Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Văn hóa công sở của ubnd cấp xã trên địa bàn thành phố sơn la, tỉnh sơn la...

Tài liệu Văn hóa công sở của ubnd cấp xã trên địa bàn thành phố sơn la, tỉnh sơn la

.PDF
27
691
76

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ................./................ BỘ NỘI VỤ ...../..... HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA ĐỖ THỊ MINH THU VĂN HÓA CÔNG SỞ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ SƠN LA, TỈNH SƠN LA Chuyên ngành: Quản lý công Mã số: 60.34.04.03 TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ QUẢN LÝ CÔNG HÀ NỘI - NĂM 2017 Công trình được hoàn thành tại: HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA Người hướng dẫn khoa học: TS. LÊ ANH XUÂN Phản biện 1: …………………………………….. …………………………………………..……….. Phản biện 2: ……………………………………... …………………………………………..……….. Luận văn được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ, Học viện Hành chính Quốc gia Địa điểm: Phòng họp …....., Nhà...... - Hội trường bảo vệ luận văn thạc sĩ, Học viện Hành chính Quốc gia Số:77 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội Thời gian: vào hồi …… giờ …… tháng …… năm 201... Có thể tìm hiểu luận văn tại Thư viện Học viện Hành chính Quốc gia hoặc trên trang Web Khoa Sau đại học, Học viện Hành chính Quốc gia MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Văn hóa có vai trò quan trọng trong xây dựng con người nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của nền hành chính nói riêng. Trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp xã có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là cấp gần dân, sát dân nhất, là cầu nối chuyển tải và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới quần chúng nhân dân. Xây dựng văn hóa công sở tại UBND cấp xã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của UBND cấp xã nói riêng và hiệu quả của cả nền hành chính nhà nước ở Việt Nam nói chung.Tuy nhiên, xây dựng văn hóa công sở tại UBND cấp xã còn nhiều hạn chế, thiếu sót và khó khăn. Tỉnh Sơn La cũng như các địa phương khác trong cả nước luôn quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện các quy định xây dựng văn hóa, đạo đức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nói chung. Nhưng văn hóa công sở của UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La còn có nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp vừa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu chung, vừa phù hợp với điều kiện thực thi công vụ tại địa phương. Bởi vậy, tôi chọn đề tài “Văn hóa công sở của UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La” làm luận văn tốt nghiệp cao học chuyên ngành Quản lý công. 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Nghiên cứu về vai trò của văn hóa, văn hóa công sở và vận dụng các quy định của pháp luật vào xây dựng văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước đã có rất nhiều tác giả, nhiều công trình, bài báo đề cập. Tuy nhiên, nghiên cứu xây dựng văn hóa công sở của UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La thì chưa có đề tài nào nghiên cứu trực tiếp. Đây là vấn đề mới, nếu nghiên cứu thành 1 công sẽ góp phần xây dựng và thực hiện văn hóa công sở phù hợp với điều kiện thực tế của UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La; qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã cũng như, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả cũng như tính khả thi của pháp luật trên địa bàn tỉnh Sơn La. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu * Mục đích nghiên cứu của luận văn - Khảo sát, đánh giá thực trạng xây dựng và thực hiện văn hóa công sở tại Ủy ban nhân dân cấp xã tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La; - Đề xuất giải pháp hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện văn hóa công sở tại Ủy ban nhân dân cấp xã tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. * Nhiệm vụ nghiên cứu - Hệ thống các vấn đề lý luận chung về văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước; - Khảo sát, đánh giá thực trạng xây dựng văn hóa công sở của UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La hiện nay; - Đề xuất một số giải pháp xây dựng và thực hiện văn hóa công sở của UBND cấp xã phù hợp với điều kiện thực thi công vụ trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của luận văn là văn hóa công sở của UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. - Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu văn hóa công sở của UBND các xã (Chiềng Ngần, Chiềng Xôm, Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Hua La), các phường (Tô Hiệu, Quyết Tâm, Quyết Thắng, Chiềng Sinh, Chiềng Cơi, Chiềng Lề, 2 Chiềng An) thuộc thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La năm 2013 đến nay, tầm nhìn đến năm 2020. 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu - Phương pháp luận: Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng văn hóa công sở, nâng cao chất lượng hoạt động của UBND cấp xã. - Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Đây là phương pháp chủ yếu được sử dụng để xây dựng cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của luận văn. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi: Phương pháp này nhằm tìm kiếm và thu thập thông tin, số liệu làm cơ sở cho những nhận định, đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp xây dựng văn hóa công sở tại UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Sơn La. Phương pháp phân tích - tổng hợp: Phương pháp này được sử dụng để đưa ra những đánh giá, nhận định thực trạng xây dựng văn hóa công sở của UBND cấp xã, chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong xây dựng văn hóa công sở của UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Sơn La. Phương pháp quan sát: Phương pháp này sử dụng để quan sát đánh giá trực quan kết quả xây dựng văn hóa công sở trên một số nội dung như: trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tác phong, thái độ của cán bộ, công chức; mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức khi được giải quyết thủ tục hành chính. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài 6.1. Ý nghĩa lý luận Luận văn góp phần hệ thống hóa lý luận về văn hóa công sở và vai trò của văn hóa công sở trong hoạt động của UBND cấp xã; Luận 3 văn cũng làm rõ một nguyên tắc cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước đó là phải vận dụng sáng tạo, linh hoạt những quy định pháp luật vào điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở mới đảm bảo tính khả thi, hợp lý của quy định pháp luật. Tránh tình trạng rập khuôn, máy móc hoặc vô nguyên tắc trong quản lý hành chính nhà nước. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Luận văn đề xuất một số giải pháp khả thi, có cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế văn hóa công sở của UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Là một công trình nghiên cứu có cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, giúp UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La nói riêng, các địa phương có đặc điểm, điều kiện tương tự có thể tham khảo, vận dụng trong quá trình xây dựng và thực hiện văn hóa công sở của mình, qua đó có thể góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo trật tự xã hội và phục vụ tốt hơn nữa cho công dân, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở. 7. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Lý luận chung về văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước. Chương 2: Thực trạng xây dựng và thực hiện văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Chương 3: Giải pháp xây dựng và thực hiện văn hóa công sở của ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. 4 Chương 1 LÝ LUẬN CHUNG VỀ VĂN HÓA CÔNG SỞ TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC 1.1. Khái niệm, đặc điểm, nhiệm vụ của công sở hành chính nhà nước 1.1.1. Khái niệm công sở hành chính nhà nước 1.1.1.1. Khái niệm công sở “Công sở” là một thuật ngữ được sử dụng rất phổ biến trong hoạt động quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Bản thân tác giả cho rằng công sở được hiểu là một tổ chức thực thi quyền lực công, phục vụ lợi ích công và sử dụng nguồn lực công trong hoạt động của mình. Gắn với đặc điểm hệ thống chính trị ở Việt Nam, công sở bao gồm tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó có hệ thống các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên. 1.1.1.2. Khái niệm công sở hành chính nhà nước Công sở hành chính nhà nước được hiểu là các cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Theo bản thân tác giả, với đặc điểm tổ chức bộ máy nhà nước gắn với nguyên tắc tổ chức và sử dụng quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay, công sở hành chính được hiểu là các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương (bao gồm Hội đồng nhân và Ủy ban nhân dân các cấp). 1.1.2. Đặc điểm của công sở hành chính nhà nước Công sở hành chính có một số đặc điểm cơ bản sau: Thứ nhất, về nội dung công việc: Hoạt động của công sở nhằm thỏa mãn các lợi ích của cộng đồng hoặc phục vụ cho hoạt động thự hiện quyền lực nhà nước. 5 Thứ hai, về hình thức tổ chức: Công sở hành chính là một tập hợp có tổ chức, có trụ sở, có phương tiện, vật chất và hệ thống nhân sự. Thứ ba, được sử dụng quyền lực nhà nước để thực thi công vụ. 1.1.3. Nhiệm vụ của công sở hành chính nhà nước Công sở hành chính nhà nước có các nhiệm vụ chủ yếu sau: Một là, quản lý công vụ, công chức. Hai là, tổ chức và phối hợp công việc giữa các bộ phận. Ba là, tổ chức công tác thông tin trong công sở và giữa công sở với các cơ quan, tổ chức khác. Bốn là, thực hiện kiểm tra, theo dõi công việc của cán bộ, nhân viên thuộc cơ qan theo quy chế chung và các quy chế khác do cơ quan, đơn vị ban hành. Năm là, tổ chức việc tiếp dân, tiếp khách. Sáu là, quản lý tài sản công. Bảy là, góp phần nghiên cứu, xây dựng quy chế, các quy định chung về pháp luật phục vụ chung cho hoạt động của cộng đồng. 1.2. Vị trí, chức năng, vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã 1.2.1. Vị trí, chức năng của Ủy ban nhân dân cấp xã Về vị trí của UBND cấp xã là cơ quan hành chính nhà nước cấp thấp nhất (cấp cơ sở) trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam và là cơ quan chấp hành của HĐND cấp xã, do HĐND cấp xã trực tiếp bầu ra. Về chức năng, UBND xã là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp, chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước và các văn bản chỉ đạo của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên; đồng thời UBND cấp xã là cơ quan trực tiếp tổ chức quản lý, điều chỉnh đời sống xã hội, các hành vi cá nhân, hoạt động của tổ chức, các mối quan hệ xã hội trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội theo quy định của pháp luật, 6 nhằm thỏa mãn các nhu cầu hợp pháp, chính đáng của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội. 1.2.2. Vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã Qua nghiên cứu đặc điểm và hoạt động của UBND cấp xã, bản thân tác giả nhận thấy UBND xã ở Việt Nam hiện nay có một số vai trò cơ bản như sau: Thứ nhất, UBND cấp xã là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thứ hai, UBND cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã là “bộ mặt” của Nhà nước trước nhân dân, đại diện cho Nhà nước, nhân danh Nhà nước và thực thi quyền lực nhà nước. Thứ ba, trực tiếp tổ chức thực hiện và quyết định việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Thứ tư, UBND xã trực tiếp điều tiết hoạt động tự quản của các thôn, làng, bản, ấp trên địa bàn xã về phát triển nông thôn. 1.3. Văn hóa công sở trong cơ quan hành chính nhà nước 1.3.1. Khái niệm văn hóa công sở 1.3.1.1. Khái niệm văn hóa Văn hóa là một khái niệm, một thuật ngữ được sử dụng và xuất hiện ngày càng phổ biến trong đời sống xã hội, trong hoạt động quản lý nhà nước của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Từ năm 1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra định nghĩa về văn hóa; trong Đề cương văn hóa Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương xây dựng năm 1943, khẳng định văn hóa là một mặt trận và mặt trận vǎn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, vǎn hoá) ở đó người cộng sản phải hoạt động; nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng vǎn hoá nữa; 7 Một cách tổng quát, có thể hiểu văn hóa là tổng hợp một hệ thống những giá trị tinh thần, giá trị vật chất, những chuẩn mực xã hội, do con người sáng tạo ra trong lịch sử nhằm phục vụ cuộc sống con người. Trải qua hoạt động thực tiễn, những giá trị đó được các thế hệ thừa nhận một cách tự nguyện và vận dụng vào cuộc sống hàng ngày, truyền từ đời này sang đời khác, để phát triển, tạo nên những đặc trưng và bản sắc của từng dân tộc. 1.3.1.2. Khái niệm văn hóa công sở Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hóa và xây dựng văn hóa, bản thân tác giả cho rằng: “văn hóa công sở” là một hệ thống những giá trị vật chất và tinh thần phản ánh sự đúng đắn, tính nhân bản, nét đẹp và niềm tin được hình thành trong quá trình hoạt động, phát triển của công sở, được mọi người tin theo, tự giác thừa nhận, phát huy trong quá trình vận hành các hoạt động công sở vì mục tiêu chung. Những giá trị đó luôn gắn với yêu cầu phát triển công sở qua từng thời kỳ khác nhau, tạo nên những chuẩn mực chung cho hành vi ứng xử nơi công sở qua từng giai đoạn. 1.3.2. Các yếu tố cấu thành văn hóa công sở và văn hóa công sở UBND cấp xã 1.3.2.1. Các yếu tố cấu thành văn hóa công sở Theo cách tiếp cận của dự thảo Đề án Văn hóa công sở, văn hóa công sở bao gồm các yếu tố cấu thành cơ bản sau: Thứ nhất là các giá trị phi vật thể (văn hóa phi vật thể) của công sở. Các giá trị này không phải thể hiện ra dưới những hình khối, những vật thể cụ thể mà nó nằm trong đạo đức, nhận thức, quan niệm của từng cá nhân, biểu hiện ra ngoài thông qua giao tiếp, hành vi ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. 8 Thứ hai, các giá trị vật chất, đối với công sở hành chính nhà nước, các giá trị vật chất này chủ yếu được đảm bảo bởi ngân sách nhà nước. 1.3.2.2. Một số yếu tố cấu thành văn hóa công sở tại cơ quan UBND cấp xã - Nội quy, quy chế làm việc của cơ quan - Ý thức kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp - Môi trường công sở Trong môi trường công sở bao gồm các yếu tố cơ bản: + Trang phục + Không gian làm việc + Xây dựng quan hệ tình bạn, tình đồng nghiệp tại công sở + Trình độ của cán bộ, nhân viên trong công sở của UBND xã 1.3.3. Các đặc trưng của văn hóa công sở; văn hóa công sở UBND cấp xã ở Việt Nam 1.3.3.1. Các đặc trưng chung của văn hóa công sở Văn hóa công sở có những đặc trưng sau: Tính hệ thống: Văn hóa công sở có tính quyền lực nhà nước và tổ chức xã hội. Tính giá trị: Văn hóa có giá trị thẩm mỹ, bởi nó giúp mỗi người luôn vươn tới cái hay, cái đẹp. Với giá trị đạo đức, văn hóa sẽ điều chỉnh hành vi của con người. Đặc trưng này làm cho văn hóa công sở có tính điều chỉnh xã hội, cộng đồng. Tính nhân sinh: Văn hóa do con người tạo ra vì vậy nó mang tính nhân sinh. Tính lịch sử: Văn hóa công sở là sản phẩm của một quá trình, được tích lũy trong một thời gian dài, từ thời kỳ này sang thời kỳ khác. 9 1.3.3.2. Một số đặc điểm của Văn hoá công sở tại cơ quan UBND xã ở Việt Nam Văn hoá công sở tại cơ quan UBND xã ở Việt Nam có những đặc điểm sau: - Văn hóa công sở là hệ thống quy phạm và giá trị tiêu chuẩn tồn tại đan xen được mọi thành viên trong cơ quan UBND xã thừa nhận - Văn hoá công sở được truyền bá rộng rãi, là nhân tố quan trọng để xây dựng nên thói quen, nếp sống chuẩn mực trong cơ quan UBND xã - Biểu hiện của hệ thống phân cấp quyền lực hành chính và vị trí xã hội tại UBND xã - Văn hoá công sở là tài sản tinh thần của một cộng đồng trong cơ quan UBND xã. 1.3.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa công sở 1.3.4.1. Giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cộng đồng dân cư Văn hóa truyền thống được thể hiện thông qua hệ tư tưởng, lối sống, chuẩn mực thái độ, hành vi ứng xử của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, dân tộc. Cộng đồng nào thì sản sinh ra truyền thống đó, phụ thuộc vào đặc điểm tự nhiên và xã hội, gắn với nhu cầu sinh tồn và phát triển của cộng đồng. Mặc dù ở giai đoạn ban đầu, văn hóa do con người sáng tạo ra trong quá trình lao động, sản xuất để phục vụ lẽ sinh tồn. Nhưng sau đó, chính những giá trị này đã quay trở lại tác động vào nhận thức của cá nhân, để cá nhân lấy đó làm các chuẩn mực rèn luyện, phấn đấu và khẳng định giá trị xã hội của mình. 1.3.4.2. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quốc gia ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đáp ứng các điều kiện vật chất cho 10 công sở hoạt động. Về lý luận, chính điều kiện kinh tế - xã hội là cơ sở quy định tính chuẩn mực cho các giá trị văn hóa nói chung, văn hóa công sở nói riêng hướng tới. 1.3.4.3. Trình độ, năng lực nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức Con người một mặt là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, mặt khác con người cũng chính là sản phẩm của văn hóa. Bởi vậy, có thể nói, trình độ, năng lực nhận thức của cán bộ, công chức là yếu tố cốt lõi, quan trọng nhất quyết định tới văn hóa công sở hành chính. 1.3.4.4. Vị thế, uy tín của công sở hành chính nhà nước Vị thế, uy tín của công sở hành chính là một niềm tự hào của bản thân mỗi cán bộ, công chức, người lao động trong công sở. 1.3.4.5. Mức độ hiện đại hóa của công sở hành chính nhà nước Văn hóa công sở bao gồm cả những yếu tố vật thể và phi vật thể. Những yếu tố vật thể như trụ sở, nhà làm việc, khuôn viên, cảnh quan môi trường, các trang thiết bị; trang phục của cán bộ, công chức, người lao động... Văn hóa công sở chỉ có thể được xây dựng và duy trì trên cơ sở có sự đảm bảo ở mức độ nhất định về cơ sở vật chất cũng như trang bị phương tiện, điều kiện làm việc cho CBCC. 1.4. Văn hóa công sở đối với hoạt động của UBND cấp xã 1.4.1. Vai trò của văn hóa công sở Một là, Văn hóa công sở tạo điều kiện cho các bên tham gia vào quan hệ hành chính ở công sở thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Hai là, Văn hóa công sở là điều kiện phát triển tinh thần và nhân cách cho con người. Ba là, Văn hóa công sở đem lại giá trị toàn diện cho con người. Bốn là, Văn hóa công sở vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển con người. 11 1.4.2. Vai trò của văn hóa công sở đối với hoạt động của UBND cấp xã Thứ nhất, văn hóa công sở là quy định hoặc quy chế nhưng đã được mọi thành viên trong cơ quan UBND xã thừa nhận và tuân thủ. Thứ hai, văn hoá công sở là nhân tố quan trọng để xây dựng nên một thói quen, một nếp sống chuẩn mực trong cơ quan UBND xã. Thứ ba, góp phần thực thi hệ thống phân cấp quyền lực hành chính và vị trí xã hội tại cơ quan UBND xã. Thứ tư, văn hoá công sở là tài sản tinh thần của một cộng đồng trong cơ quan UBND xã 1.5. Bài học từ văn hóa công sở tại một số địa phương Xây dựng và tổ chức thực hiện văn hóa công sở đã được các địa phương trên cả nước quan tâm. Địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng văn hóa, văn hóa công sở trong cơ quan hành chính nhà nước phải kể đến là Đà Nẵng. Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn xây dựng văn hóa, văn minh đô thị ở Đà Năng gắn với xây dựng văn hóa công sở đó là: 1.5.1. Xây dựng thói quen tốt trong nếp sống của từng cá nhân, tổ chức, cộng đồng Để xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng phải bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhất của từng cá nhân và từ những việc làm gần gũi nhất xung quanh mỗi người, từ phạm vi từng đơn vị, bộ phận, cơ quan và đến cả địa phương. 1.5.2. Đẩy mạnh tuyên truyền Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cá nhân về văn hóa, văn minh đô thị được đặc biệt chú trọng. Trong tuyên truyền, nội dung đầu tiên là tuyên truyền rộng rãi để từng cá nhân nắm và hiểu rõ, đúng về chủ trương của Thành phố. Thứ hai là thông qua hoạt động của các tổ chức, những cá nhân có uy tín 12 để thuyết phục, vận động và nêu gương. Thứ ba, đặc biệt chú trọng đến môi trường giáo dục trong phong trào xây dựng văn hóa, văn minh đô thị, văn hóa công sở. Thứ tư, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, viên chức thông qua hoạt động của tổ chức Đảng. 1.5.3. Thí điểm nhiều mô hình xây dựng văn hóa, văn minh công sở có chế tài cụ thể rõ ràng Thứ nhất, tổ chức quán triệt Quy chế văn hóa công sở (theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg), mở các lớp bồi dưỡng về kiến thức văn hóa giao tiếp, ứng xử cho cán bộ, công chức. Thứ hai, tổ chức cho cán bộ, công chức hành chính ký cam kết thực hiện Quy chế văn hóa công sở đã được xây dựng. Thứ ba, ở một số UBND cấp xã đã tổ chức mô hình “tiếp thị” CCHC và thực hiện trả kết quả hồ sơ hành chính lĩnh vực chứng thực theo yêu cầu, không để người dân, doanh nghiệp phải chờ đợi. Thứ tư, xây dựng nguồn tài chính phục vụ xây dựng văn hóa công sở và cải cách hành chính nhà nước. Chương 2 THỰC TRẠNG XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN VĂN HÓA CÔNG SỞ TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ TẠI THÀNH PHỐ SƠN LA, TỈNH SƠN LA 2.1. Khái quát tình hình đặc điểm của ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La 2.1.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội thành phố Sơn La Sơn La là tỉnh miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam phía Bắc giáp Yên Bái và Lào Cai (252km), phía Đông giáp tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ (135km), phía Tây giáp tỉnh Điện Biên (85km), phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (250km). 13 Tính đến năm 2016, Sơn La có 01 thành phố, 11 huyện với 7 phường, 09 thị trấn, 188 xã. Dân số ở Sơn La tính đến hết tháng 6 năm 2016 là khoảng 1.192.100 người, mật độ dân số 84 người/km2. Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 54%, dân tộc Kinh 18%, dân tộc Mông 12%, dân tộc Mường 8,4%, dân tộc Dao 2,5%, còn lại là các dân tộc: Khơ Mú, Xinh Mun; Kháng, La Ha, Lào, Tày và Hoa. 2.1.2. Đặc điểm của ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn la Với 12 đơn vị cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La có một số đặc điểm cơ bản sau: Một là, về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã Thành phố Sơn La hiện nay có 263 cán bộ, công chức, 257 người hoạt động không chuyên cấp xã trong đó dân tộc Thái 372 người (72%), dân tộc Kinh 124 người (24%), các dân tộc khác (4 %). Về tiêu chuẩn chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cụ thể như sau: - Đội ngũ cán bộ xã với tổng số là 129 người, trong đó đạt tiêu chuẩn là 119 người, chưa đạt chuẩn là 10 người; - Đội ngũ công chức với tổng số 134 người, trong đó đạt chuẩn là 126 ngời, chưa đạt chuẩn còn 08 người. Hai là, về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động Về cơ sở vật chất, so với UBND cấp xã trên toàn tỉnh, UBND cấp xã tại thành phố Sơn La có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên nếu so với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong công sở hành chính thì còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. 14 2.2. Một số nét văn hóa và phong tục, tập quán đặc trưng của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La Văn hóa vùng Tây Bắc nói chung, văn hóa Sơn La nói riêng được tạo nên bởi sắc thái của nhiều dân tộc anh em nhưng văn hóa dân tộc Thái lại trở thành tiêu biểu (người Thái chiếm 54% dân số Sơn La). 2.2.2. Văn hóa các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Sơn La 2.2.2.1. Người Kinh ở Sơn La Với tỷ lệ 18% dân số, dân tộc Kinh tại Sơn La cũng có nhiều nét văn hóa đặc sắc, góp phần xây dựng nên nền văn hóa đa dạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La. 2.2.2.2. Các dân tộc khác - Người Mông chia thành 04 nhóm: Mông trắng, Mông đen, Mông hoa và Mông đỏ, căn cứ vào những khác biệt về mặt dân tộc học và ngôn ngữ. Tiếng Mông thuộc dòng Mông – Dao của ngữ hệ Nam Á. - Người Mường sống tập trung ở những vùng bằng phẳng, ven sông Đà, suối Lập, suối Văn, suối Ếch, suối Dâng thuộc các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu; tụ tập trong những mường độc lập hoặc sống xen kẽ với các dân tộc khác. Việc người Mường cùng sống chung một bản với người Thái là khá phổ biến. - Người Dao (trước đây gọi là người Mán) ở Sơn La sống tập trung ở các vùng núi thấp, dọc các con suối, cư trú thành từng bản riêng biệt, khoảng cách thưa thớt. Nguồn sống chính của họ trồng lúa nước và lúa nương, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây đặc sản. - Người Khơ mú ở Sơn La sống thành từng bản xen kẽ các dân tộc anh em khác, tập trung nhiều nhất ở Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Sông Mã, Mường La. Người Khơ mú còn có tên gọi khác là người Xá, chủ yếu sinh sống bằng nương rẫy, giỏi đan lát nhưng không biết dệt vải. 15 - Người Xinh mun (trước đây gọi là người Puộc) ở Sơn La chia thành hai nhóm: Xinh mun nhẹt và Xinh mun dạ, trong cuộc sống và giai tiếp dùng cả tiếng Xinh mun và tiếng Thái. - Người Tày cư trú tại địa phương, giỏi làm nông nghiệp, rất thành thạo việc trồng lúa nước, ngô, rau, đậu trên các cánh đồng màu mỡ trải trong các thung lũng, biết dùng phân bón và đắp đập, be bờ giữ nước từ rất sớm. - Người Hoa ở Sơn La trước đây tập trung vào việc buôn bán nhỏ, mở hàng ăn ở thị trấn hoặc làm ruộng, làm viên chức. - Người Kháng sống nhiều ở Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, thạo trồng trọt trên nương với các loại cây trồng chính là lúa nếp, ngô, đậu tương, bông. - Người La Ha cư trú nhiều ở Thuận Châu, Mường La, có quan hệ mật thiết với người Kháng về kinh tế, xã hội và văn hóa. - Người Lào ở Sơn La thuộc nhóm Lào cạn, thạo làm ruộng nước, theo đạo Phật, phong tục tập quán có nhiều nét gần gũi với người Thái. 2.3. Kết quả xây dựng và thực hiện văn hóa công sở của Ủy ban nhân dân các xã, phường trên địa bàn thành phố Sơn La 2.3.1. Về tuyên truyền, giáo dục về văn hóa công sở cho cán bộ, công chức cấp xã và người dân địa phương Thành phố đã triển khai tuyên truyền giáo dục các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về văn hóa nói chung tới đông đảo bà con nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Nhận thức về Quy chế văn hóa công sở ban hành kèm theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ qua khảo sát khoảng 70% cán bộ, công chức cấp xã đã từng nghe và đọc qua, các cán bộ, công chức đều nắm được những nội dung cơ bản của văn hóa công sở cần xây dựng và tổ chức thực hiện tại UBND cấp xã. Tuy nhiên, do chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể của UBND thành phố nên 16 tất cả các xã trên địa bàn thành phố Sơn La đều chưa xây dựng và ban hành Quy chế văn hóa công sở tại cơ quan mình. 2.3.2. Về hệ thống pháp luật về văn hóa công sở Hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp về xây dựng và thực hiện văn hóa công sở chưa được ban hành. Tuy nhiên, liên quan đến chấn chỉnh tác phong của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Ban Thường vụ tỉnh ủy tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chỉ thị, gần đây nhất là chỉ thị số 25-CT/TU ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Sơn La về nêu cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. UBND tỉnh Sơn La cũng đã ban hành Quyết định số 04/2014/QĐUBND ngày 21 tháng 3 năm 2014 về việc quy định xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang uống rượu, bia trước và trong giờ làm việc. 2.3.3. Về đội ngũ cán bộ, công chức UBND cấp xã của thành phố Sơn La Văn hóa công sở tại UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa dân tộc Thái tới về chuẩn mực ứng xử, tập quán sinh hoạt, cũng như trang phục. Biểu hiện cụ thể ở một số nét sau: - Về trang phục: trang phục của cán bộ, công chức khi tới trụ sở làm việc thường gọn gàng, giản dị; - Về tập quán sinh hoạt: đa phần người dân ở Sơn La nói chung, thành phố Sơn La nói riêng có thói quen sử dụng rượu trong sinh hoạt hằng ngày -Về cái bắt tay: cái bắt tay không chỉ được sử dụng trong giao tiếp hành chính, mà nó đã trở thành tập quán trong uống rượu của người Sơn La. 17 - Về sử dụng ngôn ngữ: bên cạnh tiếng Việt phổ thông là tiếng Thái. Xưng hô theo gia đình xuất hiện trong giao tiếp của cán bộ, công chức và cả giữa cán bộ, công chức với người dân khi đến trụ sở UBND giải quyết công việc. Các cách xưng hô đan xen nhiều loại ngôn ngữ vùng miền. Trong giao tiếp hằng ngày của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thành phố Sơn La còn có một đặc điểm nữa là tình trạng nói ngọng. - Về chuẩn mực ứng xử: nhìn chung ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức xã đề cao sự nhường nhịn, hòa thuận. 2.3.4. Về cơ sở vật chất, kỹ thuật và tài chính cho việc xây dựng và thực hiện văn hóa công sở của UBND cấp xã - Về diện tích nhà làm việc qua báo cáo kiểm kê tài sản, trong 12 đơn vị cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La cơ bản diện tích nhà làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La chưa đáp ứng tiêu chuẩn. - Về cách sắp xếp, bài trí công sở cũng như các trang thiết bị phục vụ công tác cơ bản chưa đảm bảo các điều kiện trang thiết bị theo quy định về số lượng, chất lượng, chủng loại. - Về cảnh quan, môi trường: cơ bản diện tích trụ sở UBND các xã, phường đều hạn chế, bộ mặt công sở chưa được bề thế, nghiêm trang. 2.4. Đánh giá thực trạng xây dựng và thực hiện văn hóa công sở của UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố Sơn La 2.4.1. Ưu điểm và nguyên nhân 2.4.1.1. Ưu điểm trong xây dựng và thực hiện văn hóa công sở của UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Sơn La - Đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động có tinh thần đoàn kết, hòa nhã. Hiện tượng a dua, bè phái, lợi ích nhóm cơ bản không rõ nét, không gay gắt. 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan