Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tiểu vùng văn hoá đô thị sài gòn trái tim của vùng đất phương nam...

Tài liệu Tiểu vùng văn hoá đô thị sài gòn trái tim của vùng đất phương nam

.PDF
14
240
101

Mô tả:

TIỂU VÙNG VĂN HOÁ ĐÔ THỊ SÀI GÒN: TRÁI TIM CỦA VÙNG ĐẤT PHƯƠNG NAM TS. LÝ TÙNG HIẾU (Khoa Văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) 1 TÓM TẮT Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng đất phương Nam. Trước nay hầu như chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt nào nhận diện và mô tả nó với tư cách một tiểu vùng văn hoá của Việt Nam. Bài viết này muốn phác hoạ một bức tranh chung về văn hoá đô thị đó. ABSTRACT The urban cultural sub-area of Saigon: The heart of Southern Vietnam Sai Gon - Ho Chi Minh City is the centre of Southern Vietnam but has not been academically discribed and studied as a cultural area or sub-area of Vietnam. This article provides some sketches for a general picture of its urban culture. Các không gian văn hoá đô thị Việt Nam là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành và chuyên ngành khoa học xã hội khác nhau. Đối với các khoa học nghiên cứu về văn hoá, việc tìm hiểu lịch sử và đặc trưng của các không gian văn hoá đô thị Việt Nam sẽ đem lại những kiến thức thiết yếu không chỉ liên quan đến sự phân bố của văn hoá Việt Nam trên bình diện không gian mà cả sự phát triển của văn hoá Việt Nam trên bình diện thời gian. Đó là vì các đô thị Việt Nam, đặc biệt những đô thị lớn, vốn đều là những điểm quần cư thu hút tinh hoa văn hoá của xung quanh, đóng vai trò dẫn đạo các xu hướng phát triển văn hoá của vùng thậm chí của quốc gia, phản ánh lịch sử phát triển của vùng và của quốc gia. Đó là lý do khiến cho thời gian qua một số tiểu vùng văn hoá đô thị của Việt Nam đã được quan tâm nghiên cứu, đặc biệt là Hà Nội và Huế. Trong công trình Việt Nam - Đông Nam Á ngôn ngữ và văn hoá, Phạm Đức Dương (2007) đã dành hai bài chuyên khảo về Hà Nội và Huế như những tiểu vùng văn hoá đặc sắc ở miền Bắc, miền Trung. Trong công trình Các vùng văn hoá Việt Nam, Đinh Gia Khánh & Cù Huy Cận (cb, 1995) thậm chí còn xem Thuận Hoá - Phú Xuân (xứ Huế) và Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là hai trong số chín vùng văn hoá của Việt Nam, ngang cấp với những vùng văn hoá có phạm vi rộng lớn hơn nhiều như đồng bằng miền Bắc, Việt Bắc, Tây Bắc, Nghệ Tĩnh, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng miền Nam. Đó là chưa kể những thông tin liên quan đến vai trò của Hà Nội và Huế trong các công trình của Ngô Đức Thịnh (1993), Huỳnh Khái Vinh & Nguyễn Thanh Tuấn (1995), Trần Quốc Vượng (cb, 1998), Chu Xuân Diên (1999, 2008), Huỳnh Công Bá (2008)… Thế nhưng, đối với Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh thì, chẳng hiểu sao, hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào nhận diện và mô tả nó với tư cách một vùng văn hoá hoặc tiểu vùng văn hoá của Việt Nam. Đó là một điều đáng ngạc nhiên và cần phải được bổ khuyết để có thể phác hoạ một bức tranh chung đúng đắn về các tiểu vùng văn hoá đô thị Việt Nam. Để làm điều đó, trước hết cần phải cung cấp những thông tin quan yếu về lịch sử hình thành, đặc trưng văn hoá và vai trò trung tâm của vùng đô thị này trong lịch sử vùng đất phương Nam. Chúng tôi cho rằng những thông tin này chính là những chứng lý chứng minh việc đưa Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh vào danh sách các tiểu vùng văn hoá Việt Nam là cần thiết và đúng đắn. 2 1. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ VAI TRÒ TRUNG TÂM CỦA SÀI GÒN - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 1.1. Lịch sử hình thành và những cái nhất trong lịch sử Quá trình thành lập Sài Gòn được ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử là vào năm 1623 khi chúa Nguyễn cử phái bộ tới yêu cầu vua Chân Lạp Chey Chettha II cho lập đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn, tức khu vực Chợ Lớn ngày nay) và Kas Krobei (Bến Nghé, tức khu vực Sài Gòn ngày nay), để thu thuế các thương nhân Đàng Trong qua lại Chân Lạp và Xiêm. Khi ấy, ở Sài Gòn, Đồng Nai đã có người Khơ-me, người Việt định cư từ thế kỷ XVI. Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho các tướng “phản Thanh phục Minh” Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên và 3.000 người tuỳ tùng tới Mỹ Tho, Biên Hoà và Sài Gòn để khai khẩn, định cư. Từ giữa thế kỷ XIX, sau cuộc chiến tranh Nha phiến và cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên quốc, đông đảo người Hoa từ các địa phương Trung Quốc lại tiếp tục di dân sang Việt Nam mà một trong những điểm đến chính là Bến Nghé - Sài Gòn. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính vào kinh lý miền Nam. Trên cơ sở những lưu dân Việt đã tới khu vực Đồng Nai - Gia Định (Đông Nam Bộ), gồm khoảng 40.000 hộ với 200.000 khẩu, Nguyễn Hữu Kính cho lập phủ Gia Định, gồm hai dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, với hai huyện Phước Long, Tân Bình. Đến năm 1779, khi cương vực của phủ Gia Định đã bao trùm toàn vùng Nam Bộ hiện nay, thì Bến Nghé - Sài Gòn đã trở thành những khu đô thị tập trung hàng vạn dân cư, gồm ba thành phần tộc người chính là Việt, Hoa, Khơ-me. Là một đô thị hình thành sớm nhất trên vùng đất Nam Bộ, kể từ đó Sài Gòn đã tiếp tục đạt được nhiều cái nhất khác trong lịch sử Nam Bộ và lịch sử Việt Nam. Năm 1859, Sài Gòn là đô thị đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương bị thực dân Pháp chiếm đóng. Từ thập niên 1860, Sài Gòn là nơi ra đời giai cấp công nhân sớm nhất Việt Nam. Năm 1877, Sài Gòn là thành phố cấp 1 đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương được thành lập và điều hành theo quy chế của nước Pháp, đến năm 1887 thì trở thành thủ phủ đầu tiên của Liên bang Đông Dương. Sài Gòn là nơi đầu tiên trong cả nước hình thành Công hội bí mật vào cuối năm 1920, và cũng là nơi mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp vào ngày 23/9/1945 khi chúng tái xâm lược Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Đây là nơi đầu tiên ở Việt Nam được đế quốc Mỹ chọn để đưa tàu chiến đến dương oai diễu võ, mà cũng là nơi diễn ra cuộc biểu tình chống Mỹ đầu tiên của nhân dân Việt Nam vào ngày 19/3/1950. Ngày nay, trong quá trình phát triển và hội nhập, thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại và dịch vụ lớn nhất của cả nước, đóng góp hơn 20% GDP toàn quốc, hơn 30% tổng thu ngân sách, gần 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 37% kim ngạch xuất khẩu của cả nước (2009). Thành phố cũng là đầu mối giao thông lớn nhất của Nam Bộ và là một trong những cửa ngõ quốc tế lớn nhất của nước ta. Về văn hoá và khoa học, thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm lớn nhất của toàn Nam Bộ. Về dân cư, hiện thành phố Hồ Chí Minh vẫn là đô thị đông dân nhất nước, với lực lượng lao động cũng đông nhất nước, đến từ khắp các vùng miền. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/1999, thành phố có dân số 5.073.800 người, diện tích 2.093km2, chia thành 22 đơn vị quận huyện. Đến năm 2004, thành phố có 6.062.993 người, bao gồm 24 3 đơn vị quận huyện. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2009, dân số thành phố đã lên tới 7.162.864 người, chưa kể hàng triệu khách vãng lai trong và ngoài nước. 1.2. Vị trí trung tâm về tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hoá Những cái nhất ấy của Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh trong lịch sử, mà trong đó có cả những cái nhất không may, trước hết là do vị trí trung tâm của nó. Đây là một vùng đô thị mà, xét trên các phương diện từ tự nhiên, kinh tế cho đến chính trị, văn hoá, đều nằm ở vị trí trung tâm của cả vùng Nam Bộ và trong một chừng mực nào đó, là trung tâm của cả phía nam. Về điều kiện tự nhiên, thành phố nằm ở trung điểm tiếp giáp giữa miền Đông với miền Tây, giữa vùng cao và vùng thấp, giữa nội địa và duyên hải của vùng đất Nam Bộ. Về phía Đông Nam Bộ, thành phố tiếp giáp với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; về phía Tây Nam Bộ, thành phố tiếp giáp các tỉnh Long An, Tiền Giang; và về phía đông nam, thành phố tiếp giáp với biển Đông. Địa hình của thành phố nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông với miền Tây, và được chia làm 3 tiểu vùng: vùng cao ở phía bắc với độ cao trung bình 10m - 25m; vùng thấp ở phía nam với độ cao trung bình trên dưới 1m; và vùng trung tâm có độ cao trung bình 5m - 10m. Về sông ngòi cũng thế. Trong khi hệ thống sông Đồng Nai ở phía đông thành phố có lượng phù sa khá thấp và có lòng sông sâu nên là nơi tập trung các cảng chính của khu vực hiện nay như cảng Sài Gòn, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước, cảng Phú Mỹ…, thì các sông rạch kết nối với hệ thống sông Vàm Cỏ ở phía tây là những thuỷ lộ cạn hẹp. Chế độ thuỷ triều là bán nhật triều. Khí hậu của thành phố là khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nóng, ẩm, nhiều mưa, với hai mùa mưa nắng trong năm: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa nắng từ tháng 12 tới tháng 4. Về kinh tế, từ khi ra đời, đặc biệt là từ thời kỳ Pháp thuộc đến nay, Sài Gòn luôn đóng vai trò trung tâm kinh tế - thương mại của vùng đất Nam Bộ. Thời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn, vì các mục đích quân sự và chính trị, vùng Bến Nghé - Sài Gòn đã có hai con kinh được đào nắn từ những dòng sông cũ là kinh Ruột Ngựa nối vùng Sài Gòn (Chợ Lớn) với sông Bến Lức, sông Vàm Cỏ Đông (1772), và kinh An Thông (nay là kinh Tàu Hủ) nối vùng Bến Nghé (Sài Gòn) với vùng Sài Gòn (Chợ Lớn) và với miền Tây (1819). Sau khi đánh chiếm thành phố, để chuẩn bị khai thác tài nguyên thuộc địa, ngay từ năm 1860 thực dân Pháp đã thiết lập cảng Sài Gòn, sau đó lần lượt tổ chức đào vét 6 tuyến kinh rạch để mở rộng giao thông đường thuỷ từ Sài Gòn - Chợ Lớn đến các tỉnh miền Tây: nạo vét sông Bến Lức (1875-1876), đào kinh Chợ Gạo (1877), nạo vét kinh Tàu Hủ (1887, 1895), đào kinh Lò Gốm, kinh Tẽ (1905), kinh Đôi (1906-1908). Các tuyến giao thông này đã tạo điều kiện cho việc hình thành một loạt bến bãi, kho hàng, nhà máy dọc theo các dòng kinh để tàng trữ, chế biến nông sản, ngũ cốc từ các tỉnh miền Tây đưa về. Năm 1869, ở Chợ Lớn đã có nhà máy xay lúa đầu tiên của công ty Renard et Gie. Đến năm 1927, ở Chợ Lớn đã có 70 nhà máy, tổng cộng 13.000 sức ngựa, công suất mỗi năm 2.900.000 tấn gạo, trong khi mức xuất cảng tối đa chỉ 1.300.000 tấn. Với sự hậu thuẫn của người Pháp, doanh nhân người Hoa đã vươn lên nắm độc quyền thu mua xay xát lúa gạo dành cho xuất khẩu, độc quyền vận chuyển hàng hoá từ miền Tây về Sài Gòn - Chợ Lớn, từ Sài Gòn - Chợ Lớn lên cao nguyên, độc quyền mua bán hàng hoá với Miên và Lào. Kể từ thời kỳ đó, Sài Gòn - Chợ Lớn đã trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp, thương nghiệp, xuất nhập khẩu của toàn vùng. 4 Về chính trị, trong hầu hết chiều dài lịch sử của nó, Sài Gòn luôn luôn giữ vai trò trung tâm hành chính - chính trị của vùng đất Nam Bộ, và có một số giai đoạn còn trở thành thủ phủ của cả miền Nam hoặc cả nước: kinh đô của chúa Nguyễn thời Tây Sơn tức Gia Định Kinh (1787-1802), thủ phủ Liên bang Đông Dương đầu thời Pháp thuộc (1887), thủ đô Quốc gia Việt Nam của chính quyền Bảo Đại (1949-1955), đô thành Việt Nam Cộng hoà của chính quyền Sài Gòn (1956-1975). Về văn hoá, nơi đây hội tụ hầu hết các luồng ảnh hưởng văn hoá lớn của Việt Nam và thế giới, từ Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, v.v., ở một mức độ cao hơn các thành phố lớn khác của nước ta. Trong thời kỳ cận đại, Sài Gòn có nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu nổi tiếng, như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Trần Chánh Chiếu, Sương Nguyệt Anh, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, v.v. Các sản phẩm văn hoá gốc phương Tây như chữ Quốc ngữ, nhà in, báo chí, tiểu thuyết, thơ mới, trường học kiểu phương Tây, Âu phục... đều được phổ biến ở Sài Gòn trước tiên rồi mới lan đến các vùng miền còn lại. 2. ĐẶC TRƯNG VĂN HOÁ CỦA SÀI GÒN - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2.1. Tính chất đô thị trong văn hoá Vị trí trung tâm của toàn vùng và trung tâm kinh tế lớn nhất nước đã đem lại cho văn hoá của Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh một đặc trưng nổi bật: tính chất đô thị trong văn hoá. Ngay từ năm 1698 khi Nguyễn Hữu Kính vào Nam kinh lược, thiết lập phủ Gia Định và hai dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, ở hai khu vực Bến Nghé (Sài Gòn) và Sài Gòn (Chợ Lớn) đã hình thành những phố thị chuyên về thương mại và dịch vụ. Dưới thời Pháp thuộc, năm 1877, trên địa bàn Bến Nghé, thành phố Sài Gòn, thành phố cấp 1 đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương, đã được thành lập và điều hành theo quy chế của nước Pháp. Năm 1879, trên địa bàn phố chợ Sài Gòn cũ và vùng tiếp giáp ở phía nam kinh Tàu Hủ, thành phố Chợ Lớn cũng được khai sinh. Trước đó, vào năm 1871, trên địa bàn hai huyện Tân Long và Phước Lộc, thực dân Pháp đã thành lập hạt Chợ Lớn, đến năm 1889 thì đổi thành tỉnh Chợ Lớn. Vì vậy mà bắt đầu từ thập niên 1870, vùng Bến Nghé mới được đổi gọi là Sài Gòn, còn vùng Sài Gòn được đổi gọi là Chợ Lớn. Đến năm 1931, hai thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn đã được hợp nhất và sát nhập thêm một phần tỉnh Chợ Lớn để thành lập khu Sài Gòn Chợ Lớn, bao gồm 5 quận cảnh sát, và chia thành 18 hộ. Tháng 2/1976, tên gọi thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện trong một Nghị định của Chính phủ Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Và ngày 2/7/1976, việc đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh đã được Quốc hội chính thức thông qua. Lúc này, địa phận thành phố đã bao gồm cả bốn vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Củ Chi, chia làm 12 quận, 5 huyện; và đến năm 1978 thì sát nhập thêm huyện Duyên Hải của tỉnh Đồng Nai (nay là huyện Cần Giờ). Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có 19 quận, 5 huyện, và là nơi có mật độ dân số cao nhất nước: 3.400 người/km2 (1/4/2009). Trong đó, mật độ dân số của 19 quận nội thành cao gần gấp năm lần so với 5 huyện ngoại thành. Số lượng thị dân của thành phố Hồ Chí Minh cũng đông nhất nước: 5,9 triệu, chiếm 83,1% trên tổng số 7.162.864 dân của thành phố và chiếm gần ¼ trong tổng số 25,4 triệu thị dân cả nước. Trong đó, quận đông dân nhất thành phố là quận Bình Tân có hơn 570.000 người, kế tiếp là quận Gò Vấp có gần 516.000 5 người. Các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Bình, quận 8 và huyện Bình Chánh đều có dân số trên 400.000 người. Tất cả những sự kiện ấy đều nói lên một điều: từ thuở sơ sinh cho đến bây giờ, Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh luôn là một đô thị chuyên về thương mại, dịch vụ, có nội lực riêng để tồn tại chứ không phụ thuộc vào vị thế hành chính của nó do chính quyền quy định. Ngược lại, chính vị thế trung tâm kinh tế của nó đã trở thành chỗ dựa để nhà cầm quyền quyết định chọn đặt lỵ sở hành chính nơi đây. Điều này căn bản khác với Thăng Long - Hà Nội và Phú Xuân - Huế là những khu đô thị do nhà nước thiết lập và quản lý, để thực hiện chức năng hành chính, nên bộ phận quản lý hành chính hình thành trước, bộ phận kinh tế dân sinh hình thành sau và phụ thuộc vào vị thế chính trị lúc thăng lúc trầm của khu đô thị. 2.2. Tính chất đa tộc người trong văn hoá Vị trí trung tâm của toàn vùng và trung tâm kinh tế lớn nhất nước còn đem lại cho văn hoá của Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh đặc trưng nổi bật thứ hai: tính chất đa tộc người trong văn hoá. Ngay từ năm 1698, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ngày nay đã có các cộng đồng người Việt, người Hoa, người Khơ-me cư trú. Từ thập niên 1940 thì có thêm cộng đồng Chăm, di cư từ Châu Đốc (An Giang). Còn ngày nay, trong dân cư của thành phố đã có đầy đủ đại diện của 54 tộc người, đến từ 63 tỉnh thành toàn quốc. Bên cạnh 6.699.124 người Việt (1/4/2009), còn có 414.045 người Hoa, 24.268 người Khơ-me, 7.819 người Chăm, 4.541 người Tày, 3.462 người Mường, 2.571 người Nùng, 2.390 người Thái, v.v., và hàng vạn ngoại kiều. Tình trạng đó khiến cho văn hoá của Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh là một nền văn hoá đa sắc và đa dạng. Các hoạt động văn hoá và quản lý văn hoá trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thường thường phải tính tới đặc trưng này. 6 2.3. Giao lưu, tiếp biến văn hoá và sự tái tạo các giá trị văn hoá gốc Đặc trưng đô thị và đặc trưng đa tộc người tất yếu kéo theo đặc trưng quan trọng thứ ba: sự giao lưu, tiếp biến văn hoá giữa các tộc người và giữa các nền văn hoá. Sài Gòn thành phố Hồ Chí Minh nằm trong không gian văn hoá Nam Bộ là một vùng đất mới mà ở đó, chung tay khai phá với người Việt còn có các tộc người thiểu số. Vì vậy, trên vùng đất này cũng như trên toàn Nam Bộ, ngay từ đầu văn hoá của cư dân Việt, mà trong đó đã có sẵn yếu tố Chăm, đã giao lưu mật thiết với văn hoá của các cư dân Khơ-me, Hoa… Trong thời cận đại và hiện đại, trong suốt một thời gian dài vùng đất này lại chịu ảnh hưởng của văn hoá Pháp rồi tiếp đó là văn hoá Mỹ. Và từ năm 1975, đây là một địa bàn biến động mạnh mẽ về thành phần tộc người cũng như giao lưu quốc tế. Hệ quả là Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành nơi diễn ra quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá sôi động nhất trong tất cả các tỉnh thành của Việt Nam. Và hầu như không có hiện tượng văn hoá nào ở nơi đây còn nguyên chất thuần Việt mà luôn có bóng dáng của những nền văn hoá khác, đã hội tụ nơi đây trong bốn thế kỷ qua. Nó khiến cho văn hoá Sài Gòn cũng như văn hoá Nam Bộ vừa tương đồng, lại vừa khác biệt với cội nguồn của nó là văn hoá Việt ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Hệ quả kế tiếp là nhờ sự giao lưu, tiếp biến văn hoá đó, sức sống của các nền văn hoá thành phần đã được nâng cao, đem lại giá trị mới cho văn hoá Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Đó là vì, để có thể thích ứng với môi trường đô thị và thích ứng với các nền văn hoá khác, đặc biệt là văn hoá Việt của tộc người chủ thể, các tộc người, các nền văn hoá của Việt Nam và thế giới khi hội tụ ở đây đều phải tiếp tục vận động và chuyển hoá. Nhờ đó, khả năng đổi mới và dung hợp của các tộc người, các nền văn hoá đó tăng lên đáng kể, kể cả bộ phận văn hoá Việt do di dân nhiều vùng góp lại trong bốn thế kỷ qua. Về mặt giá trị, sản phẩm của sự đổi mới và dung hợp văn hoá đó dĩ nhiên không phải là một con số cộng, mà là sự tái tạo, nâng cấp, nâng cao sức sống, sức cạnh tranh, sức lan toả của các nền văn hoá thành phần, qua đó đem lại cho văn hoá Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh một giá trị riêng, khác với giá trị gốc của các nền văn hoá thành phần. Tương tự với quy luật sinh học mà theo đó, sự chọn lọc nhân tạo có thể tạo ra những giống lai có năng suất cao hơn, thích ứng tốt hơn, sức sống mạnh mẽ hơn giống gốc, trong văn hoá cũng có một quy luật: những nền văn hoá có khả năng đổi mới và dung hợp cao hơn, sẽ có sức sống vững bền hơn và có sức lan toả mạnh mẽ hơn mà không cần phải tấn công, tiêu diệt nền văn hoá khác. Cho nên, lấy thí dụ trong văn hoá lễ hội: Tương ứng với với sự đa dạng về cách thức hoạt động sản xuất và văn hoá tộc người, lễ hội của người Việt nơi đây cũng rất đa dạng, bao gồm bốn loại: lễ hội nông nghiệp - ngư nghiệp; lễ hội tưởng niệm danh nhân - anh hùng dân tộc; lễ hội tín ngưỡng - tôn giáo; và hỗn hợp. Tất cả đều mang sắc thái Nam Bộ mặc dù nhiều lễ hội bắt nguồn từ Trung Bộ. Ở các đình làng, thường xuyên có các lễ hội Kỳ yên tiến hành vào đầu năm và cuối năm, để tạ ơn Thành hoàng Bổn cảnh, thần linh và các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, khai cơ, giúp dân an cư lạc nghiệp. Ở vùng ven biển Cần Giờ, lễ hội Nghinh Ông tổ chức hằng năm là sự kiện quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hoá và tâm linh của cư dân. Ở các lăng, đền, có các lễ hội tưởng niệm các danh nhân có công mở đất và các anh hùng dân tộc, như Nguyễn Hữu Kính, Lê Văn Duyệt, Trần Thượng Xuyên, Trần Hưng Đạo, Phan Công Hớn… Lễ hội tín ngưỡng - tôn giáo bao gồm các lễ tết cổ truyền như tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ…; các lễ hội thường niên của đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành… Hoặc, lấy thí dụ trong văn hoá ẩm thực: Sài Gòn là một trong số ít những đô thị ở Việt Nam mà người ta có thể dễ dàng tìm ăn hầu hết các đặc sản trong và ngoài nước, được 7 chế biến đúng kiểu của địa phương: bún riêu, phở Bắc, bún bò, cơm hến Huế, mì Quảng, cao lầu Hội An, bánh canh Trảng Bàng, bún mắm Đồng Tháp, cháo cá rau đắng, cá lóc hấp bầu Nam Bộ, hủ tíu Nam Vang, hủ tíu Tàu, lẩu Thái Lan, bún xào Singapore, cà ri Ấn Độ, vịt quay Bắc Kinh, trứng cá Nga, kim chi Hàn, sushi Nhật, mì ống Ý, gà rán Mỹ, v.v. Thế nhưng, phổ biến nhất trong những món trên vẫn là món phở. Và trong các kiểu chế biến phở thì phổ biến hơn, được người Sài Gòn chuộng dùng hơn, vẫn là phở Bắc có điều chỉnh theo tập quán ẩm thực của người Sài Gòn, người Nam Bộ. Đó là giảm thịt, cho thật nhiều rau, giá và gia vị. Sự điều chỉnh đó không hề làm mất danh tiếng của phở Bắc ở Sài Gòn mà chỉ làm cho món phở có sức sống mạnh hơn, sức lan toả lớn hơn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của thành phố lớn này. Còn những nơi ở Sài Gòn bán phở thuần Hà Nội, hay phở Bát Đàn, mà thành phần nhiều nhất là thịt, rồi mới đến bánh phở, nước dùng và ít cọng hành, thì vẫn có “phân khúc thị trường” của riêng mình là những thực khách trung thành với hương vị gốc. Tóm lại, Sài Gòn là một tiểu vùng văn hoá đô thị hình thành do hấp thu, tái tạo các luồng ảnh hưởng văn hoá lớn của Việt Nam và thế giới, có những đặc trưng tiêu biểu cho văn hoá Nam Bộ nói chung. Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh không đơn thuần đóng vai trò trung chuyển các sản phẩm văn hoá và kinh tế giữa các vùng miền đất nước và giữa trong nước với bên ngoài. Bằng cách sàng lọc, tái tạo, nâng cấp, quy chuẩn hoá, Việt Nam hoá, quốc tế hoá các sản phẩm văn hoá và kinh tế ra đời tại đây và trung chuyển qua đây, Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp “con dấu chất lượng” cho các sản phẩm đó và đem lại cho chúng một giá trị mới. Nhờ khả năng hấp thu, tái tạo, nâng cao các nguồn lực nội sinh lẫn ngoại sinh như vậy, Sài Gòn mới có thể trở thành và đã trở thành một tiểu vùng văn hoá có ảnh hưởng lớn nhất đối với văn hoá của toàn vùng Nam Bộ. 8 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đinh Gia Khánh & Cù Huy Cận chủ biên (1995), Các vùng văn hoá Việt Nam, Hà Nội: NXB Văn học. 2. Huỳnh Lứa chủ biên & Lê Quang Minh & Lê Văn Năm & Nguyễn Nghị & Đỗ Hữu Nghiễm (1987), Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh: NXB Thành phố Hồ Chí Minh. 3. Huỳnh Ngọc Trảng & Nguyễn Đại Phúc (1995), Từ Sài Gòn đến thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn - Gia Định xưa. Ký hoạ đầu thế kỷ XX, NXB Thành phố Hồ Chí Minh. 4. Nguyễn Hữu Danh (1987), Địa lý thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục TP. Hồ Chí Minh. 5. Nguyễn Thế Nghĩa & Lê Hồng Liêm chủ biên (2000), Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh thế kỷ XX: Những vấn đề lịch sử - văn hoá, TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ. 6. Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, nguyên tác chữ Hán hoàn tất năm 1882, bản dịch tiếng Việt của Phạm Trọng Điềm, Huế: NXB Thuận Hoá. 7. Sơn Nam (2007), Đất Gia Định - Bến Nghé xưa & Người Sài Gòn, tái bản lần thứ 2, TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ. 8. Thạch Phương & Lê Trung Hoa chủ biên (2001), Từ điển thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ. 9 9. Trịnh Hoài Đức (1999), Gia Định Thành thông chí, nguyên tác chữ Hán hoàn tất năm 1820, Đỗ Mộng Khương & Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính và chú thích, NXB Giáo dục. 10. Vương Hồng Sển (1997), Sài Gòn năm xưa, tái bản lần thứ 2, NXB Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Tạp chí khoa học Văn hoá và Du lịch, ISSN: 1809-3720, số 10 (64), tháng 3 năm 2013, trang 46-53. 10 11 12 13 14
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan