Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tác động của quan hệ chính trị quốc tế giai đoạn 1945 1946 đến công cuộc giành v...

Tài liệu Tác động của quan hệ chính trị quốc tế giai đoạn 1945 1946 đến công cuộc giành và giữ chính quyền của việt nam

.PDF
21
133

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ----------------------------------------------------- PHÙNG CHÍ KIÊN TÁC ĐỘNG CỦA QUAN HỆ CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 1945-1946 ĐẾN CÔNG CUỘC GIÀNH VÀ GIỮ CHÍNH QUYỀN CỦA VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÀNH CHÍNH TRỊ HỌC Hà Nội-2016 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ----------------------------------------------------- PHÙNG CHÍ KIÊN TÁC ĐỘNG CỦA QUAN HỆ CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 1945-1946 ĐẾN CÔNG CUỘC GIÀNH VÀ GIỮ CHÍNH QUYỀN CỦA VIỆT NAM Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Chính trị học Mã số: 60 31 02 01 Người hướng dẫn khoa học: TS. Phạm Quốc Thành Hà Nội-2016 MỤC LỤC MỞ ĐẦU................................................................................................. 3 1. Lý do lựa chọn đề tài ..................................................................................... 3 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................ 4 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ................................................................ 9 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ............................................................... 10 5. Phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận .................................................. 10 6. Đóng góp của luận văn ................................................................................ 11 7. Cấu trúc của luận văn .................................................................................. 11 Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUAN HỆ CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 1945-1946 ............................. 13 1.1. Một số vấn đề lý luận về quan hệ chính trị quốc tế ................................. 13 1.1.1. Định nghĩa khái niệm “quan hệ chính trị quốc tế” .............................. 13 1.1.2. Chủ thể tham gia quan hệ chính trị quốc tế .......................................... 17 1.1.3. Những yếu tố tác động đến quan hệ chính trị quốc tế .......................... 21 1.2. Thực tiễn chính trị thế giới giai đoạn 1945-1946 .................................... 28 Chương 2. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 1945-1946 VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ TỚI CÔNG CUỘC GIÀNH VÀ GIỮ CHÍNH QUYỀN CỦA VIỆT NAM .................................................................... 33 2.1. Tác động của quan hệ giữa các nước lớn tới việc giành chính quyền của Việt Nam tháng 8-1945 ................................................................................... 33 2.1.1. Quan hệ giữa các nước lớn trong giai đoạn cuối của chiến tranh thế giới lần thứ hai ................................................................................................ 33 2.1.2. Sự chuyển biến của tình hình thế giới tạo điều kiện thuận lợi khách quan cho Việt Nam giành chính quyền ........................................................... 40 2.2. Quan hệ chính trị quốc tế ảnh hưởng tới việc xây dựng, củng cố chính quyền của Việt Nam từ tháng 8-1945 tới ngày 19-12-1946 ........................... 46 2.2.1. Các nước lớn phân chia khu vực ảnh hưởng sau chiến tranh thế giới lần thứ hai ....................................................................................................... 46 1 2.2.2. Những tác động chủ yếu tới Việt Nam .................................................. 51 2.2.2.1. Nền độc lập dân tộc bị đe dọa bởi thế lực ngoại bang ...................... 51 2.2.2.2. Tình hình chính trị đất nước trở nên phức tạp hơn ........................... 56 2.2.2.3. Tác động tới chính sách đối ngoại của Việt Nam .............................. 80 2.3. Một số nhận xét ........................................................................................ 87 2.3.1. Ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của quan hệ chính trị quốc tế giai đoạn 1945-1946 tới công cuộc giành và giữ chính quyền ở Việt Nam.................... 87 2.3.2. Đảng Cộng sản Đông Dương và chính quyền cách mạng đã giữ vững được sự chủ động trong đường lối đối nội và đối ngoại ................................ 89 KẾT LUẬN ........................................................................................... 92 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................. 94 2 MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn đề tài Trong quá trình diễn biến của lịch sử quan hệ quốc tế, quan hệ chính trị quốc tế giai đoạn 1945-1946 là một trong những chủ đề được rất nhiều học giả quan tâm nghiên cứu. Có nhiều lý do để giải thích cho sức hút của đề tài này, nhưng nguyên nhân chủ yếu có thể nằm ở hai vấn đề lớn sau: thứ nhất, 1945-1946 là giai đoạn mở đầu cho một cục diện chính trị thế giới mới, trong đó trật tự thế giới hai cực là yếu tố có sức chi phối mạnh mẽ nhất; thứ hai, dù sự đối đầu giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa diễn ra hết sức căng thẳng nhưng một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba đã không diễn ra, thay vào đó là cuộc Chiến tranh lạnh mà những năm 1945-1946 là giai đoạn mở đầu. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng lý giải bản chất của trật tự hai cực và Chiến tranh lạnh, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một quan điểm thống nhất về những hiện tượng lịch sử này nói chung cũng như diễn biến cụ thể của chúng trong giai đoạn 1945-1946 nói riêng. Chịu tác động không nhỏ từ xu thế phức tạp của giai đoạn này, Việt Nam, với tư cách là một quốc gia mới giành độc lập và bị cô lập trên trường quốc tế, đã phải đối mặt với những biến cố dữ dội, khó lường của chính trường thế giới. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã đưa ra nhiều quyết sách đối nội và đối ngoại kịp thời, khẩn trương để bắt kịp và ứng phó với sự biến đổi mau lẹ của quan hệ chính trị quốc tế. Dù vẫn còn một số vấn đề lịch sử cần được tiếp tục nghiên cứu, tuy nhiên có thể khẳng định rằng, tính đúng đắn của những quyết sách đó đã được lịch sử dân tộc chứng minh. Hơn nữa, dù bối cảnh thế giới và tình hình đất nước đã thay đổi rất nhiều, nhưng những 3 kinh nghiệm về đường lối đối nội, đối ngoại rút ra từ giai đoạn 1945-1946 vẫn còn nguyên giá trị tham khảo, để lại nhiều bài học mang tính thời sự. Điều này khiến công tác nghiên cứu về chính sách của Việt Nam những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ hai cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa. Với những lý do trên, tác giả đã quyết định lựa chọn đề tài nghiên cứu cứu của luận văn là Tác động của quan hệ chính trị quốc tế giai đoạn 19451946 đến công cuộc giành và giữ chính quyền của Việt Nam. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề *Về tài liệu tiếng Việt Trong quá trình nghiên cứu đề tài này, tác giả đã tham khảo được nhiều tài liệu trong nước có giá trị, trong đó tiêu biểu gồm: Một là, cuốn sách Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010 của tác giả Vũ Dương Ninh, xuất bản năm 2014. Đây là một công trình nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử đối ngoại Việt Nam có rất nhiều giá trị tham khảo cho luận văn. Với tri thức và kinh nghiệm nghiên cứu phong phú của mình, tác giả đã khái quát tương đối hoàn chỉnh quá trình diễn biến 70 năm của nền ngoại giao Việt Nam. Trong nội dung cuốn sách, tác giả đã tập trung làm rõ đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong những giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước là: thời chuẩn bị Tổng khởi nghĩa đến Cách mạng Tháng Tám; hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ; quá trình bảo vệ và xây dựng nền độc lập từ sau năm 1975 đến những năm đầu thế kỷ XXI. Hai là, cuốn sách Ngoại giao Việt Nam 1945-2000 do Bộ Ngoại giao tổ chức biên soạn, xuất bản năm 2002. Đây là một trong những công trình nghiên cứu công phu và toàn diện nhất về nền ngoại giao hiện đại Việt Nam. Với sự tham gia của rất nhiều học giả có uy tín và các nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm, cuốn sách đã khái quát được những diễn biến quan trọng nhất 4 của lịch sử nền ngoại giao Việt Nam từ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến thời điểm chuyển giao giữa thế kỷ XX và XXI. Ba là, cuốn sách Tìm hiểu chủ trương đối ngoại của Đảng thời kỳ 1945-1954 của tác giả Vũ Quang Hiển, xuất bản năm 2005. Đây là một trong số ít công trình nghiên cứu chuyên sâu về chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ 1945-1954, trong đó có giai đoạn 1945-1946. Trọng tâm nghiên cứu của cuốn sách là chủ trương đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ 1945-1954, góp phần phân tích, làm rõ tính đúng đắn trong quan điểm của Đảng trên mặt trật đối ngoại đầy khó khăn và biến động giai đoạn 1945-1946. Bốn là, cuốn sách Quan hệ quốc tế - những khía cạnh lý thuyết và vấn đề của hai tác giả Nguyễn Quốc Hùng và Hoàng Khắc Nam, xuất bản năm 2006. Đây là tài liệu với nhiều bài viết có giá trị về lý luận quan hệ quốc tế, tóm lược nhiều chuyên đề lớn trong lịch sử nghiên cứu quan hệ quốc tế trên thế giới. Trật tự thế giới là một trong những chủ đề được các tác giả tập trung nghiên cứu trong cuốn sách, trong đó những bài viết về trật tự thế giới trước và sau thế chiến thứ hai đã đem lại nhiều gợi ý quan trọng cho tác giả khi thực hiện luận văn. Năm là, cuốn sách Lịch sử thế giới hiện đại (1917-1995) do tác giả Nguyễn Anh Thái chủ biên, xuất bản năm 2006. Đây là một trong những cuốn sách trình bày đầy đủ nhất về tiến trình phát triển của lịch sử thế giới hiện đại. Những diễn biến, đặc điểm quan trọng của chính trường thế giới giai đoạn 1945-1946 đã được các tác giả nêu một cách khá rõ ràng và khoa học. Sáu là, cuốn sách Lịch sử quan hệ quốc tế từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến Chiến tranh Triều Tiên: Giai đoạn 1939-1952 của tác giả Phạm Giảng, xuất bản năm 2005. Công trình này nghiên cứu chuyên sâu về quan hệ quốc tế từ chiến tranh thế giới lần thứ hai đến chiến tranh Triều Tiên. Qua công trình này, chúng ta có thể thấy rõ những biến chuyển phức tạp của quan 5 hệ quốc tế trước và sau cuộc thế chiến, sự gia tăng căng thẳng của Chiến tranh lạnh với cuộc xung đột ở Triều Tiên là một biểu hiện cụ thể. Phạm vi thời gian của cuốn sách này cũng khá gần với phạm vi thời gian của luận văn, vì thế đây cũng là một trong những công trình có nhiều giá trị tham khảo. Ngoài ra, luận văn cũng tiếp cận thêm được nhiều tài liệu khác như: Một số vấn đề quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam (2009) của tác giả Vũ Dương Huân; Tiến trình lịch sử Việt Nam (2010) của Nguyễn Quang Ngọc; Quan hệ quốc tế từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay (1945-1996) (1999) của Nguyễn Quốc Hùng; Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 – 1954 (1995) của Viện Lịch sử Quân sử Việt Nam – Bộ Quốc phòng; Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 3) (1999) do tác giả Lê Mậu Hãn chủ biên; Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh (2009) của Vũ Quang Hiển, Tạp chí Lịch sử Đảng, Số 10 (227); Chiến tranh lạnh sự đối đầu giữa hai khối Đông Tây với cách mạng Việt Nam (2008) của Nguyễn Khắc Huỳnh, Tạp chí Lịch sử quân sự, Số 3, 4 – 2008; Nhìn lại đường lối quốc tế của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (2006) của Nguyễn Phúc Luân, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, 66(3);… Những tài liệu đó đã cung cấp nhiều tư liệu, gợi ý quý báu cho đề tài nghiên cứu này. *Về tài liệu tiếng nước ngoài Số lượng công trình nghiên cứu bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh, có liên quan đến vấn đề nghiên cứu của đề tài rất phong phú. Có thể kể đến một số công trình như: Một là, cuốn sách World Politics – international politics on the world stage, Brief (2007) của John T. Rourke - Mark A. Boyer. Công trình này nghiên cứu tổng quan nền chính trị thế giới, từ các vấn lý thuyết trong quan hệ quốc tế (chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa kiến tạo,…) đến 6 những vấn đề thực tiễn (hệ thống quốc tế, các thể chế quốc tế, kinh tế quốc tế, nhân quyền, môi trường toàn cầu,…). Tham khảo công trình này giúp tác giả có được cái nhìn tổng thể về các vấn đề cơ bản trong chính trị quốc tế, tạo một nền tảng quan trọng khi triển khai đề tài luận văn. Hai là, cuốn sách International Relations: Conflict and Cooperation at the Turn of the 21st Century (1997) của Conway W. Henderson. Đây là một công trình nghiên cứu rất có giá trị về nhiều khía cạnh trong quan hệ quốc tế, nó cung cấp một bức tranh tương đối đầy đủ về lịch sử quan hệ quốc tế từ khi hình thành cho tới đầu thế kỷ XXI. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng nghiên cứu về một số phạm trù, vấn đề lớn trong quan hệ quốc tế như quyền lực, các chủ thể quan hệ quốc tế, các lý thuyết quan trọng trong quan hệ quốc tế,… Ba là, cuốn sách Documents of American Diplomacy from the American Revolution to the present (2002) của Michael D. Gambone. Công trình này rất có giá trị bởi nó đã tập hợp được đầy đủ nội dung các văn kiện quan trọng nhất trong lịch sử đối ngoại Hoa Kỳ từ khi lập quốc cho tới nay. Đặc biệt, các văn kiện đối ngoại tiêu biểu của Chính phủ Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh cũng được đưa vào nội dung cuốn sách. Đó là một nguồn sử liệu rất quý giá, giúp tác giả có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nội dung của các văn kiện gốc thay vì phải tham khảo thông qua các công trình khác. Bốn là, cuốn sách Indochina and Vietnam: The Thirty-five Year War, 1940-1975 (2013) của Robert Miller, Dennis D. Wainstock. Đây là công trình nghiên cứu về lịch sử chiến tranh Việt Nam trong thời kỳ 1940-1975. Dù có một số điểm chưa thực sự tương đồng với cách tiếp cận của Việt Nam, nhưng nhìn chung các học giả đã trình bày tương đối đầy đủ, chân thực về lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương với Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nội dung đường lối đối ngoại của các 7 quốc gia có liên quan (Việt Nam, Pháp, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên Xô,…) cũng được trình bày khá toàn diện và khách quan. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu tiêu biểu bằng tiếng nước ngoài khác mà luận văn tham khảo được có thể kể tới là: The Analysis of International Relations (Second Edition) (1978) của tác giả Karl W. Deutsch; Realism and International Relations (2000) của Jack Donnelly; Essentials of International Relations (Forth Editon) (2008) của Karen A. Mingst; History: From the Dawn of Civilization to the Present Day (2012) của tác giả Adam Hart-Davis; Iron Curtain: The Crushing of Eastern Europe, 1944-1956 (2013) của tác giả Anne Applebaum; The Dead Hand: The Untold Story of the Cold War Arms Race and Its Dangerous Legacy (2010) của tác giả David Hoffman; World Order (2014) của tác giả Henry Kissinger; We Now Know: Rethinking Cold War History (1998) của tác giả John Lewis Gaddis; Vietnam at War (2012) của tác giả Mark Philip Bradley; The French Foreign Legion and Indochina in Retrospect (2013) của tác giả Michael Kaponya; 国际关系史 (Lịch sử quan hệ quốc tế) (1994) của Chu Minh; 战后中苏关系走向 (Diễn biến quan hệ Trung-Xô thời hậu thế chiến (1945-1960)) (1997) của Hội Nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung-Xô Trung Quốc; 二战后中苏 中 俄 关系的演变与发展 (Diễn biến và tiến triển của quan hệ Trung-Xô (Trung-Nga) sau thế chiến thứ hai) (2000) của Vương Kỳ; 近代中越关系史 资料选编 (Tuyển tập tư liệu lịch sử về quan hệ Trung-Việt thời cận đại) (1988) của Hoàng Ngọc Chương, Tiêu Đức Hạo và Dương Lập Băng;… 8 Khái quát lại, sau khi nghiên cứu các tài liệu, công trình đã công bố liên quan tới đề tài, có thể rút ra một số nhận xét sau: - Các tài liệu, công trình nêu trên đã nghiên cứu tới nhiều khía cạnh khác nhau của quan hệ chính trị quốc tế, trong đó tập trung vào một số vấn đề sau: đặc điểm của quan hệ chính trị quốc tế và những lý thuyết quan trọng khi nghiên cứu quan hệ quốc tế; lịch sử thế giới nói chung và lịch sử quan hệ chính trị quốc tế nói riêng; phân tích và đánh giá đặc điểm của quan hệ chính trị quốc tế hiện đại; khái quát tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam hiện đại nói riêng. - Bên cạnh đó, một số vấn đề vẫn chưa được nghiên cứu kỹ trong các công trình nêu trên như: sự ảnh hưởng của quan hệ chính trị quốc tế sau chiến tranh thế giới lần thứ hai tới các khu vực và quốc gia trên thế giới; sự tác động của quan hệ chính trị quốc tế tới Việt Nam;… Trong đó, chưa có đề tài nào nghiên cứu trực tiếp về tác động của quan hệ chính trị quốc tế giai đoạn 19451946 tới công cuộc giành và giữ chính quyền của Việt Nam. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích Chỉ ra những đặc điểm lớn của quan hệ chính trị quốc tế những năm 1945-1946, những tác động của chúng tới việc giành, giữ chính quyền của Việt Nam, phân tích một số chính sách của Việt Nam nhằm ứng phó với những tác động đó. 3.2. Nhiệm vụ - Làm rõ nội hàm của khái niệm quan hệ chính trị quốc tế. - Khái quát về bối cảnh chính trị thế giới giai đoạn 1945-1946. - Chỉ ra những tác động nổi bật của quan hệ chính trị quốc tế đối với cách mạng Việt Nam những năm 1945-1946, đặc biệt là công cuộc giành và 9 giữ chính quyền, phân tích, đánh giá những đối sách quan trọng của Việt Nam trước những ảnh hưởng từ chính trường thế giới. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Những tác động, ảnh hưởng của quan hệ chính trị quốc tế đối với Việt Nam giai đoạn 1945-1946, tập trung vào những tác động tới công cuộc giành và giữ chính quyền của Việt Nam. 4.2. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi thời gian: Giai đoạn 1945-1946, trong đó gồm hai giai đoạn nhỏ hơn là; giai đoạn từ đầu năm 1945 đến tháng 8-1945; giai đoạn từ tháng 8-1945 đến 1912-1946. - Phạm vi nội dung: những tác động của quan hệ chính trị quốc tế đến việc giành, giữ chính quyền của Việt Nam. 5. Phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận - Về cách tiếp cận: Đề tài sử dụng cách tiếp cận chính trị học để luận giải các vấn đề nghiên cứu. Đồng thời, đề tài cũng có cái nhìn liên ngành, vận dụng phương pháp nghiên cứu và tri thức của một số ngành có liên quan như quan hệ quốc tế, địa-chính trị,… trong quá trình triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu. Tóm lại, về cơ bản, luận văn sử dụng cách tiếp cận dựa trên phương diện chính trị học, lịch sử chính trị, thực tiễn quan hệ quốc tế. - Về phương pháp nghiên cứu: Để hoàn thành bài nghiên cứu, tác giả đã áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu như: phương pháp logic – lịch sử; phương pháp đối chiếu, so sánh; phương pháp phân tích thống kê;… Cụ thể: Phương pháp logic – lịch sử: sử dụng phương pháp này nhằm xâu chuỗi, hệ thống hóa và sắp xếp một cách khoa học và logic các sự kiện lịch sử 10 thuộc phạm vi thời gian của đề tài, qua đó khái quát được quá trình hình thành của những ảnh hưởng quốc tế tới chính trị Việt Nam. Phương pháp đối chiếu, so sánh: đây là phương pháp được sử dụng xuyên suốt luận văn. Đặc biệt, tác giả đã đối chiếu nhiều kết luận, nhận định của mình với những văn bản quan trọng của các Hội nghị quốc tế về vấn đề Đông Dương, các văn kiện lớn của Đảng về đường lối đối ngoại… Phương pháp phân tích, xử lý số liệu: phương pháp này được sử dụng xen kẽ trong nhiều phần của luận văn, giúp tác giả đưa ra được một số nhận định quan trọng trong công trình của mình. 6. Đóng góp của luận văn Trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ, khoa học đối tượng nghiên cứu, luận văn này có những đóng góp sau: Thứ nhất, luận văn đã đưa ra những định nghĩa, cách lý giải khác nhau về “quan hệ quốc tế” cũng như “quan hệ chính trị quốc tế”. Bên cạnh đó, luận văn đã khái quát được đặc điểm, tính chất, các chủ thể tham gia quan hệ chính trị quốc tế, về bối cảnh chính trị thế giới giai đoạn 1945-1946,… Thứ hai, luận văn đã phân tích bối cảnh lịch sử trong và ngoài nước, làm rõ những tác động của quan hệ chính trị quốc tế đối với công cuộc giành, giữ chính quyền của Việt Nam. Đồng thời, luận văn đã phân tích, làm rõ và chứng minh tính đúng đắn trong chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 1945-1946. Thứ ba, luận văn đã đưa ra một số nhận xét, đánh giá hợp lý, khoa học về những tác động của tình hình quốc tế tới việc giành và giữ chính quyền của Việt Nam giai đoạn 1945-1946. 7. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được chia làm 02 chương: Chương 1. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quan hệ chính trị quốc tế giai đoạn 1945-1946 11 Chương 2. Quan hệ chính trị quốc tế những năm 1945-1946 và tác động của nó tới công cuộc giành và giữ chính quyền của Việt Nam. 12 Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUAN HỆ CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 1945-1946 Quan hệ chính trị quốc tế là một trong những vấn đề đã được rất nhiều học giả trên thế giới quan tâm. Mặc dù vậy, ở Việt Nam, quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ chính trị quốc tế nói riêng vẫn còn là những ngành nghiên cứu có tuổi đời non trẻ. Dưới đây, luận văn sẽ cố gắng tiếp cận, phân tích các khái niệm như quan hệ quốc tế, quan hệ chính trị quốc tế, quyền lực trong quan hệ quốc tế, hệ thống quốc tế,… đồng thời khái quát những đặc điểm quan trọng trong bối cảnh chính trị thế giới giai đoạn 1945-1946. 1.1. Một số vấn đề lý luận về quan hệ chính trị quốc tế 1.1.1. Định nghĩa khái niệm “quan hệ chính trị quốc tế” Trước khi làm rõ khái niệm “quan hệ chính trị quốc tế”, chúng ta sẽ tìm hiểu hai khái niệm cơ bản hơn là “chính trị quốc tế” và “quan hệ quốc tế”. Có học giả định nghĩa như sau: “Chính trị quốc tế (chính trị thế giới) là nền chính trị được triển khai trên quy mô toàn thế giới. Nó là sản phẩm của sự cộng tác qua lại giữa các chủ thể chính trị quốc tế trong hoạt động vì các mục tiêu quốc gia, khu vực và quốc tế. Cũng chính trong quá trình hoạt động thực hiện các mục tiêu, lợi ích cục bộ và toàn cục của các chủ thể này mà đời sống chính trị - xã hội quốc tế được thiết lập” [72, tr. 7]. Định nghĩa này xác định rõ phạm vi của chính trị quốc tế (“toàn thế giới”) và khẳng định nguồn gốc của chính trị quốc tế chính là “sự tác động qua lại” giữa các nhân tố chính trị tham gia vào nó. Mặt khác, có học giả nhận định: “Chính trị quốc tế là sự tham gia vào đời sống quốc tế của nhà nước dân tộc, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các phong trào chính trị, các tập đoàn xuyên quốc gia,… với mức 13 độ khác nhau và vì mục tiêu, lợi ích quốc gia, khu vực và quốc tế khác nhau” [18, tr. 11]. Định nghĩa này cũng có chung nhận định với định nghĩa trên, đồng thời bổ sung thêm các chủ thể tham gia vào đời sống chính trị thế giới (nhà nước dân tộc, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, phong trào chính trị, tập đoàn xuyên quốc gia,…). Như vậy, có thể hiểu chính trị quốc tế là một dạng đời sống chính trị tồn tại đồng thời với đời sống chính trị trong nội bộ các quốc gia. Nếu như đời sống chính trị quốc nội được đặc trưng bởi sự cạnh tranh giữa các lực lượng, giai cấp trong xã hội để giành, giữ, thực thi quyền lực nhà nước, hoặc nỗ lực tác động tới quy trình chính sách của chính quyền nhằm phục vụ cho lợi ích của các cá nhân hoặc nhóm nhất định, thì chính trị quốc tế lại có những đặc điểm khác về mục đích, quy mô và chủ thể tham gia. Điều đáng lưu ý là, trong khi các chủ thể chính trị trong một quốc gia (đảng phái chính trị, nhóm lợi ích, tổ chức phản biện xã hội,…) cố gắng nắm và chi phối (hoặc ít nhất là tác động ở mức độ nào đó) quyền lực công, thì các chủ thể tham gia chính trị quốc tế (các quốc gia, tổ chức phi chính phủ, công ty đa quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực,…) lại tương tác với nhau để thực hiện những mục tiêu chính trị nhất định chứ không phải nhằm thiết lập một thể chế “siêu quốc gia” (hoặc nắm giữ một thể chế “siêu quốc gia” nào đó đã có sẵn) có vị trí đứng trên quốc gia – dân tộc. Sở dĩ như vậy bởi bản chất của quan hệ chính trị quốc tế mang tính vô chính phủ, nghĩa là không tồn tại một chính phủ thế giới cao hơn quốc gia. Đây là một đặc điểm quan trọng mà chúng ta cần nắm rõ khi nghiên cứu các vấn đề chính trị quốc tế. Cũng cần lưu ý rằng, chính trị trong nước và chính trị quốc tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có thể tác động qua lại với nhau trên nhiều phương diện. Trước đây, khi quan hệ quốc tế chưa phát triển, các quốc gia hầu như chưa có quan hệ với quốc gia khác ngoại trừ một số nước láng giềng, và do đó 14 những diễn biến bên ngoài cách xa lãnh thổ quản lý của nhà nước hầu như không được lưu tâm. Tuy nhiên, với mức độ phát triển ngày càng nhanh cả về bề rộng và bề sâu trong quan hệ giữa các quốc gia, tình hình chính trị khu vực và thế giới dần trở thành một biến số quan trọng không thể bỏ qua trong việc hoạch định đường lối đối nội cũng như đối ngoại. Quan hệ quốc tế từ khi hình thành cho tới nay đã góp phần không nhỏ vào việc định hình và thúc đẩy sự phát triển của loài người. Nói tới quan hệ quốc tế nghĩa là đề cập tới những tương tác qua lại giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ quốc tế, bao gồm các dân tộc, nhà nước, các cá nhân, các tổ chức liên chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tập xuyên đa quốc gia,… Khái quát hơn, có thể hiểu quan hệ quốc tế là tổng hòa những mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia quan hệ quốc tế trên nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự,… trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế cũng như đảm bảo lợi ích cho những chủ thể ấy. Khái niệm “quan hệ chính trị quốc tế” cho đến nay vẫn là đề tài tranh luận của nhiều nhà khoa học. Với nhận định cho rằng quan hệ chính trị quốc tế là một bộ phận rất quan trọng của quan hệ quốc tế, không ít học giả coi hai khái niệm này là một, nghĩa là thừa nhận sự chi phối sâu sắc và phổ quát của lĩnh vực chính trị trong mọi mặt của đời sống thế giới. Dù các học giả phương Tây thường xuyên sử dụng thuật ngữ “quan hệ quốc tế” (International Relations – IRs) (thay vì sử dụng thuật ngữ “quan hệ chính trị quốc tế” (International Political Relations)) trong các công trình nghiên cứu của mình, nhưng khi phân tích các tác phẩm đó, ta có thể thấy sự hiện diện rõ nét của yếu tố chính trị trong những quan điểm, đánh giá và kết luận của họ. Cũng vì thế, nếu muốn nói tới quan hệ quốc tế trong các lĩnh vực khác, nhiều học giả sẽ tránh sử dụng thuật ngữ “quan hệ quốc tế” chung chung mà thay vào đó là một thuật ngữ cụ thể hơn. Một ví dụ điển hình là thuật ngữ “quan hệ kinh tế 15 quốc tế”. Điều này cũng đang được chấp nhận khá phổ biến trong giới nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, theo tác giả, khái niệm “quan hệ chính trị quốc tế” vẫn có giá trị riêng của mình bởi nó giúp chúng ta phân biệt quan hệ quốc tế trong lĩnh vực chính trị với quan hệ quốc tế trong các lĩnh vực quan trọng khác như kinh tế quốc tế, văn hóa toàn cầu, giáo dục quốc tế, khoa học kỹ thuật,… Do đó, trong luận văn này, tác giả quyết định sử dụng thuật ngữ “quan hệ chính trị quốc tế”. Có thể định nghĩa: “Quan hệ chính trị quốc tế là quan hệ được nảy sinh, hình thành và phát triển do sự tác động qua lại giữa các chủ thể chính trị quốc tế, trong quá trình tham gia vào đời sống chính trị quốc tế vì mục đích, lợi ích quốc gia, khu vực và quốc tế” [72, tr. 14]. Quan hệ chính trị quốc tế được hình thành và phát triển cùng với dòng chảy không ngừng của lịch sử loài người. “Trong xã hội có giai cấp, giai cấp thống trị, thông qua chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước khẳng định vai trò của mình, đồng thời mở rộng sự ảnh hưởng vượt khỏi phạm vi quốc gia. Qua đó quan hệ chính trị quốc tế từng bước được xác lập, phát triển và biến đổi” [72, tr. 13]. Ở mỗi thời kỳ lịch sử, quan hệ chính trị quốc tế có những đặc trưng khác nhau, nhưng có thể thấy nó hầu như bị chi phối chủ yếu bởi quan hệ giữa các quốc gia. Quan điểm cho rằng bản chất của các cá nhân là vị kỷ, tư lợi, cùng với môi trường vô chính phủ trong quan hệ quốc tế đã khiến nhiều người tỏ ra bi quan, lo ngại rằng chiến tranh sẽ trở thành một “hằng số” do các nước không ngừng cạnh tranh và mâu thuẫn với nhau để đạt được mục đích của mình. Hai cuộc đại chiến thế giới diễn ra trong nửa đầu thế kỷ XX đã khiến chiến tranh trở thành nỗi ám ảnh trong tư duy đối ngoại của các chính phủ, buộc họ phải luôn trong tâm lý đề phòng trước những mối đe dọa tiềm tàng về an ninh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguy cơ về một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba không còn thực sự rõ rệt, xung đột vũ trang giữa các quốc gia, phe phái đối lập vẫn diễn ra nhưng chủ yếu dừng lại ở quy mô nhỏ hoặc trung bình. Xu 16 hướng hợp tác cùng giải quyết vấn đề đang ngày càng được chú trọng trong chính trường thế giới. Mặt khác, ở thời đại hiện nay, bên cạnh vai trò quyết định của chủ thể quốc gia, rất thiều chủ thể khác (tổ chức phi chính phủ, công ty đa quốc gia, phong trào xã hội,…) cũng dần thể hiện được tiếng nói đáng kể trong nhiều vấn đề quan trọng của thế giới. Từ những nhận định trên, có thể rút ra những đặc điểm quan trọng của quan hệ chính trị quốc tế như sau: Thứ nhất, quan hệ chính trị quốc tế là mối quan hệ phức tạp với nhiều quan hệ lợi ích đan xen, ràng buộc lẫn nhau. Vì thế khi nghiên cứu và tham gia quan hệ chính trị quốc tế cần phải giữ cái nhìn đa chiều, liên ngành, tránh phiến diện, cực đoan. Thứ hai, mức độ phụ thuộc giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng. Điều này được lý giải bởi những lý do chính sau: toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chính của quan hệ quốc tế hiện nay; sự lớn mạnh của các tổ chức quốc tế thể hiện những lợi ích chung ngày càng phong phú hơn; nhiều vấn đề toàn cầu nảy sinh đòi hỏi sự hợp tác của nhiều quốc gia; sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin;… Thứ ba, chủ thể quan hệ quốc tế ngày càng nhiều và đa dạng hơn. Bên cạnh chủ thể truyền thống và quan trọng nhất là quốc gia, ngày nay đang tồn tại nhiều chủ thể có sức ảnh hưởng khá lớn như: tổ chức phi chính phủ xuyên quốc gia; tập đoàn đa quốc gia; nhóm xã hội và phong trào xã hội;… Thứ tư, thái độ và cách ứng xử của các chủ thể quan hệ quốc tế phụ thuộc lớn vào bối cảnh chính trị thế giới. Thứ năm, quan hệ chính trị quốc tế vẫn diễn ra trong môi trường quốc tế vô chính phủ, viễn cảnh về một “siêu nhà nước” đứng trên các quốc gia vẫn còn rất xa vời và không thực tế. 1.1.2. Chủ thể tham gia quan hệ chính trị quốc tế 17 Theo quá trình phát triển chung của lịch sử thế giới, số lượng chủ thể tham gia vào quan hệ chính trị quốc tế ngày một tăng lên. Dưới đây, luận văn sẽ giới thiệu khái quát về một số chủ thể chính. Một là, chủ thể Quốc gia (State). Cho đến nay, có rất nhiều định nghĩa về quốc gia đã được đưa ra. Tuy nhiên, trong luận văn này, tác giả sử dụng định nghĩa được nêu trong Điều 1 của Công ước Montevideo về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia (Montevideo Convention on the Rights and Duties of States)1 (1933), theo đó: “Với tư cách là một thực thể pháp lý quốc tế, Quốc gia cần có các đặc tính sau: (a) một lượng dân số ổn định; (b) một lãnh thổ xác định; (c) chính phủ; và (d) khả năng tham gia vào quan hệ với những quốc gia khác” [116, tr. 3]. Với những nguồn lực, sức mạnh mà mình có, quốc gia từ lâu đã trở thành chủ thể chính của quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ chính trị quốc tế nói riêng. Những tương tác qua lại giữa nước này với nước kia chính là hình thức manh nha của quan hệ quốc tế. Nói cách khác, mối quan hệ giữa các quốc gia chính là nguồn gốc cơ bản, hạt nhân trung tâm trong quan hệ chính trị quốc tế. Khi nhìn nhận quốc gia với tư cách là một chủ thể tham gia quan hệ quốc tế, chúng ta cần lưu ý những đặc điểm sau: Thứ nhất, quốc gia là chủ thể lâu đời nhất trong quan hệ quốc tế. Nhìn vào tiến trình phát triển của lịch sử thế giới, từ khi có quan hệ quốc tế, các quốc gia luôn đóng vai trò trung tâm và quyết định nhất. Thứ hai, quốc gia là chủ thể có nhiều nguồn lực nhất khi tham gia quan hệ quốc tế. Những nguồn lực đó rất đa dạng, tiêu biểu như: nguồn lực tài chính; nguồn lực con người; nguồn lực tài nguyên; nguồn lực quân sự; nguồn lực văn hóa;… Nếu xét riêng trong từng loại nguồn lực, quốc gia có thể không phải là chủ thể mạnh nhất (ví dụ: nguồn vốn của một công ty xuyên 1 Công ước này được ký vào ngày 26-12-1933 trong Hội nghị Quốc tế của các quốc gia châu Mỹ diễn ra tại thành phố Montevideo, Uruguay. Nó có hiệu lực từ ngày 26-12-1934 và được coi là một phần quan trọng trong tập quán quốc tế. 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan