Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luận văn quan niệm về đạo làm người trong luật tục thái và ảnh hưởng của nó đên ...

Tài liệu Luận văn quan niệm về đạo làm người trong luật tục thái và ảnh hưởng của nó đên đời sống người thái ở sơn la hiện nay

.PDF
85
706
54

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI ---------------- LÒ HẢI YẾN QUAN NIỆM VỀ ĐẠO LÀM NGƯỜI TRONG LUẬT TỤC THÁI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN ĐỜI SỐNG NGƯỜI THÁI Ở SƠN LA HIỆN NAY LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC HÀ NỘI - 2017 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI ---------------- LÒ HẢI YẾN QUAN NIỆM VỀ ĐẠO LÀM NGƯỜI TRONG LUẬT TỤC THÁI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN ĐỜI SỐNG NGƯỜI THÁI Ở SƠN LA HIỆN NAY Chuyên ngành : Triết học Mã số : 60.22.03.01 LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC Người hướng dẫn khoa học: TS. LÊ DUY HOA HÀ NỘI - 2017 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, dưới sự hướng dẫn của TS. Lê Duy Hoa, có kế thừa một số kết quả nghiên cứu có liên quan đã được công bố. Các số liệu, tài liệu trong luận văn là trung thực, đảm bảo tính khách quan và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Hội đồng khoa học về luận văn của mình. Hà Nội, tháng 5 năm 2017 Tác giả Lò Hải Yến LỜI CẢM ƠN Em xin trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu, phòng Sau đại học và các phòng ban khác của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tạo mọi điều kiện cho em được học tập, nghiên cứu tại quý trường. Xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo khoa Triết học đã tận tình giảng dạy, hướng dẫn em trong suốt thời gian qua. Em cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thư viện tỉnh Sơn La, Thư viện huyện Quỳnh Nhai đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho em được nghiên cứu, tìm hiểu trong quá trình thực hiện Luận văn. Đặc biệt, em xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc nhất đến TS. Lê Duy Hoa, cán bộ giảng dạy khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là người đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho em trong quá trình thực hiện và hoàn thành Luận văn Thạc sĩ Triết học của mình. Xin gửi lời cảm ơn tới gia đình, bạn bè đã hết lòng quan tâm, giúp đỡ và động viên tác giả Luận văn trong quá trình học tập, nghiên cứu. Xin trân trọng cảm ơn ! Hà Nội, tháng 5 năm 2017 Tác giả Lò Hải Yến MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN LỜI CẢM ƠN MỤC LỤC MỞ ĐẦU ............................................................................................................. 1 1. Lý do chọn đề tài .................................................................................... 1 2. Lịch sử nghiên cứu ................................................................................. 2 3. Mục đích nghiên cứu .............................................................................. 8 4. Khách thể và đối tượng nghiên cứu........................................................ 8 5. Giả thuyết khoa học ................................................................................ 8 6. Nhiệm vụ nghiên cứu ............................................................................. 9 7. Giới hạn phạm vi nghiên cứu ................................................................. 9 8. Phương pháp nghiên cứu ........................................................................ 9 9. Cấu trúc Luận văn................................................................................... 9 10. Những luận điểm cơ bản và đóng góp mới của Luận văn .................... 9 Chương 1: KHÁT QUÁT VỀ NGƯỜI THÁI VÀ LUẬT TỤC THÁI Ở VIỆT NAM ............................................................................................ 11 1.1. Người Thái ở Việt Nam và người Thái ở Sơn La hiện nay................ 11 1.1.1. Lịch sử hình thành, tên gọi, địa bàn cư trú ..................................... 11 1.1.2. Đặc trưng văn hóa của người Thái.................................................. 16 1.1.3. Người Thái ở Sơn La hiện nay........................................................ 22 1.2. Luật tục Thái và quan niệm về đạo làm người trong luật tục Thái.......... 25 1.2.1. Một số khái niệm: luật tục, luật tục Thái và đạo làm người ........... 25 1.2.2. Nội dung của Luật tục Thái ............................................................ 31 1.2.3. Quan niệm về đạo làm người trong Luật tục Thái .......................... 34 Chương 2: ẢNH HƯỞNG CỦA QUAN NIỆM VỀ ĐẠO LÀM NGƯỜI TRONG LUẬT TỤC THÁI ĐẾN ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI THÁI Ở SƠN LA HIỆN NAY ...................................................... 44 2.1. Ảnh hưởng của quan niệm về đạo làm người trong Luật tục Thái đến đời sống vật chất của người Thái ở Sơn La ........................ 44 2.1.1. Ảnh hưởng của quan niệm về đạo làm người trong Luật tục Thái đến lao động, sản xuất ............................................................ 45 2.1.2. Ảnh hưởng của quan niệm về đạo làm người trong Luật tục Thái đến việc phòng ngừa tội phạm ............................................... 47 2.2. Ảnh hưởng của quan niệm về đạo làm người trong Luật tục Thái đến đời sống tinh thần của người Thái ở Sơn La ....................................... 52 2.2.1. Ảnh hưởng của quan niệm về đạo làm người trong Luật tục Thái đến giáo dục ý thức học tập, sáng tạo .................................... 52 2.2.2. Ảnh hưởng của quan niệm về đạo làm người trong Luật tục Thái đến xây dựng đoàn kết cộng đồng ......................................... 55 2.2.3. Ảnh hưởng của quan niệm về đạo làm người trong Luật tục Thái đến việc xây dựng hôn nhân, gia đình ................................... 58 2.2.4. Ảnh hưởng của quan niệm về đạo làm người trong Luật tục Thái đến việc phòng, chống quan liêu, tham nhũng....................... 61 2.3. Giá trị của quan niệm về đạo làm người trong đời sống người Thái ở Sơn La hiện nay ........................................................................... 62 KẾT LUẬN ....................................................................................................... 66 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................. 68 PHỤ LỤC.......................................................................................................... 72 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Nhân loại đang ở trong thế kỷ XXI - thế kỷ của hội nhập và toàn cầu hóa. Nước Việt Nam ta cũng không nằm ngoài xu thế đó. Mọi mặt của đời sống nước nhà đang biến chuyển và thay đổi mạnh mẽ. Trước sức mạnh của sự bùng nổ thông tin, mạng xã hội, du nhập văn hóa đa sắc màu, nền văn hóa của nước ta đang bị đe dọa một cách đáng báo động. Vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, đặc biệt là văn hóa các dân tộc thiểu số luôn là một vấn đề lớn và mang tính thời sự. Nghị quyết 5, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam (Khóa VIII) đã đề ra 10 nhiệm vụ cụ thể nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt nhấn mạnh việc “coi trọng và bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống và phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn hóa các dân tộc thiểu số”. Văn hóa Thái với sự đa dạng những giá trị văn hóa vật chất cũng như văn hóa tinh thần của mình, từ lâu đã được biết đến với vai trò là một nền văn hóa lớn, nó còn được coi là văn hóa đại diện cho vùng Tây Bắc. Luật tục người Thái, trong đó có đạo lý làm người là một yếu tố cấu thành nên văn hóa Thái. Đạo lý làm người cũng như các nội dung khác trong hệ thống Luật tục giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng dân cư, xây dựng tính đoàn kết, điều hòa xã hội và trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Đặc biệt, nó có sức ảnh hưởng to lớn tới sinh hoạt của cộng đồng người Thái nói chung cũng như hình thành hành vi và nhân cách của mỗi cá nhân nói riêng. Đạo lý làm người (đạo làm người) trong văn hóa Việt Nam nói chung không phải là một vấn đề mới, tuy nhiên đạo lý làm người trong Luật tục Thái cũng như những ảnh hưởng hiện tồn của nó đến đời sống của dân tộc Thái hiện nay lại là một vấn đề chưa được nghiên cứu nhiều. 2 Sơn La - xứ sở hoa ban huyền thoại của vùng Tây Bắc nước ta, nơi sinh sống của mười hai dân tộc anh em, trong đó người Thái chiếm đến 54% dân số toàn tỉnh. Sơn La - mảnh đất “hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc” đang dần thay da đổi thịt với sự vươn mình phát triển trong cả ba mặt trận: Kinh tế, chính trị, văn hóa. Và đúng như tên gọi của ba mặt trận ấy, để phát triển một cách toàn diện thì mặt trận văn hóa, mà đặc biệt là việc gìn giữ, phát huy văn hóa tộc người Thái ở địa phương là một trong những thách thức và yêu cầu cấp bách được đặt ra. Đạo lý làm người hay những lệ luật khác trong bản Luật tục Thái cho đến nay vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng đến đại bộ phận người Thái nơi đây. Với tư cách là một người con dân tộc Thái cư trú lâu năm tại mảnh đất Sơn La anh hùng.Tác giả tự hào và muốn đóng góp những nghiên cứu của mình vào công cuộc gìn giữ văn hóa Thái nói chung và văn hóa của người Thái ở Sơn La nói riêng. Đây không phải là lần đầu tiên tác giả đi nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa dân tộc Thái và mỗi lần nghiên cứu tác giả lại đi sâu vào những khía cạnh mới và hấp dẫn hơn. Qua những nghiên cứu của mình tác giả luôn cố gắng thể hiện một cách sinh động nhất bức tranh văn hóa Thái, qua đó thể hiện tình yêu quê hương và dân tộc mình. Với những lý do nêu trên, tác giả mạnh dạn lựa chọn đề tài “Đạo lý làm người trong Luật tục Thái và ảnh hưởng của nó đến đời sống của người Thái ở tỉnh Sơn La hiện nay” làm Luận văn Thạc sĩ của mình. 2. Lịch sử nghiên cứu Nền văn hóa Tây Bắc (trong đó có tỉnh Sơn La) là nền văn hóa giàu tính cội nguồn, tính bản địa và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Với sự phong phú và sinh động của mình, văn hóa Thái luôn là một chủ đề nghiên cứu hấp dẫn. • Về người Thái ở Việt Nam, người Thái ở Sơn La Đầu tiên, có thể kể đến cuốn “Dân tộc Thái” của Nguyễn Quang Lập biên soạn, NXB Kim Đồng năm 2005. Trong đó trình bày một số nét về 3 nguồn gốc, phong tục, tập quán, quan hệ cộng đồng, hôn nhân, tang lễ và ẩm thực của dân tộc Thái. Hay cuốn “Những hiểu biết về người Thái ở Việt Nam” của tác giả Cầm Trọng, NXB Chính trị Quốc Gia năm 2005 đã giới thiệu về văn hóa Thái trong lịch sử Việt Nam, sự phân chia thành các vùng văn hóa và nhóm địa phương, quang cảnh tự nhiên nơi người Thái cư trú và sinh hoạt kinh tế, vấn đề ăn uống, quan hệ gia đình và một số nét cơ bản về văn hóa phi vật thể của người Thái ở Việt Nam. Cũng một ấn phẩm khác của tác giả Cầm Trọng, đó là “Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam”, NXB Khoa học xã hội năm 1978. Với nội dung tương tự, cuốn này nói về những nét đặc trưng về đời sống dân tộc, sự hình thành các nhóm Thái ở Tây Bắc nước ta, về quan hệ kinh tế, xã hội, quá trình biến đổi cách mạng của người Thái từ khi có Đảng lãnh đạo. Ngoài ra, có thể kể đến tác phẩm “Văn hóa Thái - những tri thức dân gian” của tác giả Đặng Thị Oanh, NXB Thanh niên, 2011, giới thiệu khái quát về văn hóa của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, đồng thời tìm hiểu tri thức dân gian về hoa ban, cầu thang, nhà sàn cũng như phong tục và tín ngưỡng của người Thái. Nói về lễ hội Kin Pang Then của người Thái, ấn phẩm “Kin Pang Then của người Thái trắng” của tác giả Đỗ Thị Tấc, NXB Văn hóa dân tộc, năm 2009, giới thiệu cho độc giả về người Thái Trắng, đặc biệt là các loại hình sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người Thái và Lễ hội Kin Pang Then. Cuốn “Phong tục tập quán các dân tộc ở Việt Nam” của nhóm tác giả Đặng Văn Lung, Nguyễn Sông Thao và Hoàng Văn Trụ, NXB Văn hóa dân tộc (năm 2011) giới thiệu về lễ Tết, tục hội, ẩm thực, hôn nhân, sinh đẻ, đặt tên, tang ma, tín ngưỡng của một số các dân tộc ở Việt Nam, trong đó có dân tộc Thái. 4 Hay giáo trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam” do Trần Quốc Vượng chủ biên (năm 2008) của NXB Giáo dục trình bày sơ lược về đặc điểm văn hóa Thái vùng Tây Bắc. Ngoài ra còn có công trình “Sơ lược giới thiệu các nhóm dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” của Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn, NXB Khoa học xã hội (năm 1968) có đề cập tới sự hình thành, phát triển của dân tộc Thái ở Việt Nam nói chung. Về người Thái ở Sơn La, có thể nhắc đến công trình “Vài nét về người Thái ở Sơn La” của tác giả Vi Trọng Liên, NXB Văn hóa dân tộc, năm 2002. Tuy nhiên tác giả mới chỉ dừng lại ở mức độ trình bày sơ lược về người Thái ở tỉnh Sơn La như tên gọi, các ngành, lời răn dạy cho con cháu của người Thái ở Sơn La, công trình còn khá sơ lược. Hay Luận văn Thạc sĩ sử học của tác giả Nguyễn Thị Luyến với đề tài “Đời sống văn hóa dân tộc Thái ở Sơn La” năm 2010. Qua đó tác giả không những mô tả lại bức tranh về đời sống vật chất, mà còn có cả những nét văn hóa về đời sống tinh thần của người Thái ở tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, công trình này còn mang tính sơ bộ, phạm vi còn hạn chế, chưa phản ánh được toàn bộ bức tranh văn hóa Thái ở tỉnh Sơn La. Phải kể đến công trình “Văn hóa dân gian người Thái vùng Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên tỉnh Sơn La” của tác giả Lò Vũ Vân, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội (năm 2011). Trong đó tác giả đi giới thiệu chung về vùng đất và nguồn gốc của người Thái ở Mộc Châu, Bắc Yên và Phù Yên của tỉnh Sơn La. Công trình còn đề cập đến một vài tín ngưỡng tiêu biểu và các bài ca trong nghi lễ của người Thái trong phạm vi nghiên cứu nhất định. Các công trình và ấn phẩm kể trên là những công trình tiêu biểu về vấn đề văn hóa Thái ở Việt Nam cũng như văn hóa Thái Sơn La. Ngoài ra, còn có rất nhiều công trình khác. 5 • Về Luật tục các dân tộc và Luật tục Thái Tình hình sưu tầm, nghiên cứu Luật tục ở Việt Nam khá sôi nổi, thành phần các tác giả cũng đa dạng, từ học giả phương Tây cho đến phương Đông và trong nước. Giữa thế kỷ XX, P.Guilleminnet xuất bản tại Paris tập sách “Luật tục những bộ lạc Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai ở tỉnh Kon Tum” do Viện Viễn Đông Bác cổ ấn hành bằng tiếng Pháp năm 1952. Một tác giả nước ngoài khác là Gerbair cũng công bố sưu tập về “Luật tục của người Xtiêng” trên tạp chí của Viện Viễn Đông Bác cổ vào giữa thế kỷ XX. Cho đến năm 1995, nhóm nghiên cứu trong nước gồm Chu Thái Sơn, Nguyễn Hữu Thấu và GS. Ngô Đức Thịnh đã giới thiệu tác phẩm song ngữ Luật tục Ê Đê, NXB Chính trị quốc gia ấn hành (năm 1996). Sau thành công của công trình, thời gian sau nhiều học giả khác tiếp tục công bố các công trình như: Luật tục Mơ nông, Luật tục Gia Rai,… Ngoài ra, còn có các nghiên cứu về Luật tục của người Tà ÔI, Cơ Tu, Bru - Vân Kiều do nhóm tác giả Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Xuân Hồng và Nguyễn Hữu Thông thực hiện được công bố trong cuốn sách Luật tục của người Tà Ôi, Cơ Tu, Bru - Vân Kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, NXB Thuận Hóa, Huế (năm 2001). Năm 2000, GS. Ngô Đức Thịnh và GS. Phan Đăng Nhật chủ biên cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc tổ chức tại Buôn Ma Thuột. Cuốn Kỷ yếu gồm bốn phần trình bày các vấn đề chung của Luật tục cũng như ảnh hưởng của nó trong một số vấn đề bảo tồn, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; quản lý xã hội và văn hóa; và mối tương quan của luật tục với luật pháp. Ngoài công trình trên, đến năm 2003, GS. Ngô Đức Thịnh công bố thêm cuốn Tìm hiểu luật tục các tộc người ở Việt Nam”. Cuốn sách hệ 6 thống lại một số vấn đề đã và đang đặt ra trong quá trình nghiên cứu luật tục các dân tộc. Một cuốn sách nữa của GS. Phan Đăng Nhật cũng đi nghiên cứu vấn đề Luật tục đó là Luật tục với đời sống, NXB Tư Pháp (năm 2007). Trong đó, tác giả nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa Luật tục và xã hội; sự khác biệt giữa Luật tục của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và Lệ mường của người Mường và người Thái ở phía Bắc. Về Luật tục Thái, trong cuốn sách Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái của các tác giả Đặng Nghiêm Vạn, Cầm Trọng, Khà Văn Tiến và Tòng Kim Ân đã bước đầu đi giới thiệu một số “Lệ mường” của người Thái ở Mai Châu, Hòa Bình. Nhóm tác giả cũng đi đề cập thêm “Tục lệ người Thái Đen ở Thuận Châu” sưu tầm được từ văn bản chép tay. Không thể không kể đến cuốn Luật tục Thái ở Việt Nam của tác giả Ngô Đức Thịnh và Cầm Trọng do NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 1999. Bộ Luật tục được nhà nghiên cứu Cầm Trọng dịch từ bản chữ Thái cổ trong gia phả của họ Cầm ở Sơn La. Gần đây có bộ sách gồm 3 Tập Luật tục các dân tộc thiểu số Việt Nam của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam do NXB Khoa học xã hội xuất bản năm 2014. Cuốn sách biên soạn khá tỉ mỉ tình hình nghiên cứu về Luật tục nói chung, nội dung được trình bày thành các chương với mục đích đề cập đến từng mối quan hệ trong đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, như: Quan hệ cộng đồng, quan hệ với thủ lĩnh, quan hệ gia đình,… • Về đạo làm người trong văn hóa Việt Nam và đạo lý làm người trong văn hóa tộc người Đạo làm người cũng là một chủ đề được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu bàn luận và đi sâu tìm hiểu. Có thể kể đến những công trình tiêu biểu: Năm 2006, GS. Trần Văn Giàu với ấn phẩm Đạo làm người từ Lý Thường Kiệt đến Hồ Chí Minh do NXB Quân đội nhân dân xuất bản. Bài viết 7 tập hợp một số bài tìm hiểu lịch sử tư tưởng Việt Nam về Đạo làm người từ thời Lý Thường Kiệt đến Hồ Chí Minh. Năm 2009, có công trình của nhóm tác giả Nguyễn Thế Kiệt, Phạm Bá Lượng với tên gọi Đạo làm người trong truyền thống Việt Nam được NXB Lý luận Chính trị phát hành. Giới thiệu một số bài viết, bài nghiên cứu về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, về đạo làm người và học đạo làm người của Bác Hồ trong cuộc sống chính là nội dung của công trình Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo làm người do nhóm nghiên cứu Phạm Quang Nghị, Vũ Ngọc Khánh, Hoàng Chí Bảo được NXB Hà Nội phát hành cùng năm 2009. Năm 2011, tác giả Nguyễn Nghĩa Dân với cuốn Đạo làm người trong tục ngữ ca dao Việt Nam do NXB Thanh niên phát hành. Đúng như tên gọi của nó, phạm vi nghiên cứu của ấn phẩm chính là Đạo làm người trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, mà cụ thể chính là hệ thống ca dao, tục ngữ của dân tộc Việt Nam ta. Và gần đây nhất, Hội thảo Khoa học với chủ đề Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam được Khoa Triết học, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội tổ chức vào ngày 25 tháng 4 năm 2014. Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, và được minh chứng qua số lượng bài viết, bài nghiên cứu nhận được. Hội thảo đã nhận được 55 bài viết tập trung đề cập đến ba vấn đề chính là: Những vấn đề chung về Đạo làm người; Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam; Giáo dục Đạo làm người trong bối cảnh hiện nay. Một số bài viết tiêu biểu như: Đạo làm người qua cổ mẫu văn hóa của GS.TS Lê Huy Bắc; Đạo làm người trong phong tục và nghi lễ cổ truyền Việt Nam của PGS.TS Phạm Văn Chín; Thuần phong mỹ tục về tình yêu và hôn nhân của một dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc của PGS.TS Trần Mạnh Tiến; Gia đình và việc giáo dục Đạo làm người cho trẻ em Việt Nam hiện nay của TS. Hoàng Thúc Lân;… 8 Về đạo lý làm người của người Thái, tác giả có tìm đọc Lời răn người do tác giả Hoàng Trần Nghịch sưu tầm và tuyển dịch được NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 1993. Cuốn sách gồm 121 trang với các câu Tục ngữ, thành ngữ Thái về xã hội và sản xuất. Nhìn vào tổng quan lịch sử nghiên cứu của vấn đề, có thể thấy rằng Đạo lý làm người không phải là một vấn đề mới, tuy nhiên Đạo lý làm người trong Luật tục của một dân tộc có số dân đông thứ 3 cả nước (số liệu Tổng điều tra dân sô và nhà ở năm 2009) như dân tộc Thái thì lại là một vấn đề còn rất mới mẻ và giá trị bởi nó chính là một yếu tố cấu thành nên nét đẹp của Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam. Hơn nữa, ngoài nghiên cứu về Đạo làm người trong Luật tục Thái, Luận văn còn muốn đi tìm hiểu ảnh hưởng của nó đến đời sống của người Thái tại tỉnh Sơn La hiện nay - nơi mà số người Thái tại tỉnh chiếm đến 36,9% tổng số người Thái ở Việt Nam (số liệu năm 2009). 3. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở nghiên cứu những nội dung chính của Quan niệm về Đạo làm người trong Luật tục Thái, Luận Văn đi làm rõ những ảnh hưởng của nó đến đời sống thực tế của người Thái ở Sơn La hiện nay. 4. Khách thể và đối tượng nghiên cứu 4.1. Khách thể nghiên cứu Luật tục Thái ở Việt Nam và những ảnh hưởng hiện tồn của nó. 4.2. Đối tượng nghiên cứu Đạo lý làm người trong Luật tục Thái và ảnh hưởng của những nội dung đó đến đời sống người Thái ở tỉnh Sơn La. 5. Giả thuyết khoa học Trong quá trình nghiên cứu về Đạo lý làm người trong Luật tục Thái, tác giả nhận thấy nó còn ảnh hưởng đến đời sống của người Thái ở tỉnh Sơn La. Vì vậy, tác giả đưa ra giả thuyết: Đạo lý làm người trong Luật tục Thái có ảnh hưởng đến một số mặt trong đời sống của người Thái ở Sơn La. 9 6. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích mà Luận văn đã đề ra, tác giả cần thực hiện các nhiệm vụ sau đây: Một là, làm rõ nội dung của Đạo lý làm người trong Luật tục Thái Hai là, khảo sát mức độ và phạm vi ảnh hưởng của Đạo lý làm người trong Luật tục Thái với đời sống của người Thái Sơn La. Ba là, từ việc nhận định được những ảnh hưởng nêu trên, tác giả có thể đưa ra một số biện pháp bảo tồn văn hóa Thái ở địa phương. 7. Giới hạn phạm vi nghiên cứu Luận văn nghiên cứu sự ảnh hưởng của Đạo lý làm người trong Luật tục Thái đến đời sống của người Thái ở Sơn La. Phạm vi nghiên cứu được tác giả xác định ở một số địa bàn có người Thái cư trú mang tính điển hình trong tỉnh như: Thành phố Sơn La, huyện Quỳnh Nhai (ngành Thái Trắng) và huyện Thuận Châu, huyện Mai Sơn (ngành Thái Đen). 8. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng phương pháp nghiên cứu dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, trong đó chú trọng kết hợp các phương pháp: logic - lịch sử, phân tích - tổng hợp, khát quát hóa, điền rã, so sánh và khảo cứu,… 9. Cấu trúc Luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn gồm hai chương, năm tiết. 10. Những luận điểm cơ bản và đóng góp mới của Luận văn 10.1. Những luận điểm cơ bản của Luận văn - Khái quát về dân tộc Thái và luật tục Thái ở Việt Nam. - Ảnh hưởng của quan niệm về Đạo làm người trong Luật tục Thái đến đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người Thái ở Sơn La hiện nay. 10 - Giá trị của quan niệm về Đạo làm người trong đời sống của người Thái ở Sơn La hiện nay. 10.2. Đóng góp mới của Luận văn Về mặt lý luận, Luận văn làm rõ những nội dung của Đạo lý làm người trong Luật tục Thái. Về mặt thực tiễn, Luận văn sẽ làm rõ những ảnh hưởng của Đạo lý làm người trong Luật tục Thái đến đời sống của người Thái ở địa phương mình đang cư trú. Từ đó, đưa ra được một số biện pháp nâng cao hiệu quả giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người Thái tại địa phương. Luận văn cũng có thể trở thành nguồn tài liệu tham khảo cho những tác giả nghiên cứu về Đạo lý làm người, về Luật tục Thái và về đời sống văn hóa của người Thái ở Sơn La sau này. 11 Chương 1 KHÁT QUÁT VỀ NGƯỜI THÁI VÀ LUẬT TỤC THÁI Ở VIỆT NAM 1.1. Người Thái ở Việt Nam và người Thái ở Sơn La hiện nay 1.1.1. Lịch sử hình thành, tên gọi, địa bàn cư trú Người Thái có bề dày lịch sử với hơn 1200 năm. Họ cư trú ở khắp 63 tỉnh thành trên cả nước và đặc biệt là ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về vấn đề này đều tiếp cận theo hướng người Thái trên thế giới có chung một nguồn gốc. Biểu hiện rõ nhất là thông qua ngôn ngữ, văn hóa. Người Thái ở Việt Nam, xét về góc độ lịch sử tộc người được các nhà khoa học xác định có chung nguồn gốc với người Thái trên thế giới, hay rộng hơn là những người cùng ngữ hệ Thái nói chung. Những nghiên cứu về tập Quam tô mương của tác giả Đặng Nghiêm Vạn trong Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái như sau: “Đối với việc thiên di và định cư của các nhóm Thái kể trên trong thời kỳ cổ xưa hiện còn thiếu những tài liệu đáng tin cậy. Có thể trong thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên, tổ tiên họ bắt nguồn từ các nhóm Việt sinh tụ chủ yếu ở miền Nam sông Dương Tử (thuộc ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu) tách khỏi ngành phía Đông thiên di theo hướng tây - nam vào miền nam tỉnh Vân Nam và miền tây Đông Nam Á theo dọc các con sông lớn đổ xuống châu thổ miền Đông Nam Á và những chi nhánh của các con sông đó. Cùng lúc đó họ gặp phải cuộc thiên di của các nhóm tổ tiên các cư dân thuộc ngôn ngữ Tạng Miến từ miền Trung Á và tây Trung Quốc tràn về. Các bộ phận Tạng - Miến qua các đời thường phân bố chủ yếu ở phía tây và tây bắc; còn các bộ tộc Thái cổ phân bố ở phía nam và đông nam. Ở miền này, tổ tiên người Thái cổ cộng cư với tổ tiên các dân tộc Môn - Khơme. Đến thế kỷ thứ V sau Công 12 nguyên, họ đã lập được một loạt “nhà nước” suốt từ thượng lưu sông Irauadi, sông Saluen, sông Mê kông tới tận miền giáp giới tỉnh Vân Nam, thượng Lào và miền tây bắc Vân Nam. Những “nhà nước” này nối liền với khu vực người đồng tộc của họ ở miền Lưỡng Quảng, Quý Châu, Hồ Nam và miền Việt Bắc (Việt Nam)” [43, tr.23]. Các tài liệu trong chính sử Trung Quốc đều chứng minh rằng vùng nam Vân Nam, miền Thượng Miến, Thượng Lào, Tây Bắc Bắc Bộ, từ đời Đường có thể từ Tần Hán là nơi cư trú của tổ tiên người Thái. Tập Quam tô mương cũng góp phần xác minh vấn đề này. Các huyền thoại và các truyền thuyết xưa đều ghi nhận quê hương xưa của người Thái trước khi di cư vào Tây Bắc là ở miền “chín con sông gặp nhau” tức là miền các con sông Hồng (Nặm Tạo), sông Đà (Nặm Te) sông Mã (Nặm Ma), sông Mê kông (Nặm Không), Nặm U, Nặm Núa, Nặm Na và hai con sông chưa xác minh được ở Trung Quốc. Quan tô mương còn nhắc đến Mường Ôm, Mường Ai, Mường Lò, Mường Bo Te… Mường Ôm, Mường Ai là vùng hai châu Hoàng Nham và Tùng Lăng (Vân Nam). Trong cuốn Hưng Hóa xứ phong thổ lục của Hoàng Bình Chính chép năm 1778, tác giả cho Mường Ôm (hay Mường Am) là tên gọi châu Hoàng Nham. Hoàng Nham ở trên Tùng Lăng cách Lai Châu một tháng đường đi. Như vậy là ở miền Tây Nam Trung Quốc, tây bắc Đông Dương và một phần nhỏ Tây Bắc Việt Nam, người Thái đã cư trú ở đó vào những năm thuộc thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên. Ở Tây Bắc Việt Nam, số lượng người Thái chắc chưa nhiều, vì đó là đất đai chủ yếu của các cư dân Môn Khơme và các cư dân Nam Á khác. Trong các truyền thuyết của người Thái đều ghi nhận hồi đó có “555 giống Xá (chỉ các thổ dân Môn Khơme và các cư dân Nam Á khác) và 333 giống Thái”. Hiện nay cũng rất khó đoán định thời gian cụ thể có mặt của những người Thái cổ ít ỏi kể trên ở Tây Bắc. Tập Quam tô mương nói tới khi Lạng 13 Chượng tiến quân vào Mường Thanh (Điện Biên) và đến đời tạo Cằm tạo Chiêu, cháu năm và sáu đời của Lạng Chượng (thế kỷ thứ XIII), người Thái Trắng đã làm chủ Mường Lay. Như vậy tất họ phải có mặt ở đây sớm hơn. Ở vùng ven sông Hồng và có thể bên hữu ngạn sông Đà, họ đến trước người Thái Đen vì trong hành trình tiến quân vào Tây Bắc, Lạng Chượng, một tù trưởng Thái Đen, đã gặp các tù trưởng người Thái Trắng ở dọc đường. Bộ phận này sau phát triển thế lực sang các vùng như Quỳnh Nhai(Sơn La), Mường Tè (Lai Châu) qua Mường Lò, Mường Tấc tức Phù Yên (Sơn La) và một bộ phận xuống Đà Bắc (Hà Sơn Bình)” [43, tr.23-27]. Cùng hướng với nghiên cứu trên của tác giả Đặng Nghiêm Vạn, theo David Wyatt, trong cuốn Thailand: A short history, người Thái xuất xứ từ phía nam Trung Quốc, có cùng nguồn gốc với các nhóm dân ít người bây giờ như Choang, Tày, Nùng. Dưới sức ép của người Hán và người Việt ở phía đông và bắc, người Thái dần di cư về phía nam và tây nam. Người Thái di cư đến Việt Nam trong thời gian từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13. Trung tâm của họ khi đó là Điện Biên Phủ (Mường Thanh). Từ đây, họ tỏa đi khắp nơi ở Đông Nam Á bây giờ như Lào, Thái Lan, Bang Shan ở Miến Điện và một số vùng ở đông bắc Ấn Độ cũng như nam Vân Nam. Theo sử sách Việt Nam, thời nhà Lý, đạo Đà Giang, man Ngưu Hống (tức người Thái) đến từ Vân Nam, đã triều cống lần đầu tiên vào năm 1067. Nằm trong cộng đồng ngôn ngữ Tày - Thái, người Thái ở Việt Nam có khoảng trên 60 vạn người phần lớn ở các tỉnh Hoàng Liên Sơn, qua Lai Châu, Sơn La, Hà Sơn Bình đến miền núi 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Ở bên Lào, người Thái sinh sống rất đông xen lẫn với người Lào và nằm trong khối cộng đồng Lào Lum (người Lào ở thấp). Họ bao gồm nhiều ngành và mỗi ngành lại chia làm nhiều nhóm với những tên gọi khác nhau tùy theo từng địa phương. Chỉ kể riêng ở Tây Bắc Việt Nam có những nhóm sau: 14 - Thái Đen: cư trú chủ yếu ở tỉnh Sơn La, Hoàng Liên Sơn (Văn Chấn, Than Uyên) và Lai Châu (Điện Biên, Tuần Giáo). Nhóm địa phương tự nhận mình là Tay Đăm (Thái Đen) có: Tay Mường Vạt (Tay Vạt) ở huyện Yên Châu tỉnh Sơn La, người có tên Tay Thanh (Tay Nhại). - Thái Trắng: Nhóm địa phương tự nhận tên Tay Đón thì có ở huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La, các huyện Mường Lai, Phong Thổ, Mường Tè tỉnh Lai Châu. Ở vùng Văn Bàn, Dương Quỳ thuộc Hoàng Liên Sơn có một số Thái Trắng đã chịu ảnh hưởng đậm của văn hóa Tày. Ở Sa Pa, Bắc Hà những nhóm gốc Thái Trắng nay đã Tày hóa. Một nhóm khác tự nhận tên Tay Khao cư trú chủ yếu ở Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hà Sơn Bình) gần với một nhóm ở hai tỉnh miền núi Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh. Cho đến nay, địa bàn cư trú của người Thái ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở hai vùng Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; vùng Tây Bắc gồm các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình; vùng Bắc Trung Bộ bao gồm hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Ngoài ra, do chủ trương về định canh, định cư và di cư tự do, một số tỉnh miền Trung Tây Nguyên cũng có đồng bào Thái cư trú tập trung hoặc xen kẽ vào các dân tộc khác. Người Thái cư trú thành các bản làng và có thể thấy cộng đồng dân tộc Thái ở Việt Nam khá đông đảo và phân bố trên cả nước. Họ chia thành nhiều ngành, nhóm tùy theo địa phương, phong tục tập quán, trang phục,… Trong đó phải kể đến 3 nhóm Thái chính, là: Nhóm Thái Đen (Tay Đăm) cư trú ở khu vực tỉnh Sơn La và Điện Biên (Mương La và Mương Then). Các nhóm Tày Thanh, Tày Mười, Tày Khăng ở miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An từ mạn Tây Bắc chuyển xuống khoảng ba trăm năm và bị ảnh hưởng bởi văn hóa và nhân chủng của cư dân địa phương và Lào. Nhóm Tày Thanh từ Mường Thanh (Điện Biên) đi qua Lào vào
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan