Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Tính chất triết luận trong văn xuôi nguyễn khải, thời kì đổi mới...

Tài liệu Tính chất triết luận trong văn xuôi nguyễn khải, thời kì đổi mới

.PDF
119
367
58

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Lê Nguyễn Hạnh Thảo TÍNH CHẤT TRIẾT LUẬN TRONG VĂN XUÔI NGUYỄN KHẢI, THỜI KÌ ĐỔI MỚI Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM Mã số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. NGUYỄN THÀNH THI Thành phố Hồ Chí Minh – 2010 LỜI CẢM ƠN Đề tài này được truyền trao ý tưởng và cảm hứng ban đầu từ PGS.TS Nguyễn Thành Thi. Nhờ sự hướng dẫn quý báu, chỉ bảo tận tình của thầy cùng sự đóng góp ý kiến của các Giáo sư - Tiến sĩ phản biện đã giúp em hoàn thành luận văn này. Xin chân thành cảm ơn các thầy cô Khoa Ngữ Văn đã hết lòng dạy dỗ và sự giúp đỡ của Phòng Sau Đại học. Người thực hiện. DẪN NHẬP 1. LÍ DO LỰA CHỌN ĐỀ TÀI Một nền văn học không bắt rễ từ một nền tảng triết học cơ bản thì sẽ đi đến chỗ thiếu khám phá, thiếu chiều sâu tư tưởng. Nó sẽ không sản sinh ra nhiều tài năng. Triết luận - thế sự về cái ngày hôm nay đang từng ngày từng giờ thay đổi. Thế giới của cái ngày hôm nay biến ảo đa đoan, và cõi nội tâm của con người cũng tràn ngập những khoảng tối sáng lẫn lộn. Đi theo hướng này, nhà văn đã khước từ việc hòa mình vào dòng chảy tuôn trào của cái tôi cảm xúc để có một cái nhìn tỉnh táo trước những mâu thuẫn, xung đột và giằng xé của thời đại và trong tâm tư tình cảm con người. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khải là một công cuộc khám phá những vấn đề của cuộc sống và con người Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và trong công cuộc xây dựng, kiến tạo một xã hội mới. Nguyễn Khải đã kiên trì mở đường khám phá, giải quyết những vấn đề xã hội chính trị và càng về sau càng hướng tới vấn đề của đời sống nhân sinh với giọng văn ngày càng nghiêng về suy ngẫm, triết luận. Tác phẩm của ông luôn đạt tới một tầm tư tưởng, khái quát cao thông qua hình thức nghệ thuật đặc sắc, biến hóa. Mục đích của đề tài là nghiên cứu các đặc điểm triết luận trong văn xuôi của nhà văn Nguyễn Khải. Những đặc điểm này giúp nhận thức, đánh giá đúng hơn về phong cách nghệ thuật, nhìn nhận thỏa đáng hơn về sở trường sở đoản của ngòi bút Nguyễn Khải. Thêm vào đó nó còn cho thấy quá trình phát triển của một tài năng từ chặng đường đầu của sự nghiệp đến sự trưởng thành chín chắn của một cây bút hiện thực cách mạng sắc sảo. Về ý nghĩa thực tiễn, đề tài góp phần tìm hiểu toàn diện hơn cảm hứng triết luận được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ quá trình sáng tác của nhà văn như một phong cách độc đáo riêng. Tư tưởng triết luận ấy cũng liên tục vận động, vượt qua những lối mòn, hạn chế của chính mình rất đáng để chúng ta nghiên cứu, bàn luận. Ngoài ra việc nghiên cứu chất triết luận trong các sáng tác của ông cũng giúp ta có những định hướng trong việc dạyhọc tác phẩm của ông trong nhà trường tốt hơn. Vì vậy, đề tài luận văn sẽ góp phần tìm hiểu những tư tưởng triết luận trong các tác phẩm của Nguyễn Khải để thấu hiểu chân dung con người thời hiện đại. 2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ Thạch Lam từng đánh giá về nền văn học Việt Nam là "Cái mà chúng ta thiếu nhất, ấy là sự sâu sắc". Đó là chiều sâu cảm hứng triết luận trong văn học. Năm 1977 với bài Nhìn lại một chặng đường tiểu thuyết, Nguyễn Văn Long đã phát hiện ra Nguyễn Khải là người mở ra một khuynh hướng mới – đó là khuynh hướng tiểu thuyết triết luận. Ông nêu lên các tiêu chí để nhận diện. Một là căn cứ vào nội dung có thể đặt tên cho các sáng tác của Nguyễn Khải là thể loại thời sự luận đề. Hai là để phục vụ mục đích luận đề, nhà văn không chú trọng khắc họa tính cách nhân vật mà thường phân tích nhân vật của mình như một nhà khoa học phân tích đối tượng nghiên cứu. Ba là tuy cùng đi theo một khuynh hướng nhưng ở mỗi tác phẩm nhà văn đều có sự thay đổi nhất định về cách viết. Năm 1985, trong bài Về một xu hướng tiểu thuyết đang phát triển, Nguyễn Đăng Mạnh cũng xem Nguyễn Khải là cây bút mở ra xu hướng tiểu thuyết chính luận-triết luận “riêng Nguyễn Khải thì từ lâu đã viết theo hướng này. Bây giờ anh vẫn tiếp tục viết như thế. Càng ngày càng như thế” [93]. Sau đó thì khái niệm "triết luận" được dùng rộng rãi trong các bài nghiên cứu, phê bình các tác phẩm của Nguyễn Khải cũng như khuynh hướng phong cách của Nguyễn Khải. Đào Thủy Nguyên nhận định:" Nghiêng về tư tưởng - đó là nét đặc sắc riêng của Nguyễn Khải. Nhưng mặt khác, cũng do thế nên thế giới nhân vật của Nguyễn Khải lại có phần nhẹ đi, nhạt đi về tính cách. Chúng tôi muốn xem đó là đặc điểm đồng thời là nhược điểm. Vì sự kết hợp giữa những nhân vật tính cách, theo ý chúng tôi, đó mới là con đường đạt được độ cao và sâu của hiện thực" [104]. Theo luận văn nghiên cứu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Khải của Trần Văn Phương: Nội dung các sáng tác của Nguyễn Khải là một sự tổng hợp nhiều yếu tố bao hàm cả chính luận và triết luận lẫn miêu tả, thuật kể. Yếu tố chính luận thể hiện ở việc vận dụng các thao tác của tư duy chính luận vào tư duy tiểu thuyết: đề cập trực tiếp đến những vấn đề chính trị xã hội nóng bỏng được đặt ra trong thực tiễn đời sống, và nhà văn tham gia vào giải quyết những vấn đề đó với tư cách một nhà hoạt động xã hội, một nhà tư tưởng. Phương pháp luận của nó là đưa ra những luận điểm, luận cứ vững chắc nhằm lí giải, biện minh cho tính đúng đắn, khoa học của vấn đề nhà văn đặt ra trong tác phẩm của mình. Còn yếu tố triết luận được thể hiện ở cảm hứng khai thác các chiều sâu triết lí của hiện thực đời sống (bao gồm tất cả những khái quát triết lí được đúc rút ra từ những chiêm nghiệm về mọi mặt của đời sống nhân sinh). Mặt khác, lối tiếp cận hiện thực cuộc sống từ nhiều chiều, từ nhiều phía để đi tới một cái nhìn toàn diện cũng có thể xem là lối tiếp cận chịu ảnh hưởng của tư duy triết học. Tuy nhiên, nếu xét đến cùng thì không có một cuốn tiểu thuyết nào không có sự gợi ý, hoặc sự bắt nguồn từ một cơ sở triết học nào đó. Song rõ ràng mật độ xuất hiện ngày càng đậm đặc những yếu tố chính luận, triết luận trong sáng tác Nguyễn Khải đã đem lại những khoái cảm trí tuệ thẩm mĩ cho người đọc. Với Nguyễn Khải chính luận thường gắn liền với triết luận. Các bài phê bình, nghiên cứu về tác giả, tác phẩm Nguyễn Khải đã nhận định, lí giải về chất triết luận trong sáng tác và quá trình hình thành khuynh hướng này của ông một cách sâu sắc. Các ý kiến thường tập trung vào hai trọng tâm: sáng tác của Nguyễn Khải có sự song hành với thời hiện tại – “cái hôm nay” và chuyển hóa dần từ chính luận sang triết luận. 2.1. Những tác phẩm song hành cùng “cái hôm nay” của cuộc sống Lịch sử văn học đã in đậm dấu ấn của nhà văn vì tất cả những chuyển động bão táp, phức tạp, trăn trở của số phận đất nước và nhân dân sẽ được tìm thấy và đọc lại nhiều nhất, sâu nhất trong Nguyễn Khải. Trong cuốn Tác giả văn xuôi Việt Nam hiện đại (từ sau 1945) của Chu Nga, bà đã đánh giá rất cao tính hiện thực trong những tác phẩm của Nguyễn Khải viết về nông thôn, đồng thời khẳng định ngòi bút của tác giả "thông minh, sâu sắc, giàu tính chiến đấu, (...), luôn có sự đòi hỏi cao với bản thân và đối với mọi người" [14]. Sáu năm sau đó, Phan Cự Đệ tiếp tục viết về Nguyễn Khải trong Nhà văn Việt Nam 1945-1975 (tập 2). Bài viết bao quát một khối lượng tác phẩm lớn của nhà văn sáng tác trong vòng 30 năm và 20 bài nghiên cứu có giá trị về tác phẩm Nguyễn Khải. Ông nhấn mạnh: "Với một ngòi bút hiện thực tỉnh táo, Nguyễn Khải luôn luôn xông thẳng vào những mâu thuẫn địch ta và mâu thuẫn nội bộ nhân dân trong xã hội, những xung đột giữa các tính cách, những đấu tranh giằng xé trong tâm tư tình cảm của mỗi con người"... Đấy là phong cách độc đáo của tác giả khác xa với "những phong cách hiện thực tỉnh táo trong văn học hiện thực phê phán"[14]. Lê Thanh Nghị thì thích thú với cái hiện thực đầy sắc bén được Nguyễn Khải thể hiện rất độc đáo trong các tác phẩm:“Một số lượng trang viết ít, hướng vào một vấn đề sâu sắc của cuộc sống, có khi lại trở thành thứ vũ khí sắc bén hơn cả trong tay người đọc.” [102]. Khi lí giải về chất chính luận, triết luận đậm đặc trong sáng tác mà về sau thực sự trở thành phong cách của nhà văn Nguyễn Khải, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho rằng:“Trong định hướng tinh thần của xã hội ta từ 1945 tới nay, nếu có khía cạnh nào nổi lên đặc biệt rõ rệt thì đó là sự xâm nhập của chính trị vào đời sống bình thường mỗi người, khiến cách suy nghĩ của bất cứ ai cũng trở nên sắc bén hơn hẳn. Các vấn đề xã hội chính trị là đầu đề để chúng ta bàn bạc, sự lợi hại về chính trị là tiêu chuẩn chính để xem xét mối quan hệ giữa người với người.”. Và ông đã làm một phép so sánh thú vị giữa Nguyễn Khải và Nam Cao:“Trước đây mấy chục năm, trong sự tẻ nhạt đều đều của một xã hội thuộc địa, một ngòi bút như Nam Cao có triết lí, thì cũng là nhân những chuyện cụ thể trong mối quan hệ giữa người với người mà khái quát lên. Nam Cao hay nói sự no đói ảnh hưởng đến tâm lí con người ra sao, cái nghèo có thể làm nhân cách con người thay đổi đến đâu. Mỗi mệnh đề triết lí của Nam Cao thường ngắn gọn, đôi khi như là những điều nghiền ngẫm quá lâu, im đi không đành nên phải buột ra, sự suy nghĩ mang dáng dấp một lời tự nhủ hoặc một lời chì chiết, đay nghiến. Nay ở Nguyễn Khải, không riêng tác giả mà các nhân vật cũng hay nói, thích nói, người nọ đối diện với người kia, đồng tình, phản bác nhau; xét nét, "gí điện" nhau.” [108]. Đến cuối năm 1996 Tuyển tập Nguyễn Khải ra đời do Vương Trí Nhàn tuyển chọn đã đặt Nguyễn Khải vào trong tiến trình văn học Cách mạng qua nửa thế kỉ với những biến động dữ dội của lịch sử, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn kết luận: "Ông là một trong những nhà dẫn đầu của thời đại. Với cuộc Cách mạng này, những năm tháng đấu tranh gian khổ này, tác phẩm của ông là một bằng chứng một tài liệu tham khảo thực sự. Và muốn hiểu con người thời đại với tất cả những cái hay cái dở của họ, nhất là muốn hiểu cách nghĩ của họ, đời sống tinh thần của họ, phải đọc Nguyễn Khải" [106]. Để thay lời tổng kết cho văn nghiệp của Nguyễn Khải với tất cả niềm cảm kích, nhà văn Nguyên Ngọc đã viết:“Trước hết, tôi muốn nói điều này: Đấy là người tài năng nhất trong thế hệ của chúng tôi, thế hệ những người cầm bút vậy mà hóa ra vắt qua cả mấy thời kì lịch sử quan trọng: một chút thời Pháp thuộc, đầy đủ Cách mạng Tháng Tám, đẫm mình trong hai cuộc chiến tranh lớn, và cả hòa bình nữa (…) các bước đường tư tưởng và sáng tác của Nguyễn Khải. Theo tôi, đấy là con đường rất tiêu biểu của chuyển động văn học ta suốt một thời kì lịch sử dài và không hề đơn giản, dễ dàng, tiêu biểu nhất là ở Nguyễn Khải, chính vì đấy đúng là cái tạng của anh và cũng vì anh là người tài năng nhất, cũng trung thực nhất với chính mình.” [86]. 2.2 Chuyển hóa từ chính luận sang triết luận Đầu những năm 80 đánh dấu bước chuyển mạnh của văn xuôi nói chung từ việc phản ánh những năm tháng chiến tranh sang cuộc sống thời bình với những vấn đề nổi lên là gia đình, tình yêu, những vấn đề thế sự - đạo đức hướng vào các giá trị nhân bản, mạnh dạn đề xuất những chuẩn mực đạo đức mới phù hợp với thời đại. Là một trong những nhà văn tiên phong của phong trào đổi mới, Nguyễn Khải viết rất sung sức và dường như văn ông càng có duyên và thu hút người đọc hơn trước. Tác phẩm của ông lúc đầu giàu tính chính luận thời sự, khám phá những vấn đề xã hội - chính trị nổi lên trong từng thời điểm cụ thể của đời sống, càng về sau (nhất là các sáng tác sau 1978 của ông) càng có thiên hướng vươn tới những khái quát triết lí về đời sống. Rất nhiều cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Khải thu hút sự chú ý trong các năm này như Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người, Thượng đế thì cười. Sự vận động trong khuynh hướng sáng tác của Nguyễn Khải chuyển dịch từ chính luận tới triết luận: giai đoạn đầu nó mới dừng lại ở những vấn đề cấp thiết của lợi ích Cách mạng, lợi ích cộng đồng mà chưa vươn tới những vấn đề có tính quy luật cuộc sống vĩnh cửu. Sự phát hiện vấn đề của tác giả cũng xuất phát chủ yếu từ yêu cầu công tác tư tưởng mang đậm tinh thần giáo huấn (đánh giá các hiện tượng đời sống theo lập trường quan điểm chính trị - đạo đức Cách mạng). Đến giai đoạn sau tuy vẫn gắn bó với thời sự chính trị nhưng nó còn gắn với cá nhân, nó hướng vào những cuộc đối thoại tư tưởng để giải quyết những vấn đề vĩnh cửu của đời sống con người. Từ Cha và con và... đến Một cõi nhân gian bé tí: sáu cuốn tiểu thuyết ra đời liên tiếp trong một thập kỉ đã chứng minh cho kết luận của A.Guluga: "Nghệ thuật trong thời đại khoa học đặc biệt quan tâm đến triết học, nó sáp gần và đôi khi hòa lẫn với triết học" [1]. Cùng chung những suy nghĩ ấy, năm 1998 Nguyễn Thị Bình khẳng định:“Nguyễn Khải ngày càng định hình một phong cách văn xuôi triết luận. Trước đây ông thiên về chính luận và triết lí xung quanh các vấn đề chính trị (…) nên văn ông trí tuệ mà hơi khô khan (…). Giai đoạn sau này, Nguyễn Khải hướng sự chú ý vào các vấn đề thế sự nhân sinh (…) văn phong ông chuyển từ chính luận sang triết luận và năng lực hiểu lòng người, năng lực phân tích đã khiến cho nhiều kết luận của ông đưa ra đạt tới chiều sâu triết học” [6]. Tuyết Nga nhận xét:“Với năng lực chiếm lĩnh hiện thực khái quát và một khuynh hướng triết luận sâu sắc, với cái nhìn mới mẻ và độc đáo về hiện thực và con người, Nguyễn Khải đã tạo dựng nên được một thế giới nghệ thuật, trong đó bên cạnh hơi thở ấm nóng của đời sống, con người hiện lên nổi bật bởi những vẻ đẹp của tinh thần, của trí tuệ. Tác phẩm của ông đạt được giá trị nhận thức cao và một sức hấp dẫn mạnh mẽ.” [101]. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đi đến một kết luận:“... triết luận là một đặc điểm nhất quán trong tư duy văn học của Nguyễn Khải nó làm cho ngòi bút ông khi bốc lên sôi nổi, lúc đằm xuống, trầm tư suy ngẫm và không thiếu vẻ tinh tế. Tuy nhiên, lại cũng phải thấy nhất quán như vậy nhưng cùng với thời gian, màu sắc triết luận ở Nguyễn Khải mỗi năm một khác. Từ chỗ cuồng nhiệt (đôi khi là lối áp đặt một chiều) nay cách nghĩ đó đã phần nào có được cái lui tới, cái chừng mực cần thiết. Nếu hôm qua, Nguyễn Khải đã rất thành công trong việc diễn tả những gay gắt quyết liệt của đời sống thì hôm nay nhà văn có phần thấm thía sự đời hơn, cái nhìn ra chiều độ lượng và thông cảm hơn. Từ Xung đột qua Cha và con và.., từ Hòa Vang Họ sống và chiến đấu, qua Thời gian của người, cách đặt vấn đề giọng điệu tác giả đều có đổi khác. Như tất cả chúng ta, Nguyễn Khải cũng ở trong một quá trình vận động liên tục.” [109]. 3. PHẠM VI NGHIÊN CỨU Đối tượng khảo sát là các tiểu thuyết giai đoạn trước năm 1975 và đặc biệt tập trung vào các sáng tác của Nguyễn Khải từ năm 1975 đến nay. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khải là một quá trình vận động liên tục trên con đường nhận thức và tự nhận thức. Vì vậy thực hiện đề tài này người nghiên cứu vận dụng phối hợp các phương pháp sau: Phương pháp miêu tả là dùng cách thức miêu tả, kể chuyện để tái hiện lại những sự kiện. tình tiết mang ý nghĩa triết luận trong tác phẩm. Phương pháp nghiên cứu hệ thống sẽ được sử dụng để xác lập các nguyên tắc tư duy nghệ thuật mang phong cách triết luận của nhà văn Nguyễn Khải. Dùng phương pháp so sánh văn học để đặt nhà văn trong mối quan hệ đồng đại và lịch đại để vấn đề được xem xét, đánh giá khách quan. Luận văn cũng sử dụng phương pháp loại hình (loại hình thể loại, loại hình người kể chuyện,…), còn gọi là loại hình hóa nhằm xác lập đặc trưng loại hình tư duy nghệ thuật và phong cách tự sự của nhà văn từ đó có thể tìm ra những đóng góp thuộc về cá nhân nhà văn. 5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN DẪN NHẬP 1. Lí do lựa chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Phạm vi nghiên cứu 4. Phương pháp nhiên cứu 5. Cấu trúc luận văn Chương 1: Nguyễn Khải – triết nhân trong địa hạt văn chương 1.1 Quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Khải 1.2 Nguyễn Khải và hành trình đi tìm bản thể Chương 2: Nguyễn Khải – cuộc tìm kiếm một thế giới nghệ thuật giàu tính triết luận 2.1. Nhà văn – con đường của một triết nhân cô độc 2.2. Kiểu nhân vật thấp thoáng dáng dấp của một triết nhân cô đơn 2.3. Đi tìm con đường của con người tự do 2.4 Những người đàn bà trong sáng tác của Nguyễn Khải – một âm bản của cuộc sống ngọt ngào Chương 3: Nguyễn Khải – những tìm tòi thể nghiệm trong kĩ thuật triết luận 3.1 Khai thác những thế mạnh triết luận trong kĩ thuật kết cấu, kĩ thuật trần thuật, lời văn nghệ thuật 3.2 Khai thác những thế mạnh triết luận trong kĩ thuật xây dựng nhân vật KẾT LUẬN Chương 1: NGUYỄN KHẢI – TRIẾT NHÂN TRONG ĐỊA HẠT VĂN CHƯƠNG 1.1 QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN KHẢI Nhà văn Nguyễn Khải từng tâm sự vào những năm cuối đời: “Viết văn không chỉ do nhu cầu kiếm sống, viết văn cũng không chỉ do những bức xúc khôn khuây của cá nhân, mà viết còn là mong muốn được trao trở về với cái vô hạn. Hãy tin vào lời nói của người sắp ra đi mãi mãi. Họ không còn thì giờ để hưởng danh, hưởng lợi nữa. Họ chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn ngủi để nói cho thật, để bộc lộ bằng hết những nỗi u uẩn trong lòng mình [84]. Nguyễn Khải là người luôn coi viết văn là một thứ "nghề". Ông từng đặt tên cho các tự truyện của mình là "Con đường dẫn tôi tới nghề văn", "Nghề văn cũng lắm công phu". Nhiều tạp văn xung quanh cuộc sống được ông gọi chung là Chuyện nghề. Đã là nghề tức là phải học, phải khổ luyện. Thực ra ý thức về nghề của Nguyễn Khải không chỉ dừng lại ở đó. Sâu xa hơn, nó thể hiện thái độ thẳng thắn, tinh thần dám chịu trách nhiệm của người cầm bút về những đứa con tinh thần của mình. Ngay từ những ngày đầu cầm bút cho đến khi cuối đời, nhà văn Nguyễn Khải đã sống trọn vẹn cho lí tưởng nghệ thuật của mình. Lí tưởng nghệ thuật chi phối cuộc sống nhà văn ở tất cả các mặt: bản lĩnh, nhân cách và trước hết là dám hi sinh suốt đời để phụng sự con người, làm cho con người "người" hơn. Hứng thú khám phá sự thật lòng người, sự thật của đời sống đã làm sáng tác Nguyễn Khải tách khỏi dòng chung và ngày càng có khuynh hướng riêng. Nó không phản ánh hiện thực một cách trung thành hay lãng mạn mà nó khám phá sự thật, đáp ứng nhu cầu hiểu biết sự thật của con người hiện đại.“Sự thật chỉ có thể viết về những tấm lòng, những tâm trạng của các giai cấp trong xã hội với mọi sự phức tạp, tinh vi, ngoắt ngoéo có thực của nó; như thế mới là sự thật chân thật theo quan niệm của tôi...” [26]. Những tác phẩm được viết ra không đơn thuần chỉ vì những thương ghét nhất thời mà phải giúp người ta hiểu biết, nhận thức những sự thật trong đời. Nhu cầu hiểu biết sự thật là nhu cầu lớn của thời đại và hiển nhiên con đường nhận biết nó không thể nào đơn giản, dễ dàng. Với quan niệm nghệ thuật là khoa học thể hiện lòng người, nhà văn đã trực tiếp tham gia vào đời sống như một nhà tư tưởng, một nhà khoa học về đời sống. Đối với nhà văn, thì sự thật là không khí. Vấn đề là cái nhìn, điểm nhìn. Nguyễn Khải có thể “lúc thế này, lúc thế kia” là vì phải đuổi theo cái sự thật luôn luôn biến đổi đến chóng mặt đó. Nhưng luôn luôn ông là người biết nghĩ. Và ông đã tự nguyện lấy chính nghệ thuật ra để nghiên cứu những sự thật ấy. Vì vậy, tính triết luận, ở đây, trở thành một nguyên tắc mỹ học trong kiến tạo thế giới nghệ thuật cũng như định hướng sáng tạo ngôn ngữ văn chương trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khải. Đó là một thứ triết luận toát ra không phải từ đôi ba câu trữ tình ngoại đề của tác giả, hay vài câu nói trứ danh của nhân vật, mà từ thể tài tiểu thuyết, từ sự tương tác thẩm mỹ giữa các yếu tố, giữa nhiều cấp độ trong thế giới nghệ thuật của ông. 1.1.1 Sự kết hợp giữa tư duy hình tượng và phân tích khoa học trong việc phản ánh hiện thực đời sống: Nguyễn Khải bộc bạch: Tôi quan niệm nghệ thuật đơn giản như sau: là khoa học thể hiện lòng người, là lịch sử của lòng người (...) Sự thật chỉ có thể viết về những tấm lòng, những tâm trạng của các giai cấp trong xã hội và mọi sự phức tạp, tinh vi, ngoắt ngoéo có thực của nó, như thế mới là sự chân thật theo quan niệm của tôi (...) Hãy nói về sự thật lòng người, sự chân thật, kết quả của sự nghiên cứu thận trọng, tỉ mỉ của chúng ta [26]. Những ý kiến như thế cho thấy nhà văn có xu hướng muốn vươn tới một sự kết hợp giữa tư duy hình tượng và phân tích khoa học trong việc phản ánh hiện thực đời sống. Ông muốn chiếm lĩnh hiện thực đời sống cả "ở cái bề sâu, ở cái bề xa" với khát vọng thể hiện chân thật lòng người trong những năm tháng lịch sử nhiều biến động. Ông chinh phục người đọc bằng những lập luận, lí lẽ, những cách đặt vấn đề và cách giải đáp riêng và đáp ứng nhu cầu đánh thức trí tuệ của họ. Nhà văn đã cung cấp một kinh nghiệm quý báu là muốn tìm ra được những nét căn bản của cuộc sống, muốn có được những hình tượng nghệ thuật chân thật và sinh động thì phải có sự hiểu biết chu đáo, sâu rộng, phong phú về phạm vi hiện thực mà nhà văn đó phản ánh. Để có lòng tin cậy của bạn đọc, nhà văn không thể hiểu biết hời hợt về cuộc sống được. Ông coi trọng sự giải thích thực tại hơn là sự chứng minh những định kiến có sẵn, không bắt những sự kiện thích nghi những tư tưởng mà bắt những tư tưởng phục tùng những sự kiện, có lương tâm trong việc sưu tầm và sử dụng những dữ kiện sự kiện, nhờ căn cứ dữ kiện chính xác, phong phú, tỉ mỉ. Nhà văn viện dẫn lịch sử qua sự chọn lọc, khái quát hóa, sắp xếp những cái vốn rời rạc, thúc đẩy mối quan hệ xuất hiện giữa các nhân vật với mục tiêu sau cùng là tìm được triết học văn hóa của các hiện tượng xã hội - lịch sử. Xung đột là bức tranh sinh động, chân thực về nông thôn Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh giai cấp gay gắt. Những phát hiện của nhà văn thực chất là sự tự phát hiện của chính bản thân nông thôn, của những con người qua cuộc cách mạng ruộng đất. Thông qua câu chuyện ở một xóm đạo Nghĩa Hưng, nhà văn tái hiện miền Bắc thu nhỏ với những cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt xảy ra trong từng thôn xóm, gia đình. Ngay từ phần I, tác giả đã khéo léo giới thiệu trên hai mươi nhân vật thuộc đủ mọi thành phần với đủ vẻ khác nhau. Sau những năm chiến tranh khói lửa, lực lượng nào sẽ nổi lên chi phối xã hội? Nông thôn sẽ đi về đâu? Những hình tượng nhân vật như Nhàn, Môn, Tùng… cũng chính là sự ra đời của những con người mới trong cuộc đấu tranh ác liệt giữa hiện tại và quá khứ. Trên cơ sở nhận thức về bản chất và chiều hướng phát triển của xã hội, Nguyễn Khải đi vào những vấn đề phức tạp, những ngóc ngách của cuộc sống, những chuyển biến bên trong phức tạp của tâm tư con người. Sức mạnh của những chi tiết sự việc, chi tiết tâm lí không dừng lại ở giá trị hình thức mà chứa đựng ý nghĩa nhận thức tư tưởng. Những tìm tòi của nhà văn đều hướng đến sự nhận thức và phản ánh một loạt vấn đề khá phức tạp như cải cách ruộng đất, xây dựng nông thôn mới, quan hệ giữa gia đình và xã hội,… Tác giả đã triển khai được mối quan hệ chi phối lẫn nhau giữa hai trận tuyến xung đột, vạch ra được xu thế của từng loại mâu thuẫn, nhìn thấy khả năng chuyển hóa của chúng trong đường lối đấu tranh. Hệ quả của khuynh hướng phân tích nghiên cứu trong khi đi sâu vào mổ xẻ quá trình vận động phức tạp của đời sống tư tưởng con người là tác phẩm mang đậm chất chính luận, triết luận. Các sáng tác giai đoạn trước 1977, nhà văn tập trung vào mối quan hệ giữa "cái tôi" và "chúng ta": hòa nhập nhưng đừng để bị hòa tan vào cái tầm thường của đám đông, đấy là một phát hiện của Nguyễn Khải. Quan tâm đến cá nhân con người trong mối quan hệ "cái tôi" và "chúng ta" là một việc làm đạt đến chiều sâu triết học và nhân bản. Vì lúc đó người ta hay nhấn mạnh đến sức mạnh, tinh thần tập thể mà dè dặt khi nói đến ý thức trách nhiệm cá nhân đặc biệt là vấn đề khẳng định bản lĩnh cá nhân của con người giữa một hoàn cảnh sống mà cái "tôi" chưa được nhìn nhận công bằng, thoả đáng. Hay vấn đề tôn giáo được nhìn theo hướng đấu tranh giữa những người cách mạng và phe đội lốt tôn giáo chống phá cách mạng. Các sáng tác giai đoạn sau 1977 nghiên cứu quá trình diễn biến tư tưởng nhân vật nhằm đi tới những khái quát lớn về tôn giáo và dân tộc, sự hòa hợp giữa tôn giáo với chủ nghĩa xã hội, tôn giáo với quá trình vận động để tồn tại của chính nó. Tuy nhiên cái nhìn tôn giáo ở tác phẩm này vẫn còn bị chi phối chủ yếu bởi nhãn quan chính trị. Vấn đề lựa chọn một nhân cách sống vẫn đang là vấn đề còn đặt ra đối với người trí thức hôm nay. Gặp gỡ cuối năm là cuộc đối thoại giữa người "thắng cuộc" với người "thua cuộc" để hòa nhập vào cuộc sống và thúc đẩy cuộc sống phát triển. Thời gian của người, Điều tra về một cái chết chạm đến vấn đề nhìn sâu vào bản thể để tự ý thức. Trong cái mịt mờ đen tối của những mưu đồ, sự giả dối, tội lỗi và niềm tuyệt vọng, chợt lóe lên một ánh chớp soi sáng tất cả để người đọc tự nhận ra "Ta là ai?". Đây là ý nghĩa triết luận của cuốn sách được đút rút ra, là một chữ tâm. Một cõi nhân gian bé tí là vấn đề mối quan hệ giữa con người và thời thế. Một cõi nhân gian bé tí là những cái may, cái rủi, cái được, cái mất của kiếp người ở những lứa tuổi khác nhau. Từ đó hình thành hai lớp người: Lớp người lạc thời vì chọn lầm đường, vì ảo tưởng vào bản thân, vì cái thời của họ đã hết (Mọ Vũ, ông Mọn, ông Định ), vì chịu oan do tội của tổ tông (Hải - cháu mọ Vũ ), vì không chịu được sự kiềm hãm của cơ chế lạc hậu, vì thời thế thay đổi (Chính, Tiến )... Lớp người gặp thời nhờ "trúng quả", biết lợi dụng cơ chế, nhưng ít học, hãnh tiến, sống bát nháo... Các sáng tác lúc này vẫn không thiếu tính thời sự, nhưng giá trị của chúng đã vượt ra khỏi cái khung thời sự nhất thời để gây ám ảnh lâu dài. 1.1.2 Niềm khao khát được hiện diện trong sự chuyển động của cuộc sống Cái sự “gặp thời” mà nhà văn Nguyễn Khải vẫn thường tự nhận đó chính là môi trường lí tưởng để thế hệ của ông được đặt những viên gạch đầu tiên tạo dựng nên một thời đại mới, một thế hệ sáng nghiệp sử. Dù giai đoạn trước đây hay sau này, ngòi bút Nguyễn Khải vẫn thống nhất ở niềm khao khát vô tận muốn được có mặt trong cuộc đời. Nói như Vương Trí Nhàn thì “một chút đanh đá, chua ngoa, pha lẫn một chút ngông nghênh hiếu thắng, lối nói băm bổ, lối trình bày thẳng tuột những điều người khác chỉ dám nghĩ” để cuối cùng nói lên được sự thật [110, tr.120]. Tác phẩm của ông thường hướng thẳng vào những vấn đề hiện tại, đặc biệt là những vấn đề đang gây chú ý, thậm chí đang gây tranh luận nghĩa là còn dở dang, chưa hoàn tất. Vì vậy khi tác phẩm ra đời thường gây nên nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi. Nguyễn Khải khát khao "muốn có mặt trong đời sống" và sự lựa chọn của nhà văn là "Thà bị chê bai một chút nhưng luôn luôn có mặt trong ngày hôm nay, được lên tiếng trong ngày hôm nay, còn hơn ngồi đó tu luyện, nói những chuyện cao xa và tạo ra những vẻ đẹp hoàn chỉnh, nhưng không mấy liên quan đến cuộc sống" [107]. Tiểu thuyết Xung đột tập trung diễn tả những xung đột trong đời sống tinh thần và tư tưởng của con người. Tập một xoáy sâu vào mối xung đột giữa hai hệ tư tưởng đối nghịch. Tập này tạo được tiếng vang trong dư luận, được khen là có tính chân thật. Còn tập hai là cuộc xung đột đáng buồn giữa những người anh hùng của một thời. Tác phẩm gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều nhưng bị ngầm chê là bôi nhọ cán bộ, viết sai sự thật, có những cái nhìn không đúng đắn về một vùng nông thôn công giáo. Sứ mệnh khiến người cầm bút nhiều khi phải tự nguyện chấp nhận một sự chờ đợi khi có những khác biệt giữa những cái đang tồn tại với những cái phải tồn tại trong xã hội. Ngòi bút của ông luôn xuất hiện ở những bước chuyển quan trọng, khi hiện thực còn đang mới mẻ, ngổn ngang, bề bộn, nảy sinh nhiều vấn đề. Ông tìm lên Điện Biên vào lúc mảnh đất từng là chiến trường này đang trở thành một trong những vùng kinh tế mới điển hình của miền Bắc xã hội chủ nghĩa để viết về phong trào hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới (Mùa lạc). Ông tìm về vùng Bùi Chu - Phát Diệm vào lúc cuộc đấu tranh trong nội bộ nhân dân vùng tôn giáo toàn tòng này đang diễn ra quyết liệt. Ngay khi Mĩ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc, ông có mặt ở những nơi xung yếu nhất, ác liệt nhất để nghiên cứu hiện thực chiến đấu: Kí sự Họ sống và chiến đấu ra đời ở Cồn Cỏ. Tiểu thuyết Đường trong mây ra đời ở Trường Sơn. Tiểu thuyết Ra đảo ở đất lửa Vĩnh Linh. Tiểu thuyết Chiến sĩ trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Kí sự Tháng 3 ở Tây Nguyên trong chiến dịch giải phóng miền Nam 1975. Rồi ông lại đặt chân tới Sài Gòn vào đúng năm 1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ông tập trung vào việc phát hiện những khía cạnh sâu hơn của hiện thực cách mạng những năm tháng đầu hòa bình: sự xoay chuyển của ý thức, cách nhìn nhận và chấp nhận đời sống mới trong tâm thức những con người của xã hội Sài Gòn cũ. Kịch Cách mạng, tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm bàn về những thay đổi quyết liệt của đời sống xã hội chủ nghĩa mới trong những lớp người cũ những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Nam. Trong tác phẩm Gặp gỡ cuối năm, ông đã khéo léo dựng lại được phần nào cái không khí của xã hội miền Nam. Chuyện Nguyễn Thế Uyển tát tai tổng đốc Thái Bình tại bến phà Tân Đệ, chuyện những người làm nghề “xỉa răng cá sấu” ngoài Mã Đảo để kiếm tiền, chuyện một cán bộ khoa học có tài bị thoái hóa mới trốn ra nước ngoài ở xí nghiệp Bình; chuyện một thằng A cỡ bự được Quân tặng chó lại có liên quan đến “chú Phùng” tình báo (...) cũng được bà Hoàng coi là ân nhân v.v... Rồi những chuyện về Thiền, về tử vi, tướng số, về sáng tác nghệ thuật, về văn hóa ẩm thực, về chơi cờ tướng, thậm chí triết luận cả về một cái tên người. Chẳng hạn tên ông Đại thêm một chấm ở vai thành Khuyển là chó. Thêm một chấm ở háng là Thái, thái quá thì bất cập. Giáo chủ Cao đài mời ông ra làm việc với Pháp, ông đã từ chối khéo vì không muốn có thêm một chấm trên vai thành chó săn (thành chuyện chính trị). Nói về Thiền: Thiền dạy con người ta biết sống cho hợp lẽ tự nhiên:“Thượng thiện nhược thủy, Bậc thượng thiện sống như nước. Nước luôn luôn có khuynh hướng nhập vào dòng lớn chảy ra đại dương. Mà tự nhiên, mà thanh thản” [32, tr.98]. Chuyện nào cũng cô đọng, hàm súc mà lung linh, đa nghĩa, chỉ cốt lấy cái thần để rút ra những triết lí thâm trầm, sâu sắc bằng những chính kiến, những trải nghiệm cá nhân khác nhau. Thời kì đất nước tiến hành đổi mới với sự xuất hiện của kinh tế hàng hóa kéo theo nhiều xáo trộn trong nếp sống nếp nghĩ người Việt Nam, ông lại tập trung viết về "văn hóa sống", về cuộc đấu tranh âm thầm nhưng quyết liệt để giữ gìn đạo đức và nhân cách của mỗi con người (Một người Hà Nội, Sống ở đời...). Với ý thức đi thẳng vào đời sống hiện tại, theo sát thời sự, tác phẩm Nguyễn Khải nói chung thường gắn với những chuyến đi - với những gì nhà văn từng tai nghe mắt thấy, từng nếm trải đến hết mình cái dư vị của nó. Chính những mảng hiện thực đời sống nóng bỏng đang nằm trong thời khắc của sự chuyển đổi quan trọng này đã giúp ngòi bút của ông có điều kiện tiếp cận, khám phá kịp thời những vấn đề mới mẻ vừa mới nảy sinh, những vấn đề mà người khác chưa kịp tìm thấy. Ông gợi mở những trăn trở băn khoăn, những vướng mắc của bản thân trước những vấn đề phong phú và phức tạp đang đặt ra trong cuộc sống. Đó là tính tư hữu của người nông dân và sự bất ổn của một mô hình kinh tế vào thời điểm nó đang được đề cao, phổ biến (Tầm nhìn xa), khả năng hòa hợp giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội (Cha và con và..., Thời gian của Người). Vào những năm giữa thập kỉ 90, đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới kéo theo sự biến đổi sâu sắc trong lĩnh vực đời sống tinh thần xã hội. Ông khai thác mối tương quan giữa hai thế hệ già và trẻ trong xã hội để trân trọng thế hệ già cùng với những chuẩn mực đạo đức, lối sống của họ nhưng đồng thời ông cũng chỉ ra giới hạn của tuổi tác như sự bảo thủ, trì trệ không phù hợp với nhịp điệu của đời sống mới. Quan niệm mĩ học của Nguyễn Khải là luôn nhìn thấy cái đẹp trong sự vận động, giữa những xung đột gay gắt trong đời sống tinh thần và tư tưởng của con người. Từ đó con người toát ra vẻ đẹp của trí tuệ (chinh phục những thử thách nghiệt ngã nhất mà lịch sử hay cuộc đời đã cố tình chơi khăm họ) và vẻ đẹp nhân cách (sự hi sinh, không khuất phục số phận). Ngoài đời Nguyễn Khải là một con người sống xuê xoa, biết tự giảm bớt những yêu cầu bình thường và càng tránh va chạm càng tốt. Nhưng càng dễ dãi trong đời sống bao nhiêu, ông lại càng chặt chẽ, quyết tâm, nghiêm khắc với việc viết lách của mình bấy nhiêu. Vì cái ham muốn tột bậc của ông là được chắt lọc hết tài năng của mình ra và đó cũng chính là chỗ mạnh trong văn chương của ông. Nét đặc biệt trong đời văn của Nguyễn Khải có lẽ không phải ở năng khiếu mà do ý thức về sứ mệnh của mình, vai trò của ngòi bút trong đời sống. Nguyễn Khải tâm niệm phải cầm bút viết về “những gì mà ta nghĩ, ta yêu thương, ta phẫn nộ” và những điều ấy không thể là gì khác với cái “cả xã hội cùng nói, cùng nghĩ, cùng yêu thương, phẫn nộ” [41, tr.614]. Quan niệm ấy cho thấy rằng văn học nghiên cứu thế giới tinh thần, đời sống tình cảm, tâm lí, đời sống tư tưởng và toàn bộ tâm hồn con người. Nó bao hàm cả sự cần thiết phải phanh phui những thói hư, nhược điểm của con người để giúp con người nhận thức được chính mình và đời sống xung quanh. Nhưng mục đích cuối cùng của văn học không gì khác hơn là hướng con người đến Chân-Thiện-Mĩ, hướng đến một cuộc sống hoàn hảo cho nên nhà văn "không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao cả, cái tốt đẹp, cái thủy chung" [25]. Từ quan niệm đó, Nguyễn Khải đã hình thành cảm hứng nghiên cứu đời sống và những con người đương thời một cách nhất quán, rõ rệt. Nguyễn Khải hầu như chỉ viết về hiện tại và những trang viết về quá khứ chiếm phần khiêm tốn trong những sáng tác của ông. Ông gọi đó là "cái hôm nay": "Tôi thích cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang, bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ với màu đen, đầy rẫy những biến động, đầy bất ngờ mới thật là mảnh đất phì nhiêu cho các tay bút tiểu thuyết thả sức khai vỡ" [32]. "Cái hôm nay" luôn luôn ở "thì hiện tại", ở trạng thái "chưa hoàn kết" (M.Bakhtin). "Nếu không đi, chỉ ngồi tĩnh lặng mà nhớ lại thì nhạt lắm. Ngay cả khi viết về cái xa xưa cũng cần có tia nhánh lửa của hôm nay, cái xôn xao của bây giờ."- nhà văn Nguyễn Khải tâm sự [99]. "Nếu ngày hôm qua bao giờ cũng tốt đẹp hơn ngày hôm nay và cả ngày mai thì sẽ không có lịch sử, không có khoa học về lịch sử, không có sự sống, không có gì hết" [27]. Cảm hứng nghiên cứu đời sống bắt rễ vào "cái hôm nay" thôi thúc Nguyễn Khải tự phải vươn lên không ngừng, học hỏi không ngừng để theo kịp với những yêu cầu cuộc sống đặt ra như nhân vật của ông từng nói:"Ngày qua tháng lại, một năm qua đi, một năm mới lại tới, nhiều vấn đề mới xuất hiện buộc ông phải đọc nhiều thứ, học thêm nhiều thứ để sự so sánh được rộng hơn, những kết luận đã xác thực hơn và niềm tin cũ lại có thêm những căn cứ vững chắc" [34]. 1.2 NGUYỄN KHẢI VÀ HÀNH TRÌNH ĐI TÌM BẢN THỂ Cuộc đời của nhà văn Nguyễn Khải mang hai số phận khác nhau. Đó là một đứa trẻ chịu cảnh thiệt thòi vì là con vợ lẽ. Cậu bé Nguyễn Khải bị giam cầm trong bóng tối của sự mặc cảm, sợ hãi và bất khả nhận thức. Rồi trước bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc, cuộc đời của Nguyễn Khải đã bước sang một trang mới. Cậu có cơ hội trở thành một con người mới, được học tập và tiếp cận chân lí. Chính niềm cảm kích sâu sắc và đam mê lí tưởng cách mạng, Nguyễn Khải đã hình thành nên những phẩm chất mà thời đại yêu cầu và sống theo những tiêu chuẩn ấy. Những sáng tác đầu tiên của nhà văn ở giai đoạn này cũng viết về hành trình giải phóng tâm hồn của con người (đi từ bóng tối đến ánh sáng) và khuynh hướng khám phá phẩm chất tuyệt vời của con người trong chiến tranh. Đây là những tác phẩm mang đậm chất chính luận và triết lí với những nhân vật khôn ngoan và giỏi hùng biện. Nhưng đó chỉ là khởi đầu của một hành trình khó khăn đi tìm bản thể của chính nhà văn. Từ một con người mang những phẩm chất do thời đại tạo ra, nhà văn đã phủ nhận những định kiến, những lầm lẫn và thơ ngây của nó để tự tìm và sáng tạo chính mình đích thực trong văn giới. Cùng với thời gian và những trải nghiệm ngọt bùi cay đắng, ông nhận ra thái độ thiên lệch “độc quyền lẽ phải” của chính mình (từ dùng của Nguyễn Phượng (2005), Vị sứ đồ tự nguyện trong văn xuôi Việt Nam hiện đại). Ông đã tự hòa giải với chính mình bằng lòng khoan hòa, đồng điệu. Và chính tấm lòng tự nguyện hòa giải ấy đã mở ra cho ông một con đường thênh thang trong sáng tạo văn chương. Để tìm về chính mình, Nguyễn Khải phải đối đầu với bao thử thách để vượt qua hạn chế của thời đại và trong chính bản thân mình để tìm thấy tự do và đạt đến sự minh triết. Các sáng tác của Nguyễn Khải từ sau năm 1987 mang đậm chất triết luận - thế sự sâu sắc về các vấn đề thế sự, nhân sinh, sự nghiền ngẫm kiếm tìm chân lí bằng trải nghiệm cá nhân, năng lực hiểu lòng người và năng lực tự phân tích bằng các hình tượng nhân vật khiêm nhường, từng trải và thấu hiểu. Nguyễn Khải luôn khắc khoải suy tư để tìm lời đáp cho những câu hỏi hóc búa của lịch sử. 1.2.1 Cuộc đi tìm bản thể qua hai giai đoạn sáng tác Nguyễn Khải là nhà văn có một quá trình vận động và biến đổi trong quan niệm nghệ thuật cũng như phong cách sáng tạo, như chính ông đã thừa nhận: "Từ 1955 đến 1977 tôi sáng tác một cách. Từ 1978 đến nay sáng tác một cách khác" [25]. Nhưng đúng như nhận xét của Nguyễn Đăng Mạnh: "Thực ra sự biến đổi về tư tưởng và nghệ thuật từ sau 1975 là hiện tượng chung của mọi cây bút chứ đâu chỉ riêng Nguyễn Khải [...], phải đợi đến Đại hội Đảng thứ VI năm 1986 thì sự chuyển biến của giới cầm bút mới thật rõ rệt và có chiều sâu [...]. Đại hội VI của Đảng với tinh thần dân chủ và nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật dường như đã đáp ứng nhu cầu tự thân của Nguyễn Khải" [95]. Về sau nhà văn Nguyễn Khải cũng giải thích rõ hơn về các giai đoạn sáng tác của mình: “Trong 53 năm làm nghề, do sự phát triển tự thân, tôi đã thay đổi ba lần những quan niệm về tiểu thuyết, những đề tài và nhân vật cần phải quan tâm, nghệ thuật kết cấu và ngôn từ. Lần thứ nhất vào năm 1957 để có được cuốn tiểu thuyết Xung đột, lần thứ hai vào năm 1978 thì viết được Cha và con và..., Gặp gỡ cuối năm, mở đầu cho năm cuốn tiểu thuyết tiếp theo, có thể còn đọc được trong khoảng mươi năm nữa. Và lần cuối là năm 1990 với một chuỗi truyện ngắn, khoảng sáu, bảy chục truyện, viết trong 10 năm, và tuổi thọ của nó xem chừng cũng còn dài” [87]. Khuynh hướng sáng tác của nhà văn Nguyễn Khải chuyển dịch từ chính luận sang triết luận. Giai đoạn đầu nó mới dừng lại ở những vấn đề cấp thiết của lợi ích cách mạng, cộng đồng mang đậm tinh thần giáo huấn theo lập trường quan điểm chính trị - đạo đức cách mạng. Nhà văn không cảm thấy tù túng bó buộc giữa yêu cầu của cách mạng với văn học, yêu cầu của thời đại với nhà văn. Nhà văn luôn tìm được khoảng trống rộng rãi đủ để ông múa bút. Đối với quan niệm chung chi phối sáng tác văn học sau năm 1945 là nhà văn phải gắn bó với đời sống những người bình thường thì ông hăng hái đi khắp vùng ven biển Nam Định và tái hiện những bức tranh cuộc sống của con người nơi đây chân thật và tỉ mỉ đến bất ngờ. Nguyễn Khải thú thật đã từng lãng quên những con người và những việc bình thường:“(…) chuyện hằng ngày, nhỏ nhặt và tầm thường có gì đáng để phải viết. Chả là tôi rất thích viết những hoàn cảnh gay gắt, đơn biệt, những tính cách hoặc u tối hoặc chói sáng.” [68]. Các truyện trước đây của Nguyễn Khải dù rất uyển chuyển, sinh động nhưng vẫn nổi lên một sắc thái nhất định. Nguyễn Khải, "đi thực tế đấy mà thực chất là để tìm mình, để phát ngôn cho chính mình [...]. Vì sự lựa chọn của họ rút cục đều do ông mách nước cả". Các sáng tác của Nguyễn Khải đầy ắp cảm hứng chính luận, chuyên đề cập các vấn đề thời sự, chính trị của đất nước và thường lấy tiêu chí chính trị, đạo đức cách mạng để bàn luận, đánh giá sự kiện, con người. Đến giai đoạn sau, nhà văn đề cập đến vấn đề thời sự, chính trị nhưng nó gắn với cá nhân, hướng vào những cuộc đối thoại tư tưởng để giải quyết những vấn đề vĩnh cửu của đời sống con người. “Nghệ thuật trong thời đại khoa học đặc biệt quan tâm đến triết học, nó sáp gần và đôi khi hòa lẫn vào triết học” (A. Gulưga). Những nhà văn lớn thường gặp những triết gia lớn ở chỗ trong tác phẩm của họ con người được đặt trong quan hệ với cái “tuyệt đối”. Con người thường được đặt trong quan hệ với những vấn đề chính trị-xã hội thời sự. Tác phẩm văn học sẽ có chiều sâu hơn nếu như những vấn đề thời sự chỉ là điểm xuất phát. “Chúng ta không đi đến chân lí, chúng ta chỉ va chạm vào chân lí”(Evarist Gallois). Từ những vấn đề thời sự, trong cảm hứng triết luận, nhà văn có cơ chạm được vào “cái tuyệt đối”. Quan niệm về “cái tuyệt đối” cũng đơn giản thôi, đó là những khát vọng nhân bản và vĩnh hằng của con người về chân, thiện, mĩ... Ông sớm nhận ra phải nhanh chóng từ giã thời lãng mạn, đơn giản, dễ dãi để viết những tác phẩm mang quan điểm cá nhân. Ngày nay đến với truyện của ông, ta thấy cách nhìn không còn rõ rệt phân ra quan điểm đúng sai mà là những xót xa đau đớn vì sự ngó lơ trước những khuyết tật của con người. Đó còn là những nỗi đau vô cớ, những bất hạnh mơ hồ, những đắng cay chua xót không đâu, những nỗi nhục, những mặc cảm không có duyên do, không tài nào ai hiểu nổi vẫn thường đầy rẫy trong cuộc đời mỗi người. Bước ngoặt khiến ông tìm về đề tài những con người tẻ nhạt, nhỏ mọn, tầm thường trong cuộc sống hàng ngày là “…vào năm tôi đã 60 tuổi. Là khi tôi ngộ ra cái dòng chảy tự nhiên của một đời người từ xưa cho tới nay, thời chiến thì đi lính; thời bình thì đi cày, đi buôn với những lo toan, buồn vui của mỗi ngày. Những danh nhân, anh hùng của mọi thời đều từ cái đám đông nhờ nhờ ấy bước vào vùng sáng của lịch sử một khi thời thế thay đổi. Tôi đã dành một nửa đời viết chỉ để quan tâm tới những số phận khác thường, những tính cách khác thường, thì thời gian còn lại tôi sẽ chỉ dành cho những con người vô danh, những con người của đám đông với những số phận rất tầm thường.” [87]. Sự thay đổi trong quan niệm về cuộc sống, về con người đã dẫn đến những đổi thay trong bút pháp của nhà văn. Truyện Nguyễn Khải từ hướng ngoại chuyển dần sang hướng nội, giọng điệu tâm tình sẻ chia tương ứng với nội dung nhân bản kia dần lấn át giọng tranh biện, thuyết lí. Đúng như nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn từng nhận định:"Ngày nay đến với truyện của ông, người ta được đến với một thế giới đa dạng hơn, nhiều sắc thái hơn, cái anh hùng xen với cái bình thường, cái đáng căm giận đáng phỉ nhổ không thiếu, nhưng còn bao nhiêu cái đáng cảm động, đáng để tin yêu, nó góp phần làm nên một cuộc sống thú vị có cả tiếng cười lẫn nước mắt". [110, tr.119]. Dường như trong văn chương thì nỗi đau dễ còn lại với đời sau hơn là niềm hân hoan và những câu chúc tụng. Nhìn chung ta có thể khái quát hai giai đoạn sáng tác lớn của Nguyễn Khải. Trước 1978, tác giả có cái nhìn tỉnh táo, sắc lạnh, nghiêm ngặt, luôn khai thác hiện thực trong thế xung đột, đối lập cũ – mới, ta – địch, tốt – xấu nhằm khẳng định xu thế vận động (từ bóng tối ra ánh sáng) của cuộc sống mới, con người mới. Ngòi bút văn xuôi có khuynh hướng chính luận với sức mạnh của lí trí tỉnh táo. Sau 1978, cái nhìn của ông trở nên đầy trăn trở, chiêm nghiệm, cảm nhận hiện thực xô bồ, hối hả, đầy đổi thay và đặc biệt là chuyển mạnh từ hướng ngoại sang hướng nội. Tác giả nhìn con người trong mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử, quá khứ dân tộc, gia đình và sự tiếp nối thế hệ nhằm khẳng định, ngợi ca những giá trị nhân văn cao đẹp của cuộc sống và con người hôm nay. Lấy việc khám phá những con người trong cuộc sống đời thường làm trung tâm. Các tác phẩm thể hiện cảm hứng triết luận với giọng văn đôn hậu, trầm lắng, nhiều suy nghiệm. Từ sau Xung đột, những tác phẩm như Mùa lạc, Đứa con nuôi, Chuyện người tổ trưởng máy kéo đều nhất quán trong cảm hứng lãng mạn. Những kiểu nhân vật như chị Đào, Thoa, Thi... đã khá quen thuộc trong văn học của ta. Đó là những con người rất bình thường, nhỏ bé bị tơi bời trong sóng gió cuộc đời. Nhưng họ vẫn đầy lạc quan với sức trỗi dậy bền bỉ, khả năng tự tái sinh mình đến kì lạ. Trong những năm đầu tiên được hưởng thành quả của chế độ mới (sau 1945), nhà văn đã không tránh khỏi cái cảm xúc quá hào hứng và thán phục đối với mọi việc và mọi người. Ông đã hăm hở đẩy mọi thứ lên đến cực đoan rồi đi đến những tổng kết mang nặng tính lí thuyết. Tất nhiên cứ say sưa ca ngợi cái này thì đương nhiên cũng hăm hở phê phán chế giễu cái kia. Nguyễn Khải từng thừa nhận:“Có một thời mà thời ấy kéo hơi quá dài, những ba chục năm, chúng ta chỉ tôn trọng có ý chí có nghị lực có chính trị tư tưởng.” [52]. Chỉ cần so sánh một chút cảm hứng khái quát đời sống khi nhà văn viết Mùa lạc với những thiên truyện ông viết những năm cuối 80 đến nay ta sẽ thấy bao khác biệt. Cái nông nổi bồng bột say sưa của tuổi trẻ, và cái chiêm nghiệm thâm trầm sâu sắc của tuổi già. Cái cao giọng lớn tiếng khẳng định, khái quát, tổng kết quy luật cuộc sống nhưng còn hồn nhiên, chân chất; và cái ngập ngừng, ngẫm nghĩ, lo âu vì sợ sẽ tiếp tục sai lầm lại tiến gần đến quy luật cuộc đời. Và khi tuân theo quy luật cuộc đời, nhà văn cũng đã chạm đến cái hồn của văn chương vốn rộng lượng với những lầm lạc, vấp ngã của con người. Sự thay đổi trong quan niệm về cuộc sống, về con người đã dẫn đến những đổi thay trong bút pháp của nhà văn. Truyện Nguyễn Khải từ hướng ngoại chuyển dần sang hướng nội, giọng điệu tâm tình sẻ chia tương ứng với nội dung nhân bản kia dần lấn át giọng tranh biện, thuyết lí. Vì thế mà, Nguyễn Khải đã tự nguyện quay trở lại, soi chiếu lại cái thế giới cũ để dũng cảm nhìn nhận chính mình như một lẽ tất nhiên hơn ai hết. Và ông vẫn hăm hở với những tác phẩm được viết tiếp hay viết lại (Cái thời lãng mạn nhìn lại Tầm nhìn xa; Cha và con và… nhìn lại Xung đột; Người trở về, Một cõi nhân gian bé tí, Thượng đế thì cười…). Có mấy ai lại mang một tâm thế hăm hở đến vậy khi nhìn nhận, mổ xẻ, tự giễu chính những đứa con tinh thần của mình. Phải chăng cái khao khát tìm cho ra chân tướng tận cùng sự thật đã cao hơn tất cả, cao hơn nỗi đau cắt lìa chính “những đứa con mình”. 1.2.2 Hành trình nhận thức quan cuộc tự phát hiện trở lại Nghề cầm bút với Nguyễn Khải rất nghiêm trang và khó nhọc như nghề làm người. Nó cũng trải qua những giai đoạn phát triển, tự nhìn lại mình, tự ý thức rồi thức tỉnh như chính ông trên hành trình làm người. Ban đầu ông viết văn như để giải oan, để đáp lại cái quá khứ tủi nhục, bị coi thường, bị hắt hủi của mình. Ông viết văn để đền ơn cho gia đình lớn cách mạng. Ông viết văn bằng cái ham muốn bộc lộ tài năng, ham muốn góp mặt trong đời sống văn học. Nhưng cùng với thời gian và những trải nghiệm ngọt bùi cay đắng, ông nhận ra thái độ thiên lệch “độc quyền lẽ phải” của chính mình. Bám sát đời sống, không rời cái hôm nay, con người năng động và thông minh, luôn khát khao tìm tòi này đã sớm nhận ra thiếu sót thuở nào trong những quan niệm một thời của mình. Nhìn nhận lại quá khứ, nói thêm về những vấn đề mà mình đã từng nói thuở nào giờ đây bỗng trở thành một nguyện vọng thôi thúc trong con người làm nghề viết lách này. Ông đã tự hòa giải với chính mình bằng lòng khoan hòa, đồng điệu. Và chính tấm lòng tự nguyện hòa giải ấy đã mở ra cho ông một con đường thênh thang trong sáng tạo văn chương. Ông đã không ngần ngại nói lên những cảm nhận mới về đời sống của ngày hôm nay:"Tôi chợt nhận ra sự sống đã trở lại, đã phá vỡ cái nền nếp khắc khổ của một thời nghiệt ngã, để được sống đến triệt để, đến thỏa thê, sống bằng hết sức mạnh vốn có, những thèm khát vốn có. Vì đã từ lâu lắm rồi mỗi người chỉ còn sống với cái tối thiểu để tồn tại, tồn tại là trước hết" [47, tr.470]. Những cuộc đối thoại giữa ngòi bút Nguyễn Khải hôm nay và những trang viết mấy chục năm về trước là cuộc đối thoại dài với chính mình, với các nhân vật của mình và với chính các tác phẩm của mình. 1.2.2.1. Nhìn nhận vấn đề cũ dưới một cái nhìn mới Với Nguyễn Khải đặt vấn đề thường đồng nghĩa với việc đặt lại vấn đề, nghĩa là phát hiện lại, nghiên cứu lại những vấn đề của hiện thực tưởng đã xong xuôi. Nhân vật chính trong các tác phẩm của Nguyễn Khải ở thời kì đầu đều là những người tốt, dẫu có "vẫy vùng" đến đâu thì "cái riêng của từng người" cũng phải "hòa tan trong sự nghiệp kháng chiến" [35, tr.124]. Mô hình hợp tác xã nông nghiệp không phát huy tính cần cù sáng tạo của từng cá thể nông dân, nhưng đây là chủ trương lớn nên như nhiều nhà văn đương thời, Nguyễn Khải cũng phải "tuyên truyền qua đường lối Xung đột". 45 năm sau, qua Thượng đế thì cười, Nguyễn Khải mới có thể nói được những cảm nhận về người nông dân khi đi vào hợp tác hóa nông nghiệp:"Đang làm chủ trở thành người làm công ăn lương, không thể tính toán cho riêng mình bất cứ việc gì, họ không còn đất đai, không còn nông cụ, không còn cả lao động và thời gian, tất cả đã thuộc về hợp tác xã thì còn gì để tính nữa. Vì không tính được nên cái lo của người già và những người chủ gia đình là cái lo kéo dài suốt mấy chục năm, từ đời này qua đời nọ, lo quá thì không còn lo nữa cho xong, đã lụt thì lụt cả làng, cả làng đói thì đã có nhà nước lo, sự bình đẳng gần như hoàn toàn, không còn giàu và nghèo thì cũng không còn lười và chăm, ngu và sáng, may và không may, các số phận riêng mất dần đi" [79, tr.231]. An (Chủ tịch huyện) tháo vát nhưng kiêu căng, một con người bên cạnh nhược điểm lớn nhất là tự cao tự đại lại có những ưu điểm không thể phủ nhận là tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm thế mà chỉ "vấp" một cái đã tuôn nước mắt trước mặt ông bí thư xã mà hằng ngày An chẳng chút kiêng nể; gã run "sống đơn độc mới thấy hãi, rất hãi..." . An nhanh chóng được nhà văn mài cho nhẵn thín để dễ lăn tròn vào đám đông cách mạng. Những trang viết về An trong Chủ tịch huyện (1972) đã làm Nguyễn Khải day dứt nên mười năm sau với Gặp gỡ cuối năm ông đã gởi gắm lòng mình qua phát ngôn của kĩ sư Bình:"cái trách nhiệm cá nhân phải hòa tan trong cái lãnh đạm của tập
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan