Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Truyện thơ quốc ngữ nam kỳ xuất bản ở sài gòn từ cuối thế kỷ xix đến năm 1945 tt...

Tài liệu Truyện thơ quốc ngữ nam kỳ xuất bản ở sài gòn từ cuối thế kỷ xix đến năm 1945 tt

.PDF
26
410
105

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ---------------------------------- DƯƠNG MỸ THẮM TRUYỆN THƠ QUỐC NGỮ NAM KỲ XUẤT BẢN Ở SÀI GÒN TỪ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẾN NĂM 1945 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN TP. HỒ CHÍ MINH – NĂM 2018 Công trình được hoàn thành tại: Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Người hướng dẫn khoa học: TS. NGUYỄN NAM; PGS.TS. LÊ GIANG Phản biện độc lập 1: .............................................................................. Phản biện độc lập 2: .............................................................................. Phản biện 1:........................................................................................... Phản biện 2:........................................................................................... Phản biện 3:........................................................................................... Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở đào tạo họp tại: .................................................................................................. .............................................................................................................. vào hồi ………. giờ ………. ngày ………. tháng ……….năm………. Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện:...................................................... ………………………………………..(ghi tên các thư viện nộp luận án) 1 DẪN LUẬN 1. Lý do chọn đề tài Trong nhiều thập niên qua, các nhà nghiên cứu đã quan tâm nhiều đến việc sưu tập tư liệu và khai thác các giá trị văn học Nam Kỳ, đặc biệt là mảng văn học Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu công phu về văn học Quốc ngữ Nam Kỳ (QNNK), những thành tựu đạt được góp phần ghi nhận và bảo tồn các giá trị văn học Việt Nam. Đó cũng là động lực giúp chúng tôi tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu một loại hình văn chương từng được đón nhận nồng nhiệt khắp Nam Kỳ lục tỉnh: Truyện thơ QNNK. Truyện thơ Quốc ngữ là một bộ phận trong mảng văn học QNNK, có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Nam Kỳ Lục tỉnh. Nội dung truyện thơ gửi gắm đến người đọc nhiều bài học đạo lý. Đàn bà, con gái thì đọc truyện thơ để học đức hạnh kiên trinh, đàn ông thì noi theo gương anh hùng tiết nghĩa. Đặc biệt, học trò xem truyện thơ là một phương tiện để học chữ Quốc ngữ, nhờ đọc truyện thơ mà sử dụng nhuần nhuyễn phương ngôn, tục ngữ, học được cái tinh hoa của tiếng mẹ đẻ. Những hoạt động sưu tầm, giới thiệu và nghiên cứu truyện thơ QNNK còn hạn chế nên ngày nay không nhiều người biết đến thể loại này hoặc hiểu nhầm là bản phiên âm truyện thơ Nôm. Vì vậy, việc tìm kiếm tư liệu gặp rất nhiều khó khăn. Bằng nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của thầy hướng dẫn, hiện nay chúng tôi đã sưu tầm hơn 220 cuốn truyện thơ Quốc ngữ được xuất bản ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX đến năm 1945. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài: Truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ xuất bản ở Sài Gòn từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945 để nghiên cứu một cách có hệ thống về loại hình văn chương này. 2 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Luận án khảo sát và nghiên cứu 220 truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ xuất bản ở Sài Gòn từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945 (Xem phụ lục, bảng 1). Phạm vi tư liệu, luận án tập trung nghiên cứu sâu các tác phẩm: Tứ đại kỳ thơ, Phụng Nghi đình, 03 tác phẩm Nam Kinh Bắc Kinh của tác giả Đặng Lễ Nghi, Nguyễn Bá Thời, Khấu Võ Nghi và 02 tác phẩm Cậu Hai Miên của tác giả Nguyễn Bá Thời, Cử Hoành Sơn. Đây là những truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ cải biên từ tiểu thuyết, truyện tích Trung Quốc, từ truyện thơ Nôm, từ truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ có trước và từ nhân vật có thật. 3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề: 3.1. Trước năm 1975 - Ở miền Nam Trước năm 1975, ở miền Nam nổi bật có ba nhà nghiên cứu quan tâm đến truyện thơ Quốc ngữ là Sơn Nam, Phạm Long Điền và Nguyễn Văn Hầu. Họ có chung niềm yêu thích đối với các “bổn thơ” thời sự và đều xem loại hình văn chương này là “thơ bình dân”. Theo họ, “thơ” là cách người Nam Kỳ gọi truyện thơ Quốc ngữ, họ gọi theo cách đặt tên tác phẩm của tác giả như: Thơ Nàng Út, Tam Nương thơ, Phan Công thơ. Thơ thường có nguồn gốc truyện dân gian; ngôn ngữ giản dị, mộc mạc; chủ yếu được soạn lại từ các bổn cũ không rõ tác giả và được lưu truyền bằng hình thức diễn xướng dân gian: nói thơ. Dựa vào những đặc điểm trên nên các nhà nghiên cứu ở miền Nam trước năm 1975 gọi truyện thơ QNNK là “thơ bình dân”. - Ở miền Bắc Trước năm 1975, ở miền Bắc, các nhà nghiên cứu văn học như: Nguyễn Hồng Phong, Lê Hoài Nam, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Lộc có nhiều công trình viết về thể loại truyện thơ Nôm nhưng không có công trình, bài 3 viết nào sưu tầm, giới thiệu và nghiên cứu truyện thơ QNNK. Nguyên nhân chính là do điều kiện tiếp xúc truyện thơ QNNK của các nhà nghiên cứu ở miền Bắc có phần hạn chế hơn so với các nhà nghiên cứu miền Nam. Bởi bản thân tác phẩm tồn tại và phát triển cùng với hình thức diễn xướng nói thơ – một loại hình văn nghệ dân gian ở Nam Kỳ. Ở miền Bắc môi trường sinh hoạt và thị hiếu thưởng thức văn hóa, văn nghệ khác miền Nam nên truyện thơ QNNK không được ưa chuộng. Trong giai đoạn này, ngoài những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như Vũ Tố Hảo, Cao Huy Đỉnh chúng tôi không tìm thấy bài viết, công trình nào khác của các nhà nghiên cứu văn học miền Bắc sưu tầm, giới thiệu và tìm hiểu về truyện thơ QNNK. 3.2. Từ năm 1975 đến nay - Trong nước Giai đoạn từ năm 1975 đến nay, truyện thơ QNNK thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn học trong nước, như: Sơn Nam, Hoài Anh, Thành Nguyên, Hồ Sĩ Hiệp, Nguyễn Q. Thắng, Bằng Giang, Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Hữu Hiệp, Lê Minh Quốc, Bảo Định Giang, Trần Nho Thìn… Ngoài những bài nghiên cứu, họ đã sưu tầm và giới thiệu một số tác phẩm truyện thơ QNNK có chú thích. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu, sưu tầm truyện thơ QNNK chủ yếu vẫn là nhóm truyện thơ thời sự. - Ngoài nước Sau năm 1975, bên cạnh những công trình kể trên của các nhà nghiên cứu trong nước, các nhà nghiên cứu đang sống và làm việc ở ngoài nước cũng quan tâm đến truyện thơ QNNK, nổi bật có Nguyễn Văn Sâm, Huỳnh Ái Tông với nhiều bài viết sưu tầm giới thiệu và nghiên cứu về loại hình văn chương này. 4 Kế thừa những ý kiến của các thế hệ đi trước, người viết tiếp tục sưu tầm, giới thiệu và nghiên cứu các ấn phẩm văn chương này với mong muốn khẳng định lại giá trị của nó trong đời sống tinh thần của người dân Nam Kỳ đầu thế kỷ XX, góp phần khơi dậy niềm yêu thích của người Nam Kỳ đối với loại hình văn chương này. 4. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu Làm rõ khái niệm Truyện thơ QNNK, tìm hiểu hình thức xuất bản và phân loại chúng theo tiêu chí riêng. Tìm hiểu vấn đề “tác giả”, “tác quyền” truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ, phân biệt các phương thức sáng tác truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ. Làm rõ các đặc trưng của truyện thơ QNNK thông qua một số tác phẩm cải biên từ tiểu thuyết, truyện tích Trung Quốc, từ truyện thơ Nôm, từ truyện thơ Quốc ngữ có trước, từ nhân vật có thật. Khẳng định giá trị của loại hình văn chương này trong đời sống xã hội ở Nam Kỳ trong giai đoạn đầu thế kỷ XX. 4. Phương pháp nghiên cứu Xuất phát từ mục đích và đối tượng nghiên cứu của luận án, người viết đã kế thừa các lý thuyết về văn hoá in ấn (print culture), cận văn bản (paratext), ý thức tác giả (consciousness of authorship), tái sáng tác (rewriting), tục biên (sequel) và vận dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau: - Phương pháp nghiên cứu loại hình và phương pháp hệ thống: nghiên cứu những đặc trưng của truyện thơ QNNK, tìm hiểu sự hình thành và phát triển của loại hình văn chương này. - Phương pháp lịch sử - xã hội: đặt các tác phẩm truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ trong bối cảnh văn hóa xã hội ở Nam Kỳ từ cuối thế kỷ XIX đến 5 năm 1945 sẽ thấy nguồn gốc ra đời của tác phẩm, những tác động của văn hóa đến mục đích cải biên, đến sự tiếp nhận truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ. - Phương pháp nghiên cứu liên văn bản: phương pháp này cho thấy sự chuyển dịch ký hiệu của các văn bản truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ so với truyện thơ Nôm hoặc truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ có trước. - Phương pháp so sánh – đối chiếu: phương pháp này dùng để soi chiếu vào những thay đổi của truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ so với truyện thơ Nôm hoặc truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ có trước nhằm tìm ra những nguyên nhân, mục đích thay đổi của tác giả truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ và khẳng định vị trí của loại hình văn chương này trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. - Phương pháp nghiên cứu trường hợp: Phương pháp này dùng để chọn nghiên cứu sâu một vài tác phẩm cải biên điển hình và những tác giả tiêu biểu nhằm tìm ra đặc trưng của loại truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ. 5. Những đóng góp mới của luận án Luận án xem xét truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ như các sản phẩm văn chương gắn liền với văn hoá in ấn. Nghĩa là, truyện thơ Quốc ngữ được sáng tác (hay tái sáng tác) bằng chữ Quốc ngữ, in và lưu hành rộng rãi trong một giai đoạn mà ấn phẩm văn chương cũng đồng thời là một mặt hàng với bản quyền và các giá trị thương mại của nó. Từ xuất phát điểm này, luận án sẽ có một số đóng góp sau đây: Thứ nhất, luận án giới thiệu những vấn đề chung về một loại hình văn chương ra đời và phát triển cuối thế kỷ XIX đến 1945 là truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ: khái niệm, bối cảnh ra đời, phân loại, các yếu tố cận văn bản, thị trường và tiếp nhận của người đọc. 6 Thứ hai, luận án xem người biên soạn truyện thơ QNNK là “tác giả” vì họ ý thức công việc mình làm là tạo nên một tác phẩm mới khác với nguyên tác cả về hình thức ấn phẩm và lời thơ. Họ ý thức được đóng góp của mình nên ghi rất rõ trên ấn phẩm là “bổn cũ soạn lại”, “bổn cũ diện chánh”, “bổn cũ sửa lại cho xuôi câu xuôi vần”. Công việc phiên âm và sửa lại câu chữ trước đó đã được nhiều người thực hiện, tuy nhiên họ thực hiện với ý thức sửa lại cho đúng với văn bản gốc vì theo họ quá trình lưu truyền đã bị “tam sao thất bản”. Càng về sau, tác giả truyện thơ QNNK càng ý thức việc thay đổi nội dung tác phẩm, cách xây dựng nhân vật, bố cục tác phẩm và lời thơ; dần thay thế những yếu tố cổ tích thần tiên bằng những yếu tố hiện thực. Công việc biên soạn của các tác giả truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ sẽ không được ghi nhận nếu không có sự xuất hiện của công nghệ in hiện đại. Chính phong trào in ấn phát triển ở Nam Kỳ giai đoạn đầu thế kỷ XX là điều kiện ra đời loại hình văn chương này. Việc in ấn cũng tạo nên thị trường chữ nghĩa phong phú với những quy định về quyền tác giả. Thứ ba, luận án nghiên cứu truyện thơ QNNK bằng lý thuyết cải biên nhằm cho thấy sự dịch chuyển các ký hiệu từ văn bản có trước đến tác phẩm cải biên. Chúng tôi chọn nghiên cứu 4 trường hợp truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ cải biên từ tiểu thuyết, truyện tích Trung Quốc, từ truyện thơ Nôm, từ truyện thơ Quốc ngữ có trước, từ nhân vật có thật. Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ đóng góp một cái nhìn mới đối với việc nghiên cứu truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ, giúp các tác phẩm cải biên khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và vị trí giao thời của nó trong tiến trình hiện đại hóa văn học. 6. Cấu trúc của luận án Ngoài phần dẫn luận, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, luận án gồm 3 chương: 7 Chương 1. Những vấn đề chung về truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ Chương 2. Tác giả - Tác quyền truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ Chương 3. Truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ: Những tác phẩm cải biên (Nghiên cứu trường hợp) CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TRUYỆN THƠ QUỐC NGỮ NAM KỲ 1.1. Khái niệm truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ và giới thuyết của luận án Truyện thơ Nôm Nam Kỳ là những tác phẩm có nguồn gốc từ truyện thơ Nôm, được các “tác giả” Nam Kỳ biên soạn, sửa lại thành những tác phẩm truyện thơ Quốc ngữ và chủ yếu được các nhà in ở Sài Gòn xuất bản. Với tâm huyết muốn phục dựng lại toàn bộ tác phẩm thuộc loại hình văn chương này, chúng tôi mở rộng đối tượng nghiên cứu là truyện thơ được viết bằng chữ Quốc ngữ, chủ yếu sử dụng thể thơ lục bát, xuất bản ở Sài Gòn và các vùng phụ cận từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Truyện có tác giả, được biên soạn hoặc sáng tác dựa vào (và có khi viết nối thêm theo hình thức thơ “hậu”) truyện dân gian Việt Nam, truyện thơ Nôm, tuồng, tích Trung Quốc, truyền thuyết Phật giáo và sự kiện có thực ở Việt Nam, đặc biệt là Nam Kỳ. Chúng tôi gọi loại hình văn chương này là Truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ. 1.2. Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa của truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ Từ nửa sau thế kỷ XIX, chữ Quốc ngữ trở nên thông dụng ở Nam Kỳ, dần thay thế chữ Hán, chữ Nôm. Họ mở trường dạy chữ Quốc ngữ, tổ chức các kỳ thi, đặt ra các giải thưởng khuyến khích quan lại, học trò sử dụng chữ 8 quốc ngữ. Trong bối cảnh này, những trí thức Nam Kỳ đã bắt đầu những công việc như phiên âm, dịch thuật, viết báo, sáng tác văn học bằng chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, những sáng tác văn học bằng chữ Quốc ngữ lúc này còn thưa thớt, chưa đáp ứng được nhu cầu giải trí của công chúng. Văn học từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX ở Nam Kỳ chủ yếu là đáp ứng phương diện giải trí, văn học đại chúng áp đảo văn học hàn lâm. Đối tượng độc giả ở Nam Kỳ chủ yếu là tầng lớp công chúng thị dân và viên chức nhỏ có thị hiếu thẩm mỹ bình dân. Họ quan tâm nhiều đến sự kiện, cốt truyện, tình tiết ly kỳ và ít chú ý về ngôn ngữ và nghệ thuật văn chương. Vì thế, nội dung truyện thơ Nôm bình dân rất phù hợp với thị hiếu của họ. Nhưng các ấn phẩm in Nôm ngày càng không phù hợp với chính sách ngôn ngữ - giáo dục của thực dân Pháp. Sự thoái trào của ấn phẩm Nôm đã tạo ra một khoảng trống, đòi hỏi phải có một loại ấn phẩm khác với thứ văn tự ngày càng trở nên thông dụng hơn để thay thế. Vì vậy, công việc cần làm và có thể làm ngay được là đem các truyện thơ Nôm và truyện văn xuôi chữ Hán sẵn có phiên âm, phiên dịch ra chữ Quốc ngữ. Thực dân Pháp mang theo công nghệ in chữ đúc typo vào nước ta; hàng loạt nhà in, nhà xuất bản tư nhân ra đời. Nhờ đó, việc in ấn cũng trở nên dễ dàng. 1.3. Truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ như sản phẩm cải biên Nghiên cứu truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ, cần xem xét tính liên văn bản trong nội tại của mỗi loại hình, liên văn bản trong cách đặt tên của tác phẩm cải biên và nguyên tác. Như vậy, thông qua việc khảo sát liên văn bản, người đọc sẽ nhận ra được hệ thống ký hiệu nào từ nguyên tác đã được chọn lọc và chúng thâm nhập vào tác phẩm cải biên ra sao, hệ thống ký hiệu mới 9 nào được hình thành và chúng có vai trò, ý nghĩa gì cho việc thể hiện đề tài, tư tưởng của tác phẩm truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ. 1.4. Các yếu tố cận văn bản của ấn phẩm Nghiên cứu các yếu tố cận văn bản của truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ là nghiên cứu ý nghĩa những thông tin trên trang quảng cáo, tranh minh họa trên bài, trong tác phẩm, lời tựa, bìa sau, giá bán. Những yếu tố cận văn bản sẽ cung cấp cho văn bản một ý nghĩa nào đó, thể hiện tư tưởng của tác giả. 1.5. Hình thức ấn phẩm truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ và công nghệ in hiện đại 1.5.1. Hình thức ấn phẩm truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ Vào những năm đầu thế kỷ XX, các nhà in ở Nam Kỳ bắt đầu quan tâm đến việc xuất bản truyện thơ. Đây là loại sách được in bằng chữ Quốc ngữ, giá bán từ 0$20 (hai mươi xu) đến 0$60 (sáu mươi xu) một quyển tuỳ theo độ dày, mỏng, in trơn thuần chữ hay có hình minh hoạ đính kèm. Đến thập niên 40, giá giấy, mực tăng cao nên các nhà in phải tăng giá các loại sách, trong đó có truyện thơ Quốc ngữ. Những năm 50 của thế kỷ XX, mỗi quyển thơ có giá trung bình là 2$00. Thơ thường được in khổ 16cm x 24cm, dày từ 16 đến 30 trang (kể cả bìa). Đặc biệt, nếu có xen kẽ hình vẽ hoặc pha lẫn các hình thức tuồng thì mỗi cuốn có thể dày đến 100 trang, chẳng hạn như Văn Doan diễn ca (100 trang), Lục Vân Tiên (64 trang). Hình thức trình bày các quyển thơ cơ bản giống nhau. Trang bìa được in bằng giấy màu loại mỏng, có hình minh họa một cảnh nào đó trong truyện. Góc trên bên phải của trang bìa là giá quyển thơ, góc trên bên trái là số lần tái bản. Nhà in cũng đã có những phương tiện để cầu chứng “chính bổn”, và khuyến cáo về việc in lậu như: “cuốn gian thì không đóng dấu của chủ bổn”, 10 “cuốn gian không có con dấu nổi của nhà in”, “cuốn nào không có ký tên người xuất bản là đồ gian”. Tên thơ thường được in bằng hai loại văn tự, là chữ Hán và chữ Quốc ngữ, hoặc chữ Nôm và Quốc ngữ, nhưng đôi khi cũng có những trường hợp đặc biệt kết hợp cả ba loại văn tự: Hán, Nôm và Quốc ngữ. Bìa sau thường in danh mục các thứ thơ, tiểu thuyết, tuồng, cải lương đã và sẽ xuất bản. 1.5.2. Truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ và công nghệ in hiện đại Đầu thế kỷ XX, truyện thơ QNNK được các nhà in xuất bản với số lượng lớn và bày bán khắp các hiệu sách ở Nam Kỳ. Hoạt động in ấn hàng loạt và đưa tác phẩm ra thị trường để tiêu thụ đã biến chúng trở thành sản phẩm thương mại. Một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến hoạt động thương mại trên là công nghệ in ấn. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp mang vào Sài Gòn công nghệ in hiện đại và thành lập nhà in nhà nước đầu tiên lấy tên là Imprimerie Impesriale. Khảo sát danh mục truyện thơ QNNK, có hơn một nửa tác phẩm được nhà in Xưa Nay xuất bản. Những tác phẩm do nhà in Xưa Nay in ấn thường đầy đủ thông tin “tác giả”, người xuất bản, số lần in, giá bán, hình ảnh minh họa đẹp và thơ rõ ràng. Nguyễn Háo Vĩnh lập nhà in Xưa Nay tại số 60-62 Boulevard Bonard, Sài Gòn; sau đó có lẽ mặt bằng được mở rộng nên nhiều ấn phẩm ghi địa chỉ 60-64 Boulevard Bonard. Ngoài nhà in Xưa Nay, chúng tôi còn tìm thấy các nhà in khác tham gia xuất bản truyện thơ QNNK như: Bảo Tồn, Tín Đức thư xã, Đức Lưu Phương, Đông Pháp, Thạnh Thị Mau. Mỗi nhà in họ có cách trình bày ấn phẩm của mình khác nhau và đều cho ấn phẩm của mình là tốt nhất, hay nhất và luôn có câu quảng cáo kiểu, muốn đọc thơ xin nài cho được các thứ thơ của nhà in Xưa Nay, của bổn xã (Tín Đức thư xã). 11 1.6. Nguồn lưu trữ truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ Hiện nay, ở Việt Nam đơn vị lưu trữ nhiều tác phẩm truyện thơ QNNK nhất là Thư viện Quốc gia Việt Nam. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện có hơn 450 ấn phẩm truyện thơ QNNK được lưu giữ tại đây, trong đó có khoảng hơn 284 ấn phẩm vi phim và hơn 174 ấn phẩm gốc (bản in giấy) truyện thơ QNNK. Trong số ấn phẩm vi phim có khoảng 107 ấn phẩm trùng với ấn phẩm gốc. Hiện tại, chúng tôi tìm được 220 ấn phẩm trong đó có 159 ấn phẩm giấy và 61 ấn phẩm vi phim. Để phục dựng lại toàn bộ tình hình xuất bản truyện thơ QNNK thuộc phạm vi nghiên cứu của luận án, chúng tôi thống kê số lần in và năm xuất bản của toàn bộ truyện thơ QNNK hiện có. 1.7. Phân loại truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ 1.7.1. Phân loại theo phương thức biên soạn Căn cứ vào tính chất của từng nhóm tác phẩm, chúng tôi tạm phân loại truyện thơ Quốc ngữ thành 5 phương thức biên soạn: Phiên âm từ truyện Nôm (Soạn y bổn Nôm), soạn lại “bổn cũ” (dọn lại, sửa lại bổn cũ…), viết lại “bổn cũ”, viết tiếp “thơ hậu”, sáng tác “thơ mới”. 1.7.2. Phân loại theo nguồn gốc, thể tài Cách phân loại theo nguồn gốc thể tài giúp chúng ta thấy được thi pháp, phong cách của từng thể tài. Theo đó, truyện thơ QNNK có mấy loại sau: Truyện thơ cổ tích, truyện thơ truyền thuyết Phật giáo, truyện thơ tuồng tích Trung Quốc, truyện thơ thời sự. CHƯƠNG 2. TÁC GIẢ - TÁC QUYỀN TRUYỆN THƠ QUỐC NGỮ NAM KỲ 2.1. Sự hình thành tác giả truyện thơ QNNK 2.1.1. “Tác giả” là người biên soạn 12 Dựa vào định nghĩa Meyer Howard Abrams thì người biên soạn truyện thơ Quốc ngữ có thể được gọi là tác giả. Công việc biên soạn của những trí thức miền Nam được xem là hoạt động sáng tạo của tác giả truyện thơ Quốc ngữ. 2.1.2. Tác giả là “người đặt thơ” Quá trình hình thành tác giả truyện thơ QNNK phát triển từ vai trò là người biên soạn chuyển dần sang vai trò người đặt thơ hay sáng tác. Ban đầu các “tác giả” biên soạn chủ yếu diễn đạt lại tích truyện bằng ngôn ngữ cá nhân, thỉnh thoảng họ thêm bớt vài chi tiết nhỏ, thêm vào một vài đoạn giảng giải đạo lý nên vẫn giữ nguyên tích truyện. Về sau, các tác giả thường đặt lại lời thơ mới, thay đổi nội dung, phát triển và kết thúc truyện theo hướng khác. 2.2. Những tác giả tiêu biểu: 2.2.1. Huỳnh Tịnh Của – “Tác giả” tiên phong của truyện thơ QNNK Chúng tôi sưu tầm được 10 ấn phẩm truyện thơ QNNK của Huỳnh Tịnh Của, ghi nhận được 3 bút danh của ông trên ấn phẩm truyện thơ QNNK là Hoàng Tịnh Paulus Của, Huỳnh Tịnh Paulus Của và Đốc phủ Paulus Của. Xét về thời gian xuất bản của các ấn phẩm có thể khẳng định ông Huỳnh Tịnh Của là tác giả tiên phong của truyện thơ QNNK. 2.2.2. Đặng Lễ Nghi – Tác giả soạn lại “bổn cũ” Chúng tôi sưu tầm được 41 ấn phẩm truyện thơ Quốc ngữ của Đặng Lễ Nghi, bao gồm 27 tác phẩm và 14 ấn phẩm tái bản. Với số lượng lớn tác phẩm, Đặng Lễ Nghi đã trở thành tác giả tiêu biểu đại diện cho nhóm tác giả là người biên soạn. Hầu hết tác phẩm của Đặng Lễ Nghi là “bổn cũ soạn lại”, ông đã có công thêm bớt, chỉnh sửa từng câu chữ, lời thơ để mang đến cho người đọc những tác phẩm mới mẻ và gần gũi với “lời ăn tiếng nói” của người dân Nam Kỳ. Bên cạnh những “bổn cũ soạn lại”, Đặng Lễ Nghi cũng 13 góp thêm hai sáng tác mới: Thơ Mài gươm dạy vợ và Thành Thái Hoàng đế ngự du Gia Định diễn ca. 2.2.3. Cử Hoành Sơn – Tác giả viết lại “thơ mới” và viết tiếp “thơ hậu” Cử Hoành Sơn là tác giả tiêu biểu cho loại truyện thơ QNNK được sáng tác mới. Hiện tại chúng tôi sưu tầm được 48 ấn phẩm gồm 34 tác phẩm truyện thơ Quốc ngữ của Cử Hoành Sơn. Đóng góp lớn nhất của Cử Hoành Sơn đối với loại hình văn chương này là tất cả tác phẩm của tác giả đều được sáng tạo mới. 2.2.4. Khấu Võ Nghi – Tác giả viết lại “thơ mới” Khấu Võ Nghi là tác giả vừa biên soạn vừa sáng tác truyện thơ QNNK. Chúng tôi tìm được 28 ấn phẩm của Khấu Võ Nghi, trong đó có 24 ấn phẩm dùng cụm từ “chép ra Quốc ngữ”. Tác giả dùng từ “chép ra Quốc ngữ” đối với các bổn “thơ xưa” khiến người đọc hiểu sai rằng tác giả đang làm công việc phiên âm Nôm sang Quốc ngữ. 2.3. Tác quyền được sang nhượng – Chủ bổn Chủ bổn truyện thơ QNNK là người sở hữu tác phẩm truyện thơ Quốc ngữ. Có thể họ được chính tác giả chuyển nhượng quyền tác giả, cũng có thể họ mua lại từ người sở hữu quyền tác giả trước đó. Họ có quyền xuất bản truyện thơ Quốc ngữ, quyết định số lượng bản in, số lần tái bản và đồng thời chịu trách nhiệm về nội dung tác phẩm. Không chỉ tác giả, chủ bổn cũng góp phần chỉnh sửa câu chữ, nội dung theo ý chủ quan của họ. “Chủ bổn” được biết đến nhiều nhất là ông Đinh Thái Sơn – Chủ nhà in Phát Toán, sau đó ông bán quyền tác giả truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ lại cho Phạm Văn Thình. CHƯƠNG 3. TRUYỆN THƠ QUỐC NGỮ NAM KỲ: 14 NHỮNG TÁC PHẨM CẢI BIÊN (NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP) Trong chương này, chúng tôi tập trung nghiên cứu những tác phẩm cụ thể thuộc từng nhóm hình thức cải biên khác nhau, như: cải biên từ tiểu thuyết, truyện tích Trung Quốc, cải biên từ truyện thơ Nôm, cải biên từ truyện thơ Quốc ngữ đã có trước, cải biên từ nhân vật lịch sử nhằm đưa ra đặc điểm chung, khẳng định những giá trị văn học và lịch sử của từng nhóm tác phẩm. Riêng 2 nhóm tác phẩm truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ cải biên từ truyện thơ Nôm và nhóm tác phẩm cải biên từ truyện thơ Quốc ngữ đã có, chúng tôi chọn nghiên cứu cùng trường hợp Nam Kinh Bắc Kinh để kết quả nghiên cứu mang tính liên tục và hệ thống. Đối với nhóm truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ cải biên từ nhân vật có thật, chúng tôi chọn nghiên cứu trường hợp Cậu Hai Miên, ngoài tác phẩm truyện thơ cải biên, chúng tôi mở rộng liên hệ tuồng cải lương Cậu Hai Miên đánh thầy Cai tổng của Cử Hoành Sơn. 3.1. Cải biên từ tiểu thuyết, tuồng tích Trung Quốc – Trường hợp Tứ đại kỳ thơ và Phụng Nghi đình 3.1.1. Cải biên - thể loại Cải biên lớn nhất và có ý nghĩa nhất của hai tác phẩm viết lại này là thay đổi thể loại. Từ thể loại tiểu thuyết chương hồi, các tác giả đã rất tài tình cải biên thành thể loại truyện thơ tuồng Quốc ngữ. 3.1.2. Cải biên - nhân vật Viết lại tác phẩm, tác giả truyện thơ Quốc ngữ có một vài thay đổi về tính cách, hành vi, ứng xử, mối quan hệ của nhân vật với các nhân vật khác để tạo nên hình tượng mới trong tác phẩm cải biên. 3.1.3. Cải biên - tình tiết Tác giả của truyện thơ tuồng Quốc ngữ không trực tiếp kể tội lỗi của Đổng Trác như trong nguyên tác. Bằng sáng tạo của mình, họ đã giúp người 15 đọc biết về tội ác và âm mưu của Đổng Trác thông qua tội ác của những tên gian thần như: Triệu Cao (nhà Tần) và Vương Mãng (nhà Hán). Cả hai là những đại thần trong lịch sử Trung Quốc làm nghiêng đổ chính quyền, là những kẻ đã từng giết vua đoạt ngôi. 3.2. Cải biên từ truyện thơ Nôm – Trường hợp Nam Kinh Bắc Kinh của Đặng Lễ Nghi Đặng Lễ Nghi soạn lại tác phẩm không chỉ sửa lại từ ngữ, diễn đạt lại ý thơ mà còn góp phần sáng tác 44 câu thơ thất ngôn tóm tắt toàn bộ nội dung tác phẩm và thêm vào đoạn 16 câu thơ lục bát do tác giả sáng tác để giảng giải đạo lý, khuyên răn người đời tránh xa cái xấu, cái ác để không phải nhận quả báo như mẹ con mụ vú; đồng thời tích cực làm nhiều điều thiện điều tốt để hưởng phước dài lâu. Về hình thức xuất bản, tác phẩm của Đặng Lễ Nghi có sự thay đổi lớn so với nguyên tác, đặc biệt là trang bìa. 3.3. Cải biên từ truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ có trước – Từ Nam Kinh Bắc Kinh của Đặng Lễ Nghi đến Nam Kinh Bắc Kinh của Nguyễn Bá Thời và của Khấu Võ Nghi 3.3.1. Nam Kinh Bắc Kinh – Từ Đặng Lễ Nghi đến Nguyễn Bá Thời Tác phẩm của Nguyễn Bá Thời kể lại câu chuyện gần giống với nội dung của truyện thơ Nôm và truyện thơ Quốc ngữ Nam Kinh Bắc Kinh đã có trước, nhưng được trình bày ngắn gọn hơn, từ 19 trang thơ có 1098 câu thơ lục bát, rút gọn còn 12 trang với 708 câu thơ lục bát. Đây là một trong hai hình thức cải biên từ truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ có trước. 3.3.2. Nam Kinh Bắc Kinh – Từ Đặng Lễ Nghi đến Khấu Võ Nghi Dựa vào Nam Kinh Bắc Kinh đã có trước, Khấu Võ Nghi viết lại tác phẩm có nội dung mới được diễn đạt bằng ngôn ngữ cá nhân của tác giả. Nội dung được tác giả viết mới bằng cách thêm bớt, thay đổi trật tự nhiều tình 16 tiết, phát triển và kết thúc câu chuyện theo hướng khác so với nguyên tác. Nam Kinh Bắc Kinh của Khấu Võ Nghi là tác phẩm tiêu biểu cho hình thức cải biên từ truyện thơ Quốc ngữ có trước. 3.4. Cải biên từ nhân vật có thật - Trường hợp Cậu Hai Miên 3.4.1. Huỳnh Công Miên – nhân vật lịch sử qua lời kể Huỳnh Công Miên hay cậu hai Miên là nhân vật lịch sử ở Nam Kỳ giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Thời đó, nhiều người biết và ngưỡng mộ Hai Miên bởi những hành động nghĩa hiệp, tính cách ngang tàng của cậu. Huỳnh Công Miên sinh ra trong gia đình có thế lực, cha là lãnh binh Huỳnh Công Tấn – lập được nhiều công trạng cho thực dân Pháp nên được chính quyền thực dân trọng dụng. Ngay cả khi lãnh binh Tấn đã chết, người Pháp vẫn dành nhiều ân huệ cho người con trai cả là cậu Hai Miên. Họ cung cấp tiền bạc lo việc học hành, dung túng cho những thói xấu của Hai Miên. 3.4.2. Cậu Hai Miên từ đời thực bước vào tác phẩm Mỗi tác giả lại có một cách xây dựng hình ảnh nhân vật khác nhau theo tư tưởng chủ quan của họ. Nguyễn Bá Thời thường chọn lọc những sự kiện nổi bật để kể nhằm tôn vinh những đức tính tốt đẹp của nhân vật Hai Miên. Những sự kiện, tình huống mà tác giả cho là không đẹp, không phù hợp với hình ảnh người hùng của nhân dân, như: xuất thân của Hai Miên hay sự kiện đánh cô Hai Xáng và cái chết của Hai Miên bị tác giả lược bỏ hoặc không nhắc đến. Còn tác giả Cử Hoành Sơn lại chọn cách tác động vào những sự kiện, tình huống trên để thay đổi bản chất sự việc. Tác giả thêm bớt vài chi tiết để thay đổi xuất thân của Hai Miên, tạo thiện cảm cho người đọc. Bản thân tác giả không chấp nhận hành động Hai Miên vô cớ trừng trị cô Hai Xáng nên đã nhọc công sáng tạo nhiều tình tiết nhằm “minh oan” cho Hai Miên. Đặc biệt, để phù hợp tâm lý, tính cách nhân vật Hai Miên trong tác phẩm cải biên, Cử 17 Hoành Sơn đã mạnh dạn sáng tạo nên tình huống con năm Cần Đước cố tình quyến rũ Hai Miên, khiến người hùng bỏ mạng oan ức. KẾT LUẬN 1. 1. Truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ ra đời và phát triển trong hoàn cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa có nhiều chuyển biến. Nam Kỳ bị thực dân Pháp chiếm đóng, áp đặt nhiều chính sách cai trị trên mọi lĩnh vực chính trị, giáo dục, văn hóa. Xuất phát từ sự thay đổi hệ thống ngôn ngữ, từ chữ Nôm sang Quốc ngữ và xen chữ Pháp đã tạo nên một giai đoạn văn học giao thời, và truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ là sản phẩm văn chương của giai đoạn lịch sử này. Sự phát triển công nghệ in hiện đại đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ, biến loại hình văn chương này thành một sản phẩm của thị trường in ấn, xuất bản mang nhiều yếu tố cận văn bản có ý nghĩa. Dựa vào lý thuyết cận văn bản người viết đã phân tích các yếu tố tác giả, chủ bổn, tựa, tranh minh họa, giá bán, quảng cáo, bìa sau của truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ nhằm cung cấp và biện giải những thông tin ở ngoài văn bản chính (truyện thơ), qua đó có thể hiểu rõ hơn đời sống của loại truyện thơ này trong bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội của Nam Kỳ giai đoạn cuối thế kỷ XIX và những thập niên đầu thế kỷ XX. Sau quá trình nghiên cứu những ấn phẩm được xuất bản cách đây trên dưới một thế kỷ, chúng tôi nhận ra rằng cần phải giữ nguyên diện mạo cố hữu của những tác phẩm này, bao gồm cả những khái niệm và cách dùng từ của người xưa trong quá trình nghiên cứu, mới có thể khai thác hết những giá trị của chúng. Vì vậy chúng tôi dựa vào phương thức biên soạn, các thông tin trên trang bìa để chia truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ thành các nhóm “bổn cũ soạn lại”, “thơ mới”, “thơ hậu”. Trong đó, nhóm “thơ mới” góp phần tạo 18 nên sự phong phú và đa dạng về nội dung, hình thức truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ. Bên cạnh phân loại theo phương thức biên soạn, chúng tôi còn dựa vào nguồn gốc thể tài để phân loại truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ thành bốn loại chính: Truyện thơ cổ tích, truyện thơ truyền thuyết Phật giáo, truyện thơ truyện tích Trung Quốc và truyện thơ thời sự. Trong đó, loại truyện thơ cổ tích thiên về chuyển tải những bài học đạo lý dân gian thông qua mẫu hình nhân vật trung, hiếu, tiết, nghĩa và truyện thơ thời sự tái hiện những nhân vật có thật được các nhà in quan tâm tái bản nhiều lần, đáp ứng thị hiếu của người đọc. 2. Nền giáo dục mới được áp dụng ở Nam Kỳ từ cuối thế kỷ XIX, đến đầu thế kỷ XX đã kế thừa và đào tạo nên một đội ngũ trí thức Tây học vừa giỏi tiếng Pháp, vừa thạo Quốc ngữ, lại vừa có nền tảng Nho học vững chắc. Họ chính là “tác giả” truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ. Khác với truyện thơ Nôm, trên mỗi ấn phẩm truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ thường ghi thông tin “tác giả”. Chúng tôi hiện đã thống kê được hơn 17 tác giả, trừ những ấn phẩm không ghi thông tin “tác giả”. Người được xem là tác giả tiên phong của truyện thơ Quốc ngữ Nam Kỳ là Huỳnh Tịnh Của. Những tác giả có số lượng tác phẩm nhiều nhất là Đặng Lễ Nghi, Cử Hoành Sơn, Khấu Võ Nghi. Huỳnh Tịnh Của và Đặng Lễ Nghi được xem là đại diện cho nhóm tác giả là “người biên soạn”. Hai tác giả Cử Hoành Sơn và Khấu Võ Nghi là tiêu biểu cho nhóm tác giả “người đặt thơ”. Tuy có nhiều đóng góp cho loại hình văn chương này, nhưng đến nay phần tiểu sử của họ (trừ Huỳnh Tịnh Của) vẫn chưa có cách nào tiếp cận được. Đây là điều đáng tiếc và cũng là nỗi trăn trở của chúng tôi trong quá trình nghiên cứu.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan