Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học qua truyện tranh lịch sử vi...

Tài liệu Giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học qua truyện tranh lịch sử việt nam

.PDF
178
29
117

Mô tả:

MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn đề tài Yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó đã thấm sâu vào trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước" [16, tr.171]. Suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước đã trở thành một trong những tài sản quý, một giá trị thiêng liêng góp phần làm nên truyền thống dân tộc Việt Nam. Truyền thống yêu nước còn là đặc trưng tiêu biểu của tính cách con người Việt Nam. Giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học hiện nay nhằm xây dựng ở các em lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự hào dân tộc, có đạo đức trong sáng, có ý chí và quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Truyền thống lịch sử rất đáng tự hào với nhiều chiến công hiển hách, là những mốc son, dấu ấn đáng nhớ ấy là kết tinh của lòng yêu nước, ý thức tự tôn, tự hào dân tộc, tinh thần chiến đấu hy sinh anh dũng của bao thế hệ cha anh đi trước, đặc biệt là tấm gương của những anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam đã ngã xuống vì quê hương, đất nước. Học sinh tiểu học là thế hệ mầm non tương lai, là vốn quý của mỗi quốc gia. Đang trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, các em cần được bổ sung tri thức, hiểu biết ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, tiếp xúc với nhiều dạng quan hệ xã hội khác nhau thì giáo dục truyền thống yêu nước là một nội dung giáo dục quan trọng nó có tác dụng rất lớn trong việc hình thành nhân cách cho học sinh tiểu học. Những giá trị truyền thống dân tộc chính là hành trang khi các em trở thành chủ nhân tương lai trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sánh vai với các cường quốc năm châu. Vì thế giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, trước hết là học sinh tiểu học là một trong những nội dung giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt. 1 Ngày nay trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động thì việc giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc thức tỉnh cho các em là trách nhiệm lớn lao của sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Trong đó giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học có thể thông qua nhiều con đường giáo dục khác nhau, song thông qua truyện tranh lịch sử Việt Nam để giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học là một con đường giúp các em hiểu biết rõ hơn về lịch sử nước nhà là một phương thức thể hiện trực quan sinh động. Trong công trình nghiên cứu Con mắt nhìn cái đẹp, tác giả Nguyễn Quân xác định tư duy cao nhất là tư duy hình tượng bởi mắt là cơ quan số một trong ngũ quan, bởi khoảng 80% thông tin thu nhận được, hay các ký ức của con người cũng đều nhờ thị giác [37, tr 20]. Tri thức phong phú và các mối quan hệ xã hội đa dạng được phản ánh qua nhiều đề tài và thể loại truyện tranh. Mỗi cuốn sách lại cung cấp cho các em những tri thức và thông tin ở một số lĩnh vực nhất định. Qua nội dung phản ánh, truyện tranh có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của bạn đọc nhí. Vai trò và ý nghĩa của những tác phẩm truyện tranh thực sự hấp dẫn khi chúng đẹp về hình thức lẫn nội dung chuyển tải, song truyện tranh cũng bộc lộ hạn chế của nó khi mang đặc trưng minh họa đơn thuần và có lúc không chuyển tải hết ý nghĩa, lời dẫn truyện thậm chí đôi khi còn ngắn gọn đến cụt nghĩa, điều này ảnh hưởng không tốt đến cảm nhận của trẻ và hạn chế khả năng tưởng tượng của các em. Hơn nữa, sự xuất hiện tràn lan của những cuốn truyện mang nội dung bạo lực, truyện tranh gợi dục (hentai) đã tạo nên nhiều tác hại, làm hoen ố tâm hồn bé thơ - lứa tuổi còn chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng sống. Ở các em, tính hiếu kỳ, ham học hỏi, và thích khám phá là nét nổi bật, song cần phải được định hướng đúng đắn, và vì thế, việc giáo dục truyền thống yêu nước thông qua truyện tranh lịch sử Việt Nam không chỉ làm cho thiếu nhi hiểu biết và cảm nhận được nội dung của tác phẩm, mà còn biết trân quý những giá trị thiêng liêng của đất nước, lịch sử dân tộc ngàn đời mà tiền nhân đã để lại. Trên thị trường sách hiện nay, truyện tranh đang chiếm một thị phần rất lớn. Từ khắp phố phường nơi đô thị đến các làng quê, đều dễ dàng nhận thấy sự góp mặt đông đảo của nhiều tiểu loại truyện tranh. Trong các cửa hàng bán và cho thuê truyện, trên những kệ sách luôn đầy ắp những cuốn truyện tranh đa dạng về nội 2 dung và hình thức biểu hiện. Truyện tranh đã và đang chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của các bạn đọc nhỏ tuổi, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc. Việc đem lại cho các em các sách báo bổ ích, phù hợp với độ tuổi, không thể chỉ một phía từ các nhà xuất bản hay phát hành mà nó còn cần được nghiên cứu kỹ càng từ thị hiếu nhu cầu đòi hỏi từ lứa tuổi của các em. Tuy nhiên, có một thời gian dài truyện tranh trên thị trường sách đa phần là sản phẩm nước ngoài với các nội dung mang đậm chất giải trí, đôi khi còn thái quá khi thể hiện tính bạo lực, khiêu dâm, ma quái… Chính vì thế, việc cho ra đời các đầu truyện tranh có giá trị giáo dục cao nhằm giúp các em thiếu nhi vừa thưởng thức loại hình sách quen thuộc vừa có điều kiện tiếp cận những vốn tri thức có ích là cần thiết. Các thể loại truyện tranh về đề tài lịch sử Việt Nam, đã góp phần nâng cao sự hiểu biết cho thiếu nhi Việt Nam, đem đến một cái nhìn tích cực hơn về thế giới truyện tranh - một trong những loại hình văn hóa đọc được ưa thích nhất của thiếu nhi hiện nay. Giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học thông qua truyện tranh lịch sử Việt Nam là một vấn đề đáng được quan tâm. Giáo dục truyền thống yêu nước sẽ trở nên sinh động hơn bao giờ hết với các bộ sách tranh truyện lịch sử Việt Nam. Qua các bộ truyện tranh này, các nhân vật lịch sử Việt Nam sẽ đến gần hơn với các em, khơi gợi niềm đam mê tìm hiểu của các em về lịch sử dân tộc. Cuốn "Truyện tranh lịch sử - các anh hùng dân tộc Việt Nam", gắn liền với những con người làm nên lịch sử, tạo nên bước ngoặt lịch sử. Đặc biệt những câu chuyện lịch sử được thể hiện qua ngôn ngữ truyện tranh nên các em thấy gần gũi hơn với các nhân vật và bối cảnh lịch sử. Kiến thức lịch sử được chuyển tải cho các em nhẹ nhàng dễ nhớ, dễ thuộc hơn. Với mỗi nhân vật, mỗi cuốn sách đều mang đến những cốt truyện giàu tính nhân văn theo hướng gần gũi, thể hiện kiến thức qua sắc màu dân gian, dã sử khiến các nhân vật lịch sử có hồn có cá tính quyết liệt. Chính các nhân vật lịch sử ấy đã giáo dục cho các em lòng ngưỡng mộ, lòng tự hào dân tộc, từ đó tăng thêm những hiểu biết của các em về những địa danh lịch sử, những trận đánh, rút ra những bài học về tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường dựa vào sức mạnh lòng dân. 3 Từ thực tiễn trên đây, học viên mạnh dạn chọn đề tài nghiên cứu “Giáo dục truyền thống yêu nƣớc cho học sinh tiểu học qua truyện tranh lịch sử Việt Nam” làm luận văn thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học với mong muốn tìm hiểu và đóng góp một vài giải pháp thiết thực trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử dân tộc, định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho học sinh tiểu học hiện nay. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Đến nay, việc nghiên cứu các vấn đề lý luận về giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học thông qua truyện tranh ở Việt Nam chưa nhiều, nhất là về truyện tranh lịch sử Việt Nam lại càng ít. Đã có những bài viết về vấn đề này, song chủ yếu là những bài viết riêng lẻ trên tạp chí, luận văn, khóa luận hoặc chuyên mục trong các cuốn sách. Kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ góp phần vào việc nhận thức vai trò và tiềm năng phát triển của truyện tranh lịch sử Việt Nam đối với thiếu nhi trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước. Học viên đã sưu tầm được một số đầu sách, tư liệu, bài nghiên cứu của một số tác giả có liên quan ít nhiều đến đề tài nghiên cứu mà mình theo đuổi. Xin được liệt kê theo một số nhóm nội dung như sau: * Nhóm vấn đề về giáo dục truyền thống yêu nước cho thiếu nhi Một số nghiên cứu về vấn đề này năm 1980, tác giả Trần Văn Giàu đã đề cập một cách sâu sắc đến những Giá trị tốt đẹp của tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam [6]. Năm 2005, tác giả Bùi Quang Thanh đã có bài viết “Truyền thống tôn vinh danh nhân của người Việt và văn hóa đặt tên trong xã hội đương đại” [42]. Tác giả Ngô Đức Thịnh (chủ biên), năm 2010, đã nghiên cứu Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam [49]. Năm 2011, tác giả Ngô Minh Oanh đã trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học "Triết lý Giáo dục Việt Nam", qua bài viết "Từ nghiên cứu lịch sử phương Tây nghĩ về triết lý giáo dục Việt Nam" [25]. Tác giả Trần Ngọc Thêm, năm 2016, bàn về Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai [45]. Ngoài ra khi tìm hiểu về tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học thì Tâm lí học đại cương của tác giả Nguyễn Quang Uẩn [58], là một tư liệu quý để tác giả luận văn có thể tham khảo. 4 * Nhóm vấn đề về truyện tranh thiếu nhi Năm 1998, Lịch sử Việt Nam bằng tranh nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, Phan An chủ biên [4]. Bộ truyện tranh lịch sử nhằm mục đích giới thiệu lịch sử nước nhà một cách ngắn gọn, sinh động, có hệ thống qua những truyện kể súc tích và bằng những tranh vẽ minh họa. Nhà nghiên cứu Hạ Thị Lan Phi, năm 2007, có bài viết "Sự du nhập và ảnh hưởng của Manga ở Việt Nam hiện nay" [29]. Lịch sử du nhập truyện tranh Nhật Bản vào Việt Nam đã được tác giả trình bày một cách khái quát, cùng với đó tác giả đã chỉ ra những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực từ truyện tranh Nhật Bản, để cuối cùng đưa ra những ý kiến của tác giả về vấn đề truyện tranh Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay. Năm 2009, Lê Thị Oanh đã đề cập đến "Truyện tranh dành cho thiếu nhi - Những mặt tích cực và hạn chế" [24]. Đề tài góp phần làm rõ những tác động tích cực cũng như hạn chế của truyện tranh Nhật Bản đối với trẻ em hiện nay, từ đó định hướng cho trẻ lựa chọn truyện tranh phù hợp cũng như định hướng văn hóa đọc một cách đúng đắn nhằm hình thành lên một thói quen tốt trong sự phát triển của trẻ. Trong năm 2010 Chu Anh Tú đã đề cập đến "Thị trường sách truyện tranh thiếu nhi trên địa bàn Hà Nội hiện nay” [55]. Đề tài đi sâu vào nghiên cứu những vấn đề cơ bản về thị trường sách truyện tranh thiếu nhi trên địa bàn Hà Nội hiện nay, về thị trường sách thiếu nhi, lượng cung - cầu, giá cả và tình hình cạnh tranh đối với mặt hàng này. Để từ đó phát huy những mặt tích cực và hạn chế những tiêu cực đối với thị trường kinh doanh mặt hàng sách này. Năm 2011, Nguyễn Thị Hồng Vân đã nghiên cứu về "Lịch sử truyện tranh Việt Nam (giai đoạn từ năm 1990 đến 2011)" [59]. Tác giả đã đề cập đến những thăng trầm của truyện tranh Việt Nam. Đồng thời, bài viết cho thấy nghệ thuật truyện tranh Việt Nam đã và đang tìm lối đi riêng, chỗ đứng riêng trong lòng người đọc. Tác giả Hồ Minh Phương, năm 2012, đã đề cập đến "Minh họa truyện tranh ở Việt Nam" [31]. Đề tài đã phân tích đánh giá về hình thức và nội dung minh họa truyện tranh ở Việt Nam. Năm 2013, Tạ Kim Sơn nghiên cứu đề tài "Ảnh hưởng của Comic đối với truyện tranh Việt Nam" [40]. Tác giả Phạm Thị Thùy Linh, năm 2014, đã đề cập về "Thị trường sách thiếu nhi ở Hà Nội từ năm 2010 đến năm 2013" [14]. Đề tài góp phần hệ thống hóa cơ sở 5 lý luận về thị trường sách thiếu nhi, khẳng định vai trò quan trọng của thị trường này đối với các Nhà xuất bản (Nxb), các doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm. Phân tích đúng thực trạng thị trường sách thiếu nhi trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Đánh giá những mặt mạnh, yếu của thị trường sách thiếu nhi. Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện thị trường sách thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay. Cũng trong năm 2014 tác giả Nguyễn Thị Hoài Thương đã nghiên cứu đề tài "Sự phát triển của truyện tranh Việt Nam" [53]. Năm 2015, Ngô Thạch Thảo đã đề cập đến vấn đề "Thị trường truyện tranh ở Hà Nội hiện nay" [44]. Đề tài được đưa ra nhằm hệ thống hóa mặt lý luận về thị trường truyện tranh, khảo sát thực trạng thị trường truyện tranh, đề xuất giải pháp mang tính khả thi để phát triển thị trường truyện tranh trong thời gian tới. Cùng năm 2015, tác giả Nguyễn Thị Hân với đề tài "Tác động của truyện tranh Nhật Bản tới trẻ em" [8]. Những kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề tác động của truyện tranh Nhật Bản và những giá trị của nó đối với trẻ em nay. Góp phần làm rõ cơ sở khoa học cho vai trò của văn hóa đọc đặc biệt là truyện tranh Nhật Bản trong việc hình thành thói quen đọc của trẻ. Tất cả những tư liệu quý trên rất bổ ích đối với học viên, nó là cơ sở đáng tin cậy cho học viên tham khảo. Tuy nhiên, vì mục đích nghiên cứu khác nhau nên những vấn đề của luận văn chưa có tác giả nào đề cập đến và đây cũng là tính mới của luận văn. Vì vậy đề tài học viên mong muốn đóng góp một phần lý luận và phương thức về vấn đề giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc thông qua truyện tranh lịch sử Việt Nam cho học sinh tiểu học. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích của đề tài là làm rõ vai trò của truyện tranh lịch sử Việt Nam đối với học sinh tiểu học về giáo dục truyền thống yêu nước. Góp phần hoàn thiện quá trình giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học thông qua truyện tranh lịch sử Việt Nam. Xác định thực trạng đề tài giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học thông qua truyện tranh lịch sử Việt Nam. Đề xuất các giải pháp 6 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học thông qua truyện tranh lịch sử Việt Nam. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài, xác định một số đặc điểm của giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học thông qua truyện tranh lịch sử Việt Nam. Đề tài khảo sát một số truyện tranh lịch sử Việt Nam về hình tượng các vị anh hùng dân tộc tác động tới học sinh tiểu học TpHCM hiện nay. Khảo sát và phân tích kết quả khảo sát tại một số trường tiểu học ở TpHCM. Đề xuất một số giải pháp và khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả, nhiệm vụ giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học thông qua truyện tranh lịch sử Việt Nam. Đề tài nghiên cứu được thể hiện dưới dạng cây mục tiêu sau: Công tác giáo dục truyền thống yêu nƣớc cho học sinh tiểu học qua truyện tranh lịch sử Việt Nam Thực trạng giáo dục truyền thống yêu nƣớc cho học sinh tiểu học qua truyện tranh LSVN Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm Tiểu học Đoàn Thị Điểm Tiểu học Thới Tam Một số giải pháp & khuyến nghị để nâng cao chất lƣợng giáo dục truyền thống yêu nƣớc cho học sinh tiểu học qua truyện tranh LSVN Truyện tranh lịch sử Việt Nam Nguyên nhân 7 4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học thông qua truyện tranh lịch sử Việt Nam. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Từ một số truyện tranh lịch sử Việt Nam, tác giả luận văn thực hiện được chọn lọc khảo sát đối với học sinh lớp 5 và giáo viên ở một số trường tiểu học tại thành phố Hồ Chí Minh, cùng một số phụ huynh học sinh có con em là tiểu học. - Về không gian: Luận văn tập trung nghiên cứu tại một số địa điểm trường tiểu học do tác giả chọn lọc. + Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, tại số 2 Bis Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận Một; Là một ngôi trường có chất lượng cao, nằm ở trung tâm Tp.HCM. + Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, tại số 16 Trần Văn Ơn, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú; Đây là một trong những quận đang đô thị hóa ở Tp.HCM. + Trường tiểu học Thới Tam, tại số 4/111 ấp Tam Thới, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn; Đây là một trong những huyện nằm ở ngoại thành, Tp.HCM. - Về thời gian: Đề tài nghiên cứu truyện tranh lịch sử Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1993 đến nay. Đây là mốc thời gian xuất phát từ cuộc vận động sáng tác truyện tranh lịch sử, truyện cho thiếu nhi do Nxb Kim Đồng phát động. 5. Phƣơng pháp nghiên cứu Đề tài “Giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học qua truyện tranh lịch sử Việt Nam” không chỉ là nghiên cứu liên ngành giao thoa giữa chuyên ngành Việt Nam học và Nghệ thuật học qua phương thức tạo hình thể hiện truyện tranh mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực: Lịch sử học, Dân tộc học, Văn hóa học, Giáo dục học, Văn học (lời kể chuyện), Mỹ học, Mỹ thuật học (tạo hình hình ảnh truyện tranh), Xã hội học (điều tra khảo sát),… Vì thế nó đòi hỏi phải được xem xét trên cơ sở tiếp cận liên ngành để nhận diện các đối tượng nghiên cứu một cách toàn diện, khách quan và phong phú hơn. 8 Tác giả luận văn sử dụng phương pháp nghiên cứu điều tra xã hội học (phát phiếu bảng hỏi và thu thập phân tích kết quả), kết hợp phỏng vấn sâu các đối tượng khác nhau. Phỏng vấn chuyên gia sáng tác truyện tranh, trò chuyện và trao đổi với các thầy cô thư viện trường tiểu học về thực trạng đọc truyện tranh nói chung và đọc truyện tranh lịch sử nói riêng của học sinh tiểu học tại thư viện trường. Tổng hợp kết quả nghiên cứu và phân tích bằng phương pháp thống kê thông qua phần mềm Excel để xử lý số liệu thu được bằng cách tính trị trung bình, tính tỷ lệ phần trăm. Ngoài việc sử dụng số liệu thống kê và phân tích kết quả bằng phần mềm Excel, tác giả luận văn còn sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu, dùng hình ảnh để chứng minh khi kiến giải các vấn đề khoa học. 6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn 6.1.Ý nghĩa khoa học Đề tài nghiên cứu đóng góp lý luận và nhận thức vào lĩnh vực giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học thông qua truyện tranh lịch sử Việt Nam. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Luận văn nhằm chia sẻ một số những giải pháp cụ thể trong việc chuyển tải nội dung giáo dục, mang tính thẩm mỹ của người sáng tác truyện tranh nhằm nâng cao chất lượng truyện tranh Việt Nam vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục thẩm mỹ cho học sinh tiểu học. Luận văn này mong muốn đóng góp một phần nhỏ làm tài liệu tham khảo đối với việc truyện tranh và chia sẻ một số kinh nghiệm với người sáng tác truyện tranh. Những kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần đem đến một cái nhìn tích cực hơn về vấn đề giáo dục truyền thống yêu nước cho thiếu nhi qua truyện tranh lịch sử Việt Nam và những giá trị của nó đối với thiếu nhi hiện nay. 7. Cấu trúc của luận văn Ngoài lời cảm ơn, lời cam đoan, danh mục bảng, danh mục hình, danh mục biểu đồ, danh mục các chữ viết tắt, mục lục, tài liệu tham khảo và phụ lục, phần chính văn có tổng độ dài là 120 trang, trong đó: 9 Mở đầu: (10 trang) Nội dung nghiên cứu gồm 3 chƣơng: (106 trang) Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn liên quan đến đề tài nghiên cứu (37 trang) Chương 2: Thực trạng việc giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh tiểu học qua truyện tranh lịch sử Việt Nam (39 trang) Chương 3: Một số giải pháp và khuyến nghị (30 trang) Kết luận (4 trang) Tài liệu tham khảo (9 trang) Phụ lục (46 trang) 10 CHƢƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 1.1. Cơ sở lý luận liên quan đến đề tài nghiên cứu Bất kì một giai đoạn lịch sử nào thì việc giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử dân tộc đều rất quan trọng và rất cần thiết. Ngày nay khi đất nước đang tiến hành công nghiệp hoá, hiên đại hoá, khi chúng ta đang từng bước tiếp cận với khoa học công nghệ cao của thế giới thì vấn đề giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử dân tộc càng phải được coi trọng. Bởi truyền thống lịch sử dân tộc chính là cái gốc, là nền tảng để chúng ta tiếp thu cái hiện đại mà không xa rời bản sắc, đón nhận cái mới mà không quên gốc gác, không xa rời truyền thống lịch sử của cha ông. Chúng ta phải khắng định rằng, ngay từ bây giờ chúng ta phải quan tâm hơn, tích cực hơn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử dân tộc cho học sinh đúng như Bác Hồ đã nhắc nhở: Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. 1.1.1. Một số khái niệm liên quan đến đề tài 1.1.1.1. Giáo dục Giáo dục ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Trong đó giáo dục nhà trường phải đi đầu và đóng vai trò chủ đạo. Giáo dục là quá trình được tổ chức có ý thức, hướng tới mục đích khơi gợi hoặc biến đổi nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của người dạy và người học theo hướng tích cực. Nghĩa là góp phần hoàn thiện nhân cách người học bên những tác động có ý thức từ bên ngoài, góp phần đáp ứng các nhu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội đương đại. Giáo dục bao gồm việc dạy và học, và đôi khi nó cũng mang ý nghĩa như là quá trình truyền thụ, phổ biến tri thức, truyền thụ sự suy luận đúng đắn, truyền thụ sự hiểu biết. Giáo dục trong nhà trường tiểu học (theo nghĩa hẹp) là một quá trình dưới sự tác động sư phạm của người giáo viên, người học tự giác tích cực, chủ động tự tổ chức hoạt động giáo dục nhằm hình thành ý thức, thái độ, niềm tin, hành vi phù hợp với yêu cầu của xã hội. 11 Theo từ điển mở Wikipedia (bách khoa toàn thư mở) “Giáo dục (tiếng Anh: education) theo nghĩa chung là hình thức học tập theo đó kiến thức, kỹ năng, và thói quen của một nhóm người được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu” [77]. Như vậy, giáo dục thường diễn ra dưới sự hướng dẫn của người khác, nhưng cũng có thể thông qua tự học. Bất cứ trải nghiệm nào có ảnh hưởng đáng kể lên cách mà người ta suy nghĩ, cảm nhận, hay hành động đều có thể được xem là có tính giáo dục. Giáo dục thường được chia thành các giai đoạn như giáo dục tuổi ấu thơ, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học và giáo dục đại học. Giáo dục vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật. Giáo dục là một quá trình đào tạo con người một cách có mục đích, nhằm chuẩn bị cho họ tham gia vào đời sống xã hội, lao động sản xuất, bằng cách tổ chức việc truyền thụ và lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử xã hội của loài người. Người Việt Nam với truyền thống văn hóa Khổng giáo rất coi trọng giáo dục. Dân gian Việt Nam thường có câu tục ngữ “không thầy đố mày làm nên”. Trong bảng xếp hạng loại người được kính trọng trong xã hội thì “Quân-Sư-Phụ: Vua-Thầy-Cha” nghĩa là trừ Vua ra, người thầy giáo được kính trọng bậc nhất. Học trò đi học không phải đóng học phí nhưng có của ngon vật lạ gì trong nhà cũng đem đến mời thầy trước. Nghề giáo dục được coi là một nghề thiêng liêng và cao quý. Trong thực tế, ngành giáo dục cũng đóng vai trò nền tảng để xây dựng cơ sở đạo đức, văn minh cho xã hội và cung cấp nguồn nhân lực cho nền kinh tế [12, tr.115]. Như vậy, có thể kết luận rằng, “giáo dục” là sự hoàn thiện của mỗi cá nhân, đây cũng là mục tiêu sâu xa của giáo dục, người giáo dục, hay có thể gọi là thế hệ trước, có nghĩa vụ phải dẫn dắt, chỉ hướng, phải truyền tải lại cho thế hệ sau tất cả những gì có thể để làm cho thế hệ sau trở nên phát triển hơn, hoàn thiện hơn. Với ý nghĩa đó, giáo dục đã ra đời từ khi xã hội loài người mới hình thành, do nhu cầu của xã hội và trở thành một yếu tố cơ bản để làm phát triển loài người, phát triển xã hội. Giáo dục là một hoạt động có ý thức của con người nhằm vào mục đích phát triển con người và phát triển xã hội. 12 1.1.1.2. Truyền thống Truyền thống là văn hóa được lưu truyền qua các đời qua các dòng tộc, huyết thống và có giá trị về nhân văn nhân bản, có tính trường tồn. Được mọi người bảo tồn và giữ gìn một cách thiêng liêng. Truyền thống là những tập tục, thói quen và nói chung là những kinh nghiệm xã hội được hình thành từ lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ của con người, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam 4 “Truyền thống là quá trình chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác những yếu tố xã hội và văn hóa, những tư tưởng, chuẩn mực xã hội, phong tục, tập quán, lễ nghi…và được duy trì trong các tầng lớp xã hội và giai cấp trong một thời gian dài” [22, tr.630]. Truyền thống là những giá trị xã hội tương đối ổn định được lưu giữ, truyền từ đời này qua đời khác và những cơ chế giữ gìn, phát huy những giá trị đó. Những giá trị xã hội đó là những kinh nghiệm trong sản xuất, chiến đấu chống giặc ngoại xâm, có thể là lối sống, nếp sống, phong tục tập quán, những chuẩn mực đạo đức. Truyền thống được lưu giữ dưới nhiều hình thức khác nhau: hiện vật, tài liệu, tranh ảnh, di tích lịch sử, văn hóa, trong sinh hoạt, lối sống, trong các tác phẩm văn học nghệ thuật… Có những giá trị truyền thống tinh thần được đúc kết thành chân lý, tạo nên bản sắc của mỗi dân tộc. Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII của Đảng ta đã đúc kết các ý kiến về giá trị truyền thống cơ bản của người Việt Nam để đưa ra một định nghĩa về bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo” [3, tr.56]. Hệ thống các giá trị truyền thống Việt Nam đã được hình thành trong suốt hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong sự giao lưu, tiếp thu, cải biến, chọn lọc những giá trị văn hoá của các dân tộc khác. Tuy vậy, cái cốt 13 lõi trong hệ thống các giá trị truyền thống Việt Nam hoàn toàn bắt nguồn từ nền tảng của dân tộc, từ truyền thống hàng nghìn năm kiên trì chịu đựng gian khổ, khó khăn và vượt qua một cách oanh liệt các tác động khắc nghiệt khác nhau của tự nhiên và xã hội. Truyền thống vừa có giá trị tinh thần, vừa có giá trị giáo dục. Truyền thống cũng bao gồm cả những mặt tích cực và tiêu cực. Truyền thống được hình thành, tồn tại và phát triển nhờ hoạt động sáng tạo của con người, của những mối quan hệ khác nhau, hoạt động này xuyên suốt quá trình tồn tại của xã hội, của đời sống con người, mỗi tập thể và cộng đồng dân tộc. Do đó bản chất của xã hội truyền thống là sự lặp đi lặp lại có tuyển chọn, sự tích lũy, truyền bá, sự kế thừa và sáng tạo những kinh nghiệm sống và đấu tranh của các thế hệ nối tiếp. Truyền thống có những chức năng xã hội rất quý báu đó là: giao tiếp, thông tin, điều chỉnh và giáo dục. Chính nhờ những chức năng này mà mẫu mực của hoạt động, của hành vi con người, chuẩn mực và nguyên tắc của các mối quan hệ xã hội, kinh nghiệm sống và đấu tranh, giá trị văn hóa tinh thần của con người được lưu truyền và phát triển tự đời này sang đời khác. Trong xã hội hiện nay với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và sự hội nhập quốc tế trong những điều kiện mới với những ảnh hưởng theo chiều hướng khác nhau (tích cực và tiêu cực), vấn đề bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc mà trong đó truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc là tinh hoa quý giá nhất, nó tạo nên sức mạnh để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Dân tộc ta đã trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, hiên ngang, bất khuất, kiên cường. Đó là phẩm chất mang tính truyền thống được hun đúc trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam. Song để bảo tồn được những giá trị văn hóa quý báu đó là vấn đề không đơn giản, nhất là trong bối cảnh xã hội theo cơ chế thị trường hiện nay với sự chi phối của đồng tiền và những ảnh hưởng xấu của các luồng tư tưởng tiêu cực, suy thoái. Vì thế, mà những tinh hoa văn hóa của dân tộc đang ngày bị mai một và cũng vì ảnh hưởng tiêu cực mà “đạo đức nhân cách con người đang bị xuống cấp một cách trầm trọng, tới mức nguy hiểm đến vận mệnh dân tộc tương lai của đất nước” [83]. 14 Nội dung của các truyện tranh lịch sử Việt Nam phản ánh một cách rõ nét truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước. Những truyền thống đó được hình thành từ những buổi đầu sơ khai và được giữ gìn và phát huy từ đời này sang đời khác lịch sử dựng nước và giữ nước đã minh chứng hùng hồn truyền thống quý báu đó. Đối với mỗi học sinh tiểu học, thì truyền thống này phải được hiểu cụ thể, bằng những câu chuyện cụ thể. Lòng yêu nước đối với học sinh tiểu học đó là: yêu quê hương, đất nước, yêu gia đình, trước hết là yêu ông bà, yêu cha mẹ, thầy cô anh chị em ruột thịt, yêu bạn bè, biết yêu quý các gia đình thương binh liệt sỹ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng… mà khái quát thành tình yêu bao la – tình yêu nhân loại, như đúng với 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào…”. 1.1.1.3. Giáo dục truyền thống yêu nước Truyền thống có nhiều cấp độ, nhưng truyền thống đẹp nhất, đáng trân trọng nhất của nhân dân Việt Nam chính là truyền thống yêu nước. Chính truyền thống này đã giúp chúng ta tạo dựng nên tên tuổi quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Lòng yêu nước là tình yêu quê hương đất nước là lòng trung thành với Tổ quốc, có khát vọng, có hành động tích cực để phục vụ và đem lại lợi ích cho Tổ quốc, nhân dân. Giáo dục truyền thống dân tộc nói chung, truyền thống yêu nước nói riêng là yêu cầu quan trọng với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Với nhiều hình thức bằng nhiều thể loại văn hóa phong phú khác nhau, tổ tiên ta có nhiều kinh nghiệm quý báu để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ đời sau. Việc nghiên cứu khai thác, chọn lọc, sử dụng, phát huy các hình thức giáo dục này rất có ích cho công tác tư tưởng chính trị của chúng ta ngày nay. Đề cập đến vấn đề này GS. Phan Huy Lê cho rằng “Mọi người có thể hiểu yêu nước là tình cảm phổ biến của nhân dân các nước khi đã trở thành quốc gia, dân tộc, là tình cảm và ý thức trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, Tổ quốc” [13, tr.9]. Nói về sự cần thiết của việc giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày 15 trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến. Tinh thần yêu nước chân chính khác hẳn với tinh thần “vị quốc” của bọn phản động. Nó là một bộ phận của tinh thần quốc tế” [63, tr.140]. Việc giáo dục truyên thống yêu nước trong thời kỳ nhân dân ta thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong lúc hòa nhập vào khu vực và thế giới có ý nghĩa to lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời với việc tiếp thu có chọn lựa. Đây là cuộc đấu tranh quyết liệt, phức tạp nhằm chống lại chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch phản động. Truyền thống yêu nước là một nhân tố chủ yếu, quan trọng, là cốt lõi. Nó chi phối những hoạt động của con người, trên tất cả các lĩnh vực vật chất và tinh thần, lao động sản xuất, cũng như chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc. Quá trình hình thành và phát triển của truyền thống yêu nước Việt Nam. Truyền thống dân tộc được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử của các cộng đồng người xuất hiện và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nổi bật lên truyền thống yêu nước, với những tình cảm, tư tưởng cao đẹp, thiêng liêng nhất, cội nguồn của những hoạt động dũng cảm, sáng tạo vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc, đất nước. Chung lại, truyền thống yêu nước là một nội dung chủ yếu của truyền thống dân tộc, nó xuất hiện trên cơ sở lòng yêu quê hương; nó xuất hiện với sự phân hóa xã hội, hình thành giai cấp và nhà nước. Tuy nhiên, từ tình yêu gia đình, làng xóm đến tình yêu đất nước là một khoảng cách khá xa, trải qua một quá trình lâu dài, nhất là ở nước ta, sự hình thành quốc gia, dân tộc trên cơ sở sự liên kết các xóm, làng nông nghiệp. Lòng yêu nước chân chính đã là và mãi là một động lực mạnh mẽ trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và góp phần vào thắng lợi của cách mạng thế giới. 16 Theo GS. Trần Văn Giàu, lịch sử dân tộc qua các thời kỳ dài ngắn khác nhau, liên tục hay gián đoạn không giống nhau. Quá trình phát triển của lịch sử đó gồm nhiều thời kỳ, nhiều biến cố, bên ngoài tưởng chừng rời rạc mà kỳ trung có liên quan, ngay cả trong khi đứt, thường cũng có cái nối. Do vậy, “dường như có một sợi chỉ nào, vô hình mà thực tại, xâu chuỗi các thời kỳ và các biến cố trọng yếu của lịch sử của một số không nhỏ các dân tộc” [6, tr.99]. Trong thực tế lịch sử Việt Nam, lòng yêu nước không chỉ thể hiện bằng việc chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc mà còn kết tinh rực rỡ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước sau khi giành độc lập. Rất nhiều cá nhân, tập thể có nhiều cống hiến xứng đáng trong cuộc xây dựng đất nước, đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh Hùng thời kỳ đổi mới. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế theo xu hướng toàn cầu hóa, việc gìn giữ phát triển truyền thống yêu nước không chỉ đối với đồng bào trong nước mà cả đồng bào sống xa quê hương ở nhiều nước trên thế giới, luôn hướng về quê cha, đất tổ. Lòng yêu nước là cơ sở để cố kết mọi người Việt Nam đấu tranh cho độc lập dân tộc, giàu mạnh của đất nước và tiến bộ xã hội. 1.1.1.4. Truyện tranh Từ điển bách khoa Việt Nam 4 định nghĩa “Truyện tranh là truyện được kể bằng hình ảnh trong những khuôn hình nối tiếp nhau với những nhân vật, xuất hiện liên tục. Phần lời chú thích hoặc đối thoại được ghi trong hoặc ngoài khuôn hình tùy theo từng cách thể hiện của tác giả” [23, tr.632]. Truyện tranh trong tiếng Anh được gọi là Comics, nó được hiểu nôm na là những câu chuyện trong cuộc sống hàng này của chúng ta hay cũng có thể là những câu chuyện hư cấu, hay trong tưởng tượng được người ta chuyển hóa qua những bức tranh vẽ, trong đó có thể chèn hoặc không chèn các lời thoại, các từ ngữ, hay các câu văn kể chuyện. Truyện tranh có một lịch sử dài gắn liền với sự phát triển của nhân loại. “Hình thức này đã có ở tranh tường, phù điêu trong những ngôi mộ cổ Ai Cập, đền chùa Ấn Độ, Khơ Me, In-đô-nê-si-a, Trung Hoa…” [23, tr.632]. Thật ra, khái niệm “comics” nếu dịch đúng nghĩa đen thì chỉ đơn giản là “hài hước”. Chỉ từ giai đoạn 1937 - 1939 trở đi, comics mới mang ý nghĩa là “truyện 17 tranh” như ngày nay. Pháp và Bỉ là hai trong những nước nổi tiếng về truyện tranh ở Châu Âu. “Truyện tranh xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trên môt. Tờ báo ở Hoa Kỳ, lúc đầu dưới dạng những băng hình với tình huống hài ngắn, sau phát triển dần thành những truyện tranh dài nhiều kỳ, những tạp chí riêng, những cuốn sách với những chủ đề ngày càng mở rộng: huyền thoại, cổ tích, lịch sử, khoa học, phiêu lưu, kinh dị, viễn tưởng…cùng với các nhân vật nổi tiếng như Tarzan, Spiru, Tintin, Lucky Luke, Asterik, vv” [23, tr.632]. Manga được biết đến như một trong những giá trị văn hóa đặc trưng của Nhật Bản hiện đại. Trong dòng chảy của giao lưu văn hoá hiện nay, Manga Nhật Bản đã đến được rất nhiều nước trên thế giới và đã góp phần tạo nên “hiện tượng Nhật Bản”. Cuối thế kỷ XIX truyện tranh hiện đại lần đầu tiên được in trên một tờ báo tại Mỹ với hình thức một mẩu truyện châm biếm chính trị. Nếu như truyện tranh Nhật Bản được định hình bằng khái niệm manga, truyện tranh phương Tây là comics thì khái niệm “manhwa” được dành cho truyện tranh Hàn Quốc. Có thể nói, truyện tranh Hàn Quốc là một nền truyện tranh trẻ, có bước khởi đầu khá muộn so với những “siêu cường” truyện tranh khác, nhưng lại phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây. Ngày nay, manhwa thực sự đã trở thành một phương tiện truyền thông chính, cùng với âm nhạc và phim truyền hình trong công cuộc quảng bá văn hóa Hàn Quốc do chính phủ nước này khởi xướng. Không phải đơn giản để một thuật ngữ như manhwa có thể xây dựng được một chỗ đứng vững chắc trong hệ thống thuật ngữ về truyện tranh trên toàn thế giới. Nó phải dựa trên một nền công nghiệp phát triển ổn định và vững chắc mới duy trì được thành công đó. Khái niệm về “manhua” (truyện tranh Trung Quốc) từ lâu đã không còn mới mẻ đối với độc giả Việt Nam. Mặc dù không nổi bật bằng manga, comics hoặc manhwa trên thế giới, nhưng đối với thị trường truyện tranh Việt Nam, manhua vẫn luôn giữ được một vị trí đặc biệt. Có thể nói, cách thể hiện hình vẽ của manga và manhwa hiện nay đều có nguồn gốc từ hội họa Trung Hoa. Khái niệm. Chữ “truyện tranh” trong tiếng Việt vừa chỉ loại truyện tranh trên lời dưới (truyện tranh truyền thống), vừa chỉ loại truyện tranh hiện đại (comic, 18 manga, manhwa, manhua) rất phổ biến hiện nay. Vì vậy, khi nói đến truyện tranh thời kỳ đầu ở Việt Nam là nói đến loại truyện tranh theo kiểu truyền thống, tranh theo truyện hay truyện có tranh minh họa. Với một đội ngũ cộng tác viên là những họa sĩ tài ba, ngay từ rất sớm, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra đời những truyện tranh đầu tiên thuộc loại này. Ban đầu là truyện tranh đen trắng, về sau có thêm truyện tranh màu, phần lớn là các đề tài truyền thống, như cổ tích, dân gian, lịch sử hoặc đấu tranh cách mạng. 1.1.1.5. Đặc điểm của truyện tranh lịch sử Việt Nam Truyện tranh lịch sử là một chuỗi câu chuyện dựng lại quá trình lịch sử nước ta từ thuở xa xưa cho đến thời kỳ hiện đại. Trải qua bao thế hệ, bằng mồ hôi, xương máu, các dân tộc Việt Nam đã cùng chung sức dựng nước và giữ nước, viết nên những trang sử hào hùng trong nền văn minh nhân loại. Truyện tranh lịch sử được biên soạn về tất cả các sự kiện và nhân vật lịch sử theo đúng trình tự thời gian. Sách được biên soạn nhằm giúp cho học sinh và giáo viên hiểu các khái niệm cơ bản, sự kiện nổi bật, nhân vật tiêu biểu, thuật ngữ Lịch sử thông dụng, địa danh lịch sử, các tổ chức xã hội gắn liền và các tác phẩm quan trọng viết về lịch sử Việt Nam và thế giới. Trong quá trình biên soạn những sự kiện xác thực xảy ra trong lịch sử, nhưng để tăng thêm tính hấp dẫn, những người biên soạn cũng lựa chọn đưa thêm một số chi tiết huyền thoại có ghi trong chính sử. Trong thực tế, truyện tranh thuộc loại hình văn học có tính nguyên hợp sâu sắc với hội họa và một số loại hình, bộ môn nghệ thuật khác như điện ảnh, nhiếp ảnh. Đọc truyện tranh lịch sử là một phương pháp đọc sách rất được ưa chuộng của trẻ em, đọc truyện tranh lịch sử có thể cho các em thấy được sự thú vị của thế giới truyện, đồng thời, cũng có thể kích thích con người ta suy nghĩ sâu xa hơn. Trẻ có thể thưởng thức sự thú vị trong truyện tranh lịch sử, sau đó nâng cao khả năng suy nghĩ mọi vấn đề. Hiện nay, sự hội nhập văn hóa cùng sự phát triển của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là Internet khiến các loại hình giải trí của công nghệ cao trở thành mối quan tâm hàng đầu của thế hệ trẻ. Và lịch sử, vốn từ 19 lâu đã không được thế hệ trẻ chú trọng tìm hiểu, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần vốn có, nay lại càng bị lơ là, hờ hững. Đặc biệt, sách truyện tranh lịch sử hay, phù hợp với thị hiếu thanh thiếu niên Việt Nam lại càng thiếu trầm trọng. Sách lịch sử trong nhà trường vẫn còn là một kênh thông tin quá khô cứng, giảm sự hứng thú của các em khi đến với lịch sử. Trong khi sách sử Trung Quốc, truyện tranh Nhật Bản,… lại chiếm số lượng rất lớn trong các nhà sách. Sự xâm nhập và xâm lấn của văn hóa ngoại bang là một điều đáng lo ngại khi thế hệ trẻ không hiểu rõ lịch sử nước nhà. Từ đó, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cũng sẽ ngày càng mai một. Truyện tranh từ lâu đã trở thành “món ăn tinh thần” với không chỉ trẻ em Việt Nam mà trên toàn thế giới. Ý tưởng chuyển tải lịch sử qua những cuốn truyện tranh là một sự sáng tạo vượt bậc nhằm tạo ra một bước đột phá không chỉ trong thị trường truyện tranh mà còn nhằm đưa kiến thức lịch sử dân tộc đến gần với độc giả. Truyện tranh lịch sử Việt Nam là một bộ sách khá nổi bật trong các dòng sách lịch sử dành cho trẻ em trên tinh thần là tôn vinh lịch sử, mềm hóa lịch sử. Truyện tranh lịch sử Việt Nam (LSVN) được xem là dạng sách truyện giải trí, cũng là sách dạng tư liệu bổ sung kiến thức. Các truyện tranh LSVN bao gồm những tích truyện hay, theo thiên hướng dã sử và những truyện được lịch sử chính thống ghi nhận, mang tính xác thực. Bộ truyện được chia theo từng triều đại hay từng giai đoạn lịch sử cụ thể, với các thông tin, sự kiện, nhân vật lịch sử được chọn lọc từ các bộ sách của các nhà biên soạn lịch sử uy tín: Lam Sơn Thực Lục (Nguyễn Trãi), Đại Việt Sử Ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Việt Nam Sử lược (Trần Trọng Kim), Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn),… Hầu hết các truyện đều có bố cục gọn gàng, nhẹ nhàng, tự nhiên và không gò bó, lời văn trôi chảy, dễ đọc và đặc biệt chuẩn xác về mặt văn phạm. Người đọc có thể thấy rõ mục đích giáo dục của từng câu chuyện, được trình bày một cách khéo léo, thông qua các sự kiện diễn ra mà không lộ liễu như những lời khuyên răn hay lên lớp. Có lẽ đây là ưu điểm lớn nhất của bộ Truyện tranh lịch sử Việt Nam. Ngoài các kiến thức cơ bản trong chương trình giảng dạy, đọc Truyện tranh lịch sử Việt Nam sẽ có cảm giác như đang đọc một quyển sách thú vị mà lại biết 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan