Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Mối quan hệ tác động giữa dân số và y tế...

Tài liệu Mối quan hệ tác động giữa dân số và y tế

.DOC
16
200
80

Mô tả:

MỐI QUAN HỆ TÁC ĐỘNG GIỮA DÂN SỐ VÀ Y TẾ Dân số là vấn đề rất cần thiết phải quan tâm không chỉ ở mỗi Quốc gia mà trên phạm vi toàn cầu. Đặc điểm của dân số bao gồm quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân số, chất lượng dân số có sự tác động và quyết định rất lớn đến sự phát triển nền kinh tế và xã hội của đất nước. Dân số đảm bảo cho sự tiếp nối các thế hệ của dân tộc, sự phát triển và trường tồn của mỗi Quốc gia. Vài chục năm gần đây, thế giới đã chứng kiến tốc độ tăng dân số nhanh chưa từng có: Năm 1993, dân số thế giới đã đạt 5,4 tỉ người. Tốc độ tăng dân số hiện tăng nhanh vào cuối thế kỷ XX và dự kiến có thể ổn định vào năm 2025 với số dân toàn thế giới vào khoảng 10 tỉ người. Hiện tượng tăng dân số đi đôi với hiện tượng đô thị hóa và kéo theo nó là một loat các vấn đề khó khăn cần phải giải quyết như vấn đề lương thực và nhà ở, y tế, giáo dục, môi trường... Việt nam là một quốc gia có quy mô dân số lớn, tốc độ phát triển dân số ngày càng nhanh. Năm 1921, dân số Việt Nam là 15,58 triệu người, Năm 1960 dân số tăng gấp đôi : 30,17 triệu người, năm 1989 dân số đạt 60,47 triệu người. Giai đoạn 1921-1995 dân số nước ta tăng 4,7 lần , trong khi đó dân số thế giới chỉ tăng 3,1 lần. Nếu 35 năm (1921- 1955) dân số tăng lên 9,6 triệu người thì 40 năm tiếp theo ( 1955-1995) dân só bùng nổ với 48,9 triệu người tăng thêm. Năm 2000 Việt Nam đạt 77,68 triệu người, đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Indo-nêxia và xếp thứ 13 trong tổng số hơn 200 nước trên thế giới. Hiện dân số nước ta khoảng 86 triệu người, với mật độ dân số 260 người /km2, gấp 5 lần so với mật độ dân số thế giới. Việt Nam là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á (sau Inđônêxia và Philippin) và đứng thứ 13 trong số những nước đông dân nhất thế giới.Bình quân mỗi năm dân số nước ta tăng thêm 1 triệu người, bằng số dân của một tỉnh trung bình.Thế hệ lao động trẻ tuổi chiếm một tỷ lệ lớn trong dân cư. Người dân việt nam có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, tỷ lệ trí thức cao nên có khả năng tiếp thu nhanh chóng các tri thức khoa học kỹ thuật, những công nghệ hiện đại.Với tình hình dân số tăng nhanh như trên gây ra nhiều hệ quả nhiều mặt từ công ăn việc làm, phát triển kinh tế, lương thực...nhà ở,học hành, văn hóa, y tế. Kết quả Tổng điều tra 01/4/2009 cho thấy, sau 10 năm dân số nước ta tăng thêm 9,47 triệu người, bình quân mỗi năm tăng 947 nghìn người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm trong thời kỳ giữa hai cuộc Tổng điều tra năm 1999 và 2009 là 1,2%/năm, giảm mạnh so với thời kỳ 10 năm trước 19891999 (mỗi năm tăng gần 1.200 nghìn người với tỷ lệ tăng hàng năm là 1,7%). Đây là thời kỳ có tỷ lệ tăng dân số thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Cùng với điều đó tốc độ phát triển dân số ngày càng nhanh. Đến Mặc dù tỷ lệ giảm sinh vừa qua đã giảm và còn tiếp tục giảm, nhưng kết qủa giảm sinh chưa thật sự vững chắc, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng dân số nhanh trở lại, tư tưởng trọng nam khinh nữ có chuyển biến nhưng vẫn còn 16 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh là 115 nam so với 100 nữ, vượt quá mức sinh sản tự nhiên (ở những vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa…tỷ lệ này còn cao hơn). Nếu không duy trì sự nỗ lực thì quy mô dân số nước ta vào giữa thế kỷ XXI có thể nên tới 125 triệu người hoặc cao hơn, và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó công tác dân số cần tiếp tục đẩy mạnh, làm chuyển đổi hành vi một cách bền vững trong việc thực hiện chuẩn mực gia đình ít con. Cơ cấu, phân bố dân số ở nước ta trong thời gian qua là không hợp lí cả về giới tính, nhóm tuổi, giữa thành thị và nông thôn: Tỷ lệ nam/nữ sinh ra ngày càng chênh lệch xu hướng nam nhiều hưn nữ, người dân lao động di cư từ nông thôn ra thành thị và tỷ lệ người già ngày càng tăng.Thực tế cho thấy tình trạng mất bình đẳng về giới ở nước ta vẫn xảy ra nhất là khả năng tiếp cận giáo dục, đào tạo về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái còn nhiều hạn chế. Về chất lượng dân số Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lưc chất lượng cao trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các yếu tố về thể lực của người Việt Nam nhất là chiều cao, cân nặng, sức bền còn rất hạn chế. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân là 19,9%, thể thấp còi vẫn còn ở mức cao chiếm 32,6%, nhiều tỉnh vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa tỷ lệ còn rất cao . Chỉ số HDI của nước ta không ngừng tăng lên, tuy nhiên so với thế giới, thứ hạng vẫn còn thấp, công bố của chương trình phát triển Liên hợp quốc năm 2009: Viêt nam xếp thứ 116 trong số 182 nước (căn cứ theo số liệu báo cáo năm 2007). Chất lượng dân số còn biểu hiện cụ thể qua các chỉ báo về thể lực, trí lực và tâm lực của con người...Số người có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao chưa nhiều. Ngoài ra hiện nay nước ta có hàng triệu trẻ em bị tàn tật, mắc bệnh bẩm sinh, ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam …Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có chỉ số phát triển con người ở mức trung bình: Số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 66 tuổi và xếp thứ 116/182 nước trên thế giới vào năm 2009. Cả nước hiện có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6,34% dân số; Vị thành niên và thanh niên không chỉ thấp bé, nhẹ cân mà yếu cả về sức mạnh cơ bắp, sức dẻo dai và sự bền bỉ; Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn rất thấp. Tính đến năm 2009, chỉ có 13,3% dân số từ 15 tuổi trở lên đã được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, trong đó 1,6% cao đẳng, 4,2% đại hoc và 0,2% trên đại học. Dân số là lĩnh vực mang tính xã hội hoá rất cao, đòi hỏi phải có sự quan tâm của toàn xã hội, sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo, sự đầu tư tương thích của các Quốc gia và nhất là trách nhiệm của công dân, dân tộc trong việc thực hiện các chính sách, quy định pháp luật về công tác dân số ở mỗi nước. Trong thực tiễn dân số luôn luôn tác động qua lại và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực y tế. 1-Tác động của dân số đối với y tế: - Các nhà khoa học khi nghiên cứu mối quan hệ giữa dân số và kinh tế đã cho rằng cứ tăng 1% dân số thì phải tăng 4% GDP, đó là chưa kể khi dân số tăng thì phải giải quyết nhiều vấn đề xã hội khác liên quan. Cho nên việc tăng dân số tràn lan không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của từng gia đình, cộng đồng và cao hơn là tiến độ thực hiện kế hoạch, quy hoạch kinh tế -xã hội và chất lượng nguồn nhân lực cho thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Nước ta hiện đang nằm trong nhóm các nước đang phát triển: Tình trạng phát triển chậm so với sự gia tăng quá nhanh của dân số, vì vậy các dịch vụ y tế, xã hội chưa thể phát triển kịp và đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của mọi người dân. - Dân số tăng còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống như vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…chưa đảm bảo, đây cũng là những nguyên nhân và yếu tố có thể gây nên bệnh tật cho con người cộng với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng cao hiện nay luôn gây nên hiện tượng quá tải tại các bệnh viện trong khi điều kiện cơ sở vật chất và số giường bệnh chưa đủ đảm bảo đáp ứng cho người bệnh. Vì vậy hiện nay Nhà nước ta ban hành rất nhiều các chính sách và đầu tư cho lĩnh vực y tế phù hợp với tình hình của đất nước như: Khuyến khích phát triển các loại mô hình cơ sở y tế ngoài công lập như: y tế tư nhân, liên doanh liên kết…để đáp ứng nhu cầu được chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, chính sách bảo hiểm y tế, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế ; đặc biệt chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cơ sở y tế công lập tuyến cơ sở ( tuyến huyện và xã) theo hướng đạt chuẩn Quốc gia, ngành y tế thường xuyên triển khai các hoạt động chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho tuyến dưới …nhằm nâng cao chất lượng công tác y tế và giảm tải cho tuyến trên. - Gia tăng dân số cùng với việc hội nhập kinh tế Quốc tế, xu thế toàn cầu hoá cũng là thách thức lớn đối với công tác y tế trong việc phòng chống các bệnh xã hội, các dịch bệnh và đại dịch mang tính toàn cầu hiện nay như: Đại dịch HIV/AIDS, dịch cúm A/H5N1, dịch cúm A/H1N1…đòi hỏi y tế nước ta phải mở rộng quan hệ và hợp tác Quốc tế kể cả trong lĩnh vực phòng bệnh và nâng cao chất lượng chuyên môn trong việc điều trị bệnh tật của con người. - Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như đảm bảo số lượng và chất lượng thầy thuốc trên số dân ngày càng tăng Đảng và Nhà nước ta cùng với ngành y tế phải thường xuyên nỗ lực, đầu tư kinh phí trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đồng thời nâng cao y đức và tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân . - Hiện nay tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cũng có bước tiến rõ rệt khi tăng lên đến 73,1 tuổi và dự kiến đạt 75 tuổi vào năm 2020.Đến nay Việt Nam vẫn là quốc gia “đất chật, người đông”, có quy mô dân số rất lớn, mật độ dân số rất cao (260 người trên 1km², gần gấp đôi Trung Quốc). Tỉ lệ sinh đẻ ở nông thôn vẫn cao hơn thành thị, dẫn đến nguy cơ tỷ lệ sinh cao có thể tăng trở lại. Vì vậy việc giữ vững mức sinh thay thế, ổn định dân số tạo điêù kiện phát triển kinh tế xã hội trong đó có lĩnh vực y tế, cải thiện cuộc sống vật chất tinh thần của nhân dân, người dân có cơ hội và được tiếp nhận các kỹ thuật- dịch vụ chăm sóc bảo vệ sức khoẻ tốt hơn, hiện đại và an toàn hơn. 2-Tác động của y tế đối với dân số: - Dịch vụ y tế là loại dịch vụ đặc biệt liên quan đến tính mạng con người. Mỗi con người đều có quyền được chăm sóc về y tế, y tế ngày càng phát triển và hiện đại hơn thì con người có điều kiện được chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ tốt hơn, giúp cho con người tăng khả năng chống lại bệnh tật và kéo dài tuổi thọ; tạo điều kiện cho con người có sức khoẻ để lao động, học tập, công tác, phát triển kinh tế xã hội đồng thời góp phần sức lực và trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng phồn vinh, vững mạnh. - Y tế có tác động thường xuyên và rất lớn đến tỷ lệ phát triển dân số ở mỗi Quốc gia đặc biệt là tỷ lệ sinh đẻđặc biệt trong việc góp phần duy trì ổn định mức sinh thay thế, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em, chăm sóc bảo vệ sức khoẻ toàn dân nâng cao chất lượng giống nòi, chất lượng dân số. Trong công tác dân số, vấn đề giảm sinh để ổn định quy mô là nhiệm vụ hàng đầu. Từ xưa, cha ông ta đã có câu "tăng điền không bằng giảm khẩu". Trong phạm vi hẹp có thể hiểu rằng muốn phát triển nhất thiết phải giảm sinh. Đó cũng là lý do vì sao một trong ba mục tiêu của Chiến lược Dân số Quốc gia, quy mô dân số được xếp ở vị trí thứ nhất. Mặt khác, điều kiện cần để công tác dân số phát triển bền vững thì trước hết phải là quy mô dân số. Để có quy mô dân số phù hợp điều kiện của mỗi quốc gia người ta có thể thực hiện chính sách giảm sinh, hay khuyến khích sinh miễn là đảm bảo quy mô dân số đó có ý nghĩa quyết định đến phân bổ dân cư và nâng cao chất lượng dân số. Chính vì lẽ đó, ưu tiên hàng đầu của Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010 là: "Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh để đạt mức sinh thay thế bình quân trong toàn quốc chậm nhất là vào năm 2005; ở vùng sâu, vùng xa và vùng nghèo chậm nhất vào năm 2010.Quá trình thực hiện cuộc vận động quy mô gia đình nhỏ trong gần 50 năm qua đã cho chúng ta bài học, đó là muốn đạt các mục tiêu dân số phải trên cơ sở chủ động, tự nguyện, bình đẳng của mỗi cá nhân, gia đình. Công tác DS-KHHGĐ chỉ thành công và thật sự vững chắc khi mỗi cá nhân và gia đình chủ động tự nguyện. Mỗi người phải đặt lợi ích cá nhân, gia đình trong lợi ích của toàn xã hội bằng việc thực hiện gia đình ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Thực tiễn đã cho thấy, một xã hội văn minh, phải là một xã hội biết quản lý và điều chỉnh quy mô dân số của mình một cách hợp lý, đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ là đầu tư mang lại hiệu quả trực tiếp rất cao”, thực hiện kế hoạch hoá gia đình mới có thể xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, phát triển đất nước, đưa đất nước đi đến giàu mạnh, văn minh. Để nhận thức đó trở thành hành động của toàn xã hội, nhiệm vụ quan trọng có tính quyết định là phải tăng cường hơn nữa công tác truyền thông chuyển đổi nhận thức kết hợp với công tác tư vấn, dịch vụ DS-KHHGĐ. - Dân số và y tế có mối quan hệ mật thiết nhất là trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản- kế hoạch hoá gia đình làm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của con người về vấn đề này đồng thời triển khai đồng bộ các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ cho nhân dân tại các cụm dân cư theo phương châm kịp thời, thuận tiện, chất lượng, an toàn....Việc sử dụng các biện pháp tránh thai, tránh đẻ giúp các cặp vợ chồng chủ động trong việc sinh con, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em, làm giảm tỷ lệ và các tai biến, biến chứng do nạo phá thai. Kế hoạch hóa gia đình là điều cấp thiết trong điều kiện nước còn nghèo, diện tích đất đai ít như Việt Nam. Sau nhiều năm đẩy mạnh chiến lược Kế hoạch hoá gia đình ‘mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1-2 con’, tỷ lệ sinh ở Việt Nam đã giảm mạnh và hiện ở mức sinh thấp 2,11 con/ người mẹ trong độ tuổi sinh đẻ (bằng với mức sinh thay thế). Hệ thống dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn và thực hiện kế hoạch hóa gia đình tương đối hoàn thiện, được mở rộng tới những vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn và lồng ghép hoạt động kế hoạch hóa gia đình với phòng chống dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS. Nhiều mục tiêu, chỉ báo của Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản đã đạt sớm hơn so với kế hoạch và tốt hơn so với nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập quốc dân bình quân đầu người: Tỷ số chết mẹ từ 100 (năm 2000) hiện nay giảm xuống còn 75 trên 100.000 sơ sinh sống; tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 36,7‰ (năm 1999) hiện nay xuống còn 16‰ và giảm mạnh ở tất cả các vùng; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai, đặc biệt tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng đáng kể; một số biện pháp tránh thai mới được thử nghiệm và đã được triển khai rộng trên toàn quốc. Những kết quả nói trên đã dẫn tới sự thay đổi căn bản tình trạng dân số, sức khỏe sinh sản nước ta hiện nay so với những năm cuối của thế kỷ XX: Quy mô dân số tăng chậm lại; tỷ lệ người sống phụ thuộc giảm nhanh và đạt được cơ cấu dân số vàng; chất lượng dân số nói chung và chất lượng sức khỏe sinh sản nói riêng được cải thiện. Điều này đã, đang và sẽ tác động toàn diện và tích cực đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Quy mô gia đình nhỏ, ít con là điều kiện rất tốt để nâng cao mức sống về vật chất cũng như về tinh thần, mỗi người trong gia đình được chăm sóc tốt hơn, sức khỏe thể lực được bồi bổ, được học tập trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, kỹ năng giao tiếp, có nhiều hơn thời gian để tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch... Đó chính là cơ sở nguồn tài sản quý giá nhất của đất nước - sức khỏe và trí tuệ của nhân dân mà chúng ta luôn phấn đấu và mong muốn hướng đến. - Y học hiện đại ngày nay có thể phát hiện sớm sự bất thường của thai nhi, có thể can thiệp kịp thời các khuyết tật bẩm sinh của con người trước khi ra đời giúp cho sinh ra thế hệ tương lai có chất lượng thể chất và tinh thần tốt hơn hạn chế số trẻ bị tàn tật, dị tật bẩm sinh, thiểu năng thể lực và thiểu năng trí tuệ là những nguyên nhân đưa chất lượng dân số xuống thấp. Nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã và tiếp tục được triển khai thử nghiệm và từng bước mở rộng tại hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, như sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện, điều trị sớm các tật, bệnh, các rối loạn chuyển hóa di truyền; kiểm tra và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở một số dân tộc ít người. - Nhiều kỹ thuật y tế hiện đại có thể xác định sớm giới tính của con người, song hiện nay ở một số các Quốc gia vấn đề này bị hạn chế, thậm chí bị cấm vì tác động ảnh hưởng đến sự chênh lệch về giới tính giữa nam và nữ khi sinh ra. Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ này vì tư tưởng phong kiến của người dân trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở một bộ phận dân cư đặc biệt là vùng nông thôn, theo thống kê hiện nay tỷ lệ nam/ nữ khi sinh ra dao động trong khoảng 115/100, ở một số tỉnh sự chênh lệch này còn cao hơn. Mất cân bằng giới tính khi sinh nổi lên là vấn đề đáng quan ngại nhất trong những thách thức về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bố dân cư, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước hiện nay. Thông thường, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) nằm trong khoảng 103-106 trẻ trai/100 trẻ gái, giá trị của tỷ số này rất ổn định theo thời gian và không gian. Tuy nhiên, SRB ở nước ta đang ở vào mức cao, tăng nhanh, liên tục trong 5 năm qua và có thể vượt ngưỡng 115 trẻ trai/100 trẻ gái trong vòng ba năm tới. Nếu SRB không được khống chế mà vẫn tiếp tục tăng với tốc độ như vậy sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đến cơ cấu giới tính và nhân khẩu học. Nó sẽ có tác động nặng nề khi họ bước vào độ tuổi lập gia đình, khoảng những năm 2030 thì nhóm nam giới này sẽ dư thừa so với phụ nữ cùng lứa. Đặc biệt hơn nữa, nếu SRB không được khống chế và trở lại mức bình thường trong vòng 2 thập kỷ tới thì đến năm 2035, mức dư thừa nam giới sẽ chiếm 10% tổng số nữ giới và thậm chí còn cao hơn. Theo kinh nghiệm của quốc tế nếu không có giải pháp quyết liệt thì tỷ số này có thể lên trên mức 120 vào năm 2020. Tình trạng này sẽ tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội, gây khó khăn trong việc xây dựng gia đình của các thế hệ tương lai. Sự khan hiếm phụ nữ sẽ gây thêm áp lực buộc họ phải kết hôn ở độ tuổi trẻ hơn, có thể dẫn đến tăng nhu cầu mại dâm, mạng lưới buôn bán phụ nữ có thể lan rộng.... Các trường hợp về bạo hành giới và buôn bán phụ nữ trong thời gian qua đã phần nào minh chứng cho những nguy cơ mà phụ nữ và trẻ em phải đối mặt. - Việc chăm sóc y tế kịp thời và ngày càng hiện đại với việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong y học giúp cho con người phát hiện và điều trị bệnh tật sớm, đỡ tốn kém, giảm tỷ lệ biến chứng và di chứng, khả năng khỏi bệnh nhanh và cao hơn, ít tái phát hơn đặc biệt là các bệnh ở đường sinh sản (như nhiễm khuẩn đường sinh sản, khối u và ung thư đường sinh sản, vô sinh, các bệnh lây truyền qua đường tình dục kể cả HIV/AIDS...) nhằm góp phần đảm bảo chức năng sinh sản, duy trì nòi giống, nâng cao chất lượng dân số, tăng cường sức khoẻ và tuổi thọ của con người. Hiện nay Bộ Y tế đang chỉ đạo đẩy mạnh việc tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm các mô hình, giải pháp can thiệp về kỹ thuật, kinh tế và xã hội nhằm giảm dị tật bẩm sinh, bệnh di truyền và các yếu tố gây ảnh hưởng làm suy thoái chất lượng giống nòi; từ đó lựa chọn giải pháp có hiệu quả để triển khai mở rộng trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm giảm tỷ lệ chết, tỷ lệ bệnh tật, tăng tuổi thọ bình quân và số năm trung bình sống khỏe mạnh của người dân. - Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu đặc biệt là Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 và đến năm 1985, chương trình TCMR được đẩy mạnh mở rộng triển khai ở 100% xã phường trong cả nước với 6 loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Sởi, Bại liệt. Từ năm 1993 đến nay tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi luôn đạt trên 90%. Từ năm 1995 cả nước không còn xã trắng về tiêm chủng. Việc xoá được 8 xã trắng cuối cùng về tiêm chủng đã thể hiện việc triển khai nghiêm túc chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước ta, chủ trương đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân của ngành y tế và thực hiện nghiêm túc cam kết về quyền trẻ em của Việt Nam. Đây là thắng lợi của sự kết hợp chặt chẽ giữa Quân - Dân y, đặc biệt với lực lượng bộ đội biên phòng đảm bảo đưa dịch vụ tiêm chủng đến được từng bản làng trên khắp mọi miền đất nước, đến mọi dân tộc, mọi gia đình.đến nay . Ngay từ khi đi vào hoạt động, TCMR đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Đó là điều kiện giao thông từ huyện đến xã nhất là đến những thôn bản vùng sâu, vùng xa, ảnh hưởng đến tiếp cận dịch vụ tiêm chủng của phụ nữ và trẻ em, nhận thức của cộng đồng và bà mẹ về tiêm chủng, phòng bệnh còn hạn chế… Cơ sở y tế xã thường bị quá tải bởi nhiều dịch vụ y tế. Nguồn kinh phí cho tiêm chủng hoạt động còn thiếu… Mặc dù vậy, chương trình TCMR của Việt Nam đã từng bước khắc phục khó khăn, đã triển khai có kết quả và được cộng đồng Quốc tế thừa nhận là nước triển khai công tác tiêm chủng mở rộng tốt nhất, hiệu quả nhất. Cho tới nay, chương trình TCMR đã đưa 8 loại vắc xin tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi phòng các bệnh Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B, Bại liệt, Sởi và Viêm phổi/Viêm màng não mủ do Hib cho trẻ em. Việc mở rộng sử dụng thêm vắc xin mới, thế hệ tiên tiến và các chương trình y tế mục tiêu về chăm sóc bảo vệ sức khoẻ trẻ em như: Phòng chống suy dinh dưỡng, phát hiện và điều trị sớm các bệnh tật ở trẻ em…được triển khai đồng bộ tại cộng đồng đã thể hiện sự nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng và sự quan tâm của nhà nước đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ trẻ em Việt Nam. - Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục phát triển. Số người tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đều tăng, góp phần tích cực vào giảm thiểu thiệt hại và khó khăn cho người tham gia khi gặp rủi ro. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới đã được quan tâm hơn, nhiều mặt đạt được kết quả tích cực. Một số bệnh dịch mới, nguy hiểm đã được khống chế và đẩy lùi. Hệ thống cơ sở y tế tiếp tục được củng cố và phát triển. Việc thực hiện các đề án xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống các bệnh viện, luân chuyển cán bộ y tế và đẩy mạnh xã hội hóa đã góp phần nâng cao năng lực và chất lượng khám chữa bệnh, nhất là ở tuyến tỉnh và tuyến huyện. Nhiều kỹ thuật khám, chữa bệnh bằng công nghệ cao được nghiên cứu, ứng dụng thành công ở nhiều bệnh viện. Đã hình thành mạng lưới kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia. - Ngành y tế cũng chú trọng công tác y tế dự phòng, nâng cao khả năng phòng chống dịch, bệnh. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, thực hiện có hiệu quả công tác Dân số-KHHGĐ. Phấn đấu giảm tỷ lệ cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên. Duy trì và phát triển phong trào hiến máu tình nguyện để đảm bảo có đủ máu an toàn đáp ứng kịp thời trong cấp cứu người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất các bệnh truyền qua đường máu. - Mạng lưới y tế trường học từng bước được củng cố. Một số chương trình phòng, chống bệnh tật đã và đang được đưa vào triển khai thường xuyên trong trường học như: phòng chống HIV/AIDS, phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống sốt rét, phòng chống giun sán, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống tai nạn thương tích, an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc răng miệng, chăm sóc mắt... nhằm bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho học sinh, sinh viên. - Ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục thực hiện tốt Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đồng thời đưa một số kiến thức cơ bản về chăm sóc bảo vệ sức khoẻ vào giảng dạy trong hệ thống các trường học nhằm nâng cao nhận thức và khắc phục các hành vi ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ cho học sinh, sinh viên như: Kiến thức về sinh lý con người, vệ sinh cá nhân, tư thế ngồi học, tình dục an toàn ở lứa tuổi vị thành niên- thanh niên…để tạo nguồn nhân lực tương lai khoẻ mạnh về cả thể lực, trí lực, tâm lực cho đất nước. Những thành tựu đạt được của ngành y tế về công tác dân số, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong những năm qua là rất căn bản, to lớn và có ý nghĩa nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức luôn thường trực: Nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản chưa được giải quyết tốt: Còn sự cách biệt lớn giữa các vùng, miền về nhiều chỉ báo về sức khỏe sinh sản, như tỷ số chết mẹ, tỷ suất chết trẻ em và tỷ lệ suy dinh dưỡng…; tử vong sơ sinh vẫn còn khá cao, chiếm tới 70% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và 50% tử vong trẻ em dưới 5 tuổi; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao chiếm 32%;tình trạng thừa cân béo phì trong lứa tuổi học đường có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt ở các thành phố; tình trạng nạo phá thai vẫn còn nhiều (29 ca/100 trẻ sinh ra sống), trong đó đáng báo động là các trường hợp nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên- thanh niên và nạo phá thai nhiều lần ; việc dự phòng và điều trị các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, vô sinh, bệnh lây truyền qua đường tình dục kể cả HIV/AIDS còn hạn chế; sàng lọc phát hiện ung thư vú và ung thư cổ tử cung chưa được thực hiện rộng rãi… Chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số - kế họach hóa gia đình của nước ta với mục tiêu ‘Nâng cao chất lượng dân số’ cũng như dự thảo chiến lược Dân số và sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011-2020 đã đề ra các tiêu chí cần hướng tới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dân số; cải thiện sức khoẻ sinh sản; duy trì cơ cấu dân số; quy mô, mật độ dân số và mức sinh... Chiến lược này cũng ưu tiên quan tâm đến người nghèo, vùng sâu vùng xa ở Việt Nam lẫn vấn đề giáo dục cho trẻ em ở miền núi và nông thôn. Chú trọng xoá dần sự khác biệt trong các chỉ số phát triển giữa khu vực đồng bằng châu thổ và các khu vực miền núi”,ví dụ như: Tỷ lệ bà mẹ tử vong khi sinh nở ở các vùng sâu vùng xa và khu vực người dân tộc ít người còn cao hơn rất nhiều các vùng khác, gần gấp hai lần so với khu vực thành thị. Chiến lược hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Dự thảo Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020 đã đề cập tới quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số, các dịch vụ dân số - sức khỏe sinh sản, mức sinh và tỷ số giới tính khi sinh. Chiến lược DS -SKSS được thực hiện với 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2011 - 2015) sẽ kiên trì thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, chủ động điều chỉnh mức sinh phù hợp với từng vùng, miền. Tập trung nâng cao chất lượng dân số thông qua việc mở rộng và thực hiện các giải pháp: tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, thí điểm các mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng… Đẩy mạnh các biện pháp về truyền thông giáo dục, hoàn thiện cơ sở pháp lý, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, thực hiện chính sách hỗ trợ để kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh. Thực hiện toàn diện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cho mọi đối tượng, đặc biệt ở vùng khó khăn, nhóm đối tượng khó tiếp cận. Giai đoạn 2 (2016 - 2020), trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện của giai đoạn 1 sẽ điều chỉnh chính sách phù hợp, triển khai toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ để thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược. Theo đó, Việt Nam phấn đấu đạt tỷ lệ tăng dân số ở mức 1% vào năm 2015, ổn định ở mức khoảng 1% vào năm 2020. Tổng tỷ suất sinh 1,9 con vào năm 2015 và 1,8 con vào năm 2020. Quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người vào năm 2015 và 98 triệu người vào năm 2020. Chỉ số phát triển con người ở mức trung bình cao của thế giới vào năm 2020. Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi phấn đấu đạt 19,3‰ vào năm 2015, 16‰ vào năm 2020. Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm xuống 58,3/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2015 và dưới 52/100.000 vào năm 2020. Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2015 và 115/100 vào năm 2020. Để nhằm hạn chế tăng dân số, giữ vững mức sinh thay thế Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo các ngành các cấp tăng cường tuyên truyền và giáo dục dân số cho toàn thể nhân dân hiểu rõ và thực hiện đúng chính sách dân số của Nhà nước, khắc phục các quan niệm sai trái như "trời sinh voi, trời sinh cỏ", "trời sinh trời dưỡng", "cần có con trai để nối dõi tông đường", "con trai hơn con gái", "cần có nếp có tẻ"... trong phạm vi có liên quan đến mình, kể cả đối tượng học sinh, sinh viên cũng cần được giáo dục về chính sách dân số để sau này ra đời thực hiện cho đúng. Đồng thời trang bị các dụng cụ và tạo điều kiện tốt cho công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản- kế hoạch hoá gia đình, làm dịch vụ y tế…bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, hình thành mạng lưới làm công tác dịch vụ y tế sinh đẻ có kế hoạch đảm bảo thường xuyên chỉ tiêu 80% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chủ động thực hiện tốt việc tránh mang thai ngoài ý muốn… Mặt khác, Nhà nước cũng có các biệp pháp hữu hiệu để huy động các cấp chính quyền, các đoàn thể trong mặt trận, các tổ chức xã hội đóng góp phần tích cực của mình vào công tác này, làm tốt hơn vấn đề an sinh xã hội và phúc lợi xã hội trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của Quỹ dân số Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác; Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và sự phát triển của đất nước. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và chất lượng giống nòi Việt Nam cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ; xây dựng gia đình Việt nam ấm no, hạnh phúc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan