Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Quyền chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động nhìn từ góc độ so ...

Tài liệu Quyền chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động nhìn từ góc độ so sánh giữa pháp luật chxhcn việt nam và pháp luật chdcn

.PDF
82
52
79

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ TƯ PHÁP TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI KHAMBEE VILAYXIONG QUYỀN CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG – NHÌN TỪ GÓC ĐỘ SO SÁNH GIỮA PHÁP LUẬT CHXHCN VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT CHDCND LÀO Chuyên ngành: Luật Kinh tế Mã số: 60 38 50 LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Hữu Chí HÀ NỘI - 2011 Lời cảm ơn! Trong suốt thời gian thực hiện luận của mình, tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ các thầy, cô giáo trong Trường Đại học Luật Hà Nội, gia đình và bạn bè. Từ sự biết ơn của mình, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy, cô giáo trường ĐH Luật Hà nội. Đặc biệt tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến thầy giáo hướng dẫn, TS. Nguyễn Hữu Chí đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, giúp đỡ tôi hoàn thành tốt luận văn này. Cùng với đó tôi cũng xin gửi lời biết ơn đến gia đình, bạn bè thân thiết đã động viên, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian thực hiện luận văn này. Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2010 Tác giả Khambee ViLayxiong MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU ................................................................................................... - 1 1. Tính cấp thiết của đề tài .................................................................................. 1 2. Tình hình nghiên cứu đề tài ............................................................................ 2 3. Mục đích nghiên cứu ...................................................................................... 3 4. Phạm vi nghiên cứu. ....................................................................................... 3 5. Phương pháp nghiên cứu của đề tài. ............................................................... 3 6. Kết cấu của luận văn ....................................................................................... 4 7. Ý nghĩa............................................................................................................ 4 Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN CHẤM DỨT HĐLĐ CỦA NSDLĐ ......................................................................................................... 5 1.1. Khái niệm quyền chấm dứt hợp đồng lao động của NSDLĐ ..................... 5 1.2. Đặc điểm quyền chấm dứt hợp đồng lao động của NSDLĐ ....................... 6 1.3. Phân loại quyền chấm dứt hợp đồng lao động của NSDLĐ ....................... 7 1.4. Tác động của quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ .................................... 9 Chương 2: QUYỀN CHẤM DỨT HĐLĐ CỦA NSDLĐ – NHÌN TỪ GÓC ĐỘ SO SÁNH GIỮA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT LÀO ............... 12 2.1. Căn cứ chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Lào ............................................................................................................. 12 2.1.1. Căn cứ đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động của NSDLĐ. ....... 12 2.1.2. Căn cứ đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ ............................ 17 2.2. Trình tự, thủ tục chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ ........................................ 31 2.2.1. Thủ tục chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ trong trường hợp đương nhiên chấm dứt HĐLĐ ............................................................................................ 31 2.2.2. Thủ tục chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ trong trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ ............................................................................................ 33 2.3. Quyền lợi và trách nhiệm của NSDLĐ sau khi thực hiện quyền chấm dứt HĐLĐ ............................................................................................................... 40 2.3.1. Trách nhiệm của NSDLĐ trong trường hợp chấm dứt HĐLĐ hợp pháp ............................................................................................................... 41 2.3.2. Trách nhiệm của NSDLĐ trong trường hợp chấm dứt HĐLĐ bất hợp pháp ............................................................................................................... 51 Chương 3: THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN CHẤM DỨT HĐLĐ CỦA NSDLĐ Ở LÀO ...................... 56 3.1. Khái quát về lực lượng lao động và pháp luật về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ của nước CHDCND Lào.............................................................. 56 3.1.1. Khái quát về lực lượng lao động của nước CHDCND Lào ................ 56 3.1.2. Lịch sử phát triển của pháp luật lao động Lào nói chung và quy định về quyền chấm dứt HĐLĐ nói riêng ............................................................. 57 3.2. Thực trạng pháp luật lao động Lào về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ ............................................................................................................. 60 3.2.1. Những thành tựu đã đạt được của pháp luật lao động Lào về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ........................................................................ 60 3.2.2. Những hạn chế, vướng mắc của pháp luật lao động Lào về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ........................................................................ 62 3.3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ ở Lào trong thời gian tới .............................................................. 67 3.3.1. Phương hướng hoàn thiện pháp luật lao động Lào về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ........................................................................................ 67 3.3.2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật lao động Lào về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ........................................................................................ 70 KẾT LUẬN .......................................................................................................... 75 DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT CHXHCN: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa CHDCND: Cộng hòa dân chủ nhân dân NSDLĐ: NLĐ: Người sử dụng lao động Người lao động HĐLĐ: Hợp đồng lao động BLLĐ: Bộ luật lao động TNHH: Trách nhiệm hữu hạn 1 LỜI MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Khi tham gia vào quan hệ pháp luật lao động, các bên chủ thể được pháp luật trao cho những quyền lợi cũng như những nghĩa vụ nhằm đảm bảo cho quan hệ pháp luật ấy diễn ra một cách ổn định. Thực tế cho thấy, thị trường lao động ngày càng phát triển với những mối quan hệ lao động đa dạng, phức tạp; nhu cầu việc làm trong xã hội rất lớn, do đó, một hệ quả tất yếu là NSDLĐ có quyền được lựa chọn cho mình người lao động phù hợp để giao kết HĐLĐ. Quyền lợi này của NSDLĐ cũng được pháp luật các nước bảo đảm khi quy định về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ trong pháp luật lao động. Cũng bởi xuất phát từ quyền nêu trên mà rất nhiều HĐLĐ bị chấm dứt, gây ra những hậu quả cho xã hội như nạn thất nghiệp gia tăng, đời sống của người lao động không ổn định… Mặc dù pháp luật các quốc gia đều có những quy định để điều chỉnh quan hệ lao động, song pháp luật mỗi quốc gia khác nhau lại có sự quy định khác nhau để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước mình. Lào và Việt Nam là hai quốc gia láng giềng có điều kiện kinh tế, chính trị khá giống nhau, do đó, pháp luật của hai quốc gia cũng có những nét tương đồng. Trong lĩnh vực lao động, pháp luật của hai quốc gia đều quy định về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ. Tuy nhiên, quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ pháp luật lao động nói riêng không phải lúc nào cũng ổn định, bởi vậy pháp luật cũng cần phải có sự thay đổi cho phù hợp. Do đó, việc tham khảo pháp luật của quốc gia bạn là điều thực sự có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hoàn thiện pháp luật của quốc gia mình. Là một học viên Lào học tập và nghiên cứu tại Việt Nam, trên cơ sở những hiểu biết về pháp luật lao động tại Việt Nam cùng với sự say mê nghiên cứu pháp luật, tôi mạnh dạn lựa chọn đề tài: “Quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ – Nhìn từ góc độ so sánh giữa pháp luật CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào” làm đề tài bảo vệ luận văn thạc sĩ luật học của mình. 2 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ là một chế định pháp lí quan trọng được quy định trong pháp luật lao động của hầu hết các quốc gia trên thế giới, nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và CHDCND Lào cũng không phải là ngoại lệ. Ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu về HĐLĐ trong đó có đề cập đến quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ. Trước hết, vấn đề này được nghiên cứu trong nhiều luận văn tiến sĩ, thạc sĩ luật học như: “ HĐLĐ trong cơ chế thị trường ở Việt Nam” – Ts. Nguyễn Hữu Chí; “Phương hướng hoàn thiện chế độ HĐLĐ ở Việt Nam –Ths. Lê Hoài Thu; “Chấm dứt HĐLĐ theo pháp luật lao động Việt Nam” - Ths. Nguyễn Thanh Đại... Bên cạnh đó, còn có nhiều khóa luận tốt nghiệp cũng nói đến vấn đề liên quan đến quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ như: “Một số điểm chung và một số điểm khác biệt giữa HĐLĐ Việt Nam và HĐLĐ một số nước trên thế giới” - Nguyễn Hùng Tuấn; “Hợp đồng lao động – những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật lao động” - Vũ Thị Mai Anh… Ở Lào cũng có công trình nghiên cứu về vấn đề này như: “HĐLĐ – nhìn từ góc độ so sánh giữa Bộ luật lao động Việt Nam và Bộ luật lao động Lào” – Ths. Alunny Manipakon… Hầu hết, các công trình nghiên cứu kể trên của các tác giả đã đề cập đến quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ và một số vấn đề pháp lý liên quan là những tài liệu tham khảo quý giá cho tôi trong quá trình nghiên cứu đề tài của mình. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào nghiên cứu riêng, trực tiếp, có hệ thống và toàn diện về những nét tương đồng, khác biệt về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ giữa hai quốc gia Việt Nam và Lào. 3 3. Mục đích nghiên cứu Đề tài nghiên cứu về “ Quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ nhìn từ góc độ so sánh giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Lào” nhằm làm rõ: những vấn đề lý luận liên quan đến pháp luật về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ; quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ nhìn từ góc độ so sánh giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Lào; thực trạng và kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ ở Lào. 4. Phạm vi nghiên cứu. Quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ là một nội dung quan trọng trong các quy định về HĐLĐ và là vấn đề tương đối phức tạp, có thể tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu quyền chấm dứt HĐLĐ dưới góc độ là một quyền năng pháp lý của NSDLĐ, đề tài sẽ tập trung làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về quyền chấm dứt HĐLĐ; các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật Lào về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ nhìn từ góc độ so sánh; đồng thời nêu ra những thực trạng và kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật Lào về vấn đề này. 5. Phương pháp nghiên cứu của đề tài. Khi nghiên cứu vấn đề này, đề tài được thực hiện trên cơ sở vận dụng những phương pháp của chủ nghĩa Mác Lênin, đó là phương pháp duy vật biện chứng, phương pháp duy vật lịch sử. Ngoài ra đề tài còn sử dụng một số phương pháp sau: - Phương pháp so sánh: được sử dụng nhằm so sánh quy định pháp luật của Việt Nam và Lào về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ; - Phương pháp liệt kê: Liệt kê các quy định pháp luật của pháp luật Việt Nam và pháp luật Lào về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ; 4 - Phương pháp phân tích: được sử dụng chủ yếu để làm sáng tỏ những vấn đề thuộc nội dung của phạm vi nghiên cứu; - Phương pháp tổng hợp: được sử dụng để khái quát hóa nội dung nghiên cứu một cách hệ thống nhằm làm rõ nội dung của vấn đề. 6. Kết cấu của luận văn Với phạm vi nghiên cứu như trên, ngoài các phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và mục lục, luận văn bao gồm 3 chương. Cụ thể: - Chương 1: Những vấn đề lý luận về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ. - Chương 2: Quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ nhìn từ góc độ so sánh giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Lào. - Chương 3: Thực trạng và kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về Quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ ở Lào. 7. Ý nghĩa Ý nghĩa to lớn nhất của đề tài là chỉ ra được những điểm tương đồng và khác biệt giữa pháp luật CHXHCN Việt Nam và pháp luật CHDCND Lào về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ. Đề tài được hoàn thành, kết quả này được sử dụng làm tài liệu tham khảo, vận dụng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện quy định quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ theo pháp luật Lào. Qua đó góp phần thúc đẩy và hoàn thiện nhận thức của toàn xã hội hướng tới bảo vệ quyền lợi chính đáng của NSDLĐ cũng như có những chế tài phù hợp nhằm trừng trị những hành vi vi phạm của chính đối tượng này, qua đó bảo vệ quyền lợi cho NLĐ và Nhà nước Lào. Và mong muốn rằng, đề tài này sẽ là tài liệu tham khảo cho các độc giả của Việt Nam phục vụ cho công cuộc nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng dạy cũng như sinh viên trong lĩnh vực Luật học. 5 Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN CHẤM DỨT HĐLĐ CỦA NSDLĐ 1.1. Khái niệm quyền chấm dứt hợp đồng lao động của NSDLĐ Khi tham gia vào quan hệ pháp luật lao động, NSDLĐ với tư cách là người “chủ” nắm giữ trong tay tư liệu sản xuất, đi thuê “sức lao động” của NLĐ để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đem lại lợi nhuận cho mình. Do đó, NSDLĐ cũng là chủ thể được pháp luật bảo vệ, trao cho hưởng những quyền lợi nhất định và tương ứng với những nghĩa vụ phải thực hiện. Một trong những quyền năng tiêu biểu của NSDLĐ đó là quyền chấm dứt HĐLĐ. Hiện nay pháp luật lao động Việt Nam cũng như pháp luật lao động Lào chưa có một định nghĩa cụ thể về “quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ”. Do đó, có thể hiểu khái niệm này dựa trên sự giải thích của Từ điển tiếng Việt như sau: Quyền nói chung được hiểu là: “thế, sức mạnh, lợi lộc được hưởng do pháp luật công nhận hoặc do địa vị đem lại”[8,tr.1383]. Quyền chủ thể là “cách thức xử sự mà pháp luật cho phép chủ thể được tiến hành. Nói cách khác quyền chủ thể là khả năng của chủ thể xử sự theo cách thức nhất định được pháp luật cho phép. Nói là khả năng có nghĩa là chủ thể có thể lựa chọn việc xử sự theo cách thức mà nó được phép tiến hành hoặc không xử sự như vậy”[6,tr.448]. “Chấm dứt HĐLĐ là sự kiện pháp lý mà một hoặc cả hai bên không tiếp tục thực hiện HĐLĐ, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của hai bên đã thỏa thuận trong HĐLĐ”[3,tr.16]. Từ những cách giải thích nêu trên có thể hiểu: Quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ là quyền năng mà pháp luật cho phép NSDLĐ được chấm dứt việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong HĐLĐ đã ký kết với NLĐ. 6 1.2. Đặc điểm quyền chấm dứt hợp đồng lao động của NSDLĐ Quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ là một trong những quyền năng cơ bản được pháp luật trao cho NSDLĐ. Do đó, nó vừa mang những đặc điểm chung của quyền chủ thể, vừa có những đặc trưng riêng của quyền chấm dứt HĐLĐ, cụ thể: - Quyền chấm dứt HĐLĐ là một quyền năng pháp lý của NSDLĐ: quyền chấm dứt HĐLĐ được pháp luật trao cho người sử dụng lao động và được ghi nhận trong các văn bản pháp luật lao động, bởi vậy nó mang tính pháp lý. Vì là một quyền năng pháp lý của NSDLĐ, cho nên quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ được Nhà nước bảo vệ. Đó là khi có tranh chấp xảy ra, NSDLĐ có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi cho mình. - Quyền chấm dứt HĐLĐ của người SDLĐ nhằm bảo đảm cho lợi ích của NSDLĐ: HĐLĐ là cơ sở hình thành nên quan hệ lao lao động giữa NSDLĐ và NLĐ nhưng khi tham gia vào một HĐLĐ không có nghĩa là mối quan hệ lao động giữa những chủ thể này sẽ tồn tại mãi mãi. NSDLĐ có quyền tìm cho mình người lao động phù hợp, do đó họ có quyền chấm dứt HĐLĐ nếu thấy cần thiết và lúc này quyền chấm dứt HĐLĐ là cơ sở pháp lý giúp họ chấm dứt HĐLĐ cũ để hình thành HĐLĐ mới một cách hợp pháp. - Quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ bị giới hạn trong phạm vi quy định của pháp luật: mặc dù quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ được pháp luật ghi nhận để đảm bảo quyền lợi cho NSDLĐ song pháp luật cũng cần phải bảo vệ cả NLĐ, tránh trường hợp NSDLĐ lạm dụng quyền pháp luật trao cho để chấm dứt HĐLĐ một cách tùy tiện, bởi vậy không phải trong mọi trường hợp NSDLĐ đều được quyền chấm dứt HĐLĐ. Pháp luật lao động có quy định cụ thể những trường hợp NSDLĐ không được chấm dứt HĐLĐ với NLĐ. 7 - Quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ là khả năng yêu cầu NLĐ tôn trọng, tạo điều kiện để thi hành hoặc yêu cầu NLĐ chấm dứt các hành động cản trở thực hiện quyền của mình. Đây là đặc trưng thể hiện rõ nét nhất vị thế của NSDLĐ trong quan hệ lao động. NSDLĐ là một bên chủ thể trong quan hệ pháp luật lao động, chủ thể này có đầy đủ những quyền năng mà pháp luật ghi nhận. Chính vì thể họ có đủ năng lực pháp lý để yêu cầu phía bên kia của quan hệ là NLĐ tôn trọng cũng như tạo điều kiện để họ thực hiện được quyền của mình trong phạm vi pháp luật quy định. 1.3. Phân loại quyền chấm dứt hợp đồng lao động của NSDLĐ Chấm dứt HĐLĐ là sự kiện pháp lý làm kết thúc mối quan hệ của các bên trong quan hệ lao động. Có nhiều cách để phân chia về quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ. Nếu căn cứ vào tính hợp pháp thì có thể phân chia việc chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ thành 2 loại là hợp pháp và bất hợp pháp. Chấm dứt HĐLĐ hợp pháp được hiểu là trường hợp NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ có căn cứ và tuân thủ đúng các thủ tục do pháp luật quy định. Còn chấm dứt HĐLĐ bất hợp pháp được hiểu là trường hợp chấm dứt hợp đồng không có căn cứ hoặc không tuân thủ đúng các thủ tục do pháp luật quy định hoặc do cả hai. Căn cứ vào tính chất của quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ thì có thể chia thành hai trường hợp là quyền đương nhiên chấm dứt HĐLĐ và quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Đây cũng chính là hướng nghiên cứu của tác giả khi tiếp cận đề tài. Cụ thể như sau: + Đương nhiên chấm dứt HĐLĐ: được hiểu là trường hợp HĐLĐ mặc nhiên chấm dứt khi có một số sự kiện xảy ra. Sự kiện đó có thể là các bên chủ thể trong quan hệ lao động đã hoàn thành quyền và nghĩa vụ của mình hoặc hết thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng, hoặc có sự kiện pháp lý xảy ra làm chấm dứt quan hệ pháp luật theo hợp đồng. + Đơn phương chấm dứt HĐLĐ 8 “Đơn phương” theo Từ điển Tiếng Việt là “có tính chất của một bên, không có sự thỏa thuận hoặc tham gia của bên kia”, đơn phương chấm dứt HĐLĐ là hành vi pháp lý trong đó làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ lao động. Còn theo Báo cáo tổng kết ngành Tòa án năm 1999 thì đơn phương chấm dứt HĐLĐ là việc “một bên chủ động quyết định chấm dứt việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động mà không phụ thuộc vào ý chí của bên kia”[10,tr.74]. Như vậy nếu như đương nhiên chấm dứt HĐLĐ là việc chấm dứt dựa trên ý chí của cả hai bên trong quan hệ lao động do HĐLĐ hết hạn hoặc do sự kiện pháp lý phát sinh thì đơn phương chấm dứt HĐLĐ lại là trường hợp HĐLĐ chưa kết thúc, đối tượng là công việc phải làm và chủ thể của hợp đồng này vẫn đang còn tồn tại nhưng NSDLĐ vẫn quyết định chấm dứt hợp đồng. Mặt khác việc chấm dứt này là do NSDLĐ toàn quyền quyết định không phụ thuộc vào ý chí của NLĐ. Đơn phương chấm dứt HĐLĐ là vấn đề phức tạp vì trên thực tế nhưng tranh chấp phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động chủ yếu xuất phát từ việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Chính vì vậy vai trò của pháp luật trong vấn đề điều chỉnh hài hòa giữa quyền và lợi ích của các bên khi chấm dứt HĐLĐ là rất cần thiết. Pháp luật của các quốc gia trên thế giới có những cách phân loại khác nhau về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ, chẳng hạn như pháp luật của Mỹ quy định cho phép NSDLĐ có quyền chấm dứt HĐLĐ mà không cần lý do cụ thể. Đối với pháp luật lao động Việt Nam và Lào khi quy định về vấn đề này đã có điểm chung đó là cùng quy định quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ thành hai trường hợp là đương nhiên chấm dứt và đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ. Tuy nhiên, về các quy định chi tiết như căn cứ chấm dứt, thủ tục chấm dứt…pháp luật lao động Việt Nam và Lào lại có những điểm khác biệt. 9 1.4. Tác động của quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ Chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ là sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ lao động giữa NSDLĐ và NLĐ được thiết lập trên cơ sở HĐLĐ. Vì vậy, sự kiện này có tác động rất lớn đến NLĐ, xã hội và ngay cả chính bản thân NSDLĐ. Trước hết đối với NLĐ: Việc chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ vừa có tác động tích cực, vừa có tác động tiêu cực đến NLĐ cụ thể: + Tác động tích cực: Khi NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, người lao động sẽ có cơ hội được tìm kiếm công việc mới với môi trường làm việc phù hợp với điều kiện và trình độ chuyên môn của mình. Đồng thời được tiếp xúc với thị trường lao động, có điều kiện được nâng cao trình độ và phát huy tối đa khả năng của mình. Đặc biệt trong những trường hợp NSDLĐ đồng ý cho NLĐ chấm dứt HĐLĐ, hoặc hết hạn hợp đồng (khoản 1, 3 Điều 36 BLLĐ Việt Nam và Điều 28 BLLĐ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào), hoặc trường hợp NLĐ cố ý gây ra lỗi để NSDLĐ để NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ…thì việc chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ còn giúp cho NLĐ thực hiện được mục đích của mình. + Tác động tiêu cực: Có thể thấy rằng trong việc chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động đối tượng bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp nhất là người lao động, vì người lao động là một bên trong quan hệ lao động và việc làm lại là vấn đề “sống còn”, là “cơm áo” đối với người lao động và những người thân của họ. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế của Việt Nam và Lào hiện nay còn chưa phát triển, nông nghiệp vẫn chiếm chủ yếu trong cơ cấu kinh tế, nhu cầu về việc làm còn lớn, người lao động chủ yếu lại là lao động chân tay (lao động thể chất), thì việc người lao động tìm kiếm cho mình được một công việc phù hợp, đem lại thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình họ là một vấn đề rất khó. Vì vậy, trong những trường hợp như doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ (Điều 17 BLLĐ Việt Nam, Điều 29 BLLĐ Lào) hoặc hết hạn hợp đồng mà người sử dụng lao động không ký kết tiếp…dẫn đến người sử dụng lao động 10 chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, thì việc chấm dứt này sẽ làm cho người lao động bị mất việc làm, việc tìm kiếm được một công việc mới là một vấn đề rất khó và nan giải, từ đó sẽ kéo theo người lao động không có thu nhập để nuôi sống bản thân mình và gia đình họ. Thứ hai, tác động của quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ đối với NSDLĐ: Mặc dù quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ là một quyền năng quan trọng của NSDLĐ, nhưng khi NSDLĐ thực hiện quyền này nó cũng ảnh hưởng đến cả chính bản thân NSDLĐ theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực, cụ thể: + Tác động tích cực: Chấm dứt HĐLĐ là một trong những hình thức thực hiện quyền quản lý của NSDLĐ đối với người lao động cũng như đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp NSDLĐ loại bỏ những nhân tố tiêu cực trong quá trình lao động, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền tự định đoạt của NSDLĐ. Là cơ sở để NSDLĐ điều chỉnh cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp với kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh, có cơ hội để tuyển dụng nguồn lao động có chất lượng phù hợp với yêu cầu đặc thù của đơn vị, đồng thời, thúc đẩy nâng cao chất lượng lao động theo hướng phát triển của kinh tế thị trường + Tác động tiêu cực: Chấm dứt HĐLĐ trong một số trường hợp NSDLĐ ở tình thế bị động như trường hợp NLĐ cố ý vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng cho NSDLĐ (ăn trộm tài sản, công nghệ, bí mật kinh doanh của NSDLĐ…), đặc biệt những người vi phạm lại giữ các chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp, thì việc NSDLĐ phải chấm dứt HĐLĐ với NLĐ sẽ làm cho NSDLĐ không chủ động được nguồn nhân lực ngay lập tức, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh. Khi NSDLĐ tuyển dụng NLĐ mới thay thế, NSDLĐ phải bỏ thêm chi phí cho 11 việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng lại người lao động mới. Như vậy, việc chấm dứt này tạo ra nhiều thiệt hại cho NSDLĐ. Thứ hai, tác động của quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ đối với xã hội: Việc chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các bên trong quan hệ lao động là NSDLĐ và NLĐ, mà nó còn tác động đến xã hội theo hai chiều hướng vừa tích cực, vừa tiêu cực, cụ thể: + Tác động tích cực: Quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ tạo ra cơ chế đào thải có chọn lọc đối với người lao động, loại bỏ đi những nhân tố tiêu cực trong quá trình sản xuất, qua đó thúc đẩy nền kinh tế nói chung và quan hệ lao động nói riêng phát triển. + Tác động tiêu cực: Việc làm là vấn đề quan trọng, được hầu hết Chính phủ các quốc gia quan tâm. Nhìn vào tình trạng việc làm, chính sách việc làm của một quốc gia, có thể đánh giá được trình độ phát triển của quốc gia đó cao hay thấp. Việc chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ, từ đó ảnh hưởng đến xã hội, thể hiện: Khi người lao động bị mất việc làm sẽ tạo ra gánh nặng giải quyết việc làm và các vấn đề an sinh xã hội đối với nhà nước. Bên cạnh đó từ việc mất việc làm của NLĐ còn có thể gây ra những tệ nạn xã hội phát sinh như ma túy, mại dâm…ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của nhân dân. 12 Chương 2: QUYỀN CHẤM DỨT HĐLĐ CỦA NSDLĐ – NHÌN TỪ GÓC ĐỘ SO SÁNH GIỮA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT LÀO 2.1. Căn cứ chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Lào Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ lao động. HĐLĐ là căn cứ phát sinh quan hệ lao động, đồng thời là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ khi phát sinh tranh chấp giữa các bên trong quan hệ này. Xuất phát từ vị thế của các bên trong quan hệ lao động, trong đó NSDLĐ bao giờ cũng ở thế mạnh hơn so với NLĐ, là lực lượng nắm giữ tư liệu sản xuất, có đầy đủ các điều kiện vốn, công nghệ kỹ thuật, khả năng kinh doanh…Ngược lại NLĐ chỉ có một tài sản duy nhất là sức lao động, họ là người phải đi bán sức lao động của mình, chính vì thế NLĐ luôn rơi vào thế yếu trong quan hệ với NSDLĐ. Hơn nữa do tương quan cung cầu lao động trên thị trường mà NSDLĐ thường chấm dứt quan hệ với NLĐ vô cớ. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, pháp luật lao động Việt Nam và Lào đều quy định những căn cứ chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ, và chỉ khi có những căn cứ đó thì NSDLĐ mới được chấm dứt HĐLĐ với NLĐ. Như phần 1.1.2 về phân loại quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ, có thể thấy cả pháp luật lao động Việt Nam và Lào đều chia quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ thành hai loại là đương nhiên chấm dứt HĐLĐ và đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Do đó căn cứ để chấm dứt của NSDLĐ trong hai trường hợp này là khác nhau. 2.1.1. Căn cứ đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động của NSDLĐ. Hợp đồng lao động là công cụ để thiết lập và duy trì quan hệ lao động. Một khi các điều kiện để duy trì hiệu lực của hợp đồng không còn thì quyền và 13 nghĩa vụ giữa các chủ thể cũng đương nhiên chấm dứt. Theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam và pháp luật lao động Lào hiện hành thì các bên chủ thể trong quan hệ lao động mà cụ thể là NSDLĐ có quyền đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động khi có những căn cứ được quy định tại Điều 36 BLLĐ Việt Nam và Điều 28 BLLĐ Lào. Tại Điều 36 BLLĐ Việt Nam quy định: “Hợp đồng lao động chấm dứt trong các trường hợp sau đây: 1. Hết hạn hợp đồng; 2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng; 3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng; 4. Người lao động bị kết án tù giam hoặc bị cấm làm công việc cũ theo quyết định của tòa án; 5. Người lao động chết; mất tích theo tuyên bố của Tòa án.” Điều 28 BLLĐ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tháng 12/2006 quy định về chấm dứt và hết hạn hợp đồng như sau: “Hợp đồng lao động có thể được chấm dứt theo thỏa thuận giữa hai bên. Một bên có thể chấm dứt hợp đồng lao động không có thời hạn vào bất kỳ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên kia biết ít nhất là ba mươi ngày đối với người lao động chân tay, bốn mươi lăm ngày đối với người lao động có trình độ chuyên môn. Trước khi hết thời hạn của hợp đồng, hai bên phải thông báo cho bên kia biết ít nhất mười lăm ngày. Nếu có sự đồng ý muốn tiếp tục làm việc, hai bên phải ký kết hợp đồng lại. Hợp đồng dựa trên khối lượng công việc sẽ hết hạn khi công việc đó được hoàn thành. 14 Hợp đồng lao động sẽ bị chấm dứt trong trường hợp người lao động chết nhưng người sử dụng lao động phải trả tiền thù lao theo quy định dựa trên khối lượng công việc mà người lao động đã thực hiện và các chính sách khác theo quy định của pháp luật.” Căn cứ vào hai quy định nêu trên, có thể thấy cả pháp luật lao động Việt Nam và pháp luật lao động Lào đều cho phép NSDLĐ được quyền đương nhiên chấm dứt HĐLĐ trong các trường hợp: Hết hạn hợp đồng, công việc theo hợp đồng đã hoàn thành; theo thỏa thuận chấm dứt hợp đồng của hai bên, người lao động chết, cụ thể: - Trường hợp hết hạn hợp đồng lao động: Thời hạn của hợp đồng là khoảng thời gian mà các bên chủ thể trong quan hệ lao động bị ràng buộc với nhau về quyền và nghĩa vụ. Theo quy định tại Điều 27 BLLĐ Việt Nam thì thời hạn đó có thể là hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng và theo mùa vụ hoặc công việc nhất định mà thời hạn dưới 12 tháng. Còn theo quy định tại Điều 24 BLLĐ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thì: “Hợp đồng lao động có thể được thực hiện trong một thời hạn nhất định hoặc vô thời hạn tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động” Thời hạn của hợp đồng lao động được dựa trên cơ sở sự thỏa thuận giữa các bên. Chính vì vậy khi thời hạn này kết thúc thì quyền và nghĩa vụ của các bên cũng được hoàn thành. Vì vậy, đây được coi là trường hợp NSDLĐ được quyền đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy, quyền đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động của NSDLĐ vì lý do hết hạn của hợp đồng thông thường chỉ áp dụng đối với trường hợp hợp đồng lao động ký kết là hợp đồng lao động xác định thời hạn, có thể là từ 12 đến 36 tháng và lao động theo mùa vụ hoặc công việc nhất định mà thời hạn dưới 12 15 tháng (theo pháp luật lao động Việt Nam), mà không áp dụng đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn. - Trường hợp đã hoàn thành công việc theo hợp đồng: Đây là trường hợp hợp đồng lao động được ký kết dựa trên khối lượng công việc mà các bên đã thỏa thuận, (có thể bằng văn bản hoặc bằng lời nói). Cho nên khi công việc đã hoàn thành, tức là thỏa thuận cam kết trong hợp đồng lao động của các bên đã được thực hiện xong. Theo đó, quyền lợi và trách nhiệm của các bên tự chấm dứt khi công việc đã được hoàn thành. - Trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng: Đây là trường hợp các bên tự thỏa thuận về việc chấm dứt quan hệ lao động trước khi hết hạn của hợp đồng lao động. Việc chấm dứt này phụ thuộc vào ý chí của hai bên trong quan hệ lao động. Pháp luật cho phép các bên tự thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động xuất phát từ bản chất của hợp đồng lao động là sự thỏa thuận của NSDLĐ và NLĐ về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Vì các bên có quyền thỏa thuận hình thành nên hợp đồng lao động, nên cũng có quyền thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Quy định này nhằm tạo ra sự linh hoạt trong việc đưa ra các điều kiện để chấm dứt hợp đồng lao động giữa NLĐ và NSDLĐ, đồng thời nhằm phát huy tối đa khả năng thương lượng của các bên trong quan hệ lao động. - Trường hợp NLĐ chết: Đây là trường hợp một bên trong quan hệ lao động không còn nữa, cụ thể là NLĐ bị chết có thể do bệnh tật, tai nạn…hoặc chết do tuyên bố của Tòa án. Cho nên hợp đồng lao động giữa NSDLĐ và NLĐ không tiếp tục thực hiện được nữa, và quan hệ lao động giữa các bên đương nhiên chấm dứt.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất