Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tác động của cơ chế thị trường đến tiếp nhận văn học...

Tài liệu Tác động của cơ chế thị trường đến tiếp nhận văn học

.PDF
8
172
121

Mô tả:

TÁC ĐỘNG CỦA CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG ĐẾN TIẾP NHẬN VĂN HỌC ThS. Đỗ Hải Ninh Viện Văn học Trong tam giác tác giả - tác phẩm – người đọc, vai trò của tiếp nhận luôn được coi là yếu tố không thể thiếu. Đó không chỉ là khâu tất yếu tiếp theo để hoàn tất sự đọc/ hiểu và lý giải, thưởng thức và đánh giá tác phẩm mà còn là một phương diện của quá trình sáng tạo nghệ thuật. Sáng tác của nhà văn đến với người đọc và được người đọc tiếp nhận ra sao có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại của tác phẩm văn học. Ở đây, tiếp nhận cũng là một hoạt động sáng tạo, và chính sự sáng tạo của người đọc sẽ góp phần làm phong phú thêm cho tác phẩm bởi mỗi cá nhân có một cách cảm nhận riêng, nhờ đó mở rộng thêm các tầng nghĩa của tác phẩm. Hơn nữa, các thế hệ người đọc khác nhau, trong những bối cảnh và điều kiện văn hóa khác nhau chính là bộ phận sàng lọc, bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm. Tại đó, có những lớp nghĩa có thể trở nên mòn cũ, ngược lại, có những lớp nghĩa mới được phát hiện, bổ sung, làm cho đời sống của các giá trị nghệ thuật không tĩnh tại mà luôn luôn vận động. Bởi thế, song song với hoạt động sáng tạo của nhà văn là hoạt động sáng tạo của người đọc, cả hai tác động và gắn bó nhau mật thiết. Không thể có văn học nếu thiếu hoạt động sáng tạo của nhà văn, nhưng cũng không thể có đời sống văn học nếu thiếu sự xuất hiện của người đọc. Sau hơn ba mươi năm chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, đời sống văn hóa xã hội nước ta đã có những biến đổi mạnh mẽ trên mọi phương diện. Văn học nghệ thuật trước những tác động sâu sắc của cơ chế thị trường ngày càng đối diện với nhiều cơ hội và thách thức mới. Liệu kinh tế thị trường có cản trở sự phát triển của văn học? Nó có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến văn học (cả sáng tạo và tiếp nhận)? Làm thế nào để vừa phát triển kinh tế thị trường vừa bảo đảm cho sự phát triển của văn học? Bài viết này chỉ tiếp cận vấn đề ở một khía cạnh cụ thể: tác động của kinh tế thị trường đến tiếp nhận văn học. Dễ nhận thấy cơ chế thị trường đã tác động sâu rộng đến mọi phương diện của văn học, từ người sáng tác, người đọc cho đến quá trình lưu thông sản phẩm. Trước đây, do chịu tác động của nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, nền văn học của chúng ta (ở miền Bắc) chủ yếu phát triển theo định hướng của Đảng, Nhà nước và hoạt động sáng tác được bao cấp hoàn toàn. Bởi vậy nếu như trong đội ngũ sáng tác đã hình thành lớp nhà văn – công chức, nhà văn - cán bộ thì trong đời sống văn học cũng hình thành công chúng thuần nhất, từ bạn đọc thông thường cho đến nhà phê bình đều có chung một cách cảm thụ, đánh giá tác phẩm với những tiêu chí khá rõ ràng, chẳng hạn, nội dung phản ánh hiện thực của văn học trở thành mục tiêu thống nhất mà người viết, người đọc và nhà phê bình hướng tới khi sáng tác, thưởng thức, đánh giá tác phẩm. Sự xóa bỏ tình trạng quan liêu bao cấp khiến cho văn học trở thành hàng hóa và vận động theo quy luật cạnh tranh. Điều đó tạo nên xu hướng thương mại hóa văn học trong khi văn học nghệ thuật vốn được coi là sản phẩm tinh thần mang giá trị thẩm mỹ cao thượng. Theo phân tích của Phan Trọng Thưởng, nghệ thuật đích thực luôn hướng tới giá trị, trong khi đó thị trường gắn với giá cả, nghệ thuật là sáng tạo độc đáo, còn nghệ thuật trong cơ chế thị trường, khi đã mang bản chất hàng hóa thì có thể chạy theo thị hiếu, trở thành sản phẩm giải trí, và từ đó hình thành khái niệm “hàng chợ” trong đời sống văn học hiện nay.(1) Sự thương mại hóa văn học có tác động tích cực là đẩy mạnh quá trình chuyên nghiệp hóa văn học và tăng cường ý thức hướng tới người đọc của nhà văn. Khi cầm bút sáng tác, mỗi nhà văn đều đối diện với câu hỏi, “viết cho ai”, tức là không chỉ với “người đọc tiểm ẩn”, (người đọc giả định nằm trong tâm tưởng nhà văn) mà còn với người đọc thực tế là đông đảo công chúng tiếp nhận tác phẩm. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường như ở nước ta hiện nay, với tác động của quy luật cung – cầu, vai trò của người đọc càng trở nên quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển của sáng tạo nghệ thuật và là động lực thúc đẩy nhà văn. Môi trường cạnh tranh khiến cho nhà văn phải xác định mục tiêu sáng tạo nghệ thuật cho công chúng và vì công chúng, làm thế nào để tác phẩm đến được với công chúng và được tiếp nhận một cách sâu rộng nhất… Công chúng trở thành bộ phận quan trọng trong việc định hướng sự tồn tại và phát triển của văn học, là lực lượng “nuôi dưỡng” tác phẩm, “vẫy gọi” tác phẩm, thậm chí là áp lực, quy định khuynh hướng sáng tác của nhà văn. Nhìn sang văn học Trung Quốc đương đại, chúng ta cũng thấy tình trạng tương tự. Theo Hồ Sĩ Hiệp, với sự ra đời của khái niệm “văn học tiêu dùng”, các nhà văn Trung Quốc quan niệm “tác phẩm hay phải là tác phẩm có người đọc”. Nhà văn Trung Quốc cho rằng, sách văn học muốn được đón nhận phải đảm bảo tính văn học và tính thị trường, và mục tiêu đặt ra đối với tác phẩm là phải hay với sáng tác và phải “hay” đối với độc giả.(2) Điều đó cho thấy, sự tương đồng về cơ chế kinh tế và bối cảnh chính trị giữa Trung Quốc và Việt Nam, cũng như những nét gần gũi trong văn hóa truyền thống của hai nước tạo nên tâm lý tiếp nhận văn học khá giống nhau. Tác động của cơ chế thị trường đến tiếp nhận có thể thấy rõ nhất ở sự thay đổi trong đối tượng tiếp nhận. Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập với tốc độ tăng trưởng cao, đời sống kinh tế xã hội cũng từng bước được cải thiện, đời sống tinh thần phong phú hơn. Trước sự phát triển ồ ạt của nền kinh tế hàng hóa, các loại hình giải trí đua nhau xuất hiện, con người ngày càng có nhiều sự lựa chọn, nếu như ở Việt Nam từ những năm 1980 trở về trước, hầu như người ta chỉ biết đến sách vở, đài, ti vi thì nay có quá nhiều thứ khác thay thế. Một trong những nguyên nhân làm thu hẹp văn hóa đọc hiện nay là do mỗi người có thể tham gia vào rất nhiều loại hình loại hình giải trí hấp dẫn, mới mẻ như truyền hình, phim ảnh, game online, internet (mà quỹ thời gian thì không nhiều thêm). Với sự phát triển công nghệ thông tin, ngoài việc cập nhật thông tin cực kỳ nhanh nhạy, người ta có thể nghe nhạc, xem phim, đọc tiểu thuyết trên điện thoại và internet. Rõ ràng là trước kia chỉ có ít món để lựa chọn, thì ngày nay thực đơn của công chúng vô cùng đa dạng và hấp dẫn, bởi vậy sự suy giảm số lượng người đọc là tất yếu. Nhưng thực tế cho thấy, hàng năm, các nhà sách vẫn tiếp tục mở thêm, số lượng đầu sách tăng, các hội chợ sách rất đông người mua. Nhiều người cũng vui mừng vì (1) Phan Trọng Thưởng, Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2009, tr 168. (2) Nhiều tác giả, Văn học Việt Nam sau 1975 Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, H, 2009, tr 146. ngày thơ Việt Nam, ngày hội đọc sách tổ chức tại Hà Nội có đông đảo người đến dự với sự góp mặt của nhiều thế hệ, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, theo thống kê của các nhà xuất bản, thời kỳ đầu đổi mới số lượng sách văn học chiếm tỉ trọng cao thì nay chỉ chiếm khoảng 1/10. Để lý giải tại sao công chúng quay lưng lại với văn học cũng cần cắt nghĩa từ chính những nguyên nhân nội tại của nó. Tại sao văn học Việt Nam không thu hút được độc giả là một vấn đề rất dài, ở đây chỉ xin quan sát từ góc độ người đọc. Có một thực tế là, tiểu thuyết Việt Nam hiện nay không còn được nhiều người đón nhận mà hầu như chỉ được các nhà nghiên cứu và sinh viên chuyên ngành tìm đọc. Có những tác phẩm chỉ riêng giới trẻ mới đọc nổi và tạo ra hiệu ứng trái ngược nhau, được lứa tuổi này chấp nhận thì lại gây dị ứng ở lứa tuổi khác. Điều đó cho thấy rõ ràng là người đọc đang ngày càng phân hóa sâu sắc về trình độ, lứa tuổi, thị hiếu thẩm mỹ,… Đây là động lực khiến cho người cầm bút hướng đến những tìm tòi, cách tân, mặc dù, trước khi diễn ra không khí đổi mới thời mở cửa, bản thân nhà văn với linh cảm của người nghệ sĩ đã tự nhận thấy không thể bình tâm viết như trước. Đối với tiểu thuyết đương đại, lối viết truyền thống không thu hút được nhiều người đọc nữa, nhưng lối viết cách tân lại thường bị cho là khó đọc vì quá phức tạp với những thủ pháp nghệ thuật (chẳng hạn lạ hóa, kỳ ảo, phân mảnh, cắt dán,…). Tình trạng tiếp nhận thơ Việt đương đại cũng tương tự, không những khó có thể tìm thấy sự đồng lòng nhất trí của người đọc mà thậm chí còn đối nghịch hoàn toàn, trong khi một bộ phận độc giả phê phán loại thơ “hũ nút”, “tắc tị”, khiêu dâm,… thì một bộ phận khác ca ngợi hết lời cho đó là hiện tượng, là phẩm chất của thơ đương đại. Bối cảnh kinh tế xã hội đương đại và sự bùng nổ công nghệ thông tin hình thành khái niệm “văn học mạng” với thế hệ người đọc mới, cách tiếp cận văn học khác trước rất nhiều. Lực lượng công chúng trẻ hiện nay là thế hệ người đọc mới, đông đảo, nhanh nhạy, hòa nhập với những thay đổi của cơ chế thị trường, có ý thức cập nhật cái mới. Nhưng đó cũng là những người đọc rất dễ chạy theo trào lưu, dễ thay đổi, và có một bộ phận người đọc bị coi là thị hiếu thẩm mĩ lệch lạc, thiếu chiều sâu cảm xúc. Một tín hiệu khả quan là nhu cầu về văn học nước ngoài vẫn khá cao. Theo số liệu của Cục Xuất bản, Bộ VH-TT, quý I năm 2003, sách văn học Trung Quốc chiếm 50% thị trường sách dịch. So với mảng sách văn học phát hành trong và ngoài nước thì sách văn học Trung Hoa chiếm 25-30% thị phần. Đa số học sinh sinh viên được phỏng vấn đã trả lời rằng họ quan tâm tới văn học đương đại thế giới, đặc biệt là dòng tác phẩm bestseller như tiểu thuyết của Murakami, Sidney Sheldom, Marc Levy, hay các cuốn sách kiểu như Harry Porter, Mật mã Da Vinci, ,… Với sự năng động và khả năng hòa nhập cao, thông thạo ngoại ngữ và vi tính, ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang dần hình thành thế hệ công chúng được tiếp xúc tối đa với văn học nước ngoài. Họ không chỉ tìm đến văn học dịch một cách nhanh chóng tạo tiền đề cho văn học dịch phát triển mà còn có nhiều cơ hội đọc trực tiếp văn bản gốc, là một bằng chứng cho thấy trình độ học vấn của độc giả có xu hướng tăng cao. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu văn học trong cơ chế thị trường có thể trở thành sân chơi chung của mọi tầng lớp, bình đẳng cho mọi lứa tuổi? Lịch sử văn học cho thấy, thời trung đại, công chúng văn học chủ yếu là tầng lớp nho sĩ, từ đầu thế kỷ XX với quá trình hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ, công chúng văn học đa phần là tầng lớp tiểu tư sản thành thị. Từ khoảng 1945 -1975, trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước chia cắt và điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, văn học luôn đề ra mục tiêu hướng tới người đọc là quần chúng các tầng lớp công nông binh. Hiện nay, trong bối cảnh của thời đại hậu công nghiệp và hội nhập, với tác động của cơ chế thị trường, công chúng văn học không còn thuần túy và đông đảo như trước mà phân hóa đa dạng và có xu hướng chọn lọc. Theo khảo sát của chúng tôi trên địa bàn Hà Nội, người đọc văn học chủ yếu thuộc tầng lớp trí thức (mặc dù trong chính đối tượng tiếp nhận này đã có sự phân hóa về thị hiếu thẩm mỹ, quan niệm thưởng thức văn học). Qua vấn đề gây nhiều tranh cãi trong văn giới thời gian gần đây là việc những người mẫu, ca sĩ, nghệ sĩ muốn thử sức ở sân chơi văn học (ví dụ, trường hợp Lê Kiều Như và Sợi xích) có thể thấy văn chương luôn có sức hấp dẫn lớn đối với con người và không biên giới hay rào cản nào ngăn cách, mọi người đều có quyền đọc/ viết tác phẩm văn học. Với sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng, cuốn sách liên kết xuất bản (giữa các nhà sách tư nhân với Nhà xuất bản Hội nhà văn) của cô ca sĩ nọ được lăng xê rầm rộ. Nhưng thái độ tẩy chay của đa số độc giả cho thấy không mất nhiều thời gian sàng lọc, công chúng văn học ngày nay khá tỉnh táo để lựa chọn tác phẩm có giá trị đích thực. Tất nhiên ở đây còn thấy rất rõ một hiện tượng nữa, đó là tâm lý đám đông trong tiếp nhận tác phẩm, mà theo G. Le Bon, sự hình thành tâm lý đám đông là do tính dễ lây nhiễm và dễ bị gợi ý của những người mất đi ý thức khẳng định cá nhân.(3) Một trong những chức năng quan trọng của văn học nghệ thuật là giải trí, nhưng bên cạnh đó, chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục cũng không kém phần quan trọng, bởi vậy sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi cả năng lực và nỗ lực của người viết. Quyền được viết hay khát vọng được nổi tiếng là của tất cả mọi cá nhân song không phải ai cũng sáng tạo nên những tác phẩm hay, có giá trị lâu bền. Đối với nỗi âu lo vì sự xuống cấp của văn hóa đọc hiện nay, cũng cần được lý giải từ bản chất văn học, vốn là loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự tiếp nhận đặc biệt, khác với thưởng thức âm nhạc, hội họa, phim ảnh… Bản thân hoạt động đọc là một quá trình lựa chọn đối tượng, bởi vì khi đối diện với trang sách (hoặc màn hình máy tính, thậm chí màn hình điện thoại) và những con chữ, với tâm thế tiếp nhận và trình độ học vấn nhất định, công chúng đọc văn học đã tự xác lập cho mình những giá trị riêng. Nếu như ở nông thôn nước ta hiện nay đang mất dần độc giả do điều kiện kinh tế xã hội kém phát triển, thiếu sự đầu tư thì ở thành thị, sự quan tâm của giới trẻ công sở, học sinh sinh viên tới văn học còn quá khiêm tốn so với những mối quan tâm khác và so với những loại hình giải trí khác. Các thành phố lớn là nơi có số lượng người đọc đông nhất bao gồm học sinh sinh viên, giới nghiên cứu, truyền thông, báo chí, giới nhân viên công sở, thị dân,… bởi vì ở đây không những tập trung nhiều cơ quan nghiên cứu, báo chí, trường đại học, nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn học đa chiều mà còn là môi trường cạnh tranh mạnh mẽ, không khí dân chủ và cởi mở tạo nhiều cơ hội phát triển cho sáng tác và tiếp nhận văn học. Nhưng văn hóa đọc ở Việt Nam vẫn mong đợi một lực đẩy mạnh mẽ để không chỉ sách văn học mà các loại hình sách khác thu hút được người đọc nhiều hơn nữa. Ngoài ra, trong tiếp nhận văn học hiện nay có một điểm rất đáng lưu ý nữa là sự thay đổi thị hiếu khá nhanh chóng của công chúng thời kinh tế thị trường. Khi văn học trở thành hàng hóa, đáp ứng nhu cầu người đọc, nó buộc phải tăng giảm theo nhiệt độ của thị trường. Về bản chất, công chúng văn học luôn hướng tới khám phá cái mới lạ và độc đáo, và luôn (3) Gustave Le Bon. Tâm lý học đám đông. (Nguyễn Xuân Khánh dịch). Nxb Tri thức, H, 2009. muốn thay đổi thực đơn thưởng thức. Bởi vậy thị hiếu của người đọc luôn luôn thay đổi, không ổn định, có khi chỉ là sở thích nhất thời của đám đông, dễ bị lạc hướng, lẫn lộn giá trị. Công chúng văn học gần đây chứng kiến khá nhiều khuynh hướng thẩm mỹ, có thể thấy rõ nhất qua từng hiện tượng: từ cơn sốt Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi, đến những vụ gây ồn ào dư luận xoay quanh tự truyện Lê Vân, hay hiện tượng Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu,… Nhìn vào văn học đương đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI có thể thấy khả năng đáp ứng khá cao những xu hướng thị hiếu của người đọc, chẳng hạn như sự xuất hiện nhân vật đồng tính, yếu tố sex, hay lật lại đề tài cải cách ruộng đất. Ngôn ngữ văn học cũng biến đổi phù hợp với bối cảnh mới và đối tượng người đọc mới, đó là sự xâm nhập của ngôn ngữ thời @, ngôn ngữ đời sống hàng ngày của lớp trẻ, sự pha tạp ngôn ngữ đa quốc gia, đa ngành nghề. Thị hiếu độc giả chi phối sáng tác văn học và văn học đáp ứng thị hiếu của độc giả không phải là độc quyền của riêng thời nay, thời kinh tế thị trường. Thực tế văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX với những cây bút như Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt,… đã rất chú ý đến thị hiếu của độc giả, hướng đến đông đảo người đọc bình dân Nam Bộ. Thị hiếu ưa chuộng đạo lý của người dân Nam Bộ khiến cho kiểu truyện nghĩa hiệp kỳ duyên phát triển mạnh trong thời kỳ này, và cũng vì hướng tới người đọc bình dân nên ngôn ngữ thường nôm na, bình dị, ít gọt giũa, khác với văn chương miền Bắc về sau, đa phần hướng tới đối tượng học sinh, sinh viên, trí thức nên chú ý đến tính nghệ thuật hơn. Văn học cách mạng cũng đặt vấn đề hướng tới người đọc quần chúng một cách ráo riết. Sau 1975, nhất là từ 1986 đến nay, quan niệm về bản chất của văn học và mối quan hệ giữa nhà văn - bạn đọc có nhiều thay đổi quan trọng. Nhà văn không phải là nhà giáo dục có nhiệm vụ dạy dỗ quần chúng mà anh ta thực hiện cuộc đối thoại với người đọc thông qua tác phẩm của mình. Việc nhà văn tôn trọng độc giả, sáng tạo theo những khuynh hướng nghệ thuật khác nhau cho thấy tinh thần dân chủ và tính chuyên nghiệp của người cầm bút ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, giờ đây nhà văn cũng phải đối mặt với áp lực của kinh tế thị trường cũng như sự đỏng đảnh trong thị hiếu tiếp nhận. Dường như tất cả giới cầm bút đều nhận thấy sự chi phối của nền kinh tế thị trường đối với đời sống văn học và hoạt động tiếp nhận văn học hiện nay. Biểu hiện rõ nét nhất là sự thương mại hóa hoạt động tiếp nhận văn học diễn ra ngày càng sôi nổi. Người đọc đòi hỏi tác phẩm văn học phải tương xứng với giá trị đồng tiền mà họ bỏ ra để mua và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của họ. Điều này có tác động tích cực ở chỗ tác phẩm đến với người đọc ngày càng có chất lượng cao hơn, in đẹp hơn, hình thức trình bày bắt mắt hơn. Những ý tưởng sáng tạo về chất liệu, trình diễn tác phẩm tạo nên sự phong phú, mới lạ cho người thưởng thức văn học. Chẳng hạn Nguyễn Duy đã tạo nên những trải nghiệm và cảm nhận mới cho độc giả bằng triển lãm thơ trên giấy dó, trên lịch thơ... Trong Ngày thơ Việt Nam, hoạt động trình diễn thơ cũng là một nỗ lực kéo độc giả đến với văn học. Tuy vậy, cần nhận rõ mối quan hệ giữa nghệ thuật và công chúng không đơn thuần chỉ là giữa người mua và người bán. Dẫu cho sự tác động của kinh tế thị trường biến công chúng thành mục đích của sáng tạo nghệ thuật thì trong sâu xa bản chất nghệ thuật vẫn tồn tại quan hệ phi vụ lợi giữa người sáng tạo và người thưởng thức nghệ thuật. Sự thương mại hóa hoạt động tiếp nhận văn học cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên sự loạn chuẩn trong thị hiếu độc giả ngày nay, chẳng hạn như những chiêu thức quảng cáo, tiếp thị, PR tác phẩm, người đọc bình chọn,.. đôi khi gây ra hiện tượng những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thì không bán được còn sách thỏa mãn thị hiếu của đám đông lại thành sách ăn khách. Thực ra, trong kinh tế thị trường, không thể phủ nhận sự tồn tại, thậm chí ngày càng lấn át của dòng văn học giải trí. Độc giả lấy tiêu chí sách bestseller để mua sách trở thành hiện tượng phổ biến. Đây cũng là chuyện bình thường của văn học trong cơ chế thị trường. Sự can thiệp trực tiếp của hoạt động thương mại, các nhà xuất bản, đầu nậu, các chiêu thức tiếp thị, quảng cáo thu hút sự chú ý của người đọc là chiếc cầu nối quan trọng, sự phát triển của nó làm cho quá trình tiếp nhận trở nên phong phú hơn. Tuy nhiên, vấn đề là không vì sự lấn át của loại văn học này mà lãng quên loại văn học đích thực vì tầm vóc của một nền văn học chỉ có thể được đo ướm bởi chất lượng của tác phẩm chứ không phải số lượng của các chủng loại. Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ truyền thông và cơ chế thông thoáng, mối quan hệ giữa người đọc và tác giả có nhiều hình thức giao lưu, trao đổi hơn và một phần nào đó có thể nói là chặt chẽ hơn. Nếu như trước đây, người đọc thường liên hệ với tác giả qua thư từ, sự giao lưu hạn chế do khoảng cách không gian thời gian thì ngày nay, qua internet và các phương tiện thông tin đại chúng, họ có thể giao lưu trực tuyến, chia sẻ, bình luận và tự bình chọn. Mối liên hệ tác giả - tác phẩm và người đọc trực tiếp và thường xuyên, nhanh chóng. Các chương trình giao lưu, tọa đàm, lễ ra mắt sách mới, café văn học là những hình thức đưa tác phẩm đến với người đọc một cách hữu hiệu. Nhiều buổi ra mắt đã tổ chức thành công, thu hút được dư luận, có những không gian trở nên quen thuộc với công chúng yêu văn học, như các trung tâm hóa, các quán cà phê sách. Mặc dù không còn đông đảo người đọc thiết tha với văn học như trước kia nhưng nhìn vào đời sống tiếp nhận văn học vẫn có thể nhận ra được những dấu hiệu khả quan. Sự phản hồi của người đọc và tinh thần phản biện của họ trên các diễn đàn là bằng chứng cho thấy sự nhiệt thành chưa mất đi và không khí dân chủ vẫn tồn tại, đó là động lực thúc đẩy sự phát triển nền văn học. Tuy nhiên mặt tiêu cực cần báo động trong văn hóa tiếp nhận hiện nay là thái độ thiếu tôn trọng người khác, ngôn ngữ dung tục, phản cảm, sự thù hằn cá nhân...xuất hiện nhiều trên các blog cá nhân. Tình trạng bão hòa các cuộc bình chọn, sự cuồng mộ trong công chúng (ở văn học ít hơn so với lĩnh vực âm nhạc) tạo tâm lý đám đông, a dua với những ồn ào dễ dãi cũng xuất hiện khá nhiều. Sự chi phối của yếu tố thương mại đối với hoạt động tiếp nhận được thể hiện rõ nhất qua việc các phương tiện truyền thông ngày càng có tác động lớn đến lựa chọn sản phẩm đọc của công chúng văn học. Việc đọc tác phẩm văn học ở nông thôn và miền núi khó khăn vì không có nhu cầu và điều kiện sách vở thiếu thốn. Sách văn học được xuất bản và tiêu thụ ở thành phố là chủ yếu. Rất khó để có thể hình dung một cuốn sách chẳng hạn như Rừng Na uy, hay đơn giản hơn Harry Potter được tiếp nhận như thế nào ở nông thôn hiện nay. Ngay ở thành thị, những người đọc sách văn học cũng chỉ tập trung vào giới học sinh, sinh viên, trí thức, khác với tình hình đầu thế kỷ XX, văn học có vùng phủ sóng rộng, đến với nhiều tầng lớp nhân dân hơn. Đó là hình ảnh những tiểu thư say sưa với tiểu thuyết lãng mạn, những người đọc giới bình dân nóng lòng chờ đợi tiểu thuyết đăng tải trên các kỳ báo hay việc hướng tới công nông binh và truyền bá văn học tới đông đảo quần chúng như ở giai đoạn sau đó. Một vấn đề đáng lưu ý trong văn học hiện nay là do đáp ứng nhu cầu của người đọc thành thị nên không có nhiều tác phẩm viết về nông thôn, nhất là trong thế hệ cầm bút trẻ. Có một số cây bút viết về nông thôn, miền núi song hầu hết đều là truyện ngắn. (Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy). Vì sao lại quá hiếm hoi những trang viết về nông thôn khi hiện nay về cơ bản chúng ta vẫn là một nước nông nghiệp? Rõ ràng, đây là một vấn đề cần phải được nghiên cứu và lý giải sâu sắc từ nhiều phía khác nhau. Như đã nói, không chỉ sáng tác quy định phương thức tiếp nhận mà ngược lại, tiếp nhận văn học cũng chi phối trở lại phương thức và hình thức sáng tác. Trong cuộc sống hiện đại và thời kinh tế thị trường, người đọc không có nhiều thời gian dành cho các tác phẩm dài hơi, họ bị lôi kéo bởi nhiều hoạt động giải trí hấp dẫn khác, và hệ quả là công chúng bị phân hóa khiến nhà văn phải tự điều chỉnh phương thức sáng tác. Đó là lý do vì sao các tác phẩm có quy mô vừa và nhỏ hay dạng tiểu thuyết ngắn hiện nay rất thịnh hình ở Việt Nam (như trường hợp tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Thuận,...). Trong tiếp nhận văn học, không thể không nói đến phê bình văn học - một loại tiếp nhận văn học đáng chú ý. Tuy nhiên, hiện nay phê bình hàn lâm (hay phê bình đại học) đang bị thu hẹp trong khi đó, phê bình báo chí chiếm lĩnh phần lớn đời sống văn học. Điều này khiến cho văn học mang vẻ sôi động nhưng về lâu dài sẽ là một nguy hại cho sự phát triển của phê bình văn học với tư cách là mỹ học của sự vận động văn chương. Cuối cùng, chúng tôi muốn nói đến sự thay đổi về động cơ và tâm thế tiếp nhận. Nếu trước đây, văn học được coi là thiêng liêng, chức năng giáo dục đạo đức được coi trọng thì trong cơ chế thị trường chức năng giải trí được đề cao. Không nên coi nhẹ chức năng giải trí của văn học vì văn học làm cho con người thư giãn, thoát khỏi thực tại để được trải nghiệm trong một không gian khác. Thậm chí quan niệm văn chương như là trò chơi cũng được nhiều nhà văn tiếp thu, chẳng hạn yếu tố tự truyện gây nhiễu độc giả trong Chinatown (Thuận), kết cấu lồng ghép trong Blogger (Phong Điệp),…. Có lẽ chính vì vậy mà xu hướng văn học trinh thám, viễn tưởng, hiện tượng khai thác đề tài đồng tính, tính dục,… lan rộng trong văn học Việt Nam hiện nay và được người đọc đón nhận. Mặt khác trong thời đại toàn cầu hóa và xã hội tiêu dùng, sự ảnh hưởng và lan rộng của văn hóa đại chúng, văn hóa của giới trẻ... cũng làm cho tâm thế tiếp nhận văn học khác trước. Dường như người đọc gấp gáp hơn, vội vã hơn trong tiếp nhận văn chương. Điều này là một thực tế khó tránh. Nhưng vấn đề là vẫn còn những độc giả muốn được chiêm nghiệm về các giá trị nhân sinh, muốn được thanh lọc qua những tác phẩm nghệ thuật đặc tuyển và thuần khiết. Đây cũng là một thực tế đòi hỏi các nhà văn phải kiên nhẫn để khẳng định mình trong các giá trị nghệ thuật. Có thể nói, ảnh hưởng của kinh tế thị trường đến văn học, cả phía sáng tạo cũng như phía tiếp nhận văn học là một thực tế không thể lảng tránh. Tuy nhiên, khách quan mà nói, sự tác động ấy không chỉ có mặt tiêu cực mà còn có cả mặt tích cực. Vì thế, không nên đổ lỗi tất cả cho kinh tế thị trường khi nói về sự yếu kém của văn học. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải phát triển văn học hài hòa trong hai quan hệ: đó là nền văn học ấy có khả năng thích ứng được với kinh tế thị trường, có khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người đọc, đồng thời, phải tạo nên những đỉnh cao nghệ thuật có khả năng thể hiện sâu sắc vẻ đẹp và những giá trị chân thiện mỹ của dân tộc và nhân loại. Tài liệu tham khảo (1) Phan Trọng Thưởng, Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2009, tr 168. Nhiều tác giả, Văn học Việt Nam sau 1975 Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, H, 2009, tr 146. (3) Gustave Le Bon. Tâm lý học đám đông. (Nguyễn Xuân Khánh dịch). Nxb Tri thức, H, 2009 (2)
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất