Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Phong trào thanh niên tình nguyện ở việt nam từ năm 2000 đến năm 2014 tt...

Tài liệu Phong trào thanh niên tình nguyện ở việt nam từ năm 2000 đến năm 2014 tt

.PDF
27
129
74

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN VIỆT HÙNG PHONG TRÀO THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN Ở VIỆT NAM TỪ NĂM 2000 ĐẾN NĂM 2014 Ngành : Lịch sử Việt Nam Mã số : 92 29 013 LUẬN ÁN TIẾN SĨ SỬ HỌC HÀ NỘI, 2019 Công trình được hoàn thành tại: Học viện Khoa học xã hội Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Văn Nhật Phản biện 1: PGS. TS. Nguyễn Văn Sự Phản biện 2: PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ Phản biện 3: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ họp tại: Học viện Khoa học xã hội vào lúc:…..giờ…..phút, ngày……tháng….. năm 2019 Có thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện Học viện Khoa học xã hội - Thư viện Quốc gia Việt Nam MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài luận án Thanh niên là bộ phận đặc biệt của xã hội, có vị trí quan trọng trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cấp, các ngành cần phát huy tốt vai trò của thanh niên và thanh niên cần tiếp tục tự khẳng định mình thực sự là lực lượng xung kích, sáng tạo trong đời sống xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự định hướng, dẫn dắt của Đoàn. Phong trào Thanh niên tình nguyện do Đoàn thanh niên phát động trên quy mô toàn quốc từ năm 2000 là một hoạt động hết sức có ý nghĩa, có tính giáo dục và tính nhân văn, là môi trường đoàn kết tập hợp thanh niên, thu hút thanh niên tham gia vào các hoạt động cách mạng. Hoạt động tình nguyện đã mạng lại ý nghĩa to lớn về nhiều mặt, kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời qua đó, thanh niên được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, sống có hoài bão, có lý tưởng và không ngừng nâng cao ý thức giác ngộ cách mạng. Hiệu quả, tác động của phong trào Thanh niên tình nguyện thực sự to lớn như vậy, tuy nhiên các nghiên cứu về phong trào Thanh niên tình nguyện ở Việt Nam chưa nhiều và các nghiên cứu chưa thực sự phản ánh được bức tranh tổng thể về hiện trạng các hoạt động, phong trào Thanh niên tình nguyện ở Việt Nam. Do đó, nghiên cứu sinh chọn đề tài “Phong trào thanh niên tình nguyện ở Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2014” làm luận án tiến sĩ lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam là thực sự cần thiết, không chỉ giúp đánh giá đúng thực trạng, những đóng góp, tác động của phong trào Thanh niên tình nguyện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn đưa ra những bài học kinh nghiệm để đẩy mạnh và phát triển hoạt động thanh niên tình nguyện trong thời gian tới. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu - Làm rõ quá trình hình thành, phát triển, hoạt động và những đóng góp chủ yếu của phong trào Thanh niên tình nguyện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước từ năm 2000 đến hết năm 2014. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Nghiên cứu cơ sở lịch sử, quá trình ra đời, phát triển của phong trào Thanh niên tình nguyện; phân tích thực trạng các hoạt động tình nguyện và đánh giá, nhận xét, rút ra một số kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp để phát huy hiệu quả của phong trào Thanh niên tình nguyện trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3. 1. Đối tượng nghiên cứu Phong trào Thanh niên tình nguyện do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp trung ương phát động và tổ chức thực hiện. 3. 2. Phạm vi nghiên cứu - Về không gian: Luận án tập trung nghiên cứu các hoạt động tình nguyện của thanh niên Việt Nam trong phạm vi cả nước. - Về thời gian: Luận án nghiên cứu các vấn đề nói trên trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến hết năm 2014 và đề cập ở mức độ nhất định đến các phong trào thanh niên trước và sau giai đoạn 2000 – 2014. - Về nội dung: Nghiên cứu cơ sở lịch sử, quá trình hình thành, phát triển, nội dung hoạt động, kết quả triển khai phong trào Thanh niên tình nguyện do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. 4. Cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Cơ sở lý luận Luận án được tiến hành trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thanh niên, công tác thanh niên và phong trào thanh niên. 4.2. Phương pháp nghiên cứu - Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử và phương pháp logic là chủ đạo; đồng thời kết hợp phương pháp nghiên cứu khác như phương pháp thống kê, so sánh, chính trị học, xã hội học…Ngoài ra, tác giả luận án còn tiến hành phương pháp điều tra, phỏng vấn một số cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tình nguyện tiêu biểu. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án - Luận án nghiên cứu một cách có hệ thống về phong trào Thanh niên tình nguyện từ năm 2000 đến năm 2014; đúc kết một số kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp nhằm phát huy hiệu quả các hoạt động tình nguyện của thanh niên Việt Nam. - Đóng góp, bổ sung nhiều tài liệu có giá trị về tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội LHTN, Hội Sinh viên Việt Nam, góp phần vào công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Đoàn và phong trào thanh niên Việt Nam. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án - Luận án góp phần vào việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn và phong trào thanh niên, làm cơ sở khoa học cho việc đổi mới nhận thức và phương thức hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong tình hình mới. - Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu, giảng dạy cán bộ Đoàn và công tác thanh niên ở các cơ sở đào tạo. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung của luận án gồm 4 chương, 12 tiết. Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Chương 2. Quan điểm của Đảng, Nhà nước về thanh niên, công tác thanh niên và cơ sở lịch sử cho việc phát động phong trào Thanh niên tình nguyện ở Việt Nam Chương 3. Hình thức và nội dung hoạt động của phong trào Thanh niên tình nguyện (2000 – 2014) Chương 4. Nhận xét và một số kinh nghiệm Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 1.1. Các công trình nghiên cứu về thanh niên, công tác Đoàn và phong trào thanh niên Cho đến nay, việc nghiên cứu về thanh niên, công tác Đoàn và phong trào thanh niên đã nhận được sự quan tâm không chỉ của những nhà hoạch định chính sách, chủ trương, đường lối trong hệ thống chính trị mà còn được nhiều nhà khoa học tập trung nghiên cứu. Đáng chú ý là các công trình: “Công tác thanh niên là nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược con người” của tác giả Vũ Oanh (Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1991), “Kỷ yếu hội thảo Tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động thanh niên” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (1995), “Tập hợp, đoàn kết thanh niên thông qua phong trào hành động cách mạng trong thời kỳ đổi mới” của các tác giả Đặng Cảnh Khanh, Nguyễn Hồng Thanh (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1997), “Tuổi trẻ đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của tác giả Đỗ Mười (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1997), Luận án tiến sĩ lịch sử “Phát huy nguyồn lực thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay” của tác giả Nguyễn Thị Tú Oanh (1999), “Thanh niên Việt Nam trước thềm thế kỷ 21 : Số liệu và phân tích” của tác giả Nguyễn Văn Buồm (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2000), “Đảng Cộng sản Việt Nam với công tác vận động thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” của tác giả Nguyễn Văn Hùng (chủ biên) (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001), “Một số vấn đề về công tác thanh niên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của tác giả Văn Tùng (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2001), Báo cáo khoa học “Phong trào hành động cách mạng của thanh niên – thực trạng và định hướng phát triển” của Bộ Khoa học Công nghệ - Môi trường và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2002), “Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò thanh niên trong cách mạng Việt Nam” của tác giả Trần Quy Nhơn (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2004), “Nhiệm vụ cơ bản của thanh niên Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” của tác giả Đoàn Văn Thái (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2004), “Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác bồi dưỡng, giáo dục và tổ chức thanh niên trong thời kỳ mới” của tác giả Nguyễn Thái Anh (chủ biên) (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2010), Lịch sử Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và phong trào thanh niên Việt Nam (1925 – 2010) của nhiều tác giả (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2010), “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công tác thanh niên trong giai đoạn hiện nay” của Học viện Xây dựng Đảng (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011), “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 80 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2011), Lịch sử Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên Việt Nam (1925 – 2012) của Văn Tùng, Phạm Bá Khoa (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2012). 1.2. Các công trình nghiên cứu về hoạt động tình nguyện và phong trào Thanh niên tình nguyện ở Việt Nam. Tiêu biểu có các công trình: “Phong trào thanh niên tình nguyện những vấn đề lý luận và thực tiễn” của tác giả Đặng Cảnh Khanh (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2001), “Tiếp lửa cho phong trào thanh niên tình nguyện” của tác giả Đặng Cảnh Khanh đăng trên Tạp chí Tuyên Giáo, số 3 năm 2009, “Kỷ yếu 15 năm phong trào thanh niên tình nguyện (2000 – 2014)” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2015). Ngoài ra còn có hàng chục các bài báo, bài viết trên các tạp chí, hội thảo khoa học liên quan đến các phong trào của thanh niên và phong trào Thanh niên tình nguyện cùng hàng trăm báo cáo tổng kết các nhiệm kỳ công tác Đoàn và phong trào thanh niên qua các kỳ Đại hội Đoàn (từ năm 2000 đến nay) của các tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc rất có giá trị tham khảo, nghiên cứu để triển khai đề tài. 1.3. Kết quả nghiên cứu của các công trình đã công bố và những vấn đề luận án tiếp tục giải quyết. 1.3.1. Khái quát kết quả nghiên cứu - Các công trình nghiên cứu đi trước đã cung cấp cho tác giả của luận án cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên, công tác thanh niên và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo công tác thanh niên hiện nay. - Các tác giả đi trước đã cho thấy thực tiễn hơn 30 năm qua các phong trào thanh niên luôn được tổ chức Đoàn phát động để phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. - Một số công trình tập trung đánh giá vai trò của nguồn lực thanh niên, các phong trào thanh niên với sự phát triển xã hội, thực trạng của nguồn lực thanh niên hiện nay cũng quan trọng cho nội dung luận án. - Các công trình lịch sử Đoàn, Hội, các nghiên cứu tổng quan công tác Đoàn và phong trào thanh niên đã cung cấp những số liệu, dẫn chứng tương đối đầy đủ về phong trào thanh niên góp phần quan trọng cho tác giả có cái nhìn tổng quát cả bề dầy lịch sử Đoàn, Hội và tác động của phong trào thanh niên. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên đây đã đề cập đến một số khía cạnh, một số mặt hoạt động của tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên nói chung, phong trào Thanh niên tình nguyện nói riêng ở các góc độ khác nhau, góp phần làm sáng tỏ vị trí, vai trò của thanh niên, công tác thanh niên và phong trào thanh niên trong thời kỳ đổi mới. Song, chưa có nhiều công trình phân tích sâu sắc, đánh giá tác động, hiệu quả của phong trào thanh niên tình nguyện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; chưa làm rõ được thời cơ, thách thức lớn đối với thanh niên, phong trào thanh niên và hoạt động tình nguyện trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay. 1.3.2. Những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu, giải quyết - Khái quát cơ sở lịch sử, quá trình hình thành, phát triển của phong trào Thanh niên tình nguyện; tổng kết thực tiễn, làm rõ tác động nhiều mặt của phong trào Thanh niên tình nguyện đối với xã hội, những thách thức, những vấn đề còn hạn chế những vấn đề còn hạn chế trong hoạt động tình nguyện... - Phân tích cụ thể hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về phong trào Thanh niên tình nguyện, qua đó khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên và các phong trào thanh niên trong những năm đổi mới. - Đưa ra những đánh giá, nhận xét và rút ra một số kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp để phát huy vai trò của phong trào Thanh niên tình nguyện đối với sự phát triển của xã hội trong thời kỳ mới. Chương 2 QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VỀ THANH NIÊN, CÔNG TÁC THANH NIÊN VÀ CƠ SỞ LỊCH SỬ CHO VIỆC PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN Ở VIỆT NAM 2.1. Quan điểm của Đảng, Nhà nước về thanh niên, công tác thanh niên và phong trào thanh niên 2.1.1. Một số vấn đề cơ bản về công tác thanh niên, phong trào thanh niên và phong trào Thanh niên tình nguyện Các khái niệm liên quan đến công tác thanh niên cho thấy nghiên cứu về công tác thanh niên, công tác Đoàn, phong trào thanh niên, phong trao Thanh niên tình nguyện là vấn đề lớn, quan trọng, phức tạp, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, giúp tác giả có cái nhìn toàn diện hơn khi nghiên cứu, phân tích, đánh giá về phong trào Thanh niên tình nguyện. 2.1.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thanh niên và công tác thanh niên. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên rất sâu sắc và toàn diện. Hồ Chí Minh luôn khách quan khi nhìn nhận, đánh giá về thanh niên, có niềm tin vững chắc vào thanh niên, nhìn nhận vấn đề thanh niên trong sự phát triển có tính kế thừa bền vững giữa các thế hệ. Trong việc giáo dục, đào tạo, rèn luyện, tổ chức lực lượng thanh niên, Hồ Chí Minh có quan điểm toàn diện và thực tiễn để xây dựng lâu dài thế hệ kế tục cách mạng. Thấm nhuần tư tưởng và đạo đức của Hồ Chí Minh, các quan điểm, chủ trương của Đảng về lãnh đạo công tác thanh niên, công tác Đoàn thể hiện cụ thể trong các văn kiện Đại hội, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các thông tư, chỉ thị qua các thời kỳ. Mỗi thời kỳ, tư duy của Đảng luôn đổi mới để phù hợp với thế hệ trẻ. Đảng ngày càng nâng tầm nhận thức, gắn lý luận với thực tiễn để lãnh đạo, định hướng công tác thanh niên, tổ chức Đoàn ngày càng toàn diện, phát huy được sức mạnh của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 2.2. Cơ sở lịch sử và chủ trương của Trung ương Đoàn về phong trào Thanh niên tình nguyện 2.2.1. Cơ sở lịch sử Phong trào Thanh niên tình nguyện ở Việt Nam có cơ sở lịch sử, có tiền đề từ các phong trào thanh niên tiêu biểu trong những giai đoạn cách mạng trước đây. 2.2.1.1. Các phong trào Thanh niên trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ (1931-1975) Ngay từ khi mới ra đời (tháng 3/1931) cho đến Cách mạng tháng Tám (1945) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên đã phát huy được vai trò xung kích, với những những phong trào đấu tranh sôi nổi, mạnh mẽ để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Đảng, xứng đáng là cánh tay đắc lực và là đội dự bị của Đảng. Sau Cách mạng tháng Tám đã có những phong trào hành động mang tính tình nguyện sâu sắc, đặc biệt là tính quần chúng. Đó là các phong trào dạy và học chữ quốc ngữ, phong trào tham gia các đội TNXP, tham gia các đội tình nguyện đi sản xuất nông nghiệp, phong trào Nam tiến, phong trào Tòng quân giết giặc lập công, Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, Mở rộng chiến tranh du kích và đấu tranh chống khủng bố trong các đô thị. Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, thanh niên Việt Nam tích cực tham gia các phong trào Lao động kiến thiết Tổ quốc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Thi đua tình nguyện vượt mức kế hoạch lần thứ nhất (1961 1965), Thanh niên, học sinh Thủ đô Hà Nội tình nguyện đi xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá miền núi, Ba sẵn sàng, Ba đảm đang, Năm xung phong…đóng góp to lớn vào chiến thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 2.2.1.2. Một số phong trào thanh niên tiêu biểu từ năm 1975 đến trước năm 2000 Đất nước thống nhất, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động những phong trào thanh niên phù hợp để thực hiện những yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng mới. Đó là các phong trào: Lao động tình nguyện xây dựng Tổ quốc (phát động tháng 12/1975), Thanh niên xung phong xây dựng khu kinh tế mới (từ năm 1976), Ba xung kích làm chủ tập thể (được khởi sướng tháng 01/1978), Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1987), Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ giữ nước (1993), chiến dịch tình nguyện Ánh sáng văn hóa hè (1994), chiến dịch Mùa hè xanh (1997)… Điểm lại các phong trào thanh niên đã cho thấy cả về lý luận và thực tiễn, phong trào Thanh niên tình nguyện được Trung ương Đoàn phát động sau này có cơ sở lịch sử, có nền tảng và là sự phát triển các phong trào hành động cách mạng của các thế hệ thanh niên Việt Nam qua các thời kỳ. Phong trào tình nguyện đã trở thành một phẩm chất đặc trưng, nổi bật của tuổi trẻ và là biểu hiện sự hội nhập sâu sắc với phong trào thanh niên thế giới. 2.2.2. Chủ trương của Trung ương Đoàn về phong trào Thanh niên tình nguyện 2.2.1.1. Bối cảnh lịch sử Đến năm 2000, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, quá trình toàn cầu hóa và những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của Việt Nam sau 15 năm đổi mới đã tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng và thái độ chính trị của đoàn viên, thanh niên. Tỉ lệ thanh niên tin tưởng ủng hộ công cuộc đổi mới đất nước ngày càng tăng: năm 1990: 71,1%; năm 1993: 83,6%; năm 1999: 92%. Tuy nhiên, thiên niên kỷ mới cũng đặt ra những thách thức không nhỏ như yêu cầu ngày càng cao về trình độ học vấn, tay nghề, năng lực hoạt động thực tiễn; sự chống phá của các thế lực thù địch; mặt trái của nền kinh tế thị trường; các hiện tượng tiêu cực, thiên tai, dịch bệnh... đang ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên và xã hội cho sự phát triển của thanh niên. Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển mạnh mẽ là vấn đề có ý nghĩa sống còn của Việt Nam. Đây vừa là yêu cầu, vừa là cơ hội để Đoàn đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tập hợp và giáo dục thanh thiếu nhi, chuẩn bị hành trang cho tuổi trẻ bước vào thế kỷ mới. 2.2.1.2. Chủ trương phát động phong trào Thanh niên tình nguyện của Trung ương Đoàn Tiếp nối tinh thần của các phong trào thanh niên tiêu biểu qua các thời kỳ cách mạng, nhận thức được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tháng 2 năm 2000, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã chính thức phát động phong trào Thanh niên tình nguyện trong tuổi trẻ cả nước. Trong các kỳ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX, X kể từ sau năm 2000 nội dung hoạt động tình nguyện thường là nội dung chủ đạo của các phong trào thanh niên do Đại hội phát động. Đây thực sự là một chủ trương lớn, một bước đột phá trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, vừa phát huy mạnh mẽ tiềm năng của thanh niên, vừa tạo môi trường giáo dục, rèn luyện cho thanh niên, vì sự phát triển của thanh niên, của cộng đồng, của đất nước. Tiểu kết chương 2 Suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng, quan tâm, chăm lo giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ. Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc đánh giá thanh niên, tổ chức phong trào thanh niên và xây dựng Đoàn thanh niên Cộng sản ở Việt Nam. Lịch sử phát triển, những thành công cùng kinh nghiệm của các phong trào thanh niên trong suốt chiều dài lịch sử Đoàn là cơ sở, là nền móng cho sự ra đời của phong trào Thanh niên tình nguyện trên quy mô toàn quốc vào năm 2000. Kể từ đó đến nay phong trào Thanh niên tình nguyện luôn là một trong những phong trào thanh niên chủ đạo được các Đại hội Đoàn toàn quốc duy trì và phát triển. Chương 3 HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA PHONG TRÀO THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN (2000 – 2014) 3.1. Một số hình thức và mô hình triển khai phong trào Thanh niên tình nguyện 3.1.1. Một số hình thức triển khai Căn cứ vào chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hàng năm, Trung ương Đoàn và các tỉnh, thành đoàn, Đoàn trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các phong trào, chương trình tình nguyện và triển khai xuyên suốt trong hệ thống Đoàn thanh niên, Hội LHTN, Hội Sinh viên từ Trung ương đến cơ sở. Để phong trào tình nguyện được lan tỏa và đạt hiệu quả cao, các cấp bộ Đoàn đều triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của phong trào Thanh niên tình nguyện, qua đó cũng giúp cho việc huy động kinh phí hoạt động bằng sự chung tay, góp sức, ủng hộ, tài trợ của cộng đồng, xã hội và tập hợp được đông đảo đoàn viên, thanh niên, các lực lượng xã hội nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Những năm đầu tiên, thời gian triển khai chiến dịch thanh niên tình nguyện chỉ tập trung cao độ vào một, hai tháng mùa hè ở một số tỉnh, thành phố lớn. Cho đến năm 2014, các hoạt động tình nguyện của thanh niên đã được các cấc bộ Đoàn, Hội tổ chức thường xuyên, liên tục suốt cả năm và trải đều hầu hết các địa bàn, đặc biệt là tập trung đến các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Bên cạnh việc triển khai theo các nhóm đối tượng hoặc chương trình chung cho đa số thanh niên, căn cứ vào thời gian, tính chất và quy mô, phong trào Thanh niên tình nguyện trong nhiều năm qua được các cấp bộ Đoàn tổ chức triển khai với nhiều hình thức, loại hình hoạt động như: Hoạt động tình nguyện thường xuyên, các hoạt động cao điểm tập trung, các hoạt động tình nguyện theo đội hình chuyên. 3.1.2. Một số mô hình, tổ chức có hoạt động tình nguyện ở Việt Nam Có nhiều mô hình họat động tình nguyện ở Việt Nam hiện nay và có nhiều cách để nhận diện, phân biệt các mô hình tình nguyện. Xét về tư cách pháp nhân, hoạt động tình nguyện chính thức được hiểu là các hoạt động tình nguyện do các tổ chức có đăng ký pháp nhân đứng ra tổ chức hoạt động; hoạt động tình nguyện phi chính thức được hiểu là các hoạt động tình nguyện do cá nhân, câu lạc bộ, đội, nhóm, mạng lưới tình nguyện hoạt động dựa trên sự đồng thuận của nhóm và không đăng ký pháp nhân chính thức. Mỗi mô hình, tổ chức hoạt động tình nguyện có mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. Tuy nhiên, xét về tổng thể các yếu tố thì hoạt động tình nguyện của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là của tổ chức Đoàn Thanh niên có nhiều ưu điểm, có chương trình, kế hoạch chuyên nghiệp và được triển khai tổ chức bài bản, hiệu quả, tác động sâu rộng hơn các mô hình tình nguyện khác. 3.2. Hoạt động tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường 3.2.1. Một số phong trào và nội dung chính Hoạt động tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội có nội dung phong phú, đa dạng với nhiều phong trào, chương trình, hoạt động cụ thể như: Phong trào tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình xóa đói, giảm nghèo vùng sâu, vùng xa, tổ chức các đội trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi... Bên cạnh các hoạt động tình nguyện đảm bảo an ninh – quốc phòng, đông đảo thanh niên, học sinh, sinh viên tại các địa phương, đơn vị đã tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng văn minh đô thị một cách hiệu quả, thiết thực gắn với các hoạt động trọng tâm nhân dịp Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, Tháng Thanh niên; Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè, Giờ trái đất; Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày môi trường thế giới, chiến dịch Hãy làm sạch biển; tổ chức các Ngày thứ 7 tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh... 3.2.2. Kết quả đạt được Ngay trong năm 2000 tuổi trẻ cả nước đã tình nguyện nhận và hoàn thành 51.995 công trình thanh niên, triển khai được 10.845 dự án, trong đó có một số chương trình, dự án tiêu biểu như: Chương trình xóa đói, giảm nghèo vùng sâu, vùng xa, Dự án Thanh niên xóa cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới, Dự án tổ chức các đội y bác sỹ trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi, Dự án xây dựng Làng “Thanh niên lập nghiệp” dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và biên giới, Chương trình tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh. Với phương châm hướng về cơ sở, nhiều công trình, phần việc thanh niên đã được triển khai thực hiện và tập trung chủ yếu vào những việc mới, việc khó, những việc cấp thiết, những địa bàn khó khăn đòi hỏi cao ở tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ. Riêng trong các Tháng thanh niên từ năm 2003 đến năm 2009, tuổi trẻ cả nước đã đảm nhận thực hiện 222.468 công trình, phần việc thanh niên các cấp với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng và hàng triệu ngày công. Các chiến dịch Hè tình nguyện từ năm 2000 đến hết năm 2014, tuổi trẻ cả nước đã làm mới, sửa chữa và nâng cấp trên 105.716 km đường giao thông nông thôn, xây dựng mới và sửa chữa 5.702 cầu giao thông nông thôn, 71.236 nhà của các gia đình chính sách, gia đình khó khăn, 20.019 công trình văn hóa, điểm vui chơi cho nhân dân trị giá hàng chục tỷ đồng. Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 12.359 buổi tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho 900.639 đoàn viên, thanh niên; giới thiệu việc làm cho 1.541.888 đoàn viên, thanh niên, trong đó 313.694 người được giải quyết việc làm; 232.039 đoàn viên, thanh niên được hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội. Chỉ trong các năm 2000, 2002, 2005, 2006, 2008, 2011, 2012, Đoàn thanh niên các cấp đã tổ chức 20.016 lớp, buổi, điểm trình diễn, chuyển giao, tập huấn khoa học kỹ thuật sản xuất kinh doanh cho 1.381.806 người, góp phần không nhỏ phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa. Các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên trong toàn quốc nhiệt tình hưởng ứng. Kết quả là trong các chiến dịch Tình nguyện Hè đã có 46.453 đội hình tình nguyện với 6.487.412 thanh niên tình nguyện tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Riêng trong giai đoạn từ 2007 – 2012, các tổ chức đoàn đã tổ chức 237.758 lớp, đợt tuyên truyền, giáo dục, tập huấn về môi trường và biến đổi khí hậu, thu hút gần 9.306.877 thanh thiếu nhi tham gia; củng cố và xây dựng 20.000 mô hình câu lạc bộ, đội nhóm về bảo vệ môi trường, thu hút hơn 1.570.189 thanh thiếu niên tham gia. 3.3. Hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội 3.3.1. Một số phong trào và nội dung chính Trong lĩnh vực tình nguyện vì an sinh xã hội có các hoạt động, chương trình, phong trào tiêu biểu như: Chương trình Tiếp sức mùa thi, chương trình Tiếp sức đến trường, phong trào Hiến máu tình nguyện, hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, các chương trình tình nguyện Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh, hoạt động hỗ trợ các gia đình chính sách, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chương trình vui hè cùng thiếu nhi, chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn... 3.3.2. Kết quả đạt được Trong các Tháng thanh niên và chiến dịch Hè tình nguyện, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Chỉ tính riêng trong các chiến dịch Hè tình nguyện năm 2003, 2005, 2006, 2008, 2010, 2011, 2012, tổ chức Đoàn các cấp đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc 468.087 gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng; trong các năm 2005, 2006, 2008, 2012 sửa chữa, xây mới 10.425 nhà của gia đình chính sách với hàng triệu ngày công, trị giá hàng chục tỷ đồng. Hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng được tổ chức thực hiện hiệu quả trong các chiến dịch. Hầu hết các Tỉnh, Thành Đoàn đã tổ chức được các đội hình y, bác sĩ trẻ tình nguyện. Chỉ trong các năm 2002, 2003, 2006, 2010, 2014, Đoàn thanh niên các cấp đã tổ chức trên 12.000 đội y, bác sỹ trẻ tình nguyện với trên 124.973 y, bác sĩ trẻ tham gia khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí tại các địa phương cho 3.524.378 lượt người dân. Cũng trong lĩnh vực y tế, vì sức khỏe cộng đồng, hoạt động Hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia,. Từ năm 2010-2014, đã có 4.656.368 lượt thanh niên tham gia hiến máu, tiếp nhận được 3.288.172 đơn vị máu, có 7.514 mô hình mới trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Nhiều địa phương đã thành lập và duy trì các đội hình thanh niên tình nguyện sẵn sàng hiến máu trong trường hợp khẩn cấp. Trong các chiến dịch Hè tình nguyện, chương trình Tiếp sức mùa thi, Tiếp sức đến trường được các tỉnh, thành đoàn, Hội Sinh viên tỉnh, thành phố triển khai hiệu quả. Chương trình qua các năm đã thu hút 501.324 thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia; giúp đỡ 8.235.817 lượt thí sinh; tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu 1.886.882 chỗ trọ miễn phí, chỗ trọ giá rẻ; phát miễn phí hàng chục nghìn cẩm nang tư vấn và bản đồ cho thí sinh và phụ huynh; cung cấp hàng nghìn suất ăn miễn phí, vé xe buýt miễn phí. Tổng nguồn lực huy động cho chương trình hàng chục tỷ đồng. Các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi được các cấp bộ Đoàn tổ chức đa dạng và xuyên suốt trong Tháng thanh niên thời gian diễn ra chiến dịch Hè tình nguyện. Nhiều hoạt động thu hút đông các em tham gia như: sân chơi “Mùa hè sôi động”, hội thi “Văn hay chữ đẹp”, “Tiếng hát măng non”, ngày hội “Cùng em vui bước đến trường”, sân chơi “Biển đảo quê em”, trò chơi dân gian, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, nhà truyền thống… 3.4. Hoạt động tình nguyện đảm bảo an ninh – quốc phòng 3.4.1. Một số phong trào và nội dung chính Trên lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong trào Thanh niên tình nguyện được cụ thể hóa với nhiều nội dung: Hoạt động tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, các dự án xây dựng Đảo thanh niên, Làng thanh niên lập nghiệp ở biên giới, tuyên truyền phòng chống tội phạm, phòng chống các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, HIV, AIDS, các hoạt động hướng về biển, đảo Tổ quốc... 3.4.2. Kết quả đạt được Hoạt động của Đoàn thanh niên tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống các tệ nạn, đặc biệt là nạn ma túy, mại dâm, phòng chống HIV, AIDS được đẩy mạnh xuyên suốt Tháng thanh niên và mùa hè tình nguyện. Theo thống kê riêng trong giai đoạn từ 2007 đến 2012 các cấp bộ Đoàn trong toàn quốc đã xây dựng được trên 75.073 mô hình đội thanh niên xung kích an ninh và chi đoàn dân quân tự vệ, thu hút trên gần 1.197.687 triệu thanh niên tình nguyện tham gia. Ngoài ra còn có các “Câu lạc bộ Pháp luật”, “Câu lạc bộ phòng chống ma tuý”, “Đội giáo dục đồng đẳng", mô hình “Tiếng kẻng thanh niên, địa bàn không có ma tuý, khu phố không có tệ nạn xã hội”; câu lạc bộ "Trẻ em ngoài đường phố", "Đội kỹ năng sống" … Hoạt động tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông cũng được các cấp bộ Đoàn, Hội triển khai rộng khắp xuyên suốt chiến dịch tình nguyện, với nhiều hình thức sáng tạo gắn với cuộc vận động Thanh niên với văn hóa giao thông qua đó góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên, thanh niên ý tức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông. Trong các chiến dịch Hè tình nguyện, toàn Đoàn đã tổ chức 41.473 đội hình với 925.278 thanh niên tình nguyện tham gia các đội hình xây dựng văn minh đô thị và an toàn giao thông; tổ chức được 156.256 buổi tập huấn, tuyên truyền về an toàn giao thông. Hướng về biển, đảo Tổ quốc, chỉ tính riêng giai đoạn 2007 – 2012, các tổ chức Đoàn trong toàn quốc đã vận động, quyên góp, ủng hộ thanh niên tình nguyện nhập ngũ và các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa bằng kinh phí, hiện vật với số tiền trên 349.688 tỷ đồng. Tiểu kết chương 3 Kể từ khi được Trung ương Đoàn phát động với quy mô toàn quốc, phong trào Thanh niên tình nguyện được các cấp bộ Đoàn triển khai sâu rộng với hình thức phong phú, nội dung đa dạng, có kết quả cụ thể và đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường. Hiệu quả, tác động của phong trào Thanh niên tình nguyện chính là thước đo giá trị, khẳng định tính đúng đắn của Trung ương Đoàn trong tổ chức, triển khai phong trào Thanh niên tình nguyện. Chương 4 NHẬN XÉT VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM 4.1. Nhận xét về phong trào Thanh niên tình nguyện 4.1.1. Về nội dung hoạt động Phong trào Thanh niên tình nguyện có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng; đa dạng về mục tiêu, giải quyết nhiều nhiệm vụ. Các nội dung hoạt động tình nguyện có nhiều đổi mới theo hướng cụ thể, rõ việc, sát với nhu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên. Bên cạnh đó, mỗi Tháng thanh niên và các chiến dịch tình nguyện đều có các chủ đề hành động phù hợp nên đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tình nguyện, tích cực giải quyết tốt các vấn đề bức thiết đang đặt ra của cộng đồng. 4.1.2. Phương thức triển khai - Phong trào Thanh niên tình nguyện được triển khai bài bản, có kế hoạch từ Trung ương Đoàn đến tổ chức Đoàn ở địa phương, cơ sở. - Các cấp bộ Đoàn, Hội đã có sự đổi mới, góp phần làm tăng tính hấp dẫn của phong trào. Triển khai phong trào theo hướng đa dạng hóa các loại hình hoạt động để đáp ứng nhu cầu của thanh niên và xã hội. - Những năm đầu phong trào Thanh niên tình nguyện tập trung cao điểm vào mùa hè nhưng càng về sau phong trào Thanh niên tình nguyện đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, diễn ra quanh năm, có phạm vi hoạt động trên quy mô cả nước và trở thành phong trào có sức thu hút, lan tỏa đến nhiều tầng lớp trong xã hội. - Cùng trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2014 còn có nhiều phong trào thanh niên khác do Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội sinh viên tổ chức nhưng phong trào Thanh niên tình nguyện có thời gian triển khai dài hơn, quy mô rộng hơn, nội dung, hình thức triển khai phong phú hơn, lực lượng tham gia đông đảo hơn. 4.1.3. Về hiệu quả, tác động của phong trào Thanh niên tình nguyện - Hiệu quả đối với công tác giáo dục: Hoạt động thanh niên tình nguyện đã khơi dậy, giáo dục tinh thần tương thân tương ái và các giá trị đạo đức, nhân văn, tính xung kích, tình nguyện, tính tích cực xã hội của thanh niên Việt Nam. Đồng thời, phong trào Thanh niên tình nguyện đã tạo ra nhiều cơ hội và khả năng tiếp cận môi trường giáo dục cho nhiều thanh thiếu niên yếu thế. - Hiệu quả đối với kinh tế - xã hội và đóng góp cho cộng đồng: Hoạt động thanh niên tình nguyện đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, giải quyết những việc mới, việc khó, những vấn đề xã hội bức xúc của cộng đồng; góp phần nâng cao dân trí, củng cố và xây dựng đời sống văn hoá tinh thần, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh... - Đối với công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Hội: Phong trào Thanh niên tình nguyện đã tập hợp đông đảo thanh niên tham gia, hình thành các đội, nhóm, câu lạc bộ thanh niên tình nguyện hoạt động ổn định, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đoàn, Hội ở các địa phương. Hoạt động trong phong trào, cán bộ Đoàn, Hội được rèn luyện trong thực tiễn, kỹ năng nghiệp vụ thanh vận được nâng cao, qua đó vai trò, uy tín của tổ chức Đoàn, Hội được khẳng định trong xã hội. 4.1.4. Nguyên nhân những thành công của phong trào Thanh niên tình nguyện Phong trào Thanh niên tình nguyện có tính kế thừa và phát triển từ các phong trào thanh niên thời kỳ trước nên được đông đảo các tầng lớp thanh niên và nhiều thành phần xã hội tham gia. Công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến cơ sở được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; Đoàn thanh niên có hệ thống được tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ Đoàn được đào tạo bài bản; công tác tuyên truyển được triển khai mạnh mẽ và đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, sự phối kết hợp tốt của các bộ, ngành, chính quyền các cấp là những nhân tố quan trọng làm nên thành công của phong trào Thanh niên tình nguyện. 4.1.5. Một số khó khăn, hạn chế và nguyên nhân 4.1.5.1. Khó khăn, hạn chế Vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa nhu cầu của địa bàn, đơn vị đón nhận hoạt động tình nguyện, nhu cầu của thanh niên với khả năng tổ chức hoạt động tình nguyện của các cấp bộ Đoàn. Điều kiện để tổ chức hoạt động tình nguyện chưa thật đảm bảo. Cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan và kỹ năng tổ chức và năng lực, trình độ một số cán bộ Đoàn vẫn còn hạn chế. Một số hoạt động tình nguyện còn chưa chú ý đến chiều sâu dẫn đến tính bền vững và hiệu quả một số hoạt động tình nguyện chưa cao. Các cấp bộ Đoàn, Hội chưa có giải pháp hữu hiệu để phát huy và tập hợp hết những người có khả năng tham gia hoạt động tình nguyện. 4.1.5.2. Nguyên nhân Nhận thức của một bộ phận cán bộ Đoàn, cán bộ Hội về ý nghĩa của phong trào Thanh niên tình nguyện còn chưa đầy đủ. Không ít cán bộ Đoàn ở cơ sở thiếu kinh nghiệm và cán bộ Đoàn cơ sở thường xuyên thay đổi nên một số nơi phong trào chưa đạt hiệu quả, duy trì chưa được thường xuyên. Sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sự hỗ trợ đảm bảo điều kiện tổ chức hoạt động tình nguyện ở cơ sở của cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ngành còn hạn chế. Chưa có quy định cụ thể và thống nhất chung trong hoạt động tình nguyện. Các chính sách bảo vệ quyền lợi cho thanh niên khi tham gia các hoạt động tình nguyện chưa đảm bảo, từ đó chưa thúc đẩy thanh niên nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện. Tác động mặt trái của cơ chế thị trường dẫn đến một số ít thanh niên thiếu tinh thần, thái độ tích cực khi tham gia phong trào Thanh niên tình nguyện. Nhiều tổ chức tình nguyện tự phát, với nhiều hình thức tồn tại và hoạt động khác nhau cũng có lúc có tác động tiêu cực, ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của hoạt động tình nguyện. 4.2. Một số kinh nghiệm Một là, không ngừng chăm lo và bồi dưỡng, giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ về mục tiêu, lý tưởng cách mạng, kiên định con đường đi lên CNXH. Hai là, sự nhiệt tình, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên là nhân tố quyết định thành công và hiệu quả phong trào Thanh niên tình nguyện. Ba là, sức mạnh và nội lực của phong trào Thanh niên tình nguyện nằm ngay trong chính các tổ chức thanh niên.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất