Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Tiểu học Tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực hành cho học sinh lớp 3 vùng đặc biệt khó...

Tài liệu Tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực hành cho học sinh lớp 3 vùng đặc biệt khó khăn

.PDF
20
23
81

Mô tả:

I. MỞ ĐẦU 1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Đảng có nêu: “Chương trình giáo dục cần giúp học sinh làm chủ kiến thức, biết vận dụng có hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách về đời sống tâm hồn phong phú. Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực, định hướng chính về giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ và mục tiêu của giáo dục, phương pháp dạy học cũng cần đổi mới sao cho phù hợp với mục tiêu giáo dục hiện nay. Đó là phải làm cho học sinh tự giác, tích cực nắm được kiến thức và phát triển kỹ năng. Giáo dục hoạt động trải nghiệm hiện nay chưa phải là môn học chính ở trường tiểu học nhưng việc tổ chức được các hoạt động trải nghiệm thực hành trong nhà trường cũng góp phần thực hiện tốt mục tiêu dạy học theo định hướng phát triển năng lực, tạo cơ hội cho học sinh phát huy khả năng sáng tạo, biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, đồng thời biết chia sẻ và quan tâm tới mọi người xung quanh. Ngoài ra, còn góp phần ôn tập những kiến thức, rèn kỹ năng sống cho học sinh và cuốn hút trẻ đến trường. Là giáo viên trực tiếp dạy học ở khu vực miền núi đặc biệt khó khăn, tôi nhận thấy: Các em học sinh nói tiếng phổ thông chưa thạo, học bài hôm nay ngày mai hỏi lại đã quên hết, các em tham gia các hoạt động học tập chưa mạnh dạn, chưa tự tin và hay nghỉ học vô lí do. Chính vì thế mà các em tiếp thu kiến thức cũng như việc vận dụng kiến thức vào đời sống chưa đạt yêu cầu. Bởi vậy, tôi luôn băn khoăn trăn trở phải làm thế nào để các em nắm vững bài học mà lại có hứng thú học tập và các em sẽ nhớ lâu, nhớ kỹ bài học và có thể vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống đây? Câu hỏi luôn đặt ra trong đầu mỗi chúng tôi. Năm học 2017- 2018, tôi được phân công dạy học lớp 3B trường Tiểu học Thiên Phủ - một lớp thuộc khu Hàm (khu lẻ cách điểm trường chính 7 km). Tôi nhận thấy: để cuốn hút học sinh đến trường, muốn cho học sinh nắm vững kiến thức và biết vận dụng sáng tạo vào cuộc sống thì mỗi thầy cô cần tổ chức cho các em các hoạt động ngoài giờ học chính khóa để được trải nghiệm thực hành 1 các kiến thức đã học vào cuộc sống như Bác Hồ nói: “Học cần đi đôi với hành”. Vì vậy trong suốt năm học tôi đã tìm hiểu, lựa chọn và nghiên cứu đề tài “ Tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực hành cho học sinh lớp 3 vùng đặc biệt khó khăn” để nghiên cứu và thực hiện. 2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU: Nghiên cứu lý luận về hoạt động trải nghiệm và thực trạng của việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm ở đơn vị, địa phương tác động như thế nào đến chất lượng dạy học. Từ đó tìm ra nguyên nhân và có biện pháp để tổ chức hoạt động trải nghệm thực hành cho phù hợp với lớp mình chủ nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục. 3. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU: Nghiên cứu về tâm lý, năng lực, kỹ năng, kiến thức của học sinh lớp 3B trường Tiểu học Thiên Phủ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa để tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực hành cho các em. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU: Quá trình thực hiện đề tài này tôi đã sử dụng các phương pháp sau: - Phương pháp nghiên cứu lý luận. - Phương pháp điều tra, khảo sát thực tế, thu thập thông tin. - Phương pháp thực nghiệm. - Phương pháp thống kê số liệu. - Phương pháp tổng kết, đánh giá, tham khảo ý kiến đồng nghiệp. II. NỘI DUNG ĐỀ TÀI. 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN: Trong dự thảo Nội dung chương trình Giáo dục phổ thông mới có viết: “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục trong đó từng học sinh được trực tiếp hoạt động thực tiễn trong nhà trường hoặc trong xã hội dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, qua đó phát triển tình cảm, đạo đức, các kỹ năng và tích luỹ kinh nghiệm riêng của cá nhân. Trải nghiệm sáng tạo là hoạt động được coi trọng trong từng môn học; đồng thời trong kế hoạch giáo dục cũng bố trí các hoạt động trải nghiệm sáng tạo riêng, mỗi hoạt động này mang tính tổng hợp của nhiều lĩnh vực giáo dục, kiến thức, kỹ năng khác nhau. Bằng hoạt động trải nghiệm của bản thân, mỗi học sinh vừa là người tham gia, vừa là người kiến thiết và tổ chức các hoạt động cho chính mình nên học sinh không những biết cách tích cực hoá bản thân, khám phá bản thân, điều chỉnh bản thân 2 mà còn biết cách tổ chức hoạt động, tổ chức cuộc sống và biết làm việc có kế hoạch, có trách nhiệm” . Học sinh tiểu học là những chủ nhân tương lai của đất nước, là những người sẽ quyết định sự phát triển của đất nước trong những năm tới. Nếu không có kiến thức, không biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống một cách sáng tạo các em sẽ không thể thực hiện tốt trách nhiệm đối với bản thân, với gia đình, với cộng đồng và với đất nước. Lứa tuổi tiểu học là bắt đầu hình thành nhân cách, giàu mơ ước, ham hiểu biết, thích tìm tòi, thích vui chơi. Vì vậy việc dạy học cần phải phù hợp với đặc điểm tâm lý của trẻ. Hoạt động trải nghiệm sẽ tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học, các lĩnh vực giáo dục khác nhau để có thể trải nghiệm thực tiễn trong nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời giúp các em có cơ hội để tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng và hoạt động hướng nghiệp. Chính vì vậy, các hoạt động trải nghiệm thự hành rất phù hợp với các em ở lứa tuổi này, nó giúp các em nắm vững kiến thức và biết vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Ngoài ra còn phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, thiết lập, khơi nguồn cho các em về định hướng nghề nghiệp trong tương lai của các em. Tất cả đều nói lên tính hiệu quả “học mà chơi, chơi mà học” phù hợp với lứa tuổi học sinh Tiểu học. 2. THỰC TRẠNG CỦA VIỆC TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM THỰC HÀNH Ở NHÀ TRƯỜNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG Là giáo viên trực tiếp giảng dạy lâu năm ở xã Thiên Phủ thuộc khu vực 135 của miền núi, tôi nhận thấy: 2.1.Về phía giáo viên: - Với nhiều giáo viên, dạy hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học còn là một khái niệm khá mới lạ, ít được giáo viên quan tâm. Một số thầy cô giáo đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực hành, nhưng thầy cô giáo lại làm thay học sinh ở hầu hết các khâu: lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị, tổ chức thực hiện...Học sinh chỉ tham gia thực hiện với số ít học sinh trong lớp. Đa số các thầy cô chỉ chăm chú vào giúp học sinh nắm được kiến thức hoặc chỉ tích hợp các hoạt động thực hành trong một số tiết thực hành ở các môn học một cách qua loa chứ chưa tổ chức cho các em các được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức ấy vào cuộc sống để giúp các em nắm vững kiến thức và rèn cho các em có những kỹ năng cơ bản của bản thân. Bởi vì các em học sinh đa số là người dân tộc thiểu số tiếng phổ thông chưa thạo việc học kiến thức các em gặp rất nhiều những khó khăn, khi giáo viên dạy các môn Toán, Tiếng Việt thường 3 phải dãn thời gian để học sinh thật hiểu bài nên không còn nhiều thời lượng để tổ chức các hoạt động khác cho các em. 2.2.Về phía học sinh: Đa số các em là học sinh dân tộc thiểu số kỹ năng giao tiếp Tiếng Việt còn hạn chế, hay nghỉ học vô lí do: Cứ trời hơi mưa rét là nghỉ học nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của các em. Các em vừa học kiến thức cô dạy xong về đến nhà mẹ hỏi: Hôm nay con học những gì thì không biết trả lời vì các em đã quên. Chẳng hạn: việc nhớ công thức tính chu vi diện tích hình chữ nhật, hình vuông mà lên lớp 4,5 vẫn không nhớ hoặc là lẫn lộn... Kiến thức không nhớ thì làm sao có thể vận dụng những kiến thức ấy vào cuộc sống được. Đa số các em chưa có những hiểu biết về cuộc sống xung quanh, về nghề nghiệp. Ngay từ việc đơn giản như khi đi xe đạp một số em xe bị tuột xích không biết lắp để đi mà cứ dắc đi bộ như vậy, tức là các em còn thiếu nhiều kỹ năng sống. Chất lượng học tập đầu năm học 2017- 2018 của 23 em lớp 3B như sau: +Môn Toán, Tiếng Việt : Các môn khảo sát Hoàn thànhTốt Hoàn thành Chưa hoàn thành Toán 0 18 5 Tiếng Việt 0 19 4 + Năng lực, phẩm chất Tên các kỹ năng và phẩm chất Kỹ năng tự phục vụ, tự quản Kỹ năng giao tiếp, hợp tác Kỹ năng tự học tự GQVĐ Chăm học, chăm làm Tự chịu trách nhiệm Trung thực kỉ luật Đoàn kết yêu thương Tốt 3 3 3 5 3 5 5 Đạt 16 16 16 15 16 16 16 Cần cố gắng 4 4 4 3 4 2 2 2.3.Về phía nhà trường: Hằng năm nhà trường đã tổ chức được một số hoạt động ngoài giờ cho cả trường chứ chưa tổ chức cho các em được trải nghiệm vận dụng kiến thức vào cuộc sống được. Do điều kiện về kinh phí, về nguồn lực và vì chỉ lo về chất lượng môn Toán, Tiếng Việt làm thế nào cho đạt được mục tiêu môn học cũng đã mất rất nhiều thời gian trên lớp.... 4 Giáo viên tổng phụ trách Đội chưa xây dựng được các hoạt động thực sự sáng tạo, có tính giáo dục và hấp dẫn các em học sinh tham gia sinh hoạt. 2.4.Về phía địa phương: Thiên Phủ là xã miền núi vùng 135, dân trí còn thấp, kinh tế còn nghèo nàn. Phụ huynh học sinh chủ yếu làm nghề nương rẫy. Kiến thức, kỹ năng phục vụ cuộc sống của thanh thiếu niên còn thiếu nhiều. Chẳng hạn như học sinh học xong lớp 12 rồi các em vẫn chưa biết định hướng nghề nghiệp cho mình. Hiện tượng tảo hôn vẫn có, một số học xong lớp 9 đã kết hôn rồi. Những kiến thức và kỹ năng sống chưa có, chưa biết cách dạy dỗ cho con cái, bản thân các bậc phụ huynh còn chưa biết hướng nghiệp cho mình làm sao có thể hướng nghiệp cho con cái, quanh năm chỉ có một nghề duy nhất là chặt luồng. Đoàn thanh niên của xã chưa tổ chức cho các em thiếu nhi một hoạt động vui chơi, giải trí nào vì Bí thư Đoàn xã cũng chưa thật sự năng động, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động còn hạn chế. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cần xây dựng môi trường học tập, vui chơi thân thiện với trẻ em để cuốn hút các em đến trường và tạo điều kiện cho các em tích cực phát triển toàn diện hơn . 3. CÁC GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ Trường tiểu học Thiên Phủ từ năm học 2016-2017 đã được công nhận là trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 1, bởi vậy về cơ sở vật chất của nhà trường cũng đã tạm đủ cho các em học sinh hoạt động học tập cũng như vui chơi. Các em đã được học 2 buối/ ngày, Ngoài giờ học chính khóa, còn mỗi tuần có ít nhất 2 tiết hoạt động ngoài giờ, giáo viên chủ nhiệm cần lựa chọn nội dung hoạt động cho phù hợp với lớp mình dạy học. Nhà trường không bắt buộc dạy như thế nào, mà nhà trường chỉ yêu cầu giáo viên có kế hoạch dạy học phù hợp với lớp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục là được. Là giáo viên lâu năm nhưng năm nay là lần đầu tiên tôi được phân công dạy học lớp 3. Trong quá trình dạy học, tôi gặp những khó khăn đó là: Những kiến thức về một số môn học các em không hiểu, không nhớ, không vận dụng được khiến tôi trăn trở, làm thế nào để các em học mà nắm vững kiến thức và biết vận dụng vào cuộc sống đây? Qua nhiều lần đọc báo, xem truyền hình tôi thấy các trường tiểu học ngoài Hà Nội tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh rất hay, tại sao mình không học tập. Từ ý nghĩ đó, tôi nghĩ ngay đến việc học thông qua làm, học đi đôi với hành và học từ trải nghiệm đều giúp người học đạt được tri thức và kinh nghiệm nhưng theo các hướng tiếp cận không hoàn toàn như nhau, trong đó trải nghiệm có ý nghĩa giáo 5 dục cao nhất và có phần bao hàm cả làm và thực hành nên tôi mạnh dạn tổ chức một số hoạt động trải nghiệm gắn với các môn học, tiết học trong chương trình sách giáo khoa và thực tế cuộc sống phù hợp với địa phương nơi tôi công tác. Thế là tôi đã bắt tay vào việc tổ chức cho các em lớp mình các hoạt động trải nghiệm thực hành trong các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp. Để việc tổ chức hoạt động trải nghiệm thực hành cho học sinh có hiệu quả, tôi đã chuẩn bị trước các việc sau: 3.1. Các bước chuẩn bị - Khi tham gia Hoạt động trải nghiệm, vận dụng và thực hành đòi hỏi học sinh phải huy động kiến thức, kĩ năng, các năng lực tổng hợp để giải quyết nhiệm vụ thực tiễn. Có nhiệm vụ của cá nhân, có nhiệm vụ đòi hỏi phải có sự hợp sức của cả nhóm. Các em phải bàn bạc, trao đổi, thống nhất, ra quyết định. Do vậy điều quan trọng ở các em là phải có các kĩ năng như: Kỹ năng thể hiện sự tự tin, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng ra quyết định, kĩ năng lắng nghe và phản hồi tích cực, kĩ năng ghi chép, thu thập xử lí thông tin,.. Chính vì vậy điều đầu tiên tôi đã hướng dẫn để các em có những kỹ năng đó. - Ngay từ đầu năm học, ngoài việc hướng dẫn học sinh xây dựng nội quy của lớp, của trường, các kỹ năng cơ bản, tôi đã giới thiệu, hướng dẫn cho học sinh hiểu về mục đích, các hình thức, cách tham gia các hoạt động. Thông qua đó, các em biết lựa chọn hoạt động phù hợp với bản thân mình và nắm được các bước cơ bản cần thực hiện, trách nhiệm của từng cá nhân khi tham gia hoạt động trải nghiệm thực hành. Tôi đã hướng cho học sinh lựa chọn nội dung thực hiện trong cả năm học dựa trên chủ điểm từng tháng, điều kiện, khả năng của bản thân, của lớp, của nhà trường, của địa phương có thể tổ chức được. Việc này sẽ tạo tâm thế sẵn sàng thực hiện cho học sinh. - Tôi đã giao việc cho ban cán sự lớp thực hiện các nhiệm vụ quản lí lớp, duy trì tổ chức sinh hoạt lớp, giờ chào cờ đầu tuần; khuyến khích các em tích cực tham gia trang trí lớp, tự tổ chức các hoạt động vui chơi, đăng kí tham gia các câu lạc bộ. Bản thân giáo viên chủ nhiệm chỉ đóng vai trò là người tư vấn giúp đỡ. Làm như vậy các em mới có cơ hội bộc lộ khả năng của bản thân, rèn luyện các phẩm chất, năng lực cần thiết. - Hoạt động trải nghiệm thực hành về cơ bản mang tính chất của hoạt động tập thể trên tinh thần tự chủ nhằm phát triển khả năng sáng tạo và cá tính riêng của mỗi cá nhân trong tập thể. Thông qua hoạt động hình thành những 6 năng lực, kỹ năng sống, phẩm chất tốt đẹp của học sinh. Để giúp các em tổ chức tốt các hoạt động thì sự tham gia của cộng đồng đặc biệt là cha mẹ học sinh là vô cùng quan trọng. Tôi đã chủ động đề xuất, phối hợp với ban giám hiệu, giáo viên bộ môn, phụ huynh cùng tham gia. Các cơ quan, khu buôn bán, nhà vườn, khu chăn nuôi, đồng ruộng… hoặc ở mỗi gia đình đều có thể là địa điểm lý tưởng để học sinh được thực hành, trải nghiệm. 3.2. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực hành Các hình thức Hoạt động trải nghiệm, thực hành rất phong phú: Biểu diễn văn nghệ, hoạt động câu lạc bộ, tổ chức trò chơi, tham quan dã ngoại, hoạt động giao lưu, nghiên cứu khoa học, hoạt động nhân đạo, hoạt động tình nguyện, hoạt động cộng đồng, thể dục thể thao, tổ chức các ngày hội,… Trong quá trình dạy học, tôi đã tổ chức cho học sinh các hoạt động trải nghiệm thực hành như sau: 3.2.1.Hoạt động biểu diễn văn nghệ (Tổ chức vào ngày khai giảng năm học mới và ngày 20/11: Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày 20/10, ngày 8/3...) Mục tiêu: Hoạt động biểu diễn văn nghệ là hoạt động mang tính thể nghiệm cá nhân, thông qua hoạt động này các em sẽ hình thành cho các em các năng lực như mạnh dạn tự tin trước đông người, kỹ năng giao tiếp, … Ngoài ra còn hướng nghiệp cho các em. Chính vì vậy mà tôi đã tiến hành như sau: Cách tiến hành: Bước 1: Xây dựng nội dung, hình thức: Giáo viên có thể gợi ý nhiều cách để học sinh xây dựng nội dung như sau: + Ngày khai giảng năm học là ngày như thế nào với các em? Nhà trường có tổ chức biểu diễn văn nghệ các em có tham gia hay không? Lớp mình cần tham gia tiết mục gì để góp vui? (Học sinh sẽ trả lời nhiều ý khác nhau. Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ hướng cho học sinh lựa chọ ý tưởng, cán sự lớp ghi lại nội dung, hình thức cụ thể). Bước 2: Lập chương trình Giáo viên để cho học sinh tự liên hệ với Tổng phụ trách Đội(Ban cán sự lớp liên hệ) để đăng kí tham gia chương trình chung với nhà trường. Sau đó cả lớp tự xây dựng chương trình cụ thể của Hoạt động văn nghệ cần được xây dựng các tiết mục cụ thể để tham gia. Các em cần phải định hình những công việc cần làm là gì ? Phân công những ai thực hiện ? Cần có sự giúp đỡ của ai ở trong hoặc ngoài nhà trường ? Cần những gì về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng… để thực hiện ? Bước 3: Chuẩn bị : 7 Trong quá trình học sinh thực hiện bước này, giáo viên cần theo dõi, giúp đỡ học sinh việc chuẩn bị đầy đủ: Sức khỏe, tác phong, lời nói, ăn mặc, đồ dùng, dụng cụ, nội dung...phục vụ cho hoạt động. Bước 4: Tổ chức thực hiện Học sinh tiến hành buổi biểu diễn văn nghệ như đã chuẩn bị sẵn. Trong quá trình các em thực hiện, giáo viên cần giúp đỡ và theo dõi. GV cần quan tâm đến những tình huống nảy sinh và sự sáng tạo trong cách giải quyết của các em. Bước 5: Đánh giá kết quả thực hiện. Đây là bước cuối cùng của hoạt động, học sinh tự đánh giá lại quá trình hoạt động. Ban cán sự lớp duy trì trực tiếp hoạt động đánh giá tổng hợp lại các ý kiến. Nội dung đánh giá phải từ việc xây dựng nội dung đến tất cả các bước tổ chức thực hiện; kết quả công việc và ý nghĩa của nó; những bài học kinh nghiệm về mọi mặt; những sáng kiến mới nào có thể áp dụng trên lớp học hoặc hoạt động ngoài lớp học tiếp theo,…Thông qua hoạt động này, giúp học sinh sẽ có khả năng giao tiếp được mạnh dạn, tự tin; ý thức trách nhiệm của các em được bộc lộ. (Những tiết mục biểu diễn văn nghệ của học sinh lớp 3B chào mừng ngày khai giảng và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11- Như hình 1 phần phụ lục) 3.2.2.Hoạt động: Đêm hội hóa trang (Tổ chức vào đêm rằm Trung thu) Mục tiêu của hoạt động này cũng mang tính thể nghiệm bản thân giúp cho các em thể hiện mình là một người khéo tay, có óc thẩm mỹ cao. Các bước tiền hành: Bước 1: Xây dựng nội dung, hình thức: GV gợi ý cho HS: + Sắp đến Tết Trung thu nhà trường tổ chức rước đèn ông sao, lớp mình tham gia đêm hội như thế nào? Có cần tổ chức một hoạt động cho thật vui không? Theo các em chúng ta tổ chức hoạt động gì? + GV gợi ý để HS đưa ra ý tưởng: Đêm rằm trung thu, các em thường ăn mặc như thế nào để đi rước đèn? (HS sẽ nêu ý kiến của minh.) + Cô thấy đất nước Bra- xin họ tổ chức lễ hội Các –na-van rất là vui. Vậy hôm đó chúng ta có thể tổ chức một Đêm hội hóa trang được không? Bước 2: Lập kế hoạch Ban cán sự lớp cùng cả lớp sẽ tự xây dựng kế hoạch tổ chức, giáo viên là người hướng dẫn. Bước 3: Chuẩn bị 8 - Mỗi học sinh cần chuẩn bị cho mình một bộ trang phục(Tự làm ) bằng các vật liệu có sẵn trong gia đình các em tùy theo ý thích: Gv có thể gợi ý cho học sinh làm bằng bìa các tông, lá cây, làm mặt nạ bằng giấy như các em đã được học trong tiết Mĩ thuật... - Ban cán sự lớp sẽ phân công chuẩn bị, các học sinh khác cần ghi chép cẩn thận những việc cần chuẩn bị và nhiệm vụ được phân công như: Trang trí sân khấu, làm đèn ông sao, ... GV là người hướng dẫn Hs thực hiện. Bước 4: Tổ chức thực hiện HS tiến hành đêm hội hóa trang như đã chuẩn bị, GV là người hướng dẫn giúp đỡ các em hoàn thành tốt hoạt động này. Bước 5: Đánh giá kết quả thực hiện: Sau đêm hội, GV cần cho học sinh tự đánh giá lại các hoạt động của các em: từ khâu chuẩn bị đến khâu tổ chức để qua đó hình thành năng lực nhận xét đánh giá, thuyết trình trước đông người. 3.2.3.Hoạt động nhân đạo Mục tiêu: Thông qua hoạt động này nhằm hình thành cho học sinh trách nhiệm đối với bản thân, với gia đình, với cộng đồng, biết sống vì mọi người, biết ơn những người đã đem lại nền độc lập cho tổ quốc. Cách tiến hành: Bước 1: Xây dựng nội dung, hình thức: GV gợi ý cho HS lựa chọn nội dung. Chẳng hạn: - Trong làng, bản em có gia đình nào, bạn nào gặp khó khăn trong cuộc sống cần những người xung quanh giúp đỡ? (HS tự nêu) - Những gia đình nào có người đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân? - Những gia đình nào là thương binh? - Những gia đình đó có cần những người xung quanh giúp đỡ không? - Các em có giúp đỡ họ được không? - GV cần giải thích cho học sinh hiểu: Giúp đỡ những gia đình ấy là bổn phận của mỗi người dân trên đất nước ta. Mỗi em cần thực hiện những hoạt động để thể hiện là người biết sống vì mọi người: Biết quan tâm giúp đỡ những người xung quanh, biết ơn các thương binh liệt sĩ. - GV cho học sinh lựa chọn hình thức giúp đỡ những gia đình đó bằng những hành động mà các em tự lựa chọn. Bước 2: Lập kế hoạch 9 Ban cán sự của lớp ghi chép lại những người tham gia giúp đỡ những ai, bằng hình thức nào, thời gian nào? Chẳng hạn: Nhà em Hồng ở bản Hàm có ông ngoại là thương binh thì em nhận chăm sóc ông. Em Phương, Uyên, Minh Thành cùng bản cũng nhận cùng em Hồng chăm sóc ông ngoại của Hồng. Bản Lớt có bạn Kiên học cùng lớp bị bệnh nặng hay nghỉ học thì em Tuyết, em Hương, em Thư ở gần nhận giúp đỡ việc nhà, giảng bài cho bạn nếu bạn không đi học được... Bước 3: Chuẩn bị: Đây là hoạt động mang tính cá nhân nên mỗi em cần tự lên lịch và cần chuẩn bị những gì cho hoạt động này. Bước 4: Tổ chức thực hiện Học sinh tự thực hiện dưới sự quan sát của cán sự lớp và giáo viên chủ nhiệm. Bước 5: Đánh giá kết quả thực hiện: Hoạt động nhân đạo là hoạt động thực hiện thường xuyên nên cuối mỗi kỳ mới đánh giá một lần. Các em học sinh lớp 3B đang chăm sóc thương binh: (Như hình 2 phần phụ lục) 3.2.4. An toàn khi ở nhà: Hoạt động này tôi đã tổ chức vào tiết sinh hoạt tuần 17 tại một gia đình ở gần trường. Mục tiêu: Giúp học sinh nắm được những điều nguy hiểm có thể xảy ra với các em. Thông qua hoạt động này hình thành cho các em các kỹ năng ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra với mình. Bước 1: Xây dựng nội dung, hình thức: Tiết sinh hoạt tuần 18 tôi đã gợi ý cho học sinh lựa chọn nội dung và địa điểm như sau: - Khi ở nhà các em có thể gặp những tình huống gì xấu có thể xảy ra đối với các em?(HS có thể nêu: Điện giật, bị bỏng, đứt tay, chân, đau bụng, bị sốt, ngộ độc, người lạ vào nhà lấy đồ, cưỡng hiếp, ...) - GV hướng dẫn học sinh lựa chọn ý tưởng: Tổ chức một hoạt động An toàn khi ở nhà. Bước 2: Lập kế hoạch - GV giúp học sinh lựa chọn địa điểm, thời gian, kế hoạch thực hiện, lựa chọn tình huống có thể xảy ra, sau đó các em ghi chép đầy đủ để thực hiện. 10 Bước 3: Chuẩn bị thực hiện - Cán sự lớp liên hệ địa điểm, phân công chuẩn bị, phân công các bạn đóng vai các tình huống. Bước 4: Tổ chức thực hiện GV quan sát, hướng dẫn học sinh thực hành đóng vai các tình huống có thể xảy ra khi ở nhà. Hướng dẫn học sinh cách ứng phó với các tình huống ấy. Chẳng hạn: Tình huống 1: Khi ở nhà các em có khả năng bị điện giật: Giáo viên hướng dẫn học sinh cách phòng tránh như (chỉ vào các ổ điện) các ổ điện này nếu các em cho que sắt, que ướt vào sẽ bị giật điện, hoặc cắm quạt nếu cầm phải thanh kim loại cũng bị điện giật... Tình huống 2: Khi các em ở nhà có người lạ mặt vào(2 học sinh đóng vai người lạ mặt, các học sinh khác thay nhau các tình huống làm thế nào để cả lớp được tham gia ) gõ cửa thì các em ở trong nhà sẽ ứng phó đó là không mở của cho người lạ vào nhà. Nếu người đó cố tình trèo vào nhà thì la lớn để mọi người xung quanh nghe và đến giúp đỡ.... Tình huống 3: khi các em ở nhà có nguy cơ bị bỏng. GV đưa ra các tình huống dẫn đến các em bị bỏng như cháy nhà, nghịch những vật dễ cháy... để học sinh tham gia hoạt động ứng phó như sắp xếp lại căn bếp cho gọn gàng để xa bếp lửa các vật dễ bốc cháy... Tình huống 4: Khi ở nhà một mình nếu bị sốt hoặc đau bụng do ngộ độc thức ăn các em sẽ làm gì? GV cho học sinh đóng vai và hướng dẫn học sinh cách ứng phó với các tình huống đó... Bước 5: Đánh giá kết quả thực hiện: Sau các hoạt động trải nghiệm, thực hành giáo viên hướng dẫn học sinh nhận xét đánh giá như các hoạt động đã thực hiện. 3.2.5. Hoạt động Vì môi trường xanh - sạch - đẹp của chúng ta. Hoạt động này tổ chức vào cuối tuần 19 (Vận dụng vào cuộc sống bài học: Vệ sinh môi trường - tiết 36,37,38 môn tự nhiên xã hội ) và ngày 22/4 (Ngày trái đất) hoặc hoạt động này các em có thể tự thực hiện cá nhân ngay trong cuộc sống của các em. Mục tiêu: Thông qua hoạt động này giúp các em nhận thấy môi trường xanh – sạch – đẹp rất tốt cho sức khỏe của con người. Qua đó hình thành cho các em thói quen, ý thức bảo vệ môi trường. 11 Cách tiến hành: Bước 1: Xây dựng nội dung, hình thức: Cuối tiết học thứ 38 của môn tự nhiên xã hội, giáo viên muốn cho các em biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống thì giáo viên cần gợi ý để xây dựng nội dung, ý tưởng: Gợi ý: - Các em ạ, môi trường là tất cả những gì có xung quanh chúng ta, chúng ta lấy thức ăn, nước uống, khí thở từ đâu? (Môi trường) - Nếu môi trường bị ô nhiễm thì thức ăn, nước uống của chúng ta có bị ô nhiễm không? - Nếu ta ăn thức ăn bị nhiễm bẩn, uống nước bẩn, và hít phải khí độc chúng ta có khỏe mạnh không? - Vậy muốn cho môi trường xanh sạch đẹp chúng ta cần làm gì? GV hướng cho học sinh tổ chức một buổi lao động dọn vệ sinh môi trường. Bước 2: Lập kế hoạch - GV giúp học sinh lựa chọn địa điểm, thời gian, kế hoạch thực hiện, lựa hoạt động phù hợp với các em như: Quét dọn sân trường, đường làng ngõ xóm,..., sau đó các em ghi chép đầy đủ kế hoạch để thực hiện. Bước 3: Công tác chuẩn bị thực hiện - Cán sự lớp liên hệ địa điểm, phân công chuẩn bị, phân công các bạn đem dụng cụ cho buổi lao động. Bước 4: Tổ chức thực hiện Giáo viên cùng học sinh tham gia hoạt động như đã chuẩn bị Bước 5: Đánh giá kết quả thực hiện: Sau các hoạt động trải nghiệm, thực hành dọn vệ sinh môi trương giáo viên để học sinh tự nhận xét và phát biểu cảm tưởng khi tham gia hoạt động này. Qua đó giáo viên muốn hướng cho học sinh tham gia dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm vào chiều chủ nhật hàng tuần với thôn xóm nơi các em sinh sống. Cũng qua đó nhắc nhở các em vứt rác đúng nơi quy định, và luôn luôn có ý thức giữ gìn môi trường xanh – sạch- đẹp. ( Các em học sinh lớp 3B quét dọn đường, thu gom túi ni lon làm cho môi trường xanh sạch đẹp- Như hình 3 phần phụ lục) 3.2.6. Hoạt động : Trải nghiệm với chiếc xe đạp Hoạt động này thực hiện vào tuần 17, sau bài học “An toàn khi đi xe đạp”. 12 Mục tiêu: Nhằm giúp học sinh biết về các bộ phận của chiếc xe đạp, biết được cách lắp xích xe khi bị tuột, và xe như thế nào là bị hỏng để các em biết nói cho bố mẹ đem đi sửa. Qua hoạt động này cũng giáo dục các em biết tham gia giao thông bằng xe đạp một cách an toàn. Cách tiến hành: Bước 1. Xây dựng nội dung, hình thức: Cuối tiết học thứ 33 của môn tự nhiên xã hội, giáo viên muốn cho các em biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống thì giáo viên cần gợi ý để xây dựng ý tưởng: Gợi ý: - Các em ạ, các em biết đi xe đạp chưa? - Các em biết các bộ phận của chiếc xe đạp chưa? - Khi xe đạp như thế nào là bị hỏng không chạy được? - Các em có muốn trải nghiệm với chiếc xe đạp không? - Vậy muốn được an toàn khi đi xe đạp chúng ta sẽ tổ chức một buổi trải nghiệm cùng chiếc xe đạp nhé. Bước 2. Lập kế hoạch - GV giúp học sinh lựa chọn địa điểm, thời gian, kế hoạch thực hiện, sau đó các em ghi chép đầy đủ kế hoạch để thực hiện. Bước 3. Công tác chuẩn bị thực hiện - Chuẩn bị mỗi em một chiếc xe đạp. - Giáo viên cũng một chiếc xe đạp, 1 mỏ-léc, cờ – lê. Bước 4. Tổ chức thực hiện Giáo viên cùng học sinh tham gia hoạt động như này như sau: - GV cho học sinh quan sát chiếc xe đạp và chỉ cho học sinh biết các bộ phận của chiếc xe đạp, cách lắp xích xe khi bị tuột, xe như thế nào là không đi được để giữ an toàn. - Học sinh thay nhau lắp xích xe đạp để nắm vững cách lắp xích xe đạp khi bị tuột. - Giáo viên hướng dẫn học sinh cách kiểm tra xe trước khi tham gia giao thông: Khi tham gia giao thông bẳng chiếc xe đạp cần kiểm tra phanh xem có ăn không? Lắc vành xe xem có còn chắc chắn không, xăm lốp có đảm bảo không? Nan hoa còn đủ không? Ghi đông xe còn chắc chắn không? Bàn đạp còn đạp cho xe chậy được không?... Đi xe đạp thì đi phần đường bên phải, không dàn hàng ngang trên đường, không lạng lách đánh võng, không đi một tay, khi qua đường cần nhìn trước sau có an toàn không mới qua... - Sau đó giáo viên cùng cả lớp tham gia giao thông bằng chiếc xe của mình. Bước 5: Đánh giá kết quả thực hiện: Sau các hoạt động trải nghiệm, thực hành cả lớp đánh giá về hoạt động từ khâu chuẩn bị đến cách tổ chức sau đó các em rút ra được bài học kinh nghiệm. (Một buổi trải nghiệm cùng chiếc xe đạp của các em học sinh – Hình 4 phần phụ lục) 3.2.7. Trải nghiệm trang trí lớp thân thiện với môi trường: Ngay từ đầu năm học, cần tổ chức cho các em hoạt động này để cho các em yêu quý lớp của mình hơn. 13 Mục tiêu: Giúp học sinh biết cách trang trí lớp học của mình đẹp, thân thiện với môi trường. Qua đó hình thành cho các em thói quen trồng, chăm sóc cây cảnh, óc thẩm mĩ về trang trí nội thất. Cách tiến hành: Bước 1: Xây dựng ý tưởng: GV cho học sinh tự thảo luận để đưa ra một ý tưởng về trang trí lớp học của mình. Chẳng hạn như: - Lớp học thân thiện với môi trường là lớp học như thế nào? (Sạch sẽ, có cây xanh, ...) - Cây xanh được đặt ở đâu và trồng vào đồ vật gì vừa không mất tiền mua, vừa đẹp lại vừa bảo vệ môi trường?...(HS đưa ra các ý tưởng: Treo cử sổ, đặt chậu ở các góc lớp,..). - Giáo viên hướng các em cách trang trí lớp bằng các chậu hoa, bình hoa các em tự trồng và chăm sóc hằng ngày... Bước 2. Lập kế hoạch - GV giúp học sinh lựa cách trang trí, thời gian, kế hoạch thực hiện, sau đó các em ghi chép đầy đủ để thực hiện. Bước 3. Công tác chuẩn bị thực hiện - Chuẩn bị hai em một vỏ chai cô ca đã uống hết nước hoặc một đốt luồng phao, hay một chậu nhựa đã bị thủng để trồng hoa mười giờ, cây cảnh vào đó. - Mỗi em đem một ít cây hoa, cây cảnh để trồng. Bước 4. Tổ chức thực hiện Giáo viên cùng học sinh tham gia hoạt động như này như sau: - GV cho học sinh trồng hoa vào những chai cô ca, khúc luồng, chậu thủng, sau đó treo ở cửa sổ lớp, đặt chậu cây ở các góc của lớp. - Giáo viên hướng dẫn các em cách chăm sóc cây của mình, giao nhiệm vụ cho các em chăm sóc . Bước 5: Đánh giá kết quả thực hiện: - Sau các hoạt động trải nghiệm, thực hành cả lớp đánh giá về hoạt động từ khâu chuẩn bị đến cách tổ chức sau đó các em rút ra được bài học kinh nghiệm. - Nêu cảm nhận của các em về hoạt động này. (Một buổi trải nghiệm trang trí lớp học thân thiện với môi trường của các em học sinh lớp 3B- Hình 5 phần phụ lục) 3.2.8. Hoạt động trải nghiệm: Em là người nông dân Mục tiêu: - Thông qua hoạt động này nhằm giúp học sinh hiểu được giá trị của người lao động và thành quả của lao động, hiểu được sự vất vả của người nông dân. Từ đó các em thêm yêu lao động, yêu quý và kính trọng người lao động. - Ngoài ra thông qua hoạt động này giáo viên còn hướng nghiệp cho các em. Cách tiến hành: Bước 1. Xây dựng nội dung, hình thức: Giáo viên có thể gợi ý nhiều cách để học sinh xây dựng ý tưởng như sau: - Bố mẹ, ông bà của các em làm nghề gì? (Làm nghề nông?...) 14 - Công việc của người nông dân là làm những việc gì? - Các em có muốn trải nghiệm một buổi là nông dân không? Và các em thích làm gì? (Trồng rau, chăm sóc rau) Bước 2. Lập kế hoạch: GV cần hướng dẫn cho học sinh xây dựng một kế hoạch cụ thể. Chẳng hạn: Các em cần phải định hình những công việc cần làm làm là gì ? Những ai thực hiện ? Cần có sự giúp đỡ của ai ở trong hoặc ngoài nhà trường ? Thực hiện hoạt động này ở đâu? Ai là người liên hệ địa điểm thực hành trải nghiệm? Học sinh phải ghi rõ kế hoạch trong vở theo trình tự về nội dung, hình thức, công tác chuẩn bị, thời gian, địa điểm, đối tượng tham gia,... Bước 3. Chuẩn bị: Trong quá trình học sinh thực hiện bước này, giáo viên cần theo dõi, giúp đỡ học sinh việc chuẩn bị đầy đủ phục vụ cho hoạt động. Bước 4. Tổ chức thực hiện Học sinh tiến hành buổi trải nghiệm mình là nông dân như dự kiến. Trong quá trình các em thực hiện, giáo viên cần hướng dẫn các em về kỹ thuật trồng và chăm sóc rau,...GV cần quan tâm đến những tình huống nảy sinh và sự sáng tạo trong cách giải quyết của các em Bước 5. Đánh giá kết quả thực hiện. - Sau hoạt động các em ngồi lại để đánh giá kết quả. Nội dung đánh giá phải được tổng hợp lại từ việc xây dựng ý tưởng đến tất cả các bước tổ chức thực hiện; kết quả công việc và ý nghĩa của nó; những bài học kinh nghiệm về mọi mặt. - Nêu cảm nhận của các em về hoạt động này. (Một buổi trải nghiệm trồng và chăm sóc rau của học sinh lớp 3B- Hình 6 phần phụ lục) 3.2.9. Hoạt động trải nghiệm: Em là bác sĩ Mục tiêu: Giúp học sinh hiểu được công việc của nghề bác sĩ là như thế nào. Qua đó các em có thể hiểu được những công việc, nổi vất vả của người lao động trí óc là như thế nào để các em có kiến thức viết được bài văn của tuần 21,22: Nói, viết về người lao động trí óc. Ngoài ra thông qua hoạt động này còn hướng nghiệp cho các em. Cách tiến hành: Bước 1. Xây dựng nội dung, hình thức: Giáo viên có thể gợi ý nhiều cách để học sinh xây dựng ý tưởng như sau: - Người hay khám và chữa bệnh cho ta là ai? - Công việc của bác sĩ là làm những gì? - Các em có thích nghề bác sĩ không? - Các em có muốn trải nghiệm một buổi là bác sĩ không? Bước 2. Lập kế hoạch: GV cần hướng dẫn cho học sinh xây dựng một kế hoạch cụ thể. Giáo viên cùng cán sự lớp đến trạm xá để liên hệ địa điểm, mượn trang phục giúp cho cả lớp ... Bước 3. Chuẩn bị thực hiện Giáo viên cần hướng dẫn học sinh chuẩn bị đầy đủ cho hoạt động này. 15 Bước 4. Tổ chức thực hiện Học sinh tiến hành buổi trải nghiệm mình là bác sĩ như dự kiến. Trong quá trình các em thực hiện, giáo viên cần giúp đỡ và theo dõi. GV cần quan tâm đến những tình huống nảy sinh và sự sáng tạo trong cách giải quyết của các em. Bước 5. Đánh giá kết quả thực hiện. Sau hoạt động các em ngồi lại để đánh giá kết quả. Nội dung đánh giá phải được tổng hợp lại từ việc xây dựng ý tưởng đến tất cả các bước tổ chức thực hiện; kết quả công việc và ý nghĩa của nó; những bài học kinh nghiệm về mọi mặt. ( Buổi trải nghiệm: Em là bác sĩ của học sinh lớp 3B - Hình 7 phần phụ lục) 3.2.10. Hoạt động trải nghiệm, thực hành: Em là nhà khoa học Trong nhiều năm dạy học, tôi nhận thấy học sinh lớp 3,4,5 nhớ lẫn lộn các công thức tính chu vi, diện tích hình vuông, hình chữ nhật. Bởi vậy tôi đã nghĩ ra cho học sinh học theo phương pháp bàn tay nặn bột: Học từ trải nghiệm các thí nghiệm, các hoạt động thực hành để các em nắm vững kiến thức và khắc sâu kiến thức hơn. Mục tiêu: Thông qua việc làm thực hành các thí nghiệm hình thành cho các em kiến thức mới và giúp các em nắm vững kiến thức mà không bị quên và bị lẫn lộn. Thông qua hoạt động này cũng hình thành cho các em kỹ năng phân tích, phán đoán, lắng nghe, cách trình bày, tổng hợp, tính toán... Cách tiến hành: Hoạt động này tôi tổ chức gắn liền với các bài học môn Tự nhiên xã hội, môn Toán thông qua phương pháp dạy học mới: Bàn tay nặn bột. Các tiết học Toán: Chu vi, diện tích hình chữ nhật, hình vuông. - Đối với dạng bài học tính chu vi: Bước 1: Tôi cho học sinh ra sân trường, đi xung quanh theo 4 cạnh của hình vuông, hình chữ nhật(tôi đã vẽ sẵn trước). Khi tất cả các em được đi xung quanh hình vuông, hình chữ nhật đó rồi tôi khẳng định ngay cho học sinh biết các em đang đi trên đường chu vi của hai hình đó như vậy các em nắm vững được khái niệm về chu vi. Bước 2: Cho học sinh thực hành đo 4 cạnh các hình sau đó các em cộng lại xem đi hết xung quanh đó là được bao nhiêu mét. Bước 3: Sau đó cho học sinh vào lớp để tự hình thành quy tắc và công thức tính chu vi như sách giáo khoa từ cách đo ở sân trường. - Đối với dạng bài tính diện tích hình chữ nhật, hình vuông: Bước 1: Tôi cho học sinh sờ lên hết mặt bàn học, tờ giấy và nói cho các em biết đó chính là diện tích của mặt bàn, tờ giấy. Bước 2: Cho học sinh ngồi học trực tiếp trong lớp thực hành kẻ ô vuông có cạnh 1cm trên tờ giấy để các em đếm số ô vuông xem bề mặt tờ giấy đó các em kẻ được bao nhiêu ô vuông. Và khẳng định cho học sinh biết diện tích của tờ giấy là bao nhiêu xăng ti mét vuông. Bước 3: Từ đếm số ô vuông tôi hướng dẫn học sinh tính diện tích các hình theo hướng của sách giáo khoa. 16 Bước 4: Sang bước thực hành tính tôi cho học sinh làm các bài tập trong sách giáo khoa đến tiết tăng giờ tôi cho học sinh thực hành đo, tính diện tích sân trường, thửa ruộng gần trường để các em nhớ công thức tính diện tích và biết ứng dụng vào cuộc sống. - Đối với môn Tự nhiên và xã hội: dạy bài 48: “Quả” theo phương pháp bàn tay nặn bột cũng là hoạt động trải nghiệm thực hành. Thông qua việc trải nghiệm quan sát, cắt các loại quả, hạt các em nắm vững các bộ phận thường có của quả, hạt. 3.2.11. Hoạt động tham quan: Hoạt động này kết hợp với tiết tự nhiên xã hội tuần 29: Thực hành đi thăm thiên nhiên. Mục tiêu: Thông qua hoạt động này giúp học sinh nắm vững các bộ phận bên ngoài của các cây, con vật các em đã được học các bài về thực vật và động vât. Ngoài ra còn giúp các em biết mô tả về cảnh vật em được nhìn thấy để các em làm tốt bài văn nói, viết về một cảnh đẹp ở địa phương em. Cũng qua đó hình thành cho các em kỹ năng tự phục vụ, tự quản. Cách tiến hành: Giáo viên cũng hướng dẫn học sinh tiến hành các bước như các hoạt động trên. 4. KẾT QUẢ SAU KHI ÁP DỤNG SÁNG KIẾN Trong suốt năm học thầy trò chúng tôi đã cố gắng không biết mệt mỏi và kết quả kiểm tra của phòng giáo dục cũng như của nhà trường trong tháng 3, năm học 2017 – 2018 đạt được như sau: +Môn Toán, Tiếng Việt : Các môn khảo sát Hoàn thànhTốt Hoàn thành Chưa hoàn thành Toán 7 15 1 Tiếng Việt 8 14 1 + Năng lực, phẩm chất Tên các kỹ năng và phẩm chất Kỹ năng tự phục vụ, tự quản Kỹ năng giao tiếp, hợp tác Kỹ năng tự học tự GQVĐ Chăm học, chăm làm Tự chịu trách nhiệm Trung thực kỉ luật Đoàn kết yêu thương Tốt Đạt 15 15 15 18 15 18 18 8 8 8 5 8 5 5 Cần cố gắng 0 0 0 0 0 0 0 + Kết quả tham gia các hoạt động khác: Học sinh lớp tôi đã mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động của trường cũng như của phòng Giáo dục đề ra. Chẳng hạn trong năm học này, phòng Giáo dục và Đào tạo Quan Hóa phát động 17 phong trào Vở sạch chữ đẹp và đã tổ chức triễn lãm chữ đẹp vào cuối tháng 3 vừa qua. Lớp tôi là lớp ở khu lẻ cách xa trung tâm 6 km đường, nhưng các em vẫn tích cực đăng kí tham gia Vở sạch chữ đẹp cấp trường 100% . Lớp đã lựa chọn tham gia triễn lãm chữ đẹp cấp huyện 7/23 học sinh đạt: 30,43%. + Các kỹ năng sống : Thông qua các hoạt động trải nghiệm thực hành đã hình thành cho các em đầy đủ các kỹ năng như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng phó với các tình huống khó khăn, kỹ năng thể hiện sự tự tin, kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề .... Hầu hết các em kể cả 3 em học sinh hòa nhập cũng đều có đủ các kỹ năng để thích nghi với cuộc sống hiện tại hơn. Các em đi học chuyên cần hơn, đặc biệt là các em ở bản Lớt, bản Giồi ở xa trường cũng không còn nghỉ học vô lí do nữa. Còn gần hai tháng nữa là kết thúc năm học, với tinh thần cố gắng của học sinh cả lớp và cô giáo chủ nhiệm, tôi hy vọng lớp tôi đạt được kết quả như mong muốn để xứng đáng là một lớp tiến tiến của trường chuẩn Quốc gia. III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1.Kết luận: Qua gần một năm thực hiện tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực hành ở vùng đặc biệt khó khăn, tôi nhận thấy muốn tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm, thực hành giáo viên cần làm tốt các vấn đề sau: - Các em học sinh miền núi vùng đặc biệt khó khăn thường nhút nhát vì vậy giáo viên nên để cho các em được tham gia đầy đủ vào các bước từ khâu xây dựng nội dung đến lập kế hoạch, đến tổ chức... sẽ giúp hình thành và rèn luyện các phẩm chất năng lực cần thiết: năng lực tổ chức, năng lực giao tiếp, tự giải quyết vấn đề vv… - Hoạt động trải nghiệm, vận dụng thực hành có nội dung rất đa dạng và mang tính tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực học tập và giáo dục. Vì thế giáo viên cần tổ chức bằng nhiều hình thức, phương pháp dạy học khác nhau để có hiệu quả cao. - Giáo viên chủ nhiệm nên chủ động phối hợp với các lực lượng giáo dục khác đê họ giúp đỡ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính vụ cho hoạt động của các em. - Để tổ chức được các hoạt động trải nghiệm thực hành có hiệu quả thì giáo viên chủ nhiệm cần tham mưu với ban giám hiệu nhà trường để lên kế hoạch cụ thể từ đầu năm học cho lớp mình. Có như vậy chất lượng học tập mới có hiệu quả cao. 2. Kiến nghị: 2.1. Đối với nhà trường - Đề nghị với nhà trường cần có kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngay từ đầu năm học và hỗ trợ về tinh thần, kinh phí, tài liệu tham khảo để học sinh toàn trường có thể được tham gia các hoạt động trải nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. 2.2. Đối với giáo viên - Đề nghị giáo viên chủ nhiệm bám sát kế hoạch của nhà trường, nghiên cứu về tình hình lớp, tình hình địa phương để lên kế hoạch cho học sinh của lớp 18 mình tham gia các hoạt động trải nghiệm góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục của lớp mình. - Tôi đề nghị với tổng phụ trách cần lên kế hoạch hoạt động trải nghiệm cho các đội viên và phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổ chức các hoạt động trải nghiệm đạt hiệu quả cao. Do bản thân còn nhiều hạn chế cho nên đề tài còn nhiều thiếu sót, tôi rất mong đồng nghiệp góp ý kiến bổ sung để tôi có nhiều kinh nghiệm trong dạy học. XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ Thiên Phủ, ngày 5 tháng 4 năm 2018 Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết, không sao chép nội dung của người khác. Người viết (Ký và ghi rõ họ tên) Phan Thị Yến 19 TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI 2. Dự thảo Nội dung CT GDPT mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 3. Sách giáo khoa lớp 3. 4. Tài liệu hướng dẫn Tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh Tiểu học.- Tác giả Nguyễn Thị Chi- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 5. Hoạt động ngoài giờ lên lớp có nội dung Thân thiện với môi trường.- Tác giả: Ngô thị Tuyên - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan