Đăng ký Đăng nhập

Tài liệu Cách nói để con nghe lời

.PDF
10
107
88

Mô tả:

Cách nói để con nghe lời Việc trẻ con không nghe lời người lớn là điều bình thường. Vấn đề là làm sao chúng ta có thể thuyết phục được con, khiến con nghe lời mình.  1. Bố mẹ cúi xuống ngang mức với bé Điều đầu tiên bố mẹ cần nhớ khi mong muốn dạy con biết nghe lời người lớn chính là hãy ngồi xuống hoặc quỳ gối, để bạn cao ở mức ngang bằng với bé. Với các bé còn nhỏ, đây sẽ là dấu hiệu cho bé nhận biết “bố mẹ sắp có chuyện cần nói đây, mình cần lắng nghe”. Khi mắt bạn đã ngang bằng mắt bé, hãy nhẹ nhàng áp tay bạn vào má con trong lúc nói điều mà bạn muốn con nghe. 2. Loại bỏ các yếu tố gây sao nhãng Khi bạn đang cố gắng giao tiếp với con, tốt nhất là không nên xuất hiện một yếu tố gây mất tập trung nào. Trẻ tuổi teen sẽ cảm thấy căng thẳng khi vừa phải nghe bố mẹ “có chuyện cần nói” vừa bị mất tập trung, trong khi trẻ nhỏ sẽ hoàn toàn không để ý lời cha mẹ nữa khi đã bị một yếu tố khác thu hút sự chú ý. 3. Đừng hỏi Hãy cố gắng tránh hết mức việc đưa ra cho con các câu hỏi, trừ phi bạn thực sự muốn từ con một câu trả lời. Cách tốt nhất vẫn là bạn đưa ra một yêu cầu trực tiếp. Ví dụ, thay vì hỏi: “Con có thể tự mặc áo khoác để chúng ta còn đi bây giờ được không? Con không muốn đến siêu thị à? ”, hãy nói: “Con mặc áo khoác vào thì chúng mình mới đi được chứ. Hôm nay mình đi siêu thị”. 4. Diễn đạt rõ ràng Hãy nhớ, đặc biệt với trẻ nhỏ, hệ thống từ vựng của trẻ chắc chắn không bằng của bạn. Cho nên hãy nói thật rõ ràng và sử dụng những từ đơn giản để truyền tải ý mình. Ngay cả trẻ lớn hơn cũng có thể hiểu sai ý cha mẹ nếu bản thân trẻ chưa được rõ ràng, không ít trường hợp người lớn cho rằng trẻ “không biết vâng lời” thực chất chỉ là trẻ “hiểu lầm” ý cha mẹ. 5. Yêu cầu bé nhắc lại lời mẹ vừa nói Trong trường hợp bạn muốn chắc chắn hoàn toàn rằng bé đã nghe hết lời mẹ, hãy yêu cầu bé nhắc lại điều mẹ vừa nói. Cách này bạn có thể kiểm tra xem bé đã biết chính xác mẹ muốn bé làm gì hay chưa. 6. Hãy kiên định Một phần của việc dạy cho con biết nghe lời chính là cho bé thấy thói quen hàng ngày của bạn, giờ nào làm việc nào, như thế bé sẽ hiểu rõ hơn bố mẹ trông chờ bé cư xử ra sao. Hãy chắc chắc rằng nếp nhà không thay đổi bất kể hoàn cảnh hay tâm trạng. Ví dụ, nếu bạn muốn con nghe lời khi bạn nói: “Không được nhảy trên ghế”, thì hãy chắc chắn rằng bạn không bao giờ cho phép con nhảy trên ghế ngay cả khi bạn đang bận nói chuyện điện thoại. 7. Giữ bình tĩnh Càng nổi nóng bạn càng chẳng làm cho con biết nghe lời được đâu. Khi có cảm giác bắt đầu nổi cơn giận, hãy đi sang một phòng khác, hít thở thật sâu, đếm từ 1 đến 100, sau đó mới quay lại giải quyết vấn đề. Bạn có thể sẽ cần 12 ngày mới mang vấn đề đó trở lại nếu đó không phải việc cấp thiết. Hãy giữ bình tĩnh, và xử lý tập trung! 8. Chọn hậu quả hay phần thưởng Hãy xây dựng một hệ thống thưởng phạt khi uốn cho con biết nghe lời. Con của bạn cần biết rằng, khi bé không vâng lời, thế nào cũng có “hậu quả” theo sau. Còn nếu biết vâng lời, có khi còn được thưởng! Bạn không cần thưởng con mọi lúc, nhưng thi thoảng hãy động viên bằng phần thưởng để nhắc con nhớ rằng: “Này, con đang làm đúng đấy”. Làm sao để trẻ vâng lời cha mẹ? Khi phải đặt ra các giới hạn cho những hành động của con cái, phần lớn các bậc cha mẹ nói quá nhiều, trở nên dễ xúc động hoặc thất bại trong việc bày tỏ mong muốn của mình một cách rõ ràng và đầy quyền uy. Chúng ta sẽ nhận được sự tuân thủ ngoan ngoãn hơn của con cái nếu chúng ta sử dụng 10 gợi ý sau.  1 Hãy cụ thể Không nên đưa ra những mệnh lệnh không rõ ràng kiểu “Đừng bầy bừa!”, “Ngoan đi nào”. Những chỉ dẫn kiểu như vậy có nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Con cái chúng ta sẽ hiểu chúng tốt hơn nếu những chỉ thị đó đưa ra thái độ, cách cư xử cụ thể, rành mạch, mà chúng ta chờ đợi ở con mình. Cần giới hạn rõ ràng cho trẻ biết chính xác phải làm gì: “Con hãy nói thầm khi mọi người đang ngủ”, “Cho chim ăn bây giờ đi”, “Nắm tay mẹ khi mình sang đường”. Gợi ý này có thể làm tăng đáng kể mức độ nghe lời của con bạn.  2 Hãy đưa ra các lựa chọn Trong nhiều trường hợp bạn có thể cho con mình lựa chọn giới hạn trong việc quyết định thực hiện mệnh lệnh của bạn như thế nào. Có chút tự do lựa chọn khiến cho trẻ thấy được cảm giác của quyền lực và sự kiểm soát, làm giảm sự chống cự của nó. Ví dụ như, “Đến giờ tắm rồi, con muốn mẹ lấy cho con quần áo, hay con tự chọn?”, “Con muốn tập đàn 10 phút buổi sáng và 10 phút buổi tối, hay tập luôn 20 phút 1 lần?”  3 Hãy tỏ ra cứng rắn Đối với những việc quan trọng khi mà không có lựa chọn nào khác ngoài việc nghe lời, bạn nên nói ra yêu cầu của mình một cách cứng rắn, cho trẻ biết rằng nó cần dừng ngay hành động không mong muốn của mình và tức thì tuân theo bạn. Ví dụ như: “Về phòng con ngay đi!” hay “Dừng ngay lại! Đồ chơi không phải để ném!”. Những hạn chế cứng rắn có hiệu lực hơn nếu được đưa ra bằng giọng ra lệnh và với cái nhìn nghiêm túc. Mặt khác, những hạn chế nhẹ nhàng cho trẻ biết là nó có lựa chọn hoặc nghe lời hoặc không nghe lời. Ví dụ của những hạn chế kiểu này là: “Sao con không bỏ đồ chơi ra chỗ khác nhỉ?”, “Chúng mình làm bài tập đi”, “Con vào nhà bây giờ đi, được không?” và “Mẹ thực sự mong con tự dọn dẹp phòng của mình.” Những mệnh lệnh nhẹ nhàng thích hợp cho những trường hợp khi bạn muốn trẻ hành động một cách nhất định nhưng bạn không qui định hành động đó. Tuy nhiên đối với những hành động bắt buộc phải được làm bạn sẽ đạt được sự tuân thủ tốt hơn khi sử dụng mệnh lệnh cứng rắn. Cứng rắn là mảnh đất nằm giữa nhẹ nhàng và thù địch.  4 Hãy đưa ra các đòi hỏi khẳng định Trẻ em dễ tiếp nhận những mệnh lệnh khẳng định “Hãy làm” hơn là phủ định “Đừng (không được) làm”. Thông thường nếu bạn nói cho trẻ biết phải làm gì (“Hãy nói nhỏ!”) sẽ tốt hơn nếu bạn nói (“Đừng có hét!”). Người ta nhận thấy rằng các bậc phụ huynh độc đoán đưa ra các mệnh lệnh “Đừng”, trong khi các bậc cha mẹ có quyền lực lại thiên về các chỉ thị “Hãy làm.”  5 Hãy để bạn bên ngoài mệnh lệnh Khi bạn nói “Mẹ muốn con đi ngủ bây giờ,” bạn có thể đã tạo ra một cuộc chiến cá nhân giữa bạn và con bạn. Biện pháp tốt hơn là hãy nói “bâng quơ”, ví dụ như, “Bây giờ là 9 h. Giờ đi ngủ của con đấy,” và chỉ tay vào đồng hồ. Trong trường hợp này tất cả những xích mích và cảm giác nặng nề sẽ là giữa trẻ và cái đồng hồ. Và sẽ triển vọng hơn khi bạn nói “Qui tắc là không được ném bóng trong nhà” thay bằng nói “Mẹ không thích con ném bóng trong nhà,” con bạn sẽ ghét cái qui tắc kia hơn là ghét bạn đấy.  6 Hãy giải thích tại sao lại cần sự hạn chế Khi lần đầu tiên bạn đưa ra hạn chế, hãy giải thích tại sao con bạn lại phải tuân theo nó. Việc hiểu được nguyên nhân của qui tắc sẽ giúp con bạn phát triển chuẩn mực cư xử, hành động bên trong con người nó, tức là lương tâm. Thay bằng đưa ra những giải thích dài dòng mà trẻ sẽ quên ngay bạn hãy nói nguyên nhân một cách ngắn gọn, ví dụ như: “Không cắn người khác. Mọi người sẽ đau đấy”, “Khi con giằng đồ chơi của bạn khác, bạn ấy cảm thấy buồn bởi vì vẫn còn muốn chơi với chúng.”  7 Hãy đề nghị phương án lựa chọn Bất cứ khi nào bạn chỉ ra giới hạn cho một hoạt động nào đó của trẻ, bạn hãy cố chỉ ra một hoạt động khác thay thế có thể chấp nhận được. Làm như vậy chỉ thị của bạn nghe có vẻ ít cấm đoán hơn và con bạn sẽ cảm thấy ít bị tước đoạt hơn. Theo cách đó, bạn có thể nói: “Mẹ biết con thích thỏi son của mẹ, nhưng nó dành để bôi môi, không phải để chơi con ạ. Đây có bút chì mầu và giấy thay cho nó đây.” Một ví dụ khác bạn nên nói: “Con không thể ăn kẹo trước bữa ăn trưa, nhưng con có thể ăn một chút kem sô cô la mà con thích sau khi ăn tối.” Bằng cách đưa ra những phương án lựa chọn, bạn dạy con mình rằng tình cảm và những mong muốn của nó là có thể chấp nhận được, chỉ có cách thể hiện chúng là không được mà thôi.  8 Hãy kiên định một cách nghiêm túc Nguyên tắc chủ yếu giúp việc đặt ra giới hạn có hiệu quả là tránh những quy tắc lúc có lúc không. Một thời gian biểu không cố định (chẳng hạn như, giờ đi ngủ hôm nay là 8h, hôm sau là 8h30, hôm sau nữa lại là 8h45) là tiền đề cho việc chống cự và là thời gian biểu hầu như không thể bắt ép trẻ theo. Những quy tắc và những thói quen quan trọng của gia đình phải có luôn hiệu lực, thậm chí nếu đôi khi bạn cảm thấy mệt mỏi và khó chịu.  9 Hãy tỏ ý bất bình với thái độ, cách cư xử của trẻ, chứ không phải là bản thân nó Không quan trọng hành động của trẻ nghiêm trọng đến mức nào, chúng ta cần cho trẻ hiểu là chúng ta chỉ không tán thành hành động của chúng mà không hắt hủi chúng. Bởi vậy thay bằng nói “một thằng bé hư!” (chê bai trẻ), chúng ta nên nói: “Không được cắn” (phê phán hành động cụ thể). Thay bằng nói: “Mẹ không thể chịu nổi con hành động như vậy”, chúng ta nên nói: “Những cái lọ đó không phải để lăn đâu con. Chúng phải được đứng trên giá.”  10 Hãy kiểm soát cảm xúc của mình Các nhà nghiên cứu thông báo rằng khi cha mẹ rất bực tức, họ phạt con mình rất nặng và có nhiều khả năng lăng mạ con mình bằng lời hay vũ lực. Có những lúc chúng ta cần hít thở sâu và đếm đến 10 hơn là mắng nhiếc con một cách thù địch. Uốn nắn kỷ luật chủ yếu là dạy trẻ cách cư xử và bạn chẳng thể dạy con hiệu quả, nếu bạn kích động quá mức. Bởi vậy thay bằng “tấn công” con bằng những nhận xét giận dữ có tính chất làm bẽ mặt: “Con làm sao thế?”, tốt hơn cả là bạn hãy dành một phút để trấn an mình và sau đó hỏi: “Chuyện gì xẩy ra ở đây thế này?” Tất cả trẻ em đều cần cha mẹ mình xác định những nguyên tắc chỉ đạo để có một cách cư xử có thể chấp nhận được. Chúng ta càng khéo đưa ra các giới hạn bao nhiêu thì sự hợp tác chúng ta nhận được từ con cái mình càng lớn bấy nhiêu và sự bắt ép phải tuân theo các mệnh lệnh bằng cách áp dụng những hậu quả khó chịu càng ít cần thiết bấy nhiêu. Và kết quả là một bầu không khí gia đình dễ chịu hơn cho cả cha mẹ và con cái.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan