Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Tư tưởng học đi đôi với hành của hồ chí minh và sự vận dụng tư tưởng này ở một s...

Tài liệu Tư tưởng học đi đôi với hành của hồ chí minh và sự vận dụng tư tưởng này ở một số trường đại học việt nam hiện nay

.PDF
175
856
156

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI LÊ VĂN MƯỜI TƯ TƯỞNG HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH CỦA HỒ CHÍ MINH VÀ SỰ VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG NÀY Ở MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM HIỆN NAY Chuyên ngành Mã số : CNDVBC & CNDVLS : 62 22 03 02 LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Hồ Việt Hạnh Hà Nội - 2017 LỜI CAM ĐOAN Tác giả cam đoan luận án này là do bản thân tự thực hiện và không sao chép các công trình nghiên cứu của người khác để làm sản phẩm của riêng mình. Các thông tin thứ cấp sử dụng trong luận án là có nguồn gốc và được trích dẫn rõ ràng. Tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính xác thực và nguyên bản của luận án. Tác giả luận án Lê Văn Mười MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 7 1.1. Các công trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục……………......... 7 1.2. Các công trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn………………………………………………….................. 10 1.3. Những công trình nghiên cứu liên quan đến thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh ở một số trường Đại học Việt Nam…………………………………………………………………….. 12 1.4. Đánh giá chung tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án………………. 24 Chương 2: TƯ TƯỞNG HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH CỦA HỒ CHÍ MINH: CƠ SỞ HÌNH THÀNH VÀ NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU ………….. 27 2.1. Cơ sở hình thành tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh……………...... 27 2.2. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về học đi đôi với hành …………………...……... 42 Chương 3: VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH CỦA HỒ CHÍ MINH Ở MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM HIỆN NAY: THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA …………………... 64 3.1. Thực trạng vận dụng tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh ở một số trường đại học Việt Nam hiện nay……………………………………………………... 64 3.2. Một số vấn đề đặt ra……………………………………………………………….. 103 Chương 4: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH CỦA HỒ CHÍ MINH Ở MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM ………… 116 4.1. Phương hướng……………………………………………………………………... 116 4.2. Giải pháp…………………………………………………………………………... 122 KẾT LUẬN……………………………………………………………………………. 156 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ………………… 159 TÀI LIỆU THAM KHẢO………………………………………………………....... 160 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã gặt hái được nhiều thành công trên mọi phương diện của đời sống xã hội; đời sống người dân ngày càng được cải thiện, uy tín quốc gia ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể những thành công và kết quả đó chưa ngang tầm với tiềm năng chúng ta đang có. Trong số những vấn đề cấp bách hiện nay phải kể đến vấn đề giáo dục. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI (tháng 10-2012), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (11-2013), Đảng ta đã nêu ra những phương hướng cơ bản về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục: giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giáo dục phải có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam; cần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục (từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học, đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học); trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tích cực, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới, kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc; đổi mới giáo dục phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp đổi mới giáo dục phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp; đổi mới giáo dục phải theo nhu cầu phát triển của xã hội, theo 1 hướng nâng cao chất lượng, theo hướng hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời. Tiếp tục ở Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng ta đưa ra đường lối đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xác định đây là một kế sách, quốc sách hàng đầu, tiêu điểm của sự phát triển, mang tính đột phá, khai mở con đường phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong thế kỷ XXI, khẳng định triết lý nhân sinh mới của nền giáo dục nước nhà “dạy người, dạy chữ, dạy nghề”. Trong số các nhiệm vụ được đề cập tới tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (tháng 5/2017) là hoàn thiện thể chế về phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, về giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để tranh thủ những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để đổi mới căn bản về giáo dục ở nước ta hiện nay theo chủ trương của Đảng, chúng ta cần nhận thức sâu sắc và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Hồ Chí Minh khẳng định giáo dục là một trong những phương tiện quan trọng nhất để nâng cao năng lực và phẩm chất của con người, mà trước hết là nâng cao lòng yêu nước và hoàn thiện nhân cách. Giáo dục là một mặt trận quan trọng, không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa. Hồ Chí Minh xem dốt nát là giặc vì nó cản trở việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phá hoại hạnh phúc của nhân dân. Trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn của cách mạng, Người đặc biệt quan tâm tới giáo dục, công việc và cuộc sống của các thầy giáo, cô giáo. Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về giáo dục và đào tạo, về vai trò, vị trí của giáo dục; mục đích của giáo dục; nhiệm vụ của giáo dục; nội dung, phương pháp của giáo dục. Di sản đồ sộ đó có thể coi là triết lý Hồ Chí Minh về giáo dục. Trong tư tưởng về giáo dục của Hồ Chí Minh, tư tưởng học đi 2 đôi với hành chiếm một vị trí quan trọng. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” 121, tr.7, “học phải đi đôi với hành”, “lý luận phải gắn với thực tiễn”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết: “Một người học xong đại học, có thể gọi là có tri thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có tri thức một nửa” 122, tr.275, điều này có thể hiểu một sinh viên sau tốt nghiệp đại học không chỉ ôm đồm mớ kiến thức khô khan tham gia vào thị trường lao động mà bản thân anh ta phải học và tự trang bị những tri thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động. Để làm được điều đó, theo Người lý luận phải đem ra thực hành, thực hành phải nhằm theo lý luận, lý luận cốt là để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng để lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Hồ Chí Minh phê phán những người có học đại học nhưng xa rời thực tiễn, xa rời những đòi hỏi cấp bách của xã hội ở những năm sau cách mạng tháng 8 năm 1945 và hiện nay nhưng nội dung này vẫn còn nguyên tính thời sự. Bởi vì, chất lượng giáo dục nước ta hiện nay còn thấp, số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều, điều này có một phần nguyên nhân ở sự xa rời tư tưởng học đi đôi với hành mà Hồ Chí Minh nói ở trên. Chính vì thế, đi sâu tìm hiểu và làm rõ giá trị hiện thực của quan điểm Hồ Chí Minh về “học đi đôi với hành” có ý nghĩa chiến lược trong định hướng lý luận cũng như chỉ đạo thực tiễn giáo dục, đào tạo ở các trường học nói chung, một số trường Đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay nói riêng. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, trong đó có tư tưởng học đi đôi với hành, là việc làm có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở nước ta hiện nay. Với lý do đó tôi chọn đề tài “Tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh và sự vận dụng tư tưởng này ở một số trường đại học Việt Nam hiện nay” làm luận án Tiến sĩ của mình. 3 2. Mục đích, nhiệm vụ 2.1. Mục đích Luận án phân tích cơ sở hình thành, nội dung tư tưởng của Hồ Chí Minh về học đi đôi với hành, đánh giá thực trạng, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về học đi đôi với hành trong công tác giáo dục, nhằm mục đích đào tạo những cá nhân thành đạt, công dân có trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế ở một số trường Đại học khối kỹ thuật Việt Nam hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ Thứ nhất: Phân tích tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh Thứ hai: Phân tích thực trạng vận dụng tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh ở một số trường đại học khối kỹ thuật hiện nay và một số vấn đề đặt ra nhằm đào tạo ra lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của xã hội. Thứ ba: Đề xuất một số phương hướng và giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về học đi đôi với hành ở một số trường Đại học khối kỹ thuật Việt Nam hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Nghiên cứu tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh và thực trạng vận dụng tư tưởng này ở một số trường đại học thuộc khối kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung: Luận án nghiên cứu tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh và vận dụng vào một số trường Đại học ở Việt Nam hiện nay - Về không gian và thời gian: Luận án nghiên cứu ở một số trường đại học thuộc khối kỹ thuật (Đại học Giao thông vận tải, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Thủy Lợi, Đại học Công nghiệp Hà Nội) ở Việt Nam chủ yếu từ năm 1996 đến nay. 4 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 4.1. Cơ sở lý luận: Luận án dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, các quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục nói chung và học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn nói riêng. 4.2. Phương pháp nghiên cứu: Luận án sử dụng các phương pháp của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để phân tích, lý giải, làm rõ các vấn đề, trong đó có kết hợp các phương pháp lịch sử và lôgic, phân tích và tổng hợp, quy nạp và diễn dịch, phương pháp điều tra, so sánh… nhằm thực hiện mục đích mà đề tài đã đặt ra. 5. Những đóng góp về mặt khoa học của luận án - Phân tích một cách hệ thống tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh. - Làm rõ thêm mặt tích cực và mặt hạn chế của việc vận dụng tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh và chỉ ra một số mâu thuẫn trong công tác giáo dục – đào tạo ở một số trường đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay. - Đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh ở một số trường Đại học khối kỹ thuật Việt Nam hiện nay. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận của luận án Luận án góp phần phân tích một cách hệ thống về tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh; cung cấp cơ sở khoa học cho việc đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay. 5 6.2. Ý nghĩa thực tiễn của luận án - Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tư liệu tham khảo trong việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục ở các trường đại học Việt Nam hiện nay. - Luận án có thể làm tài liệu tham khảo, giảng dạy và tuyên truyền cho các giảng viên, nhà quản lý giáo dục và sinh viên trong các trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam hiện nay. 7. Kết cấu luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4 chương 11 tiết. 6 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 1.1. Các công trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục Hiện đã có rất nhiều công trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và vận dụng tư tưởng này trong chỉ đạo trực tiếp hoạt động ở các trường đại học. Tiêu biểu có các công trình sau. Cuốn “Hồ Chủ Tịch bàn về giáo dục” (1962), Nxb Giáo dục. Đây là tài liệu đã thống kê được khá sớm và tương đối đầy đủ về những bài viết ngắn, những bài nói chuyện, các bức thư của Người liên quan đến vấn đề giáo dục nói chung. Cuốn “Hồ Chủ tịch nhà giáo dục vĩ đại” (1990) của Nguyễn Lân, Nxb Khoa học xã hội. Tác giả đã tập hợp những chỉ thị, những lá thư, những phát biểu của Hồ Chí Minh về giáo dục. Nội dung cuốn sách trình bày và phân tích những ý kiến lớn của Hồ Chí Minh về giáo dục. Theo tác giả, những ý kiến ấy của Hồ Chí Minh về giáo dục là cương lĩnh cho toàn ngành giáo dục, là cơ sở lý luận và thực tiễn của nền giáo dục dân tộc, dân chủ, khoa học, tiến bộ, một thứ cẩm nang cho mỗi người làm giáo dục của chúng ta. Người luôn theo dõi, khuyến khích, uốn nắn những hoạt động giáo dục, vạch ra những con đường xây dựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Cuốn: “Tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện” của PGS,TS Thành Duy, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001. Cuốn sách đã viết về tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh – một trong những biện pháp để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Cuốn“Phát triển giáo dục Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XXI theo tư tưởng Hồ Chí Minh” (2002) do Nguyễn Thị Nga chủ biên, Nxb Chính trị quốc gia. Tác giả phân tích khái quát tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh về giáo dục trên những khía cạnh như mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục. Tác giả khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục không chỉ là ánh sáng soi đường, kim chỉ nam cho chiến lược phát triển con người, phát triển giáo dục ở Việt Nam mấy 7 chục năm qua, mà còn là định hướng cơ bản đối với việc đổi mới, chấn hưng và phát triển nền giáo dục Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XXI. Công trình “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục” (2005) của nhóm tác giả Đào Thanh Hải và Minh Tiến, Nxb Lao Động. Công trình này thống kê các bài viết của Hồ Chí Minh liên quan tới vấn đề giáo dục. Cuốn sách được chia làm ba phần. Phần thứ nhất là những tư tưởng của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo nước ta. Phần thứ hai là những tư tưởng của Hồ Chí Minh về phát triển của nền giáo dục của chế độ mới. Phần thứ ba là những tư tưởng của Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của giáo dục- đào tạo đối với sự phát triển của đất nước. Theo tác giả, những bài viết của Người là nhằm chỉ đạo trực tiếp các hoạt động giáo dục của nước ta (trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược) và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc. Cuốn: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục” của TS Lê Văn Yên. Nxb Lao động, 2006. Cuốn sách gồm 3 phần: Phần 1, Tư tưởng Hồ Chí Minh – Tài sản quý giá của Đảng và dân tộc; Phần 2, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam; Phần 3, Quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tác giả tập hợp khá đầy đủ các bài viết quan trọng của các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nhà tư tưởng, nhà giáo dục, chuyên gia – một tập tư liệu quý để giúp nghiên cứu, học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đổi mới giáo dục nước ta hiện nay. Trong đó, trực tiếp bàn về phương pháp giáo dục có bài “Hoàn cảnh, điều kiện hình thành tư tưởng và phương pháp giáo dục của Hồ Chí Minh” của GS Đinh Xuân Lâm; “Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục” của TS Vũ Văn Gầu – TS Nguyễn Anh Quốc. Cuốn: “Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục” của PGS,TS Nguyễn Khánh Bật chủ biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007. Cuốn sách gồm 5 phần tập hợp những thư, điện của Hồ Chí Minh gửi ngành giáo dục; những bài nói, bài viết của Người về giáo dục; biên niên hoạt động của Người về giáo dục. Cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên (2008) của Đoàn Nam Đàn, Nxb Chính trị Quốc gia. Nội dung của cuốn sách nói về nguồn gốc, quá trình 8 hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên và vận dụng, phát triển tư tưởng này trong giáo dục thanh niên ở nước ta hiện nay. Theo tác giả, Hồ Chí Minh luôn coi việc bồi dưỡng thế hệ cho cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết; Hồ Chí Minh luôn yêu cầu Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Cuốn: “Hồ Chí Minh về giáo dục – toàn thư” của Nghiêm Đình Vỳ, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008. Cuốn sách đã tập hợp những bài nói, bài viết của chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến mọi lĩnh vực của công tác giáo dục, bao gồm: Giáo dục trong nhà trường cho thế hệ trẻ - Từ xác định mục tiêu giáo dục, nội dung và phương pháp giáo dục đến những quan điểm lớn về xây dựng một nền giáo dục cách mạng, tiên tiến; giáo dục mọi công dân trên các lĩnh vực công tác, trong tổ chức xã hội, đoàn thể khác nhau. Cuốn: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển con người toàn diện” của Nguyễn Hữu Công, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010. Cuốn sách dành một nội dung đề cập về quan điểm giáo dục, đào tạo toàn diện của Hồ Chí Minh, với ý nghĩa là một trong những con đường phát triển con người toàn diện. Cuốn “Quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục” (2011), Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật. Tác giả cho rằng, Hồ Chí Minh luôn luôn nhất quán phương châm “cách mạng là giáo dục và giáo dục là cách mạng”, giáo dục phải thấm nhuần tinh thần dân chủ. Cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục” do GS,TS Phan Ngọc Liên và TS Bùi Thu Hà biên soạn, tuyển chọn, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012. Cuốn sách tuyển chọn những bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh về giáo dục và phân tích, làm rõ nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển và nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh về người thầy và việc xây dựng đội ngũ giảng viên đại học hiện nay” do Ngô Hà chủ biên, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội (2013). Tác giả phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người thầy. Cuốn sách được chia ra làm ba nội dung. Trong Chương I “Khái lược tư tưởng Hồ 9 Chí Minh về người thầy giáo”, tác giả phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, đạo đức của thầy giáo; về phương pháp giảng dạy của người thầy và đặc biệt về trọng dụng tri thức – nhân tài. Trong Chương II, tác giả phân tích về đội ngũ giảng viên đại học trong những năm đầu thế kỷ XXI, thành tựu và những hạn chế mà đội ngũ giảng viên đại học đóng góp. Bên cạnh đó tác giả đi vào nghiên cứu sự tác động của xã hội và điều kiện thu nhập của giảng viên tới công tác trồng người. Trong Chương III, tác giả phân tích sự vận dụng tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh về người thầy trong việc xây dựng đội ngũ giảng viên đại học trong giai đoạn hiện nay. 1.2. Các công trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn Bài Tư tưởng Hồ Chí Minh về thống nhất giữa lý luận và thực tiễn nhằm khắc phục bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều (2006) của tác giả Trần Văn Phòng, Tạp chí Khoa học xã hội, số 5 - 2006. Tác giả dẫn ra nhiều cách diễn giải khác nhau của Hồ Chí Minh như: “Lý luận đi đôi với thực tiễn”, “Lý luận kết hợp với thực hành”, “Lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau”, “Lý luận phải liên hệ với thực tế”. Theo tác giả, dù nói “đi đôi”, “gắn liền”, “kết hợp” nhưng điều cốt lõi nhất mà Người muốn nhấn mạnh là: “thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Cuốn: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo” do PGS,TS Phạm Ngọc Anh và TS Nguyễn Thị Kim Dung đồng chủ biên. Nxb Lao động xã hội, 2011 Cuốn sách tuyển chọn 31 bài viết, đã làm rõ hơn những quan điểm cơ bản của Hồ Chí minh về giáo dục và đào tạo, như vị trí, vai trò, nội dung, phương châm, phương pháp giáo dục. Có một số bài phân tích khá sâu sắc nguyên tắc học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, tấm gương tự học, học ngoại ngữ, học suốt đời của Hồ Chí Minh. Bài“Kiên trì thực hiện triết lý giáo dục Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh” (2013) của tác giả Vũ Hằng, Tạp chí Cộng sản điện tử (tapchicongsan.org.vn, 19-11-2013). Theo tác giả, trong lịch sử giáo dục Việt Nam, 10 ở mỗi giai đoạn bao giờ cũng có triết lý giáo dục riêng phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, được diễn giải một cách tự nhiên, giản dị bởi những câu thành ngữ, tục ngữ như: “Không thầy đố mày làm nên”, “học thầy không tày học bạn”, “Học một biết mười”, “Ăn vóc học hay”, “Học đi đôi với hành”, “Tiên học lễ, hậu học văn”… Qua đó, quan niệm giáo dục của dân ta về đối tượng, phương pháp giáo dục trong đó có phương pháp học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tế được thể hiện khá rõ nét và có bản sắc văn hóa, tính khoa học. Cuốn: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và vận dụng vào đào tạo Đại học hiện nay” của Hoàng Anh, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2013. Cuốn sách trình bày về nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục trong từng thời kỳ gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người cũng như của đất nước… Đặc biệt, tác giả đã phân tích nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục nói chung, trong đó có một phần bàn luận rất sâu sắc về nguyên tắc học đi đôi với hành trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo tác giả, nguyên lý này vừa có tính khoa học vừa có giá trị thực tiễn. Học là quá trình nhận thức chân lý khoa học, hành là rèn luyện để hình thành các kỹ năng lao động và hoạt động xã hội, tức là biến kiến thức đã tiếp thu được thành năng lực hoạt động của từng cá nhân. Theo Người, mục đích giáo dục của mọi thời đại không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn biết áp dụng kiến thức vào thực tiễn, hình thành kỹ năng, kỹ xảo hoạt động; học để biết, học để làm. Bài viết: “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong vấn đề “học đi đôi với hành” trong dạy và học” của Nguyễn Đăng Bình đăng trên Website Quản trị ngày 22/10/2015. Tác giả phân tích rõ quan niệm của Hồ Chí Minh về “học” và “hành”, thực chất của “học” và “hành” trong thực tế như thế nào. Tác giả khẳng định tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh đã chỉ cho chúng ta thấy rằng việc “hành” là mục tiêu, động lực của “học và hành”vừa là môi trường trải nghiệm để học tập hiệu quả nhất, vừa là kết tinh, là biểu hiện bên ngoài của việc học. Dạy – học không phải là một quá trình truyền đạt, tiếp thu tri thức một cách thụ động, một chiều mà ở đó diễn ra sự tương tác hai chiều trong dạy – học và học – dạy. “Học đi 11 đôi với hành” còn là nguyên lý, phương pháp trong dạy và học, Người nhắc nhở phải hết sức tránh “giáo điều”, “máy móc”. 1.3. Những công trình nghiên cứu liên quan đến thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh ở một số trường Đại học Việt Nam hiện nay Trong những năm qua, đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về thực trạng, giải pháp phát triển giáo dục Việt Nam, trong đó có thực trạng và giải pháp vận dụng tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh vào giáo dục Tác giả Trần Hồng Quân trong cuốn "Một số vấn đề đổi mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo" (1995), Nxb Giáo dục Hà Nội, đã đề cập đến những nội dung cũng như một số giải pháp nhằm đổi mới phương thức quản lý giáo dục nói chung từ quản lý nhà trường, nhà giáo, người học. Tác giả nhấn mạnh rằng, xây dựng hệ thống chính sách và chế độ đối với nhà giáo là sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục, điều đó góp phần tạo ra động lực để thực hiện mục tiêu giáo dục đặt ra. Trong cuốn "Một số vấn đề về chính sách xã hội ở nước ta hiện nay" (1993) do Hoàng Chí Bảo chủ biên, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. Đứng trên quan điểm đổi mới của Đảng và với phương pháp tiếp cận từ "con người thực tiễn", các tác giả đã kiến giải những vấn đề lý luận chung về chính sách xã hội, tính chất và đặc thù của mối quan hệ của nó với các chính sách kinh tế, văn hóa, đồng thời phân tích và luận chứng chính sách xã hội đối với các nhóm xã hội lớn ở nước ta. Trên cơ sở đó các tác giả đã đưa ra những kiến nghị và giải pháp nhằm xây dựng chính sách xã hội hợp lý vì con người và phát triển nhân tố con người. Trong đó có những kiến giải về giáo dục như: phát triển nền giáo dục và đào tạo phải gắn bó hài hoà với xu thế phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, phát triển nền giáo dục và đào tạo phải theo hướng đa dạng về hình thức, mềm dẻo và linh hoạt trong cơ chế, phát triển nền giáo dục và đào tạo phải công khai, dân chủ, bình đẳng và công bằng. Phạm Minh Hạc đã viết nhiều tài liệu về giáo dục và xã hội hóa giáo dục, nhiều bài phát biểu chỉ đạo phong trào xã hội hóa giáo dục. Trong cuốn "Xã hội hóa 12 công tác giáo dục" (xuất bản năm 1997), tác giả trích một số lời dạy, phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và văn bản pháp quy; trình bày cơ sở lí luận và thực tiễn của công tác xã hội hoá giáo dục; kinh nghiệm thực hiện xã hội hoá công tác giáo dục ở một số địa phương. Tác giả khẳng định: "Xã hội hóa công tác giáo dục là một tư tưởng chiến lược, một bộ phận của đường lối giáo dục, một con đường giáo dục mới của nước ta". Trong cuốn sách "Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa của thế kỷ”, tác giả một lần nữa đã khẳng định: "Sự nghiệp giáo dục không chỉ là công việc của Nhà nước, mà của toàn xã hội; mọi người cùng làm giáo dục, Nhà nước và xã hội, trung ương và địa phương cùng làm giáo dục, tạo nên một cao trào học tập trong toàn dân". Cuốn "Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá" (2001), Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. Các tác giả trình bày khái quát lịch sử hình thành và phát triển của ngành khoa học xã hội trên thế giới và ở Việt Nam; chỉ ra một số kết quả bước đầu trong chương trình nghiên cứu con người và nguồn nhân lực; đưa ra một số đề xuất và kiến nghị về chiến lược và chính sách nhằm phát triển toàn diện nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Cuốn "Phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học Việt Nam" của Đỗ Minh Cương, Nguyễn Thị Doan (2001), Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. Các tác giả đã cung cấp cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học của các quốc gia trên thế giới; khái quát về thực tiễn phát triển của giáo dục đại học Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc và nhận diện các nhân tố truyền thống của nó; phân tích và đánh giá thực trạng của nguồn nhân lực giáo dục đại học nước ta hiện nay; chỉ ra những nguyên nhân yếu kém; nhận định về cơ hội và thách thức của giáo dục đại học của nước ta trong vài thập kỷ đầu của thế kỷ XXI; đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục. Trong phần thực trạng của nguồn nhân lực giáo dục đại học, các tác giả phân tích những yếu kém còn tồn tại trong nguồn nhân lực và công tác quản lý, phát triển nguồn nhân lực của nước ta. Theo các tác giả, nguồn nhân lực của nước ta đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải; nhu cầu học tập của xã hội và quy mô đào tạo tăng nhanh trong khi số lượng giáo viên và năng lực của đội ngũ giáo viên có giới hạn và khả năng tăng chậm. 13 Cuốn "Giáo dục đại học chất lượng và đánh giá " (2002), Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển giáo dục, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết về giáo dục đại học của những nhà nghiên cứu giáo dục, nhà giáo lâu năm trong giáo dục đại học. Cuốn sách gồm 3 phần: Phần 1 đánh giá hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên; Phần 2 đánh giá hoạt động học tập của sinh viên và học viên cao học; Phần 3 đánh giá chương trình đào tạo và chương trình giảng dạy. Qua 3 phần của cuốn sách, các tác giả đã cho thấy đôi nét về thực trạng chất lượng giảng dạy và chất lượng nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Cuốn "Từ chiến lược phát triển giáo dục, đến chính sách phát triển nguồn nhân lực (2002), Nxb Giáo dục, Hà Nội. Cuốn sách là tuyển tập các công trình nghiên cứu và bài báo khoa học của nhiều tác giả. Các tác giả cung cấp những thông tin về chiến lược, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; phân tích các vấn đề phương pháp luận về chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực, thực tiễn về chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế, chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực. Bài viết "Đổi mới cách làm - điều cốt yếu để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010" của tác giả Đặng Ưng Vận (in trong cuốn "Chiến lược phát triển giáo dục trong thế kỷ XXI kinh nghiệm của các quốc gia", Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, (2002)). Tác giả bài viết khẳng định rằng, chủ trương xã hội hóa đã có tác động tích cực đến sự nghiệp giáo dục; 5 năm thực hiện nghị quyết 90 và 3 năm thực hiện Nghị định 73 đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt, thu được những kết quả quan trọng. Chúng ta đã mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, nâng cao dân trí, tăng thêm cơ hội được học tập cho nhân dân, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục vạn người. Huy động được nhiều nguồn tài chính đa dạng đầu tư cho giáo dục. Ngoài ra, tác giả còn chỉ ra hạn chế trong công tác xã hội hóa giáo dục ở nước ta trong giai đoạn này là: nhận thức chưa đầy đủ, tâm lý ỷ lại trông chờ ở Nhà nước, công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện xã hội hóa của các cấp quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. 14 Đề tài "Chuyển giao dịch vụ công cho các cơ sở ngoài nhà nước ở Việt Nam" (2002),do Lê Chi Mai làm chủ nhiệm đề tài, Học viện Hành chính Quốc gia. Các tác giả đưa ra những lý luận cơ bản về dịch vụ công và vai trò của nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công cho xã hội; bên cạnh đó các tác giả chỉ ra xu hướng chuyển giao dịch vụ công từ khu vực công sang khu vực ngoài nhà nước trên thế giới hiện nay; khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng chuyển giao việc cung ứng các dịch vụ công cho các cơ sở ngoài nhà nước và việc quản lý nhà nước đối với những cơ sở này trên ba lĩnh vực trong đó giáo dục là một trong những lĩnh vực mà đề tài đề cập tới. Từ đó, các tác giả đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước đối với chuyển giao dịch vụ công cho các cơ sở ngoài nhà nước ở nước ta. Cuốn sách Trí thức giáo dục đại học Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (của Nguyễn Văn Sơn, 2002, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội). Cuốn sách trình bày những vấn đề cơ bản về trí thức giáo dục đại học Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cung cấp thêm cơ sở cho việc đổi mới, phát triển nền giáo dục đại học nước nhà đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Cuốn "Về giáo dục" (2003, của tác giả Phạm Minh Hạc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội). Tác giả đề cập đến kinh nghiệm phát triển giáo dục; xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; một số vấn đề đặt ra đối với ngành giáo dục nước ta khi bước vào thế kỷ XXI. Cuốn “Dịch vụ công và xã hội hóa dịch vụ công một số vấn đề lý luận và thực tiễn” (2004, do Chu Văn Thanh làm chủ biên, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội) tập hợp một số chuyên luận, khảo cứu tham gia các hội thảo về chủ đề dịch vụ công và xã hội hóa dịch vụ công. Trong đó có những chuyên khảo về tình hình thực hiện và các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục ở nước ta. Cuốn Giáo dục Việt Nam hướng tới tương lai vấn đề và giải pháp (Đặng Quốc Bảo, Nguyễn Đắc Hưng đồng chủ biên, 2004, Nxb Chính trị quốc gia HàNội). Các tác giả đã phân tích những thời cơ và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa, kinh tế tri thức, phác họa bức tranh toàn cảnh về tình hình giáo dục và đào tạo của 15 nước ta (thời kỳ phong kiến đến giai đoạn thực dân Pháp đô hộ, sau Cách mạng Tháng tám năm 1945 đến hiện nay); từ đó đề xuất những vấn đề đặt ra và các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới để không ngừng phát triển nền giáo dục, đào tạo nước nhà. Cuốn sách Nguồn lực và động lực phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Lê Du Phong chủ biên, 2006, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội). Các tác giả đã đưa ra khái niệm nguồn nhân lực, phân tích tầm quan trọng nguồn nhân lực với tư cách là động lực của sự phát triển; phân tích một số vấn đề về thực trạng phát triển nguồn nhân lực ở nước ta trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trước yêu cầu phát triển mới. Cuốn sách“Đảng cộng sản Việt Nam, những tìm tòi và đổi mới trên con đường lên chủ nghĩa xã hội (1986-2006)” (2007, Doãn Hùng, Nguyễn Ngọc Hà, Đoàn Minh Tuấn làm chủ biên, Nxb Lý luận chính trị). Cuốn sách lý giải về các vấn đề được tổng kết sau 20 năm đổi mới. Trong chuyên đề “Đường lối phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới, các tác giả Trần Thị Thu Hương và Lê Thị Tình phân tích những yêu cầu trong công tác chỉ đạo đổi mới giáo dục khi Đảng được thành lập cũng như trong quá trình chỉ đạo thực tiễn của cách mạng Việt Nam, đặc biệt phân tích quá trình phát triển đường lối giáo dục và đào tạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Theo các tác giả, để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, cần tiếp tục hoàn thiện đường lối phát triển giáo dục – đào tạo theo phương châm đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Luận án của tác giả Nguyễn Anh Thái: "Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với các trường Đại học ở Việt Nam” (2008), Tác giả phân tích nội dung cơ chế chính sách để quản lý tài chính đối với các trường đại học nói chung. Theo tác giả, cần hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính dành cho các trường đại học; tạo nguồn tài chính đa dạng cho đào tạo, xây dựng cơ chế kiểm soát, học bổng, hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý. Đề tài cấp Bộ của nhóm tác giả do Mai Ngọc Cường làm chủ nhiệm (năm 2007) "Điều tra thực trạng và khuyến nghị giải pháp thực hiện tự chủ về tài chính ở các trường Đại học ở Việt Nam". Theo nhóm tác giả, tự chủ về tài chính là một 16 trong những phương cách để tăng cường quản lý tài chính và chia sẻ gánh nặng với Nhà nước về trách nhiệm của các đối tượng khác nhau trong xã hội về sự phát triển của sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, để tự chủ như thế nào, xây dựng quy trình quản lý ra sao, tiêu chí để đánh giá một trường công lập có khả năng tự chủ hay không thì trong đề tài không đề cập tới. Cuốn"Giáo dục Việt Nam những năm đầu thế kỷ” XXI (Nguyễn Hữu Châu chủ biên, 2007, Nxb Giáo dục Hà Nội). Cuốn sách đã cung cấp nhữngthông tin, tư liệu về giáo dục, đào tạo Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Cuốn sách bao gồm 6 chương. Chương 1 trình bày một số vấn đề chung của giáo dục Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI hiện ra qua những lĩnh vực hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, mạng lưới trường lớp các cấp học và trình độ đào tạo, quy mô học sinh, sinh viên, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, tài chính cho giáo dục… Các chương tiếp theo cuốn sách đề cập cụ thể đến từng cấp học, đồng thời cuốn sách đề ra những phương hướng phát triển giáo dục - đào tạo trong những thập kỷ tới. Cuốn sách "Kinh nghiệm một số nước về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ gắn với xây dựng đội ngũ trí thức" (2008, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội). Đây là công trình tập hợp các chuyên khảo của nhiều tác giả. Cuốn sách đã phân tích những chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ của một số nước như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo, Trung Quốc. Nội dung của từng chuyên đề đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển, định hướng sự phát triển của nền giáo dục của mỗi quốc gia. Cuốn sách "Những vấn đề giáo dục hiện nay - Quan điểm và giải pháp” (Nxb Tri thức Hà Nội, 2008). Các tác giả phân tích các vấn đề mấu chốt và cấp bách của giáo dục. Phần thứ nhất trích dẫn các phát biểu của Einstein về giáo dục và đặc biệt ý kiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp về đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo nước nhà. Phần II trình bày quan điểm và đề xuất giải pháp nhằm phát triển nền giáo dục ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ XXI. 17
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan