Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ HÌNH TƯỢNG CAO MẬT TRONG TIỂU THUYẾT MẠC NGÔN...

Tài liệu HÌNH TƯỢNG CAO MẬT TRONG TIỂU THUYẾT MẠC NGÔN

.PDF
115
462
61

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Cao Thị Giang Hương HÌNH TƯỢNG CAO MẬT TRONG TIỂU THUYẾT MẠC NGÔN LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh – 2013 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Cao Thị Giang Hương HÌNH TƯỢNG CAO MẬT TRONG TIỂU THUYẾT MẠC NGÔN Chuyên ngành : Văn học nước ngoài Mã số : 60 22 02 45 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. ĐINH PHAN CẨM VÂN Thành phố Hồ Chí Minh – 2013 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan, đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nghiên cứu nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng công bố trong bất kì công trình nào khác. Tác giả Cao Thị Giang Hương 1 LỜI CẢM ƠN Tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến Cô Đinh Phan Cẩm Vân, người đã trực tiếp hướng dẫn và hết lòng giúp đỡ tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn. Xin bày tỏ lòng biết ơn đến phòng Khoa học Công nghệ – sau đại học trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Đại học Sư phạm, khoa Ngữ văn, trường THPT Hoàng Hoa Thám, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã tạo mọi điều kiện, giúp đỡ, động viên tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn. Chắc chắn, luận văn không tránh khỏi thiếu sót, chúng tôi kính mong nhận được sự góp ý của quý thầy cô và các bạn. TP. Hồ Chí Minh, tháng 9/2013 Cao Thị Giang Hương 2 MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN..................................................................................................................1 LỜI CẢM ƠN ........................................................................................................................2 MỤC LỤC ..............................................................................................................................3 DẪN NHẬP ............................................................................................................................5 1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................................ 5 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................................. 6 3. Đối tượng nghiên cứu .................................................................................................. 10 4. Phạm vi nghiên cứu...................................................................................................... 10 5. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................................ 10 6. Đóng góp của luận văn ................................................................................................ 11 7. Cấu trúc của luận văn.................................................................................................. 12 CHƯƠNG 1: VỊ TRÍ CỦA CAO MẬT TRÊN HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT CỦA MẠC NGÔN ..............................................................................................13 1.1. Mạc Ngôn – gương mặt tiêu biểu của văn xuôi đương đại Trung Quốc ............. 13 1.1.1. Cuộc đời ...............................................................................................................13 1.1.2. Sự nghiệp văn chương .........................................................................................15 1.2. Quan niệm nghệ thuật của Mạc Ngôn..................................................................... 17 1.3. Cao Mật trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của Mạc Ngôn .............................. 19 1.3.1. Vị trí lịch sử, địa lý ..............................................................................................19 1.3.2. Vị trí văn học .......................................................................................................20 CHƯƠNG 2: BỨC TRANH THIÊN NHIÊN VÀ VĂN HÓA CAO MẬT TRONG SÁNG TÁC CỦA MẠC NGÔN .......................................................................................25 2.1. Bức tranh thiên nhiên Cao Mật ............................................................................... 25 2.1.1. Hình tượng cao lương ..........................................................................................27 2.1.2. Hình tượng ngọc trai ............................................................................................33 2.2. Bức tranh văn hóa Cao Mật ..................................................................................... 38 2.2.1. Phong tục, tập quán và tín ngưỡng dân gian .......................................................39 2.2.2. Không gian lễ hội ................................................................................................44 2.2.3. Nghệ thuật dân gian .............................................................................................49 CHƯƠNG 3: HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI CAO MẬT TRONG SÁNG TÁC CỦA MẠC NGÔN ..............................................................................................................57 3.1. Con người bản năng .................................................................................................. 57 3.1.1. Bản năng sinh tồn ................................................................................................58 3 3.1.2. Bản năng tính dục ................................................................................................61 3.1.3. Bản năng làm mẹ .................................................................................................65 3.2. Con người bi kịch ...................................................................................................... 67 3.2.1. Bi kịch con người thế hệ cũ .................................................................................68 3.2.2. Bi kịch con người thế hệ mới ..............................................................................70 3.3. Con người anh hùng ................................................................................................. 74 3.3.1. Tập thể anh hùng .................................................................................................75 3.3.2. Cá nhân anh hùng ................................................................................................78 KẾT LUẬN ..........................................................................................................................86 TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................................89 PHỤ LỤC .............................................................................................................................97 4 DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài Từ những năm 80 của thế kỷ XX, nền văn học Trung Quốc đã có một diện mạo mới với những bước đột phá, cách tân về thi pháp. Hiện nay, làn sóng văn học Trung Quốc đang là một trong những hiện tượng đáng chú ý nhất trên thị trường sách văn học ở Việt Nam. Việt Nam đã dịch rất nhiều tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc, nhất là các tác phẩm đoạt giải thưởng văn học và được dư luận chú ý. Các tác phẩm đưa đến cho độc giả Việt Nam một cái nhìn toàn diện về diện mạo mới của văn học đương đại Trung Quốc thời kỳ cải cách, mở cửa. Trên văn đàn Trung Quốc đương đại, Mạc Ngôn được đánh giá là “có bút lực nhất hiện nay”, là nhà văn có nhiều tác phẩm được dịch và được dư luận Việt Nam chú ý nhiều nhất. Năm 2012, ông đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học cho những cống hiến không mệt mỏi trong sự nghiệp sáng tác của mình. Mạc Ngôn đạt thành công ở nhiều thể loại nhưng về cơ bản, tiểu thuyết mới chính là thể loại thành công nhất của ông. Cái làm nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết Mạc Ngôn chính là lối hành văn ngắn gọn, súc tích, nhịp điệu dồn dập mang tính hiện đại, có sự kết hợp giữa hiện thực và huyền thoại, tính nhiều tầng, đa nghĩa... Song đặc điểm cơ bản trong các sáng tác của Mạc Ngôn chính là cái nhìn nghệ thuật - lịch sử tỉnh táo và sắc sảo của nhà văn. Một trong những hình tượng làm nên điểm nhìn sắc sảo ấy chính là hình tượng Cao Mật – quê hương của tác giả và cũng là bối cảnh trong các tiểu thuyết sống động của ông. Mạc Ngôn khao khát xây dựng làng Đông Bắc Cao Mật của mình trở thành một “vương quốc văn học” và ông chính là vua của vương quốc ấy. Có thể nói, cho đến nay ông đã làm được điều mình mong ước: “cái làng Đông Bắc Cao Mật nhỏ bé kia thành một hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc, thậm chí là của cả thế giới”. Từ đây, Cao Mật không còn là khái niệm địa lý thông thường nữa mà đã trở thành một khái niệm văn học. 5 Với những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài Hình tượng Cao Mật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn để có cái nhìn sâu sắc hơn về thiên nhiên, con người và văn hóa Cao Mật trong sáng tác của ông. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2.1. Tình hình nghiên cứu tại Việt Nam Tại Việt Nam, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Mạc Ngôn và tác phẩm của ông, tuy nhiên, việc nghiên cứu hình tượng Cao Mật ở nước ta mới chỉ được nghiên cứu ở một số công trình đơn lẻ và dừng lại ở việc nhận định không gian làng Đông Bắc Cao Mật là một chủ đề lớn trong tiểu thuyết Mạc Ngôn. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi tổng hợp được những tài liệu và những nhận định sau: (1) Tác giả Nguyễn Khắc Phê với bài viết “Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết của Mạc Ngôn qua hai tiểu thuyết Báu vật của đời và Đàn Hương hình” (Tạp chí Sông Hương số 166, năm 2002), đã nhận định: cả hai tác phẩm chỉ “quanh quẩn” ở vùng quê Cao Mật hẻo lánh vốn chẳng mấy ai biết đến nhưng nhờ Mạc Ngôn mà trở nên nổi tiếng. Tác giả cho rằng, để làm nên điều đó, là nhờ phép lạ hóa và huyền thoại hóa hiện thực. Đây cũng chính là thế giới nghệ thuật của Mạc Ngôn. (2) PGS. TS Hồ Sĩ Hiệp trong tiểu luận Một số vấn đề văn học Trung Quốc đương đại (Nxb Tổng hợp Đồng Nai, năm 2007) với bài viết “Tiểu thuyết của Mạc Ngôn với độc giả Việt Nam” in trên báo Văn nghệ năm 2004 đã khẳng định: tiểu thuyết của Mạc Ngôn có hai mảng đề tài chính, đó là kí ức về cuộc sống gian khổ từng nếm trải ở Cao Mật và cuộc sống kì lạ của tiền nhân gia tộc ở quê hương. (3) Giáo sư Lê Huy Tiêu với bài nghiên cứu “Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết của Mạc Ngôn” in trong cuốn Cảm nhận mới về văn hoá văn học Trung Quốc (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2005) đã khái quát gần như đầy đủ những đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn từ hình ảnh, cảm giác, giọng điệu, nghệ thuật tự sự, ngôn ngữ, bản sắc dân gian… Đặc biệt, Giáo sư nhấn mạnh thế giới nhân vật trong tác phẩm của Mạc Ngôn chủ yếu là ba thế hệ nhân vật “tiêu biểu cho tinh thần cần cù dũng cảm của quê hương Cao Mật, nói rộng ra là tượng trưng cho truyền 6 thống của dân tộc Trung Hoa. Họ là hóa thân của nhân sinh tự tại, sinh mệnh tự do…”. (4) Tác giả Phan Thị Thanh Tâm trong Luận văn Thạc sĩ Tiểu thuyết Mạc Ngôn dưới góc nhìn văn hóa (Đại học Sư phạm Huế, năm 2011) đã làm sáng rõ những xung đột giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa Đông - Tây trong tiểu thuyết Mạc Ngôn. Ở luận văn này, tác giả đã phân tích tiểu thuyết dưới góc độ văn hóa nói chung. (5) Tác giả Võ Nguyễn Bích Duyên trong Luận văn Thạc sĩ Cái kì trong tiểu thuyết Mạc Ngôn (Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, năm 2011) đã tập trung vào những hình tượng nghệ thuật đậm chất kì như: kì nhân, kì cảnh, kì tài, đã nêu được một vài khía cạnh về con người và vùng đất mang tính “kì” trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn. (6) Tác giả Trần Văn Tuân trong Luận văn Thạc sĩ Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình của (Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, năm 2012) đã chỉ ra những đặc sắc của dấu ấn văn hóa dân gian với làn điệu Miêu Xoang và nghệ thuật hành hình man rợ trong tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn trên cơ sở mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và văn học viết. (7) TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy trong bài viết Nobel văn chương 2012: Mạc Ngôn người vinh danh làng quê Cao Mật bằng bút pháp hậu hiện đại kiểu Trung Quốc đăng trên tạp chí Sông Hương ngày 16/11/2012 đã khái quát được vị trí của làng quê Cao Mật trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn. Tác giả khẳng định rằng: “nhà văn này đã đưa tất cả những gì mình từng biết, từng thấy, từng tưởng tượng ra đặt vào vùng đất Cao Mật, biến nó thành “nơi đẹp đẽ nhất, xấu xa nhất, siêu thoát nhất, thế tục nhất”; thành miền đất thánh trong sáng tác của mình…”, tác giả còn cho rằng: Cao Mật là một, là duy nhất nhưng cũng là tất cả. Nó vừa là của riêng Mạc Ngôn nhưng cũng là của Trung Quốc và cũng là cả nhân loại. (8) TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy ở chuyên luận Tự sự kiểu Mạc Ngôn (Nxb Văn học, năm 2013) đã nghiên cứu một cách toàn diện về nghệ thuật tiểu thuyết Mạc Ngôn. Trong chuyên luận, TS đã phân tích, so sánh và kiến giải nghệ thuật tự sự của Mạc Ngôn trong tiểu thuyết bằng chính đặc trưng sáng tác, tư duy thẩm mỹ của loại hình 7 tự sự truyền thống của Trung Quốc kết hợp với hậu hiện đại của phương Tây. Trong công trình này, tác giả cũng đã có đề cập đến hình tượng con người Cao Mật thông qua các chủ thể điểm nhìn dân đen và ngôn ngữ mang tính thô tục… TS khẳng định “Mạc Ngôn đã xác lập được phong cách “tự sự kiểu Mạc Ngôn” mà ông cho là không giống một ai, kể cả ở phương Tây lẫn Trung Quốc. Đó là phong cách có được từ sự kết hợp giữa đặc trưng tự sự “cực hạn” và đặc trưng hậu hiện đại của văn học Trung Quốc… Và Mạc Ngôn đã đưa Cao Mật – quê hương Cao lương đỏ - của mình ra thế giới bằng bút pháp đặc thù và phong cách riêng có ấy”. 2.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài Trên các trang web tiếng Anh và tiếng Hoa cũng có nhiều bài viết đề cập đến Mạc Ngôn và tiểu thuyết của ông. Những bài viết này mang tính chất giới thiệu khái quát về con người, sự nghiệp cũng như một số tác phẩm của Mạc Ngôn đã được xuất bản ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, đã có một vài công trình nghiên cứu đề cập đến vị trí của Cao Mật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn. (1) Zicheng Hong trong công trình A History of Contemporary Chinese Literature (http://books.google.com.vn, năm 2007) cung cấp một cái nhìn tổng quan toàn diện và phân tích bối cảnh văn học Trung Quốc trong giai đoạn 1949-1999, cho rằng: các tiểu thuyết của Mạc Ngôn có phong cách đa dạng về nhận thức. Trong miêu tả của ông luôn tạo ra một thế giới cảm giác phức tạp đối với người đọc. Tác giả khẳng định cách viết của Mạc Ngôn là dựa trên kinh nghiệm sâu sắc liên quan đến một khát khao, một sức sống man rợ nguyên thủy. (2) Tác giả Michael Sollars và Arbolina Llamas Jennings trong công trình The Facts on File Companion to the World Novel: 1900 to the Present (http://books.google.com.vn, năm 2008) đã tập hợp tiểu thuyết của các nhà văn trên thế giới từ năm 1900 đến hiện tại. Trong công trình này có sự xuất hiện của Mạc Ngôn từ trang 532 - 534. Hai tác giả đã nhận định: Mạc Ngôn thường dùng bối cảnh nông thôn Trung Quốc như là bối cảnh kể chuyện và phương tiện văn chương sơ khai để nghiên cứu về xã hội và lịch sử Trung Quốc hiện đại. (3) Tác giả Robert Con Davis-Undiano trong bài viết A Westerner’s Reflection on Mo Yan (http://www.worldliteraturetoday.org, năm 2012) đã nhận định: Mạc 8 Ngôn luôn trích dẫn văn hóa dân gian và truyền thống kể chuyện Trung Quốc. Đây là nguồn mà ông chịu ảnh hưởng sâu sắc. Tác giả còn khẳng định: trong con mắt người phương Tây, Mạc Ngôn là một nhà văn hậu hiện đại nhưng thể hiện bằng bút pháp kể chuyện truyền miệng và cổ điển của Trung Hoa. (4) Tác giả Dương Thủ Sâm trong loạt bài viết Văn hóa Cao Mật và tiểu thuyết Mạc Ngôn (高密文化与莫言小说) (http://vip.book.sina.com.cn, năm 2012) đã đi từ những phẩm chất văn hóa của vùng quê Cao Mật để nêu bật những màu sắc huyền bí, hấp dẫn trong tiểu thuyết Mạc Ngôn. Ông cho rằng: thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn đã thuộc về “vương quốc văn học” có tính ý nghĩa thế giới. Nhà nghiên cứu cũng khẳng định: “Mạc Ngôn tuy là dựa trên Cao Mật, nhưng ông không hề hạn chế với không gian địa lí Cao Mật; ông tuy là nắm giữ với vùng đất cố hương, nhưng ông không hề có câu nệ (giới hạn) ý thức nông dân khép kín, mà là vì quan điểm văn hóa mang tính hiện đại”. (5) Cũng tác giả Dương Thủ Sâm, trong bài viết Mối gắn kết tình cảm với cố nguyên (故园情结) đã nêu một cách khái quát về tình cảm gắn bó của Mạc Ngôn với quê hương Đông Bắc của mình để hình thành nên một nhà văn lớn trên văn đàn Trung Quốc. (6) Tác giả Quản Mô Hiền trong bài viết Mạc Ngôn và loạt tiểu thuyết quê hương Đông Bắc Cao Mật (高密东北乡系列) chỉ đưa ra tiểu sử của Mạc Ngôn và nêu khái quát những nhân vật trong tác phẩm có nét tương đồng với những con người trong gia đình Mạc Ngôn. Như vậy, cho đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về tiểu thuyết Mạc Ngôn và ít nhiều đã đề cập đến Cao Mật qua một số khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào đề cập đến Cao Mật như một hình tượng nghệ thuật hay nói cách khác, hình tượng Cao Mật chưa được đặt thành một vấn đề nghiên cứu hệ thống, chuyên biệt cũng như tìm hiểu mối quan hệ, cội nguồn phát khởi của hình tượng này với văn hóa dân gian... 9 3. Đối tượng nghiên cứu Để thực hiện mục tiêu khoa học của đề tài, luận văn chúng tôi tập trung nghiên cứu hình tượng Cao Mật trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn ở phương diện thiên nhiên, văn hóa và con người Cao Mật. Qua đó, xác định được vị trí; vai trò của hình tượng này trong tiểu thuyết của ông. 4. Phạm vi nghiên cứu Lấy hình tượng Cao Mật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn làm đối tượng nghiên cứu, luận văn tập trung khảo sát các cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của Mạc Ngôn đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam như: 1. Cao lương đỏ (2000), Lê Huy Tiêu dịch, Nxb Phụ nữ. 2. Báu vật của đời (2001), Trần Đình Hiến dịch, Nxb Văn nghệ. 3. Đàn hương hình (2002), Trần Đình Hiến dịch, Nxb Phụ nữ. 4. Rừng xanh lá đỏ (2003), Trần Đình Hiến dịch, Nxb Văn học. 5. Tứ thập nhất pháo (2007), Trần Trung Hỷ dịch, Nxb Văn nghệ. 6. Ếch (2010), Nguyên Trần dịch, Nxb Văn học. 5. Phương pháp nghiên cứu Để tìm hiểu hình tượng Cao Mật trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau: 5.1. Phương pháp tiểu sử Phương pháp tiểu sử là phương pháp tìm hiểu và nghiên cứu tiểu sử nhà văn để lý giải tác phẩm văn học. Mối quan hệ giữa tiểu sử và tác phẩm có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Các sáng tác của Mạc Ngôn thường đậm nét về làng quê Cao Mật. Do vậy, việc sử dụng phương pháp này vào nghiên cứu tiểu thuyết Mạc Ngôn sẽ cho thấy được mối quan hệ giữa nhà văn và hình tượng trong tác phẩm. 5.2. Phương pháp khảo sát Chúng tôi tiến hành khảo sát - thống kê hình tượng Cao Mật trong sáng tác của Mạc Ngôn trên nhiều phương diện, để từ đó phân loại, tìm hiểu thấu đáo hơn các đặc điểm về mặt nội dung thể hiện hình tượng này. 10 5.3. Phương pháp lịch sử - xã hội học Phương pháp này đặt hiện tượng văn học vào bối cảnh xã hội để nghiên cứu. Tiểu thuyết Mạc Ngôn chủ yếu xoay quanh hai đề tài: thế sự và lịch sử. Do vậy nắm bắt bối cảnh xã hội, lịch sử sẽ góp phần nhận ra những giá trị của hình tượng Cao Mật trong tiểu thuyết của ông. 5.4. Phương pháp hệ thống Là một trong những yếu tố cấu thành chỉnh thể tác phẩm, hình tượng Cao Mật được xem xét trong mối tương quan giữa thiên nhiên, văn hóa và con người… Sử dụng phương pháp này giúp cho việc tìm hiểu Cao Mật trong sáng tác của Mạc Ngôn đạt đến cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn trong một hệ thống. 5.5. Phương pháp phân tích - tổng hợp Từ việc phân tích các dẫn chứng, các vấn đề cụ thể của nội dung tác phẩm, chúng tôi rút ra được những vấn đề chung mang tính khái quát. Với các phương pháp nêu trên, chúng tôi sẽ vận dụng linh hoạt trong quá trình nghiên cứu, để có một cái nhìn toàn diện, khách quan, khoa học. Ngoài ra chúng tôi còn kết hợp sử dụng các phương pháp khác như: đối chiếu, thống kê, phân loại... để làm rõ hình tượng Cao Mật trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn. 6. Đóng góp của luận văn Thực hiện đề tài Hình tượng Cao Mật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn chúng tôi muốn đạt được những mục đích sau: - Làm rõ bức tranh thiên nhiên và văn hóa Cao Mật trong sáng tác của Mạc Ngôn. - Làm rõ hình tượng con người của vùng đất Cao Mật trong sáng tác của Mạc Ngôn trên các bình diện: + Con người bản năng + Con người bi kịch + Con người anh hùng 11 Từ việc phân tích và kiến giải những đặc điểm trên, luận văn đã đưa ra được một cái nhìn khái quát, hệ thống và tương đối toàn diện về hình tượng Cao Mật trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn. 7. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần Dẫn nhập, Kết luận, phần Nội dung luận văn được triển khai thành ba chương với nhiệm vụ của từng chương như sau: Chương 1: VỊ TRÍ CỦA CAO MẬT TRÊN HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT CỦA MẠC NGÔN Trong chương này, chúng tôi trình bày khái quát về con người; thân thế và sự nghiệp của Mạc Ngôn. Qua đó hiểu được quan điểm văn chương của nhà văn Mạc Ngôn cũng như vị trí của Cao Mật trong tiểu thuyết của ông. Chương 2: BỨC TRANH THIÊN NHIÊN VÀ VĂN HÓA CAO MẬT TRONG SÁNG TÁC CỦA MẠC NGÔN Trong chương này, chúng tôi tìm hiểu và phân tích về bức tranh thiên nhiên và đời sống văn hóa Cao Mật trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn. Lý giải vì sao thông qua thiên nhiên và văn hóa đã hình thành nên tính cách con người Cao Mật cá tính và mạnh mẽ. Chương 3: HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI CAO MẬT TRONG SÁNG TÁC CỦA MẠC NGÔN Trong chương này, chúng tôi khám phá hình tượng con người Cao Mật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn để làm rõ tính bản năng, anh hùng và bi kịch của con người nơi đây. 12 CHƯƠNG 1: VỊ TRÍ CỦA CAO MẬT TRÊN HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT CỦA MẠC NGÔN 1.1. Mạc Ngôn – gương mặt tiêu biểu của văn xuôi đương đại Trung Quốc Thế kỉ XX chứng kiến cuộc bùng nổ chưa từng có về văn chương ở phương Tây. Kĩ thuật viết tiểu thuyết đã đạt đến trình độ đỉnh cao với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng ra đời, các lý thuyết và sự xuất hiện của các trường phái phê bình. Thêm vào đó, sự phát triển của văn chương phương Tây không chỉ là cục bộ mà còn mang tính quốc tế. Nếu như ở phương Tây, sự phát triển văn học đa thanh, đa diện thì ở Trung Quốc con đường văn chương lại rất quanh co. Với lịch sử lâu dài, văn chương truyền thống Trung Hoa đã phát triển đến độ chín muồi với sự phong phú và đa dạng, vì thế, họ chỉ thấy mình và không có ý đồ liên kết hay mở cửa nhìn ra thế giới. Bên cạnh đó, văn học Trung Quốc còn bị kềm tỏa dưới thời Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, sau đó nó đã được hồi sinh bằng chính sách mở cửa với nhiều tác phẩm văn học phương Tây được dịch và nghiên cứu làm xuất hiện nhiều nhà văn tài năng vào những năm 80, 90 và những năm 2000. Có những người hiện nay nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế, nổi bật trong số đó là Mạc Ngôn – được xem là nhà văn sung mãn nhất cũng như là người tiên phong xuất sắc nhất của văn học Trung Hoa hiện đại. Có thể nói, cuộc đời với nhiều sự trải nghiệm đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp văn chương của Mạc Ngôn. 1.1.1. Cuộc đời Mạc Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh ngày 17 tháng 2 năm 1955 tại Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Năm 1976 ông nhập ngũ. Năm 1984, trúng tuyển vào khoa Văn thuộc Học viện Nghệ thuật Quân Giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Năm 1988, ông lại trúng tuyển lớp nghiên cứu sinh sáng tác thuộc Học viện Văn học Lỗ Tấn, trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, năm 1991 tốt nghiệp với học vị Thạc sĩ. Tháng 10 năm 1997 ông chuyển ngành từ bộ văn hóa bộ tổng tham mưu chính sang công tác tại Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Năm 2007, ông được điều đến làm nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Trung Quốc, viện trưởng Viện Nghiên 13 cứu văn học. Ủy viên Đoàn Chủ tịch hiệp hội tác gia và còn kiêm nhiệm thêm chức Phó hội trưởng Hữu hiệp Đối ngoại thành phố Bắc Kinh… Mạc Ngôn được xem là “nhà văn chân đất” khi mà hầu hết sáng tác của ông đều viết về số phận của những con người bình thường trên đất nước Trung Hoa. Với danh hiệu đó, chúng ta có thể hiểu rằng Mạc Ngôn là một nhà văn có xuất thân từ nông dân với một tuổi thơ vô cùng dữ dội cùng cái đói; cái rét và thất học. Trải nghiệm về nạn đói là một trong những động lực để Mạc Ngôn trở thành nhà văn và nó là một trong những mô típ đáng chú ý trong tiểu thuyết của ông. Trong khoảng hai mươi năm sống ở nông thôn, Mạc Ngôn chưa bao giờ được ăn no và ông là một trong những đứa trẻ phải gánh chịu nạn đói vào những năm 50, đầu những năm 60. Sống trong một đại gia đình lớn gồm mười bốn người, tuổi thơ của ông hầu như lúc nào cũng bị đói và bữa ăn nào cũng khóc. Chính vì vậy, ông mong ước trở thành nhà văn bởi ông được biết làm nhà văn thì sẽ được ăn no. Mạc Ngôn ham học, thành tích học tập tốt và xuất sắc nhất là môn Ngữ văn. Tuy nhiên, ông bị buộc thôi học tiểu học vào năm thứ năm bởi lý do chính trị. Thời kì này, đi học đại học phải xem xét thành phần lý lịch, đòi hỏi tiến cử theo sự phân loại thành phần nông dân. Mạc Ngôn ao ước và buồn bã khi thấy những người bạn cùng trang lứa được đi học còn mình thì phải lầm lũi trên cánh đồng. Cứ như thế Mạc Ngôn đã vượt qua tuổi thơ trong đói khổ và cô độc. Mặc dù phải chịu cảnh đói rét và thất học nhưng không vì thế mà ông mất cảm hứng đọc sách. Ông đọc bất cứ thứ gì có trong tay, và như một lẽ tất yếu, càng đọc ông càng chán công việc cày ruộng, cuốc đất, nhổ cỏ, cắt gặt của một nông dân chính hiệu để rồi khao khát rời khỏi làng quê và được học đại học. Ông nội Mạc Ngôn làm nghề nông, là người trung hậu ngay thẳng, thông minh khéo léo, giỏi việc nông và là một thợ mộc nổi tiếng. Ông tuy không biết chữ nhưng có trí nhớ tốt nên biết khá nhiều sự đổi thay của lịch sử vùng đất Cao Mật cũng như các truyền thuyết danh nhân, danh thắng; chuyện thần tiên quỉ quái. Đặc biệt ông lại là một người kể chuyện bậc thầy và những câu chuyện của ông đã cho Mạc Ngôn thấy một thế giới diệu kì. Từ đó, Mạc Ngôn học tập những câu chuyện truyền miệng, dã sử về thần linh, ma quỷ… Những câu chuyện mà ông nội đã kể trong suốt tuổi ấu thơ về sau trở thành cảm hứng cho các tác phẩm của Mạc Ngôn đặc biệt là các truyện 14 mang màu sắc huyền thoại về quê hương mình. Cho nên, có thể nói: ông nội chính là người thầy đầu tiên của Mạc Ngôn. Quản Mô Hiền – anh trai cả cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình trở thành nhà văn của Mạc Ngôn. Người anh trai là niềm tự hào của quê hương và cũng là hình mẫu mà Mạc Ngôn muốn noi theo bởi ông là người học cao nhất của làng, là sinh viên khoa Trung Văn Đại học Sư phạm Hoa Đông đầu những năm 60. Khi bị bắt nghỉ học năm mười hai tuổi và trở thành lao động chân tay, Mạc Ngôn vẫn thích đọc sách dù đã trải qua một ngày làm việc mệt mỏi. Ông đã đọc sách giáo khoa, bài tập về nhà và thậm chí là quyển tập làm văn của người anh trai. Đó là nguồn tư liệu cung cấp kiến thức cũng như là công cụ để Mạc Ngôn tự học. Vào những năm đầu sự nghiệp văn chương, ông cũng đã gửi những câu chuyện của mình cho người anh trai để xin nhận xét. Quản Mô Hiền không khuyến khích Mạc Ngôn đi theo nghề viết văn dù ông biết em trai mình có năng lực. Bởi, là một nhà giáo thâm niên, Mô Hiền đã chứng kiến rất nhiều bi kịch của trí thức trong đó có nhà văn. Ông cảnh báo Mạc Ngôn: có hàng ngàn con đường để đi trên thế giới này nhưng đừng bao giờ chọn con đường dẫn tới văn chương. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến sự bền bỉ của em trai, Quản Mô Hiền quyết định ủng hộ Mạc Ngôn trở thành nhà văn và khuyên: để trở thành một nhà văn nổi tiếng, em phải tìm được phong cách của riêng mình, bắt chước một nhà văn khác (dù là Trung Hoa hay nước ngoài) cũng sẽ không dẫn đến một tương lai tươi sáng. Như vậy, chính người anh trai đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp văn chương của Mạc Ngôn và đưa ông trở thành một nhà văn nổi tiếng, chủ nhân của một “vương quốc văn học” độc đáo. Có thể nói, chính thời đại đầy bi thương cùng những ảnh hưởng từ gia đình và sự nỗ lực vươn lên của bản thân đã hun đúc nên một Mạc Ngôn cần mẫn và sung mãn với một sự nghiệp văn chương nổi bật trong nền văn chương hiện đại Trung Hoa. 1.1.2. Sự nghiệp văn chương “Mạc Ngôn” trong tiếng Trung có nghĩa là “không nói”. Thế nhưng, những tác phẩm của ông lại là ẩn chứa tiếng nói sắc sảo về cuộc sống nhân sinh và số phận con người. 15 Mạc Ngôn là một trong những nhà văn kiên nhẫn và cần mẫn nhất với sự nghiệp viết văn làm cho độc giả và các nhà phê bình ngạc nhiên với những tác phẩm lớn cứ hai, ba năm lại xuất hiện một lần. Năm 1981 ông bắt đầu công bố tác phẩm và đến nay, ông đã có 11 tiểu thuyết, 20 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút... tổng cộng trên 200 tác phẩm. Mạc Ngôn thành công ở cả hai thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn. Đặc biệt ở thể loại tiểu thuyết, nhiều tác phẩm của ông đã được đón nhận nồng nhiệt ở Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nhật, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Việt Nam, Romania, Serbia, Ba Lan, Thụy Điển, Hà Lan, Nga, Israel như Cao lương đỏ, Tổ tiên có màng chân, Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, Tửu quốc, Tứ thập nhất pháo, Thập tam bộ, Sống đọa thác đày, Châu chấu đỏ… Tiểu thuyết Cao lương đỏ (nguyên tác : Hồng cao lương gia tộc) được giải thưởng toàn quốc năm 1985-1986 và được đạo diễn tài danh Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim truyện, đạt được giải thưởng Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 1994. Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết này còn được tạp chí World Literature Today bình chọn vào Top 40 tiểu thuyết của 75 năm in ấn và nó trở thành tiểu thuyết hay nhất năm 1987. Trong sự nghiệp hơn ba mươi năm sáng tác, Mạc Ngôn đã sớm tìm cho mình một phong cách, một lối đi riêng. Ông được mệnh danh “là một nhà văn “phù thủy” khi ông kết hợp được nhiều yếu tố trái ngược nhau một cách nhuần nhuyễn” [78]. Trong tác phẩm của ông, chúng ta thấy: “nhà văn pha trộn được chủ nghĩa hiện thực ảo giác với truyện dân gian, lịch sử và đương đại” (lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển). Với phong cách nghệ thuật đó cùng những nỗ lực không mệt mỏi và những cống hiến cho nền văn học đương đại Trung Quốc, Mạc Ngôn đã đoạt được rất nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước: - Giải tiểu thuyết toàn quốc lần thứ 4 (1987) cho tiểu thuyết Cao lương đỏ, tác phẩm được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh cùng tên (đạo diễn Trương Nghệ Mưu) đã đoạt giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin năm 1988 và Cành cọ vàng trong Liên hoan phim Cannes của Pháp năm 1994. - Giải nhất tiểu thuyết của Hội Nhà văn Trung Quốc cho Báu vật của 16 đời (12/1995). - Giải Mao Thuẫn cho tiểu thuyết Đàn hương hình. Tác phẩm này cũng đạt giải thưởng văn học Đỉnh Quân lần thứ nhất Đài Loan (năm 2004). - Giải Văn học Liên hợp (Đài Loan). - Văn học nước ngoài Laure Batailin (Pháp). - Huân chương Kỵ sĩ Văn hóa nước Pháp năm 2004. - Tiến sĩ văn học danh dự do trường Đại học Công Khai Hồng Kông 2005. - Giải Văn học quốc tế Nonino năm 2005 (Ý). - Giải thưởng lớn cho Văn hóa châu Á Fukuoka năm 2006 (Nhật). - Giải Hồng lâu mộng cho Tiểu thuyết Hoa ngữ thế giới (Hồng Kông). - Giải Văn học Hoa ngữ New York (Mỹ). - Giải Nobel Văn học 2012 do Viện hàn lâm Thụy Điển trao tặng. Để có một sự nghiệp văn chương lừng lẫy với những tác phẩm đỉnh cao như vậy đó là nhờ Mạc Ngôn đã có quan điểm nghệ thuật đúng đắn và kĩ thuật viết văn điêu luyện. 1.2. Quan niệm nghệ thuật của Mạc Ngôn Trên con đường sáng tác văn học, Mạc Ngôn không ngừng tìm tòi; đổi mới từ nội dung đến hình thức cũng như đề ra cho mình những quan niệm nghệ thuật sâu sắc. Đầu tiên, thuở mới vào nghề văn, ông từng nghĩ: “Lúc tôi mới bắt đầu sáng tác quả là chẳng hề có lý tưởng cao đẹp gì, động cơ cũng hết sức tầm thường. Tôi hoàn toàn không dám tưởng tượng mình là “kỹ sư tâm hồn của nhân loại, như một số nhà văn Trung Quốc khác càng không dám nghĩ đến chuyện dùng tiểu thuyết để cải tạo xã hội” [24, tr.105]. Có thể nói rằng, chính cái đói; cái nghèo đeo đuổi hai mươi năm ở nông thôn là động lực thôi thúc Mạc Ngôn trở thành một nhà văn để “mỗi ngày ba bữa được ăn sủi cảo đã là hạnh phúc nhất đời” [35, tr.289]. Sau đó, quan niệm của Mạc Ngôn thay đổi, ông cho rằng: “con người ta vẫn có những nỗi đau khổ, hơn nữa mức độ đau khổ về tinh thần chẳng kém gì cái đói khát” [24, tr.106]. Ông quan niệm: một nhà văn tốt thì chỉ nên chú tâm đến chuyện sáng tác và không nên nghĩ đến chuyện kiếm tiền. 17 Thứ hai, ông cho rằng nhà văn phải là người có phong cách riêng biệt, không thể hòa lẫn với ai. Mạc Ngôn là một nhà tiểu thuyết đa diện mà tác phẩm của ông chúng ta không dễ dàng phân loại. Sự phức tạp của Mạc Ngôn được so sánh với Lỗ Tấn – nhà văn được nói đến nhiều nhất trong thế kỉ XX mà tác phẩm tiểu thuyết của ông đã trở thành mẫu mực của văn học hiện đại Trung Hoa. Chính Mạc Ngôn cũng từng nói Lỗ Tấn là người truyền cảm hứng cho ông. Trong tác phẩm Căn phòng nhìn qua lỗ khóa, 10 truyện ngắn đã ảnh hưởng đến tôi, Mạc Ngôn sưu tầm mười câu chuyện của mười nhà văn nổi tiếng, đó là: Henryk Sienkiewicz, Julio Cortazar, James Joyce, D. H. Lawrence, G.G. Marquez, W. Faulkner, I.S. Turgenhev, F. Kafka, Tsutomu Minakani và Lỗ Tấn. Trong mười nhà văn trên chỉ có một nhà văn Trung Hoa là Lỗ Tấn. Trong tiểu thuyết của mình, có thể thấy Mạc Ngôn thừa hưởng đặc trưng văn chương của Lỗ Tấn nhưng ông không hề sáng tác dưới cái bóng của Lỗ Tấn mà đã phát triển phong cách cá nhân, làm cho mình trở nên độc đáo và nổi bật khiến cho không ai có thể nghĩ Mạc Ngôn là một Lỗ Tấn hiện đại. Ông nghĩ: “cần phải xác định vĩnh viễn một mục tiêu cao hơn so với năng lực của chính mình, không nên chỉ là vượt qua người đồng thời với mình hoặc tiền nhân mà hao phí sức lực mà hãy tận lực siêu việt chính mình” [35, tr.317]. Thứ ba, Mạc Ngôn đề ra tôn chỉ văn học “lấy tư cách nhân dân sáng tác” nên nhà văn phải đứng trên lập trường nhân dân, dùng trái tim giản dị cùng con mắt của nhân dân để quan sát; phản ánh thế giới và những suy nghĩ ước muốn của họ. Những tác phẩm của ông phong phú; đa dạng có thể khái quát lại thành hai loại đề tài chính: lịch sử và đời sống hiện thực. Vì vậy, khi đọc tác phẩm của Mạc Ngôn, người đọc dễ dàng nhận thấy ông luôn đứng về phía nhân dân để nói lên số phận của họ mà từ đó chúng ta có thể khẳng định Mạc Ngôn là một nhà nhân văn lớn của văn học Trung Quốc đương đại. Thứ tư, Mạc Ngôn khẳng định: mỗi nhà văn cần xây dựng cho mình một vương quốc văn học của riêng mình. Tương tự như W. Faulkner và G. G. Marquez, Mạc Ngôn đã khám phá và tái tạo lại vùng đất quê hương Đông Bắc Cao Mật trên cơ sở kết hợp tổ tiên anh hùng và những sự kiện lịch sử cùng với sự tưởng tượng của cá nhân để xây dựng được một “cộng hòa văn chương” mà nói như David Der-wei 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan