Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Cuộc di cư và định cư của đồng bào công giáo miền bắc sau hiệp định genève (1954...

Tài liệu Cuộc di cư và định cư của đồng bào công giáo miền bắc sau hiệp định genève (1954 1963)

.PDF
27
200
100

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN NGUYỄN THỊ TUYẾT THANH CUỘC DI CƯ VÀ ĐỊNH CƯ CỦA ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO MIỀN BẮC SAU HIỆP ĐỊNH GENÈVE (1954-1963) Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã ngành: 62.22.03.13 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ VIỆT NAM Người hướng dẫn: GS.TS Ngô Văn Lệ Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 Công trình được hoàn thành tại: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Người hướng dẫn khoa học: GS.TS Ngô Văn Lệ Phản biện độc lập 1: ............................................... Phản biện độc lập 2: ............................................... Phản biện 1: ............................................................ Phản biện 2: ............................................................ Phản biện 3: ............................................................ Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở đào tạo họp tại: vào hồi ………. giờ ………. ngày ………. tháng ……….năm 2019 Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: - Thư viện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trung tâm tư liệu nghiên cứu Viện Social Life 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do nghiên cứu Sau Hiệp định Genève, rất nhiều người Công giáo Bắc Bộ đã di cư vào Nam theo điều khoản thi hành tạm thời của Hiệp định, trước khi tiến tới tổng tuyển cử trên cả nước. Nhìn bề ngoài, quyết định di cư của người dân có vẻ như hoàn toàn tự nguyện, nhưng thật ra, đằng sau của các điều khoản của hiệp định này là những chiến lược chính trị của các quốc gia lớn, với âm mưu chia cắt Việt Nam thành hai chiến tuyến, theo hai thể chế khác nhau. Các tác giả nghiên cứu về vấn đề này có nhiều cách kiến giải khác nhau, nhưng thường chỉ dừng lại ở các chủ đề tương đối rộng như nguyên nhân và diễn biến cuộc di cư nói chung, nhiều nhà nghiên cứu vì trở ngại trong việc tiếp cận tư liệu nên khi đánh giá về cuộc di cư ít nhiều vẫn còn đưa ra những quan điểm trái chiều và gây tranh luận trong giới sử học. Chính vì vậy, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu về “Cuộc di cư và định cư của đồng bào công giáo miền Bắc sau Hiệp định Genève (1954 - 1963)” 1.1 Nhiệm vụ nghiên cứu: 1.2. Mục đích nghiên cứu Thông qua đề tài Cuộc di cư và định cư của đồng bào công giáo miền Bắc sau Hiệp định Genève (1954-1963), chúng tôi mong muốn khám phá và lý giải ý nghĩa các cứ liệu lịch sử về cuộc di cư và định cư của đồng bào công giáo miền Bắc dưới thời Đệ nhất Cộng hòa (1954-1963). Qua đó có cái nhìn toàn diện về kế hoạch, chính sách của chế độ Mỹ - Diệm trong cuộc di cư và định cư (1954 – 1963). Chúng tôi hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ phần nào đúc kết được những bài học lịch sử về việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc trong bối cảnh hiện nay. 1.3. Mục tiêu nghiên cứu Trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi xác định mục tiêu nghiên cứu cụ thể như sau: - Nhận diện hoàn cảnh lịch sử Việt Nam và Hiệp định Genève năm 1954 trong bối cảnh quốc tế, chính sách thực dân mới của Mỹ những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Đồng thời, bước đầu đưa ra những nhận định về bối cảnh lịch sử dẫn đến cuộc di cư của đồng bào Công giáo từ Bắc Bộ vào Nam Bộ. - Trình bày, phân tích, đánh giá những nguyên nhân dẫn đến cuộc di cư năm 1954, trong đó đề cập đến vai trò của Mỹ và chính quyền VNCH trong việc đề ra chiến lược đưa người Công giáo Bắc Bộ vào định cư ở một số tỉnh ở miền Nam ở giai đoạn đầu. - Phân tích, đánh giá vai trò, vị trí của Chính quyền VNCH trong việc kiện toàn công cuộc định cư, phân bố lại mật độ dân di cư và những hỗ 2 trợ thời gian đầu (1955 – 1956), cũng như quá trình địa phương hóa - tổ chức định cư cho đồng bào di cư vào năm 1957 và sự hình thành các khu dinh điền. - Tổng kết, lý giải chiến lược di cư, phân bố, quản lý dân cư của chính quyền VNCH. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2.1. Đối tượng nghiên cứu Cuộc di cư và định cư của đồng bào Công giáo miền Bắc vào miền Nam giai đoạn 1954 - 1963 ở vùng đô thị và nông thôn tại khu vực Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương) và Tây Nam Bộ (Kiên Giang). 2.2. Khách thể nghiên cứu Khách thể nghiên cứu của đề tài này là cộng đồng người Công giáo di cư 1954 tại Nam Bộ. 2.3. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi không gian: Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương) và Tây Nam Bộ (Kiên Giang) - Phạm vi thời gian: Đề tài giới hạn thời gian nghiên cứu trong giai đoạn 1954 và 1955 – 1963 (Đệ nhất Cộng hòa). 3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn 3.1. Ý nghĩa khoa học Qua đề tài Cuộc di cư và định cư của đồng bào công giáo miền Bắc sau Hiệp định Genève (1954-1963), chúng tôi mong muốn đóng góp phần nào vào cơ sở lý luận sử học dùng để nghiên cứu các vấn đề lịch sử Việt Nam hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn 1954 – 1975 tại miền Nam Việt Nam. 3.2. Ý nghĩa thực tiễn Chúng tôi hy vọng đề tài này sẽ trở thành một trong những nguồn tham khảo cho những người quan tâm và muốn tìm hiểu cuộc di cư của đồng bào Công giáo 1954 – 1963 về nguyên nhân, diễn biến cuộc di cư, quá trình địa phương hóa của cộng đồng di cư và thiết lập các địa điểm dinh điền ở Đông - Tây Nam Bộ. 4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu 4.1. Nguồn tư liệu Trong quá trình tìm hiểu và đi sâu nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đã tập hợp và khai thác tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau: + Tài liệu của TTLTQG II Thành phố Hồ Chí Minh. + Sách chuyên khảo, luận văn thạc sĩ, luận văn tốt nghiệp, hồi ký tác giả trong nước và người nước ngoài, đề tài nghiên cứu khoa học liên 3 quan đến lịch sử Việt Nam hiện đại, liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. + Các biên bản phỏng vấn lịch sử qua lời kể của tác giả trong quá trình điền dã tại hai khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. 4.2. Các phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu Chúng tôi đã sử dụng kết hợp các phương pháp: - Phương pháp Lịch sử và phương pháp logic - Phương pháp nghiên cứu lịch sử qua lời kể (oral history) 5. Bố cục của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, chúng tôi chia nội dung luận án thành bốn chương: - Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu về cuộc di cư và định cư của đồng bào công giáo miền Bắc vào miền Nam năm 1954 – 1963. - Chương 2: Bối cảnh lịch sử và những nguyên nhân dẫn đến cuộc di cư sau Hiệp định Genève năm 1954. - Chương 3: Diễn biến cuộc di cư và giai đoạn đầu định cư của đồng bào Công giáo miền Bắc tại Đông Nam Bộ, chủ yếu ở khu vực Sài Gòn và các vùng lân cận (1954 – 1956) - Chương 4: Quá trình “địa phương hóa” và chiến lược phân bố dân di cư ở Cái Sắn qua loại hình dinh điền (1957 – 1963). 4 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ CUỘC DI CƯ VÀ ĐỊNH CƯ CỦA ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO MIỀN BẮC VÀO MIỀN NAM NĂM 1954 – 1963 1.1. Những nghiên cứu về nguyên nhân cuộc di cư lịch sử năm 1954 Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc di cư năm 1954 nên các nhà khoa học đứng trên các lập trường khác nhau đã có những cách lý giải khác nhau về nguyên nhân chính dẫn đến cuộc di cư 1954 trong các công trình nghiên cứu của mình. Trong khuôn khổ luận án này, chúng tôi dẫn lại một số cách lý giải tiêu biểu dưới đây. Các nhà nghiên cứu trong nước đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau về nguyên nhân của cuộc di cư như: họ di cư do cuộc sống khó khăn do hạn hán, mất mùa và hậu quả của nạn đói, do những sai lầm thiếu sót trong việc thi hành chính sách, do sự lôi kéo, dụ dỗ di cư của Mỹ và chính quyền VNCH, do lập trường chống cộng của Vatican… Các nhà nghiên cứu nước ngoài lại lý giải nguyên nhân cuộc di cư năm 1954 là: do hoạt động tâm lý chiến của Mỹ, do muốn bảo vệ đức tin, do sự khác biệt về tôn giáo, do muốn trãi nghiệm. Như vậy, cho đến nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về nguyên nhân cũng như trách nhiệm của các bên trong cuộc di cư, mỗi tác giả dựa trên cách thức tiếp cận và quan điểm khác nhau. 1.2. Về cuộc di cư và định cư của đồng bào Công giáo 1.2.1. Di cư từ miền Bắc Cuộc di cư ồ ạt người dân từ Bắc vào Nam có sự hỗ trợ đắc lực từ phía Mỹ. Đồng thời, phía Mỹ và Ngô Đình Diệm phần nào đã thành công trong việc truyền bá thông điệp cổ vũ di cư vào Nam đến dân chúng. Tác giả Trần Nam Tiến đã dẫn ra tài liệu được giải mật của Lầu Năm Góc, nêu rõ: “Không có sự yểm trợ của Mỹ, Diệm hầu như chắc chắn không thể đứng vững được ở miền Nam...” (Tiến, 2015, tr 23). Khi nghiên cứu về diễn biến cuộc di cư 1954, Lê Xuân Khoa, trong công trình Việt Nam 1945-1995 - Chiến tranh tị nạn, bài học lịch sử, cho rằng công cuộc di chuyển và định cư ngót một triệu dân di cư gồm ba công tác chính: chuyên chở, tiếp đón và định cư. Việc chuyên chở do Pháp và Hoa Kỳ phụ trách, còn tiếp đón và định cư là trách nhiệm của chính quyền Quốc gia Việt Nam với sự viện trợ tài chính và vật liệu của Pháp, Hoa Kỳ cùng một số chính phủ và tổ chức tư nhân ngoại quốc. Có thể nói, trong khả năng tiếp cận nguồn tư liệu trong và ngoài nước, cũng như từ quan điểm đánh giá riêng của bản thân, chúng tôi nhận 5 thấy ngoài Lê Xuân Khoa hầu như không có nhiều học giả trong và ngoài nước nghiên cứu chi tiết về diễn biến cuộc di cư, hoặc nếu có thì cũng có một khoảng cách nhất định về các cứ liệu lịch sử. Có lẽ mối quan tâm hoặc khả năng tiếp cận nguồn tư liệu gốc là một trở ngại đối với các học giả các giai đoạn trước đây. Chính vì vậy, đây sẽ là một mảng trống cần được khai triển nghiên cứu sâu hơn trong luận án này của chúng tôi. 1.2.2. Định cư ở miền Nam Khi khái quát về tình hình nghiên cứu công cuộc định cư đồng bào công giáo di cư 1954, chúng tôi thấy rằng các học giả trong và ngoài nước đã triển khai khá nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến Công giáo Việt Nam trên nhiều chiều kích khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay những công trình nghiên cứu về cuộc di cư và định cư của đồng bào Công giáo miền Bắc vào miền Nam giai đoạn 1954 -1963 vẫn còn ít, có chăng là những công trình nghiên cứu về di cư năm 1954 – 1959, quá trình thâu tóm quyền lực và xây dựng nhà nước Cộng Hòa của Ngô Đình Diệm từ 1945 đến 1963, phân tích cuộc di cư dựa trên quan điểm và hệ tư tưởng của các tác giả trong và ngoài nước. Ngoài ra, về nguyên nhân, diễn biến và số lượng di cư vẫn chưa có sự thống nhất, đặc biệt là nghiên cứu về quá trình định cư của đồng bào Công giáo Bắc Bộ nơi vùng đất Nam Bộ vẫn còn nhiều mảng trống. Chính vì vậy, chúng tôi kỳ vọng lối tiếp cận nghiên cứu lịch sử xuất phát từ các nguồn tư liệu gốc được lưu trữ tại TTLTQG II, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là những người di cư năm 1954 sẽ phần nào lý giải một cách thấu đáo nguyên nhân, diễn biến và công cuộc định cư của người Công giáo di cư năm 1954 nơi vùng đất Nam Bộ (tiêu biểu là vùng Đông và Tây Nam Bộ). Chúng tôi cũng kỳ vọng nghiên cứu này sẽ góp phần lý giải các cứ liệu lịch sử, qua đó soi rọi quá khứ để tìm ra những bài học quý báu cho sự phát triển quốc gia dân tộc. Từ thực tiễn và tình hình hình nghiên cứu về cuộc di cư và định cư của đồng bào Công giáo miền Bắc năm 1954 – 1963 như trên, chúng tôi quyết định thực hiện đề tài Cuộc di cư và định cư của đồng bào công giáo miền Bắc sau Hiệp định Genève 1954-1963. 6 CHƯƠNG 2 BỒI CẢNH LỊCH SỬ VÀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN CUỘC DI CƯ SAU HIỆP ĐỊNH GENÈVE NĂM 1954 2.1. Bối cảnh thế giới và Việt Nam trước Hiệp định Genève năm 1954 2.1.1. Bối cảnh thế giới trước Hiệp định Genève năm 1954 Bước vào giữa thế kỷ XX, bối cảnh thế giới sau chiến tranh thế giới II, trở nên phức tạp và phân cực. Khi Liên Xô mới chiến thắng phát xít Đức, sức mạnh và ảnh hướng lan rộng sang các nước vốn là những quốc gia bị thực dân hóa bởi các nước tư bản phương Tây, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc Á – Phi dâng cao. Điều này khiến cho tình hình thế giới bước vào những năm 1950 là giai đoạn cao trào của Chiến tranh lạnh, với sự phân cực rõ ràng giữa các nước tư bản phương Tây và các nước khối xã hội chủ nghĩa. Một trong những sự kiện tiêu biểu cho sự phân cực này là sự kiện chiến tranh Triều Tiên (1950–1953) chấm dứt bằng một thoả hiệp quân sự tại Bàn Môn Điếm (27/7/1953). Có thể nói Hiệp định (27/7/1953) tại Bàn Môn Điếm đã trở thành mẫu hình cho các giải pháp hòa bình lúc bấy giờ. Trận chiến Điện Biên Phủ cũng vì vậy mà có tính quyết định đến Hiệp định Genève năm 1954. Trong bối cảnh Pháp trở nên suy yếu và rơi vào ngõ cụt tại chiến trường Đông Dương, việc tìm lối thoát danh dự bằng thương lượng đã được các cường quốc tư bản suy tính từ hồi đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, Mỹ cùng Anh ra tuyên bố chung Hiến chương Đại Tây Dương (ngày 14/8/1941) và muốn chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương, nhưng mặt khác Mỹ lại muốn thay thế Pháp nắm tầm ảnh hưởng ở bán đảo này, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản xuống Đông Nam Á – nhiệm vụ mà Pháp đã bất lực. Do đó, Mỹ không muốn dùng giải pháp đàm phán hòa bình với Việt Minh để giải quyết cuộc chiến tranh ở Đông Dương, mà Mỹ muốn Pháp trao trả "độc lập hoàn toàn" cho chính quyền Bảo Đại. 2.1.2. Bối cảnh lịch sử của Việt Nam trước Hiệp định Genève năm 1954 Cuối năm 1946, Pháp chính thức nổ súng tái xâm lược Việt Nam, cũng từ đó quân đội Pháp phải đương đầu với cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do trường kỳ của nhân dân Việt Nam. Việt Nam thời kỳ này hình thành nên những vùng tự do, vùng bị địch tạm chiếm, vùng tranh chấp và vùng giải phóng. Người Việt Nam bước vào thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp và giành thắng lợi ở trận Điện Biên Phủ. Ý muốn tạo thế mạnh trên bàn đàm phán tại Genève của Pháp thất bại. 7 2.2. Hội nghị Genève năm 1954 Hiệp định Genève 1954 được xem là hiệp định về khôi phục hòa bình, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của các quốc gia bản xứ, chính thức chấm dứt chế độ thực dân của Pháp tại Đông Dương. Hội nghị kéo dài từ ngày 8/5 đến ngày 11/7/1954. Từ ngày 8/5 đến ngày 23/6, các bên trình bày lập trường của mình về cách giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève về Đông Dương bắt đầu được ký kết. Về cơ bản, Hiệp định bao gồm những nội dung chính như: (1) Các nước tham gia Hội nghị tôn trọng quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; (2) Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương; (3) Sông Bến Hải, tức vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt Việt Nam làm hai miền, chính quyền và quân đội VNDCCH tập trung về miền Bắc, chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam; (4) 300 ngày là thời gian để chính quyền và quân đội các bên hoàn thành việc tập trung, trong thời gian này, người dân được tự do đi lại giữa hai miền; (5) Hai năm sau, tức ngày 20/7/1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất Việt Nam; (6) Thành lập Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp định, gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada, do Ấn Độ làm chủ tịch. Trong đó đáng lưu ý nhất là điều 14d của hiệp định đình chiến ở Việt Nam: “Trong thời gian kể từ khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực đến ngày hoàn thành việc chuyển quân, nếu có một thường dân ở khu thuộc quyền kiểm soát của bên này mà muốn sang ở một vùng giao cho bên kia thì nhà chức trách của khu bên này cho phép giúp đỡ sự di chuyển ấy”. Trước khi tiến tới tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 7/1956. Gần một trăm năm bị thực dân Pháp đô hộ, và chín năm chiến tranh liên tục, nhân dân Việt Nam khao khát hòa bình, nhưng ước muốn hòa bình ấy dường như còn cách xa với nhân dân Việt Nam. Mặc dù Hiệp định Genève về mặt chính trị đã công nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, với Hiệp định Genève, Việt Nam vẫn tạm thời bị chia thành hai miền Nam - Bắc, lấy ranh giới là vĩ tuyến 17. Sau hai năm, chậm nhất là vào tháng 7/1956, nhân dân hai miền sẽ đi bỏ phiếu hiệp thương, tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Như vậy, thực chất của việc Hiệp định Genève được ký kết là để phục vụ cho sự tính toán lợi ích của các nước lớn, do đó vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia đã được sử dụng để phục vụ cho những dàn xếp mang tính lợi ích riêng của họ. Việt 8 Nam, với hai chế độ hoàn toàn khác nhau, miền Nam Việt Nam bắt đầu dần có sự hiện diện của Mỹ, ban đầu là thông qua những kế hoạch viện trợ và về sau là tham gia trực tiếp. 2.3. Vai trò các thể chế chính trị ở Việt Nam đối với cuộc di cư năm 1954 2.3.1. Tình hình chính quyền VNDCCH Trong quá trình thực thi các điều khoản của Hiệp định Genève. Mỹ và chính quyền VNCH thực hiện chiến lược chính trị quân sự thông qua việc thúc đẩy di cư năm 1954. Lượng người di cư bỏ miền Bắc vào miền Nam theo lời hiệu triệu của Ngô Đình Diệm là tổn thất rất lớn đối với chính quyền VNDCCH (Lộc, 2013, tr 77-87). Ở miền Bắc Việt Nam, sau Hiệp định Genève, hòa bình được lập lại, nhân dân miền Bắc bắt tay vào cuộc đấu tranh với mục tiêu thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trong điều kiện kinh tế khó khăn, do hệ quả của nạn đói năm 1945, và nhất là do hậu quả nặng nề chiến tranh để lại. Tình trạng đói kém vẫn còn xuất hiện, cộng thêm những chính sách chiêu dụ dân di cư của chính quyền VNCH đã tác động lớn đến nhân dân Bắc Bộ, đặc biệt là đồng bào Công giáo. Bên cạnh những khó khăn về kinh tế, công tác đấu tranh chống kế hoạch tuyên truyền, dụ dỗ và cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam của chính quyền VNDCCH tiến hành không được mạnh mẽ nên ít có kết quả. Những nguyên nhân chủ quan trên cộng với nguyên nhân khách quan như đói kém và chính sách tuyên truyền mạnh mẽ của Mỹ và chính quyền VNCH đã tác động lớn đến tâm lý của đồng bào Bắc Bộ, đặc biệt là đồng bào Công giáo và hệ quả là một cuộc di cư lớn của thế kỷ XX được diễn ra trong năm 1954. 2.3.2 Vai trò của Mỹ và VNCH đối với cuộc di cư năm 1954 Từ cuối năm 1949, nhằm thực hiện thành công chiến lược toàn cầu, chính quyền Mỹ đã can thiệp vào cuộc chiến ở Việt Nam và Đông Dương, vì thế chính quyền Mỹ “giúp” Pháp mở rộng và kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược. Khi Pháp thất bại hoàn toàn trên chiến trường Việt Nam và phải ngồi vào bàn đàm phán, thì Mỹ ra sức ủng hộ cho chính quyền VNCH của Ngô Đình Diệm ở miền Nam, sau Hiệp đình Genève, chính quyền VNCH đã phát động một cuộc di cư quy mô lớn và nhận được sự hỗ trợ lớn từ Mỹ. Trước sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ ngày 16/7/1955, Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ còn là Thủ tướng đã tuyên bố việc tổng tuyển cử là không thể thực hiện được. Xuất phát từ tình hình nói trên, chính quyền VNCH với sự hỗ trợ của Mỹ đã tiến hành nhiều biện pháp để ngăn trở cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước. Ngày 9/8/1955, chính quyền Ngô Đình Diệm chính thức bác bỏ đề nghị của chính phủ VNDCCH về việc tổ chức Hội nghị hiệp 9 thương hai miền. Trong khi đó, phía VNDCCH vẫn luôn tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành những điều khoản của Hiệp định Genève. Việc thực hiện kế hoạch di cư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với chính quyền VNCH vì họ sẽ bổ sung được một lực lượng đông đảo dân chúng mộ đạo và tuyệt đối trung thành với chính quyền. Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ cũng từng bước hợp thức hóa sự có mặt của mình ở miền Nam Việt Nam, thông qua đó gây ảnh hưởng lên chính quyền VNCH. 2.3.3. Nguyên nhân dẫn đến cuộc di cư năm 1954 Khi nghiên cứu về nguyên nhân dẫn đến cuộc di cư năm 1954, chúng tôi thấy rằng cuộc di cư của người dân miền Bắc vào miền Nam có thể tóm gọn trong một vài nguyên nhân chính yếu sau: Thứ nhất, chính quyền Mỹ xem cuộc di cư là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu của mình, muốn biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới, phục vụ lợi ích và chiến lược toàn cầu của Mỹ. Do đó chính quyền Mỹ đã ra sức giúp đỡ chính quyền VNCH trong việc di chuyển dân chúng vào Nam. Theo chúng tôi, nếu không có sự giúp đỡ này, cuộc di cư sẽ khó có thể có quy mô lớn và nhanh chóng như vậy. Thứ hai là sự tuyên truyền mạnh mẽ của chính quyền VNCH, trong đó có những lời tuyên truyền bóp méo sự thật. Thứ ba, vai trò quan trọng của Giáo hội và phản ứng của các vị linh mục trước thời cuộc, đã có những tác động rất lớn đến quyết định nên đi vào Nam hay không của giáo dân. Thứ tư là phản ứng chậm trễ của chính quyền VNDCCH trước kế hoạch di cư đồng bào Công giáo miền Bắc của Chính quyền VNCH. Cuối cùng, dư âm của nạn đói, sự tàn phá của chiến tranh, nền kinh tế khó khăn,… khiến một số người di cư vì muốn tìm đến nơi làm ăn thuận lợi hơn. Đó là lý do mà trong cuộc di cư này không chỉ có người Công giáo mà còn có bộ phận dân cư theo tôn giáo khác như Phật Giáo, Tin Lành, người không có đạo,… 10 Tiểu kết chương 2 Có thể thấy rằng việc chính quyền Mỹ thành lập nên chính quyền VNCH ở miền Nam Việt Nam là biểu hiện của cuộc cạnh tranh ý thức hệ, Mỹ muốn ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan rộng ra khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung. Mỹ mong muốn vươn rộng quyền lực chi phối của mình ra toàn Đông Nam Á và Châu Á, vì thế miền Nam Việt Nam trở nên rất quan trọng với Mỹ. Đó là lý do vì sao chính quyền Mỹ ủng hộ chính quyền VNCH không thi hành Hiệp định Genève, bác bỏ cuộc tổng tuyển cử, hỗ trợ và kêu gọi hỗ trợ về phương tiện, vật chất, tiền bạc,… từ các nước đồng minh cho chính quyền VNCH. Việc bác bỏ cuộc tổng tuyển cử và thực hiện thành công kế hoạch di cư năm 1954 sẽ khiến cho miền Bắc mất đi một lượng dân trí thức, công nhân có tay nghề, nguồn lao động trong nông nghiệp, thủ công nghiệp… Từ đó sẽ xuất hiện hiện tượng xáo động, sản xuất sẽ giảm xuống, kinh tế không ổn định… Những khó khăn này sẽ tác động mạnh mẽ đến tinh thần đoàn kết giữa chính quyền VNDCCH và nhân dân Bắc Bộ. Thứ nhất, gây ảnh hưởng chính trị xấu cho VNDCCH. Từ đó tranh thủ dư luận quốc tế, chuẩn bị phá tổng tuyển cử, phá hoại việc thống nhất Việt Nam. Thứ hai, cuộc di cư nếu thành công sẽ bổ sung thêm nhân lực cho quân đội VNCH và làm tăng dân số ở miền Nam, số dân tăng này là những người trung thành với chính quyền, từ đó tạo nên sự vững chắc cho chính quyền. Ngoài ra, họ còn góp phần vào việc khai hoang, phát triển sản xuất ở miền Nam Việt Nam. 11 CHƯƠNG 3 DIỄN BIẾN CUỘC DI CƯ VÀ ĐỊNH CƯ CỦA ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO MIỀN BẮC TẠI NAM BỘ TRONG GIAI ĐOẠN ĐẦU (19541956) 3.1. Kế hoạch di cư đồng bào miền Bắc vào miền Nam của Mỹ - Diệm năm 1954 Chính quyền của Ngô Đình Diệm đã thiết kế một chương trình di cư, với quy mô lớn, và đặt ra các thứ hạng ưu tiên trong cuộc di cư. Song song đó Ngô Đình Diệm tính toán tới chiến lược cơ cấu nghề nghiệp dân cư, vốn được xem là nền tảng để xây dựng một thể chế mới thân tín của mình tại miền Nam. Chính vì vậy, tất cả đồng bào di cư vào Nam đều được chính phủ miền Nam giúp đỡ: một là đưa đến tận nơi tạm trú; hai là cho tạm trú lúc đầu; ba là cấp sinh hoạt phí trong một thời gian đầu; bốn là tìm việc, cấp đất, làm giúp nhà ở, cấp phương tiện sản xuất. Cần nhấn mạnh sự tổ chức nhẹ nhàng, gạt bỏ các thể lệ phiền phức, bãi bỏ thể lệ cấm đoán thanh niên tản cư. Qua chỉ thị của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, ta thấy rằng việc di cư đồng bào Công giáo từ Bắc vào Nam có vai trò rất quan trọng đối với chính quyền VNCH. Việc phân định ưu tiên về thành phần dân di cư là một minh chứng. Nếu so sánh lời Hiệu triệu với kế hoạch di cư của chính quyền VNCH ta sẽ thấy có sự mâu thuẫn. Một mặt, bản Hiệu triệu kêu gọi sự ra đi của toàn thể đồng bào miền Bắc, nhưng trong kế hoạch di cư thì lại phân loại thành phần ưu tiên. Mục đích của việc làm này, theo chúng tôi, có lẽ là chính quyền Ngô Đình Diệm muốn nhân cơ hội này tập trung, thu hút một số đông những người có trình độ, có tay nghề, có tư tưởng trung thành với chính quyền, làm suy yếu nguồn nhân lực của miền Bắc, gây cho miền Bắc sự khó khăn về nhân lực trong quá trình hồi phục sau chiến tranh. Mặt khác, chính quyền Ngô Đình Diệm có thêm một lực lượng chính trị trung kiên, gắn quyền lợi với chính quyền VNCH, qua đó địa vị chính trị của Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam được vững chắc hơn, tăng khả năng đối trọng với chính quyền miền Bắc. 3.2. Diễn biến cuộc di cư năm 1954 Khi dân chúng ở khắp nơi đổ dồn về Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng ngày một đông, với sự hỗ trợ của Mỹ, Pháp, Ủy ban bảo vệ Bắc Việt phải tìm chỗ tạm cư cho người dân trong lúc chờ di cư, công việc này gặp phải không ít khó khăn, vì trong một thời gian ngắn, dân đổ về quá nhiều. Do đó họ đã chọn trường học để người dân có chỗ tạm trú. Những trại tiếp cư tạm thời trong giai đoạn đầu khi đồng bào di chuyển đến Hà Nội, Hải 12 Phòng, Hải Dương để chờ di cư vào Nam là những khu lều vải được dựng lên để những tốp người này có chỗ trú ngụ, hết tốp này đến tốp khác. Chính sách kêu gọi và hứa hẹn của chính quyền VNCH, sự hỗ trợ rất nhiều của Mỹ, Pháp và một số nước tham gia ký Hiệp định Genève, cộng với tác động về kinh tế, chính trị, tôn giáo như đã trình bày ở chương 1 đã thúc đẩy người dân Công giáo miền Bắc đi đến quyết định di cư vào Nam. Điều này cũng phản ánh cảnh tượng dân chúng từ nhiều nơi kéo về tập trung ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng. Trong giai đoạn tiếp cư ở các điểm tập kết để chuẩn bị vào Nam, công tác tổ chức còn nhiều yếu kém, bị động, số lượng người dân kéo đến để di cư quá đông đã tạo ra một cảnh tượng rất hỗn độn. Chính quyền VNCH tổ chức nhiều hình thức di chuyển dân di cư như: đường hàng không, đường biển, đường bộ. Chỉ riêng vận chuyển đường bộ cũng đã tốn một khoản chi phí lớn, chưa kể các hình thức di chuyển khác. Xét đến lượng dân di cư cần vận chuyển, bản thân chính quyền VNCH không thể đảm đương nổi chi phí khổng lồ trong thời gian chuyển cư có hạn như vậy. Chính vì vậy, họ phải cầu viện sự giúp đỡ về vật chất, tiền bạc và phương tiện của chính phủ Pháp và chính phủ Mỹ. Tổng cộng số tiền viện trợ trong hai năm 1954 – 1955 là 6.363.600 USD và 189.034.000 USD.( Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1954 1963), Hồ sơ số 18961). Từ những con số trên, chúng ta có thể thấy rằng chính quyền VNCH đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ chính quyền Mỹ, bên cạnh đó nước Pháp, Giáo hội Công Giáo Vatican và các nước đồng minh của chính phủ Mỹ cũng có những sự hỗ trợ đáng kể. Và cũng qua con số nói trên, ta có thể hiểu được rằng, trong cuộc di cư này Mỹ là nước hỗ trợ chính về tiền của, vật chất, kỹ thuật cho chính quyền VNCH. 3.3. Tổ chức các trại tạm cư định hình các cộng đồng dân di cư tại khu vực đô thị và lân cận (1954-1955) 3.3.1. Kế hoạch tổ chức các trại tạm cư Trong thời gian tiếp nhận dân di cư Miền Bắc vào Nam, chính quyền VNCH đã thiết lập các trại tạm cư trên đường đi Biên Hòa, Đà Lạt và trong tỉnh Gia Định vì đây là những nơi có tính an ninh tương đối cao cho chính quyền VNCH, mặc dù theo đánh giá của chính quyền thì những nơi này vẫn bị xem là khu vực thiếu điều kiện vật chất cho việc sinh sống ổn định. Số dân di cư vào Nam thời gian này tăng liên tục tính theo ngày. Đến tháng 12/1955, số làng định cư được tính như sau: Tin Lành có 3 làng, Phật Giáo có 18 làng và Công Giáo có 265 làng. Tổng cộng là 286 làng. 13 Giai đoạn đầu của cuộc di cư kéo dài từ 1954 – 1955. Trong thời gian này, nhiệm vụ của phủ TUDCTN là tiếp đón người di cư mới đến và di chuyển đồng bào đang chờ đợi tại Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh lỵ khác đến các trại định cư, tùy theo điều kiện quân sự và chính trị lúc bấy giờ. Khi di chuyển những đồng bào Bắc di cư này, chính quyền VNCH đã chia theo nhóm nghề nghiệp và cho họ định cư ở những vùng có điều kiện thuận lợi cho công cuộc mưu sinh lâu dài. Nhưng do số lượng người di cư vào Nam quá đông, chính quyền VNCH đã phần nào bị động trong thời gian đầu khi phân bố chỗ ở tạm cho dân di cư. Khi trù liệu được số người di cư, họ sẽ có sự bố trí và tổ chức dân cư hợp lý hơn. Đó là lý do vì sao dân di cư trong giai đoạn đầu tập trung ở một số địa điểm rất đông. Nội dung này sẽ được làm rõ ở phần địa phương hóa các trại định cư. 3.3.2. Chính sách của chính quyền VNCH đối với người dân di cư giai đoạn 1954-1955 Trong giai đoạn đầu, dân di cư bình thường theo kế hoạch của chính quyền được chu cấp lương thực, đồ dùng và một ít tiền, còn công chức và binh sĩ đã có lương và di cư theo sở, ngành thì những sở, ngành đó có trách nhiệm lo cho họ về phương diện việc làm, đời sống, nơi ở. Do số người di cư quá đông nên chính quyền VNCH tạm thời sử dụng các trường học để làm nơi tiếp cư trong thời gian đầu. Về sau, chính quyền VNCH dần ổn định và di chuyển dân về các trại định cư để ổn định cuộc sống mới cho người dân di cư, về lâu dài, thiết lập những làng di cư kết hợp và gắn kết với làng của người dân địa phương. Giai đoạn này chính quyền VNCH bắt đầu xây dựng các công quán, trường học, trạm y tế, đào giếng, phát hoang, làm đường… mục đích là từng bước giúp người di cư ổn định cuộc sống và tiến đến tự lực mưu sinh. Tóm lại, mặt dù chính quyền VNCH đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào di cư, nhưng đời sống người dân di cư trong giai đoạn này đã gặp rất nhiều khó khăn, túng quẫn, nghèo khổ, thiếu thốn, bệnh đau luôn vây quanh họ. Thực tại mà họ đối mặt trong giai đoạn này hoàn toàn khác với viễn cảnh tốt đẹp mà Ngô Đình Diệm đã tô vẽ nên. Dù nhà cầm quyền hỗ trợ về mọi mặt nhưng họ vẫn cảm thấy bị bơ vơ nơi vùng đất mới, như lời mô tả của ông Bùi Văn Lương “có nơi tuy bề ngoài sung túc nhưng thủy thổ không hợp thành ra bị ma bệnh ám ảnh”. 3.3.3 Hoàn tất công cuộc di cư và định cư (1955 - 1956) Giai đoạn kiện toàn cuộc di cư là bước đệm giữa giai đoạn di cư và giai đoạn định cư lâu dài. Trong giai đoạn này, chính quyền phải có những hành động cụ thể về cơ sở vật chất, tinh thần, quản lý hành chính công,… nhằm đáp ứng công cuộc định cư lâu dài của một khối dân di cư lên đến 14 887.895 người (con số thống kê đến đầu tháng 7/1955, số dân có thể thay đổi trong thời gian sau). Ngoài việc ổn định tình hình dân cư, công cuộc xây dựng và hỗ trợ người dân xây cất nhà, trường học, công tác y tế được thúc đẩy nhanh chóng, song song đó là hỗ trợ tiền, công cụ lao động, khai hoang, gia súc, gia cầm, con giống, hạt giống… Tóm lại, trong giai đoạn kiện toàn các trại định cư, chính quyền VNCH đã bước đầu ổn định cuộc sống cho một lượng lớn dân di cư. Trong đợt này, họ đã đưa đi định cư thêm 136.149 người. Nếu cộng đợt 1 và đợt 2, số lượng đồng bào được định cư là 604.384 người trong tổng số 887.895 đồng bào di cư, chiếm tỷ lệ 68%. Tất cả những hỗ trợ trên của chính quyền VNCH là nhằm mục đích nhanh chóng ổn định đời sống người dân di cư. 3.3.4. Cơ cấu tổ chức hành chính trong trại định cư Tổ chức hành chính công quyền trong các trại định cư có nhiệm vụ quản lý các công việc công cộng, tổ chức đời sống, sinh hoạt và công việc hành chính của dân di cư. Bao gồm có: Ủy ban định cư địa điểm, Ủy ban hành chính, Ủy ban Hỗ trợ Định cư. Trong đó, ủy ban định cư có nhiệm vụ: thống kê dân số, kiểm tra, lập danh sách gia đình và cá nhân, tổ chức tiếp tế sinh hoạt, tổ chức trật tự an ninh, kiểm soát vệ sinh chung, kiến thiết các trại định cư, phân phát vật liệu, tặng phẩm, đề xuất các nhu cầu của trại, việc tổ chức và điều hành các trại định cư hoàn toàn do dân chúng đảm nhiệm. Trong thành phần của ủy ban định cư trại không có một viên chức nào do chính quyền chỉ định. Chủ tịch và hai đại diện đều là những người của cộng đồng và do chính dân chúng trong trại bầu lên. Chính ủy ban định cư thu thập nhu cầu, nguyện vọng của toàn thể dân chúng trong trại, đúc kết các nhu cầu, nguyện vọng đó để lập bảng nhu cầu của trại. Tùy theo thứ tự ưu tiên, ủy ban định cư sẽ giải quyết các nhu cầu này với sự đóng góp của chính người dân trong trại. Đến năm 1955, khi cuộc di cư dân chúng từ Miền Bắc vào Nam về cơ bản đã hoàn thành thì chính quyền VNCH mới bắt tay vào việc ổn định đời sống dân di cư, thiết lập các cơ sở vật chất và tổ chức một hệ thống quản lý tại các trại định cư. Sắc lệnh về tổ chức sự quản trị thôn xã năm 1955 do Ngô Đình Diệm ký đã đề ra một chương trình tổng quát quản lý thôn xã ở trên toàn bộ lãnh thổ của VNCH là việc thành lập hội đồng hương chính. 15 3.3.5. Công tác an ninh ở các trại định cư Trong các trại định cư hình thành các “Ủy ban tự vệ”, các ủy ban này có trách nhiệm giữ trật tự an ninh. Thành phần tham gia trong các ủy ban này xuất thân từ nhiều thành phần, nhưng yêu cầu chung là phải trung thành tuyệt đối với chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhiệm vụ của họ là dò xét cuộc sống của người dân trong địa bàn họ quản lý, mật báo và áp giải lên chính quyền nếu họ cho rằng người đó có hành vi “mờ ám”, phạm pháp. Và các thành viên trong các ủy ban này có quan hệ chặt chẽ với các chi khu hoặc tiểu khu của quân đội. Như vậy, ủy ban tự vệ được thành lập với nhiệm vụ là giữ trật tự an ninh trong các trại định cư, vừa hỗ trợ cho hội đồng hương chính và ủy ban định cư giữ gìn các công sở, nhà cửa, tài sản, của người dân trong trại định cư, vừa là cánh tay nối dài của nhà cầm quyền trong việc kiểm soát vấn đề an ninh chính trị tại. Tiểu kết chương 3 Nhìn chung, trong giai đoạn 1954 – 1955, mục tiêu của chính quyền VNCH là ổn định đời sống dân di cư, tạo đà cơ bản cho bước chuyển hướng sang giai đoạn định cư. Và họ đã thực hiện được những mục tiêu cơ bản trong giai đoạn này: Thứ nhất, sắp xếp cho dân định cư ở những nơi phù hợp với nghề nghiệp; Thứ hai, phân bố lượng dân số cho hợp lý; Thứ ba, tiếp tục đưa những người còn lại đến những điểm định cư mới; Thứ tư, xúc tiến việc xây cất nhà cửa; Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hành chính công cộng, ổn định về xã hội, chính trị, kinh tế; Cuối cùng, tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy công cuộc “tự lực mưu sinh” nhằm giúp dân di cư hòa nhập vào đời sống của người dân địa phương và trở thành một bộ phận dân cư ở miền Nam Việt Nam. Sau giai đoạn kiện toàn công cuộc di cư này là giai đoạn địa phương hóa đồng bào di cư kéo dài từ năm 1956 đến năm 1957 và định cư lâu dài đồng bào di cư trong các địa điểm dinh điền kéo dài từ năm 1957 đến năm 1963, sẽ trình bày ở chương tiếp theo. 16 CHƯƠNG 4: CHIẾN LƯỢC CỦA CHÍNH QUYỀN VNCH VỀ ĐỊA PHƯƠNG HÓA, PHÂN BỔ DÂN DI CƯ VÀ QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI (19571963) 4.1. Chiến lược của chính quyền VNCH về địa phương hóa và phân bổ dân cư 4.1.1. Chủ trương ổn định dân di cư Chính quyền VNCH từ sau năm 1954 do Ngô Đình Diệm đứng đầu cho rằng, việc phân bổ hợp lý dân di cư, không những tạo ra vành đai an toàn bảo vệ quyền lực họ Ngô trước những đe dọa của các lực lượng, phe phái chống đối trong chính quyền, mà còn là giải pháp quan trọng nhằm sử dụng dân di cư kiềm chế, tiến tới tiêu diệt lực lượng cách mạng ở miền Nam. Bởi thành phần dân di cư, đa số là người theo Công giáo, có sự mâu thuẫn với chủ nghĩa vô thần vốn là quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Cộng sản mà chính quyền VNDCCH theo đuổi lúc bấy giờ. Động cơ của đồng bào Công giáo khi di cư vào Nam với hy vọng có nhiều cơ hội để “phụng sự Thiên chúa”, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, no đủ như lời hứa của Ngô Đình Diệm vốn là người đồng đạo và được Mỹ hậu thuẫn. Vấn đề đặt ra là với số lượng người di cư khá lớn, sẽ đặt ra bài toán cho chính quyền VNCH cần phải tính đến như: bố trí khu vực định cư, hỗ trợ ban đầu, giải quyết công ăn việc làm, đất canh tác, định hướng về mối quan hệ với các khu vực dân cư đã có từ trước như thế nào? Lúc đầu chính quyền VNCH xác định các vùng định cư là các vành đai chiến lược có tác dụng bảo vệ Chính quyền và chống cách mạng. Hầu hết các vùng này đều có điều kiện, thế mạnh về đất đai, khí hậu để phát triển sản xuất nông nghiệp. Sau một thời gian triển khai, họ nhận thấy có nhiều điểm cần bổ sung về chiến lược, do ngoài đối tượng lao động chính là nông dân, thì học cũng cần phải chú ý đến thành phần lao động khác như lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp. Hiện tượng dân số miền Nam tăng đột biến đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi đòi hỏi họ phải có sự điều chỉnh về chiến lược. Từ những khó khăn trong thực tế, Chính quyền VNCH đề ra chủ trương cải cách điền địa, đẩy mạnh khai hoang, chia ruộng đất, thực hiện chính sách dinh điền, khu trù mật, ấp chiến lược …. Trong bối cảnh đó, các vị linh mục và giáo dân di cư rất hưởng ứng việc xây dựng các địa điểm dinh điền. Họ đã nộp đơn từ vài chục gia đình đến hàng trăm gia đình xin đi đến các địa điểm dinh điền. Khu dinh điền Cái Sắn của Ngô Đình Diệm được thiết lập, là nhằm mục đích cải thiện những sai lầm, trong việc định 17 cư quá sớm khối dân di cư miền Bắc tại khu vực Sài Gòn và vùng ven như Biên Hòa, Hố Nai, Gia Kiệm. 4.1.2. Chiến lược địa phương hóa dân di cư Khi công cuộc kiện toàn các trại định cư đạt được một số hiệu quả nhất định thì cũng là lúc chính quyền VNCH đẩy mạnh thêm một bước quản lý nhằm thực hiện chiến lược quản lý dân lâu dài của đồng bào di cư ở miền Nam. Họ tiến hành hợp thức hóa vị thế hành chính của các trại định cư. Về chu vi và dân số, làng hỗn hợp này sẽ rộng hơn và đông dân cư hơn làng cũ địa phương. Tất cả những người định cư trong làng hỗn hợp đều chịu chung sự quản lý của chính quyền thống nhất từ trên xuống tận cơ sở, họ cùng có những nghĩa vụ và bổn phận như nhau. Cách giải thích thuật ngữ “địa phương” của nhà cầm quyền thực chất là muốn khối cư dân địa phương chấp nhận những người di cư mới đến và ngược lại người di cư phải có sự hợp tác, để họ dễ dàng quản lý về mọi mặt. Như vậy, kế hoạch phân bố dân di cư của Ngô Đình Diệm đã thể hiện rất rõ ý đồ chiến lược trong việc xây dựng vành đai an toàn cho chế độ. Khi bố trí dân di cư ở các vị trí trọng yếu đồng thời dành nhiều ưu đãi cho nhóm dân cư này. Dù biết rằng những chính sách ưu đãi này gây ra xáo trộn tâm lý cư dân địa phương vốn sống lâu đời trên vùng đất Nam bộ 4.1.3. Chiến lược phân bổ, quản lý dân di cư trong các dinh điền, khu trù mật và ấp chiến lược Mục đích và tầm quan trọng về chiến lược đối với họ như: Mục đích kinh tế: tăng gia sản xuất tiến đến tự túc kinh tế và tài chính Mục đích chính trị: giúp đồng bào địa phương, đồng bào di cư, giúp quân nhân giải ngũ, can phạm chính trị, giải tỏa đô thị Mục đích cải cách điền địa: cho dân cày có ruộng Mục đích quân sự: vị trí chiến lược, kiểm soát khu vắng người Mục đích phát triển cộng đồng: cải tiến dân sinh, cải tiến sinh hoạt của đồng bào thượng (Phông Phủ Tổng Ủy Dinh điền và Nông vụ (1957 – 1963), Hồ sơ số 5282). Như vậy, việc thiết lập các địa điểm dinh điền là một chiến lược chính trị, quân sự vô cùng quan trọng của chính quyền VNCH. Bên cạnh ý nghĩa chiêu tập dân đến những vùng hoang vắng, khai khẩn đất hoang phân bố và điều hòa lại đất đai và dân cư cho hợp lý, thì việc bố trí địa điểm ở những vị trí chiến lược, xem xét thành phần di dân nhằm đáp ứng mục đích quân sự, kiểm soát khu vắng người, là một chiến lược có tính toán nhằm 18 xây dựng lực lượng dân chúng trung thành, đan cài vào các khối dân cư khác như một hình thức ràng người ở các vị trí trọng yếu. 4.2. Quá trình phân bổ và quản lý dân di cư của chính quyền VNCH 4.2.1. Địa phương hóa dân di cư Quá trình địa phương hóa diễn ra từ ngày 4/01/1956 tới ngày 7/8/1957 là hoàn thành. Việc hợp thức hóa được xem xét dựa vào tình hình thực tế của mỗi làng. Nếu làng lớn, đồng bào di cư miền Bắc sống cách biệt hẳn với đồng bào địa phương, thì họ chấp nhận cho tách ra để thành lập một làng mới. Tuy vậy, cơ quan công quyền hạn chế thấp nhất việc thành lập một làng mới như vậy. Xét trên toàn miền Nam, cho đến khi hoàn tất quá trình định cư, nhà cầm quyền chỉ chấp nhận cho thành lập 14 làng riêng. Nếu số dân di cư không đủ đông thì phải thành lập những làng hỗn hợp. Khi mọi điều kiện cần thiết để tiến tới địa phương hóa đã đầy đủ, chính quyền VNCH tiến hành các buổi lễ địa phương hóa ở tất cả các trại định cư ở Nam bộ một cách nhanh chóng, nhằm sớm ổn định đời sống mới cho đồng bào di cư. Mục đích của các buổi lễ địa phương hóa là để người di cư hòa mình vào đời sống xã hội ở vùng đất mới, yên tâm lập nghiệp, và để người địa phương thấy rằng, đây là khối dân cư được chính quyền ủng hộ, nâng đỡ từ đó họ phải chấp nhận chung sống. Tuy nhiên, do sự khác biệt về mặt văn hóa, phong tục tập quán và có lẽ càng về sau càng phức tạp với tình hình tranh giành ảnh hưởng của Ngô Đình Diệm ở các vùng trọng yếu, nên giữa dân địa phương và dân di cư dường như không được diễn ra một cách êm xuôi theo ý muốn của Ngô Đình Diệm. 4.2.2. Quá trình tái phân bố dân di cư và sự ra đời các khu dinh điền, khu trù mật Ở các địa điểm dinh điền lúc đầu còn rất nhiều khó khăn, tuy nhiên để lôi kéo người di cư đến sinh sống, chính quyền VNCH đã dùng nhiều phương cách tô điểm nên một cuộc sống sung túc, đầy đủ ở các địa điểm dinh điền để có được sự đồng ý di cư của đồng bào miền Bắc. Kết quả là họ đã vận động được rất đông người di cư chấp nhận đi dinh điền. Tính từ năm 1957 đến năm 1958, phủ Tổng ủy Dinh điền đã thiết lập lần lượt 49 địa điểm dinh điền tại nhiều nơi, từ Quảng Trị đến Kiên Giang, An Xuyên, Ba Xuyên. Tính đến tháng 12/1963 đã thành lập được 195 địa điểm (trước đó đã giải tán 5 địa điểm) Qua chiến lược thuyết phục dân, chọn dân về những địa điểm dinh điền mà Diệm mong muốn, chúng ta có thể thấy rằng dinh điền không chỉ quan trọng về kinh tế, xã hội, chính trị mà còn về chiến lược quân sự lâu dài, nên việc di chuyển và quyết định bố trí nơi định cư tại các địa điểm
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan