Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Di sản văn hóa vùng hàm rồng ở tỉnh thanh hóa [tt]...

Tài liệu Di sản văn hóa vùng hàm rồng ở tỉnh thanh hóa [tt]

.PDF
27
211
72

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA,THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆN VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM Nguyễn Thị Thục DI SẢN VĂN HOÁ VÙNG HÀM RỒNG Ở TỈNH THANH HÓA CHUYÊN NGÀNH: Văn hóa học MÃ SỐ: 62 31 06 40 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC Hà Nội – 2014 Công trình được hoàn thành tại: VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Nguyễn Chí Bền Người phản biện 1 : PGS.TS Trần Đức Ngôn, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Người phản biện 2 : PGS.TS Phạm Thu Yến, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Người phản biện 3 : TS. Hoàng Minh Tường, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hoá Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Viện tổ chức tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Vào hồi ….. giờ, ngày … tháng … năm 2014 Có thể tìm luận án tại: 1. Thư viện Quốc gia Việt Nam 2. Thư viện, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn đề tài Hàm Rồng là một địa danh đặc biệt ở xứ Thanh còn ghi dấu khá đậm nét các giai đoạn lịch sử được biểu hiện qua hệ thống DSVH hiện tồn trong vùng. Nhưng dưới nhãn quan của người đương thời, Hàm Rồng được nhớ đến nhiều với chiến công vang dội của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giá trị lịch sử - văn hóa các giai đoạn trước đó chưa được xem xét đúng tầm. Nhiều tác giả trong và ngoài nước đã dành sự quan tâm đến Hàm Rồng dưới các khía cạnh nghiên cứu đơn lẻ về DSVH, cảnh quan sinh thái…nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu tổng thể về Hàm Rồng và nhìn nhận Hàm Rồng như một vùng văn hóa đặc biệt ở tỉnh Thanh. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang phá vỡ dần cảnh quan sinh thái, làm mai một, xuống cấp hệ thống DSVH vùng Hàm Rồng. Việc quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư có tâm và xứng tầm đang trở thành một bài toán cần thiết để xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị vùng Hàm Rồng, giúp cho Hàm Rồng trở thành một không gian du lịch - văn hóa - kinh tế ở tỉnh Thanh mang tầm quốc gia trong tương lai. 2. Mục đích nghiên cứu 2.1. Nghiên cứu tổng thể hệ thống DSVH vùng Hàm Rồng. Lựa chọn những DSVH có giá trị độc đáo, điển hình để khảo cứu. Chỉ ra những đặc trưng chung của DSVH vùng Hàm Rồng. 2.2. Trên cơ sở lý thuyết vùng và phân vùng văn hóa; kết quả nghiên cứu DSVH vùng Hàm Rồng bước đầu chứng minh Hàm Rồng là một vùng văn hóa - lịch sử ở Thanh Hóa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, trong đó giá trị đặc trưng của DSVH là một tiêu chí quan trọng trong xác định. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu của luận án là hệ thống DSVH ở vùng Hàm Rồng biểu hiện qua các loại hình: DSVH vật thể và DSVH phi vật thể. Trong mỗi loại hình DSVH lại nghiên cứu theo từng loại hình cụ thể. 3.2. Phạm vi nghiên cứu 2 - Phạm vi không gian nghiên cứu của luận án là vùng văn hóa Hàm Rồng. Theo hướng Tây - Đông, tính từ xã Thiệu Khánh với dãy núi Đông Sơn chạy men theo sông Mã đến xã Hoằng Quang, phường Nam Ngạn. Theo hướng Bắc - Nam từ bến Ngự đến núi Nhồi, phường An Hoạch. - Phạm vi vấn đề nghiên cứu: Nghiên cứu DSVH vật thể (Di tích lịch sử văn hóa; danh lam thắng cảnh; di vật, cổ vật, bảo vật); DSVH phi vật thể (Lễ hội, tín ngưỡng; diễn xướng dân gian; nghề thủ công truyền thống) điển hình còn hiện tồn đến nay. 4. Phương pháp nghiên cứu 4.1. Sử dụng phương pháp nghiên cứu lý thuyết. 4.2. Phương pháp nghiên cứu nguồn tư liệu. 4.3. Sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành. 4.4. Sử dụng phương pháp điền dã, kết hợp với phương pháp tổng hợp, thống kê, phân loại, đối chiếu, so sánh, phân tích. 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài Thứ nhất, về khoa học - Luận án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hệ thống hóa lý thuyết vùng văn hóa và phân vùng văn hóa; chỉ ra hệ tiêu chí xác định vùng văn hóa. Khái quát lý thuyết về DSVH và vấn đề phân loại DSVH. - Luận án chỉ ra những giá trị đặc trưng chung của DSVH vùng Hàm Rồng. - Chứng minh Hàm Rồng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một vùng văn hóa - lịch sử với các giá trị văn hóa độc đáo được giải mã từ hệ thống DSVH. - Đưa ra một số kiến nghị về bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị DSVH trong vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thứ hai, về thực tiễn - Số lượng, giá trị DSVH vùng Hàm Rồng góp phần làm phong phú kho tàng DSVH tỉnh Thanh, DSVH Việt Nam với những giá trị độc đáo. 3 - Kiến nghị của luận án với mong muốn trở thành những gợi ý cho các cấp quản lý địa phương xem xét trong công tác quy hoạch, bảo tồn, phát huy DSVH vùng Hàm Rồng. - Luận án có thể in sách hoặc làm tài liệu tham khảo cho sinh viên các ngành Văn hóa - Du lịch, Quản lý Văn hóa ở các trường Đại học, Cao đẳng thuộc khối KHXH & NV. Thứ ba, kết quả nghiên cứu và những luận bàn - Đã có nhiều công trình đề cập đến Hàm Rồng, nhưng chủ yếu là những công trình đơn lẻ. Việc luận án đặt ra nghiên cứu tổng thể các giá trị văn hóa về Hàm Rồng sẽ cho thấy một Hàm Rồng rộng lớn, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa điển hình, mang tính đại diện cho văn hóa tỉnh Thanh. - Luận án lựa chọn DSVH là đối tượng nghiên cứu không chỉ mang tính lý luận thuần túy mà còn làm sáng tỏ ở vùng Hàm Rồng bên cạnh cảnh quan sinh thái độc đáo, thì, DSVH là yếu tố đặc trưng nhất. Giải mã DSVH sẽ thấy rõ bức tranh lịch sử - văn hóa vùng Hàm Rồng qua các giai đoạn lịch sử. - Trên thế giới cũng như trong nước đã có nhiều tác giả với nhiều công trình nghiên cứu về vùng và phân vùng văn hóa. Việc xác định Hàm Rồng là một vùng văn hóa - lịch sử ở Thanh Hóa cũng cần vận dụng lý thuyết từ những công trình đi trước cộng với việc lựa chọn những yếu tố đặc trưng của vùng để xây dựng hệ tiêu chí, từ đó áp dụng vào việc xác định vùng văn hóa Hàm Rồng. 4 NỘI DUNG Chương 1 LÝ THUYẾT VỀ VÙNG VĂN HÓA VÀ DI SẢN VĂN HÓA 1.1. Lý thuyết về vùng văn hóa 1.2.1. Một số khái niệm Vùng văn hóa: Theo tác giả Ngô Đức Thịnh: Vùng văn hóa là một vùng lãnh thổ, có những tương đồng về hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống ở đó từ lâu đã có mối quan hệ về nguồn gốc và lịch sử, có những tương đồng về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, giữa họ đã diễn ra những giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua lại, nên trong vùng đã hình thành những đặc trưng chung, thể hiện trong sinh hoạt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của cư dân, có thể phân biệt với vùng văn hóa khác. Vùng thể loại văn hóa: Là vùng mà ở đó từng thể loại văn hóa biểu hiện tính tương đồng, tính thống nhất thông qua nội dung, kết cấu, các sắc thái biểu hiện, phương thức lưu truyền…. Tiểu vùng văn hóa: Là những bộ phận hợp thành vùng văn hóa, trong đó mỗi tiểu vùng được xác định với những nét đặc thù bị chi phối bởi không gian địa lý, khí hậu và lịch sử hình thành, phát triển của vùng. Trung tâm văn hóa: C.L.Wisler cho rằng: Trung tâm văn hóa chính là nơi sinh sống của “các bộ lạc đặc trưng” và chính vùng văn hóa hình thành như là vùng ảnh hưởng của trung tâm văn hóa. Tổ hợp văn hóa: Là tập hợp những yếu tố văn hóa đặc trưng, gắn với trung tâm của vùng văn hóa. 1.1.2. Các khuynh hướng nghiên cứu về vùng văn hóa của các học giả trên thế giới và trong nước 1.1.2.1. Các khuynh hướng nghiên cứu lý thuyết về vùng văn hóa, không gian văn hóa trên thế giới. 5 - Thuyết “khuyếch tán văn hóa” ở Tây Âu. Thuyết này quan tâm đến hiện tượng tương đồng văn hóa. Thuyết này có ba trường phái: văn hóa lịch sử ở Đức và Áo; không gian và thời gian; truyền bá văn hóa ở Anh. - Lý thuyết “vùng văn hóa” trong nhân chủng học Mỹ cuối thế kỷ XIX. - Lý thuyết vùng văn hóa theo loại hình: loại hình kinh tế - văn hóa; loại hình văn hóa - lịch sử của các nhà dân tộc học Xô Viết. 1.1.2.2. Các khuynh hướng nghiên cứu lý thuyết vùng và phân vùng văn hóa của các học giả trong nước Ở Việt Nam, các khuynh hướng nghiên cứu lý thuyết khá khiêm tốn, thành tựu của các nhà nghiên cứu Việt Nam chủ yếu vận dụng lý thuyết của các học giả nước ngoài vào việc xác định và phân vùng văn hóa ở Việt Nam theo các khuynh hướng khác nhau. Một vài khuynh hướng tiêu biểu đến từ thành tựu của các tác giả: GS. Đinh Gia Khánh và tác giả Cù Huy Cận; GS.TS Ngô Đức Thịnh; GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, GS.Trần Quốc Vượng … 1.1.3. Tiêu chí xác định vùng văn hóa Phân vùng văn hóa luôn đi liền với nhận thức về văn hóa vùng. Trong phân vùng cần xác định được hệ tiêu chí phù hợp để phân biệt giữa vùng văn hóa này với vùng văn hóa khác.Trong đó, các giá trị đặc trưng được lựa chọn là một hoặc một vài tiêu chí quan trọng nhất. Để xác định một vùng văn hóa cần có một hệ tiêu chí cụ thể, và hệ tiêu chí được xác định: (1) Có không gian địa lý liên tục, liền khoảnh, (2) Có tính tương đồng về môi trường, cảnh quan sinh thái, (3) Cộng đồng dân cư có tính thống nhất cao, có quá trình tụ cư sớm, phát triển liên tục trong lịch sử, (4) Có sự tập hợp đầy đủ các yếu tố về lịch sử - văn hóa và chúng có những giá trị đặc trưng, gắn bó hữu cơ với nhau, thể hiện rõ hơn cả là trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Hệ tiêu chí không phải là bất biến, người nghiên có thể đưa ra hệ tiêu chí theo quan điểm cá nhân dựa trên hướng hoặc vấn đề nghiên cứu. 6 1.2. Lý thuyết về DSVH 1.2.1. Khái niệm về DSVH: Điều 1, luật DSVH Việt Nam viết: DSVH quy định tại luật này bao gồm DSVH phi vật thể và DSVH vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 1.2.2. Các tiêu chí phân loại DSVH: - Phân loại theo khả năng thỏa mãn nhu cầu hay theo mục đích sử dụng của DSVH: DSVH vật chất và DSVH tinh thần. - Phân loại DSVH theo lĩnh vực hoạt động của con người: Đại diện cho cách tiếp cận này có các tác giả: GS.Trần Quốc Vượng (chia 3 lĩnh vực), GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (chia 4 tiểu hệ thống) và PGS.TS Phạm Duy Khuê (chia 4 lĩnh vực). - Phân loại theo hình thái biểu hiện của DSVH: Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO và Luật DSVH của Việt Nam năm 2009, thì, DSVH được chia thành hai loại hình: DSVH vật thể và DSVH phi vật thể. Luận án lựa chọn cách phân loại theo Luật DSVH Việt Nam. Theo luật này, DSVH tồn tại chủ yếu dưới hai hình thái: DSVH vật thể; DSVH phi vật thể. 1.2.3. Vai trò của DSVH trong đời sống xã hội 1.2.3.1. DSVH là tài sản của cộng đồng: Luật DSVH sửa đổi bổ sung năm 2009 ghi: DSVH Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là bộ phận của cộng đồng văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Di sản có thể thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức, nhà nước. 1.2.3.2. DSVH là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội: Đảng và Nhà nước coi văn hóa là nguồn lực cho phát triển. Trong lĩnh vực văn hóa, 7 DSVH đóng vai trò quan trọng. Quan niệm DSVH như một nguồn lực biểu hiện ở hai khía cạnh: chức năng tư tưởng và chức năng kinh tế của DSVH. 1.2.3.3. DSVH là linh hồn gắn kết cộng đồng, dân tộc: DSVH là tài sản chung của mỗi cộng đồng, dân tộc, là môi trường mà cả dân tộc cùng chung vai gắng sức sáng tạo ra trong suốt tiến trình lịch sử của mình. Chính vì thế nó trở thành nhân tố quan trọng, là hạt nhân gắn kết cộng đồng xã hội ở những cấp độ khác nhau. 1.2.3.4. DSVH trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc: Có thể hiểu BSVHDT là nét riêng của văn hóa dân tộc. Trong xu thế toàn cầu hóa là hiện thân của bản sắc văn hóa, giữ gìn DSVH chính là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. DSVH là biểu hiện của sự đa dạng, phong phú của văn hóa nhân loại, vì thế giữ gìn DSVH dân tộc là giữ gìn sự da dạng, phong phú của văn hóa nhân loại. 1.2.3.5. DSVH và việc hình thành hệ giá trị mới: DSVH có vai trò quan trọng trong việc hình thành hệ giá trị mới nhằm đảm bảo, duy trì sự ổn định của xã hội hiện đại trong một thế cân bằng động. Nền tảng bền vững, trường tồn phần nhiều vẫn nằm trong khối DSVH của dân tộc. 1.2.4. Giá trị đặc trưng của DSVH - một tiêu chí xác định vùng văn hóa Việc nghiên cứu hệ thống DSVH của một vùng không chỉ thấy được những nét đặc trưng về văn hóa của một vùng mà còn có thể thấy rõ cả một tiến trình lịch sử của địa phương ấy được phản ánh một cách sinh động trong hệ thống DSVH. Thông qua hệ thống DSVH có thể nhận diện đầy đủ các giá trị vật chất, tinh thần đến các lớp trầm tích văn hóa được tích lũy trong suốt quá trình lịch sử. Những phân tích về đặc trưng của DSVH, vai trò của nó trong đời sống xã hội giúp khẳng định, DSVH ngoài là nhân tố cơ bản cấu tạo vùng 8 thì có thể lựa chọn như một tiêu chí trong xác định vùng văn hóa. Như vậy, việc xây dựng hệ tiêu chí để chứng minh Hàm Rồng là một vùng văn hóa ở Thanh Hóa được tác giả luận án lựa chọn là: (1) Có không gian địa lý liên tục, liền khoảnh; (2) Có cảnh quan sinh thái tự nhiên đa dạng, độc đáo; (3) Có cộng đồng dân cư sinh sống lâu đời, phát triển liên tục trong lịch sử; (4) Có hệ thống DSVH đặc trưng. Tiểu kết chương 1 Cơ sở lý thuyết là nền tảng quan trọng cho việc áp dụng vào đối tượng nghiên cứu cụ thể. Ở chương 1, luận án đã đưa ra hai nhóm lý thuyết căn bản: Lý thuyết về vùng văn hóa và phân vùng văn hóa của các học giả trên thế giới và ở Việt Nam. Đồng thời chỉ ra hệ tiêu chí (4 tiêu chí) được các học giả đi trước áp dụng thành công trong phân vùng văn hóa ở Việt Nam. Hệ tiêu chí thường được lựa chọn trên cơ sở những giá trị đặc trưng của vùng, vùng có nhiều giá trị đặc trưng sẽ thuận lợi hơn trong chứng minh để có thể trở thành một vùng văn hóa. Và giá trị đặc trưng cũng chính là đặc điểm tạo ra sự khác biệt giữa vùng văn hóa này và vùng văn hóa khác. Lý thuyết về DSVH được luận giải từ các khái niệm đến tiêu chí phân loại. Vai trò của DSVH trong đời sống xã hội. Từ việc phân tích lý thuyết về DSVH bước đầu cho thấy, ẩn chứa trong hệ thống DSVH là các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần phong phú của các giai đoạn lịch sử được lắng/phủ trên các DSVH. Giải mã DSVH sẽ thấy đầy đủ diện mạo đời sống văn hóa cộng đồng ở từng thời kỳ lịch sử đã đi qua. Điều này 9 minh chứng, DSVH đủ các điều kiện trở thành một tiêu chí trong xác định một vùng văn hóa. Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa kết quả các công trình nghiên cứu đi trước và trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn vùng Hàm Rồng, luận án đã xây dựng hệ tiêu chí (gồm 4 tiêu chí) áp dụng vào việc xác định Hàm Rồng là một vùng văn hóa đặc trưng ở Thanh Hóa. Ngoài 3/4 tiêu chí luận án vận dụng từ kết quả nghiên cứu của các học giả đi trước, tiêu chí thứ 4 tác giả luận án lựa chọn DSVH như một vấn đề mới bước đầu luận án đặt ra. Chương 2 DI SẢN VĂN HÓA Ở VÙNG HÀM RỒNG 2.1. Nhận diện vùng Hàm Rồng Mặc dù ranh giới vùng không rõ ràng và khó xác định về diên cách, cương vực. Nhưng để thống kê, đánh giá được giá trị DSVH của một vùng thì việc nhận diện diên cách vùng là rất quan trọng. Luận án đưa ra một giả thiết để làm việc, đó là tạm xác định vùng Hàm Rồng là không gian của Thành phố Thanh Hóa ngày nay. Trong dòng thời gian của lịch sử, Thành phố Thanh Hóa có sự thay đổi tên gọi và địa giới hành chính nhiều lần. Lần mở rộng địa giới thành phố gần đây nhất là vào năm 2012. 2.2. Di sản văn hoá vật thể vùng Hàm Rồng 2.2.1. Di tích lịch sử - văn hóa Theo thống kê, vùng Hàm Rồng hiện có 320 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó đã xếp hạng 103 di tích (33 di tích cấp quốc gia và 70 di tích cấp tỉnh). 2.2.1.1. Di tích văn hoá khảo cổ Di tích văn hóa khảo cổ là một trong những loại hình di sản đặc sắc và tiêu biểu ở Hàm Rồng. Vùng Hàm Rồng hiện còn tồn tại khá nhiều di chỉ 10 khảo cổ học nổi tiếng: Di chỉ khảo cổ học núi Đọ (thuộc sơ kỳ đồ đá cũ); Di chỉ khảo cổ học Đông Sơn (thời kỳ đồng thau và sắt sớm). Những cứ liệu khảo cổ học trong vùng có thể cung cấp nhiều cứ liệu khoa học cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc. Đồng thời chứng minh giai đoạn chuyển tiếp mạnh mẽ từ một nền văn hoá cổ đại bước sang nền văn minh văn hoá Đông Sơn. 2.2.1.2 Di tích kiến trúc - nghệ thuật Đây là loại hình tiêu biểu và chiếm số lượng lớn nhất trong vùng (82%) thuộc rất nhiều loại hình khác nhau: đình, đền, chùa, lăng mộ, nhà cổ, làng cổ, thành cổ… Mỗi một loại hình di tích đều mang đậm dấu vết lịch sử của quá trình hình thành, tồn tại vượt thời gian và còn hiện tồn đến ngày nay. Đình làng: Đình làng Việt Nam xuất hiện từ thế kỷ XV - XVI, rộ vào thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX. Là kiến trúc có tính “biểu tượng tinh thần” cho cộng đồng làng, xã. Phần lớn các đình làng ở vùng Hàm Rồng được khởi dựng chủ yếu vào thời kỳ nhà Nguyễn với môtip kiến trúc chung với hệ thống đình làng xứ Thanh. Yếu tố Nho giáo bắt gặp khá rõ nét trong cách bài trí, các hình tượng chạm khắc trên đình làng có tính nhất quán, như chạm “tứ linh, tứ quý” hay sự uyển chuyển, biến điệu của hình linh thú, hoa lá tự nhiên, đậm các giá trị văn hóa Nho giáo, ít bắt gặp các cảnh sinh hoạt của con người trên các bức chạm khắc trong đình như ở Bắc Bộ. Ngoài ra, đặc điểm về không gian của đình cho thấy ưu thế về một vùng đất chưa bị sức ép về mật độ dân số như ở phía Bắc vào thế kỷ XVII - XIX. Trong vùng Hàm Rồng còn có Hoa Thương Hội Quán là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Hoa Kiều, nó có công năng tương tự như đình làng. Hoa Thương Hội Quán không chỉ là nơi ghi lại dấu ấn của người Hoa trên đất Hàm Rồng,Thanh Hóa, là minh chứng cho một thời kỳ phát triển của đô thị Thanh Hoa, mà còn là một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo. 11 Đền thờ: Trong số 103 di tích được xếp hạng, có đến 52 di tích (chiếm 50%) thuộc loại hình đền, miếu, phủ, lăng mộ. Đền thờ ở vùng Hàm Rồng khá đa dạng và phong phú về loại hình, phát triển mạnh vào thời Lê - Trịnh - giai đoạn lịch sử có nhiều biến động của cuộc nội chiến Nam - Bắc triều ở thế kỷ XVI - XVII. Giải mã một cách có hệ thống sẽ thấy rõ hơn về văn hóa, lịch sử, đời sống xã hội đương thời. Một số đền thờ có kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu: Đền thờ Lê Uy - Trần Khát Chân; Thái miếu nhà Hậu Lê; thắng tích núi Nhồi; nghè Nguyệt Viên… Chùa: Trong vùng Hàm Rồng hiện có 20 ngôi chùa có giá trị và đã được xếp hạng các cấp. Tuy nhiên dấu vết kiến trúc còn lại hiện nay thể hiện điều đó một cách rất mờ nhạt, chỉ có thể tìm lại dấu vết xưa qua các nền móng và một vài hiện vật bằng đá. Những gì chúng ta có thể quan sát hiện nay là những lớp kiến trúc sau này được trùng tu, không sớm hơn thế kỷ XIX, với nhiều phong cách, đôi khi chắp vá rất khiên cưỡng. Một số ngôi chùa điển hình: chùa Mật Sơn; chùa Vồm; chùa Hương Quang… Làng cổ, nhà cổ: Làng cổ là một đặc trưng rất điển hình của vùng văn hóa Hàm Rồng, nó minh chứng cho sự tụ cư sớm và tính cố kết cộng đồng cao của cư dân trong vùng. Mặc dù có nhiều biến đổi qua thời gian nhưng trong vùng vẫn còn một số làng cổ tiêu biểu: Nam Ngạn; Đông Sơn; Dương Xá, Từ Quang, Vĩnh Trị… Thành cổ: Mặc dù chỉ còn là phế tích với những hiện vật còn nằm sâu dưới lòng đất chưa được khai quật, nhưng thành cổ vẫn còn được ghi lại qua những trang sử như một sự tồn tại bền vững của nó trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Một vị trí hội đủ các điều kiện để lựa chọn xây dựng lỵ sở qua các thời kỳ, điển hình: Thành Tư Phố; Hạc Thành… 2.2.1.3. Di tích lịch sử cách mạng Sự hiện diện của các di tích lịch sử cách mạng khẳng định sự tiếp nối mang tính liên tục về thời gian, đồng thời khẳng định vùng Hàm Rồng là mảnh đất trọng yếu của Thanh Hóa và có vị thế quan trọng đối với lịch 12 sử dân tộc. Chiến tranh đã đi qua, nhưng những di tích lịch sử cách mạng vẫn còn hiện diện vẹn nguyên. Không chỉ có cây cầu Hàm Rồng, trong vùng vẫn còn khá nhiều di tích: Tượng đài chiến thắng; nhà máy điện 4/4; các ụ pháo tại Nổ Bể và đầu cống; di tích cách mạng thanh niên xung phong; đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng... 2.2.2. Danh lam thắng cảnh Một vùng non nước kỳ tú, thơ mộng, hữu tình không đâu sánh bằng. Vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất và con người nơi đây đã khiến bao thi sĩ phải cảm hoài viết nên những vần thơ khắc sâu vào đá núi. Để rồi càng bồi đắp thêm cho vùng đất này những giá trị về văn hoá tinh thần, văn hóa vật chất mà không phải nơi nào cũng có. Thắng cảnh Hàm Rồng; thắng cảnh Bàn A; núi Kỳ Lân 2.2.3. Di vật, cổ vật, bảo vật: Tiêu biểu cho loại hình di sản này là trống đồng và bia ký. Phân tích những dữ liệu về trống đồng sẽ thấy rõ những đặc điểm đa diện về đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội của thời Lạc Việt. Bia ký lại là di sản tư liệu quan trọng, được coi như một “biểu tượng thiêng” của người Việt. Người ta đã “tín ngưỡng hoá” nhờ khả năng “biểu tượng hoá” cao độ các linh vật qua các hoạ tiết thiêng liêng trên bia ký. Những đề tài rất khác nhau trên bia ký thấm đẫm tinh thần văn hoá dân gian là một đam mê rất đáng trân trọng của người đương thời. Một số bia ký điển hình: Trùng tu Phúc Hưng tự bi; An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký… 2.3. DSVH phi vật thể vùng Hàm Rồng 2.3.1. Lễ hội Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam, sinh hoạt lễ hội là loại hình văn hóa rất đặc trưng. Theo thống kê toàn tỉnh hiện nay có 160 lễ hội liên quan đến di tích lịch sử, 50 lễ hội liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo. 13 Trên tổng số 5.757 làng, bản, khu phố có 1/3 làng, bản, khu phố tổ chức lễ hội hàng năm. Những lễ hội ở vùng Hàm Rồng là kết quả của một quá trình tiếp diễn, giao lưu và biến đổi văn hoá trải qua hàng nghìn năm. Lễ hội trong vùng có xu hướng lịch sử hoá rõ rệt bên cạnh những màu sắc tín ngưỡng vẫn còn đọng lại trong các hình thức của lễ hội. Một số lễ hội điển hình trong vùng đã được khảo cứu: Lễ hội đền Lê Bố Vệ; lễ hội đền thờ Thượng ngàn Thiên tiên công chúa; lễ hội làng Đông Sơn. 2.3.2. Nghệ thuật trình diễn dân gian Các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian vùng Hàm Rồng ra đời khá sớm và ngày càng hoàn thiện, đạt tới trình tự nghi thức cao. Các loại hình tiêu biểu như dân ca, dân vũ, trò diễn, trò chơi. Cụ thể một số loại hình đặc sắc: Dân ca Đông Anh (với 12 trò diễn), hò sông Mã với nhiều thể loại, chèo chải.. 2.3.3. Tín ngưỡng Tín ngưỡng vùng Hàm Rồng có nhiều nét nổi bật, mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng Đông Sơn cổ đại. Thờ thần là tín ngưỡng phổ biến nhất vùng, nó vừa chứa đựng yếu tố huyền thoại, vừa mang đậm dấu ấn lịch sử. Một số tín ngưỡng điển hình: Tín ngưỡng thờ Mẫu; tín ngưỡng thờ thần Độc Cước; tín ngưỡng thờ Sơn thần; tín ngưỡng thờ Trống Đồng… 2.2.4. Nghề thủ công truyền thống Hàm Rồng là một vùng đất cổ, nghề thủ công truyền thống ra đời đáp ứng nhu cầu tất yếu trong sinh hoạt của người dân. Sự phát triển của các làng nghề truyền thống phản ánh một góc độ nhất định sự phát triển của nền văn hoá dân tộc từ đơn giản đến phức tạp, từ thô sơ đến tinh xảo trong kỹ thuật và tư duy. Vùng Hàm Rồng nằm ở vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương, cửa ngõ đường sông, biển, đường bộ, đã góp phần thúc đẩy các 14 nghề thủ công truyền thống trong vùng phát triển. Phần lớn các sản phẩm đều được sản xuất và tiêu thụ tại chỗ: nghề đục đá An Hoạch, nghề Gốm Lò Chum, nghề đan cót làng Giàng, nghề làm nem chua... Tiểu kết chương 2 DSVH vùng Hàm Rồng là tài sản quý giá của tỉnh Thanh nói riêng và dân tộc nói chung. Với mật độ DSVH phân bố đậm đặc, đa dạng về loại hình, liên tục về thời gian, đặc sắc về nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc, cộng với không gian tín ngưỡng thiêng của người đương thời đã làm cho Hàm Rồng trở nên linh thiêng, danh giá bội phần trong nền cảnh, không gian văn hóa tỉnh Thanh. Mỗi DSVH vừa là một “bảo tàng nghệ thuật” vừa là một “sân khấu văn hoá phi vật thể" mà người đương đại có thể tìm lại quá khứ trên nhiều bình diện khác nhau. Từ việc nghiên cứu DSVH trong vùng, bước đầu có thể đi đến kết luận, DSVH vùng Hàm Rồng có những đặc trưng chung: chịu ảnh hưởng sâu sắc của dòng sông Mã và mạch nguồn văn hóa Đông Sơn; có quá trình tích tụ liên tục về thời gian, đa dạng về loại hình, phân bố đậm đặc, mang biểu hiện sinh động của văn hóa tỉnh Thanh; mang đậm dấu ấn hội tụ, lan tỏa do quá trình giao lưu văn hóa theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây. Chương 3 BÀN LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 3.1. Hàm Rồng - một vùng văn hóa 3.1.1. Hàm Rồng có không gian địa lý liên tục, liền khoảnh Địa lý tự nhiên vùng Hàm Rồng hiện nay gần như không thay đổi so với nhiều triệu năm trước. Dãy núi Đông Sơn kéo dài từ Tây Bắc xuống Đông Nam và dừng lại ở cầu Hàm Rồng, tạo ra vành đai phía Bắc. Ở phía Nam có dãy núi Phượng Hoàng, An Hoạch, Chồng Mâm… nối liền nhau. 15 Các dãy núi bao quanh, tạo cho vùng Hàm Rồng ở vào không gian tương đối khép kín.các truyền thuyết còn lưu truyền lại trong vùng cũng là minh chứng rõ nét cho sự ổn định về không gian của vùng. 3.1.2. Hàm Rồng có cảnh quan sinh thái tự nhiên độc đáo - Hàm Rồng là vùng có sự pha trộn đầy đủ các yếu tố: núi - đồng bằng - biển. Yếu tố núi: đó là sự hiện diện của dãy Đông Sơn, An Hoạch, Chồng Mâm… tạo ra cảnh núi non trùng điệp - một quang cảnh khác biệt giữa vùng đồng bằng sông Mã Yếu tố đồng bằng: Hàm Rồng nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng sông Mã. Yếu tố biển: Kết quả nghiên cứu địa chất học cho thấy, nhiều triệu năm trước, biển áp sát chân dãy núi Đông Sơn bây giờ. Do quá trình vận động địa chất trong nhiều triệu năm của lịch sử đã làm cho Hàm Rồng ngày nay cách biển khoảng 10km. Tuy nhiên, dấu vết văn hóa biển vẫn còn đậm nét qua truyền thuyết hòn Vọng phu… - Cảnh quan độc đáo đã làm nên một Hàm Rồng linh thiêng bậc nhất xứ Thanh: Những vùng có sự kết hợp ba yếu tố núi - đồng bằng - biển rất hiếm và thường linh thiêng. Hàm Rồng có cảnh quan như vậy, nên nhiều quan lại phương Bắc muốn táng cha mẹ ở đây mong phước lớn trường tồn (Cao Biền). Trong lịch sử, Hàm Rồng là vùng đất chứng kiến nhiều cuộc đụng độ quân sự: trận chiến Thành Tư Phố; tranh giành quyền lực Nam - Bắc triều; kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân lính tử trận nhiều nghẹn cả khúc sông…Với số người nằm lại trên vùng đất này đã làm cho Hàm Rồng trở nên linh thiêng bội phần. 3.1.3. Hàm Rồng có cộng đồng dân cư sinh sống lâu đời, phát triển liên tục trong lịch sử Những cứ liệu khảo cổ, truyền thuyết dân gian đều khẳng định Hàm Rồng là vùng tụ cư sớm, ổn định và phát triển. Cư dân Đông Sơn được xem 16 là chủ nhân của vùng Hàm Rồng. Các sách sử đã khẳng định: Việc quản lý dân cư đã ổn định muộn nhất vào thế kỷ X. Con cháu ngày nay sinh sống ở vùng Hàm Rồng được cho là hậu duệ của người Đông Sơn cổ. 3.1.4. Hàm Rồng có hệ thống DSVH đặc trưng Những giá trị đặc trưng của DSVH vùng Hàm Rồng được biểu hiện trên những phương diện: - DSVH vùng Hàm Rồng chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa sông Mã và mạch nguồn văn hóa Đông Sơn Sông Mã chảy qua vùng Hàm Rồng với chiều dài chưa đến 10km, nhưng lại trở thành một đoạn sông có điểm nhấn đặc biệt qua trọng. Ví trị hội tụ của các dòng sông (sông Chu nhập dòng với sông Mã ở ngã Ba Đầu, vị trí chia nhánh sông Tào Xuyên). Các ngã ba sông thường được con người lựa chọn tụ cư; trung tâm buôn bán, các bến chợ… đồng thời là điểm giao lưu, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ qua các thời kỳ lịch sử. Làng cổ Đông Sơn nằm ở trung tâm vùng Hàm Rồng. Những giá trị của nền văn hóa Đông Sơn như mạch nguồn văn hóa đặc sắc, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất trong vùng. - DSVH vùng Hàm Rồng có quá trình tích tụ liên tục về thời gian, đa dạng về loại hình, phân bố đậm đặc, mang biểu hiện sinh động của văn hóa tỉnh Thanh. Hiếm có vùng văn hóa nào dấu vết các giai đoạn lịch sử còn biểu hiện khá rõ nét và có thể nhận diện qua DSVH. DSVH vùng Hàm Rồng có sự tích tụ, tiếp nối liên tục từ sơ kỳ đồ đá cũ đến ngày nay. Ngoài ra, với 2/3 số lượng DSVH tập trung ở lưu vực sông Mã, thì vùng Hàm Rồng là nơi có mật độ phân bố đậm đặc nhất. Một số dấu vết văn hóa điển hình trong vùng cho thấy một bức tranh sinh động về văn hóa tỉnh Thanh nói chung và vùng Hàm Rồng nói riêng, và còn có thể nhận thấy những vấn đề trong lịch sử như: dấu vết hành cung thông qua đôi rồng 5 móng ở đền thờ Đức Ông… 17 - DSVH vùng Hàm Rồng mang dấu ấn hội tụ, lan tỏa của quá trình giao lưu văn hóa theo trục Bắc - Nam và Đông – Tây Hàm Rồng là tâm điểm giao thoa của trục Bắc - Nam, Đông - Tây. Do ở vào vị trí quan trọng nên Hàm Rồng từng nhiều lần được chọn làm lỵ sở: Tư Phố, Dương Xá, Hạc Thành, Thành phố Thanh Hóa. Dấu vết hội tụ, lan tỏa có thể nhận biết trong ý thức hệ tư tưởng, tín ngưỡng: bắt gặp những hiện tượng mang tính đồng nhất với đồng bằng Bắc Bộ (Ông Bưng, ông Vồm với Thánh Tản Viên…; chàng Ất Đại Vương với Thánh Gióng). Dấu vết giao lưu với bên ngoài: văn hóa Chăm, văn hóa phương Tây, văn hóa Malayo, dấu vết đạo giáo (Trung Quốc)… 3.2. Kiến nghị 3.2.1. Kiến nghị về quy hoạch vùng văn hóa Hàm Rồng Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số: 396/2013/QĐ-TTg ngày 05/3/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử, văn hóa Hàm Rồng. Theo Quyết định: thời gian thực hiện từ năm 2013 đến năm 2025. Theo quan điểm của tác giả luận án là cần xem xét lại quy hoạch vùng Hàm Rồng theo hướng mở rộng hơn không gian so với quy hoạch đang triển khai. Cụ thể: Phía Tây đến núi Đọ, phía Bắc là toàn bộ khu vực các xã Hoằng Lý, Hoằng Long, Hoằng Quang; phía Đông đến làng Nam Ngạn, phố Lò Chum; phía Nam đến phường Đông Vệ, phường An Hoạch. Diện tích của không gian này khoảng trên 4.000ha. Cần tính đến bài toán đưa sông Mã vào trong quy hoạch như một điểm nhấn quan trọng, tạo cho Hàm Rồng có địa lý của sự tích hợp các yếu tố: núi - đồng bằng - biển. 3.2.2. Kiến nghị về công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH vùng Hàm Rồng 3.2.2.1. Kiến nghị về công tác bảo tồn DSVH 18 Bảo tồn DSVH là một việc có tính chuyên ngành rất sâu và phức tạp. Để hệ thống DSVH vùng Hàm Rồng được bảo vệ, bảo tồn có hiệu quả, tác giả luận án kiến nghị một số giải pháp cụ thể sau: Tổ chức bộ máy bảo vệ di tích tại cơ sở; Lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích và xác định vành đai bảo vệ cho từng di tích; Tổ chức thực hiện các dự án nghiên cứu sưu tầm, thống kê, phân loại DSVH phi vật thể; Phục dựng lại các DSVH đã bị chiến tranh phá hủy hoặc mai một hoàn toàn qua thời gian;- Duy trì, phục hồi, phát triển nghề thủ công truyền thống; Tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề; Xuất bản ấn phẩm nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ DSVH . 3.2.2.1. Kiến nghị về việc khai thác, phát huy giá trị DSVH Tạo môi trường tôn vinh giá trị DSVH và giáo dục cộng đồng thông qua các công tác: Tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về bảo vệ và phát huy giá trị DSVH; Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giới thiệu về DSVH; Xây dựng các mô hình giáo dục truyền thống tại các di tích; Đưa DSVH vào các chương trình giáo dục; Thiết kế các tour du lịch với việc sử dụng các giá trị DSVH; Sử dụng các chất liệu truyền thống trong các tác phẩm văn hóa nghệ thuật hiện đại. Tiểu kết chương 3 Vận dụng 4 tiêu chí đã lựa chọn trong chương 1 để áp dụng vào chứng minh Hàm Rồng là một vùng văn hóa. Trong đó DSVH được xem là một tiêu chí đặc trưng, quan trọng nhất. Việc lựa chọn tiêu chí DSVH là một vấn đề mới của luận án. Những giá trị đặc trưng của DSVH vùng Hàm Rồng chứng minh trên 3 yếu tố: DSVH vùng Hàm Rồng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa sông Mã, mạch nguồn văn Đông Sơn; Có quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa theo trục Đông - Tây; Bắc - Nam; Có quá trình tích tụ liên tục về thời gian, đa dạng về loại hình và phân bố đậm đặc.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất