Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luận văn tội cướp giật tài sản theo pháp luật hình sự việt nam từ thực tiễn quận...

Tài liệu Luận văn tội cướp giật tài sản theo pháp luật hình sự việt nam từ thực tiễn quận 1, thành phố hồ chí minh

.PDF
78
349
72

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI LÊ MINH NHẬT TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN QUẬN 1, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HÌNH SỰ VÀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ HÀ NỘI, năm 2019 VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI LÊ MINH NHẬT TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN QUẬN 1, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Ngành: Luật hình sự và Tố tụng hình sự Mã số: 8.38.01.04 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC TS. PHAN ANH TUẤN HÀ NỘI, năm 2019 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan, Luận văn này là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn tận tình của Tiến sĩ Phan Anh Tuấn. Các thông tin và kết quả nghiên cứu trong luận văn là do tôi tự thu thập, phân tích một cách khách quan, trung thực, phù hợp với thực tế. Các dữ liệu sử dụng trong Luận văn có nguồn gốc và được trích dẫn rõ ràng theo đúng quy định. Đây là kết quả tôi đạt được trong quá trình nghiên cứu. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính trung thực của số liệu và các nội dung viết trong luận văn Tp.HCM, tháng 8 năm 2019 Học viên Lê Minh Nhật LỜI CẢM ƠN Với lòng biết ơn sâu sắc, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn tới Học viện Khoa học xã hội, Khoa Luật, cùng các thầy cô giáo tham gia giảng dạy đã giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu. Đặc biệt tôi xin cảm ơn Tiến sĩ Phan Anh Tuấn – Người thầy trực tiếp hướng dẫn khoa học, cảm ơn tập thể lãnh đạo cơ quan, cảm ơn bạn bè đồng nghiệp, người thân đã động viên, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn thành Luận văn này. Tuy có nhiều cố gắng, nhưng trong Luận văn này không tránh khỏi những thiếu sót. Tôi kính mong Quý thầy cô, các chuyên gia, những người quan tâm đến đề tài, đồng nghiệp, gia đình và bạn bè tiếp tục có những ý kiến đóng góp, giúp đỡ để đề tài được hoàn thiện hơn. Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn! Tp.HCM, tháng 8 năm 2019 Học viên Lê Minh Nhật MỤC LỤC MỞ ĐẦU ................................................................................................................... 1 Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN................................................. 10 1.1. Khái niệm và các dấu hiệu pháp lý của tội cướp giật tài sản ............... 10 1.2. Phân biệt tội cướp giật tài sản trong luật hình sự Việt Nam với một số tội phạm khác ............................................................................................... 24 1.3. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội cướp giật tài sản từ năm 1945 đến nay ........................................................................................ 26 Chương 2: THỰC TIỄN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VỀ TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 1, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ............................................................................................................. 34 2.1. Khái quát tình hình xét xử tội cướp giật tài sản trên địa bàn Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây .................................. 34 2.2. Định tội danh tội cướp giật tài sản trên địa bàn Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ...................................................................................................... 37 2.3. Thực tiễn áp dụng các tình tiết định khung hình phạt đối tội cướp giật tài sản ........................................................................................................... 41 2.4. Thực tiễn quyết định hình phạt đối với tội cướp giật tài sản................ 44 2.5. Nhận xét chung về thực tiễn xét xử về tội “Cướp giật tài sản” tại Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh............................................ 49 Chương 3: CÁC YÊU CẦU VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM ÁP DỤNG ĐÚNG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VỀ TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN ............ 52 3.1. Những nhu cầu và yêu cầu áp dụng đúng pháp luật hình sự khi xét xử các vụ án cướp giật tài sản ........................................................................... 52 3.2. Các giải pháp đảm bảo áp dụng đúng pháp luật hình sự về tội cướp giật tài sản ........................................................................................................... 55 KẾT LUẬN ............................................................................................................ 62 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO DANH MỤC CÁC BẢNG Bảng 2.1. Thống kê số vụ phạm tội và các nhóm tội phạm trên địa bàn Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013- 2018 ............................................ 34 Bảng 2.2. Thống kê số vụ phạm tội và số người phạm tội cướp giật tài sản so với tình hình tội phạm nói chung trên địa bàn Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013- 2018 ............................................................................ 35 Bảng 2.3. Thống kê số vụ phạm tội và số người phạm tội cướp giật tài sản so với tình hình các tội xâm phạm sở hữu trên địa bàn Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013- 2018 ..................................................................... 36 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản và quan trọng của mỗi con người, vì thế, pháp luật của quốc gia nào cũng đều có chế định bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về tài sản cho công dân và có các chế tài, hình phạt đối với cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của người khác. Đây là quyền hiến định và được nêu tại Điều 32 Hiến pháp năm 2013 như sau: “1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; 2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.” Để cụ thể hóa quy định trên, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các nội dung của quyền sở hữu để chủ sở hữu thực hiện các quyền của mình và sự tôn trọng của xã hội đối với quyền sở hữu của các cá nhân khác. Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định các chế tài đối với hành vi xâm phạm sở hữu tài sản quy định tại Chương XVI (các tội xâm phạm sở hữu) trong đó có tội cướp giật tài sản. Những quy định này là sự bảo vệ của Nhà nước đối với quyền sở hữu của nhà nước, tổ chức, cá nhân đã được Hiến pháp năm 2013 quy định và thể hiện thái độ của Nhà nước đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị lớn nhất nước, đặc biệt là Quận 1, nơi tập trung các cơ quan hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều danh lam, công trình kiến trúc là nơi thu hút tham quan, vui chơi giải trí của nhân dân thành phố, nhân dân Quận 1 và du khách trong và ngoài nước. Những năm gần đây, các vụ án cướp giật tài sản trên địa bàn Quận 1 không ngừng gia tăng gây ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, tác động không tốt đến cuộc sống của người dân. 1 Thực tiễn xét xử các vụ án cướp giật tài sản tại Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tội cướp giật tài sản rất đa dạng về: nhân thân người phạm tội, độ tuổi và giới tính của người phạm tội, thủ đoạn và phương tiện phạm tội, có những vụ án có đồng phạm và sử dụng thủ đoạn nguy hiểm. Quá trình xét xử, là việc Hội đồng xét xử áp dụng pháp luật hình sự để xác định đúng tội danh, xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt. Hình phạt vừa thể hiện thái độ nghiêm khắc của xã hội đối với hành vi nguy hiểm của tội phạm vừa thể hiện tính khoan hồng của pháp luật, tạo điều kiện để người phạm tội sớm tái hòa nhập cộng đồng và làm người có ích cho xã hội. Trong quá trình xét xử các vụ án cướp giật tài sản cho thấy những khó khăn, bất cập trong việc xác định tội danh và lượng hình, nhất là việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với các tội xâm phạm sở hữu nói chung và tội cướp giật tài sản nói riêng chưa thống nhất; đặc biệt cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn mới về các tội này theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015 dẫn đến thực tế áp dụng quy định về các tội này còn lúng túng. Hiện nay, vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn về các tội xâm phạm sở hữu nói chung và tội cướp giật nói riêng, và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới mà Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định. Học viên đã chọn đề tài “Tội cướp giật tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh” làm đề tài Luận văn Thạc sĩ Luật học của mình để nghiên cứu lý luận và thực tiễn xét xử các vụ án về tội này tại Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh để rút ra những đặc điểm chung của các vụ án này, tổng kết đánh giá thực tiễn xét xử và đưa ra những giải pháp để khắc phục những khó khăn, bất cập khi xét xử loại án này. 2 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Để thực hiện đề tài được giao, học viên tham khảo khá nhiều công trình về hoặc liên quan đến đề tài, trong số đó có thể kể đến: - Nhóm thứ nhất: Các Giáo trình Luật hình sự, sách về Định tội danh của các cơ sở đào tạo như: (1) Lê Cảm (Chủ biên) (2007), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam- Phần chung, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội; (2) Lê Cảm – Trịnh Quốc Toản (2012), Định tội danh – Lý luận, lời giải mẫu và 500 bài tập, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội; (3) Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2016), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam - Phần Các tội phạm- Quyển 1, Nxb Hồng Đức- Hội Luật gia Việt Nam; (4) Võ Khánh Vinh (Chủ biên) (2012), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam- Phần Các tội phạm, Nxb Công an nhân dân; (5) Võ Khánh Vinh (2013), Lý luận chung về định tội danh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội; (7) Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2016), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam - Phần Các tội phạm- Quyển 2, Nxb Hồng Đức- Hội Luật gia Việt Nam; (8) Trường Đại học Luật Hà Nội (2002), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân; (9) Học viện Tòa án (2012), Chương trình đào tạo nghiệp vụ xét xử - Phần kỹ năng giải quyết vụ án hình sự, Nxb Công an nhân dân. Những tài liệu và giáo trình nêu trên là những tài liệu nghiên cứu bắt buộc trong việc học tập và nghiên cứu luật hình sự. Nội dung chính của các tác phẩm này là trình bày lý luận chung về tội phạm, định tội danh và quyết định hình phạt, phân tích từng đặc trưng pháp lý cơ bản của mỗi tội danh nói chung và tội cướp giật tài sản nói riêng. Những tài liệu này là tài liệu tham khảo cho tác giả nghiên cứu về các dấu hiệu pháp lý của tội cướp giật tài sản trong luận văn. - Nhóm thứ hai: Các bài viết liên quan đến tội cướp giật tài sản có thể kể đến: 3 (1) Bài viết “Về các tội xâm phạm sở hữu” của tác giả Nguyễn Mai Bộ, Tạp chí Tòa án nhân dân – Số 7, 8 và 9/2018. Bài viết phân tích các dấu hiệu pháp lý của 13 tội trong chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm sở hữu và các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. (2) Bài viết “Một số góp ý về các tội xâm phạm sở hữu trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi" của tác giả Nguyễn Văn Trương – Trần Giang Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân - 10/2005, Số 20. Bài viết đưa ra các ý kiến về việc sửa đổi quy định pháp luật về các tội xâm phạm sở hữu cụ thể: mô tả hành vi cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. (3) Bài viết “Tội cướp giật tài sản và vấn đề chuyển hóa tội phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam” của tác giả Phạm Minh Tuyên, Tạp chí Tòa án nhân dân tháng 10/2007, Số 19. Bài viết tập trung phân tích tình tiết định khung trách nhiệm tăng nặng hình sự là “dùng thủ đoạn nguy hiểm” và “hành hung khi tẩu thoát” và vấn đề chuyển hóa tội phạm từ tội cướp giật tài sản thành cướp tài sản. (4) Bài viết “Một số sai lầm phổ biến trong định tội danh đối với tội cướp tài sản dưới hình thức có tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh" của tác giả Đoàn Trọng Chỉnh, Tạp chí Kiểm sát, tháng 8/2015, Số 16. Bài viết nêu các trường hợp có thể nhầm lẫn khi định tội danh giữa cướp tài sản với công nhiên chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản và trộm cắp tài sản. Các bài viết trên có ý nghĩa quan trọng trong việc làm rõ các dấu hiệu pháp lý của tội cướp giật tài sản trong luận văn. - Nhóm thứ ba: Các luận văn thạc sĩ liên quan đến tội cướp giật tài sản như: (1) Luận văn thạc sĩ “Tội cướp giật tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội: Một số khía cạnh pháp lý hình sự và tội phạm học” của tác giả Trần Anh Tuấn, Học viện Khoa học xã hội, 2010. Luận văn phân tích đặc điểm các vụ 4 án cướp giật tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội và đưa ra các giải pháp về xã hội, phát triển kinh tế để phòng chống và giảm thiểu các vụ án cướp giật diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội. (2) Luận văn thạc sĩ “Nhân thân người phạm tội cướp giật tài sản trên địa bàn quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả Nguyễn Văn Tùng, Học viện Khoa học xã hội, 2018. Luận văn nghiên cứu các đặc điểm về nhân thân của người phạm tội, hiểu rõ các động cơ và mục đích của người phạm tội cướp giật tài sản trên địa bàn quận Tân Phú và từ đó đưa ra các giải pháp phòng ngừa hữu hiệu. (3) Luận văn thạc sĩ “Nhân thân người phạm tội xâm phạm sở hữu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang” của tác giả Hồ Thanh Lam, Học viện Khoa học xã hội, 2018. Luận văn nghiên cứu làm rõ nhân thân người phạm tội xâm phạm sở hữu nhằm xác định nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm và đề ra các biện pháp phòng ngừa các tội phạm xâm phạm sở hữu và giúp cho việc định tội danh, định khung hình phạt chính xác. Những luận văn nêu trên đã nghiên cứu nhiều góc độ khác nhau về tội cướp giật tài sản trên các địa bàn cụ thể. Từ đó đề ra nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự về tội cướp giật tài sản. Đây cũng là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng cho đề tài luận văn. Qua nghiên cứu các công trình nêu trên, chúng tôi có một vài nhận xét sau: Các công trình nghiên cứu trên đã phân tích, trình bày những vấn đề pháp lý của tội cướp giật tài sản, về cấu thành tội phạm, về nhân thân người phạm tội xâm phạm sở hữu nói chung và tội cướp giật tài sản nói riêng, và trên các địa bàn khác nhau. Các công trình trên cũng đưa ra các giải pháp phòng ngừa các vụ án cướp giật tài sản ở các biện pháp khác nhau trong đó có biện pháp pháp luật hình sự. Tuy nhiên, do phạm vi nghiên cứu của đề tài, các công trình nêu trên chưa nghiên cứu quá trình phát triển các quy định pháp luật về 5 tội cướp giật tài sản theo các Bộ luật Hình sự năm 1989, năm 1999 và năm 2015; cũng chưa phân tích những dấu hiệu pháp lý và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự năm 2015 và không nghiên cứu thực tiễn các vụ án cướp giật tài sản trên địa bàn Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Qua nghiên cứu thực tiễn xét xử các vụ án cướp giật tài sản tại Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, luận văn đưa ra những đánh giá chung về loại tội phạm này, các đưa ra các giải pháp để áp dụng đúng pháp luật khi xét xử các vụ án cướp giật tài sản. Do đó, đề tài “Tội cướp giật tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh” được tác giả sử dụng làm Luận văn Thạc sỹ Luật học. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1 Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận, quy định và thực tiễn áp dụng quy định về tội cướp giật tài sản theo Bộ luật Hình sự năm 2015 khi xét xử tại Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, luận văn sẽ đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về các dấu hiệu định tội, định khung hình phạt đối với tội cướp giật tài sản và đề xuất những giải pháp bảo đảm áp dụng đúng pháp luật hình sự về loại tội phạm này và áp dụng thống nhất trên toàn quốc. 3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích nêu trên, Luận văn đặt ra và giải quyết các nhiệm vụ chủ yếu sau đây: - Nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận về tội cướp giật tài sản theo luật hình sự Việt Nam. - Phân tích nội dung các quy định của pháp luật hình sự về tội cướp giật tài sản. 6 - Đề xuất các kiến nghị hoàn thiện các quy định về tội cướp giật tài sản trong Bộ luật hình sự và các giải pháp bảo đảm áp dụng đúng quy định của pháp luật về tội này trên cả nước. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận, quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về tội cướp giật tài sản và thực tiễn xét xử tội cướp giật tài sản tại Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. 4.2. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi về nội dung: Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận, quy định, áp dụng về tội cướp giật tài sản trong luật hình sự Việt Nam dưới góc độ luật hình sự. - Phạm vi về thời gian: Khảo sát thực tiễn áp dụng quy định về tội cướp giật tài sản từ năm 2013 đến năm 2018. - Về địa bàn nghiên cứu: Khảo sát, nghiên cứu thông qua các bản án tại Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu 5.1. Phương pháp luận: đề tài này được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin với phép duy vật biện chứng, các quan điểm của Đảng và Nhà nước về tội phạm, hình phạt, về cải cách tư pháp, về đấu tranh phòng chống tội phạm. 5.2. Phương pháp nghiên cứu: để nghiên cứu Luận văn, tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: - Phương pháp lịch sử: phương pháp này được sử dụng để làm rõ sự hình thành và phát triển của tội cướp giật tài sản trong luật hình sự Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay. 7 - Phương pháp thống kê: phương pháp này được sử dụng để làm rõ tình hình xử lý hình sự đối với tội cướp giật tài sản. - Phương pháp phân tích, tổng hợp được tác giả sử dụng để làm rõ những vấn đề chung và những hạn chế, vướng mắc về tội cướp giật tài sản. - Phương pháp so sánh: được tác giả sử dụng để làm rõ những điểm giống và khác nhau giữa tội cướp giật tài sản với các tội phạm khác có liên quan và đối chiếu quy định về tội cướp giật tài sản trong luật hình sự Việt Nam với luật hình sự của một số quốc gia. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn 6.1. Ý nghĩa lý luận : Luận văn góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn về tội cướp giật tài sản, từ đó, đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật hình sự về tội cướp giật tài sản. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn : Các kết quả nghiên cứu của Luận văn có thể là tài liệu tham khảo có giá trị cho các cơ quan nhà nước thực hiện việc hoàn thiện hơn quy định về tội cướp giật tài sản, và góp phần giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm này tại Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Những kết quả nghiên cứu của Luận văn đạt được còn có thể làm tài liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu tiếp theo của chính học viên và cho những người quan tâm trong quá trình công tác, học tập và nghiên cứu. 7. Cơ cấu của luận văn. Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận văn gồm 3 chương. Chương 1: Những vấn đề lý luận và pháp luật hình sự Việt Nam về tội cướp giật tài sản. 8 Chương 2: Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam về tội cướp giật tài sản trên địa bàn Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh Chương 3: Các yêu cầu và giải pháp bảo đảm áp dụng đúng pháp luật hình sự về tội cướp giật tài sản. 9 Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN 1.1. Khái niệm và các dấu hiệu pháp lý của tội cướp giật tài sản 1.1.1. Khái niệm tội cướp giật tài sản Hiện nay chưa có văn bản pháp luật đưa ra khái niệm chung về tội cướp giật tài sản. Qua nghiên cứu, chúng tôi tìm thấy một số tài liệu đề cập đến khái niệm cướp giật tài sản như sau: - Theo Từ điển tiếng Việt , “cướp giật” là cướp một cách ngang nhiên và trắng trợn [59, tr.302]. Khái niệm này hành vi cướp giật giống với hành vi cướp và không có sự khác nhau giữa hành động cướp và cướp giật. - Theo từ điển Luật học, cướp giật tài sản là “hành vi công khai chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng để tránh sự phản kháng của chủ tài sản … là một trong bốn tội phạm của nhóm tội chiếm đoạt có tính công khai về hành vi khách quan cũng như về ý thức chủ quan của chủ thể …, là hành vi lợi dụng sơ hở của chủ tài sản nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng lẩn tránh”. [9, tr.264]. Khái niệm này, nêu được những đặc trưng của hành vi cướp giật tài sản và là một loại tội phạm do luật hình sự quy định. Theo đó, người thực hiện tội phạm cướp giật tài sản là người có mục đích chiếm đoạt tài sản từ trước và thủ đoạn chiếm đoạt tài sản là bằng cách nhanh chóng giật, giằng lấy tài sản và nhanh chóng tẩu thoát. Việc giật, giằng lấy tài sản diễn ra một cách công khai, người phạm tội không có ý định che giấu hành vi của mình đối với chủ sở hữu cũng những nguời xung quanh. Người bị hại biết hành vi phạm tội nhưng do diễn ra quá nhanh nên chưa kịp thời phản ứng. Trên cơ sở đó có thể định nghĩa tội cướp giật tài sản như sau: Tội cướp giật tài sản là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát của chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý. 10 1.1.2. Dấu hiệu pháp lý của tội cướp giật tài sản Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tội cướp giật tại Điều 171 BLHS [35]. Từ định nghĩa về tội cướp giật tài sản nêu trên và quy định tại Điều 171 BLHS chúng ta thấy tội cướp giật tài sản có những dấu hiệu pháp lý như sau: 1.1.2.1. Khách thể của tội cướp giật tài sản Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại (gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại) [33, tr.62]. Khách thể của tội phạm bao gồm khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp của tội phạm. Tội cướp giật tài sản được quy định tại Chương XVI của BLHS năm 2015 có tên là “Các tội xâm phạm sở hữu” vì thế có khách thể loại là quan hệ sở hữu tài sản. Quan hệ sở hữu tài sản là mối quan hệ giữa chủ sở hữu đối với tài sản, bao gồm các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản. Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015, thì tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Nhưng chỉ có tài sản là tiền, vật, giấy tờ có giá (vô danh) mới có thể là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu. Do đặc thù của tội cướp giật tài sản là nhanh chóng chiếm đoạt và tẩu thoát nên đối tượng tác động của tội này thường là những tài sản dưới dạng vật chất, gọn nhẹ, dễ di chuyển và đồng thời đang nằm trong sự quản lý, chiếm hữu của chủ tài sản, nhưng đối tượng phạm tội lợi dụng sự sơ hở của chủ sở hữu trong quá trình quản lý để chiếm đoạt. Như vậy, khách thể trực tiếp của tội cướp giật tài sản là quan hệ sở hữu và đối tượng bị tác động trực tiếp là tiền, vật, giấy tờ có giá (vô danh) nêu trên. 1.2.2.2. Chủ thể của tội cướp giật tài sản Theo Bộ luật hình sự năm 2015, chủ thể của tội phạm không chỉ là con người cụ thể mà còn pháp nhân thương mại. Đối với tội cướp giật tài sản, chủ 11 thể của tội phạm chỉ có thể là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định và thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị pháp luật hình sự cấm. Năng lực trách nhiệm hình sự thể hiện độ tuổi và nhận thức của chủ thể về hành vi của mình. Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Từ những quy định nêu trên, chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Trong một số cấu thành tội phạm đòi hỏi chủ thể phải có thêm các dấu hiệu đặc biệt khác vì chỉ chủ thể có dấu hiệu này mới có thể thực hiện được hành vi phạm tội mà cấu thành tội phạm đó phản ánh. Theo Điều 171, thì chủ thể của tội cướp giật tài sản không phải là chủ thể đặc biệt. Nên, người có hành vi cướp giật tài sản chỉ trở thành chủ thể của tội cướp giật tài sản khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản họ có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định. 1.1.2.3. Mặt chủ quan của tội cướp giật tài sản Mặt chủ quan của tội phạm là diễn biến bên trong phản ánh thái độ tâm lý của chủ thể đối với hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi đó gây ra, bao gồm các dấu hiệu về lỗi, động cơ và mục đích. Trong đó, lỗi được phản ánh trong tất cả cấu thành tội phạm và là dấu hiệu không thể thiếu được của bất cứ 12 cấu thành tội phạm nào. Tội cướp giật tài sản luôn là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết tài sản đang có người quản lý, nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện. Động cơ và mục đích của người phạm tội cướp gật tài sản là mong muốn chiếm đoạt tài sản của người khác. 1.1.2.4. Mặt khách quan của tội cướp giật tài sản Mặt khách quan của tội phạm là biểu hiện bên ngoài của tội phạm, bao gồm hành vi nguy hiểm cho xã hội; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện hành vi phạm tội [50, tr.71]. Bất cứ tội phạm cụ thể nào cũng đều có những biểu hiện bên ngoài, nếu không có những biểu hiện này thì cũng không có yếu tố khác của tội phạm và cũng không có tội phạm. Hành vi cướp giật tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác của chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi chiếm đoạt của tội cướp giật tài sản có dấu hiệu công khai và dấu hiệu nhanh chóng. * Dấu hiệu công khai: Dấu hiệu công khai vừa thể hiện tính khách quan của hành vi chiếm đoạt vừa thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội. Hành vi chiếm đoạt được coi là công khai, khi hành vi phạm tội được thực hiện thì chủ tài sản có khả năng biết ngay khi hành vi xảy ra, nghĩa là người phạm tội công khai và hoàn toàn không có ý định che giấu hành vi phạm tội của mình đối với người đang chiếm giữ tài sản và những người xung quanh. Dấu hiệu công khai là đặc trưng cơ bản của tội cướp giật tài sản giúp phân biệt với dấu hiệu lén lút trong tội trộm cắp tài sản hay dấu hiệu gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. * Dấu hiệu nhanh chóng: Dấu hiệu nhanh chóng phản ánh thủ đoạn, phương thức thực hiện hành 13
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan