Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Nhà ở của người ca dong huyện nam trà my, tỉnh quảng nam...

Tài liệu Nhà ở của người ca dong huyện nam trà my, tỉnh quảng nam

.PDF
86
442
79

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ NHƯ LAI NHÀ Ở CỦA NGƯỜI CA-DONG Ở HUYỆN NAM TRÀ MY, TỈNH QUẢNG NAM Chuyên ngành Mã số : Việt Nam học : 60.22.01.13 LUẬN VĂN THẠC SĨ VIỆT NAM HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. PHẠM MINH PHÚC HÀ NỘI, 2017 LỜI CÁM ƠN Sau một thời gian nghiên cứu và tìm hiểu về nhà ở của người Ca-dong ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, bên cạnh sự cố gắng và nỗ lực của bản thân, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ phía các thầy cô giáo, cán bộ văn hóa địa phương cũng như bà con nhân dân huyện Nam Trà My. Đến nay, tôi đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp của mình với đề tài “Nhà ở của người Ca-dong huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam”. Qua đây, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các thầy cô giáo giảng dạy tại Khoa Việt Nam học - Học viện Khoa học xã hội, đặc biệt là Tiến sĩ Phạm Minh Phúc, người đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian thực hiện đề tài. Xin cảm ơn Phòng Văn hóa thông tin huyện Nam Trà My, đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình khảo sát, khai thác tư liệu. Cảm ơn bà con địa phương huyện đã nhiệt tình cung cấp những thông tin quý báu để tôi hoàn thành luận văn này. Mặc dù đã rất nỗ lực và cố gắng, song do trình độ và thời gian có hạn nên luận văn khó tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy, rất mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo của quý thầy, cô và độc giả để luận văn được hoàn thiện hơn. Xin chân thành cảm ơn! Tác giả luận văn Nguyễn Thị Như Lai LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu do chính tôi thực hiện. Các kết quả nghiên cứu là trung thực. Tác giả luận văn Nguyễn Thị Như Lai MỤC LỤC MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1 Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN, KHÁI QUÁT ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU VÀ NGƯỜI CA-DONG .................................................................................. 7 1.1. Cơ sở lý luận .............................................................................................. 7 1.2. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu ............................................................ 11 1.3. Đôi nét về người Ca-dong ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam ....... 13 Chương 2. NHÀ Ở TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI CA-DONG ......... 24 2.1. Lựa chọn và chuẩn bị làm nhà ................................................................. 24 2.2. Quy trình dựng nhà .................................................................................. 30 2.3. Kết cấu ngôi nhà và bố trí mặt bằng sinh hoạt......................................... 33 2.4. Nghi lễ và kiêng kị liên quan đến ngôi nhà ............................................. 38 2.5. Giá trị của ngôi nhà .................................................................................. 48 Chương 3. BIẾN ĐỔI NHÀ Ở VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ NHÀ Ở CỦA NGƯỜI CA-DONG ............................................. 51 3.1. Những khía cạnh biến đổi ........................................................................ 51 3.2. Nguyên nhân biến đổi .............................................................................. 57 3.3. Một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nhà ở của người Ca-dong ..... 61 KẾT LUẬN .................................................................................................... 67 TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................ 70 PHỤ LỤC ...................................................................................................... 74 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Theo kết quả xác minh thành phần các tộc người ở Việt Nam của các nhà khoa học, cùng với các nhóm Xơ-teng, Tơ-đrá, Mơ-nâm và Ha-lăng, người Ca-dong là một trong 5 nhóm tộc người của dân tộc Xơ-đăng [49, tr.174]. Người Ca-dong cư trú chủ yếu ở huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), huyện Kômplông (Kon Tum) và khu vực bao quanh chân núi Ngọc Linh - ngọn núi cao nhất của dãy Trường Sơn. Trong suốt quá trình sinh sống của mình, họ đã tạo dựng nên những nét văn hóa rất đặc sắc về nếp sống, phong tục, tập quán... giữa núi rừng thiên nhiên hùng vĩ. Tuy nhiên, có một điều khá bất ngờ đó là trong khi nhiều tộc người, nhóm địa phương sinh sống ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên được rất nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, thì đối với người Ca-dong, những trang viết về họ còn khá hạn chế, và cho đến nay chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu chuyên sâu về từng lĩnh vực văn hóa của họ, trong đó có nhà ở. Trong khi đó, nhà ở là một trong những thành tố văn hóa quan trọng trong đời sống của mỗi dân tộc, bởi nó không chỉ là nơi che mưa, che nắng, mà còn là nơi thực hành các nghi thức, nghi lễ, nơi thể hiện nếp sống tộc người. Trong những năm gần đây, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa một mặt làm cho đời sống kinh tế đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể nhưng mặt khác cũng làm thay đổi nhiều mặt trong đời sống văn hóa - xã hội, trong đó có nhà ở. Do vậy, việc nghiên cứu nhà ở của các dân tộc, trong đó có nhà ở của người Ca-dong thiết nghĩ là một việc làm hết sức cần thiết. Xuất phát từ lý do trên, cùng với mong muốn góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững 1 đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi chọn đề tài:”Nhà ở của người Ca-dong ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam” để làm đề tài luận văn tốt nghiệp chương đào tạo thạc sĩ của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Năm 1933, sau khi điểm lại những chuyến xâm nhập của thực dân Pháp vào vùng miền núi Quảng Nam, G.H.Hoffet, nhà địa chất học người Pháp đã phải than thở rằng: “không thể nào nghiên cứu các dân tộc ở đây, trừ một số vùng cư dân ở ven vùng người Việt. Không thể nào tiếp cận được các cư dân trong nội địa vì họ không chịu thần phục chính quyền ngoại bang” [31, tr.20]. Ông kể lại câu chuyện hải hùng của Odend’hal vào cuối thế kỉ trước, chỉ dám dừng lại ở Trà My ba ngày, sau phải bỏ chạy qua đèo Xêy lên phía Bắc, để về Huế [31, tr.20]. L.Condominas, sĩ quan Pháp, cha đẻ của nhà dân tộc học nổi tiếng G.Condominas, là Đồn trưởng Đồn Trà My vào những năm 30 thế kỉ XX (1934 - 1937) cũng chỉ phác hoạ một cách sơ sài về các cư dân “Mọi” miền thượng sông Tranh [31, tr.20]. Thời gian gần đây, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những hoạt động tích cực của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, và Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, nhiều vấn đề về các dân tộc trong đó có nhóm tộc người Cadong ở Nam Trà My đã dần dần sáng tỏ. Các nhà nghiên cứu đi đầu trong việc nghiên cứu về người Ca-dong ở Trà My như: Đặng Nghiêm Vạn, Ninh Văn Hiệp, Lưu Hùng, Nguyễn Tri Hùng, Tôn Thất Hướng,… đã công bố nhiều tư liệu, bài viết đăng tải trên sách, báo và tạp chí. Chẳng hạn như, cuốn: “Tìm hiểu con người miền núi Quảng Nam” do Đặng Nghiêm Vạn chủ biên, đã tập hợp một số bài nghiên cứu của các tác giả khác nhau, trong đó có đề cập đến một số vấn đề về sự hình thành tộc người Ca-dong ở Quảng Nam, đặc trưng tộc người Ca-dong cũng như vấn đề về việc bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế - văn hoá làng của đồng bào. Hay như, bài 2 viết: “Người Ca-dong ở Trà My” của Đặng Nghiêm Vạn và Ninh Văn Hiệp trên Tạp chí Dân tộc học số 3/1978 đã đề cập đến vấn đề nguồn gốc tộc người Ca-dong, quan hệ làng nóc, dòng họ gia đình hay một số vấn đề về hôn nhân, tang ma của người Ca-dong. Cuốn “Tiểu vùng văn hóa xứ Quảng’’ do Hà Nguyễn chủ biên, Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông ấn hành năm 2012 bước đầu đề cập đến cách xây dựng nhà ở của người Ca-dong. Trên đây là những tài liệu nói về nguồn gốc cũng như một số đặc trưng kinh tế, văn hoá, xã hội… và bước đầu khái quát về cách xây dựng nhà ở của người Ca-dong, song chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu hay đã có một tài liệu nào đề cập một cách đầy đủ, có hệ thống về nhà ở của người Cadong ở Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng đây là nguồn tư liệu quí để tham khảo trong việc xác định vấn đề nghiên cứu và kế thừa trực tiếp cho luận văn này. 3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của đề tài là nhà ở của người Ca-dong ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đề tài sẽ trình bày những đặc điểm truyền thống và những biến đổi về nhà ở của người Ca-dong nơi đây; phân tích nguyên nhân biến đổi, đồng thời đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhà ở của người Ca-dong trong bối cảnh hiện nay. Phạm vi không gian nghiên cứu của đề tài tập trung vào người Ca-dong cư trú tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đề tìm hiểu nhà ở của người Ca-dong trong truyền thống và hiện nay, chúng tôi lựa chọn năm 1986 là thời điểm đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới làm mốc để xác định. 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 4.1.Mục đích nghiên cứu Cung cấp những tư liệu từ quá trình lựa chọn và chuẩn bị nguyên vật liệu đến quy trình dựng nhà; cấu trúc ngôi nhà; một số nghi lễ, kiêng kị liên quan 3 đến ngôi nhà. Tìm hiểu những biến đổi về các khía cạnh vật chất cũng như những yếu tố văn hoá - xã hội của ngôi nhà ở. Bước đầu đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nhà ở của người Ca-dong. 4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích đã nêu trên, đề tài sẽ tập trung làm sáng tỏ các khái niệm, khái quát về lịch sử tộc người, trình bày những vấn đề về nhà ở truyền thống của người Ca-dong như các yếu tố vật chất, kỹ thuật, cấu trúc ngôi nhà, cách bố trí mặt bằng sinh hoạt và các nghi lễ liên quan đến ngôi nhà; bên cạnh đó, chỉ ra những biến đổi của nhà ở hiện nay và nguyên nhân sự biến đổi. 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Để thực hiện được đề tài này tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản và liên ngành, như: Phương pháp điền dã dân tộc học: Đây là phương pháp chủ đạo được tác giả sử dụng để thực hiện đề tài. Tại các điểm nghiên cứu ở xã Trà Mai, Trà Nam, Trà Vinh, tác giả tiến hành 2 đợt điền dã, đợt 1 ngày 11 tháng 6 năm 2016 và đợt 2 ngày 05 tháng 1 năm 2017. Tại đây, tác giả quan sát, cùng ở, cùng ăn, cùng tham gia sinh hoạt với người Ca-dong. Bằng cách này, tác giả có điều kiện quan sát kỹ phần kết cấu ngôi nhà, sinh hoạt trong ngôi nhà của người dân cũng như tìm hiểu những đặc điểm văn hóa liên quan đến ngôi nhà của người Ca-dong. Trong quá trình điền dã, tác giả đã tiến hành 2 cuộc phỏng vấn trực tiếp nhiều đối tượng khác nhau bằng những câu hỏi mở bán cấu trúc, đã được chuẩn bị một phần, nhằm thu thập thông tin liên quan đến nhà ở của người Ca-dong. Đối tượng phỏng vấn là trước hết là người lớn tuổi, những người am hiểu về cách xây dựng cũng như am hiểu các nghi lễ, kiêng kị liên quan đến ngôi nhà; những người đàn ông tham gia trực tiếp vào quá trình dựng nhà và sau đó là thế hệ trẻ Ca-dong. 4 Trong thời gian điền dã, tác giả đã tiến hành chụp ảnh, lựa chọn các hình ảnh đẹp, tiêu biểu, phù hợp để minh họa cho nội dung của luận văn. Phương pháp thu thập, phân tích, xử lý tư liệu: Tác giả đã kế thừa có tính chọn lọc các kết quả nghiên cứu về người Ca-dong của các nhà nghiên cứu đi trước ở Trung ương, tỉnh Quảng Nam cũng như một số địa phương khác và báo chí. Phương pháp so sánh đối chiếu Từ những kết quả nghiên cứu sau quá trình phân tích, tổng hợp tư liệu và những tài liệu điền dã, tác giả tiến hành phương pháp so sánh đối chiếu để rút ra được những đặc điểm nổi bật của người Ca-dong ở Nam Trà My so với người Ca-dong ở các địa phương khác thuộc tỉnh Quảng Nam và so với các tộc người lân cận. Với việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu như trên, có thể thấy rằng, luận văn sử dụng chủ yếu nguồn tư liệu thu thập được trong quá trình điền dã dân tộc học tại địa bàn sinh sống của người Ca-dong. Ngoài ra, tác giả kế thừa một số kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã nghiên cứu về người Ca-dong. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn 6.1. Ý nghĩa lý luận Đề tài góp không chỉ bổ sung nguồn tư liệu phong phú, tin cậy cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về nhà ở của người Ca-dong ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam nói riêng và người Ca-dong nói chung, mà qua đó còn góp phần nhận diện rõ hơn các lý thuyết về văn hóa mà luận văn áp dụng. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Với kết quả đạt được, đề tài sẽ giúp người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về nhà ở của người Ca-dong huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. 5 Những kiến nghị, đề xuất của đề tài sẽ góp phần giúp những cơ quan, ban ngành hữu quan đề ra những chính sách, những chiến lược để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào Ca-dong nơi đây. Thông qua đề tài, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào về quê hương cho các thế hệ người Ca-dong hôm nay và mai sau. 7. Cơ cấu của luận văn Đề tài gồm có 3 chương Chương 1: Cơ sở lý luận, khái quát về địa bàn nghiên cứu và người Ca-dong. Chương 2: Nhà ở truyền thống của người Ca-dong. Chương 3: Biến đổi nhà ở và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nhà ở truyền thống của người Ca-dong. 6 Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN, KHÁI QUÁT ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU VÀ NGƯỜI CA-DONG 1.1. Cơ sở lý luận 1.1.1. Một số khái niệm cơ bản Trong mục này, chúng tôi xin làm rõ một số khái niệm được sử dụng trong luận văn như nhà, nhà ở, nhà sàn, mặt bằng sinh hoạt. Nhà: Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 3, nhà là: a) Công trình kiến trúc có mái che mang đặc trưng văn hoá tộc người, được xây cất trong khuôn viên làng để cho từng gia đình cư ngụ. b) Đơn vị xã hội nhỏ nhất, thường có 2 đặc trưng cơ bản: đó là một tổ chức huyết hệ và một đơn vị ngoại hôn. Thành viên của các ngôi nhà trong làng hợp thành một cộng đồng làng - tổ chức cơ bản của xã hội tộc người [15, tr.207]. Trong Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam, nhà được Nguyễn Lân định nghĩa là “nơi mỗi gia đình sống hằng ngày” [25, tr.1300]. Nhà ở: Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 3, nhà ở: “là nhà có chức năng chủ yếu để ở, là loại nhà phổ biến nhất trong các khu dân cư đô thị và nông thôn, bao gồm rất nhiều thể loại: ít tầng, nhiều tầng, đơn lập (biệt thự), song lập, liền kề (thành dãy nhà theo mặt phố, chung cư với nhiều căn hộ (tập thể)” [15, tr.218]. Theo nhà dân tộc học Chu Thái Sơn, nhà ở “là một công trình kiến trúc, một dạng tồn tại của văn hoá vật chất gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của mỗi gia đình và mỗi con người. Ngôi nhà để ở, sản phẩm lao động của mỗi dân tộc không chỉ đơn thuần là nơi cư trú, dùng để che mưa, tránh nắng, 7 mà trên thực tế, còn là một công trình văn hóa mang tính tổng hợp, mang những sắc thái văn hóa riêng của từng dân tộc, một tiện nghi thích hợp với đặc điểm môi trường thiên nhiên, một trung tâm của mọi hoạt động sản xuất, một biểu hiện của cơ cấu xã hội và của tổ chức gia đình” [35, tr.71]. Theo nhà dân tộc học Nguyễn Khắc Tụng, nhà ở được xem như là một phức hợp sinh hoạt - văn hoá của các cư dân, hay cũng có thể nói rằng, nhà ở là một không gian văn hóa, một không gian nhân tạo - một không gian văn hoá [46, tr.230]. Trong công trình Kiến trúc cổ truyền Việt Nam, kiến trúc sư Vũ Tam Lang định nghĩa: nhà ở là phương tiện cư trú và là tổ hợp không gian sinh hoạt văn hóa của con người. Theo ông, nhà ở được phát triển cùng với tiến trình của lịch sử xã hội, mức độ kinh tế và văn hóa cùng với sự biến đổi và hoàn cảnh địa lí, môi trường sinh sống của loài người nói chung và của dân tộc Việt Nam nói riêng [23, tr.157]. Nhà sàn: Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 3, nhà sàn là công trình kiến trúc có mái che, dùng để ở hoặc dùng vào những mục đích khác. Mặt sàn được xây cất bằng tre gỗ, liên kết ở lưng chừng các hàng cột. Gầm sàn là kho chứa củi và một số nông cụ, nơi nuôi thả gia súc hoặc bỏ trống [15, tr.219]. Theo Đại từ điển Tiếng Việt, nhà sàn là nhà có nhiều cột, phía trên có sàn gỗ hay tre, phía dưới để trống, thường dựng ở miền núi [52, tr.1301]. Mặt bằng sinh hoạt Để phân loại các loại hình nhà, Nguyễn Khắc Tụng đã dùng chính tiêu chí mặt bằng sinh hoạt trong mỗi ngôi nhà để xem nó thuộc nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất hay nhà đất. Theo ông, mặt bằng sinh hoạt là: “Mặt bằng người ta sinh hoạt chủ yếu trên đó”. Khác với mặt bằng thiết kế (xây dựng) là cái có trước, mặt bằng sinh hoạt là cái có sau - chỉ khi trong nhà có người ở, và từ đó 8 nó sẽ thay đổi theo sở thích của chủ nhân. Tùy thuộc thành phần tộc người của chủ nhân, mặt bằng sinh hoạt thay đổi theo tập quán của tộc người hoặc nhóm tộc người, thể hiện đặc điểm văn hóa liên quan đến nhà ở của tộc người đó [46, tr.242]. Trong luận văn này, “nhà” được hiểu là công trình kiến trúc có mái che, là nơi mỗi gia đình sinh sống hằng ngày; “nhà ở” được hiểu như cách diễn giải của Từ điển bách khoa và các nhà dân tộc Chu Thái Sơn, Nguyễn Khắc Tụng; “nhà sàn” được hiểu là công trình kiến trúc có mái che, mặt sàn được liên kết ở lưng chừng các hàng cột; và, “mặt bằng sinh hoạt” được hiểu theo cách diễn giải của nhà dân tộc Nguyễn Khắc Tụng. 1.1.2. Cơ sở lý thuyết Thuyết sinh thái văn hóa Thuyết sinh thái văn hóa, gắn với hai nhà nhân học văn hóa người Mỹ là Julian Steward (1902 - 1972) và Leslie White (1900 - 1975). Khái niệm trung tâm của thuyết sinh thái văn hoá, là sự thích nghi hay thích ứng (adaptation). Chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của tiến hoá luận của Morgan và Taylor phát triển ở giai đoạn cuối thể kỷ 19 cũng như cách giải thích mang tính duy vật về văn hoá của Marx và Engels, cả Steward và White đều cho rằng, văn hoá là sản phẩm của sự thích nghi của con người với các môi trường tự nhiên cụ thể nơi họ sống [32, tr. 38] Khi nghiên cứu về nhà ở, các nhà nghiên cứu Việt Nam không nêu rõ mình có áp dụng thuyết sinh thái văn hóa hay không, nhưng qua các phân tích của họ, chúng tôi cho rằng ít nhiều họ cũng bị ảnh hưởng bởi thuyết này. Điển hình là nhà nghiên cứu Chu Thái Sơn, trong cuốn Vấn đề xây dựng nhà cửa của các dân tộc Tây Nguyên trong việc tổ chức nông thôn mới, ông đã viết: “Nhìn chung, mỗi dân tộc đều có một kiểu nhà để ở. Kiểu nhà đó phụ thuộc vào địa hình của nơi cư trú, tùy thuộc vào các nguồn nguyên liệu xây dựng có sẵn ở địa phương, vào trình độ kỹ thuật của cư dân, vào phương thức sinh 9 hoạt kinh tế của cộng đồng, vào thang bậc của chế độ xã hội mà cư dân đó đạt tới, vào hình thức tổ chức của gia đình, vào khiếu thẩm mỹ, vào khả năng kinh tế, và nhất là vào truyền thống văn hóa mỗi dân tộc” [32, tr.43]. Thuyết biến đổi văn hóa Biến đổi văn hóa là khái niệm được các nhà Nhân học phương Tây đưa ra vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhằm nhấn mạnh đến sự biến đổi văn hóa của tộc người. Người Anh dùng chữ Cultural Change – biến đổi văn hóa, người Tâu Ban Nha dùng chữ Transculturation - di chuyển văn hóa, người Pháp dùng chữ Interpénnétration des civilizations - sự xâm nhập giữa các nền văn minh. Nội hàm của các thuật ngữ trên ở các nước đều có những nét khác nhau nhất định về sắc thái. Biến đổi văn hóa là sự vận động thường xuyên của văn hóa và xã hội. Biến đổi văn hóa vừa là kết quả của trao đổi, vừa chính là sự trao đổi. Có 2 loại biến đổi văn hóa: Loại thứ nhất diễn ra khi hai nền văn hóa thường xuyên tiếp xúc với nhau một cách bình đẳng, dẫn đến nền văn hóa tự do vay mượn những yếu tố mới rồi thay đổi, hòa nhập cho phù hợp. Loại thứ hai diễn ra khi một nền văn hóa này gặp gỡ nền văn hóa kia trong bối cảnh bị chinh phục, thống trị. Sự biến đổi về nhà ở của người Ca-dong ra đời trên nền tảng hai nền văn hóa thường xuyên tiếp xúc với nhau một cách bình đẳng, dẫn đến nền văn hóa tự do vay mượn những yếu tố mới rồi thay đổi, hòa nhập cho phù hợp. Luận văn này, chúng tôi dựa vào hai thuyết đó là thuyết sinh thái văn hóa và thuyết biến đổi văn hóa để phân tích các mối quan hệ và phần nào có thể lý giải sự thích nghi của người Ca-dong với môi trường tự nhiên thông qua ngôi nhà ở cũng như sự biến đổi ngôi nhà truyền thống của người Cadong trong điều kiện giao lưu, tiếp xúc văn hóa trong bối cảnh hội nhập hiện nay để từ đó thấy được các yếu tố truyền thống nào còn được lưu giữ và yếu tố nào đang dần bị mai một. 10 1.2. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu 1.2.1. Đặc điểm tự nhiên Huyện Nam Trà My nằm trên ngã ba ranh giới giữa tỉnh Quảng Nam với hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, là một huyện miền núi nằm dưới chân núi Ngọc Linh, có vị trí địa lý vào khoảng: 15°57' độ vĩ Bắc và 109°09' độ kinh Đông; cách tỉnh lỵ Tam Kỳ gần 100 km về hướng Tây Nam. Giáp huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) về phía Đông, phía Tây giáp huyện Phước Sơn, phía Nam, Tây Nam, Đông Nam giáp các huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông thuộc tỉnh Kon Tum và giáp huyện Bắc Trà My về phía Bắc. Trung tâm hành chính huyện đóng tại Tak Pỏ, xã Trà Mai, nằm về phía Tây Nam của tỉnh Quảng Nam. Về khí hậu, huyện Nam Trà My chịu ảnh hưởng của 2 kiểu khí hậu. Trong đó, chịu ảnh hưởng phần lớn của khí hậu khu vực duyên hải Nam Trung bộ, bên cạnh đó chịu ảnh hưởng tương đối của khí hậu Bắc Tây Nguyên nên lượng mưa trong năm rất lớn, chủ yếu tập trung vào những tháng cuối năm. Khí hậu trong năm chia làm 2 mùa rõ rệt. Mùa khô: kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8. Mùa mưa: Kéo dài từ tháng 9 đến tháng 01 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 24°c (nhiệt độ thấp nhất trong năm là 16 - 17°C và cao nhất là 41°C). Những con sông chính hiện có trên địa bàn huyện bao gồm: Sông Tranh, Sông Nước Là, Sông Nước Ui. Ngoài ra còn có các suối lớn nhỏ như: Suối Tất Nầm; Tất Canh... Đa số các con sông, con suối chảy qua địa bàn huyện và đổ về sông Tranh. Đây là nguồn nước chính phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đất đai ở đây chủ yếu là loại đất đỏ bazan và một diện tích nhỏ đất phù sa, phân bố dọc các con sông, suối . Huyện Trà My có 87.127 ha rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ của rừng 11 khoảng 41,96%. Rừng có rất nhiều loài động thực vật phong phú và đa dạng; trong đó có các loài động vật quý hiếm như: gấu ngựa, sơn dương, chồn bay, mèo rừng… Các loại gỗ quý hiếm như gõ, sến, sơn huyết... đặc biệt là trầm hương và quế. Ngoài ra, rừng còn có các loại song mây, lồ ô, tre, nứa bạt ngàn, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến và thủ công truyền thống. 1.2.2. Đặc điểm dân cư Huyện Nam Trà My được thành lập theo Nghị định số 72/2003/NĐ - CP ngày 20-6-2003 của Chính phủ trên cơ sở một số xã được tách ra từ huyện Trà My. Tính đến thời điểm tháng 9 năm 2010, Nam Trà My có 8 tộc người cùng sinh sống, trong đó bao gồm các thành phần chính: Kinh, Ca-dong, Co, Mơ noong, Xơ-đăng,… và các dân tộc khác đang sinh sống rải rác, phân bố khắp trên toàn huyện Dân tộc, dân số huyện Nam Trà My Dân tộc, nhóm Tổng số tộc người người Kinh Ca-dong 696 13.356 Địa bàn phân bố Trà Nam, Trà Mai, Trà Leng, Trà Vân Trà Nam, Trà Mai, Trà Vinh, Trà Vân, Trà Leng, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Cang Co 22 Trà Mai, Trà Dơn Mơ Noong 711 Trà Mai, Trà Leng, Trà Vinh, Trà Linh Xơ-đăng 8676 Các dân tộc khác 17 Trà Cang, Trà Nam, Trà Linh, Trà Leng, Trà Tập, Trà Don Rải rác ở các xã (Nguồn: Phòng Thống kê huyện Nam Trà My) Nhìn vào bảng trên, chúng ta thấy, mặc dù về mặt khoa học, mặc dù Cadong được xếp là một nhóm địa phương của dân tộc Xơ-đăng và Ca-dong 12 cũng không phải là dân tộc trong Bảng danh mục 54 dân tộc ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở huyện Nam Trà My, người Ca-dong chiếm số lượng đông nhất, thậm chí đông hơn cả các dân tộc và tộc người khác trong huyện công lại và họ lại có ý thức tự giác tộc người - mình là người Cadong, chứ không phải Xơ-đăng, nên được xếp thành một mục riêng như một tộc người. Có lẽ đây cũng là một điểm rất đáng chú ý đối với các nhà khoa học khi tiến hành xác minh lại thành phần tộc người. Tuy nhiên, điều rất quan trọng mà chúng tôi muốn nói đến ở đây, đó là do cùng nhóm ngữ Môn - Khơme nên các tộc người ở miền núi Nam Trà My thường không chỉ nói tiếng mẹ đẻ, mà còn biết nói tiếng của các dân tộc láng giềng; và do có sự cộng cư với nhau lâu đời, nên sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, nhóm tộc người thiểu số ở Nam Trà My đã diễn ra từ rất lâu mà đến nay các hình thức sinh hoạt văn hoá của từng tộc người thật khó phân biệt rạch ròi đâu là yếu tố bản sắc riêng của tộc người, đâu là yếu tố vay mượn. Đó là những phong tục tập quán như hội mùa, hội cồng chiêng, lễ đâm trâu hay những hình thức văn nghệ dân gian như truyện cổ, các nhạc cụ… Vì vậy, cũng có thể nói rằng các tộc người ở đây đã có sự giao lưu, tiếp nhận nhiều đặc điểm văn hóa của nhau, trong đó có vấn đề về nhà ở. 1.3. Đôi nét về người Ca-dong ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam 1.3.1. Lịch sử hình thành tộc người Ca-dong Lịch sử hình thành người Ca-dong ở Nam Trà My luôn là một đề tài nóng bỏng cho các nhà nghiên cứu và cho đến nay thì câu hỏi đó chưa có giải đáp rõ ràng. Theo Đặng Nghiêm Vạn thì “cho đến nay chưa có tài liệu nào đề cập đầy đủ” [50, tr.53]. Vì vậy khó có thể đoán định được người Ca-dong hiện nay ở Nam Trà My đã đến cư trú tại đây từ bao giờ, do bản thân các dân tộc ở Quảng Nam nói chung, người Ca-dong ở Nam Trà My nói riêng trước đây đều không có chữ viết [48, tr.17]. 13 Tuy nhiên, có một huyền thoại được lưu truyền trong đời sống người Cadong ở Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam về nguồn gốc của họ. Huyền thoại kể rằng có hai anh em mồ côi sống chung một nhà, trong một lần làm rẫy đã bắt được một con dúi, hay còn gọi là con chúc. Nhưng không may, lúc người em ngủ say một con dúi thơm lừng đó bị con mèo rừng chén sạch. Người anh tưởng em tham ăn đã đánh đuổi em đi, người em chạy mãi về hướng mặt trời mọc [47, tr.17]. Về sau người anh lập làng, nóc gọi là người Xơ-đăng, còn người em dựng nóc, lập làng gọi là người Ca-dong. Người Ca-dong ở phía tây gọi người Ca-dong ở phía đông dãy Trường Sơn là Ca-dong chă chúc, có nghĩa là Ca-dong ăn thịt dúi. Theo Nguyễn Tri Hùng (Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam) thì câu chuyện này muốn nói rằng: “người Xơ-đăng, Cadong là anh em, cùng một cội nguồn, nhưng sau đó thành các tộc người với các tộc danh khác nhau” [19], còn theo Dương Trinh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Trà My thì câu chuyện hai anh em người Ca-dong chia tay nhau bởi câu chuyện ăn thịt dúi là một minh chứng cho sự chuyển cư trong lịch sử của người Ca-dong từ phía tây sang phía đông và từ vùng cao xuống vùng thấp. Và có thể trong cuộc chuyển cư đó, một nhóm người Cadong đã đến định cư ở vùng núi cao Nam Trà My và nhanh chóng hoà nhập cùng các tộc người nơi đây. Xuất phát từ huyền thoại và giả thiết, các nhà dân tộc học tạm thời phác thảo những cuộc chuyển cư của các tộc người ở Bắc Tây Nguyên và định vị vùng cư trú của các tộc người và các nhóm tộc người. Lời giải thích đầu tiên là sự chấp nhận một sự thật có thể tin cậy được là những cư dân Môn Khơme, trong đó có người Xơ-đăng và các nhóm Ca-dong đã có mặt sớm nhất ở Bắc Tây Nguyên so với các cư dân đang tồn tại ở đây. Nhưng họ định cư ở đây từ khi nào và vì sao họ bị đẩy lên vùng núi cao cư trú, thì chưa ai giải thích thoả đáng. Bằng những dấu hiệu tương đồng trong các môtíp huyền 14 thoại và sự gần gũi về ngôn ngữ, văn hoá với người Tiền Việt - Mường, các nhà dân tộc học đã cố gắng chứng minh tổ tiên của họ có thể “ở quá về phía Bắc”, nhưng sau đó do sự xung đột nội bộ giữa các nhóm Môn - Khơme, sự xung đột với người Chăm và các tộc người khác nữa mà họ đã cư trú quanh dãy núi Ngọc Linh sau những thế kỷ biến động phức tạp. Các nhóm khác bị thu hẹp vùng cư trú, riêng nhóm Ca-dong thì phân tán đi nhiều nơi. [47, tr.20]. Cũng từ câu chuyện Ca-dong chă chúc, một số nhà nghiên cứu trong đó có Đặng Nghiêm Vạn cho rằng: dân tộc Xơ-đăng gồm các nhóm địa phương khác nhau: Xơ Teng, Tơ Đrá, Mơ Nâm, sau thống nhất thêm hai nhóm Hà Lăng và Ca-dong, cư trú chủ yếu ở miền Bắc Kon Tum. Đây là một dân tộc mới hình thành không lâu từ các nhóm địa phương khác nhau đến tụ cư trên một vùng đất, luôn bị xáo trộn bởi những cuộc xung đột nội bộ, những sự chèn lấn của dân tộc Lào, những cuộc chiến tranh với dân tộc láng giềng… Trong đó nhóm Ca-dong là nhóm phân tán hơn cả. Có thể ban đầu họ ở chung quanh núi Ngọc Linh chạy từ huyện Nam Trà My qua miền bắc huyện Kon Plong (Kon Tum) đến huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi). Sau đó do sức ép của người Chăm và người Hrê mà một bộ phận trôi dạt lên vùng núi cao Sa Thầy và Đắc Giây (Kon Tum hiện nay) [48, tr.22]. Qua đó ông cũng cho rằng con cháu người em ở Quảng Nam mang tên Ca-dong chă chúc (người Ca-dong ăn thịt dúi). Tức họ bị đẩy lên chứ không phải tràn xuống. Phải chăng là vậy, hay ngược lại, hay cả hai? Cũng trên cơ sở nhận định người Ca-dong và những đồng tộc láng giềng của họ vốn là cư dân có mặt sớm nhất ở Bắc Tây Nguyên, vẫn là nhóm cư dân định cư lâu đời quanh dãy núi Ngọc Linh, những căn cứ vào thực địa và những huyền thoại về sự trôi dạt cho phép các tác giả trong cuốn “Văn hoá truyền thống dân tộc Ca-dong” đặt ra một giả thuyết ngược lại, rằng: “người Ca-dong chủ yếu là thiên di về phía đông bắc, theo hướng những dòng sông đổ về phía biển - một cách cấu tạo địa tầng của vùng đất Bắc Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, đó là dòng sông Đăk 15 Phe, Đăk Ring, Đăk XàLò và các phụ lưu của chúng” [47, tr.21]. Trong nhiều huyền thoại của người Xơ-đăng, Ca-dong còn lưu giữ tên tuổi của những dòng sông này đã từng chuyên chở quanh co các mối tình khác nhau, và cũng chính chúng mang theo những ước vọng về biển,về muối, về sự mở mang vùng cư trú. Có thể bắt đầu bằng những “con đường muối”, và tiến trình giao thương trao đổi hàng hoá với cư dân ở vùng thấp như người Việt, người Chăm trong lịch sử, cùng với việc giao chiến mở rộng địa bàn sinh sống của người Xơ-đăng, trong đó có bộ phận Ca-dong, mà họ lấn dần xuống phía đông bắc. Vì vậy, có thể nói nhóm Ca-dong không chỉ đi ngược về phía tây mà còn xuôi về phía đông và đông bắc. Và tại phần đất mới đến họ đã gặp người Chăm, người Việt,… rồi cùng chung sống trong hoà bình hàng trăm năm, hoặc cũng có thể đến vài thế kỷ mà ta chưa có dịp chứng minh đích xác niên đại của sự gặp gỡ ban đầu này. 1.3.2. Tên gọi Bộ phận Ca-dong ở Quảng Nam do tách biệt với nhóm Xơ-đăng khác và do thu nhận nhiều bộ phận cư dân khác nên kết cấu của nhóm này phức tạp. Vì vậy mà H. Maitre cho rằng: “những người Ca-dong này vẫn là một bộ phận của Xơ-đăng vì tên gọi của họ gần với Hêjung (tên người Duan - một nhóm nhỏ thuộc người Giẻ - Triêng) gọi người Xơ-đăng”. Nhưng người Cadong cư trú càng xa về phía Bắc thì đã khác đi so với người đồng tộc, không biết có nên gộp vào Xơ-đăng hay chỉ coi là một nhánh của họ [48, tr.22]. Tuy nhiên, cho đến tận ngày nay, người Ba Noong vẫn khẳng định “người Cadong và người Xơ-đăng chỉ là một, vẫn chỉ gọi cả hai bằng một tên chung: Mđăng, Mrăng, Bdăng, hay Bleng” [48, tr.23]. Về mặt khoa học, các nhà dân tộc học cho rằng các nhóm tộc người của dân tộc Xơ-đăng trong đó có người Ca-dong có chung một nguồn gốc. Nhưng qua tìm hiểu các người già cao tuổi và qua nhiều câu chuyện cổ tích còn lưu 16
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan