Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạn ...

Tài liệu Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạn

.PDF
158
634
58

Mô tả:

ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC VÕ NHƯ NGỌC NGHỆ THUẬT TƯỢNG TRƯNG TRONG SÁNG TÁC CỦA TRƯỜNG THƠ LOẠN LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM HUẾ - NĂM 2016 ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC VÕ NHƯ NGỌC NGHỆ THUẬT TƯỢNG TRƯNG TRONG SÁNG TÁC CỦA TRƯỜNG THƠ LOẠN Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 62 22 01 21 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS. TS HỒ THẾ HÀ 2. TS NGUYỄN THANH SƠN HUẾ - NĂM 2016 LỜI CẢM ƠN Tôi xin trân trọng cảm ơn PGS. TS Hồ Thế Hà, TS Nguyễn Thanh Sơn đã tận tình hướng dẫn, đóng góp những ý kiến quý báu giúp tôi hoàn thành luận án. Xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu Trường Đại học Quy Nhơn, Ban chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Trường Đại học Quy Nhơn; lãnh đạo Khoa Ngữ văn, Phòng Sau Đại học Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã quan tâm, tạo mọi điều kiện cho tôi trong suốt quá trình thực hiện luận án. Xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến gia đình, quý thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, những người luôn động viên, khuyến khích, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian thực hiện luận án. Tác giả luận án Võ Như Ngọc LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trên bất kì công trình nào. Huế, tháng 12 năm 2016 Tác giả luận án Võ Như Ngọc MỤC LỤC MỞ ĐẦU ............................................................................................................................... 1 1. Tính cấp thiết của đề tài ................................................................................................. 1 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................................. 2 3. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu ................................................................. 3 4. Đóng góp mới của luận án ............................................................................................. 5 5. Cấu trúc luận án ............................................................................................................. 5 NỘI DUNG ........................................................................................................................... 6 CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ............................................. 6 1.1. Tình hình nghiên cứu đề tài ........................................................................................ 6 1.1.1. Những công trình nghiên cứu về Trường thơ Loạn trước 1945 ......................... 6 1.1.2. Những công trình nghiên cứu về Trường thơ Loạn từ 1945 đến 1975 .............. 10 1.1.3. Những công trình nghiên cứu về Trường thơ Loạn từ 1975 đến nay ................ 13 1.2. Nhận xét tình hình nghiên cứu và hướng triển khai đề tài ........................................ 22 1.2.1. Nhận xét tình hình nghiên cứu ........................................................................... 22 1.2.2. Hướng triển khai đề tài ...................................................................................... 23 CHƯƠNG 2. TRƯỜNG THƠ LOẠN TRONG NGUỒN TƯỢNG TRƯNG THƠ MỚI . 25 2.1. Thơ mới và quá trình tiếp nhận chủ nghĩa tượng trưng ............................................ 25 2.1.1. Thơ mới - cuộc cách mạng thi ca vĩ đại ............................................................. 25 2.1.2. Quá trình tiếp nhận chủ nghĩa tượng trưng của Thơ mới .................................. 31 2.2. Trường thơ Loạn và những dòng tượng trưng Thơ mới ........................................... 38 2.2.1. Không gian văn hóa của Trường thơ Loạn ........................................................ 38 2.2.2. Trường thơ Loạn - chi lưu tượng trưng Thơ mới............................................... 44 2.3. Quan niệm nghệ thuật của Trường thơ Loạn ............................................................ 50 2.3.1. “Làm thơ là làm sự phi thường” ........................................................................ 50 2.3.2. “Thơ là hoa trái của đau thương và sắc màu hoan lạc” ..................................... 57 CHƯƠNG 3. NGHỆ THUẬT TƯỢNG TRƯNG TRONG SÁNG TÁC CỦA TRƯỜNG THƠ LOẠN - NHÌN TỪ THẾ GIỚI HÌNH TƯỢNG VÀ BIỂU TƯỢNG ........................... 64 3.1. Hình tượng cái tôi trữ tình ........................................................................................ 64 3.1.1. Cái tôi gắn kết thi nhân và tín đồ ....................................................................... 64 3.1.2. Cái tôi đối cực trần thế và siêu nhiên ................................................................. 70 3.2. Hình tượng không gian và thời gian ......................................................................... 75 3.2.1. Không gian - những khung trời ảo diệu ............................................................. 75 3.2.2. Thời gian - những chiều kích vô biên ................................................................ 81 3.3. Những biểu tượng đặc sắc ........................................................................................ 87 3.3.1. Trăng, Hồn, Máu ................................................................................................ 88 3.3.2. Hoa, Nhạc, Hương ............................................................................................. 96 CHƯƠNG 4. NGHỆ THUẬT TƯỢNG TRƯNG TRONG SÁNG TÁC CỦA .......... 103 TRƯỜNG THƠ LOẠN - NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN .......................... 103 4.1. Ngôn từ nghệ thuật ................................................................................................. 103 4.1.1. Sự lạ hóa về ngôn từ ........................................................................................ 103 4.1.2. Các thủ pháp tạo nghĩa..................................................................................... 108 4.2. Nhạc tính và họa tính .............................................................................................. 114 4.2.1. Nhạc tính .......................................................................................................... 114 4.2.2. Họa tính............................................................................................................ 121 4.3. Giọng điệu và nghệ thuật tương hợp ...................................................................... 128 4.3.1. Giọng điệu........................................................................................................ 128 4.3.2. Nghệ thuật tương hợp ...................................................................................... 134 KẾT LUẬN ....................................................................................................................... 142 NHỮNG CÔNG TÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN TRỰC TIẾP ĐỀ TÀI ..................... 145 TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................... 147 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài 1.1. Với sự công phá mạnh mẽ vào thành trì thơ cũ, phong trào Thơ mới (1930 - 1945) khép lại dòng văn học mang đậm chất quy phạm và chuẩn mực, đưa tiến trình thơ Việt Nam vào quỹ đạo của văn học thế giới. Tuy nhiên, từ khi có một lối thơ trình chánh giữa làng thơ đến nay, Thơ mới phải trải qua một cuộc hành trình vinh quang và đau khổ. Song, vượt lên tất cả, nó vẫn khẳng định vị trí vững chắc trong nền văn học dân tộc. Một thời đại trong thi ca ấy khắc ghi vào lịch sử văn chương Việt mốc son rạng ngời với những tên tuổi tài danh: Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Vũ Hoàng Chương... Họ sáng tác nhiều bài thơ hay, đem đến một phạm trù thơ hiện đại, một hệ thi pháp mới thay thế thơ trữ tình cổ điển có tự ngàn năm. 1.2. Nếu nói Thơ mới mở ra một cuộc cách mạng trong thi ca, thì có thể xem Trường thơ Loạn là hiện tượng độc đáo và bí ẩn nhất của phong trào Thơ mới. Khởi nguồn của trường thơ này chính là nhóm thơ Bình Định (còn gọi là Bàn thành tứ hữu hay nhóm Tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng, ứng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn và Chế Lan Viên). Nhóm thơ Bình Định sau này có sự phân hóa về khuynh hướng sáng tác. Cuối năm 1936, từ sự phân hóa này, Hàn Mặc Tử cùng Chế Lan Viên chủ trương thành lập Trường thơ Loạn. Từ sau 1938, Trường thơ Loạn phát triển và kết nạp thêm những thành viên: Bích Khê, Hoàng Diệp, Quỳnh Dao, tôn vinh Hàn Mặc Tử làm chủ soái. Bỏ qua những yếu tố sáo mòn, lỗi thời của văn học truyền thống, vượt lên khỏi giới hạn Thơ mới để tiếp biến văn hóa, văn học hiện đại phương Tây, nhất là chủ nghĩa tượng trương Pháp, các thi sĩ thơ Loạn tạo nên một dấu ấn phong cách riêng, một quan niệm riêng, một miền đề tài riêng độc đáo và bí ẩn, đưa người đọc đến những tầng bậc cảm nhận sâu thẳm. Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng dòng thơ ấy đã băng qua bầu trời thi ca Việt Nam như vừng sáng huy hoàng, vừa rực rỡ vừa kinh dị, báo hiệu sự phát triển và phá cách của thơ ca hiện đại. 1 1.3. Trải qua ba phần tư thế kỷ, đến nay Trường thơ Loạn vẫn là hiện tượng văn học đầy ám gợi với những vần thơ trùng điệp lớp tầng, thách thức bao người khám phá, giải mã. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn khó cưỡng lại của tổ chức thi ca này. Các tác giả thơ Loạn đã được nghiên cứu trên nhiều phương diện: phong cách học, thi pháp học, phân tâm học, văn hóa học... Dù vậy, những băn khoăn, hoài nghi về trường thơ lạ lẫm này vẫn còn đó. Các thi nhân như vẫn còn ẩn sâu trong thế giới đầy khói sương, huyền hoặc của mình. Không ít người nhìn vào Trường thơ Loạn với đôi mắt ngỡ ngàng, ngạc nhiên cùng những xung lực trái chiều trong cách nhìn nhận, đánh giá. Một giai đoạn rất dài, những vần thơ tài hoa từ những tài năng yểu mệnh này bị định kiến là suy đồi, bế tắc, mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Dưới ánh sáng của những quan điểm cởi mở hơn, Trường thơ Loạn dần được trả lại công bằng. Thơ Loạn được xem xét trong sự vận động nội tại, thống nhất, hài hòa giữa nội dung và hình thức, được thừa nhận như một sự cách tân đầy đột phá, có sức vang vọng lớn đến thơ ca sau này. Tuy nhiên, đó mới là những bước đi ban đầu trong việc lý giải và đôi chỗ còn chưa thỏa đáng. Đặc biệt, nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của Trường thơ Loạn là một trong những vấn đề còn bỏ ngỏ, đang chờ tay người đánh thức. Mĩ học và thực tiễn nghệ thuật của chủ nghĩa tượng trưng phương Tây, đặc biệt là thơ tượng trưng Pháp với những thi sĩ thiên tài như Baudelaire, Verlaine, Rimbaud, Mallarmée, Valéry đã khai mở những cách tân trong phong trào Thơ mới Việt Nam, tiêu biểu là thi phẩm của những đỉnh cao thơ Loạn. Vì lẽ đó, nhu cầu tìm hiểu Trường thơ Loạn một cách sâu sắc, đặt nó trong tiến trình chung của Thơ mới để lý giải khách quan, chỉ ra giá trị trong tính toàn vẹn, bao quát và chỉnh thể của thi pháp tượng trưng, thiết nghĩ là “hành trình thám mã” cần thiết và cấp bách. Luận án của chúng tôi cố gắng đáp ứng những yêu cầu đó, chỉ ra thế giới nghệ thuật độc đáo, quan niệm thơ mới lạ và những cách tân về nghệ thuật, từ đó chứng minh các thi sĩ thơ Loạn là những nhà thơ lớn và có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Theo nhiều tư liệu đã được công bố, Trường thơ Loạn có sáu thành viên: 2 Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Yến Lan, Hoàng Diệp, Quỳnh Dao. Tuy nhiên, trong phạm vi đề tài, chúng tôi chủ yếu khảo sát các thi phẩm của ba nhà thơ nổi bật và khá thống nhất, gần gũi nhau về nhiều mặt: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Bích Khê. Đây là ba thi sĩ trụ cột trung thành, đi suốt hành trình thơ và đời với tuyên ngôn tượng trưng, làm nên đặc sắc của Trường thơ Loạn thời tiền chiến. Dù Trường thơ Loạn được thành lập vào năm 1936 với nòng cốt là ba thành viên vừa kể trên, nhưng ngoài những bài thơ mang phong cách Đường thi, những thi phẩm còn lại của ba tác giả thơ Loạn được sáng tác trước 1945 đều là đối tượng chúng tôi nghiên cứu, vì những thi phẩm ấy hầu hết mang hơi hướng Loạn. Ngoài ra, tác phẩm văn xuôi, tiểu luận, phê bình, tạp văn của các tác giả thơ Loạn cũng được xem là tài liệu tham khảo quan trọng, soi sáng nhiều vấn đề trong quá trình nghiên cứu. Qua việc nghiên cứu nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của Trường thơ Loạn một cách có hệ thống, phạm vi của luận án sẽ đi sâu nghiên cứu những điểm đặc sắc về nội dung và hình thức biểu hiện của chúng ở những giá trị nổi bật về ngôn từ nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật, biểu tượng nghệ thuật, nhạc tính và họa tính, các biện pháp tu từ… độc đáo của trường thơ này trong tính tương quan với nghệ thuật tượng trưng. 3. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu - Cơ sở lý thuyết: Luận án soi chiếu mỹ học của trường phái thơ tượng trưng phương Tây vào sáng tác của Trường thơ Loạn. Bằng quan niệm mới về nghệ thuật, thi phái tượng trưng đã tìm được tiếng đồng vọng và mở ra một thế giới trong tư duy của các nhà thơ mới nói chung, Trường thơ Loạn nói riêng, góp phần hiện đại hóa thơ ca dân tộc, đưa thơ Việt lên một tầm cao mới. - Phương pháp nghiên cứu: Trong luận án, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau: - Phương pháp văn học sử: Nghiên cứu trường phái thơ cụ thể nhưng chúng tôi không tách rời, biệt lập mà đặt trong mối quan hệ với trào lưu cùng thời. Vì văn học là một quá trình lịch sử - hiện thực, một quá trình lịch sử - sáng tạo, cho nên mỗi hiện tượng văn học thường có định hướng của cả phong trào. Tìm hiểu Nghệ 3 thuật tượng trưng trong sáng tác của Trường thơ Loạn, chúng tôi đặt trong mối quan hệ giữa các tác giả và trào lưu, tác phẩm và thời đại… - Phương pháp vận dụng lý thuyết thi pháp học: Luận án sẽ khảo sát tần số xuất hiện hệ thống hình tượng trở đi trở lại như ám ảnh nghệ thuật trong thi phẩm thơ Loạn, và hệ thống các phương thức, phương tiện cấu thành chỉnh thể nghệ thuật đó; mặt khác hình dung về mối quan hệ chủ nghĩa tượng trưng và Trường thơ Loạn. - Phương pháp thống kê - phân loại: Dùng để khảo sát, thống kê nguồn tư liệu theo những vấn đề chi tiết: tần số xuất hiện, hệ thống phương thức, phương tiện biểu hiện... Từ đó phân loại để thấy được những nét riêng và mô hình riêng ổn định của từng yếu tố cấu thành chỉnh thể nghệ thuật của Trường thơ Loạn trong tương quan với nghệ thuật tượng trưng. - Phương pháp so sánh - đối chiếu: Dùng đối chiếu các nhà thơ Loạn trong tương quan với tổ chức thi ca và các nhà thơ cùng thời, soi sáng những nét độc đáo về phong cách thơ. So sánh, đối chiếu cũng là cách chỉ ra ảnh hưởng của các trường phái văn học phương Tây, nhất là ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng đến thế giới nghệ thuật của Trường thơ Loạn. - Phương pháp phân tích - tổng hợp: Sử dụng phương pháp này, chúng tôi phân tích để làm sáng tỏ từng luận điểm. Từ những luận điểm đó, tổng hợp, khái quát thành những đặc điểm cơ bản trong sáng tác của Trường thơ Loạn. Ngoài ra, trong luận án, chúng tôi còn vận dụng những yếu tố hỗ trợ của các thao tác nghiên cứu văn học, như: phê bình văn học, ngôn ngữ học... để thấy nét đặc sắc của nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác Trường thơ Loạn so với các tác giả và trào lưu văn học khác. Trên đây là những hướng nghiên cứu cơ bản được sử dụng trong toàn bộ luận án. Tuy vậy, chúng tôi quan niệm, mỗi phương pháp nghiên cứu nói trên không thể rạch ròi, tách biệt mà có thể tiếp cận được chân lý. Vì thế, trong quá trình thực hiện, chúng tôi cố gắng cùng lúc kết hợp nhiều phương pháp để giải quyết vấn đề một cách tối ưu và hiệu quả nhất. 4 4. Đóng góp mới của luận án Thơ Loạn là hiện tượng thơ ca độc đáo của phong trào Thơ mới. Đã có những công trình quan tâm nghiên cứu Trường thơ Loạn trên nhiều phương diện, góc độ khác nhau, trong đó có một số bài viết đặt trong so sánh với nghệ thuật tượng trưng. Tuy nhiên, đây là những bài viết ngắn, đề cập từng yếu tố cụ thể của từng tác phẩm, tác giả, chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện. Luận án của chúng tôi là công trình chuyên biệt đầu tiên đi vào tìm hiểu, nghiên cứu nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của Trường thơ Loạn. Luận án đóng góp vào việc hệ thống hóa và khái quát hóa phong cách thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, những người thể nghiệm và thiết kế mô hình thơ hiện đại, làm nên một trường thơ nổi bật của phong trào Thơ mới. Luận án chứng minh sự gặp gỡ giữa Trường thơ Loạn với thi phái tượng trưng phương Tây để hình thành một khuynh hướng, một tuyên ngôn nghệ thuật riêng biệt có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chính sự tiếp thu và tiếp biến nghệ thuật thơ tượng trưng phương Tây của Trường thơ Loạn đã mở rộng biên độ và nội hàm cho Thơ mới, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cỗ xe văn học Việt Nam lăn nhanh trên con đường hiện đại hóa, tiến vào quỹ đạo của thơ ca thế giới. Luận án có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho giáo viên Ngữ văn các trường phổ thông, sinh viên Khoa Ngữ văn các trường đại học, cao đẳng, cũng như phổ biến rộng rãi đến độc giả yêu thích văn học. 5. Cấu trúc luận án Ngoài các phần: Mở đầu (5 trang), Kết luận (3 trang), Tài liệu tham khảo (6 trang), Nội dung luận án được triển khai theo 4 chương: - Chương 1: Tổng quan lịch sử nghiên cứu đề tài (19 trang). - Chương 2. Trường thơ Loạn trong nguồn tượng trưng Thơ mới (39 trang). - Chương 3. Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của Trường thơ Loạn nhìn từ thế giới hình tượng và biểu tượng (39 trang). - Chương 4. Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của Trường thơ Loạn nhìn từ phương thức biểu hiện (39 trang). 5 NỘI DUNG CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Tình hình nghiên cứu đề tài Ngay khi mới xuất hiện trên thi đàn, các thi sĩ thơ Loạn lập tức nổi lên trong nền thơ ca Việt Nam như là một trong những hiện tượng thơ mang tầm thời đại. Với những cách tân thơ rõ rệt, những thi phẩm của Trường thơ Loạn đã vượt ra ngoài khuôn khổ, thoát khỏi biên độ của cái thông thường, thổi vào thơ Việt Nam đầu thế kỷ XX một luồng gió mới, góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Điều này khiến cho người yêu thơ phải khâm phục, ngạc nhiên và các nhà nghiên cứu văn học phải ngẫm nghĩ về tài năng nghệ thuật của họ. Càng ngày, Trường thơ Loạn càng được độc giả quan tâm yêu thích. Sáng tác của Trường thơ Loạn, vì vậy, trở thành đối tượng hướng tới của rất nhiều nhà nghiên cứu, phê bình bằng những phương pháp khoa học mới mẻ. Các công trình nghiên cứu về thơ Loạn được tiếp cận ở nhiều khía cạnh. Xuất phát từ mục đích nghiên cứu, góc độ nghiên cứu khác nhau, các nhà nghiên cứu mải miết kiếm tìm và khám phá được nhiều giá trị trong sáng tác của Trường thơ Loạn, khẳng định được tầm vóc, vị trí, vai trò của các nhà thơ trong nền văn học Việt Nam hiện đại. 1.1.1. Những công trình nghiên cứu về Trường thơ Loạn trước 1945 Từ những ngày phôi thai của phong trào Thơ mới, cuộc tranh luận, bút chiến giữa nội hàm Thơ mới và thơ cũ, giữa phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” và phái “nghệ thuật vị nhân sinh” diễn ra rầm rộ trên các báo: Phong hóa, Tri tân, Ngày nay, Hà Nội báo, Phụ nữ tân văn, Tiểu thuyết thứ bảy… Nằm trong mạch nguồn Thơ mới, nhưng phản xạ của dư luận văn nghệ đương thời về Trường thơ Loạn lại khá mờ nhạt, có chăng là những bài viết nhỏ lẻ về từng thi sĩ của trường thơ. Điều này một phần vì Trường thơ Loạn không có cơ quan ngôn luận nào cổ vũ nên sáng tác của họ lúc bấy giờ không gây được tiếng vang. Từ những điểm nhìn khác nhau, văn giới, bạn đọc giải mã “ẩn số” thơ Loạn với không ít tranh cãi, bất đồng. Bằng hướng tiếp cận có phần định kiến, nhiều người phủ nhận gay gắt các tác giả thơ Loạn. Chính Xuân Diệu sau khi tuyên bố: “Hàn Mặc Tử không phải hạng chân thi sĩ” đã hạ bệ Trường thơ Loạn xuống thành những rên siết của xác thân bệnh hoạn, xem đó 6 như biểu hiện của một thứ suy đồi: “Hãy so sánh thái độ can đảm kia với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: Tôi điên đây!... Tôi điên đây!... Điên cũng không dễ như người ta tưởng đâu! Nếu không biết điên tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà lặng yên sống” [14,10]. Đầu năm 1938, trên báo Ích hữu, Trương Tửu có bài “Quan niệm về thơ Chế Lan Viên”. Ở bài viết này, một mặt Trương Tửu thừa nhận, nhờ vào “nghệ thuật tài hoa” và “trực giác linh mẫn”, Chế Lan Viên “đã hồi sinh được cả một cái đã mất”. Mặt khác, Trương Tửu nhận định thơ tập Điêu tàn là một “trạng thái kì dị của tâm hồn”, từ trạng thái kì dị ấy, Chế Lan Viên hình thành một quan niệm sai lầm và nguy hiểm. Ông công kích việc tác giả lý thuyết hóa cái điên, cái mê của mình trong bài tựa của tập Điêu tàn, bài tựa được Trường thơ Loạn coi như tuyên ngôn thơ của mình: “Chế Lan Viên đã khách quan hóa cái chủ thể của ông. Nên ông lầm. Vì thi sĩ bao giờ cũng có khuynh hướng chủ quan hóa cái khách thể của sự vật. Ông đã rời bỏ khuynh hướng ấy. Ông đã phản cái bản tính thiên bẩm của mình. Ông có tội với Nàng Thơ” [96,15]. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới những đàm đạo sôi nổi từ các thi hữu của Trường thơ Loạn. Hàn Mặc Tử xem thơ Bích Khê là “một bông hoa lạ nở hương, một thứ hương quý trọng thơm đủ mọi mùi phước lộc. Ta có thể so sánh văn, thơ Bích Khê như đóa hoa thần dị ấy”. Hàn còn gọi Bích Khê là “thi sĩ thần linh” bởi thơ Bích Khê vừa “nhuộm đầy màu sắc của các thi gia đời Đường”, vừa “nhuộm đầy máu huyết Baudelaire”. Hàn khẳng định thơ Bích Khê gồm ba tính cách khác nhau: tượng trưng, huyền diệu, trụy lạc, trong đó tượng trưng được coi là quan trọng nhất. Ở khu vực thơ tượng trưng, Hàn nhận thấy “Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất thơ, rất mộng, rất ảo” [95,133]. Đây chính là bài viết đầu tiên giới thiệu thơ Bích Khê với độc giả đương thời. Đánh giá về Chế Lan Viên, Nguyễn Vỹ cho rằng thơ Chế nhiều bài cảm động, độc đáo: “Tập Điêu tàn của anh còn để lại một chiếc bóng trong văn học sử Việt Nam, giống như những tháp Chàm trên đất nước Đồ Bàn, còn văng vẳng tiếng nức nở nghìn thu Chiêm nữ hận” [45,28]. Trên báo Người mới, Chế Lan Viên nói về người bạn thơ Hàn Mặc Tử: “… Mai sau, tôi xin hứa hẹn với các người rằng, những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử” [97,9]… Những nhận định ưu ái này có thể chưa hoàn toàn thuyết phục được công chúng, nhưng ít ra cũng khai mở một hướng tiếp cận, khiến những người yêu sáng tác của các tác giả thơ Loạn tiêu tốn bao giấy mực để lần tìm đến địa hạt thơ bí ẩn này. 7 Năm 1941, Trần Thanh Mại hoàn thành tập sách: Hàn Mặc Tử - thân thế và thi văn, công trình chuyên khảo đầu tiên về thơ Hàn. Công trình này, tác giả đi sâu vào đời tư và tìm ra được những ảnh hưởng trầm tích văn hóa và vẻ đẹp tự nhiên của quê hương Bình Định góp phần hun đúc và thai nghén thơ Hàn. Cũng như Xuân Diệu, ban đầu Trần Thanh Mại mỉa mai, công kích Hàn Mặc Tử khi nói về âm hưởng thơ tượng trưng trong sáng tác của Hàn: “điên hẳn… còn dễ chịu hơn là những anh chàng cố tình đi vào lối thơ tượng trưng… để vừa che đậy cái dốt của mình, vừa lòe đời bằng một cách lường gạt có tổ chức”. Nhưng sau đó, tác giả nhìn nhận: “Tôi quả đã vô duyên với thơ Hàn Mặc Tử”, và đánh giá: “Hàn Mặc Tử là người đầu tiên ở thế kỷ XX mở ra một cuộc cải cách lớn cho văn chương Việt Nam thành công một cách vinh quang, rực rỡ”… Thậm chí, khi so sánh với Baudelaire, Edgar Poe và thơ tượng trưng, ông kết luận: “Thiên tài của Hàn Mặc Tử cao hơn tất cả các thiên tài trên thế giới” [53,55]. Dù tồn tại nhiều tranh cãi, nhưng phải thừa nhận, đây là công trình nghiên cứu bài bản “bằng những phương pháp xưa nay chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam” [60,25]. Việc công trình của Trần Thanh Mại giới thiệu trang trọng Hàn Mặc Tử đã gợi mở cho các nhà phê bình sau này một thông điệp quan trọng trong quá trình khảo cứu, giúp những người yêu văn học dấn thân vào công cuộc khám phá thế giới thơ Hàn, đưa nhà thơ đến rộng khắp công chúng, nhất là lúc bấy giờ độc giả chưa biết nhiều về thi sĩ. Một năm sau, Vũ Ngọc Phan cũng đưa tên tuổi Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên vào Nhà văn hiện đại và tìm ra con đường tiếp cận riêng khi so sánh: “Chế Lan Viên, trái lại không cứng cáp chút nào. Thơ ông toàn là những tiếng khóc than; ông tả rặt những cái u sầu, ông có giống Hàn Mặc Tử thì chỉ giống ở chỗ hay nhắc đến linh hồn chứ cái sầu của ông là cái sầu não nùng, thê thảm, cái sầu bát ngát, khó khuây. Thật là thứ sầu vong quốc thứ sầu của dân tộc Chiêm Thành tuy ông không cùng dòng máu với họ” [68,702]. Công phu nhất là các bài viết của Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam. Tác phẩm tổng kết thành quả của phong trào Thơ mới với 45 nhà thơ tiêu biểu mà theo Hoài Thanh “không nhiều thì ít, ở mức độ đậm nhạt khác nhau, đều bị ám ảnh bởi Baudelaire, người đã khơi nguồn thơ ấy (tức thơ tượng trưng - VNN)”. Cùng với các tên tuổi đương thời khác, Hoài Thanh giới thiệu, đánh giá các nhà thơ chủ chốt của vương quốc thơ Loạn: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Yến Lan. Và cũng ở đây, lần đầu tiên cái tên Trường thơ Loạn được một nhà phê bình 8 văn học nhắc đến: “Trái hẳn với lối thơ tả chân, có lối thơ Hàn Mặc Tử - Chế Lan Viên. Cả hai đều chịu rất nặng ảnh hưởng của Baudelaire và qua Baudelaire, ảnh hưởng nhà văn Mỹ Edgar Poe, tác giả Chuyện lạ. Có khác chăng là Chế Lan Viên đã đi từ Baudelaire, Edgar Poe đến thơ Đường, mà Hàn Mặc Tử đã đi ngược lại, từ thơ Đường đến Baudelaire, Edgar Poe và đi thêm một đoạn nữa cho gặp kinh thánh của đạo Thiên chúa. Cả hai đều cai trị Trường thơ Loạn và chiêu tập một số đồ đệ là Hoàng Diệp, Quỳnh Dao, Xuân Khai (tức Yến Lan - VNN). Tôi vừa nói Chế Lan Viên đi về thơ Đường. Nếu nói đi đến thơ tượng trưng của Pháp có lẽ đúng hơn, tuy hai lối này có chỗ giống nhau. Điều này cũng thấy rất rõ ở các tác phẩm của một người rất gần Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử: Bích Khê”. Tiếp cận thơ Loạn theo lối phê bình ấn tượng, tác giả Thi nhân Việt Nam thẩm bình, kết tinh sáng tác của họ một cách nhạy bén và sắc sảo. Tuy vậy, Hoài Thanh còn dè dặt khi đánh giá các nhà thơ này. Viết về Bích Khê, có lúc tác giả khẳng định: “Tôi đã bắt gặp ở Tinh huyết những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ Việt Nam”, và cho rằng Bích Khê là một trong những nhà thơ “đi đến chỗ mà người ta thường cho là cao nhất của thơ tượng trưng: Mallarmée, Valéry”, rồi lại coi đó là “biệt thự một nhà triệu phú” xa cách và khó thâm nhập, bởi thế “chưa thể nói nhiều về Bích Khê”. Ông đánh giá Hàn Mặc Tử là “một vườn thơ rung rinh không bờ bến, càng đi xa càng thấy lạnh”, nhưng kết thúc bài giới thiệu về thơ Hàn, lại lấp lửng: “Một tác phẩm như thế ta không thể nói hay hay dở”, vì “Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn”. Cũng như vậy, đánh giá Điêu tàn, Hoài Thanh xem như “một niềm kinh dị”, “giữa đồng bằng văn học Việt Nam thế kỷ XX, nó đứng sừng sững như một cái tháp Chàm chắc chắn và lẻ loi, bí mật”. Ông còn nhận xét về Chế Lan Viên rằng: “Con người này là con người của trời đất, của bốn phương, không thể lấy kích tấc thường mà hòng đo được”, đến cuối cùng ngần ngại: “Chúng ta, người đồng bằng, thỉnh thoảng trèo lên đó - có người trèo đuối sức mà trầm ngâm và xem gạch rụng, nghe tiếng rên rỉ của ma Hời cũng hay, nhưng triền miên trên đó không nên” [83,217]. Có thể thấy, Thi nhân Việt Nam đã có công phát hiện những tài hoa của phong trào Thơ mới, tinh tế nhận ra trong thơ Loạn sự bức bối, quẫy đạp “vượt ra ngoài vòng nhân gian để bung thoát đến những giới hạn rộng xa của thi ca” [83,291]. Nhưng công trình này dường như chỉ tập trung làm nổi rõ thời đại Thơ mới với cái tôi cá nhân, phong cách sáng tác của từng nhà thơ mà chưa đặt họ vào vị trí thành viên của một trường phái sáng tác. 9 Nhìn chung, đa phần các công trình, bài viết về các tác giả thơ Loạn kể trên còn tản mạn, nặng về cảm xúc hay những kỷ niệm riêng chứ chưa đi vào cảm thụ giá trị đích thực tác phẩm của họ với tư cách là những tài năng thơ của thế kỷ. 1.1.2. Những công trình nghiên cứu về Trường thơ Loạn từ 1945 đến 1975 Trong đời sống phê bình văn học 1945 - 1975, việc nhìn nhận, đánh giá Thơ mới nói chung, Trường thơ Loạn nói riêng tương đối phức tạp. Ở miền Bắc, dưới sự chi phối của hai cuộc kháng chiến, thời đại Thơ mới dường như chấm dứt, nhường chỗ cho những vấn đề lớn của cuộc sống, của nhân dân qua những vần thơ cổ động kháng chiến, ngợi ca anh bộ đội Cụ Hồ. Căn nguyên lịch sử ấy khiến Thơ mới không còn là đối tượng được ưu tiên nghiên cứu, và sự đánh giá về nó cũng chưa thật chuẩn xác, nhất là về mặt nội dung. Một số người có cái nhìn xã hội học dung tục cắt nghĩa tâm trạng đau buồn của các thi sĩ lãng mạn “là vì anh nghèo khó nên anh không thể thực hiện cái lí tưởng tư sản của mình, cái lí tưởng đầy những vàng son châu báu, lụa là hoa bướm, rượu - như hình ảnh thơ các anh”, trong khi “tình yêu và sự hưởng lạc cần tiền”. Vì vậy nên “thơ anh thường thể hiện giấc mơ về cõi tiên, về quá khứ, ở đó có đủ rượu, hoa, gái đẹp, yến tiệc…” [71,76]. Hồng Chương kịch liệt phê phán các tác giả Thơ mới là “có thái độ tiêu cực”. Ngay cả tác giả Thi nhân Việt Nam trong Nói chuyện thơ kháng chiến cũng đánh giá lại Thơ mới bằng thái độ cực đoan, một chiều: “Những vần thơ buồn tủi, bơ vơ ấy là những vần thơ có tội: nó xui con người ta buông tay cúi đầu, do đó làm yếu sức ta và làm lợi cho giặc. Sự thực khách quan là thế” [63,197]. Theo Hoài Thanh, “Thơ mới cơ hồ không biết đến tiếng nói đau khổ, tiếng nói căm thù, tiếng nói quật khởi của các chiến sỹ cách mạng, của quần chúng cần lao” [84,222]. Phan Cự Đệ trong Phong trào Thơ mới 1932 - 1945 dành nhiều tâm huyết nghiên cứu ảnh hưởng của thơ ca tượng trưng Pháp đến Thơ mới: “Nhìn chung từ 1936 trở về sau, trường phái tượng trưng được người ta chú ý hơn cả. Tại sao đây?… Cái chính vẫn là sự gặp nhau của những tâm hồn trí thức bất mãn với xã hội, đau buồn, chán nản, u uất khi phong trào cách mạng của quần chúng bị thất bại hoặc bị đàn áp dữ dội…”. Về phương diện ảnh hưởng, theo tác giả: “Thơ ca Pháp đã ảnh hưởng rõ rệt vào Thơ mới trong cách gieo vần, lối ngắt nhịp, lối bắc cầu, cách làm cho ngôn ngữ giàu nhạc điệu, lối diễn tả bằng những cảm giác tinh tế…”. Trên tinh thần phản ánh luận Mác xít, tác giả đánh giá những vấn đề của bản chất sáng tạo như hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa, nguyên nhân ra đời phong trào Thơ mới, 10 đồng thời có phần khách quan khi phê phán xu hướng thoát li tiêu cực và ghi nhận những mặt tích cực của Thơ mới, như: thái độ không chấp nhận thực tại đối với xã hội thực dân phong kiến, tình yêu quê hương đất nước, yêu cuộc sống, nhất là về mặt ngôn từ nghệ thuật… Nhưng khi giới thiệu về Trường thơ Loạn, Phan Cự Đệ lại viện dẫn như minh chứng về sự suy đồi trong Thơ mới giai đoạn sau: “Đương thời, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Hoàng Diệp đã xướng lên Trường thơ Loạn. Chịu ảnh hưởng của những quan niệm thẩm mĩ của Edga Poe, kể chuyện ca ngợi vẻ đẹp của tử thần; và của Baudelaire, kẻ đã mĩ hóa cả cái độc, cái tởm, cái vô đạo đức, Trường thơ Loạn bắt đầu đi tìm cái đẹp ở bến bờ xa lạ của cảm giác, tìm những cái đẹp khoái lạc bệnh tật chưa được khám phá” [19,67]. Những ý kiến trên cơ bản nhìn nhận nội dung và cái tôi trữ tình Thơ mới dưới góc độ phê phán. Sự kết án về tư tưởng này càng khiến Thơ mới cũng như những vần thơ duy tân, nhuộm đầy máu huyết của Trường thơ Loạn tạm thời bị quên lãng. Ở miền Nam, do đặc thù của hoàn cảnh lịch sử xã hội, đến những năm 60 thế kỷ XX, việc nghiên cứu giảng dạy văn học lãng mạn, trong đó có phong trào Thơ mới được chú trọng. Và các tác giả thơ Loạn cũng được bàn luận khá sôi nổi trên các tạp chí, như: Văn hóa Á châu, Nhận thức, Bách khoa, Phổ thông, Văn... cùng nhiều công trình liên quan khác, như: Văn học sử Việt Nam của Bùi Đức Tịnh, Phê bình văn học thế hệ 1932 - 1945 của Thanh Lãng, Từ Thơ mới đến thơ tự do của Bằng Giang, Thi ca Việt Nam thời tiền chiến của Phan Canh, Việt Nam thi nhân tiền chiến của Nguyễn Tấn Long, Khuynh hướng thi ca tiền chiến của Nguyễn Tấn Long - Phan Canh, Thi nhân Việt Nam hiện đại của Phạm Thanh, Lược khảo về thơ 1900 - 1950 của Uyên Thao, Những khuynh hướng trong thơ ca Việt Nam của Minh Huy, Lược sử văn nghệ Việt Nam của Thế Phong, Thi ca Việt Nam hiện đại của Trần Tuấn Kiệt, Ý Văn của Tam Ích... Đặc biệt, có những chuyên san về Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê: Hàn Mặc Tử nhà thơ siêu thoát của Thế Phong, Đôi nét về Hàn Mặc Tử của Quách Tấn, Hàn Mặc Tử thi sĩ tiền chiến của Hoàng Diệp, Chế Lan Viên thi sĩ tiền chiến của Hoàng Diệp, Đời Bích Khê của Quách Tấn… Trong những công trình nghiên cứu về Trường thơ Loạn của các tác giả phía Nam, chúng tôi quan tâm nhiều những đánh giá của Nguyễn Tấn Long và Phan Canh. Trong Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nguyễn Tấn Long kết luận: “Hàn Mặc 11 Tử cũng như Bích Khê là người ở phái thơ cũ chuyển sang lĩnh vực Thơ mới. Từ địa hạt thi ca có quy tắc trầm lặng tiến đến Thơ mới rồi vượt qua địa hạt tượng trưng vươn lên nguồn thơ siêu thực”. Tác giả phát hiện ra cái mới lạ của Trường thơ Loạn mà ông gọi đó là “Những vấn đề thơ khó hiểu, những lời nói khó tin”, và chứng minh bằng luận điểm sắc sảo: “Nếu một Hàn Mặc Tử hay nói về thượng giới thì Chế Lan Viên lại nhắc mãi về hạ giới, về cõi âm… Nếu Hàn thường nghĩ về cảnh chết trước mắt nên ý thơ thường hướng về tương lai, ngược lại Chế hay tiếc thương về thời đại cũ lại thích quay vần thơ về dĩ vãng” [50,67]. Trong công trình Khuynh hướng thơ ca tiền chiến, Nguyễn Tấn Long và Phan Canh dù không trực tiếp tiếp cận ảnh hưởng thơ tượng trưng trong Trường thơ Loạn, nhưng mặc nhiên thừa nhận ít nhiều có sự chi phối của khuynh hướng ấy trong sáng tác của các thi nhân, khi cho rằng “Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử là nguồn thơ tiêu biểu cho khuynh hướng thơ siêu tưởng” [51,72]. Phan Canh trong Thi ca Việt Nam thời tiền chiến 1932 - 1945 [6], phần viết về chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực cũng giới thiệu và tuyển thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê. Cùng với Nguyễn Tấn Long và Phan Canh, phải kể đến nhận định của Minh Huy trong Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam. Theo tác giả, Hàn Mặc Tử và Bích Khê là hai nhà lý thuyết của khuynh hướng thơ tượng trưng: “Hàn Mặc Tử và Bích Khê, thi ca tượng trưng Việt Nam đã đến một cao độ tuyệt vời, đến một nơi thật cao siêu và khả kính cho đến ngày nay chưa một nhà thơ tượng trưng tiền và hậu thế chiến nào có thể vượt đến được” [31,127]. Trong công trình này, bên cạnh Thơ mới tiền chiến, Minh Huy còn tìm hiểu ảnh hưởng của khuynh hướng tượng trưng đến thi ca hậu chiến qua các tên tuổi, như: Quách Thoại, Đoàn Thêm, Xuân Phụng, Cung Trầm Tưởng,… Ngoài ra, còn có những công trình, bài viết bàn luận trực tiếp đến từng tác giả thơ Loạn. Về Bích Khê có: “Nhạc và họa trong thơ Bích Khê” của Đinh Cường, “Người em Bích Khê” của Lê Thị Ngọc Sương, “Dòng thơ, khoảng thơ và thời gian” của Phạm Hoài Việt, “Nhân nhớ Bích Khê và thơ Bích Khê bàn về thơ tượng trưng” của Tam Ích... Đặc biệt, bài viết “Thế giới thơ tượng trưng Bích Khê”, Phạm Kim Thịnh tôn vinh thơ Bích Khê “thuộc hàng tượng trưng điển hình nhất”. “Bích Khê đã dẫn người đọc vào một không gian chạm trổ những trăng sao, màu sắc, hương thơm làm no nê tất cả mọi giác quan của người đọc”. Về Hàn Mặc Tử có: “Hàn Mặc Tử và sự sáng tạo cuồng nộ” của Nguyễn Mộng Giác, “Nỗi Khắc khoải 12 siêu hình trong thơ Hàn Mặc Tử” của Nguyễn Xuân Hoàng, “Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử” của Đặng Tiến, “Tan loãng trong Hàn Mặc Tử” của Phạm Đán Bình, “Kinh nghiệm thơ và hành trình tinh thần của Hàn Mặc Tử” của Võ Long Tê, “Thấy được những huyền bí bên kia cõi chết qua hiện tượng Hàn Mặc Tử” của L.M Dũng Lạc Trần Cao Tường, “Thi ảnh khẩu cảm trong thơ Hàn Mặc Tử” của Bùi Xuân Bảo, “Hàn Mặc Tử hay là sự hiện hữu của thơ” của Huỳnh Phan Anh,... Các bài viết đều hết sức coi trọng những thành tựu nổi bật như: đề cao những cái khác thường, kì dị, lý giải công phu vấn đề rất nhạy cảm là sự phóng chiếu tính dục, yếu tố tôn giáo và tâm linh siêu hình trong thơ Hàn. Rất tiếc, dấu ấn tượng trưng thơ Hàn lại không được nhắc đến. Cùng với đó là những công trình nghiên cứu khẳng định lại giá trị tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên theo kiểu phê bình ấn tượng. Có thể thấy, tuy các công trình không đề cập trực tiếp về Trường thơ Loạn, nhưng về từng thi sĩ riêng biệt của trường thơ được các tác giả, nhất là các tác giả phía Nam nghiên cứu khá kỹ. Về cơ bản, các nhà phê bình văn học phía Nam giai đoạn này đều thống nhất đề cao những thi sĩ thơ Loạn, và cho rằng chính họ mang lại cho thi học và thi ca dân tộc những vấn đề mới lạ. Tuy nhiên, lập luận của các nhà nghiên cứu còn mang tính chủ quan, thường dựa vào đời tư tác giả để cảm nhận tác phẩm nên đôi chỗ còn cực đoan, phiến diện. 1.1.3. Những công trình nghiên cứu về Trường thơ Loạn từ 1975 đến nay Từ sau 1975, giới phê bình văn học có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu về phong trào Thơ mới, trong đó có sáng tác của Trường thơ Loạn. Dù vậy, những năm đầu sau giải phóng, các nhà nghiên cứu đây đó vẫn còn nhìn các tác giả thơ Loạn bằng ánh mắt khắt khe và định kiến. Phạm Văn Sĩ ghi nhận ảnh hưởng của Baudelaire đến Thơ mới: “Có một số thi sĩ Việt Nam nhìn Baudelaire như một nhà cách tân trong lĩnh vực thơ và hướng theo cách làm của Baudelaire, số người đó tìm cách làm cho thơ Việt Nam mới mẻ hơn. Bằng thực tiễn sáng tác, họ góp phần làm cho thơ Việt Nam đi gần với những cảm xúc cá thể, với cách diễn đạt riêng của mỗi người làm thơ, làm cho thơ Việt Nam tự do, phóng khoáng hơn trước, vượt qua những công thức gò bó, những niêm luật nghiêm ngặt của thơ cổ” [82,51]. Nhưng đề cập đến ảnh hưởng thơ tượng trưng Pháp đến sáng tác của hai thi sĩ thơ Loạn, ông phê phán: “Trong lúc một số thanh niên, một số trí thức chuyển biến theo cách mạng thì một số khác lại lấn sâu vào cuộc sống suy đồi, đi sâu hơn vào tâm trạng buồn chán, bế tắc, họ ra sức đào bới những cảm xúc chủ quan của con người xa rời 13 cuộc sống thực tiễn, quay vào cái tôi cô đơn, bệnh hoạn như Bích Khê, Hàn Mặc Tử, hoặc đi vào cuộc sống ăn chơi truỵ lạc như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương. Những người này đã khai thác mặt sa đọa trong thơ Baudelaire, mặt tiêu cực trầm trọng nhất trong cuộc sống riêng của Baudelaire” [82,49]. Ngay cả Nguyễn Hoành Khung cũng có lần nhận định: “Trường thơ Loạn là một xu hướng tiêu biểu cho tình trạng bế tắc khủng hoảng của phong trào Thơ mới”, và cho rằng thơ của họ “có nhiều bài kinh dị, có những vần thơ giống như tiếng gào rú của một linh hồn đau thương cùng cực” [39,472]. Phải đến sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), dưới tư duy đổi mới, Thơ mới cũng như Trường thơ Loạn được nhìn nhận lại một cách bình tĩnh, khách quan và khoa học hơn. Tiếp cận lý thuyết văn học so sánh, các nhà nghiên cứu chứng minh ảnh hưởng sâu sắc của thơ tượng trưng phương Tây đối với nhiều nhà thơ mới và tiêu biểu là các nhà thơ trong Trường thơ Loạn. Nguyễn Quốc Túy trong chuyên luận Thơ mới - Bình minh thơ Việt Nam hiện đại cho rằng: “Có những trường phái Thơ mới giống các trường phái thơ phương Tây, thơ Pháp: lãng mạn, tượng trưng, siêu thực” [94,47]. Theo Phan Ngọc: “Thơ Việt Nam chịu ảnh hưởng từ thơ Pháp nhưng chủ yếu là từ Baudelaire về sau chứ không phải từ Baudelaire trở về trước. Ảnh hưởng của Baudelaire rõ nhất ở Vũ Đình Liên, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử và hầu như không có ai không chịu ảnh hưởng của ông” [57,27]. Hoàng Hưng khi bàn về hành trình đến với chủ nghĩa tượng trưng của phong trào Thơ mới Việt Nam, đánh giá: “Đến Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Xuân Thu nhã tập, Thơ mới đã đi vào quỹ đạo thơ tượng trưng của Âu Mỹ”. Nhưng theo ông, đó là lối thơ tượng trưng không triệt để, còn mang tính chất nửa vời. “Các nhà thơ Việt Nam không triệt để tượng trưng đến thế. Chế Lan Viên còn quá tỉnh táo và nhân tạo, Bích Khê còn quá rườm lời và lộ ý. Còn Xuân Thu nhã tập theo tôi đã đi lạc đường: muốn đạt cái mơ hồ, họ dùng sự léo lắt của lý trí, họ lẫn trộn sự mù mờ tăm tối mà tiềm thức trực cảm được với sự khó hiểu cầu kỳ phải dùng trí năng để giải thích” [32,23]. Gần với quan điểm của Hoàng Hưng, Trần Đình Sử trong Những thế giới nghệ thuật thơ có bài phân tích thơ tượng trưng và khẳng định ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng đối với các nhà Thơ mới Việt Nam: “Họ đọc Baudelaire, Valéry, Rimbaud, Mallarmé, nhưng chỉ học một vài thủ pháp”. Trần Đình Sử cho rằng, Thơ mới trước sau vẫn là thơ lãng mạn, kể cả đó là sáng tác của các thi sĩ thơ Loạn. “Có những bài thơ, hình tượng thơ phảng phất phong cách 14
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan