Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tiểu luận những vấn đề mới của luật doanh nghiệp 2015 dành cho các sinh viên luậ...

Tài liệu Tiểu luận những vấn đề mới của luật doanh nghiệp 2015 dành cho các sinh viên luật hệ cử nhân vầ thạc sĩ luật

.DOCX
11
14965
154

Mô tả:

Lời mở đầu Ngay từ đầu quá trình đổi mới, mở cửa nền kinh tế, việc cải cách nền hành chính nói chung, các thủ tục hành chính nói riêng đã được đặt ra và thực hiện, với nhiệm vụ cụ thể là phát hiện, loại bỏ hoặc chỉnh sửa thủ tục hành chính không phù hợp, phức tạp, phiền hà… tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Môi trường đầu tư kinh doanh là toàn bộ các nhân tố tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh phụ thuộc trước hết vào chất lượng của thể chế, trong đó hành chính Nhà nước, trước hết là thủ tục hành chính, là một trong những nhân tố tác động trực tiếp nhất, ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh của nền kinh tế. Thủ tục hành chính phải “đáp ứng nhu cầu thực tế, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính”. 1. Sự cần thiết của việc cần phải đổi mới của luật doanh nghiệp. Kể từ khi ra đời, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã góp phần không nhỏ trong việc điều tiết các hoạt động kinh doanh, đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số quy định của văn bản này đã trở nên lạc hậu, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật vào đời sống. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, Luật Doanh nghiệp đang ngày càng bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập, không phù hợp với tình hình thực tiễn của đời sống, đồng thời, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các chủ thể trong xã hội. Chính vì vậy, nhu cầu cấp thiết được đặt ra là phải sửa đổi Luật doanh nghiệp sao cho phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh , thuận lợi cho các chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh. 2. Quá trình thực hiện đổi mới. Nhìn khái quát toàn bộ quá trình đổi mới thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính luôn được khẳng định. Nhưng cách thức triển khai trên thực tế thì mỗi thời kỳ cũng có sự khác biệt nhất định. Đặc biệt, vài ba năm trở lại đây, công tác cải cách thủ tục hành chính được tập trung đẩy mạnh như một cao trào, mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Nhờ vậy mà môi trường kinh doanh đã có những cải thiện đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp và các nhà tài trợ quốc tế ghi nhận. Liên tục trong 2 năm 2014 và 2015, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết số 19/NQ-CP (đều cùng trong tháng 3/2014 và 3/2015) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với những chỉ tiêu và biện pháp rất cụ thể. - Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa là 6 ngày; cải thiện các khâu liên quan khác nhằm rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của doanh nghiệp; - Rút thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa là 70 ngày (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 50,3 ngày); - Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp xuống còn tối đa 30 tháng. Luật sửa đổi đã cải cách mạnh quy trình thủ tục đầu tư; theo đó, bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước. Đối với những dự án lớn, quan trọng thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc dự án sử dụng nguồn lực của nhà nước, tài sản thuộc sở hữu nhà nước thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương trước khi triển khai. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cải tiến theo hướng rút ngắn thời gian thực hiện với quy trình, thủ tục đơn giản, minh bạch. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng quy phạm hóa chủ trương về liên thông thủ tục hành chính đối với dự án đầu tư có sử dụng đất theo Nghị quyết số 43/NQCP ngày 06/6/2014 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh. 3. Một số kết quả đạt được Qua một năm thực hiện, đã đạt được một số kết quả thực tế như sau: Theo Báo cáo cập nhật về Môi trường kinh doanh công bố tháng 10 năm 2014 của Ngân hàng Thế giới (số liệu tính đến tháng 6 năm 2014), xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện đáng kể. Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 được thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015, với 10 Chương, 213 Điều, Luật Doanh nghiệp năm 2014 vừa tiếp tục kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Doanh nghiệp năm 2005 đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập đangtồn tại. Cụ thể: Về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Theo quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) chỉ thể hiện 4 nội dung chính: tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; thông tin chi tiết nhân thân của cá nhân là người đại diện theo pháp luật, chủ DNTN, thành viên hợp danh, thành viên công ty và thông tin của thành viên tổ chức; vốn điều lệ của doanh nghiệp. Như vậy, theo quy định mới, GCNĐKDN sẽ không bao gồm thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp, mà chỉ bao gồm thông tin cơ bản về doanh nghiệp như mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính và thông tin về người đại diện theo pháp luật. Đây được đánh giá là một trong những quy định tiến bộ của Luật doanh nghiệp, tạo điều kiện cho thương nhân phát huy quyền tự do kinh doanh một cách có hiệu quả. Luật đã quy định phương thức quản lý nhà nước mới phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm giám sát doanh nghiệp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhưng Nhà nước không phải là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm giám sát hoạt động doanh nghiệp mà bên cạnh đó, các bên có liên quan trong quan hệ kinh doanh, thương mại cùng có quyền chủ động tham gia vào giám sát doanh nghiệp. Tách riêng thủ tục thành lập doanh nghiệp với thủ tục về đầu tư dự án Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam đều phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau đó sẽ thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Như vậy quy định này đã tách biệt thủ tục thành lập doanh nghiệp với thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư. Những quy định mới về Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, chỉ những doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn mới được coi là doanh nghiệp nhà nước. Trong trường hợp, Nhà nước sở hữu dưới 100% vốn, doanh nghiệp Nhà nước sẽ được tổ chức theo mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc Công ty cổ phần và chịu sự điều chỉnh như các doanh nghiệp cùng loại. Tuy nhiên, bên cạnh những quy chế pháp lý được áp dụng như một doanh nghiệp thông thường, Luật Doanh nghiệp mới cũng đề ra một số điều khoản áp dụng riêng biệt cho loại hình DNNN (Quy định cụ thể tại Điều 88 đến Điều 109) Về vấn đề người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014: Công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Như vậy, so với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định công ty có thể tự quyết định, chỉ định một người đại diện theo pháp luật hoặc trong trường hợp cần thiết thì có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tóa án. Về con dấu của doanh nghiệp Theo quy định tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của mình. Tuy nhiên, trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trước đây việc cấp, sử dụng con dấu của doanh nghiệp do Bộ Công an quy định, tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp có quyền tự quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.Theo xu hướng phát triển của các giao dịch kinh doanh thương mại hiện nay mà đặc biệt là phương thức giao dịch điện tử, thì việc sử dụng con dấu sẽ hoàn toàn không còn giá trị nữa. Vì vậy, việc cải cách những quy định hiện hành của Luật doanh nghiệp về con dấu là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới. Về doanh nghiệp xã hội Doanh nghiệp xã hội là khái niệm mới được pháp luật thừa nhận chính thứctại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Doanh nghiệp xã hội được tổ chức và hoạt động theo một trong các loại hình doanh nghiệp nhất định như: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.., được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp này là nhằm giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Trên đây là những điểm đổi mới rất căn bản và nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2014 tuy nhiên vẫn chưa phải là toàn bộ. Trong phạm vi bài viết, chỉ xin phân tích những điểm thay đổi được đánh giá là nổi bật nhất của văn bản pháp luật này so với Luật Doanh nghiệp 2005. Qua đánh giá có thể thấy, những đổi mới của Luật Doanh nghiệp 2014 đã tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trở nên hiệu quả, an toàn đối với bản thân doanh nghiệp và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Luật Doanh nghiệp 2014 được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút được tất cả mọi nguồn lực kinh tế không chỉ ở trong nước mà còn từ các nhà đầu tư nước ngoài. 4. Những hạn chế cần khắc phục Mặc dù những đổi mới đã mang lại những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự tích cực triển khai hoặc chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp chưa được triển khai theo yêu cầu, tác động của Nghị quyết vào thực tế sản xuất và đời sống vẫn còn chậm. Một số cam kết của các Bộ, cơ quan, địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh chậm được triển khai đến cấp cơ sở, doanh nghiệp. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mặc dù môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta có bước được cải thiện nhưng so với các nước trong khu vực thì vẫn còn thấp. Thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ... vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết của ngành, địa phương. Hơn nữa, các nước cải thiện nhanh hơn nên Việt Nam lại tụt hạng một cách tương đối. Theo xếp hạng của báo cáo thường niên Môi trường kinh doanh (Doing Business Report) của Ngân hàng Thế giới, chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam năm 2015 là 78/189, tụt 6 bậc so với năm 2014, trong khi Singapore xếp thứ 01, Malaysia thứ 18, Thái Lan thứ 26. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới về năng lực cạnh tranh, Singapore xếp thứ 02, Malaysia thứ 20, Thái Lan thứ 31, Indonesia thứ 34, Philippines thứ 52, Việt Nam thứ 68…. Trên cơ sở các kết quả đạt được, nhiệm vụ tiếp theo cần thực hiện là: - Giảm thời gian giải quyết thủ tục phá sản xuống còn tối đa 30 tháng trong năm 2015 và xuống còn tối đa 24 tháng trong năm 2016; - Tiếp tục cải tiến quy trình, hồ sơ, thủ tục nộp thuế, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục khai thuế, nộp thuế (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) xuống còn dưới 119 giờ; - Xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định và về giải quyết các khiếu nại của người nộp thuế, bảo đảm yêu cầu ít nhất 90% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian theo quy định của pháp luật; - Xây dựng hệ thống cấp mã số thuế tự động cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thành lập mới doanh nghiệp xuống còn 03 ngày theo quy định của pháp luật… 5. Phương hướng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong những năm tới Cho đến nay, mặc dù đã triển khai một khối lượng lớn các việc rà soát văn bản, cắt giảm rất nhiều thủ tục hành chính, nhưng nhận xét về những mặt còn hạn chế của cải cách hành chính nói chung, thủ tục hành chính nói riêng, bản dự thảo Báo cáo Kinh tế - xã hội trình Đại hội XII của Đảng có nhận định: “Cải cách hành chính một số mặt chưa đạt yêu cầu. Năng lực xây dựng và thực thi luật pháp, cơ chế chính sách chưa cao; một số văn bản pháp luật ban hành còn chậm, chưa phù hợp với thực tiễn. Chất lượng xây dựng và quản lý chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Giám sát, phản biện xã hội đối với xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách hiệu quả chưa cao”. Để góp phần khắc phục những mặt hạn chế nêu trên, trong thời gian sắp tới nên tập trung những hướng giải pháp chủ yếu sau. - Một là, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu định lượng nêu trong Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 03 năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016. Tuy chỉ là những chỉ tiêu định lượng về cắt giảm số lượng các thủ tục hành chính và chi phí thời gian, nhưng hết sức quan trọng vì đây là lần đầu tiên trong suốt nhiều năm thực hiện đổi mới mở cửa, công tác cải cách hành chính có được những chỉ tiêu mang tính cam kết rõ ràng theo cách so sánh với các nước ASEAN để thực hiện và có sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao và rất quyết liệt của Chính phủ. - Thực tế chỉ ra rằng, việc cải cách các thủ tục hành chính không phải quá phức tạp, khó khăn về chuyên môn nghiệp vụ; nhưng lại chuyển động rất chậm chạp nếu không có các biện pháp cần thiết. Vì vậy, giải pháp chính cho nội dung này là cần áp đặt kỷ luật hành chính trong việc tổ chức thực hiện. - Hai là, cùng với việc thực hiện các mục tiêu định lượng nêu trong Nghị quyết số 19/NQ-CP nêu trên, cần khắc phục cơ chế sinh ra những thủ tục hành chính của giai đoạn vừa qua. Nếu không chú ý thỏa đáng đến khía cạnh này, công cuộc cải cách thủ tục hành chính trở thành vô tận do cơ chế liên tục đẻ ra những thủ tục mới cần phải được cải cách. Một trong những ví dụ là quá trình tự sinh sôi của các loại “giấy phép con”. Và cũng tương tự như việc thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính nêu trên, giải pháp chính ở đây là kết hợp giữa những quy định pháp luật và có chế tài cần thiết để thực hiện. - Ba là, về dài hạn, cần chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang việc nâng cao chất lượng chính sách. Việc cắt giảm các thủ tục hành chính sẽ trở nên ít nghĩa nếu chất lượng nội dung các chính sách không được cải thiện (thậm chí rơi vào cách làm theo kiểu phong trào). Đây là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài và đòi hỏi phải có chương trình dài, kiên trì và thực chất là nội dung chính yếu của cải cách thể chế. - Giải pháp chính là, một mặt, nắm vững tinh thần của cải cách: kinh tế thị trường đầy đủ và hội nhập; và mặt khác, nâng cao chất lượng (trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm/đạo đức công vụ) của đội ngũ công chức/viên chức, nhất là những người trực tiếp tham gia xây dựng chính sách. Tài liệu tham khảo: - Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng - lực cạnh tranh quốc gia. Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Báo cáo Kinh tế - Xã hội trình Đại hội XII của Đảng. Ngân hàng Thế giới, chỉ số môi trường kinh doanh tại VN năm 2015.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan