Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luận văn tội vận chuyển trái phép chất ma túy từ thực tiễn thành phố hà nội...

Tài liệu Luận văn tội vận chuyển trái phép chất ma túy từ thực tiễn thành phố hà nội

.PDF
86
149
67

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRƯƠNG VŨ THÙY TRANG TỘI VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ HÀ NỘI LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HÌNH SỰ VÀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ HÀ NỘI, 2020 VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRƯƠNG VŨ THÙY TRANG TỘI VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ HÀ NỘI Ngành: Luật Hình sự và Tố tụng hình sự Mã số: 8.38.01.04 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC GS,TS NGUYỄN NGỌC ANH HÀ NỘI, 2020 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận văn là công trình nghiên cứu khoa học, độc lập của tôi; các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và có nguồn gốc rõ ràng. Hà Nội, ngày …. tháng …. năm 2020 TÁC GIẢ LUẬN VĂN MỤC LỤC MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1 Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ TỘI VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY ........................................... 8 1.1. Những vấn đề lý luận về tội vận chuyển trái phép chất ma túy ........... 8 1.2. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội vận chuyển trái phép chất ma túy ....................................................................................... 14 Chương 2: THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI................................................................................................. 40 2.1. Khái quát tình hình, đặc điểm địa bàn thành phố Hà Nội có liên quan đến tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy ............................... 40 2.2. Thực tiễn áp dụng quy định tội vận chuyển trái phép chất ma túy .... 41 2.3. Nhận xét, đánh giá ............................................................................. 46 Chương 3: CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VỀ TỘI VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI THỜI GIAN TỚI .. 57 3.1. Dự báo tình hình tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy và những yếu tố tác động đến công tác áp dụng pháp luật hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy ............................................................. 57 3.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy ............................................................. 63 KẾT LUẬN .................................................................................................... 75 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................... 76 DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT BLHS Bộ luật Hình sự BLTTHS Bộ luật Tố tụng hình sự NXB Nhà xuất bản TNHS Trách nhiệm hình sự TANDTC Tòa án nhân dân tối cao VKSNDTC Viện kiểm sát nhân dân tối cao XHCN Xã hội chủ nghĩa DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU, HÌNH Bảng 2.1. Thống kê số vụ, bị can bị khởi tố, điều tra các tội về ma túy và tội vận chuyển trái phép chất ma túy của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Hà Nội từ năm 2015 – 2019................................ 41 Bảng 2.2. Đặc điểm nhân thân của các bị can phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy ..................................................................................................... 42 Bảng 2.3. Mức hình phạt áp dụng khi xét xử tội mua bán trái phép chất ma túy giai đoạn 2015 - 2019 (Đơn vị tính: bị cáo) ................................................... 47 Hình 2.1. Mức hình phạt áp dụng khi xét xử tội vận chuyển trái phép chất ma túy giai đoạn 2015 - 2019...............................................................................51 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Từ những thập niên cuối của thế kỷ XX đến nay, nhân loại đang phải đối phó với nhiều vấn đề nghiêm trọng, mang tính toàn cầu, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, chiến tranh ly khai, khủng bố, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm về ma túy. Ma túy đã trở thành thảm họa chung của nhân loại, là nguyên nhân làm gia tăng tội phạm, bạo lực và nhiều tệ nạn xã hội khác. Ma túy không những hủy hoại sức khỏe lao động và sự phát triển bình thường của giống nòi mà còn làm suy thoái nhân cách, phẩm giá con người, tàn phá cuộc sống hạnh phúc của nhiều gia đình, gây xói mòn đạo lý xã hội, ảnh hưởng xấu đến sự ổn định của một quốc gia, dân tộc và là tác nhân chủ yếu thúc đẩy căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS lan truyền rộng rãi. Ở Việt Nam, vấn đề ma túy cũng có những diễn biến phức tạp, nhất là Hà Nội. Với vị thế là thủ đô, trung tâm chính trị của cả nước, thành phố Hà Nội có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông và đường hàng không thuận lợi để kết nối, giao thương với các địa phương trong nước và quốc tế. Những thuận lợi này cũng là nguyên nhân, điều kiện làm cho tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội tại thành phố Hà Nội phức tạp, trong đó có vấn đề ma túy nói chung, tội phạm vận chuyển ma túy nói riêng. Theo số liệu thống kê của Công an thành phố Hà Nội và TAND thành phố, giai đoạn 2015 - 2019, tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn bị can, bị cáo. Tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đối tượng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn vận chuyển, đặc biệt là lợi dụng công nghệ, kỹ thuật để liên lạc, trao đổi thông tin, cất giấu ma túy nhằm tránh sự giám sát, phát hiện, truy bắt của lực lượng chức năng. Nguy hiểm hơn, tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn Hà Nội hoạt động theo tổ chức, đường dây, liên tỉnh, xuyên quốc gia, sự liên kết, đan xen giữa tội phạm kinh tế - hình sự - ma túy ngày càng chặt chẽ; đối tượng vận chuyển ma túy hầu hết đều tàng trữ trái phép vũ khí và sẵn sàng chống người thi hành công vụ, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân. 1 Trước tình hình đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, Công an thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm ngăn chặn và đẩy lùi loại tội phạm này. Trong đó, các lực lượng chức năng luôn nhất quán việc chủ động phòng ngừa, nhanh chóng điều tra, làm rõ, xử lý đúng quy định pháp luật các hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Với tinh thần đó, tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy bị phát hiện, xử lý ngày càng tăng, góp phần răn đe những đối tượng có nguy cơ cao thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 chưa có văn bản hướng dẫn thực thi, nhiều điều khoản liên quan định khung với tội danh về ma túy còn nhiều quan điểm khác nhau nên việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy còn chưa thật sự hiệu quả; ở nơi này, nơi kia vẫn còn tình trạng định tội danh chưa chính xác và quyết định hình phạt chưa phù hợp đã làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Mặt khác, thời gian tới, hội nhập, hợp tác quốc tế, khu vực và kết nối giữa các địa phương với nhau ngày càng được mở rộng, thuận lợi hơn nên tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy cũng sẽ có điều kiện để gia tăng hoạt động. Điều này đòi hỏi các lực lượng chức năng phải sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống loại tội phạm này thời gian qua, cũng như có những giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả. Cùng với đó, qua khảo sát sơ bộ, hiện chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về thực tiễn phòng, chống tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian gần đây, nhất là từ sau khi BLHS năm 2015 có hiệu lực. Từ những lý do nêu trên, tác giả lựa chọn vấn đề “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy từ thực tiễn thành phố Hà Nội” làm đề tài luận văn thạc sĩ Luật học là cấp thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, lý luận. 2. Tình hình nghiên cứu Trong thời gian qua việc nghiên cứu các tội phạm về ma túy nói chung và tội vận chuyển trái phép chất ma túy nói riêng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu lý luận, các nhà khoa học pháp lý hình sự và cán bộ làm công tác thực tiễn. Đến nay, ở nhiều mức độ khác nhau, đã có một số công trình nghiên cứu 2 được công bố dưới dạng các sản phẩm khoa học như: Luận văn, luận án, sách chuyên khảo, tham khảo, bình luận khoa học, giáo trình và các bài tạp chí. Cụ thể như: - Về sách, giáo trình gồm có: GS.TS Võ Khánh Vinh (2001), Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), Nxb Công an nhân dân; tập thể tác giả do PGS.TSKH Lê Văn Cảm (chủ biên) (2003), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), Nxb đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, chủ biên) (Phần các tội phạm), Nxb Tư Pháp, Hà Nội, 2017. Ngoài ra, các vấn đề lý luận và thực tiễn xét xử còn được nghiên cứu trong một số công trình nghiên cứu của Ths. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học BLHS, Tập IV: Các tội phạm về ma túy, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2006; GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh, Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về ma túy theo pháp luật hình sự Việt Nam (Sách chuyên khảo), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2011. - Về các luận văn, công trình nghiên cứu gồm có: Một số luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ luật học chuyên ngành Luật Hình sự và Tố tụng hình sự như: “Trách nhiệm hình sự đối với các tội về ma túy trong Luật Hình sự Việt Nam” của TS Phạm Minh Tuyên, công bố năm 2006 - Luận án nghiên cứu và đánh giá về đặc điểm, tình hình các tội phạm về ma túy, phân tích một cách có hệ thống các chính sách hình sự đối với tội phạm về ma túy, nguyên tắc xử lý hình sự đối với hành vi phạm tội về ma túy, nghiên cứu các yếu tố cấu thành tội phạm về ma túy và thực tiễn áp dụng trách nhiệm hình sự về ma túy, qua đó kiến nghị những vấn đề cần hoàn thiện trong quy định của BLHS. Luận án “đấu tranh phòng chống các tội phạm về ma túy ở Việt Nam” của TS.Nguyễn Tuyết Mai, bảo vệ năm 2007, Luận án nghiên cứu chuyên sâu về tình hình, nguyên nhân, điều kiện của các tội phạm về ma túy từ đó đề ra các giải pháp trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy ở Việt Nam. - Về các tạp chí, có nhiều bài viết về ma túy và tội phạm về ma túy được công bố trên các tạp chí chuyên ngành như: Luật học, Tòa án nhân dân, Kiểm sát, 3 Nhà nước và pháp luật,…trong đó có thể kể đến các bài như: “Cần hoàn thiện một số quy định trong BLHS về các hành vi tang trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” của tác giả Nguyễn Văn Trượng – Tạp chí Kiểm sát số 04/2004 (trang 47-51); “Một số vấn đề liên quan đến hướng dẫn áp dụng điều 194 BLHS” của tác giả Cao Thị Oanh – Tạp chí Luật học số 09/2012 (trang 33-38)… Các công trình khoa học nói trên đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy trên phạm vi cả nước hoặc một địa bàn cụ thể. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào nghiên cứu trực tiếp, chuyên sâu về tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây, đặc biệt là từ sau khi BLHS năm 2015 có hiệu lực. Do vậy, đề tài luận văn Tội vận chuyển trái phép chất ma túy từ thực tiễn thành phố Hà Nội mà tác giả lựa chọn để nghiên cứu là đề tài độc lập, mới, không trùng lặp với công trình khoa học nào đã công bố. Quá trình tổ chức nghiên cứu đề tài, tác giả sẽ tiếp thu, kế thừa kết quả nghiên cứu của các công trình trên. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích của việc nghiên cứu đề tài này là nghiên cứu, phân tích làm sáng tỏ các vấn đề lý luận về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, cũng như đánh giá thực tiễn áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ đó xác định những tồn tại, bất cập trong quy định của BLHS và đưa ra những kiến nghị giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật hình sự, các văn bản hướng dẫn áp dụng về tội vận chuyển trái phép chất ma túy để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ mục đích nghiên cứu nêu trên, luận văn đặt ra những nhiệm vụ nghiên cứu sau: - Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận pháp luật về tội vận chuyển trái phép chất ma túy theo pháp luật hình sự Việt Nam; - Phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về tội vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 – 2019; - Dự báo và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của pháp luật về tội vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội. 4 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Quy định của pháp luật hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy và thực tiễn áp dụng pháp luật của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Hà Nội. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Về nội dung, đề tài được thực hiện trong phạm vi chuyên ngành Luật Hình sự và Tố tụng hình sự, nghiên cứu các quy định pháp luật và việc áp dụng pháp luật trong phòng, chống tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy. Về địa bàn, đề tài được thực hiện trong phạm vi thành phố Hà Nội. Về thời gian, đề tài nghiên cứu số liệu thực tế trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019. Về tội danh, đề tài nghiên cứu tội vận chuyển trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 194 BLHS năm 1999 và Điều 250 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Về chủ thể đó là các cơ quan, lực lượng chuyên trách, trực tiếp áp dụng pháp luật phòng, chống tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy, trọng tâm là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Hà Nội. 5. Phương pháp nghiên cứu - Cơ sở phương pháp luận nghiên cứu đề tài là phép biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin; quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo của Bộ Công an về đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống tội phạm ma túy nói riêng; phương pháp luận của Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm. - Phương pháp nghiên cứu cụ thể: + Phương pháp nghiên cứu tài liệu: BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Bình luận khoa học BLHS năm 2015, Phần các tội phạm; Giáo trình Tội phạm học, Tổng Cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân năm 2011… Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu kể trên, 5 luận văn khái quát và làm rõ nhận thức cơ bản về hoạt động phòng ngừa tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội. + Phương pháp thống kê, so sánh, đối chiếu: Tiến hành nghiên cứu các báo cáo tổng kết công tác năm, số liệu thống kê của các đơn vị nghiệp vụ từ năm 2015 đến hết năm 2019 để xây dựng các biểu thống kê. Từ đó, có sự phân tích, so sánh, đối chiếu giữa các năm với nhau để rút ra các nhận xét, đánh giá và là căn cứ khoa học để đưa ra dự báo. + Phương pháp chuyên gia: tiến hành trao đổi trực tiếp, phỏng vấn lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng tham gia trực tiếp để tìm hiểu thực trạng, cũng như trao đổi, làm rõ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong hoạt động áp dụng pháp luật hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy trên thành phố Hà Nội trong thời gian qua; xin ý kiến giáo viên hướng dẫn và lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ để góp ý, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề cương chi tiết, báo cáo tổng luận đề tài. + Phương pháp tổng kết kinh nghiệm: Trên cơ sở những lý luận cơ bản về hoạt động áp dụng pháp luật hình sự về tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội, học viên tiến hành khảo sát thực tiễn, phân tích, đánh giá để phát hiện những ưu điểm, hạn chế trong thực tiễn áp dụng pháp luật tội phạm này. Từ đó, có cơ sở đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác áp dụng pháp luật hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn Đề tài là công trình nghiên cứu vừa có ý nghĩa lý luận và thực tiễn: - Về ý nghĩa lý luận: Luận văn được thực hiện có ý nghĩa góp phần nhằm làm rõ hơn những vấn đề về lý luận, quy định của pháp luật về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. - Về ý nghĩa thực tiễn: Luận văn là tài liệu tham khảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết vụ án hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Cùng đó, luận văn còn là tài liệu tham khảo cho các sinh viên, học viên chuyên 6 ngành luật hình sự trên các cơ sở đào tạo luật. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy trên thực tế tại thành phố Hà Nội từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc áp dụng pháp luật, góp phần kiềm chế tội phạm, giảm thiểu hậu quả, tác hại cho người dân sinh sống trên địa bàn. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, danh mục tài liệu tham khảo và phần kết luận, luận văn được cấu trúc thành 3 chương; cụ thể như sau: Chương 1. Một số vấn đề lý luận về tội vận chuyển trái phép chất ma túy Chương 2. Đặc điểm địa bàn và thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về tội vận chuyển trái phép chất ma túy của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Hà Nội Chương 3. Dự báo và giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian tới 7 Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ TỘI VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY 1.1. Những vấn đề lý luận về tội vận chuyển trái phép chất ma túy 1.1.1. Khái niệm tội vận chuyển trái phép chất ma túy Để làm rõ nội hàm khái niệm tội vận chuyển trái phép chất ma túy, ta phải làm rõ các thuật ngữ cấu thành như “trái phép”, “chất ma túy”… Từ điển tiếng Việt, “trái phép” được hiểu là trái với pháp luật hoặc trái với điều mà pháp luật cho phép [51, tr. 359]. Thuật ngữ "ma túy" xuất hiện từ lâu trên thế giới với nhiều cách hiểu khác nhau nhưng các tổ chức quốc tế luôn xác định tính chất nghiêm trọng của vấn đề này và đặt ra yêu cầu hợp tác phòng ngừa, ngăn chặn. Để có căn cứ xác định loại chất ma túy, Liên hợp quốc đã ban hành Công ước quốc tế về thống nhất các chất ma túy năm 1961, 1971, 1988. Theo đó, ma túy là bất kỳ chất liệu nào được liệt kê trong bảng I, III, IV của Công ước này, dù dưới dạng tự nhiên hay tổng hợp. Các chất ma túy có thể phân loại ra thành các nhóm như sau: - Theo đặc tính và mức độ tác động của chất gây nghiện, ma túy được chia thành ba nhóm: Ma túy mạnh, ma túy trung bình, ma túy nhẹ. - Theo nguồn gốc, cách thức tạo ra chất ma túy, ma túy được chia thành ba nhóm: + Ma túy tự nhiên: Các loại ma túy có nguồn gốc tự nhiên, thu được bằng cách hái hoặc nuôi trồng như thuốc phiện (quả); lá, hoa, quả cây cần sa...; + Ma túy bán tổng hợp: Các chất ma túy được điều chế từ sản phẩm tự nhiên bằng cách cho tác dụng với một số hóa chất để thu được chất ma túy có tác dụng mạnh hơn chất ma túy ban đầu (Ví dụ: Hêrôin là chất ma túy bán tổng hợp từ morphine bằng cách axetyl hóa morphine...); + Ma túy tổng hợp: Là các chất ma túy được điều chế bằng phương pháp tổng hợp hóa học toàn phần từ các chất (gọi là tiền chất). Các chất ma túy tổng hợp có tác dụng mạnh và nhanh hơn ma túy bán tổng hợp (methadone, dolargan, methamphetamine...). 8 - Theo tác dụng về mặt sinh học trên cơ thể con người, ma túy được chia thành tám nhóm: Các chất gây êm dịu, đam mê (các chất ma túy chính gốc) gồm thuốc phiện và các chế phẩm của thuốc phiện như morphine, heroin, methadone, dolargan, v.v.; Cần sa và các sản phẩm của Cần sa; Coca và các sản phẩm của Coca; thuốc ngủ: Có tác dụng ức chế thần kinh (barbiturate, methaqualone, mecloqualone...); các chất an thần: Các chất thuộc dẫn xuất của benzodiazepine, meprobamate, hydroxyzin; các chất kích thích: Amphetamin và các dẫn xuất của nó; các chất gây ảo giác: LSD, mescalin. các dẫn xuất của tryptamin, v.v.; dung môi hữu cơ và các thuốc xông. - Theo nguồn gốc và tác động dược lý, ma túy được chia thành năm loại: Ma túy là các chất từ cây thuốc phiện (opiates); ma túy là các chất từ cây cần sa (cannabis); ma túy là các chất kích thích (stimulants); ma túy là các chất ức chế (depressants); ma túy là các chất gây ảo giác (hallucinorens). Ở Việt Nam, thuật ngữ “ma túy” xuất hiện khá muộn và chính thức được sử dụng lần đầu tiên trong pháp luật Việt Nam tại BLHS năm 1985. Từ đó đến nay, thuật ngữ này được sử dụng nhiều và ở nước ta đã có hẳn 01 đạo luật về vấn đề này đó là Luật Phòng, chống ma túy. Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy thì: Chất ma túy bao gồm chất gây nghiện và chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành. Để làm rõ hơn khái niệm này, Luật Phòng, chống ma túy đã quy định thêm khái niệm “chất gây nghiện” và “chất hướng thần”. Theo đó, “chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng”, và “chất hướng thần” là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng. Như vậy, trong Luật Phòng, chống ma túy, cụm từ “chất ma túy” được định nghĩa và giải thích một cách gián tiếp qua các khái niệm “chất gây nghiện” và “chất hướng thần”. Để cụ thể hóa chất nào là chất ma túy và bị cấm hay hạn chế sử dụng thì hiện nay, Chính phủ quy định danh mục các chất ma túy và tiền chất tại Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, ngày 15/5/2018. Theo đó, ở Việt Nam hiện có 515 chất ma túy 9 chia thành 03 danh mục theo mức độ độc hại và yêu cầu kiểm soát việc sử dụng các chất này đó là: Thứ nhất, các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền. Thứ hai, các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, điều tra tội phạm, hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Thứ ba, các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 còn quy định 47 tiền chất không thể thiếu trong quá trình sản xuất, điều chế ma túy. Việc phân các loại chất ma túy thành các nhóm như đã nói ở trên không chỉ có ý nghĩa trong công tác nghiên cứu về mặt khoa học mà còn phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. Bởi lẽ, khi xác định được nguồn gốc của các loại ma túy, đặc tính, hàm lượng, trọng lượng của từng loại ma túy... thì có thể giải quyết một cách đúng đắn và có hiệu quả vấn đề TNHS của người phạm tội nói riêng cũng như công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy nói chung. Tóm lại, để xác định một chất nào đó là ma túy thì chất đó phải có các đặc điểm sau: Được quy định trong danh mục các chất ma túy ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ; chất đó có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp; là chất độc gây nghiện; khi đưa các chất này vào cơ thể con người nó sẽ làm biến đổi một số chức năng thần kinh, làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý của người đó. Nếu lạm dụng ma túy, sử dụng không đúng cách, không đúng liều lượng, không theo chỉ định thì người sử dụng sẽ nhanh chóng bị lệ thuộc vào nó, khi đó ma túy sẽ gây tổn thương về nhiều mặt cho sức khỏe về cả thể chất và tinh thần cho chính người sử 10 dụng, đồng thời còn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho cộng đồng và xã hội từ chính người nghiện ma túy này. Việc đưa ra một định nghĩa về ma túy xét ở một khía cạnh nào đó sẽ chỉ có ý nghĩa trong việc nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, khi cần xác định một chất có phải là ma túy hay không thì các cơ quan có trách nhiệm cần phải trưng cầu giám định để trả lời cho một loạt câu hỏi như: Loại ma túy gì? hàm lượng, khối lượng chất ma túy đã được xác định là bao nhiêu? tiền chất dùng để sản xuất mà túy là loại hóa chất nào?..., đồng thời phải căn cứ vào Danh mục các chất ma túy quy định tại Nghị định số 73/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ để so sánh, đối chiếu. Nghiên cứu Điều 250 BLHS năm 2015 cho thấy, điều luật không mô tả như thế nào là hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, hay nói theo cách khác là không quy định khái niệm cụ thể về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Trong khoa học luật hình sự Việt Nam hiện nay, mặc dù các nhà khoa học còn có nhiều điểm khác nhau về khái niệm tội vận chuyển trái phép chất ma túy, song nhìn chung, các quan điểm đó vẫn khá thống nhất trong việc nêu ra nội dung và bản chất pháp lý của tội phạm này. Có quan điểm cho rằng: “Hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi đưa chất ma túy từ địa điểm này đến địa điểm khác mà không có giấy phép hợp lệ. Hành vi vận chuyển chất ma túy có thể được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào như mang theo người, chuyển qua đường bưu điện, đường hàng không...” [51, tr.138]. Quan điểm này có điểm hợp lý là phù hợp với các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, nhưng dưới góc độ khoa học, khái niệm đã nêu vẫn chưa đưa ra được dấu hiệu chủ thể của tội phạm. Quan điểm khác lại cho rằng: Hành vi “vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi chuyển dịch trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong những trường hợp được quy định tại Điều 250 BLHS” [49, tr.4]. Mặc dù đã có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tuy nhiên các quan điểm này mới chỉ nêu ra được một cách khái 11 quát mà chưa nêu được một cách đầy đủ khái niệm của tội này một cách khoa học. Tổng hợp từ những quan điểm của các nhà khoa học, tác giả xin đưa ra khái niệm về tội vận chuyển trái phép chất ma túy như sau: Tội vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi chuyển dịch trái phép chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy do người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý xâm phạm chế độ quản lý độc quyền của Nhà nước về ma túy. 1.1.2. Sự cần thiết của việc quy định tội vận chuyển trái phép chất ma túy trong luật hình sự Việt Nam Trong đấu tranh phòng và chống tội phạm nói chung, phòng, chống tệ nạn ma túy và tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy nói riêng, vấn đề đạo lý cũng luôn được đặt ra để giáo dục và nâng cao ý thức chính trị, pháp luật của người dân đối với những tác hại của tệ nạn ma túy và sự nguy hiểm của tội phạm ma túy đối với mỗi người dân, mỗi gia đình, và xã hội. Chính bởi nhận thức trên mà người dân cũng sẽ có trách nhiệm hơn và chú tâm hơn đến cuộc đấu tranh chung của toàn xã hội trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và phòng, chống các loại tội phạm này. Vận chuyển trái phép chất ma tuý không chỉ là hiện tượng nguy hiểm cho xã hội, mà còn là những hành vi vi phạm pháp luật, trái với các chuẩn mực đạo đức xã hội và đi ngược lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Hiện tượng nguy hiểm này là có tính phổ biến, có tốc độ lây lan rất nhanh, tạo ra sự bất ổn trong đời sống xã hội và gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, văn hóa, đạo đức, xã hội,… Khi tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy đã trở nên phổ biến ở các quốc gia trên thế giới và nó có thể trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu, thì các Nhà nước đều phải có những biện pháp cụ thể để ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ hiện tượng nguy hiểm này. Để ngăn chặn và phòng, chống có hiệu quả đối với hiện tượng nguy hiểm trên, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động lập pháp để tạo cơ sở pháp lý, quán triệt, phổ biến và tổ chức thực hiện pháp luật. 12 Trong lập pháp, nước ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bao gồm các quy định của pháp luật hình sự và pháp luật TTHS; các quy định của pháp luật hành chính và tố tụng hành chính; các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự và các quy định của pháp luật về phòng chống ma túy… nhằm mục đích đấu tranh một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn đối với tệ nạn ma túy và đặc biệt đối với tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy. Qua đó, pháp luật thể hiện vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy nói chung và đặc biệt là tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy nói riêng bởi lẽ: - Pháp luật là phương tiện ghi nhận và bảo tồn các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam; - Pháp luật là phương tiện để Đảng và Nhà nước ta thể chế hóa đường lối đấu tranh và kiểm tra đường lối đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy nói chung và đối với tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy nói riêng; - Pháp luật là phương tiện tạo lập môi trường thuận lợi góp phần thủ tiêu các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy nói chung, tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy nói riêng; - Pháp luật là phương tiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy; - Pháp luật là phương tiện có hiệu lực để các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các hành vi phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Nhìn chung, việc quy định tội vận chuyển trái phép chất ma túy trong Luật hình sự Việt Nam là một đòi hỏi khách quan và có tính tất yếu cả về lý luận và thực tiễn trong đời sống xã hội. Những quy định này không những phản ánh các điều kiện kinh tế - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ chính trị ở Việt Nam hiện nay, mà còn thể hiện rõ những quan điểm, quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta cũng như nỗ lực của toàn thể dân tộc Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề rất phức tạp mang tính toàn cầu: Tệ nạn ma túy và tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy. 13 1.2. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội vận chuyển trái phép chất ma túy 1.2.1. Giai đoạn trước khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985 Cây có chứa chất gây nghiện đã được đưa vào nước ta khá sớm, đầu tiên là cây thuốc phiện và được trồng ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XVII. Ban đầu, thuốc phiện được coi là một thứ thần dược, có tác dụng chữa nhiều bệnh, điều trị hiệu quả bệnh thấp khớp, đường ruột, giảm đau. Ngoài những tác động này, các chính quyền phong kiến đã sớm nhận ra những tác hại của việc sử dụng thuốc phiện, ngay từ năm Cảnh Trị thứ ba (1665) Nhà nước Phong kiến ban hành luật đầu tiên về thuốc phiện, đạo luật này quy định: “Con trai, con gái sử dụng thuốc phiện để thỏa lòng dâm dật, cướp dùng nó để nhòm ngó nhà người ta. Trong thì kinh thành, ngoài thì thôn xóm, vì nó mà có khi hỏa hoạn, khánh kiệt tài sản. Vì nó mà thân thể tàn tạ, người chẳng ra người” [13, tr.54]. Đạo luật này còn quy định: “Quan lại và dân chúng không được trồng hoặc mua bán thuốc phiện. Ai đã trồng phải phá đi, người nào giữ thì phải hủy đi” [13, tr.55]. Vào năm 1820, để triệt đường cung cấp thuốc phiện từ nước ngoài vào Việt Nam vua Minh Mạng đã ra quy định: Cấm các thuyền buôn từ Tân Châu (huyện Trác Lộc, tỉnh Trực Lệ, Trung Quốc) vào Việt Nam. Khám xét tất cả các thuyền buôn nước ngoài vào các cảng dọc theo bờ biển nước ta, thuyền buôn nào chứa, giấu thuốc phiện hoặc thuê mướn thuyền khác vận chuyển thì chủ thuyền phải chịu tội tử hình. Nếu chứa thuốc phiện dưới 1 kg thì xử giam hậu, nếu trên 1 kg thì xử tội giảo (tức là treo cổ). Cùng với đó là các quy định cấm trồng, vận chuyển, sử dụng thuốc phiện: Kẻ nào mua bán thuốc phiện thì bị xử phạt 60 trượng, xử tù 1 năm. Tịch thu toàn bộ vật chứng dùng trong buôn bán thuốc phiện. Lái buôn nước ngoài buôn bán thuốc phiện thì bị đánh 100 trượng và tịch thu vật chứng. Đối với chủ hàng, chủ chứa bàn đèn hút thuốc phiện bị xử phạt 100 trượng và bị xử tù 3 năm. Song song với đó, triều đình nhà Nguyễn còn có chính sách khen thưởng rất hậu hĩnh cho người phát hiện hoặc cáo giác đúng người mua bán thuốc phiện. 14
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan