Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Địa bàn nghiên cứu như một mạng lưới: Chiến lược định vị nghiên cứu dân tộc học...

Tài liệu Địa bàn nghiên cứu như một mạng lưới: Chiến lược định vị nghiên cứu dân tộc học

.PDF
25
54
126

Mô tả:

Địa bàn nghiên cứu như một mạng lưới: Chiến lược định vị nghiên cứu dân tộc học
Địa bàn nghiên cứu như một mạng lưới: Chiến lược định vị nghiên cứu dân tộc học Tác giả: Jenna Burrell, Đại học Berkeley, California. Jenna Burrell là trợ lý giáo sư trong trường học về Thông tin của Đại học Berkeley, California. Hiện tại bà đang nghiên cứu về những mô hình của điện thoại di động như là sự biếu tặng và chia sẻ ở nông thôn Uganda. Bài viết của bà có tên “Sự trao quyền khó hiểu: những sự gian lận Internet ở Tây Phi như sự xuyên tạc mang tính chiến lược” sắp xuất bản trong Thông tin công nghệ và Phát triển quốc tế. Một bài viết khác đồng tác giả với Ken Anderson về những sự vượt phạm vi quốc gia của người Ghana mang tên “Tôi có những khao khát vĩ đại để nhìn ra xa ngoài thế giới của tôi” đã được in trong Truyền thông mới và xã hội số tháng 4 năm 2008. Nguồn: Jenna Burrell 2009. ‘The field site as a network: A strategy for locating ethnographic research. Field Methods, Vol. 21, No. 2, pp.181-199. Người dịch: TS. Nguyễn Thị Phương Châm. Tóm tắt: Qua công việc xây dựng địa bàn nghiên cứu, những nhà nghiên cứu định rõ chủ thể và khách thể trong nghiên cứu của họ. Bài viết này tìm hiểu những chiến lược đa dạng mà các nhà nghiên cứu tìm ra để sắp đặt nghiên cứu xã hội của họ trên một vùng địa lý và không gian nhất định. Địa bàn nghiên cứu mang tính mạng lưới thực sự có được giữa những cách tiếp cận hiện tại mà những cách tiếp cận đó thách thức suy nghĩ thông thường về những nghiên cứu dựa trên thực địa. Với lợi ích và kết quả của một cấu hình riêng biệt, địa bàn nghiên cứu giống như một mạng lưới trong đó có sự kết hợp của vật chất, thực tế và sự hình dung về không gian, tất cả sẽ được trình bày chi tiết qua một nghiên cứu trường hợp. Tác giả dành sự tập trung đặc biệt đến những vấn đề bếp núc hậu cần phức tạp và những bước đi trên thực tế để xây dựng một địa bàn nghiên cứu đúng nghĩa. Bài viết này cũng bao gồm những gợi ý về cách nghiên cứu những hiện tượng xã hội xảy ra trên địa bàn rộng từ một vị trí tĩnh tại. Từ khoá: Dân tộc học, Không gian, Không gian ảo, hình dung không gian, hậu cần Bài viết này gợi đến những lý thuyết về mạng lưới và những mô tả dân tộc học về Internet để chú tâm vào vấn đề lựa chọn địa bàn nghiên cứu trong nghiên cứu dân tộc học. Quan tâm đến dân tộc học - một tập hợp của những khung nhận thức luận, những phương pháp kỹ thuật, và những thực tiễn được viết ra - đã trải rộng ở rất nhiều lĩnh vực và 1 chuyên ngành khác nhau có cùng nguồn gốc là nhân học văn hoá. Ngày càng có nhiều người quan tâm đến những kết quả thực tiễn vượt ra khỏi những sản phẩm tri thức lý thuyết bao gồm từ những hành động chính trị và sự phát triển các chương trình xã hội (Brydon-Miller, Greenwood, và Maguire 2003; Madison 2005) cho đến việc thiết kế sản phẩm (Lewis và cộng sự 1996; Salvador, Bell, và Anderson 1999). Hiện nay, sự quan tâm này có chỗ đứng vững chắc trong hàng loạt các chuyên ngành như xã hội học, nghiên cứu truyền thông, giáo dục, khoa học công nghệ, và nhiều ngành khác nữa. Từ lâu nó đã tách rời khỏi giới hàn lâm và hợp nhất (với nhiều mức độ chấp nhận) thành một thế giới tổng hợp (Orr 1996; Suchman và cộng sự 1999; Jordan và Dahl 2006)1 và những thể chế phát triển quốc tế (Tacchi, Slater, và Hearn 2003). Với một tập hợp đa dạng những chủ đề nghiên cứu được thể hiện qua các lĩnh vực khác nhau, thực hành nghiên cứu dân tộc học đã được xem xét và định hình lại ở những thời gian khác nhau và tại những lĩnh vực khác nhau. Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng những giả tưởng trong quá khứ đã từng thúc đẩy tiếp cận mô tả dân tộc học, giờ đây đứng trước những vấn đề mới, thì những giả tưởng này ít được ứng dụng hơn xét trên cả mặt lý thuyết lẫn thực tiễn. Thuật ngữ “địa bàn nghiên cứu” (field site) dùng để chỉ tính chất không gian của những nghiên cứu dựa trên điền dã, chỉ giai đoạn diễn ra việc nghiên cứu các quá trình xã hội. Với những nhà dân tộc học, việc xác định được không gian này là hoạt động rất quan trọng, thường thì diễn ra trước và trong giai đoạn đầu của công tác điền dã. Nó liên quan đến việc nhận biết về địa bàn lý tưởng mà nhà nghiên cứu sẽ thực hiện công việc của mình như một người quan sát tham dự. Mỗi lần điền dã kết thúc, một nghiên cứu dân tộc học không thể được viết ra mà không có một vài điều nói về việc xác định không gian địa lý nơi có hiện tượng xã hội được nghiên cứu. Điều này, cả hành động loại trừ hay hội nhập, đều chỉ ra một nghiên cứu có thể bao trùm hoặc không bao trùm điều gì. Chính nhận thức cho rằng địa bàn nghiên cứu được kiến tạo theo những cách thức nhất định chứ không phải thông qua khám phá là một vấn đề cốt yếu đối với thực tiễn hiện nay. Cho đến nay công tác thực tế để xây dựng một địa bàn nghiên cứu vẫn chưa được bàn luận thường xuyên. Bài viết này sẽ điểm lại một vài nghiên cứu về hình dạng của địa bàn nghiên cứu đã được phát triển trong những năm gần đây và sẽ khám phá một khía cạnh với nhiều triển vọng hơn: địa bàn nghiên cứu như một mạng lưới không đồng nhất. Những lợi thế của hình dạng đặc biệt này và những mối quan tâm thực tế có tính chất hậu cần ngay tại chỗ liên quan tới việc xây dựng một địa bàn nghiên cứu như vậy sẽ được tìm hiểu chi tiết. 2 Trong diễn trình vài thập kỷ phản ánh về phương pháp, những nhà dân tộc học vẫn còn nghi ngờ khái niệm truyền thống của địa bàn nghiên cứu giống như một không gian giới hạn chứa đựng toàn bộ văn hoá. Trong nhân học truyền thống, điền dã thường xuyên được thực hiện ở một làng tại những vùng xa xôi. Có nhiều điểm thuận lợi khi tạo dựng một địa bàn nghiên cứu có giới hạn và phân cách. Việc này đặt các nhà nhân học vào vị trí để họ có thể đưa ra những lập luận rõ ràng về sự khác biệt văn hóa đã tách rời những giả định về nền tảng thực tiễn xã hội trên cả góc độ phổ quát hoặc góc độ sinh học. Sự phụ thuộc vào địa bàn nghiên cứu giới hạn không được mở rộng cho đến khi những ngoại lực được cách ly tuyệt đối, tuy thế, sự ảnh hưởng của những “ngoại lực” ấy đến địa bàn nghiên cứu vẫn được xem là thứ yếu. Cách thức để định hình địa bàn nghiên cứu đặc biệt này cũng có tầm quan trọng đối với cách thức khi các nhà dân tộc học xác định vị trí của mình như những người quan sát tham dự. Khi tham gia vào địa bàn nghiên cứu, các nhà nhân học đã làm một việc là chuyển vị trí của chính mình từ người ngoài cuộc sang vị trí người trong cuộc để được chấp nhận ở một chừng mực nào đó như là thành viên của xã hội mà họ nghiên cứu trên cơ sở quan hệ công bằng với những người khác tương tự về vị trí xã hội. Thước đo sự chấp nhận này và sự nhập thân văn hoá (enculturation) chính là khả năng của nhà nhân học thâu nhận và diễn giải những kinh nghiệm như một người trong cuộc. Đồng thời, một điều được nhận thấy là nhà nghiên cứu nên duy trì khả năng phân tích những quá trình xã hội như một người quan sát ngoài cuộc, tránh đưa ra những kết luận hoàn toàn trái chiều. Khoảng cách quan trọng này thường bị tác động bởi việc rút lui khỏi địa bàn đã tạo nên khoảng cách thực thể cần thiết cho nghiên cứu. Khi các nhà nhân học tiếp nhận những vấn đề xã hội mới, họ bắt đầu đề xuất những định dạng mới cho địa bàn nghiên cứu. Năm 1986, Marcus và Fischer, những người theo trường phái tân Mác-xít – lý thuyết hệ thống thế giới nổi bật nhất – cho thấy sự quan tâm đặc biệt giữa các nhà nhân học về cách thể hiện mô tả phong phú “sự gắn chặt” (embedding) của thế giới văn hoá địa phương vào hệ thống lạnh lùng của kinh tế chính trị” (Marcus và Fischer 1986:77 nhấn mạnh thêm). Điều này cũng giống như việc tìm hiểu xem làm thế nào mà những hệ thống lớn hơn có thể được ghi lại và cụ thể hoá ở cấp độ địa phương. Họ chỉ ra rằng những biến đổi xã hội ở tầm vĩ mô đã thúc đẩy những nghi vấn về phương pháp luận. Họ cho rằng sự thay đổi trong những cấu trúc và những mối liên đới trong giai đoạn cuối của chủ nghĩa tư bản đã làm gia tăng qui mô và sự phức tạp của những quá trình xã hội. Vì vậy, giới hạn tuơng đối của một văn hóa gói gọn trong không gian hẹp của một ngôi làng ngày càng trở nên kém chính xác. Những năm sau đó, 3 các nhà dân tộc học tham gia vào tranh luận và đưa ra giả thuyết là sự kiềm chế của văn hoá thậm chí không nhất thiết phải xuất hiện trong những nghiên cứu truyền thống ở những vùng hẻo lánh (Clifford 1992; Tsing 1993; Piot 1999). Một thách thức như vậy đối với thực hành dân tộc học diễn ra không đơn thuần từ sự biến đổi xã hội toàn cầu nhanh chóng mà còn từ những phát triển lý thuyết, sức hấp dẫn của những đối tượng mới trong điều tra nhân học, và (như người ta ước tính) đến sự xâm nhập của những người ngoài ngành. Viễn cảnh của nghiên cứu dân tộc học cũng như nghiên cứu về những quá trình toàn thể khi chúng được trải nghiệm cục bộ đã không cho thấy quá trình toàn thể đó bằng cách này hay cách khác phải được nghiên cứu một cách trực tiếp. Trong cuốn sách gần đây, Marcus đã sửa lại bài viết của mình trước đó về “cộng đồng nhận thức trong những hệ thống rộng hơn” (Marcus and Fischer 1986:77) dựa trên khái niệm “sự gắn chặt” để ủng hộ chính nghiên cứu về “hệ thống rộng hơn” thông qua “mô tả dân tộc học trong/ thuộc hệ thống toàn cầu” (Marcus 1998a). Ông cho rằng một hệ thống như vậy thực sự có thể “nhận thức được” và nhấn mạnh sự cần thiết để “xoá bỏ sự lưỡng phân giữa vĩ mô và vi mô” (Marcus 1998b:35). Marcus cùng với nhiều học giả khác chuyển từ khái niệm văn hoá như một sự tĩnh tại cơ bản sang việc xem văn hoá (hoặc xã hội) được thiết lập bởi sự giao thoa và những dòng chảy (Clifford 1992; Hannerz 1992b; Appadurai 1996; Castells 1996; Ong and Nonini 1997). Trong khái niệm mới hơn này, sự vận động của những đối tượng, những cá nhân, những ý tưởng, của truyền thông, và của những gì mà người đi điền dã tham gia phát hiện bản chất bên trong và những đối tượng tìm hiểu mà không thấy được trong những nghiên cứu cho rằng văn hoá được cố định về mặt không gian. Marcus (1998a:79) trực tiếp giải quyết vấn đề hình dạng của địa bàn nghiên cứu, chỉ ra một vài mô hình khả thi để đưa thêm tính gắn kết vào những dự án nghiên cứu không bị giới hạn bởi không gian. Trong số nhiều định dạng khác nhau, những mô hình này bao gồm “theo đuổi con người”, “theo đuổi đối tượng,” và “theo đuổi một lối ẩn dụ”, tất cả những điều này đã mang lại sự gắn kết trải rộng cho những nghiên cứu dân tộc học được thực hiện trên nhiều địa bàn. Những lập luận này nhấn mạnh sự vận động trở thành trung tâm của thực hành xã hội như thế nào không chỉ quá trình văn hóa gắn kết có thể xảy ra qua những khoảng cách lớn, mà nó còn kết nối những thực thể tách rời. Những mô hình này cũng vẫn tiếp tục diễn ra. Những thách thức để định vị địa bàn nghiên cứu không bị giới hạn vào cách hiểu những quá trình xã hội có thể xảy ra trên một địa bàn tự nhiên rộng rãi. Hannez đã tập 4 trung sự chú ý về tính không đồng nhất của văn hoá. Ông lưu ý rằng trong xã hội hiện nay những quá trình văn hoá thâm nhập vào đời sống của các cá nhân ở nhiều mức độ khác nhau. Đứng trước một sự đa dạng về ý nghĩa trong những xã hội như vậy đã sản sinh ra những cá thể tự xác định được bản thân (Hannez 1992a), bởi vậy, sự cố gắng miêu tả văn hoá trong một không gian giới hạn, dù là làng xóm hay một quốc gia - tiểu bang, cũng xóa bỏ những bất đồng tồn tại trong phạm vi một nhóm dân cư đa dạng. Vấn đề trở thành thách thức lớn cho các nhà nghiên cứu thực hành là làm thế nào để gắn những kết nối lại từ những địa bàn xã hội chồng chéo và rối bù. Những nghiên cứu này tạo nên tính chất nền tảng về việc văn hoá được (hoặc không được) định vị như thế nào. Tuy nhiên, ngoại trừ đề xuất của Marcus về nghiên cứu dân tộc học ở nhiều địa điểm, thì những nghiên cứu này đã không giải thích được xem là làm thế nào mà việc điền dã cuối cùng có thể được định vị. Với những tranh luận về địa bàn rộng lớn và sự hoà trộn phức tạp của những không gian văn hoá có sẵn, rõ ràng việc lựa chọn địa bàn nghiên cứu phải trở thành quá trình thu nạp số liệu xuyên suốt. Trong những giai đoạn đầu, nó không thể được quyết định một lần và cho tất cả. Trong khi quyết định lấy cái gì và không lấy cái gì, cần phải có những chọn lựa khó khăn và chiến lược. Bàn luận chi tiết hơn trong đề xuất “theo đuổi” của Marcus, những đối tượng của nghiên cứu dân tộc học sẽ được giải quyết ở đây, với nỗ lực biến những phát triển khái niệm này sẵn có cho những người thực hành công việc nghiên cứu dân tộc học. Định vị phạm vi trong không gian ảo (cyberspace) Tranh luận về một hình dạng khác của địa bàn nghiên cứu được trình bày trong bài viết này, được xây dựng không chỉ trên nền tảng mới do Marcus, Gupta và Ferguson, Hannez và những người khác (được bàn đến ở trên) thiết lập, mà nó cũng được lấy từ phương pháp tiếp cận mới đặt ra từ nghiên cứu về Internet. Khi Internet xuất hiện vào đầu những năm 1990, dễ nhận thấy hàng loạt những tranh cãi rộ lên xung quanh địa vị của nó (Internet) như một đối tượng nghiên cứu. Người ta quan tâm là làm thế nào để định rõ địa bàn nghiên cứu và việc điền dã - những vấn đề về mối quan hệ giữa những hiện tượng xã hội và không gian – một lần nữa trở thành trọng tâm bàn luận. Những không gian trực tuyến của Internet mới xuất hiện dường như lại thuộc về một phạm trù không gian hoàn toàn mới. Thảo luận nhóm trực tuyến và những thế giới ảo sử dụng tin nhắn2 đã cho thấy những bối cảnh mới về hoạt động xã hội. Mạng được biểu 5 lộ ở đây không mang đặc tính của thuyết Đê-các-tơ, và các hoạt động ở đó không tuân theo chuẩn mực của những định luật vật lý. Mitchell (1996) miêu tả mạng như “sự chống lại không gian một cách sâu sắc…bạn không thể nói nó có ở đâu hoặc miêu tả hình dạng và tầm vóc không thể quên của nó…nhưng bạn có thể tìm thấy nhiều thứ trong nó mà không biết nó là như thế nào” (tr.8). Mạng thường xuyên sinh ra (đặc biệt giữa những người mới sử dụng) ý thức sâu sắc về sự mất định hướng không gian. Những nhà nghiên cứu đã thử nghiệm với những thực hành nghiên cứu trong lĩnh vực trực tuyến để trình bày rõ ràng khái niệm dân tộc học ảo (virtual ethnography) (Hine 2000; Ruhleder 2000) hoặc khái niệm không gian dân tộc học (cyber ethnography). Những đặc tính kỹ thuật và những thực hành xã hội trên không gian trực tuyến cho phép nghiên cứu những khám phá giao thoa giữa vật thể hữu hình và sự tưởng tượng. Nhiều tranh luận về phương pháp học xoay quanh vấn đề internet đã bổ sung cho những nỗ lực không ngừng để xem xét những quá trình tổng thể như một chủ đề đích thực của điền dã dân tộc học3. Tuy thế vẫn còn thiếu những lời phê bình nhận xét để dân tộc học ảo có được sức mạnh nhất định. Điều quan trọng hơn hết là dân tộc học đã gắn bó rất chặt chẽ với công tác thực nghiệm. Các nhà nghiên cứu, thông qua những quan sát cặn kẽ, phỏng vấn và tham gia trực tiếp cho thấy những cư dân đã trải nghiệm các địa bàn ảo và những dạng thức liên đới nhất định đến internet như thế nào xét trên cả khía cạnh xã hội và không gian ảo một cách sâu sắc. Dân tộc học ảo là chỉnh thể của những tiếp cận dân tộc học và tiếp cận dựa trên địa bàn thực tế và đối với việc nghiên cứu những gì diễn ra trực tuyến. Dân tộc học ảo có thể cho thấy làm thế nào mà các cá nhân có thể hiểu được địa bàn xã hội không theo thuyết Đề-các-tơ và mơ hồ trong dòng chảy của những trải nghiệm cuộc sống. Hine (2000) chỉ rõ dạng điền dã này không cần các nhà nghiên cứu phải di chuyển đi lại, mà thay vào đó nó đòi hỏi sự tập trung tinh thần và ràng buộc tưởng tượng. T.L. Taylor (1999) miêu tả sự “tồn tại đa dạng” của nhà nghiên cứu giống như một “avatar (hình ảnh đại diện)” trực tuyến và một con người đang ẩn cùng một lúc. Những miêu tả dân tộc học ảo đã chứng minh khả năng nhận thức và phân tích của những không gian ngoại trừ những gì sống theo qui luật tự nhiên. Sự gián đoạn giữa hiện diện hữu hình và trải nghiệm không gian được tận dụng triệt để trong bài viết này. Chính điều đặc biệt này khiến cho công việc điền dã về những hiện tượng xã hội có thể được diễn ra qua những khoảng cách rộng lớn và trong những không gian không theo qui ước. 6 Mặc dù có sự đổi mới xung quanh khái niệm không gian trong những mô tả dân tộc học ảo, nhưng nhiều những nghiên cứu trước đó phải dùng đến khái niệm địa bàn nghiên cứu (mặc dù ảo) bị giới hạn bởi những qui ước và đề nghị một ranh giới rõ ràng giữa những không gian trực tuyến và không gian không nối mạng (ví dụ như T.L.Taylor 1999; Sunden 2002). Basset (1997) miêu tả ranh giới đó một cách mập mờ như “sự gián đoạn kỹ thuật gián tiếp” (tr.550). Những người theo đuổi kiểu nghiên cứu dân tộc học ảo này hiếm khi kết nối những khám phá như thế với nghiên cứu kinh nghiệm có tính bền vững về những không gian ngoài máy tính. Sẽ là không chính xác nếu cho rằng những nghiên cứu này không chú ý xem xét cuộc sống không nối mạng của người sử dụng, bởi vì những nghiên cứu này liên quan đến phỏng vấn và quan sát tham dự dưới hình thức khác nhau, điển hình là điện thoại hoặc nói chuyện trực tiếp (Ví dụ Correll 1995; Turkle 1995). Tuy thế địa bàn nghiên cứu cơ bản thường được quan niệm như thảo luận nhóm, hoặc trong thế giới ảo, với những ràng buộc phi trực tuyến bổ sung, ủng hộ hoặc phục vụ để tương phản với trực tuyến. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người lên tiếng thách thức lại sự phân chia giữa trực tuyến và phi trực tuyến (Henriksen 2002; McLelland 2002; Leander and McKim 2003; Carter 2005; Wilson 2006). Miler and Slater (2000) cho rằng, thay vào đó “chúng ta cần xem với truyền thông Internet như sự tiếp nối và gắn bó chặt chẽ với những không gian xã hội khác” (tr.5). Lời khuyên của họ cho cách tiếp cận dân tộc học về Internet là nên bắt đầu từ vị trí phi trực tuyến hơn là trong những không gian ảo của nó. Trong nghiên cứu của mình về Internet ở Trinidad, Miler and Slater đã thực hiện phỏng vấn các hộ gia đình và dành thời gian quan sát cách thức kết bạn (sociability) tại các quán cà-phê Internet và những không gian khác để hiểu về chuẩn mực của đời sống xã hội người Trinidad mà đã mở rộng thành các không gian trực tuyến.4 Một vài nhà nghiên cứu cũng đã đi xa hơn một bước để đề xuất những khái niệm cấu trúc như phương pháp giải quyết vấn đề bằng cách đánh giá kinh nghiệm để giúp vượt qua sự khác biệt cường điệu giữa thế giới trực tuyến và phi trực tuyến. Trong một ví dụ rất phức tạp, Wakeford (1999) đã nghiên cứu một quán cà-phê Internet ở London, nhìn vào “quang cảnh máy tính” (landscapes of computing) để xác định “một tập hợp chồng chéo các yếu tố địa lý thực và ảo bao gồm, nhưng không giới hạn, những trải nghiệm trực tuyến” (tr.180). Trong một nghiên cứu sản phẩm tri thức về rối loạn gen, các nhà nghiên cứu đã tìm “điểm nối” (node) được dùng như tâm điểm giao nhau giữa thế giới trực tuyến và phi trực tuyến và sự làm việc trở đi trở lại giữa trực tuyến (những trang web chẳng 7 hạn) và phi trực tuyến (như phòng thí nghiệm và các nhóm hỗ trợ) để phát triển bức tranh toàn diện hơn về thực hành tri thức (Heath và cộng sự 1999). Hình thức mạng lưới được ủng hộ trong bài viết này là một khái niệm cấu trúc khác mà, giống như “quang cảnh” và “điểm nối”, có thể dẫn dắt suy nghĩ và định hình thực hành phương pháp luận theo những cách thức để tránh được sự phân chia rõ ràng giữa trực tuyến và phi trực tuyến. Những mô tả dân tộc học về không gian ảo có hàm ý vượt ra ngoài nghiên cứu về Internet. Những nguyên tắc và những triển vọng mới được đề xuất theo cách tiếp cận này có thể được mở rộng để nghiên cứu những không gian truyền thông và những không gian tưởng tượng. Mở rộng việc điền dã theo cách này đưa đến thêm nhiều câu hỏi thú vị. Chúng ta có nên xác định rõ địa bàn nghiên cứu bằng sự di chuyển và cư ngụ của người đi điền dã, hay thay vào đó, giống như một không gian trong đó các hiện tượng xã hội xảy ra? Điều này không còn được xem là một hay sự giống nhau nữa. Như Marcus (1988b) lưu ý, dân tộc học hiện nay thường nghiên cứu về những bộ phận hơn là những tổng thể. Các nhà nghiên cứu quay vòng đến rồi đi khỏi địa bàn, bỏ qua hoàn toàn những vùng nhất định, và có thể dựa trên những hồi tưởng của những người tham gia phỏng vấn để vẽ ra không gian. Những sự di chuyển của người đi điền dã không còn đồng hành trên phạm vi rộng theo cách của những hiện tượng xã hội được nghiên cứu qua những sự mở rộng không gian. Xây dựng một địa bàn nghiên cứu: Những bài học nghiên cứu rút ra Vấn đề hậu cần là mối quan tâm chính trong sự di chuyển hướng tới dân tộc học ảo, nhiều địa điểm và di động. Nếu những quá trình cấu trúc xã hội đang xảy ra qua những vùng địa lý rộng lớn, chúng ta cần làm thế nào với tư cách những nhà nghiên cứu để đối mặt với sự hạn chế không tránh được về thời gian và tiền tài trợ? Làm thế nào để tăng thêm sự hiểu biết sâu sắc qua những sự tương tác hay đụng độ xã hội một cách nhanh chóng với những cư dân mơ hồ của không gian phù du và ảo và nơi mà những “địa bàn” này có thể biến mất hoàn toàn? Phải thừa nhận rằng các nhà nghiên cứu hiện nay thường nghiên cứu những phần nhỏ hơn là tổng thể những quá trình văn hoá cũng do một phần vấn đề hậu cần ăn ở. Thêm nữa, cũng có nhiều cuộc thảo luận và phản ánh về những thất bại đôi khi xảy ra với những nhà nghiên cứu khi tuyển người tham gia bởi bản chất thay đổi nhanh chóng của những tiếp xúc xã hội (Couldry 2003) hoặc vấn đề chủ thể không điển hình và phương thức (email chẳng hạn) của yêu cầu (Hine 2000). Trong phần này, 8 hậu cần sẽ là vấn đề trọng tâm. Có những hạn chế đối với những gì có thể hợp lý thu được qua việc mô tả dân tộc học hiện thời và không giới hạn. Để giải quyết khúc mắc này, tôi sẽ tính đến những gợi ý về việc chúng ta có thể hiểu địa bàn nghiên cứu trong không gian rộng như thế nào nơi mà nhà nghiên cứu chỉ cư trú tại những phần nhất định nào đó trong không gian. Trường hợp đang được bàn đến là nghiên cứu về sự phong tỏa xã hội của Internet ở Accra, Ghana, trong một cuộc điền dã 8 tháng. Nghiên cứu này cũng cho thấy một loạt những thách thức khi xác định một địa bàn nghiên cứu. Tôi đặc biệt quan tâm đến việc hiểu cách Internet có thể được miêu tả và bàn luận thế nào trong cộng đồng những người sử dụng. Tôi hy vọng có thể hiểu tốt hơn về quá trình những người sử dụng đã đi qua để học cách thao tác kỹ thuật phức tạp này. Mục đích của tôi là liên kết những bàn luận này với những cố gắng ở mức độ cao của những tổ chức phát triển quốc tế, chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc, đã giành được quyền cung cấp công nghệ mới như Internet cho những quốc gia đang phát triển như Ghana. Tôi đã chọn cà-phê Internet bởi vì phần nào đó chúng được truy cập công cộng. Tôi cũng trông đợi rằng việc tiến hành quan sát và tuyển mộ thêm những người được phỏng vấn mới sẽ có kết quả theo cách thức xếp đặt này. Hơn nữa, những quán cà-phê này đại diện cho một kiểu chia sẻ đường truyền mà một vài người cho rằng đặc biệt phù hợp cho thế giới đang phát triển nơi mà chuẩn mực phương Tây về quyền sở hữu máy tính của cá nhân gần như không có được. Bởi vậy, bằng việc xem xét quán cà-phê Internet tôi đã xác định được lập trường để đáp lại những tranh luận trong nghiên cứu công nghệ và phát triển. Ở mức độ khái quát hơn, dự án này đem lại nhiều thách thức giống như những gì mà nhiều nhà nghiên cứu hiện nay tiến hành với những nghiên cứu dựa trên thực địa. Dự án này đã được thực hiện ở môi trường đô thị. Nó bao gồm một nghiên cứu về các không gian ảo phi Đề-các-tơ. Nghiên cứu này liên quan đến mối quan hệ giữa những quá trình toàn cầu và những trải nghiệm trong hoàn cảnh xác định. Không thể vẽ ra một biên giới xung quanh một hiện tượng xã hội như vậy phát sinh từ hai điều kiện. Trước hết là vấn đề chủ thể là Internet, một mạng lưới máy móc toàn cầu, thông tin và con người; tuy thế Internet quá rộng lớn để có thể được nghiên cứu như một tổng thể. Thứ đến, ngoài Internet, cũng đã có những nghiên cứu về cuộc sống hàng ngày ở Accra trong một bối cảnh rộng hơn với sự tương tác thường nhật giữa văn hoá vật chất và truyền thông có nguồn gốc đa dạng và không rõ ràng. 9 Sự khác biệt giữa hàng hóa và truyền thông địa phương và nước ngoài thường bị xóa nhòa. Những chiến lược đặt tên có dụng ý hướng đến mục đích địa phương hoá toàn cầu và toàn cầu hoá địa phương, ví dụ, phổ biến trong những hoạt động thương mại và nhà thờ, họ thường thêm vào tên của họ những gì có tính chất quốc tế để có thêm uy tín mặc dù họ không có chi nhánh nào ở nước ngoài. Ngược lại, khi quảng cáo cho một vùng miền nhất định nào đó (cho xà-phòng hay bia chẳng hạn) người ta cố tình xoá bỏ những dấu hiệu chỉ ra nguồn gốc nước ngoài của những sản phẩm đó, biến chúng như những sản phẩm của địa phương thông qua hình tượng và những câu chuyện kể về gia đình, giới tính, công việc, và sự giải trí ở đó. Những sự không rõ ràng nguồn gốc này có thể là cố tình hoặc vô tình; nhưng cách này hay cách kia thì cũng đều cản trở những cố gắng để miêu tả văn hoá được sử dụng như sự lưỡng phân giữa địa phương và toàn cầu. Những ví dụ này chứng minh đời sống hàng ngày ở Accra hướng tới thế giới bên ngoài như thế nào nhưng vấn đề địa phương và toàn cầu đó không còn mang nhiều ý nghĩa, hoặc có thể được nhận thấy rõ như những phạm trù riêng biệt. Những gì đã từng là yếu tố ngoại vi giờ được tích hợp vào thành phố, kết hợp và lai tạo thành một nguồn cung bất tận những kiểu dạng văn hóa mới trong ngôn ngữ, quảng cáo, âm nhạc, kiểu trang phục và nhiều thứ khác nữa. Ban đầu, cà-phê Internet tự nó dường như đã hứa hẹn là một địa bàn nghiên cứu có thể đứng độc lập. Tôi đã có thể lựa chọn một vài trong số những điểm kinh doanh nhỏ và đơn giản chỉ là dành thời gian bên trong những ốc đảo có gắn điều hoà này và quan sát các hoạt động, cũng có thể sử dụng sự hỗ trợ của máy móc kỹ thuật, để hiểu về những quá trình xã hội được định hình bởi môi trường các quán cà-phê giải khát này. Tuy vậy, ngay từ ban đầu tôi đã đánh giá quá cao vai trò của những không gian này giống như địa điểm được xã hội hoá với bất cứ sự cố kết, sự nhạy cảm cộng đồng nào. Những khách hàng đến đây không thường xuyên và cũng thường chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Tôi đã không thể dựa trên số người mà tôi thường xuyên gặp mặt ngoại trừ những người điều hành làm việc tại đây. Những người sử dụng cà-phê Internet có điểm giống nhau là họ đã không kết bạn hay liên hệ gì (trong sự tương tác mặt đối mặt) ở những quán cà-phê Internet này. Song khi quan sát mọi người ngồi trong quán cà-phê Internet này, họ thường chăm chú nhìn vào màn hình máy tính mà không để ý gì đến tiếng động hay những hoạt động xung quanh, điều đó có vẻ như họ đã tham gia một cách mải mê, sâu sắc vào những trải nghiệm xã hội trong một không gian ảo. Sự hiện diện hữu hình của họ trong quán cà-phê trở nên thầm lặng và trống rỗng. Những trải nghiệm xã hội này đã gây khó khăn và làm 10 tôi nản lòng khi quan sát như một nhà nghiên cứu, về cơ bản chỉ là việc kéo văn bản lên xuống trong một cửa sổ nhỏ. Tôi đã xen vào sự ràng buộc xã hội như thế chỉ từ một phía và như vậy điều đó có nguy cơ phá tan sự tương tác trong việc tìm kiếm sự hiểu biết về nó. Tôi nhận ra rằng quan sát khách hàng lui tới một quán cà-phê Internet đơn lẻ sẽ là không đủ cho mục đích của tôi là hiểu tốt hơn vai trò của Internet được sử dụng trong đời sống hàng ngày của cư dân đô thị ở Accra. Những quán cà-phê Internet thường nằm trong những phạm vi lân cận trong thành phố. Tôi bắt đầu theo chân mọi người từ quán cà-phê, bắt đầu bằng việc dàn xếp các cuộc phỏng vấn sâu đặt gần những quán bán đồ ăn nhanh của địa phương. Cuối cùng thì đi theo những người sử dụng cà-phê Internet này, họ dẫn tôi đến những ngôi nhà, nhà thờ, trường học, ra nước ngoài, đi đến tương lai (được tưởng tượng), và quay trở lại hàng cà-phê Internet nơi mà rốt cục tôi cũng đã có thể, trong một vài trường hợp, quan sát gần hơn những tương tác xã hội sâu sắc của những người sử dụng Internet này. Trong một ý nghĩa nào đó, địa bàn nghiên cứu của tôi được mở rộng ra cả thành phố của Accra, giống như những quán cà-phê Internet mà tôi đã nghiên cứu, những ngôi nhà mà tôi đã thăm, những con đường mà tôi đã đi qua trong quá trình điền dã ở trong thành phố hay những khu vực ngoại ô. Tuy nhiên, thật là nghịch lý, thành phố lại vừa không đồng nhất một cách rất phức tạp (quá bao trùm cho một địa bàn điền dã) đồng thời lại vừa quá hạn chế về mặt địa lý (quá bó hẹp) khi xem xét như một đơn vị phân tích. Ở một chừng mực, địa bàn điền dã quá rộng lớn, nó bao gồm hàng hàng lớp lớp các hoạt động đan xen và chồng chéo. Tuy thế, hầu hết hoạt động này lại không mấy liên quan đến nghiên cứu chính của tôi. Điều cần thiết là xác định có chọn lọc hơn địa bàn điền dã, phác thảo nên hình dạng vật chất và xã hội của nó trong thành phố, biến những hiện tượng xã hội đó có thể nhìn thấy được trong không gian xã hội phức tạp. Những ranh giới của thành phố mang tính độc quyền bởi sự đa dạng của nơi chốn, cơ quan, và con người gần hoặc xa có liên quan trực tiếp đến sự sở hữu và sử dụng Internet ở Accra. Ví dụ, việc nói chuyện qua mạng với bạn ở nước ngoài, có thành viên gia đình sống ở nước ngoài, và điều lệ nhập cư của những quốc gia như Mỹ hoặc Anh chẳng hạn trong rất nhiều những ảnh hưởng cần thiết có liên quan được định rõ trong việc sử dụng Internet ở Accra. Bởi vậy, địa bàn nghiên cứu cần được xác định không dựa trên những biên giới rộng mang tính quốc gia vì chúng quá mơ hồ. 11 Để điều hoà những phức tạp về mặt không gian này, tôi quan niệm địa bàn nghiên cứu của mình giống như một mạng lưới bao gồm những điểm cố định và lưu động gồm có những không gian, những con người, và những khách thể. Hannez (1992b) ủng hộ cho thể thức này của việc “phân tích mạng lưới” như là một cách để chỉ dẫn điều tra dân tộc học một cách có kỷ luật. Mạng lưới giống như một khái niệm tương đối thích hợp với mục đích của việc mô tả dân tộc học để thoát khỏi những khái niệm, những phạm trù, những thứ bậc, và những mối quan hệ được cho là đúng để tạo nên những phương pháp nghiên cứu định lượng và điều tra chính thức. Như Strathern (1996) đã lưu ý, “Mạng lưới như một hình ảnh thích hợp để miêu tả cách thức để người ta có thể kết nối hoặc liệt kê những thực thể khác hẳn nhau mà không cần phải đưa ra những giả định về mức độ hoặc đẳng cấp” (tr.522). Tương tự như vậy, Hannez (1992b) bình luận rằng “những mạng lưới…có thể được đánh giá như cắt ngang qua nhiều đơn vị phân tích thông thường” (tr.40). Như vậy những mạng lưới đưa lại cách thức để phát triển sự hiểu biết không chính thống của những quá trình xã hội. Chính cấu trúc này có thể được xây dựng từ những kết nối có thể quan sát và do những người tham gia thực hiện. Một lợi thế khác của việc xác định địa bàn nghiên cứu như một mạng lưới là nó được sản sinh như một địa điểm tiếp nối mà không xem sự gần gũi hoặc thậm chí thuộc về không gian theo ý nghĩa vật chất. Sự tiếp nối không ngụ ý nói đến sự thuần nhất hay đồng nhất; nó ngụ ý nói tới sự nối liền. Sự tiếp nối của một mạng lưới là bằng chứng theo cách mà một điểm có thể (qua một hoặc hai bước) kết nối với bất cứ điểm nào khác. Trong “địa bàn nghiên cứu như một mạng lưới”, điểm khởi đầu, điểm đến, không gian giữa chúng, và những gì chuyển động hoặc được chuyên chở theo những con đường được quan tâm nghiên cứu. Chính cách tiếp cận “được thiết kế xung quanh những mắt xích, những con đường, những dòng mạch, những sự liên kết, hoặc sự kề cận nhau của những địa điểm trong những gì mà nhà dân tộc học cấu tạo nên một số hình dạng của sự hiện diện vật chất theo nghĩa đen, với logic ấn định và rõ ràng của sự liên hợp hoặc kết nối giữa những địa điểm mà trên thực tế định ra những tranh luận của dân tộc học” (Marcus 1998a:90). Xác định địa bàn nghiên cứu như một mạng lưới là chiến lược vẽ nên những hiện tượng xã hội để quan sát bằng việc đặt cận cảnh địa bàn nghiên cứu đối lập với sự phức tạp xã hội trong môi trường đô thị của nó. Sự cận cảnh đó vẽ nên những đường viền của hiện tượng, nhận dạng chúng từ sự ganh đua và những hoạt động đan xen nhau cùng xảy ra trong phạm vi không gian được xác định một cách truyền thống hơn bởi những biên giới có tính chất quốc gia của thành phố. Thuật ngữ đường viền (contour) 12 miêu tả rõ nhất kết quả của hành động được nhìn cận cảnh để chỉ ra rằng độ chính xác hơn đã đạt được hơn là thu được dựa trên những đường biên thành phố, quốc gia… Đồng thời, thuật ngữ này vẫn giữ được chất lượng của tính bất quy tắc và quan điểm rằng hiện tượng xã hội được phác thảo hơn là bị tách rời khỏi bối cảnh của nó. Để đưa ra những lập luận lý thuyết về dân tộc học lưu động và những địa điểm thành một thực tế ứng dụng, tôi đã đi đến một vài chiến lược mà tôi sẽ trình bày tỉ mỉ ở đây. Những chiến lược này phần nào dựa trên những thực tế đã có từ lâu trong nghiên cứu dân tộc học, tuy nhiên, ở đây chúng được bố cục lại, liên quan đến những nhu cầu của thực hành hiện tại, và đuợc kết nối với một số biện pháp kỹ thuật mới lạ. Đây là một sự cố gắng để mở rộng và củng cố gợi ý của Marcus về dân tộc học nhiều địa điểm. Phần tiếp theo đây là một số bước đề xuất (gần theo thứ bậc) cho việc xây dựng địa bàn nghiên cứu trong thực hành dân tộc học hiện tại: 1. Tìm các điểm vào hơn là các địa bàn. Để tìm hiểu địa bàn nghiên cứu như một mạng lưới, nhà nghiên cứu cũng phải có những quyết định chiến lược xem vị trí (hay những vị trí) nào được đặt trong mạng lưới. Tôi thấy đây là vấn đề tìm kiếm đường vào hơn là những địa điểm bị giới hạn (Green 1999; Couldry 2003). Hine (2000) gợi ý tương tự rằng các nhà dân tộc học “vẫn cần bắt đầu từ một địa điểm cụ thể, nhưng họ nên đi theo những sự kết nối làm nên ý nghĩa từ vị trí ấy” (tr.60). Trong nghiên cứu này, tôi tìm cách lần theo địa bàn nghiên cứu mà việc sử dụng cà-phê Internet là điểm khởi đầu. Một cách mà tôi đã làm là đi theo các dấu vết con đường xuyên qua thành phố do những người sử dụng Internet định ra để hiểu được cuộc sống hàng ngày của họ. Ví dụ, tôi đã theo chân một thiếu nữ từ hàng cà-phê Internet, nơi cô ấy nói chuyện với người chồng nước ngoài, đến khu chợ nơi cô ấy đang học việc với một thợ làm tóc để chuẩn bị ra nước ngoài, rồi lại đến văn phòng Western Union nơi cô ấy nhận tiền từ người chồng để chi tiêu cho một chiếc điện thoại di động mới tinh và hào nhoáng. Cách tiếp cận này làm hiểu rõ hơn mối quan hệ đa chiều giữa việc sử dụng Internet và các khía cạnh khác của nguời sử dụng Internet. Điểm vào được lựa chọn kỹ có thể tạo ra một bản đồ có không gian rộng duy trì được sự ràng buộc tập trung với chủ đề nghiên cứu. Hàng cà-phê Internet, với sự lưu thông thường xuyên của những người sử dụng và những vật thể số, có tiềm năng lớn để mở rộng những trang web này ra khắp vùng lãnh địa đô thị và địa bàn ảo. 2. Xem xét nhiều loại mạng lưới. Marcus khuyến khích những người điền dã đi theo những con người, những vật thể, những câu chuyện nhưng không miêu tả những con 13 đường mà họ đã đi ngang qua. Những cơ sở hạ tầng hiện có dành cho con người đi lại, hay vận chuyển hàng hóa và vật thể xuất hiện dưới nhiều dạng thức chồng chéo nhau mà một số trong đó đã thực sự được hiểu như những mạng lưới. Những mạng lưới đó bao gồm những mạng lưới điện thoại, những mạng truyền thông khác (như Internet), mạng lưới giao thông (như đường hàng không), mạng lưới đường bộ, và những mạng lưới xã hội. Bằng việc định rõ những mạng lưới phong phú này, thì chúng cũng trở nên có địa vị nổi bật trong địa bàn nghiên cứu và có thể được hiểu như sự ràng buộc và kích hoạt các chuyển động đặc biệt. Bằng việc xem xét nhiều mạng lưới ngay từ ban đầu cũng kéo theo nhiều hướng khả thi để nhà nghiên cứu xem xét. Nghiên cứu kỹ lưỡng những mạng lưới này, địa bàn nghiên cứu trở thành một mạng lưới không đồng nhất (heterogeneous network). Địa bàn nghiên cứu khác với những gì mà Olwig và Hastrup (1997) xúc tiến “những địa bàn nghiên cứu được xác định bởi những quan hệ con người mà là chủ thể của nghiên cứu” (tr.8) cũng như cách tiếp cận dân tộc học kết hợp với phân tích mạng lưới xã hội của Howard (2002) tiếp cận dân tộc học trong sự kết hợp chặt chẽ với phân tích mạng lưới xã hội. Địa bàn nghiên cứu như một mạng lưới không thuần nhất kết hợp với việc vẽ ra những quan hệ xã hội của những người tham gia nghiên cứu và những kết nối của họ với những vật thể số và vật thể hữu hình và những địa điểm vật lý xác định. Hannez (1992b) lưu ý rằng phân tích mạng lưới như thế sẽ liên quan chặt chẽ với những dòng chảy ý nghĩa qua những mối quan hệ khác, ví như nhà nước, thị trường và truyền thông. Chấp nhận sự không đồng nhất chính là duy trì khả năng mà một hiện tượng xã hội đang được nghiên cứu có thể được định rõ không chỉ bởi những mạng lưới xã hội mà còn bởi những dòng chảy hiện hữu và những mô hình khác của sự kết nối. 3. Dòng chảy nhưng cũng là giao thoa. Một vấn đề khác là ở chỗ những vị trí và không gian xa hơn thường khó phân biệt về mặt địa lý hơn là thành phố, nơi mà các hoạt động theo đuổi và cư trú ít khả thi hơn. Đây là nơi mà ý niệm về sự theo đuổi giống như hành động hữu hình cần được kiểm tra và xem xét lại. Một cách tiếp cận là lần theo những tin nhắn từ điểm bắt đầu tại các quán cà phê Internet đến những điểm đến của chúng tại những điểm truy cập Internet dành cho các bạn chat ở nhiều quốc gia khác nhau. Thay vào đó, tôi đã tiến hành tiếp cận lần thứ hai, cũng giống như của Marcus (1998a), để nghiên cứu một địa điểm đơn lẻ với một sự nhận thức về bối cảnh nhiều địa điểm của nó. Tôi giải thích điều này có nghĩa là cà-phê Internet nên được xem như một điểm giao nhau nơi mà sự hiểu biết về Internet được tạo ra từng phần bởi những cuộc đối thoại và lưu 14 thông dữ liệu thông qua máy tính. Làm điều này từ vị trí tĩnh là một cách tránh sự khó điều khiển của việc mở rộng địa bàn nghiên cứu trong nhiều quốc gia. Những hàng cà-phê Internet trải qua sự lưu thông không ngừng. Nghiên cứu hàng cà-phê này như một điểm của sự giao thoa có nghĩa là tham gia vào những sự kết nối từ điểm này đến những điểm cách xa khác cũng như việc theo dõi sự chuyển động của những vật thể hữu hình và vật thể số và những người qua lại ở những quán cà phê. Ghi lại điểm khởi đầu và sự lưu thông của những vật thể này, nếu có thể, thì cũng nằm trong mục đích nghiên cứu, mặc dù như tôi đã thừa nhận ở trên, điều này luôn mơ hồ. Với khía cạnh này, tôi thấy những người Ghana sử dụng cà-phê Internet để trao đổi tin nhắn và trò chuyện với bạn bè trên mạng ở một phạm vi rất rộng, bao gồm những người không chỉ từ Mỹ và châu Âu mà còn từ Pakistan, Ấn Độ, Israel, Hong Kong, và nhiều nơi khác nữa. Họ tìm thấy các hình ảnh truyền thông đại chúng về những sự kiện tin tức quan trọng (chẳng hạn như sóng thần năm 2005 hay chiến tranh ở Iraq). Họ cũng kiếm được những băng phim ảnh hay nhạc Rap hoặc Hip-hop của người Mỹ. Và kết quả là một tầm nhìn gồm cả thế giới vừa hỗn tạp, tiêu cực lại vừa lộng lẫy nằm ngoài châu Phi. 4. Chú tâm đến những gì được chỉ dẫn trong những phỏng vấn. Ngôn ngữ có thể là công cụ cung cấp những đầu mối về những điều cần theo đuổi và những địa điểm cần đến thăm. Qua ngôn ngữ, những người nói luôn tạo dựng sự giao thiệp với (và giữa) những không gian. Về việc thực hành phương pháp, phân biệt và chú tâm vào những gì được chỉ dẫn trong cách nói được xem như, một cách khái quát, là một phần của cách phân tích sau đó (Jovchelovitch và Bauer 2000). Tuy nhiên, chú ý sát tới những tham chiếu về không gian và địa điểm trong lời nói (hoặc văn bản viết) lúc ban đầu cũng có thể là một chỉ dẫn những chuyển động xa hơn của nhà nghiên cứu. Những tham chiếu này vẽ ra những hiện tượng xã hội được nhận biết trong không gian thế nào. Ví dụ, trong một cuộc phỏng vấn về sử dụng cà phê Internet của người trẻ tuổi, tôi được nghe những câu chuyện về những gì diễn ra trong không gian sân trường, lớp học nơi mà học sinh bàn luận những gì có trên Internet. Không cần thiết phải tới thăm những trường học này, tôi cũng hiểu trường học thế nào, không gian nơi mà những người trẻ ngang tuổi nhau gặp gỡ và kết bạn thế nào, trường học đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu Internet một cách tập thể như thế nào. Sự tham khảo những địa điểm này cũng được dùng như những gợi ý về những điểm mới cho những chuyến ghé thăm thực chất. Phỏng vấn những người sử dụng Internet trong một khu vực nhất định tạo ra những tham chiếu cho “những căn cứ” (bases), được những nhóm thanh niên không chính thức 15 tổ chức, họ tạo ra những nơi tụ tập bên lề đường và bên trong những ngôi nhà chưa xây xong ở những khu vực lân cận. Những tổ chức không chính thức này hoá ra lại là những địa điểm quan trọng nơi những kiến thức kỹ thuật về Internet và điện thoại di động được phát tán. Theo sau những phỏng vấn này, tôi có thể dành thời gian ở một căn cứ và ở câu lạc bộ thanh niên được tổ chức không chính thức, nơi mà tôi có thể lần lượt gặp ở trường học Hồi giáo hoặc ở hành lang sau của tổ chức phi chính phủ ở địa phương. Qua buổi nói chuyện này, những không gian này thoát ra khỏi sự phức tạp của khu vực đô thị lân cận như những địa điểm dành riêng cho công nghệ. Hay nói một cách khác, những không gian này có thể biến mất mà không ai hay biết. 5. Sự hợp thành những không gian không thể cư trú. Nghiên cứu về thế giới ảo con người thông qua những tương tác xã hội có thể không được cư trú làm nổi bật vấn đề những không gian được tạo dựng như thế nào. Nghiên cứu về những không gian này như những thước đo địa bàn nghiên cứu cần đến một cách tiếp cận nhiều khả năng. Sử dụng Internet thường xuyên liên quan đến ràng buộc sự tưởng tượng và sản phẩm của những không gian tưởng tượng bởi vì có nhiều thứ mà cách tiếp cận trung gian này còn che đậy. Những không gian tưởng tượng là “những sự tưởng tượng mang tính xã hội” (Anderson 1983; C.Taylor 2002) hình thành trong những khái niệm không gian. Ví dụ, những người Ghana xây dựng nên khái niệm không gian ảo, và những người sống trong không gian đó từ kinh nghiệm của mình và các nguồn thông tin khác. Từ những cuộc hội thoại, ngày càng trở nên rõ ràng là nhiều người sử dụng Internet hình thành những phòng nói chuyện (chat rooms), những trang web hẹn hò, và những không gian trực tuyến khác được sử dụng cho mục đích đan xen và trộn lẫn nhằm tạo điều kiện truy cập dễ dàng hơn cho các nhà hoạt động từ tâm, những đối tác kinh doanh tiềm năng, những người già giàu có. Song những trông đợi này lại không khớp với những trải nghiệm của họ. Những người sử dụng Internet lại hướng đến tầng lớp thiếu niên và những người tầm tuổi 20 trong những không gian này. Cấu hình kỹ thuật riêng biệt của những phòng chat, nơi mà tung tích những người tham gia ẩn giấu, ở đó chỉ có những cái tên mơ hồ trên màn hình được sử dụng, và nơi mà rất nhiều những cá nhân vô danh có thể “ẩn nấp” không cần lên tiếng, điều đó đã thúc đẩy những tưởng tượng có tính chất tự biện. Bên cạnh không gian ảo, những phạm vi địa lý như là những quốc gia nước ngoài cũng được những người sử dụng cà-phê Internet tưởng tượng. Những tưởng tượng của họ được xây dựng phần nào từ những gì mà họ được biết đến thông qua dạng trung gian từ việc nói chuyện trực tuyến với bạn bè, những trang web, tin tức truyền thông, những 16 video ca nhạc, chương trình truyền hình, phim ảnh, những câu chuyện được kể bởi những người Ghana trở về từ nước ngoài, cuộc gặp gỡ với người nước ngoài ở Accra, và những tin đồn. Nước Mỹ đã có những tác động đến sự thâm nhập của Internet ở Ghana theo những cách khác, cung cấp hầu hết những gì hữu hình không chỉ nguồn tài liệu cho những công nghệ hình thành nên Internet mà còn cả những quy định của chính phủ về nhập cư nước ngoài mà đã hạn chế tính lưu động của hầu hết người Ghana. Tuy nhiên nước Mỹ cũng đã là một không gian được xây dựng nên trong sự tưởng tượng xã hội của những người sử dụng Internet ở Accra như là một điểm đến đầy khao khát cho giáo dục, việc làm và nguồn kinh tế giàu sang. Appadurai (1996) cho rằng người ta ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sự tưởng tượng mà con người tạo nên thông qua những ràng buộc với phương tiện thông tin đại chúng bởi những tưởng tượng này hình thành những ý tưởng và các hoạt động của thế giới thực. Ở Ghana, đã có những hậu quả do tác động của những không gian tưởng tượng này, ví như họ thường xuyên xem những sự tưởng tượng đó như thật và do đó mà hành động theo. Những không gian tưởng tượng có thể được dẫn chứng bằng tài liệu chủ yếu thông qua phỏng vấn và được tìm thấy trong sự lặp lại của những chủ đề giữa những nguồn đa dạng, chứng minh tính thực tế xã hội vượt quá tính cá nhân. Không có cách thức rõ ràng để tham gia vào hoặc quan sát những không gian này. Quan sát tham dự có thể diễn ra tại những địa điểm, nơi mà những kết quả của quá trình tưởng tượng như thế đã bị bỏ đi. Sự hấp dẫn đặc biệt là những địa điểm mà thực tế được tưởng tượng giao thoa và bị đối lập bởi thực tế khác nhau và khắc nghiệt hơn (ví như Đại sứ quán Mỹ nơi những người Ghana tìm kiếm visa du lịch và họ thường xuyên bị từ chối). Những không gian tưởng tượng hình thành nên một nguồn ý nghĩa quan trọng mà nó có thể liên quan đến những trải nghiệm và hoạt động của những người sử dụng Internet trên một bình diện tồn tại không phải tưởng tượng. 6. Biết dừng lại khi nào và ở nơi nào. Kích thước vô hạn đầy tiềm năng của mạng lưới và sự thiếu điểm dừng tự nhiên lộ ra những vấn đề cho nhà nghiên cứu (Strathern 1996). Thực ra, cách đơn giản để xác định thời điểm dừng lại là khi hết thời gian. Như Hine (2000) chỉ ra, nếu cứ bám chặt lấy quan điểm cho rằng dân tộc học không còn nghiên cứu về những tổng thể văn hoá nữa, thì nghi ngờ về tính trọn vẹn sẽ không còn là vấn đề nữa; chỉ dừng lại khi phải dừng. Tình huống tiến thoái lưỡng nan này trở thành (câu hỏi) là làm thế nào để kiến tạo một cách có chiến lược phần lựa chọn theo cách mà nó tạo ra những cố kết và những tiếp cận với những gì vừa được bàn thảo bên trên. Sự bão hoà ý nghĩa là 17 cách tiếp cận đã có từ lâu mà không dựa trên những giới hạn không gian để xác định điểm cuối của nghiên cứu6. Khi phỏng vấn những người mới và quan sát ở những địa điểm mới đã tạo ra những lặp lại chủ đề này có thể cho thấy quá trình nghiên cứu đã trở thành kết luận tự nhiên. Thêm nữa, nghiên cứu theo sau những kết nối có thể di chuyển vào một địa điểm, ở đó ngày càng ít gặp những chủ đề quan tâm. Điều này có thể không có nghĩa hoàn toàn chấm dứt nghiên cứu mà thay vào đó là người nghiên cứu nên quay trở lại điểm khởi đầu của địa bàn nghiên cứu để theo đuổi tập hợp những sự kết nối khác và chuyển hướng khác. Kết quả đối với vai trò của nhà nghiên cứu Kết quả của việc xác định địa bàn nghiên cứu như một mạng lưới là nó tạo nên vị trí đa năng và vô hạn cho nhà nghiên cứu. Dạng thức mạng lưới này xếp đặt lại mối quan hệ giữa nhà nghiên cứu nước ngoài và một nhóm chủ thể đang nghiên cứu. Đi vào địa bàn nghiên cứu không còn là quá trình băng qua giới hạn từ bên ngoài vào bên trong. Có rất nhiều cách thức khả thi để xác định sự kết nối giữa nhà nghiên cứu và chủ thể nghiên cứu. Trong khái niệm điền dã cổ điển, nơi khách thể nghiên cứu là ngôi làng xa xôi mà được xem như là một văn hoá tổng thể, có thể có một vài ý nghĩa rộng đi kèm tới điểm đến của nhà nghiên cứu nước ngoài. Anh ta hoặc cô ta đơn thuần chỉ là tò mò. Miêu tả điền dã của Nigel Barley (1983) trong Nhà dân tộc học Ngây thơ là một ví dụ của cách biểu hiện của nhà nghiên cứu nước ngoài. Ông giải thích rằng giữa những người Dowayo ở phía bắc Cameroon, sự có mặt của ông đã là một sự chịu đựng như thế nào bởi vì sự cố gắng một cách vụng về để nắm vững ngôn ngữ và cố gắng sử dụng ngôn ngữ trong cộng đồng như thế thì thật là kỳ khôi (Barley 1983). Không có sự báo trước hay hứa hẹn đi kèm sự có mặt của ông ta ở ngôi làng. Tuy vậy, một vài nhà dân tộc học đến những địa bàn nghiên cứu của họ một cách rất ngây thơ và không đánh dấu bất cứ điều gì. Sự lộ diện của truyền thông là cách mà những người nước ngoài được biết đến trước khi họ đến. Trong sự đối lập với miêu tả của Barley, Diane Nelson lưu ý rằng khi cô đến Bebaj, Guatemala, khi cô cho biết tên mình, thì đám trẻ con bắt đầu rầm rì “Diana, nữ hoàng của những con thằn lằn!”, cô nhanh chóng biết được Diana, nữ hoàng của những con thằn lằn, đó là nhân vật của khoa học viễn tưởng được du nhập, mà lũ trẻ đã xem trên tivi (Nelson 1996:288). Cũng vậy, khi tôi đến Accra, tôi cũng được nghe những câu reo hò “obruni, obruni” (nghĩa là người da trắng/người nước ngoài), một khái niệm mang rất nhiều ý nghĩa. Tôi đã phát hiện ra rằng có nhiều đoán định về tôi bởi vì tôi là người nước ngoài, 18 đặc biệt lại là người Mỹ. Điều này có nghĩa rằng tôi hoàn toàn không phải là bí mật, và ở một chừng mực nào đó, tôi thực sự đã được “phát hiện” ra thậm chí trước khi tôi nói. Nghĩa rộng của tính chất nước ngoài can thiệp vào những cố gắng của nhà nghiên cứu để trở thành thành viên của cộng đồng. Đi vào một địa bàn nghiên cứu, những nhà dân tộc học phải thực sự tìm thấy mình là một phần trong đó. Họ đặt ra vị trí của chính họ trong mạng lưới nhưng trong vai trò mà luôn khác với những người mà họ đang nghiên cứu. Theo kinh nghiệm của mình, tôi phát hiện ra rằng thực sự hữu ích cố gắng để hiểu những gì mang ý nghĩa chính là sự hoạt động của người nước ngoài trong một môi trường đô thị ở Ghana hơn là sự cố gắng cần thiết trở thành thành viên của cộng đồng. Nhìn chung, tìm hiểu vị trí (hoặc những vị trí) được gắn liền với nhà nghiên cứu bởi những điều họ nghiên cứu là một con đường để hiểu những cuộc sống được kết nối ở mức cao và những định hướng toàn cầu của con người và những xã hội trong thế kỷ 21. Kết luận Bằng việc xác định rõ địa bàn nghiên cứu như một mạng lưới trong cùng những chỉ dẫn được miêu tả ở trên, địa bàn nghiên cứu chuyển từ không gian bị giới hạn mà nhà nghiên cứu trú ngụ trong đó sang theo đuổi những dấu vết gần gũi hơn của những hiện tượng xã hội được nghiên cứu. Địa bàn này được tạo dựng theo cách mà những hiện tượng xã hội được cảm nhận và tác động như thế nào bởi những người tham gia. Cuối cùng thì cách tiếp cận này hoà hợp với cách tiếp cận emic lý tưởng của thực hành dân tộc học (cách tiếp cận emic có thể hiểu là việc thực sự coi trọng những sự mô tả, diễn giải của những chủ thể văn hoá trong địa bàn nghiên cứu - giọng nói của những người trong cuộc). Điạ bàn nghiên cứu được xác định thông qua những chuyển động vật chất, những địa điểm được chú dẫn trong khi nói hoặc trong văn bản viết, và những hình ảnh xã hội được hình thành bởi những người tham gia nghiên cứu. Tất nhiên, nhà nghiên cứu vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn địa điểm cho những quan tâm nghiên cứu, và đưa đến kết quả địa bàn nghiên cứu là một sự cộng tác giữa nhà nghiên cứu và những nhóm được nghiên cứu. Thông qua tình trạng mở để có thể đi theo những người tham gia qua không gian cũng như ngôn ngữ, sẽ thấy tiềm năng của những sự ngạc nhiên theo kinh nghiệm cũng như những cái nhìn sâu sắc và mới lạ từ bên trong. Theo kinh nghiệm điền dã của bản thân mình, cà phê Internet được xem như một điểm vào đặc biệt hữu ích cho nghiên cứu sự xâm nhập và sử dụng Internet ở Accra. Một cách chiến lược, cà phê Internet phục vụ như một không gian truy cập công cộng nơi con người có thể được mời phỏng vấn. Những quán cà-phê là những tâm điểm của sự lưu 19 thông và giao lưu, mà từ đó tôi có thể mở rộng ra bên ngoài, theo dấu vết những đường viền của những hiện tượng xã hội của người sử dụng Internet. Điều này được thực hiện nhờ việc đi theo sự chuyển động của những người sử dụng Internet xuyên khắp thành phố và bởi cả việc giao thoa dòng chảy của truyền thông qua Internet như khi việc nó đã đến quán cà-phê Internet. Điều này khiến việc thu hẹp phạm vi địa bàn nghiên cứu một cách đáng kể, trong khi vẫn nhận biết được việc những tác động từ rất nhiều địa điểm gần và xa đã được kết hợp vào trong môi trường như thế nào. Những vấn đề hậu cần vẫn luôn là thước đo nhận thức không đủ của nghiên cứu dựa trên điền dã. Tôi cũng đã đề cập nhiều đến những điều kiện ăn ở trong chính kinh nghiệm bản thân mình. Tôi đã chủ trương ở lại một nơi để “giao thoa” những dòng lưu thông số liệu, con người, và hàng hoá hơn là đi theo chúng. Tôi cho rằng một bản đồ không gian phần nào có thể được vẽ ra qua những tham chiếu để đưa vào ngôn ngữ (trong những phỏng vấn và hội thoại) mà không cần phải thăm viếng từng vị trí cụ thể này. Sự lựa chọn chiến lược một địa điểm (cà-phê Internet) nơi mà một số mạng lưới hội tụ, nơi mà con người và những khách thể đến với tôi (hơn là đến chỗ khác xung quanh) cũng trợ giúp cho cố gắng này. Công việc xác định rõ “một cách có hiệu quả” địa bàn nghiên cứu như một mạng lưới liên quan đến lưu giữ chuyển động trong khi vẫn đổi chỗ lẫn nhau giữa chiều hướng và khách thể nghiên cứu. Mặc dù không thể ứng dụng được cho tất cả các nghiên cứu dựa trên điền dã, nhưng cách tiếp cận này dường như đặc biệt hữu ích đối với một số chủ đề nghiên cứu xã hội nhất định, bao gồm sự di dân, những công nghệ viễn thông mới, phát thanh truyền hình, chủ nghĩa xuyên quốc gia, những thể chế toàn cầu, và nhiều những chủ đề khác nữa. Chú thích 1. Xem thêm những văn bản của Hành xử dân tộc học trong Hội thảo Công nghiệp (Lovejoy và Anderson 2006; Cefkin và Anderson 2007). 2. Những thế giới ảo dựa trên văn bản được gọi là MUDs (multi-user dungeons) và MOOs (MUD khách thể được định hướng) suy giảm khi khả năng của Internet phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, những môi trường mới chia sẻ máy tính có định dạng thuận tiện tương thích với môi trường giàu hình ảnh đang trở nên rất phổ biến. Bao gồm trong đó có trò chơi Cuộc sống Thứ hai (Second Life) và hàng loạt MMORPG (massive multiplayer online role-play games, những trò chơi sắm vai trực tuyến mà 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan