Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại vài cư dân nói tiếng thái ở việt na...

Tài liệu Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại vài cư dân nói tiếng thái ở việt nam

.PDF
190
122
70

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN CHU THỊ VÂN ANH BIỂU TƯỢNG NGƯỜI KHỔNG LỒ TRONG THẦN THOẠI MỘT SỐ CƯ DÂN NÓI TIẾNG THÁI Ở VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ Hµ Néi, 2009 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ------------------------- CHU THỊ VÂN ANH BIỂU TƯỢNG NGƯỜI KHỔNG LỒ TRONG THẦN THOẠI MỘT SỐ CƯ DÂN NÓI TIẾNG THÁI Ở VIỆT NAM CHUYÊN NGÀNH: DÂN TỘC HỌC MÃ SỐ: 60 22 70 LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Hoàng Lương Hà Nội - 2009 MỤC LỤC LỜI NÓI ĐẦU ....................................................................................................... 3 1. Lý do chọn đề tài ................................................................................................ 3 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ................................................................................. 5 2.1. Trên Thế giới:.................................................................................................. 5 2.2. Trong nước ...................................................................................................... 7 3. Mục đích nghiên cứu ........................................................................................ 10 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .................................................................... 11 5. Phương pháp nghiên cứu.................................................................................. 12 6. Đóng góp của luận văn ..................................................................................... 12 7. Bố cục của luận văn ......................................................................................... 13 CHƯƠNG 1: KHÁI NIỆM CHUNG VỀ BIỂU TƯỢNG ................................... 14 1.1. Định nghĩa và nguồn gốc của biểu tượng ..................................................... 14 1.1.1. Khái niệm “biểu tượng” ............................................................................. 14 1.1.2. Nguồn gốc của biểu tượng ......................................................................... 15 1.2. Tính chất và chức năng cơ bản của biểu tượng ............................................. 23 1.2.1. Tính chất của biểu tượng ............................................................................ 23 1.2.2. Các chức năng cơ bản của biểu tượng ....................................................... 27 1.3. Sự phân loại biểu tượng ................................................................................ 31 CHƯƠNG 2: BIỂU TƯỢNG NGƯỜI KHỔNG LỒ TRONG KHO TÀNG THẦN THOẠI MỘT SỐ TỘC NGƯỜI NÓI TIẾNG THÁI Ở VIỆT NAM ...... 46 2.1. Khái quát về một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam ............................... 46 2.1.1. Địa bàn cư trú ............................................................................................. 46 2.1.2. Lịch sử hình thành các tộc người nói tiếng Thái ở Việt Nam.................... 47 2.1.3. Một số đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội truyền thống ............................. 50 2.2. Biểu tượng người khổng lồ trong văn học dân gian cư dân nói tiếng Thái và một số dân tộc anh em.......................................................................................... 54 2.2.1. Thần thoại và biểu tượng người khổng lồ .................................................. 54 1 2.2.2. Người khổng lồ trong thần thoại các tộc người nói tiếng Thái .................. 57 2.2.3. Hình tượng người khổng lồ trong truyện kể một số tộc người anh em….62 2.3. Ý nghĩa của biểu tượng người khổng lồ ....................................................... 73 2.3.1. Thể hiện khát vọng chinh phục và sống hoà đồng với tự nhiên của con người trong buổi đầu của lịch sử .......................................................................... 73 2.3.2. Đề cao vai trò của lao động sáng tạo ......................................................... 76 2.3.3. Khẳng định sức mạnh của cư dân trồng lúa nước ...................................... 79 CHƯƠNG 3: NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA BIỂU TƯỢNG NGƯỜI KHỔNG LỒ TRONG KHO TÀNG THẦN THOẠI MỘT SỐ TỘC NGƯỜI NÓI TIẾNG THÁI Ở VIỆT NAM ............................................................................................ 85 3.1. Giá trị lịch sử của biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại .................... 85 3.1.1. Thần thoại - một nguồn sử liệu về lịch sử phát triển của tộc người .......... 85 3.1.2. Phản ánh sự phát triển tư duy của tộc người .............................................. 92 3.1.3. Khẳng định vai trò của con người trong quá trình tiến hoá của mình…...95 3.2. Giá trị văn hoá của biểu tượng người khổng lồ ............................................ 99 3.2.1.Thông qua hình ảnh những vị thần khổng lồ phản ánh quan niệm sơ khai về vũ trụ và nhân sinh của tộc người ................................................................... 99 3.2.2. Biểu tượng người khổng lồ phản ánh tín ngưỡng của tộc người ............. 105 3.2.3. Phản ánh khiếu tư duy thẩm mỹ của tộc người ........................................ 108 3.2.4. Thần thoại – nơi ẩn chứa khát vọng của loài người ................................. 110 3.3. Phát huy những giá trị biểu tượng trong sự phát triển văn hoá tộc người ..113 3.3.1. Biểu tượng người khổng lồ - niềm tự hào của tộc người ......................... 113 3.3.2. Đề cao vai trò sáng tạo của tộc người………………………………......117 3.3.3. Tạo ra sự hoà đồng giữa con người với tự nhiên ..................................... 121 KẾT LUẬN ............... …………………………………………………………125 THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................. 130 PHẦN PHỤ LỤC ............................................................................................... 138 2 LỜI NÓI ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong nghiên cứu về văn hoá tộc người, văn học dân gian giữ vai trò là nguồn sử liệu quan trọng. Bởi nó không chỉ phản ánh tư duy, nhận thức của con người thời nguyên thuỷ, mà còn là bức tranh phản chiếu xã hội của cư dân trong giai đoạn sớm nhất của lịch sử loài người, khi mà sử liệu thành văn chưa xuất hiện. Do là một bộ phận của tự nhiên và hơn thế nữa, người nguyên thuỷ sống dựa hoàn toàn vào tự nhiên với nền kinh tế chiếm đoạt giữ vai trò chủ đạo, nên tư tưởng sùng bái tự nhiên, khuất phục trước tự nhiên luôn thường trực. Nhưng bên cạnh đó, lao động xuất hiện và ngày càng đóng vai trò quan trọng, đảm bảo cuộc sống ổn định cho các cộng đồng người nguyên thuỷ. Chính vì vậy, ý thức về vai trò của bản thân, cụ thể ở đây là của lao động, trong thế giới tự nhiên đã được người nguyên thuỷ nhận thức rõ nét. Với lòng tự hào về khả năng lao động, người xưa đã mạnh dạn đặt khả năng lao động của con người sánh ngang với sự sáng tạo của tự nhiên. Lúc này, trong tư duy của người nguyên thuỷ, tự nhiên không còn là một lực lượng quá xa lạ đối với họ. Tuy vẫn còn e sợ trước sức mạnh vô song của tự nhiên nhưng người xưa cũng phần nào gắn kết những sức mạnh ấy với sức lao động, với khả năng sáng tạo của con người. Từ đó họ đi đến sự thần thánh hoá khả năng lao động của con người, coi đó là cội nguồn sáng tạo nên tự nhiên. Họ mong muốn tác động đến tự nhiên theo hướng có lợi cho cuộc sống của mình, thông qua vai trò của những vị thần khổng lồ trong thần thoại - một loại hình văn học dân gian ra đời vào giai đoạn sớm của lịch sử nhân loại, khi con người đứng trước sự tan rã của chế ‘độ công xã nguyên thuỷ và manh nha hình thành xã hội có giai cấp. 3 Biểu tượng người khổng lồ và nhiều biểu tượng khác liên quan đến sức mạnh của con người đã được thần thánh hoá và sinh ra từ những quan niệm đó. Đồng thời, biểu tượng người khổng lồ cũng là ước mơ, mong muốn của con người có thể sống chan hoà với thế giới tự nhiên đầy trắc trở. Chỉ có sức mạnh người khổng lồ mới mong đạt được những ước muốn đó. Những biểu tượng đó đã trở thành nơi hội tụ ước mơ, hy vọng và niềm tin của con người trước các lực lượng tự nhiên hùng vĩ. Vì vậy, tìm hiểu, nghiên cứu về các biểu tượng chính là tìm hiểu, nghiên cứu về những ước mơ, hy vọng đó của con người trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Nghiên cứu về thần thoại của các dân tộc ở Việt Nam cũng như trên Thế giới là một đề tài khá phổ biến, đặc biệt trong văn học và văn hoá. Tuy nhiên, dưới góc độ Nhân học, nghiên cứu về một biểu tượng phổ biến trong thần thoại, biểu trưng cho sức mạnh sáng tạo và khả năng lao động của người xưa như biểu tượng người khổng lồ lại là một đề tài mới mẻ. Tuy vấn đề này cũng đã được đề cập một các khái quát ở đâu đó nhưng để thành một nghiên cứu cụ thể thì hầu như chưa được đề cập tới. Chọn nghiên cứu về Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam, chúng tôi mong muốn được gợi ra một hướng nghiên cứu mới trong Nhân học - một khoa học mới mẻ ở nước ta trước một đối tượng nghiên cứu vô cùng phong phú của các tộc người. Vì đây là một loại đề tài mới, một hướng tiếp cận mới trong Nhân học, chúng tôi chưa thể tránh khỏi nhiều điều bỡ ngỡ về cả mặt lý thuyết lẫn thực tiễn của loại đề tài này. Chân thành mong muốn nhận được sự chỉ bảo, góp ý của các thầy cô và bạn bè đồng nghiệp. Trân trọng cảm ơn! 4 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Biểu tượng là những thành tố văn hoá có từ thời nguyên thuỷ. Có thể nói “loài người sống trong một thế giới biểu tượng, một thế giới biểu tượng sống trong chúng ta” [5,tr XIV]. Nghiên cứu Nhân học chính là nghiên cứu về hệ thống các biểu tượng đó. Đặc biệt, khi những biểu tượng đó gắn với thế giới tôn giáo tín ngưỡng thì chúng trở nên vô cùng phong phú, phức tạp và trở thành những sức mạnh to lớn đối với đời sống tinh thần của con người. Tuy nhiên, sự ước lệ và ý nghĩa các biểu tượng được thể hiện và hiểu một cách rất khác nhau ở các dân tộc, các châu lục cũng như ở phương Đông và phương Tây. Nghiên cứu biểu tượng như là một khoa học được sinh ra từ thập kỷ 60 – 70 của thế kỷ XX. Đây là sự ra đời từ một phân ngành Nhân học qua một quá trình tiếp thu có chọn lọc các lý thuyết Nhân học Thế giới, như Nhân học xã hội của E.Durkheim, T.Parsons; Nhân học văn hoá của F.Boas, Mead…và đặc biệt Cấu trúc luận của Leví Strauss. Họ nghiên cứu Biểu tượng trong sự gắn kết chặt chẽ với sự phát triển tư duy, nhận thức xã hội và thế giới quan, là nghiên cứu nền tảng tinh thần của các dân tộc. Mỗi lý thuyết đều có cách tiếp cận riêng, nhưng đều có xu hướng coi biểu tượng là những yếu tố văn hoá gắn liền với thần thoại, các truyền thuyết tôn giáo và các nghi lễ truyền thống. Một số tác phẩm tiêu biểu nghiên cứu về Biểu tượng trên Thế giới và Việt Nam như sau: 2.1. Trên Thế giới: Từ lâu, Biểu tượng đã thu hút được sự chú ý nghiên cứu của nhiều nhà khoa học nổi tiếng, và là đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác nhau như: Triết học, mỹ học, dân tộc học, nhân học văn hoá, xã hội học, văn hoá học…Trong tiếng Hy Lạp, biểu tượng có nghĩa tương hợp với từ Sumbolum, tức là dấu hiệu để nhận ra nhau. Mà từ 5 sumbolum cũng là gốc của các từ symbole (tiếng Pháp), symbol (tiếng Anh) hay symbol (tiếng Đức). Đây là đối tượng được nhiều ngành khoa học quan tâm theo cách riêng của mình. Như vậy, có thể nói, nghĩa đầu tiên của biểu tượng được xác định bằng chính lý do ra đời của nó: “biểu tượng là dấu hiệu được phô bày ra bên ngoài để nhận biết sự sở thuộc cộng đồng” [73, tr38]. Với tư cách là đối tượng nghiên cứu của Triết học, phải kể đến tác phẩm “Triết học các hình thái biểu tượng” [4] của nhà triết học Đức Ernst Cassirer. Trong mỹ học, tác phẩm “Mỹ học” [30] của Heghen được coi là tiêu biểu, trong đó biểu tượng được coi là một trong những thành tố quan trọng tạo nên những giá trị thẩm mỹ của các xã hội tiền giai cấp. Biểu tượng còn được tập hợp lại để xây dựng thành từ điển, tiêu biểu là công trình “Từ điển biểu tượng văn hoá Thế giới” [5] của hai tác giả Jean Chevalier và Alain Gheerbrant đã nêu những nét khái quát về thuật ngữ “biểu tượng”, cũng như nguyên nhân ra đời, nội dung và những đặc trưng của biểu tượng. Cùng với đó còn có tác phẩm “Dấu hiệu, biểu trưng và thần thoại” của Lue Benoist[1] như một bản tóm tắt về những vấn đề của biểu tượng và bước đầu có sự phân biệt giữa khái niệm “biểu tượng” với những khái niệm khác như khái niệm “biểu trưng”, “dấu hiệu”… Gần gũi hơn với nội dung luận văn của chúng tôi phải kể đến một số công trình nghiên cứu biểu tượng theo phương pháp tiếp cận của các ngành dân tộc học, nhân học văn hoá, xã hội học, tiêu biểu là cuốn sách “Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thuỷ” của nhà triết học, xã hội học người Pháp Lucien Lévy – Bruhl [52]. Cuốn sách đã tập hợp được một khối lượng tư liệu dân tộc học phong phú liên quan đến biểu tượng. Tác giả đã tập trung phân tích nguồn gốc của biểu tượng, gắn với những đặc điểm tư duy của người nguyên thuỷ mà tác giả gọi là “tư duy tiền logic”. 6 Tìm hiểu cội nguồn của biểu tượng, gắn với tín ngưỡng và tư duy nguyên thuỷ còn phải đề cập đến một số tác phẩm như: “Các hình thái tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng” của X.A.Tocarev [80] và “Văn hoá nguyên thuỷ” của E.B.Taylor [71]. Tuy các tài liệu này không trực tiếp nghiên cứu về biểu tượng, nhưng chúng cũng là những tài liệu tham khảo quý cho luận văn. 2.2. Trong nước Vấn đề nghiên cứu và giải mã biểu tượng ở nước ta còn nhiều hạn chế. Nghiên cứu biểu tượng thường được lồng trong các công trình nghiên cứu văn hoá dân gian, nhất là về lễ hội, trong mỹ thuật cổ, về tín ngưỡng và tâm thức dân gian. Dưới góc độ tiếp cận về lý thuyết, có công trình nghiên cứu của Đoàn Văn Chúc (“Văn hoá học” [8]), Phạm Đức Dương (“Từ văn hoá đến văn hoá học” [12]) và Bùi Quang Thắng (“30 thuật ngữ nghiên cứu văn hoá” [73]) đã bắt đầu có sự tiếp cận trực tiếp với khái niệm “biểu tượng”. Trong công trình của mình, các tác giả đã dành hẳn ra những chương mục cụ thể trình bày nghiên cứu khái quát về “biểu tượng”, trong đó chủ yếu tập trung giải thích một cách hệ thống về mặt thuật ngữ cũng như nguồn gốc, những đặc trưng cơ bản của biểu tượng. Luận án của chúng tôi cũng đã kế thừa những kết quả nghiên cứu trong 3 công trình trên. Về vấn đề xác định lý thuyết biểu tượng, phải kể đến luận án tiến sỹ của Nguyễn Văn Hậu [27] và Bùi Thị Thanh Mai [57]. Hai luận án trên bên cạnh việc đưa ra những nét khái quát nhất trong lý thuyết về biểu tượng còn áp dụng vào thực tiễn nhằm giải mã một hiện tượng biểu tượng cụ thể. Trong đó, cơ bản nhất là luận án của Nguyễn Văn Hậu. Dưới góc độ triết học và văn hoá học, tác giả đã đưa ra những kiến giải khá đầy đủ về lý thuyết biểu tượng. Điều này rất có ích cho nghiên cứu của chúng tôi do đặc thù đối tượng nghiên cứu khá gần nhau. Do vậy, trong luận văn này, chúng tôi cũng đã trích dẫn một số quan điểm cũng như kết quả nghiên cứu của tác giả. 7 Nếu như các công trình trên chủ yếu tập trung giải thích biểu tượng ở mặt lý thuyết thì những tác phẩm sau lại nhằm “giải mã” những biểu tượng cụ thể. Như công trình “Nguồn gốc và sự phát triển của biểu tượng, kiến trúc và ngôn ngữ Đông Sơn” của Tạ Đức [17], “Biểu tượng rồng, văn hoá và những câu chuyện” của Nam Việt [105]. Các tác giả đã không chỉ dừng lại ở việc làm rõ khung lý thuyết của biểu tượng mà còn áp dụng nó vào một đối tượng cụ thể. Tuy khía cạnh tiếp cận cũng như phương pháp giải mã biểu tượng có khác nhau nhưng đây được coi là những công trình đầu tiên nghiên cứu toàn diện về một “biểu tượng” cụ thể trong văn hoá cũng như trong kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Ngoài ra, trên các tạp chí chuyên ngành cũng xuất hiện nhiều bài viết về biểu tượng như của tác giả Phan Đăng Nhật [59], Nguyễn Khắc Xương [108], Tạ Đức [18], Nguyễn Văn Hậu [26], Mai Văn Hai [24], Trang Thanh Hiền [28], Nguyễn Ngọc Mai [58], Vũ Trường Giang [21], Bùi Thị Hoa [31], Bùi Xuân Tiệp [79], Nguyễn Kim Hoa [32], Huỳnh Ngọc Trảng [81], Hoàng Lương [55]…Các tác giả đã tập trung nghiên cứu những biểu tượng cụ thể trong văn hoá các tộc người nhằm bước đầu giải mã chúng. Tuy chưa phải là những chuyên luận sâu, tiếp cận đầy đủ những khía cạnh của biểu tượng nhưng những bài báo trên cũng góp phần làm rõ hơn những lý thuyết về nghiên cứu biểu tượng đối với những đối tượng cụ thể trong văn hoá tộc người. Không tập trung nghiên cứu về một loại hình biểu tượng cụ thể hay nhằm đưa ra những nét khái quát về thuật ngữ này, nhưng đâu đó trong các công trình nghiên cứu văn hoá cũng đã phần nào đề cập đến vấn đề này. Chủ yếu các tác giả tập trung giải mã những biểu tượng quen thuộc trong văn hoá truyền thống Việt Nam, như tác phẩm “Thần, người và đất Việt” của Tạ Chí Đại Trường [87], “Về nguồn văn hoá cổ truyền Việt Nam” của Đông Phong [66], “Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam” của Trần Ngọc Thêm [76], “Văn hoá 8 Việt Nam đa tộc người” của GS.Đặng Nghiêm Vạn [101], “Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm” của cố GS. Trần Quốc Vượng [107], “Bản sắc văn hoá Việt Nam” của GS.Phan Ngọc [61]…Hình tượng quen thuộc được các tác giả đưa ra giải mã là hình ảnh “con rồng cháu tiên” thể hiện sự thống nhất trong lịch sử cũng như văn hoá của dân tộc. Bên cạnh đó là những biểu tượng liên quan đến các thành tố cơ bản của văn hoá như ăn, mặc, ở, đi lại…mang tính phổ biến của các tộc người. Bên cạnh những tài liệu mang tính chất tham khảo, định hướng về lý thuyết, còn có những công trình phục vụ trực tiếp cho luận văn. Do đối tượng khảo cứu của luận văn là thần thoại các tộc người về một đề tài cụ thể nên trong những nghiên cứu về văn học dân gian cũng đã phần nào đề cập đến. Đó là công trình của GS.Nguyễn Đổng Chi [6], GS.Đinh Gia Khánh [44], tác giả Phúc Khánh [45], tác giả Ngô Văn Lệ [53], tác giả Hoàng Lương [54], tác giả Lê Ngọc Thắng [74], các công trình về cư dân Tày – Thái của nhà Thái học Cầm Trọng [82] [83] [84] [85] [86], các công trình của GS Đặng Nghiêm Vạn [90] [91] [92] [93] [94] [95] [96]… Trong các công trình này đã đề cập đến vai trò cũng như ý nghĩa của biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại của các tộc người như là một đề tài phổ biến trong thần thoại giai đoạn đầu, khi con người vừa thoát thai khỏi động vật. Tuy nhiên, những nhận định này còn tản mát, không được cấu thành những chương mục cụ thể. Trong luận văn này, trên cơ sở kế thừa những nhận định của các tác giả kể trên, chúng tôi cố gắng tập trung, khái quát hoá nhằm bước đầu tiếp cận và giải mã biểu tượng người khổng lồ một cách có hệ thống trên cơ sở đối chiếu, so sánh với thần thoại của các tộc người khác về một đề tài chung. Do vậy mà những tài liệu về văn học cổ các tộc người là nguồn khảo cứu chính để chúng tôi thực hiện đề tài này. 9 Với ý nghĩa là một nguồn tài liệu quan trọng về xã hội con người thời sơ sử, thần thoại các tộc người nói tiếng Thái nói riêng và các tộc người khác nói chung luôn là bức tranh phản ánh trung thực về thực tế đời sống con người. Trong đó hình ảnh những người khổng lồ - những vị anh hùng thời kỳ dựng nước đã trở thành hình ảnh đại diện cho sức mạnh, trí tuệ của cả cộng đồng. Thông qua hình ảnh những vị thần “đầu đội trời, chân đạp đất, san núi, bạt sông”, con người thể hiện ước vọng chinh phục tự nhiên bằng chính sức lao động và tinh thần cố kết cộng đồng trong buổi đầu lịch sử. Thần thoại không chỉ là hiện thực xã hội con người thời sơ sử, mà nó còn khẳng định sức mạnh của con người trước tự nhiên. Con người không chỉ còn là khách thể thụ động trước những tác động của tự nhiên mà họ đã chủ động tác động trở lại đối với thiên nhiên, buộc thiên nhiên phải phục vụ cho lợi ích của mình. Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại các tộc người cũng chính là để chuyển tải những khát vọng đó. 3. Mục đích nghiên cứu Trong nghiên cứu Dân tộc học – Nhân học ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay chưa có được một lý thuyết chung về nghiên cứu biểu tượng. Các tác giả, tuỳ thuộc theo nội dung cũng như đối tượng nghiên cứu cụ thể mà đưa ra những lý thuyết nghiên cứu riêng của mình. Với đề tài “Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam”, mục đích của luận văn là: Thứ nhất: sưu tầm và hệ thống kho tàng thần thoại của một số dân tộc nói tiếng Thái về biểu tượng người khổng lồ. Thứ hai: Giới thiệu khái quát về hệ thống các khái niệm biểu tượng ở Việt Nam và trên thế giới. Qua đó trình bày những biểu tượng về người khổng lồ trong thần thoại một số dân tộc nói tiếng Thái ở Việt Nam trong bối cảnh chung về biểu tượng người khổng lồ trên thế giới. 10 Thứ ba: Tìm những ý nghĩa và giá trị của biểu tượng người khổng lồ trong đời sống một số dân tộc nói tiếng Thái nhằm nêu lên những đặc trưng văn hoá của tộc người. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Để triển khai luận án, chúng tôi cũng dựa trên quan điểm coi biểu tượng như là một phương tiện để tiếp cận con người trong buổi đầu của lịch sử. Thông qua một biểu tượng cụ thể là người khổng lồ để tìm hiểu về tâm tư, nguyện vọng, ước mơ của con người trong giai đoạn đầu, khi họ mới thoát thai khỏi thế giới động vật. Có thể coi biểu tượng người khổng lồ là sáng tạo văn hóa đầu tiên của con người nhằm thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên cũng như đề cao khả năng lao động, sáng tạo, cải biến thế giới của con người thời tiền sử. Với hình ảnh những vị thần khổng lồ - nhân vật trung tâm trong lớp thần thoại đầu tiên của lịch sử loài người - một lần nữa vai trò quyết định của lao động đối với tiến trình phát triển lịch sử của nhân loại nói chung được khẳng định. Qua đó nhằm khẳng định vai trò chủ thể của loài người trong vũ trụ mênh mông này. - Đối tượng nghiên cứu: do không có điều kiện đi điền dã thực tế, luận văn chủ yếu khai thác thần thoại của các tộc người thông qua các công trình sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu văn học dân gian sẵn có. Tuy nguồn sử liệu được sử dụng là nguồn sử liệu gián tiếp, nhưng trong quá trình tiếp cận, tác giả cũng có sự so sánh, đối chiếu giữa các dị bản với nhau để có được thông tin chính xác nhất trong điều kiện có thể. - Phạm vi nghiên cứu: Luận văn không chỉ dừng lại nghiên cứu về thần thoại của các dân tộc nói tiếng Thái, mà còn mở rộng, so sánh, đối chiếu với thần thoại về người khổng lồ của một số dân tộc khác trong nước và thần thoại các nước khác trên thế giới thông qua các công trình sưu tầm, biên soạn về văn học dân gian của các dân tộc ở Việt Nam cũng như trên thế giới. 11 5. Phương pháp nghiên cứu Do chưa có nhiều kinh nghiệm trước một đề tài mới mẻ, nên để giải quyết những yêu cầu của luận văn, chúng tôi sẽ sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: - Tổng hợp và khái quát về lý thuyết biểu tượng của một số tác giả nước ngoài và Việt Nam. Từ đó áp dụng vào giải quyết những vấn đề cụ thể của luận văn là “Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam”. - Thu thập và tổng hợp về biểu tượng người khổng lồ trong một số cư dân nói tiếng Thái và các tộc người khác ở Việt Nam cũng như trên thế giới thông qua những công trình sưu tầm, biên soạn về văn học dân gian sẵn có. - Do đặc thù của đối tượng nghiên cứu, những tài liệu thu thập được chủ yếu là những tư liệu gián tiếp nên phải có sự phê phán khách quan, phân tích định tính, đối chiếu, so sánh giữa các dị bản trong khi sử dụng. - Phương pháp đối chiếu, so sánh với biểu tượng người khổng lồ ở các tộc người khác (cả trong nước và thế giới) cũng sẽ được sử dụng một các tích cực. 6. Đóng góp của luận văn - Khai thác một đối tượng nghiên cứu mới dưới góc độ Nhân học của cư dân nói tiếng Thái cũng như loài người về tiến trình phát triển ở thời kỳ sơ sử của nhân loại. - Coi biểu tượng như là một “phương tiện tiếp cận đối với con người trong xã hội nguyên thuỷ”. Từ đó có cái nhìn sâu sắc hơn về tiến trình lịch sử của các tộc người. - Gợi ra một cách tiếp cận mới nhằm giải mã những biểu tượng nói chung, về người khổng lồ nói riêng trong nghiên cứu Dân tộc học và Nhân học ở nước ta. 12 7. Bố cục của luận văn Luận văn gồm 138 trang, ngoài phần dẫn luận (11 trang), phần kết luận (5 trang) và phần mục lục và tài liệu tham khảo (11 trang), phần nội dung của luận văn gồm 3 chương sau: - Chương 1: Khái niệm về biểu tượng (32 trang, từ trang 14 đến trang 45) - Chương 2: Biểu tượng người khổng lồ trong kho tàng thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam (39 trang, từ trang 46 đến trang 85) - Chương 3: Những giá trị của biểu tượng người khổng lồ trong kho tàng thần thoại một số tộc người nói tiếng Thái ở Việt Nam (40 trang từ trang 86 đến trang 125) Ngoài ra, luận văn còn có phần phụ lục bao gồm những câu chuyện thần thoại có nhân vật chính là những vị thần khổng lồ trong buổi khai thiên lập địa cùng những dị bản mà chúng tôi sưu tầm được và là đối tượng khảo sát chính của luận văn. 13 CHƯƠNG 1 KHÁI NIỆM CHUNG VỀ BIỂU TƯỢNG 1.1. Định nghĩa và nguồn gốc của biểu tượng 1.1.1. Khái niệm “biểu tượng” Biểu tượng là một loại “ký hiệu” cổ xưa, ra đời trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại. Biểu tượng được xem như là “vật thay thế” của tư duy trong tiến trình phát triển nhận thức của con người. Hơn nữa, biểu tượng còn là con đẻ của sự liên tưởng và sự tưởng tượng, nó giúp cho người ta khám phá và nhận thức ra một thế giới đầy ý nghĩa, phong phú và đa dạng, nhằm truyền đạt những thông tin và khơi dậy những cảm xúc thường có trong “đời sống tâm lý” của con người. Ngày nay, vai trò của biểu tượng trong hoạt động xã hội của con người đã được quan tâm và nghiên cứu một cách sâu sắc với tinh thần khoa học. Trí tưởng tượng không còn bị xem nhẹ như trước đây mà nó đã được xác định lại vị trí và được coi là “mặt thứ hai của lý trí”. Không những vậy, biểu tượng còn là nguồn cảm hứng cho các tìm tòi khám phá. Điều đó đã được khẳng định là do phần lớn những hư cấu viễn tưởng có giá trị tiên báo mà khoa học đã từng bước xác minh. Chính vì vậy, hiện nay biểu tượng đang ngày được quan tâm. Vấn đề “giải mã” biểu tượng đang được nhiều ngành hướng tới như tâm lý học, xã hội học, triết học, văn hoá học, Dân tộc học, Nhân học văn hoá… Vậy, “biểu tượng” (symbol) là gì? Thuật ngữ “Biểu tượng” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: “Sumbolum” là dấu hiệu, có nghĩa tương ứng với các từ: ký hiệu (sign), hoặc tín hiệu (signal). Cũng có thuyết cho rằng, chữ Symbol bắt nguồn từ động từ Hy Lạp “Symballo” có nghĩa là: “ném vào vị trí”, “liên kết”, “suy nghĩ về”, “thoả thuận”, “ước hẹn”… 14 Từ điển Petit Larousse định nghĩa: “Biểu tượng là một dấu hiệu hình ảnh, con vật sống động hay đồ vật biểu hiện một điều trừu tượng, nó là hình ảnh cụ thể của một sự vật hay một điều gì đó”. Người Trung Hoa quan niệm “biểu” có nghĩa là “dấu hiệu”, “tỏ rõ”, “bày ra”… để người ta nhận biết về một điều gì đó; “tượng” có nghĩa là “hình trạng”, “hình tượng”…Do vậy, biểu tượng là một hình tượng nào đó được phô bày ra tạo thành một dấu hiệu tượng trưng, nhằm diễn đạt một ý nghĩa nào đó mang tính trừu tượng. Để cụ thể hoá một ý niệm trừu tượng nào đó, con người đã chọn một hình ảnh, một tên gọi để diễn đạt một điều vô hình, vô hạn, bất khả tri. Như vậy, biểu tượng là tín hiệu hai mặt, cái biểu thị là dạng thức tồn tại hình tượng hoá hay tên gọi và cái được biểu thị là những giá trị của ý niệm ẩn dấu bên trong nó. Con người sống đồng thời với ba thế giới : thế giới thực tại - tồn tại khách quan, là cái có trước và độc lập với nhận thức của con người ; thế giới ý niệm – là hình ảnh về thế giới thực tại được con người cảm nhận bằng khả năng tri giác của bản thân ; và thế giới biểu tượng - tức là hình ảnh về thế giới hiện thực được con người cảm nhận qua thế giới ý niệm. Qua thế giới biểu tượng, con người có thể tư duy và thông báo cho nhau bức tranh về thế giới ý niệm nằm trong đầu anh ta. Do vậy, biểu tượng là vật thay thế, là cầu nối giữa thế giới ý niệm và thế giới thực tại bằng cách đưa cái vô hình, vô hạn, vô khả tri vào cái hữu hình, hữu hạn, khả tri, làm cho con người có thể cảm nhận được cái thế giới ý niệm trong mỗi cá nhân. Thế giới ý niệm giúp cho con người ngày càng xích lại gần nhau hơn. 1.1.2. Nguồn gốc của biểu tượng Theo quan điểm mác - xít thì “ngôn ngữ là hiện thực của ý thức” (K.Marx). Chính lao động và ngôn ngữ đã góp phần biến đổi người vượn trở thành người. Nhờ vào hoạt động trí tuệ mà sức mạnh của tập đoàn người và sức mạnh của mỗi cá nhân sống trong tập đoàn đó được nâng lên gấp bội. 15 Trong buổi bình minh của lịch sử đó, những cuộc cách mạng về trí năng, về sự sáng tạo ra các công cụ sản xuất cũng lần lượt xuất hiện cùng với sự ra đời của ngôn ngữ. Điều đó đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình sống kiểu quần thể bầy bàn - vượn người lên đời sống xã hội của loài người. Con người đã vượt lên bản chất động vật của chính mình để trở thành “con người xã hội”. Nhờ có hoạt động ngôn ngữ, loài người có thể giao tiếp với nhau và truyền thông cho nhau những kinh nghiệm đã được đúc kết trong lao động, trong chiến đấu cũng như trong hoạt động trí tuệ. Trong xã hội nguyên thuỷ, chính nhờ vào hoạt động trí tuệ này mà sức mạnh của nhóm, của cộng đồng và từng cá nhân sống trong cộng đồng đó ngày càng tăng lên gấp bội. Đó là cơ sở đảm bảo cho sự thắng lợi của con người trong đấu tranh sinh tồn và trong lao động chinh phục tự nhiên. Tuy nhiên, ở thưở bình minh lịch sử ấy, trước khi có chữ viết ra đời, hoạt động lời nói của con người còn bị hạn chế và bị bó hẹp trong không gian và thời gian hữu hạn. Do vậy, ngoài lời nói ra, họ còn dùng những phương tiện ngoài ngôn ngữ, đó là những “ngôn ngữ không lời” bao gồm: hình vẽ, tranh khắc, điệu bộ, cử chỉ, dấu hiệu và các ký hiệu đơn giản hoặc phức tạp khác. Ngay từ thời nguyên thuỷ, khi mà tiếng nói còn rất nghèo nàn thì điệu bộ, cử chỉ, nét mặt của con người đã có vai trò rất lớn trong quá trình giao tiếp giữa con người với nhau, nhất là trong hoàn cảnh khi mà tiếng nói chưa định hình đầy đủ và ở trong điều kiện có sự khác biệt về ngôn ngữ. Chúng là những dạng thức nguyên mẫu được sao chép từ trong cuộc sống thực tế, đã được “cách điệu hoá” cao, gần như là những “ký hiệu nghệ thuật”, để sử dụng trong mọi sinh hoạt của người nguyên thuỷ với mục đích tạo ra những “tín hiệu thông tin” trong hoạt động giao tiếp của họ. Có thể đọc ra một số “danh từ” của thứ “ngôn ngữ đặc biệt” nằm trong trang từ điển những “ký hiệu hình ảnh” của người tiền sử: 16 -“Cái cung”: một tay ra hiệu cầm cái cung vô hình, tay kia ra hiệu cầm dây cung bằng sự tưởng tượng. - “Túp lều”: giơ hai tay chắp chéo, hình dung ra mái nhà nhọn hình chữ A. - “Chó sói”: một bàn tay giơ hai ngón ra biểu thị hai cái tai của con sói. - “Cá”: bàn ta để dứng theo chiều dọc, quẫy đi quẫy lại. - “Mây đen”: hai nắm tay để trên đầu, mô tả mây đang treo lơ lửng trên đầu. - “Tuyết”: hai nắm tay giơ cao trên đầu, rồi từ từ mở ra và hạ xuống theo đường ngoằn ngoèo như bông tuyết rơi. - “Ngôi sao”: hai ngón tay, khi thì chụm lại, khi thì xoè ra lơ lửng ở trên đầu biểu thị ngôi sao lấp lánh. [27, tr29] Như vậy mỗi “tiếng” chính là một hình ảnh vẽ bằng tay trên không khí. Cũng như những chữ viết cổ xưa là những hình vẽ (chữ tượng hình Trung Quốc và Ai Cập), thì có lẽ, những điệu bộ nguyên thuỷ cũng chính là một thứ ngôn ngữ mang tính “tượng trưng” đầu tiên của loài người – loại hình “ngôn ngữ điệu bộ”. Những điệu bộ tự nhiên đó đều là những “ký hiệu”, hoạt động theo những quy ước đã định sẵn mà ý nghĩa của nó có thể thay đổi tuỳ theo từng cộng đồng người. Thứ “ngôn ngữ câm” đó vẫn tồn tại theo thời gian và đời sống của con người. Bởi lẽ, trong từng hoạt động nhất định của đời sống con người (như trong ứng xử, giao tiếp, trong trao đổi và dự báo thông tin, hoặc trong các lễ thức tín ngưỡng…), ký hiệu đã đem lại hiệu quả đáng kể và có những điều thuận lợi. Đôi khi chỉ cần một vài động tác cũng có thể thông báo một tin tức quan trọng. Ngoài ngôn ngữ điệu bộ và lời nói là ngôn ngữ chủ yếu giúp cho người nguyên thuỷ nhận thức và giao tiếp, họ còn dùng những “vật thay thế” để đưa tin từ nơi này đến nơi khác. Đó là các “thẻ truyền tin” bằng gỗ, trên có những 17 nét khắc vạch tạo thành “mã ký hiệu” để người đưa tin sẽ dựa vào đấy mà truyền đạt thông tin. Đây là một hình thức “ký hiệu” của người nguyên thuỷ. Việc thông tin trực tiếp tại chỗ như muốn thông báo: chỗ này là khu vực nguy hiểm, chỗ kia là nơi có thú dữ, chỗ khác là bãi săn thú tốt, có thể săn bắn được. Thay vì phải thông báo chỉ dẫn trực tiếp thì họ dùng vật thực để làm “vật thay thế” cho ngôn từ, như: hình ảnh một chiếc đầu lâu treo trên bìa rừng, xác một con rắn đặt trên tảng đá ven đường hoặc một cái sừng hươu gác bên bờ suối nào đó sẽ có giá trị như là một “ký hiệu” khuyến cáo, nhắc nhở mọi người trong cộng đồng biết được nơi nào có nhiều thú dữ, rắn độc nên tránh xa, hoặc nơi kia có nhiều hươu nai, là bãi săn lý tưởng… Theo nhận định của Giáo sư Đặng Đức Siêu, thì “điều này vốn bắt nguồn từ tính cụ thể trong lối tư duy của người cổ xưa mà chứng tích còn tìm thấy trong hoạt động ngôn ngữ của họ” [27, tr31] Theo các tư liệu Khảo cổ học và Dân tộc học, hình vẽ và dấu hiệu – ngôn ngữ không lời, cũng đã xuất hiện ngay trong thời tiền sử, ở giai đoạn hậu kỳ đồ đá cũ (40.000 đến 9000 năm TCN) với những tranh khắc vẽ trên vách động. Phần lớn các nhà nghiên cứu cho đó là “ký hiệu ma thuật săn thú”, nhưng dù sao cũng có thể gọi những người sáng tạo ra các bức bích hoạ đó là những “nghệ sỹ”, không chỉ vì họ biết minh hoạ những con vật trong tự nhiên, mà vì sự tinh tế và hoàn mỹ đến mức kinh ngạc của những “tác phẩm” của họ. Bên cạnh những bức hoạ có mục đích thông báo tin tức và mang tính chất lễ thức “ma thuật”, còn có sự xuất hiện trên các vách hang động, trên đá, mảnh xương…nhiều nét vạch rất lạ lùng, bí ẩn. Những nét khắc vạch đó có lẽ không phải là ngẫu nhiên bởi chúng được thể hiện khá tỉ mỉ và được lặp lại với độ chính xác cao trong số hàng trăm hình ảnh khác nhau, theo phong cách ước lệ hay trừu tượng mang “tính biểu tượng”. 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan