Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Văn học Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong tập thơ “nhật kí trong tù” của hồ chí minh (2)...

Tài liệu Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong tập thơ “nhật kí trong tù” của hồ chí minh (2)

.PDF
37
165
65

Mô tả:

PHẦN MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI: 1.1 Nguyễn Du từng nói: “Bài thơ làm song, cây cỏ cũng được truyền thiên cổ” (Dẫn Theo Nguyễn Đăng Mạnh) [12; 4]. Điều kì diệu ấy của văn chương quả là có thật. Nói cho đúng, hiểu cho thấu đáo một tác phẩm nghệ thuật nói chung là khó. Nó là thế giới tâm hồn của con người với bao điều bí ẩn, tế vi nhất. Thơ Bác lại càng khó hơn nữa, vì là tiếng nói của một tâm hồn vĩ đại. Điều ấy - như một gợi ý thôi thúc nhiều người yêu thích thơ Bác tìm đến và cảm nhận vẻ đẹp của thơ Bác một cách mãnh liệt hơn. 1.2. Rất nhiều tác giả và tác phẩm trong kho tàng thơ ca Việt Nam đã được soi chiếu dưới góc nhìn truyền thống thơ ca dân tộc và cách tân; giữa phương Đông và phương Tây; giữa cổ điển và hiện đại. Ngay đến các nhà thơ thuộc phong trào Thơ Mới (1932 -1942) cũng được nhìn nhận, đánh giá dưới góc độ của màu sắc cổ điển và màu sắc hiện đại. rất nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh điều đó. Như vậy, việc lựa chọn tìm hiểu Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh - trong chuyên đề của Hội thảo lần này, nằm trong mạch chảy tìm hiểu, so sánh vẻ đẹp của thơ ca nói chung và tập thơ Nhật kí trong tù của Bác nói riêng. Điều đó, không chỉ góp thêm một tiếng nói vào trong hệ thống của một hướng cảm nhận chiều sâu tác phẩm văn chương mà còn là một dịp để khám phá vẻ đẹp của một chỉnh thể nghệ thuật được sâu sắc hơn (coi tập thơ Nhật kí trong tù của Bác là một chỉnh thể nghệ thuật hoàn chỉnh, sinh động). 1.3. Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh là một tập thơ được nhiều người đánh giá cao, nó “là một tập thơ lớn (... ) mà các nhà thơ Trung Quốc sành sỏi cũng phải công nhận là tuyệt tác (nhà thơ Trung Quốc) [7; 139], với “những bài thơ ấy đã xáo trộn cả tâm hồn” (nhà thơ Pháp) [7; 216]. Xưa nay những tác phẩm văn học trở thành bất hủ bao giờ cũng chinh phục người đọc bằng chính vẻ đẹp đích thực của nó, “một tác phẩm có thể thu hút được bạn đọc không bao giờ do những gì hoàn toàn cổ kính hay hoàn toàn hiện đại, mà chính là ở việc giữ được độ căng giữa cái truyền thống và cái mới” [7; 151] và Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh là một tác phẩm nghệ thuật như thế. Với chuyên đề Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh, ở tư cách cá nhân, tôi còn muốn góp thêm một tiếng nói trong “cuộc đối thoại vô cùng lớn” ấy. 2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ: 1 2.1. Về việc nghiên cứu vẻ đẹp cổ điển và vẻ đẹp hiện đại trong thơ ca Việt Nam: Có rất nhiều bài viết, chuyên đề nghiên cứu thuộc phạm vi Văn học so sánh đã trực tiếp so sánh hoặc gián tiếp nhắc đến sự “ảnh hưởng”, “màu sắc” hay “vẻ đẹp” của thơ ca cổ điển phương Đông (tiêu biểu nhất là thơ Đường) và vẻ đẹp “sự cách tân hiện đại”, “màu sắc hiện đại” trong nhiều mảng màu của thơ ca Việt Nam. Trong chuyên đề này, chúng tôi xin được điểm sơ lược nhất tên một số bài nghiên cứu, chuyên đề như một sự nhắc lại lịch sử nghiên cứu về vấn đề này (chứ không khái quát lại về nội dung của các bài nghiên cứu): (1) Lê Thị Anh, Thơ Mới với thơ Đường, NXB Văn học, H.2007; (2) Nguyễn Xuân Diện – Bước đầu tìm hiểu ảnh hưởng của thơ Đường đối với thơ Mới (1998); (3) Đặng Anh Đào, Gặp gỡ Việt – pháp trong thơ, Báo văn nghệ số 21-23/ tháng 5/ 1992; (4) Lê Thị Hồng Hạnh, Chất cổ điển và hiện đại trong “Chiều” của Hồ Dzếnh, tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số 1/ 2001; (5) Hoàng Thị Trung Hiếu, Màu sắc cổ điển trong một tập Thơ Mới – “Lửa thiêng” của Huy Cận, Luận văn Thạc sĩ, Trường ĐHSP Hà Nội, năm 1998; (6) Đỗ Đức Hiểu, Baudelaire và Vũ Đình Liên, Tạp chí Văn học, số 4/ 1993; (7) Lê Đình Kỵ, Ảnh hưởng của thơ mới Việt Nam, Tuần báo Người lao động, số 128, 8/1993; (8) Phương Lựu, Văn hóa, văn học Trung Quốc cùng một số liên hệ ở Việt Nam, NXB Hà Nội, 1996; (9) Phương Lựu, Thử tìm hiểu nguyên nhân hài hòa giữa thơ Đường và thơ tượng trưng Pháp trong Thơ Mới Việt Nam, NXB Hội Nhà văn, 2004; (10) Hồ Thúy Ngọc – Màu sắc Đường thi trong bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm , Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ (số 5/ 2000); (11) Ngô Văn Phú, Thơ Đường ở Việt Nam, NXB Hội nhà văn, H.1998; (12)Trần Thị Lệ Thanh, Những tiếp giao chuyển đổi giữa cái cũ và cái mới trong thơ Đường luật và thơ Mới ở nửa đầu thế kỉ XX, Thông báo khoa học – Trường ĐHSP hà Nội, 1999; (13) Trần Nho Thìn, Thơ Mới nhìn từ thơ cũ – vấn đề loại hình học của thơ hiện đại và trung đại, Tạp chí văn học, số 1/ 2000; (14) Đào Trọng Thức, Bước đầu tìm hiểu ảnh hưởng của văn học Pháp đối với văn học lãng mạn Việt Nam 1930 -1945, NXB Văn học, H.2000; (15) Trần Ngọc Vương, Tính dân tộc và tính hiện đại, truyền thống và cách tân qua thơ Tản Đà [Tản Đà về tác gia tác phẩm, tr.482] v.v… Như vậy, thực hiện chuyên đề Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của tập “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh dưới góc nhìn của văn học so sánh, nhất là so sánh vẻ đẹp của một tác phẩm/ tập tác phẩm thơ ca mang âm hưởng của văn học cổ điển và văn học hiện đại – về lý thuyết – là không còn mới mẻ nữa. Nhìn chung, xung quanh vấn đề này, ý kiến của các nhà nghiên cứu khá thống nhất. Họ nhận thấy diện mạo Đường thi và thơ ca cổ điển Việt Nam có mặt nhiều trong các tác phẩm thơ hiện đại, kể cả Thơ Mới và chiều hướng tiếp thu có sáng tạo của các tác giả. Nhiều cứ liệu và kết luận đã được đưa ra hoặc tập trung, hoặc lẻ tẻ nhưng đều là 2 những cơ sở, những gợi ý hết sức quý báu cho chúng tôi thực hiện chuyên đề này. 2.2. Về việc nghiên cứu vẻ đẹp cổ điển và vẻ đẹp hiện đại trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh: Nhật kí trong tù được tạo sinh trong khoảng thời gian từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943 tại các nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Trung Quốc. Nhưng tác phẩm đã “chìm” vào giữa bộn bề của lịch sử, để rồi vào những năm 1960 mới lại xuất hiện với hình thức bản dịch “Nhật kí trong tù”. Từ năm 1960 đến nay, thời gian trên 50 năm đầy ý nghĩa của một tập thơ đích thực. Đã có rất nhiều bài khảo cứu, chuyên luận, bình luận khác nhau về tập thơ giá trị này. Ngày càng nhiều bài nghiên cứu thừa nhận trong Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh vừa mang vẻ đẹp cổ điển vừa mang vẻ đẹp hiện đại (hay màu sắc cổ điển và màu sắc hiện đại) [19; 180]. Trong những bài nghiên cứu ấy, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới một số bài viết sau: Thứ nhất: GS. Phương Lựu qua bài viết“Thơ Bác với thơ Đường” [11; 289] đã phân tích rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu thơ Đường nhiều mặt, như về nội dung đã sáng tạo theo hướng cách mạng hóa, dân tộc hóa, về nghệ thuật đã sáng tạo ra loại ngôn ngữ dân chủ hóa, về nghệ thuật đã sáng tạo ra thể thơ tứ tuyệt tự sự ... Thứ hai: “Âm vang thơ Đường trong tập “Nhật kí trong tù” [19; 180]. GS. Lương Duy Thứ đã chỉ ra nhiều nguyên nhân của sự tiếp thu của thơ Đường đối với Nhật kí trong tù. Tác giả cũng đã chỉ ra nhiều âm vang của thơ Đường trong những vần thơ của Nhật kí trong tù: thi tứ; điển tích, điển cố; cách cảm nhận mang đậm dấu ấn thơ Đường; cách cấu tứ. Bài viết đã phân tích một cách khái quát qua một số bài thơ cụ thể (Chiều tối; Người bạn tù thổi sáo; Hoàng hôn;…). Qua toàn bộ sáng tác của Hồ Chí Minh, chúng ta “không hề thấy dấu vết của sự mô phỏng, bắt chước.” Thứ ba: Trong mục 2 (phần “Thơ cảm hứng trữ tình của Bác”) [12; 87] , GS. Nguyễn Đăng Mạnh đã phân tích khái quát một số biểu hiện của màu sắc cổ điển trong thơ trữ tình của Bác: ở thể tài; việc sử dụng những thủ pháp ước lệ, tượng trưng, ở lối cách điệu hóa riêng; dành cho thiên nhiên một vị trí đặc biệt; ở phong thái con người trong thơ. Về màu sắc hiện đại trong thơ trữ tình của Bác, tác giả cũng chỉ ra mấy đặc điểm sau: mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên (không phải thiên nhiên làm chủ thể như trong thơ cổ mà con người bao giờ cũng là chủ thể); hình tượng nhân vật trữ tình “vẫn là một hình ảnh Hồ Chí Minh giữa nhân quần đại chúng” với cái ung dung của một tinh thần “đại trí”. Trong bài viết của mình, tác giả cũng định hướng việc tìm hiểu sự hòa hợp giữa bút pháp cổ điển và hiện đại trong thơ Bác. Đó không chỉ là hình thức bề ngoài hoặc là chuyện “bình cũ rượu mới”. 3 Thứ tư: Có rất nhiều bài nghiên cứu khác nhau, về khía cạnh này hay khía cạnh khác, không nhiều thì ít, đã đề cập đến màu sắc hiện đại hay bút pháp hiện đại trong tập thơ Nhật kí trong tù của Bác. Đặc biệt bài Cái mới trong tư duy nghệ thuật (trong tập “Nhật kí trong tù”của Hồ Chí Minh) [7; 311] của GS. Trần Đình Sử. Tác giả đã chỉ ra nhiều “vẻ đẹp hiện đại” trong tư duy nghệ thuật của Bác qua tập thơ, đặc biệt về mặt tư duy thơ hoàn toàn mới. Và còn nhiều bài viết đã phân tích cụ thể màu sắc cổ điển và hiện đại trong một số bài thơ cụ thể của tập Nhật kí trong tù (ví dụ: Màu sắc cổ điển và hiện đại trong bài thơ “Chiều tối” của Bác;….). Như vậy, cũng đã có nhiều bài nghiên cứu đề cập đến màu sắc cổ điển và hiện đại trong tập Nhật kí trong tù. Nhưng điểm qua các bài viết ở trên, có thể thấy, chủ yếu đưa ra những gợi dẫn mang tính định hướng, mới mẻ hoặc có so sánh một cách sơ lược với thơ Đường. Trong chuyên đề Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong tập “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh, chúng tôi không chỉ tiếp thu mà còn bổ sung vào hệ thống về mặt lý thuyết “vẻ đẹp cổ điển”, “vẻ đẹp hiện đại” trong thơ. Đặc biệt, đóng góp của chuyên đề là phần so sánh cụ thể thơ Bác trong sự ảnh hưởng với thơ ca cổ điển phương Đông (chủ yếu là thơ Đường và thơ trung đại Việt Nam) và làm rõ vẻ đẹp hiện đại của tập Nhật kí trong tù cũng thông qua các ví dụ khá chi tiết. Khi nói đến “vẻ đẹp” của một tác phẩm hay một tập tác phẩm, chúng ta thường nghiêng về cảm nhận cái hay cái đẹp của tác phẩm/ tập tác phẩm hơn là nghiên cứu dưới góc độ lý thuyết lý luận. Bởi thế, với chuyên đề này, chúng tôi cũng hy vọng góp thêm tiếng lòng tri âm cùng bạn bè có chung sở nguyện cao quý - cùng đọc và yêu thơ Bác. 4 PHẦN NỘI DUNG I. GIỚI THUYẾT CHUNG VỀ VẺ ĐẸP CỔ ĐIỂN VÀ VẺ ĐẸP HIỆN ĐẠI TRONG TẬP THƠ “NHẬT KÍ TRONG TÙ”. I.1. “Vẻ đẹp cổ điển” và “vẻ đẹp cổ điển trong tập Nhật kí trong tù”: Về mặt thuật ngữ “cổ điển”, theo cuốn Văn học Phương Tây đã nói rõ: “Khái niệm cổ điển đã có từ xa xưa (…) để đối lập với trường phái lãng mạn thế kỷ XIX, người ta dùng danh từ “chủ nghĩa cổ điển”. Rộng ra sau này, người ta dùng danh từ “cổ điển” để chỉ những tác gia, tác phẩm văn nghệ ưu tú xứng đáng được mọi người học tập”[5; 247]. Có thể nhận thấy rất rõ qua văn học cổ điển Việt Nam và văn học cổ điển Trung Quốc: Ở Việt Nam, văn học cổ điển là một khái niệm để chỉ giai đoạn mười thế kỷ văn học trung đại Việt Nam (từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX) - cố nhiên, chỉ những tác phẩm hay đạt trình độ nghệ thuật mẫu mực – chứ không phải tất cả. Hơn nữa, khái niệm văn học cổ điển Việt Nam còn để đối lập với văn học hiện đại Việt Nam (từ đầu thế kỷ XX trở đi). Còn khi nói tới văn học cổ điển Trung Quốc, về văn xuôi, đó là những bộ tiểu thuyết đồ sộ thời Minh – Thanh; về thơ, người ta hay nhắc đến Thơ Đường - “Thơ Đường là thành tựu tiêu biểu nhất của văn học Trung Quốc thời kỳ nhà Đường và của thi ca Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc này. Mọi phương diện của nó đều đạt đến trình độ cổ điển” (Thi pháp thơ Đường; www. Vi.wikipedia.org). Thơ chữ Hán Việt Nam phần lớn sử dụng thơ Đường, cái âm hưởng khỏe khoắn ấy đã vang động trong thơ ca đời sau, tạo nên những cuộc gặp gỡ kỳ thú. Sự gặp gỡ ấy đương nhiên còn phụ thuộc vào nhân sinh quan và thẩm mỹ quan của người tiếp nhận. Từ những dẫn giải trên, chúng tôi tạm đưa ra cách hiểu về “vẻ đẹp cổ điển” trong tác phẩm văn chương: trước tiên, nó không phải là một thuật ngữ văn học mà là một phẩm chất của tác phẩm văn chương hiện đại (có thể có hoặc không); là vẻ đẹp của một tác phẩm hiện đại nhưng đạt trình độ nghệ thuật mẫu mực như văn học cổ điển; một vẻ đẹp mang tính truyền thống, có nhiều điểm gặp gỡ, tương đồng về mặt nào đó – hình thức và nội dung – với văn học cổ điển; hoặc một tác phẩm văn học hiện đại có màu sắc hay vẻ đẹp cổ điển còn được hiểu là sự tiếp thu có lựa chọn những yếu tố của văn học cổ điển. Cảm nhận sau khi đọc tập thơ Nhật kí trong tù, nhà thơ Trung Quốc Quách Mạt Nhược đã viết: “Một trăm bài thơ (…) có một số bài rất hay, nếu như đặt lẫn vào một tập của các thi nhân Đường - Tống thì cũng khó phân biệt” (Dẫn theo Lương Duy Thứ) [7;144]. Điều ấy đã diễn tả rất 5 chính xác vẻ đẹp cổ điển trong tập thơ của Bác. “Vẻ đẹp cổ điển” trong tập thơ “Nhật kí trong tù”, cũng có thể hiểu là: tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh mang đậm phong vị Đường thi và phong vị của thơ ca cổ điển Việt Nam, có thể sánh ngang với những mẫu mực của thơ ca trữ tình cổ điển. Hay chính là dấu ấn sâu sắc rõ nét nhất của thơ Đường, thơ cổ điển Việt Nam nói riêng và thơ ca cổ điển phương Đông nói chung kết tụ lại trong tập thơ. Đúng là tập “Nhật kí trong tù” mang đậm màu sắc cổ điển, nhưng “cổ điển” mà không phải “cổ thi”, nghĩa là thoạt xem giống cổ thi, đọc kỹ không hẳn thế [7; 250]. Vẻ đẹp cổ điển trong tập thơ Nhật kí trong tù còn được hiểu “là một nét phong cách độc đáo” của Hồ Chủ tịch trong thơ [12; 87]. Cũng phải nói thêm rằng, Nhật kí trong tù là chung đúc văn hóa cổ kim Đông Tây trong tâm hồn ưu ái của nhà thơ Hồ Chí Minh. Trong giới hạn của chuyên đề, chúng tôi tập trung tìm hiểu “vẻ đẹp cổ điển trong tập thơ Nhật kí trong tù” chính là tìm hiểu âm vang của thơ Đường và thơ cổ điển Việt Nam trong thơ Bác, cùng lắng nghe lại cái âm vang sâu nặng của truyền thống và hiểu thêm sự gặp gỡ giữa những tâm hồn thi sĩ phương Đông. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi luôn đặt trong sự so sánh, đối chiếu nhưng không phải soi từng chữ, gò từng câu, xem từng tứ của câu thơ hay bài thơ này của Bác có giống thơ Đường hay không. Quả thật, sự gặp gỡ giữa thơ Bác với thơ Đường và thơ cổ điển Việt Nam để làm nên vẻ đẹp cổ điển trong thơ Bác có cái gì sâu xa hơn. 2/ “Vẻ đẹp hiện đại” và “vẻ đẹp hiện đại trong tập Nhật kí trong tù”: Trong cuốn “Dẫn giải ý tưởng văn chương” [8; 524-528] đã phân tích rõ thuật ngữ “hiện đại”. Theo nghĩa thứ nhất, “hiện đại” là những gì đối lập với “cổ xưa” . Còn theo nghĩa thứ hai, thông dụng hơn, “hiện đại” là một tính từ chỉ phẩm chất cuả những gì phù hợp với nền văn minh của hiện tại. Từ đó nảy sinh những cụm danh từ “chủ nghĩa hiện đại”, “tính hiện đại”. Cụm từ “tính hiện đại” được dành để nói nhiều về các nhà thơ tượng trưng Pháp thế kỉ XIX, nhất là Baudelaire, ví dụ: “Các nhà lịch sử văn học Pháp nhận định Baudelaire là nhà thơ Pháp mở đầu tính hiện đại trong thơ. Từ bóng tối của đêm, từ đau khổ, từ cái ác ông đã làm nảy sinh cái đẹp” (Đỗ Đức Hiểu, Thi pháp hiện đại, NXB Hội nhà văn, tr.110); “Đối với Baudelaire, chủ nghĩa lãng mạn và tính hiện đại đối lập lại với chủ nghĩa cổ điển” (Liễu Trương, Tiếp cận văn học Pháp, NXB Văn học, tr.25). Cụm từ “hiện đại” đã được các nhà phê bình văn học Việt Nam sử dụng rất phổ biến, ví dụ như bài viết “Thế giới ngôn từ thơ Đặng Đình Lưu”: “Tôi sung sướng được đọc tập thơ Trăng đánh phấn lại của Đặng Đình Lưu.(…) Thơ Đặng Đình Lưu có những âm vang như thế, nó sáng tạo ngôn từ thơ Mới, nhiều dáng vẻ, nó ảo và thực, truyền thống và hiện đại” (Đỗ Đức Hiểu, tlđd, tr.149 – 151). Từ “hiện đại” trong văn chương 6 thường được dùng song hành, đối lập với từ “truyền thống”, “cổ điển” với ý nghĩa là chỉ cái mới, sự cách tân, sáng tạo. Như thế, “vẻ đẹp hiện đại” ” trong tác phẩm văn chương cũng có thể được hiểu: trước tiên, “vẻ đẹp hiện đại” không phải là một thuật ngữ văn học mà là một phẩm chất của tác phẩm văn chương hiện đại; là vẻ đẹp của một tác phẩm mà bên cạnh việc kế thừa những yếu tố của văn học cổ điển thì còn là sự sáng tạo những yếu tố mới, cách tân những yếu tố đã có của văn học truyền thống. Theo chúng tôi, tất nhiên không phải mọi sự sáng tạo, cách tân từ cái cũ đều gọi là “vẻ đẹp hiện đại” được mà chỉ những sáng tạo và cách tân ấy mang tính nghệ thuật và phù hợp với quy luật của sự sáng tạo, cách tân nghệ thuật mới tạo nên vẻ đẹp hiện đại một cách thực sự. Đọc tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh không chỉ đậm màu sắc cổ điển mà còn mang vẻ đẹp hiện đại. GS. Trần Đình Sử đã đánh giá: “Nhật kí trong tù chẳng những hay vì có những tác phẩm sánh ngang với mẫu mực quá khứ, mà còn hay vì có hàng loạt bài thơ thể hiện một lối tư duy mới, xuất hiện như là những mẫu mực mới” [7; 322]. Nhà thơ Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) cũng ngợi ca vẻ đẹp hiện đại: “Nhật kí trong tù là một bộ sử bằng thơ, (…) Toàn bộ tập thơ, hơn 2.700 chữ, chỉ có mỗi chữ “thép”. Nhưng đọc kĩ thì thấy bài nào cũng có thép. Đó là tinh thần thơ ca của giai cấp vô sản hiện nay” [20; 476]. Vậy, vẻ đẹp hiện đại trong tập “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh là vẻ đẹp của những cách tân, sáng tạo, “những mẫu mực mới”, một vẻ đẹp của tinh thần thơ ca trong thời đại mới. Cũng theo GS. Nguyễn Đăng Mạnh thì vẻ đẹp hiện đại trong tập Nhật kí trong tù cũng “là một nét phong cách độc đáo” ở thơ trữ tình của Hồ Chủ tịch [12; 87]. Nhưng hai vẻ đẹp ấy không phải tách biệt mà Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh luôn có sự hòa hợp độc đáo giữa vẻ đẹp cổ điển và vẻ đẹp hiện đại. Cố nhiên, không phải hơn trăm bài thơ ấy đều hòa điệu giữa vẻ đẹp cổ điển và vẻ đẹp hiện đại, có nhiều bài thì nghiêng về vể đẹp cổ điển hơn có bài thì nghiêng hẳn về vẻ đẹp hiện đại. Đó là khi ta tách rời từng bài thơ nhỏ trong đó. Trong chuyên đề này, bên cạnh việc xem xét từng tác phẩm thì chúng tôi đặc biệt coi trọng việc đặt tập tác phẩm trong một chỉnh thể nghệ thuật sinh động. Dưới đây là phần biểu hiện cụ thể của vẻ đẹp cổ điển và vẻ đẹp hiện đại cũng như sự hài hòa giữa hai vẻ đẹp ấy trong tập Nhật kí trong tù. II. VẺ ĐẸP CỔ ĐIỂN TRONG TẬP “NHẬT KÍ TRONG TÙ”: Cái phong vị cổ điển độc đáo dưới ngòi bút của Bác Hồ - một người đã từng sống lâu năm ở phương Tây hiện đại, đã từng viết nên nhiều áng văn tuyệt bút theo phong cách Âu châu – có nhiều điều kì diệu. Vẻ đẹp cổ điển ấy mà Nhật kí trong tù đã tiếp thu từ thơ Đường và thơ ca cổ điển 7 Việt Nam trên rất nhiều phương diện từ nội dung đến nghệ thuật, với những biểu hiện rất cụ thể: II.1. Tiêu đề, đề tài: Đi vào thế giới nghệ thuật của một tác phẩm thơ, cái trước tiên mà người đọc dễ nhận thấy nhất là tiêu đề. Từ tiêu đề nó chứa đựng sức nặng của đề tài và nhiều ý nghĩa khác nữa để người đọc lĩnh hội tác phẩm được trọn vẹn. Trong Nhật kí trong tù của Bác, có trường hợp tiêu đề trùng khớp với tiêu đề của một bài thơ khá nổi tiếng đời Đường. Đó là Thanh minh của Hồ Chí Minh và Thanh minh của Đỗ Mục. Lại có nhiều bài thơ với tiêu đề gợi đến những tiêu đề đã trở nên phổ biến trong thơ Đường. Thế lộ nan gợi ra Hành lộ nan của Lý Bạch, Vọng nguyệt gợi tới Nguyệt dạ của Đỗ Phủ, Tĩnh dạ tư của Lý Bạch; Thu cảm, Thu dạ gợi ra Thu hứng của Đỗ Phủ, Thu tịch của Đỗ Mục, Thu tứ của Trương Tịch; Đêm ngủ ở Long Tuyền nhắc đến Đêm thu nghe quạ kêu (Lý Bạch); v.v… Và đọc tên những thi đề phổ biến trong thơ Bác: Đăng sơn, Thượng sơn, Triêu cảnh, Vãn cảnh, Thu cảm, Thu dạ, Vọng nguyệt, Đối nguyệt, Ức hữu, Dạ lãnh… chính là lúc người đọc như được quay trở về với những đề tài quen thuộc trong thơ ca cổ điển phương Đông, thế giới ấy có đủ cả phong, hoa, tuyết, nguyệt,… Nhìn vào chỉnh thể của tập thơ có thể thấy, các tiêu đề thường ngắn gọn, súc tích, cô đúc, nhiều bài như là sự thăng hoa của phút giây đầy nhiệt hứng của Đường thi trước cảnh đẹp và các hiện tượng của cuộc sống, như: Mộ, Tảo, Ngọ, Ngọ hậu, Vấn thoại, Vãn, Tẩu lộ,… Nhưng không thiếu những nhan đề kéo dài chứa đựng “sự kiện” như trong thơ Đường. Chẳng hạn: Ngày 11 tháng 11; Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh, Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng, Tướng quân Lương Hoa Thịnh thăng chức Phó tư lệnh, Lính ngục đánh cắp mất chiếc gậy, Cháu bé trong nhà lao Tân Dương,… với Mồng 9 tháng 9 nhớ anh em huynh đệ ở Sơn Đông (Vương Duy); Ngày xuân lên quán đạo Cửu Hoa (Trần Tử Ngang), Chiều ghé thuyền ở huyện Nhạc Hương (Trần Tử Ngang), Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Lý Bạch); Một mình dạo chơi tìm hoa ven sông (Đỗ Phủ), Sáng ra đi từ thành Bạch Đế (Lý Bạch), Bài hát nhà tranh bị gió thu phá nát (Đỗ Phủ), v.v…. Đối với thơ Đường, tiêu đề thường có ý nghĩa xuất xứ cho tác phẩm, thì hầu hết các tiêu đề trong Nhật kí trong tù cũng dẫn giải người đọc đến biết bao tầng vỉa ý nghĩa. II. 2. Thể thơ: Nhật kí trong tù được nhiều người xem là “tập thơ chữ Hán cuối cùng trong lịch sử văn học Việt Nam” (Trần Đình Sử). Thơ chữ Hán của 8 Bác nói chung và Nhật kí trong tù nói riêng phần lớn làm theo thể Đường luật 7 chữ và 5 chữ. Nhật kí trong tù có 134 bài thì có tới 125 bài tứ tuyệt (4 câu 7 chữ). Như thế có thể kết luận rằng, Nhật kí trong tù chủ yếu là thơ tứ tuyệt. Và chính hình thức của thể thơ ấy đã góp một phần không nhỏ để tô thêm vẻ đẹp cổ điển cho cả tập thơ. Với khuân khổ nhỏ bé của mình, tứ tuyệt có những năng lực biểu hiện riêng mà không một thể thơ nào thay thế được. Tứ tuyệt bắt lấy sự sống điển hình bằng điểm xuyết và chấm phá sáng tạo. Tính hàm súc cao độ vốn là yêu cầu quan trọng của nghệ thuật tứ tuyệt và cũng là đặc điểm trong thơ tứ tuyệt của Bác. Đọc lại những bài thơ như: Nạn hữu xuy địch (Người bạn tù thổi sáo), Vọng nguyệt (Ngắm trăng), Tẩu lộ (Đi đường), Mộ (Chiều tối), Lộ thượng (Trên đường), Hoàng hôn, Ức hữu (Nhớ bạn), Thanh minh, Vãn cảnh (Cảnh chiều hôm),v.v… Thì có thể thấy những bài thơ tứ tuyệt ấy có thể đứng chung hàng với những bài thơ tứ tuyệt đời Đường. GS. Trần Đình Sử, trong quá trình nghiên cứu thơ tứ tuyệt của Bác có đặt trong sự đối sánh với thơ tứ tuyệt cổ điển Trung Quốc, đã khẳng định: “Thơ tứ tuyệt của Bác sử dụng là thể thơ tứ tuyệt cổ điển Trung Quốc. Nhiều nhà thơ Trung Quốc tìm hiểu thơ Bác đều thấy rằng người am hiểu sâu sắc và vận dụng thành thục, linh hoạt các thể thơ cổ điển Trung Quốc” [7; 210]. Thơ tứ tuyệt cổ điển có hai lối kết cấu tương đối phổ biến: một là kết cấu hai phần: trên cảnh dưới tình (Chiều tối); hai là lối kết cấu 4 phần: mỗi câu một chức năng - khai, thừa chuyển, hợp ( Đi đường). Có thể phân tích bài Đi đường làm ví dụ, bài thơ được sáng tác theo lối kết cấu khai – thừa – chuyển – hợp. Câu khai (câu 1) có nghĩa là câu mở bài, đòi hỏi câu này phải hết sức tự nhiên: Đi đường mới biết đường đi khó. Đến câu thừa có chức năng tiếp tục và mở rộng, nói rõ hơn ý nghĩa câu thứ nhất: Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác. Hai chữ “tẩu lộ” trong câu thứ nhất gợi một âm hưởng nặng nhọc, khó khăn. Sang câu thứ hai, tác giả chỉ dùng một nét mà diễn tả được cả một con đường núi non trập trùng, núi như cứ cao lên mãi. Hình ảnh con người trong hai câu dường như vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên bao la, điệp trùng như thể con người không thể vượt qua được. Nhưng đến câu ba: Khi đã vượt các lớp núi lên đến đỉnh cao chót thậy đúng là câu có ý nghĩa chuyển, tạo nên những bất ngờ thú vị cho người đọc. Đến câu cuối: Thì muôn dặm nước non thu cả vào tầm mắt – đây là câu hợp. Câu cuối thật hay: vừa tự nhiên vừa bất ngờ vừa đóng lại bài thơ mà lại vừa mở ra một hình tượng mới con người đã hoàn toàn làm chủ thiên nhiên. Thơ tứ tuyệt của Bác, về mặt ý nghĩa đã không bị đóng khung lại trong khuân khổ bốn câu nữa mà mở ra nhiều tầng nhiều lớp. Sự hạn chế về chiều dài của thể thơ đã được lấp đầy bằng chiều sâu của cảm xúc. Đúng như GS. Trần Đình Sử nhận xét: “Thơ tứ tuyệt của Bác Hồ là một mẫu mực đẹp. Bác am hiểu sâu sắc và vận dụng sáng tạo những quy cách 9 của thi ca cổ điển. Nhưng không chỉ là vấn đề nghệ thuật, mà sâu xa và quyết định là tâm hồn thơ lớn của Người” [7; 210]. II. 3. Hình ảnh, từ ngữ, ý thơ, điển tích, điển cố: II.3.1. Từ ngữ, hình ảnh, ý thơ: Nhiều từ ngữ, hình ảnh, ý thơ rất quen trong thơ Đường – như một chất liệu nghệ thuật mà ta lại gặp ít nhất một đôi lần trong thơ Bác. Bài thơ “Đêm ngủ ở Long Tuyền” (Dạ túc Long Tuyền) với hình ảnh cuối bài thơ: “Oanh sớm, mừng nghe hót xóm gần”. Trong hệ thống hình ảnh ước lệ của cổ thi “oanh vàng”, “liễu biếc” như một chất liệu tiêu biểu của mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu. Hình ảnh ấy gợi đến những câu thơ của Đỗ Phủ “Lưu luyến vờn bay kìa lũ bướm/ Thảnh thơi lảnh lót con chim oanh” ( Một mình dạo chơi tìm hoa ven sông); “Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc” (Tuyệt cú); cả trong thơ Lý Bạch “Thử hỏi hôm nay là ngày nào?/ mà con oanh học nói trong gió xuân” (Ngày xuân say dậy nói chí mình); “Oanh chuyền cành biếc hót/ Trăng gió chén vàng lay” (Đối tửu). Thưởng hoa, nghe tiếng chim oanh hót vào buổi ban mai, đặc biệt vào mùa xuân gợi biết bao cảnh nhân gian sống động chứ không phải cảnh bồng lai mờ ảo. Oanh vàng liễu biếc trong thơ cổ còn “hàm chứa một không gian vô hạn, với những gam màu tươi tắn” [21; 27]. Tất nhiên, trong thơ Bác không gợi ra một không gian vô hạn, thời gian vĩnh hằng tràn ra ngoài bức tranh như trong thơ cổ, mà vẫn tiếng chim oanh hót ấy lại làm cho thi nhân cảm thấy thật gần gũi với cuộc sống của con người – “mừng nghe hót xóm gần”. Nhưng có đọc những vần thơ cổ điển mới thấy nó đã đem cái âm vang vào trong thơ Bác, mới quý biết bao chất sống và niềm vui xốn xang trong câu thơ vút lên từ ngục tù tăm tối của Bác. Hai câu thơ đầu trong bài “Chiều tối” (Mộ): Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không. đã tái hiện thời gian và không gian của buổi chiều tối ở chốn núi rừng. Trong thế giới thẩm mĩ cổ điển phương Đông, hình ảnh áng mây và cánh chim chiều ít nhiều có ý nghĩa ước lệ, tượng trưng diễn tả cảnh chiều. Hai câu thơ của Bác gợi ta nhớ đến những vần thơ trong thơ ca cổ điển: “Chim bầy vút bay hết/ Mây lẻ đi một mình” (Lý Bạch) ; “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay” (Thôi Hiệu); “Chim hôm thoi thót về rừng” (Nguyễn Du), “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi” (Bà Huyện Thanh Quan) ,…. Đọc những bài thơ như “Thế lộ nan” (Đường đời hiểm trở); “Tẩu lộ” (Đi đường) ; “Tảo giải” (Giải đi sớm); “Lộ thượng” (Trên đường) trong tập Nhật kí trong tù của Bác, dường như hình ảnh “con đường khó khăn” vẫn là một mô-típ quen thuộc để thử thách lòng người. Ấy là “Băng đầy sông, khó nỗi vượt qua Hoàng Hà/ Tuyết mù trời, không 10 đường lên Thái Hàng” trong bài Hành lộ nan (Đường đi khó) của Lý Bạch; là “Bãi cát dài lại bãi cát dài/ Đi một bước như lùi một bước/ Mặt trời đã lặn chưa dừng được/ Lữ khách trên đường nước mắt rơi” trong bài Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát;…. Ta càng thấu hiểu hơn những vần thơ của Bác: Đi khắp đèo cao và núi hiểm/ Nào ngờ đường phẳng lại khó qua (Đường đi khó); Có đi đường mới biết đường đi khó/ Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác (Đi đường); Người đi xa đã cất bước trên đường xa/ Gió thu táp mặt từng cơn từng cơn lạnh lẽo (Giải đi sớm). Nhưng chỉ có điều, cùng trên con đường đi khó khăn gian nan, đầy trông gai thử thách ấy, mỗi một người lữ khách lại có cách riêng để vượt qua. Với Lý Bạch, bằng những hình ảnh độc đáo của bút pháp lãng mạn, con đường thật gian nan nhưng người đi thì “Đè sóng cưỡi gió, hẳn có lúc/ Reo thẳng buồn mây vượt bể khơi” – đó là hình ảnh con người hiệp sĩ hào kiệt thuở xưa với một khí phách hiên ngang, một tâm hồn rộng mở với sức mạnh tinh thần lớn lao có thể đột phá mọi ràng buộc để đạt tới ước vọng. Với Cao Bá Quát, hình ảnh con đường thật khó khăn, nhiều thử thách và người đi thì thật cô đơn nhỏ bé như có vẻ đang bất lực, mọi sự cố gắng dường như vô nghĩa để đi tới đích lý tưởng của mình. Còn với Bác – người đi trên hành trình khó khăn ấy không hề có đôi cánh bay bổng như trong thơ Lý Bạch để vượt qua con đường gian nan, cũng không bế tắc “đi một bước lùi một bước” như trong thơ Cao Bá Quát mà hình ảnh người đi ở đây đã biết lấy sức mạnh từ niềm tin lạc quan, niềm tin của một người chiến sĩ cách mạng để vượt qua mọi gian nan: “Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” (Đi đường); “Mặc dù bị trói chân tay/ Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng/ Vui say ai cấm ta đừng/ Đường xa, âu cũng bớt chừng quạnh hiu ” (Trên đường);.... Thơ xưa thường nhắc đến rượu – hoa – trăng – thi nhân, thì những hình ảnh ấy đã xuất hiện trong thơ Bác. “Trong tù không rượu cũng không hoa”, một câu thơ tả cảnh trong tù, đúng là thế - ở tù thì làm gì có rượu có hoa, nhưng chính câu thơ tả thực ấy lại mở lối vào cánh cửa của biết bao bài thơ cổ. Nó nằm trong mạch chảy của “Giữa hoa một bầu rượu/ Lẽ rót không người thân/ Cất chén mời trăng ngân/ Ba người trăng, ta, bóng/ Trăng đã không biết uống/ Bóng lại quẩn bên trăng” , “Dưới trăng là thánh khi say”, “Trong hoa một nậm rượu/ Chỉ mình ta uống thôi”, “Uống một chén ngọc trăng đầy rượu”, “Rượu say uống cả vầng trăng dịu hiền”, “Chim lành đón gió xuân hát ở viện đằng sau/ Hoa bay mời rượu múa ngoài hiên phía trước…. Đó là những vần thơ của Thi tiên Lý Bạch - “Mẫn tiệp thơ trăm bài/ Phiêu linh một chén rượu”. Thơ, rượu, hoa, trăng, mộng, sầu là cả thế giới của cái đẹp trong thơ Lý Bạch. Hay những vần thơ Nguyễn Trãi: “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén/ Ngày vắng xem hoa bợ cây”; “Chè tiên nước ghín bầu in nguyệt/ Mai 11 rụng hoa đeo bóng cách song”, “ Rượu đối cầm đâm thơ một thủ/ ta cùng bóng liễn nguyệt ba người”,….Cảnh ngắm trăng trong thơ xưa tràn ngập “hoa” vưới “rượu”. Còn Ngắm trăng trong thơ Bác thì không có hoa, không có rượu. Song cũng chính từ ý thơ phủ định ấy giúp người đọc khi thưởng thức, đã đặt mình trong trường liên tưởng của những câu thơ, hình ảnh thơ tràn ngập hoa, trăng, rượu của các thi nhân xưa. Và có đọc những câu thơ của Lý Bạch, Nguyễn Trãi ta mới hiểu tại sao có sự phủ định “không rượu cũng không hoa” ở Vọng nguyệt, mới cảm nhận hết cái dồn nén chất chứa của một tâm hồn không cô đơn, lẻ bóng, tìm rượu, hoa để tiêu sầu như trong thơ cổ mà ta chỉ thấy một tâm hồn thi nhân đang “đối diện đàm tâm” với người bạn tri âm là ánh trăng mà thôi - Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ. Vậy mới nói thơ Bác chỉ giống Đường thi ở dáng vẻ bên ngoài, nhưng rất khác ở cốt cách, tâm hồn, ý chí bên trong là ở chỗ đó. Rồi cả bài thơ “Ức hữu” (Nhớ bạn): Ngày đi bạn tiễn đến bên sông/ Hẹn bạn về khi lúa đổ đồng/ Nay gặt đã xong cày đã khắp/ Quê người, tôi vẫn chốn lao lung. Từ cảnh tiễn đưa (câu 1), lời hẹn ngày về (câu 2) đến hoàn cảnh thực tại (câu 3, 4) đều thấp thoáng một dáng điệu của Đường thi. “Ngày đi bạn tiễn đến bến sông” - ngay câu mở đầu này đã gợi không khí bao bài thơ cổ. Nó cùng trong mạch của Dịch thủy tống biệt (Lạc Tân Vương), Tống khách quy Ngô, Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Lý Bạch), Hoài thủy biệt hữu (Trịnh Cốc); Thu giang tống khách (Bạch Cư Dị),v.v.. Cảnh tiễn đưa trong thơ Đường tràn ngập không gian “bến sông” – như một hình ảnh biểu tượng cho những cuộc chia ly. Trong câu thơ của Bác cũng có cảnh tiễn biệt tại bến sông. Chính cái không gian tiễn biệt trong thơ xưa ấy mà dường như lại làm cho câu thơ của Bác hôm nay vời vợi, thăm thẳm hơn - dầu không gian đưa tiễn này có thể là không gian thực. Đến câu thơ thứ hai, nếu như trong thơ Đường thì thường hẹn ngày trở về bằng một hình ảnh ước lệ, ví như khi liễu xanh cành: “Gió xuân xót biệt ly/ Chẳng khiến liễu xanh cành” (Lao lao đình – Lý Bạch); “Cây dương liễu trước gió đông/ Phủ màu xanh xuống ngự hà/ Lâu nay bẻ cành liễu đau khổ/ Ứng với điều ly biệt quá nhiều” (Tống biệt - Vương Chi Hoán); Gió xuân định tranh nhau tiếc cành liễu dài (Bài phú lìa xa ngôi đình bẻ cành dương liễu - Lý Thương Ẩn. Câu thơ của Bác không có hình ảnh hẹn khi liễu xanh cành là ngày đoàn tụ nhưng hai hình ảnh “liễu xanh cành” (thơ Đường) và “lúa đỏ đồng” (thơ Bác) có một sợi dây liên tưởng rất gần. Như vậy là cùng một đề tài, có thể nhiều cách suy nghĩ khác nhau. Sức tưởng tượng của thi nhân tùy hứng tự do bay lượn, bởi bầu trời tưởng tượng của thơ ca rộng lớn vô cùng. Còn biết bao ý thơ khác trong thơ Bác mà âm vang của nó vọng về từ quá khứ trong những vần thơ cổ. Như hình ảnh “người chốn phòng khuê” và chân “bước lên một tầng lầu” trong bài “Người bạn tù thổi sáo” 12 rất giống hình ảnh trong “Nỗi oán của người phòng khuê” của Vương Xương Linh: “Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu/ Ngày xuân chải chuốt, bước lên lầu”; Hay “cái rét” trong bài “Hoàng hôn” : “Gió sắc tựa gươm mài đá núi/ Rét như giáo nhọn chích cành cây” sao mà giống cái rét của người chinh phụ nhớ chồng đau đáu trong Chinh phụ ngâm đến vậy: “Sương như búa bổ mòn gốc liễu/ Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô”; Và dường như thanh âm của “tiếng chuông chùa Hàn San” (Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San) - trong bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” rất nổi tiếng của Trương Kế đời Đường, cùng “tiếng sáo mục đồng dắt trâu về hết” trong “Thiên Trường vãn vọng” của Trần Nhân Tông – đã vọng đến cái âm vang và không khí cổ kính tĩnh lặng tự ngàn đời ấy vào cảnh hoàng hôn trong hai câu thơ của Bác:“Tiếng chuông chùa xa giục bước chân khách/ Trẻ chăn trâu thổi sáo dẫn trâu về” (“Hoàng hôn”). v.v…. Một vài nét về từ ngữ: khi ta đọc những vần thơ Đường và Nhật kí trong tù (bản phiên âm) dù không hiểu hết nghĩa nhưng nhiều từ ngữ, âm điệu ta vẫn có cảm giác như có một sự nối dài ngàn năm từ thơ Đường tới thơ Bác. Hai chữ “mạn mạn” trong bài “Mộ” (Chiều tối) là từ láy âm đặc biệt thường xuất hiện với mật độ cao trong thơ Đường, cũng như du du, xứ xứ, mang mang,….Thưa thoảng ta cũng bắt gặp chữ du du, mạn mạn,…. trong Nhật kí trong tù, đó là một trong những dấu hiệu rõ rệt nhất của chất Đường thi trong thơ Bác. Bởi thế mà, có người mới nói câu thơ trong bản dịch thơ “Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không” đã làm giảm hẳn đi cái màu sắc Đường thi cũng bởi lẽ ấy. Ta thử đọc một đoạn thuộc chùm Thu hứng của Đỗ Phủ sẽ thấy được âm điệu của các từ láy được sử dụng trong thơ Đường với mật độ như thế nào: Thiên gia sơn quách tĩnh chiêu huy Nhật nhật giang lâu tọa thúy vi Tín túc ngư nhân hoàn phiếm phiếm, Thanh thu yến tử cố phi phi. Đọc thơ xưa, nhất là thơ của những thi nhân ưa lối sống phiêu du, nhàn dật xa lánh thế tục, thích ngao du sơn thủy, chúng ta thấy xuất hiện nhiều chữ “nhàn”. “Cô vân độc khứ nhàn” (Lý Bạch) – chữ “nhàn” ấy theo nghĩa của câu thơ Lý Bạch hoàn toàn khác chữ “nhàn” đôi lần xuất hiện trong thơ Nhật kí trong tù của Bác Hồ: Nhàn rỗi đem cờ đánh chơi (Học đánh cờ); Trong ngục người nhàn nhàn rỗi quá (Buồn bực). Thậm chí Nguyễn Bỉnh Khiêm có hẳn một triết lý sống “nhàn”: Được nhàn ta xá dưỡng thân nhàn; Nhàn một ngày là tiên một ngày; Thân nhàn phúc lại được về nhàn; Thư nhàn sơn dã mới hay mùi; Am cỏ ngày nhàn rồi mọi việc; Am hoa ai ủ đến ông nhàn; Lục lão kìa ai nhàn được thú; Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách [18; 233]. Tất nhiên âm hưởng của chữ “nhàn” trong thơ của các thi nhân xưa chỉ văng vẳng xa xa đến thơ Bác một nét nghĩa thực nhất - ấy là “nhàn rỗi’, “không có việc gì để làm”. Cái 13 chữ “nhàn” mà người xưa ca ngợi, lý tưởng hóa, coi là đạo sống thanh cao, là khách tiên ấy thì với Bác, nó lại “chẳng đáng một đồng chinh” (Buồn bực), là niềm đau khổ vì “Xót mình giam hãm trong tù ngục/ Chưa được xông ra giữa trận tiền” (“Việt Nam có báo động: Tin xích đạo trên báo Ung Ninh 14-11”). Còn nhiều từ ngữ, hình ảnh, ý thơ trong Nhật kí trong tù gợi chúng ta liên tưởng đến từ ngữ, hình ảnh, ý thơ trong thơ ca cổ điển. II.3.2. Điển tích, điển cố: Điển tích là câu chuyện trong sách đời trước được dẫn lại cô đúc trong tác phẩm. Còn điển cố là sự việc hay câu chữ trong sách đời trước được dẫn lại trong thơ văn (Theo Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2000). Điển tích, điển cố có thể được xem là một trong những phương thức chuyển nghĩa có tính chất ẩn dụ rất phù hợp với tư duy thơ phương Đông, lời thơ trở nên hàm súc. Điển tích điển cố xuất hiện dày đặc trong thơ ca cổ điển. Nhật kí trong tù, tuy tác giả sử dụng điển tích, điển cố không nhiều, chỉ điểm xuyết thưa thoáng nhưng cũng đủ làm nên dự vị cổ điển. Những hình tượng thơ “Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới/ Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ” (Buổi trưa) đã có sức ám ảnh ngàn đời, bởi đã từng tồn tại “giấc mộng kê vàng” ở Trung Quốc và cả ở Việt Nam: Phú quý treo sương ngọn cỏ/ Công danh gửi kiến cánh hòe (Nguyễn Trãi); “Rượu đến cội cây ta sẽ uống/ Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao” (Nguyễn Bỉnh Khiêm);…. Hay câu thơ cuối bài “Pha trò”: “Nam nhi đáo thử diệc hào hùng (Làm trai như thế cũng hào hùng) lấy nguyên văn từ câu thơ cuối bài thơ Ngẫu thành của nhà thơ Trịnh Hạo đời Tống: “Phú quý bất dâm, bần tiện lạc/ Nam nhi đáo thử diệc hào hùng”. Nhiều điển tích, điển cố xuất hiện dày đặc trong thơ Đường và một phần rất nhỏ trong số đó đã đi vào những trang Nhật kí trong tù của Bác . Câu chuyện về Bá Di, Thúc Tề (Trung Quốc) con vua nước Cô Trúc đời nhà Ân (1401 -1122 trước C.N). Khi Vũ Vương chiếm ngôi nhà Ân lập nên nhà Chu, Bá Di, Thúc Tề không chịu ăn gạo nhà Chu đã lên núi Thú Dương ở ẩn, ăn rau vi rồi cuối cùng chết đói ở đó [19; 587]. Bác đã mượn điển tích, điển cố về Bá Di, Thúc Tề để so sánh song hành với câu chuyện về một người tù cờ bạc bị chết đói: Bá Di, Thúc Tề không ăn thóc nhà Chu Người tù cờ bạc không ăn cháo nhà nước; Bá Di, Thúc Tề chết đói trên núi Thú Dương, Người tù cờ bạc chết đói trong ngục nhà nước. (Lại một người nữa…) Cố nhiên điển tích về Bá Di, Thúc Tề là điển tích về lòng trung, thường được các nhà Nho yêu nước dùng để bày tỏ khí tiết thanh cao, trung với 14 nước, với vua. Nhưng trong bài thơ này, điển tích, điển cố ấy lại được sử dụng mang âm điệu mỉa mai rõ nét. Câu thơ “Thụ sao xảo họa Trương Phi tượng/ Xích nhật trường minh Quan Vũ tâm” (Ngọn cây khéo vẽ hình Trương Phi/ Mặt trời hồng sáng mãi lòng Quan Vũ) trong bài “Tức cảnh” là câu thơ sử dụng điển tích, điển cố. Từ cái nhìn của một người ở trong ngục tù, ban đêm trông ra mới tỉ mỉ từng nhánh lá giống hình Trương Phi, còn khi đón ánh nắng mặt trời rọi vào buồng tù mà nghĩ tới Quan Công. Sự liên hệ đến Quan Công và Trương Phi đã đưa đến cho bài thơ Tức cảnh một khí vị cổ kính ngân nga, đồng thời nói lên lòng trung trực của một người tù – chiến sĩ. Có những câu thơ, ý thơ trong thơ Đường và cả thơ cổ điển Việt Nam tồn tại và đã ăn sâu trong ý thức của nhiều người. Một tiếng chuông chùa trong Phong Kiều dạ bạc rất nổi tiếng của Trung Quốc đời Đường nghe như còn ngân vẳng vào bài Hoàng hôn trong Nhật kí trong tù. Đến hình ảnh “Anh ở trong song sắt, em ở ngoài song sắt” (Người bạn tù thổi sáo) đã nằm sâu trong kí ức, tiềm thức của người Việt hàng thế kỉ: “Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây” (Chinh phụ ngâm); Và cả hình ảnh Ngọn gió ngược cố ý cản đôi cánh chim bằng ( Tết song thập bị giải đi Thiên Bảo) là một điển tích, điển cố đã được chảy ngược dòng một cách tự nhiên từ thơ ca cổ điển. II. 4. Âm hưởng của bút pháp Đường thi. Cái gọi là âm vang thơ Đường ở đây là những ý vị độc đáo của thơ Đường ở một bộ phận hay nhất của nhiều tác giả chứ không tập trung riêng một tác giả nào. Chính bút pháp, lối nói, cách tạo các mối quan hệ trong bài thơ v.v… nói chung nó thuộc về thi pháp của thơ Đường, đã có sức lan truyền mạnh mẽ qua các mọi thời để đến với những vần thơ hiện đại. Tất nhiên, mười thế kỉ văn học trung đại của cha ông ta, với các bài thơ Đường luật của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, … chắc chắn, không ít thì nhiều đã trở nên quen thuộc với Bác. Ở đây, chúng tôi muốn mượn một vài góc độ của bút pháp thơ Đường để khám phá vẻ đẹp cổ điển của tập tác phẩm chứ không soi chiếu toàn bộ lý thuyết của bút pháp thơ Đường vào thơ Bác. II. 4.1. Bút pháp tương phản tạo ra các mối quan hệ. a. Đặc điểm nổi bật nhất trong cấu tứ và bút pháp thơ Đường là tạo dựng các mối quan hệ. Một bí quyết lớn nhất của thơ Đường là sử dụng những bút pháp tương phản, nghệ thuật đối để xây dựng các mối quan hệ và từ các mối quan hệ ấy để hiểu nhiều ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa thẩm mỹ của tác phẩm. Chẳng hạn như Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, tất cả những hình ảnh, từ ngữ, âm thanh đều được kết hợp hài hòa trong thế 15 tương phản đối lập với biết bao mối quan hệ: giữa mất - còn; quá khứ hiện tại; tiên – tục; hư – thực; hữu hạn – vô cùng; không gian – thời gian; thiên nhiên – con người…. Với tập thơ Nhật kí trong tù, nhìn ở cấp độ chỉnh thể của một tác phẩm nghệ thuật, có rất nhiều mối quan hệ: vật chất – tinh thần ; cao cả - thấp hèn; ánh sáng – bóng tối; sự đày ải khổ cực – niềm lạc quan; cái bi – cái hài; xiềng xích – tự do; thiên nhiên – con người; trong nhà tù – ngoài nhà tù; v.v…. Nhiều hình ảnh đối lập tạo được ý nghĩa mới mẻ, chẳng hạn: phía bên trong nhà ngục “Trong ngục giờ đây còn tối mịt” – phía ngoài nhà ngục “Ánh hồng trước mặt đã bừng soi” (Buổi sớm, I); vầng thái dương nhuộm hồng đỉnh núi – bóng tối trước cửa nhà lao (Cảnh buổi sớm); nắng sớm – sương mù khói đặc (nắng sớm); “mây tạnh” – “mây mưa” (Vào nhà lao huyện Tĩnh Tây); Thân thể ở trong lao – Tinh thần ở ngoài lao; …. Cả những cảnh trên đường bị chuyển từ nhà lao này đến nhà lao khác, ta cũng bắt gặp được nhiều hình ảnh tương phản: Gà gáy một lần đêm chửa tan/ Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn (Giải đi sớm); Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng/ Bóng tối đêm tàn, quét sạch không (Giải đi sớm II); Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối/ Bỗng thành nhạc quán viện hàn lâm (Xế chiều); Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết, lò than đã rực hồng (Chiều tối); tiên khách trên trời – trong ngục có người khách tiên; Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội – Trong tù đánh bạc được công khai (Đánh bạc);v.v….Các mảng không gian, các mảng màu khác nhau, đối lập, tương phản nhau ấy đã trở thành những hình ảnh nghệ thuật đầy sức biểu hiện. Với sự lấn át rõ rệt của ánh sáng trên bóng tối, của các màu hồng tươi rực rỡ, ấm áp so với các màu đen nhợt, lạnh lẽo lại cũng mang ý nghĩa hàm ẩn, nói lên niềm lạc quan, niềm tin không gì lay chuyển của nhà thơ vào tương lai tươi sáng. Xét riêng mỗi bài thơ tứ tuyệt, bằng những hình ảnh thơ cô đúc của nghệ thuật lấy điểm vẽ diện, lấy sáng tả tối và nghệ thuật tương phản của thơ cổ là biết bao mối quan hệ. Như trong bài Chiều tối, là mối quan hệ giữa: bức tranh thiên nhiên – bức tranh cuộc sống con người; cao – thấp; xa – gần; bầu trời – mặt đất; không gian – thời gian; lạnh lẽo - ấm áp; ánh sáng – bóng tối;…. Và bao giờ ánh sáng, sự ấm áp, vẻ đẹp bình dị của cuộc sống con người cũng như niềm tin lạc quan vào ngày mai cũng là tâm điểm của bức tranh chiều tối trong thơ Bác. b. Đặc biệt, mối quan hệ giữa thiên nhiên – con người bao trùm cả tập thơ (bên cạnh mối quan hệ “xiềng xích – tự do”). Một trong những đặc điểm nổi bật của thơ cổ điển phương Đông là dành cho thiên nhiên một vị trí đặc biệt. Trong bài “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”, Bác viết: “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây gió trăng hoa tuyết núi sông” . Thơ ca cổ điển coi thiên nhiên là những chủ thể có linh hồn. Đọc hai câu thơ của Lý Bạch “Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước/ Tưởng dải Ngân hà tuột khỏi mây (Xa ngắm thác núi Lư). Có khác gì đâu, nếu trích 16 tiên Lý Bạch bằng lời thơ của mình mà làm cho giải Ngân Hà “như tuột khỏi mây” thì Hồ Chí Minh ngàn năm sau lại thu cả giang san vào trong tầm mắt mình – “Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” (Đi đường); Con thuyền của Đỗ Phủ hàng ngàn năm trước “nhẹ lướt qua muôn trùng núi non” (Sáng ra đi từ thành Bạch Đế ), thì con thuyền ngàn năm sau trong thơ Hồ Chí Minh cũng “rẽ sóng nhẹ thênh thênh” (Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh). Phong cảnh thiên nhiên cũng thường được nhìn từ cao xa cho tới thấp gần. Thi nhân xưa bao quát trong tầm mắt của mình toàn cảnh cao sơn lưu thủy và ghi lại bằng vài nét chấm phá để gợi lên cái mênh mông bát ngát của đất trời – thì thơ Bác cũng vậy. Đây là đôi câu thơ của các thi nhân đời Đường: Nước bay thẳng xuống ba ngàn thước/ Tưởng dải Ngân hà tuột khỏi mây ; Bóng buồm đã khuất bầu không/ Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời (Lý Bạch); Giữa dòng sông sóng tung nuốt cả bầu trời/ Trên cửa ải mây bay sát đất làm tối sầm lại (Đỗ Phủ);… Còn đây là những câu thơ tả cảnh của Bác: Đi đường mới biết gian lao/ Núi cao rồi lại núi cao trập trùng/ Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non (Đi đường); Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không (Chiều tối); Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn; Hơi ấm bao la trùm vũ trụ (Giải đi sớm); Ngang trời Bắc đẩu hiện ngoài song (Đêm lạnh); …. Quả là Nhật kí trong tù tràn đầy hình thiên nhiên vũ trụ. Điểm lại hơn một trăm bài thơ, ta thấy xuất hiện cũng gần hàng trăm lượt những cảnh trí: mây trời, núi cao, sông sâu, sương khói, gió trăng, hương hoa, mưa phùn, tiết thanh minh, hoàng hôn, mặt trời, phương Đông rực hồng, hơi ấm bao la tràn khắp vũ trụ, tiếng chim đua hót, tiếng côn trùng ban đêm, cảnh mùa xuân, cảnh màu thu,….Thơ cổ điển thể hiện sự giao cảm giữa con người và thiên nhiên một cách mạnh mẽ, đưa đến cho người đọc những bạn bè mới, những tri âm tri kỉ mới: Núi láng giềng, chim bầu bạn/ Mây khách khứa, nguyệt anh tam (Nguyễn Trãi). Thiên nhiên trong mối quan hệ với người tù – thi sĩ cũng giống như người bạn cùng đồng hành: cùng ngắm nghía nhau (Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ – Ngắm trăng); cùng đưa đón nâng đỡ nhau (Giải đi sớm); cùng an ủi nhau (Trên đường); mời nhau du ngoạn (Buổi trưa); và có lúc người tù như muốn kiệt sức bởi hoàn cảnh tù đầy khắc khổ thì được thiên nhiên tiếp thêm sinh lực của vũ trụ (Đất trời phút chốc tràn sinh khí/ Tù phạm cười tươi nở mặt mày - Nắng sớm); (Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/ Người đi thi hứng bống thêm nồng - Giải đi sớm). Có lẽ cảm quan của con người phương Đông về thiên nhiên muôn đời vẫn vậy – từ thơ ca cổ điển đến thơ của Bác. Sự đồng vọng ấy đã xóa đi mọi ranh giới ngăn cách, tạo ra cái âm vang sâu lắng của thơ Bác. Trong thế giới của thiên nhiên ấy, “nhà thơ cổ điển lại đặc biệt thiên vị với ánh trăng, có lẽ tâm hồn Á Đông phù hợp với vẻ đẹp trong sáng, 17 hiền hòa” [7; 88]. Trăng chảy tràn trong cảm hứng của các thi nhân xưa: Trăng trong thơ Lý Bạch, Trương Kế, Bạch Cư Dị, v.v… trăng trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà,…. Một nhà văn Bungari – Blaga Đimitrova khi được đọc tập thơ Nhật kí trong tù của Bác cũng phải nhận định rằng: “Những bài thơ Người viết trong nhà tù, trước những giờ phút đen tối chứa đầy ánh trăng dịu hiền và khát vọng tự do” [20; 452]. Trong thơ Bác, ánh trăng cũng nhuốm màu cổ điển, một vầng trăng tri kỷ trong Vọng nguyệt, trăng là người bạn đường của người tù trong Tảo giải, ánh trăng lạnh buốt trong Dạ lãnh,…. Đặc biệt cảnh trăng nào cũng tràn đầy chất thơ, ngay cả trăng trong đêm lạnh với “gối quắt, lưng còng, ngủ chẳng an” cũng trở nên thi vị. II. 4.2. Bút pháp chấm phá, bút pháp ước lệ, tượng trưng. Bút pháp chấm phá là nhà thơ không cần miêu tả một cách dày đặc chi tiết, chỉ cần vài nét phác đơn sơ, nhưng rất tập trung cũng đủ hoàn thiện một bức tranh đời sống đa màu, nhiều vẻ. Trong thơ Đường, vẽ một bức tranh mùa thu đi, Vương Duy chỉ chọn một hình ảnh một lá ngô đồng rụng mà làm nên cái thần của cảnh thu: Một lá ngô đồng rụng/ Thiên hạ buồn thu đi. Một cành liễu xanh trong những vần thơ tống biệt mà gợi biết bao nỗi khổ của những cuộc chia ly; Một tiếng chày đập vải vọng lại từ thành Bạch Đế trong Thu hứng của Đỗ Phủ, một làn khói sóng mỏng manh trong buổi chiều tà trong Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu mà làm nên cả một nỗi nhớ quê hương da diết. Chính bút pháp chấm phá đã đem đến những điều kì diệu ấy. Bút pháp chấm phá giống khoảng trống trong tranh thủy mặc – khoảng trống ấy là cái vô biên của tạo vật, cái thăm thẳm của tâm hồn con người. Đọc bài thơ Chiều tối (Mộ) chỉ bằng nét vẽ phác thảo qua hai hình ảnh “Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ” và “Cô vân mạn mạn độ thiên không” mà gợi ra cả không gian, thời gian chiều tối và tâm trạng của con người. Nhà thơ không cần có chữ “chiều” nào mà cảnh chiều vẫn hiển hiện – nhờ hình ảnh cánh chim và áng mây. Trong thơ ca cổ phương Đông, hình ảnh cánh chim và áng mây đã mang theo cả khung cảnh chiều muộn. Cũng giống như Lý Bạch, “Một mình ngồi trên núi Kính Đình” chỉ cần họa “Chim bầy vút bay hết/ Mây lẻ đi một mình” là bóng chiều đã đổ. Đến câu thứ 3 và 4 trong bài thơ: “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc/ Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng” cũng chẳng tìm đâu một chữ “tối” mà người đọc vẫn thấy trời đã tối – chỉ qua hình ảnh “lò than đã rực hồng” của cô thôn nữ xay ngô. Thậm chí còn gợi cả bước đi chầm chầm, đều đều của thời gian từ chiều đến tối. Hai câu đầu là không gian mây trời lãng đãng thưa thoáng một chút buồn lạnh thì đến hai câu sau lại là không gian mặt đất với cảnh lao động khỏe khoắn, trẻ trung, gần gũi mà biết bao đầm ấm của con người nơi vùng sơn cước xa xôi ở xứ người 18 Bút pháp tượng trưng là một trong những đặc điểm thường thấy trong văn học cổ điển. “Nghệ thuật cổ điển phương Đông sử dụng rất rộng rãi hình ảnh tượng trưng” [12; 49]. Khi Nguyễn Trãi miêu tả cây tùng thì không phải cốt để tả cây tùng mà muốn mượn cái hiên ngang hùng vĩ của nó như một hình ảnh tượng trưng để ca ngợi tài đức của bậc trí nhân quân tử. Nhật kí trong tù cũng có nhiều bài sử dụng bút pháp tượng trưng của thơ ca cổ điển phương Đông (Nghe tiếng gà gáy; Cột cây số; Rụng mất một cái răng; Lính ngục đánh cắp mất chiếc gậy; Thượng sơn;…..). Bút pháp chấm phá và bút pháp ước lệ tượng trưng là chỉ bằng đôi nét chấm phá đơn sơ, một hình ảnh ước lệ, một mô – típ quen thuộc cũng dẫn dụ được người đọc bước vào khu vườn mang đậm hương sắc cổ thi. II.4.3. Bút pháp gợi tả theo lối “họa vân hiển nguyệt”, “lấy điểm vẽ diện”, “lấy động tả tĩnh”, “lấy sáng tả tối”, “lấy chậm tả nhanh”, “lấy nhỏ thấy lớn”...: Như trên trong ví dụ bài thơ Chiều tối, Bác tả cảnh chiều mà chỉ vẽ chim vẽ mây, tả tối mà không cần nói tối chỉ cần nói lò than đã rực hồng của cô gái xay ngô thì trời quả đã tối thật rồi. Ấy là nghệ thuật gợi tả “họa vân hiển nguyệt” (vẽ mây thấy trăng). Cũng chỉ một hình ảnh “cô vân mạn mạn độ thiên không” – một đám mây lẻ loi, cô đơn trôi giữa tầng không ấy mà gợi ra cả không gian một bầu trời cao rộng, khoáng đạt - đó là nghệ thuật lấy điểm (cô vân) vẽ diện (không gian rộng lớn), lấy nhỏ thấy lớn; chỉ gợi tả một tầng mây “ trôi nhẹ” – một sự chuyển động rất nhẹ mà gợi ra cái tĩnh lặng mênh mông của đất trời nơi núi rừng sơn cước – đó chẳng phải là nhờ nghệ thuật lấy động tả tĩnh rất Đường thi đó sao? Còn ở hai câu cuối cũng ở bài thơ này, chỉ một chữ “hồng” – lò than bên bếp của cô thôn nữ xay ngô thôi mà dường như đem cả cái tối mênh mông đổ tràn khắp vũ trụ. Tất cả đều thuộc về bút pháp gợi tả rất đặc trưng của Đường thi. Có thể nói đặc trưng của thơ Đường là “ý tại ngôn ngoại”, đấy chính là nhờ bút pháp gợi tả “họa vân hiển nguyệt”, lấy điểm vẽ diện, lấy động tả tĩnh, lấy sáng tả tối, lấy chậm tả nhanh, lấy nhỏ thấy lớn...Thơ Đường kì diệu “như sắc đẹp trong dung nhan, ánh trăng dưới đáy nước, hình ảnh trong gương, lời có hạn mà ý vô cùng” (Dẫn theo Lê Thị Anh) [2; 122]. Chỉ một hình ảnh “cô vân mạn mạn” trong Chiều tối của Hồ Chí Minh mà hiện lên cả bầu không gian tĩnh lặng nơi vùng sơn cước, cũng giống như chỉ qua hình ảnh “Con cá nhảy làm động hoa sen mới nở/ chim bay tán loạn làm rơi những bông hoa còn sót lại trên cành” (Tạ Diễu) mà vẽ ra được cả một bức tranh khung cảnh làng quê yên ả. Hay bài “Tương tiến tửu” có câu: Trước gương sáng trên nhà cao, buồn vì tóc bạc/ Sớm như tơ xanh, chiều đã như tuyết thì chính Lý Bạch đã “lấy cái phóng đại để nói một sự thực” là cuộc đời con người ta quá ngắn ngủi. 19 Nghệ thuật gợi tả ấy ta cũng tìm thấy ở nhiều câu thơ, nhiều bài thơ trong tập Nhật kí trong tù. II.5. Hình ảnh nhân vật trữ tình. Vẻ đẹp cổ điển trong tập Nhật kí trong tù còn thể hiện tập trong ở hình tượng nhân vật trữ tình: người tù – thi sĩ – chiến sĩ. Đọc tập Nhật kí trong tù, chúng ta đều nhận thấy rất rõ phong thái của nhân vật trữ tình – con người Bác trong thơ. Ở đây chúng tôi tạm chia làm hai ý khác nhau, nhưng thực chất đều tựu lại để làm rõ vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong thơ Bác cũng mang màu sắc cổ điển đậm nét. (1) Phong thái của nhân vật trữ tình: Đọc Nhật kí trong tù, rất nhiều lần ta thấy nhân vật trữ tình có cái phong thái ung dung, tự do, tự tại giống biết bao con người thi nhân trong thơ ca cổ điển. Nguyễn Trãi có khi ở giữa tầm hào hùng của vũ trụ - “Đêm thanh đứng tựa vào bầu trời mà xem vũ trụ/ Nhân gió thu thừa cảm hứng cưỡi kình ngao” (Chu trung ngẫu thành) thì Hồ Chí Minh có kém chi đâu – “Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” (Đi đường). Nhiều khi ta thấy nhân vật trữ tình ấy lại có cái phong độ ung dung, nhàn dật giữa thiên nhiên giống như cái phong độ của Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Nguyễn Bỉnh Khiêm ở am Bạch Vân vậy. Đọc những câu thơ với cảm xúc giao hòa với thiên nhiên trong bài Mới ra tù tập leo núi của Bác: Núi ấp ôm mây, mây ấp núi Lòng sông gương sáng bụi không mờ Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa. khiến ta không khỏi không liên hệ đến sự quấn quýt, nhàn tản với thiên nhiên của Nguyễn Trãi: Láng giềng một áng mây bạc/ Khách khứa hai hàng núi xanh (Bảo kính cảnh giới, bài 42), Nước biếc non xanh, thuyền gối bãi/ Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu (Bảo kính cảnh giới, bài 26); trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm: Núi nhuộn sắc thu xanh nhạt vẻ,/ Sông in bóng nguyệt trắng lòng đôi (Ngụ hứng, bài 8). Trong thơ cổ điển, cái tôi trữ tình thường hòa lẫn vào thiên nhiên, con người hướng tới mối giao cảm, sự thống nhất thầm kín và sâu xa với thiên nhiên. Ví như, ngay trong thú thưởng trăng của các thi nhân muôn đời vẫn luôn giống nhau, Lý Bạch, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh – cách nhau rất xa về thời đại, mà như đang ngồi cùng bàn, đang ung dung để ngắm trăng và tri âm với trăng: - Cất chén mời trăng ngân Ba người trăng, ta, bóng. (Lý Bạch) 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan