Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học ảnh hưởng của nho giáo đến phát triển nguồn nhân lực việt nam...

Tài liệu ảnh hưởng của nho giáo đến phát triển nguồn nhân lực việt nam

.PDF
25
570
105

Mô tả:

Ảnh hưởng của Nho giáo đến phát triển nguồn nhân lực Việt Nam : Luận văn ThS. Kinh doanh và quản lý: 60 34 05 / Vũ Ngọc Dương ; Nghd. : TS. Vũ Đức Thanh MỞ ĐẦU 1. Sự cần thiết của đề tài Sau thế chiến thứ hai, một số quốc gia Châu Á đã giành được độc lập và chỉ sau vài thập niên họ đã nhanh chóng trở thành những cường quốc kinh tế phát triển như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và sau này là sự lớn mạnh của Trung Quốc. Các nước trên đều chịu ảnh hưởng của Nho giáo và cũng thừa nhận Nho giáo đóng vai trò tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế của họ. Thực tiễn cho thấy Nho giáo có thể có những ảnh hưởng khác nhau đến quan điểm giáo dục đào tạo và định hướng nghề nghiệp ở từng quốc gia, ảnh hưởng đến việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển của các nước. Việt Nam là quốc gia cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của đạo Nho, do đó, nghiên cứu ảnh hưởng của Nho giáo tới phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam để từ đó khai thác các hạt nhân tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của nó là việc làm cần thiết. 2. Tình hình nghiên cứu Nho giáo đã được nghiên cứu ở Việt Nam từ rất lâu. Tuy nhiên các các triết gia và các nhà khoa học mới chỉ dừng lại ở khía cạnh văn hoá và giáo dục, trong đó nổi lên hai khuynh hướng là: (1) Nghiên cứu Nho giáo chủ yếu qua các tác phẩm kinh điển nhằm giải thích các mệnh đề có sẵn và dùng những mệnh đề đó để lý giải cho những tư tưởng và hành động của cá nhân. Tiêu biểu cho xu hướng này có Phan Bội Châu với ”Khổng học đăng” và Trần Trọng Kim với “Nho giáo”. (2 ) Nghiên cứu tư tưởng của Nho giáo nhằm đánh giá ảnh hưởng của nó đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử. Khuynh hướng này bắt đầu từ Nguyễn Trường Tộ và sau này là một loạt các tác giả khác như Phan Khôi, Đào Duy Anh, Vũ Khiêu, Nguyễn Khắc Viện, Trần Đình Hượu, Lê Sĩ Thắng… Nhìn lại lịch sử nghiên cứu ảnh hưởng của Nho giáo, theo sự hạn chế chủ quan về hiểu biết của bản thân, thì chưa có một học giả nào đi sâu giải thích một 1 cách cặn kẽ và tường tận những tư tưởng của các nhà Nho xưa kia có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp như thế nào đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua ảnh hưởng của nó đến sự hình thành và phát triển nguồn nhân lực. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của đề tài là làm rõ và khai thác những mặt tích cực, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo đến việc phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho phát triển kinh tế ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiệm vụ nghiên cứu: - Nghiên cứu quá trình du nhập của Nho giáo vào Việt Nam - Nghiên cứu những tư tưởng có bản của Nho giáo ở Việt Nam và phạm vi ảnh hưởng của chúng đến định hướng nghề nghiệp và quan điểm giáo dục. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của đề tài là quá trình du nhập và phát triển của Nho giáo ở Việt Nam, những tư tưởng cơ bản của Nho giáo và tác động của chúng đến phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam. Để đưa ra được những đánh giá xác đáng về ảnh hưởng của Nho giáo đến phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam để từ đó đề xuất được các giải pháp mang tính khả thi. Phạm vi nghiên cứu về thời gian: Từ khi Nho giáo xuất hiện ở Việt Nam cho đến nay. 5. Phương pháp nghiên cứu Sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp phân tích so sánh trên cơ sở nguồn dữ liệu thứ cấp. 6. Đóng góp mới của luận văn - Làm rõ những đặc trưng khác biệt của sự du nhập và phát triển của Nho giáo ở Việt Nam. - Bước đầu đánh giá ảnh hưởng của Nho giáo đến sự phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế ở Việt Nam thông qua phân tích ảnh hưởng của nó đến hệ thống các quan điểm giáo dục và định hướng nghề nghiệp . - Đề xuất một số hướng khai thác những yếu tố tích cực, hạn chế những yếu tố tiêu cực của Nho giáo để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. 7. Bố cục của luận văn Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài gồm ba chương: Chương 1 : Những tư tưởng cơ bản của Nho giáo ở Việt Nam 2 Chương 2 : Một số ảnh hưởng của Nho giáo đến phát triển nguồn nhân lực Việt Nam Chương 3 : Khai thác tư tưởng Nho giáo phục vụ phát triển nguồn nhân lực Việt Nam Chương 1: Những tư tưởng cơ bản của Nho giáo ở Việt Nam 1.1. Khái quát quá trình hình thành và phát triển Nho giáo ở Việt Nam 1.1.1. Tổng quan về sự hình thành và phát triển của Nho giáo Trung Hoa Nho giáo, còn được gọi là Khổng giáo, là một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do Khổng Tử phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị. Nho giáo rất phát triển ở các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, và Việt Nam. Cơ sở của Nho giáo được hình thành từ thời Tây Chu, đặc biệt với sự đóng góp của Chu Công Đán, còn gọi là Chu Công. Đến thời Xuân Thu, xã hội loạn lạc, Khổng Tử (sinh năm 551 trước công nguyên) phát triển tư tưởng của Chu Công, hệ thống hóa và tích cực truyền bá các tư tưởng đó. Chính vì thế mà người đời sau coi ông là người sáng lập ra Nho giáo. Nho giáo nguyên thủy - Nho giáo Tiền Tần Thời Xuân thu, chế độ xã hội theo lối phong kiến, nhà Chu lên giữ Ngôi thiên tử, chia thiên hạ ra làm hơn 70 nước để phong cho những người công thần và các con cháu làm Chư hầu. Những nước Chư hầu ấy đều có quyền tự chủ nhưng hàng năm phải triều cống Thiên tử nhà Chu, và khi có sự chinh phạt ở đâu thì phải theo mệnh lệnh Thiên tử đem quân đi tòng chinh. Khi nhà Chu còn thịnh thì trật tự được phân minh, nhưng khi nhà Chu đã suy nhược phải dời đồ về phía đông ở đất Lạc ấp, mệnh lệnh Thiên tử không ai theo, các nước Chư hầu phân ra có đến 160 nước. Chiến tranh ngày càng kịch liệt, nước nọ kiêm tính nước kia, nước mạnh thì làm bá cả thiên Hạ, Thiên tử cũng không đủ quyền uy mà ngăn cấm được, cương thường đổ nát, nhân dân đồ thán. Thời Xuân thu loạn lạc, đạo Đế vương đời trước mờ tối, người đời say đắm về đường công lợi, không ai thiết gì đến nhân nghĩa nữa. Nhưng cũng vì thế cục biến loạn, dân tình khổ sở, mà người trong nước mới lo nghĩ tìm cách sửa đổi đề cứu vớt thiên hạ, các học thuyết mới hưng thịnh lên. Thời ấy có Khổng tử đem cái đạo của các thánh hiền thời trước, lập thành một học thuyết có hệ thống, lấy nhân nghĩa lễ trí mà dạy người, lấy cương thường mà hạn chế nhân dục để giữ trật tự ở trong xã hội cho vững bền. 3 Khổng Tử đã san định, hiệu đính và giải thích bộ Lục kinh gồm có Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu và Kinh Nhạc. Về sau Kinh Nhạc bị thất lạc nên chỉ còn năm bộ kinh thường được gọi là Ngũ kinh. Sau khi Khổng Tử mất, học trò của ông tập hợp các lời dạy để soạn ra cuốn Luận ngữ. Học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử là Tăng Sâm, còn gọi là Tăng Tử, dựa vào lời thầy mà soạn ra sách Đại học. Sau đó, cháu nội của Khổng Tử là Khổng Cấp, còn gọi là Tử Tư viết ra cuốn Trung Dung. Đến thời Chiến Quốc, Mạnh Tử đưa ra các tư tưởng mà sau này học trò của ông chép thành sách Mạnh Tử. Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử hình thành nên Nho giáo nguyên thủy, còn gọi là Nho giáo tiền Tần (trước đời Tần), Khổng giáo hay "tư tưởng Khổng-Mạnh". Cuối đời Chiến quốc và đời nhà Tần- thời kỳ Trung suy của Nho giáo (247 202 TCN) Nho giáo truyền đến đời Chiến quốc thì gặp phải thời trung suy. Xã hội Trung Quốc thời ấy loạn lạc đến cực điểm: phong tục bại hoại, luân thường đổ nát, vua chúa các nước chỉ chăm lo việc chiến tranh, hết nước này đánh nước nọ đến nước nọ đánh nước kia, việc can qua không lúc nào nghỉ, chính trị rối loạn. Năm 221 TCN trở đi, nhà Tần thống nhất thiên hạ, lập thành một đế quốc trung ương tập quyền rất mạnh. Vua Tần Thủy Hoàng nhà Tần bỏ hết chế độ cũ, lập thành chính thể mới, lấy hình pháp mà trị thiên hạ. Tần Thủy Hoảng ra lệnh “đốt sách, chôn nho”, đốt hết những sách gì không phải sách nhà Tần, những sách Thi, Thư cùng Bách gia ngữ…chỉ giữ lại sách về Hình pháp, sách thuốc, sách bói, sách trồng cây; chôn sống 460 Nho sinh tại Hàm Dương để thiên hạ thấy mà răn sợ. Trong thời cực loạn như vậy, người trong nước ai cũng mưu sự sinh tồn, việc học thuật bỏ đi hết cả. Đến khi nhà Hán dẹp yên mối loạn, thống nhất thiên hạ rồi, dần dần chấn hưng lại nền văn hóa, Nho giáo từ đó lại dần thịnh lên. Nho giáo đời Lưỡng Hán (202 trước CN - 220 său CN) Đến đời Tây Hán, Nho giáo dần dần tiến lên, có đủ thế lực át được các học phái khác và chiếm được địa vị nhất tôn trong xã hội Trung Quốc. Kế đến đời Đông Hán thì Nho giáo cực thịnh, không những người Nho giáo đều được trọng dụng ở Triểu đình mà đến chỗ dân gian đâu đâu cũng tôn sùng Nho giáo. Nho giáo trở thành quốc giáo, trở thành công cụ thống nhất đất nước về tư tưởng, chiếm địa vị nhất tôn trong xã hội. Và từ đây, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống bảo vệ chế độ phong kiến Trung Hoa trong suốt hai ngàn năm. 4 Đặc điểm của Hán Nho khác với Nho giáo nguyên thủy là Hán Nho đề cao quyền lực của giai cấp thống trị, Thiên tử là con trời, dùng "lễ" để che đậy "pháp". Nho giáo đời Tam quốc và Lục triều (220-590) Các triều đại đều tôn sùng Nho giáo và tiến hành tuyển cử để chọn nhân tài, song sự tuyển cử có nhiều điều tệ: những kẻ tham lợi lộc, không chịu học tập, chỉ tìm cách luồn lọt vào cửa quyền môn để chóng được cất nhắc, thành ra sự học ngày càng kém. Các học giả phần lớn đều theo khuynh hướng về thuyết hư vô của Lão, Trang, kinh miệt lê phép, thích rượu chè chơi bời, đi lại bàn luận về huyền lý gọi là thanh đàm, mất hẳn cái sự thiết thực của Kinh học Nho giáo đời Tùy (581-618) và đời Đường (618-906) Đời Đường sự học rất thịnh, trong nước có Nho học, Phật học, Lão học và các tông giáo ở phương Tây truyền sang. Nho học rất thịnh về mặt văn chương và khoa cử, Phật học thì rất thịnh về mặt tư tưởng. Còn Lão học thì chỉ thịnh về mặt tu luyện và phù phép. Nho học đời Đường rất thịnh, nhưng quá thiên về đường khoa cử cho nên chỉ có cái học văn từ mà không có cái học nghĩa lý vậy. Bởi khoa cử và văn từ mà thành ra cái tục trọng khí tiết đời Hán mất hết cả, hai chữ liêm sỉ suy vi. Nho giáo đời Tống (960-1280) Vua Thái tổ nhà Tống lên ngôi, vua coi trọng học tập, bởi vậy trong nước từ quan tư cho tới thường dân ai cũng quý trọng văn học. Vua lại thấy cái học trọng khí tiết mất hết, đức giáo thật suy đồi nên rất chú ý về sự tưởng lệ việc trung tiết, gây thành cái sĩ phong trong học giới. Nho giáo truyền đến thế kỷ thứ XI, vào quãng đời vua Nhân tông (1023-1064) thì thật là thịnh. Từ đời vua Nhân tông trở đi, phái Lý học rất thịnh ở chốn dân dã, đến cuối đời nhà Nam Tống, phái Lý học trong ngoài triều đình đâu đâu cũng tôn sùng. Lúc ấy nhà Tống đã sắp mất nhưng nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh đều theo nhà Nam Tống lấy phái Lý học làm chính tông của Nho giáo vậy. Nho giáo đời Nguyên (1280-1360) Nho giáo trong đời Nguyên tuy so với các đời trước thì không bằng, Nho học của Nguyên nho chỉ bó hẹp trong phạm vi Trình Chu vì ai cũng cho Nho học đến đó là cùng cực rồi, thành ra ngoài sự học để giữ lấy cái danh tiết cho trong sạch thì không ai phát triển ra điều gì cao minh hơn nữa. Nho giáo đời Minh (1368-1648) 5 Nho học đời Minh không ra ngoài phạm vi của Tống học, dù phái Diêu Giang chuyên chú về mặt tâm học hay phái Hà Đông tôn sùng cái học của Trình Chu mặc lòng, phái nào cũng thuộc về lý học cả. Cái học ấy tuy chia ra chi nọ phái kia nhưng kết cục vẫn theo cái tông chỉ thiên địa vạn vật nhất thể, và về đường thiết thực vẫn cố giữ cái khí tiết của học giả. Trong đời nhà Minh, các vua phần nhiều là tầm thường, thế mà không triều nào là không có đầy những trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì việc nước. Nho giáo đời Thanh (1644-1911) Việc học nhà Thanh vẫn theo quy củ nhà Minh, duy chỉ sửa đổi một vài điều riêng cho người Mãn châu. Nhà Thanh mở mang việc dạy Nho học nhưng vẫn bảo thủ cái tục cũ của người Mãn châu, song vì cái nền học của người Mãn rất đơn sơ, lại không có cái văn hóa cố hữu cho nên dẫu muốn hạn chế thế nào mặc lòng, lâu ngày người Mãn cũng bị cái văn học của người Hán cảm hóa. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, năm Quang tự thứ 28 (1898) bọn Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu... mưu sự biến pháp tân chính và bỏ khoa cử, lấy thực học để theo thời mà tiến hành nhưng bị bọn thủ cựu ngăn lại. Bẩy năm sau, năm Quang Tự thứ 35 (1905), vì thời thế bức bách, triều đình nhà Thanh bỏ khoa cử đi và đặt quy thức giáo dục theo tân thời. Cuối đời nhà Thanh thì sự học theo Nho giáo suy đồi đi, lại vì thời thế bức bách, các học giả mới xướng lên phái Tân học học tập theo phương Tây. Khởi đầu phái Tân học là bọn Khang Hữu Vĩ, Lương Khải Siêu, rồi sau đến các thiếu niên được khuyến khích phân chấn lên, đi du học ở các bên Âu bên Mỹ, thu lấy cái phương pháp Tây học, đem tư tưởng Tân thời mà cải biến học thuật, đổi chính thể theo phong trào của thế giới. 1.1.2. Sự du nhập của Nho giáo vào Việt Nam Nho giáo từ phương Bắc truyền vào Việt Nam vào đầu công nguyên. Khi đó Việt Nam thuộc Trung Quốc và do người Hán cai trị. Sư truyền bá Nho giáo của người Hán lúc đó là để phục vụ cho mục tiêu cại trị nhân dân ta, nhằm cải biến xã hội, phong tục tập quán ở vùng đất bị trị này. Số đông người Việt lúc đầu phần thì xa lạ, phần vì nghi kỵ đối với Nho giáo, nhưng dần dần về sau, người Việt đã làm quen, học tập tiếp thu Nho giáo như một công cụ tư tưởng của mình. Cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III sau công nguyên, Giao Chỉ là mảnh đất an toàn nhất của đế quốc Hán đương thời, nhiều sĩ phu phương Bắc lánh nạn sang Giao Chỉ. Số người Việt có điều kiện theo học Nho giáo nhiều hơn trước. Sĩ Nhiếp, 6 viên thái thú gốc Hán nhưng tổ tiên mấy đời trước đã ở Giao Chỉ đã tổ chức các lớp hoc Nho giáo cho người bản xứ, đưa việc giáo dục Nho giáo ở đây vào nề nếp. Vào những năm 30 thế kỷ X, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam đã đến bước ngoặt. Năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng, giữ vững nền độc lập dân tộc vừa mới được khôi phục. Tiếp theo là nhà Đinh, nhà Tiền Lê đã có ý thức xây dựng triều đại vững mạnh để củng cố nền độc lập đã có. Lúc bấy giờ không xuất hiện các nhà Nho đảm đương công việc chính trị- xã hội. Nhà sư có kiến thức Nho giáo đã phải làm các công việc của triều đình. Vị trí nhà Nho lúc này đứng sau các nhà sư, song kiến thức Nho giáo với chức năng vốn có của nó không phải vì vậy mà không phát huy được tác dụng. Sang thời Lý, thế kỷ XI và XII, các vua Lý từng bước vận dụng kiến thức Nho vào công việc trị nước. Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi Nho học đầu tiên trong đất nước. Năm 1076 xây dựng Quốc Tử Giám để đào tạo nhân tài Nho học cao cấp. Dù lúc này Phật giáo còn chiếm ưu thế, song Nho giáo đã có cơ hội phát huy được tác dụng tích cực của mình. Sang triều Trần, Nho giáo có điều kiện phát triển hơn, dần dần khẳng định được vai trò chủ chốt của mình trong đạo trị nước. Việc thi cử theo khuân mẫu của Nho học được đưa vào nền nếp. Đầu thế kỷ XV, nhà Minh Trung Quốc tiến hành xâm lược Việt Nam được che đậy dưới chiêu bài truyền bá tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, triều Lê dược lập nên và triều đình cũng chủ trương trị nước theo Nho giáo. Tư tưởng nhân và đường lối chính trị nhân nghĩa của Nho giáo đến đầu thế kỷ XV được các nho sĩ Việt Nam phát huy mạnh mẽ mà đại diện tiêu biểu là Nguyễn Trãi. Dưới triều Lê Thánh Tông, người đậu tiến sĩ được khắc vào bia đã, dựng trong văn miếu ở Thăng Long. “Việc khuyến khích học hành và thi cử theo Nho học đã tạo ra một tầng lớp Nho sĩ đông đảo, đa dạng, phức tạp ở triều định và các địa phương trên cả nước. Các nhà Nho được xem là hiền tài của đất nước, là nguyên khí của quốc gia. Các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, chính quyền phong kiến trung ương tập quyền nhà Lê suy yếu, xuất hiện sự phân tán, cát cứ, hết chiến tranh Lê – Mạc, lại đến Trịnh – Nguyễn phân tranh, tạo nên cục diện Đàng Ngoài – Đàng Trong. Nho giáo rơi vào khủng hoảng, các nguyên lý cương thường, trung hiếu chỉ còn là những từ ngữ không còn thực chất. 7 Sang thế kỷ XIX, nhà Nguyễn sau khi được dựng lên đã ra sức đề cao Nho giáo, lấy nó làm điều kiện củng cố triều đại, củng cố sự nhất thống nhất. Nhưng việc phục hồi Nho giáo lúc bấy giờ đã trái với xu thế phát triển của thời đại, của tình hình thế giới. Vì coi Nho giáo là “quốc hồn”, “quốc túy” nên họ từ chối mọi sự cải cách, mọi sự đổi mới đất nước. Kết cục là đi đến chỗ mất nước cho đế quốc Pháp. Sau khi thôn tính toàn bộ lãnh thổ Việt Nam vào năm 1884, thực dân Pháp từng bước một hạn chế vai trò của Nho giáo. Đến năm 1919, Pháp chấm dứt hình thức thi Nho giáo. 1.2. Những tư tưởng cơ bản của Nho giáo Học thuyết của Nho giáo có thể chia ra làm hai phần, một phần là “Hình nhi thượng học” thuộc về những lẽ vô hình cao thâm, một phần là “Hình nhi hạ học” thuộc về những điều thiết thực quan hệ tới nhân sinh thường ngày ở đời. 1.2.1. Hình nhi thượng học 1)Quan niệm về trời và người Học thuyết của Nho giáo lấy Thiên lý làm căn bản, trời đất và vạn vật đều có cái thiên lý ấy, cùng đồng một thể : “thiên địa vạn vật nhất thể”. Cái lý ấy lưu hành khắp trong vũ trụ, theo cái lẽ tương đối điều hòa mà sinh sinh hóa hóa, là nguyên nhân của mọi sự sinh hóa trong vũ trụ. Thoạt đầu vũ trụ chỉ là một khói mờ mịt hỗn độn, tức là đời “hỗn mang”. Trong cuộc hỗn mang ấy có cái lý vô hình rất linh diệu, cường kiện gọi là Thái cực, song Thái cực huyền bí vô cùng không thể nào biết được bản thể của lý ấy là thế nào, tuy nhiên có thể xem xét sự biến hóa của vạn vật mà biết được cái động thể của lý ấy. Cái động thể của lý ấy phát hiện ra bởi hai cái thể khác nhau là động và tĩnh, động là dương, tĩnh là âm, dương lên đến cực độ lại biến ra âm, âm lên đến cực độ lại biến ra dương, hai thể ấy cứ theo liền nhau rồi tương đối, tương điều hòa với nhau để mà sinh ra trời đất và vạn vật. Theo Nho giáo, Người là cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm dương, sự hội tụ của quỉ thần, cái khí tinh tú của ngũ hành. Trời đất sinh ra người phú cho cái tính rất quý, người lại bẩm thụ được hoàn toàn cả cái tinh thần linh diệu và cái khí chất tinh tú, cho nên mới nói là linh hơn cả vạn vật. Nhờ cái tinh thần và cái khí chất ấy người có cái sáng suốt để hiểu hết các sự vật. Nhờ cái sáng suốt ấy người ta hiểu được điều phải trái, việc hay dở, nhờ có nó người ta mới có cái giá trị rất cao và cùng với trời đất mà chiếm được địa vị tôn quí trong vũ trụ. Trong phần quan niệm về trời và người Nho giáo còn đề cập đến các khái niệm:Trung, Sinh, Nhân, Thiên mệnh, Quỷ thần, Kính và thành, Sinh và tử cùng một số khái niệm khác làm căn bản cho sự lý học của Nho giáo. 8 2) Đạo của Khổng tử Đạo ấy là đạo của người quân tử gồm tất cả cái phải, cái hay, tổng hợp các đức tính tốt để gây thành cái nhân cách hoàn toàn của người ta. Đạo của Ngài là đạo nhân, đạo cốt cầu lấy cái vui trong sự sinh hoạt ở đời. Cái vui ấy do ở sự điều hòa với lẽ tự nhiên của tạo hóa, bao giờ trong bụng cũng được thư thái, không để ngoại vật hệ lụy đến mình. 1.2.2. Hình nhi hạ học 1).Quân tử và tiểu nhân Khổng giáo chia người ở trong xã hội ra làm hai hạng là quân tử và tiểu nhân. Quân tử là quí, là hay; tiểu nhân là tiện, là dở. Đạo của Khổng tử là đạo người quân tử, cốt dạy người ta cho thành người có đức hạnh hoàn toàn, có nhân phẩm tôn quí, cho nên bao nhiêu những sự dạy dỗ học tập của Khổng giáo đều chú cả vào xây dựng thành người quân tử. Cái học của Nho giáo cốt lấy sự học đạo làm đầu, và lấy sự học nghệ thuật làm thứ. Sự học của người xưa cốt là học đạo của thánh hiền để hiểu nghĩa lý, biết phải trái mà sửa mình cho thành người có đức hạnh, chứ không chỉ vụ lấy biết nghề để kiếm ăn. 2) Sự giáo hóa và cách lập giáo của Khổng tử Cách dạy người của Khổng Tử trước hết dùng Thi Thư mà dạy, rồi Hiếu đễ mà đạo dẫn người ta, lấy nhân nghĩa mà giảng dụ, lấy Lễ nhạc mà khiến người ta xem xét, sau cùng mới lấy văn lấy đức mà làm cho nên người. Lối giáo hóa ấy trước hết lấy Thi, Thư mà gây nuôi tính tình và mở mang sự trí thức của người ta, rồi lấy Hiếu đễ, Lễ nhạc mà sửa tâm tính cho ngay chính, và lấy văn chương đạo đức mà trang sức thành vẻ tôn quí. Mục đích là đem người ta đến bậc nhân. 3) Chính trị Đạo của Khổng Tử cốt lấy đạo nhân làm gốc; lấy hiếu đễ, lễ nhạc làm cơ bản cho sự giáo hóa, để gây thành đạo nhân; lấy chính trị làm cái công dụng của đạo nhân mà thi thố ra ở đời. Làm việc chính trị cốt ở dùng người hiền; sửa mình mà dùng người hiền, lấy đạo mà sửa mình, lấy nhân mà sửa đạo. Hành động người ta không việc gì bằng việc chính trị, vì quan hệ đến hay dở của nhân quần, sự trị loạn của thiên hạ, những người có tài có đức phải đem cái hay cái giỏi của mình ra trị nước yên dân. Việc chính trị là việc khó, người có trách nhiệm trị nước trị dân cần phải lấy sự kinh nghiệm làm trọng, phải xem xét cái đạo của thánh hiền đời trước là thế nào, rồi mới có thể theo mà sửa đổi mọi việc được. 9 Nho giáo còn có các tư tưởng: Chính danh định phân, Tôn quân quyền, Thiên ý và dân tâm đồng thể, Quân dân tương thân, Thịnh đức của người quân tử, Hành chính tương tham, Cư kính hành giản, Thứ, Phú, Giáo, Kính cẩn và thận trọng… thể hiện quan điểm và cách làm chính trị của Nho giáo nhằm xây dựng một xã hội thịnh trị. 10 CHƯƠNG 2: Một số ảnh hưởng của Nho giáo đến phát triển nguồn nhân lực Việt Nam 2.1. Ảnh hướng của Nho giáo đến đến định hướng nghề nghiệp 2.1.1. Trỉnh độ và cơ cấu đào tạo của nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay 1. Trỉnh độ học vấn Mặc dù trỉnh độ giáo dục phổ thông ở Việt Nam là tương đối cao nhưng trỉnh độ chuyên môn, kỹ thuật của nguồn nhân lực nước ta còn thấp. Đến cuối năm 2003 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong lực lượng lao động là 17,5%, theo những thống kê khả quan nhất đến nay con số này cũng không vượt quá được 30%. 2. Cơ cấu trỉnh độ đào tạo: Cơ cấu trình độ đào tạo của đội ngũ lao động được đào tạo, cụ thể là tỷ lệ lao động có trỉnh độ đại học trở lên - A (lấy đơn vị là 1) so với số lao động học xong trung học chuyên nghiệp - B và số công nhân kỹ thuật – C là 1:1,1:3,7. Đem tỷ lệ này so sánh chúng ta có tỷ lệ gần với các nước phát triển hơn là các nước đang phát triển, đó là một điều bất hợp lý, mất cân đối. Sự mất cân đối này chẳng những chưa được khắc phục mà còn có xu hướng ngày càng gia tăng trong thời gian tới. Điều này làm cho nguồn lao động được đào tạo tuy thiếu về số lượng chung nhưng lại ế thừa về cơ cấu: xẩy ra tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", người "thiết kế" nhiều hơn người "thi công". 2.1.2. Những tư tưởng của Nho giáo ảnh hưởng tiêu cực đến định hướng nghề nghiệp 1. Nho giáo coi việc làm chính trị - làm quan là việc quan trọng nhất, tạo nên tâm lý theo đuổi danh vị không theo thực nghiệp Khổng Tử nói “Nhân đạo chính vi đại”, nghĩa là đạo người thì chính trị là lớn. Việc hành động của người ta không có bằng làm việc chính trị, vì chính trị quan hệ đến sự hay dở của nhân quần, đến sự trị an và loạn lạc của thiên hạ. Thể chế xã hội theo Nho giáo chỉ mở ra một con đường độc đạo để sống sung sướng: kiếm danh vị, học - thi đỗ - làm quan. Thực tế đó tạo ra trong xã hội tâm lý chạy theo danh vị, không chuộng thực nghiệp. Người có nghề cầm tay, trong thực tế cũng có thể đảm bảo cho bản thân và gia đình được no ấm, nhưng không ai coi đó là vinh dự. Cho nên người làm cha làm mẹ nào cũng cố gắng cho con đi học, người đi học nào cũng lo thi đỗ, có khi lo học lo thi đến hết cả đời người. Cái học ở đây không phải là để có tri thức mà là để kiếm danh vị. Việc làm giàu không 11 được coi là chính đáng, có làm giàu được cũng không được bảo vệ. Hưởng thụ của cải do mình làm ra nếu không hợp danh vị, thì cũng phải vụng trộm, giấu giếm, không đàng hoàng. Công cuộc xây dựng kinh tế nước hôm nay tuy có những thành công lớn nhưng đã gặp rất nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân nhưng cũng có một phần là cách suy nghĩ, tính toán theo lối mòn vạch sẵn của Nho giáo để lại, chạy theo danh vị không chuộng thực nghiệp. Quần chúng cũng còn có tâm lý ỷ lại, trông ngóng, chờ ơn huệ từ Đảng, Nhà nước. Thanh niên và các bậc phụ huynh lại toan tính con đuờng chắc chắn: học cho có bằng cấp, vào biên chế, sống dựa vào nhà nước, kiếm lộc, kiếm bổng. Chuẩn bị vào đời bằng bằng cấp chứ không phải bằng nghề nghiệp tự lập. 2. Nho giáo coi thường các nghề thực nghiệp khác, đặc biệt là thương nghiệp Học trò của Khổng Tử hỏi ông về việc làm vườn, về việc đi buôn, ông đều bực mình mà chẳng nói. Bởi ông cho rằng những việc này là của tiểu nhân, nghĩ đến điều ấy cũng là tiểu nhân rồi. Các nhà Nho sau này cũng đều cho đó là những việc nhỏ, không phải là việc lớn cho người quân tử đáng làm. Truyền thống Nho sĩ cho việc phò vua trị nước là việc lớn, còn những việc khác như làm ruộng, làm vườn, làm thuốc, bói toán... là những việc nhỏ. Nho giáo đặc biệt coi thường thương nghiệp, coi nghề buôn bán là nghề của kẻ tiện trượng phu (người hèn hạ). Trong dân gian cũng có câu "phi thương bất phú", nhưng mọi người đều có suy nghĩ chung là đã "buôn bán thì phải nói dối", tức là đã đánh mất đạo đức, cho nên các cụ già cũng thường khuyên con cháu "vạn cổ, đừng làm nghề buôn”. Kinh sách Nho giáo có câu: “Quân tử chỉ chuộng nghĩa, tiểu nhân chỉ chuộng lợi", mà phàm người đã đi buôn thì trong đầu luôn nghĩ đến chữ lợi, đặt chữ lợi lên trên, tức là kẻ tiểu nhân vậy. 2.1.3. Những tư tưởng của Nho giáo ảnh hưởng tích cực đến định hướng nghề nghiệp Thực ra Khổng Tử không hề ghét giàu sang, mà còn coi trọng việc theo đuổi giàu sang, cổ vũ việc theo đuổi phú quý, nhưng đòi hỏi một điều là đó là giàu sang, phú quý phải theo đúng đạo lý nhân nghĩa. Sau khi đã khẳng định vai trò nhân nghĩa trong cuộc sống của con người, Khổng Tử đã dùng những lời mạnh mẽ để cổ vũ việc làm giàu. Theo ông, nước vô đạo mà lợi dùng hoàn cảnh ấy để làm giàu thì là một điều đáng xấu hổ, nhưng khi đất nước có đạo, nghĩa là được phát triển lành mạnh, có thể làm giàu một cách chính đáng mà không làm giàu được thì cũng là điều đáng xấu hổ. 12 Khổng Tử chủ trương dùng kế sách chính đáng hợp pháp, lao động cần cù, tiết kiệm phù hợp với hoàn cảnh để giành được địa vị phú quý, còn như bất nghĩa mà phú quý thì như đám mây trôi chẳng mấy chốc là tan, không có ý nghĩa gì cả. Trong sách Luận Ngữ cũng kể rằng: "Khổng Tử đã từng nói: vì không được quốc gia trọng dung nên học được một số công nghệ, kỹ thuật". Người quân tử không chỉ có con đường làm quan là duy nhất, người có chí khí và tài đức không được trọng dụng thì hãy nên bỏ công sức và học tập theo một nghề nghiệp thực nghiệp, nhất định sẽ đạt tới những tinh hoa của nghề nghiệp, tìm được niềm vui trong việc đúc rút những kinh nghiệm và tìm ra được quy luật nội tại của sự vật, đồng thời mưu cầu một cuộc sống đầy đủ, giàu có, tạo hạnh phúc cho bản thân và gia đình, đóng góp cho xã hội. 2.2. Ảnh hưởng của Nho giáo đến quan điểm giáo dục đào tạo con người 2.2.1. Mục đích, nguyên tắc, nội dung và phương pháp giáo dục của Nho giáo Mục đích giáo dục Đạo của Khổng Tử là đạo "nhân" vì vậy mục đích giáo dục mà ông đề ra cũng chính là hoàn thành mục tiêu của "nhân". Mục đích giáo dục của Khổng Tử nói riêng và của Nho giáo nói chung có thể tạm phân chia thành các mục đích sau: Một là cầu đạo; Hai là hoàn thành nhân cách lý tưởng, Ba là, bồi dưỡng nhân tài chính trị; Bốn là, làm sáng tỏ cái đức sáng của bản thân khiến dân đổi mới, đạt tới chỗ chí thiện. Nguyên tắc giáo dục Trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử có hai nguyên tắc lớn: một là hữu giáo vô loại, hai là chú trọng giáo dục đạo đức và nhân cách. Một là hữu giáo vô loại: Con người không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, khôn ngoan, ngu đần... miễn là đến học thì đều có cơ hội tiếp thu sự giáo dục. Hai là, chú trọng giáo dục đạo đức và nhân cách. Ông cho rằng chỉ có đề xướng giáo dục đạo đức và nhân cách thì mới có thể cứu xã hội khỏi cơn phong ba loạn lạc. Khổng Tử lấy: văn chương, đức hạnh, trung và tín dạy người thì ngoài văn chương ra, còn lại đều thuộc vấn đề đạo đức. Ông bắt các đệ tử của mình trước tiên phải tu dưỡng đạo đức bản thân, sau đó mới học văn chương. Đạo đức là tiêu chuẩn cơ bản của giáo dục Khổng Tử. Nội dung giáo dục Trong khi dạy học, Khổng Tử thường tùy vào năng khiếu của mỗi người mà chia ra bốn loại phạm vi học thuật để đạt được mục tiêu giảng dạy, bốn loại đó đức hạnh, ngôn ngữ, chính sự, văn chương. Đức hạnh nhằm phát triển cho những 13 người thực hành phẩm chất đạo đức. Ngôn ngữ chủ yếu dành cho những người cần biện luận lý thuyết. Chính sự dành cho những người hoạt động chính trị, cai quản quốc gia. Văn học dành cho những người muốn đi sâu nghiên cứu văn chương. Tài liệu giáo dục chủ yếu của Khổng Tử là lục kinh: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc, Xuân Thu. Khi giảng Lục kinh ông tập trung vào bốn mặt: văn, hạnh, trung, tín và lấy những diễn biến xã hội trước mắt để chứng minh cho đạo lý. Ông chú trọng dạy đạo làm người trước khi dạy kiến thức. Ông cũng còn kết hợp dạy lục nghệ cho học trò (Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số). Nhưng trọng tâm giáo dục học trò của ông vẫn là hành vi đạo đức và ý thức trách nhiệm đối với xã hội, đối với vua, đối với cha mẹ và anh em bè bạn. Phương pháp giáo dục Khổng Tử là một nhà giáo dục vĩ đại, phương pháp giáo dục của ông không chỉ có giá trị thực tiễn cao mà còn có tác dụng đối với cả giáo dục học ngày nay. Có thể tạm tổng hợp phương pháp giáo dục của Khổng Tử thành chín điểm chính: Một là, thích ứng với từng người; Hai là, coi trọng cả học tập và tư duy; Ba là kết hợp chặt chẽ học với luyện tập; Bốn là, bồi dưỡng hứng thú học tập; Năm là, đề cao tinh thần tự giác; Sáu là, chú trọng vào sự nỗ lực; Bẩy là, chú trọng đến việc học tập lẫn nhau; Tám là, có phương hướng và phương châm học tập đúng; Chín là, dạy và học cùng thúc đẩy nhau. 2.2.2. Định hướng giáo dục đào tạo con người trong thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Trong văn kiện Đại hội đảng VII có nêu rõ mục tiêu giáo dục đào tạo "Hình thành đội ngũ lao động có tri thức, có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động, sang tạo, có đạo đức cách mạng, có tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Nhà trường đào tạo thế hệ trẻ theo hướng toàn diện, có năng lực chuyên sâu, có ý thức và khả năng tự tạo việc làm trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần". Nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục là nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc; có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực cá nhân, làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, kỹ năng thực 14 hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tổ chức kỉ luật, có sức khỏe, là người thừa kế xây dựng CNXH vừa hồng và chuyên". 2.2.3. Ảnh hưởng của Nho giáo đối với giáo dục đào tạo con người Việt Nam Chế độ học tập và thi cử theo Nho giáo đã tác động đễn toàn xã hội cả tốt và xấu. Mặt tốt là tạo được truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống coi trọng người có học, tạo ra những con người có khí tiết và nhân cách lớn. Mặt xấu là chế độ khoa cử đó đã tạo ra tâm lý học là để đỗ đạt, học để thi chứ không phải để thực hành làm việc. Nội dung học tập của Nho giáo cũng không tính tới giáo dục mỹ học và thể dục là những mặt rất cần cho sự phát triển toàn diện của con người. Về mặt kiến thức, Nho học cũng không chú trọng tới những những kiến thức về giới tự nhiên và về sản xuất vật chất là những kiến thức cần thiết cho sự phát triển của xã hội, khiến cho người học bỡ ngỡ trước các hiện tượng và quy luật vận động của giới tự nhiên, đi tới thần bí hóa, khiến họ không tham gia vào được quá trình sản xuất, không đóng góp trực tiếp cho quá trình đó, có khi còn kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Nho giáo quá coi trọng quá khứ, thiên về nêu gương các thánh hiền đời xưa, coi mọi thứ của Thánh hiền nói ra là hoàn hảo, người sau chỉ theo học mà ít tranh luận. Người học trò Việt Nam tự nhốt mình trong những khuân phép bất di bất dịch, tự hạn chế mục đích và tư duy của mình vào việc thi cử theo khuân mẫu. Tình trạng trên kéo dài hàng nghìn năm đã đóng vai trò quyết định vào việc tạo nên tâm lý cam chịu và thụ động của đại đa số người Việt, một tâm lý tiếp tục tồn tại và phát huy ảnh hưởng tiêu cực của nó đến cả ngày nay. Trong các trường học Việt Nam, mọi người đều công nhận rằng học sinh Việt Nam chăm học, nhưng chăm học không đi đôi với chăm nghĩ, sáng tạo, nên tuy có kết quả học tập tốt nhưng ra trường lại làm việc tồi. Nền giáo dục của chúng ta hiện nay cũng có khuynh hướng trang bị cho người học lượng kiến thức càng nhiều càng tốt mà ít chú ý đến dạy học sinh phương pháp tư duy, tiếp nhận thông tin. Khuynh hướng này có cội nguồn lâu đời từ việc sĩ tử phải thông thuộc Tứ Thư, Ngũ Kinh. Dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên đào tạo ra có nguy cơ lạc hậu ngay khi nhận bằng tốt nghiệp, nhiều cơ sở sử dụng lao động phải bỏ tiền và thời gian ra đào tạo lại, hoặc phải làm những công việc giản đơn không đúng chuyên môn. Ngày nay khi cơ chế thị trường ngày càng len lỏi vào mọi tế bào xã hội, mọi ngõ ngách của đời sống tinh thần thì các biểu hiện phi đạo đức bùng lên như những cơn lốc làm xao động cả nền tảng đạo đức xã hội. Trong bối cảnh như vậy 15 các giá trị đạo đức Nho giáo hiện nay rất được quan tâm, cả trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo nói riêng và toàn xã hội nói chung. Nhiều giá trị đạo đức Nho giáo đã được tuyên truyền hồi phục, tuy nhiên đã có những sự thay đổi, mang những nội hàm mới phù hợp với thời đại. Phần lớn các nhà trường phổ thông đã đề ra khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", các bài học đạo đức cũng được chú trọng trong chương trình giảng dạy. Các giá trị đạo đức Nho giáo đã trở thành giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc được tuyên truyền, khuyến khích như biết giữ tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo, cung kính hiễu đễ với cha mẹ, sống hài hòa với làng xóm láng giềng, tôn trọng người lớn tuổi, xem trọng pháp luật.... Chương 3: Khai thác tư tưởng Nho giáo phục vụ phát triển nguồn nhân lực Việt Nam 3.1. Những đòi hỏi về nguồn lực con người trong quá trính công nghiệp hóa hiện đại hóa Thời kỳ hiện nay được xác định là thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, thời kỳ cách mạng khoa học - công nghệ phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, là thời kỳ công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa với xu thế trí tuệ hóa lao động, là thời kỳ mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại quốc tế, hội nhập quốc tế. Trước hết đòi hỏi người lao động Việt Nam phải có lòng yêu nước thiết tha, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần tự tường tự hào dân tộc, quyết chí đưa đất nước đi lên, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội hội công bằng, văn minh”. Tinh thần yêu nước trong thời kỳ mới cũng phải mang những nội dung mới: đó là sự dũng cảm vượt qua bản thân, qua những tính toán vị kỷ, đầu óc hẹp hòi, trì trệ, bảo thủ, không chịu học hỏi, không chịu đổi mới, yếu kém về trí tuệ; đó là thái độ không chịu đói nghèo, lạc hâu, dám nghĩ dám làm, hội nhập quốc tế; đó là tinh thần hợp tác; là tinh thần sáng tạo, táo tạo trong tư duy, hăng say học tập, không ngừng nâng cao hiểu biết, trỉnh độ chuyên môn; là tinh thần lao động chăm chỉ, có kỹ thuật, sáng tạo, hiệu quả cao, quyết chí làm giàu cho bản thân, gia đình, tập thể và xã hội. Tinh thần yêu nước còn biểu hiện ở bản lĩnh chính trị vững vàng trước cám dỗ đời thường và lối sống phương Tây xa lạ, ở phẩm chất đạo đức trong sáng với lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng đạo lý… 16 Người lao động cũng đòi hỏi phải có phẩm chất trí tuệ cao, có năng lực sáng tạo, khả năng áp dụng những thành tựu khoa học, người lao động ở chức trách nào thì cũng phải tinh thông nghiệp vụ của mình. Trong đội ngũ lao động, lực lượng trụ cột là đội ngũ công nhân phải lành nghề, sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ đạt chất lượng chuẩn mực quốc tế để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước lẫn người tiêu dùng quốc tế. Cơ cấu nòng cốt của đội ngũ lao động là đội ngũ trí thức, họ phải thành thạo chuyên môn, nghề nghiệp, có khả năng tiếp thu và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, tinh hoa văn hóa thế giới và di sản văn hóa dân tộc vào thực tiễn Việt Nam. Phải hình thành cho được đội ngũ nhân lực có trình độ cao, là lực lượng xung kích trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến và ứng dụng có hiệu quả vào Việt Nam. Trong đội ngũ nhân lực trỉnh độ cao phải có được các nhân tài làm hạt nhân, họ là những người có năng lực khai phá những con đường mới mẻ trong nghiên cứu khoa học, đạt được những thành tựu mới có ý nghĩa thực tiễn phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đội ngũ này phải thực sự là đội ngũ các nhà khoa học đầu đàn, tiêu biểu cho tinh hoa trí tuệ dân tộc, có nhiệm vụ chủ trì những hướng, những ngành, những lĩnh vực khoa học - công nghệ quan trọng, then chốt của đất nước, rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các nước tiên tiến. Ngoài ra người lao động phải có sức khỏe, cả sức khỏe cơ thể lẫn sức khỏe tâm thần; người lao động phải có văn hóa lao động công nghiệp; có văn hóa sinh thái; có ý thức tạo ra, vun đắp và gìn giữ những giá trị nhân văn; có năng lực phát huy những giá trị văn hóa dân tộc kết hợp với việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại. 3.2. Kế thừa và loại bỏ những tư tưởng của Nho giáo về định hướng nghề nghiệp 1) Khắc phục tâm lý quá coi trọng danh vị, coi trọng bằng cấp Người Việt Nam trong tiềm thức vẫn có bức tranh “Vinh quy bái tổ”, chữ song hỷ, cảnh ngựa anh đi trước võng nàng đi theo. Chúng ta vẫn còn tinh thần trọng từ chương từ thời học Tứ Thư, Ngũ Kinh, tinh thần trọng bằng cấp từ thời thi Hương, thi Hội, thi Đình, mặc dù biết rằng lối học và hành đó thiếu hẳn tính khoa học, thực nghiệm, thiếu hẳn tính thực dụng và thực nghiệp để áp dụng vào xã hội công nghiệp hóa hiện đại ngày nay. Những tinh thần cũ ấy đã dẫn đến bệnh quá coi trọng bằng cấp, lối học không theo kiến thức mà để lấy bằng cấp…tạo ra nhân sinh quan vừa làm vừa hưởng nhàn, như cố gắng học để thi lấy cái bằng, rồi 17 tìm một công việc nhàn hạ mà lương cao… không cần biết là cơ quan hay công ty nơi mình làm việc sẽ đi về đâu. Để giải quyết vấn đề này cần có những giải pháp trị gốc lẫn trị ngọn. Giải pháp trị tận gốc ở đây là chính là phải có chính sách sử dụng con người đúng đắn, cách sử dụng con người không dựa trên bằng cấp mà dựa trên khả năng thực sự. Phải đảm bảo được sự phù hợp trong tuyển dụng, đánh giá, sắp xếp và đề bạt cán bộ khi dùng người. Trong việc lựa chọn cán bộ, phải liên tục lựa chọn và sàng lọc, đánh giá chất lượng cán bộ phải lấy thực tài qua công việc làm trọng chứ không phải dựa vào bằng cấp, hàm vị; đánh giá đức cán bộ phải thể hiện qua cần, kiệm, liêm, chính, ở sự trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc. Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền và lấy những ví dụ thực tế rằng con đường thành đạt không nhất thiết cứ phải là con đường đại học. Nhiều người đã thành công nhờ vào cách học tập từ yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, học từ thực tế, tự học tập bồi dưỡng mà không cần bằng cấp. Chúng ta cũng cần những biện pháp trị ngọn, giải quyết và khắc phục các hiện tượng có chiều hướng tác động xấu đến sự phát triển nguồn nhân lực. Trước hết cần phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng của các trường đại học nhất là các trường đại học mới thành lập, phải có các tiêu chí đánh giá chất lượng học sinh đào tạo ra, số học học sinh tìm được việc làm sau khi ra trường… có thể đánh giá lại, hạ cấp thậm chí giải tán các trường đại học-cao đẳng không đạt yêu cầu. Cần tránh tình trạng biến giáo dục thành một ngành kinh doanh vì lợi nhuận mà bỏ qua các yêu cầu cơ bản của giáo dục. Việc du học cũng nên có cơ chế và chính sách kiểm soát thích hợp cũng như các biện pháp tuyên truyền, cung cấp và quản lý thông tin du học, tránh tình trạng du học ồ ạt không có hiệu quả. 2) Loại bỏ tư tưởng coi thường các nghề thực nghiệp Nho giáo tạo ra một xã hội coi thường lao động, sản xuất, coi thường nghề nghiệp, coi thường kinh doanh. Chúng phải thay đổi cách nhìn theo con đường kỹ thuật của phương Tây, tức phải phá vỡ cái truyền thống xem diện mạo con người căn cứ vào địa vị, chức tước, gia thế, thành phần lý lịch để chỉ chấp nhận một tiêu chí duy nhất là sự cống hiến bằng lao động, với tư cách người thợ, người bác học, người nghiên cứu, người kinh doanh trong cố gắng thay đổi một hiện trạng đã có, để dẫn tới một sự đổi mới có giá trị kinh tế. Nếu ngày xưa các ông nghè vinh quy, võng anh đi trước võng nàng theo sau được mọi người tôn trọng thì những người thợ giỏi, những nghệ sĩ, những nhà kinh doanh, những nhà buôn, những thầy thuốc, kỹ sư, những người sống trọn đời 18 cho quyền lợi những người lao động đều phải có diện mạo mới, phải được tôn vinh. 3) Loại bỏ tư tưởng coi thường thương nghiệp, thương nhân Nho giáo đặc biệt coi thường thương nghiệp, coi nghề buôn bán là nghề của kẻ tiện trượng phu (người hèn hạ). Ngay nay vai trò của thương nghiệp rất quan trọng, không có thương nghiệp thì sản xuất cũng không thể phát triển được. Nền sản xuất phát triển, tư bản thương mại và tư bản công nghiệp đã có sự kết hợp, thương nhân không chỉ làm buôn bán thương mại hàng hóa đơn thuần mà còn kết hợp với sản xuất, làm dịch vụ, tầng lớp thương nhân chuyển biến và thay đổi, ngày nay thường được gọi là tầng lớp doanh nhân. Giải thích về từ ngữ: doanh nhân có thể hiểu là những người chủ của doanh nghiệp; còn thương nhân xét về mặt lịch sử có sớm hơn từ “doanh nhân”, chỉ một tầng lớp làm nghề buôn bán trong "sĩ, nông, công, thương", những thương nhân giàu có thì gọi là thương gia. Các cơ quan chức năng của Đảng, của nhà nước và các đoàn thể cần tạo ra môi trường thuận lợi, trước hết là môi trường tâm lý xã hội, để các doanh nhân yên tâm làm giàu. Dư âm về những cuộc cải tạo công thương nghiệp, những cuộc kiểm tra hành chính, chỉ thị Z30… vào thời kỳ trước đổi mới chưa hẳn đã phai mờ trong ký ức của họ. Các doanh nhân thuộc cả khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước cần nên được đối xử công bằng, nhất là việc đảm bảo được quyền sở hữu tài sản cá nhân cho họ, doanh nhân thuộc doanh nghiệp nhà nước cũng cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để tạo động lực. Chúng ta cũng cần thường xuyên mở các đợt tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng khuyến khích doanh nhân làm giàu cho doanh nghiệp mình tức là cho đất nước. 4) Kế thừa tư tưởng làm giàu phù hợp với đạo lý Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan đều dựa vào nhiều quan điểm hợp lý trong Nho giáo để đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, vừa khuyến khích vật chất, vừa cổ vũ tinh thần, gắn lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, thống nhất Nghĩa và Lợi, kết hợp sự tu dưỡng đạo đức với việc tính toán làm giàu. Nhật Bản cổ vũ mọi người phải cố gắng làm giàu cho tổ quốc, cho gia đình và cho bản thân, đồng thời phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức, làm tròn trách nhiệm của con người trên các lĩnh vực tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Hiện nay, Việt Nam cũng như các nước phát triển khác ở châu Á đều khuyến khích mọi người làm giàu cho đất nước và cho bản thân mình. Chúng ta cũng phải xuất phát từ tình hình cụ thể của đất nước để khai thác những tư tưởng tích cực 19 trên của Nho giáo. Chúng ta cần cổ vũ mọi người làm giàu cho mình và cho đất nước. Không được làm giàu một cách phi pháp và bất nghĩa. Cũng không được đem những khẩu hiệu đạo đức suông để cản trở việc làm giàu. Chúng ta cần tuyên truyền và ủng hộ việc làm giàu chính đáng, thừa nhận ai cũng có quyền làm giàu và được bảo vệ việc làm giàu, mọi người đều có thể làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Giá trị tự do trước đây được hiểu là quyền tự do của toàn dân tộc, giờ còn mang nhiều ý nghĩa về quyền tự do cá nhân – tự do học tập, tự do lập nghiệp, tự do hành nghề, tự do mưu cầu hạnh phúc. Không vì mặt trái của đồng tiền mà coi nhẹ chức năng xã hội của nó, có định kiến vô lý với nó, không ủng hộ việc làm giàu chính đáng, bằng lòng với cái nghèo thanh bạch. Cần tuyên truyền lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức chăm lo lợi ích tập thể và đất nước; phê phán lối sống thực dụng, ích kỷ, dối trá, ăn bám, chỉ chạy theo đồng tiền. 3.3. Kế thừa và loại bỏ những tư tưởng của Nho giáo về giáo dục đào tạo con người 3.3.1. Những nguyên tắc kế thừa và phát huy 1) Cần có cái nhìn biện chứng đối với tư tưởng Nho giáo, đối với việc kế thừa truyền thống Nho giáo trong giáo dục đào tạo hiện nay 2) Cần có quan điểm lịch sử cụ thể trong việc lựa chọn khuynh hướng hạt nhân để kế thừa, phải xuất phát từ yêu cầu của con người hiện đại, của nền giáo dục hiện đại để nhìn nhận giá trị giáo dục của Nho giáo. 3) Cần phải nâng những giá trị của Nho giáo lên trình độ hiện đại để kết thừa và phát huy những giá trị của Nho giáo. 3.3.2 Một số tư tưởng cần kế thừa và loại bỏ 1)Loại bỏ tư tưởng coi thường tri thức về khoa học tự nhiên, về sản xuất, dạy nghề... trong giáo dục Không chỉ ở Việt Nam mà các nước đang phát triển ở châu Á chịu ảnh hưởng của đạo Nho cũng bị ảnh hường, chính một phần do những thái độ về văn hóa này mà việc dạy nghề và kỹ thuật chuyên môn tại nhiều nước đang phát triển ở châu Á bị coi nhẹ ngay đến cả ngày nay. Ở Việt Nam ngày nay nó vẫn âm thầm ảnh hưởng, chi phối đến cách nghĩ, cách làm của rất nhiều người. Qua điều tra tâm lý nguyện vọng của các học sinh cuối cấp phổ thông trung học và các bậc phụ huynh cho thấy: Hầu hết các em và các bậc cha mẹ đều có nguyện vọng để các em thi vào đại học, số người muốn dự thi, tiếp tục học ở các trường dạy nghề là rất ít. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan