Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Luận án bản hội trong đạo mẫu tạo lập vốn xã hội trong bối cảnh chuyển đổi...

Tài liệu Luận án bản hội trong đạo mẫu tạo lập vốn xã hội trong bối cảnh chuyển đổi

.PDF
236
205
67

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI MAI THỊ HẠNH BẢN HỘI TRONG ĐẠO MẪU: TẠO LẬP VỐN XÃ HỘI TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC HÀ NỘI - 2016 VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI MAI THỊ HẠNH BẢN HỘI TRONG ĐẠO MẪU: TẠO LẬP VỐN XÃ HỘI TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI Chuyên ngành: Văn hóa dân gian Mã số: 62 22 01 30 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: GS.TS. NGÔ ĐỨC THỊNH HÀ NỘI - 2016 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan rằng: - Luận án Tiến sĩ này là kết quả nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn của người hướng dẫn khoa học, chưa từng được công bố trong các công trình nghiên cứu của ai khác. - Luận án đã được tiến hành nghiên cứu một cách nghiêm túc, cầu thị. - Kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khác đã được tiếp thu chân thực, cẩn trọng trong luận án. Tác giả luận án Mai Thị Hạnh i LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận án “Bản hội trong Đạo Mẫu: tạo lập vốn xã hội trong bối cảnh chuyển đổi", tôi đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều cá nhân và tập thể. Tôi xin chân thành cảm GS.TS Ngô Đức Thịnh - người Thầy đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho tôi trong suốt quá trình hoàn thành luận án. Bên cạnh đó, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tập thể Khoa Văn hoá học Học Viện Khoa học xã hội đã giúp đỡ và tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành luận án này. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới GS.TS Lê Hồng Lý, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, TS Hoàng Cầm... vì đã góp ý cho tôi các ý tưởng nghiên cứu. Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn tới gia đình, người thân và bạn bè đã luôn dành cho tôi sự động viên giúp đỡ trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu. Hà Nội, ngày tháng năm 2016 Tác giả luận án Mai Thị Hạnh ii KÍ HIỆU VIẾT TẮT CNXH Chủ nghĩa xã hội GS.TS Giáo sư tiến sĩ EU Liên minh Châu Âu Nxb Nhà xuất bản TG Tác giả TPHCM Thành phố Hồ Chí Minh TCN Trước công nguyên Tr Trang VHTT Văn hóa thông tin VXH Vốn xã hội WTO Tổ chức thương mại thế giới iii MỤC LỤC Trang LỜI CAM ĐOAN i LỜI CẢM ƠN ii KÍ HIỆU VIẾT TẮT iii MỤC LỤC iv MỞ ĐẦU 1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN 10 1.1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu 10 1.2. Cơ sở lý luận 24 Tiểu kết 37 CHƯƠNG 2: BẢN HỘI ĐẠO MẪU: MỘT CỘNG ĐỒNG TÔN GIÁO 38 2.1. Sự hình thành bản hội Đạo Mẫu 38 2.2. Cơ cấu tổ chức của bản hội Đạo Mẫu 43 2.3. Thực hành nghi lễ của bản hội Đạo Mẫu 46 2.4. Đặc trưng của bản hội Đạo Mẫu 51 Tiểu kết 66 CHƯƠNG 3: BẢN HỘI ĐẠO MẪU: MÔI TRƯỜNG TÂM LINH ĐẬM MÀU SẮC KINH TẾ 68 3.1. Màu sắc kinh tế của bản hội Đạo Mẫu: các khía cạnh biểu hiện 68 3.2. Sự gắn kết giữa tâm linh và kinh tế trong bản hội Đạo Mẫu: Những lý giải 84 3.3. Môi trường tâm linh đậm màu sắc kinh tế và cơ sở cho các thành viên bản hội tạo lập vốn xã hội 89 92 Tiểu kết CHƯƠNG 4: BẢN HỘI ĐẠO MẪU: MÔI TRƯỜNG TÂM LINH TRAO QUYỀN LỰC VÀ THỂ HIỆN QUYỀN LỰC CỦA "NHỮNG KẺ BỊ LOẠI TRỪ" iv 93 4.1. Bản hội Đạo Mẫu: môi trường tâm linh của những kẻ bị loại trừ 93 4.2. Bản hội Đạo Mẫu: không gian trao quyền lực và thể hiện quyền lực 97 4.3. Môi trường tâm linh trao quyền lực, thể hiện quyền lực của "những kẻ bị loại trừ" và cơ sở cho các thành viên bản hội tạo lập vốn xã hội 109 112 Tiểu kết CHƯƠNG 5: TẠO LẬP VỐN XÃ HỘI CỦA CÁC THÀNH VIÊN BẢN HỘI ĐẠO MẪU: NHẬN DIỆN ĐẶC ĐIỂM, PHƯƠNG THỨC, 113 LỢI ÍCH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA 5.1. Nhận diện đặc điểm vốn xã hội của các thành viên bản hội Đạo Mẫu 5.2. Phương thức tạo dựng, duy trì và phát triển vốn xã hội của các thành viên bản hội Đạo Mẫu 5.3. Lợi ích của vốn xã hội đối với đời sống của các thành viên bản hội Đạo Mẫu 5.4. Tạo lập vốn xã hội của các thành viên bản hội Đạo Mẫu trong bối cảnh chuyển đổi: những vấn đề đặt ra 113 115 122 134 Tiểu kết 147 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 148 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 151 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152 PHỤ LỤC 167 v MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài 1.1 Đạo Mẫu là một loại hình tín ngưỡng có cội nguồn từ căn tính cổ truyền của dân tộc lựa chọn lối sống theo nguyên lý mẹ, được phát triển từ tín ngưỡng thờ Mẹ và được nâng lên thành Đạo Mẫu vào thế kỉ XVI trong bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam có nhiều biến động và trong hoàn cảnh tiếp thu những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa. Bản hội là không gian của các con nhang đệ tử Đạo Mẫu quy tụ dưới sự dẫn dắt của một chủ hội (thông thường là đồng Thầy) gắn với một điện thờ nào đó, chức năng của nó là để cùng nhau thờ phụng và thực hành các nghi lễ nhà Mẫu. Tuy nhiên, khoảng hai thập kỉ trở lại đây, người ta đang chứng kiến sự “phục hưng” trở lại nhưng ở những hình thức mới và quy mô lớn hơn rất nhiều của tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam. Trong bức tranh chung về sự phục hưng đó, sự bộc phát của Đạo Mẫu và lên đồng trở thành tâm điểm. Chưa bao giờ người ta thấy Đạo Mẫu phát triển một cách công khai đến thế, cũng chưa bao giờ người ta thấy có nhiều bản hội xuất hiện và nhiều người tham gia bản hội đến vậy. Quy mô bản hội được mở rộng hơn cùng với tính chất của bản hội cũng như các mối quan hệ của bản hội có nhiều biến đổi. Không chỉ là không gian sinh hoạt tín ngưỡng với tình đồng đạo, bản hội giờ đây còn là không gian để người ta phát triển các dịch vụ tâm linh, kinh doanh buôn bán, hợp tác làm ăn; nó cũng là không gian của nhiều vấn đề về giới và quyền lực giới… Những điều này gợi cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ về bản chất của bản hội hiện nay: bản hội có phải chỉ đơn thuần là một cộng đồng mang tính chất tâm linh không hay sự liên kết giữa các thành viên trong bản hội còn vì những mục đích và lợi ích khác nữa? Những thành viên trong bản hội đến với nhau liệu có phải chỉ vì nhu cầu tìm đến sự cộng cảm, vì những vấn đề của tâm sinh lý hay còn vì vấn đề lợi ích kinh tế? Bối cảnh xã hội nào đã tác động làm đa dạng hóa bản chất của các mối quan hệ đó? Và các mối quan hệ này giúp gì cho họ trong cuộc sống? Như vậy, lí do đầu tiên và cũng là quan trọng nhất khiến tôi lựa chọn đề tài này để nghiên cứu là do tính vấn đề của đối tượng nghiên cứu: bản hội trong xã hội chuyển đổi. 1.2 Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian đã được các tác giả trong và ngoài nước dày công nghiên cứu và tiếp cận ở các góc độ khác nhau như văn hóa học, văn học, tâm lý bệnh học, nhân học…Các cách tiếp cận này đem đến những thành tựu to lớn trong nghiên cứu về Đạo Mẫu như: cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự hình thành, phát triển của Đạo Mẫu, các yếu tố về nghi lễ, lễ hội Đạo Mẫu; phân 1 tích sâu sắc các giá trị và phản giá trị của Đạo Mẫu; chức năng của nghi lễ Đạo Mẫu cụ thể là nghi lễ hầu đồng trong việc cân bằng đời sống tâm sinh lý cho những con nhang đệ tử mắc các chứng bệnh tâm lý như nhiễu tâm, trầm nhược..mà khoa học gọi chung là “rối loạn cảm xúc”…Tuy nhiên, hạn chế dễ nhận thấy trong khi tổng quan tư liệu về Đạo Mẫu là các nguồn tài liệu thường chỉ tập trung nghiên cứu về bản thân tín ngưỡng này mà dường như ít quan tâm đến việc nghiên cứu mối quan hệ giữa những con người cùng thực hành tín ngưỡng đó. Đây là một vấn đề cần tìm hiểu của các nhà nghiên cứu. Đề tài: “Bản hội trong Đạo Mẫu: tạo lập vốn xã hội trong bối cảnh chuyển đổi” chính là một cách để nghiên cứu về mối quan hệ này. 1.3 Trong khoảng hai thập niên trở lại đây, vốn xã hội trở thành một đề tài thu hút sự quan tâm của rất nhiều học giả trên thế giới và trong nước. Mặc dù có chậm hơn so với các quốc gia khác trong việc tiếp cận khái niệm và khung lý thuyết này, song tính đến nay, ở Việt Nam đã có khoảng vài chục nghiên cứu về vốn xã hội bao gồm các bài viết đăng trên các tạp chí, sách, báo và luận án. Hầu hết các nghiên cứu đề cập đến vốn xã hội trong phát triển kinh tế, giáo dục và xã hội dân sự, thiếu vắng các công trình nghiên cứu về vốn xã hội trong các tổ chức tôn giáo tín ngưỡng, và việc tạo lập vốn xã hội trong các nhóm xã hội tâm linh này thì có khác gì so với các tổ chức và nhóm xã hội bình thường. Với những lí do trên, tôi chọn “Bản hội trong Đạo Mẫu: tạo lập vốn xã hội trong bối cảnh chuyển đổi” làm đề tài nghiên cứu của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1 Mục đích nghiên cứu Mục đích của luận án là nghiên cứu bản hội và việc tạo lập vốn xã hội của các thành viên bản hội Đạo Mẫu và thông qua nghiên cứu này như một trường hợp để hiểu được ý nghĩa, vai trò của tôn giáo tín ngưỡng đối với đời sống con người trong bối cảnh xã hội chuyển đổi; đồng thời cũng hiểu được sự chuyển mình và những động thái của xã hội Việt Nam đương đại. Với những mục đích nghiên cứu trên, luận án đặt ra hai câu hỏi nghiên cứu chính là: Thứ nhất, bản hội là một cộng đồng tôn giáo như thế nào, có những đặc trưng gì nổi bật? Thứ hai, vì sao bản hội lại là môi trường giúp các thành viên của nó tạo lập vốn xã hội trong bối cảnh xã hội chuyển đổi? Các thành viên bản hội đã tạo lập vốn 2 xã hội như thế nào trong bối cảnh xã hội chuyển đổi và vốn xã hội ấy đem lại lợi ích gì cho họ? Đã có những nghiên cứu chỉ ra các khía cạnh khác nhau của bản hội nhưng khía cạnh những người đến tham gia bản hội đã tạo lập quan hệ như thế nào và từ việc tạo lập quan hệ ấy đã tạo nên vốn xã hội cho họ ra sao thì dường như còn ít các nghiên cứu đề cập đến. Mỗi một cộng đồng với đặc trưng khác nhau sẽ tạo nên cơ sở giúp các thành viên của nó hình thành nên những dạng vốn xã hội khác nhau. Bản hội là một cộng đồng đặc biệt, có nhiều điểm khác so với các cộng đồng khác. Bản thân nó vừa là một cộng đồng tâm linh, vừa là cộng đồng kinh tế, lại vừa là cộng đồng của những người có đời sống tâm sinh lý và giới đặc biệt. Do vậy, vốn xã hội của các thành viên bản hội Đạo Mẫu cũng rất đặc biệt, nó được sinh ra từ nhiều khía cạnh: từ việc họ đến bản hội và tham gia vào các hoạt động nghi lễ, các hoạt động kinh tế. Vốn xã hội cũng nảy sinh từ việc bản thân những người đến bản hội là những người rất đặc biệt (đặc biệt về khía cạnh giới, đặc biệt về bối cảnh xuất thân..), nghề nghiệp của họ cũng rất đa dạng (buôn bán, công chức, quân đội…), trình độ cũng đa dạng…. Tất cả những yếu tố này đã tạo nên cho các thành viên bản hội Đạo Mẫu một nguồn vốn xã hội rất đặc biệt, khác với vốn xã hội của các cá nhân trong các cộng đồng và các tổ chức xã hội khác. Để hiểu được vốn xã hội của các thành viên bản hội thì luận án của tôi tập trung trả lời hai câu hỏi trên. Đối với câu hỏi thứ nhất, luận án sẽ trình bày các vấn đề về sự hình thành, cơ cấu tổ chức, hoạt động và đặc trưng của bản hội. Để trả lời cho câu hỏi thứ hai, đầu tiên tôi sẽ đi vào từng khía cạnh đặc trưng của bản hội như khía cạnh cộng đồng tâm linh đậm màu sắc kinh tế (chương 3), khía cạnh giới và quyền lực giới (chương 4) để đến chương cuối cùng (chương 5) luận án sẽ nhìn lại một cách tổng thể để thấy được rằng bản hội chính là một cộng đồng đặc biệt. Các thành viên khi đến với bản hội không chỉ có cơ hội để xây dựng các mối quan hệ đồng đạo mà còn xây dựng được nhiều mối quan hệ về kinh tế, giới, nghề nghiệp trình độ…Các quan hệ này sẽ đem lại lợi ích đa dạng cho họ. Do đó, bản hội là môi trường tạo cơ sở giúp các thành viên của nó tạo lập vốn xã hội trong bối cảnh chuyển đổi. Và vốn xã hội mà các thành viên bản hội Đạo Mẫu tạo lập có những đặc điểm khác với vốn xã hội được tạo lập từ các thành viên thuộc các cộng đồng khác. Chương cuối cũng phân tích phương thức tạo lập vốn xã hội và lợi ích mà vốn xã hội đem lại cho các thành viên bản hội Đạo Mẫu. 2.2 Nhiệm vụ nghiên cứu Từ mục đích nghiên cứu trên, luận án đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu như sau: 3 Thứ nhất: Minh định khái niệm bản hội, mô tả dân tộc học có phân tích về sự hình thành, cơ cấu tổ chức, hoạt động nghi lễ của bản hội Đạo Mẫu. Thứ hai: Phân tích và lý giải các đặc trưng nổi bật của bản hội Đạo Mẫu làm cơ sở cho việc lý giải vì sao bản hội Đạo Mẫu là môi trường giúp các thành viên của nó tạo lập vốn xã hội. Thứ ba:Phân tích cách thức tạo lập vốn xã hội và những lợi ích mà vốn xã hội đem đến cho các thành viên bản hội về kinh tế, văn hóa – xã hội, văn hóa tín ngưỡng, bản sắc cá nhân… Thứ tư: Nhận diện và phân tích một số vấn đề đặt ra từ việc tạo lập vốn xã hội của các thành viên bản hội Đạo Mẫu như vấn đề mối quan hệ hai chiều giữa xã hội chuyển đổi và việc tạo lập vốn xã hội ; vấn đề chuyển hóa giữa các dạng vốn khác nhau trong quá trình tạo lập vốn xã hội. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Vì nghiên cứu vấn đề tạo lập vốn xã hội nên đối tượng nghiên cứu của luận án là các quan hệ xã hội, cách thức tạo lập vốn xã hội của các thành viên bản hội Đạo Mẫu. Luận án đã chọn mẫu nghiên cứu là một bản hội ở Hà Nội với các thành viên, mối quan hệ giữa các thành viên, bao gồm đồng Thầy, chấp tác, con nhang đệ tử, cung văn, hầu dâng....Cụ thể, luận án nghiên cứu bản hội Phúc Minh từ1, một bản hội ở Hà Nội do đồng Thầy Xuyên đứng đầu. Tuy nhiên, tôi cũng thâm nhập một số bản hội khác ở Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên để có cái nhìn so sánh trong khi nghiên cứu về Phúc Minh từ và giúp cho những kết luận của luận án thêm phần khách quan hơn. Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là một bản hội ở Hà Nội, nghĩa là một bản hội ở đô thị. Do đó, những kết luận của luận án mang tính chất đặc trưng cho bản hội ở đô thị. Hơn nữa, bản hội này được đặt trong bối cảnh xã hội chuyển đổi hiện nay, do đó những kết luận của luận án cũng mang tính chất kết luận về bản hội đương đại. Bản hội ở các thế kỉ trước chắc chắn sẽ có những điểm khác. Tuy nhiên, trong luận án này, tôi chưa có điều kiện để đi sâu hơn trong việc tìm hiểu bản hội ở nông thôn và bản hội ở các thời kỳ trước đây. 3.2 Phạm vi nghiên cứu Để đảm bảo bảo đạo đức nghiên cứu và đảm bảo danh tính, an toàn cho các thông tín viên, tên đồng Thầy, tên bản hội và tên tất cả những người chúng tôi phỏng vấn đã được thay đổi trong luận án. 1 4 Về nội dung: luận án tập trung nghiên cứu về sự hình thành, cơ cấu tổ chức, hoạt động nghi lễ của bản hội, sự cố kết và xung đột của nó; nghiên cứu các đặc trưng cơ bản của bản hội trong cái nhìn so sánh với cộng đồng nói chung và cộng đồng tôn giáo khác nói riêng; nghiên cứu cách thức tạo lập vốn xã hội và những lợi ích mà vốn xã hội đem lại cho các thành viên bản hội; nghiên cứu mối quan hệ giữa bối cảnh xã hội chuyển đổi và vấn đề tạo lập vốn xã hội. Về không gian: Luận án nghiên cứu một bản hội tại Hà Nội với những thành viên của nó. Các thành viên này thường xuyên hành hương, đi lễ xa. Vì vậy, luận án không chỉ nghiên cứu những hoạt động và mối quan hệ của họ diễn ra tại Hà Nội mà ở cả những nơi các thành viên của bản hội tới. Về thời gian: luận án nghiên cứu về bản hội Phúc Minh từ từ khi nó hình thành, tuy nhiên sẽ tập trung hơn vào khoảng chục năm trở lại đây khi mà hiện tượng lên đồng bùng phát, khi những tác động của bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ hơn, những rủi ro, bất trắc không thể lường trước khiến số lượng thành viên tham gia vào bản hội nhiều hơn và tính chất của các mối quan hệ trở nên phức tạp. 4. Phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1 Từ góc độ phương pháp ngành, tôi sử dụng tiếp cận dân tộc học/ nhân học để có cái nhìn sâu hơn về “quan điểm của người trong cuộc”, quan điểm của những thành viên trong cộng đồng tín đồ Đạo Mẫu, bên cạnh đó tôi cũng phối kết hợp với các cách tiếp cận khác để có cái nhìn liên ngành: chẳng hạn, tôi đã sử dụng phương pháp tiếp cận tôn giáo học để nghiên cứu bản hội và những thực hành nghi lễ có chức năng cộng cảm như thế nào đối với các thành viên; tiếp cận tâm lý học tôn giáo để hiểu sâu hơn những tâm tư, tình cảm, niềm tin, sự tương hỗ lẫn nhau cũng như những xung đột giữa các thành viên bản hội; tiếp cận kinh tế học để nghiên cứu sự đầu tư, những phí tổn và lợi ích thu được từ vốn xã hội… 4.2 Ở cấp độ phương pháp tiến hành cụ thể, tôi đã sử dụng hai hệ phương pháp chính: Thứ nhất: tập hợp và nghiên cứu những tài liệu thứ cấp bao gồm những tư liệu, tài liệu, sách báo, tạp chí, các công trình nghiên cứu đã được in ấn, xuất bản và đang được lưu trữ tại các thư viện. Những tư liệu này giúp tôi có một cái nhìn tổng thể về Đạo Mẫu; về bản hội; về vốn xã hội; về xã hội chuyển đổi; về tình hình phát triển, biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng trong bối cảnh chuyển đổi…trên cơ sở đó lên kế hoạch chi tiết cho việc đi khảo sát thực địa, lập ra hệ thống câu hỏi phỏng vấn, lựa chọn đối tượng để phỏng vấn. Có thể nói, nguồn tư liệu thứ cấp này có vai trò không kém phần quan 5 trọng, tôi đã kế thừa và vận dụng những kết quả các công trình của các thế hệ đi trước, từ đó tìm ra những luận điểm mới, cách tiếp cận mới và phát triển nó trong luận án của mình. Thứ hai: quan sát tham dự và phỏng vấn sâu. Đây là những phương pháp quan trọng của ngành dân tộc học/ nhân học. Sử dụng phương pháp này giúp tôi thâm nhập sâu vào bản hội, vào các mối quan hệ giữa các thành viên trong bản hội, hiểu sâu hơn bản chất của nó và tiệm cận đến việc “diễn giải văn hóa như người trong cuộc”, tôn trọng tiếng nói của người trong cuộc. Tuy nhiên, ban đầu tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Thật khó để xác định thành viên của bản hội hiện là bao nhiêu người, ngay cả người đứng đầu bản hội cũng nói với tôi như vậy vì số người ra, vào bản hội thì thường xuyên và rất nhiều. Bản hội lại cũng không giống các cộng đồng xã hội khác là thường xuyên có các cuộc họp, hay các hoạt động đòi hỏi tuyệt đối sự có mặt của tất cả các thành viên, họ lại sống rất xa nhau: người ở Hà Nội, người ở Hưng Yên…Điều này, gây khó khăn cho tôi trong việc tiếp xúc với nhiều thành viên bản hội. Song khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải là thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, bất hợp tác của các thành viên bản hội. Mỗi khi tôi hỏi một câu hỏi nào đó thì họ trốn tránh câu trả lời và khó để có thể mở lòng với tôi, họ viện dẫn tới nhiều nguyên nhân khiến họ không trả lời tôi trong đó nguyên nhân chính là: “Chị nên hỏi thầy Xuyên, thầy biết hết”. Những khó khăn này làm tôi mệt mỏi và nhiều khi muốn bỏ cuộc giữa chừng. Tôi phát hiện ra sai lầm của mình, rằng tần suất xuất hiện thưa thớt cũng như những hành động cử chỉ của tôi chưa đủ để tạo nên sự thân thiết cũng như niềm tin trong họ. Tôi quyết định sẽ phải kiên trì, bình tĩnh, tìm cách để xuất hiện thường xuyên và gặp gỡ càng nhiều người trong bản hội càng tốt. Sự xuất hiện nhiều đó giúp tôi quan sát được nhiều hơn các hoạt động của bản hội, cả những chia sẻ cộng cảm cũng như những mâu thuẫn trong lòng nó và điều đặc biệt hữu hiệu là các thành viên trong bản hội dần quên việc tôi đang hiện diện để nghiên cứu họ và không cảnh giác với tôi nữa. Cụ thể: + Quan sát tham dự: tôi đã tham dự và quan sát một số hoạt động của bản hội trong những ngày sóc vọng hàng tháng ( vào ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng, các con nhang đệ tử đến thắp hương tại bản điện nhà đồng Thầy, điều này là không bắt buộc nhưng các đệ tử cảm thấy trách nhiệm phải đến của mình. Tuy nhiên, họ không đến cùng một lúc mà lẻ tẻ, rải rác cả ngày…); tham gia “sử dụng” và quan sát một số nghi lễ như giải hạn đầu năm, làm lễ đổi tiền âm lấy tiền dương để bán nhà; tham dự và quan sát mối quan hệ của các thành viên trong nghi lễ lên đồng; quan sát tham dự các hoạt động mang tính chất cố định một năm 4 kì của bản 6 hội như lễ Thượng Nguyên, lễ vào hạ, lễ tán hạ, lễ cuối năm…; tham dự và quan sát các cuộc họp đầu năm và cuối năm của bản hội; tham gia và quan sát hoạt động đi lễ xa của bản hội; tham gia và trở thành một trong những người tiêu thụ sản phẩm đa cấp Amway… + Phỏng vấn sâu: về cơ bản có thể hình dung, bản hội Phúc Minh từ là một cộng đồng của những tín đồ Đạo Mẫu trong đó đứng đầu và điều hành bản hội là đồng Thầy Xuyên. Dưới đồng Thầy và giúp việc cho đồng Thầy là các chấp tác (có 6 người), và các đệ tử, các hầu dâng, cung văn. Vì vậy, để hiểu sâu về bản hội và các quan hệ trong bản hội, tôi đã phỏng vấn các đối tượng sau:  Đồng Thầy Xuyên: Phỏng vấn đồng Thầy là để hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của bản hội (vì bản hội được hình thành và phát triển gắn liền với hoạt động phục vụ thánh của đồng Thầy); hiểu về cơ cấu, cách thức vận hành của bản hội; cách đồng Thầy tổ chức lãnh đạo và tổ chức các hoạt động của bản hội; mối quan hệ của đồng Thầy với các thành viên bản hội; việc sử dụng vốn văn hóa và vốn kinh tế để tạo dựng vốn xã hội của đồng Thầy…  Nhóm những người chấp tác : Tôi đã phỏng vấn cả 06 người làm nhiệm vụ chấp tác trong bản hội, bao gồm 02 người đàn ông và 04 người phụ nữ trong độ tuổi từ 23 đến 57.  Nhóm đệ tử: Đệ tử của Phúc Minh từ bao gồm các bà đã quy y theo Phật nhưng có lòng mến mộ Đạo Mẫu, các thanh đồng, các tín chủ, nhang tử, bán tử.... Về các bà đi quy, tôi đã phỏng vấn 04 người ( từ độ tuổi 55 đến 76). Về thanh đồng, tôi đã phỏng vấn 12 người (04 nam và 08 nữ từ độ tuổi 26 đến 52)  Nhóm cung văn và hầu dâng: tôi đã phỏng vấn 06 người. Những người chấp tác, đệ tử, cung văn, hầu dâng là nhóm đối tượng phỏng vấn rất quan trọng. Việc phỏng vấn họ giúp tôi hiểu được nhiều vấn đề: nguyên nhân, mục đích và cách thức họ tham gia vào bản hội; vì sao họ gia nhập vào bản hội này mà lại không phải bản hội khác; cách họ thiết lập và duy trì quan hệ với đồng Thầy và những người trong bản hội; họ đã sử dụng và khai thác các mối quan hệ trong bản hội như thế nào trong thực hành nghi lễ cũng như trong cuộc sống đời thường…  Ngoài ra, tôi còn phỏng vấn các đồng Thầy và các thanh đồng của các bản hội khác biết đồng Thầy Xuyên và bản hội Phúc Minh từ để có nguồn tư liệu so 7 sánh, để biết thêm những cảm nhận khác về đồng Thầy Xuyên và bản hội Phúc Minh từ… Tất nhiên, để đảm bảo đạo đức nghiên cứu và để đảm bảo danh tính, an toàn cho các “thông tín viên”, tên của bản hội và những người chúng tôi phỏng vấn đã được thay đổi trong luận án. Để hỗ trợ cho các phương pháp trên, tôi còn sử dụng phương pháp điều tra bằng bẳng hỏi. Cụ thể, trong buổi lễ đầu năm tại điện nhà đồng Thầy với sự hiện diện đông đảo các thành viên bản hội, tôi đã phát bảng hỏi cho 81 người hiện có mặt để khảo sát các thông tin liên quan đến việc gia nhập bản hội, các mối quan hệ của họ trong bản hội và những lợi ích mà họ nhận được khi là thành viên của bản hội . Đối với những tư liệu thu được từ phỏng vấn sâu và quan sát tham dự, tôi đã chuyển thể thành Nhật kí thực địa và biên bản phỏng vấn sâu qua việc gỡ băng. Đó là những tư liệu định tính có giá trị thực được dùng để trích dẫn trong luận án. Đối với bảng hỏi, tôi đã chuyển thành số liệu định lượng và được dùng hỗ trợ cho các tư liệu định tính khi chứng minh một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, với một đề tài quan tâm nhiều đến thái độ, tình cảm, suy nghĩ, quan niệm …của chủ thể văn hóa về quan hệ xã hội và vốn xã hội của họ thì luận án này coi trọng hơn các phương pháp nghiên cứu định tính. Những số liệu định lượng được dẫn dụ trong luận án mang tính chất tham khảo và bổ sung cho các phương pháp định tính. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án + Đây là luận án đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu và hệ thống về bản hội Đạo Mẫu trong bối cảnh xã hội chuyển đổi. Cung cấp một cái nhìn tổng quan về cộng đồng tín đồ Đạo Mẫu trên các phương diện từ sự ra đời, cơ cấu tổ chức, hoạt động nghi lễ, đặc trưng, các quan hệ xã hội và việc tạo lập vốn xã hội giữa các thành viên… + Luận án bổ sung thêm một cách tiếp cận về Đạo Mẫu đó là cách tiếp cận từ cộng đồng tín đồ của tín ngưỡng này bên cạnh cách tiếp cận quen thuộc từ trước đến nay ta vẫn thường thấy là tập trung nghiên cứu bản thân tín ngưỡng này với nghi lễ, lễ hội và giá trị… + Trong bối cảnh phần lớn những nghiên cứu về vốn xã hội ở Việt Nam được tiếp cận từ góc độ kinh tế học, chính trị- xã hội thì luận án góp thêm một cách tiếp cận vốn xã hội từ góc nhìn văn hóa. Luận án cũng phản ánh mối quan hệ và chuyển hóa lẫn nhau giữa các loại vốn: vốn xã hội, vốn kinh tế và vốn văn hóa. 6.Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1 Ý nghĩa lý luận của luận án 8 + Luận án góp phần vào nhận diện một cách khá toàn diện về bản hội Đạo Mẫu trong bối cảnh xã hội chuyển đổi từ các khía cạnh tâm linh, kinh tế, giới và quyền lực giới. Đặc biệt là luận án góp phần nhận diện đặc điểm vốn xã hội của các thành viên bản hội Đạo Mẫu, cách thức tạo lập và lợi ích của vốn xã hội đối với đời sống của họ. + Với những kết quả nghiên cứu, luận án góp phần khẳng định một vấn đề có ý nghĩa lý luận: trong bối cảnh chuyển đổi, Đạo Mẫu nói riêng và tôn giáo tín ngưỡng nói chung đang có sự phục hồi, phát triển và tiếp tục khẳng định vai trò của nó trong đời sống của cá nhân và cộng đồng. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn của luận án + Luận án góp thêm luận cứ về tầm quan trọng của vốn xã hội và việc tạo lập vốn xã hội cho sự phát triển của con người trong bối cảnh xã hội chuyển đổi, điều đó có ý nghĩa thực tiễn không chỉ đối với cá nhân mà đối với cả các cộng đồng, tổ chức trong việc đưa ra chiến lược phát triển của mình. + Kết quả của luận án có thể dùng làm tài liệu cho các nhà nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo và vốn xã hội. + Kết quả của luận án cũng có thể gợi mở cho các nhà quản lí tôn giáo tín ngưỡng trong việc quản lí hoạt động của bản hội Đạo Mẫu nói riêng và hoạt động tâm linh nói chung. 7. Cơ cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án được kết cấu thành 5 chương sau đây: Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu và cơ sở lý luận Chương 2: Bản hội Đạo Mẫu: một cộng đồng tôn giáo Chương 3: Bản hội Đạo Mẫu: môi trường tâm linh đậm màu sắc kinh tế Chương 4: Bản hội Đạo Mẫu: môi trường tâm linh trao quyền lực và thể hiện quyền lực của “những kẻ bị loại trừ” Chương 5: Tạo lập vốn xã hội của các thành viên bản hội Đạo Mẫu : nhận diện đặc điểm, phương thức, lợi ích và những vấn đề đặt ra. 9 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN 1.1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu 1.1.1. Những nghiên cứu về Đạo Mẫu Có thể chia lịch sử phát triển của những nghiên cứu về Đạo Mẫu thành hai giai đoạn: trước và sau năm 1986. Trước năm 1986, những nghiên cứu về Đạo Mẫu và các khía cạnh của nó còn rất thưa thớt, chủ yếu là những tác phẩm mang tính chất sưu tầm, ghi chép về thần tích và truyền thuyết các nữ thần và các Thánh Mẫu. Có một số công trình nghiên cứu về Đạo Mẫu trong giai đoạn này nhưng không phải của các tác giả người Việt Nam mà lại là người Pháp như Technique et panthéon dé Médiem Vietnamiens (Kỹ thuật lên đồng ở Việt Nam) (M.Durand 1959)[148], “Hau dong, un culte vietnamien de possession trangsplanté en France” (Hầu đồng, một tín ngưỡng của người Việt di cư sang Pháp) (P.J Simson 1973). Cả hai công trình này đều tiếp cận Đạo Mẫu từ tục lên đồng. Từ năm 1986 , từ khi Đổi mới, sự cởi mở trong chính sách của Đảng và Nhà nước làm cho đời sống tôn giáo tín ngưỡng có nhiều khởi sắc. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu về Đạo Mẫu Việt Nam cũng có nhiều nét mới hơn và trở nên sôi động gắn liền trước hết với những tâm huyết của các nhà nghiên cứu của Viện văn hóa dân gian. Số lượng các nghiên cứu và các hội thảo về Đạo Mẫu ngày càng nhiều hơn, đồng thời Đạo Mẫu cũng được sự quan tâm chú ý hơn của nhiều học giả nước ngoài. Qua tổng quan tài liệu về Đạo Mẫu mà chúng tôi có được, có thể thấy, Đạo Mẫu đã được tiếp cận từ các góc độ tiêu biểu dưới đây: Những ghi chép, sáng tác từ góc độ văn học Những tác phẩm đầu tiên có vai trò đặt nền móng cho những nghiên cứu về Đạo Mẫu sau này chính là các văn bản ghi chép về các nữ thần, Thánh Mẫu từ góc độ văn học như các ghi chép các thần tích, huyền thoại, truyện kể dân gian…Có thể kể đến những ghi chép về Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong các sách như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên [134], Sự thờ cúng các vị thần tiên ở Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên [54], Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi [14], Các nữ thần Việt Nam của Đỗ Thị Hảo, Mai Ngọc Chúc [37]… Cùng với việc sưu tầm, không ít tác giả mà trong các trường hợp này là các trí thức Nho học thời phong kiến (thế kỉ X đến đầu thế kỉ XX) tiến hành ghi chép lại, sáng tác thêm những huyền thoại, truyền thuyết đã được sưu tầm ghi chép từ trước… . Việc sưu tầm, ghi chép và sáng tác thêm các huyền thoại, truyền thuyết Thánh mẫu Liễu 10 Hạnh là một điển hình, trong đó Vân cát thần nữ in trong tập sách Truyền kỳ tân phả của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705- 1748) [30] là được coi là sớm nhất. Một xu hướng khác trong việc truyền bá lai lịch của các nữ thần đó là phóng tác tiểu thuyết hóa. Đó là trường hợp Thánh Mẫu Liễu Hạnh với hai cuốn tiểu thuyết Bà Chúa Liễu của Hoàng Tuấn Phổ [90] và Liễu Hạnh công chúa của Vũ Ngọc Khánh [60]. Thực ra, các sưu tầm, ghi chép và sáng tác thêm trên chưa phải là những công trình nghiên cứu, tuy nhiên nó vẫn có giá trị to lớn. Đây chính là nguồn tư liệu quan trọng để các nhà nghiên cứu về Đạo Mẫu sau này tiếp thu và có cơ sở để phân tích nhiều chiều cạnh của Đạo Mẫu. Những nghiên cứu từ góc độ văn hóa học Từ góc độ văn hóa học, các tác giả trong và ngoài nước đã nghiên cứu các khía cạnh văn hóa khác nhau của Đạo Mẫu. Có thể kể đến những nghiên cứu quan trọng được tiếp cận từ góc độ này như: Tiếp cận tín ngưỡng dân dã (Nguyễn Minh San 1998) [97], Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam (Nguyễn Hữu Thông 2001) [114], Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng (Ngô Đức Thịnh 2001) [111], Đạo Mẫu ở Việt Nam (Ngô Đức Thịnh 2002) [110], Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và Châu Á (Ngô Đức Thịnh chủ biên 2004) [108], Văn hóa Thánh Mẫu (Đặng Văn Lung 2004) [72]…. Đây là những công trình nghiên cứu tổng quan về Đạo Mẫu. Bên cạnh đó, còn có những công trình nghiên cứu chuyên sâu vào những yếu tố riêng lẻ của Đạo Mẫu như điện thờ, nghi lễ, âm nhạc, lễ vật thờ cúng…như:, Quanh tín ngưỡng dân giã Mẫu Liễu và điện thờ (Trần Lâm Biền 1990) [12], Hát văn (Ngô Đức Thịnh 1992) [107], Lên đồng – hành trình của thần linh và thân phận (Ngô Đức Thịnh 2010) [112], Đồ mã trong điện thờ Mẫu (Trương Minh Hằng, Giang Ánh Nguyệt 2013) [38], Lên đồng và hành trình nhận dạng di sản (Lê Thị Minh Lý 2013) [75]… Cũng từ góc độ văn hóa học, các tác giả còn nghiên cứu mối quan hệ qua lại giữa Đạo Mẫu với các hình thức tôn giáo tín ngưỡng khác ở Việt Nam hoặc so sánh việc thờ Mẫu ở Việt Nam với hiện tượng thờ nữ thần ở các nước trên thế giới. Có thể nói, những nghiên cứu từ góc độ văn hóa học chiếm một số lượng nhiều nhất trong các nghiên cứu về Đạo Mẫu. Những nghiên cứu này đã đem lại những thành tựu to lớn trong nghiên cứu về Đạo Mẫu như: - Phân tích các khía cạnh khác nhau của Đạo Mẫu: khái niệm, nghi lễ, lễ hội, điện thần, cơ sở thờ tự, lễ vật, … - Phân tích các giá trị của Đạo Mẫu 11 - Coi Đạo Mẫu như một di sản văn hóa với nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đạo Mẫu thể hiện bản sắc dân tộc. - Sự độc đáo trong thờ Mẫu ở miền Bắc, Trung và Nam - Sự hỗn dung giữa Đạo Mẫu với các tôn giáo tín ngưỡng khác đặc biệt là với Phật giáo, Đạo giáo, thờ cúng tổ tiên… Những nghiên cứu từ góc độ tâm lý bệnh học, y học Từ góc độ tâm lý bệnh học, y học nhiều tác giả khác như Nguyễn Kim Hiền [40], Trần Mạnh Cường [21], Nguyễn Thị Hiền [43]…tranh luận rằng Đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng của nó chính là một “phương thuốc” có tác dụng trị liệu tâm sinh lý. Nhưng trước đó, vấn đề này đã được một tác giả khác là Nguyễn Khắc Khảm nhấn mạnh trong nghiên cứu “Vietnamese Mediums and their performances”[146] của mình. Từ phương diện y học, Trần Mạnh Cường (1999) trong luận văn thạc sỹ y học chuyên ngành tâm thần học “Nhận xét đặc điểm biến đổi ý thức của trạng thái lên đồng ở các lễ hội vùng Nam Định” cho rằng: lên đồng lễ hội vùng Nam Định là một trạng thái biến đổi ý thức do nhân tố ám thị và tự ám thị gây ra. Nhân tố ám thị mạnh nhất và sâu sắc nhất là lòng tin truyền thống của người hầu đồng cũng như gia đình và những người xung quanh vào sự tồn tại của thần linh và khả năng tiếp xúc giữa người trần với thần linh qua thân thể của người hầu đồng. Trần Mạnh Cường đi đến kết luận: lên đồng không phải là một trạng thái bệnh lý mà là một trạng thái tâm lý đặc biệt, chứa đựng một tiềm năng trị liệu [21; tr41]. Từ việc phân tích cơ chế trị liệu, đặc điểm trị liệu trong lên đồng, tác động của âm nhạc và biểu tượng trong trị liệu, Nguyễn Kim Hiền (2004) trong “Lên đồng ở Việt Nam một sinh hoạt văn hóa tâm linh mang tính trị liệu ” đã kết luận: Tục lên đồng tham gia vào việc điều chỉnh những bất ổn tinh thần của một số người theo cách riêng của mình, tái hòa nhập những người có độ rối nhiễu cao vào các sinh hoạt tập thể mang tính tín ngưỡng tôn giáo nhằm mang lại ý nghĩa cơ bản cho cuộc sống của họ. Nhìn chung, hiệu quả trị liệu nổi bật của lên đồng có thể nói là dựa trên sự kết hợp gắn bó của các phương tiện trị liệu mang tính tâm thể với các phương tiện trị liệu mang tính tâm lý xã hội làm nên tác dụng trị liệu tổng hợp của hiện tượng lên đồng. Lên đồng không phải là một trị liệu hướng đến sự hoàn thiện tuyệt đối, nhưng có thể nói đó là một cách nhận thức lại về một tọa độ lịch sử- xã hội và văn hóa của một cá nhân và cộng đồng và nhờ đó mà cá nhân đó, thông qua những biểu tượng tâm linh, có điều kiện xác định được vai trò xã hội của mình, làm 12 thức tỉnh và cảm nghiệm thấy ở mình một năng lực sống mới, mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn trước trong một cộng đồng ít nhiều sự chia sẻ những cảnh ngộ với mình [40; tr374-375]. Nguyễn Thị Hiền (2010) lại nhìn nhận nghi lễ lên đồng trong Đạo Mẫu là một trong những biện pháp để chữa trị “bệnh âm” một thứ bệnh mà người ta phải đặt nó vào trong bối cảnh văn hóa, tôn giáo mới có hiểu được. Trong bài viết “Bệnh âm: chẩn đoán và chữa bệnh trong lên đồng của người Việt” tác giả cho rằng bệnh âm là “những bệnh về đường âm, tức là có nguyên nhân do thế giới bên kia, vô hình, siêu nhiên. Bác sĩ là người chuẩn đoán bệnh dương và cho thuốc Đông hoặc Tây y trị bệnh, còn bệnh âm là do những Thầy cúng, thầy bói, ông đồng bà đồng xem quẻ, bói, xem số đoán bệnh và làm lễ, cúng bái, kêu thần thánh thương, cứu giúp” [43; tr39]. Bài viết đã lý giải những yếu tố văn hóa của bệnh tật và chữa bệnh trong nghi lễ lên đồng. Như vậy, có thể thấy, từ góc độ tâm lý bệnh học, y học, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một trong những tác dụng của nghi lễ hầu đồng đối với những đệ tử Đạo Mẫu là tác dụng trị liệu và chữa bệnh (những bệnh âm và những bệnh về rối loạn tâm sinh lý). Những nghiên cứu từ góc độ giới Gần đây, Đạo Mẫu cũng được các tác giả nghiên cứu từ góc độ giới. Có thể kể tới những bài viết và công trình tiêu biểu như: Khát vọng của người phụ nữ Việt Nam qua truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh của Phạm Quỳnh Phương [93], Đạo Mẫu và vấn đề trao quyền lực và cách thức sử dụng quyền lực của người phụ nữ Việt Nam của Vũ Thị Tú Anh [6], Đạo Mẫu và bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay của Đỗ Thị Lan Phương [92], Đạo Mẫu- thân phận người phụ nữ Việt nam cổ truyền trong Đạo Mẫu Việt Nam của Ngô Đức Thịnh [110], Spirit worship and sexuality in Viet Nam của Nguyễn Kim Hoa [142]. Từ việc nhìn nhận Đạo Mẫu qua góc nhìn giới, các tác giả đi đến những nhận xét, “Đạo Mẫu trước nhất gắn với đời sống tâm linh của người phụ nữ, nó thuộc phạm trù nữ giới…..Đạo Mẫu và lên đồng được nhìn nhận như là hệ thống văn hóa gắn liền với giới tính nữ” [110; tr385]. Ở một góc nhìn khác, tác giả Vũ Thị Tú Anh (2013) cho rằng Đạo Mẫu đã biểu tượng hóa quyền lực đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam trong thực tại như nó vốn có từ trong truyền thống đến thế kỉ XVI; Đạo Mẫu đã trao quyền lực và cách thức sử dụng quyền lực cho người phụ nữ, một thứ quyền lực mới, quyền lực tinh thần mà tác giả gọi là quyền lực mềm [6; tr702]. Không chỉ vậy, ở khía cạnh quyền con người, Đạo Mẫu đã cho thấy những tác động nhất định của nó đối với cuộc đấu tranh cho nữ quyền hay sự bình đẳng giới ở Việt Nam. Sự ra đời của hình thức thờ Mẫu Liễu là sự mở đầu 13
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất