Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học đặc điểm của loại truyện thơ nôm tự thuật thế kỷ xviii xix tt...

Tài liệu đặc điểm của loại truyện thơ nôm tự thuật thế kỷ xviii xix tt

.PDF
27
203
54

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRẦN HỮU CHẤT ĐẶC ĐIỂM CỦA LOẠI TRUYỆN THƠ NÔM TỰ THUẬT THẾ KỶ XVIII - XIX Ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 92 201 21 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC HÀ NỘI – 2019 Công trình được hoàn thành tại: Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn Phản biện 1: PGS. TS. Trần Ngọc Vương Phản biện 2: PGS. TS. Đinh Thị Khang Phản biện 3: TS. Trần Thị Hải Yến Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện họp tại: Phòng – Học viện Khoa học Xã hội – 477 – Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội vào hồi giờ , ngày tháng năm Có thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện Quốc gia - Thư viện Học viện Khoa học xã hội. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài 1.1. Xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX đầy biến động do sự khủng hoảng, bế tắc của nhà nước phong kiến, sự rạn nứt của hệ tư tưởng Nho giáo và sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của quần chúng nhân dân cần lao. Song xét trong tiến trình lịch sử văn học, đây lại là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất. Thành tựu nổi bật, đánh dấu nốt son của văn học giai đoạn này là sự ra đời và nở rộ thể loại truyện thơ Nôm độc đáo, gắn liền với hàng trăm tác phẩm lưu truyền qua nhiều thế kỷ và vẫn tràn đầy sức hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu ngày nay. 1.2. Tìm hiểu nguồn gốc cốt truyện truyện thơ Nôm, giới nghiên cứu nhận thấy hầu hết tác phẩm lấy đề tài từ truyện cổ dân gian, hoặc lấy đề tài, cốt truyện từ những sự tích, nhân vật lịch sử có thật ở nước ta, hoặc lấy đề tài, cốt truyện từ văn học Trung Quốc. Trong khi đa số sáng tác dựa trên cơ sở vay mượn cốt truyện, sự xuất hiện một số ít tác giả bác học viết truyện thơ Nôm bằng chất liệu đời sống dân tộc, thậm chí bằng chính câu chuyện riêng tư của bản thân đã đem lại một sắc thái lạ cho thể loại. Khởi đầu từ tác phẩm ít nhiều in dấu ấn tự thuật như Lâm tuyền vãn của Phùng Khắc Khoan thuật lại cảnh sống nơi núi rừng khi bị lưu đày ở Thành Nam; Mai đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ ghi lại giấc mơ khi đi thăm người anh trai đang dạy học ở Nam Đàn; rồi phát triển đến Phạm Thái với trang đời dang dở trong Sơ kính tân trang và kết thúc ở Nguyễn Đình Chiểu với câu chuyện hành đạo trong Lục Vân Tiên truyện, đã hình thành một tiểu loại mới trong gia đình truyện thơ Nôm - truyện thơ Nôm tự thuật. 1.3. Sự thể hiện, hướng tới cuộc sống đương thời, những yếu tố thuộc tiểu sử cá nhân, chiều kích sâu thẳm bên trong con người trong truyện thơ Nôm tự thuật không chỉ khẳng định tài năng, cá tính tác giả mà còn nói lên sự phát triển của một trào lưu nhân văn mới đang hình thành và đánh dấu sự vượt lên cung cách lý tưởng hóa về không – thời gian trong sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, đến nay, giới nghiên cứu mới chủ yếu đi vào khái quát riêng lẻ cho từng tác phẩm mà chưa có công trình, chuyên luận, bài viết đặt vấn đề tìm hiểu, đánh giá tiểu loại truyện thơ Nôm tự thuật. Từ đó, cần thiết phải tìm hiểu, nghiên cứu loại truyện thơ Nôm tự thuật. 1 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Luận án hướng tới nhận diện và làm rõ hơn đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật. Ngoài ra, thông qua việc nghiên cứu về loại truyện thơ Nôm tự thuật, chúng tôi sẽ góp phần xác định vai trò, vị trí của tác giả, tác phẩm trong tiến trình phát triển của thể loại truyện thơ Nôm. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận án xác định nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, trên cơ sở quan niệm, khái niệm và hướng phân loại truyện thơ Nôm, luận án xem xét khái niệm và nhận diện diện mạo loại truyện thơ Nôm tự thuật. Thứ hai, tổng thuật lịch sử tiếp nhận về loại truyện thơ Nôm tự thuật qua tác phẩm tiêu biểu; đánh giá sự vận động trong tư tưởng nghệ thuật của cá nhân tác giả, dẫn đến sự ra đời loại truyện thơ Nôm tự thuật. Thứ ba, nghiên cứu và đánh giá vấn đề liên quan đến đặc điểm nội dung và phương thức nghệ thuật; so sánh sự tương đồng và khác biệt giữa loại truyện thơ Nôm tự thuật và truyện thơ Nôm cốt truyện vay mượn. 3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là phân tích, khái quát đặc trưng về sự hình thành, nội dung và nghệ thuật của loại truyện thơ Nôm tự thuật. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Luận án khảo sát ba tác phẩm được xếp vào loại truyện thơ Nôm tự thuật: Sơ kính tân trang (Phạm Thái), Mai đình mộng ký (Nguyễn Huy Hổ) và Lục Vân Tiên truyện (Nguyễn Đình Chiểu). Bên cạnh đó, chúng tôi tìm hiểu một số truyện thơ Nôm khác để so sánh với truyện thơ Nôm tự thuật. 4. Phƣơng pháp nghiên cứu của luận án Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính: Phương pháp nghiên cứu tác giả; phương pháp lịch sử - xã hội cụ thể; phương pháp loại hình; phương pháp so sánh. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Lần đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu tiểu loại truyện thơ Nôm tự thuật, kết quả nghiên cứu của luận án góp phần đặt tiền đề về lý thuyết nghiên cứu loại truyện thơ Nôm tự thuật, trước hết là trên phương diện xác định khái 2 niệm và diện mạo loại truyện thơ Nôm tự thuật. Luận án đánh giá sự chi phối của ngòi bút tự thuật, chỉ ra sự sáng tạo của cá nhân tác giả trong việc khai thác tiểu sử đời tư để xây dựng cốt truyện. Trên nền tảng đó, luận án tập trung phân tích đặc điểm nội dung và hình thức nghệ thuật của loại truyện thơ Nôm tự thuật trong tương quan so sánh với loại truyện thơ Nôm bác học có cốt truyện vay mượn. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận của luận án Thực hiện đề tài Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật thế kỷ XVIII - XIX góp phần tiếp tục làm rõ sự chuyển mình mạnh mẽ của một nền văn học, dẫn đến sự xuất hiện yếu tố tự thuật trong truyện thơ Nôm; khái quát về tác giả, diện mạo tác phẩm loại truyện thơ Nôm tự thuật. Nghiên cứu chuyên sâu về loại truyện thơ Nôm tự thuật, luận án tập trung vào ba tác phẩm là Sơ kính tân trang, Mai đình mộng ký, Lục Vân Tiên truyện, từ đó khái quát đặc điểm cơ bản về nội dung và hình thức nghệ thuật; sự tương đồng và khác biệt của truyện thơ Nôm tự thuật với truyện thơ Nôm có cốt truyện vay mượn. Cũng từ truyện thơ Nôm tự thuật để hiểu thêm vấn đề về con người cá nhân trong văn học trung đại Việt Nam, vấn đề phong cách tác giả và phong cách thể loại. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn của luận án Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần xây dựng hệ thống luận điểm đánh giá về tiểu loại truyện thơ Nôm tự thuật thế kỷ XVIII – XIX. Những đánh giá về tác giả, tác phẩm thuộc tiểu loại truyện thơ Nôm tự thuật cũng từ đó góp thêm một tiếng nói vào trình diễn nghiên cứu truyện thơ Nôm vốn đã, đang và vẫn có sức hấp dẫn đối với những người quan tâm đến di sản văn học của ông cha. Ngoài ra, những vấn đề khoa học được nghiên cứu và trình bày trong luận án về Sơ kính tân trang, Mai đình mộng ký, Lục Vân Tiên truyện nói riêng, truyện thơ Nôm nói chung là tư liệu tham khảo có ý nghĩa thiết thực cho quá trình nghiên cứu, học tập, giảng dạy trong nhà trường các cấp. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Nội dung chính của luận án gồm 4 chương: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu. 3 Chương 2. Vấn đề phân loại truyện thơ Nôm và diện mạo loại truyện thơ Nôm tự thuật. Chương 3. Hiện thực xã hội và hình tượng con người tác giả trong loại truyện thơ Nôm tự thuật. Chương 4. Nghệ thuật tự sự của loại truyện thơ Nôm tự thuật. CHƢƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Khái quát thành tựu nghiên cứu truyện thơ Nôm Ngay từ khi xuất hiện, truyện thơ Nôm đã được giới nghiên cứu đón nhận dưới dạng bài tựa, đề tựa, đề từ, bài bạt. Từ Cách mạng tháng Tám 1945 trở đi, nhất là sau 1954, ngoài việc vẫn tiếp tục đầu tư tâm sức và đã nâng cao hơn chất lượng khảo sát, sưu tầm, phiên âm, hiệu đính, dịch chú, giới nghiên cứu, phê bình văn học đã chú ý đến việc luận bàn đặc điểm loại hình, những lý thuyết mới về nghiên cứu tác phẩm văn học được vận dụng vào việc giới thiệu truyện thơ Nôm. Trên nền tảng những thành tựu đạt được, sau hòa bình lập lại, đặc biệt là sau đất nước Đổi mới 1986, nghiên cứu truyện thơ Nôm tiếp tục có nhiều chuyển biến và đóng góp trên phương diện văn bản học và cả giải minh các giá trị thể loại. Trong đó, phải kể đến đóng góp của Đặng Thanh Lê, Trần Đình Hượu, Nguyễn Lộc, Kiều Thu Hoạch, Nguyễn Thị Nhàn, Đặng Thị Hảo,... Những bài viết, công trình nghiên cứu của các học giả thuộc nhiều thế hệ, qua từng giai đoạn, đã có những đóng góp quý báu về lịch sử hình thành và phát triển, từng bước làm sâu sắc hơn và mở rộng hơn các góc độ nghiên cứu về truyện thơ Nôm, trong đó có các tác phẩm thuộc loại truyện thơ Nôm tự thuật. 1.2. Tình hình nghiên cứu loại truyện thơ Nôm tự thuật 1.2.1. Về truyện thơ Nôm tự thuật Sơ kính tân trang Các công trình, bài viết nghiên cứu về Sơ kính tân trang không nhiều nhưng cũng không thật hiếm hoi. Các nhà nghiên cứu luôn thống nhất tác phẩm là thiên tự thuật chuyện đời ông và đời của người yêu ông. Tuy nhiên, 4 tìm hiểu tác phẩm tiêu biểu nhất của Phạm Thái không phải lúc nào cũng có những nhận định thống nhất, thậm chí trái ngược nhau. Một số ý kiến trước đây đánh giá rất thấp trên nhiều phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Ngày nay, vẫn biết tác phẩm còn điểm hạn chế, song các nhà nghiên cứu đều nhận thấy nét khả thủ là dấu ấn độc đáo của riêng tác giả, ở một số phương diện từng bị coi là yếu kém thì giờ lại là sáng tạo cá nhân, tạo ra sự phong phú, đa dạng cho thể loại truyện thơ Nôm vốn đã thành công thức. 1.2.2. Về truyện thơ Nôm Mai đình mộng ký Quá trình tiếp nhận Mai đình mộng ký chưa thật phong phú, thiếu hẳn những công trình hệ thống giá trị nội dung và nghệ thuật. Qua số ít bài viết, chúng ta thấy nhà nghiên cứu đều nhận định tác phẩm thể hiện một chủ thể sáng tạo chứ không phải chuyển dịch một tác phẩm nước ngoài, ý nghĩa cốt lõi của tác phẩm là gửi gắm tâm sự hoài Lê của tác giả. Và, họ chung nhận định ngợi ca lối sử dụng câu chữ trau chuốt, bóng bảy, tuy nhiên một số nhà nghiên cứu cho rằng kết cấu cốt truyện có phần giản đơn. 1.2.3. Về truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên Trước đây, một số ý kiến xem Lục Vân Tiên truyện cũng thuộc loại xây dựng trên cơ sở truyện Tây Minh. Song, với nỗi lực tìm kiếm, giới nghiên cứu đã chứng minh nguồn gốc của tác phẩm không phải ở đâu xa, mà quay về thực tế Việt Nam thời Nguyễn Đình Chiểu với cả cuộc đời và tâm tư tình cảm của ông. Các công trình nghiên cứu đã chỉ ra Lục Vân Tiên truyện kế thừa các đặc trưng thi pháp của thể loại, bên cạnh tính chất truyền thống, họ cũng đã thấy cái riêng, cái đặc thù trong tư duy sáng tạo, làm nên sự mới mẻ trong thiên truyện để minh định tư tưởng chủ đạo về trung hiếu tiết nghĩa. Nhìn chung, so với hai truyện thơ Nôm trên, giá trị của Lục Vân Tiên truyện được nhìn nhận một cách rộng rãi với một loạt thế hệ nối tiếp nhau đã mang đến cái nhìn trọn vẹn hơn về tác phẩm, từ đó hiểu sâu sắc hơn về con người Đồ Chiểu. 1.3. Đánh giá chung tình hình nghiên cứu và hƣớng tiếp cận của luận án Truyện thơ Nôm của Phạm Thái, Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Đình Chiểu đã được tiếp cận và nghiên cứu. Tuy nhiên, hướng nghiên cứu độc 5 lập tác phẩm dưới góc độ tự thuật thì chưa có mà thi thoảng chỉ được đề cập trong bài viết dưới dạng nhận định hết sức khái quát. Ở góc độ kết hợp tác phẩm để tạo thành loại truyện thơ Nôm tự thuật chủ yếu cũng dừng lại ở khâu sắp xếp theo tiêu chí phân loại. Nói cách khác, việc nghiên cứu tác phẩm trên bình diện loại truyện thơ Nôm tự thuật một cách toàn diện thì càng hiếm. Chúng tôi chỉ tìm thấy hai bài viết in trên tạp chí chuyên ngành đã bước đầu đề cập đến đến đề tài mang tính tự thuật trong tương quan với đề tài vay mượn. Đó là bài nghiên cứu Sự tiến triển của truyện thơ cổ Việt Nam và sự vay mượn cốt truyện của N.I. Niculin (Nga) và Hiện tượng vay mượn cốt truyện ở các truyện Nôm bác học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX của Trần Nho Thìn. Song, tất cả mới chỉ dừng lại ở nhận định và giới hạn trong khung phạm vi bài báo nên không tránh khỏi những hạn định về nội dung khoa học, hoặc có phần sơ lược, hoặc có phần chung chung, hoặc mới chỉ có tính chất đặt, đề xuất, khơi mở vấn đề. Để có những đánh giá cụ thể về loại truyện thơ Nôm tự thuật, chúng tôi cho rằng cần giải quyết vấn đề: Thứ nhất, xác định rõ nội hàm và đặc trưng thuật ngữ loại truyện thơ Nôm tự thuật. Đây là khái niệm công cụ, góp phần phân định truyện thơ Nôm, nhận diện loại truyện thơ Nôm tự thuật. Thứ hai, hệ thống các cơ sở, tiêu chí được sử dụng để đánh giá, minh định giá trị nội dung, phương thức nghệ thuật của truyện thơ Nôm tự thuật. Từ đó, xác định điểm trội bật của loại truyện thơ Nôm đối với lịch sử phát sinh và phát triển thể loại nội sinh tiêu biểu của văn chương Việt Nam. Thứ ba, từ đặc trưng về tính tự thuật trong sáng tác, xác định vai trò, vị trí của tiểu loại truyện thơ Nôm tự thuật trong tiến trình phát triển thể loại. Tiểu kết Chƣơng 1 Mai đình mộng ký chậm muộn trong hành trình tiếp nhận, từ đó tác động trực diện đến bề dày nghiên cứu tác phẩm. Vấn đề cuộc đời và sáng tác của Phạm Thái cũng như tác phẩm Sơ kính tân trang là hiện tượng “phức tạp”, thậm chí trở thành cuộc tranh luận trên báo văn chương giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. So với Phạm Thái, cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu và Lục Vân Tiên truyện được đông đảo giới học thuật quan tâm nghiên cứu. Dưới cái nhìn của chuyên gia và phương pháp luận chuyên ngành, các khía cạnh về tác giả, tác phẩm ngày càng được mở rộng và đào 6 sâu trên cơ sở tư liệu được thẩm định kỹ càng. Qua kết quả thống kê về lịch sử nghiên cứu, những vấn đề liên quan đến tự thuật tuy đề cập nhưng còn khiêm tốn và chưa thành hệ thống. Từ góc độ tự sự học, chúng tôi tiếp tục triển khai vấn đề còn bỏ ngỏ, góp phần đánh giá hoàn thiện hơn giá trị của loại truyện thơ Nôm tự thuật. CHƢƠNG 2 VẤN ĐỀ PHÂN LOẠI TRUYỆN THƠ NÔM VÀ DIỆN MẠO LOẠI TRUYỆN THƠ NÔM TỰ THUẬT 2.1. Truyện thơ Nôm và loại truyện thơ Nôm tự thuật 2.1.1. Truyện thơ Nôm và vấn đề phân loại truyện thơ Nôm Truyện thơ Nôm thuộc loại hình tự sự, được viết bằng chữ dân tộc (chữ Nôm) theo hình thức văn vần, thể lục bát (đôi khi xen thể Đường luật, từ khúc…), thể Đường luật (thất ngôn bát cú, tứ tuyệt). Truyện thơ Nôm chia thành truyện hữu danh - truyện khuyết danh, hay truyện bác học – truyện bình dân. Sau này, dựa vào nguồn gốc cốt truyện, hay dựa vào phương diện chủ đề, nội dung, và hình thức nghệ thuật, các nhà nghiên cứu phân chia truyện thơ Nôm thành các nhóm khác nhau tương ứng. Căn cứ vào tiêu chí tác giả thì truyện thơ Nôm tự thuật thuộc loại hữu danh; vào nội dung, hình thức nghệ thuật thì thuộc loại bác học; vào chủ đề, đề tài thì truyện của Phạm Thái, Nguyễn Huy Hổ thuộc loại tài tử giai nhân, truyện của Nguyễn Đình Chiểu thuộc loại trung hiếu tiết nghĩa. Căn cứ vào nguồn gốc thì đều thuộc loại có cốt truyện bản địa. Tuy nhiên, dừng lại ở việc đưa tác phẩm vào nhóm truyện có nguồn gốc bản địa thì chưa nhận diện hết giá trị, vị trí đặc biệt của chúng, nên cần coi đây là một nhánh, một tiểu loại truyện thơ Nôm có nguồn gốc lấy chất liệu từ cuộc đời tác giả và hiện thực thời đại tác giả. 2.1.2. Loại truyện thơ Nôm tự thuật Tự thuật nghĩa là người viết tự kể về cuộc đời mình. Để trở thành tác phẩm văn học tự thuật, phải đáp ứng yêu cầu: tác phẩm thuộc loại tự sự, 7 người viết tự kể câu chuyện bản thân; nhân vật chính, trung tâm là hiện thân của tác giả; sự kiện, tình tiết được kể khi sâu chuỗi, liên kết phải tạo thành kết cấu cốt truyện hoàn chỉnh, qua đó nhận rõ hình hài một số phận, một cuộc đời; sự việc được nói đến đảm bảo độ trung thực; nội dung câu chuyện được thể hiện trên tinh thần nhân văn. Loại truyện thơ Nôm tự thuật là tập hợp tác phẩm truyện thơ Nôm bác học, có cốt truyện xây dựng trên chất liệu đời tư của tác giả, do tác giả kể lại bằng ngôn ngữ dân tộc, thông qua thể thơ dân tộc. Truyện thơ Nôm tự thuật tuy xét ở cấp độ vĩ mô không trở thành nét ưu trội, thống trị trong sáng tác nhưng lại giữ một vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển thể loại, một tiếng nói mới được xác lập bởi lối đi riêng mang đậm dấu ấn và bản lĩnh cá nhân. 2.2. Tác giả và tác phẩm loại truyện thơ Nôm tự thuật 2.2.1. Phạm Thái và truyện thơ Nôm tự thuật Sơ kính tân trang Nói đến Phạm Thái là nói đến hai tư cách, một tráng sĩ với giấc mộng phù Lê trong giai đoạn lịch sử biến cố, một nhà thơ đặc biệt trong chặng đường văn học đang chuyển mình mạnh mẽ, cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Sơ kính tân trang của Phạm Thái không phải là hư cấu toàn bộ, nội dung câu chuyện được xây dựng trên cơ sở hiện thực. Đối chiếu cho thấy nội dung tác phẩm phản ánh cuộc đời Phạm Thái từ thân thế đổ vỡ, sự nghiệp dang dở đến duyên tình lận đận. Với Sơ kính tân trang đậm chất tự thuật, Phạm Thái trở thành người đầu tiên, người thứ nhất can đảm, đường hoàng, bạo dạn đưa câu chuyện bản thân vào hình thức nghệ thuật truyện thơ Nôm. Hành động này tuy chưa làm vỡ tung hệ thống quy ước nghiêm ngặt, chưa làm xô lệch cái thế giới nghệ thuật trang nghiêm, đạo mạo của văn học trung đại song ông đã nối tiếp lên tiếng khẳng định quan điểm mới, quan điểm về giải phóng con người cá nhân gắn với trang văn đậm chất tự thuật về cuộc đời. 2.2.2. Nguyễn Huy Hổ và truyện thơ Nôm tự thuật Mai đình mộng ký Thuộc dòng dõi khoa bảng nhưng vì là trai thời loạn, thế hệ của Nguyễn Huy Hổ gặp nhiều trắc trở, không hiển đạt như thế hệ cha ông. Có điều chắc chắn, Nguyễn Huy Hổ đã kế thừa được truyền thống chữ nghĩa và 8 tri thức văn chương dồi dào của gia tộc. Vì vậy mà nhân chuyến đi, Nguyễn Huy Hổ đã viết Mai đình mộng ký. Thể loại của Mai đình mộng ký có thể còn ý kiến khác nhau song không ai không thừa nhận đây là tác phẩm hiếm hoi không vay mượn cốt truyện từ bất cứ nguồn nào. Cùng với tác phẩm của Phạm Thái, Mai đình mộng ký thuộc số truyện thơ Nôm ít ỏi có tên tác giả, và hoàn toàn là sáng tạo của tác giả, mang yếu tố tự thuật. Điều này trên một bình diện nào đó, phần nào đánh dấu bước phát triển của thể loại truyện thơ Nôm nói riêng, của văn học trung đại Việt Nam nói chung. 2.2.3. Nguyễn Đình Chiểu và truyện thơ Nôm tự thuật Lục Vân Tiên Nói đến Nguyễn Đình Chiểu là nói đến con người mà cả cuộc đời gắn liền với vận mệnh sống còn của dân tộc và cũng là nói đến một người cầm bút mà cả sự nghiệp sáng tác đều vì nghĩa lớn. Thơ ông và cuộc đời ông là một. Lục Vân Tiên truyện được Nguyễn Đình Chiểu viết trước khi thực dân Pháp xâm lược. Lục Vân Tiên truyện hướng tới những sự kiện trong cuộc đời mà Nguyễn Đình Chiểu cho rằng đáng được miêu tả, trong thiên trường ca tuy đã ngụy trang dưới cái tên mới, mối quan hệ mới cùng chi tiết, sự kiện hư cấu nhưng người đọc không khó để nhận ra tính tự thuật. Vì thế, tính chất tự thuật của Lục Vân Tiên truyện cùng với tác phẩm tự thuật trước đó đã đánh dấu bước đột phá trong phong cách khai thác cốt truyện của văn học trung đại Việt Nam. Tiểu kết Chƣơng 2 Truyện thơ Nôm đã được làm sáng tỏ nhiều góc độ, nhưng vẫn còn vấn đề chưa có kết luận thống nhất, trong đó có cách định danh và phân chia thể loại. Kết hợp giữa cách gọi thông dụng và sự phân chia dựa vào nguồn gốc cốt truyện, chúng tôi gọi Sơ kính tân trang, Mai đình mộng ký, Lục Vân Tiên truyện là truyện thơ Nôm bác học tự thuật. Qua nội dung truyện thơ Nôm tự thuật, người đọc nhận rõ thông điệp cá nhân thông qua hình tượng nhân vật mang hình ảnh tác giả. Tác phẩm không chỉ dừng lại ở tự thuật về chuyện cá nhân, hơn thế nữa, nó là sự bứt phá trước những trói buộc về ý thức, khuôn khổ mà hệ tư tưởng Nho giáo đã vô hình chung “xiềng xích” thân tâm một thi sĩ. Giá trị tự thân của tác phẩm cùng với 9 những thông tin về cuộc đời, nhân cách của họ góp phần xác định vị trí và tầm ảnh hưởng của tác giả, tác phẩm trong nền văn học, văn hóa dân tộc. CHƢƠNG 3 HIỆN THỰC XÃ HỘI VÀ HÌNH TƢỢNG CON NGƢỜI TÁC GIẢ TRONG LOẠI TRUYỆN THƠ NÔM TỰ THUẬT 3.1. Hiện thực lịch sử - xã hội trong loại truyện thơ Nôm tự thuật 3.1.1. Hiện thực chính trị - xã hội rối ren thời Lê - Nguyễn Việc sử dụng cốt truyện vay mượn để sáng tạo truyện thơ Nôm dẫn tới sự lý tưởng hóa về dân tộc và địa lý, từ đó chi phối ít nhiều khả năng phản ánh một cách cụ thể lịch sử xã hội dân tộc. Loại truyện thơ Nôm tự thuật không lấy đề tài ở một giai đoạn lịch sử, cũng không phỏng theo tiểu thuyết Tàu, nên thời đại được phản ánh không phải là thời đại xa xưa, lại càng không phải thời đại Trung Quốc mà đó là hiện thực chính trị - xã hội Việt Nam thời Lê – Nguyễn. Ở Mai đình mộng ký, Sơ kính tân trang, hiện thực chính trị - xã hội thời đó được biểu lộ qua câu chuyện tự kể của cá nhân tác giả, nhất là trong Sơ kính tân trang hiện thực xã hội thời đại tác giả và người yêu tác giả đã trải qua hiện lên rất chận thực và chi tiết. Phạm Thái ghi chép biến thiên lịch sử cùng với diễn biến tâm tư con người thời đại, trong đó có sự khủng hoảng về tâm lý nảy sinh từ bi kịch của người sống theo quán tính cũ. Tuy còn ý kiến trái chiều song không thể không thừa nhận hiện thực tác phẩm là chính xác, phản ánh đúng thực trạng xã hội đang suy thoái dưới thời Lê - Nguyễn. 3.1.2. Hiện thực đạo đức xã hội trên đà xuống dốc dưới thời nhà Nguyễn Đạo đức xã hội Việt Nam giai đoạn này với những mặt trái của nó phần nào đã được Nguyễn Huy Hổ ẩn ý trong Mai đình mộng ký, được Phạm Thái ghi lại khá rõ trong Sơ kính tân trang, song tập trung nhất và thành công nhất là trường hợp của Nguyễn Đình Chiểu trong Lục Vân Tiên truyện. Sự khủng hoảng chính trị đã kéo theo sự xuống dốc về đạo đức xã hội được Đồ Chiểu cảm nhận và phản ánh qua hình tượng tên quan đầu 10 triều với toan tính thấp hèn; kẻ đứng đầu thiên hạ với bức chân dung nguệch ngoạc; loại người bất nhân, bất nghĩa phản lại tình nghĩa đồng bào, đồng chí, đồng môn. Nguyễn Đình Chiểu bám sát vào hiện thực đang diễn ra với những con người mắt thấy, tai nghe để xây dựng thành hình tượng nhân vật. Tính chất hiện thực cụ thể là xã hội Việt Nam được phản ánh trong truyện thơ Nôm tự thuật là điểm trội trên phương diện nội dung so với truyện thơ Nôm khác. 3.2. Phong cảnh đất nƣớc và con ngƣời quê hƣơng trong loại truyện thơ Nôm tự thuật 3.2.1. Cảnh sắc quê hương vùng Bắc Bộ và miền quê xứ Nghệ Viết truyện thơ Nôm từ tiểu thuyết Trung Hoa dù được dân tộc hóa trong chuyển thể, song không gian sống của nhân vật xét đến cùng vẫn đậm màu sắc bản xứ phương Bắc, địa danh người phương Bắc. Xét phương diện này thì tác phẩm được sáng tác dựa trên sự sáng tạo của chính mình lại chiếm ưu thế tuyệt đối với hình ảnh địa danh gần gũi, thân thuộc. Mai đình mộng ký, Sơ kính tân trang tập trung khắc họa đậm nét bức tranh thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt giàu màu sắc chân thực, đậm đà chất liệu dân tộc, mà cụ thể là không gian Bắc Bộ, nơi Phạm Thái sinh ra, lớn lên và lưu lạc; vùng quê xứ Nghệ gần gũi, thân thương mà Nguyễn Huy Hổ gắn bó cả cuộc đời. Những địa danh gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt đời thường trong loại truyện thơ Nôm tự thuật làm nên nét rất riêng, hoàn toàn mới mẻ trong thế giới truyện thơ Nôm. Và, thông qua nét vẽ ấy, chúng ta cảm nhận được tấm lòng yêu mến vô hạn, một tình cảm đặc biệt với đất nước của tác giả, vừa thấu hiểu nỗi niềm suy tư của họ khi viết về mảnh đất quê hương. 3.2.2. Phẩm chất, tính cách đặc trưng của con người miền sông nước Nam Bộ Là người Lục tỉnh, lại sống cuộc đời gắn bó máu thịt với quê hương, gần gũi với nhân dân, Nguyễn Đình Chiểu ngày càng phát hiện ở người Việt phương Nam những phẩm chất và giá trị nhân cách cao đẹp. Truyện Lục Vân Tiên của ông không hướng đến khắc họa bức tranh vùng sông nước mà tập trung làm rõ tổ hợp nét tính cách, phẩm chất tốt đẹp của nhân dân, nơi Nguyễn Đình Chiểu sinh ra, lớn lên và đấu tranh đến cùng để bảo 11 vệ từng ngọn cỏ, tấc đất. Đó là vẻ đẹp trọng nghĩa, trọng tình, cương trực, thẳng thắn, yêu ghét phân minh, coi nhẹ tiền tài, vật chất. Nói cách khác, truyện thơ Nôm tự thuật Lục Vân Tiên mang đậm dấu ấn vùng miền, không phải chỉ ở cuộc sống, gắn liền với tập tục, lời ăn tiếng nói mà đó còn là những phẩm chất, tính cách mang hương vị rất miền Nam và rất Việt Nam. Hành động này của tác giả đã tạo ra sự đa dạng trên bình diện nội dung của thể loại truyện thơ Nôm và là đặc trưng khu biệt với truyện thơ Nôm bác học khác, kể cả tác phẩm có nguồn gốc bản địa. 3.3. Hình tƣợng con ngƣời tác giả trong loại truyện thơ Nôm tự thuật 3.3.1. Từ hành trình tu thân với giấc mộng lập danh Tuổi trẻ của Phạm Thái, Nguyễn Huy Hổ và Nguyễn Đình Chiểu đều có chí và có tài nhưng lại không có cơ hội để hành đạo, long đong trên con đường cử nghiệp, kẻ thất bại, người dở dang. Hành trình tu thân và việc nỗi hẹn công danh của các ông đã được thể hiện qua nhân vật trung tâm trong truyện thơ Nôm tự thuật. Phạm Kim, hiện thân của Phạm Thái ý thức rõ phận làm trai, đã không ngừng vươn lên để tự hoàn thiện bản thân, nhưng cái mộng chiết quế của chàng tan vỡ khi triều đình nhà Lê tan rã, gia đình tan nát. Cũng như trường hợp thân thế Phạm Kim, chàng thanh niên tài tử, thực chất là Nguyễn Huy Hổ đã hằn sâu trong nhận thức, coi công danh như lẽ tất yếu, lí tưởng sống của kẻ làm trai bấy giờ. Và thật không may, hoàn cảnh đổi thay, nền khoa cử gián đoạn nên bậc thiếu niên dù đa tài, đa nghệ nợ công danh thành khó trả. Lục Vân Tiên là Nguyễn Đình Chiểu, cùng xuất thân trong gia đình nhà nho, từ thơ ấu được gửi gắm nơi cửa Khổng để trau dồi phẩm chất của người quân tử. Sau năm tháng nhọc nhằn luyện tập, chàng thanh niên đầy nhiệt huyết muốn đem tri thức thánh hiền để cứu dân độ thế song, đành phải tạm gác sự nghiệp danh vọng khi mắt đã mù. 3.3.2. Đến hành trình tìm kiếm bến bờ hạnh phúc Ngoài gửi gắm lí tưởng, hoài bão của một chàng trai thời loạn, câu chuyện tự thuật của các tác giả còn thể hiện một hành trình tìm kiếm bến bờ hạnh phúc lứa đôi. Câu chuyện tình Phạm Kim - Quỳnh Thư là một bài thơ trữ tình khái quát về mối tình ngang trái mà Phạm Thái – Quỳnh Như là nguyên mẫu được tác giả kể lại từ lúc gặp gỡ, đắm say, nồng nàn đến đắng 12 cay, uất nghẹn khi ly biệt. Khi còn là anh thư sinh tuấn tú, Nguyễn Đình Chiểu – Lục Vân Tiên được gia đình họ Võ hứa gả cho người con gái. Song, khi gặp cảnh đui mù, gia đình sa sút, thấy không hy vọng gì ở đường công danh, người nhà giàu đó liền từ chối. Về sau, chỉ cần một cuộc gặp gỡ dù cố tình hay vô tình, dù thật lòng hay thử lòng, hai người con gái Năm Điền và Nguyệt Nga cũng đủ nhận ra cái tài, cái đức của người quân tử, từ đó tự nguyện, chân thành, thủy chung với bóng hình của người con trai ấy. 3.3.3. Kết thúc là hành trình chu du hay sống trong sạch, giữ tiết tháo và tranh đấu vì một chữ đạo Những đổi thay trên vũ đài chính trị đã tác động trực tiếp đến tầng lớp thống trị, trong đó có gia đình và bản thân Phạm Thái, Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Đình Chiểu. Những năm còn lại của cuộc đời sau thất bại chính trị và tình yêu, Phạm Thái - Phạm Kim trở thành lãng tử giang hồ, không nhận là kẻ anh hùng mà tự nhận là khách yên hà, rồi sau chọn nơi u tịnh, sống đời bất đắc chí dưới vòng tay hoan ái của nhà Phật. Nguyễn Huy Hổ và nhân vật tài tử đứng ngoài thời cuộc, tỏ thái độ bằng quang, không hưởng ứng cũng chẳng phản đối, sống an nhàn, mượn rượu tìm say, mượn say tìm mộng. Nguyễn Đình Chiểu và một loại nhân vật tuyến thiện sống trong giai đoạn đạo đức suy đồi nên chọn cách sống trong sạch, giữ tiết tháo. Mỗi người mỗi vẻ nhưng tựu chung lại họ đều ẩn chứa tư tưởng, trở thành sĩ phu hoặc ẩn dật, quay sang lời kinh tiếng mõ, hoặc tìm thú điền viên, an nhàn… Tiểu kết Chƣơng 3 Ở loại truyện thơ Nôm tự thuật, người đọc có cơ sở để khẳng định tính hiện thực, mà cao hơn là tính chân thật của hiện thực được định vị với khoảng không gian, thời gian cụ thể của dân tộc và được miêu tả thông qua ngòi bút tả thực. Hơn nữa, nhóm tác giả này đã phá vỡ tính quy phạm, đưa thể loại truyện thơ Nôm tiến lên một bước mới về nội dung khi kết hợp hoàn chỉnh mối quan hệ giữa hư cấu nghệ thuật và cuộc đời tác giả. Các hình tượng, nhân vật và bối cảnh được tác giả dựng nên đã phản ánh những chặng đường, con người và nghịch cảnh mà nhà thơ là người nếm trải. 13 CHƢƠNG 4 NGHỆ THUẬT TỰ SỰ CỦA LOẠI TRUYỆN THƠ NÔM TỰ THUẬT 4.1. Mô hình kết cấu và đặc tính ký sự trong loại truyện thơ Nôm tự thuật 4.1.1. Kết cấu truyền thống của truyện thơ Nôm Loại truyện thơ Nôm tự thuật cơ bản đảm bảo kết cấu gồm ba dòng sự kiện của truyện thơ Nôm: mở đầu là gặp gỡ rồi đính ước, bắt đầu cho một tình yêu đẹp của Phạm Kim - Quỳnh Thư, Vân Tiên - Nguyệt Nga, chàng lãng tử - thiếu nữ đình Mai. Tiếp đến là chặng đường gặp tai họa, buộc phải chia ly khi Quỳnh gặp nạn, Phạm thành kẻ tha hương; Nguyệt Nga lưu lạc, Vân Tiên thất hẹn công danh, mù lòa, bị hãm hại. Và cuối cùng là chặng đường hội ngộ để kết duyên cầm sắt khi Phạm Kim sánh đôi cùng Thụy Châu - hiện thân của Quỳnh Thư; Vân Tiên vinh quy, hạnh phúc bên Nguyệt Nga. Cùng đó, là kết cấu song tuyến, rất tiêu biểu của truyện Nôm. Nhân vật trong Lục Vân Tiên truyện được xây dựng theo tuyến đối lập về lý tưởng, đạo đức, lời nói, hành động, với một bên là tuyến chính nghĩa luôn đối đầu với tuyến phi nghĩa. Không phải là sự giao tranh kịch liệt nhưng nhân vật trong Sơ kính tân trang cũng được sắp xếp theo lối kết cấu song tuyến, một bên là loạt nhân vật sống chân thành, thủy chung, nhiệt tình, sôi nổi, cởi mở, xem tình yêu như lẽ tự nhiên với một bên là lớp người không thuộc thế lực phong kiến và cũng không nảy sinh mâu thuẫn với nhân vật chính diện nhưng lại có bộ mặt của lối sống phản diện. 4.1.2. Cách tân trong kết cấu cốt truyện Sơ kính tân trang với sự phá vỡ kết cấu trong từng chặng đường: Với tài năng của người nghệ sĩ, Phạm Thái giữ lại khung hình tốt nhất để đảm bảo tính tĩnh và phổ quát của đặc trưng thể loại, đồng thời tìm cách khai thác để phá cách, từ chặng đường gặp gỡ đến tai biến rồi đoàn tụ, cụ thể là ở các sự kiện: Phạm Kim - Quỳnh Thư có đính ước, họ chưa gặp gỡ lần nào đã buộc phải chia ly; Phạm Kim - Quỳnh Thư gặp gỡ nhưng không gặp mặt, giao tiếp bằng thơ thông qua kẻ hầu; Phạm Kim - Quỳnh Thư có gặp gỡ thì đó là để vĩnh biệt, kẻ ở dương gian, người chốn bồng lai, làm cho thời gian cuộc tình bị đảo ngược; và kết thúc trong hạnh phúc của truyện 14 chỉ là một giấc ảo mộng. Với cách làm này, ông đã tạo dựng lối kết cấu có yếu tố mới mẻ, kịch tính và gây xúc động hơn. Mai đình mộng ký với kết cấu dừng lại ở màn gặp gỡ: Mai đình mộng ký đáp ứng được nội dung phần gặp gỡ của truyện thơ Nôm, với một là hoàn cảnh gặp gỡ, tạo tín hiệu nảy sinh nhân duyên, hai là ước hẹn chung đôi. Giấc mộng Mai đình chấm dứt sau khi cảnh hứa hôn diễn ra, người đọc không biết tương lai kẻ tài tử có gặp người tài hoa, họ có phải trải qua quãng đường gian truân trước khi hạnh phúc bên nhau hay không. Giấc mộng gửi gắm tâm sự hoài nhớ, khắc khoải đi tìm quá khứ và để diễn tả thành công tâm sự đó không gì phù hợp hơn là kết cấu bỏ lửng. Dù chi tiết, tình tiết chỉ là vắn tắt, không gay cấn tạo kịch tính song với cốt truyện nội sinh như vậy đã thể hiện sự tìm tòi, thử nghiệm hướng đi mới, tạo sự phong phú, đa dạng cho thể loại và đó là đóng góp độc đáo của Nguyễn Huy Hổ. Lục Vân Tiên với kết cấu đối lập đồng hiện, song trùng: Sự đối lập ở Lục Vân Tiên truyện không phải chung chung giữa hai tuyến như thông lệ vốn thấy của truyện thơ Nôm mà có sự đối lập kép, theo tuyến và theo cặp nhân vật, ở từng cặp luôn đảm bảo sự đối lập cân xứng về giới, về độ tuổi, về gia cảnh, về tài năng, về phẩm chất, nhân cách, về nhận thức, về lời nói, hành động. Mỗi nhân vật trong tác phẩm là một tính cách, một cá tính, không trùng lặp. Nhưng, đa dạng đến mấy, nhân vật đều bị lược quy về góc chiếu duy nhất là nét trội độc đắc về đạo đức để từ đó nhận diện, quy nạp vào chiều kích tốt hoặc xấu. Nguyễn Đình Chiểu không chỉ dừng lại ở việc tô đậm nét tính cách của mỗi nhân vật mà còn tạo thành một tổ hợp tính cách nhờ lối kết cấu đồng hiện song lập. Nhân vật chính diện ở Lục Vân Tiên truyện không xuất hiện đơn lập mà bao giờ một nhân vật phản diện cũng đứng cạnh để tạo thành một cặp song lập đối xứng và đối trọi. Với cơ chế nhân vật đồng hiện song lập, tác giả đã nới rộng tối đa nét tính cách ở hai thái cực, tạo thành nét tính cách song lập đối cực. 4.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong loại truyện thơ Nôm tự thuật 4.2.1. Ngoại hình nhân vật Miêu tả hình tượng nhân vật trong văn học trung đại, thể loại truyện thơ Nôm nói chung, loại truyện thơ Nôm tự thuật nói riêng đòi hỏi phải 15 tuân thủ theo yêu cầu của loại nhân vật ấy. Ngoại hình nhân vật chính diện trong loại truyện thơ Nôm tự thuật không được mô tả tỉ mỉ, mà chỉ phác họa nét cơ bản, qua đó bộc lộ cái thần thái, nhưng người đọc cũng hình dung ra một hình hài mà nhân vật đại diện, cũng hiểu được dụng ý của nhà thơ. Dụng ý đó không chỉ dừng lại ở việc khắc họa dáng vẻ bề ngoài, mà qua đó còn thể hiện mối quan hệ bí ẩn về tính khí, vận mệnh nhân vật. Ngược lại, ngoại hình nhân vật phản diện lại được hiện lên sinh động thông qua bút pháp tả thực và pha thêm chất trào lộng, khôi hài, giễu nhại. 4.2.2. Tài năng nhân vật Trong xã hội và trong văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII XIX, Phạm Thái, Nguyễn Huy Hổ và Nguyễn Đình Chiểu là những gương mặt tiêu biểu ở ba miền đất nước. Thơ văn của họ đều đề cao người anh hùng, tài hoa, có ý thức cá nhân sâu sắc với khát khao mãnh liệt kiểu như một Phạm Kim văn võ song toàn, chàng du tử Mai đình đa tài nghệ, kiểu như một Lục Vân Tiên toàn tài, đầy nghị lực, vượt qua bao hoạn nạn để bước lên đài vinh quang. Nhân vật nữ Quỳnh Thư, Thụy Châu, Nguyệt Nga, thiếu nữ Mai đình trong truyện thơ này cũng được tác giả chú ý miêu tả trên bình diện tài hoa, hình thành trên nền giáo dục theo khuôn vàng thước ngọc của xã hội phong kiến. Các nhân vật đều biết rất rõ mình có tài và họ có cách giao duyên thật độc đáo là lấy tài để đãi tài. Cặp đôi Phạm Kim - Quỳnh Thư, Vân Tiên - Nguyệt Nga, chàng du tử - thiếu nữ đình Mai là kẻ tài hoa, nhiều cao vọng và những tưởng mộng ước sẽ thành. Nhưng, tài hoa và mộng ước chỉ tạo nên những ghét ghen để rồi đường tình duyên đứt đoạn, mộng lớn trắc trở, gập ghềnh. 4.2.3. Hành động nhân vật Truyện thơ Nôm nói chung, loại truyện thơ Nôm tự thuật nói riêng, hành động nhân vật giữ vị trí quan trọng, được tác giả dày công suy nghĩ, lựa chọn và thể hiện. Hành động nhân vật không chỉ là yếu tố cần thiết để biểu hiện cá tính, tâm trạng mà còn là điều kiện không thể thiếu để thúc đẩy diễn biến cốt truyện. Ở Lục Vân Tiên truyện, số lượng nhân vật không ít nhưng mỗi nhân vật đều có kiểu hành động tương ứng, nhân vật chính diện bao giờ cũng có hành động cao cả, vị nghĩa còn nhân vật phản diện bao giờ cũng có hành động phi nghĩa, tư thù, vụ lợi, từ đó làm sáng tỏ chân lí tối 16 cao theo quan niệm của xã hội phong kiến. Ở Sơ kính tân trang tuy cũng dụng công khắc họa những hành động chính - tà của từng loại nhân vật nhưng đây không phải là yếu tố chủ đạo, ở Mai đình mộng ký là loạt hành động du thưởng cõi trần và gặp gỡ, giao duyên cõi thiên, điều hai ông quan tâm chính là hành động của tài tử sánh bước cùng giai nhân trong mối duyên tình định. 4.3. Nghệ thuật trần thuật trong loại truyện thơ Nôm tự thuật 4.3.1. Tác giả tự kể và người kể hàm ẩn, nhân vật tự kể Trong Mai đình mộng ký, hình ảnh người tài tử không được định danh bằng một cái tên thay thế nào lại chính là bản thân Nguyễn Huy Hổ. Ông là nhân vật trải nghiệm và trực tiếp thuật lại từ mở đầu đến kết thúc, đồng nghĩa tác giả là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Với phương thức kể ở ngôi thứ nhất, đã giúp cho Mai đình mộng ký gia tăng chất tự sự, tính xác tín, cụ thể của nội dung câu chuyện. Ở Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên truyện thể hiện nhiều dáng vẻ của người kể chuyện hàm ẩn hay còn gọi là người kể chuyện ở ngôi thứ ba. Với kiểu trần thuật này, loạt sự kiện gắn với từng số phận nhân vật nối tiếp nhau diễn ra theo tuần tự định sẵn, người đọc có thể nắm bắt và cắt đoạn dễ dàng. Tuy nhiên, đây không còn là lối trần thuật khách quan thuần túy, lời văn đã bắt đầu ẩn chứa nỗi niềm trăn trở, tâm tư người kể. Ngoài việc tác giả trần thuật theo hai dạng thức ngôi thứ nhất, hoặc ngôi thứ ba thì nhân vật còn có vai trò là người kể chuyện, thông qua ngôn ngữ đối thoại và độc thoại. Đây là hình thức gián tiếp của người kể chuyện nhưng cái nền ngôn từ đã mang đậm ngữ điệu, tình cảm và suy nghĩ của nhân vật. 4.3.2. Sự thay đổi điểm nhìn trần thuật từ bên ngoài vào bên trong Trong Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên truyện, chủ nhân sáng tạo ra nó đã lựa chọn điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện để kể câu chuyện có thật trên quê hương Việt Nam. Qua điểm nhìn bên ngoài, tầm nhìn của người kể chuyện được mở rộng, có khả năng bao quát toàn cảnh, nắm bắt nhân vật trên nhiều phương diện và chuyện kể được khách quan hóa, tựa như sự việc diễn ra một cách tự thân trước mắt người đọc, khiến họ cảm nhận một cách trung thực. Để phản ánh bức tranh đời sống sinh động và phức tạp, gắn với câu chuyện cá nhân, tác giả không sử dụng đơn nhất điểm 17 nhìn từ đầu đến cuối mà có sự di chuyển điểm nhìn vào từng nhân vật, nhân vật như đang tự quan sát, tự chiêm nghiệm và tự trải lòng một cách công khai. Điều này làm cho nghệ thuật trần thuật trong truyện thơ tự thuật trở nên phong phú và đa chiều hơn, mọi vấn đề không chỉ được nhìn ở trường nhìn bên ngoài khách quan mà còn thông qua cái nhìn chủ quan của từng nhân vật. Hơn nữa, với điểm nhìn nghệ thuật này, dường như khoảng cách giữa người kể chuyện và bạn đọc xích lại gần nhau, như đang đối diện trực tiếp, như được nghe chính nhân vật kể về họ mà không qua một nhân vật môi giới nào cả. 4.4. Yếu tố thần kỳ trong loại truyện thơ Nôm tự thuật 4.4.1. Yếu tố thần kỳ, một mắt xích của tổ chức cốt truyện Dù là truyện thơ Nôm tự thuật nhưng vẫn được bao bọc bởi màn sương kỳ ảo, yếu tố huyễn hoặc, hoang đường. Trong Lục Vân Tiên, yếu tố thần kỳ được tác giả nhờ cậy mười hai lần, dưới dạng thức nhân thần, phép thần, vật thần. Đặc điểm nổi bật làm nên thiên tự thuật vừa thực vừa hư chính là phần đoàn viên hư ảo trong Sơ kính tân trang. Truyện thơ Nôm Mai đình mộng ký chưa đầy ba trăm câu thơ, trong đó giấc mộng Mai đình chiếm hai phần ba số lượng. Yếu tố thần kỳ trong tác phẩm tự thuật không phải là sự tùy tiện, quen tay đơn thuần muốn chiều lòng người đọc đã quen tiếp nhận mà đó là một ý đồ nghệ thuật được tác giả ý thức, kế thừa và phát triển từ văn hóa, văn học dân gian, giữ vai trò quan trọng trong cấu trúc tự sự, phản ánh đời sống đa chiều, thấm đẫm giá trị thẩm mỹ ngàn đời của nhân dân. 4.4.2. Yếu tố thần kỳ, một mưu toan chủ tâm của người nghệ sĩ Yếu tố thần kỳ là tế bào, là mắt xích trong cấu trúc dây xích hoàn chỉnh, đảm bảo cho sự vận hành liên tục của cốt truyện, có vai trò thúc đẩy sự diễn tiến của cuộc đời nhân vật. Ở đó còn thể hiện mưu toan khác, đóng vai trò như vị quan tòa cầm cân nảy mực, giữ cho cán cân công lý được thăng bằng, bình đẳng trong Lục Vân Tiên truyện. Thần kỳ như chiếc chìa khóa vạn năng để nhân vật bước tiếp những bước chân vạn dặm, nhất là đã phát huy tối đa công dụng để cốt truyện kết thúc có hậu trong Sơ kính tân trang. Thần kỳ trong Lục Vân Tiên truyện là hình ảnh sinh động trong tính hỗn hợp của tín ngưỡng dân gian miền Nam, với mục đích đề cao đạo đức, 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan