Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ đề tài tìm hiểu nguồn gốc địa danh nam bộ qua truyền thuyết và giả thuyết...

Tài liệu đề tài tìm hiểu nguồn gốc địa danh nam bộ qua truyền thuyết và giả thuyết

.PDF
219
48
109

Mô tả:

TÌM HIỂU NGUỒN GỐC ĐỊA DANH NAM BỘ QUA TRUYỀN THUYẾT VÀ GIẢ THUYẾT PHẦN THỨ NHẤT KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA DANH NAM BỘ Địa danh – một mặt mang ngôn ngữ của những dân tộc cụ thể, mặt khác lại gắn chặt với vùng đất mà các dân tộc đã sinh sống qua. Cho nên, có thể nói, địa danh là những từ ngữ, những mẩu ngôn ngữ của một dân tộc nhất định đã tạc vào núi sông, ở những nơi mà họ đã từng cư trú. Trong địa danh có ba yếu tố gắn chặt với nhau là: ngôn ngữ, xã hội và địa lý. Nhờ có yếu tố địa lý mà địa danh bám chặt vào đất mà sống cố định ở đó, dù là chủ nhân cũ đã bỏ đi nơi khác và có những lớp người mới đến thay thế, dù là trên mảnh đất đó ngôn ngữ và xã hội đã thay đổi nhiều lần. Địa danh là danh từ riêng, không những chỉ để gọi tên một vùng đất, mà còn là tên để gọi nhiều đối tượng khác như các địa hình tự nhiên (sông, rạch, núi đồi…), công trình xây dựng (cầu, đường, chợ…), các đơn vị hành chính (tỉnh, huyện, quận, tổng, làng xã…), các vùng, xóm, xứ… Do đó, địa danh thường mang tên địa hình thiên nhiên, thế đất, thế nước, mang tên người, tên cây cỏ, tên muông thú, tên công trình xây dựng. Về cấu trúc từ ngữ, có khi là bằng mỹ từ, có khi nôm na, có vay mượn từ ngữ âm hoặc ngữ nghĩa của ngôn ngữ khác…Trước mỗi địa danh thường là một danh từ chung để chỉ loại địa danh đó. Mỗi địa danh ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử - văn hóa nhất định song không thể là bất biến mà có thể chuyển hóa qua nhiều hình thức (như rớt từ, nói trại âm, viết sai chính tả…) nên có một số địa danh từ lúc hình thành đến nay đã thay đổi. Có thể nói địa danh là một dấu ấn lịch sử, một di chỉ khảo cổ học, ghi và truyền lại hậu thế một sự kiện lịch sử, một hiện tượng thiên nhiên, một hiện tượng xã hội. 1 Địa danh liên quan đến nhiều lĩnh vực: sử học, địa lý học, dân tộc học, khảo cổ học, lịch sử ngôn ngữ…Do đó, khi đề cập đến nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua một số chuyện tích không thể không nói đến vài đặc điểm về địa lý tự nhiên, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ…của vùng đất mới này. Nam Bộ là vùng đất mới, ở phía Nam của Tổ quốc, chính thức thuộc chủ quyền người Việt kể từ năm 1698, khi chúa Nguyễn Phước Chu cử thống soái Nguyễn Hữu Cảnh và Nam kinh lược, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn. Nhưng trên thực tế, lưu dân người Việt đã vào đây cư ngụ rất sớm. Thật vậy, ngay từ thời chúa Tiên (Nguyễn Hoàng: 1558-1613) và nhất là thời chúa Sãi (Nguyễn Phước Nguyên: 1613-1635) đã có nhiều người Việt vào Nam cộng cư với thổ dân người Khmer. Sự kiện quốc vương Chân Lạp, Chey Chetta II cưới công nữ Ngọc Vạn, con chúa Sãi, vào năm 1618 và công nữ rất được Chey Chetta II sủng ái, phong làm hoàng hậu (với tước hiệu Somdach Prea Vodey Prea Vorcac Ksatey); cùng sự kiện quốc vương xứ này, cho phép chúa Sãi mượn đất Prei Nokor và Kas Krobey (tức Sài Gòn và Bến Nghé sau này) lập trạm thu thuế thương chánh vào năm 1623; đã tích cực góp phần động viên, tạo điều kiện cho lưu dân người Việt đến vùng Đồng Nai, Bến Nghé, Cửu Long khẩn hoang sinh sống. Trước khi lưu dân người Việt đến khai phá đất này, trừ miền đông là nơi cao ráo, còn lại là vùng đất trũng thấp, nhất là Đồng Tháp Mười và U Minh. Ở đây, nước ngập gần như quanh năm, không phù hợp với thói quen canh tác lúa rẫy của người Khmer và được người Trung Quốc gọi là Thủy Chân Lạp. Vùng này, thổ dân thưa thớt, thường tập trung trên các giồng, gò cao; nhìn chung đại bộ phận là hoang hóa hoàn toàn với rừng bụi âm u. Căn cứ vào con số thống kê của người Pháp sau khi chiếm Nam Bộ, ta thấy rõ tình trạng này. (Tổng số người Việt gốc Khmer là 146.718 người, so với người Việt là 1.732.316 người). 2 So với cả chiều dài lịch sử dân tộc, từ khi người Việt đặt chân lên vùng đất này quả thật là ngắn ngủi. Tên đất, tên sông, tên núi… ở đây ra đời muộn, không có “thâm niên” như ở miền Trung và miền Bắc. Bên cạnh đó, địa danh Nam Bộ được hình thành còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, như: địa lý, cư dân, điều kiện lịch sử, hoàn cảnh xã hội địa phương… nên địa danh ở đây còn mang đậm dấu ấn lịch sử của một vùng đất mới. I. VÀI ĐẶC ĐIỂM CỦA VÙNG ĐẤT NAM BỘ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH ĐỊA DANH 1. Đặc điểm về địa hình và tài nguyên thiên nhiên 1.1. Đặc điểm về địa hình Nhìn chung địa hình Nam Bộ thấp, tương đối bằng phẳng. Miền Đông cao hơn với một ít núi đồi thấp, chỉ còn núi Bà Đen ở Tây Ninh là cao nhất; miền Trung và Tây Nam Bộ bằng phẳng hơn với hai vùng đất trũng rộng lớn là Đồng Tháp Mười và U Minh cùng một vài cụm núi thấp ở Thất Sơn (An Giang) và Hà Tiên (Kiên Giang). Vì ít núi non, nên phần lớn mọi đỉnh cao ở đây thường được gọi là núi. Bên cạnh nét đặc biệt là thấp và phẳng, địa hình Nam Bộ còn có một hệ thống sông rạch chằng chịt, trong đó ngoài các sông lớn là sông Tiền, sông Hậu, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, hai sông Vàm Cỏ Đồng và Tây là vô số sông rạch lớn nhỏ. Bình thường hàng năm có mùa nước nổi (nước lên) từ tháng 8 đến tháng 10; phần lớn diện tích đều bị ngập lụt, sâu nhất là ở hai vùng trũng Đồng Tháp Mười và U Minh. Chính trên vùng sông nước này đã xuất hiện nhiều dạng địa thế đặc biệt mà con người ở đây đã hình thành những tên gọi tương ứng cho mỗi thế đất, thế nước tự nhiên hoặc nhân tạo. a. Địa thế tự nhiên - Bãi: chỗ bờ sông, bờ biển thấp, lài ra khá rộng. - Bàu: chỗ trũng khá rộng, nước mưa đọng lại có thể ăn thông với một con rạch nhỏ hoặc không. 3 - Búng: nguyên trước là một đoạn sông quanh co, nay dòng chảy được nắn thẳng lại, khúc sông cong quẹo này vẫn còn thông thương với sông được gọi là búng. - Bưng: cũng chỉ chỗ trũng nước mưa đọng lại, nhưng lớn hơn bàu. - Cạnh: bìa đất, chéo đất nhô ra nhưng không nhọn, như Cạnh Đền. - Cồn: chỉ chỗ đất bồi lên cao ở giữa sông. - Cù lao: lớn hơn cồn. - Dớn: nơi trũng thấp có nhiều cây rán (còn gọi là rau rán), như dớn Hàng Gòn, dớn Rạch Giếng… - Dứt: chỉ phần đất vừa hết độ cao của gò (dứt Gò Suông, dứt Gò Muống, dứt Họng Giang…). - Đầm: chỗ có địa hình như bưng nhưng sâu hơn. - Đảo: chỉ vùng đất nổi lên ngoài biển khơi. - Điền: chỉ phần đất lớn của các đại điền chủ thời Pháp thuộc, như điền thầy Hai Trinh, điền Hội đồng Bền… - Đồng: chỉ vùng đất rộng lớn, tương đối bằng phẳng, được khai phá hoặc chưa. - Động: không phải là hang động mà là bãi cát ở ven biển, hoặc ở giữa đồng ruộng (nguyên ở đây khi xưa là bờ biển), như: Động Cát, Ba Động. - Gành, gảnh: chỉ chỗ bờ sông hay biển cao, nhô ra ngoài, như Gảnh Mù U. - Giồng: (do Vồng) chỗ đất cao hơn ruộng, do phù sa sông hoặc biển bồi đắp, như giồng Dung (Đồng Tháp Mười), giồng Cai Lữ (Tiền Giang)… - Gò: như giồng nhưng diện tích hẹp hơn; tuy nhiên cũng có thể do cách gọi của từng địa phương, như gò Tháp, gò Cây Me… - Hóc: thường chỉ những nơi vắng vẻ, hẻo lánh, ít người lui tới. Tuy nhiên, theo người Khmer gọi Hóc Môn là srock kompong tràv có nghĩa là “xứ vũng môn”. Do đó, “hóc” không phải là hóc, kẹt (chỉ nơi vắng vẻ), mà rõ ràng 4 hóc là một dạng địa hình sông nước như rạch, xẻo, xép, vũng… Trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, khi giải thích từ “xép”, tác giả viết: “cái hói, cái hóc, cái đàng (đường) nước nhỏ mà chẹt (cạn và hẹp), như hóc Lựu (Chợ Gạo, Tiền Giang), hóc Bà Tó (xã Khánh Tiến, U Minh, Cà Mau). - Hòn: như cù lao (trên biển), nhưng gần bờ hơn, như hòn Phú Quốc. Song, hòn cũng dùng để chỉ một trái núi, như Hòn Đất. - Hố: chỉ vùng trũng nhỏ, có nước đọng vào mùa mưa (Hố Bò, Hố Nai, Cái Hố…). - Láng: chỉ chỗ trũng ngập nước, như không sâu như bằng, như Láng Tượng, Láng Le… - Lòng: thường để chỉ con rạch chảy trên cù lao (lòng Ông Chưởng). - Lung: giống như láng (Lung Bông…). - Khém: chỉ con rạch cùn (như xép, xẻo). - Mũi: chỗ đất đá nhô ra có hình mũi nhọn. - Ngã: như ngõ trên đường bộ, chỉ hai con rạch đi về hai hướng khác, như: ngã Bát, ngã Cạy, ngã Tắc, ngã Ba Tàu (Cà Mau)… - Rạch: chỉ con sông nhỏ tự nhiên đổ nước vào con sông lớn. - Rổng, Rọc: chỗ trũng dài. - Sân chim: chỉ vùng có nhiều cây cối, vắng vẻ, thuận lợi cho các loài chim về ngủ, làm ổ đẻ trứng. - Sình: chỉ chỗ trũng thấp, sình lầy, ngập úng quanh năm trên mặt có cây cỏ dại mọc thành lớp dày (sình Dứt, sình Vồ, sình Lớn). - Tràm: chỗ trũng thấp ngập nước lưu niên và có nhiều tràm (tràm Chim, tràm Rừng…). - Trảng: chỉ vùng đất trống giữa rừng (trảng Bom, trảng Sụp). - Trấp: chỗ trũng sâu, nước ngập quanh năm, diện tích không rộng lắm (trấp Rùng Rình, trấp Tre). - Truông: đường hẹp đầy đá hoặc gai góc, hiểm trở khó đi (truông Bí). 5 - Ụ: chỗ hõm sâu vào đất liền và sâu, ghe, tàu ghe vào dễ dàng (ụ Cai Việt). - Vàm: chỉ chỗ ngã ba sông, nơi sông nhỏ hay rạch đổ nước vào sông cái. - Vịnh: chỉ chỗ nước sâu ăn sát vào bờ sông hay bờ biển. - Vũng: chỉ chỗ nước sâu gần bờ biển. - Xẻo hoặc xép: chỉ con rạch cùn, nước chảy vào, chảy ra một cửa, như xẻo Quýt, xẻo Rô… - Xép: chỉ con đường nước nhỏ, cạn, chỉ có một đầu thông với sông rạch, như một con rạch cùn. - … Một số trong các tên gọi địa hình trên đây, do người Việt nói theo ngữ âm Khmer hay thổ âm khác như Vàm (do Piam), rạch (do prek), bưng (do bâng), trấp (do trốp), lung (do ăn lôông), sóc (do srôk), tràm (do kram của tiếng Mã Lai), ụ (do uk của tiếng Chăm), cù lao (do cu rao hoặc pu lô của Mạ hoặc Mã Lai), gò (do gun của Mã Lai), gò nổng (do gunông của Mã Lai)… b. Địa thế nhân tạo - Ao: do con người đào để trữ nước ngọt. - Con lương (đường lương): đường nước do con người đào để dẫn nước hoặc để làm ranh đất, thường nhỏ hơn kinh và lớn hơn mương. - Đìa: lớn hơn ao, thường đào để cá tự nhiên tập trung lại vào sau mùa nước; Đồng Tháp Mười có nhiều đìa. - Đập: do con người đắp ngang một dòng chảy (sông, rạch, suối…). - Đường gạo, đường lương: theo dân gian trong vùng Đồng Tháp Mười đó là vận tải gạo, lương thực vào căn cứ Đồng Tháp Mười của Thiên Hộ Dương; những con đường này thường do cộ trâu kéo đi lại nhiều lần mà thành, hoặc dùng trâu để “thét” đường (tức là lùa cả bầy trâu cho chúng đi thẳng một đường, để cho bùn tràn ra hai bên, tạo thành một đường nước mà không phải tốn công đào). 6 - Gãy: chỗ gấp khúc trên kinh đào (gãy Cờ Đen). - Kinh: con sông do người đào, thường thẳng tắp (ở Nam Bộ không có kênh). - Mương: chỉ đường nước do con người đào để dẫn nước, để làm ranh đất. - Rẫy: nơi đất màu mỡ được con người đào mương lên liếp trồng rau đậu… - Tắc: (do tắt) chỉ con kinh ngắn nối liền hai dòng chảy, để rút ngắn đường đi (tắc Vân, tắc Ông Thầy, tắc Ông Rèn, tắc Chàng Hảng…). - Thứ: tên riêng để chỉ 11 con kinh đào ở vùng Rạch Giá – Cà Mau. - … Tuy nhiên, sự phân biệt thế đất, thế nước và tên gọi trên chỉ tương đối. Còn một số tên gọi của một vài dạng địa thế thường hay dùng lẫn lộn, hoặc thay đổi từ địa phương này sang địa phương khác như: cồn với cù lao; đảo với hòn; mũi với gảnh, ghềnh; láng với lung, trấp; khém với xẻo, xép; sình với trấp; đầm với bàu, đìa; vịnh với búng, vũng; mương với con lương… Trong cấu trúc địa danh Nam Bộ, tên các thế đất, thế nước kể trên là từ khởi đầu của phần địa danh. Nếu điều kiện địa hình là yếu tố chủ chốt trong việc hình thành các tên gọi chung mang tính tổng quát cho thế đất, thế nước thì tài nguyên phong phú là yếu tố góp phần hoàn chỉnh và làm địa danh Nam Bộ đa dạng hơn. 1.2. Đặc điểm về tài nguyên thiên nhiên Với đặc điểm địa hình thấp, chủ yếu là đồng bằng, lại nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều nên Nam Bộ rất phong phú, đa dạng về động thực vật, điểm này ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành địa danh ở đây. Hầu hết các địa phương ở Nam Bộ đều có địa danh mang tên cây hoặc con; phần lớn các địa danh này được hình thành trong buổi đầu khai hoang mở cõi, đến nay, mặc dù 7 điều kiện tự nhiên đó đã thay đổi hoặc không còn nữa, nhưng tên vẫn còn đó như nhắc nhở, như lưu dấu một thời… Những địa danh Bằng Lăng, Vên Vên, Trảng Bàng, Vườn Chuối, Bến Tre, Gò Dầu, Cái Dầu, Cây Điệp, Củ Chi, Đầm Sen, Rạch Kè, Giồng Dứa, Vườn Thơm, Tràm Chim, Tràm Sình, Lung Năng, Mương Điều, Rạch Nhum (Cái Nhum), rạch Vông, Mốp Văng, Dứt Gò Muống, rạch Rau Dừa… Và Đồng Nai, Gò Công, Hố Bò, Gành Rái, cù lao Ông Hổ, Bến Nghé, Rạch Đầu Sấu, Mương Trâu, tắc Ông Thầy, Đồng Voi, Láng Tượng, rạch Rắn, rạch Đỉa, rạch Cá Trê, rạch Cá Rô, rạch Cá Nháp, rạch Tôm Càng, Gành Hào, rạch Ba Khía, Đầm Dơi, Đầm Chim, Rạch Vọp… đã nói lên đặc điểm phong phú, đa dạng về tài nguyên thiên nhiên ở Nam Bộ. Ngoài những cây, những con hiện diện mọi nơi trên cả nước, mỗi địa phương ở Nam Bộ, do điều kiện môi trường sinh thái đặc biệt, số lượng đông và thực vật có thể có nhiều hơn, hoặc có một số loài mà nơi khác không có; địa danh của từng địa phương ở Nam Bộ làm chức năng ghi chép, lưu giữ… như rạch Bù Mắt, rạch Muỗi, rạch Rắn, Cái Rắn, rạch Đỉa, An Thịt… 2. Đặc điểm về lịch sử Lịch sử cũng là một yếu tố góp phần không nhỏ trong quá trình hình thành địa danh. Trong khoảng thời gian trên dưới 400 năm, kể từ khi đặt chân lên đất Đồng Nai – Bến Nghé – Cửu Long, lưu dân người Việt bên cạnh cuộc khai hoang, đấu tranh cải tạo thiên nhiên, xây dựng cuộc sống mới; họ còn phải chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập cho Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống yên lành mà họ đã tốn biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và có khi cả xương máu mới xây dựng được. Dấu ấn của lịch sử không những còn lưu lại trên thực địa, trên tư liệu thành văn, trên hiện vật, trong kí ức tập thể nhân dân mà còn hiện diện trên nhiều địa danh. Những tên núi, tên sông, tên rạch, tên các công trình xây dựng, tên vùng, tên xóm, tên hành chính… mang tên nhân vật, sự kiện lịch sử, hiện tượng xã hội.. 8 có khi chính quyền chủ động đặt; song, thường là do nhân dân địa phương tự phát đề xuất gọi, lâu dần thành quen. Trong lịch sử khai hoang mở cõi, những nhân vật có công quy dân phá rừng mở ruộng, đào kinh, bắc cầu, xây chợ, mở đường, thiết lập cơ sở hành chính, chiến đấu chống thú dữ, thiên tai, bệnh dịch… thường tên của họ trở thành tên của các đối tượng đó. Các địa danh cầu Thị Nghè, sông Nhà Bè, Cao Lãnh, rạch Ông Tú, cầu Hương Lễ, eo Ông Từ, lòng Ông Chưởng, rạch Cai Bường… được hình thành qua những hoạt động này. Trong hành trình bôn tẩu của Nguyễn Ánh trước sự truy đuổi của quân Tây Sơn suốt từ Sài Gòn đến miền Tây Nam Bộ, bán đảo Cà Mau, quần đảo Côn Sơn, Phú Quốc, còn lưu lại nhiều dấu ấn trong một số địa danh, như Hòn Bà, Hòn Cậu, Cạnh Đền, ấp Giá Ngự, sông Ông Đốc, Long Hưng, Bảo Tiền, Bảo Hậu… Bên cạnh địa danh Rạch Gầm – Xoài Mút, nhân chứng lịch sử chứng kiến sự thảm bại của quân can thiệp Xiêm hưởng ứng hành động “Rước voi về giày mả tổ” của Nguyễn Ánh; chiến thắng này (1784) còn góp phần hình thành một số địa danh mới như rạch Bà Hét (Bà Thét). Cuộc dấy loạn của Lê Văn Khôi trong âm mưu chống lại triều đình Minh Mạng phạm một sai lầm lớn là cầu cứu ngoại bang, tạo điều kiện cho gần ba vạn quân Xiêm tràn qua biên giới Việt Nam (1834) từ Trấn Ninh vào đến Hà Tiên, trong đó tuyến biên giới tây nam Nam Bộ là mặt trận chính. Giặc chiếm được Hà Tiên và Châu Đốc. Bản chất của cuộc chiến thay đổi, nhân dân An Giang ở vùng sông Tiền, sông Hậu sát cánh cùng quân triều đình chống giặc cứu nước. Chiến thắng sông Tiền vào cuối năm 1834 quét sạch giặc Xiêm ra khỏi bờ cõi, biến một số địa danh vốn dĩ bình thường thành địa chỉ nổi tiếng, như Vàm Nao (Vàm Thuận, Thuận Cảng), Bến Siêu (Thiêu), Cổ Hổ (Cổ Hủ), Đốc Vàng… và hình thành vài địa danh mới, như Doi Lửa… “Miền Nam đi trước” trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và “về sau” trong kháng chiến chống đế quốc Mĩ; trong suốt 116 năm đó không nơi 9 nào ở Nam Bộ không diễn ra cuộc đấu tranh của nhân dân ta, chiến sĩ ta với kẻ thù dưới hình thức này hoặc hình thức khác và cũng không nơi nào không có anh hùng, liệt sĩ ngã xuống cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc. Thế nên có nhiều tên anh hùng liệt sĩ, nhiều tên sự kiện… trở thành tên một vùng đất, tên hành chính, tên sông, tên đường, tên cầu… Có thể do nhân dân tự phát chọn đặt, về sau được nhà nước hợp thức hóa hoặc do chính quyền chủ động chọn đặt. Qua các thời kỳ lịch sử, tên gọi các phân cấp hành chính, cùng tên và địa giới của nó cũng thay đổi, theo xu thế mỗi ngày một nhiều và phức tạp hơn. 3. Đặc điểm về văn hóa Có thể nói đặc điểm về văn hóa của Nam Bộ tạo nhiều ấn tượng cho địa danh của vùng đất này. Do lịch sử quy định, văn hóa Nam Bộ mang sắc thái của một vùng văn hóa đa dân tộc. Dưới góc độ địa văn hóa, chúng ta thấy dù một địa phương có khoảng cách khá xa với cái nôi của nền văn hóa dân tộc, một địa bàn cư trú mới với sự tác động của nhiều nền văn hóa khác, song văn hóa Nam Bộ vẫn nổi lên nét chung, bao trùm lên trên là cái nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong cái đa dạng, yếu tố Việt vẫn là yếu tố chủ đạo. Trên bước đường vào phương Nam khai hoang mở cõi, bên cạnh hành trang vật chất, lưu dân người Việt trong bất cứ trường hợp nào cũng đều mang trong người ít nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng, phong cách sống, lời ăn, tiếng nói… Nói chung là mang theo cốt cách của người Việt. Trong buổi đầu khai hoang mở cõi, lưu dân người Việt thường dùng tên thôn xóm ở quê cũ để gọi lẫn nhau, về sau mới mang tên khác. Trên môi trường sống mới, lưu dân người Việt giao tiếp với nhiều cư dân bản địa là người S’Tiêng, Châu Mạ, Châu Ro, Khmer… sau đó có thêm người Mã Lai, Chà Và (Java – Nam Dương), Chăm (Chàm, Chiêm Thành, Hời), người Hoa, gồm có người Quảng Đông (Quảng), người Triều Châu (Tiều), người Phước Kiến (Hẹ), Hải Nam… cuối cùng người Âu (chủ yếu là người Pháp). Riêng trong 10 lĩnh vực ngôn ngữ, các cuộc giao lưu văn hóa này đã lưu lại nhiều dấu ấn trong tiếng nói, chữ viết của người Việt Nam Bộ về sau. Thế nên, trong địa danh Nam Bộ, bên cạnh các địa danh thuần Việt, chúng ta còn gặp nhiều địa danh mang yếu tố phi Việt hay bị Việt hóa ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là các địa danh có nguồn gốc tiếng Hán Việt, Khmer, Mã Lai và Pháp. II. CẤU TRÚC ĐỊA DANH NAM BỘ 1. Một số dạng cấu trúc thông thường Theo đối tượng, có thể chia địa danh Nam Bộ thành bốn nhóm: địa danh chỉ đại thế tự nhiên hoặc nhân tạo, địa danh chỉ công trình xây dựng, địa danh hành chính và địa danh chỉ vùng. Trong mỗi nhóm có cấu trúc riêng.  Đối với địa danh chỉ địa hình Ở nhóm này, ngay từ xưa nhân dân đã dựa vào đặc điểm của mỗi địa hình để đặt tên cho nó. Đặc điểm có thể là hình dạng, kích cỡ, hoặc trên đó có cây, con gì đặc biệt. Như trên con rạch có nhiều cây bần, thì gọi là rạch Bần (TP. Hồ Chí Minh); có nhiều rắn thì gọi là rạch Rắn (Cà Mau)… Rạch chảy quanh co, có cây cỏ rậm rạp che khuất từng phần, giống như con rắn lúc ẩn, lúc hiện thì gọi là rạch Long Ẩn (Đồng Tháp)… Đó là cấu trúc theo kiểu: /tên loại địa hình/ + /đặc điểm của đối tượng/ (1) Tuy nhiên, người xưa còn căn cứ vào sự kiện lịch sử hay hiện tượng xã hội xảy ra bên cạnh đối tượng, để đặt tên cho nó. Đó là dạng hình thành các địa danh như: rạch Bỏ Lược (Cà Mau), sông Đôi Ma (Long An), kinh Chết Chém (Đồng Tháp), vàm Hổ Cứ (Đồng Tháp)… Có thể khái quát thành dạng thức: /tên loại địa hình/ + /sự kiện/ (2) Để ghi nhớ công lao người có công với địa phương trong quá trình khai hoang, trị bệnh, diệt thú dữ, chiến đấu bảo vệ quê hương làng xóm… hoặc người tạo nên sự kiện gì đó, nhưng cũng có khi chỉ là người cư ngụ gần đối tượng, 11 người ta gắn kết tên địa hình với tên người, tên nhân vật lịch sử, như địa danh eo Ông Từ (Bà Rịa – Vũng Tàu), vàm Bà Bày, kinh Thầy Lâm (Đồng Tháp), rạch Bà Hét (Tiền Giang), núi Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu)…: /tên loại địa hình/ + /tên người/ (3) Trong dạng này, có khi tên người kèm theo chức tước hoặc tên người được thay hẳn bằng chức tước, như kinh Thủ Thừa ở Long An (ông thủ Mai Văn Thừa), lòng Ông Chưởng ở An Giang (chức Chưởng cơ của Nguyễn Hữu Cảnh)…  Đối với địa danh chỉ công trình xây dựng Thông thường con kinh, cái chợ, cây cầu, đường, cống…được mang tên (tự phát) của nơi mà nó được xây dựng hoặc tên của một địa danh gần đó hay tên của người tạo dựng nên nó hoặc cư trú gần đó… Có nhiều trường hợp tên một số công trình xây dựng do chính quyền chủ động đặt bằng tên nhân vật hay sự kiện lịch sử. Do đó, có thể nói tên của công trình xây dựng là địa danh chỉ địa hình chuyển hóa thành. Thí dụ: - Kinh Nguyễn Văn Tiếp: /tên loại công trình xây dựng (CTXD)/ + /tên người/ - Chợ Gò Đen: /tên loại CTXD/ + /địa danh chỉ địa hình/ - Cầu Giồng Ông Tố: /tên loại CTXD/ + /địa danh chỉ địa hình/ - Chợ Tầm Vu: /tên loại CTXD/ + /địa danh vùng/ - Chợ Cầu Ông Lãnh: /tên loại CTXD/ + /tên CTXD/ - Chợ Bình Chánh: /tên loại CTXD/ + /địa danh hành chính/… 12  Đối với địa danh hành chính Ở trên đã đề cập tên các loại phân hạt (cấp) hành chính thay đổi qua các thời kỳ lịch sử. Ngày nay, có một số tên gọi không còn dùng nữa như lộ, đạo, trấn, dinh, phủ, châu, trại, man, nậu, thuộc, thôn, làng… Riêng thôn còn được sử dụng để thay thế cho ấp ở Vũng Tàu – Bà Rịa. Còn địa danh hành chính là tên mà các phân cấp hành chính ấy mang. Như ấp Đình, xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Địa danh hành chính ra đời bằng quyết định của chính quyền là một khu vực có ranh giới rõ ràng, có cư dân sinh sống. Tên hành chính thường là mĩ từ Hán Việt, được đặt ra với mong muốn địa phương đó được thịnh vượng, bình an, tồn tại lâu dài…nên tên chúng hay dùng một số chữ như: Bình, Mĩ, Long, Vĩnh, Phú, An, Đức, Hưng, Phước, Định, Thuận, Hòa, Lạc, Lộc, Trường, Tân… Tuy vậy, cũng có nhiều nơi, cái tên nôm na dân dã, hoặc có khi bắt nguồn từ tiếng của một dân tộc khác, song đã ra đời từ lâu, gắn chặt với cuộc sống của nhân dân địa phương, được hợp thức hóa thành địa danh hành chính. Như Bến Lức (bến có nhiều cây lứt). Năm Căn (nơi này ngày xưa có một dãy nhà có năm căn), Rạch Giá (rạch có nhiều cây giá)…hoặc Bạc Liêu (do tiếng Triều Châu, Po Loeu có nghĩa là cây lâm vồ cao nhất? Hay lính Lèo?), Mĩ Tho (do tiếng Khmer, srok Mé sa, có nghĩa là xứ có nàng con gái có nước da trắng, hay Nàng Trắng, Bà Trắng)… Cũng có địa danh hành chính mang tên người, như Hồ Chí Minh, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Tân Công Sính…  Đối với địa danh chỉ vùng Đây là loại địa danh tự phát hình thành trong quá trình giao tiếp của nhân dân, để chỉ một khu vực lớn hay nhỏ, với từ khởi đầu thường là vùng, xóm, xứ, miệt. Vì do nhân dân tự phát đặt ra nên đa số địa danh chỉ vùng đều không có cương vực cụ thể, rõ ràng là thường mang những từ nôm na mang đậm nét dân 13 gian. Nó hình thành xuất phát từ một đặc điểm nào đó của địa phương mà mọi người đều biết. Mức độ phổ biến của loại địa danh này rộng hay hẹp tùy theo vùng mà nó chỉ lớn hay nhỏ. Như địa danh vùng Đồng Tháp Mười hoặc vùng U Minh, vùng Cà Mau... có thể nói là có tầm phổ biến cả nước. Nhưng xóm Chó Sủa Cành Cạnh, miệt Thứ, xứ Cạnh Đền, hóc Bà Tó… thì chỉ có dân chúng ở quanh vùng mới biết và sử dụng. 2. Một số dạng cấu trúc đặc biệt Ngoại trừ các dạng thức trên và một số địa danh có mang từ tố phi Việt, ở Nam Bộ còn nhiều địa danh mang từ tố khởi đầu: Ông, Bà, Thị, Trà; nhưng đáng chú ý nhất là những địa danh khởi đầu bằng từ Cái. Trong thực tế, có khi từ Cái này được phát âm thành /Cả/ hoặc /Cải/. Như Cái Sâu thành Cả Sâu hoặc Cải Sâu, Cái Nai thành Cả Nai hoặc Cải Nai… Vậy Cái có nghĩa là gì và do đâu mà có từ này? Trong sách Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí lục tỉnh Nam Việt, các tác giả dùng chữ giang (là sông) và chữ đà (là rạch) để dịch tiếng /cái/ trong tiếng nói thông thường của dân gian: Như: Cái Thia dịch thành Thi Giang, Cái Cỏ dịch thành Thảo Đà. Trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của có chép: Sông Cái: sông lớn, sông mẹ; Ngả Cái: ngả lớn, tên ngả sông. Trong Việt Nam từ điển (Hội Khai trí tiến đức xuất bản), thì viết: chỉ một vật to lớn hơn những vật đồng loại, hay là cốt thiết hơn cả: Cột cái, sông cái, rễ cái. Trong sách Giúp đọc Nôm và Hán Việt (của Lm.Anthony Trần Văn Kiệm), có viết: Cái: lớn, sông lớn; Cái: quán tự đứng trước danh từ và tên làng; cái nhà, cái hỉm, Cái Bè. Riêng nhà Nam Bộ học Sơn Nam, trong sách Đồng bằng sông Cửu Long (Văn minh miệt vườn), thì cho rằng: “Mấy con rạch từ sông cái chảy vào ruộng 14 thường mang tiếng Cái đứng đầu: Cái Sắn, Cái Bè, Cái Thia, Cái Mơn… Đồng bào địa phương thường phát âm lơ lớ không rõ rệt là tiếng “cái” hay là “cải”. Phải chăng “cái” là kẻ theo nghĩa Kẻ Chợ, Kẻ Sặt?” Trong một biểu đối chiếu ngôn ngữ do Bình Nguyên Lộc lập (1) cho thấy: Dân tộc Chữ tương đương với từ “Cái” Việt: Cái (Lớn: sông cái, kẻ cầm đầu: thợ cái). Sơ đăng: Kel (lớn). Bana: Akal (quan trọng). Mã Lai: Laki (đàn ông, hùng mạnh, lãnh tụ, đực…). Chăm: Li cáy (đàn ông, lãnh tụ, đực). Theo Bình Nguyên Lộc, tiếng “Cái” có gốc là từ Mã Lai, có nghĩa là lãnh tụ, là người đàn ông, là hùng mạnh. Trong danh xưng Bố Cái Đại Vương của Phùng Hưng, chữ “Cái” mang ý nghĩa này, không phải là mẹ. Trong tiếng Mã Lai có từ Ibu laki có nghĩa là Bố Cái, vì Ibu là bố. Ibu Laki có nghĩa là nhà lãnh đạo. Laki của Mã Lai biến thành Li cáy của Chăm và Cái của Việt. Trong câu nói “Con dại cái mang”, có nghĩa là con hư thì người chịu trách nhiệm là người Cha, chớ không phải là Mẹ. Ở Nam Bộ, từ “Người lại cái, đồ lại cái” rất phổ biến trước khi cụm từ “đồng tính luyến ái” hoặc “Pê đê” xuất hiện để chỉ người “bán nữ bán nam”, chắc chắn do từ Chăm mà ra. Người Chăm nói “Camay lagi li cáy” dịch từng chữ là “Đàn bà mà lại còn là đàn ông”. Vậy, “lại cái” là do “li cáy” mà ra. Do đó, chỉ có thể nói “Đàn bà lại cái” chứ không thể nói “Đàn ông lại cái” vì Cái ở đây là đàn ông, chứ không phải là đàn bà. Người Mường (Hòa Bình) có từ đồng nghĩa với “kẻ” là “Kuel” cũng có nghĩa là thủ lĩnh, người cầm đầu, vừa là đơn vị xã hội cơ sở, tương đương với thôn của người Việt. Ở thế kỷ XVII, từ Kẻ còn gặp trong tiếng Việt, nhưng nghĩa đổi khác, có nghĩa là “quê hương”, hay “xứ sở”, rộng hơn nghĩa cũ trong địa 15 danh. Trong từ điển Việt – Bồ - La (1651) của Al. De Rhodes, có câu: “Mày ở kẻ nào?” và dịch ra tiếng Latinh là “Patria tua quaenam est?” nghĩa là “Quê mày ở đâu?”, “Mày ở xứ nào?” Như vậy, theo các tác giả trên, từ tố Cái, chữ khởi đầu của một số địa danh Nam Bộ có mấy ý nghĩa sau: 1. Cái: có nghĩa là lớn, một tính từ, như sông cái, đường cái. 2. Cái: có nghĩa là sông nhỏ, rạch, một danh từ chung. 3. Cái: là một quán từ đứng trước danh từ và tên làng; có quan hệ với “Kẻ”, một từ vừa chỉ nơi ở, đơn vị cư trú ngày xưa, vừa chỉ người làm (cầm) cái, người cầm đầu, thủ lĩnh nơi đó… Để tìm hiểu ý nghĩa của từ tố “cái”, ngoài các giả thuyết trên, tưởng cũng nên căn cứ vào thực tiễn một số địa danh Nam Bộ mang từ tố “cái” khởi đầu. Hầu hết các địa danh mang từ tố “cái” ở Nam Bộ đều là tên sông rạch. Tuy nhiên, căn cứ vào từng địa danh cụ thể, chúng ta có thể chia ra mấy dạng sau đây: 1. Sau /Cái/ là danh từ chung chỉ “con vật”, như trong rạch Cả (Cái) Tôm, rạch Cái Nai, rạch Cái Rắn… 2. Sau /Cái/ là danh từ chung chỉ “loài cây cỏ”, như trong rạch Cả Mít, rạch Cái Dầu, rạch Cái Gáo… 3. Sau /Cái/ là tính từ chỉ “đặc điểm của cái” trong sông Cái Lớn, sông Cái Bé, rạch Cái Cạn, rạch Cái Tắc, rạch Cái Cạy… 4. Sau /Cái/ là danh từ khác (không phải là cây hoặc con), như trong rạch Cái Hố, Cái Bè, Cái Tàu (thượng, hạ), rạch Cái Sãi… 5. Từ /Cái/ trong một số địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ khác, như Cái Răng (ở Cần Thơ, Tây Ninh), Cái Mơn, Cái Vồn (Vĩnh Long)… Một yếu tố khác nữa, cũng cần phải được vận dụng để tìm hiểu ý nghĩa của địa danh từ tố “cái”, đó là quá trình hình thành và chuyển hóa của loại địa danh này. Sông, rạch là dạng địa hình mà lưu dân (phần lớn là nông dân ít chữ) tiếp xúc đầu tiên trên bước đường khai hoang; họ thường dựa vào đặc điểm của nó 16 hoặc khu vực mà nó hiện diện để gọi (đặt tên); sau đó trong quá trình sử dụng, do quy luật tỉnh lược hoặc rớt từ… địa danh được rút gọn hơn lúc mới hình thành. Cụ thể như rạch hố nai (có nhiều nai) được gọi là rạch con Nai, hay rạch Nai rồi thành rạch cái Nai; rạch có cây dầu được gọi là rạch cây Dầu, hoặc rạch Dầu, rồi thành rạch Cái Dầu; rạch nối liền hai sông được gọi là rạch Ngả Tắc rồi trở thành rạch Cái Tắc; rạch quẹo qua tay phải được gọi là rạch ngả bát rồi thành rạch Cái Bát… Từ đó, hình thành bốn dạng địa danh đầu, mang từ tố “cái” nêu trên. Khảo sát từng dạng một, ta thấy: Ở dạng thứ nhất: sau từ “cái” là danh từ chung chỉ con vật: Rạch + con: rạch có nhiều tôm (rạch + con tôm) = chuyển thành rạch Con Tôm = rạch Cái Tôm. Như vậy: Cái thay thế Con (Cái = Con). Ở dạng thứ hai: sau từ “cái” là danh từ chung chỉ loài cây: Rạch + cây: rạch có (nhiều) cây mít, trở thành rạch Cây Mít, rồi trở thành rạch Cái Mít. Như vậy, Cái thay thế Cây (Cái = Cây). Ở dạng thứ ba: sau từ “cái” là tính từ chỉ đặc điểm của “cái” Trong dạng này có thể chia ra:  Rạch (sông) + đặc điểm (lớn, nhỏ): Sông lớn = sông Cái Lớn, sông bé=sông Cái Bé. Như vậy, Cái=Sông.  Rạch + đặc điểm (sâu, cạn, lấp…): Rạch nước sâu = rạch Cái Sâu, rạch bị lấp, rạch cùng = rạch Cái Lấp, rạch Cái Cùng. Như vậy, Cái = Rạch.  Rạch + đặc điểm (ngay, ngang, quẹo phải, quẹo trái, ngả đi tắt): Rạch quanh bên phải = rạch ngả bát, rạch ngả bát = rạch Cái Bát; Rạch đi tắt, nối liền hai sông (rạch) A và B = rạch ngả tắt, rạch ngả tắt = rạch Cái Tắt. Như vậy, Cái = Ngả. 17 Ở dạng thứ tư: Sau /cái/ là danh từ cụ thể khác, như trong rạch Cái Bè (Tiền Giang), rạch Cái Bè Cạn, rạch Cái Hố, rạch Cái Tàu (thượng, hạ) (Đồng Tháp), rạch Tàu, rạch Cái Tàu (Cà Mau), rạch Cái Sãi… Địa danh Cái Bè ở Tiền Giang, do trong thời khai hoang dưới thời các chúa Nguyễn, ở đây người ta thiết lập nhiều nhà ở, quán, tiệm (cửa hàng) buôn bán trên bè tre có gác (theo Gia Định thành thông chí), cái ở đây đúng nghĩa là “cái” – một mạo từ. Còn /cái/ trong Cái Bè Cạn ở Tân Đông (gần Sa Đéc), ở sách Đại Nam nhất thống chí viết là Cái Bể Cạn. Trong truyện dân gian nói về chánh lãnh binh Nguyễn Hương, người quê thôn Tân Tịch (tổng An Tịnh, Vĩnh An, An Giang), nguyên là Trấn thủ thành Hà Tiên. Do nhà nghèo phải đi lính thú mướn; song nhờ giỏi võ nghệ, được cử đi áp tải tiền thuế ra kinh đô Huế, rồi được giữ lại, sau thăng chức đến Lãnh binh về trấn thủ thành Hà Tiên. Trên đường từ kinh về Hà Tiên nhận chức, ông có ghé qua nhà ông Cai Bè, nguyên là cai đồn điền, ở Tân Đông. Nhà ông này ở ngay vàm rạch và rạch đó được gọi là rạch Cai Bè, lâu ngày nói trại thành Cái Bè. Còn địa danh rạch Tàu, rạch Cái Tàu (hai con rạch riêng biệt ở Cà Mau), rạch Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ (Đồng Tháp) theo Sơn Nam, “Tàu” trong những địa danh này là chỉ người Tàu (Trung Quốc). Điều này thực tế lịch sử đã chứng minh: hai con rạch Cái Tàu ở Đồng Tháp trước đây đều có người Tàu cư ngụ; còn rạch Tàu và xóm Tàu ở Cà Mau hồi thế kỷ XIX thường có “tàu ô” là loại tàu buồm sơn đen của bọn cướp biển người Tàu từ Singapore đến. Do đó, nếu nói rằng, “Cái” có nghĩa là nhánh sông hay rạch thì chỉ đúng đối với những địa danh thuộc dạng thứ ba, tức là những địa danh mà sau từ “cái” là tính từ chỉ đặc điểm của “cái”. Còn các địa danh mà sau từ tố /cái/ là danh từ, thì tùy theo từng địa danh cụ thể mà nó còn có ý nghĩa là con (thuộc dạng thứ nhất) hoặc cây (thuộc dạng thứ hai). Vì nếu, mọi từ tố /cái/ đều có nghĩa là sông, rạch thì: 18 - Thí dụ, trong địa danh “rạch Cái Mít”, khi thay “cái” bằng “rạch” thì sẽ có “rạch Rạch Mít”. Điều này không phù hợp với thực tế, nhưng nếu thay “cái” bằng “cây” thì sẽ có “rạch Cây Mít”. Rõ ràng là điều này đã diễn ra trong quá trình hình thành tên gọi rạch Cái Mít. - Và trong địa danh “rạch Cái Nai” cũng vậy, khi thay “cái” bằng “rạch” thì sẽ có: rạch Rạch Nai, nhưng nếu thay “cái” bằng “con”, thì sẽ là “rạch Con Nai”. Còn giải thích rằng /cái/ có nguồn gốc từ /kẻ/, một từ Việt cổ chỉ một đơn vị hành chính cơ sở của người Việt, xuất hiện từ thời Hùng Vương, trước khi có sự xâm nhập địa danh hành chính theo kiểu Trung Quốc, như: giáp, hương, lý… “Kẻ” đặt trước một tên nôm để gọi một địa bàn cư trú tương đương với xã hiện nay. /Kẻ/ có thể thay thế bằng từ làng. Hiện nay không còn thấy /kẻ/ đứng một mình ngoài tên nôm; nó là một bộ phận của tên nôm, nhưng không phải là bộ phận cố định. Vì những tên nôm có thể đi kèm với từ /kẻ/ hay không có từ /kẻ/ hoặc thay thế từ /kẻ/ bằng từ /làng/. Nhưng không thể thay thế từ /kẻ/ bằng từ /xã/, vì /xã/ là từ Hán Việt. Chỉ có thể nói Kẻ Noi (Cổ Nhuế) hay làng Noi; chứ ai nói kẻ Cố Nhuế hay xã Noi… Trên thực địa, địa danh khởi đầu bằng /kẻ/ càng vào phương Nam càng hiếm dần nhất là trên địa bàn Nam Bộ. “Kẻ” có thể được phát âm trại đi thành cái, hoặc “kế”, điều này có thể xảy ra. Nhưng kế trong Kế Sách, Kế Thành, Kế An (ở Sóc Trăng)… có nguồn gốc từ kẻ không? Kế Sách có khả năng xuất phát từ âm Ksach (tiếng Khmer là cát) hơn là có nguồn gốc từ kẻ; Kế Thành, Kế An cũng vậy, vì cả Sách (nếu nó không do Ksach), Thành và An đều không phải là tên nôm. Do đó, khả năng cái có quan hệ nguồn gốc với kẻ là rất ít. Ngoài ra, cái còn có thể do cả trong chức danh hương cả nói trại mà ra. Ở loại địa danh này sau cái là tên người, như rạch Cái Trưng, có thể lúc đầu là rạch Cả Trưng (do cạnh con rạch hoặc ở đầu vàm lúc đầu có nhà ông hương cả tên Trưng chẳng hạn). 19 Tóm lại, rất khó tìm ra một dạng thức chung cho những địa danh Nam Bộ có mang từ khởi đầu bằng “cái”. Tuy nhiên, cũng có thể căn cứ vào điều kiện thực tế và lịch sử có thể hiểu ý nghĩa của từ cái qua mấy dạng sau đây (không kể các địa danh có nguồn gốc tiếng Khmer và có nguồn gốc cả): - Cái = sông, rạch, ngả; khi theo sau nó là tính từ chỉ đặc điểm của nó. - Cái = cây; khi theo sau nó là danh từ chỉ cây cỏ. - Cái = con; khi theo sau nó là danh từ chỉ con vật. III. ĐẶC ĐIỂM VỀ CHUYỂN HÓA 1. Chuyển hóa trong địa danh thuần Việt Giảm bớt từ (rớt từ) và nói trại đi là hai đặc điểm phổ biến trong sự chuyển hóa của những địa danh thuần tiếng Việt. 1.1. Phần lớn dạng địa danh này được hình thành tự phát trong quá trình giao tiếp của nhân dân mà đa số là nông dân ít chữ nghĩa. Khi cần một cái tên để gọi một địa điểm, họ căn cứ vào đặc điểm nơi đó để đặt tên cho nó. Do đó, các tên này lúc đầu thường là rất dài. Trong quá trình sử dụng, để thuận lợi trong giao tiếp, nó được rút ngắn dần. Như với con rạch có nhiều tôm, lúc ban đầu, khi nói đến nó, tất nhiên con người sẽ gọi là rạch có nhiều tôm, nhưng lâu ngày sẽ trở thành rạch Con Tôm hoặc rạch Cái Tôm, Sông Ông Đốc trở thành sông Đốc… 1.2. Nói trại một tiếng hay cả địa danh có thể là do phát âm cá biệt của địa phương, như Câu Lãnh biến thành Cao Lãnh, Hùng Ngự thành Hồng Ngự… Tuy nhiên, cũng có thể là do tập quán kiêng cữ nói đến tên của những người có thế lực tùy từng địa phương: như kiêng tên của Nguyễn Hữu Cảnh (cũng có thể là hoàng tử Cảnh), các địa danh có tên Cảnh đều đổi thành Kiểng; Bằng thành Bường (có thể là kiêng tên ông Nguyễn Bằng, một cai đồn điền có công khai hoang ở khu vực Vĩnh Thạnh, Long Hưng, thuộc Đồng Tháp), Vĩnh Long thành Vãng Long, có khi chỉ nói Vãng; Hoa thành Huê, hay Bông (kiêng tên bà Lê Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng); Sa Nhân thành Sa Nhiên (có thể là kiêng tên quan lớn sen Nguyễn Văn Nhân)…Ngoài ra còn có một số kiêng cữ khác mà ngày nay 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan