Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Nghệ thuật múa trong sân khấu rô băm và dù kê của người khmer nam bộ...

Tài liệu Nghệ thuật múa trong sân khấu rô băm và dù kê của người khmer nam bộ

.PDF
245
1106
72

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM Trần Thị Lan Hương NGHỆ THUẬT MÚA TRONG SÂN KHẤU RÔ BĂM VÀ DÙ KÊ CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT Hà Nội – 2017 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM Trần Thị Lan Hương NGHỆ THUẬT MÚA TRONG SÂN KHẤU RÔ BĂM VÀ DÙ KÊ CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ Chuyên ngành : Lý luận và Lịch sử Sân khấu Mã số: 9210221 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: GS.TS Lê Thị Hoài Phương Hà Nội – 2017 1 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận án tiến sĩ Nghệ thuật múa trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê của người Khmer Nam Bộ là công trình nghiên cứu do tôi viết dưới sự hướng dẫn của GS. TS. Lê Thị Hoài Phương. Các trích dẫn và kết quả nghiên cứu nêu trong luận án là trung thực và có xuất xứ rõ ràng. Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2017 Tác giả luận án Trần Thị Lan Hương 2 MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN..................................................................................................... 1 DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT...................................................................... 3 QUY ƯỚC VỀ CÁCH VIẾT, TÊN GỌI MỘT SỐ DANH TỪ RIÊNG............. 4 MỞ ĐẦU................................................................................................................... 5 Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI........................ 20 1.1. Cơ sở lý luận của đề tài................................................................................. 20 1.2. Cơ sở thực tiễn của đề tài ............................................................................ 37 Tiểu kết.................................................................................................................... 56 Chương 2: NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA NGHỆ THUẬT MÚA TRONG SÂN KHẤU RÔ BĂM VÀ DÙ KÊ ............................................................................... 58 2.1. Những đặc điểm của múa trong sân khấu Rô Băm của người Khmer Nam Bộ.................................................................................................................... 58 2.2. Những đặc điểm của múa trong sân khấu Dù Kê của người Khmer Nam Bộ.................................................................................................................... 83 2.3. Những điểm tương đồng và khác biệt về múa trong sân khấu Rô Băm và sân khấu Dù Kê ..................................................................................................... 95 Tiểu kết.................................................................................................................... 98 Chương 3: NHỮNG VẤN ĐỀ BÀN LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT.............................. 101 3.1. Những vấn đề bàn luận của tác giả luận án………………….…..…........ 101 3.2. Đánh giá thực trạng hoạt động của sân khấu Rô Băm và Dù Kê…….... 117 3.3. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy NTSK Rô Băm và Dù Kê ........... 128 Tiểu kết.................................................................................................................. 134 KẾT LUẬN........................................................................................................... 137 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ.............. 141 TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................................... 142 PHỤ LỤC.............................................................................................................. 149 3 DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT Viết đầy đủ Viết tắt ĐBSCL Đồng bằng sông Cửu Long GS.TS Giáo sư, Tiến sĩ HCV Huy chương Vàng KH và CN Khoa học và Công nghệ NCKH Nghiên cứu khoa học NCS Nghiên cứu sinh NSND Nghệ sĩ Nhân dân NSƯT Nghệ sĩ Ưu tú NT Nghệ thuật NTBD Nghệ thuật biểu diễn NTDG Nghệ thuật dân gian NTM Nghệ thuật múa NTSK Nghệ thuật sân khấu Nxb Nhà xuất bản PGS.TS Phó Giáo sư, Tiến sĩ PL Phụ lục NTSKTT Nghệ thuật sân khấu truyền thống Ths Thạc sĩ THVHNT Trung học Văn hóa Nghệ thuật Tp. HCM Thành phố Hồ Chí Minh Tr. Trang VHNT Văn hóa Nghệ thuật VH – TT Văn hóa – Thông tin VHTTDL Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam 4 QUY ƯỚC VỀ CÁCH VIẾT MỘT SỐ DANH TỪ RIÊNG 1. Cách viết tên gọi tộc người “Khmer” Được biết, Khmer là từ được viết theo phiên âm tiếng Pháp. Tiếng Việt phiên âm thành Khơ-me. Qua nghiên cứu các tài liệu có liên quan đến đề tài luận án, tác giả luận án nhận thấy cách viết danh từ riêng – tên gọi của tộc người Khmer không thống nhất. Có một số tác giả viết là “Khơ – me”, một số ít viết liền thành “Khơme”, nhiều hơn cả là các tác giả viết “Khmer”. Đặc biệt, trong hầu hết các công trình nghiên cứu được hoàn thành từ những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, từ các sách đã xuất bản cho đến các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, hay các luận văn, khóa luận đều thống nhất viết là “Khmer”. Vì vậy, để cho thống nhất với cách viết phổ biến nhất trong hầu hết các tài liệu mà luận án tham khảo, trích dẫn, NCS cũng sử dụng cách viết là “Khmer”. 2. Tên gọi, cách viết “Rô Băm”, “Dù Kê” Về tên gọi và cách viết cụm từ “Rô Băm” có sự khác nhau giữa các nhà nghiên cứu. Có người viết là “Rôbam”, một số người viết là “Rô băm”, thậm chí có tác giả viết là “Ròbâm”..., nhưng phổ biến hơn cả là “Rô Băm”. Về sân khấu Dù Kê, có số ít nhà nghiên cứu viết là “Yukê”, hoặc là “Dù kê”, hay “Dù Kê”... Theo tác giả luận án, sở dĩ có sự khác nhau như vậy là do tùy thuộc vào cách phiên âm từ tiếng dân tộc Khmer ra tiếng Việt của từng người viết. Căn cứ vào cách viết phổ biến nhất và gần đây nhất, tác giả luận án chọn cách viết “Rô Băm” và “Dù Kê” để sử dụng thống nhất trong toàn bộ luận án này. Trong trường hợp trích dẫn từ công trình nghiên cứu nào đó, với tinh thần tôn trọng tác giả của các công trình ấy, tác giả luận án sẽ trích dẫn nguyên văn, đúng như văn bản. 5 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc chung sống hòa bình trên mảnh đất hình chữ S, hầu như dân tộc nào cũng có những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc, phản ánh tư tưởng, tình cảm, lối sống, phong tục, tín ngưỡng của dân tộc mình; đồng thời có những nét văn hóa là kết quả của sự tiếp biến, giao thoa trong quá trình cộng sinh hay giao lưu giữa các dân tộc trong vùng và trong khu vực. Vùng văn hóa Nam Bộ là nơi tập trung sinh sống của đồng bào các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm, Stiêng... Trong đó, tộc người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long được biết đến là một cộng đồng cư dân đông đúc, có một kho tàng văn hóa nghệ thuật truyền thống rất phong phú và đặc sắc. Người Khmer Nam Bộ sáng tạo nên nhiều thể loại, loại hình NTBD đặc sắc gồm dân ca, âm nhạc, múa và sân khấu. Nhiều bài hát dân ca, các điệu múa dân gian truyền thống và các hình thức sân khấu đã gắn bó với đời sống của người dân Khmer hàng trăm năm nay, là món ăn tinh thần không thể thiếu của cộng đồng người Khmer, hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của họ, trong các lễ nghi tôn giáo và tín ngưỡng, trong các lễ hội, đám cưới, đám ma, đám rước, trong sinh hoạt cộng đồng... Người Khmer rất thích múa và ai cũng biết múa, từ già, trẻ, gái, trai – ai ai cũng hiểu biết và có thể trình diễn các điệu múa dân gian Khmer. Rồi dần dần các điệu múa dân gian trong sinh hoạt được những người nghệ sĩ dân gian tài ba bồi đắp, hoàn thiện thành những điệu múa biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp của người Khmer. Hơn thế nữa, múa, hát là chất liệu đặc trưng để người Khmer sáng tạo nên các thể loại sân khấu kịch hát riêng của mình, là sân khấu Rô Băm và Dù Kê. Nói đến người Khmer ở Nam Bộ là người ta nghĩ ngay đến NTM, đến NTSK cổ truyền Rô Băm và sân khấu Dù Kê. NTSK kịch hát Khmer Nam bộ là nơi hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật như ca hát, múa, âm nhạc, thơ văn, hội họa, nghệ thuật tạo hình, v.v… trong đó, NTM Khmer chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Từ lâu nền văn hoá - nghệ thuật đặc sắc của người Khmer Nam Bộ đã thu hút sự chú ý của nhiều học giả, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Các nhà nghiên 6 cứu đã tìm hiểu, mô tả, phân tích, khái quát các yếu tố, thành tố của kho tàng VHNT phong phú của người Khmer Nam Bộ từ nhiều góc độ khác nhau. Trong đó, NTM, âm nhạc và sân khấu của người Khmer được nhiều người quan tâm. Từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước cho đến nay đã có khá nhiều công trình NCKH, nhiều bài viết nghiên cứu, các luận văn thạc sĩ, các hội thảo khoa học bàn về VHNT của người Khmer Nam Bộ được công bố. Tuy nhiên chưa có công trình nghiên cứu lớn nào tập trung nghiên cứu đồng thời cả hai hình thức sân khấu Rô Băm và Dù Kê, và đi sâu hơn nữa là nghiên cứu về NTM trong hai hình thức sân khấu này. Nghiên cứu một cách có hệ thống về hai hình thức sân khấu đặc sắc của người Khmer Nam Bộ là Rô Băm và Dù Kê với vai trò quan trọng của NTM trong đó, là nhu cầu thiết thực của ngành múa Việt Nam nói riêng, ngành NTBD ở nước ta nói chung, nhằm giải quyết những vấn đề về mặt lý luận cũng như thực tiễn để giúp cho công tác bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc thuộc đại gia đình Việt Nam trong tiến trình phát triển của đất nước. Là một nghệ sĩ múa hiện đang làm công tác giảng dạy về múa và tham gia công tác quản lý đào tạo trong một trường đại học nghệ thuật, NCS nhận thấy đây là một vấn đề có ý nghĩa thiết thực cho công tác chuyên môn của bản thân cũng như cho công tác đào tạo của nhà trường, đồng thời đáp ứng đúng nhu cầu về mặt lý luận cũng như thực tiễn của đời sống xã hội, phù hợp với đường lối văn nghệ của Đảng ta là bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đó là các lý do khiến NCS chọn đề tài nghiên cứu cho luận án tiến sĩ của mình là “Nghệ thuật múa trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê của người Khmer Nam Bộ”, với mong muốn luận án sẽ có được những đóng góp mới mẻ trong việc nghiên cứu về NTM và sân khấu của người Khmer Nam Bộ. 2. Khái lược tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài của luận án Qua nghiên cứu các tài liệu thu thập được phục vụ cho việc viết luận án, tác giả luận án phân chia tài liệu thành hai nhóm lớn sau: 7 - Nhóm thứ nhất: Gồm các công trình nghiên cứu chung về văn hóa của nhiều dân tộc, trong đó có nói về VHNT của người Khmer Nam Bộ. - Nhóm thứ hai: Gồm các công trình nghiên cứu trực tiếp về NTM, về sân khấu Rô Băm và sân khấu Dù Kê của người Khmer Nam Bộ. Để cụ thể hơn, trong mỗi nhóm lớn trên NCS lại phân loại tài liệu thành các nhóm nhỏ hơn có cùng vấn đề hay đối tượng nghiên cứu. 2.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu chung có nói về văn hóa nghệ thuật của người Khmer Nam Bộ 2.1.1. Các công trình nghiên cứu chung về văn hóa của một số dân tộc thiểu số và dân tộc Khmer ở Nam Bộ. Trước hết cần nói đến công trình nghiên cứu Người Khơ-me tỉnh Cửu Long [46], công trình hợp tác giữa Viện Văn hóa (bộ phận thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh) và Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Cửu Long, xuất bản năm 1987. Cuốn sách gồm có bốn chương, trong đó, chương III nói về Văn học và nghệ thuật của người Khơ-me tỉnh Cửu Long. Trong phần này, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng dành nhiều trang viết về sân khấu Rô Băm (tác giả phiên âm là Ròbâm) và sân khấu Dù Kê của người Khmer Nam Bộ. Tác giả cho rằng: “Đối với Ròbâm là loại hình vũ kịch, các nhân vật đều lấy múa làm ngôn ngữ chính, và sau múa là hát và đối thoại”, và “khác Ròbâm, Dù kê thuộc loại hình ca kịch – ca trở thành ngôn ngữ chính” [45, tr. 167]. Những nhận định trên đây sẽ được NCS bàn luận trong luận án của mình, vì xác định chủng loại của sân khấu Rô Băm và Dù Kê cũng là một trong các nhiệm vụ quan trọng mà NCS phải giải quyết trong luận án. Tiếp sau đó, Viện Văn hóa (bộ phận thường trú tại Tp. HCM) lại có công trình nghiên cứu Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, được Nxb Tổng hợp Hậu Giang xuất bản năm 1988 [46]. Đây là cuốn sách tập hợp các tham luận tiêu biểu đã từng được công bố tại một số cuộc hội thảo khoa học về văn hoá, văn nghệ truyền thống của người Khmer ở ĐBSCL...Trong số các bài nghiên cứu có bài “Múa truyền thống của tộc người Khmer ở ĐBSCL” của tác giả Hoàng Túc, và bài “Sân khấu của người Khmer ở ĐBSCL” của tác giả Đặng Vũ Thị Thảo khiến tác giả 8 luận án quan tâm, vì mặc dù các bài viết không cung cấp những nghiên cứu chuyên sâu về sân khấu Rô Băm hay Dù Kê và về NTM trong đó, nhưng cũng là tài liệu có giá trị, gợi ra nhiều vấn đề cho NCS tiếp tục tìm hiểu, nhất là khi đi nghiên cứu điền dã, phỏng vấn nghệ nhân và lãnh đạo địa phương. Năm 1993, cuốn sách Văn hóa người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do Trường Lưu làm chủ biên [39], được xuất bản. Đây là tư liệu quý cho những ai quan tâm đến VHNT truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Nhưng về NTM và sân khấu Rô Băm và Dù Kê thì cuốn sách này cũng chỉ dừng ở mức độ giới thiệu khái quát những nét cơ bản. Năm 1993, Viện Sân khấu, Vụ Văn hóa dân tộc – Miền núi và Hội Văn hóa các dân tộc thiểu số phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về bảo tồn và phát triển sân khấu các dân tộc, vào ngày 15 tháng 11 tại Hà Nội. Sau đó, các bản tham luận đã được tập hợp lại và in thành Kỷ yếu Bảo tồn và phát triển Nghệ thuật sân khấu các dân tộc [47]. Trong số 20 bài tham luận có một số bài đề cập trực tiếp tới sân khấu của người Khmer Nam Bộ. Những bài viết này xem xét sân khấu Rô Băm và Dù Kê của người Khmer Nam Bộ trong bối cảnh chung của đất nước và trong mối tương quan với các loại hình sân khấu khác của các dân tộc anh em, đáng để NCS tham khảo. Cũng viết về sân khấu các dân tộc thiểu số nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Huy Hồng có sách Truyền thống sân khấu các dân tộc ít người Việt Nam [29]. Nội dung cơ bản của cuốn sách là sưu tập tư liệu về truyền thống sân khấu các dân tộc ít người ở Việt Nam. Trong đó tác giả đã đánh giá cao hai loại hình sân khấu Rô Băm và Dù Kê của người Khmer Nam Bộ, coi chúng là những loại hình sân khấu thực thụ, đã có lịch sử và trình độ phát triển đáng kể, đạt đến trình độ của loại hình sân khấu độc lập. Điều đặc biệt là tác giả đã xếp cả Rô Băm và Dù Kê vào chủng loại Kịch hát, giống như Tuồng, Chèo, Cải lương, Ca kịch Bài chòi, Ca kịch Huế và sân khấu Dá Hai của người Tày – Nùng ở Cao Bằng [29, tr. 7]. Đây là một ý kiến được NCS quan tâm. Trong số các công trình nghiên cứu chung về văn hóa các dân tộc ở Việt Nam còn có sách: Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ - thực trạng và những vấn đề 9 đặt ra, GS.TS. Trần Văn Bính chủ biên, xuất bản năm 2004 [5]. Cuốn sách là tài liệu có giá trị để NCS tham khảo, tăng thêm sự hiểu biết về văn hóa tộc người Khmer ở Nam Bộ. 2.1.2. Các công trình nghiên cứu liên quan gián tiếp đến văn hóa nghệ thuật của người Khmer Nam Bộ Có một số nhà nghiên cứu đã dành tâm huyết để nghiên cứu về các nước có mối quan hệ mật thiết với Việt Nam từ xa xưa, đó là Ấn Độ và Campuchia. Bằng cách gián tiếp đó, các công trình này cũng rất có giá trị đối với luận án của NCS, vì đã cung cấp nhiều thông tin có liên quan đến đề tài của luận án, giúp cho NCS sáng tỏ thêm nhiều vấn đề khi NTM của người Khmer Nam Bộ có chung nguồn gốc với NTM cổ điển của Hoàng cung Campuchia và sân khấu Rô Băm đã sử dụng tích truyện lấy từ anh hùng ca Ramayana của Ấn Độ... Trước hết cần nói tới tác giả Lê Hương, một người từ trước năm 1975 đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về đất nước Ăngkor, về lịch sử Cao Miên, sử Phù Nam, về người Khmer ở Campuchia và ở Việt Nam... Từ năm 1969 Lê Hương đã có sách Tìm hiểu Angkor (Đế Thiên, Đế Thích) [32]; ông cũng là người đã dịch cuốn Chân Lạp Phong thổ ký của Châu Đạt Quan [13], ấn hành lần thứ nhất vào năm 1973 tại Sài Gòn. Với tác giả luận án, cuốn Người Việt gốc Miên [31] có giá trị tham khảo rất bổ ích. Những điều về NTM được tác giả Lê Hương miêu tả trong cuốn sách tuy còn ít ỏi, nhưng rất quan trọng khi chỉ ra nguồn gốc của những điệu múa của người Khmer Nam Bộ là được truyền sang từ Campuchia. Cũng nghiên cứu về NTBD của Campuchia còn có nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Phúc, tác giả của cuốn sách Vài nét về văn nghệ truyền thống Campuchia (Ca Múa Nhạc) [60]. Tác phẩm cho thấy tác giả là người am hiểu về văn hóa truyền thống Campuchia nói chung và nghệ thuật ca, múa, nhạc truyền thống của đất nước này nói riêng. Trong cuốn sách này phần nghiên cứu về múa là nguồn tư liệu quý giá để NCS có thêm nhiều thông tin và hiểu biết hơn về NTM truyền thống của dân tộc Khmer. 10 2.2. Tổng quan các công trình nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu Rô Băm và Dù Kê của người Khmer Nam Bộ Đây là nhóm các công trình nghiên cứu chuyên về NTSK Rô Băm và Dù Kê của người Khmer Nam Bộ, trong đó không thể thiếu phần nội dung nghiên cứu về NTM, vì múa có một vị trí đặc biệt quan trọng trong hai loại hình sân khấu này. 2.2.1. Các tham luận hội thảo về nghệ thuật sân khấu Rô Băm và Dù Kê Từ những năm 80 của thế kỷ XX đã có một số hội thảo khoa học được tổ chức với trọng tâm nghiên cứu là sân khấu Khmer Nam Bộ. Từ các cuộc hội thảo này ban tổ chức đã chọn lọc các bài tham luận có chất lượng khoa học để in thành sách hoặc kỷ yếu. Một trong những công trình như thế là cuốn sách Về sân khấu truyền thống Khmer Nam Bộ [50]. Trong số các bài được in có bài nghiên cứu về múa của Thạch Thảo "Rô Băm nghệ thuật thể hiện thần thoại bằng múa và mặt nạ" và bài của Hoàng Thảo "Nghệ thuật múa có vai trò quan trọng trong ca kịch Rô Băm", Du Kê. Tuy nhiên, hai bài này cũng chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu khái quát chứ không đi sâu nghiên cứu các động tác, các nguyên tắc nghệ thuật, luật động một cách có hệ thống. Đến năm 2013 vấn đề nghiên cứu sân khấu Khmer Nam Bộ lại trỗi dậy, thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu, dẫn đến cuộc hội thảo khoa học NTSK Dù Kê Khmer Nam Bộ - Di sản văn hóa dân tộc. Hội thảo do UBND tỉnh Trà Vinh phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trung tâm VTV tại thành phố Cần Thơ tổ chức, diễn ra tại Trường Đại học Trà Vinh, trong hai ngày 11- 12 tháng 11 năm 2013. Khoảng 70 bản tham luận của các nhà nghiên cứu trong cả nước in thành kỷ yếu [53]. Sau đó, gần 40 bài tham luận của hội thảo đã được lựa chọn đăng trong Tạp chí Khoa học của Trường Đại học Trà Vinh, số chuyên đề NTSK Dù kê Khmer Nam Bộ - Di sản văn hóa dân tộc, số 13, tháng 3 năm 2014 [54]. Trong số các bài tham luận tiêu biểu, đáng chú ý có hai bài viết về NTM của Thạch Ba Xuyên và Thạch Thị Omnara. Trong bài “Từ múa Rô Băm đến diễn xướng Dù Kê của người Khmer Tây Nam Bộ” tác giả Thạch Ba Xuyên đã chỉ ra mối quan hệ tiếp nối từ sân khấu Rô Băm đến sân khấu Dù Kê, ông khẳng định: 11 “Chúng tôi quan niệm rằng: Nghệ thuật Dù kê hay kịch hát Dù kê được hình thành và phát triển dựa trên nền tảng của múa Rô băm và hát Aday” [54, tr. 182]. Đây là một ý kiến có giá trị khoa học mà NCS tiếp thu để soi chiếu khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa sân khấu Rô Băm và Dù Kê. Trong bài “Vũ đạo trong Nghệ thuật sân khấu Dù Kê”, tác giả Thạch Thị Omnara [59] cho thấy NTM được sử dụng trong sân khấu Dù Kê rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, đây chỉ là một bài tham luận ngắn nên tác giả chưa có điều kiện nghiên cứu sâu hệ thống các động tác múa qua các vở diễn Dù Kê. 2.2.2. Các đề tài nghiên cứu khoa học về nghệ thuật sân khấu Rô Băm và Dù Kê Đáng chú ý có hai công trình NCKH được thực hiện tại tỉnh Sóc Trăng, đều vào năm 2012: công trình Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu Rô Băm của dân tộc Khmer Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng [27] do Sở KH và CN tỉnh Sóc Trăng và Trường THVHNT phối hợp thực hiện, do Ths. Sơn Ngọc Hoàng làm chủ nhiệm đề tài, và công trình Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (giai đoạn từ năm 1920 đến năm 2000) [40] do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng chủ trì, NSƯT – Ths. Sơn Lương làm chủ nhiệm đề tài. Đây là hai công trình khoa học đầu tiên tập trung nghiên cứu về sự hình thành, phát triển, những đặc điểm nghệ thuật của sân khấu Rô Băm và Dù Kê ở tỉnh Sóc Trăng. Cả hai công trình nghiên cứu đã đem lại cho người đọc một cái nhìn tổng thể về các yếu tố nghệ thuật có liên quan đến hai hình thức sân khấu này. Tuy nhiên, phần nghiên cứu NTM trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê mới chỉ mang tính giới thiệu những nét khái quát nhất, những động tác múa cũng đã được thống kê, liệt kê nhưng chưa đi sâu vào phân tích. Hai công trình này cũng chỉ giới hạn phạm vi địa bàn nghiên cứu là tỉnh Sóc Trăng nên không thể cung cấp một cái nhìn tổng thể về NTSK nói chung của người Khmer Nam bộ. Công trình NCKH mang tính tổng thể về NTM truyền thống Khmer Nam Bộ được giới chuyên môn ngành múa Việt Nam đánh giá cao là công trình NCKH cấp Bộ Nghệ thuật múa truyền thống Khmer Nam Bộ [10], do GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh chủ nhiệm đề tài. 12 Trong công trình NCKH cấp Bộ này, PGS.TS.NSND Lê Ngọc Canh, đã đưa ra những luận điểm khoa học về vai trò, vị trí của múa trong sân khấu Khmer Nam Bộ với nhận định: Múa trong sân khấu Khmer là một thành tố cấu thành NTSK Dì kê, Dù kê, Rô băm, múa là một phương tiện, là ngôn ngữ góp phần khắc họa tính cách nhân vật, nội dung và tích truyện. Sân khấu Khmer nhất thiết phải có vai trò của NTM [10, tr.127]. Tuy nhiên, vì đây là công trình nghiên cứu tổng thể NTM truyền thống Khmer Nam Bộ nên việc nghiên cứu về NTM trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê chỉ là một phần nhỏ nên cũng còn sơ lược. Về công trình nghiên cứu cá nhân có công trình viết Tìm hiểu sự hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù Kê dân tộc Khmer Nam Bộ [72] do Sang Sết (bút danh của tác giả người Khmer Thạch Sết) sưu tầm và biên soạn. Công trình này có giá trị như một tư liệu lịch sử về hoạt động của sân khấu Dù Kê tại Trà Vinh và một phần ở Campuchia vào những năm 1920. 2.2.3. Các khóa luận, luận văn thạc sĩ về sân khấu Rô Băm và Dù Kê Trong xu hướng càng ngày NTSK của người Khmer Nam Bộ càng được giới nghiên cứu quan tâm, dăm năm trở lại đây đề tài này cũng được một số sinh viên đại học và cao học chọn làm đề tài khóa luận tốt nghiệp đại học và luận văn thạc sĩ. Hầu hết các tác giả học tập hay công tác tại các tỉnh ĐBSCL, bản thân một số người là người Khmer, vì vậy các khóa luận, luận văn của họ là nguồn tài liệu có giá trị để tác giả luận án tham khảo. Trong số 5 tài liệu mà NCS thu thập được có 1 bản khóa luận và 4 luận văn thạc sĩ: luận văn tốt nghiệp Cử nhân của Thạch Thị Xi Nươl (2013), sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, có đề tài Điệu múa truyền thống của dân tộc Khmer đồng bằng sông Cửu Long [57]; luận văn thạc sĩ Văn hóa học của Trần Thanh Tâm (2014), Đại học Trà Vinh, với đề tài Nghệ thuật sân khấu Dù Kê tỉnh Trà Vinh [74]; luận văn thạc sĩ Văn hóa học Kịch bản sân khấu Dù Kê từ văn học dân gian Khmer [87] của Thạch Chane Vitu, bảo vệ tại Trường Đại học Trà Vinh năm 2015. Đáng chú ý là luận văn thạc sĩ của Lâm Vĩnh Phương với đề tài Nghệ thuật múa cổ điển trên sân khấu Rô băm Khmer Nam Bộ ở Sóc Trăng, chuyên ngành Văn 13 hóa Khmer Nam Bộ, bảo vệ năm 2014 tại Trường Đại học Trà Vinh [65]. Đề tài của luận văn này rất gần gũi với đề tài của luận án của NCS nên là tài liệu có giá trị để NCS tham khảo. Tuy nhiên, luận văn của Lâm Vĩnh Phương chỉ nghiên cứu NTM cổ điển trên sân khấu Rô Băm ở Sóc Trăng, vì vậy, so với luận văn của tác giả Lâm Vĩnh Phương thì luận án có phạm vi nghiên cứu rộng hơn, cả về đối tượng và nội dung nghiên cứu lẫn địa bàn khảo sát. Luận văn thạc sĩ Văn hóa học của Thạch Qui Nạt với đề tài Trang phục biểu diễn trên sân khấu Dù Kê ở tỉnh Trà Vinh [41], bảo vệ tại Trường Đại học Trà Vinh năm 2015, là công trình duy nhất lấy đối tượng nghiên cứu là trang phục biểu diễn của sân khấu Dù Kê, ở tỉnh Trà Vinh. Đây là vấn đề mới mẻ và có ý nghĩa. Luận văn giúp cho NCS có cái nhìn toàn diện hơn và sâu sắc hơn về sân khấu Dù Kê. Tóm lại, tất cả những tài liệu mà NCS thu thập được, ở các mức độ khác nhau đều rất hữu ích trong việc cung cấp các thông tin, tri thức về một lĩnh vực hay khía cạnh nào đó về đặc trưng văn hóa và nghệ thuật của tộc người Khmer Nam Bộ, nhất là về NTSK Rô Băm và Dù Kê, trong đó nổi bật lên có NTM. Trên cơ sở tham khảo các tài liệu này, cùng với những kết quả nghiên cứu điền dã (điều tra thực địa, tham dự, phỏng vấn...), tác giả luận án có thể hoàn thành những mục tiêu của luận án đề ra. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu NTM trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê của người Khmer Nam Bộ luận án hướng tới giải quyết một số vấn đề mang tính lý luận cũng như thực tiễn của NTM và NTSK. Về mặt lý luận, hệ thống hóa và làm rõ thêm một số khái niệm trong NTM và NTSK; đánh giá vai trò, vị trí của NTM trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê, từ đó xác định tên gọi chính xác, khoa học về kịch chủng, thể loại cho sân khấu Rô Băm và Dù Kê. Về mặt thực tiễn, luận án đề xuất một số ý kiến mang tính định hướng nhằm góp phần bảo tồn và phát huy hai loại hình sân khấu Rô Băm và Dù Kê trong đời 14 sống đương đại. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện được mục đích nghiên cứu trên, NCS tiến hành các nhiệm vụ sau: - Thu thập các tài liệu có liên quan đến đề tài của luận án, nghiên cứu, đánh giá và chọn lọc những thông tin, kiến thức có thể phục vụ cho việc thực hiện luận án; - Hệ thống hóa các vấn đề mang tính lý luận về NTSK, trong đó có NTM, làm cơ sở lý luận cho việc tiến hành luận án; - Thực hiện một số chuyến nghiên cứu điền dã, điều tra thực địa tại hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh để gặp gỡ và phỏng vấn nghệ nhân, các nhà quản lý các đoàn nghệ thuật, thu thập tư liệu... - Thông qua việc nghiên cứu tài liệu thứ cấp và nghiên cứu điền dã, làm sáng tỏ các vấn đề nghiên cứu của luận án: làm rõ một số khái niệm liên quan; xác định nguồn gốc, sự hình thành và các bước phát triển của sân khấu Rô Băm và Dù Kê, xác định thể loại của hai hình thức sân khấu này; phân tích, đánh giá vai trò, ý nghĩa của NTM trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê; - Trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động của sân khấu Rô Băm và Dù Kê, đề xuất một số ý kiến mang tính định hướng cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật đặc sắc sân khấu Rô Băm và Dù Kê Khmer Nam Bộ trong đời sống xã hội đương đại. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài luận án là NTM trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê của người Khmer ở Nam Bộ. 4.2. Phạm vi nghiên cứu 4.2.1. Phạm vi vấn đề nghiên cứu Luận án nghiên cứu vai trò, ý nghĩa và đặc điểm nghệ thuật của NTM trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê của người Khmer Nam Bộ; xác định và hệ thống hóa các đặc trưng nghệ thuật của sân khấu Rô Băm và Dù Kê. 4.2.2. Phạm vi không gian khảo sát 15 NCS đã thực hiện nghiên cứu điền dã tại hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để thu thập tài liệu và hình ảnh phục vụ cho việc thực hiện luận án. 4.2.3. Phạm vi thời gian Luận án nghiên cứu các vấn đề có liên quan tới nguồn gốc hình thành của sân khấu Rô Băm và Dù Kê, vì vậy phạm vi thời gian khảo sát là mở, không có giới hạn nhất định, tùy thuộc vào các sự kiện lịch sử liên quan tới tộc người Khmer nói chung, cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ - Việt Nam nói riêng. 5. Phương pháp tiếp cận và phương pháp nghiên cứu 5.1. Phương pháp tiếp cận Nghiên cứu đề tài Nghệ thuật múa trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê của người Khmer Nam Bộ, tác giả luận án thấy rằng cần nhìn nhận đối tượng từ nhiều góc độ khác nhau của lịch sử, theo cả hai chiều lịch đại và đồng đại... Có như vậy mới thấy được cội nguồn, sự hình thành và quá trình phát triển của đối tượng nghiên cứu này; đồng thời, trong quá trình phát triển của nó luôn có sự giao thoa và tiếp biến giữa nhiều yếu tố văn hóa khác nhau theo quy luật vận động của xã hội. Với đối tượng nghiên cứu có liên quan đến nhiều lĩnh vực (lịch sử, văn hóa tộc người, NTSK, v.v...), tác giả luận án chọn phương pháp tiếp cận liên ngành để lần lượt giải quyết các vấn đề đặt ra trong luận án, trong đó cơ bản là các phương pháp nghiên cứu của văn hóa học, nhân học văn hóa, nghệ thuật học, sân khấu học; ngoài ra còn có sự tham gia của các phương pháp thuộc văn học, sử học, xã hội học, v.v... 5.2. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể - Phương pháp lịch sử: Việc thực hiện đề tài luận án không thể thiếu phương pháp lịch sử vì tất cả các yếu tố văn hóa và nghệ thuật của người Khmer Nam Bộ cần được xem xét trong các điều kiện, môi trường lịch sử cụ thể, theo chiều dọc (lịch đại) và chiều ngang (đồng đại) của tiến trình lịch sử. Để nghiên cứu NTM trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê của người Khmer Nam bộ, NCS sẽ đặt đối tượng nghiên cứu trong môi trường, điều kiện lịch sử, với các mối quan hệ văn hóa tổng thể, dưới sự tác động qua lại giữa các bộ phận và các 16 yếu tố văn hóa, nghệ thuật của tộc người Khmer và của các dân tộc khác có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp. - Phương pháp điền dã dân tộc học (field work): Đây là một phương pháp rất quan trọng của luận án. NCS đã thực hiện bảy đợt đi nghiên cứu điền dã tại một số tỉnh ở Nam Bộ có người Khmer sinh sống, nhưng chủ yếu là về hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, để thực hiện phỏng vấn các nghệ nhân, các nhà lãnh đạo ngành văn hóa, lãnh đạo các đoàn nghệ thuật Rô Băm và Dù Kê. NCS đã ghi chép tỉ mỉ, ghi âm, chụp ảnh các yếu tố liên quan đến vấn đề nghiên cứu của luận án. - Phương pháp quan sát tham dự (participant observation): Đây là một phương pháp nghiên cứu rất quan trọng và phổ biến của các nhà nghiên cứu dân tộc học - nhân học văn hóa, văn hóa học và của nhiều ngành khoa học khác. Khi đi điền dã về địa phương NCS đã có điều kiện tham dự một số chương trình biểu diễn múa và biểu diễn sân khấu Rô Băm và Dù Kê, có khi tham gia múa cùng với các nghệ nhân, được các nghệ nhân hướng dẫn cho một số động tác múa Khmer cơ bản. Cùng với phương pháp phỏng vấn nghệ nhân và phỏng vấn nhóm, phương pháp quan sát tham dự đã giúp cho NCS nắm bắt và hiểu sâu sắc hơn các phong tục, tập quán, cách nghĩ, cách cảm của người dân Khmer về văn hóa của dân tộc mình dưới góc nhìn của người trong cuộc. - Phương pháp nghiên cứu của nghệ thuật học và sân khấu học: Luận án nghiên cứu về NTM, nhưng không phải nghiên cứu tác phẩm múa, vở diễn múa độc lập, mà là NTM trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê, tức là trong các vở diễn sân khấu. Luận án sẽ chứng minh Rô Băm và Dù Kê là hai thể loại sân khấu kịch hát Việt Nam; sẽ đánh giá vị trí, vai trò của NTM trong hai thể loại sân khấu này... Để thực hiện được các nhiệm vụ này, tác giả luận án cần vận dụng các vấn đề lý thuyết, lý luận của chuyên ngành nghệ thuật học, trong đó có sân khấu học, để lập luận, phân tích, chứng minh và luận giải các hiện tượng cũng như bản chất của các đối tượng nghiên cứu. - Phương pháp so sánh, đối chiếu được sử dụng khá nhiều trong luận án khi NCS so sánh NTM của sân khấu Rô Băm với NTM trong sân khấu Dù Kê; so sánh 17 sân khấu Rô Băm của người Khmer Nam Bộ với sân khấu của người Khmer ở Campuchia; so sánh NTM và sân khấu của người Khmer Nam Bộ với NTM và sân khấu của một số dân tộc khác... - Phương pháp khảo tả được NCS vận dụng để miêu tả tỉ mỉ các động tác múa, các tư thế múa, các hình thức múa, các điệu múa trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê. - Các thao tác nghiên cứu cụ thể: thu thập tư liệu, nghiên cứu tư liệu thông qua các thao tác phân tích, tổng hợp, khái quát, đánh giá... Nói tóm lại, để đạt tới mục tiêu nghiên cứu của đề tài, luận án cần phải vận dụng cách tiếp cận phương pháp nghiên cứu liên ngành thì mới có thể đạt được những kết quả mang tính khoa học và có đóng góp mới. 6. Các câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu 6.1. Câu hỏi nghiên cứu Đề tài luận án đặt ra một số câu hỏi nghiên cứu cần phải được giải quyết trong luận án này, đó là: - Sân khấu Rô Băm và sân khấu Dù Kê của người Khmer Nam Bộ có nguồn gốc xuất xứ từ đâu? - NTM trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê có đặc điểm gì? - Múa trong sân khấu Rô Băm và múa trong sân khấu Dù Kê giống và khác nhau như thế nào? - Vai trò, ý nghĩa của NTM trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê như thế nào? Mối quan hệ giữa múa với các thành tố nghệ thuật khác trong vở diễn Rô Băm và Dù Kê ra sao? - Có phải NTM trong sân khấu Rô Băm có vị trí quan trọng nhất? Vậy sân khấu Rô Băm thuộc thể loại gì? - Sân khấu Rô Băm và Dù Kê của người Khmer Nam Bộ có mối quan hệ gì với sân khấu của một số dân tộc khác trong khu vực? 6.2. Giả thuyết nghiên cứu 18 Trong khi nghiên cứu các tài liệu về sân khấu Rô Băm và Dù Kê, NCS nhận thấy các nhà nghiên cứu có nhiều điểm không thống nhất trong cách gọi tên thể loại, kịch chủng của sân khấu Rô Băm, hay cũng chưa xác định rõ ràng, dứt khoát về nguồn gốc của hai hình thức sân khấu này. Những vấn đề này rất quan trọng trong việc xác định vai trò của NTM trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê. Trên cơ sở các câu hỏi nghiên cứu nêu trên, NCS lập định một vài giả thuyết như sau: - NTSK Rô Băm bắt nguồn từ NTSK dân gian và sân khấu cung đình Campuchia, sinh sôi trên vùng đất ĐBSCL; Còn NTSK Dù Kê hình thành và phát triển trên vùng đất ĐBSCL. - NTM có vai trò rất quan trọng trong sân khấu Rô Băm (và cả Dù Kê), nhưng điều này không đủ để làm nên kịch chủng của Rô Băm là kịch múa; Sân khấu Rô Băm thuộc chủng loại sân khấu kịch hát, đậm nét văn hóa truyền thống Khmer, tiếp thu nhiều yếu tố nghệ thuật của sân khấu kịch hát Việt Nam trong quá trình tiếp biến văn hóa. Quá trình thực hiện luận án chính là quá trình đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu, đồng thời là sự kiểm chứng, luận giải cho các giả thuyết khoa học đã đặt ra. 7. Đóng góp của luận án 7.1. Đóng góp về mặt lý luận Trước hết, luận án sẽ hệ thống hóa và làm rõ thêm một số khái niệm trong NTM như: khái niệm về NTM nói chung, về các thể loại, hình thức múa cụ thể nói riêng, phân biệt các thể loại múa (múa dân gian, múa tín ngưỡng/tôn giáo, múa cổ điển/cung đình, kịch múa, v.v...); Luận án cũng làm rõ vai trò, vị trí của NTM trong sân khấu Rô Băm và sân khấu Dù Kê, tìm ra sự tương đồng và khác biệt của NTM trong hai thể loại sân khấu này; đồng thời xác định mối quan hệ giữa NTM với các thành tố nghệ thuật khác trong các vở diễn Rô Băm và Dù Kê (ca, nhạc, kịch, cốt truyện, hóa trang, hình tượng nhân vật,v.v...) từ đó xác định thể loại, kịch chủng của hai loại sân khấu này.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan