Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Luận án tiến sĩ tiểu thuyết của v.s. naipaul từ lý thuyết đa văn hóa...

Tài liệu Luận án tiến sĩ tiểu thuyết của v.s. naipaul từ lý thuyết đa văn hóa

.PDF
173
1
126

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI ĐINH THỊ LÊ TIỂU THUYẾT V.S. NAIPAUL TỪ LÍ THUYẾT ĐA VĂN HOÁ LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN HÀ NỘI, 2022 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI ĐINH THỊ LÊ TIỂU THUYẾT V.S. NAIPAUL TỪ LÍ THUYẾT ĐA VĂN HOÁ Chuyên ngành: Văn học nước ngoài Mã số: 9.22.02.42 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Người hướng dẫn: GS.TS. LÊ HUY BẮC HÀ NỘI, 2022 i LỜI CAM ĐOAN Tác giả luận án xin cam đoan: - Luận án này là kết quả nghiên cứu của cá nhân tôi; - Những số liệu và tài liệu được trích dẫn trong đây là trung thực; - Kết quả nghiên cứu này không trùng với bất cứ công trình nào đã được công bố trước đó. Tôi chịu trách nhiệm trước lời cam đoan của mình. Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 2022 Tác giả luận án Đinh Thị Lê ii LỜI CẢM ƠN Trước hết, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới GS.TS. Lê Huy Bắc người thầy đã tận tình hướng dẫn tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu để tôi có thể hoàn thành luận án này. Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các thầy cô trong khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đặc biệt là các thầy cô ở bộ môn Văn học nước ngoài, các thầy cô và nhà khoa học thuộc các đơn vị công tác khác như: Viện Văn học, Hội Khoa học Tâm lí – Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Vinh... đã chỉ bảo, góp ý, cung cấp cho tôi những tài liệu quý giá trong quá trình học tập và nghiên cứu. Tôi xin chân thành cám ơn Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo Sau đại học, khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã hỗ trợ tôi trong quá trình học tập và thực hiện luận án. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban lãnh đạo, bạn bè, đồng nghiệp Trường quốc tế Liên hợp quốc, UNIS Hà nội với sứ mệnh truyền cảm hứng học tập và nghiên cứu suốt đời. Cuối cùng, tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu nặng tới gia đình, những người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã luôn ủng hộ, động viên, giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ học tập và nghiên cứu. Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 2022 Tác giả luận án Đinh Thị Lê iii MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN ...................................................................................................... i LỜI CẢM ƠN...........................................................................................................ii MỤC LỤC .............................................................................................................. iii DANH MỤC BẢNG BIỂU ...................................................................................... v DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ ................................................................................ vi MỞ ĐẦU ................................................................................................................... 1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ ........................................ 7 1.1. Nghiên cứu văn học từ lí thuyết Đa văn hoá ...................................................... 7 1.1.1. Văn hoá và hướng phê bình văn học từ văn hoá .............................................. 7 1.1.2. Đa văn hoá, từ các nhà dân tộc học đầu thế kỉ XX đến nay .......................... 10 1.1.3. Đa văn hoá trong văn học .............................................................................. 19 1.1.4. Đa văn hoá từ Edward Said đến Stuart Hall, Doreen Massey và Ander Hanberger................................................................................................................. 22 1.2. Nghiên cứu về V.S. Naipaul từ lí thuyết Đa văn hoá ....................................... 32 1.2.1. Tài liệu tiếng Việt .......................................................................................... 32 1.2.2. Tài liệu tiếng Anh .......................................................................................... 34 Tiểu kết .................................................................................................................... 41 CHƯƠNG 2: KHÔNG GIAN, THỜI GIAN TRONG TIỂU THUYẾT V.S.NAIPAUL NHÌN TỪ LÍ THUYẾT ĐA VĂN HOÁ .................................... 42 2.1. Không gian nhìn từ lí thuyết Đa văn hoá .......................................................... 43 2.1.1. Không gian sinh hoạt đậm chất truyền thống đa dạng của Trinidad và Tobbago....... 44 2.1.2. Không gian văn hoá lịch sử đầy biến động của châu Phi .............................. 49 2.1.3. Không gian lữ thứ tại vương quốc Anh ......................................................... 55 2.2. Thời gian nhìn từ lí thuyết Đa văn hoá ............................................................. 66 2.2.1. Thời gian gắn với hành trình đi tìm bản ngã.................................................. 67 2.2.2. Thời gian lịch sử và những va chạm văn hoá ................................................ 70 2.2.3. Thời gian ngưng đọng và những trăn trở thời cuộc ....................................... 72 Tiểu kết .................................................................................................................... 80 CHƯƠNG 3: THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT V.S.NAIPAUL NHÌN TỪ LÍ THUYẾT ĐA VĂN HOÁ .............................................................. 81 3.1. Cội rễ Đa văn hoá trong thế giới nhân vật ........................................................ 81 3.2. Kiểu nhân vật hoà nhập .................................................................................... 88 3.2.1. Bà Tulsi – đại diện cho sự dung hợp tôn giáo ............................................... 88 iv 3.2.2. Những đứa con dòng họ Tulsi – vâng lời và phục tùng ................................. 90 3.2. Kiểu nhân vật dấn thân - chủ động đi tìm bản ngã ........................................... 93 3.2.1. Nhân vật Tôi trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự nghiệp ..... 94 3.2.2. Nhân vật ông Biswas trong cuộc đấu tranh tìm kiếm bản ngã ...................... 99 3.2.3. Nhân vật Indar trong hành trình truy tìm bản thể ........................................ 103 3.3. Kiểu nhân vật bên lề ....................................................................................... 105 3.3.1. Salim, người quan sát ngoại đạo .................................................................. 106 3.3.2. Cha Huisman, kẻ đứng ngoài “đeo” mặt nạ................................................. 110 Tiểu kết .................................................................................................................. 113 CHƯƠNG 4: BIỂU TƯỢNG TRONG TIỂU THUYẾT V.S.NAIPAUL GẮN VỚI BA MÔ HÌNH ĐA VĂN HOÁ ................................................................... 114 4.1. Biểu tượng – sự kết tinh Đa văn hoá .............................................................. 114 4.1.1. Khái niệm biểu tượng .................................................................................. 114 4.1.2. Quan điểm tiếp cận biểu tượng trong tiểu thuyết Naipaul .......................... 116 4.2. Các biểu tượng trong tiểu thuyết V.S. Naipaul ............................................... 120 4.2.1. Dòng sông – biểu tượng của quá trình đồng hoá văn hoá ........................... 120 4.2.2. Ngôi nhà – biểu tượng của sự pha trộn văn hoá .......................................... 125 4.2.3. Bức tranh và khu vườn – biểu tượng của sự chung sống văn hoá ............... 132 Tiểu kết .................................................................................................................. 146 KẾT LUẬN........................................................................................................... 147 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN ................................................... 151 TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................... 152 PHỤ LỤC v DANH MỤC BẢNG BIỂU Bảng 2.1: Thống kê tần số sử dụng từ chỉ màu sắc trong tiểu thuyết Bí ẩn khi tới ...... 58 Bảng 2.2: Những ngôi nhà gắn với mốc sự kiện trong cuộc đời ông Biswas ............... 68 Bảng 3.1: Hệ thống một số nhân vật tiêu biểu trong ba cuốn tiểu thuyết của V.S. Naipaul – Một Ngôi nhà dành cho ông Biswas, Khúc quanh của dòng sông, Bí ẩn khi tới ...... 85 vi DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ Hình 1.1: Sơ đồ hệ thống văn chương trích dẫn từ Lí thuyết đa hệ thống trong nghiên cứu văn hoá, văn chương của Even-Zohar. ............................................................... 9 Hình 1.2: Sơ đồ mô tả (a) đa văn hóa, (b) liên văn hóa và (c) giao thoa văn hóa (phỏng theo Schriefer, 2018)................................................................................................ 17 Hình 4.2: Ba mô hình Đa văn hoá của Anders Hanberger ...................................... 31 Hình 2.1: Cấu trúc năm phần của tiểu thuyết Bí ẩn khi tới của V.S. Naipaul ......... 61 Hình 2.2: Thứ tự xuất hiện của những ngôi nhà ông Biswas đã sinh sống trong Một Ngôi nhà dành cho ông Biswas. ............................................................. 67 Hình 3.1: Mô hình các chiều kích của bản thể đa văn hoá, phỏng theo Fitzsimmons 2013 .... 89 Hình 4.3: Mối quan hệ giữa bản ngã “cái tôi”, vô thức và ý thức (theo Clare Cooper, 1974) ......101 Hình 4.1: Bức tranh Bí ẩn của sự đến và buổi chiều của Giorgio de Chirico (1912) ............. 134 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Phê bình văn học từ các lí thuyết văn hoá là một phương pháp tiếp cận khoa học, logic, nhằm đào sâu tìm hiểu quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, mở rộng giới hạn của văn bản và sự vẫy gọi người đọc. Khuynh hướng phê bình này bắt nguồn từ những năm 1950 với trường phái Birmingham, Anh và trường phái Frankfurt, Đức rồi lan rộng ra khắp thế giới. Ở Việt Nam, đã có nhiều công trình nghiên cứu đã triển khai, vận dụng phương pháp nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hoá. Điều này đã chứng minh cơ sở khoa học và tính đúng đắn của phương pháp, như Đỗ Lai Thuý đã nhận định: “Nếu văn học có chức năng phản ánh hiện thực thì cũng không thể phản ánh trực tiếp được, mà chỉ có thể thông qua lăng kính văn hoá, thông qua bộ lọc của các giá trị văn hoá” [1]. Trong dòng chảy không ngừng của văn hoá, luôn tồn tại sự vận động, giao lưu giữa các nền văn hoá, tạo nên thuộc tính tất yếu là Đa văn hoá và Liên văn hoá. Có thể nói, tính đa văn hóa xuất hiện từ rất sớm trong văn chương bởi bản thân kí hiệu ngôn ngữ của nhân loại đã bao hàm nhiều đặc tính đa văn hóa. Do đó, bản chất của nghiên cứu văn chương là “nghiên cứu kí hiệu ngôn từ, một dạng kí hiệu đặc thù, kí hiệu thẩm mĩ liên văn hoá, đa tầng bậc” [2,328]. Chính vì vậy, nghiên cứu tác giả, tác phẩm, hay hiện tượng văn chương qua lí thuyết liên ngành Đa văn hoá, một hướng đi đầy triển vọng trong nghiên cứu phê bình. Lí thuyết Đa văn hoá có ý nghĩa quan trọng trong việc tri nhận một đặc tính đa dạng, giao thoa giữa các nền văn hoá, các mã văn hoá, góp phần làm sáng tỏ cội nguồn sáng tạo văn chương. Thêm vào đó, việc tiếp cận tác phẩm văn chương từ góc nhìn đa văn hoá là cần thiết vì nó chính là sự kiểm chứng của việc thực hành lí thuyết đa văn hoá, mở ra một một cái nhìn đa chiều về xã hội xung quanh, cũng như những tài năng văn chương vĩ đại, và trên hết là sự vận động của văn học thế giới. V.S. Naipaul (1934-2018) là nhà văn Anh gốc Trinidad, tiêu biểu cho dòng văn học đa văn hoá và văn học hậu thuộc địa. V.S. Naipaul (tên đầy đủ là Vidiadhar Surajprasad Naipaul) được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải thưởng Nobel văn học vào năm 2001 vì những cống hiến sáng tạo suốt đời cho nhân loại: những tác phẩm văn chương đa văn hoá, bao gồm cả tiểu thuyết, tiểu luận, du kí và hồi kí khai thác một phần lịch sử bị lãng quên, và ảnh hưởng của chủ nghĩa 2 thực dân đối với các dân tộc cựu thuộc địa. Những tác phẩm của ông “buộc chúng ta phải thấy sự hiện diện của lịch sử những dân tộc bị đàn áp” [3]. Ngoài ra, ông còn được vinh danh ở rất nhiều giải thưởng lớn khác như: giải John Rhys cho Gã tẩm quất bí hiểm, giải W. H. Smith cho Những kẻ bắt chước, giải Booker cho tiểu thuyết Ở một nhà nước tự do), giải Jerusalem năm 1983, giải T.S. Eliot năm 1986, giải Somerset Maugham, giải Hawthornden. Năm 1989, ông được trao tặng Thập tự giá Ba Ngôi (Trinity Cross), danh hiệu quốc gia cao quý nhất của Trinidad và Tobago. Ông được nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ năm 1990 và đặc biệt giải Nobel Văn học năm 2001 đã ghi nhận những đóng góp của V.S. Naipaul đối với văn chương nhân loại. Bản thân con người V.S. Naipaul là đa văn hóa: sinh ra ở Trinidad, thuộc địa đồn điền cũ của Anh, và lớn lên trong một gia đình Bàlamôn truyền thống đậm chất văn hoá Ấn Độ, rồi được học bổng tại Đại học Oxford và chịu ảnh hưởng của nền giáo dục và văn hoá Anh. Nguồn gốc xuất thân, nền giáo dục và môi trường sống của nhà văn chịu ảnh hưởng của sự giao thoa giữa các nền văn hoá: văn hoá Caribe pha trộn đặc trưng của những người nhập cư; văn hoá phương Đông phong phú, đậm tính chất nông nghiệp lâu đời bắt nguồn từ nền văn minh sông Ấn; và văn hoá phương Tây đề cao cá nhân, coi trọng lối tư duy duy lí. Sự tổng hoà của tất cả các nền văn hoá đó tạo nên một cảm quan đa văn hoá độc đáo của một nhà văn luôn đau đáu đi tìm cái tôi, cái cảm giác mình thuộc về một nơi nào đó. Hơn nữa, sự mẫn tiệp của một nhà văn tài năng, luôn trăn trở trước thời cuộc có thể là lí do chính khiến tính đa văn hóa trong tác phẩm của ông được thể hiện rất sắc sảo, vượt lên giới hạn thời gian và không gian, thể hiện được những vấn đề thời sự, mang tầm nhân loại. Trong cuộc trò chuyện với Roland Bryden năm 1973, ông đã đề cập đến nền tảng đa văn hoá khi “xem xét bản chất của xã hội quê hương tôi, xem xét bản chất của thế giới mà tôi đã bước vào và thế giới mà tôi phải nhìn vào, tôi không thể là một tiểu thuyết gia chuyên nghiệp theo nghĩa cũ” [3,367-370]. Điều này góp phần không nhỏ để hình thành sự độc đáo, khác lạ trong con người và sự nghiệp của nhà văn. Tìm hiểu tính đa văn hoá trong các tiểu thuyết của ông chính là tìm hiểu những giá trị văn hoá phong phú, kết tinh qua nội dung và nghệ thuật sáng tác của nhà văn. Điều đó sẽ góp phần không 3 nhỏ trong việc nghiên cứu V.S. Naipaul đồng thời khẳng định tính khoa học của lí thuyết Đa văn hoá. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đến thời điểm của luận án, mới có hai tác phẩm của ông được chuyển ngữ là tiểu thuyết Khúc quanh của dòng sông và cuốn Bước vào thế giới Hồi giáo cùng một số bài giới thiệu ngắn về tác giả trên các báo, tạp chí. Tính đến nay, các tác phẩm của V.S. Naipaul chưa được đưa vào nghiên cứu và giảng dạy, cũng như chưa có công trình nghiên cứu nào về V.S. Naipaul hay nghiên cứu văn học từ góc nhìn Đa văn hoá. Từ những lí do trên, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài Tiểu thuyết V.S. Naipaul từ lí thuyết đa văn hoá. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Lựa chọn đề tài này, luận án đặt ra những mục đích cơ bản sau đây: ❶ Giới thuyết lí thuyết Đa văn hoá. Chứng minh tính đúng đắn của lí thuyết Đa văn hoá trong nghiên cứu văn chương, góp phần vào các nghiên cứu liên ngành, nhằm đào sâu thêm các lớp nghĩa của tác phẩm từ điểm nhìn Đa văn hoá. ❷ Tổng quan về tình hình nghiên cứu tiểu thuyết V.S. Naipaul từ tài liệu trong nước và nước ngoài, từ đó kế thừa, phát triển những kết quả đã có để tìm ra nét đặc trưng đa văn hoá trong tiểu thuyết của nhà văn. ❸ Chỉ rõ tính đa văn hoá trong các tiểu thuyết của V.S. Naipaul ở các phương diện cụ thể: không gian, thời gian, thế giới nhân vật và biểu tượng. Dựa trên cơ sở đó, tác giả luận án tìm ra những nét riêng của nhà văn, thế giới quan và nhân sinh quan của ông, đồng thời làm nổi bật chiều sâu tư tưởng của tác phẩm. Để đạt tới mục đích nghiên cứu trên, nhiệm vụ cụ thể của luận án là: - Xác lập một cách hiểu thống nhất về khái niệm Đa văn hoá. Trên cơ sở của ba mô hình Đa văn hoá, luận án chứng minh tiểu thuyết của V.S. Naipaul mang tính Đa văn hoá rõ nét. - Đối với các tài liệu nghiên cứu V.S. Naipaul từ tiếng nước ngoài, khảo sát, thống kê để tìm ra những khuynh hướng nghiên cứu về V.S. Naipaul trên thế giới. Trong các tài liệu nghiên cứu ở Việt Nam, chỉ ra các bài giới thiệu, công trình liên quan đến đề tài nghiên cứu. 4 - Phân tích ba tiểu thuyết của V.S. Naipaul ở phương diện không gian, thời gian, nhân vật và biểu tượng từ ba lí thuyết Đa văn hoá sau: o Thuyết căn tính và nơi chốn/không gian (identity and place) của Doreen Massey. o Thuyết về căn tính bất định (unfixed identity) của Stuart Hall. o Ba mô hình Đa văn hoá của Anders Hanberger. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu Trong mười lăm cuốn tiểu thuyết của V.S. Naipaul, luận án tập trung khảo cứu ba tác phẩm sau: • A House for Mr. Biswas (Một Ngôi nhà dành cho ông Biswas, 1961) • A Bend in the river (Khúc quanh của dòng sông, 1979) • The Enigma of Arrival (Bí ẩn khi tới, 1987). Đây là đại diện cho ba mốc sáng tác trong văn nghiệp của V.S Naipaul. Ngôi nhà của ông Biswas, xuất bản năm 1961, là cuốn tiểu thuyết thứ tư của V.S. Naipaul nhưng là tác phẩm đầu tiên thành công vang dội, lần đầu đánh dấu sự ghi nhận của giới phê bình khắp thế giới, là “một trong những tiểu thuyết hậu thuộc địa vĩ đại nhất viết bằng Tiếng Anh” [5]. Cuốn Khúc quanh của dòng sông, xuất bản năm 1979, mang dấu ấn của độ chín trong tài năng sáng tác của nhà văn ở tuổi 45, được ngợi ca là đỉnh cao của văn chương hậu thuộc địa, phản ánh những cộng đồng xã hội thiểu số, đứng ngoài lề của thế giới phát triển. Bí ẩn khi tới, ra mắt độc giả năm 1987, là cuốn tiểu thuyết tổng kết lại 35 năm sáng tác của chính nhà văn, đánh dấu sự trưởng thành trong nhận thức về nghiệp viết, về bản thân, về nhân thế và độ chín của một tài năng văn chương. Chính vì thế mà tác phẩm này đã được lưu giữ trong thư viện Nobel của Viện Hàn lâm Thuỵ Điển. Vì thế, ba cuốn tiểu thuyết đặt trong các bối cảnh, thời gian khác nhau sẽ giúp chúng ta nhìn nhận về V.S.Naipaul một cách đa chiều và toàn diện hơn. Luận án sử dụng bản nguyên tác tiếng Anh của cả ba tiểu thuyết Khúc quanh của dòng sông, Ngôi nhà dành cho ông Biswas và Bí ẩn khi tới. Bởi V.S. Naipaul được vinh danh là bậc thầy sử dụng ngôn ngữ Anh (cho dù ông không phải là người Anh). Riêng cuốn tiểu thuyết Khúc quanh của dòng sông có bản dịch tiếng Việt của Cao Việt Dũng, tuy nhiên, chúng tôi vẫn dùng bản nguyên gốc tiếng Anh cho các trích dẫn. 5 Khi nghiên cứu ba tác phẩm tiêu biểu trên, chúng tôi nhận thấy các đặc trưng đa văn hóa xuất hiện dày đặc trong tiểu thuyết của V.S. Naipaul. Vì vậy nếu thiếu đi những phông nền kiến thức văn hóa, thiếu đi một điểm nhìn đa diện thì quá trình tiếp nhận cái hay, cái đẹp trong tác phẩm của V.S. Naipaul sẽ mất đi ít nhiều giá trị. Hướng tiếp cận đa văn hoá, do đó, có thể khơi mở ý nghĩa chiều sâu của tác phẩm, để có cái nhìn bao quát, toàn diện và đa chiều về nhà văn, tác phẩm và sự vận động liên tục của dòng chảy văn hoá, và “một nền tảng để suy nghĩ về cuộc đời” [6] như nhận định của cựu tổng thống Mĩ Barack Obama khi trả lời phỏng vấn của tạp chí New York Times. Với hi vọng khẳng định cách tiếp cận văn học qua các đối thoại đa văn hoá, hướng đến giá trị nhân văn sâu sắc, chúng tôi mong muốn góp phần giới thiệu những cách tân tiểu thuyết V.S. Naipaul trong dòng văn học thế giới nửa sau thế kỉ XX. Từ đó, đối tượng nghiên cứu là tiểu thuyết của V.S. Naipaul từ lí thuyết Đa văn hoá. Trong phạm vi đề tài, chúng tôi chỉ tìm hiểu không gian, thời gian, nhân vật và biểu tượng để làm nổi bật đối tượng nghiên cứu. 4. Phương pháp nghiên cứu Xuất phát từ mục đích, phạm vi, đối tượng nghiên cứu, luận án sử dụng phương pháp tiếp cận chủ đạo là từ góc nhìn văn hoá, cụ thể là lí thuyết Đa văn hoá. Tác phẩm được đặt trong không gian văn hóa mà tác phẩm ra đời, chỉ ra sự chi phối của các quan niệm triết học, tôn giáo, đạo đức, chính trị, tri thức khoa học của thời đại đến tư tưởng, và tác phẩm của nhà văn, nghĩa là tìm ra các nền tảng văn hóa lịch sử giao thoa lẫn nhau, ảnh hưởng đến tư tưởng và nghệ thuật sáng tác của nhà văn. Luận án kết hợp sử dụng một số phương pháp chủ đạo trong nghiên cứu văn học, như sau: • Phương pháp tiểu sử: Khảo sát những sự kiện chính trong cuộc đời tác giả và gia đình, lấy đó làm cơ sở để cắt nghĩa những lớp hình tượng thẩm mĩ mang tính tư tưởng, văn hóa trong tác phẩm. • Phương pháp khảo sát, thống kê: Thu thập số liệu như tần suất xuất hiện của một số từ, cụm từ, nhằm chứng minh cho luận điểm và làm rõ dụng ý sáng tác của tác giả. • Phương pháp liên ngành: Đặt tiểu thuyết V.S. Naipaul trong các lí thuyết đa văn hóa liên ngành với thi pháp học, để từ đó làm rõ các đặc trưng đa văn hoá của tác phẩm. 6 • Phương pháp phân tích - tổng hợp: phân tích văn bản và các yếu tố nội dung, nghệ thuật để qua đó, tổng hợp, khái quát tính đa văn hoá trong tác phẩm của V.S. Naipaul nhằm nêu bật cái riêng, độc đáo của nhà văn. Bên cạnh đó, luận án có sử dụng thao tác so sánh, đối chiếu các tiểu thuyết của V.S. Naipaul với nhau và với các tác phẩm đồng đại, lịch đại để thấy được sự tương đồng cũng như điểm khác biệt, từ đó chỉ ra phong cách sáng tác đặc trưng của nhà văn. 5. Đóng góp của luận án Luận án là công trình tiếng Việt đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống và chuyên sâu phân tích những đặc trưng đa văn hóa trong tiểu thuyết của V.S. Naipaul dựa trên nguyên tác tiếng Anh. Luận án tìm hiểu không gian và thời gian nhìn từ lí thuyết căn tính và nơi chốn của Doreen Massey, thế giới nhân vật nhìn từ thuyết bản thể bất định của Stuart Hall và biểu tượng đa văn hoá gắn với ba mô hình Đa văn hoá của Anders Hanberger. Từ đó, tác giả luận án khẳng định những giá trị Đa văn hoá trong tiểu thuyết của V.S. Naipaul đã tạo nên nét độc đáo của nhà văn này. Về phương diện lí luận, nghiên cứu tiểu thuyết của V.S. Naipaul từ lí thuyết Đa văn hoá, luận án góp phần giải mã một hiện tượng văn học độc đáo của thế kỉ XX, XXI, cũng như khẳng định những cống hiến của nhà văn từng giành giải thưởng Nobel văn học này. Về phương diện thực tiễn, luận án là công trình đi sâu khai thác lí thuyết Đa văn hoá và tác phẩm của V.S. Naipaul, từ đó có thể tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, giảng dạy về V.S. Naipaul. 6. Cấu trúc luận án Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án gồm 4 chương như sau: Chương 1: Tổng quan nghiên cứu vấn đề Chương 2: Không gian và thời gian trong tiểu thuyết V.S. Naipaul nhìn từ lí thuyết Đa văn hoá Chương 3: Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết V.S. Naipaul nhìn từ lí thuyết Đa văn hoá Chương 4: Biểu tượng trong tiểu thuyết V.S. Naipaul gắn với ba mô hình Đa văn hoá 7 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ 1.1. Nghiên cứu văn học từ lí thuyết Đa văn hoá 1.1.1. Văn hoá và hướng phê bình văn học từ văn hoá Để hiểu định nghĩa Đa văn hoá, trước hết ta cần đi tìm khái niệm văn hoá. Đây là một thuật ngữ có nội hàm rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực như truyền thông, tôn giáo, hành vi ứng xử, nghệ thuật,… trong đó mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Thuật ngữ văn hoá, xuất phát từ tiếng Latinh là “cultura”, bắt nguồn từ “cultus” nghĩa là canh tác, gieo trồng ruộng đất (cultus agri) và gieo trồng tinh thần (cultus animi) rồi chuyển nghĩa để tạo ra “culture” từ thế kỉ 18 ở phương Tây. Kể từ đó đến nay, định nghĩa văn hoá đã phát triển theo nhiều chiều hướng đa dạng, “có đến hàng trăm, từ các trường phái nhân văn như Dilthey, Casirrer, Arnold, T. Eliot… đến trường phái thực chứng như Taylor, Malinowski, Boas, Kroeber, Benedict, Durkheim…” [7,15]. Trong số hàng trăm định nghĩa ấy, thì định nghĩa đóng vai trò nền móng cho khoa học về nhân chủng của Edward Burnett Tylor trong cuốn sách Văn hoá nguyên thuỷ (Primitive culture) xuất bản năm 1871, là định nghĩa được công nhận rộng rãi nhất, khẳng định văn hoá “một phức hệ bao gồm kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tập quán, và bất cứ năng lực nào khác của con người với tư cách là một thành viên của xã hội” [8,1]. Như vậy, văn hoá chính là một hệ thống phức hợp của tập quán, cách ứng xử và hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin được bảo tồn theo truyền thống. Trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm chỉ ra bốn đặc trưng cơ bản của khái niệm văn hoá: tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân sinh và tính lịch sử. Từ bốn thuộc tính đó, văn hoá được định nghĩa là “một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” [9,27]. Tựu trung, các định nghĩa trên đều thống nhất ở những đặc điểm phổ quát của văn hoá là: tính hệ thống, tính đa dạng và tính kế thừa. Trong khuôn khổ của luận án này, chúng tôi hiểu văn hoá là một hệ thống hay tập hợp các giá trị và chuẩn mực của một cộng đồng, và có tính phát triển, kế thừa theo thời gian. Do vậy, văn hoá có chức năng tổ chức xã hội, chức năng thúc 8 đẩy xã hội và chức năng giáo dục trong sự phát triển, tương tác, giao thoa, dẫn đến Đa văn hoá và Liên văn hoá… Sự ra đời và phát triển của mỗi loại hình nghệ thuật đều gắn với những đặc trưng, bản sắc riêng. Tuy vậy, dưới góc nhìn so sánh liên ngành, có thể thấy các lĩnh vực ấy có mối liên hệ mật thiết với nhau; thậm chí, chúng không ngừng phá vỡ đường biên để giao thoa, thâm nhập vào nhau. Giữa văn chương và văn hoá cũng có một mối duyên lâu đời và gần gũi như vậy. Việc tiếp cận và phê bình văn học từ hướng văn hoá không phải là mới, không thể không kể đến trường phái phê bình văn hoá lịch sử của nhà nghiên cứu người Pháp, Hippolyte Taine (1828-1893), trong đó ông đã coi ba nhân tố quy định tính chất của tác phẩm văn chương bao gồm: chủng tộc, môi trường và thời điểm. Trong một thời đại nhất định, tất cả các sáng tác văn học không nằm ngoài sự chi phối của ba yếu tố trên. Các trường phái nghiên cứu văn hoá đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, khởi đầu với trường phái Birmingham ở Anh, đại diện là Rochard Hoggart và Stuart Hall, trong khoảng thập niên 60, 70 của thế kỉ trước. Nhóm Birmingham đưa ra các quan điểm phê bình cho việc phân tích, diễn giải và phê bình các di sản văn hoá, kết hợp với lí thuyết xã hội học và so sánh bối cảnh khi phê bình văn học các văn bản văn hoá. Hướng nghiên cứu này ở Đức có trường phái Frankfurt, và ở Pháp có Roland Barthes vào những năm 1970. Một lí thuyết khác đáng chú ý trong nghiên cứu văn chương và văn hoá là lí thuyết đa hệ thống hoặc Lí thuyết hệ thống đa hợp (Polysystem theories). Đây là lí thuyết xuất phát từ ý tưởng về một nền văn hoá động, do giáo sư Itamar EvenZohar làm việc tại đại học Tel Aviv, Israel đề xuất. Khi đề cập tới thuộc tính / sở hữu chung của đa hệ thống, ông cho rằng khái niệm về hệ thống là khái niệm năng động, không thuần nhất, “nhấn mạnh tính đa bội của các giao cắt và sau đó là tính phức tạp hơn của kết cấu đi kèm” [10,31]. Trong đó, sự sắc nhạy của cái đa tạp trong văn hoá được thể hiện rõ nhất trong một cộng đồng dùng ba hoặc đa ngôn ngữ. Trong phạm vi văn chương, thì đó là khi cộng đồng sở hữu hai hoặc nhiều hơn hai “nền văn học”. Theo quan điểm của Zohar, trong đa hệ thống luôn tồn tại nhiều hệ thống không đồng đẳng mà phân tầng bậc. Ông chỉ ra rằng “Cuộc đấu tranh vĩnh cửu giữa 9 các cơ tầng khác nhau, tạo nên trạng thái đồng đại (động) của hệ thống. Chính chiến thắng của cơ tầng này đối với cơ tầng kia sẽ tạo nên sự thay đổi trên trục lịch đại” [10,87]. Trong cuốn Polysystem studies xuất bản năm 1990, ông đã mượn sơ đồ giao tiếp của Roman Jakobson để vẽ lại sơ đồ hệ thống văn chương bao gồm các hoạt động văn chương và mối quan hệ giữa chúng như sau: Kho thể tài (quy tắc) Hình 1.1: Sơ đồ hệ thống văn chương trích dẫn từ Lí thuyết đa hệ thống trong nghiên cứu văn hoá, văn chương của Even-Zohar. Một trong những đóng góp chính của lí thuyết đa hệ thống là chuyển mối quan tâm từ nền văn hóa nguồn (gốc) sang nền văn hóa tiếp nhận (đích) bằng cách truy tìm những cơ chế chọn lọc các tác phẩm cũng như những chuẩn mực dịch thuật. Lí thuyết đa hệ thống của Evan-Zohar đã phân tích các tập hợp quan hệ trong văn học và ngôn ngữ, được áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu văn học và văn hóa, đặc biệt ở Tây Ban Nha và Trung Quốc. Học giả người Mĩ Edwin Gentzler cũng ủng hộ lí thuyết này trong nghiên cứu dịch thuật [11,85]. Như vậy lí thuyết của Evan-Zohar nghiêng về phương thức tiếp cận đối tượng, là mô thức tư duy hướng tới đối tượng. Trong quá trình thực hiện luận án, chúng tôi có tìm hiểu lí thuyết này nhưng thấy chưa thực sự phù hợp với nghiên cứu Đa văn hoá trong tiểu thuyết của V.S. Naipaul bởi lẽ Đa văn hoá thuộc về đặc tính của văn hóa nhiều hơn. Hướng phê bình văn học từ văn hoá đã được công nhận rộng rãi, nhờ tính khoa học và chân xác trong việc nhìn nhận, đánh giá một tác phẩm văn học. Mỗi tác phẩm là “một chỉnh thể của nghệ thuật ngôn từ tái hiện đời sống tinh thần của các dân tộc, như là một trong những sản phẩm kết tinh cao nhất của văn hoá một tộc người, một đất nước” [12,11]. Trong bài Tiếp cận văn học từ hệ thống văn hoá, Đỗ Lai Thuý đã chỉ ra các ưu điểm của phương pháp này là “dẫn nhà phê bình (cũng như người đọc) đi từ cái đã biết đến cái chưa biết, từ cái biết nhiều đến cái biết ít, từ cái toàn thể đến cái bộ phận bằng con đường loại suy khoa học” [1]. Ở Việt 10 Nam đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu văn chương theo hướng này, như Nguyễn Du và Truyện Kiều của Trương Tửu, Từ góc nhìn văn hoá đến các mã nghệ thuật trong văn bản cổ đại Việt Nam của Nguyễn Huệ Chi, Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá của Lê Nguyên Cẩn, Tiếp cận văn học từ hệ thống văn hoá của Đỗ Lai Thuý, Phương pháp tiếp cận văn hoá trong nghiên cứu giảng dạy văn học của Trần Nho Thìn, Mã văn hoá trong tác phẩm của James Joyce của Nguyễn Linh Chi,… Đa văn hóa là thuộc tính bản chất, quy luật trong sự phát triển của loài người. Có thể nói, từ thuở bình minh của nhân loại đã luôn tồn tại nhiều chủng tộc, nhiều nền văn hoá, và sự tiếp xúc, giao lưu giữa các nền văn hóa là điều không tránh khỏi, nhất là khi xuất hiện những cuộc di cư. Giao thoa văn hoá và đa dạng văn hoá là quy luật tất yếu của sự vận động xã hội, và trở thành điều kiện cần thiết cho phát triển, thậm chí cho sự sinh tồn của con người, bởi vì “con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình; mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tổng thể” [13,108]. Để trả lời cho câu hỏi liệu có đa văn hoá trong các nền văn minh cổ đại không, hai nhà khoa học Vladimiras và Liudmila đã truy nguyên dấu vết của đa văn hóa từ những chính sách sát nhập hai nền văn hoá Ba Tư và Macedon của Alexander Đại đế [14,33-49]. Alexander Đại đế vừa áp đặt văn hóa của người Macedonia (Hi Lạp) vào các vùng lãnh thổ bị chinh phục, nhưng cũng đồng thời chấp nhận phong tục của người dân địa phương. Kết quả là Đa văn hóa xuất hiện như một hiện tượng xã hội trong lịch sử của Đế chế La Mã (Imperium Romanum), vào thời hoàng kim của Rome, luôn tồn tại nhiều dân tộc và bộ lạc khác nhau với các phong tục và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau chung sống. Người La Mã đã sử dụng viện trợ của người nước ngoài, trong đó có nô lệ, và vẫn tiếp tục chính sách hai nền văn hoá song song: Hi Lạp và La Mã. 1.1.2. Đa văn hoá, từ các nhà dân tộc học đầu thế kỉ XX đến nay Về mặt lịch sử của thuật ngữ, Đa văn hóa đã manh nha xuất hiện từ giữa thế kỉ XVIII khi các nhà sử học Đức giới thuyết khái niệm về sự khác biệt và đa dạng tồn tại trong một nền văn hóa. Các nhà sử học có tiếng như Johann Gottfried von Herder (1744-1803) và Leopold von Ranke (1795-1886) đã đặt câu hỏi về tư duy Khai sáng của những tiến bộ từ thời kì đen tối đến thời văn minh, thông qua đa dạng văn hoá. Cũng giống như các nhà tư tưởng Khai sáng khác, tin vào một 11 thời đại mới của nhân tính, lí tính, tự do, và có thể áp dụng tư duy có hệ thống cho mọi hoạt động của con người, họ lập luận rằng lịch sử loài người được cấu thành từ các nền văn hóa rời rạc và không đồng nhất, nhưng mỗi nền văn hóa có những giá trị riêng, chuẩn mực đạo đức và thẩm mĩ và cấu trúc chính trị và kinh tế riêng. Do vậy, mỗi nền văn hóa vừa là một tổng thể vừa là một cấu trúc toàn vẹn riêng. Theo Nicholas Journet, trên thế giới, các xã hội đa văn hoá luôn chiếm ưu thế so với xã hội được coi là thuần nhất về mặt văn hóa, với tỷ lệ 90:10 [15]. Bởi vậy, đa dạng văn hóa là khởi nguồn của bản sắc, của đổi mới và sáng tạo, giúp liên kết mọi người trên thế giới. Nó là động lực thúc đẩy phát triển, không chỉ tăng trưởng kinh tế, mà còn làm phong phú hơn cuộc sống trí tuệ, tình cảm, đạo đức và tinh thần. Tuy nhiên, sự đa dạng đó chưa được gọi tên thành một thuật ngữ, một khái niệm mang tính chủ nghĩa (trong tiếng Anh là ISM, Multiculturalism) cho đến năm 1941, nó mới xuất hiện lần đầu trên tờ New York Herald Tribune, với ý nghĩa “chống lại chủ nghĩa dân tộc, định kiến và hành vi mang tính dân tộc, ủng hộ cách sống đa văn hóa” [16]. Đến năm 1965, Đa văn hóa được mở rộng thành chủ nghĩa Đa văn hóa trong Báo cáo sơ bộ của Ủy ban Hoàng gia về song ngữ và đa văn hóa của Canada, trong bối cảnh các phong trào đấu tranh đòi quyền dân chủ dâng cao. Ban đầu Đa văn hoá thường gắn với môi trường xã hội Bắc Mỹ, nhưng đến năm 1973 của tờ Stornoway Gazette của Scotland đã mở rộng nghĩa thuật ngữ, ứng dụng vào bất kì môi trường xã hội nào tồn tại các yếu tố văn hóa đa dạng. Khi dòng người di cư, nhập cư ngày càng tăng cùng với sự xuất hiện của các nhóm tôn giáo, các xu hướng tính dục, phong trào đấu tranh đòi giữ gìn bản sắc văn hoá thiểu số, đòi bình đẳng giới, phản đối chủ nghĩa nhất nguyên, và sự đồng hoá hay cào bằng các giá trị văn hoá ngày càng nhân rộng, thì vấn đề đa văn hoá của xã hội phải được thừa nhận. Chính quyền liên bang ở Ottawa đã công khai thừa nhận Đa văn hóa trong hiến pháp năm 1982. Sau Canada, chính sách đa văn hoá nhanh chóng được thông qua ở hầu hết các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu. Từ đó trở đi, chủ nghĩa Đa văn hoá ngày càng được nhân rộng, đem lại một môi trường giao tiếp đa chiều, nơi những tư tưởng, giá trị của tất cả các nền văn hoá đều có tiếng nói riêng của mình. Như vậy chính các phong trào dân chủ đã hình thành nên tiền đề thứ nhất cho sự ra đời của Đa văn hoá. 12 Tiền đề thứ hai cho sự xuất hiện thuật ngữ chủ nghĩa Đa văn hoá đương đại là làn sóng di cư tăng nhanh cả phạm vi và tốc độ. Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, số lượng người di cư đến nước ngoài để tìm việc làm, đoàn tụ gia đình, học tập, mua nhà hay trốn chạy... chỉ tính riêng ở châu Âu từ năm 1990 đến 2015 đã tăng 1,55 lần, cán mốc hơn 76 triệu người dân di cư. Trung bình, cứ 7 công dân châu Âu thì có một người nhập cư. Như vậy, cuộc di cư quốc tế không ngừng nhân rộng đã tạo nên hiện tượng đa văn hóa toàn cầu. Thứ ba, với quan điểm phản đối văn hoá bá quyền của “phương Tây”, “châu Âu”, các nhà văn hoá học và nhân chủng học bắt đầu quan tâm hơn đến những giá trị văn hoá thiểu số, nhất là kể từ khi cuốn chuyên luận nhân học Tư duy nguyên thuỷ (Mind of Primitive Man) của Franz Boas ra đời vào năm 1911. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cuốn sách tạo điểm xuất phát cho chủ nghĩa Đa văn hóa và thuyết tương đối văn hóa (cultural relativisim). Boas khẳng định sự bình đẳng của các nền văn hoá, không phân cao thấp, mà chỉ có sự khác biệt. Cuốn sách đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà nhân chủng học và các công trình nghiên cứu Đa văn hoá sau này. Ngoài ra, không thể không kể đến xu hướng toàn cầu hoá (globalization) diễn ra sôi động trên các mặt của đời sống xã hội, tư tưởng “toàn cầu” liên đới trước hết đến các lĩnh vực kinh tế, khoa học – kĩ thuật, sau đó là giao lưu văn hoá, chính trị và văn học. Trong bài báo bàn về Toàn cầu hoá văn hoá và đa dạng văn hoá, Nguyễn Văn Dân đã đặt ra câu hỏi: Có toàn cầu hoá văn hoá và văn hoá toàn cầu không? Để trả lời cho câu hỏi đó, nhà nghiên cứu đã lập luận những cơ sở nhân văn chủ yếu của toàn cầu hoá văn hoá và điều kiện quan trọng hình thành văn hoá toàn cầu. Dựa trên các tiền đề đó, sự đa dạng văn hoá là “có ý nghĩa thời đại và ý nghĩa thực tiễn của nó chứ không phải là một thứ hàng bày mẫu để chiêm ngưỡng; nó là di sản sinh động của loài người chứ không phải là di tích đông cứng dùng để trưng bày trong viện bảo tàng” [17]. Báo cáo của UNESCO năm 2009 chuyên về các vấn đề đa văn hóa cũng cho rằng hệ quả của xu hướng toàn cầu hóa hiện nay chính là ngày càng có nhiều nhu cầu cần phải thắt chặt quan hệ giữa các cộng đồng đại diện cho các nền văn hóa khác nhau. Như vậy, có ba tiền đề chính cho sự ra đời của học thuyết đa văn hóa hay chủ nghĩa Đa văn hóa: phong trào dân chủ, làn sóng di cư và xu hướng toàn cầu hóa.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất