Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Binh luan khoa hoc bo luat hinh su tap 9...

Tài liệu Binh luan khoa hoc bo luat hinh su tap 9

.DOC
313
182
146

Mô tả:

BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT HÌNH SỰ PHẦN CÁC TỘI PHẠM (TẬP IX) CÁC TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN CÔNG CỘNG, TRẬT TỰ CÔNG CỘNG (BÌNH LUẬN CHUYÊN SÂU) NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LỜI GIỚI THIỆU Bộ luật hình sự đã được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2000 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự năm 1999). Đây là Bộ luật hình sự thay thế Bộ luật hình sự năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung bốn lần vào các ngày 28-12-1989, ngày 12-8-1991, ngày 22-12-1992 và ngày 10-51997. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh đang xuất bản bộ sách BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT HÌNH SỰ, được thể hiện với nội dung Bình luận chuyên sâu. Hiện tại đã in 10 tập: 1 tập Phần chung và 9 tập Phần các tội phạm. Tác giả của bộ sách là Thạc sĩ luật học Đinh Văn Quế, Chánh toà Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao; đã nhiều năm công tác trong ngành, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia giảng dạy, đã cho xuất bản nhiều tác phẩm về luật hình sự, đồng thời cũng là người trực tiếp tham gia xét xử nhiều vụ án hình sự. Xin trân trọng giới thiệu tập 9 (Phần các tội phạm) của Bộ sách trên và mong nhận được sự đóng góp của bạn đọc. 2 PHẦN THỨ NHẤT MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁC TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN CÔNG CỘNG, TRẬT TỰ CÔNG CỘNG Bộ luật hình sự năm 1985 quy định các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính cùng trong một chương (Chương VIII- Phần các tội phạm), nhưng cấu tạo thành ba mục khác nhau: Mục A: Các tội xâm phạm an toàn công cộng; Mục B: Các tội xâm phạm trật tự công cộng; Mục C: Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Nay Bộ luật hình sự năm 1999 quy định các tội xâm phạm an toàn công cộng và các tội xâm phạm trật tự công cộng cùng trong một chương, nhưng không cấu tạo thành các mục A, B như Bộ luật hình sự năm 1985. Đây cũng là vấn đề trong quá trình soạn thảo có nhiều ý kiến khác nhau về kỹ thuật lập pháp. Có ý kiến cho rằng, lẽ ra khi tách chương VIII - Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 1985 thành các chương khác nhau, thì phải quy định làm ba chương theo ba mục A,B,C. Nhưng nhà làm luật chỉ tách Mục C thành một chương riêng, còn Mục A và Mục B vẫn quy định trong cùng một chương, nhưng lại không cấu tạo thành các mục, nên việc xác định đâu là tội xâm phạm an toàn công cộng, đâu là tội xâm phạm trật tự công cộng sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, căn cứ vào dấu hiệu của từng tội phạm chúng ta thấy: có tội chỉ vi phạm quy định về an toàn giao thông1, có tội chỉ xâm phạm an toàn công cộng, có tội chỉ xâm phạm trật tự công cộng, nhưng có tội vừa xâm phạm an toàn công cộng vừa xâm phạm trật tự công cộng, nên việc tách bạch đâu là xâm phạm an toàn công cộng, đâu là xâm phạm trật tự công cộng là vấn đề không đơn giản. Chính vì vậy mà nhà làm luật quy định các tội xâm phạm an toàn công cộng và các tội xâm phạm trật tự công cộng trong cùng một chương là có cơ sở. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đối với các tội vi phạm về an toàn giao thông nhà làm luật nên quy định riêng thành một chương, vì đối với các tội phạm này có những đặc điểm tương tự như 1 Các tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đã được bình luận tại Tập VII. 3 nhau và khác với các tội xâm phạm trật tự công cộng khác. Hy vọng rằng, khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, ý kiến này sẽ được nhà làm luật quan tâm, xem xét. Các tội các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng quy tại chương XIX, trừ các tội vi phạm quy định về an toàn giao thông (đã giới thiệu ở tập VII) thì còn lại hầu hết có sửa đổi, bổ sung. Một số tội trước đây quy định tại Mục B - Chương một – Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 1985 nay được quy định tại Chương XIX như: tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ; tội điều khiển máy bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; tội chiếm đoạt, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ; tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc; tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy. Một số tội đựơc tách ra từ tội phạm khác để cấu tạo thành tội riêng như: tội tổ chức đua xe trái phép; tội đua xe trái phép là tội phạm được tách từ tội gây rối trật tự công cộng. Một số tội mới hoàn toàn như: tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình vi-rút tin học; tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử; tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính; tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em; tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện; tội phá thai trái phép; tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ; tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có. So với các chương khác thì Chương XIX nhà làm luật quy định nhiều tội phạm nhất; các tội phạm quy định trong chương này cũng xâm phạm đến nhiều khách thể được chia thành các nhóm; có trường hợp một tội phạm xâm phạm đến nhiều khách thể khác nhau; hầu hết các tội quy định trong chương này là tội cấu thành vật chất, nhưng cũng có một số tội do yêu cầu phòng ngừa nên nhà làm luật vẫn quy định là tội có cấu thành hình thức; nhiều tội phạm nhà làm luật quy định một số tình tiết là yếu tố định tội thuộc về nhân thân người phạm tội như: đã bị xử phạt hành chính, đã bị kỷ luật, đã bị kết án… mà còn vi phạm; nhiều 4 tội phạm nhà làm luật quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau xâm phạm đến nhiều đối tượng khác nhau trong cùng một cấu thành. Hầu hết các tội trong chương này, nhà làm luật đều bổ sung các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt. So với Bộ luật hình sự năm 1985 thì Chương XIX Bộ luật hình sự năm 1999 nhà làm luật quy định nhiều hình phạt tiền là hình phạt chính hơn Bộ luật hình sự năm 1985. Nếu tính cả các tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông thì có tới 29 trên tổng số 55 tội nhà làm luật quy định hình phạt tiền là hình phạt chính; hầu hết các tội phạm trong chương này đều quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung; có 2 tội có hình phạt cao nhất là tử hình, đó là: tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ và tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia nhưng thực tiễn xét xử tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ chưa xảy ra nên hình phạt tử hình cũng chưa áp dụng, còn đối với tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia tuy có xảy ra nhưng chưa có trường hợp nào áp dụng hình phạt tử hình; 7 tội có hình phạt cao nhất là tù chung thân. Các tội phạm có mức hình phạt là tử hình và tù chung thân đều là tội trước đây quy định tại chương “các tội xâm phạm an ninh quốc gia”. Hầu hết các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng nhà làm luật đều quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội và được quy định ngay trong cùng một điều luật. 5 PHẦN THỨ HAI CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ 1. TỘI TỔ CHỨC ĐUA XE TRÁI PHÉP Điều 206. Tội tổ chức đua xe trái phép 1. Người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Tổ chức đua xe có quy mô lớn; b) Tổ chức cá cược; c) Tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép; d) Tổ chức đua xe nơi tập trung đông dân cư; đ) Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua; e) Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác; g) Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép. 3. Phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng. 6 Định nghĩa: Tổ chức đua xe trái phép là hành vi cầm đầu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa, rủ rê, lôi kéo người khác hoặc tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác để họ tham gia vào việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trái phép. Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định tội tổ chức đua xe trái phép. Điều này cũng dẽ hiểu, vì trước năm 1985 ở nước ta chưa có tình trạng đua xe trái phép, vào nhứng năm 90 tình trạng đua xe trái phép ở một số thành phố xảy ra khá phổ biến gây mất trật tự, an toàn công cộng. Do yêu cầu đấu tranh phòng chống hành vi đua xe trái phép nên Bộ luật hình sự năm 1999 đã bổ sung tội tổ chức đưa xe trái phép và tội đua xe trái phép. Tuy nhiên, trước khi Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực, hành vi tổ chức đua xe trái phép và hành vi đua xe trái phép không phải là không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1985. Đây cũng là lý do vì sao chúng tôi không xếp tội tổ chức đua xe trái phép và tội đua xe trái phép là tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông, mặc dù khoản 6 Điều 8 Luật giao thông đường bộ có quy định cấm đua xe, tổ chức đua xe trái phép và 2 tội này cũng xâm phạm đến an toàn giao thông đường bộ. A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM 1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp nào quy định tại điều luật. 7 2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm Khách thể của tội phạm này vừa xâm phạm đến an toàn công cộng vừa xâm phạm đến trật tự công cộng. Xâm phạm an toàn công cộng là gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khoẻ của con người ở nơi công cộng, làm cho mọi người hoang mang lo sợ. Điều này thì ai cũng thấy, bất kể ở đâu khi đoàn xe đua đi qua ai cũng sợ hãi và không ít trường hợp do đua xe trái phép đã gây ra hậu quả chết người hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của con người. Cùng với việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khoẻ của con người thì hành vi tổ chức đua xe trái phép còn gây mất trật tự nơi công cộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của cộng đồng, gây náo động nơi công cộng, nhiều trường hợp làm tắc nghẽn giao thông nhiều giờ. Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người đua xe, người cổ vũ đua xe chứ không phải phương tiện dùng để đua là ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Đây là vấn đề về lý luận cũng còn ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng con người không thể là đối tượng tác động của bất cứ tội phạm nào, nhưng cũng có ý kiến cho rằng con người cũng là một vật thể, đều có thể trở thành đối tượng tác động của tội phạm mà người phạm tội thông qua đó xâm phạm đến khách thể mà luật hình bảo vệ. Đối với tội tổ chức đua xe trái phép nếu người phạm tội không tác động đến những người đua xe, người cổ vũ đua xe thì cũng không xảy ra cuộc đua xe; không thể tổ chức đua xe mà lại không tổ những người đua xe để đua xe trái phép. 3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm a. Hành vi khách quan 8 Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi tổ chức. Hành vi tổ chức hoàn toàn khác với khái niệm “phạm tội có tổ chức” là một hình thức đồng phạm của nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Phạm tội có tổ chức là nói lên quy mô của một vụ án, còn tổ chức với ý nghĩa là hành vi khách quan là hành vi do một hoặc một số người thực hiện như: tổ chức làm một việc gì đó, tổ chức đi nghỉ mát, tổ chức một bữa tiệc liên hoan, tổ chức một đêm ca nhạc, tổ chức một trận đá bóng giao hữu… và tổ chức đua xe. Hành vi tổ chức đua xe trái phép, tuỳ thuộc vào tính chất, quy mô, mục đích mà người tổ chức có thể huy động lực lượng, phương tiện, tiền của để đạt mục đích đề ra. Người phạm tội tổ chức đua xe trái phép, có thể thực hiện một trong các hành vi sau: Khởi xướng ra việc đua xe; vạch kế hoạch đua xe; chỉ huy việc đua xe; cưỡng bức, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, kích động người khác đua xe; quyên góp tiền, cung cấp tiền, tài sản cho người đua xe hoặc để làm giải thưởng cho người đua xe; cung cấp xe cho người đua xe; tổ chức canh gác, bảo vệ hoặc chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ; huy động, lôi kéo, mua chuộc người khác cổ vũ cho cuộc đua.v.v… Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi nêu trên; nếu người phạm tội chỉ thực hiện những hành vi không trực tiếp liên quan đến hành vi tổ chức đua xe trái phép thì người phạm tội phải là người chịu sự chỉ huy của người khác và hành vi của người này cùng với hành vi của người khác tạo nên một cuộc đua xe trái phép. Ví dụ: Dưới sự chỉ huy của Vũ Văn A, nên Nguyễn Quốc B được phân công canh gác nếu thấy Cảnh sát giao thông thì điện thoại báo cho A biết, còn Bùi Quốc H được phân công rủ rê, lôi kéo một số thanh niên ra đường cổ vũ khi đoàn xe đua đi qua, còn Đặng Xuân Đ được phân công quyên góp tiền để làm giải thưởng cho cuộc đua; mỗi hành vi của từng người nếu tách riêng ra thì không có thể tổ chức thành một cuộc đua xe trái phép nhưng kết nối lại dưới sự chỉ huy của một người thì cuộc đua xe trái phép sẽ được thực hiện. Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện hành vi tổ chức đua xe trái phép, việc đua xe có xảy ra hay không không phải là dấu hiệu bắt buộc. Nếu đã tổ chức cuộc 9 đua nhưng vì những lý do khách quan nên cuộc đua không thực hiện được thì cũng không vì thế mà cho rằng hành vi tổ chức đua xe chưa cấu thành tội phạm, mà người phạm tội chỉ có thể được coi là phạm tội ở giai đoạn chưa đạt. Tuy nhiên, nếu đã tổ chức đua xe trái phép nhưng trước khi cuộc đua bắt đầu, không có cản trở khách quan nào khác mà người phạm tội quyết định ngưng cuộc đua lại và không tiến hành đua xe nữa thì được coi là tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và được miễn trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đua xe trái phép3. b. Hậu quả Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, nếu hậu quả xảy ra thì tuỳ trường hợp, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật. Hậu quả do hành vi tổ chức đua xe trái phép là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản gây mất trật tự công cộng và những thiệt hại khác cho xã hội. c. Các dấu hiệu khách quan khác Hành vi tổ chức đua xe được coi là hành vi phạm tội khi hành vi tổ chức đó không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; nếu việc tổ chức đua xe được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì không bị coi là tội phạm. Hiện nay ở nước ta việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ít được tổ chức, trừ một vài trường hợp được tổ chức ở sân Phú Thọ – thành phố Hồ Chí Minh; nước ta cũng chưa xây dựng được những trường đua có quy mô và đủ tiêu chuẩn để tổ chức những cuộc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Do đó, hầu hết các cuộc tổ chức đua xe hiện nay đều là trái phép. Chỉ coi là hành vi phạm tội nếu tổ chức đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trái phép, nếu tổ chức đua xe thô sơ như: xe đạp, xe xích lô thì không bị coi là Xem “tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 phần chung. NXB T.p. Hồ Chí Minh năm 2000. tr. 113. 3 10 hành vi phạm tội này. Đây cũng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau; có ý kiến cho rằng nhà làm luật không quy định hành vi tổ chức đua xe thô sơ trái phép là bỏ lọt một hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không được hình sự hoá, không phù hợp với tình hình thực tế trong xã hội, có nhiều cuộc đua xe đạp, xe thô sơ trái phép gây mất trật tự công cộng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc nhà làm luật không quy định hành vi tổ chức đua xe thô sơ trái phép cũng như không quy định hành vi đua xe thô sơ trái phép là hành vi tội phạm là vì tính chất nguy hiểm cho xã hội của hai loại hành vi này ít nguy hiểm hơn so với hành vi tổ chức đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Mặt khác, nếu hành vi tổ chức đua xe thô sơ trái phép cũng như hành vi đua xe thô sơ trái phép gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp người tổ chức và người đua xe trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật từ công cộng. Do đó việc quy định các hành vi này thành một tội độc lập là không cần thiết. 4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm Người phạm tội tổ chức đua xe trái phép thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi tổ chức đua xe trái phép, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.4 B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ 1. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự Theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng. . Xem Đinh Văn Quế “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 – Phần chung” NXB Tp Hồ Chí Minh năm 2000. tr.70 (cô ý phạm tội ) 4 11 Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tổ chức đua xe trái phép theo khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). 5 (Nguyên tắc này chúng tôi sẽ không nhắc lại khi phân tích đối với các tội phạm khác trong chương này). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc áp dụng dưới một năm tù, nhưng không được dưới ba tháng tù vì đối với hình phạt tù mức thấp nhất là ba tháng. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù. 2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự a. Tổ chức đua xe có quy mô lớn Cho đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn như thế nào là tổ chức đua xe trái phép có quy mô lớn; thực tiễn xét xử cũng chưa nhiều, nên việc xác định thế nào là tổ chức đua xe có quy mô lớn là khó khăn. Tuy nhiên, nghiên cứu các tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự có tình tiết với quy mô lớn như tội tổ chức đánh bạc đã có hướng dẫn thì có thể coi trường hợp tổ chức đua xe trái phép có quy mô lớn là tổ chức cho từ 5 xe ôtô, 10 xe mô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trở lên. Nếu tổ chức cho 3 xe ôtô, 5 xe mô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trở lên nhưng chưa tới 5 xe ôtô, 10 xe mô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ mà có huy động, lôi kéo, mua chuộc từ 50 người trở lên cổ vũ cho cuộc đua.6 Xem Đinh Văn Quế “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999-Phần chung” NXB Tp Hồ Chí Minh năm 2000. Tr.227235 (Căn cứ quyết định hình phạt ) 6 Do chưa có hướng dẫn chính thức, nên việc xác định này cũng như các tình tiết khác là yếu tố định khung hình phạt mà tác giả nêu trong khi bình luận chỉ là ý kiến riêng của tác giả. Nếu sau này có hướng dẫn chính thức thì phải áp dụng theo hướng dẫn chính thức đó. 5 12 b. Tổ chức cá cược Cùng với việc tổ chức đua xe trái phép, người phạm tội có thể còn có hành vi tổ chức cá cược. Thực chất hành vi tổ chức cá cược là hành vi tổ chức đánh bạc, nhưng là đánh bạc bằng hình thức đua xe. Cá cược là đánh cuộc ăn tiền về việc thắng thua của những chiếc xe đua; một số địa phương gọi là “cá độ”. Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý: - Chỉ người tổ chức đua xe trái phép mà tổ chức các cược về việc thắng thua của cuộc đua do mình tổ chức thì mới thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự; nếu không phải là người tổ chức đua xe trái phép mà là người khác tổ chức cá cược thì hành vi cá cược này là hành vi tổ chức đánh bạc thuộc trường hợp quy định tại Điều 249 Bộ luật hình sự. Ví dụ: A biết có cuộc đua xe do B tổ chức, nên đã tổ chức cho một số đối tượng cá cược, thì A phạm tội tổ chức đánh bạc, còn B chỉ phạm tội tổ chức đua xe trái phép. - Người phạm tội nếu đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc theo Điều 249 Bộ luật hình sự nữa, nhưng đối với người tham gia cá cược vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc nếu có đủ dấu hiệu quy định tại Điều 248 Bộ luật hình sự. c. Tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép. Trường hợp phạm tội này là trường hợp người phạm tội vừa tổ chức đua xe, vừa tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép. Nếu người phạm tội tổ chức đua xe không tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép, mà hành vi chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc chống lại người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép 13 do người khác thực hiện thì người phạm tội không bị áp dụng điểm c khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự. Nếu có việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép do người khác thực hiện thì tuỳ trường hợp họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Vì vậy, khi xác định tình tiết này cần chú ý: không phải cứ có việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép là đã xác định người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật mà phải xác định người phạm tội có tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép không hay người khác tổ chức hoặc việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép chỉ là do người đua xe hoặc người cổ vũ tự thực hiện. Nếu người đua xe trái phép hoặc người cổ vũ tự ý có hành vi chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép thì họ phải chịu trách nhiệm độc lập về hành vi chống người thi hành công vụ. Hành vi tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép cũng tương tự như hành vi tổ chức đua xe trái phép hay tổ chức thực hiện một công việc nào khác, tức là người phạm tội phải có hành vi cầm đầu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa, rủ rê, lôi kéo người khác hoặc tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác để họ tham gia vào việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép. d. Tổ chức đua xe nơi tập trung đông dân cư Nơi tập trung đông dân cư là nơi có đông dân cứ trú, sinh sống, làm việc như thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố, các khu công nghiệp, khu nghỉ mát du lịch… Cũng coi là nơi tập trung đông dân cư, nếu trong một không gian, thời gian nhất định ở đó có tập trung đông người như: Sân vận động, nhà thi đấu, nơi tổ chức lễ hội, mít tinh, 14 biểu tình. Những nơi này bình thường không có đông người nhưng trong một không gian, thời gian nhất định số người tập trung đến những nơi này đông đúc. Không coi là tổ chức đua xe trái phép nơi tập trung đông dân cư, nếu người phạm tội tổ chức đua xe trái phép đã lôi kéo đông người đứng hai bên đường cổ vũ cho đoàn đua đi qua mà đoạn đường đua đó không phải nơi đông dân cư. đ. Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua; Các phương tiện tham gia vào cuộc đua như: ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ là các phương tiện đã được nhà sản xuất chế tạo theo một mấu thiết kế theo một tiêu chuẩn kỹ thuật được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm độ an toàn cho người điều khiển. Nói chung, việc tổ chức đua xe trái phép, người tổ chức không chủ trương tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện, mà việc tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện lại do chính người đua xe thực hiện. Dù người phạm tội tổ chức đua xe có chủ trương hay không có chủ trương tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện nhưng người đua xe có hành vi tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua thì người tổ chức đua xe trái phép vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự, vì điều luật chỉ quy định tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua mà không quy định tổ chức tháo dỡ. Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua là hành vi tháo bỏ hoặc thay đổi cấu trúc các bộ phận của phương tiện như: tháo bỏ phanh (thắng), tháo bỏ ống bô, xoáy xilanh… Do tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện nên tính chất của hành vi tổ chức đua xe trái phép nguy hiểm hơn, tiềm ẩn những hậu quả nguy hiểm cao hơn. e. Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác - Gây thiệt hại cho tính mạng 15 Người tổ chức đua xe trái phép dẫn đến thiệt hại cho tính mạng của người khác là gây thiệt hại đến tính mạng cho người đua xe và người không tham gia đua xe (có thể là người đi đường, người cổ vũ hoặc người khác). Người bị thiệt hại đến tính mạng có thể là do đua xe gây ra, nhưng cũng có thể do nguyên nhân khác nhưng phải do hành vi tổ chức đua xe gây ra như: do tổ chức đua xe nên có việc cá cược và vì cay cú được thua nên dẫn đến gây án mạng. - Gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác Gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác là do hành vi tổ chức đua xe trái phép mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác có tỷ lệ thương tật là từ 31% trở lên. Có thể gây ra cho một người và có thể gây ra cho nhiều người. Nếu gây ra cho nhiều người mà tổng tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người từ 31% trở lên thì cũng coi là gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác. - Gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của người khác Gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của người khác là trường hợp do tổ chức đua xe trái phép mà gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia đua hoặc của người khác có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Nếu gây thiệt hại trên 500 triệu đồng thì phải coi là trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 206 Bộ luật hình sự. Khi áp dụng tình tiết quy định tại điểm e khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự đối với người phạm tội cần chú ý: 16 - Người khác quy định ở đây không phải là người tổ chức đua xe (người phạm tội), họ chỉ có thể là tham gia đua xe, người cổ vũ đua xe, người đi đường hoặc người khác. - Nếu người tổ chức đua xe lại cùng tham gia đua xe thì những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản gây ra cho chính họ thì không tính để xác định tình tiết là yếu tố định khung hình phạt đối với người phạm tội. g. Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép. Tái phạm về tội này là trường hợp đã bị kết án về tội tổ chức đua xe trái phép, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép. Tái phạm về tội đua xe trái phép là trường hợp đã bị kết án về tội đua xe trái phép, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép. Khi áp dụng tình tiết tái phạm về tội đua xe trái phép cũng cần chú ý: điều luật chỉ quy định “tái phạm về tội đua xe trái phép” mà không quy định “tái phạm về hành vi đua xe trái phép” nên đối với trường hợp một người tuy có hành vi đua xe trái phép nhưng lại bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng thì không coi là tái phạm về tội đua xe trái phép. Ví dụ: A, B, C và D đều có hành vi đua xe trái phép nhưng chỉ có A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép vì A đã bị đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, còn B, C và D vì chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này cũng chưa bị kết án về tội này nên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Sau khi bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, B lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép thì B không bị coi là tái phạm về tội đua xe trái phép. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng. 17 Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, phạm tội thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì Toà án có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới ba năm tù. Nếu tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 điều luật thì có thể bị phạt đến mười năm tù. 3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 206 Bộ luật hình sự a. Tái phạm nguy hiểm Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội dặc biệt nghiêm trọng do cố ý, hoặc tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép. Khi các định tình tiết tái phạm guy hiểm đối với người phạm tội tổ chức đua xe trái phép cần chú ý: - Điều luật không quy định tái phạm nguy hiểm về tội này hoặc tội đua xe trái phép nên chỉ cần trước khi người phạm tội tổ chức đua xe trái phép họ đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý (không phân biệt đó là tội phạm nào), chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự (khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự là tội phạm rất nghiêm trọng). - Người phạm tội cũng có thể đã bị kết án về tội tổ chức đua xe trái phép thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 206 Bộ luật hình sự hoăc hoăc tội đua 18 xe trái phép thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 207 Bộ luật hình sự nhưng chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì không coi là trường hợp “đã tái phạm tội này hoặc tội đua xe trái phép” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự nữa. Tuy nhiên, tái phạm nguy hiểm về tội tổ chức đua xe trái phép hoặc tội đua xe trái phép thì tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn trường hợp tái phạm nguy hiểm khác. - Người phạm tội đã tái phạm (không phân biệt đã tái phạm tội phạm nào), chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép (không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật). Nếu tái phạm tội tổ chức đua xe trái phép hoặc tội đua xe trái phép chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép thì tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn. b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng Gây hậu quả rất nghiêm trọng là gây ra những thiệt hại rất lớn cho tính mạng, sức khoẻ, tài sản, và những thiệt hại khác cho xã hội. Cho đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra. Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này, tham khảo hướng dẫn về tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng đối với một số tội phạm khác thì có thể coi hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra hậu quả rất nghiêm trọng nếu: - Làm chết hai người; - Làm chết một người và còn gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên - Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; - Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những 19 người này từ 200% trở lên; - Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng. Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có thiệt hại phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội...thì phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra có phải là rất nghiêm trọng hay không. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 206 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng. Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật, không có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm. Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật hoặc tuy tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật nhưng còn tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, phạm tội thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 điều luật thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù. 4. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 206 Bộ luật hình sự Khoản 4 của điều luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan