Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học địa vị pháp lý của hội cựu chiến binh việt nam trong quản lý nhà nước ở nước ta ...

Tài liệu địa vị pháp lý của hội cựu chiến binh việt nam trong quản lý nhà nước ở nước ta hiện nay

.PDF
185
480
56

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ĐỖ HỮU PHƯƠNG ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Ở NƯỚC TA HIỆN NAY Chuyên ngành: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính Mã số: 62 38 01 02 LUẬN ÁN TIẾN SỸ LUẬT HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Vũ Thư Hà Nội, 2017 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, không có sự sao chép ở bất cứ công trình nào khác, các số liệu sử dụng trong luận án là hoàn toàn trung thực, chính xác. Người cam đoan ĐỖ HỮU PHƯƠNG MỤC LỤC MỞ ĐẦU...................................................................................................................... ..1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN ............................................................................................................ ..6 1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước ...................................................................... ..6 1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài ...................................................................... 10 1.3. Đánh giá về tình hình nghiên cứu ......................................................................... 14 1.4. Những vấn đề được tiếp tục nghiên cứu trong luận án ........................................ 16 CHƯƠNG 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC .................... 18 2.1. Khái niệm, đặc điểm và vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam ..................... 18 2.2. Địa vị pháp lý của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong quản lý nhà nước .......... 29 2.3. Các bảo đảm thực hiện địa vị pháp lý của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong quản lý nhà nước ......................................................................................................... 44 CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY .......... 62 3.1. Quá trình hình thành và phát triển địa vị pháp lý của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong quản lý nhà nước ....................................................................................... 62 3.2. Thực trạng quy định pháp luật về địa vị pháp lý của Hội Cựu chiến binh trong quản lý nhà nước .......................................................................................................... 71 3.3. Địa vị pháp lý của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong thực tiễn quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay ..................................................................................................... 89 3.4. Đánh giá chung địa vị pháp lý của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong quản lý nhà nước ...................................................................................................................... 105 CHƯƠNG 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA HỘI CỰU CHIẾN BINH TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY................................................................................................................... 113 4.1. Sự cần thiết phải hoàn thiện địa vị pháp lý của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong quản lý nhà nước ở nước ta hiện nay............................................................................ 113 4.2. Quan điểm hoàn thiện địa vị pháp lý của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong quản lý nhà nước hiện nay..................................................................................................... 126 4.3. Giải pháp tăng cường địa vị pháp lý của Hội Cựu chiến binh Việt Nam.............. 137 KẾT LUẬN ................................................................................................................. 150 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................. 152 DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT ASEAN Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á CCB Cựu chiến binh CCBVN Cựu chiến binh Việt Nam CNH Công nghiệp hóa CP Chính phủ HCCB Hội Cựu chiến binh HCCBVN Hội Cựu chiến binh Việt Nam HĐH Hiện đại hóa MTTQ Mặt trận Tổ quốc MTTQVN Mặt trận Tổ quốc Việt Nam NĐ-CP Nghị định của Chính phủ QH Quốc hội TTLT-BTP-TWHCCBVN Thông tư Liên tịch - Bộ Tư pháp - Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam UBND Ủy ban nhân dân VA U.S. of Veterans Affairs (Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ) VECONAC Veterans Confdration of ASEAN Countries (Liên đoàn Cựu chiến binh ASEAN) WVF World Veterans Fedearion (Liên đoàn Cựu chiến binh thế giới) XHCN Xã hội chủ nghĩa XHCNVN Xã hội chủ nghĩa Việt Nam MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội có vị thế chính trị ngày càng cao, các tổ chức xã hội ngày càng được coi trọng. Điều này thể hiện ở việc Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận MTTQVN, trong đó có HCCBVN là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân [64, Điều 9]. Cũng theo tinh thần ngày càng đề cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, Hiến pháp đã mở rộng thêm thành phần của các tổ chức này. Điểm mới của Hiến pháp năm 2013 là đã xác định rõ HCCBVN và các tổ chức chính trị - xã hội khác là thành viên của MTTQVN trong hệ thống chính trị nước ta và đây cũng là bản Hiến pháp đầu tiên ghi nhận và khẳng định vai trò của HCCBVN [64, khoản 2, Điều 9] trong văn bản pháp lý tối cao của Nhà nước Việt Nam. Điều đó chỉ ra rằng các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và vị thế của các tổ chức này ngày càng được khẳng định và coi trọng. Thực tiễn đời sống chính trị xã hội Việt Nam hiện nay, vai trò của HCCBVN thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân; trong đó có lĩnh vực rất quan trọng là tham gia quản lý nhà nước. Trong những năm qua, bằng thực tiễn hoạt động của mình, HCCBVN với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội đã có những đóng góp quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước mà cụ thể là Hội đã tham gia quản lý nhà nước trên nhiều phương diện. Với tư cách là một trong những tổ chức thuộc MTTQ, Hội giới thiệu nhân sự tham gia hiệp thương khi tổ chức bầu cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước; tham gia giám sát việc thực quyền lực nhà nước, quản lý nhà nước; tham gia phản biện xã hội, trực tiếp đưa kiến nghị đối với các hoạt động quản lý nhà nước; trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý nhà nước ở cơ sở. Tuy vậy cho đến nay, địa vị pháp lý của HCCBVN cũng chưa thực sự được làm rõ, nhất là địa vị pháp lý của Hội trong quản lý nhà nước. Điều đó dẫn đến việc tham gia phối hợp trong quản lý nhà nước của HCCBVN với các cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập cả từ phía Hội lẫn từ phía các cơ quan nhà nước có liên quan. Đáp ứng yêu cầu hiện nay của Đảng và Nhà nước ta về đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN thì dân chủ là vấn đề có tính căn bản và cấp thiết. Do đó, Nhà nước phải xây dựng và hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong việc củng 1 cố, nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nói chung và của HCCBVN nói riêng nhằm phát huy tiềm năng, sức mạnh của các tổ chức xã hội và HCCBVN, để Hội thực sự có nhiều đóng góp hơn nữa trong hoạt động quản lý nhà nước. Từ những luận điểm nêu trên, tác giả đã lựa chọn đề tài: “Địa vị pháp lý của HCCBVN trong quản lý nhà nước ở nước ta hiện nay” làm đề tài luận án tiến sĩ luật học. Tác giả mong muốn kết quả thực hiện đề tài sẽ góp phần bổ sung luận cứ khoa học về vai trò của HCCBVN trong tham gia quản lý nhà nước, góp phần vào việc hoàn thiện pháp luật cũng như thực hiện pháp luật liên quan đến địa vị pháp lý của HCCBVN. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở nhận thức lý luận về địa vị pháp lý của HCCBVN và thực trạng địa vị pháp lý của HCCBVN trong tham gia quản lý nhà nước ở nước ta thời gian qua, luận án đề xuất các giải pháp hoàn thiện địa vị pháp lý của HCCBVN trong lĩnh vực quản lý nhà nước ở nước ta. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện mục đích trên, luận án có nhiệm vụ: Thứ nhất, phân tích làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về tham gia quản lý nhà nước của HCCBVN như: khái niệm, đặc điểm, vai trò, vị trí, các bảo đảm thực hiện địa vị pháp lý của Hội trong quản lý nhà nước. Thứ hai, phân tích, đánh giá quá trình hình thành, phát triển và thực trạng địa vị pháp lý của HCCBVN trong tham gia quản lý nhà nước hiện nay. Thứ ba, trên cơ sở nhận thức lý luận và đánh giá thực trạng địa vị pháp lý của HCCBVN trong tham gia quản lý nhà nước hiện nay, luận án đề xuất các giải pháp đổi mới, hoàn thiện và nâng cao địa vị pháp lý của HCCBVN trong quá trình xây dựng bộ máy Nhà nước Việt Nam theo hướng nhà nước pháp quyền XHCN. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Luận án nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về địa vị pháp lý của HCCBVN trong tham gia quản lý nhà nước ở nước ta. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Về phạm vi không gian, tác giả đã đặt nghiên cứu địa vị pháp lý của HCCBVN trong tham gia quản lý nhà nước trong phạm vi cả nước, có so sánh kinh nghiệm với 2 HCCB một số nước có tổ chức hội tương tự. Về thời gian, tác giả chủ yếu nghiên cứu từ khi Hội được thành lập ngày 6/12/1989 đến nay với các điểm nhấn là các văn kiện chính trị, pháp lý ghi nhận về địa vị pháp lý của Hội. Ngoài ra, tác giả có đề cập đến những vấn đề có tính lịch sử tạo nên địa vị pháp lý của Hội giai đoạn trước khi thành lập nhưng chỉ mang tính sơ lược và liệt kê. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Cơ sở phương pháp luận cho việc nghiên cứu đề tài là các quan điểm, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về các tổ chức chính trị - xã hội; về HCCB, về xây dựng nhà nước pháp quyền, về quản lý nhà nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về các tổ chức chính trị - xã hội là sự kế thừa những tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng được áp dụng thành công trong các điều kiện lịch sử Việt Nam. Do đó, đây là những tư tưởng, quan điểm phù hợp, được xã hội thừa nhận. Việc sử dụng những tư tưởng, quan điểm này vừa đảm bảo tính khách quan và phù hợp với thực tiễn điều kiện nước ta hiện nay, nó không làm chệch hướng nghiên cứu của luận án. Phương pháp nghiên cứu của luận án là những phương pháp có độ tin cậy cao, phổ biến hiện nay như: phương pháp phân tích, tổng hợp, chứng minh, so sánh, quy nạp, thống kê, lịch sử và điều tra xã hội học… Đối với yêu cầu của từng chương, tác giả sẽ có những ưu tiên trong việc sử dụng từng phương pháp để làm sáng tỏ vấn đề cần nghiên cứu. Cụ thể: - Trong Chương 1, tác giả sử dụng các phương pháp phân tích, quy nạp và chứng minh. Trong đó, phương pháp phân tích giúp tác giả làm rõ những phạm vi liên quan đến luận án đã được các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu trước đó để làm rõ những phạm vi cần được tiếp tục tiến hành nghiên cứu trong luận án. Phương pháp quy nạp được sử dụng để khái quát vấn đề nghiên cứu thành những khái niệm, phạm vi, đặc điểm, từ đó sử dụng làm các căn cứ tiến hành nghiên cứu luận án. Phương pháp chứng minh được sử dụng nhằm chỉ ra những phạm vi cần phải tiếp tục nghiên cứu hoặc những vấn đề chưa có tác giả nào nghiên cứu mà luận án phải tập trung làm rõ. - Ở Chương 2, tác giả sử dụng các phương pháp lịch sử, phân tích, chứng minh để làm rõ những nội dung nghiên cứu. Phương pháp lịch sử được sử dụng trong việc đánh giá các yếu tố tác động của lịch sử đã tạo nên các giá trị của chủ thể, các điều 3 kiện kinh tế - xã hội đã khẳng định vai trò của HCCBVN trong xã hội và trong quản lý nhà nước. Phương pháp phân tích được sử dụng trong việc phân tích, đánh giá các Văn kiện của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò của Hội trong tham gia quản lý nhà nước. Phương pháp chứng minh được sử dụng để chứng minh vai trò của Hội trong tham gia quản lý nhà nước từ các phương diện chính trị, lịch sử, pháp lý… - Trong Chương 3, nhằm đánh giá thực trạng tham gia quản lý nhà nước của Hội, các phương pháp phân tích, chứng minh, thống kê, điều tra xã hội học được tác giả sử dụng là chủ yếu. Phương pháp phân tích được sử dụng để làm rõ các phạm vi pháp lý của Hội nói riêng và MTTQVN nói chung trong tham gia quản lý nhà nước; làm rõ kết quả và hạn chế trong tham gia quản lý nhà nước của Hội. Phương pháp chứng minh nhằm khẳng định việc tham gia quản lý nhà nước của Hội được xuất phát từ cơ sở khoa học khách quan cũng như những giá trị lịch sử mà Hội đã đóng góp, được xã hội thừa nhận. Phương pháp thống kê và điều tra xã hội học được sử dụng để minh họa các kết quả khảo sát xã hội học mà tác giả đã thực hiện khi nghiên cứu luận án. - Đối với Chương 4, do là chương đề xuất các quan điểm, giải pháp nên tác giả sử dụng phương pháp phân tích, phương pháp chứng minh để làm rõ những quan điểm, giải pháp nhằm góp phần đổi mới cơ chế quản lý và hoàn thiện địa vị pháp lý của HCCBVN trong tham gia quản lý nhà nước. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Những đóng góp mới của luận án thể hiện trên những nội dung sau: Một là, luận án đã phân tích, làm rõ nhận thức lý luận về địa vị pháp lý của HCCBVN trên các khía cạnh khác nhau (khái niệm, đặc điểm, vai trò, nội dung, các bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý) là những vấn đề mới chưa được nghiên cứu; Hai là, luận án tổng hợp, phân tích các dữ liệu, tài liệu về quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý cũng như các bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của HCCBVN, từ đó đưa ra bức tranh tổng quát cũng như nhìn nhận mới về thực trạng địa vị pháp lý của HCCBVN trong tham gia quản lý nhà nước; Ba là, từ nhận thức lý luận và làm sáng tỏ thực trạng địa vị pháp lý của HCCBVN trong tham gia quản lý nhà nước, luận án đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện địa vị pháp lý của HCCBVN trong mối liên hệ với việc thực hiện quyền lực nhà nước trong quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. 4 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án Kết quả nghiên cứu luận án góp phần khẳng định và thực hiện địa vị pháp lý của HCCBVN nói riêng, của MTTQ và các thành viên MTTQVN nói chung trong hoạt động quản lý nhà nước ở nước ta hiện nay. Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc xây dựng, đổi mới quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ pháp lý cũng như các bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ đó của HCCBVN (các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội khác) trong việc tham gia quản lý nhà nước. Đồng thời, luận án đưa lại nhận thức mới đối với các cơ quan quản lý nhà nước về tôn trọng và bảo đảm sự tham gia của HCCBVN trong quản lý nhà nước. Đối với HCCBVN, luận án là tài liệu tham khảo góp phần nâng cao nhận thức và năng lực tham gia quản lý nhà nước của Hội, làm cho thành viên của Hội vững tin và năng động, tích cực tham gia vào quản lý nhà nước. Luận án có thể được sử dụng làm tư liệu cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội của công dân. 7. Cơ cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, phần nội dung của luận án bao gồm 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án. Chương 2: Những vấn đề lý luận về địa vị pháp lý của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong quản lý nhà nước. Chương 3: Thực trạng địa vị pháp lý của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Chương 4: Quan điểm và giải pháp hoàn thiện địa vị pháp lý của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong quản lý nhà nước ở nước ta hiện nay. 5 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước Từ khi HCCBVN thành lập năm 1989 đến nay, những nghiên cứu về CCBVN và HCCBVN đã được các cá nhân, tổ chức quan tâm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là một tổ chức đặc thù, có ý nghĩa tác động theo nhiều chiều đối với Nhà nước và xã hội. Do là một hội mới được thành lập lại có tính đặc thù rất riêng biệt với các tổ chức hội khác nên đến nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu. Dù vậy, đã có một số các công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp đến CCBVN, đến HCCBVN và các công trình nghiên cứu liên quan khác, nhất là các công trình nghiên cứu về HCCBVN với tư cách là một tổ chức xã hội công dân. Dưới đây, tác giả đề cập đến các công trình đã nghiên cứu về HCCBVN đã được thực hiện trong thời gian qua. 1.1.1. Đề tài nghiên cứu khoa học - Đề tài cấp Nhà nước “Cơ sở lý luận và thực tiễn của sự hình thành và phát triển của xã hội dân sự định hướng XHCN ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trong Chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước mã số KX.02/06-10 do GS. TS. Đỗ Hoài Nam làm chủ nhiệm. Đề tài đã đề cập đến hoàn thiện pháp luật về hội ở Việt Nam trong thời gian tới. - Nhiệm vụ cấp Bộ: ‘‘Cựu chiến binh trong công tác nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam’’ năm 2006 do HCCB Viện Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện. Trong nhiệm vụ này, nhóm tác giả đã làm rõ vị trí, vai trò của CCB ở vị trí là nhà nghiên cứu khoa học xã hội và là cán bộ, nhân viên làm công tác phục vụ nghiên cứu khoa học. Đề tài có đề cập đến những quy định về vị trí, vai trò và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của CCB và HCCB Viện Khoa học xã hội Việt Nam trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở cơ quan khoa học xã hội và nhân văn. - Chuyên đề nghiên cứu “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của HCCBVN trong hệ thống chính trị - Thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, vấn đề và giải pháp” năm 2014 do Trung ương HCCBVN thực hiện thuộc đề tài cấp Nhà nước về “Tổng kết 30 năm đổi mới”. Tác giả Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch HCCBVN và nhóm nghiên cứu đã đề cập đến vị trí, vai trò của CCB và HCCBVN trong quá trình đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; đề xuất một số kiến nghị, giải 6 pháp để củng cố và phát huy vị trí, vai trò của CCB và HCCBVN đối với Đảng, Nhà nước trong thời gian tới. Đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu nêu trên ít nhiều có liên quan đến địa vị pháp lý của CCBVN và HCCBVN. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu nói trên mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá thực trạng tình hình, kết quả hoạt động; kiến nghị các giải pháp để giải quyết theo yêu cầu của đề tài, nhiệm vụ; chưa nghiên cứu toàn diện, đầy đủ, sâu sắc; nhất là thiếu lý luận khoa học cho việc khẳng định địa vị pháp lý của HCCBVN trong tham gia quản lý nhà nước. 1.1.2. Các sách chuyên khảo, tham khảo - Sách “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCNVN trong giai đoạn hiện nay. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” xuất bản năm 2009 do các tác giả Đào Trí Úc, Phạm Hữu Nghị chủ biên. Cuốn sách là tổng quan rộng lớn về những vấn đề lý luận của nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó có nội dung đề cập đến cơ chế bảo đảm quyền con người trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Theo đó, quyền và nghĩa vụ pháp lý cơ bản của cá nhân công dân được bảo đảm thực hiện thông qua MTTQVN và các thành viên của Mặt trận. Song các tác giả cũng chỉ ra rằng, Đảng và Nhà nước cần phải tạo mọi điều kiện cần thiết, đặc biệt là Nhà nước, phải tạo lập hành lang pháp lý phù hợp và đủ rộng cho các tổ chức thành viên của MTTQ hoạt động có hiệu quả. - Sách tham khảo “Một số văn bản cần thiết về công tác CCBVN” năm 2011 của nhóm tác giả thuộc Trung ương HCCBVN, do tác giả Phạm Hữu Bồng chỉ đạo biên tập đã tập hợp khá đầy đủ các văn bản của Đảng, Nhà nước về lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo hoạt động của CCB và HCCBVN; các mối quan hệ phối hợp giữa HCCBVN với các tổ chức hội và các cơ quan của Nhà nước cũng được đề cập dưới dạng văn bản, quy chế, quy định, kế hoạch công tác của HCCBVN. - Chuyên khảo “Xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam”, NXB Chính trị - Hành chính, năm 2009 của GS.TS. Dương Xuân Ngọc đề cập nhiều nội dung phong phú về lược sử xã hội dân sự, cấu trúc của xã hội dân sự… trong đó có nội dung liên quan đến vị trí, vai trò của các hội quần chúng đối với sự hình thành, phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam. - Chuyên khảo “Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội ở Việt Nam”, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, năm 2012 do TS. Thang Văn Phúc và TS. Nguyễn Minh Phương đồng chủ biên. Đây là những nghiên cứu công phu, tỉ mỉ về các tổ chức xã 7 hội, các hội nghề nghiệp; có những khuyến nghị xã hội về phát huy vai trò của các tổ chức xã hội ở Việt Nam; là những nguồn tư liệu quý để luận án kế thừa và phát triển. - Chuyên khảo “Xã hội dân sự - Một số vấn đề chọn lọc”. NXB Tri Thức, năm 2007 của nhóm nghiên cứu do tác giả Vũ Duy Phú chủ biên đã đề cập sâu đến xã hội dân sự từ nguồn gốc đến bối cảnh hiện tại trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời chỉ ra mối quan hệ hợp tác giữa nhà nước với xã hội dân sự và đề cập đến tương lai phát triển của xã hội dân sự thông thái tương xứng với nhà nước pháp quyền hiện đại của Việt Nam trong thế kỷ XXI. - Chuyên khảo “Pháp luật về quyền tự do lập hội, hội họp hoà bình trên thế giới và của Việt Nam”. NXB Hồng Đức, năm 2016 do PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh chủ biên đã phân tích sâu về quyền lập hội và quyền hội họp hòa bình trong pháp luật nhân quyền quốc tế, pháp luật của một số quốc gia và Việt Nam. Cuốn sách đã phân tích sâu về nguồn gốc, về lịch sử phát triển quyền lập hội và quyền hội họp hòa bình trên thế giới và tại Việt Nam; làm rõ nội hàm khuôn khổ pháp lý trong thực hiện quyền lập hội và quyền hội họp hòa bình và những giá trị của quyền này trong xây dựng và thực hiện nền dân chủ của các quốc gia; khẳng định quyền lập hội và quyền hội họp hòa bình là nhu cầu tự nhiên và cơ bản của con người. Đây là nguồn tư liệu có giá trị khoa học cao để tác giả kế thừa và phát triển luận án. Các công trình chuyên khảo, tham khảo trên đây đã phân tích đi sâu vào nghiên cứu về nhà nước pháp quyền và nhà nước pháp quyền XHCN; nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCNVN hiện nay và những định hướng cho tương lai; nghiên cứu về xã hội công dân, về mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền với xã hội công dân; về sự tác động qua lại giữa nhà nước với xã hội công dân và đề xuất giải pháp xây dựng, củng cố, phát triển xã hội công dân của Việt Nam gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCNVN, trong đó có đề cập đến vị trí, vai trò, địa vị của các tổ chức hội, tổ chức xã hội trong quản lý nhà nước. 1.1.3. Các bài tạp chí, báo cáo khoa học, luận án - “Mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội dân sự và vấn đề cải cách hành chính” của tác giả Đào Trí Úc đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4, 2004. Trong bài viết này, tác giả đã đề cập đến mối quan hệ tương tác qua lại giữa nhà nước và xã hội công dân, chỉ ra quan niệm chung nhất về những yếu tố cơ bản của xã hội công dân bao gồm rất nhiều các hội, các đoàn thể được hình thành trên cơ sở tự nguyện của công dân. 8 - Tác giả Vũ Thư có bài “Vai trò của xã hội công dân đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 9, 2003. Bài viết trình bày các vấn đề về khái niệm, đặc điểm, vai trò, tác động của xã hội công dân đối với nhà nước ở các nước tư bản và vấn đề xã hội công dân ở nước ta. Đồng thời, tác giả đề xuất một số kiến nghị liên quan đến xã hội công dân nói chung, HCCB nói riêng. - Tác giả Phạm Hữu Nghị: “Luật về hội trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự và hội nhập quốc tế”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 6, 2006. Trong bài viết này, tác giả đã nêu lên những vấn đề đang đặt ra trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật về Hội và một số nội dung của Dự thảo Luật về Hội. - Tác giả Hữu Thư với “Bước đầu tìm hiểu về xã hội dân sự”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9, 2006. Trong bài viết này, tác giả đã đề cập đến sự ra đời và phát triển của xã hội công dân tại Việt Nam; phân tích những mặt tích cực, tiêu cực của xã hội công dân và đề cập đến vị trí, vai trò tác động của các tổ chức hội đối với nhà nước và xã hội. - Tác giả Hoàng Ngọc Giao: "Bàn về xã hội dân sự", Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11, 2006. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến quyền thành lập hội, mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội dân sự, sự cần thiết và vai trò của xã hội dân sự đối với nhà nước. - Tác giả Nguyễn Minh Đoan: “Xây dựng nhà nước pháp quyền gắn với củng cố, phát triển xã hội dân sự”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số, 12, 2009. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến nhiệm vụ đổi mới tổ chức và hoạt động của xã hội phải gắn với việc củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xây dựng nhà nước pháp quyền gắn với củng cố, phát triển xã hội dân sự phải đảm bảo sự ổn định chính trị của đất nước; khẳng định sự trung thành của đất nước Việt Nam đối với chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam với vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam. - Trong bài viết “Xã hội dân sự - một vấn đề đặt ra từ công cuộc đổi mới của Việt Nam”, tác giả Lưu Văn Sùng (Tạp chí Lý luận chính trị số 1, 2014) đã đề cập đến việc chuyển đổi chức năng hoạt động của các đoàn thể chính trị sang thực hiện chức năng xã hội. - Bài viết “Vai trò của các tổ chức xã hội trong phát triển kinh tế thị trường” của Nguyễn Như Phát (Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 5, 2014) đã đề cập đến nhận thức chính trị về xã hội dân sự; về thực trạng thể chế hóa, chính sách, pháp luật về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự ở nước ta hiện nay; về những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong bối cảnh mới và phương hướng, giải pháp nâng cao vai trò của các tổ 9 chức xã hội dân sự trong phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. - Các bài báo đăng trên các báo Quân đội nhân dân, báo Hà Nội mới, báo Nhân dân, báo CCB đa số chỉ đăng tin các hoạt động của CCB và HCCBVN trên phương diện chuyên môn của Hội như: đăng tin về các hoạt động thăm lại chiến trường năm xưa, về gương CCB là điển hình tiên tiến trong làm kinh tế giỏi, về hợp tác với các tổ chức nước ngoài trong tìm kiếm hài cốt, tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh… Các bài báo đều chưa tập trung viết, nghiên cứu về mảng lý luận để làm rõ vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của HCCBVN trong tham gia quản lý nhà nước. Khác với các nhiệm vụ nghiên cứu và các bài viết đăng tải trên các tạp chí, các cuốn sách nêu trên tuy không đề cập trực tiếp đến vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của HCCBVN song đã nghiên cứu khá sâu về vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong tham gia quản lý nhà nước. Tuy chưa đề cập cụ thể về địa vị pháp lý của các tổ chức hội dưới góc độ được coi là thành tố của xã hội công dân nhưng tựu chung lại, các tác giả đều khẳng định vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của các tổ chức hội không thể thiếu trong hệ thống chính thể của nhà nước pháp quyền; đồng thời khẳng định tính tất yếu khách quan của việc xây dựng nhà nước pháp quyền phải gắn với kiện toàn hệ thống pháp luật, gắn với xây dựng các tổ chức của xã hội công dân ở Việt Nam; trong đó các tổ chức hội được khẳng định là thành tố quan trọng của xã hội công dân trong nhà nước pháp quyền. Về các luận án tiến sĩ, trước hết có thể kể đến Luận án “Hoàn thiện pháp luật về hội ở Việt Nam hiện nay” năm 2011 của tác giả Phạm Thị Hồng đã nghiên cứu, bàn sâu những vấn đề lý luận về hoàn thiện pháp luật về hội; đánh giá thực trạng hoàn thiện pháp luật về hội ở Việt Nam; đề cập vị trí, vai trò của pháp luật về hội trong việc tạo hành lang pháp lý để hội phát triển, đồng thời đề xuất giải pháp để hoàn thiện pháp luật về hội ở Việt Nam. Ngoài các công trình kể trên, còn có các tài liệu liên quan đến CCB và HCCBVN như: các báo cáo sơ kết, tổng kết về quá trình hoạt động của HCCBVN, báo cáo về các điển hình tiên tiến của CCBVN, các bài viết trên báo CCB và trên các báo: Báo Nhân dân; Báo Quân đội nhân dân, Báo Hà Nội mới, Báo Tiền phong... phản ánh hoạt động của CCB và HCCBVN và mối quan hệ giữa HCCBVN với các tổ chức trong hệ thống đoàn thể chính trị - xã hội ở Việt Nam. 1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài Trên thế giới, cùng với mối quan tâm đến hai quyền lập hội, hội họp tương đối 10 sớm, đã có nhiều nghiên cứu về các chuẩn mực quốc tế, pháp luật và thực hành tại các quốc gia liên quan đến hai quyền tự do quan trọng này. Có thể kể một số công trình nghiên cứu như: 1.2.1. Các tài liệu, văn bản nghiên cứu về lập hội, hội họp - “The International Covenant on Civil and Political Rights Cases, Materials, and Commentary”, Third Edition, Oxford University Press, 2013. Tác giả là Sarah Joseph and Melissa Castan. Cuốn sách này phân tích chi tiết các quyền trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966; trong đó bao gồm quyền tự do lập hội, hội họp, biểu tình. Sách được minh chứng bởi các án lệ, bình luận của các ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc và tòa án nhân quyền khu vực, vì vậy có giá trị tham khảo cao. - “U.N. Covenant on Civil and Political Rights: CCPR Commentaries”, Fourth Edition, Oxford University Press, 2012. Tác giả là Manfred Nowak. Giống như cuốn sách trên, cuốn sách này phân tích chi tiết các quyền trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966, trong đó bao gồm quyền tự do hội họp, biểu tình. Sách cũng được minh chứng bởi các án lệ, bình luận của các ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc và tòa án nhân quyền khu vực, vì vậy có giá trị tham khảo cao. Điểm khác biệt giữa cuốn này và cuốn trên là cuốn này tập trung nhiều hơn vào các bình luận chung của Ủy ban công ước, trong khi cuốn trên tập trung nhiều hơn vào các tình huống xảy ra trong thực tế mà được các cơ quan tài phán nhân quyền khu vực xét xử. - “Democracy and Association”, của Mark E. Warren, Princeton University Press (2000) đề cao vai trò dân chủ của đời sống hiệp hội. - “Freedom Of Assembly” của Stephen F. Rohde, Facts on File (2005). Công trình này đã phân tích một số khía cạnh lý luận của quyền hội họp trong mối liên hệ với các quyền con người về chính trị, dân sự khác. Tác giả sử dụng khá nhiều dữ liệu thống kê và tình huống để chứng minh. Vì vậy các quan điểm và lập luận đưa ra khá chặt chẽ, thuyết phục. Mặc dù các nghiên cứu trên là tương đối đa dạng, phong phú nhưng các tài liệu này không nghiên cứu sâu về quyền tự do lập hội, tự do hội họp và luận giải các vấn đề liên quan đến địa vị pháp lý của hội trong quản lý nhà nước. 1.2.2. Các tài liệu, văn bản đề cập về tổ chức cựu chiến binh thế giới Các tư liệu này phản ánh kết quả của việc nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của các tổ chức CCB trên thế giới. Trong bối cảnh các công trình nghiên cứu về CCB 11 còn ít thì đây là nguồn tư liệu rất quan trọng (thể hiện qua kết quả nghiên cứu) để tác giả thực hiện luận án. a) Liên đoàn CCB thế giới: Liên đoàn CCB thế giới có tên tiếng Anh là World Veterans Fedearion, viết tắt là (WVF) và tiếng Pháp là Federation des Militairs Anciens Combatlants, viết tắt là (FMAC). Liên đoàn CCB thế giới ra đời cách đây 67 năm vào ngày 29 tháng 11 năm 1950 tại Paris, thủ đô nước Pháp, do các CCB, những chiến sĩ kháng chiến chống Phát xít, nạn nhân của sự thương tật, tù đày, góa bụa và tù binh chiến tranh của 08 quốc gia (Pháp, Bỉ, Luxembourg, Hoa Kỳ, Italia, Nam Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch) thành lập. WVF là một tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức phi chính phủ quốc tế, phi chính trị và không bè phái. Với tôn chỉ và mục đích phù hợp với xu thế tiến bộ của nhân loại nên ban đầu chỉ có 08 tổ chức của 08 quốc gia tham gia, đến nay WVF đã là một Liên đoàn của 172 tổ chức CCB từ 121 quốc gia trên thế giới, đại diện cho khoảng 45 triệu CCB trên toàn thế giới [122]. Có thể thấy WVF là một tổ chức quốc tế có diễn đàn đa phương mà các thành viên là CCB, những người đã từng một thời cầm súng chống nhau trên chiến trường, sau khi rời quân ngũ đã tập hợp lại với nhau, cùng chung tuyên ngôn, điều lệ, mục đích, động cơ, với nguyên tắc tổ chức và những hoạt động cụ thể, thiết thực để chống chiến tranh, xây dựng và bảo vệ hòa bình cho nhân loại. Như Ralph Bunche - giải Nobel Hòa bình năm 1950 - đã khẳng định “Không ai có thể nói hùng hồn hơn cho hòa bình so với những người đã từng chiến đấu trong chiến tranh. Tiếng nói của các CCB là một sự khao khát hòa bình của người dân trên toàn thế giới, những người trong vòng một thế hệ đã hai lần bị thảm họa không kể xiết của chiến tranh thế giới. Nhân loại đã dành được quyền hòa bình. Nếu không có nó, sẽ không có hy vọng cho tương lai”. WVF đại hội định kỳ ba năm một lần. HCCBVN đã được Liên đoàn CCB thế giới kết nạp tại Đại hội lần thứ 23 tổ chức tại Pari nước Pháp tháng 12 năm 2000. Cùng kết nạp có HCCB của 06 quốc gia khác, trong đó có Cuba. b) Liên đoàn CCB ASEAN: - Liên đoàn CCB ASEAN có tên tiếng Anh là Veterans Confdration of ASEAN Countries, viết tắt là VECONAC, Department được thành lập ngày 19/12/1980; ban đầu có 05 nước thành viên. Việt Nam gia nhập năm 1997. Đến nay VECONAC có 10 nước thành viên của khối ASEAN tham gia. Liên đoàn CCB ASEAN là thành viên của Ủy ban Thường trực CCB Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên đoàn CCB thế giới. 12 - Trong nhiều nước ASEAN, tổ chức CCB là tự nguyện, độc lập hoàn toàn với nhà nước (tự phí), không có tài trợ của nhà nước, trừ một số nước có mô hình tương tự gần giống với HCCBVN, gồm có: + Thái Lan: HCCB do Tổng cục Hậu cần quân đội Hoàng gia Thái Lan phụ trách, được Chính phủ tài trợ một phần kinh phí hoạt động. + Philippin: HCCB do Chính phủ thành lập, được dùng nguồn kinh phí bồi thường chiến tranh để hoạt động, được cấp đất để làm trụ sở. + Lào: HCCB quốc gia Lào do Chính phủ thành lập, bao gồm cả cựu công an, các cán bộ Hội là cán bộ đương chức công tác trong quân đội, công an được cử ra làm công tác của HCCB. + Campuchia: HCCB do Bộ Những vấn đề xã hội và giáo dục lại thanh niên chậm tiến, cải tạo phụ trách, trước đây Chính phủ cử 01 Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Hội. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ Hunsen làm Chủ tịch Hội, 01 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Phó Chủ tịch Hội, Tổng thư ký Hội là Bộ trưởng Bộ Những vấn đề xã hội và giáo dục lại thanh niên chậm tiến, cải tạo; các tỉnh do Giám đốc Sở Những vấn đề xã hội và giáo dục lại thanh niên chậm tiến, cải tạo làm Chủ tịch Hội; các huyện do Trưởng phòng Những vấn đề xã hội và giáo dục lại thanh niên chậm tiến, cải tạo làm Chủ tịch Hội. - Trung Quốc: Hiện nay Trung Quốc không có HCCB, chỉ thành lập các ban liên lạc của các đơn vị quân đội trong các dịp nghỉ lễ, tổ chức tập hợp cựu quân nhân đi du lịch, thăm lại chiến trường năm xưa, sau đó tự giải thể. c) Tổ chức CCB ở Hoa Kỳ (Mỹ): Tại Mỹ, các tổ chức CCB được thành lập không gọi là HCCB mà có nhiều tên gọi khác nhau. Tên gọi chung được dùng là CCB gắn với các cuộc chiến tranh hoặc các tổ chức nhân đạo như: CCB Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ II; CCB Mỹ trong chiến tranh Hàn Quốc; CCB Mỹ trong chiến tranh Việt Nam; CCB vì hòa bình; Hỗ trợ cho người tàn tật Việt Nam do hậu quả chiến tranh… Trong quốc gia liên bang Hoa Kỳ có Bộ CCB, tên gọi là: Bộ CCB Hoa Kỳ, tên tiếng Anh là U.S. of Veterans Affairs, viết tắt là (VA). Đứng đầu VA là Bộ trưởng CCB, do Tổng thống bổ nhiệm với sự tư vấn và đồng ý của Thượng viện. Bộ này có ba phân khu chính, được gọi là cơ quan hành chính bao gồm: - CCB y tế (VHA), chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho CCB. - CCB lợi ích quản lý (VBA), chịu trách nhiệm đăng ký CCB ban đầu, xác định 13 đủ điều kiện là CCB và đảm bảo điều kiện cần thiết (lợi ích và quyền lợi) cho CCB, bao gồm cho vay bảo lãnh; bảo hiểm; dạy nghề phục hồi chức năng; việc làm; bồi thường… Trách nhiệm và lợi ích của VBA vô cùng lớn, được Chính phủ Liên bang cấp ngân sách hàng năm lên đến hàng trăm tỷ USD (năm 2009 là 87 tỷ USD; năm 2012 là 132 tỷ USD; năm 2014 là 152 tỷ USD) [114]. - Cơ quan Quản lý Nghĩa trang Quốc gia (NCA), có trách nhiệm cung cấp phúc lợi về chung sự và tưởng niệm cũng như bảo trì các nghĩa trang cựu chiến binh. 1.3. Đánh giá về tình hình nghiên cứu Qua nghiên cứu đã cho thấy, đến nay việc nghiên cứu về CCB và HCCB trên thế giới và ở trong nước chưa nhiều, chỉ có các bài viết đề cập đến công tác tổ chức và hoạt động của CCB và HCCB nhưng số lượng còn ít. Trong các công trình được liệt kê ở trên, có nhiều công trình đã đầu tư phân tích khá chi tiết khái niệm, đặc điểm, tính chất của hội cũng như vai trò, tác động của hội nói chung và HCCB đối với nhà nước. Kết quả nghiên cứu có thể tóm tắt như sau: Một là, làm rõ các khái niệm về hội nói chung; đặc điểm, vai trò, địa vị của hội, trong đó có HCCB. Bước đầu làm rõ những điểm cơ bản về khái niệm, vị trí, vai trò của HCCBVN. Tuy nhiên, các khái niệm, đặc điểm, vị trí, vai trò của HCCBVN chủ yếu được các nghiên cứu trên tiếp cận theo các quy định của pháp luật thực định, chính trị, chứ chưa được tiếp cận dưới góc độ khoa học. Cụ thể, các nghiên cứu trên chưa tiếp cận, đánh giá các nội dung của khái niệm, đặc điểm, vị trí, vai trò của Hội với tư cách là đối tượng nghiên cứu của khoa học. Mặt khác, các nghiên cứu cũng chỉ tiếp cận từ phương diện địa vị pháp lý của HCCB nói chung chứ chưa có công trình nghiên cứu nào trực tiếp nghiên cứu về địa vị pháp lý của Hội trong tham gia quản lý nhà nước. Hai là, làm rõ các phương diện của HCCBVN về cơ cấu tổ chức; về số lượng, chất lượng hội viên; về chất lượng và số lượng tổ chức Hội; một số vấn đề đặt ra hiện nay liên quan đến quá trình phát triển của Hội. Các nghiên cứu đã có những đóng góp hết sức to lớn và đã đưa ra được bức tranh tổng quát về cơ cấu tổ chức, số lượng, chất lượng hội viên và tổ chức hội khá thực tế, sinh động. Nhiều vấn đề có tính thực tiễn về HCCBVN được giải đáp bằng quá trình thực tiễn của sự vận động xã hội được thể hiện một cách khách quan. Việc lý giải thực tế phát triển của Hội cũng là bức tranh về sự phát triển của nền dân chủ trong Nhà nước ta. Tuy nhiên, các vấn đề này hầu như chưa được xem xét dưới góc độ quản lý và pháp lý. 14 Ba là, đề cập những điểm cơ bản về đặc thù riêng của HCCBVN trong quan hệ với hoạt động lãnh đạo của Đảng, hoạt động quản lý của Nhà nước. Trên phương diện này, cũng giống như phần thứ nhất, các tiếp cận chủ yếu nhận diện điểm cơ bản về đặc thù riêng của HCCBVN trong quan hệ với hoạt động lãnh đạo của Đảng, hoạt động quản lý của Nhà nước từ phương diện thực tiễn các quy định của pháp luật. Các nghiên cứu chưa làm rõ những vấn đề về luận cứ khoa học trong các mối quan hệ trên nên chưa có được những đánh giá xác đáng từ các khía cạnh quyền, yêu cầu dân chủ, yêu cầu của nhà nước pháp quyền mà thiên về các phân tích, đánh giá, nhận định trên cơ sở các yêu cầu của chính trị. Do vậy chưa làm bật tính khách quan trong mối quan hệ đó nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, bảo đảm và phát huy dân chủ trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Bốn là, đánh giá thực trạng của các tổ chức hội nói chung và của HCCBVN trên các phương diện hoạt động chuyên môn của Hội, những vấn đề liên quan đến quan hệ của Hội với Nhà nước. Đối với các nghiên cứu đánh giá thực trạng, ngoài việc phản ánh thực tế yêu cầu đối với các nghiên cứu luôn phải đánh giá được những mặt tích cực, mặt hạn chế để từ đó rút ra những kinh nghiệm. Tuy nhiên, đối với các nghiên cứu liên quan đến thực trạng tổ chức HCCBVN trên phương diện hoạt động chuyên môn cũng như những vấn đề liên quan đến quan hệ của Hội với Nhà nước thì hầu hết các nghiên cứu chưa trực diện đề cập đến vấn đề độc lập của Hội với Nhà nước, đặc biệt trong mối quan hệ về tài chính. Chính điều này đã dẫn đến sự phụ thuộc của Hội vào Nhà nước, làm mất đi vai trò phản biện độc lập của Hội, làm mất tính chất dân sự của một tổ chức xã hội. Năm là, đánh giá thực trạng của HCCBVN trên các phương diện hoạt động; sự phối hợp của HCCBVN với các tổ chức chính trị - xã hội và với một số HCCB trên thế giới, ở mức độ nhất định liên quan đến hoạt động của quản lý nhà nước. Cũng như phần trên, thực trạng các hoạt động của tổ chức Hội vẫn mang tính chất phụ thuộc vào nhà nước, thực hiện một số chức năng do Nhà nước giao. Vì vậy, trên phương diện hoạt động này Hội chủ yếu hiện thân trong các hoạt động mang tính hình thức theo quy định của một số văn kiện của Đảng [21, 22] và một số quy định hạn chế của Nhà nước [71]. Sáu là, với tính chất là bảo đảm cho hoạt động của HCCBVN, các công trình đề xuất một số giải pháp và kiến nghị về củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức của Hội; hệ thống văn bản quản lý và các chính sách, pháp luật liên quan đến CCBVN và 15 HCCBVN ít nhiều liên quan đến điều chỉnh pháp luật về tham gia quản lý của Hội. Tuy nhiên, HCCBVN với tính chất của một tổ chức chính trị - xã hội, do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và lãnh đạo. Các nghiên cứu, đề xuất trước đây cũng chỉ thực hiện trong phạm vi giới hạn mà chưa có những giải pháp, kiến nghị mang tính đột phá về tổ chức nhằm hướng tới một thiết chế độc lập dựa trên những căn cứ khoa học thỏa đáng. Có thể thấy rất rõ là đến nay, tình hình nghiên cứu về CCB và HCCB trên thế giới và trong nước chưa nhiều, mới chỉ dừng lại ở những vấn đề trên thực tế gắn với nhà nước, nhưng không trực diện gắn với phương diện đánh giá hoạt động thực tiễn của Hội gắn với quản lý nhà nước. Chưa có công trình nào nghiên cứu một cách cơ bản vấn đề địa vị pháp lý của HCCBVN trong tham gia quản lý nhà nước ở nước ta. Đây không chỉ là vấn đề mang tính lý luận, tính khoa học mà còn mang tính chất chính trị, pháp lý và cấp bách khi HCCBVN đã phát triển lớn mạnh, là một đoàn thể chính trị - xã hội, thành viên của MTTQVN trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCNVN. 1.4. Những vấn đề được tiếp tục nghiên cứu trong luận án Trên cơ sở các nghiên cứu kể trên, với những thành tựu cũng như những vấn đề còn đang được đặt ra, luận án đã nghiên cứu toàn diện các vấn đề sau đây: - Làm sáng tỏ khái niệm, bản chất, đặc điểm, vị trí, vai trò của HCCBVN, các bảo đảm cho HCCBVN hoạt động. Các mối quan hệ giữa HCCBVN với Nhà nước và quản lý nhà nước. Đây là vấn đề trước đó chưa được nghiên cứu và thể hiện một cách khoa học và rõ ràng. - Làm rõ cơ sở hình thành, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của HCCBVN trong mối liên hệ chặt chẽ với Nhà nước, với quản lý nhà nước. - Làm rõ các khía cạnh lý luận liên quan đến địa vị pháp lý của HCCBVN bao gồm: khái niệm, ý nghĩa địa vị pháp lý của Hội trong tham gia quản lý nhà nước. - Chỉ ra thực trạng địa vị pháp lý của HCCBVN trong pháp luật và trong thực tiễn quản lý nhà nước ở nước ta. Đánh giá thực trạng các quy định của pháp luật, đặc biệt là việc thực hiện địa vị pháp lý của Hội trong thực tiễn, nguyên nhân của các ưu điểm và hạn chế của việc thực hiện đó. - Trên cơ sở xác định nhu cầu, quan điểm về bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quyền và nghĩa vụ của HCCBVN trong tham gia quản lý nhà nước, luận án đề xuất các giải pháp hoàn thiện và tăng cường hiệu quả thực hiện địa vị pháp lý của Hội tham gia quản lý nhà nước trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCNVN. 16
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan