Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tín ngưỡng của người hmông tỉnh lào cai hiện nay...

Tài liệu Tín ngưỡng của người hmông tỉnh lào cai hiện nay

.PDF
108
100
105

Mô tả:

LUẬN VĂN: Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Những năm gần, đây nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế, nhiều vấn đề xã hội phức tạp cũng nảy sinh, đặc biệt trong đó phải nói đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài các tôn giáo có lịch sử lâu đời, nhiều loại hình tôn giáo mới nảy sinh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội của nước ta. Trong bối cảnh xã hội mới, Đảng ta đã và đang thực hiện việc đổi mới chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của một bộ phận nhân dân, đồng thời giữ vững ổn định xã hội, tạo điều kiện cần thiết cho sự phát triển đất nước. Lào cai là một tỉnh vùng cao biên giới và là một trong những địa bàn cư trú lớn nhất của đồng bào người Hmông ở Việt Nam. Người Hmông được các nhà khoa học coi như một cộng đồng “đặc biệt”, có nhiều nét đặc thù trong lịch sử và lối sống được thể hiện trong văn hóa mưu sinh và ứng xử, ý thức cộng đồng, tâm lý tộc người… Đặc biệt, tín ngưỡng của người Hmông chiếm một vị trí rất quan trọng trong sinh hoạt văn hoá tinh thần của cộng đồng này. Tín ngưỡng, tôn giáo của người Hmông không chỉ đơn thuần là những sinh hoạt văn hoá tâm linh, mà còn là một thành tố cốt lõi tạo nên sự cố kết bền vững của dân tộc, nó giúp cho người Hmông luôn gắn bó với văn hóa cội nguồn và tạo nên bản sắc văn hóa đặc thù của người Hmông. Tuy nhiên, những năm gần đây, một bộ phận người Hmông ở Lào Cai rộ lên hiện tượng từ bỏ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và những phong tục văn hóa, lối sống cổ truyền của dân tộc mình để theo Vàng Trứ và các đạo lạ khác. Cùng với việc từ bỏ giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc là làn sóng di dân tự do, rời bỏ quê hương làng quán, gây xáo trộn trong nhận thức cũng như trong đời sống của nhân dân nói chung, của người Hmông Lào Cai nói riêng. Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, gắn vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng với vấn đề dân tộc để chống phá đất nước ta. Người Hmông ở Tây Bắc nói chung, ở Lào Cai nói riêng với sinh hoạt tín ngưỡng của họ cũng là đối tượng mà các thế lực thù địch đang nhắm đến trong chiến lược diễn biến hoà bình đối với Việt Nam. Đứng trước thực trạng đó, Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương có người Hmông sinh sống cần có những chính sách gì để vừa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào, vừa đảm bảo ổn định khu vực và anh ninh quốc gia. Để giải quyết được vấn đề nêu trên, trước hết đòi hỏi chúng ta phải đi sâu nghiên cứu, tìm ra những đặc thù trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Hmông, cũng như nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh của họ trong thời kỳ mới, từ đó mới có thể có được những quyết sách cho phù hợp. Xuất phát từ yêu cầu thực tế nêu trên, tôi chọn đề tài “Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay” hiện nay làm luận văn thạc sỹ chuyên ngành tôn giáo học. 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Những năm gần đây, đã có nhiều công trình khoa học liên quan đến đề tài của tác giả như: Vương Quỳnh Anh (1962), "Vấn đề tên gọi dân tộc Mèo", Tạp chí Dân tộc của Ban Dân tộc Trung ương Đảng, (36); Ban Dân tộc Miền núi Lào Cai (2000), Báo cáo tổng kết công tác tôn giáo, dân tộc từ năm 2000 đến 2007; Ban Dân vận Tỉnh uỷ Lào Cai (2008), Báo cáo tổng kết về công tác dân vận từ năm 2000 đến 2007; Phạm Đức Dương (1995), Về vị trí mối quan hệ giữa nhóm Hmông - Dao và các nhóm ngôn ngữ Đông Nam á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội; Bế Viết Đắng (1978), Dân tộc Mèo - Các dân tộc ít người ở Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội;Lê Sỹ Giáo (1995), "Quản lý xã hội cấp cơ sở ở các vùng nông thôn thiểu số miền núi Việt Nam", Thông tin lý luận; Đỗ Quang Hưng (2002), Những biểu hiện mới của vấn đề tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số của nước ta hiện nay (vài phân tích có tính phương pháp luận), Phòng tư liệu - Thư viện Viện Nghiên cứu Tôn giáo; Đỗ Quang Hưng, Vương Duy Quang (2002), Những vấn đề cấp bách về tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số của nước ta hiện nay (Khảo sát tại Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc): Kiến nghi (luận điểm và giải pháp), Phòng tư liệu - Thư viện Viện Nghiên cứu Tôn giáo; TS. Vũ Ngọc Kỳ (2004), Văn hóa Mông ở Hà Giang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hó; Lemone J. (1984), Tang ca Hmông Pari(bản dịch lưu trữ Bảo tàng Lào Cai); Văn Lê (1993), "Từ đài FEBC đến vấn đề “Vàng Chứ”, đạo Kitô trong dân tộc Hmông ở nước ta", Tạp chí Công an nhân dân, (11); Hà Lý (2003), Hỏi đáp về Tôn giáo và chính sách Tôn giáo, (sách phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội;Michaud, J (1998), Bước đầu về lịch sử tộc người ở người Hmông Sa Pa, Việt Nam - Một nghiên cứu đáng chú ý, Khoa Nghiên cứu về Đông Nam á, Đại học Tổng hợp Hull, Vương quốc Anh; Morechan G. (1921), Những đặc điểm chủ yếu của thuật Sa man của người Mèo trắng ở Đông Dương; Vương Duy Quang (2005), Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam, truyền thống và hiện tại, Nxb Văn hóa - thông tin và Viện Văn hóa; TS. Trần Hữu Sơn ( 1996 ), Văn hóa Hmông, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội; Lâm Tâm (1961), "Lịch sử di cư và tên gọi của người Mèo", Tạp chí Nghiên cứu lịch sử; Doãn Thanh (1974), Dân ca Hmông, Ty Văn hóa Láo Cai xuất bản; Doãn Thanh (1993), Truyện cổ Mèo, Nxb Văn học, Hà Nội; TS. Nguyễn Ngọc Thanh (1993), Những quy ước của người Mông; TS. Ngô Hữu Thảo (2004 ), Tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Mông và sự xâm nhập của đạo Tin Lành hiện nay; Lục Bình Thúy (1997), Quan hệ xã hội dân tộc Mèo ở SaPa (Tư liệu nghiên cứu lịch sử Đảng Lào Cai ký hiệu A17C); Tỉnh uỷ Lào Cai (2006), Người Mông Lào Cai và một số giải pháp, kiến nghị về xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào mông hiện nay, Lào Cai; Tocarev X.A (1994), Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội; Viện Nghiên cứu Chính sách Dân tộc và Miền núi (2002), Vấn đề dân tộc và định hướng xây dựng chính sách dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội; Viện Nghiên cứu Tôn giáo (1998), Những vấn đề liên quan đền hiện tượng “Vàng Trứ”, Hà Nội; Viên nghiên cứu tôn giáo (1998), Những kiến nghị cho giải pháp vấn đề người Hmông theo đạo Vàng Trứ hiện nay, Hà Nội; Đặng Nghiêm Vạn (1990), "Vấn đề xưng Vua và truyền đạo Thiên chúa ở vùng đồng bào Hmông", Tạp chí khoa học Công an, (10); Đặng Nghiêm Vạn - Nguyễn Hồng Dương - Vương Duy Quang (2000), Về tình hình phát triển của đạo tin lành ở mièn núi phía bắc, Trường Sơn, Tây nguyên, Hà Nội; Lê Trung Vũ (1994), Tục ngữ và câu đố Hmông, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội. Những công trình khoa học nói trên đã đi sâu phân tích, đánh giá các hoạt động của cộng đồng người Hmông trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội kể cả lịch sử di cư và khu vực cư trú. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu vấn đề: “Tín ngưỡng người Hmông ở Lào Cai”. Chính vì vậy thành quả nghiên cứu của các tát giả đi trước là những tư liệu quan trọng để tác giả hoàn thành đề tài nghiên cứu của mình. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu - Mục đích: Luận văn góp phần làm rõ thực trạng tín ngưỡng của người Hmông ở Lào Cai những năm gần đây, từ đó đề xuất các giải pháp để giải quyết tốt vấn đề tín ngưỡng của người Hmông nhăm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở tỉnh Lào Cai và khu vực. - Nhiệm vụ: + Nghiên cứu đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội của người Hmông ở Việt Nam. + Nghiên cứu thực trạng và những vấn đề đặt ra từ sinh hoạt tín ngưỡng của người Hmông Lào Cai hiện nay. + Đề xuất các giải pháp để giải quyết tốt vấn đề tín ngưỡng của người Hmông nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở tỉnh Lào Cai và khu vực. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn - Đối tượng nghiên cứu của luận văn là: Tín ngưỡng của người Hmông. - Phạm vi nghiên cưu của luận văn là: Tín ngưỡng của người Hmông ở tỉnh Lào Cai hiện nay. 5. Phương pháp nghiên cứu của luận văn Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: Lịch sử và lôgic, kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, phân tích và tổng hợp, đồng thời coi trọng công tác điều tra khảo sát thực tiễn. 6. Đóng góp mới về mặt khoa học của luận văn - Góp phần làm rõ, sâu sắc hơn nữa tín ngưỡng người Hmông ở tỉnh Lào Cai trong điều kiện hiện nay - Đề xuất những giải pháp, định hướng trong lĩnh vực quản lý tín ngưỡng, tôn giáo và những ứng xử phù hợp với người người Hmông. - Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng của các trường và các ban ngành của tỉnh Lào Cai. Đồng thời luận văn còn có thể góp phần vào cơ sở lý luận cho việc giải quyết vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng trong thực tiễn của tỉnh Lào Cai hiện nay. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu thành 3 chương 7 tiết Chương 1 người Hmông ở việt nam và người hmông ở lào cai 1.1. Người Hmông ở việt nam 1.1.1. Điều kiện tự nhiên và hoạt động kinh tế – xã hội của người Hmông ở Việt Nam * Lịch sử di cư và khu vực cư trú Người Hmông di cư từ phía Bắc vào Việt Nam khá muộn so với các dân tộc khác. Họ đến bằng nhiều đợt với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu dân tộc học đặc biệt là các công trình nghiên cứu về lịch sử cư trú của người Hmông Việt Nam, chúng ta có thể phân những đợt di cư đó thành ba giai đoạn chủ yếu. Giai đoạn sớm nhất được bắt đầu cách đây khoảng 350 năm (14 đời người). Đó là nhóm Hmông đầu tiên từ Quý Châu xuống Vân Nam (Trung Quốc) rồi vào vùng đất Mèo Vạc, Đồng Văn của tỉnh Hà Giang (Việt Nam). Những người già Hông còn nhớ rằng, sau khi rời Quý Châu tổ tiên của người Hmông gọi là Pàng Tàu Làng, đó chính là phủ Khai Hoa, một vùng đất của Châu Vân Sơn thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ngày nay. Giai đoạn thứ hai cách đây trên 200 năm (khoảng 10 đời người), đây là giai đoạn người Hmông di cư đến đông nhất. Họ vào theo hai hướng chính. Một hướng tiếp tục tràn vào cao nguyên Đồng Văn rồi đi sang Bảo Lạc (Cao Bằng), Bắc Mê, Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang)… Một hướng vào vùng đất Xi Ma Cai và Mường Khương rồi xuống Văn Bàn (Lào Cai), Phong Thổ, Sìn Hồ, Điện Biên (Lai Châu)… Giai đoạn thứ ba cách đây chừng 150 năm (khoảng 6 đến 7 đời người), người Hmông tiếp tục vào Viện Nam theo các đường Phong Thổ (Lai Châu), Xi Ma Cai và Mường khương (Lào Cai). Từ đây họ đi sâu vào vùng Tây Bắc, đến Tủa Chùa, Tuần Giáo (Lai Châu), Thuận Châu, Sông Mã (Sơn La). Một bộ phận từ Mù Căng Chải sang Bắc Yên, Phù Yên rồi xuống vùng núi Mộc Châu (Sơn La) và điểm dừng cuối cùng là vùng núi tây Thanh Hóa. Cũng trong thời gian này, một nhóm người Hmông ở Xiêng Khoảng (Lào) đã tràn vào vùng núi Thanh - Nghệ và cư trú tập trung ở huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An. Có thể thấy, thứ nhất: Quá trình di cư của người Hmông luôn mang tính dòng họ và lịch sử di cư của dân tộc này luôn gắn liền với lịch sử di cư của các dòng họ. Thậm chí, chỉ cần nghe bài cúng “chỉ đường” cho người chết về với tổ tiên của các dòng họ là ta có thể biết nguồn gốc của họ bắt đầu từ nơi nào (bởi lẽ đơn giản, thầy cúng của các dòng họ bao giờ cũng phải cúng đưa hồn người chết của dòng tộc qua các miền đất mà họ đã sinh sống, đến tận vùng đất cuối cùng mà họ còn nhớ, và từ đó hồn người chết mới lên trời về “đất tổ tiên”). Thứ hai: Không chỉ người Hmông ở cao nguyên Đồng Văn mà nhiều nhóm Hmông từ biên giới đến nội địa, từ Bắc, Đông Bắc sang Tây Bắc Việt Nam đều nhớ cái tên Pàn Tầu Làng, điều đó chứng tỏ địa danh này gắn bó chặt chẽ với lịch sử di cư của nhiều nhóm Hmông ở Việt nam. Thứ ba: Giai đoạn di cư thứ nhất và thứ hai là quá trình hình thành những vùng Hmông chính ở Việt nam. Đến thời điểm di cư ở giai đoạn ba, những vùng Hmông chủ yếu tiếp tục được củng cố và nhiều vùng Hmông khác được ra đời trở lên khá ổn định như ngày nay. Thứ tư: Quá trình di cư của dân tộc này vào Việt Nam thể hiện rõ niềm mong ước to lớn của họ là tìm được mảnh “đất Lành” để sinh sống và không biết từ bao giờ, đồng bào đã coi nơi này như quê hương mới của mình. Đồng thời, vùng đất Mèo Vạc (Hà Giang)- nơi lưu truyền có giếng nước thần - nơi người Hmông đến cư trú sớm nhất cũng được coi là quê hương của phần lớn của người Hmông ở Việt Nam. Quả thực, với hơn ba trăm năm gắn bó với miền đất này, những người Hmông đã tự khai sơn phá thạch dựng nên làng bản và trở thành một thành viên của đại gia đình các dân tộc Việt nam. Đồng bào đã sát cánh kề vai cùng các dân tộc láng giềng đổ mồ hôi và xương máu để giữ gìn, bảo vệ chủ quyền quốc gia Việt Nam của mình. Và giải cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc, nơi có người Hmông sống tập trung đông nhất, nơi còn lưu giữ được những yếu tố văn hóa cổ truyền nhất xứng đáng được coi là trung tâm văn hóa truền thống của người Hmông ở Việt Nam và Đông Nam á. Trước tháng 3 năm 1979, dân tộc Hmông ở Việt Nam được mọi người biết đến với tộc danh là Mèo. Lịch sử có ghi chép, người Mèo là một dân tộc sớm biết trồng lúa nước. Người Hán căn cứ vào nghề trồng trọt của người Mèo mà gọi họ là Miêu Tử. Chữ Miêu trong chữ tượng hình của người Hán bao gồm phần trên là chữ “thảo”, dưới là chữ “điền”, có nghĩa là “mầm mạ tốt”, từ đó dân tộc Miêu xuất hiện trong lịch sử. Mèo là cách gọi trực tiếp theo phiên âm của người Hán. Miêu là cách gọi theo phiên âm Hán Việt. Tộc danh Mèo hay Miêu đều cho ta thấy tổ tiên của cư dân này sớm biết nghề làm ruộng và có nền văn hóa phát triển khá cao. Khi người Mèo di cư vào Việt Nam, họ vẫn mang theo tên gọi quen thuộc của mình. Hầu hết họ là một bộ phận tách ra từ nhóm Mèo dùng phương ngôn Hmông. Những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, các nhà khoa học xã hội Việt Nam đã nghiên cứu cơ bản khá công phu để xác định thành phần các dân tộc. Ngày 2 tháng 3 năm 1979, trên cơ sở kết quả điều tra nghiên cứu, có tham khảo ý kiến của các đại biểu người Mèo, theo đề nghị của ủy ban Dân tộc của Chính phủ, danh mục thành phần 54 dân tộc ở Việt Nam được chính thức công bố thay cho danh mục cũ gồm 62 dân tộc. Từ đó đến nay, dân tộc Mèo ở Việt Nam được gọi là Hmông. Tuy nhiên theo bảng danh mục đó, tộc danh Mèo vẫn có giá trị pháp lý như Hmông, giống như trường hợp tộc danh Việt hay Kinh ở người Việt, Chăm hay Chàm ở người Chăm, Hoa hay Hán ở người Hoa. Nếu chỉ căn cứ vào ý thức tự nhận của đồng bào thì ở Việt Nam hiện nay có tới cả chục nhóm Hmông bao gồm: Hmôngz Đơưz, Hmôngz Lênhx, Hmôngz siz, Hmôngz Njuôz, Hmôngz Đuz, Hmôngz Txeix, Hmôngz Đês, Hmôngz Puôs, Hmôngz Suô, Hmôngz Njil. Thật ra việc nhận định các nhóm Hmông bắt đầu khi nào thì đều ít người biết đến. Đã có ý kiến cho rằng, ban đầu cộng đồng người Hmông không hề có sự chia nhóm. Khi nhà Minh sắp ra đời, nhà nước phong kiến Trung Quốc mới bắt người Hmông mặc các loại váy, áo, quần khác nhau, nhất là về màu sắc, hi vọng sự phân biệt ấy tạo nên sự chia rẽ khối thống nhất của dân tộc Hmông . Đó là nguồn gốc của các nhóm Hmông ở Trung Quốc sau này. Lời lý giải ấy không biết là đúng hay sai, song hầu hết các nhà nghiên cứu về dân tộc này đều thống nhất cho rằng, dựa trên tiêu chí trang phục (váy, áo, quần truyền thống) và ngôn ngữ đặc biệt là âm ngữ và một phần ý thức tự nhận của đồng bào thì Việt Nam có 4 nhóm Hmông chính đang hiện diện là: Hmông Trắng (Hmôngz Đuz), Hmông Hoa (Hmôngz Lênhx), Hmông Đen (Hmôngz Đuz) và Hmông Xanh (Hmôngz Njuôz). Như vậy, Việt Nam duy nhất có đầy đủ 4 nhóm Hmông sinh sống ở khu vực Đông Nam á, bởi tại Lào và Thái Lan chỉ có Hmông Xanh và Hmông Trắng mà thôi. Phụ nữ Hmông Trắng ở Việt Nam mặc váy lanh để trắng, không thêu hoa văn; áo xẻ ngực có yếm, thường thêu thêm mảnh vải mầu ở giữa cánh tay. Váy phụ nữ Hmông Hoa nhuộm màu chàm, có in hoa văn bằng sáp ong hoặc thêu hao văn bằng chỉ màu và vải mầu ở phần gấu váy; có nhiều nơi họ để hao văn tới 2/3 váy. Thậm chí ở một số vùng, váy áo phụ nữ Hmông hoa trở lên rực rỡ bởi màu sắc của các hoa văn đều lấy gam màu đỏ là chủ đạo. áo của phụ nữ Hmông Hoa thường để cổ bẻ hoặc xẻ nách. Phụ nữ Hmông Đen thường mặc quần đen. Một số vùng họ mặc váy và thường để váy mang màu chàm đen ở nửa trên, nửa dưới để trắng hoàn toàn hoặc in những dòng kẻ đen nhỏ trên nền màu trắng của váy. áo của người phụ nữ Hmông Đen là loại áo xẻ nách, ống tay áo có viền nhiều mảng vải màu sáng trên nền đen. Phụ nữ Hmông Xanh cũng mặc váy bằng vải lanh nhưng mang màu chàm xanh hoàn toàn; một số trường hợp có thêu hoa văn ở gấu váy. áo của họ thường là loại áo xẻ ngực. Về ngôn ngữ, sự khác nhau trong từ vị cơ bản của bố nhóm người Hmông này là không lớn. Cuộc điều tra của Nguyễn Văn Chỉnh so sánh 2500 từ vị giữa nhóm Hmông Hoa và ba nhóm còn lại cho thấy, sự khác biệt lớn nhất với nhóm Hmông Xanh là 21,3% và hai nhóm còn lại là 4 - 7%. Có thể khẳng đinh, sự khác nhau trong trong phục cùng một phần ngôn ngữ là yếu tố phân định các nhóm Hmông. Song, sự khác nhau ấy không hề ảnh hưởng tới tính thống nhất từ văn hóa mưu sinh, văn hóa ứng xử đến văn hóa tâm linh của dân tộc này. Thậm chí, ngay trong địa vực cư trú, họ cũng không có sự phân biệt ranh giới về nhóm và các nhóm Hmông thường sống xen kẽ trong từng vùng, đôi khi trong một làng có vài ba nhóm Hmông cùng sinh sống. Tuy nhiên, về tổng thể người Hmông Trắng cư trú tập trung ở cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang), một phần các huyện Bắc Hà, Mường Khương (Lào Cai), Trạm Tấu (Yên Bái), Thuận Châu, Yên Châu (Sơn La) và tỉnh Cao Bằng. Ngươi Hmông Hoa sống chủ yếu ở Mù Căng Chải (Yên Bái), Bắc Hà, Mường Khương (Lào Cai), Hoàng Sù Phì, Xín Mần (Hà Giang), Mộc Châu (Sơn La), Điện Biên, Tủa Chùa. Người Hmông Đen sống tập trung ở Phong Thổ, Tủa Chùa (Lai Châu). Người Hmông Xanh chỉ có một số ít cư trú tại Tủa Chùa (Lai Châu), Văn Bàn (Lào Cai). Do có sự cư trú đan xen giữa các nhóm Hmông, việc vay mượn mô típ và cách trang phục của nhau là điều không tránh khỏi. Bởi vậy ở một số nơi, phụ nữ Hmông trong vùng đều có cách ăn mặc giống nhau mặc dù họ thuộc các nhóm Hmông khác nhau. Thậm chí, các nhóm Hmông nhỏ còn chịu ảnh hưởng cách phát âm của các nhóm Hmông chiếm đa số của vùng đó. Hơn thế , do chịu tác động của các tộc người lân cận, đã có trường hợp người Hmông ở một số nơi lấy một vài yếu tố trang phục hay khía cạnh văn hóa vật chất khác của dân tộc láng giềng làm của mình hoặc chịu ảnh hưởng ít nhiều yếu tố đó của họ Theo kết quả của tổng điều tra dân số năm 1999, người Hmông là dân tộc có dân số đứng thứ 8 trong tổ số 54 dân tộc ở Việt Nam, với dân số khoảng 800.000 người. Họ cư trú chủ yếu trên vùng núi cao của các tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Cạn... Một số tỉnh có người Hmông sinh sống đông nhất là Hà Giang hơn 200.000 người; Lào Cai: hơn 110.000 người: Sơn La: gần 100.000 người: Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu): khoảng 140.000 người. Dựa trên nhiều yếu tố, có thể phân địa vực cư trú của người Hmông thành hai vùng lớn: Một là vùng biên giới Việt - Trung, tính từ phía bắc tỉnh Cao Bằng sang phía bắc tỉnh Lai Châu. Đây chủ yếu là khu vực núi đá, cây cối thưa thớt, rải rác có những mảnh rừng già; đất canh tác ít, thường thiếu nước uống và củi đun trong khi mật độ người Hmông ở khu vực này khá cao khoảng 70 - 90 người/ km2. Vùng thứ hai là vùng ven biên giới Việt - Lào, kéo dài từ phía tây tỉnh Lai Châu đến phía tây tỉnh Nghệ An. Khu vực này chủ yếu là vùng núi cao, thảm thực vật phong phú, có nhiều rừng rừng rậm và rừng già, đất canh tác khá nhiều; mật độ người Hmông cư trú khá thấp, khoảng 30 - 40 người/km2. Như vậy địa vực cư trú của người Hmông hầu hết là vùng địa hình bị chia cắt mạnh, núi non hiểm trở, giao thông khó khăn và đều năm trong vùng địa bàn quan trọng chiến lược về an ninh quốc phòng, vùng giàu tiềm năng khoáng sản, lâm thổ sản của đất nước. * Hoạt động kinh tế Sự di cư khá muộn của người Hmông vào Việt Nam là một yếu tố khiến dân tộc này chỉ có sự lựa chọn duy nhất là cư trú trên các dải núi cao, sống gắn bó với rừng và đất rừng cho dù họ có nguồn gốc là cư dân lúa nước. Hoàn cảnh đó đã làm cho nông nghiệp nương rẫy trở thành nền tảng kinh tế vô cùng quan trọng của người Hmông. + Kinh tế nương rẫy: Trước hết, nông nghiệp nương rẫy là nguồn cung cấp lương thực quan trọng nhất của họ. Có thể nói, với dân tộc này, chỗ nào làm được nương là chỗ đó họ gieo lúa, tra ngô. Ngô, lúa được người Hmông trồng ở khắp nơi, từ sườn núi, khe núi đến những vùng thung lũng hẹp trên núi cao, thậm chí ở cả những hốc đá tai mèo, nơi chỉ vừa đủ trồng một hốc ngô. Kinh tế nương rẫy không chỉ đảm bảo nguồn lương thực mà còn đáp ứng cho đồng bào các nhu cầu thiết yếu. Những nương đỗ, nương khoai, dưa, bí, bầu... là nguồn thực phẩm phong phú cho cuộc sống hàng ngày và để chăn nuôi. Nương lanh là nguồn sợi quan trọng giúp cho người phụ nữ Hmông dệt nên những mảnh vải bền chắc phục vụ cho nhu cầu mặc. Cho đến nay, người ta có thể mua vải hay dùng sản phẩm khác đổi lấy vải những cây lanh vẫn là cây lấy sợi truyền thống được duy trì và phát triển, bởi sơi lanh và vải lanh không chỉ gắn bó với họ trong đời sống vật chất mà còn đi váo thế giới tâm linh của dân tộc này. Thầy pháp Saman sẽ không thực hiện được chức năng của mình nếu không có sợi lanh; người chết sẽ không thể về với thế giới của tổ tiên nếu không được mặc bộ quần áo, váy bằng vải lanh để tổ tiên “nhận ra” họ..., đó là những minh chứng điểm hình về sự quan trọng của lanh đối với người Hmông. Theo quan niệm của nhiều dân tộc, Nương hay Nương rẫy là một mảnh đất rừng được chặt phá, đốt dọn. Được chọc lỗ hay xới lên để trồng trọt. Người Dao gọi đó là Tảy, người thái gọi là Hay, người Mường gọi là Roọng... với người Hmông, khái niệm Nương được đồng bào gọi là Têz và người ta định nghĩa về nó có phần đơn giản hơn, từ rất lâu đồng bào đã có câu: “Đất cũng có tên, chỗ nào cũng là đất, lấy dao phát được “một khóm” gọi là nương; chỗ nào cùng là đất, tra một cây xuống được gọi là nương có nghĩa là, chỉ cần phát được một “khóm nhỏ”, chưa phải là một khoảng rừng, thậm chí chỉ cần tra được một hốc ngô xuống cũng được gọi là nương. Người Hmông có nhiều cách phân loại nương dựa trên những tiêu chí khác nhau như: phân loại theo địa hình; phân loại theo giống cây trồng; phân loại theo tên rừng làm nương... Điều cần nói là, dù phân theo cách nào, họ cũng đều tập hợp chúng lại theo hai loại hình nương rẫy tương đương với hai mô hình kỹ thuật canh tác của đồng bào, đó là nương du canh (Têz phax) và nương định canh (Têz lâus). Nương du canh là loại nương không được sử dụng thường xuyên, liên tục. Theo tập quán truyền thống, người Hmông thường gieo trồng trên những mảnh nương này từ 3-5 vụ. Khi đất quá bạc màu, họ chuyển sang khai phá mảnh rừng mới, nương cũ để cho cây cỏ tái phát triển, sau 5 10 năm đồng bào mới quay lại canh tác và chu kỳ mới được tiếp tục. Đặc điểm nổi bật của lương du canh là kỹ thuật canh tác đơn giản, đất không được cầy xới, đồng bào thường dung gậy chọc lỗ tra hạt hoặc gieo vãi năng suất cây trồng thấp, không ổn định. Nương định canh là nương cố định của người Hmông. Đất trồng trọt được họ sử dụng liên tục từ năm này qua năm khác, đời này qua đời khác. Gắn liền với loại hình nương này là kỹ thuật canh tác dùng cầy, sử dụng phân bón, thâm canh, luân canh, xen canh; năng suất khá hơn, ổn định hơn. Nương du canh tập trung chủ yếu ở vùng biên giới Việt - Lào, nơi mật độ người Hmông thấp, có nhiều rừng và đất rừng để khai phá và nương định canh tập trung chủ yếu ở vùng biên giới Việt - Trung, nơi người Hmông vừa có ít đất canh tác, vừa có mật độ dân số cao. Như vậy người Hmông ở Việt Nam có hai loại hình nương rẫy mà kỹ thuật canh tác hoàn toàn trái ngược nhau. Đó là hai cách ứng xử ở cùng một dân tộc vào cùng một cảnh quan tộc người - một điều hiếm thấy ở các dân tộc khác. + Các nghề thủ công: Nền kinh tế tự cung tự cấp đã biến mỗi gia đình Hmông trở thành một đơn vị kinh tế độc lập. dưới mỗi nóc nhà ấy, họ tự làm ra mọi thứ thiết yếu phục phụ cho cuộc sống của mình trừ muối, dầu... và không biết từ bao giờ, người Hmông đã nổi tiềng với nghề thủ công như: đan lát; xe lanh dệt vải, in hoa văn bằng sáp ong; rèn đúc... với các sản phẩm vừa có chất lượng cao, vừa mang đậm yếu tố nghệ thuật, tình nhân văn và thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc. Nghề rèn đúc tồn tại và phát triển trong tất cả các làng Hmông. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng biết nghề này bởi nó không chỉ đòi hỏi yếu tố kỹ thuật, bí quyết kinh nghiệm mà cần đến cả bàn tay khéo léo của những người yêu thích công việc đó. Vì thế, nghề rèn đúc thường mang tính cha truyền con nối và mỗi làng cũng chỉ có 1 -2 gia đình thực sự thông thạo nghề này. Người ta nhớ đến nghề rèn ở dân tộc Hmông bởi kỹ thuật khoan ống thép làm lòng súng kíp, đúc lưỡi cầy để có thể cầy trên đỉnh núi và những con dao lưỡi sắc như nước dùng khi làm nương, lên rừng lấy củi hay sử dụng ở nhà... những sản phẩm đó được người đời gọi gắn với cộng đồng này một cách thân thiện: cày Mèo, dao Mèo, súng kíp Mèo Cũng như nghề rèn đúc, nghề dệt cũng phổ biến ở tất cả các làng người Hmông. Trong cuộc sống truyền thống của dân tộc này, bất kỳ người phụ nữ Hmông nào cũng phải biết trồng lanh, xe lanh dệt vải, biết kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong, thêu hoa văn bằng các loại vải màu, chỉ màu... và họ phải học tất cả điều đó ngay tư khi còn bé để khi trở thành thiếu nữ, họ có đủ khả năng tạo nên các tấm vải lanh, làm nên các bộ váy áo cho bản thân và cả gia đình, nhất là cho người chồng và gia đình bên chồng sau này. Lanh thường được gieo trồng trên mảnh đất tốt nhất của gia đình, đó là khoảng đất bố mẹ ưu tiên dành cho người con gái để họ thực hiện chức năng của mình. Hình ảnh người phụ nữ Hmông tay xe sợi thoăn thoắt trên đường đi nương, đi chợ... phổ biến ở tất cả các vùng Hmông và trở thành biểu tượng của đức tính cần cù và chăm chỉ của họ. Khi việc xe lanh bằng tay hoàn thành, người ta cho sợi lanh vào guồng quay bằng gỗ và trúc để xe sợi cho nhỏ và chắc hơn. Cuối cùng, sợi lanh được lắp vào khung cửi để dệt thành vải. Quá trình in hoa văn bằng sáp ong và thêu ghép những mảnh vải màu trên váy áo, là phần kỹ thuật cuối cùng thể hiện đôi tay khéo léo của người phụ nữ Hmông, để tạo nên những bộ váy áo sặc sỡ với những hoa văn hình những con vật, mang đậm dấu ấn hoa văn của dân tộc này. Nếu xe lanh dệt vải là công việc của người phụ nữ Hmông thì ngược lại, nghề đan lát lại là phần việc chỉ dành cho người đàn ông. Từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, người đàn ông Hmông đều phải học nghề đan lát và mọi thứ đồ đan ở nhà đều do họ làm ra. Nguyên liệu dùng đan lát ở dân tộc này thường là mây, tre, trúc... và sản phẩm họ làm ra gồm: ghế mây, ghế trúc, mẹt, phên nan tre, các loại đồ đựng ngô, lúa... đặc biệt là những chiếc gùi như ở nhiều dân tộc khác. Đó là vật đụng hết sức thuận tiện được người Hmông dùng để đựng, đeo mang, vác và địu các thứ cần thiết. Nó có mặt với họ ở mọi nơi, từ trong nhà, ngoài chợ đến trên nương, dưới ruộng...Việc đan lát ở dân tộc này không tiến hành theo mùa vụ. Người ta chỉ đan các đồ vật này khi thấy cần thiết. Một số đồ đan lát cũng đã trở thành sản phẩm được đồng bào mang ra chợ trao đổi, mua bán. +Chăn nuôi, săn bắn và hái lượm Chăn nuôi là hoạt động kinh tế phổ biến và quan trọng của dân tộc này. Nó hoàn toàn mang tính tự phát và gắn liền với kinh tế hộ gia đình. Người Hmông nuôi gia súc, gia cầm không chỉ là thực phẩm cho cuộc sống hàng ngày hay làm sức kéo cho sản xuất cho sinh hoạt, mà hơn thế, đó là nguồn cung cấp các sản vật cho những hoạt động tín ngưỡng tôn giáo cũng như những lễ thức không thể thiếu trong chu kỳ đời người và một phần nhỏ dùng để trao đổi mua bán. Người Hmông có hai loại hình chăn nuôi tương ứng với hai vùng cư dân. Nhóm Hmông sống du canh du cư phổ biến cách chăn thả theo tính tự nhiên. Nói cách khác, gia súc, gia cầm của họ đều được thả rông để tự kiếm ăn và hầu như chúng chẳng được nuôi nấng chăm sóc theo một quy trình nhất định. Với nhóm Hmông sống định cư nâu đời, kĩ thuật chăn nuôi của họ khá phát triển. Các gia đình đều làm chuồng cho từng loại gia súc theo dạng kiên cố trong khuôn viên của ngôi nhà. Đồng bào chỉ chăn thả chúng vào những giờ nhất định trong ngày và cho chúng ăn uống theo một quy trình cụ thể. Là dân cư sống dựa vào rừng và đất rừng nên săn bắn, hái lượm trở thành hoạt động kinh tế rất phổ biến ở người Hmông. Tuy nhiên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong thu nhập của gia đình nhưng việc thu hái, săn bắn các nguồn tài nguyên cũng đóng một vai trò đáng kể trong trong nền kinh tế nương rẫy mang đầy yếu tố tự nhiên này. Hàng năm, hoạt động hái lượm được tiến hành nhiều nhất vào thời kỳ giáp hạt và cả những thời điểm nông nhàn, đặc biệt là những năm mất mùa, đói nhiều. Người Hmông chủ yếu hái các loại nấm, mộc nhĩ như: nấm gà, nấm đá con cừu, nấm tai người, nấm mối...đào các loại củ như: củ mài trắng, củ mài đỏ, củ măng, củ nâu, củ lợn...và rất nhiều các loại quả, rau rừng có nhiều trong núi, khe suối. Điều đó có thể khẳng định là, kinh tế truyền thống của người Hmông là nền kinh tế hoàn toàn tự phát, không có tính cộng đồng, càng không phải là nền tảng cho sự cố kết và thống nhất. Trải theo thời gian, do nhiều tác động khác nhau, đặc biệt là tác động của thời kỳ đổi mới ở nước ta, sự hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam và nhiều yếu tố tích cực khác đã giúp tỉ lệ đói nghèo của nhiều vùng người Hmông giảm xuống đáng kể, số người Hmông giàu có đã xuất hiện. Bên cạnh đó, điều kiện sống của một bộ phận không nhỏ của người Hmông trở nên ngày càng khó khăn, đặc biệt là thiếu đất canh tác. Cách đây vài chục năm, khi mật độ dân số còn thấp, diện tích rừng và đất rừng vẫn còn đủ để người Hmông làm nương rẫy. Nhưng, với tốc độ tăng trưởng dân số cao từ 3,6% - 4% trong một năm, số nhân khẩu của người Hmông đã đông lên rất nhanh. Nếu năm 1980, ở Việt Nam mới chỉ có 40 vạn người Hmông thì đến tháng tư năm 1999, con số đó đã lên khoảng hơn 70 vạn. Mật độ dân số trở nên đậm đặc, tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai bình quân có 80 người/ km2; huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang số người bình quân lên tới 88 người/km2... Theo dự tính của các nhà khoa học, với phương thức canh tác lạc hậu của các cư dân nương rẫy thì diện tích đất rừng có thể tạm đủ cho nhu cầu cuộc sống của họ là dưới mức 24 người/km2. Như vậy ta có thể thấy mật độ dân số hiện nay ở đồng bào Hmông Việt Nam đã vượt xa giới hạn cho phép. Số thành viên trong cộng đồng đông lên, điều đó cũng có nghĩa số miệng ăn tăng lên và tất yếu nhu cầu lương thực ngày càng trở lên rất lớn. Muốn giải quyết được nhu cầu sống còn đó, người Hmông chỉ còn cách phá thêm rừng để mở rộng diện tích canh tác và quay nhanh chu kỳ sử dụng đất. Hậu quả là rừng bị chặt phá bừa bãi, đất rừng bị khai thác kiệt quệ. Điều kiện sống của người Hmông không những không được cải thiện mà còn trở nên tồi tệ hơn. Trong bối cảnh đó, nhiều khu rừng còn sót lại ở vùng núi phía Bắc Việt Nam đã trở thành mục tiêu quan trọng của người Hmông. Đồng bào còn tràn từ tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang... đến khu vực rừng rộng lớn ở Si Pa Phìn, Ba Trà của huyện Mường Lay tỉnh Lai Châu và kéo xuống miền rừng núi phía tây tỉnh Thanh Hóa. Họ đã nhanh chóng biến những nơi xa xôi hẻo hút này thành khu vực có rất nhiều người Hmông sinh sống và cánh rừng cuối cùng ấy đã dần dần biến mất... Khi đất rừng đã bị khai thác kiệt quệ, rừng không kịp tái sinh sẽ tất yếu dẫn đến nạn đồi núi trọc. Thực tế đã cho thấy cùng với thời gian, diện tích đồi núi trọc ngày càng lan rộng khắp các tỉnh vùng núi Bắc Việt Nam. Một thí dụ: Vào thời điểm đầu năm 1997, tại huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang nơi có người Hmông cơ trú tập trung và đông nhất, rừng tự nhiên chỉ còn 7000 ha, chiếm 15% tổng diện tích đất lâm nghiệp, diện tích đồi núi trọc là 18.868 ha, chiếm tỉ lệ 43%. Tại huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai, nơi có đỉnh núi Phan Xi Păng hùng vĩ của Việt Nam, diện tích rừng cũng chỉ còn 9.167 ha chiếm tỉ lệ 13% Và diện tích đồi núi trọc là 45.580 ha chiếm tỷ lệ 83,2% so với tổng diện tích đất lâm nghiệp. Theo báo cáo của tỉnh Lai Châu, chỉ sau 5 - 7 năm tụ cư ở đây, những cánh rừng già khu vực Bà Trà của huyện Mường Lay và cả 4 xã vùng cao của huyện Mường Tè đã dần biến mất trước sự tàn phá của hàng vạn người Hmông di cư. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với các khu rừng ở Tuyên Quang, nơi có hơn 13.000 người Hmông di cư, và ở cả vùng Quan Hóa, Mường Lát tỉnh Thanh Hóa...để cuối cùng, khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Đắc Lắc đã trở thành mục tiêu tiếp theo của các cuộc di cư vì kế sinh nhai, tìm đất canh tác ở một bộ phận dân tộc này. Phong trào di cư ồ ạt này đã và đang tạo nên những biến động không nhỏ trong vấn đề kinh tế xã hội của nhiều tỉnh và để lại nhiều ảnh hưởng khó lường * Quan hệ xã hội Do không có địa vực cư trú tập trung, càng không có một nền tảng kinh tế thống nhất, nên sức mạnh cố kết của dân tộc này chỉ tập trung ở chính tâm thức của họ mà sự liên kết của các mối quan hệ xã hội là một biểu hiện điển hình. Xã hội truyền thống của người Hmông có cấu trúc khá thống nhất. Đó là xã hội phụ quyền rất mạnh với sự đề cao vai trò, quyền lợi cũng như trách nhiệm của người đàn ông. Cấu trúc xã hội ấy được xây dựng trên cơ sở của các tế bào xã hội đó là gia đình. Kái niệm gia đình được người Hmông gọi là Ziv hay Ziv nênhs đều có nghĩa chỉ tập hợp người cùng sống chung, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân va dòng máu dưới một mái nhà. Nó thường gồm vợ chồng, cha mẹ, con cái. Theo quan niệm ấy, cộng đồng gia đình của người Hmông phải từ hai người trở lên và nếu đàn ông không có vợ, đàn ba không có chồng, dù ở nhà cao cửa rộng bao nhiêu cũng không được coi là Ziv nênhs với đúng nghĩa của nó. Sau kết cấu gia đình thì đến dòng họ, Dòng họ ở người Hmông có một vị trí vô cùng quan trọng, đó là những yếu tố cốt lõi cấu thành lệ xã hội Hmông và thể hiện bản sắc dân tộc của họ. Nói cách khác, dòng họ là nền tảng cho sự tồn tại của xã hội Hmông truyền thống và chi phối mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày của cả cộng đồng. Người Hmông gọi dòng họ là xêng. ở Việt Nam, dân tộc này có khoảng 20 tên xênh khác nhau, đó là các dòng họ: Vàng, Giàng, Sùng, Lý, Thào, Mùa, Cháng, Lù, Vừ, Vì, Hờ, Hạng, Dinh, Cứ, Hầu... Cuối cùng là đến làng, Làng là đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất ở dân tộc này. Người Hmông gọi làng là Jaol hay Jol, Jêz Jol - đều có nghĩa là “ổ” hay “tổ” tức chỉ một cộng đồng cùng chung sống trong khu vực địa lý nhất định. Làng Hmông được hình thành trên sự tụ cư của những nhóm người có hay không có mối quan hệ huyết thống. Bởi vậy, mối quan hệ cộng đồng làng ở dân tộc này thực chất là mối quan hệ của các thành viên cùng dòng họ và giữa các dòng họ cùng địa vực cư trú. Nói cách khác, mối quan hệ láng giềng của họ được hình thành và phát triển thông qua sự ứng xử giữa các dòng họ khác nhau. Thông thường, mỗi làng Hmông gồm vài ba dòng họ với vài chục nóc nhà, có họ lớn, có họ bé. Song, những điều đó không ảnh hưởng đến sự cố kết của họ. Từ rất lâu, ý thức cộng đồng láng giềng ở dân tộc này đã được hình thành và phát triển bởi một thực tại “sớm tối có nhau” và họ cùng chung một quá khứ lịch sử khó quên. Như vậy, diện mạo truyền thống của xã hội Hmông từ tế bào gia đình đến tổ chức làng bản, trong cấu trúc xã hội đó, vai trò của dòng họ chiếm một vị trí rất đặc biệt. Có thể nói, dòng họ của người Hmông là một tập hợp người không chỉ cùng một ông tổ sinh ra mà phải là cộng đồng những thành viên cùng chung kí hiệu tín ngưỡng mà đồng bào gọi là “cùng ma”. Dòng họ là một đơn vị xã hội có tổ chức tự quản chặt chẽ với những luật tục quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của các thành viên mà ở đó mối quan hệ hay sự ràng buộc của họ thường vượt qua cả ranh giới chính trị, hành chính, lãnh thổ quốc gia. ý nghĩa xã hội lớn lao của dòng họ chính là ở chỗ: dòng họ là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên xã hội làng và xã hội vùng ở người Hmông, bởi mối quan hệ xã hội của làng, của vùng thực chất là mối quan hệ của các thành viên cùng dòng họ trên cùng địa vực cư trú. Đồng thời xã hội làng Hmông, vùng Hmông được vận hành trật tự “êm ả” xét cho cùng là dựa trên cơ sở của tập tục dòng họ. Mặt khác, văn hóa ứng xử của người Hmông cũng tồn tại chủ yếu dựa trên phong tục tập quán của dòng họ mà nổi bật là những luật tục liên quan đến trật tự xã hội, đến vấn đề khai thác và sơ hữu đất đai canh tác, những luật tục quy định quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên trong cộng đồng thông qua lễ Naox cxungx được tổ chức hàng năm ở các làng... Đặc biệt dòng họ như một tín hiệu để các thành viên của dân tộc này nhận biết nhau. Người Hmông sống ở đâu, thuộc nhóm nào, khi gặp nhau bao giờ họ cũng hỏi nhau thuộc dòng họ gì. Đó là đặc điểm hiếm thấy ở những dân tộc khác. Trong những năm qua, thời gian và nhịp điệu phát triển của cuộc sống cùng sự tác động của các yếu tố văn hóa bên ngoài dần ảnh hưởng đến xã hội Hmông ở Việt Nam. Cuộc sống của người Hmông vừa chịu sự chi phối của mối quan hệ truyền thống, vừa chịu tác động mạnh mẽ của mối quan hệ xã hội mới theo cơ chế pháp luật của nhà nước. Từ đó, mối quan hệ xã hội ở dân tộc này đã có sự tự điều chỉnh và thay đổi để có thể thích nghi, tồn tại với hoàn cảnh mới. tuy nhiên, dù có sự điều chỉnh hay thay đổi thậm chí còn tiếp nhận thêm những yếu tố văn hoá mới, cấu trúc xã hội cơ bản của dân tộc này vẫn tồn tại và là một trong những yếu tố biểu hiện cho bản sắc dân tộc của cộng đồng này. 1.1.2. Đặc điểm tín ngưỡng truyền thống của người Hmông ở Việt Nam * Khái niệm tín ngưỡng Tín ngưỡng là hệ thống các niềm tin mà con người tin vào để giải thích thế giới và để mang lại sự bình an cho cá nhân và cộng đồng. Tín ngưỡng đôi khi được hiểu là tôn giáo. Điểm khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo ở chỗ, tín ngưỡng mang tính dân tộc, dân gian hiều hơn tôn giáo, tín ngưỡng có tổ chức không chặt chẽ như tôn giáo. Khi nói đến tín ngưỡng người ta thường nói đến tín ngưỡng của một dân tộc hay một số dân tộc có một số đặc điểm chung còn tôn giấo thì thường là không mang tính dân gian. Tín ngưỡng không có một hệ thống điều hành và tổ chức như tôn giáo, nếu có thì hệ thống đó cũng lẻ tẻ và rời rạc. Tín ngưỡng nếu phát triển đến một mức độ nào đó thì có thể thành tôn giáo. Cơ sở của mọi tôn giáo, tín ngưỡng là niềm tin, sự ngưỡng vọng của con người vào những cõi "siêu nhiên” (hay nói gọn lại là "cõi thiêng") - cõi đối lập với cõi "trần tục", cõi hiện hữu mà con người có thể sờ mó, quan sát được. Niềm tin vào "cõi thiêng" thuộc về bản chất con người, nó ra đời và tồn tại, phát triển cùng với con người và loài người, nó là nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của con người, cũng giống như đời sống vật chất, đời sống xã hội tinh thần, tư tưởng, đời sống tình cảm... Tùy theo hoàn cảnh, trình độ phát triển kinh tế, xã hội của mỗi dân tộc, địa phương, quốc gia mà niềm tin vào “cõi thiêng” thể hiện ra các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng cụ thể khác nhau. Chẳng hạn như niềm tin vào Đức Chúa, Đức Mẹ Đồng Trinh của Kitô giáo, niềm tin vào Đức Phật của Phật Giáo, niềm tin vào Thánh, Thần của tín ngưỡng Thành Hoàng, Đạo thờ Mẫu... Các hình thức tôn giáo tín ngưỡng này dù rộng hẹp khác nhau, dù phổ quát toàn thế giới hay là đặc thù cho mỗi dân tộc... thì cũng đều là một thực thể biểu hiện niềm tin vào cõi thiêng chung của con người mà thôi. Hiện tại, có nhiều ý kiến khác nhau khi sử dụng khái niệm “tôn giáo” và “tín ngưỡng”. Theo quan điểm truyền thống, người ta có ý thức phân biệt tôn giáo và tín ngưỡng, thường coi tín ngưỡng ở trình độ phát triển thấp hơn so với tôn giáo. Loại quan điểm thứ hai là đồng nhất giữa tôn giáo và tín ngưỡng và đều gọi chung là tôn giáo, tuy có phân biệt tôn giáo dân tộc, tôn giáo nguyên thủy, tôn giáo địa phương, tôn giáo thế giới (phổ quát). Sự khác nhau giữa tôn giáo và tín ngưỡng thể hiện ở một số điểm như: Tôn giáo có hệ thống giáo lý, kinh điển... được truyền thụ qua giảng dạy và học tập ở các tu viện, thánh đường, học viện... có hệ thống thần điện, có tổ chức giáo hội, hội đoàn chặt chẽ, có nơi thờ cúng riêng như nhà thờ, chùa, thánh đường..., nghi lễ thờ cúng chặt chẽ, có sự tách biệt giữa thế giới thần linh và con người. Còn tín ngưỡng thì chưa có hệ thống giáo lý mà chỉ có các huyền thoại, truyền thuyết. Tín ngưỡng mang tính chất dân gian, gắn với sinh hoạt văn hóa dân gian. Trong tín ngưỡng có sự hòa nhập giữa thế giới thần linh và con người, nơi thờ cúng và nghi lễ còn phân tán, chưa thành quy ước chặt chẽ... Tóm lại, có rất nhiều quan điểm khác nhau về tín ngưỡng nhưng chúng ta có thể hiểu: Tín ngưỡng là tôn thờ thần thánh, tin vào lực lượng siêu nhiên theo cách giải thích và nếp sinh hoạt nhất định; và do đó có tác dụng điều chỉnh nhận thức, hành vi của con người. Tín ngưỡng là yếu tố quan trọng nhất của một tôn giáo. mỗi một tôn giáo ra đời đều phải dựa
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan