Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ tài liệu rừng ngập mặn...

Tài liệu tài liệu rừng ngập mặn

.PDF
45
70
135

Mô tả:

tài liệu rừng ngập mặn
- Cần có các nghiên cứu đầy đủ để đánh giá vai trò của thảm cỏ biển đối với môi trường được một cách toàn diện hơn nữa. 4. Các tác động của con người đến các hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển Trong những năm gần đây sức ép của sự tăng nhanh dân số, phát triển kinh tếxã hội, quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hợp lý ở Khánh Hòa đã đe dọa thật sự đến các tài nguyên và môi trường biển. Các hệ sinh thái vùng ven bờ đang đứng trước các nguy cơ bị hủy hoại, suy thoái hoặc mất cân cân bằng sinh thái, giảm sút nguồn lợi và tính đa dạng sinh học gây nên những ảnh hưởng xấu cho mọi chiến lược bảo vệ, khai thác bền vững và phát triển kinh tế biển. Rừng ngập mặn và thảm cỏ biển ở Khánh Hòa vẫn còn chưa được điều tra, nghiên cứu một cách hệ thống, đầy đủ, trong khi đó những họat động kinh tế- xã hội vùng ven bờ như xây dựng đường xá, cơ sở hạ tầng, phát triển làng mạc, gia tăng dân số, xây dựng ao đìa nuôi tôm thiếu quy hoạch… đang diễn ra nhanh chóng đã làm mất đi nhiều diện tích rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và đang đe dọa suy thóai các hệ sinh thái biển nói chung. Vùng ven biển tỉnh Khánh Hòa gồm 5 huyện, thành phố, thị xã: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm, Cam Ranh là nơi phân bố của rừng ngập mặn và thảm cỏ biển. Báo cáo nêu lên bức tranh hiện trạng kinh tế- xã hội ở các huyện ven biển và những tác động của chúng lên hệ sinh thái rừng ngập mặn và thảm cỏ biển. 4.1. Huyện Vạn Ninh Diện tích tự nhiên của huyện Vạn Ninh là 550 km 2, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 256 km2, diện tích đất phi nông nghiệp là 28 km2 và diện tích chưa sử dụng 266 km 2. Toàn huyện Vạn Ninh có 11 xã và 1 thị trấn gồm khu, ấp , thôn với 26.055 hộ dân và 126.841 nhân khẩu. Tổng số lao động trong độ tuổi hiện nay 63.400 người, chiếm 50% dân số. Các dải rừng ngập mặn và thảm cỏ biển quan trọng thấy phân bố ở xã Vạn Thọ và xã Vạn Hưng. Nhìn chung, kinh tế huyện Vạn Ninh vẫn là kinh tế nông, ngư nghiệp là chủ yếu, tỷ trọng ngành nông-lâm-ngư nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm của huyện ngày càng cao. Trong những năm qua, các ngành kinh tế đều có sự tăng trưởng, trong đó ngành thuỷ sản vẫn là ngành có hiệu quả kinh tế cao và tốc độ tăng trưởng nhanh, ổn 91 định. Tỷ trọng giá trị sản xuất của các ngành nông nghiệp và thuỷ sản vẫn giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của huyện và tiếp tục có xu hướng tăng lên trong cơ cấu kinh tế của toàn huyện. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2008 thực hiện được 929,05 ha, thả nuôi 1.200 ha đìa tôm, sản lượng 2.500 tấn. Kinh tế công nghiệp chỉ chiếm khoảng 20% giá trị gia tăng toàn huyện, tốc độ tăng trưởng rất chậm. Đa số cơ sở các doanh nghiệp thuộc loại nhỏ, sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tại chỗ là chính. 4.1.1. Xã Vạn Thọ Xã Vạn Thọ nằm ở phía Bắc huyện Vạn Ninh. Tổng diện tích tự nhiên là 2.132,34 ha, 1.109 hộ dân cư với 4.685 nhân khẩu. Ngành nông nghiệp của xã Vạn Thọ luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong cơ cấu kinh tế, là nguồn sống cơ bản của cộng đồng dân cư. Kết quả điều tra cũng ghi nhận có 60% hộ gia đình trong xã sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm), số còn lại sống nhiều nghành nghề khác nhau (chăn nuôi, buôn bán…). Điều kiện đời sống người dân tại thôn còn khó khăn như: thu nhập thấp, nhà vệ sinh chưa có, rác sinh hoạt chưa được thu gom đúng nơi quy định. Trong năm 2008, toàn xã đưa vào sản xuất 100 ha đìa nuôi với giống chủ lực là tôm sú chân trắng, trong vụ 1/2008 đạt 4,5 tấn/ha, vụ 2/2008 đưa vào sản xuất chỉ có 90 ha nuôi tôm sú chân trắng còn lại khoảng 10 ha nuôi các loại thuỷ sản khác, năng suất bình quân vụ 1/2008 đạt 4,5 tấn/ha. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2008 đưa vào sản xuất 02 vụ là 190 ha, năng suất bình quân 4,4 tấn/ha, sản lượng ước đạt 800 tấn, tăng hơn năm 2007 là 48 tấn nhưng lãi không cao, ngoài ra còn có 25 lồng nuôi tôm hùm. Tổng số thuyền, xuồng chèo đánh bắt thủy sản khoảng 100 chiếc với sản lượng 45 tấn cá các loại, 75 tấn sò các loại, 5,4 tấn sá sùng, 4,8 tấn tôm tự nhiên. - Đánh giá các tác động đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển tại thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh: Theo báo cáo của các ngành và UBND huyện Vạn Ninh năm 2002, diện tích rừng ngập mặn khu vực Tuần Lễ còn khoảng 11 ha, trong đó có 7 ha rừng bần và 4 ha rừng Đước; có 92 đìa nuôi tôm của 88 hộ dân, chiếm 3,06 ha. Đã có 59/88 hộ cất nhà tạm và các hộ này đã tự làm 27 đường cắt ngang dọc để đi đến các đìa, làm chia cắt và 92 ngăn cách nước thủy triều ra vào, phá hủy điều kiện sống của cây Đước, cây bần. Bên cạnh đó, một số người dân do thiếu hiểu biết hoặc thiếu ý thức, nên trong quá trình san ủi, nạo vét, xúc đất làm đìa đã phá hủy bộ rễ chùm (chu vi lan tỏa xung quanh khoảng 50 m) của cây; chặt cành, ngọn cây làm mũi ghe... dẫn đến diện tích rừng ngập mặn tại đây ngày càng bị thu hẹp, số cây bần, cây Đước lâu năm ngày càng ít. Qua cuộc điều tra năm 2008 cho thấy, diện tích rừng ngập mặn ở địa phương bị giảm so với 10 – 15 năm trước đây, hiện cây ngập mặn chủ yếu còn lại là cây bần. Nguyên nhân chính là do triệt phá cây ngập mặn để đào ao nuôi tôm và lấn chiếm để xây dựng nhà ở trái phép trên rừng ngập mặn làm thay đổi diện mạo địa hình, làm dòng nước mặn dẫn vào khu rừng bị hạn chế. Nhiều cây cổ thụ và lâu năm đã chết, khả năng phục hồi tái tạo cực kỳ khó khăn. Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khác như: do thiên tai làm gãy cây, chất thải từ việc nuôi tôm làm ô nhiễm môi trường… Hiện nay, người dân đang dần ý thức được lợi ích của rừng ngập mặn qua kinh nghiệm sống lâu năm ở đây cùng với sự tuyên truyền nhắc nhở của chính quyền địa phương xã. Cuộc điều tra cho biết, hầu hết các hộ dân ở đây dùng các công cụ đánh bắt như các loại nhá (bẫy), cào bằng tay hoặc bằng máy, dùng cuốc để đào các loại sá sùng, sò ốc mà phần lớn khai thác trong thảm cỏ biển làm cho cỏ biển chết dần do bị dẫm nát hay bị bật gốc. 4.1.2. Xã Vạn Hưng Tổng diện tích gieo trồng thực hiện 698 ha. Diện tích nuôi tôm hẹ chân trắng 55 ha, sản lượng 67,9 tấn. Tôm hùm bệnh sữa vẫn còn, tuy nhiên do giá giống thấp nên nhân dân thả nuôi khoảng 90.000 con với 2.800 lồng, sản lượng thu hoạch khoảng 60 tấn. Với diện tích 105,66 ha rừng trồng thực hiện chương trình 743 các năm trước phát triển tốt. Bên cạnh đó, công tác phòng cháy rừng và kế hoạch bảo vệ lâm sản triển khai rất tốt. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp sử dụng đất sai mục đích. Tập trung giải quyết các trường hợp san ủi, cày phá và lấn chiếm đất lâm nghiệp tại khu vực Đồng Bà Chẹo đúng theo thẩm quyền. Thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình khai thác tài nguyên-khoáng sản. Chú trọng công tác bảo vệ, quản lý môi trường sinh thái. 93 Kết quả điều tra cũng nghi nhận được, hơn 80% người dân trong thôn sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản (85% nuôi tôm hùm,12% nuôi tôm sú, 3% nuôi các loài khác), và hầu hết các hộ gia đình đều có 2 đến 3 nghề kiếm sống, điều kiện đời sống của thôn tương đối khá giả đa số các hộ gia đình có nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn, rác thải được thu gom đúng nơi quy định. Tuy nhiên, nước thải sinh hoạt của người dân trong thôn còn thải trực tiếp ra biển hoặc tự thấm, ít hộ gia đình xây dựng bể tự hoại. - Đánh giá các tác động đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển tại thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh: Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền và phối hợp với các tổ chức hoạt động thông qua các dự án (MCD), khu bảo tồn biển để bảo vệ và quản lý rừng ngập mặn và các tài nguyên biển khác (Rạn san hô, thảm cỏ biển) một phần là do diện tích rừng còn ít, nguồn lợi từ rừng cũng không còn. Người dân khu vực thôn Xuân Tự đều cho biết diện tích rừng ngập mặn ở địa phương giảm đi rất nhiều, hiện chỉ còn cây Sú và Mắm là chủ yếu. Nguyên nhân chính là nuôi trồng thủy sản, mở rộng đất đô thị, bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác như: Chặt phá rừng làm đìa, quai đê lấn biển, ô nhiễm môi trường nước do thức ăn, thuốc phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản, bão làm gãy cây… Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở 2 xã khảo sát thuộc huyện Vạn Ninh diện tích rừng ngập mặn đã không còn là một cánh rừng mà chỉ còn là những cụm cây bần, cây sú, cây Mắm… nằm xơ xác dọc trên những con đường xuống Đầm Môn, đường xuống Thôn Xuân Tự ra khu Bảo tồn Rạn Trào bên cạnh các đìa tôm, khu vực nhà dân. Sinh cảnh tại các cụm cây ngập mặn này là nước không lưu thông được nên tạo thành các tụ ao hồ hôi thối. Những cây bần cổ thụ hàng trăm năm tuổi thì đang từng ngày, từng giờ chờ chết dần đi mà không có khả năng hồi phục Hầu hết người dân cho rằng, diện tích thảm cỏ biển giảm đi là do các nguyên nhân sau: Ô nhiễm môi trường biển do thức ăn nuôi trồng thủy sản, dẫm đạp, đào, cào khi khai thác, đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt, neo đậu tàu thuyền tại khu vực có thảm cỏ biển. Điều đáng lo ngại, là không ít bộ phận người dân không hiểu hết tầm quan trọng của cỏ biển, do vậy họ không ý thức được hậu quả việc khai thác mang tính hủy diệt của mình. 94 4.2. Huyện Ninh Hòa Diện tích tự nhiên của huyện Ninh Hoà là 1.196 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 836 km2, diện tích đất phi nông nghiệp là 140 km2 và diện tích chưa sử dụng 220 km 2. Dân số trung bình năm 2006 là 232.541 người, mật độ trung bình là 194 người/ km2. Huyện Ninh Hoà là một huyện thuần nông, dẫn đầu toàn tỉnh về giá trị sản xuất nông nghiệp, tính đến 6 tháng đầu năm 2007, năng xuất cây công nghiệp hàng năm đạt giá trị cao nhất tỉnh; số trang trại nuôi trồng thuỷ sản, tổng thu nhập về kinh tế trang trại đạt mức cao về số lượng, giá trị. Với đường bờ biển dài, Ninh Hoà đã xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn, cả trong khai thác, nuôi trồng và tập trung khai thác những loại hải sản có giá trị kinh tế cao, khai thác cả 3 vùng biển (vùng lộng, vùng trung và vùng khơi xa). Sản lượng thuỷ sản trong năm 2005 đạt 270.337 tấn. Năm 1995 sản lượng khai thác mới chỉ đạt 45.883 tấn thì đến năm 2000 đã là 354.600 tấn. Huyện Ninh Hòa có 2 xã Ninh Hà và Ninh Ích có phân bố của cỏ biển 4.2.1. Xã Ninh Hà Sản lượng tôm sú đạt 250 tấn, tôm thẻ chân trắng 23 tấn. Nhìn chung đa số đìa đều nuôi có lãi tuy không cao nhưng xác định được hướng nuôi theo kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh nghề nuôi tôm sú, sản lượng vẹm xanh thu được trong năm 2008 là 80 tấn. Song song với việc nuôi tôm, vẹm, nhân dân tranh thủ nuôi cua ở vùng đìa xa nguồn nước ngọt, sản lượng cau nuôi thu hoạch được 48 tấn. Cùng với việc nuôi trồng thuỷ sản, UBND xã đã vận động bà con ngư dân tiếp tục phát huy nghề đánh bắt ven bờ đồng thời khai thác các nguồn thuỷ hải sản có tại Đầm Nha Phu. Kết quả trong năm sản lượng đánh bắt được 45 tấn cá, cua, ghẹ các loại. Khai thác trên 40 tấn rong biển giá trị trên 80 triệu đồng và gần 2 tấn trùn biển, giá trị 60 triệu đồng góp phần ổn định đời sống của nhân dân. Qua cuộc điều tra được biết, hầu hết các hộ dân sống trong khu vực này làm nghề biển. Đời sống kinh tế của người dân rất khó khăn. Hơn 95% hộ dân không có nhà vệ sinh, rác thải sinh hoạt chưa bỏ đúng nơi quy định, nước thải sinh hoạt đổ thẳng ra rừng ngập mặn - Đánh giá các tác động đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn tại thôn Tân Tế, xã Ninh Hà, huyện Ninh Hòa. 95 Hơn 80% người dân trong khu vực này cho là diện tích rừng ngập mặn tăng lên vì người dân không khai thác rừng ngập mặn. Nhưng theo quan sát thực tế thì diện tích rừng tại đây còn rất ít, chỉ còn là những cụm rừng ngập mặn đa số là những cây Đước, xung quanh khu vực này rất nhiều đìa nuôi trồng thủy sản. 4.2.2. Xã Ninh Ích Khai thác tôm hùm giống năm 2008 được mùa nhưng thu nhập thấp vì giá rẻ. Tuy nhiên số lượng hộ đầu tư nuôi tôm hùm lồng tăng lên. Hiện nay toàn xã có 18 hộ nuôi Vẹm xanh có mức thu nhập tăng đáng kể. Diện tích nuôi tôm toàn xã là 250 ha, năng suất bình quân 22 tạ/ha, sản lượng 550 tấn. Tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản: 2.676 tấn. Hơn 85% người dân trong xã làm nghề nuôi trồng thủy sản, 12% làm biển và 3% còn lại làm nghề khác. Đời sống kinh tế người dân tương đối khá giả nhưng rác thải sinh hoạt của người dân vẫn chưa được thu gom đúng quy định, 40% hộ gia đình vẫn chưa có nhà vệ sinh, nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra biển hoạt tự thấm - Đánh giá các tác động đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn tại tại thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa Sau 1975 có khoảng 200 ha rừng ngập mặn, chủ yếu là cây sú, Mắm, Đước. đến năm 1984 – 1985, do phong trào nuôi tôm phát triển mạnh, nên phá rừng ngập mặn để làm đìa nuôi tôm. Vài năm sau đó, tôm nuôi bị dịch bệnh chết hàng loạt, người dân chuyển sang nuôi cá, cua, một số hộ để đìa hoang. Trong khoảng 4 – 5 năm gần đây, ý thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn, lãnh đạo các Sở, Ngành, địa phương đề ra kế hoạch và triển khai quy hoạch phân vùng quản lý, khôi phục, bảo vệ và phát triển trồng rừng ngập mặn. Trong thời gian này, cùng với người dân trên địa bàn xã đã trồng được 4 – 5 ha. Đầu năm 2006, kết hợp với dự án hỗ trợ của Nhật trồng thêm 2 ha, trong năm 2008 trồng thêm 3 ha, đầu năm 2009 đến nay, trên địa bàn xã diện tích trồng rừng ngập mặn tăng lên 7 ha (hình 48). Hiện nay, người dân đang dần có ý thức trong việc gìn giữ, bảo vệ rừng ngập mặn vì nó góp phần mang lại thu nhập cá nhân cho chính họ. Một lý do nữa là sự tuyên truyền của chính quyền địa phương và các cấp có thẩm quyền trong việc giáo dục và nâng cao ý thức của người dân từ các dự án hợp tác trồng rừng ngập mặn với Nhật. 96 Hình 48: Người dân xã Ninh Ích tham gia trồng rừng ngập mặn. 4.3. Thành phố Nha Trang Thành phố Nha Trang với tổng diện tích 251km2, trong đó đất nông nghiệp là 65km2, đất phi nông nghiệp là 64 km2, đất chưa sử dụng là 122km2. Toàn thành phố có 8 xã và 19 phường, với tổng số dân là 361.454 người. - Giá trị sản xuất công nghiệp-TTCN trên địa bàn (giá cố định năm 1994) ước đạt 6.866 tỷ đồng. - Nông nghiệp: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 2.430 ha - Lâm nghiệp: Triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2008, thành phố đã phân bổ kế hoạch đến các tổ chức, hộ gia đình và đã trồng 50.000 cây phân tán, chủ yếu là cây keo lá tràm. Công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý lâm sản tại các cơ sở chế biến, vận chuyển lâm sản trên các trục lộ giao thông được duy trì thường xuyên. - Thuỷ sản: Sản lượng khai thác hải sản ước cả năm đạt 36.822 tấn,. Tôm thịt đã thả nuôi được 200 ha, với sản lượng thu hoạch ước đạt 254 tấn. Các trại sản xuất tôm giống hoạt động ổn định, đến nay đã xuất được 280 triệu con tôm post. Rừng ngập mặn ở thành phố Nha Trang sẽ được tập trung vào phường Phước Long. Phường Phước Long có diện tích 435,5 ha, chia thành 24 tổ dân phố với tổng số hộ là 5.258, tổng số nhân khẩu 21.680 khẩu. Qua điều tra trên địa bàn phường Phước Long, có 50% người dân sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, 30% người dân sống bằng nghề buôn bán thủy sản, 20% người dân sống bằng nghề tự do, làm công nhân ở các xí nghiệp, công ty ở khu công nghiệp Bình Tân. Cũng qua triều tra được biết thêm, khoảng 70% hộ dân không xây dựng nhà vệ sinh, chất thải trực tiếp 97 thải ra môi trường, nước thải sinh hoạt, rác thải sinh hoạt cũng không thu gom mà vứt bỏ tùy tiện hoặc tự xử lý bằng cách đốt. Khu vực rừng ngập mặn được thực hiện nghiên cứu, điều tra, phỏng vấn tiếp giáp với hạ lưu sông Tắc (sông Đồng Bò) đổ ra biển. Sông Tắc chính là nguồn cấp nước cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản của người dân trong khu vực này. Sông này thường bị xâm nhập mặn sâu vào trong nội đồng do triều cường từ biển. Đây là khu vực nơi giao thoa giữa sông và biển. Chính vì vậy, khu vực này thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Điểm đặc biệt, khu vực rừng ngập mặn được thực hiện nghiên cứu, điều tra, phỏng vấn nằm hoàn toàn trong dự án “Khu đô thị mới Phước Long, phường Phước Long, Nha Trang” (50ha), dự án do công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và đô thị Nha Trang làm chủ đầu tư. - Đánh giá các tác động đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn phường Phước Long, thành phố Nha Trang Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường “Khu đô thị mới Phước Long, phường Phước Long, Nha Trang” (50 ha) thì chất lượng môi trường nước biển ven bờ được đánh giá như sau: tình hình chất lượng nước biển ven bờ tại khu vực phường Phước Long đã biểu hiện ô nhiễm. Các thông số TSS, Fe, dầu mỡ và Coliform vượt giới hạn cho phép khá nhiều lần, đặc biệt giá trị Coliform khá cao (từ 11- 46 lần), cao nhất tại điểm cầu gỗ tổ 2, khóm Phước Trung, phường Phước Long nguyên nhân do phần lớn hộ dân sống trong khu vực gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Ngoài ra, nước thải từ các cơ sở chế biến thực phẩm, thuỷ sản chưa được xử lý triệt để cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường nước tại khu vực. Chỉ tiêu TSS đều vượt giá trị giới hạn cho phép từ 1,5- 4,6 lần. TSS tại vị trí cầu Bình Tân có giá trị cao nhất trong 03 vị trí. Chỉ tiêu Fe tại 032 điểm lấy mẫu đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,3-2,8 lần. Nguyên nhân trong nước có nồng độ kim loại tương đối cao là vì lưu vực tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất cơ khí trên thượng nguồn hoặc nguồn nước chảy qua các vùng đất có sự hiện diện tự nhiên của các nguyên tố này. Chất lượng nước dưới đất: khu đất dự án có vị trí gần cửa sông đổ ra biển và là vùng trũng nên khu đất bị nhiễm mặn do triều cường xâm nhập. Do đó, nguồn nước dưới đất khá hạn chế, người dân trong khu vực chủ yếu sử dụng nước mưa, nước sông cho các mục đích sinh hoạt, ăn uống. Qua kết chất lượng nước dưới đất trong khu vực 98 dự án cho thấy hầu hết các chỉ tiêu phân tích đều có giá trị thấp hơn Quy chuẩn QCVN 09:2008/BTNMT ngoại trừ các thông số: độ cứng (vượt 1,2-1,4 lần) SO42-, Clorua và Coliform. Trong đó, thông số Clorua và Coliform vượt Quy chuẩn khá nhiều lần. Qua đó có thể kết luận nước ngầm tại khu vực dự án hiện đang bị nhiễm khuẩn Coliform do nước thải sinh hoạt từ các hộ dân trong khu vực không được xử lý thải ra môi trường, lâu ngày tích tụ và xâm nhập vào nước ngầm gây ô nhiễm; ngoài ra chất lượng nước dưới đất trong khu vực còn bị nhiễm mặn, nhưng chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm kim loại nặng. Trong khu vực chưa có hệ thống thoát nước mưa, nước mưa thoát trên nền tự nhiên hoàn toàn (theo các mương, đìa, ruộng và chảy ra sông Quán Trường). Khu vực cũng chưa có hệ thống thoát nước thải. Nước thải trong các hộ dân vừa thải ra môi trường tự nhiên và vừa thu vào hầm bán tự hoại và cho thấm tại chỗ. Hình 49: Đổ đất san nền xây dựng khu dân cư trong khu vực có cây ngập mặn, phường Phước Long. 99 Hình 50: Những hồ ươm tôm giống bị bỏ hoang trong khu vực có cây ngập mặn Đa số người dân sinh sống tại khu vực có rừng ngập mặn đều cho biết diện tích rừng ngập mặn giảm rất nhiều so với trước đây, nguyên nhân chính chủ yếu do nuôi trồng thủy sản (phong trào nuôi tôm công nghiệp) đã nhanh chóng biến rừng ngập mặn thành những đìa nuôi tôm. Thêm vào đó, khi phong trào nuôi tôm công nghiệp thất bại, do tôm bị dịch bệnh, chết hàng loạt nên các đìa tôm bị bỏ hoang, người dân lại có nhu cầu biến những đìa tôm bỏ hoang thành đất ở. Trong cuộc điều tra phỏng vấn được biết thêm, đa phần là dân ở những tỉnh khác đến mua lại đất đìa bỏ hoang (giấy tờ tay, không có sổ đăng ký quyền sử dụng đất), san lấp, xây cất nhà để ở (hình 49, 50). Cũng theo ý kiến của những người dân được phỏng vấn cho biết diện tích rừng ngập mặn suy giảm đã gây ra những hậu quả suy giảm tài nguyên: mất rừng nguồn lợi thủy sản cũng giảm đi (tôm, cá, cua, ghẹ không còn chỗ sinh sống, trú ngụ, đẻ…), thúc đẩy quá trình ứ đọng bùn và xói lở; đẩy mạnh sự xâm nhập mặn vào đất liền. Từ tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội của thành phố Nha Trang nói chung và tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội phường Phước Long; hiện trạng môi trường của báo cáo đánh giá tác động môi trường “khu đô thị mới Phước Long, phường Phước Long, Nha Trang” (50ha); quá trình phỏng vấn, điều tra khu vực có rừng ngập mặn cho ta cái nhìn khái quát hệ sinh thái rừng ngập mặn ở khu vực này đã bị tàn phá nặng nề, không 100 có khả năng phục hồi; có khả năng biến mất hoàn toàn do quá trình phát triển kinh tế xã hội, tốc độ đô thị hoá ngày càng cao, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngày càng lớn; đặc biệt là đất ở (vì khu vực có rừng ngập mặn này nằm hoàn toàn trong dự án “Khu đô thị mới Phước Long, phường Phước Long, Nha Trang”). 4.4. Huyện Cam Lâm Tổng giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp và Tiểu thủ Công nghiệp thực hiện năm 2008 là 2.876 tỷ đồng, giá trị sản xuất dịch vụ năm 2008 là 137,502 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản thực hiện năm 2008 là 418,6 tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản 726 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thịt 458 ha, sản lượng đánh bắt được 1.672 tấn Sản lượng nuôi trồng thu hoạch 3.105 tấn. Gần đây UBND Huyện tập trung chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp quản lý các phương tiện khai thác thủy sản trong Đầm Thủy Triều; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra việc khai thác thủy sản bằng lờ Trung Quốc (lờ dây) trong Đầm Thủy Triều và kiến nghị tỉnh cho phép huyện hạn chế việc khai thác nguồn lợi thủy sản bằng phương tiện này để góp phần giữ vững môi trường sinh thái trong đầm, vịnh. Việc đánh giá các tác động lên hệ sinh thái cỏ biển, rừng ngập mặn ở huyện Cam Lâm được tập trung vào hai xã Cam Hải Đông và Cam Hải Tây. 4.4.1. Xã Cam Hải Đông Trên địa bàn xã Cam Hải Đông trong năm 2008, về nuôi trồng hải sản đạt sản lượng thu hoạch 120 tấn. Sản lượng đánh bắt trong đầm và biển Đông đạt 630 tấn. Qua cuộc khảo sát cho thấy, hầu hết ngành nghề sinh sống của người dân ở đây chủ yếu là đánh bắt thủy sản (60%), nuôi trồng thủy sản (40%). Đa số, người dân ở đây có ý thức tốt về vấn đề vệ sinh, 100% có nhà vệ sinh có hầm tự hoại và thu gom, đổ rác đúng nơi quy định. Người dân ở khu vực này đều biết nơi họ sinh sống có rừng ngập mặn, có kiến thức tốt thông qua các kênh thông tin về rừng ngập mặn, đa phần thông qua các phương tiện truyền thông. - Đánh giá các tác động đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển xã Cam Hải Đông Xã Cam Hải Đông trước đây là một trong những khu vực có rừng ngập mặn phát triển thuận lợi, qua thực tế cuộc khảo sát cho thấy những cây Đước, cây bần còn 101 sót lại phát triển rất tốt, cây rất to. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn sót lại một vài cây thưa thớt xen lẫn với nhà ở của người dân. Hầu hết người dân ở khu vực xã Cam Hải Đông đều cho biết diện tích rừng ngập mặn ở địa phương giảm so với trước đây do vùng rừng ngập mặn nằm ở vị trí cửa sông, cửa biển thuận lợi cho việc làm đìa nuôi trồng thủy sản và mở rộng đất đô thị. Việc nuôi trồng thủy hải sản một cách thiếu quy hoạch đã tàn phá hàng trăm ha rừng cây ngập mặn mà theo những ngư dân trước đây dựa vào chủ yếu nghề đánh bắt thủy hải sản sản lượng và chất lượng nguồn lợi thủy sản bây giờ chỉ bằng 1/3 so với trước. Mặt khác, việc xây dựng nhà cửa, tạo cảnh quan đô thị cũng góp phần phá vỡ hệ sinh thái rừng ngập mặn một cách đáng kể. Kết quả điều tra đa số người dân ở khu vực xã Cam Hải Đông đều cho biết hiện tại diện tích thảm cỏ biển hầu như còn rất ít so với trước đây. Theo họ điều này có thể do ô nhiễm môi trường biển(10%); đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt (10%); do neo đậu tàu thuyền tại khu vực có thảm cỏ biển (10%) và do xây dựng các công trình và quai đê lấn biển (10%) và các lý do khác như xây dựng đìa nuôi trồng thủy sản và mở rộng đất đô thị (60%). 100% cho rằng việc tàn phá cỏ biển làm suy giảm nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản, 40% làm thay đổi cảnh quan và môi trường ven biển và 20% cho rằng sẽ làm tăng sự lắng đọng trầm tích và độ đục. 4.4.2. Xã Cam Hải Tây Qua điều tra được biết, đa số người dân ở đây chủ yếu là người sống lâu năm ở khu vực từ 30 đến 50 năm. Ngành nghề sinh sống của người dân chủ yếu đánh bắt thủy sản (70%); 30% là dịch vụ/kinh doanh Năm 2008 sản xuất nông nghiệp phát triển khá, tổng diện tích gieo trồng 1.138,2 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt 87 tấn. Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản 46,5 ha. Trong đó diện tích nuôi tôm là 30,49 ha, thu hoạch ước đạt 02 tấn tôm/ha năng suất bình quân thấp hơn so với năm ngoái. Diện tích còn lại chuyển sang nuôi các loại cá như: Cá mú, cá dìa, cua ghẹ … Người dân ở đây có ý thức về vấn đề vệ sinh, 100% có nhà vệ sinh có hầm tự hoại và thu gom và đổ rác đúng nơi quy định. - Đánh giá các tác động đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển của xã Cam Hải Tây 102 Đa số người dân ở khu vực xã Cam Hải Tây đều cho biết diện tích rừng ngập mặn ở địa phương hiện nay không còn. Người ta cho rằng, việc tàn phá rừng ngập mặn làm suy giảm nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản nhưng đây lại là phương thức sinh sống chính của họ tại đây; một số cho rằng việc tàn phá rừng ngập mặn sẽ đẩy mạnh sự xâm nhập mặn vào đất liền (70%) và thúc đẩy quá trình ứ đọng bùn và xói lở (30%). Đa số người dân ở khu vực xã Cam Hải Tây đều cho biết diện tích cỏ biển ở địa phương giảm đi so với trước đây. Người dân cũng hiểu được rằng thảm cỏ biển sẽ là nơi cư trú, bãi đẻ, ươm giống của nhiều loài sinh vật nên việc tàn phá cỏ biển sẽ làm suy giảm nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản, làm thay đổi cảnh quan và môi trường ven biển và làm gia tăng sự lắng đọng trầm tích và độ đục nhưng đây lại là phương thức sinh sống chính của họ. Theo người dân ở xã Cam Hải Tây, họ rất ủng hộ các hoạt động cần thiết để bảo vệ thảm cỏ biển, người dân sẽ tham gia vào các dự án, trồng và phục hồi cỏ biển (nếu có). 4.4.3. Xã Cam Thành Bắc Về sản xuất Nông – thủy sản, năm 2008 ước đạt 630,215 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp 88,215 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 13%. Trong nuôi trồng thủy sản, mô hình nuôi cá, vẹm xanh và trồng rong sụn phát triển nhanh. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 48/48 ha, trong đó, tôm chân trắng 12 ha, tôm sú 3 ha, diện tích còn lại nuôi cá các loại chủ yếu là cá chẽm. Diện tích nuôi trồng rong sụn 16 ha, vẹm xanh 21 ha. Sản lượng khai thác ước đạt 100 tấn. 4.4.4. Thị trấn Cam Đức Năm 2008, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã hầu hết là quy mô nhỏ, phương tiện thô sơ, do vậy sản lượng đánh bắt không đáng kể. Cũng theo thống kê, toàn thị trấn có 81 ha diện tích đìa (nuôi tôm 25 ha, 56 ha còn lại nuôi cá các loại) với sản lượng 8 tấn/ha, vì ảnh hưởng của giá cả, dịch bệnh nên việc phát triển nuôi trồng thủy sản cầm chừng, diện tích không phát triển thêm. 4.5. Thị xã Cam Ranh Thị xã Cam Ranh với diện tích 325,011km2, dân số 133.368 người, gồm 9 phường, 6 xã, là địa phương ven biển nằm ở cực Nam tỉnh Khánh Hòa, Bắc và Tây giáp với huyện Cam Lâm, Nam giáp tỉnh Ninh Thuận, Đông giáp biển; vùng đất 103 được thiên nhiên ưu đãi, có cảng nước sâu, gần đường hàng hải quốc tế, là cửa ngõ Tây nguyên - Nam Trung bộ ra biển; có cảng hàng không quốc tế; có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt đi cả nước. Vị trí địa lý đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho Cam Ranh phát triển kinh tế biển, công nghiệp hàng hải, du lịch, các ngành dịch vụ khác và đánh bắt nuôi trồng thuỷ sản. Trong năm năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp 646 tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản ước 314,8 tỷ đồng (trong đó, nông - lâm nghiệp: 93,5 tỷ đồng, tăng 3,9%; thủy sản: 220,3 tỷ đồng, giảm 10,6%), giá trị sản xuất các ngành thương mại và dịch vụ ước 315 tỷ đồng, tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn 30 triệu USD. Việc đánh giá các tác động lên hệ sinh thái cỏ biển, rừng ngập mặn ở thị xã Cam Ranh sẽ được tập trung vào hai xã Cam Phúc Bắc và Cam Nghĩa. 4.5.1. Xã Cam Phúc Bắc Cam Phúc Bắc là xã ven biển, kinh tế chủ yếu là khai thác và nuôi trồng thủy sản. Năm 2008, số lượng tôm nuôi tăng lên 1.200 lồng và 8 bè, người nuôi có lãi tiếp tục thả giống mới, một số hộ chuyển sang nuôi cá mú, cá chẽm…Diện tích rong sụn 20 ha, có giá từ 3.000-5.000 đ/kg rong tươi, bước đầu phát triển tốt thu hoạch có lãi, nhiều tầu ghe đã được đóng mới phục vụ cho việc đánh bắt thủy sản. Toàn xã có 249 hộ sản xuất kinh doanh các ngành nghề, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp - Đánh giá các tác động đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển của xã Cam Phúc Bắc Ngành nghề sinh sống chính của người dân nơi đây là từ việc khai thác và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nghề nuôi tôm phát triển mạnh trong những năm gần đây, mà phần lớn các trang trại nuôi tôm đều xây dựng trên vùng phân bố rừng ngập mặn ven biển. Qua điều tra cho thấy, diện tích rừng ngập mặn ở địa phương hiện nay gần như không còn nữa, nguyên nhân chính là do sự phát triển ồ ạt của các trang trại nuôi tôm trên địa bàn. Đa số người dân ở khu vực này đa số cho rằng không biết nơi họ sinh sống có rừng ngập mặn. Người dân ở đây hầu như ít có kiến thức về rừng ngập mặn. Là xã ven biển, kinh tế chủ yếu là khai thác và nuôi trồng thủy sản, do không nhận thức được tầm quan trọng của cỏ biển, người dân sử dụng các phương tiện khái thác mang tính hủy diệt như giã cào bằng ghe máy, hay bằng tay, khai thác thủy sản quanh năm. Thêm vào đó mỗi khi triều thấp có hàng trăm người dân đến đào, xúc bắt 104 sò, phểnh, sá sùng, ngao, xìa... trong thảm cỏ biển làm cho các thảm cỏ bị bậc gốc lên rồi chết. Mặc khác, do phát triển ao đìa nuôi tôm quá mức, sử dụng nhiều kháng sinh, thuốc trừ sâu và nhiều chất hóa học, nước thải làm ô nhiễm biển làm cho các thảm cỏ biển chết dần. Do vậy, cần có sự quan tâm can thiệp kịp thời của các cấp chính quyền địa phương với việc tuyên truyền các thông tin này đến người dân. 4.5.2. Xã Cam Nghĩa Ngành nghề sinh sống (thu nhập chính) của người dân xã Cam Nghĩa chủ yếu tập trung vào nuôi trồng thủy sản và kinh doanh/dịch vụ. Tại đây cũng là nơi làm ăn sinh sống của người dân từ tỉnh khác tới. Phần lớn các hộ gia đình có nhà vệ sinh với hầm tự hoại và thu gom và đổ rác đúng nơi quy định (75%); riêng người dân tạm trú (25%) sống tạm bợ nên không xây dựng nhà vệ sinh phù hợp, rác thường được vứt bỏ lung tung. - Đánh giá các tác động đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển của Xã Cam Nghĩa. Người dân ở khu vực xã Cam Nghĩa đều cho biết diện tích rừng ngập mặn ở địa phương giảm đi rất nhiều so với trước đây. Điều này có thể giải thích là do vùng rừng ngập mặn bị phá để làm đìa nuôi trồng thủy sản, quai đê lấn biển và mở rộng đất đô thị. Hậu quả là, diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn xã Cam Nghĩa gần như bị xóa sổ, đẫn đến suy giảm nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản - là phương thức sinh sống chính của người dân tại đây, đẩy mạnh sự xâm nhập mặn vào đất liền và thúc đẩy quá trình ứ đọng bùn và xói lở và gây ô nhiễm đất và nước. Hầu hết người dân cho biết, mật độ và diện tích thảm cỏ biển nơi đây đã giảm đi rất nhiều, nguyên nhân là do sử dụng các công cụ khai thác mang tính hủy diệt không chỉ đối với sinh vật mà ảnh hưởng đến cả môi trường sinh sống của chúng là thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Sự phát triển của các trang trại nuôi tôm gây tổn hại đến các môi trường sống ven biển khác, chẳng hạn như đầm nước ngập mặn, đầm lầy nước ngọt. Chất thải từ các trang trại nuôi tôm đã làm chết cỏ biển. 4.5.3. Xã Cam Phúc Nam Trong năm 2008, tổng diện tích các loại cây trồng 469/508 ha; 400/205 con bò, 500/407 con heo, 3000 con gia cầm; sản lượng đánh bắt thủy sản 450/550 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản 20/20 ha (diện tích nuôi tôm sú 3 ha, diện tích còn lại chủ yếu 105 nuôi cá mú và cá chẽm), 116 lồng nuôi tôm hùm với sản lượng 80/70 tấn, các hộ nuôi tôm giống ngưng hoàn toàn vì bị thua lỗ. - Đánh giá các tác động đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển của xã Cam Phúc Nam Rừng ngập mặn ở xã Cam Phúc Nam đã bị triệt hạ hoàn toàn để lấy đất xây dựng nhà cửa, khu dân cư. Các thảm cỏ biển phân bố ven bờ đang chịu tác động mạnh của hoạt động ghe, thuyền gây nhiễu loạn môi trường biển, khai thác quá mức... Tóm lại, mặc dù vùng ven bờ tỉnh Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, nhưng những năm gần đây sự phát triển nhanh chóng kinh tế- xã hội tại địa phương đã làm ảnh hưởng nhiều đến các hệ sinh thái biển. Hầu hết diện tích rừng ngập mặn bị biến mất, thảm cỏ biển đang bị suy thoái bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này dẫn đến việc mất nơi cư trú, sinh sản và ươm nuôi ấu trùng, con non của nhiều loài thủy sản có giá trị. Hậu quả là nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ bị suy giảm dẫn đến đời sống của một bộ phận nhân dân sống phụ thuộc vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. 106 CHƯƠNG IV: ĐỀ XUÁT GIẢI PHÁP QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG HỆ SINH THÁI RỪNG NGẬP MẶN, THẢM CỎ BIỂN Ở TỈNH KHÁNH HÒA PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI VÀ BẢO VỆ ĐA DẠNG SINH HỌC 1. Hiện trạng quản lý Rừng ngập mặn và thảm cỏ biển ở tỉnh Khánh Hòa còn chưa được quan tâm lập kế hoạch quản lý, trong khi đó tốc độ suy thoái các hệ sinh thái này đang diễn ra nhanh chóng. Hiện tại chỉ còn 104,08 ha rừng ngập mặn phân bố rất phân tán trong phạm vi toàn tỉnh, hầu hết là trong vùng nuôi thủy sản của các hộ dân. Tổng diện tích các thảm cỏ biển thống kê trong toàn tỉnh là 1.862 ha cũng chưa được quan tâm quản lý. 2. Hiện trạng khai thác và sử dụng rừng ngập mặn và thảm cỏ biển Tính đa dạng hệ sinh thái (rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn) và những tác động tương hỗ của chúng đã góp phần đem lại cho tỉnh Khánh Hòa rất đa dạng về thành phần loài, nguồn lợi hải sản phong phú. Trong đó có nhiều loài hải đặc sản nổi tiếng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây rừng ngập mặn bị phá hủy để lấy đất xây dựng ao, đìa nuôi thủy sản, làm muối, xây dựng nhà cửa, làng mạc, cơ sở hạ tấng... đã làm mất đi hầu hết diện tích rừng ngập mặn. Vài năm gần đây việc nuôi tôm, cua thua lỗ nên nhiều ao đìa bị bỏ hoang hóa, nhiều hộ dân lâm vào cảnh nợ nần. Vài năm gần đây tại một số địa phương người dân có trồng lại các dải cây ngập mặn nhằm bảo vệ bờ ao đìa như ở thôn Hà Liên, Tân Tế (Ninh Hòa) hoặc trồng rừng phục hồi rừng ngập mặn ở thôn Tuần Lễ (Vạn Ninh), thôn Tân Đảo (Ninh Ích- Ninh Hòa). Tuy nhiên diện tích trồng rừng ngập mặn không lớn. Sự quản lý các thảm cỏ biển cũng chưa được đặt ra khiến cho nhiều diện tích cỏ biển bị mất mát do lấn đất xây dựng các ao, đìa nuôi thủy sản như ở vùng đầm Thủy Triều và vịnh Cam Ranh. Tình trạng khai thác quá mức và sử dụng các phương tiện khái thác mang tính hủy diệt đã làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm. 3. Thể chế và pháp lý liên quan đến quản lý bền vững tài nguyên rừng ngập mặn và thảm cỏ biển 107 Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, luật nhằm quản lý và bảo vệ tài nguyên và môi trường biển như: - Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến 2010 và định hướng đến 2020 thực hiện công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học. - Luật đa dạng sinh học (năm 2008) - Quyết Định 192/2003/QĐ-TTg ngày 17-9-2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến năm 2010. - Pháp lệnh số 43/2003/ND-CP của chính phủ năm 2003 về quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. - Luật thủy sản được Quốc hội phê chuẩn năm 2004. - Nghị quyết Trung ương số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường. - Luật bảo vệ môi trường 2005 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa khóa XI thông qua ngày 29/11/2005. - Nghị định số 80/2006/NĐ- CP ngày 9/8/2006 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành môt số điều của luật Bảo vệ môi trường. - Nghị định 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006. - Chương trình Bảo vệ và Phát triển Nguồn lợi Thuỷ sản đến năm 2010. - Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2005 của chính phủ về các khu bảo tồn biển và bảo tồn trong đất liền. Các văn bản nêu trên là cơ sở pháp lý nhằm đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển ở tỉnh Khánh Hòa. 4. Tính cấp thiết và định hướng của kế hoạch quản lý Các kết quả điều tra, khảo sát đã cho thấy vùng biển Khánh Hòa là nơi có tính đa dạng sinh học cao, nguồn lợi hải sản phong phú và có giá trị. Các thảm cỏ biển và rừng ngập mặn được xem là hệ sinh thái đặc trưng của biển nhiệt đới, chúng thật sự đóng vai trò quan trọng đối với nhiều cộng đồng dân cư vùng ven biển và hải đảo về phương diện bảo vệ đất đai, môi trường biển và phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, những kết quả điều tra, khảo sát đã cho thấy các hệ sinh thái thảm 108 cỏ biển, rừng ngập mặn ở vùng biển Khánh Hòa đang bị suy thóai do những tác động của con người và thiên nhiên. Mất rừng ngập mặn và suy thoái các thảm cỏ biển đã gây ra các hậu quả: - Sói lở bờ biển, sạt lở ao, đìa. - Thoái hóa ao, đìa và gia tăng dịch bệnh gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản. - Suy giảm nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ. - Tăng khả năng xâm nhập mặn. Nguyên nhân gây suy thoái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển là do thiếu những thông tin làm cơ sở khoa học cho việc lập kế hoạch quản lý khiến cho sự quản lý và sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học còn chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Thể chế và chính sách liên quan đến quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển ở tỉnh Khánh Hòa còn thiếu sót. Bên cạnh đó,̣ hiểu biết và nhận thức của cộng đồng về vấn đề sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển còn yếu kém đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với công tác quản lý. Hình 51: San nền xây dựng nhà cửa ở rừng ngập mặn Tuần Lễ (Vạn Ninh). 109 Hình 52: Ao đìa nuôi tôm được xây dựng trên đất rừng ngập mặn, nay bị bỏ hoang Hình 53: Đào xới khai thác động vật thân mềm làm hủy hoại thảm cỏ biển ở đầm Thủy Triều. 110
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan