Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tom tat viet ảnh hưởng của công giáo trong phát triển bền vững ở tây nguyên hiện...

Tài liệu Tom tat viet ảnh hưởng của công giáo trong phát triển bền vững ở tây nguyên hiện nay

.PDF
27
83
60

Mô tả:

HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH LÊ THỊ LIÊN ¶NH H¦ëNG CñA C¤NG GI¸O TRONG PH¸T TRIÓN BÒN V÷NG ë T¢Y NGUY£N HIÖN NAY TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: CHỦ NGHĨA Xà HỘI KHOA HỌC Mã số: 60 22 03 08 HÀ NỘI - 2018 Công trình được hoàn thành tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. BÙI THỊ NGỌC LAN 2. PGS.TS. NGUYỄN HỒNG DƯƠNG Phản biện 1 Phản biện 2 Phản biện 3 Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện họp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Vào hồi ngày tháng năm 2018 Có thể tìm hiểu luận án tại Thư viện Quốc gia và Thư viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển bền vững nhằm tạo ra sự cân đối, từng bước thu hẹp khoảng cách về xã hội và tiến tới giảm bớt sự chênh lệch về kinh tế giữa các địa phương, vùng miền, đồng thời đảm bảo giữ vững sự ổn định chính trị. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chủ trương phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo, trong đó có Công giáo, do vậy Công giáo ở Tây Nguyên cũng sẽ là nhân tố trong việc tham gia vào quá trình phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, khoảng cách giàu - nghèo còn cao, an ninh - quốc phòng còn tiềm ẩn bất ổn, những hạn chế trong quản lý xã hội, quản lý hoạt động tôn giáo chưa tốt khiến cho một bộ phận tín đồ, tu sĩ, chức sắc Công giáo giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoặc tạo cớ cho các thế lực thù địch chống phá chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo. Những bất cập trên, nếu không được nghiên cứu và có giải pháp giải quyết thỏa đáng, thì những giá trị và ảnh hưởng tích cực của Công giáo sẽ khó được phát huy, mặt tiêu cực của Công giáo sẽ là nhân tố tiềm ẩn gây bất ổn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự đồng thuận xã hội và sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Với những lý do trên, chúng tôi chọn vấn đề “Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay” làm đề tài luận án Tiến sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học. 2. Mục tiêu, nhiệm vụ 2.1. Mục tiêu Trên cơ sở lý luận và thực tiễn ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên, luận án đề xuất giải pháp cơ bản nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ - Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên và những yếu tố tác động đến ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay. 2 - Phân tích thực trạng ảnh hưởng và những vấn đề đặt ra của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay. - Đề xuất một số yêu cầu và giải pháp nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của đề tài luận án là vấn đề lý luận và thực tiễn về ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung: nghiên cứu về ảnh hưởng của Công giáo đối với phát triển bền vững ở Tây Nguyên trên 5 lĩnh vực: kinh tế; chính trị, xã hội; văn hóa; môi trường; an ninh - quốc phòng. - Về không gian: trên địa bàn 3 tỉnh: Kon Tum, Đắk Lắk và Lâm Đồng, vì đây là 3 tỉnh có đông tín đồ Công giáo và là nơi đặt trụ sở 3 Tòa Giám mục của Giáo hội. - Về thời gian: từ khi Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ban hành Nghị quyết số 25, ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo trong tình hình mới. 4. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, tổng kết thực tiễn và một số phương pháp liên ngành như: phương pháp thống kê, điều tra xã hội học, so sánh; phương pháp chuyên gia, tọa đàm khoa học. 5. Những đóng góp mới của luận án Một là, luận án làm rõ các tiêu chí đánh giá ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững trên 05 tiêu chí: kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và an ninh - quốc phòng. Hai là, luận án làm rõ đặc điểm, những yếu tố tác động và ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên; đề xuất các yêu cầu, giải pháp nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay. 3 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận Những kết quả của luận án góp phần cung cấp luận cứ khoa học để các bộ, ngành và cán bộ, đảng viên nhận thức khách quan về vai trò, ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên; cung cấp thêm luận cứ khoa học cho việc đề xuất chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu giảng dạy chuyên ngành Chủ nghĩa Xã hội khoa học, chuyên ngành Tôn giáo học và là tài liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về Công giáo. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục, phụ lục các công trình khoa học của tác giả đã công bố liên quan đến luận án, danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4 chương, 9 tiết. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Những nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án 1.1.1. Những nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án của tác giả nước ngoài P. Dourisboure trong Dân Làng Hồ đã ghi lại quá trình truyền giáo ban đầu của các linh mục nước ngoài trong vùng dân tộc Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng ở Kon Tum. Những cản trở, thách thức mà họ phải đối diện, cũng như những sáng tạo trong truyền giáo để đưa đạo vào Tây Nguyên. Libereria Editrice Vaticana Compendium of the Social Doctrine of the Church (Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo), là hệ thống quan điểm của Công giáo về xã hội, tâm điểm là lấy con người, nhất là người nghèo làm trung tâm của mọi hoạt động. Gaudium et Spes (1965) (Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay) là một trong những văn 4 kiện quan trọng của Công đồng Vatican II (1962 - 1965). Hiến chế được gọi là Mục vụ vì dựa trên nguyên tắc giáo lý để trình bày cách nhìn nhận của Công giáo với thế giới và con người hiện nay. LAUDATO SI’ of the Holy Father Francis on care for our common home (Thông điệp về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta). Thông điệp thể hiện quan điểm của Giáo hội về bảo vệ môi trường. Giáo hội cho rằng thiên nhiên do Chúa tạo lập, nên con người phải có trách nhiệm bảo vệ, cũng là bảo vệ mối quan hệ giữa Chúa và con người… 1.1.2. Những nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án của các tác giả trong nước 1.1.2.1. Những nghiên cứu về tôn giáo và Công giáo liên quan đến đề tài Lê Tâm Đắc, Xu thế tôn giáo trên thế giới và tác động của chúng đối với các tôn giáo ở Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tác giả cho rằng tác động của toàn cầu làm cho hệ thống tôn giáo có sự thay đổi mạnh mẽ. Sự xuất hiện của “Hà Mòn và Canh Tân Đặc Sủng” ở Tây Nguyên đã thu hút nhiều tín đồ Công giáo tin theo. Nguyễn Nguyệt Oanh, Một số khuyến nghị nhằm nâng cao vai trò của hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên đối với việc thực hiện công tác tôn giáo. Tác giả cho rằng hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên đã được củng cố, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ những hạn chế trong nhận thức và quản lý. Tôn giáo là vấn đề phức tạp cần bố trí cán bộ chuyên trách ở cấp xã là điều cần thiết và có chương trình đào tạo cán bộ có tính chất chiến lược và lâu dài. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Phát huy vai trò tôn giáo trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và an ninh - quốc phòng ở Tây Nguyên. Bài viết cho thấy, tôn giáo ở Tây Nguyên đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để phát huy vai trò các tôn giáo trong phát triển bền vững Tây Nguyên, cần quan tâm và tạo điều kiện tốt cho các tôn giáo tham gia đóng góp vào đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội. Giá trị di sản của đa dạng tôn giáo ở Việt Nam và những đóng góp đối với xã hội Việt Nam, tác giả H’Ngăm Niê K’dăm có bài Sự hòa nhập của tôn giáo với văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tác giả đã chỉ ra những va chạm về văn hóa thời kỳ đầu truyền giáo và hội nhập văn hóa trong truyền giáo của các tôn giáo ở Tây Nguyên giai đoạn sau. 5 1.1.2.2. Những nghiên cứu về tôn giáo và Công giáo trong phát triển bền vững nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng Bùi Thị Ngọc Lan, Quan điểm phát triển bền vững của Ph.Ăngghen và ý nghĩa thời đại. Theo tác giả với tầm nhìn mang tính chiến lược, Ph.Ăngghen chỉ rõ: nếu để cho những lợi ích trước mắt chi phối mà khai thác giới tự nhiên theo kiểu “tước đoạt”, thì con người phải trả giá về những hành động của mình. Do đó, hướng tới một thế giới phát triển bền vững trở thành mục tiêu thiên niên kỷ cấp bách của loài người. Bùi Minh Đạo, Một số vấn đề cơ bản của xã hội Tây Nguyên trong phát triển bền vững nhấn mạnh đến sự gia tăng dân số và dân tộc đã làm cho Tây Nguyên thay đổi theo hướng đa dạng và phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển bền vững. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Vấn đề Tôn giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Công trình đã tiếp cận vấn đề tôn giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên trên 5 trụ cột chính là: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và an ninh - quốc phòng và bao trùm lên những tác động đó là niềm tin tôn giáo, thực hành lễ nghi và việc tạo ra các cộng đồng tôn giáo khác nhau có ảnh hưởng, chi phối trong phát triển bền vững. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Mối quan hệ giữa tôn giáo với kinh tế ở Tây Nguyên từ góc nhìn vốn xã hội trong đời sống xã hội. Theo tác giả vốn xã hội của tôn giáo là một lĩnh vực khẳng định vai trò và ảnh hưởng của tôn giáo, qua quá trình hình thành niềm tin, qua tương tác trong và ngoài cộng đồng tôn giáo. Ngô Quốc Đông, Tác động tôn giáo tới nhận thức và hành vi bảo vệ môi trường của tín đồ các tôn giáo ở Tây Nguyên hiện nay. Tác giả đi sâu phân tích quan điểm của Công giáo về môi trường với nền tảng là Kinh thánh, bảo vệ môi trường phải bắt đầu bằng việc giáo hóa con người qua các nguyên tắc luân lý của từng tôn giáo. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo. Học thuyết tiếp cận vấn đề kinh tế, xã hội dưới nhãn quan Thần học và Luân lý học. Hoạt động kinh tế, xã hội được xem là có luân lý phải là hoạt động hướng tới mọi người và mọi dân tộc. Nguyễn Hồng Dương, Công giáo Việt Nam đối với phát triển bền vững đất nước. Tác giả phân tích Công giáo tham gia vào việc giải quyết phát triển bền vững trên ba nội dung: chính trị, hội nhập văn hóa, hoạt động an sinh xã hội. Đặng Luận, Lịch sử truyền bá đạo Công giáo trong vùng dân tộc 6 thiểu số tại giáo phận Kon Tum. Tác giả đã phân tích tác động của Công giáo đối với đời sống tín đồ người dân tộc thiểu số ở giáo phận Kon Tum trên các mặt: chính trị, tổ chức và thiết chế buôn, làng truyền thống. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Công giáo các tỉnh Tây Nguyên gắn bó đồng hành cùng dân tộc - khó khăn, thuận lợi. Kiến nghị về chủ trương, giải pháp. Đề tài cho rằng trải qua khá nhiều biến cố, tốc độ chậm hơn Tin lành, nhưng nhịp độ truyền giáo của Công giáo vẫn không ngừng phát triển và ngày càng khẳng định vai trò “thực thể” trong đời sống xã hội Tây Nguyên. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Báo cáo hoạt động bác ái xã hội 26 caritas giáo phận năm 2016. Báo cáo cung cấp khá đầy đủ, chi tiết các hoạt động bác ái xã hội của 26 giáo phận Công giáo, trong đó có ba giáo phận ở Tây Nguyên. 1.2. Giá trị tham khảo và vấn đề đặt ra luận án cần tập trung nghiên cứu 1.2.1. Giá trị tham khảo từ các nghiên cứu liên quan đến luận án - Các tác giả đều thừa nhận cùng với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò của hệ thống chính trị các cấp và sự tham gia tích cực của người dân trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, an ninh - quốc phòng thì tôn giáo, trong đó có Công giáo là một trong các yếu tố không thể thiếu góp phần vào phát triển bền vững ở Tây Nguyên. - Tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, các tác giả đã phản ánh khá cơ bản đời sống Công giáo ở Tây Nguyên và những ảnh hưởng của nó trên các phương diện của đời sống xã hội. - Các tác giả đều có chung nhận định sự khác biệt giữa văn hóa, địa bàn, đời sống kinh tế, trình độ dân trí là những yếu tố tác động đến nhận thức và lối ứng xử của nhà nước và giáo hội trong việc khai thác những điểm tương đồng trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Những vấn đề liên quan đến luận án mà các nghiên cứu chưa tiếp cận: - Phạm vi nghiên cứu về Công giáo chưa bao quát được thực trạng hoạt động và đặc điểm cơ bản của Công giáo ở Tây Nguyên. - Nhiều nghiên cứu đã đề xuất các nhóm giải pháp chung về kinh tế, chính trị, xã hội, tuy nhiên các giải pháp liên quan đến tôn giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên thì ít được đề cập. 7 - Chưa có công trình nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của Công giáo trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong quá trình phát triển bền vững ở Tây Nguyên. 1.2.2. Những vấn đề luận án cần tập trung nghiên cứu - Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên. - Đánh giá thực trạng ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên trên 5 nội dung: kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và an ninh - quốc phòng; những vấn đề đang đặt ra đối với việc phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay. - Đưa ra các dự báo xu hướng phát triển của Công giáo ảnh hưởng đến phát triển bền vững ở Tây Nguyên và đề xuất giải pháp nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay. Chương 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở TÂY NGUYÊN HIỆN NAY 2.1. Cơ sở lý luận về ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên 2.1.1. Một số quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo - Với phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, C.Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ rõ tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, thuộc thượng tầng kiến trúc xã hội, có quan hệ mật thiết và chịu sự chi phối của tồn tại xã hội, nên sự biến đổi của nó luôn gắn liền với sự biến đổi của lịch sử nhân loại dựa trên những điều kiện kinh tế, xã hội nhất định. Do vậy, phương thức ứng xử với tôn giáo là phải thay đổi tồn tại xã hội và chỉ có thể sử dụng phương pháp giáo dục, tuyên truyền, thuyết phục để người có đạo xây dựng xã hội tốt đẹp ngay tại trần thế. 8 - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo vào hoàn cảnh xã hội Việt Nam, nhằm mục tiêu dân tộc độc lập và tôn giáo tự do. Người đã khai thác những giá trị nhân văn nơi các tôn giáo để cổ vũ, khích lệ chức sắc, tín đồ phát huy những giá trị đó vào xây dựng đất nước. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ cần phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào có đạo thì mới đoàn kết được nhân dân, làm cho họ hiểu Đảng và Nhà nước luôn đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên cơ sở thực hành đúng pháp luật, song kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vì mục đích chính trị, chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: cần tranh thủ hàng ngũ giáo sĩ bằng việc mời họ tham gia cách mạng với một thái độ chân tình, tin cậy và tạo điều kiện để họ hoàn thành sứ mệnh với đạo, khơi dạy tinh thần dân tộc trong họ. - Trên nền tảng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, qua các giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có sự nhìn nhận, đánh giá về vai trò của tôn giáo đối với xã hội và xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quan trọng. Bao trùm lên quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, đồng thời phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước. Như vậy, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò và phương pháp ứng xử với tôn giáo là cơ sở lý luận, phương pháp luận cơ bản cho việc nghiên cứu ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên. 2.1.2. Một số vấn đề lý luận về ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên - Quan niệm về Công giáo Công giáo, là tôn giáo thờ Thiên Chúa, ra đời vào thế kỷ thứ nhất, ở phía Đông đế quốc La Mã cổ đại. Giáo lý của đạo được thể hiện trong Kinh thánh. Theo Kinh thánh, Thiên Chúa tạo ra trời đất và muôn loài, con người phải thờ phụng và tiếp tục công trình kiến tạo Thiên Chúa. Công giáo có hệ thống tổ chức gồm 3 cấp hành chính: Tòa thánh Vatican, giáo 9 phận và giáo xứ. Hàng giáo phẩm gồm những người có chức thánh theo một cơ cấu có các cấp bậc khác nhau. Công giáo vào Việt Nam từ năm 1533, hiện có 41 giám mục, 5.431 linh mục, hơn 3.057 giáo xứ, 26 giáo phận thuộc 3 Tổng Giáo phận, 8 Đại chủng viện, 01 Học viện, hơn 124 dòng tu. Các giám mục làm việc trong một tổ chức chung gọi là Hội đồng Giám mục Việt Nam. - Quan niệm về phát triển bền vững Theo Ph.Ăngghen thế giới được tạo thành từ nhiều lĩnh vực, trong đó có ba lĩnh vực căn bản là: tự nhiên, con người và xã hội. Ba lĩnh vực này gắn bó chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất và tác động qua lại với nhau. Đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, lần đầu tiên thuật ngữ “phát triển bền vững” được Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế, Quỹ động vật hoang dã thế giới và Chương trình môi trường Liên hiệp quốc nêu ra; sau đó được mở rộng thêm nhân tố xã hội và con người, đồng thời thống nhất xác định phát triển bền vững trên 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường, với quan niệm về phát triển bền vững là:“đáp ứng nhu cầu của hôm nay mà không làm tổn hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Trên cơ sở những quan điểm thống nhất chung của thế giới, Việt Nam đã sớm có những cam kết mạnh mẽ và hành động thiết thực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 của Đại hội Đảng lần thứ IX, xác định mục tiêu phát triển bền vững: là đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên; phát triển phải kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa được ba mặt phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 trên 3 trụ cột: kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường - Quan niệm và tiêu chí đánh giá ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững * Quan niệm về ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững Luận án quan niệm rằng: Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững là những quan điểm và hoạt động của Giáo hội tác động đến tín 10 đồ làm thay đổi nhận thức, hành vi của họ khi tham gia vào các hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững được xem xét trên hai phương diện: tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực: giá trị đạo đức, văn hóa Công giáo được thể hiện trong giáo lý và những điều răn chính là những chuẩn mực đạo đức mà Giáo hội luôn khuyên dạy tín đồ thực hiện trong đời sống. Về mặt tiêu cực: Công giáo cho rằng mọi sự trong thế giới đều do Thiên Chúa “sắp đặt - tiền định một cách hợp lý”, nên mọi sự giải thích khác đều khó tạo sự đồng thuận. Quá trình truyền giáo, Công giáo đã va chạm với văn hóa và hệ lụy trong hai cuộc kháng chiến đã tạo ra ngăn cách trong nhận thức giữa người Công giáo và người không Công giáo trong suốt nhiều thập kỷ. Từ đó, luận án quan niệm: Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên là những quan điểm và hoạt động của Giáo hội được các giáo phận ở Tây Nguyên triển khai có tác động đến tín đồ làm thay đổi nhận thức, hành vi của họ khi tham gia vào các hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội ở khu vực Tây Nguyên. * Tiêu chí đánh giá ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững Trên cơ sở quan niệm về phát triển bền vững mà thế giới và Việt Nam đã chỉ rõ, đánh giá ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên, luận án căn cứ vào các tiêu chí cơ bản sau: Về kinh tế, thể hiện ở hai nội dung: niềm tin tôn giáo là giá trị tinh thần của tín đồ trong phát triển bền vững về kinh tế; tín đồ Công giáo là nguồn nhân lực trong phát triển bền vững về kinh tế. Về xã hội, thể hiện ở hai nội dung: thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế; Công giáo góp phần thực hiện đoàn kết dân tộc và tạo đồng thuận xã hội. Về văn hóa, ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững về văn hóa thể hiện ở 2 nội dung: Công giáo thực hiện việc hội nhập văn hóa các dân tộc; xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam. 11 Về môi trường, Công giáo tham gia vào bảo vệ môi trường từ việc giáo hóa con người qua các nguyên tắc luân lý đạo đức, đến những hành vi cụ thể của tín đồ tại giáo xứ, giáo họ, dòng tu, gia đình và cộng đồng. Về an ninh - quốc phòng, thể hiện ở 2 nội dung: Công giáo góp phần đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc - tôn giáo; đạo đức Công giáo góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội. 2.2. Đặc điểm Công giáo ở Tây Nguyên và những yếu tố tác động đến ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay 2.2.1. Đặc điểm Công giáo ở Tây Nguyên Công giáo ở Tây Nguyên là một bộ phận hợp thành của Công giáo ở Việt Nam, gồm 3 giáo phận: Kon Tum, Ban Mê Thuột và Đà Lạt. Hiện có: 1.126.474 tín đồ, 6 giám mục, 396 linh mục triều, 216 linh mục dòng, có những đặc điểm cơ bản sau: - Mối quan hệ giữa Công giáo và dân tộc (tộc người) chặt chẽ: Quá trình truyền giáo, Công giáo đã thúc đẩy việc hình thành buôn, làng người dân tộc thiểu số theo đạo, quá trình phát triển trở thành các giáo xứ, giáo họ người: Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, Ê Đê, Cờ Ho, Chu Ru, Lạch và M'nông. Giáo phận Ban Mê Thuột có 6 giáo xứ, Đà Lạt 5 giáo xứ, Kon Tum 8 giáo xứ người dân tộc thiểu số. Thành lập Hội Giáo phu người dân tộc thiểu số, là đội ngũ truyền đạo lưu động hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tâm lý đồng bào dân tộc thiểu số. Giáo phận Kon Tum hiện có 2.052 Giáo phu và tiếp tục được giáo phận củng cố, phát triển. Tây Nguyên là nơi tập trung đông tín đồ dân tộc thiểu số nhất của Công giáo ở Việt Nam, chiếm 81% tín đồ người dân tộc trong giáo hội. Nói đến Công giáo ở Tây Nguyên là nói đến “Công giáo - tộc người”, mối quan hệ khăng khít này bắt nguồn từ lịch sử truyền giáo, từ nhu cầu truyền giáo và từ luân lý của giáo hội vì người nghèo, người yếu thế trong xã hội. - Lực lượng dòng tu được sử dụng để truyền giáo vào vùng dân tộc thiểu số: các giám mục Tây Nguyên đã tận dụng tối đa vai trò của dòng tu vào hoạt động truyền giáo trong vùng dân tộc thiểu số. Tây Nguyên có 216 linh mục dòng chiếm 35% tổng số linh mục và 2,511 tu sĩ của 75 dòng phục vụ cho hoạt động truyền giáo. Thành lập dòng tu nữ người dân tộc 12 thiểu số, là Dòng Ảnh phép lạ thuộc giáo phận Kon Tum, mục đích là lo cho người dân tộc. - Thiết chế Công giáo lồng ghép và lấn át thiết chế buôn, làng truyền thống: Buôn, làng truyền thống ở Tây Nguyên tồn tại như là không gian sinh tồn, có một tổ chức tự quản hay thiết chế tự quản cộng đồng, do luật tục của mỗi tộc người quy định. Khi truyền đạo vào Tây Nguyên, Công giáo đã thay thế thiết chế buôn làng truyền thống bằng một thiết chế hành chính của giáo hội. Trong thiết chế này linh mục đứng đầu giáo xứ quản lý mọi việc; giúp việc linh mục là Hội đồng mục vụ, đứng đầu là chủ tịch, các vị Thần (Yàng) = Chúa trời và các Thánh. Mục đích để Công giáo gần gũi với người dân, được người dân đón nhận, mang lại hiệu quả trong truyền giáo, tuy nhiên nó cũng làm mai một giá trị văn hóa, phong tục của người Tây Nguyên trong cộng đồng Công giáo. Đặc điểm Công giáo ở Tây Nguyên đã tác động đến ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững là: tín đồ Công giáo ở Tây Nguyên chính là nguồn vốn xã hội trong phát triển bền vững. Niềm tin tôn giáo đã và đang góp phần hình thành những giá trị mới trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở các buôn, làng. Bên cạnh đó, bộ phận tín đồ người dân tộc khá lớn, với những đặc trưng tộc người và hạn chế trong tiếp cận những yếu tố mới nên việc theo đạo, giữ đạo cũng gây khó khăn cho Giáo hội. Công giáo gắn với dân tộc sẽ tiềm ẩn những phức tạp, cản trở cả giáo hội và nhà nước trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên. 2.2.2. Những yếu tố tác động đến ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên - Những yếu tố trong nước tác động đến ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Tây Nguyên vừa có những yếu tố thuận lợi, vừa khó khăn để Công giáo phát huy ảnh hưởng trong phát triển bền vững. Tây Nguyên là khu vực mà Công giáo đã có nhiều kinh nghiệm trong truyền giáo và hiện nay vẫn là môi trường của Công giáo mà một số tôn giáo khác khó cạnh tranh. Đời sống, trình độ nhận thức của người dân thấp là điều kiện để Công giáo phát huy ảnh hưởng thông qua hoạt động an sinh xã hội. Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn là mảnh đất huyền bí với sự đa dạng tộc người, bất đồng ngôn ngữ là rào cản đối với việc phát huy ảnh hưởng của Công giáo ở những dân tộc chưa biết đến Công giáo. 13 Việc ban hành và thực thi chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam ở Tây Nguyên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Công giáo trong hoạt động tôn giáo và phát huy ảnh hưởng trong đời sống xã hội. Nhưng cũng thách thức về môi trường truyền giáo, trước sự xâm nhập của các tôn giáo mới; đức tin tôn giáo cũng bị giảm sút do tác động của công nghệ, kỹ thuật số, của trào lưu văn hóa mới và đời sống người dân ngày một nâng cao. - Những yếu tố ngoài nước tác động đến ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay Hệ lụy từ lịch sử truyền giáo đã tạo nên hố sâu ngăn cách trong nhận thức và quan hệ giữa nhà nước và giáo hội, giữa người Công giáo và người không Công giáo cho đến ngày nay. Tuy nhiên, với sự đổi mới của Công đồng Vatican II và thành tựu đổi mới của Việt Nam đã tác động trực tiếp đến đường hướng hành đạo của Công giáo ở Việt Nam theo hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Bên cạnh đó, vấn đề tôn giáo và dân tộc cũng luôn là đối tượng để các thế lực cực đoan lợi dụng chống phá Tây Nguyên. Như vậy, dù trực tiếp hay gián tiếp thì những nhân tố trong và ngoài nước đã, đang và sẽ tác động đến ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Công giáo phải tìm chọn đường hướng thích hợp nhất, vừa tận dụng thời cơ để phát triển vừa loại bỏ các yếu tố tác động tiêu cực trong đời sống tôn giáo để phát huy ảnh hưởng trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Chương 3 THỰC TRẠNG ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO TRONG PHÁT TRIỂNBỀN VỮNG Ở TÂY NGUYÊN HIỆN NAY VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA 3.1. Thực trạng ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay 3.1.1. Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững về kinh tế ở Tây Nguyên hiện nay - Tín đồ Công giáo là nguồn nhân lực trong phát triển bền vững về kinh tế ở Tây Nguyên: tín đồ Công giáo vừa là nguồn nhân lực vừa là nguồn 14 vốn đã và đang đóng góp vào phát triển kinh tế ở khu vực Tây Nguyên. Trong sinh hoạt tôn giáo, giáo hội luôn khuyên bảo tín đồ phát triển kinh tế phải trên nền tảng đức tin và trách nhiệm xã hội, tránh vì lợi nhuận trước mắt mà ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. - Giáo hội góp phần làm thay đổi tư duy của tín đồ trong phát triển kinh tế: Trong quá trình truyền giáo, Công giáo đã lập làng định cư, định canh để giữ đạo và truyền đạo nhưng cũng góp phần thiết lập phương thức sản xuất từ du canh sang định canh, chuyên canh, giúp cho người dân ổn định, có điều kiện để phát triển kinh tế. - Giáo hội hỗ trợ tín đồ về kỹ thuật, vốn trong phát triển kinh tế: Các giáo phận đã tổ chức các khóa tập huấn cho tín đồ về: nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái, quản lý cộng đồng và lâm nghiệp, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, cho năng suất cao. Với gia đình nghèo hỗ trợ vốn, gia đình khá giả, giúp tìm đầu ra sản phẩm, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho thanh niên. Chỉ dạy người dân biết tiết kiệm, chống lãng phí, biết chi tiêu hợp lý. Bên cạnh đó, Công giáo cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển bền vững ở Tây Nguyên như: thời gian sinh hoạt tôn giáo thường xuyên, kéo dài; những khoản đóng góp thường xuyên đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của tín đồ. Gia đình đông con khiến cho kinh tế khó khăn, ít có điều kiện lo cho con học cao, dẫn đến nghèo đi liền với trình độ học vấn thấp. 3.1.2. Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững về xã hội ở Tây Nguyên hiện nay - Công giáo tổ chức và thực hiện công tác an sinh xã hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế: tham gia vào lĩnh vực an sinh xã hội vừa là đạo lý, vừa là chức năng xã hội quan trọng gắn với truyền giáo. Công tác an sinh xã hội được thực hiện cơ bản ở hai lĩnh vực: (1) giáo dục với 3 mô hình: mở trường, lớp mẫu giáo, mở các trung tâm dạy nghề, mở lưu xá học sinh; (2) y tế và từ thiện nhân đạo, thành lập cơ sở chăm sóc người yếu thế trong xã hội, cùng với chính quyền giảm bớt gánh nặng xã hội. - Công giáo thực hiện đoàn kết dân tộc và tạo đồng thuận xã hội: thông qua sinh hoạt tôn giáo tín đồ có thêm kênh tiếp cận và nâng cao ý thức 15 thực hiện pháp luật, góp phần đưa chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Công giáo đã tận dụng thiết chế buôn, làng truyền thống để xây dựng thiết chế Công giáo một cách tinh tế. Người dân được chức sắc khuyên bảo trong việc xây dựng đoàn kết dân tộc, tôn giáo góp phần tạo đồng thuận trong cộng đồng dân tộc - tôn giáo. Bên cạnh mặt tích cực thì việc thay thế thiết chế tự quản buôn, làng truyền thống bằng thiết chế Công giáo đã đẩy nhanh việc phá vỡ thiết chế buôn, làng truyền thống, tạo bất ổn xã hội, biểu hiện dưới dạng hiềm khích về niềm tin, về đối tượng thờ phụng và các nghi lễ. Một số nơi thiết chế Công giáo hoạt động mạnh lấn át hoạt động của chính quyền cơ sở và các hội quần chúng, từ đó gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện các chủ trương, chính sách và tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng vào mục đích xấu. 3.1.3. Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững về văn hóa ở Tây Nguyên hiện nay - Công giáo thực hiện việc hội nhập văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên: để thực hiện truyền giáo trong vùng đồng bào dân tộc Công giáo vừa thực hiện hội nhập văn hóa, vừa giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc như: biên soạn và phổ biến giáo lý, kinh thánh bằng tiếng dân tộc; quy định tín đồ người dân tộc khi tham dự thánh lễ phải mặc sắc phục của dân tộc mình; tái hiện lại không gian văn hóa các dân tộc trong các lễ hội Công giáo; sử dụng già làng trong việc quản đạo và truyền đạo; xây dựng các công trình tôn giáo theo kiến trúc nhà của người dân tộc. - Công giáo góp phần xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam: thông qua sinh hoạt tôn giáo, giáo hội răn dạy tín đồ về giá trị gia đình và trách nhiệm của các thành viên, nên cộng đồng Công giáo ở Tây Nguyên vẫn giữ được nếp gia đình truyền thống trong điều kiện xã hội có nhiều biến đổi, tỷ lệ ly dị ít hơn so với người ngoài Công giáo Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, Công giáo còn có những ảnh hưởng tiêu cực đối với phát triển văn hóa ở Tây Nguyên như: quan điểm sinh sản của giáo hội cản trở chủ trương nâng cao chất lượng dân số, kế hoạch hóa gia đình của Đảng, Nhà nước. Làm biến đổi, mai một các lễ hội của người dân Tây Nguyên trong các vùng Công giáo. 16 3.1.4. Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững về môi trường ở Tây Nguyên hiện nay Công giáo góp phần tác động tới nhận thức bảo vệ môi trường của tín đồ: nhận thức và hành động bảo vệ môi trường xuất phát từ chủ trương của giáo hội, sau đó truyền đến tín đồ qua các bài giảng, các hội thảo và được tổ chức bằng những hành động cụ thể sẽ như là “ý chỉ mang ý nghĩa linh thiêng”. Hiệu ứng, của việc làm này đã và đang mang lại hiệu quả cao khi tín đồ nhận thức và thực hiện hành động bảo vệ môi trường gắn liền với đức tin Công giáo. Bên cạnh đó, việc khuếch trương chủ trương bảo vệ môi trường của giáo hội, nhưng lại quy trách nhiệm cho chính quyền trong việc để các vụ việc: phá rừng, đầu tư thủy điện tràn lan, săn bắt động vật dẫn đến biến đổi khí hậu làm cho một số người dân không đồng thuận với chủ trương của Đảng và Nhà nước phát triển kinh tế liên quan liên quan đến môi trường ở Tây Nguyên. 3.1.5. Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững về an ninh - quốc phòng ở Tây Nguyên hiện nay - Công giáo chủ trương thực hiện đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc tôn giáo: Tây Nguyên là khu vực hội đủ các loại hình tôn giáo Đông, Tây. Mỗi tôn giáo có đặc điểm riêng, mang những giá trị khách quan. Công giáo luôn đối thoại và tôn trọng giá trị niềm tin với các tôn giáo khác, góp phần đoàn kết dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân, đảm bảo an ninh - quốc phòng. - Giá trị đạo đức Công giáo góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội: đối với người Công giáo, phòng chống tội ác, các tệ nạn là một đòi hỏi của đức tin. Thực hành những lời răn này trong cuộc sống không chỉ củng cố đức tin mà còn là “vòng kim cô” bảo vệ tín đồ khỏi những hoạt động vi phạm pháp luật, tạo môi trường sống lành mạnh góp phần xây dựng an ninh - quốc phòng. Bên cạnh đó, ở một số nơi hoạt động tôn giáo vẫn chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhất là tình trạng khiếu kiện đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự khá phức tạp, nên một số đối tượng cực đoan trong Công giáo vẫn ít có sự đồng thuận với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước, tạo cớ để các thế lực cực đoan lợi vào mục đích gây bất ổn, cản trở sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên. 17 Như vậy, ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên là một quá trình lâu dài, thẩm thấu trong các lĩnhh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và an ninh - quốc phòng theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Ở mỗi lĩnh vực Công giáo có thế mạnh và điểm yếu, nên sự ảnh hưởng cũng có những cấp độ dày, mỏng khác nhau và yếu tố tích cực là cơ bản. Bao trùm lên toàn bộ ảnh hưởng của Công giáo chính là niềm tin, những giá trị đạo đức tôn giáo đã tác động đến nhận thức và hành động của tín đồ khi tham gia các hoạt động liên quan đến các yếu tố của phát triển bền vững. 3.2. Những vấn đề đặt ra đối với ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay 3.2.1. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và người dân về ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên còn hạn chế Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương rất quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, so với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra vẫn còn nhiều bất cập về trình độ, năng lực và trách nhiệm trong công tác, nhất là nhận thức về Công giáo. Một số nơi Công giáo vẫn bị nhìn nhận dưới góc độ chính trị, gắn với quá khứ truyền giáo của thực dân, đế quốc, là “đối tượng cần quản lý chặt chẽ”. Chưa nhận thức sâu sắc Công giáo là bộ phận không thể tách rời của Tây Nguyên. Các hoạt động tích cực của Công giáo chưa được đánh giá đúng. Nhận thức trên tiếp tục là rào cản, gây mâu thuẫn giữa tôn giáo, trong đó có Công giáo với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nên ít đối thoại và khai thác tốt vai trò của chức sắc trong việc tạo đồng thuận trong thực thi chính sách ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó, so với mặt bằng chung cả nước thì đời sống người dân còn nghèo, trình độ học vấn còn thấp dẫn đến nhận thức về ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững chưa rõ ràng. Nhận thức về niềm tin của tín đồ còn bị chi phối bởi đội ngũ chức sắc, tu sĩ hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp, nên nhiều trường hợp tín đồ chưa dám đấu tranh với những sai trái, trục lợi của một số chức sắc. 18 3.2.2. Mâu thuẫn giữa nhu cầu phát huy ảnh hưởng tích cực của Công giáo trong phát triển bền vững với những hạn chế, yếu kém của hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên hiện nay Bộ máy trực tiếp làm công tác tôn giáo thiếu và chưa ổn định, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, không có chính sách đặc thù nên ít người có “tư tưởng sự nghiệp”. Sự thiếu và yếu trong số lượng và chất lượng cán bộ cơ sở đã tạo mâu thuẫn trong chủ trương, chính sách về tín ngưỡng tôn giáo và việc khai thác yếu tố tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên, đồng thời hạn chế trong cách tiếp cận và dễ đẩy Công giáo đến chỗ bất đồng, mất niềm tin vào chính quyền cơ sở, vào sự lãnh đạo của Đảng, hạn chế hiệu quả chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. 3.2.3. Pháp luật về tôn giáo và các luật chuyên ngành thiếu đồng bộ làm hạn chế việc phát huy ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên Luật tín ngưỡng, tôn giáo với những điểm mới, những quy định cụ thể sẽ là cơ sở pháp lý trong quản lý hoạt động tôn giáo. Tuy nhiên, các đạo luật chuyên ngành khác như: đất đai, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội... chưa có quy định việc tổ chức tôn giáo được hoạt động ở phạm vi nào. Chính quyền có cơ chế để thực hiện nhưng lại ít kêu gọi được nguồn lực (xã hội hóa), ngược lại Công giáo kêu gọi được nguồn lực nhưng bị bó cơ chế thực hiện. Vấn đề đặt ra là cần có sự đồng bộ trong quy định giữa pháp luật về tôn giáo và các luật chuyên ngành, để ổn định và khai thác nguồn lực của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên. 3.2.4. Hiện nay Công giáo vẫn là đối tượng lợi dụng của các thế lực cực đoan trong âm mưu chống phá Tây Nguyên Tây Nguyên có đường biên giới chung với Campuchia, hai nước không chỉ có quan hệ tộc người, mà còn niềm tin tôn giáo. Mối quan hệ dân tộc tôn giáo tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp nếu bị lợi dụng. Các tổ chức phản động Fulro luôn kích động các phần tử cực đoan lợi dụng trong Công giáo đòi đất, mua bán, hiến nhượng đất đai; khoét sâu sự kỳ thị giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số; khai thác những điểm bất cập, thiếu sót trong ban hành và thực thi chính sách để tạo phản ứng trái chiều, châm ngòi cho những bất ổn xã hội.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất