàng cho việc cơ cấu lại các doanh nghiệp. Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ một chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp dựa trên khái niệm cho rằng các ngân hàng có đủ thông tin về các con nợ của mình để đưa ra quyết định hoặc là thúc đẩy việc cơ cấu lại hoặc là thanh lý các doanh nghiệp. Phá sản đã được xem là lựa chọn ưa thích hơn trong quá trình tái cấu trúc tài chính. Công cụ chính được sử dụng để cấu trúc lại các khoản nợ là chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu. Lựa chọn này không phù hợp với các ngân hàng yếu. Do các ngân hàng này không có kinh nghiệm trong việc tái cơ Trang 11/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ cấu các doanh nghiệp lớn, sở hữu những khách hàng hoạt động kém hiệu quả. Hơn thế nữa, các khoản tín dụng mới được cung cấp chỉ giải quyết được phần nào khó khăn trong thời gian đầu, nhưng kết quả ngày một trầm trọng hơn. Trong tình huống nghiên cứu một ngân hàng Ba Lan Bonin&Leven (2000) nhận ra rằng các khoản tín dụng mới được mở rộng cho 3 khách hàng công nghiệp quốc phòng lớn trong chương trình đã vượt quá tổng khối lượng tái cấp vốn và đặt ngân hàng rơi vào tình thế khó khăn hơn với các khách hàng này sau khi cơ cấu lại. Cũng như trường hợp của Cộng hoà Séc, chương trình của Ba Lan đã tạo ra sự ràng buộc lớn hơn giữa ngân hàng và các khách hàng kém hiệu quả. Vì vậy, chương trình của Ba Lan tạo cho các doanh nghiệp yếu kém có điều kiện trì hoãn việc cơ cấu lại bằng những giải pháp quyết liệt hơn. Điều này càng khó khăn hơn cho các ngân hàng trong việc loại bỏ các khách hàng hoạt động kém hiệu quả nhằm lành mạnh hoá tình hình tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của mình (Bonin&Huang 2002). Từ mô hình của 3 nền kinh tế chuyển đổi ở Đông Âu cho thấy, việc xử lý nợ có thể được thực hiện tốt nếu giải quyết được những ràng buộc giữa ngân hàng và các doanh nghiệp mà ở đây chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, tránh được vấn đề lựa chọn bất lợi và tâm lý ỷ lại do thông tin bất cân xứng xảy ra trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là phải xác định rõ con nợ và tạo ra nỗ lực trả nợ của con nợ thì mới có thể xử lý được. 4. Trung Quốc và Việt nam đã và đang làm gì trong việc xử lý nợ xấu? 4.1. Trung Quốc Lựa chọn mô hình và cơ chế xử lý nợ Trung Quốc là một trường hợp riêng biệt trong việc lựa chọn mô hình xử lý nợ xấu do những đặc điểm riêng của họ. Hệ thống ngân hàng có quy mô rất lớn với tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế lên đến gần 2.000 tỷ USD, gấp hơn 1,5 lần GDP. Tổng khối lượng nợ xấu 480 tỷ USD bằng 36% GDP. Nếu xét con số tuyệt đối thì khối lượng nợ này tương đương với khối lượng nợ xấu của Hoa Kỳ năm 1989, nhưng tỷ lệ so với GDP lại gấp hơn 5 lần. Trung Quốc đã lựa chọn mô hình cho riêng mình. Nhà nước đã bỏ vốn để thành lập các AMC. Nhưng thay vì thành lập công ty xử lý nợ quốc gia, năm 1999, Trung Quốc đã thành lập bốn công ty quản lý tài sản với vốn điều lệ khoảng 5 tỷ USD (tương đương 1% tổng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc hiện nay). Đây là một con số rất nhỏ so với khối lượng nợ xấu. Do đó để có thể “mua” lại nợ của các ngân hàng, các AMC đã vay từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và phát hành trái phiếu. Mỗi AMC có trách nhiệm xử lý nợ xấu cho một ngân hàng thương mại quốc doanh. Các công ty này chịu sự quản lý và chỉ đạo đồng thời của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa và có mối quan hệ ràng buộc rất lớn với các ngân hàng "mẹ". Bên cạnh khoản nợ chuyển giao cho các AMC, các ngân hàng thương mại quốc doanh Trung Quốc vẫn còn một khối lượng nợ xấu rất lớn còn 232 tỷ USD vào cuối năm 2003. Khối lượng nợ xấu này giảm 13 tỷ so với năm 2002. Nhưng thực ra, khoản nợ được xử lý chủ yếu là việc xoá các khoản nợ không còn khả năng thu hồi. Khối lượng nợ được xử lý này là cơ sở để Chính phủ cấp thêm cho hai ngân hàng xử lý nợ tốt nhất Trung Quốc Ngân hàng trung Quốc (BOC) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) 45 tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại hối. Cơ chế xử lý nợ của Trung Quốc tập trung vào việc tận thu các khoản nợ bằng việc thanh lý tài sản thế chấp, cầm cố; chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu và bán các khoản nợ cho các nhà đầu tư, trong đó quan trọng nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Trang 12/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ Diễn biến và kết quả xử lý nợ Đối với các AMC, trong thời gian 1999, một khối lượng nợ bằng 170 tỷ USD đã được chuyển giao cho các AMC. Để đảm bảo nguồn vốn cân bằng khối lượng nợ chuyển sang, ngoài 5 tỷ USD vốn điều lệ được cấp ban đầu, thì khoản vay từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là 67 tỷ USD, phát hành trái phiếu là 108 tỷ USD13. Kết quả xử lý đến cuối tháng 3/2004, các AMC xử lý được 63,9 tỷ USD, phần lớn là chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu, số thu bằng tiền đạt 12,7 tỷ USD 14. Như vậy số nợ thu hồi được thực chỉ đạt 7,6% tổng số nợ xấu được chuyển sang và bằng 20% số nợ được xử lý. Nếu tính từ thời điểm hoạt động, đến nay đã trải qua hơn 5 năm (thời gian hoạt động của các AMC tại Trung Quốc theo dự tính là 10 năm) thì kết quả mà các AMC mang lại là rất hạn chế và người ta đã bắt đầu đặt vấn đề đối với vai trò và sự tồn tại của các AMC ở Trung Quốc (Guonan Ma and Ben SC Fung 2002 and Guifen Pei and Sayuri Shirai 2004). Do các AMC hoạt động không hiệu quả và khối lượng nợ xấu của các ngân hàng thương mại quốc doanh quá lớn, nên bản thân các ngân hàng thương mại quốc doanh ở Trung Quốc cũng đã có những nỗ lực xử nợ các khoản nợ xấu của bản thân ngân hàng mình, nhưng kết quả mang lại cũng rất hạn chế. Đối với các ngân hàng thương mại quốc doanh, trong suốt thời gian từ năm 1997 đền 2003, khối lượng nợ xấu gia tăng đều. Chỉ có hai thời điểm nợ xấu giảm là năm 1998 các ngân hàng này chuyển 170 tỷ USD cho các AMC và năm 2003 đợt xoá nợ cùng với cấp thêm vốn của Chính phủ Trung Quốc. Các khoản nợ xấu mà các ngân hàng thương mại quốc doanh xử lý được vẫn là việc dùng quỹ dự phòng rủi ro. Phần thu được từ khách hàng là rất hạn chế. Ngoài ra, tính đến thời điểm cuối tháng 08/2004, các ngân hàng thương mại và các AMC của Trung Quốc đã bán cho các nhà đầu tư nước ngoài khối lượng nợ với mệnh giá (face value) khoảng 6 tỷ USD, trong đó Citigroup chiếm tỷ trọng cao nhất, với khối lượng mua gần 2,2 tỷ USD 15. Con số này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ tổng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng quốc nội Trung Quốc, nhưng đây là một con số rất đáng kể đối với mỗi ngân hàng nước ngoài. Về động cơ mua lại các khoản nợ này của các ngân hàng nước ngoài, tác giả bài viết này chưa có điều kiện tìm hiểu một cách chi tiết, nhưng theo ý kiến chủ quan thì đây có thể là chiến lược gia tăng thị phần của các ngân hàng nước ngoài trên thị trường Trung Quốc (thị phần của các ngân hàng nước ngoài đến cuối năm 2003 chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn là 1,2%). Khối lượng nợ xấu của các Ngân hàng Thương mại Trung Quốc đến cuối năm 2003 được thể hiện theo đồ thị dưới đây: Trong bài viết này, tỷ giá đồng đô la Mỹ (USD) so với đồng nhân dân tệ (RMB) bằng 8,2 http://www.chinadaily.com.cn/english/doc/2004-06/28/content_343473.htm 15 NPL Asia Issue 4, September 2004, PriceWaterHouseCoopers 13 14 Trang 13/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ Từ kết quả xử lý nợ cho thấy kể cả AMC lẫn các Ngân hàng Quốc doanh ở trung Quốc xử lý nợ chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. 4.2. Việt nam Lựa chọn mô hình và cơ chế xử lý nợ Có một sự khác biệt với Trung Quốc, năm 2000, cùng với việc xây dựng đề án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại, trong đó chủ yếu tập trung vào các ngân hàng thương mại nhà nước. Bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất là BIDV, Vietcombank, Incombank và Agribank đã thành lập các công ty xử lý nợ với số vốn điều lệ cho mỗi công ty là 30 tỷ đồng. Với tổng mức vốn điều lệ là 120 tỷ đồng, chỉ bằng 0,5% tổng số dư nợ xấu của các ngân hàng thương mại ở cuối năm 2000, vai trò của các AMC này là không lớn mà đơn thuần chỉ làm nhiệm vụ xử lý nợ theo sự uỷ thác của các ngân hàng mẹ. Mặc dù không có số liệu chính thức, nhưng kết quả hoạt động của các AMC ở Việt Nam là rất hạn chế. Cho đến thời điểm thực hiện nghiên cứu này, vẫn chưa có đợt chuyển giao các khoản nợ xấu nào từ các ngân hàng cho các AMC. Khác với các ngân hàng Trung Quốc, tuy các AMC có liên hệ rất chặt chẽ với các ngân hàng, nhưng về hình thức, chúng hoàn toàn độc lập với các ngân hàng thương mại nên phần nợ được chuyển giao cho các AMC sẽ được đưa ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại. Ngược lại đối với các ngân hàng thương mại quốc doanh Việt nam, điều này là chưa thể thực hiện được vì các các AMC vẫn thuộc các ngân hàng thương mại. Do đó, khi hợp nhất các báo cáo tài chính thì các khoản nợ này vẫn còn. Cơ chế xử lý nợ các khoản nợ tồn đọng từ 31/12/2000 trở về trước được thực hiện theo quyết định 149/2001/TTg của Thủ tướng chính phủ. Trong đó các khoản nợ được chia thành 3 nhóm gồm: Nợ tồn đọng có tài sản đảm bảo (nợ nhóm 1); Nợ tồn đọng không có tài sản đảm bảo và không còn đối tượng để thu (nợ nhóm 2); Nợ tồn đọng không có tài sản đảm bảo nhưng con nợ còn tồn tại, đang hoạt động (nợ nhóm 3). Với cơ chế tín dụng trong thời gian qua, nhất là trước khi Nghị định 178/1999/NĐ-CP ra đời, tất cả các các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khi vay vốn ngân hàng đều phải có tài sản đảm bảo. Trong khi, đối với các doanh nghiệp nhà nước, sau khi bãi bỏ điều 11 Nghị định 59/1996/NĐ-CP về giới hạn huy động vốn không được vượt quá 1 lần vốn điều kiện của doanh nghiệp và các điều kiện đảm bảo tiền vay được nới lỏng thì nợ nhóm 1 chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nợ nhóm 3 chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước, khối lượng nợ nhóm 2 là tương đối ít, vì trong thời gian qua, số doanh nghiệp giải thể, phá sản, nhất là doanh nghiệp nhà nước là tương đối khiêm tốn. Cơ chế xử lý nợ cũng như thực tế, việc xử lý các khoản nợ nhóm 1, nhóm 2 là tương đối đơn giản, khối lượng nợ xử lý được tập trung vào hai nhóm này. Vấn đề khó khăn tập trung ở nợ nhóm 3. Kết quả xử lý nợ dưới đây phần nào phẩn ánh vấn đề này. Diễn biến và kết quả xử lý nợ Kết quả xử lý nợ của các Ngân hàng thương mại quốc doanh ở Việt Nam là rất hạn chế. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt nam, đến cuối năm 2003, tổng số nợ xấu được xử lý là 13.386 tỷ đồng, chiếm 62,9% tổng số nợ xấu được xác định theo đề án xử lý nợ của các ngân hàng thương mại vào ngày 31/12/2000. Trong đó, các ngân hàng thương mại tự xử lý được 8.873 tỷ đồng, chiếm 66,3% số nợ xử lý được, chính phủ xử lý 4.513 tỷ đồng, chiếm 33,7%16.Trong số nợ của các ngân hàng thương mại, 40% từ nguồn dự phòng rủi ro, chỉ có 24% được xử lý bằng các biện pháp tận thu (bán tài sản, khai thác tài sản, thu bằng tiền...)"17. Theo IMF, tính đến tháng 03/2003, tổng số nợ các ngân hàng thương mại quốc doanh xử lý 16 17 Nguồn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam http://www.laodong.com.vn/pls/bld/folder$.view_item_detail(96000) Trang 14/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ được khoảng 3.100 tỷ đồng (Unteroberdoerster 2004) & (IMF country report 12/2003). Trong đó xử lý từ tài sản đảm bảo khoảng 2.800 tỷ đồng. Phần này chủ yếu là nợ của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh18 . Phần xử lý từ các khoản nợ không có tài sản đảm bảo chỉ khoảng 300 tỷ, tương đương 10% số nợ thu hồi được. . Như vậy, số nợ mà các ngân hàng thương mại Việt Nam thực sự thu hồi được chỉ chiếm khoảng chừng 7% số nợ xấu. Phần còn lại các ngân hàng phải dùng quỹ dự phòng rủi ro để xoá nợ trên 5.000 tỷ đồng. Con số này tương đương với vốn điều lệ của các bốn ngân hàng thương mại quốc doanh vào thời điểm cuối năm 2000. Dưới đây là ý kiến của một số người liên quan trong việc xử lý nợ Hộp 4: Ý KIẾN CỦA MỘT SỐ NGƯỜI TRONG CUỘC Chính phủ? Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải: " Đối với ngành mía đường, vừa rồi Chính phủ đã phải bỏ ra mấy nghìn tỉ đồng để xử lý. Số DNNN làm ăn có lãi không lớn. Thuế thu nhập DNNN chỉ vẻn vẹn 8.000 tỉ đồng trên tổng số 87.000 tỉ nộp ngân sách nhà nước; mà nợ xấu đến 8,5 % trong khi bình quân cả nền kinh tế chỉ 6,1%; tổng số nợ phải thu, phải trả tiền lên tới khoảng 300.000 tỉ đồng. Những con số này chứng tỏ hiệu quả của DNNN hoàn toàn chưa tương xứng với vai trò lực lượng chủ lực, tiên tiến nhất của kinh tế. Hồi còn làm phó thủ tướng cho đến nay, ít nhất hai lần tôi đã phải xử lý nợ xấu không trả được cho DNNN. Vừa giải quyết xong 18.000 tỉ, vài năm sau đã 18.000 -19.000 tỉ khác "quay lại". Cứ làm ăn thế này sẽ hạn chế nhịp độ tăng trưởng của đất nước"...19 Ngân hàng? Ông Trần Minh Tuấn - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt nam20 Nhiều ngân hàng trích lập quỹ dự phòng rủi ro với số lượng hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, thực chất là làm giảm lợi nhuận và số tiền nộp ngân sách. Theo ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc này chỉ có tác dụng làm đẹp bảng tổng kết, trong khi thực tế nợ lại không thu hồi được. Ông Tuấn cho biết, tỷ lệ thất thoát trong thu hồi nợ đọng của các ngân hàng thương mại lên tới 57%. Tỷ lệ tận thu chỉ đạt 16,5% trong tổng số nợ đã được xử lý (10.111 tỷ đồng). Nếu tình hình tiếp diễn như hiện nay, số tiền thất thoát sẽ có thể lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Ông Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước VN: " Tính đến tháng 12.2003, số nợ tồn đọng của các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) đã xử lý đạt gần 13.400 tỉ đồng, bằng 63% số nợ cần xử lý. Tuy nhiên, trong tổng số nợ đã được xử lý, có tới 33,7% lấy từ nguồn Chính phủ, 40% từ nguồn dự phòng rủi ro, chỉ có 24% được xử lý bằng các biện pháp tận thu (bán tài sản, khai thác tài sản, thu bằng tiền...)" Ông Lê Đào Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển VN (BIDV): "Do cơ chế Nhà nước dành quá nhiều đặc ân cho DNQD nên từ trước tới nay thành phần kinh tế này được vay vốn của các NHTM mà không cần tài sản thế chấp. Nhiều đơn vị khi thành lập chỉ Theo nhận định chủ quan của tác giả, phần xử lý từ việc bán các tài sản của Công ty TNHH Minh Phụng trong vụ án Minh Phụng - EPCO chiếm một phần rất lớn. 19 Trích phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội nghị toàn quốc về đẩy mạnh đổi mới DNNN ngày 16.3.2004 20 http://us.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2003/01/3B9C45BB/ 18 Trang 15/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ được cấp con dấu, mà không có đồng vốn nào nên phải vay 100% vốn để làm ăn. Trong tổng số dư nợ cho vay 65.000 tỉ đồng của BIDV thì DNQD chiếm 65% (trước đây là 85%), còn 35% cho các thành phần khác. Vì làm ăn kém hiệu quả nên số nợ tồn đọng của thành phần kinh tế này chiếm hầu hết trong tổng số nợ khó đòi của ngân hàng. Được biết, vốn tự có (chủ yếu do ngân sách cấp) của hệ thống NHTM quốc doanh đến thời điểm này chỉ đạt khoảng 21.000 tỉ đồng! Các NHTM Nhà nước phải gánh chịu khối nợ xấu rất lớn." 21 Ngành xi măng - đề nghị cho khoanh nợ, giãn nợ Ông Đỗ Văn Nhân - Kế toán trưởng Cty ximăng Hải Vân: "Tổng số nợ lãi treo mà Cty chúng tôi vẫn chưa trả được cho hai ngân hàng (NH) là 41,448 tỉ đồng (gồm 138.486 USD của NH Ngoại thương; 19,1256 tỉ đồng và 1,044 triệu USD của NH Đầu tư - Phát triển và khoản phí bảo lãnh). Thêm nữa, khoản nợ thiết bị, phải gánh nợ cho Cty xi măng Hoà Khương (38 tỉ đồng gốc), hiện tại Cty chúng tôi vẫn phải trả lãi 0,7%/tháng; rồi khoản 68 tỉ đồng kiên cố hoá kênh mương ở tỉnh Quảng Nam v.v... Đơn vị lỗ luỹ kế đến 126 tỉ đồng. Cty đã kiến nghị đến các cơ quan có trách nhiệm xin xử lý khó khăn tài chính với các khoản nợ này; trong đó xin được xử lý nợ gốc, cho khoanh nợ không tính lãi với khoản trả hộ Hoà Khương, và xoá nợ lãi treo (hơn 41 tỉ) của 2 NH. Chính phủ cũng đã có ý kiến đối với khoản nợ Hoà Khương, giao NH Nhà nước chỉ đạo tổng hợp chung trong đề án xử lý nợ của NH. Khoản lãi vay chưa trả NH phát sinh trước ngày 31.12.2000, Chính phủ được xử lý theo Nghị định 69/2002/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, xử lý nợ tồn đọng đối với DNNN. "22 Ông Phạm Công Hường - Kế toán trưởng Cty Ximăng Hoàng Mai: "Nhà máy Ximăng Hoàng Mai chính thức sản xuất từ ngày 1.7.2002, cho đến thời điểm này vẫn nợ, vẫn lỗ. Chỉ riêng việc trượt giá USD và EURO Cty đã "hưởng trọn" một khoản nợ khổng lồ: 399 tỉ đồng (trong khâu mua thiết bị của dự án). Hiện tại Cty nợ 2.667 tỉ đồng, nợ đến hạn phải trả là 397,5 tỉ đồng và lãi phải trả cho các khoản vay đầu tư là 158 tỉ đồng. Riêng vay của 2 NH nước ngoài đã trả được 5 kỳ, thực chất mới trả được 800 tỉ/ khoản vay 1.500 tỉ đồng. Chúng tôi cũng đang tập trung mọi nguồn để lo sản xuất và trả nợ, TCty vừa cho vay 50 tỉ để trả nợ đến hạn, vẫn thiếu 82 tỉ chưa biết tìm nguồn nào. Kiến nghị của Cty tôi là xin kéo dài thời gian trả nợ." 23 Nợ khoanh cà phê - Không thể trả nợ - đề nghị cho khoanh tiếp24 Công ty Cà phê Phước An là doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk, có diện tích cà phê lớn nhất nước 1.900 ha và cũng là công ty có số nợ khoanh lớn nhất 104 tỷ đồng. Toàn công ty có 1.800 công nhân với 2.300 hộ sản xuất nhận khoán trong đó có 400 hộ đồng bào dân tộc. Tình hình tài chính của công ty khó khăn trong nhiều năm và đến nay càng nặng nề hơn. Ông Trần Minh Thuỵ - Giám đốc Công ty Cà phê Phước An cho rằng, việc trả nợ đến nay là chưa thể thực hiện bởi trong những năm qua công ty gặp vô vàn khó khăn. Bên cạnh mục tiêu sản xuất kinh doanh thì Công ty Phước An còn phải đảm nhiệm nhiều chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc, đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng dân sinh... Mặc dù giá cà phê thời gian gần đây có nhích lên đôi chút nhưng thu vẫn chưa đủ bù chi, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn bấp bênh, do vậy khoản nợ đến hạn đó cty chưa thể có khả năng thanh toán. Với các doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Cà phê tình hình cũng bi đát chẳng kém. Từ cuối năm 1999 đến hết năm 2002, giá cà phê trong và ngoài nước liên tục giảm làm các đơn vị sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu mặt hàng cà phê của Tổng Công ty thua lỗ lớn. http://www.nld.com.vn/tintuc/kinh-te/103615.asp LĐ số 81 Ngày 21.03.2004 23 LĐ số 81 Ngày 21.03.2004 24 http://www.dddn.com.vn:81/webplus/viewer.asp?pgid=4&aid=3006 21 22 Trang 16/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ Không có khả năng thanh toán nhanh hầu hết các đơn vị đều phải dùng tiền vay ngân hàng để bù đắp các khoản chi phí cho sản xuất kinh doanh, gây mất cân đối nghiêm trọng về tài chính ở đa số các đơn vị thành viên. Theo tính toán của TCty, có đơn vị thành viên lỗ trên 10 tỷ đồng. Qua từng năm kinh doanh thua lỗ đến nay số lỗ luỹ kế của toàn TCty đến 31/12/2003 lên tới gần 600 tỷ đồng. Theo dự báo của Tcty Cà phê VN tình hình đặc biệt khó khăn về tài chính của các doanh nghiệp cà phê sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc không thể trả nợ vay Ngân hàng đối với các khoản nợ theo Quyết định 1127/ QĐ-TTg ngày 27/8/2001. Tổng Công ty Cà phê VN đã trình chính phủ xin “tiếp tục được khoanh nợ thêm 3 năm nữa đối với các khoản nợ đã được khoanh theo Quyết định 1127/QĐ-TTg, số tiền là 760 tỷ đồng”. Qua các ý kiến nêu trên cho thấy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại coi nợ xấu và xử lý nợ xấu là một vấn đề hết sức bức thiết, trong khi các doanh nghiệp chỉ trông chờ vào việc xin giãn nợ, khoanh nợ và xoá nợ. Đây chính là vấn đề gây khó khăn trong quá trình xử lý nợ được giải thích theo cơ chế dưới đây. 5. Tại sao Trung Quốc và Việt Nam chưa thành công trong việc xử lý nợ xấu? Kết quả xứ lý nợ của các ngân hàng thương mại Việt Nam và Trung Quốc là rất hạn chế. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này. Vấn đề ở chỗ là do cơ chế của các doanh nghiệp nhà nước đã không xử lý được mâu thuẫn lợi ích giữa chủ sở hữu - người điều hành và tạo ra lựa chọn bất lợi, tâm lý ỷ lại. Chính vấn đề này tạo ra tâm lý các doanh nghiệp nhà nước chỉ muốn vay vốn thực hiện dự án mới mà hầu như không có nỗ lực trả nợ. Do đó việc xử lý nợ ngoài giải pháp xoá nợ từ quỹ dự phòng rủi ro (đối với các khoản nợ các ngân hàng tự cho vay) và nguồn vốn Chính phủ cấp bù (đối với các khoản cho vay chỉ định) thì các giải pháp thu hồi nợ thực là rất khó thực hiện. Cơ chế tạo ra nợ xấu và nguyên nhân không có nỗ lực xử lý nợ của các doanh nghiệp nhà nước do các vấn đề cơ bản sau: Vấn đề về uỷ quyền tác nghiệp (Agency theory) Vấn đề uỷ quyền - tác nghiệp: Mối quan hệ ủy quyền – tác nghiệp như là một hợp đồng theo đó một hay nhiều người (người chủ) thuê một người khác (người thừa hành) thay mặt họ thực hiện một số dịch vụ và được phép đưa ra những quyết định liên quan”. Thường thì người chủ phải trả thù lao cho người thừa hành để làm công việc đó. Việc giả định rằng có thể thiết kế hợp đồng hoàn chỉnh đã loại bỏ khả năng xảy ra mâu thuẫn giữa người chủ và người thừa hành, hay xung đột giữa những người có liên quan trong một tổ chức. Việc loại bỏ giả định này hàm ý rằng người thừa hành không phải lúc nào cũng hành động vì lợi ích cao nhất của người chủ. Do đó, người chủ phải theo dõi người thừa hành và phải tốn chi phí theo dõi. Khi biết phải có chi phí này thì người chủ sẽ trừ chúng vào khoản tiền công trả cho người thừa hành. Còn người thừa hành thấy khả năng tiền lương của mình bị giảm đi, anh ta sẽ chấp nhận gánh chịu chi phí ràng buộc (bonding cost) nhằm đảm bảo với phía chủ rằng anh ta sẽ cố gắng hạn chế những hành động có thể gây thiệt hại cho người chủ. Mâu thuẫn về lợi ích cũng tạo ra những mất mát phụ trội (residual loss) do phúc lợi không được tối đa hóa. Tổng chi phí theo dõi, ràng buộc và mất mát phụ trội được gọi là chi phí ủy quyền – tác nghiệp (agency cost) vì chúng xuất phát từ các mối quan hệ giữa người chủ và người thừa hành. Các dạng mâu thuẫn giữa uỷ quyền - tác nghiệp gồm: Mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông và các nhà quản lý công ty do sự tách biệt giữa quản lý và sở hữu trong loại hình doanh nghiệp hiện đại. Mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông và chủ nợ. Vấn đề uỷ quyền tác nghiệp trong các doanh nghiệp nhà nước: Trong doanh nghiệp nhà nước, sở hữu doanh nghiệp là toàn dân. Nhà nước (Chính phủ) đại diện cho toàn dân quản lý phần vốn, tài sản này. Chính phủ giao cho những người điều hành doanh nghiệp (hội đồng quản trị, ban giám đốc) quản lý, sử dụng phần vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp một cách hiệu quả. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ là tiêu chí nào được dùng để xác định hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, nếu các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả cao thì những nhà điều hành doanh nghiệp được gì? Việc xác định quyền hạn và trách Trang 17/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ nhiệm đối với những người điều hành doanh nghiệp là rất chung chung. Theo quy định có vẻ như là trách nhiệm rất lớn, quyền hạn thì nhỏ. Nhưng thực tế, quyền hạn của những người điều hành các doanh nghiệp nhà nước là rất lớn, trong khi rất khó quy trách nhiệm vì nguyên nhân khách quan thường được dựa vào khi xảy ra những rủi ro hoặc doanh nghiệp nhà nước hoạt động không có hiệu quả. Mặt khác, trong thực tế, mức lương của các cấp điều hành doanh nghiệp nhà nước rất bất hợp lý so với những người có vị trí tương tự ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Nếu chỉ tính thu nhập chính thức của những người điều hành doanh nghiệp nhà nước thì để đảm bảo cho cuộc sống là rất khó khăn, nhưng thực tế thì sao? Chính điều này làm cho nhiều người điều hành doanh nghiệp chỉ lo tìm kiếm lợi ích cá nhân (rent seeking) và hầu như không quan tâm, hoặc nhiều khi đi ngược lại lợi ích của doanh nghiệp. Lựa chọn bất lợi và tâm lý ỷ lại (Adverse selection & Moral hazard) Lựa chọn bất lợi và vấn đề lựa chọn bất lợi trong thị trường tài chính: Lựa chọn bất lợi là trục trặc của yếu tố cơ hội chủ nghĩa trước hợp đồng; nó nảy sinh vì thông tin riêng mà người thực hiện "giao dịch" có trước khi họ ký hợp đồng, trong lúc đang tính toán xem việc thực hiện "giao dịch" thì có lợi hay không (Milgrom & Roberts 1992)". Đối với hoạt động tài chính ngân hàng, lựa chọn bất lợi sẽ xuất hiện khi nguồn vốn khan hiếm, lãi suất cho vay bị đẩy lên cao hoặc tín dụng được cấp theo những điều kiện hạn chế. Theo nguyên tắc "rủi ro cao - lợi nhuận cao" (high risk - high return) và nguyên tắc loại trừ, khi nguồn cung tín dụng dồi dào, mức lãi suất cho vay thấp thì các dự án có suất sinh lợi thấp - rủi ro thấp, đảm bảo khả năng trả nợ một cách chắc chắn và các dự án có suất sinh lợi cao - rủi ro cao với khả năng trả nợ ít chắc chắn hơn đều được cấp tín dụng để thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi nguồn vốn khan hiếm, lãi suất cho vay bị đẩy lên cao. Khi đó, các dự án an toàn không được cấp tín dụng mà chỉ có những dự án có mức độ rủi ro cao, với suất sinh lợi cao được vay vốn để thực hiện. Đây chính là vấn đề lựa chọn bất lợi trong hoạt động tài chính ngân hàng đã xảy ra. Khi mà chỉ các dự án có độ rủi ro cao được thực hiện thì nguy cơ vỡ nợ của các tổ chức tài chính là rất cao. Tâm lý ỷ lại và vấn đề tâm lý ỷ lại trong thị trường tài chính: Tâm lý ỷ lại là hình thức cơ hội chủ nghĩa sau hợp đồng, phát sinh do các hành động có tác động đến hiệu quả nhưng lại không dễ dàng quan sát được và vì thế những người thực hiện các hành động này có thể chọn theo đuổi những lợi ích cá nhân của mình trên cơ sở gây tổn hại cho người khác (Milgrom & Roberts 1992). Để có sự tồn tại của tâm lý ỷ lại, ba điều kiện phải được thỏa mãn. Thứ nhất, phải có sự khác biệt về quyền lợi giữa các bên; Thứ hai, phải có một cơ sở nào đó để tạo ra trao đổi có lợi hay một hình thức hợp tác khác nhau giữa các cá nhân (tức là có lý do để đồng ý giao dịch) từ đó làm lộ ra mâu thuẫn về quyền lợi; Thứ ba là phải tồn tại những khó khăn trong việc xác định xem các điều kiện thỏa thuận có đúng là được tuân thủ và thực hiện hay không. Tâm lý ỷ lại trong lĩnh vực tài chính xảy ra sau khi cấp tín dụng, những người được cấp tín dụng luôn có xu hướng muốn thực hiện các đầu tư rủi ro hơn những người cho vay mong đợi, vì chủ đầu tư sẽ có được những khoản lợi nhuận rất lớn nếu dự án thành công, trong khi những người cấp tín dụng chỉ nhận được một khoản lợi ích cố định. Ngược lại, nếu dự án thất bại thì bên cho vay sẽ bị mất một phần hoặc toàn bộ vốn do không được hoàn trả đầy đủ. Vấn đề lựa chọn bất lợi và tâm lý ỷ lại trong các doanh nghiệp nhà nước: Với cơ chế phân quyền và chế tài trách nhiệm rất không rõ ràng làm cho những người điều hành doanh nghiệp có lợi ích và quyền lực rất lớn, ngược lại trách nhiệm và nghĩa vụ thì rất mù mờ với tính khả thi không cao. Hay nói cách khác lợi ích thì các cấp điều hành doanh nghiệp có rất nhiều, trách nhiệm thì chung chung, có thể cho là do nguyên nhân khách quan. Kết quả là rất nhiều người điều hành doanh nghiệp chỉ tập trung làm lợi cho cá nhân, thay vì làm lợi cho doanh nghiệp. Họ chỉ lo chạy các dự án mới để có phần lợi ích của mình. Trong cơ chế tín dụng còn nhiều ràng buộc, nhất là tín dụng chỉ định còn chiếm một tỷ trọng lớn, thì tiêu chí lợi nhuận với NPV dương không phải tiêu chí hàng đầu mà nhiều "ngoại tác" tích cực như góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương, giải quyết việc làm … được tính đến và việc có được dự án, có được nguồn tín dụng là ưu tiến lớn của các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp nhà nước Trang 18/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ thường là chủ đầu tư các dự án này. Chính cơ chế này tạo ra vấn đề chạy dự án của các doanh nghiệp mà các cấp điều hành doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi thực hiện các dự án này. Việc xử lý những rủi ro, tổn thất của những dự án trước đó, nhất là những dự án do những người điều hành trước đó để lại là rất ít, trừ trường hợp họ phải chịu sức ép từ những người đã từng điều hành doanh nghiệp hiện tại đã được đề bạt vào vị trí cao hơn, có nhiều ảnh hưởng đối với họ. Do những người được giao điều hành doanh nghiệp có quyền và lợi ích rất lớn, nhưng trách nhiệm rất chung chung, nên vấn đề lo củng cố quyền lực, địa vị không thể tránh khỏi. Với mục tiêu chạy dự án để được chia phần trong 30% thất thoát mà các báo đã nêu thì các tiêu chí hiệu quả của dự án bị xem nhẹ, mà dự án nào có thể hiệu quả khi chi phí đầu tư bị đẩy lên 50% so với thực tế. Kết quả là các khoản nợ xấu không có khả năng trả phát sinh. Thường thì khi các doanh nghiệp thực hiện xong các dự án hoặc có vấn đề xảy ra, hoặc qua một chu kỳ khoảng chừng 5 năm lại có sự thay đổi về mặt nhân sự. Và nỗ lực của người mới lên trong việc xử lý các khoản nợ tồn đọng do những người điều hành doanh nghiệp trước đó để lại như thế nào. Có thể khẳng định rằng, gần như họ chẳng có nỗ lực gì. Vì thực tế họ gần như không được gì từ việc xử lý các khoản nợ này mà khả năng thiệt hại rất lớn do vấn đề cơ chế không đồng bộ, rất nhiều vấn đề phải vận dụng, nhiều khoản chi phí không thể hạch toán. Mà vận dụng trong việc xử lý nợ và chi những khoản chi phí không thể hạch toán thì khả năng xảy ra rủi ro là rất lớn. Mặt khác chính những ưu đãi của Nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước đã tạo ra sự bất công bằng ngay trong các doanh nghiệp nhà nước. Khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả phải đóng thuế nhiều mà không được hưởng ưu đãi gì, ngược lại đối với các doanh nghiệp khó khăn, hoạt động kém hiệu quả lại được cấp những khoản tín dụng ưu đãi, được khoanh nợ, xoá nợ. Điều này chẳng khác gì người làm tốt thì bị phạt còn người làm không tốt lại được thưởng. Việc tin rằng đã có nhà nước đứng ra cứu giúp đã tạo ra vấn đề nợ dây chuyền theo mô tả của János Kornai như sau: Hộp 5: Một điều kiện cốt yếu không thể thiếu được cho hoạt động bình thường của thị trường là những thoả thuận giữa người mua và người bán phải được tôn trọng. Trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, các hợp đồng thường bị vị phạm mà không bị phạt. Khá thường xuyên là những xí nghiệp quốc doanh có vấn đề về khả năng thanh toán vượt khó khăn, đơn giản bằng cách không trả nợ cho xí nghiệp cung ứng hàng cho mình. Loại tín dụng bắt buộc như vậy trở thành một dạng chính của mềm hoá ràng buộc ngân sách. Tai hoạ lây lan, xí nghiệp không được thanh toán cho đầu ra của mình gặp rắc rối và lại không trả được cho nhà cung cấp của mình, người này cũng đối xử như vậy đối với các nhà cung cấp,v.v và v.v. Hiện tượng được gọi là “xếp hàng” theo tiếng lóng của giới tài chính. Những chủ nợ bắt buộc này xếp hàng ở xí nghiệp con nợ, hy vọng rằng một ngày nào đó đến lượt họ được thanh toán. Nếu xếp hàng trở nên phổ biến thì khủng hoảng thanh khoản thực sự xảy ra. Mỗi xí nghiệp bình tĩnh từ chối thanh toán hoá đơn, bởi vì họ tin chắc rằng sẽ không bị kết tội và bị phá sản bởi khủng hoảng; bằng cách nào đó, nhà nước và hệ thống ngân hàng nhà nước sẽ cứu nó khỏi rắc rối. Đồ thị lợi ích và rủi ro của những nhà điều hành doanh nghiệp khi thực hiện dự án và khi xử lý nợ hoặc Trang 19/26 Xử lý nợ xấu ở Việt Nam: Nhìn từ mô hình Trung Quốc và một số nền kinh tế khác________________ cổ phần hóa như hình 1 và hình 2 dưới đây*. Lợi ích và rủi ro của người điều hành doanh nghiệp Lợi ích người điều hành dự án Lợi ích Kết quả dự án mang lại Rủi ro Tìm kiếm dự Xử lý nợ hoặc án mới CPH Hình 1 Hình 2 Như vậy, giả sử các nhà điều hành doanh nghiệp có một đường ngân sách nhất định (giới hạn về thời gian và các nguồn lực khác). Họ có hai việc phải lựa chọn và cân đối để thực hiện đó là tìm kiếm các dự án mới và tập trung xử lý nợ. Nhưng với phân tích như trên thì tỷ lệ thay thế biên giữa lợi ích của việc tìm kiếm dự án và lợi ích của việc xử lý nợ luôn nhỏ hơn độ dốc của đường ngân sách. Điều này dẫn đến lựa chọn giải pháp góc (corner solutions). Có nghĩa là gần như toàn bộ nguồn lực được dành cho việc tìm kiếm dự án mới, các khoản vay mới. Phần dành cho việc xử lý nợ là không đáng kể. Hành vi được mô tả theo đồ thị hình 3 dưới đây. Tìm k Điểm lựa chọn i ế m Đường đẳng ích d ự Đường giới hạn nguồn lực (ngân sách) á n Tập trung xử lý nợ m Hình 3 ớ i Các hình vẽ, mô hình trong bài viết này không phải được xây dựng từ những bằng chứng thực nghiệm được lượng hoá mà tác giả chỉ muốn phân tích bằng các mô hình đã được lý thuyết hoá, mô hình giả định để dễ hình dung hơn là mô tả thuần tuý bằng lời. * Trang 20/26
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan