Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững trường hợp thành phố hồ chí minh...

Tài liệu đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững trường hợp thành phố hồ chí minh

.PDF
162
386
143

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRẦN PHI LONG ĐÔ THỊ HÓA THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: TRƯỜNG HỢP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Chuyên ngành : Kinh tế Phát triển Mã số : 62.31.01.05 LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC 1. PGS. TS. BÙI QUANG TUẤN 2. TSKH. TRẦN QUANG THẮNG HÀ NỘI - 2017 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu nêu trong luận án là trung thực. Những kết luận khoa học của luận án chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả luận án Nghiên cứu sinh Trần Phi Long MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Các nghiên cứu về đô thị và đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững trên thế giới 8 1.2. Các nghiên cứu về đô thị và đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững ở Việt Nam 1.3. Một số nhận xét, đánh giá Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐÔ THỊ HÓA VÀ ĐÔ THỊ HÓA THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG 2.1. Khái niệm, tiêu chí và các nhân tố ảnh hưởng đến đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững 8 18 23 26 26 2.2. Một số kinh nghiệm quốc tế về đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững và bài học kinh nghiệm cho Thành phố Hồ Chí Minh 40 2.3. Đề xuất Bộ tiêu chí đánh giá đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững cho Thành phố Hồ Chí Minh 50 Chương 3: THỰC TRẠNG ĐÔ THỊ HÓA THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 3.1. Tổng quan chung và các yếu tố ảnh hưởng tới đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh 55 55 3.2. Thực trạng đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh 70 3.2. Nhận xét, đánh giá 107 Chương 4: GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 4.1. Các yếu tố thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng đến đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh 4.2. Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quá trình đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh KẾT LUẬN DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 118 118 124 150 152 DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT CNH, HĐH : Công nghiệp hóa, hiện đại hóa CNTT : Công nghệ thông tin CNXH : Chủ nghĩa xã hội DNNN : Doanh nghiệp nhà nước DNVVN : Doanh nghiệp vừa và nhỏ KCN : Khu công nghiệp KCX Khu chế xuất DANH MỤC CÁC BẢNG, HÌNH Bảng 1.1. Từ phát triển đến phát triển bền vững 30 Bảng 1.2. So sánh các tiêu chí lựa chọn kinh nghiệm 41 Hình 1. Mối quan hệ giữa các tiêu chí phát triển bền vững 53 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Đô thị hoá là quá trình tất yếu đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt là ở các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế càng phát triển thì quá trình đô thị hoá diễn ra với tốc độ càng nhanh. Đô thị hoá góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tuỳ theo điều kiện phát triển của mỗi quốc gia, mỗi khu vực, quá trình đô thị hóa cũng gặp nhiều khó khăn phải khắc phục, giải quyết, đặc biệt là các vấn đề như di dân từ nông thôn ra thành thị, ô nhiễm môi trường, chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, đảm bảo công bằng, quản lí đô thị,.. Như Báo cáo Chương trình phát triển của Liên hợp quốc đã chỉ rõ, quá trình đô thị hóa không phải là một sự khủng hoảng hay thảm kịch, ngay cả khi có những mặt trái không tránh khỏi, nó chỉ là một thách thức đối với tương lai mà thôi. Quá trình đô thị hóa tạo ra nhiều thuận lợi và bất lợi cần được phân tích. Tuy nhiên, đô thị hóa là con đường văn minh của loài người, bởi các đô thị là nơi chủ yếu tạo ra của cải vật chất cho loài người. Thu lợi nhiều từ quá trình đô thị hóa, nhưng con người cũng phải trả giá không ít vì những bất lợi của nó. Chỉ có con đường duy nhất để tránh được thách thức này là tạo ra đô thị bền vững. Quan niệm “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng những nhu cầu của họ” của Uỷ ban thế giới về môi trường và phát triển đưa ra trong Báo cáo Brundtland - 1987 đã đạt được sự đồng thuận cao của các quốc gia trên thế giới. Đó là quan niệm mang tính nguyên lí quan trọng nhất đối với sự phát triển mang tính bền vững với mọi khía cạnh về kinh tế - xã hội và môi trường ở nhiều cấp độ từ cấp độ toàn cầu, khu vực đến quốc gia, địa phương, trong đó có đô thị. 1 Là một thành phố có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và là một trung tâm kinh tế sôi động, luôn luôn đi đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa ở thành phố HCM đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trong những năm trở lại đây. Quyết định số1570/QĐ-TTg ngày 27/11/2006 của Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Theo đó thành phố HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước và sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực Đông Nam Á. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số ít những đô thị lớn trên thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số liên tục trong suốt 2 thập niên qua. Theo dự báo của các nhà kinh tế xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì. Với diện tích 2.000 km2 và dân cư chiếm xấp xỉ 10% dân số cả nước, thành phố đã đóng góp 40% kim ngạch xuất khẩu cả nước, 31,6% tổng thu ngân sách quốc gia, 29,4% GTSXCN, 28% giá trị gia tăng các ngành dịch vụ. Tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP của thành phố trong giai đoạn 2001-2005 đạt bình quân 35%. Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển bình quân trong 5 năm qua là 15,5%/năm. Nền kinh tế thị trường của thành phố HCM phát triển, lưu thông hàng hóa với tốc độ cao, từ đó tạo điều kiện cho quá trình phát triển kinh tế hàng hóa, thúc đẩy sự phân công xã hội phát triển, đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa sản xuất cũng như khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với kinh tế phát triển, thành phố HCM cũng là nơi đảm bảo những điều kiện cần thiết cho sự phát triển con người toàn diện (về giáo dục, y tế, khả năng phát triển các mối quan hệ xã hội, tìm kiếm việc làm…). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở nhiều quận, huyện mới của thành phố HCM đã khiến hàng nghìn ha đất nông nghiệp được chuyển thành đất ở, nhiều khu vực đô thị mới được xây dựng tự phát, thiếu nhiều cơ sở hạ tầng đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng 2 cho đời sống nhân dân như: bị ngập nước vào mùa mưa, thiếu hệ thống xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường, nhất là không phát huy hết tiềm năng của đất đai, gây lãng phí lớn quỹ đất của Thành phố. Mặt khác, quá trình ĐTH ở thành phố HCM còn phải đối mặt với các luồng dân di cư từ nông thôn vào thành thị. Cộng đồng di cư vào thành phố HCM bao gồm nhiều thành phần càng làm gia tăng áp lực về việc làm, thu nhập, nhà ở, dịch vụ y tế,… vốn là vấn đề nhức nhối ở thành phố, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng và ĐTH cao cũng đã dẫn đến sự mất cân đối trong khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị ở thành phố HCM. Mạng lưới giao thông chưa đủ khả năng phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển, tình trạng tắc nghẽn giao thông xảy ra thường xuyên, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng còn thấp. Môi trường đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, các công trình xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất chưa được đầu tư xây dựng, nhiều nhà máy xí nghiệp vẫn xả trực tiếp nước thải không qua xử lý môi trường đã gây ô nhiễm hệ thống sông, hồ. Tỷ lệ bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh còn thấp. chưa quan tâm đến khí thải và tiếng ồn trong đô thị. Với hơn 4 lần thay đổi quy hoạch không gian có tính chiến lược, rất nhiều “quy hoạch treo” đã bị phá sản. Nhiều địa điểm khi quy hoạch được xác định là khu công nghiệp, khu công nghệ cao nhưng do không có các nhà đầu tư trong nhiều năm đã trở thành đất hoang hóa, trong khi người dân cần đất sản xuất lại không được phép sử dụng. Việc quy hoạch đô thị sai hướng làm cho toàn bộ nội đô của Thành phố Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng ngập lụt khi mưa đến. Việc nén vào trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh quá mức cũng là một sai lầm không thể sửa chữa trong phát triển đô thị, làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc. Những thất bại trong chiến lược đa tâm, phi tập trung hóa xuất phát từ việc phát triển quy hoạch đô thị không đồng bộ với phát triển giao thông cũng làm cho các hoạt động chính từ giáo dục, y tế, vui 3 chơi giải trí tập trung ở nội thành làm cho thành phố quá tải, phát sinh ra rất nhiều vấn nạn kinh tế và xã hội. Tất cả những hạn chế, bất cập trên đây đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình đô thị hóa thành phố theo hướng bền vững. Với những lý do trên đây, việc nghiên cứu đề tài: “Đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững: trường hợp thành phố Hồ Chí Minh” là cần thiết và cấp bách nhằm xem xét một cách tổng thể quá trình đô thị hóa của TP. Hồ Chí Minh, tìm hiểu những thuận lợi và khó khăn trở ngại cho quá trình đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững của thành phố từ đó chỉ ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp phát triển bền vững 2. Mục tiêu và nội dung nghiên cứu của luận án 2.1 Mục tiêu nghiên cứu Đề tài có mục tiêu nghiên cứu tổng quát là nghiên cứu, đánh giá về quá trình đô thị hóa ở thành phố Hồ Chí Minh dưới góc độ phát triển bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng đánh giá, nhận diện rõ những điểm hạn chế, bất cập của quá trình đô thị hóa ở Thành phố HCM dưới góc độ phát triển bền vững. Bên cạnh đó, đề tài cũng cố gắng đề xuất hệ thống giải pháp nâng cao hiệu quả quá trình đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững ở thành phố Hồ Chí Minh. 2.2 Nội dung nghiên cứu Để đạt được mục tiêu tổng quát nêu trên, luận án xác định các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể cần tiến hành như sau: - Hệ thống hoá, làm rõ những vấn đề chủ yếu về lý luận và kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến đô thị hoá và phát triển đô thị theo hướng bền vững; trên cơ sở đó đề xuất bộ tiêu chí đánh giá đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững cho Thành phố HCM; - Nghiên cứu, đánh giá, làm rõ thực trạng quá trình đô thị hoá của Thành phố Hồ Chí Minh, xác định các yếu tố thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng đến quá 4 trình đô thị hoá theo hướng bền vững trong quá trình phát triển; - Thông qua phân tích SWOT về sự phát triển đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh, luận án sẽ đưa ra được những nhận định về tiềm năng – lợi thế; điểm mạnh – cơ hội; điểm yếu – nguy cơ của sự phát triển đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng phát triển bền vững; - Xây dựng được quan điểm, đề xuất các giải pháp kinh tế, văn hoá – xã hội và môi trường trong quá trình đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững cho Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tiếp theo. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là quá trình đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững ở thành phố HCM 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Luận án nghiên cứu quá trình đô thị hóa trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh, có so sánh với một số thành phố khác trên thế giới và trong nước. - Phần thực trạng luận án sẽ tập trung nghiên cứu từ năm 2008 đến nay (khi có sự hình thành của Khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh). Phần đề xuất giải pháp lấy mốc thời gian đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1 Phương pháp luận nghiên cứu Luận án tiếp cận đối tượng nghiên cứu dựa trên cơ sở vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng của duy vật lịch sử làm phương pháp luận chung. Luận án coi trọng điều tra tổng kết thực tiễn, từ đó khái quát hóa, nêu lên những kiến nghị hoàn thiện giải pháp. 4.2 Các phương pháp nghiên cứu cụ thể Phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp Việc nghiên cứu luận án dựa trên kết quả phân tích tài liệu thứ cấp là các công trình nghiên cứu có liên quan đến đô thị hoá và đô thị hoá theo 5 hướng phát triển bền vững giúp tác giả nghiên cứu tổng hợp các quan điểm và đưa ra kết luận của mình theo cách tiếp cận riêng. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi Mục đích của phương pháp này là nhằm khảo sát, đánh giá kết quả, hiệu lực, hiệu quả của quá trình đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài đã khảo sát với số lượng mẫu là 500. - Điều tra, khảo sát bằng bảng hỏi với 200 cán bộ, công chức, chuyên gia trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường; - Điều tra, khảo sát bằng bảng hỏi với 300 người dân, công nhân thuộc các Quận, huyện, các Khu công nghiệp thuộc TP Hồ Chí Minh. Phương pháp phỏng vấn chuyên gia Phương pháp chuyên gia được sử dụng để phỏng vấn sâu một số nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và nhà quản lý về đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững; các nhà quản lý các Khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra đề tài cũng dự sử dụng các bài phỏng vấn của các tác giả khác đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm làm phong phú, mạnh mẽ và thuyết phục hơn cho những luận cứ, luận chứng đưa ra trong luận án. Phương pháp so sánh Quá trình thực hiện luận án có sự so sánh giữa lý luận và thực tiễn nhằm tìm ra sự thống nhất hay chưa thống nhất, độ chênh giữa lý luận và thực tiễn về đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Trên cơ sở hệ thống hóa một cách cơ bản lý thuyết đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững, tác giả đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phát triển bền vững riêng cho Thành phố HCM với hướng tiếp cận các tiêu chí bền vững một cách hệ thống trên cả 3 mặt phát triển kinh tế, phát triển xã hội gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên. 6 Bên cạnh đó, luận án cũng có hướng tiếp cận mới khi đánh giá, phân tích sự bền vững của các mặt kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường dựa trên sự đánh giá thực tế của các tầng lớp dân cư thành phố, bởi lẽ, xét đến cùng, sự bền vững theo nhóm tiêu chí nào thì cũng phục vụ mục đích cuối cùng là cho con người và vì con người. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án Về mặt lý luận, luận án có những đóng góp khi làm rõ hơn quá trình đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững đối với thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt trong bối cảnh từ trước tới nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, chưa có công trình nghiên cứu tổng thể nào về quá trình đô thị hoá theo các tiêu chí phát triển bền vững, mặc dù chủ trương và chính sách phát triển bền vững đã được nhắc đến rất nhiều trong thực tiễn. Sản phẩm thực tiễn mà đề tài hướng đến là đề xuất nhóm các giải pháp hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quá trình đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh. 7. Cơ cấu của luận án. Ngoài Phần mở đầu, Phần kết luận, Phụ lục và Danh mục tài liệu tham khảo, đề tài được cấu trúc 04 chương cụ thể như sau: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Chương 2: Cơ sở lý luận về đô thị hoá, đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững Chương 3: Thực trạng đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh Chương 4: Giải pháp nâng cao hiệu quả quá trình đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh 7 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 1.1 Các nghiên cứu về đô thị hoá đô thị hoá theo hướng phát triển bền vững trên thế giới Ở thời sơ khai của quá trình nghiên cứu về đô thị hóa, Karl Marx và Friedrich Engels [8] là hai học giả đã khai sáng và mang lại sự quan tâm của thế giới về đô thị hóa bằng những luận điểm đô thị hóa xã hội học của mình. Karl Marx và Friedrich Engels là những người đầu tiên nêu lên luận điểm rằng xã hội tiền công nghiệp hóa là những xã hội lạc hậu và sự xuất hiện và phát triển của các thành phố đem lại nền văn minh cho con người. Cùng với công nghiệp hóa, những tiến bộ và phát triển quan trọng về công nghệ đã thay đổi cách các nền kinh tế tiếp cận việc sản xuất. Ở các ngành nghề khác nhau, những cải cách mang lại từ công nghiệp hóa mang lại những lợi ích rõ rệt, cải thiện mức độ hiệu quả cho sản xuất, tiến kiệm chi phí, và chung quy mang lại những lợi ích rõ nét cho nền kinh tế. Cũng qua những nghiên cứu của mình, hai học giả còn nêu lên quan ngại về những vấn đề về bình đẳng và xung đột – những tác hại gắn liền với việc hiện đại hóa gây ảnh hưởng đến phát triển xã hội. Một học giả lỗi lạc khác cũng có nhiều luận điểm nổi trội và tiên phong trong nghiên cứu về đô thị hóa là Max Weber [48]. Trong các nghiên cứu của mình, Weber là người đầu tiên chỉ ra rằng, một cộng động đô thị kiểu mẫu cần phải có những yếu tố: (i) Quan hệ giao dịch và thương mại: Các chế độ cộng sản, hoặc quân chủ với những áp đặt về giao dịch và thương mại sẽ không cấu thành cộng đồng đô thị kiểu mẫu. Cũng vì lẽ đó, các đô thị lớn thường thuộc chủ nghĩa tư bản. Tư bản cho phép các giao dịch tự do diễn ra bởi sức mua và sức bán, và đặt nền móng cho phát triển đô thị; (ii) Tòa án và pháp luật bền vững: một nền móng pháp luật kiên định, rành rọt và công bằng mang lại sự ổn định và tạo nển tảng phát triển kinh tế xã hội cho một đô thị; (iii) Chính quyền tự trị một phần nào đó: Weber không biện hộ cho một nền văn hóa hoàn toàn tự trị, nhưng đưa ra luận điểm rằng một số yếu tố tự trị rất 8 quan trọng cho việc biến một cộng đồng đô thị thành kiểu mẫu. Các yếu tố tự trị cho phép người dân có quyền tự chủ và quyết định về nhiều mặt trong xã hội của mình; (iv) Quân đội tự vệ: Một cộng đồng đô thị kiểu mẫu cần phải đảm bảo được các yêu cầu về an ninh, để đối phó với các mối nguy cơ cả nội tại và ngoại tại của xã hội đó. Để bảo vệ chủ quyền xã hội và tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho một xã hội, ngoài đảm bảo ngoại giao tốt, một xã hội cần một hệ thống bảo vệ vững mạnh, quân đội được đầu tư và chắc chắn. Weber, cũng như Marx cho rằng có mối liên hệ mật thiết giữa thành phố và định hướng kinh tế hay chính trị. Những chính sách kinh tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của dân cư mỗi thành phố, và nển tảng cuộc sống thành phố cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc định hướng các chính sách vĩ mô về xã hội, kinh tế, và chính trị. Dựa trên tiền đề nghiên cứu của Marx và Engels, nhiều học giả thế hệ sau trong lĩnh vực xã hội học đã phát triển nhiều lý thuyết khác, như lý thuyết của David Harvey (1982, 1985, 2006), Allen Scott (1990) và John Logan & Harvey Molotch (1987), Manuel Castells (1983, 1991.) Các học giả này nêu lên luận điểm rằng đô thị không phải là một quá trình tự động tiền đề của các hoạt động phát triển đô thị bị ảnh hưởng lớn bởi các hoạt động, chính sách vĩ mô về kinh tế và chính trị ở mức quốc gia và mức độ thế giới. Có thể nói, trong quá trình tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi: Tại sao các đô thị lại lớn lên?; Điều gì xảy ra khi dân số bùng nổ?; Liệu có MQH nào giữa đô thị, lối sống hiện đại và CNH không?; Những điều kiện sống trong các vùng đô thị hoá ở các nước đang phát triển là như thế nào?; Điều gì khiến người ta di cư ra thành phố?.. các nhà nhiên cứu đều tìm thấy câu trả lời phụ thuộc vào những nghiên cứu về đô thị hoá. Về cơ bản, có thể khái quát các nghiên cứu XHH đô thị hầu hết tập trung vào 04 hướng tiếp cận đặc trưng gồm: Sinh thái học nhân văn; Cộng đồng đô thị; Những vấn đề đô thị, chính sách và quy hoạch và Đô thị hoá. 9 Dưới đây là một số nghiên cứu tiêu biểu về đô thị hóa của các trường phái, các quan điểm XHH đô thị nổi bật:  Trường phái XHH Chicago Trường phái Chicago là một trường phái XHH gắn liền với trường Đại học Chicago Mỹ trong suốt nửa đầu thế kỷ 20 với những tên tuổi nổi tiếng như Robert Park, Enerst Burgees, R.D McKenzi. Trường phái này nhấn mạnh vào cơ cấu dân số và sinh thái học của các đô thị, vào tình trạng xã hội thiếu tổ chức, những hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh cũng như trạng thái tâm lý xã hội của những người thị dân. Theo trường phái này, sau những rối loạn ban đầu, đô thị sẽ được định hình dần với một số cấu trúc đặc trưng và dần đi vào ổn định. Quá trình hình thành cấu trúc đặc trưng này chủ yếu diễn ra dưới tác động của cấu trúc giá đất. Giá đất là yếu tố môi trường quan trọng nhất quyết định công năng sử dụng đất. Tại khu trung tâm thành phố, giá đất lịch sử cao nhất dẫn đến một quá trình đẩy dần các tầng lớp dân cư ra ngoài. Trong trung tâm chỉ còn những dịch vụ rất cao cấp, đắt tiền như cửa hàng, nhà băng, bảo hiểm, quá xá cao cấp, khách sạn trụ lại được. Dân cư thì chỉ còn một ít những người cực giàu. Dần dần khu trung tâm trở thành business district. Những nhóm dân thu nhập thấp bị đẩy ra vành ngoài, nhưng sát khu trung tâm. Nhóm này không thể rời xa khu trung tâm, vì họ phải kiếm ăn trong trung tâm và không thể có nhiều thời gian cho đi lại. Do vòng thứ hai này vẫn có giá đất cao nên những người nghèo đô thị sẽ phải sống rất chật chội trong những khu dân cư ổ chuột. Cuối cùng là nhóm trung lưu thường sẽ bật ra vùng ngoài cùng, dạng ngoại ô đô thị và tạo thành những gated community. Ở đó họ có được diện tích tương đối rộng để có được biệt thự riêng, có sự an toàn và khoảng cách nhất định. Họ có thể được nhóm dân nghèo ở lớp giữa phục vụ mà không phải chung sống với đám dân nghèo này. Họ lại cũng có thể vào trung tâm làm việc, vì họ có tương đối nhiều thời gian và phương tiện đi lại tốt hơn. Cấu trúc xã hội đô thị đặc trưng với bố cục đồng tâm này được coi là quy luật phát triển xã hội 10 học đô thị. Khi quy hoạch đô thị, người ta sẽ tính đến quy luật này để lường trước những vận động xã hội tương lai, từ đó đưa ra những giải pháp quy hoạch phù hợp. Đặc biệt người ta cho rằng can thiệp giá đất sẽ là một công cụ hữu hiệu của quy hoạch để điều phối các cấu trúc sử dụng và cấu trúc xã hội theo ý muốn.  Đô thị hóa và vấn đề tái cấu trúc không gian Trên cơ sở kế thừa và phát triển mở rộng ý tưởng của Marx, David Harvey [38] tranh luận rằng đô thị là một khía cạnh của sự sáng tạo môi trường (created environment) do sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Đối với xã hội truyền thống, thành phố và nông thôn có sự khác biệt rõ ràng. Trong xã hội hiện đại, công nghiệp xóa nhòa ranh giới giữa hai vùng. Nông nghiệp, tương tự như hoạt động công nghiệp, được cơ khí hóa và phụ thuộc đơn giản vào đánh giá về giá cả và lợi nhuận; tiến trình đó làm giảm sự khác biệt trong khuôn mẫu cuộc sống xã hội giữa người đô thị và nông thôn. Trong đô thị hiện đại, Harvey nhấn mạnh, không gian liên tục được tái cấu trúc (restructed).. Quá trình được hình thành thông qua cách thức những tập đoàn lớn lựa chọn nơi đặt nhà máy, trụ sở nghiên cứu, trung tâm phát triển và các trung khu khác, thông qua khẳng định việc kiểm soát của chính phủ về đất đai và sản xuất công nghiệp, thông qua các hoạt động đầu tư, mua bán nhà đất cá nhân. Công ty kinh doanh, chẳng hạn, làm tăng giá trị những mối quan hệ tích cực với nơi chốn mới để đối chọi với những mối quan hệ cũ. Việc sản xuất ít tốn chi phí ở một nơi so với nơi khác, công ty chuyển một mặt hàng sản xuất đến nơi mới, văn phòng, nhà máy đóng cửa ở chỗ này và mở cửa ở chỗ khác. Kết quả của những quá trình trên, khi những đánh giá lợi nhuận đã được xác định, hàng loạt những tòa nhà mọc lên ở trung tâm các đô thị lớn. Khi những văn phòng được xây dựng, khu trung tâm đô thị được “tái thiết” (redeveloped), nhà đầu tư tìm thấy những tiềm năng xây dựng công trình ở bất kỳ nơi đâu. Thường là những mối lợi không thể tìm thấy ở nơi khác vào thời điểm thị trường tài chính có sự biến đổi. 11  Đô thị hóa và sự phát triển các phong trào xã hội Giống như Harvey, Carley [34] nhấn mạnh rằng những hình thái không gian xã hội thường có mối liên hệ mật thiết với cơ chế của sự phát triển. Để hiểu được đô thị, chúng ta phải nắm bắt được tiến trình mà hình thái không gian được hình thành và chuyển đổi. Sự bố trí và tính năng kiến trúc của thành phố và các khu dân cư sản sinh sự đối kháng và mâu thuẫn giữa những nhóm xã hội khác nhau. Nói cách khác, môi trường đô thị đại diện cho biểu tượng và biểu hiện không gian trong việc mở rộng các ảnh hưởng xã hội (Tonkiss 2006). Chẳng hạn, các tòa nhà chọc trời được xây dựng vì kỳ vọng đem lại lợi nhuận nhưng những tòa nhà khổng lồ đó cũng là “biểu tượng của sức mạnh thể hiện bằng kỹ thuật, sự tự tin và được coi là thánh đường của quá trình tăng trưởng của các tập đoàn tư bản”. Như vậy, trái với trường phái xã hội học Chicago, Carley nhìn nhận thành phố không chỉ là một địa điểm – khu vực đô thị – mà còn là phần bị khuyết của tiến trình tiêu thụ tập thể, tới lượt nó sẽ tác động trở lại chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Học đường, dịch vụ giao thông và các lễ nghi hưởng thụ là cách con người “tiêu thụ” tập thể các sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại. Hệ thống thuế ảnh hưởng đến việc ai có khả năng mua, thuê hoặc xây dựng ở đâu. Những tập đoàn lớn, ngân hàng và các công ty bảo hiểm, có khả năng cung ứng vốn cho hoạt động xây dựng, có sức mạnh ảnh hưởng đến tiến trình. Nhưng cơ quan chính phủ cũng có những ảnh hưởng trực tiếp đến các khía cạnh của cuộc sống đô thị, như xây dựng đường xá, công trình công cộng, lập các kế hoạch thiết lập vành đai cây xanh, mà sự phát triển mới không thể lạm dụng…Hình dạng vật lý của thành phố là sản phẩm của cả lực thị trường và quyền lực của chính phủ. Tuy nhiên, quá trình tự nhiên sáng tạo môi trường không chỉ là kết quả do những hoạt động của lớp người giàu và có quyền lực trong xã hội. học giả này cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đấu tranh từ các nhóm ít đặc quyền nhằm thay đổi cuộc sống của họ. Những vấn đề đô thị kích thích những 12 phong trào xã hội, liên hệ với sự gia tăng số lượng nhà ở, phản đối ô nhiễm không khí, bảo vệ công viên và vành đai cây xanh và chống lại sự bùng phát xây dựng làm thay đổi môi trường tự nhiên. Chẳng hạn, Castells đã nghiên cứu phong trào đồng tính ở San Francisco, đã thành công khi tái cấu trúc cộng đồng dân cư xung quanh giá trị văn hóa cốt lõi – cho phép hoạt động nhiều tổ chức, câu lạc bộ, quán bar dành cho người đồng tính – phong trào đã dành được địa vị nổi bật ở môi trường chính trị địa phương.  Đô thị hóa như là phong cách sống Simmel là học giả đã phát triển những nghiên cứu XHH đô thị của mình theo hướng nhấn mạnh môi trường đô thị có xu hướng sáng tạo nên những dạng tính cách nhất định và đó là những thành phần của sự phát triển đô thị. Nhưng có phải đô thị chỉ giới hạn những tính cách đó? Làm cách nào đô thị lại liên quan và gây ảnh hưởng đến phần còn lại của xã hội? Liệu đô thị có ảnh hưởng ra bên ngoài ranh giới? Louis Wirth [56] khám phá ý tưởng rằng đô thị, thực tế, hoàn toàn là một phong cách sống (way of life), chứ không chỉ là một kinh nghiệm giới hạn của một phần xã hội. Trong khi các thành viên của trường Đại học Chicago tập trung tìm hiểu hình thái đô thị - cách thức phân chia của nó – thì Wirth [57] liên hệ đô thị như là một phong cách sống. Đô thị, ông lý luận, có thể không làm hạn chế hoặc hiểu một cách đơn giản bằng việc đo lường kích thước dân số. Thực tế, đô thị phải được hiểu như một hình thức tồn tại xã hội. Wirth nhận định rằng: Những ảnh hưởng mà đô thị tác động đến đời sống xã hội của một người thì mạnh mẽ hơn so với tác động của tỷ lệ dân số đô thị; thành phố không chỉ tạo thêm chỗ ở và công việc cho con người hiện đại, mà còn khởi nguồn và kiểm soát cuộc sống kinh tế, chính trị và văn hóa, lôi kéo những cộng đồng xa xôi nhất ra khỏi thế giới riêng và đẩy họ vào quỹ đạo của nó, cũng như dệt nên một thế giới đa dạng bao gồm con người và các hoạt động. Ở đô thị, tồn tại một số lượng lớn những người sống gần mà không hiểu gì về tính cách của nhau. Điều này là đối nghịch cơ bản nhất so với thị 13 trấn và khu làng nhỏ truyền thống. Rất nhiều mối quan hệ giữa những cư dân đô thị, như Tonnies giải nghĩa, chỉ được coi là một phần của cuộc sống (cho tới tận khi mối quan hệ kết thúc) hơn là tìm kiếm sự hài lòng trong mối quan hệ đó. Wirth gọi đó là những “liên hệ thứ hai” (second contacts) khi so sánh với “liên hệ nguyên thủy” (primary contacts) của gia đình và những liên kết mạnh mẽ khác trong nhóm cộng đồng thân thuộc. Chẳng hạn như sự giao tiếp với nhân viên cửa hàng, giao dịch viên ngân hàng hay người soát vé trên tàu hỏa, không phải vì lợi ích của những mối quan hệ cộng đồng mà vì những mục đích riêng khác [55].
  Đô thị hoá - sự phát triển của những thành phố hiện đại và đông đúc Chỉ tại thời điểm chuyển giao thế kỷ XX, những nhà phân tích và quan sát xã hội bắt đầu có sự phân biệt giữa thị trấn và đô thị. Thành phố, với dân số đông, thường có tính đại chúng hơn những trung tâm nhỏ hơn với sự mở rộng ảnh hưởng đến xã hội quốc gia mà đô thị là một phần trong đó. Sự bành trướng của thành phố [57] có nguyên nhân từ sự gia tăng dân số tự nhiên cộng với sự nhập cư đến từ bên ngoài, từ các nông trại, làng mạc và thị trấn nhỏ. Tiến trình nhập cư có tính quốc tế, những nông dân từ các nước nhập cư thẳng vào thành phố của nước khác. Một số lượng lớn những nông dân nghèo Châu Âu nhập cư vào Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình. Tình trạng nhập cư xuyên quốc gia khá phổ biến giữa các thành phố Châu Âu. Nông dân và dân làng nhập cư vào thành thị (như số lượng lớn họ vẫn đang nhập cư vào các thành phố ở các nước đang phát triển) vì thiếu các cơ hội ở nông thôn, kết hợp giữa sự hấp dẫn và sức hút rõ ràng của thành phố, nơi được đồn thổi là đường phố được “dát vàng” (paved with gold) (công việc, sự giàu có, hằng hà sa số hàng hóa, dịch vụ). Thành phố, hơn nữa, trở thành trung tâm quyền lực tài chính và công nghiệp, những doanh nhân tạo dựng những khu đô thị mới. Sự phát triển của những đô thị hiện đại có những ảnh hưởng to lớn, 14 không chỉ trên thói quen và khuôn mẫu hành vi mà còn trên suy nghĩ và cảm nhận của con người. Kể từ thời điểm khi đô thị đầu tiên được hình thành, vào thế kỷ XVIII, những nhận định về ảnh hưởng của thành phố đến đời sống xã hội đã phân cực mạnh mẽ. Đối với nhiều người, thành phố là hiện thân của “đạo đức công dân” và là suối nguồn của sáng tạo và văn hóa; thành phố tối đa hóa cơ hội cho sự phát triển kinh tế và văn hóa và cung cấp phương tiện cho cuộc sống thoải mái, gia tăng hưởng thụ. Đối với những người khác, thành phố là một địa ngục đông đúc ô nhiễm với đám đông xâm lăng hay nghi ngờ, bị phá hoại bởi tội phạm, bạo lực, tham nhũng và nghèo đói. Vào cuối thế kỷ XX, những nhà môi trường như Murray Bookchin đã coi thành phố là một vấn đề cực kỳ to lớn, là con quái vật phá hoại môi trường đang nuốt sống năng lượng và xả chất thải trong tình trạng thiếu bền vững. Cùng với sự bùng nổ kích thước đô thị, nhiều người kinh hoàng nhận ra rằng sự bất công và đói nghèo đô thị cũng gia tăng theo tương ứng. Sự gia tăng đói nghèo và khác biệt giữa các khu dân cư của thành phố là các nhân tố chính về cuộc sống đô thị được các nhà xã hội học thời kỳ đầu quan tâm phân tích.  Trường phái coi đô thị là không gian vi mô tối ưu cho mọi người – Thiết kế môi trường và tâm lý học đô thị Có một hiện tượng nữa mà Harvey Molotch, David Harvey [38] tập trung nghiên cứu, đó là khi tầng lớp trung lưu dời khỏi trung tâm ra ngoại ô, họ mang theo nguồn thu thuế và chi tiêu chính ra những vùng này. Lớp trung lưu làm việc, có thu nhập chủ yếu nhờ môi trường đô thị trong trung tâm, nhưng lại mang lợi nhuận ra vun đắp cho những khu biệt thự ngoại ô. Trong khi đó những cộng đồng dân cư nội thành, là những người cung cấp dịch vụ hàng ngày, giữ lửa cho khu trung tâm, thì ngày càng lâm vào tình trạng nghèo đói, do điều kiện sống chật chội, đắt đỏ. Nếu cứ để tiếp diễn như vậy, khu trung tâm sẽ dần bị bỏ rơi, chết dần, như đã xảy ra ở nhiều nơi. Trong khi đó những khu biệt thự bên ngoài lại không đủ tiêu chí để thay thế cho khu trung tâm. Từ đó mà giá trị tổng thể của đô thị sẽ bị giảm sút [37]. Một giải pháp có 15
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan