Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Bang giao việt nam với trung quốc dưới triều trần (1226-1400)...

Tài liệu Bang giao việt nam với trung quốc dưới triều trần (1226-1400)

.PDF
217
1001
87

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI ---------------------------------- NGUYỄN THU HIỀN BANG GIAO VIỆT NAM VỚI TRUNG QUỐC DƯỚI TRIỀU TRẦN (1226 - 1400) Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số : 62.22.03.13 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ Người hướng dẫn khoa học: - PGS. TS. Đào Tố Uyên - PGS.TS. Nguyễn Duy Bính HÀ NỘI - 2014 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan bản luận án này là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nghiên cứu được công bố trong luận án chưa từng được công bố trong một công trình nào khác. Nghiên cứu sinh Nguyễn Thu Hiền MỤC LỤC MỞ ĐẦU ................................................................................................................1 1. Lý do chọn đề tài .................................................................................................1 2. Đối tượng, phạm vi, mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu .............................................3 3. Nguồn tài liệu, phương pháp nghiên cứu .............................................................6 4. Đóng góp của luận án ..........................................................................................8 5. Bố cục luận án .....................................................................................................9 NỘI DUNG ..........................................................................................................10 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ...................................10 1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước....................................................................10 1.1.1. Trước thế kỷ XX.......................................................................................10 1.1.2. Từ thế kỷ XX đến nay...............................................................................12 1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài ................................................................ 20 1.2.1. Trung Quốc ............................................................................................. 20 1.1.2. Một số nước khác ....................................................................................28 Tiểu kết chương 1 ................................................................................................ 33 Chương 2: CƠ SỞ CỦA BANG GIAO VIỆT NAM VỚI TRUNG QUỐC DƯỚI TRIỀU TRẦN (1226 - 1400) .................................................................. 35 2.1. Bối cảnh lịch sử Việt Nam dưới các triều vua Trần (1226 - 1400)...................35 2.1.1.Thời kỳ ổn định và phát triển từ năm 1226 đến năm 1341.........................35 2.1.2. Khủng hoảng và suy vong từ năm 1342 đến năm 1400............................. 40 2.2. Bối cảnh lịch sử Trung Quốc từ đầu thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XIV.............45 2.2.1. Triều Nam Tống suy vong và sự thiết lập triều Nguyên ............................ 45 2.2.2. Trung Quốc dưới triều Nguyên (1260 – 1368) và đầu triều Minh (1368 1400) .................................................................................................................50 2.3. Bang giao Việt Nam với Trung Quốc trước năm 1226 ....................................59 2.3.1. Bang giao Việt Nam với Trung Quốc trước năm 1010 ............................. 59 2.3.2. Bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Lý (1010 - 1225) ...........64 Tiểu kết chương 2 ................................................................................................ 69 Chương 3: HOẠT ĐỘNG BANG GIAO CỦA TRIỀU TRẦN VỚI CÁC TRIỀU NAM TỐNG, TRIỀU NGUYÊN VÀ TRIỀU MINH (1226- 1400) ...... 71 3.1. Bang giao của triều Trần với triều Nam Tống (1226 - 1279)...........................71 3.1.1. Sứ đoàn ...................................................................................................71 3.1.2. Cầu phong và thụ phong tước hiệu ..........................................................72 3.1.3. Giải quyết tranh chấp ở khu vực biên giới ...............................................77 3.1.4. Tiếp nhận di dân từ triều Nam Tống ........................................................78 3.2. Bang giao của triều Trần với triều Nguyên (1260 - 1368) ............................... 80 3.2.1. Sứ đoàn ...................................................................................................80 3.2.2. Cầu phong và thụ phong tước hiệu ..........................................................82 3.2.3. Triều cống ............................................................................................... 84 3.2.4. Đấu tranh bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ........................................95 3.2.5. Thông hiếu............................................................................................. 107 3.3. Bang giao của triều Trần với triều Minh từ năm 1368 đến năm 1400 ............110 3.3.1. Sứ đoàn .................................................................................................110 3.3.2. Cầu phong và triều cống........................................................................111 3.3.3. Vấn đề biên giới .................................................................................. 1117 Tiểu kết chương 3 .............................................................................................. 120 Chương 4: KẾT QUẢ VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA BANG GIAO VIỆT NAM VỚI TRUNG QUỐC DƯỚI TRIỀU TRẦN (1226 - 1400) .............................. 122 4.1. Kết quả ......................................................................................................... 122 4.1.1. Đối với Việt Nam...................................................................................122 4.1.2. Đối với Trung Quốc...............................................................................130 4.2. Đặc điểm ......................................................................................................136 4.2.1. Tinh thần độc lập và tự chủ trong hoạt động bang giao của triều Trần..136 4.2.2. Tính linh hoạt trong hoạt động bang giao của triều Trần ......................142 Tiểu kết chương 4 .............................................................................................. 146 KẾT LUẬN........................................................................................................147 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI...............................................................................151 TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................................................153 PHỤ LỤC........................................................................................................... 172 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam trải qua nhiều triều đại khác nhau. Mỗi triều đại là những hình ảnh đa sắc màu. Vương triều Trần (1226 - 1400) là một triều đại phong kiến để lại nhiều dấu ấn trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính điều đó đã thu hút sự quan tâm của giới sử học trong và ngoài nước. Trong những năm qua, các công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học lịch sử đã đề cập đến nhiều phương diện khác nhau của vương triều Trần. Tuy nhiên, nghiên cứu về vương triều Trần vẫn tồn tại một số vấn đề còn bỏ ngỏ hoặc cần đánh giá lại. Ấn tượng về vương triều Trần được tạo dựng thông qua những thành quả mà vương triều Trần đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Chính quyền từ trung ương đến các đơn vị hành chính địa phương được tổ chức thống nhất và khá chặt chẽ. Hình thái kinh tế điền trang và thái ấp vào thế kỷ XIII không chỉ góp phần mở rộng diện tích khai hoang mà còn cung cấp kịp thời lực lượng binh lính cho nhà nước khi cần kíp. Đặc biệt ba lần chiến thắng giặc ngoại xâm, giữ vững độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của vương triều Trần là những sự kiện chúng ta không thể nào quên. Bên cạnh đó, một số khía cạnh khác của vương triều Trần như hoạt động bang giao lại chưa được tái hiện đầy đủ và rõ nét. Trong thời kỳ phong kiến của Việt Nam, hoạt động bang giao là nhân tố có tác động nhất định đến sự thịnh suy của mỗi vương triều. Sức mạnh của đất nước được kiểm chứng qua những thắng lợi từ hoạt động bang giao. Đồng thời những thắng lợi ấy góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Như vậy hoạt động bang giao chính là một phương diện khác để chúng ta có cách nhìn khách quan hơn, toàn diện hơn về các triều đại phong kiến Việt Nam. Vương triều Trần đã thiết lập bang giao với một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Vì nhiều lý do, Trung Quốc trở thành đối tượng chính trong hoạt động bang giao của vương triều Trần. Từ năm 1226 đến năm 1400, lịch sử Trung Quốc lần lượt chứng kiến sự kế tiếp của ba vương triều Nam Tống, triều Nguyên và triều Minh. Đối với mỗi vương triều phong kiến Trung Quốc, triều Trần thực hiện các hoạt động bang giao có những điểm tương đồng và khác biệt. 2 Những sự kiện trong hoạt động bang giao của Việt Nam với Trung Quốc chi phối rất lớn đến chính sách của các vị vua Trần, thậm chí uy hiếp nền độc lập dân tộc. Như vậy, bang giao với Trung Quốc thực sự là thử thách dành cho các vị vua Trần trong thời gian trị vì. Trải qua thử thách, các vị vua triều Trần đã chứng tỏ được bản lĩnh và tài năng cai trị đất nước. Thử thách này cũng là cơ hội để vương triều Trần khẳng định được sức mạnh và vị thế của một quốc gia tự chủ đối với các quốc gia khác trong khu vực. Bang giao trở thành tấm gương phản chiếu chân thực hình ảnh của vương triều Trần trong thế kỷ XIII- XIV. Nghiên cứu bang giao của Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần không chỉ góp phần nhận thức sâu sắc hơn về vị trí của vương triều Trần trong lịch sử phong kiến Việt Nam mà còn là cơ sở để so sánh, đối chiếu với hoạt động bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới các triều đại phong kiến Việt Nam khác. Từ đó bang giao Việt Nam với Trung Quốc thời kỳ phong kiến được tái hiện hệ thống và đầy đủ hơn. Các học giả trong nước khi đề cập đến bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần mới chỉ dừng lại ở hệ thống niên biểu các sự kiện hoặc tập trung vào quan hệ xung đột giữa triều Trần và triều Nguyên trong các năm 1285 và 1288. Bên cạnh đó, quan điểm đánh giá về quan hệ xung đột giữa hai vương triều lại có sự không thống nhất giữa các học giả Việt Nam và Trung Quốc. Những nhìn nhận đó rất cần được xem xét, đánh giá lại một cách khách quan và khoa học. Những vấn đề trong bang giao của triều Trần với các triều đại phong kiến Trung Quốc vẫn còn nhiều khoảng trống cần được khai thác. Bang giao của triều Trần với triều Nam Tống trước và sau năm 1260 có những chuyển biến quan trọng nhưng chưa có một công trình nghiên cứu nào của các học giả trong nước và nước ngoài trực tiếp nghiên cứu so sánh. Bang giao của triều Trần với triều Minh dù được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn hơn so với bang giao của triều Trần với triều Nam Tống và triều Nguyên nhưng vẫn mang những sắc thái riêng. Bang giao giữa hai vương triều trong thời gian hòa bình với nhiều hoạt động khác nhau như việc sách phong, triều cống, giải quyết tranh chấp đất đai và dân cư vùng biên giới… chưa được nghiên cứu một cách hệ thống. Ngoài ra, một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu như so sánh bang giao của triều Trần với từng triều đại phong kiến Nam Tống, 3 Nguyên, Minh để rút ra những điểm tương đồng và khác biệt. Trên cơ sở đó làm sáng tỏ đặc điểm của hoạt động bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần. Ngày nay, thế giới không ngừng vận động và thay đổi. Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào xu hướng toàn cầu hóa. Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc trong thời kỳ mới đã chứng kiến nhiều biến động thăng trầm cũng như đang phải đối diện với rất nhiều thách thức. Thực tế đó đòi hỏi Đảng và Chính phủ Việt Nam cần có chính sách ngoại giao với Trung Quốc phù hợp ở từng thời điểm cụ thể nhằm đảm bảo lợi ích dân tộc. Những nhận xét rút ra từ quá trình nghiên cứu bang giao Việt Nam và Trung Quốc dưới triều Trần trở thành “món quà” giàu ý nghĩa mà quá khứ mang đến cho hiện tại. Với những lý do trên, tác giả quyết định lựa chọn vấn đề “Bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần (1226 - 1400)” làm đề tài luận án. 2. Đối tượng, phạm vi, mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của đề tài là bang giao của Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần (1226 - 1400). Cụ thể là bang giao của triều Trần với các triều Nam Tống (1226 - 1279), triều Nguyên (1260 - 1368) và triều Minh (1368 - 1400). Như vậy chủ thể của hoạt động bang giao từ năm 1226 đến năm 1400 là triều Trần nhưng đối tượng của hoạt động bang giao này lại có sự thay đổi là các triều Nam Tống, triều Nguyên và triều Minh trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Phạm vi nghiên cứu - Về không gian Luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu là phạm vi lãnh thổ của quốc gia Việt Nam chịu sự quản lý của vương triều Trần (tương ứng với khu vực Bắc Bộ kéo dài đến phía Bắc tỉnh Quảng Nam ngày nay1) và phạm vi lãnh thổ Trung Quốc dưới sự quản lý của các vương triều Nam Tống – Nguyên – Minh. -Về thời gian Luận án tập trung nghiên cứu bang giao Việt Nam với Trung Quốc trong 1 Năm 1306, vua Chiêm Thành là Chế Mân đã dâng hai châu Ô và Lý làm lễ vật cưới công chúa Huyền Trân. Nam 1307, triều Trần đổi tên thành Thuận Châu và Hóa Châu nay là đất tỉnh Quảng Trị, Huế, thành phố Đà Nẵng và phía Bắc tỉnh Quảng Nam. 4 thời gian từ năm 12262 đến năm 1400. Đây là khoảng thời gian vương triều Trần trị vì tại Việt Nam trải qua 12 vị vua từ Trần Thái Tông đến Trần Thiếu Đế3. Nhưng đối với Trung Quốc từ năm 1226 đến năm 1400, cục diện có nhiều thay đổi dưới sự cai trị của các vương triều kế tiếp nhau là Nam Tống – Nguyên – Minh. Để nghiên cứu cụ thể hơn về bang giao Việt Nam với Trung Quốc trong khoảng thời gian này, chúng tôi phân chia thành những giai đoạn từ năm 1226 đến năm 1279 là bang giao của triều Trần với triều Nam Tống, từ năm 1260 đến năm 1368 là bang giao của triều Trần với triều Nguyên, từ năm 1368 đến năm 1400 là bang giao của triều Trần với triều Minh. Năm 1226 là năm mở đầu bang giao của triều Trần với triều Nam Tống vì đây là năm triều Trần thành lập. Lý do lựa chọn mốc thời gian 1279 là mốc kết thúc khi tìm hiểu bang giao Đại Việt với triều Nam Tống vì xét trong Đại Việt sử ký toàn thư đến năm 1279 chép rằng: “Quân Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn (thuộc Quảng Đông), quân Tống thua, Tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển chết; hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày xác nổi lên mặt biển đến hơn 10 vạn người. Xác vua Tống cũng ở đấy. Năm ấy nhà Tống mất” [55; 494] và bắt đầu từ năm 12804, sử gia phong kiến Việt Nam chỉ dùng niên hiệu của triều Nguyên mà không dùng song song hai niên hiệu của triều Tống và triều Nguyên như trước năm 1280. Bên cạnh đó trong các tác phẩm sử học của Việt Nam cũng như của Trung Quốc đều ghi chép về sự kiện: năm 1274, người nhà Tống sang quy phụ nước ta. Như vậy sau khi Mông Cổ đặt quốc hiệu là Đại Nguyên vào năm 1271 không đồng nghĩa với việc bang giao giữa Đại Việt và triều Nam Tống chấm dứt. Ngoài ra năm 1279 cũng là mốc thời gian đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của triều Nam Tống trong lịch sử vương triều phong kiến Trung Quốc. Nghiên cứu về bang giao của triều Trần với triều Nguyên, tác giả lựa chọn mốc thời gian mở đầu là từ năm 1260 vì trong các tác phẩm sử học phong kiến Việt 2 Vị vua cuối cùng của triều Lý là Lý Chiêu Hoàng đã nhường ngôi cho Trần Cảnh vào ngày 11 tháng Chạp năm Ất Dậu (1225) tức ngày 10 tháng 1 năm 1226. 3 Trong giới hạn thời gian nghiên cứu của luận án không tính đến giai đoạn Hậu Trần với hai triều vua là Trần Quý Khoáng và Trần Ngỗi. Dưới sự cai trị của vương triều Trần, quốc hiệu của Việt Nam là Đại Việt. 4 Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên… đều chép năm 1280 chỉ có 1 niên hiệu là Nguyên Chí Nguyên năm thứ 17. 5 Nam từ thời gian này bắt đầu dùng cả hai niên hiệu của triều Nam Tống và triều Nguyên5. Điều này cho thấy triều Nguyên trở thành một thế lực phong kiến đối trọng với triều Nam Tống từ năm 1260 mặc dù đến năm 1271 niên hiệu Đại Nguyên mới xuất hiện và đến năm 1279 triều Nguyên chính thức trở thành vương triều phong kiến duy nhất cai trị Trung Quốc. Giới hạn thời gian nghiên cứu bang giao của triều Trần với triều Nguyên là năm 1368 vì đây mốc thời gian kết thúc hoàn toàn sự thống trị của triều Nguyên. Vì chủ thể thực hiện bang giao là triều Trần cho nên khi tìm hiểu bang giao của triều Trần với triều Minh, luận án chỉ giới hạn phạm vi thời gian nghiên cứu đến năm 1400. Đây chính là năm vương triều Trần bị thay thế bởi triều Hồ6 trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Nhằm xây dựng cái nhìn toàn diện hơn về bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần trong sự so sánh, luận án tìm hiểu khái quát bang giao Việt Nam với Trung Quốc trước khi triều Trần thành lập tức là giới hạn phạm vi thời gian nghiên cứu của luận án được mở rộng đến trước năm 1226. Mục tiêu nghiên cứu Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là tái hiện lại quá trình triều Trần tiến hành hoạt động bang giao với các vương triều phong kiến Trung Quốc từ đó phân tích và đánh giá về bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần (1226-1400). Nhiệm vụ nghiên cứu Luận án sẽ tập trung làm rõ những vấn đề khoa học sau đây: - Những cơ sở của bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần (1226 1400): tác động từ bối cảnh lịch sử Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn 1226 - 1400 đến hoạt động bang giao của Việt Nam với Trung Quốc, tiến trình bang giao Việt Nam với Trung Quốc trước khi triều Trần thành lập (trước năm 1226). - Phân tích những biểu hiện cụ thể trong quá trình triều Trần tiến hành hoạt động bang giao với các triều Nam Tống (1226 - 1279), triều Nguyên (1260 - 1368) và triều Minh (1368 - 1400). 5 Trong tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1260 chép cả hai niên hiệu là Tống Cảnh Định năm thứ 1, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt Trung Thống năm thứ 1. 6 Năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi hoàng đế, lập nên vương triều Hồ. Vương triều Hồ tồn tại từ năm 1400 đến năm 1407. 6 - Trên cơ sở nghiên cứu những biểu hiện của bang giao Việt Nam với Trung Quốc thời Trần (1226 - 1400), luận án rút ra những nhận xét về kết quả và đặc điểm của bang giao Việt Nam - Trung Quốc dưới triều Trần. 3. Nguồn tài liệu, phương pháp nghiên cứu Nguồn tài liệu: Những vấn đề khoa học của luận án được giải quyết trên cơ sở khai thác và xử lý tài liệu từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, bao gồm: - Các công trình sử học được biên soạn trong thời kỳ phong kiến của Việt Nam và Trung Quốc như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử... được sử dụng như tài liệu tra cứu làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến niên đại, sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử được đề cập đến trong luận án. Đồng thời các tác phẩm sử học này còn cung cấp cách đánh giá, quan điểm của các sử gia phong kiến Việt Nam và Trung Quốc về một số vấn đề trong bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần. - Nguồn tài liệu chiếu chỉ, tấu, biểu... trao đổi qua lại giữa các vị vua của triều Trần và các vị vua triều Nguyên, triều Minh trong các tác phẩm như An Nam chí lược7, Thiên Nam hành ký8, Trần Cương Trung thi tập9, Nguyên sử10, Minh sử. Nguồn tài liệu này cho phép tác giả phân tích mục đích, thái độ của các vị vua triều Trần và các vị vua triều Nguyên, triều Minh trong quá trình tiến hành hoạt động bang giao. Điều cần lưu ý là tác giả phải phân tích và đánh giá nội dung chân thực ẩn chứa sau lối diễn đạt hoa mỹ, ngoa dụ trong các văn thư bang giao này. - Nguồn tài liệu văn thư trao đổi giữa vua Trần với các sứ thần, tướng lĩnh Trung Quốc gửi vua Trần được trích dẫn trong An Nam chí lược, Nguyên sử. Nguồn tài liệu này góp phần làm sáng tỏ, cụ thể hóa một số sự kiện trong bang giao giữa hai nước dưới triều Trần. 7 Tính cả các văn thư ở phần Biểu chương và Tiền đại thư biểu (thư, biểu của các đời trước) thì có 7 văn thư triều Trần gửi cho triều Nam Tống, triều Nguyên. 8 Có 6 văn thư vua Trần gửi vua Nguyên. 9 Có 5 văn thư, trong đó 3 văn thư gửi Hốt Tất Liệt được gộp chung thành An Nam tiến Vạn thọ tụng tịnh biểu tấu. 10 Ngoài 5 đoạn trích quá ngắn và 1 đoạn trích thuộc văn thứ năm Chí Nguyên thứ 15 đã được trích trong An Nam chí lược thì tất cả 5 văn thư (đoạn trích dẫn) vua Trần gửi cho vua Nguyên. 7 - Tài liệu ghi chép của các sứ thần triều Nguyên như Từ Minh Thiện, Trần Phu khi đến Việt Nam dưới triều Trần là nguồn tư liệu bổ sung dẫn chứng, cứ liệu lịch sử phản ánh hoạt động bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần. - Những bài thơ tiễn sứ giả của vua Trần, quan lại triều Trần cùng những bài thơ của sứ thần triều Nguyên khi sang Việt Nam là nguồn tài liệu tham khảo phản ánh tâm tư, tình cảm của các cá nhân trong hoạt động bang giao giữa triều Trần và triều Nguyên (tham khảo Phụ lục 9 và 10). - Các công trình nghiên cứu đã công bố có nội dung liên quan đến đề tài luận án, bao gồm: sách chuyên khảo, sách tham khảo, bài nghiên cứu, thông tin đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành, khóa luận, luận văn của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh... Đây là nguồn tài liệu có giá trị sử dụng khác nhau tùy theo từng thể loại: cung cấp những thông tin khái quát hoặc cụ thể về vấn đề nghiên cứu, giúp tác giả có cái nhìn tổng thể hoặc so sánh trong mối tương quan. - Nguồn tài liệu lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ, các thư viện, bảo tàng của Việt Nam và Trung Quốc (Thư viện Vũ Hán, Bảo tàng Vũ Hán, Bảo tàng quốc gia tại Bắc Kinh, Bảo tàng Nội Mông – Trung Quốc) bao gồm các tài liệu thành văn và hiện vật (tham khảo Phụ lục 11). Đây là nguồn tài liệu quan trọng bổ sung về cách tiếp cận vấn đề trong quá trình thực hiện luận án nhằm giải quyết các nhiệm vụ đặt ra của đề tài. - Nguồn tài liệu sưu tầm được thông qua quá trình điền dã tại địa phương từng là quê hương của dòng họ Trần (Nam Định), nơi lưu lại những dấu vết của trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng dưới triều Trần, khu di tích Thành Cát Tư Hãn tại Nội Mông (Trung Quốc)... Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở nắm vững và vận dụng quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, quan điểm sử học macxit, tác giả vận dụng các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành kết hợp với phương pháp liên ngành nhằm đưa ra những kết quả nghiên cứu mang tính khoa học. Trong quá trình sưu tầm và xử lý tư liệu, tác giả tiến hành phương pháp giám định, phê phán tư liệu để xác định độ tin cậy của nguồn tư liệu nghiên cứu. Đặc biệt là đối với các tác phẩm sử học do các sử gia phong kiến Việt Nam và Trung Quốc biên soạn, tác giả tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm, hình thức văn bản, 8 cách diễn đạt, lập trường tư tưởng của cá nhân hay tập thể biên soạn để đánh giá sự chính xác và tính khách quan của tư liệu. Trên cơ sở đó, tác giả tiến hành đối chiếu, so sánh, phân loại tư liệu theo từng vấn đề. Trên cơ sở nguồn tư liệu thu thập được, tác giả vận dụng phương pháp tổng hợp và phân tích tư liệu, kết hợp với các phương pháp lịch sử, phương pháp logic để khái quát hoạt động bang giao giữa Việt Nam với Trung Quốc trước năm 1226, phân tích những tác động từ bối cảnh lịch sử Việt Nam và Trung Quốc đến bang giao Việt Nam - Trung Quốc dưới thời Trần, trình bày những biểu hiện sinh động trong hoạt động bang giao của triều Trần với các triều Nam Tống, triều Nguyên và triều Minh. Những nhận định, đánh giá về bang giao của Việt Nam với Trung Quốc thời Trần rút ra dựa trên cơ sở nguồn tư liệu đã được tiếp cận, đảm bảo tính khách quan và khoa học. Đối với những vấn đề còn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều, tác giả sẽ đưa ra những phân tích, nhận xét và quan điểm riêng của cá nhân. Ngoài ra, trong từng nội dung cụ thể, tác giả kết hợp sử dụng các phương pháp so sánh, thống kê, định tính, định lượng… để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài. 4. Đóng góp của luận án Trên cơ sở giải quyết nhiệm vụ đặt ra, luận án có một số đóng góp như sau: - Luận án tái hiện một cách hệ thống và toàn diện về bang giao của triều Trần đối với triều Nam Tống (1226 - 1279), triều Nguyên (1260 - 1368), triều Minh (1368 - 1400) trên nhiều phương diện khác nhau. Qua đó luận án góp phần nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về vương triều Trần cũng như vị trí của vương triều Trần trong lịch sử dân tộc. - Từ quá trình nghiên cứu những biểu hiện của bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần, luận án rút ra những nhận xét về kết quả và đặc điểm của hoạt động bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần. - Nội dung luận án bổ sung thêm tài liệu về vương triều Trần, về lịch sử bang giao Việt Nam thời kỳ phong kiến đặc biệt là những hoạt động bang giao trong thời gian không diễn ra chiến sự trên các phương diện như cầu phong, thụ phong tước hiệu, triều cống... - Luận án bước đầu đưa ra những phân tích, đánh giá về các vấn đề còn bỏ ngỏ, 9 các vấn đề được phản ánh chưa chính xác, các vấn đề còn tồn tại quan điểm trái chiều giữa các học giả trong nước và nước ngoài khi tìm hiểu bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần. - Nội dung luận án và hệ thống tư liệu tham khảo được sưu tầm trong quá trình thực hiện luận án là nguồn tài liệu có giá trị phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu lịch sử vương triều Trần nói riêng và lịch sử Việt Nam cổ trung đại nói chung. 5. Bố cục luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án được chia làm 4 chương, cụ thể: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu Chương 2. Cơ sở của bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần (1226 - 1400) Chương 3. Hoạt động bang giao của triều Trần với các triều Nam Tống, triều Nguyên và triều Minh (1226-1400) Chương 4. Kết quả và đặc điểm của bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần (1226 - 1400) 10 NỘI DUNG Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước 1.1.1. Trước thế kỷ XX Sử gia phong kiến Việt Nam đã bước đầu nhận xét, phân tích về hoạt động bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần (1226-1400). Đầu thế kỷ XIV, Lê Tắc đã hoàn thành biên soạn An Nam chí lược. Cuốn sử đã cung cấp nhiều văn thư tấu biểu trao đổi qua lại giữa vua Trần và vua Nguyên, giữa sứ thần triều Nguyên với vua Trần khi tiến hành hoạt động bang giao. Tác giả đã thể hiện rõ tư tưởng đề cao triều Nguyên mà xem nhẹ triều Trần vì đã “quên mình là người Việt, dựa vào lập trường và quan điểm của người Nguyên để soạn tập” [93;8] trong quá trình tái hiện lại bang giao của triều Trần với triều Nguyên. Vào thế kỷ XVII, Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê biên soạn xong Đại Việt sử ký toàn thư (Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2004). Đại Việt sử ký toàn thư có tên gọi đầu tiên khi hoàn thành vào nửa cuối thế kỷ XV là Sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn dựa trên cơ sở Đại Việt sử ký – Lê Văn Hưu và Sử ký tục biên – Phan Phu Tiên. Cuốn sử đã phản ánh quan điểm cá nhân của sử thần Ngô Sĩ Liên về quan hệ của triều Trần với triều Nguyên và với triều Minh. Sử gia Ngô Sĩ Liên nhấn mạnh yếu tố đoàn kết là nguyên nhân chủ yếu đưa tới thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống sự xâm lược của triều Nguyên: “vua tôi hợp mưu, bình dân hết sức, cuối cùng trừ được giặc phương Bắc mà thành công đại định”[55; 494]. Xem xét quan hệ của triều Trần với triều Minh vào cuối năm 1390, sử gia Ngô Sĩ Liên cho rằng lời khuyên “kính nước Minh như cha” [55; 703] của Tư đồ Trần Nguyên Đán dành cho vua Trần Phế Đế chỉ là “câu nói tầm thường” [55; 704] không thể cứu vãn sự khủng hoảng của vương triều Trần. Việt sử tiêu án gồm 10 quyển do Ngô Thì Sĩ biên soạn trong những năm 1772 – 1775 (Nxb Thanh niên xuất bản lần thứ hai11, Hà Nội, 2001). Sử gia Ngô 11 Bản dịch tiếng Việt đầu tiên năm 1960 do Hội liên lạc nghiên cứu văn hóa Á Châu tại Sài Gòn ấn hành. 11 Thì Sĩ đánh giá cao ý thức dân tộc của vương triều Trần “tự giữ nghiêm trọng, không chịu khuất phục chút nào” [87; 214] trước triều Nguyên cụ thể như việc vua Trần kiên quyết không thân sang chầu vua Nguyên. Khi tiếp đón sứ thần, triều Trần vừa cương quyết vừa nhún nhường khiến triều Nguyên phải e dè. Sử gia Ngô Thì Sĩ đã chỉ rõ gánh nặng triều cống của triều Trần đối với triều Minh cũng như nguy cơ bị triều Minh xâm phạm lãnh thổ. Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ là công trình sử học được khắc in từ năm 1798 đến 1800 (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội xuất bản năm 1997). So với các cuốn sử biên soạn trước đó, Đại Việt sử ký tiền biên mang đậm tính sử luận với mật độ xuất hiện dày đặc ý kiến cá nhân của sử gia về hoạt động bang giao của triều Trần với triều Nam Tống, triều Nguyên và triều Minh qua một số sự kiện cụ thể. Sử thần Ngô Thì Sĩ đánh giá hành động vua Trần Thái Tông đi tuần biên giới vào lãnh thổ của triều Nam Tống năm 1241 mang tính chất bộc phát ẩn chứa nhiều hiểm nguy. Sử thần Ngô Thì Sĩ đề cao sức mạnh của triều Nguyên để từ đó khẳng định uy thế của vương triều Trần khi bảo toàn được chủ quyền lãnh thổ. Bên cạnh đó tác giả còn chú ý tới một số phương diện khác trong bang giao của triều Trần với triều Nguyên như quá trình triều Trần đấu tranh bãi bỏ chức quan giám sát. Cũng trong thế kỷ XVIII, năm 1777, Lê Quý Đôn đã biên soạn Kiến văn tiểu lục đề cập đến một số bài thơ của sứ thần triều Nguyên là Trần Cương Trung, Phó Nhược Kim khi sang triều Trần và bài thơ của một viên quan triều Trần là Phạm Sư Mạnh đối đáp với sứ thần triều Minh là Dư Quí. Tác giả cho rằng bài thơ của Phạm Sư Mạnh đã thể hiện mạnh mẽ vị thế của vương triều Trần trong bang giao với triều Minh. Bước phát triển mới trong quá trình sử gia phong kiến Việt Nam tìm hiểu về bang giao dưới triều Trần với các vương triều phong kiến Trung Quốc được đánh dấu bằng sự ra đời của cuốn sử Lịch triều hiến chương loại chí do Phan Huy Chú biên soạn từ năm 1809 đến năm 1821 với 49 quyển chia làm 10 chí (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007). Trong phần “Bang giao chí”, sử gia Phan Huy Chú thể hiện sự nghiên cứu chuyên sâu về bang giao trong lịch sử Việt Nam nói chung và bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần nói riêng trên các lĩnh vực như điển sách phong, nghi thức sách phong, nghi thức dụ tế (quyển 46); lễ cống và lễ sính (quyển 47); nghi 12 thức tiếp đãi, đón tiếp sứ thần (quyển 48), việc biên cương (quyển 49). Không thể phủ nhận những nhận xét sâu sắc của sử gia Phan Huy Chú khi so sánh sự khác nhau trong hoạt động phong vương giữa hai triều Nam Tống và Nguyên dành cho vua Trần hoặc vai trò biện luận của các sứ thần triều Trần. Tuy nhiên một số nhận định của sử gia Phan Huy Chú rất cần được tra cứu làm rõ thêm như nhận định “Các vua nhà Trần được nhường ngôi, chưa từng cầu phong ở Trung Quốc”[21; 540]. Năm 1884, Quốc sử quán triều Nguyễn đã hoàn thành tác phẩm Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Trên cơ sở tham khảo nhiều nguồn tư liệu khác nhau, sử gia triều Nguyễn đã hiệu đính và khảo xét lại một số sự kiện bang giao Việt Nam - Trung Quốc dưới triều Trần. Sử gia triều Nguyễn cũng đưa ra những phân tích riêng khi đề cập đến hoạt động bang giao của triều Trần với các triều Nam Tống, triều Nguyên và triều Minh như lý giải nguyên nhân năm 1242 vua Trần tấn công lộ Bằng Tường (Trung Quốc), làm rõ chức năng của viên quan Đạt lỗ hoa xích triều Nguyên đặt trên lãnh thổ Đại Việt... Nhìn chung trước thế kỷ XX, vấn đề bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần (1226-1400) được các sử gia phong kiến Việt Nam tiếp cận thông qua những nhận xét đánh giá sau mỗi sự kiện bang giao. Sử gia phong kiến Việt Nam bước đầu tìm hiểu nguyên nhân, tính chất của các sự kiện lịch sử cụ thể từ đó nhận xét một số đặc điểm bang giao của triều Trần với các vương triều phong kiến Trung Quốc. 1.1.2. Từ thế kỷ XX đến nay Bước sang thế kỷ XX, bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần (1226-1400) giành được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả với các bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành, sách chuyên khảo, sách tham khảo, đề tài khoa học.... Năm 1906, Đặng Xuân Bảng biên soạn Việt sử cương mục tiết yếu (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000) trong đó có đề cập đến một số sự kiện liên quan tới bang giao của triều Trần với triều Nguyên. Năm 1914, Hoàng Cao Khải hoàn thành Việt sử yếu (Nxb Nghệ An – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 200712). Tác giả tập trung nghiên cứu 12 Năm 1970 tác phẩm in lần đầu tiên do Nhà xuất bản Sài Gòn ấn hành. 13 diễn biến, nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm dưới triều Trần. Tác giả cho rằng triều Trần đã thể hiện sự khéo léo trong cách ứng xử với triều Nguyên sau mỗi cuộc kháng chiến để giữ hòa hiếu. Năm 1920, trong cuốn sách Việt Nam sử lược (Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005) tác giả Trần Trọng Kim đã nghiên cứu bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần theo từng triều vua. Tác giả đặc biệt quan tâm tới bang giao của triều Trần với triều Nguyên. Tác giả nhận định rằng đối với triều Nguyên, triều Trần chỉ bề ngoài thần phục mà thôi. Tác giả còn phân tích bối cảnh lịch sử chi phối tới đặc điểm bang giao của triều Trần với triều Minh dưới triều vua Trần Dụ Tông (1341-1369): “Nước Nam ta bấy giờ tuy đã suy nhược, nhưng mà nhà Minh mới định xong thiên hạ, còn phải sửa soạn việc nước, chưa dòm đến nước mình, cho nên cũng chưa có việc gì quan trọng lắm” [46; 162]. Trong tác phẩm Chống quân Nguyên, Nxb Xây dựng, 1957 do Chu Thiên biên soạn, các cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên trở thành đối tượng nghiên cứu chính. Tác giả giới thiệu những nét khái quát về Mông Cổ, diễn biến ba lần kháng chiến chống Mông Nguyên đồng thời phân tích tương quan lực lượng giữa Đại Việt và Mông Nguyên. Tác giả nhận định các chiến thuật mà nhà Trần đã sử dụng trong chiến tranh với Mông Nguyên gồm có đàm phán, tuyên truyền, chiến thuật hàng binh. Khi bàn về chiến thuật bang giao tác giả có dẫn lại một số sự kiện phản ánh quá trình triều Nguyên liên tiếp đặt ra những yêu cầu triều cống với Đại Việt. Tác giả đi tới nhận định ba nguyên nhân cơ bản giúp triều Trần giành thắng lợi trước các cuộc xâm lược của Mông Nguyên là: tinh thần anh dũng, sự đoàn kết và đường lối lãnh đạo của triều Trần. Năm 1962, Đào Duy Anh trong bài viết “Cuộc kháng chiến của nhà Trần đã ngăn chặn sự bành trướng của Mông Cổ xuống Đông Nam Á” (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 42, tr.16-20) đã trình bày một số tư liệu liên quan đến quan hệ xung đột giữa triều Trần và triều Nguyên. Tác giả nhấn mạnh tới tác động của các cuộc kháng chiến chống Nguyên dưới triều Trần đối với khu vực Đông Nam Á. Tác giả cho rằng thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên của triều Trần đã làm thất bại giấc mộng thôn tính Đông Nam Á của triều Nguyên. 14 Năm 1968, nhân kỷ niệm 668 năm này mất của Trần Quốc Tuấn và 680 năm ngày chiến thắng Bạch Đằng, trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử có tới 7/9 bài viết về nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc kháng chiến chống xâm lược dưới triều Trần của các tác giả: Trần Huy Liệu, Hoàng Hưng, Văn Tân, Phương Phương, Trần Quốc Tuấn, Chương Dương, Nguyễn Đổng Chi. Trần Huy Liệu nhận định rằng chính tinh thần cứu nước và chủ trương khoan thư sức dân của Trần Quốc Tuấn đã củng cố vững chắc hơn khối đoàn kết dân tộc, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân đồng tâm tiến hành kháng chiến chống xâm lược. Tác giả Hoàng Hưng đề cao vai trò của Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên trên các phương diện: đoàn kết mọi người, đào tạo nhân tài, không gây lực lượng riêng gây chia rẽ trong nhân dân, quyết định đúng đắn về sách lược và chiến thuật đối với kẻ thù. Văn Tân đã chỉ ra những nét đặc biệt của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên là vương triều Trần biết tôn trọng ý kiến của nhân dân, dựa vào nhân dân để đánh giặc, tổ chức tốt chiến tranh nhân dân – chiến tranh di kích, chiến thuật phong phú phù hợp vào từng thời điểm cụ thể, sự phối hợp chặt chẽ giữa quân bộ và quân thủy… Năm 1972, với tác phẩm Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông (Thế kỷ XIII), Nxb Khoa học xã hội, hai tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm đã trình bày những nghiên cứu toàn diện về quan hệ xung đột giữa triều Trần với Mông Cổ và triều Nguyên. Điểm mới so với các công trình nghiên cứu trước đó là các tác giả đã thống kê và phân tích giá trị cũng như hạn chế của nguồn sử liệu Việt Nam và Trung Quốc đề cập đến ba lần giao chiến giữa triều Trần với Mông Cổ và triều Nguyên. Các tác giả chú ý khai khác đến hoạt động bang giao của triều Trần với triều Nguyên trong giai đoạn vô cùng căng thẳng từ năm 1258 đến năm 1284. Tuy nhiên do tác phẩm tập trung đến cuộc kháng chiến chống Nguyên của Đại Việt nên nhiều hoạt động khác trong bang giao của triều Trần với triều Nguyên dù có nhắc tới nhưng chưa được chú ý phân tích sâu. Năm 1978, trong bài viết “Những nhân tố đưa đến chiến thắng quân Nguyên hồi thế kỷ XIII” (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 3, tr.5-14) tác giả Văn Tân đã phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan trong thắng lợi của triều Trần trước các cuộc xâm lược của triều Nguyên. Nguyên nhân khách quan xuất phát từ 15 vấn đề chiến thuật “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của triều Nguyên thất bại thảm hại trước kế hoạch “vườn không nhà trống” của vương triều Trần. Nguyên nhân chủ quan giữ vai trò quan trọng nhất đó là triều Trần đã xây dựng được khối đoàn kết toàn dân: đoàn kết trong nội bộ triều đình, đoàn kết trong quân đội, đoàn kết giữa triều đình với nhân dân. Bên cạnh đó, tác giả nhấn mạnh đến các nhân tố như sự linh hoạt trong quan hệ của triều Trần với triều Nam Tống và Chiêm Thành để dồn lực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Nguyên; tổ chức được thế trận chiến tranh nhân dân – chiến tranh du kích lâu dài, coi trọng người tài và đặc biệt là vai trò của thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn. Năm 1979, trong bối cảnh xung đột biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhiều bài nghiên cứu về chính sách của các triều đại phong kiến Trung Quốc đối với Việt Nam trong đó có các triều Nam Tống, Nguyên, Minh được công bố. Bài viết “Vài nét về chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với Việt Nam thời phong kiến” (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5 (188), tr.22-30; 79) của Văn Tân phân tích chính sách của triều Nguyên đối với triều Trần qua hệ thống các sự kiện bang giao như các sự kiện quân Nguyên tấn công Đại Việt, sự kiện sứ giả nhà Nguyên sang yêu cầu vua Trần phải thân hành sang chầu… Tác giả kết luận nguyên nhân Đại Việt chiến thắng quân xâm lược Nguyên là yếu tố đoàn kết dân tộc. Cùng năm, tác giả tiếp tục tìm hiểu “Chủ nghĩa bành trướng của phong kiến Trung Hoa và sự thất bại của nó ở Việt Nam” (Tạp chí Cộng sản, tháng 4, tr.52-61). Tác giả lý giải nguồn gốc của chủ nghĩa bành trướng đồng thời trình bày chi tiết sự thất bại của triều Nguyên trong các lần tấn công Đại Việt. Văn Phong với bài viết “Quan hệ Trung – Việt và Việt – Trung” (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4, tr.1-13) đề cập tới bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần khi lý giải nguyên nhân Trung Quốc không thôn tính được Việt Nam xuất phát từ sức sống kiên cường của dân tộc Việt Nam, từ sự suy yếu của chính quyền trung ương dưới triều Nam Tống và triều Nguyên. Tác giả Trần Thị Băng Thanh trong bài viết “Giao Châu trong mộng của thiên triều và Đại Việt hiện thực trước mắt các sứ giả Trung Quốc” (Tạp chí Văn học, số 4, tr.23-30) đã nghiên cứu bang giao Việt Nam với Trung Quốc thời Trần 16 thông qua thơ văn của sứ thần triều Nguyên đã từng sang Việt Nam như Trương Hiển Khanh, Trần Phu, Từ Minh Thiện, Tiêu Thái Đăng, Lý Tư Diễn, Trần Trọng Huy, Tăng Tử Uyên. Tác giả nhận định rằng qua những tác phẩm đó âm mưu thôn tính, chiếm đoạt các sản vật phong phú của vương triều Nguyên được thể hiện rõ. Đồng thời, sứ thần triều Nguyên đã có những tâm sự riêng tư, tình cảm yêu mến dành cho con người và phong cảnh Đại Việt. Năm 1984, trong tác phẩm Những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chống phong kiến Trung Quốc xâm lược (tập 1) do Hồng Nam – Hồng Lĩnh chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, các tác giả đã phân tích cội nguồn và đặc điểm của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc và bang giao Việt Nam với Trung Quốc thời Trần thông qua ba lần chiến thắng chống quân xâm lược Nguyên Mông. Điểm đáng lưu ý là tác giả Hà Văn Tấn đã phân tích sâu sắc hơn về ý nghĩa và nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến. Phần lời bình của tác giả ở cuối chương thể hiện những đánh giá khái quát nhất về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông trong thế kỷ XIII của vương triều Trần. Năm 1996, Nguyễn Lương Bích với công trình Lược sử ngoại giao các đời trước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội đã lược thuật những sự kiện lịch sử tiêu biểu về bang giao của triều Trần với triều Nguyên. Tác giả phân chia diễn biến hoạt động bang giao này thành các giai đoạn như giai đoạn trước năm 1258, giai đoạn từ sau năm 1258 đến trước năm 1284 và giai đoạn hậu chiến sau từ sau năm 1288. Tác giả cũng đề cập tới một số sự kiện bang giao của triều Trần với triều Minh. Năm 2000, trong tác phẩm Ngoại giao Đại Việt, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, nhà nghiên cứu Lưu Văn Lợi tập trung phân tích bang giao hòa bình giữa triều Trần và triều Nguyên từ sau năm 1258 đến trước năm 1285. Nhà nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa của thời gian hòa hoãn đối với quá trình chuẩn bị tinh thần, lực lượng quân sự, lương thực, tàu thuyền... là nhân tố góp phần đưa tới thắng lợi của triều Trần trong cuộc kháng chiến năm 1285 và 1288. Cùng năm 2000, với tác phẩm Việt Nam và Đông Nam Á thời kỳ chống xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy nghiên cứu cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên của
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất