Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Yếu tố giễu nhại trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp...

Tài liệu Yếu tố giễu nhại trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp

.PDF
112
936
149

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 BÙI NGỌC ANH YẾU TỐ GIỄU NHẠI TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM HÀ NỘI, 2013 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1.1. Từ sau 1975, đặc biệt là từ năm 1986 với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị cho tới văn hóa xã hội đều có sự chuyển biến tích cực. Hòa chung với xu thế ấy, văn học nghệ thuật cũng không ngừng tự đổi mới với những chuyển mình đáng ghi nhận mà trước hết là đổi mới trong quan niệm nghệ thuật, cách thức chọn đề tài. Được cổ xúy bởi hoàn cảnh đất nước, hiện thực khách quan, ý thức dân chủ tăng cao, nhà văn dần hướng ngòi bút của mình vào những vấn đề góc cạnh, nhạy cảm và mang tính thời sự hơn. Cảm hứng sự thật dần rõ nét trong dòng chảy văn học đương đại với nhiều xu hướng tìm tòi cách tân trong phương thức thể hiện. Yếu tố giễu nhại với sự trở lại khá ấn tượng, đầu tiên chỉ là một nét chấm phá trong dàn đồng ca bên cạnh các yếu tố huyền ảo...(chỉ với tư cách là một nét tô điểm thêm làm mềm đi, mượt mà hơn cái hiện thực được phản ánh, bớt chút căng thẳng cho người đọc khi tiếp nhận tác phẩm), tiến tới vị trí tham gia lĩnh xướng bản hòa âm các yếu tố và trở thành một thủ pháp thể hiện hiệu quả cảm hứng phê phán thời kỳ mới. 1.2. Trong các nhà văn đương đại Việt Nam việc sử dụng yếu tố giễu nhại trong sáng tác là một điều dễ nhận thấy với những mức độ đậm nhạt khác nhau. Trong rất nhiều gương mặt của thời kì này, chúng tôi chọn Nguyễn Huy Thiệp. Bởi lẽ, nhà văn là người có ý thức sâu sắc về sự đổi mới thể loại không chỉ nội dung mà tập trung hơn, sâu sắc hơn về mặt kĩ thuật truyện ngắn. Một mặt nhà văn dám chấp nhận mạo hiểm trong sáng tạo, hướng ngòi bút đến chân trời tự do, coi “cái điên” như một phẩm chất quan trọng của sự sáng tạo nghệ thuật chắc chắn không thể dừng lại ở những khuôn mẫu có sẵn. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, người đọc có thể bắt gặp cái gì đó vừa quen vừa lạ. Đó là muôn mặt đời thường trong cuộc sống, bầu không khí huyền ảo trong những câu chuyện đậm chất dân gian, những lịch sử xa xưa hiện hữu ngay trong cuộc sống xô bồ, hỗn tạp của hôm nay với những cảnh dở khóc, dở cười. Tiếng cười đó hiện lên trong những trang văn của Nguyễn Huy Thiệp có khi hài hước, chế giễu, có khi thâm trầm mà người đọc phải nghiên cứu tìm hiểu mới có thể cảm nhận và nắm bắt được. Đó là lí do để chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài “Yếu tố giễu nhại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”. 2. Lịch sử vấn đề 2.1. Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn xuất hiện muộn trên văn đàn Việt Nam (năm 1987). Nhưng sau hơn hai mươi năm xuất hiện trên văn đàn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã khiến thế giới dư luận trong và ngoài nước tốn không biết bao nhiêu giấy mực, người khen, người chê, người say đắm, kẻ hững hờ... Nhiều thế hệ đã đọc, suy ngẫm cùng truyện ngắn của nhà văn này. Chỉ tính riêng trong giới phê bình văn học, không kể đến những bài báo liên quan đến ông, có lẽ Nguyễn Huy Thiệp là hiện tượng gây tranh cãi nhiều nhất trong suốt hai mươi năm qua. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên còn chủ sự cả tập Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, với nhiều ý kiến phê bình của nhiều tên tuổi uy tín như Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Đức Hiểu, Greg Lockhat, Lại Nguyên Ân... hay những nhà văn, nhà thơ đứng đối chiếu như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh... 2.2. Các nhà nghiên cứu văn học đã nhận ra sự biến đổi sâu sắc và rõ rệt của truyện ngắn Việt Nam thời kì đổi mới. Các nhà phê bình đã giành khá nhiều bút lực để đánh giá, nghiên cứu về thời kì phát triển này của truyện ngắn. Các tác giả Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Huệ khẳng định, văn học đương đại phát triển theo xu hướng dân chủ hóa, có ý nghĩa bổ xung, hoàn thiện những quan niệm hiện thực về con người cho văn học giai đoạn trước. Đặc biệt các công trình, bài viết nhìn chung đều đánh giá cao đóng góp của truyện ngắn trong việc phản ánh hiện thực đời sống xã hội. Những đổi mới về nội dung tất yếu dẫn đến sự thay đổi về hình thức thể loại truyện ngắn. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét: về khía cạnh thi pháp, truyện ngắn 1986 - 2000 đã trở nên phong phú về hình thức, phong cách và bút pháp. Ngoài ra còn có nhiều bài viết phần lớn đều nêu lên những suy nghĩ, cảm nhận về nội dung hoặc nghệ thuật, về những phương diện đổi mới của từng truyện ngắn hay tập truyện ngắn cụ thể. Qua đó góp phần khẳng định xu thế đổi mới tất yếu của thể loại cũng như của nền văn học Việt Nam giai đoạn này. 2.3. Aristot có câu nói nổi tiếng “Người là sinh vật duy nhất biết cười”. Tiếng cười trong văn học được biểu hiện dưới nhiều hình thức: hài hước, giễu nhại, trào lộng, trào phúng, trào tiếu nhằm mỉa mai, châm biếm. Nhiều công trình nghiên cứu văn học Việt Nam sau 1975 đã đề cập đến cái hài trong tác phẩm với cảm quan trào lộng, trào tiếu, giải thiêng những giá trị cũ đã từng ăn sâu, bám rễ trong đời sống văn học và tâm thức dân tộc. Trong văn học đổi mới, yếu tố giễu nhại đã xuất hiện trở lại. Cùng với đó, nhiều công trình nghiên cứu văn học đã chỉ ra ý nghĩa của yếu tố giễu nhại đối với một giai đoạn văn học mới. PGS.TS Nguyễn Thị Bình Là người đầu tiên có công trình nghiên cứu qui mô về những đổi mới của văn học Việt Nam sau 1975 với phát hiện cảm hứng giễu nhại chính là một trong những đặc điểm nổi bật trong giai đoạn văn học này. Với luận án tiến sĩ khoa học Ngữ văn “Những đổi mới của văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau 1975” (1996), tác giả đã đưa ra nhận xét: “ở các nhà văn trẻ, nổi bật lên là giọng giễu nhại...”, “họ đưa vào văn chương cái nhìn suồng sã, không quan trọng hóa cái gì, có khi cực đoan đến mức không coi cái gì là quan trọng” [3]. Qua nhận định trên tác giả của luận án đã đánh giá đặc điểm nổi bật của văn học đương đại Việt Nam với sự trở lại của yếu tố giễu nhại. Nhà nghiên cứu Lã Nguyên trong bài viết “Nhìn lại những bước đi, lắng nghe những tiếng nói” đã khẳng định đặc điểm nổi bật của văn học sau 1975 với: “Giọng lu loa sừng sộ, tiếng gầm gào cuộn réo trong văn học thời kì đổi mới không thể cất lên thành tiếng hát. Cái vô lí, cái phi lí, chất văn xuôi và vẻ đẹp của đời sống phồn tạp chỉ có thể hóa thân vào tiếng cười trào tiếu, giễu nhại để văn học thế sự biến thành tiếng nói nghệ thuật. Hình như giễu nhại đã trở thành kiểu quan hệ đời sống mang phong cách thời đại...”. Yếu tố giễu nhại đã trở thành đặc điểm rõ nét trong các công trình nghiên cứu văn xuôi đương đại với những tác giả như: Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh... PGS.TS La Khắc Hòa nhấn mạnh sáng tác của Phạm Thị Hoài: “nói rất to, rất tự nhiên bằng thứ ngôn ngữ suồng sã, những chuyện mà người ta thường giấu kín, hay giả sử nói ra cũng chỉ nói thầm, nói nhỏ. Mỗi sáng tác của Phạm Thị Hoài vì thế giống như một hình tượng ngôn ngữ giễu nhại”... Trong các công trình nghiên cứu khoa học trong các trường đại học cũng ghi nhận sự xuất hiện của yếu tố giễu nhại trong các sáng tác văn xuôi đương đại. Tác giả Nguyễn Thị Hằng trong luận văn của mình cũng đã nghiên cứu “Cảm hứng giễu nhại trong sáng tác của Phan Thị Vàng Anh” (2006) [16]. Trong đó người viết đã khảo sát trên diện rộng những sáng tác tiêu biểu của Phan Thị Vàng Anh, từ đó đề cập đến nét chính của giễu nhại hiện đại. Có thể nhận thấy rằng, tìm hiểu về yếu tố giễu nhại trong sự phát triển của nền văn học Việt Nam đương đại đã có sức hút to lớn đối với giới phê bình, nghiên cứu văn học. Từ đó, người viết có thể khẳng định yếu tố giễu nhại đã trở thành một xu thế thời đại của văn học Việt Nam hiện đại. Nguyễn Huy Thiệp là một tác giả có những truyện ngắn thu hút được bạn đọc và giới nghiên cứu văn học. Chính vì thế, đã có những công trình nghiên cứu các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp rải rác trong các trường đại học hướng vào phát hiện: Nghệ thuật trần thuật, nghệ thuật kể chuyện, tính chân thật, tư duy, quan niệm về con người trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Như vậy, qua khảo sát người viết nhận thấy chưa có công trình nào đi sâu tìm hiểu yếu tố giễu nhại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Đó là lí do chúng tôi triển khai đề tài: “Yếu tố giễu nhại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng Nội dung nghiên cứu của luận văn chính là yếu tố giễu nhại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Thành tựu của Nguyễn Huy Thiệp được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng thành công nhất là ở lĩnh vực truyện ngắn. Trong luận văn này chúng tôi chỉ có thể giới hạn nghiên cứu trong Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (NXB phụ nữ, 2002). 4. Mục đích nghiên cứu Qua việc nghiên cứu đề tài “Yếu tố giễu nhại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”, chúng tôi muốn chỉ ra những điểm nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đó chính là yếu tố giễu nhại. Qua yếu tố giễu nhại, chúng tôi đi sâu tìm hiểu về nhại muôn mặt đời thường, nhại lịch sử, nhại truyện dân gian cũng như những đóng góp của nhà văn trong đổi mới nghệ thuật văn chương. 5. Phương pháp nghiên cứu 1. Phương pháp phân tích tác phẩm 2. Phương pháp tiếp cận hệ thống, tổng hợp 3. Phương pháp nghiên cứu lịch sử 4. Phương pháp phân loại thống kê 5. Phương pháp so sánh 6. Đóng góp mới của luận văn Về mặt lí luận, người viết muốn làm nổi bật những đặc điểm về yếu tố giễu nhại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Trên cơ sở khẳng định thêm sự đúng đắn tin cậy của con đường nghiên cứu văn học hiện nay. Về mặt thực tiễn, nghiên cứu đề tài này, chúng tôi muốn tìm hiểu những đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp cho nền văn xuôi tự sự Việt Nam. Thông qua đó để góp phần khẳng định tài năng và vị trí của Nguyễn Huy Thiệp trong nền văn học mới và giúp người đọc có những kiến giải sâu sắc về nhà văn này. 7. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và phần thư mục tham khảo, luận văn triển khai trong 3 chương chính: Chương 1: Yếu tố giễu nhại và nhại muôn mặt đời thường trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Chương 2: Nhại các nhân vật lich sử trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Chương 3: Nhại truyện dân gian trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. NỘI DUNG Chương 1 YẾU TỐ GIỄU NHẠI VÀ NHẠI MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN HUY THIỆP 1.1. Giễu nhại một cảm hứng nổi bật của văn học Việt Nam sau 1975 1.1.1. Giễu nhại trong văn học 1.1.1.1. Khái niệm giễu nhại trong văn học Trong quá trình nghiên cứu, luận văn cố gắng làm rõ một số khái niệm có tính chất công cụ như nhại, văn học nhại, giễu, giễu nhại, cái hài, châm biếm, trào phúng... trên cơ sở đối chiếu để tìm ra sự tương đồng và khác biệt của khái niệm này. Đặc điểm của nhại là sự mô phỏng, hùa theo, bắt chước đối tượng nhại hoặc một đặc điểm nào đó của đối tượng nhại để làm nổi bật nên cái đáng cười, đáng phê phán, chế giễu. Nhại gắn liền với bắt chước, mô phỏng âm thanh, dáng hình, cử chỉ điệu bộ, phong cách của đối tượng nhại... Văn học nhại là kiểu sáng tác văn học phổ biến trong thời kì hậu hiện đại khi ý thức về cái tôi cá nhân đã trở thành một giá trị để nhìn nhận trình độ văn minh của xã hội. Văn học nhại thường gắn liền với tiếng cười nhằm tống tiễn cái xấu, cái ác và chào đón cái thiện, cái tốt đẹp: tiếng cười của văn học nhại luôn có tác dụng thanh lọc tâm hồn: cảnh tỉnh, định hướng suy nghĩ và hành động của con người. Rất gần với nhại, trong văn học còn có giễu. Thuật ngữ này chủ yếu được các nhà lý luận, phê bình văn học Việt Nam sử dụng trong các công trình nghiên cứu gần đây. Khái niệm này được sử dụng song hành với nhại một cách khá phổ biến trong nghiên cứu các tác phẩm văn học chứa đựng yếu tố hài hước, trào lộng, châm biếm...Tuy nhiên nội hàm của khái niệm này lại chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo kể cả những công trình mang tính chất công cụ như Từ điển thuật ngữ văn học. Trong từ điển Tiếng Việt, từ này được định nghĩa như sau: “Giễu là nêu ra để đùa bỡn, chế nhạo hoặc đả kích”, “giễu cợt là nêu thành trò cười nhằm chế nhạo, đả kích” [57, tr.402]. Giễu nhại được sử dụng khá phổ biến trong nghiên cứu, phê bình văn học sau 1975. Giễu nhại vừa là sự nhắc lại, mô phỏng, bắt chước một lời nói, một cử chỉ hay một phong cách, giọng điệu của đối tượng nhại nhằm làm bật lên cái đáng cười, cái tầm thường, xấu xa, kệch cỡm đáng phê phán của chúng. Trong giễu nhại luôn có sự bắt chước, mô phỏng các đặc điểm của đối tượng giễu nhại nhằm tạo ra sự đối lập giữa bản chất và hiện tượng, nội dung và hình thức, bên trong và bên ngoài...hướng người đọc đến nhận thức cái khiếm khuyết, cái lỗi thời, lạc hậu, phản tiến bộ của đời sống xã hội và trong bản thân con người để cùng nhau nhận thức lại, hoàn thiện bản thân và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Điểm khác biệt chủ yếu của giễu nhại với các khái niệm khác là ở độ sâu của sự xâm nhập vào đối tượng giễu nhại, tức là sự giễu nhại có thể có ở tất cả các cấp độ trong chỉnh thể tác phẩm từ cảm hứng chủ đạo, nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Giễu nhại thường tạo ra “độ mờ hóa” cao sự kiện, hình tượng nên nó thường đòi hỏi ở người đọc và cả người sáng tác một tầm trí tuệ cao, một nền tảng kiến thức văn hóa đủ rộng và sâu sắc mới có cơ sở để suy luận, liên hệ, khái quát nên những giá trị của giễu nhại. 1.1.1.2. Cảm hứng giễu nhại trong văn học Là trạng thái tình cảm phê phán ở mức độ mãnh liệt xuyên suốt tác phẩm được lồng trong những phương thức biểu hiện có tính chất hài hước, trào lộng, gợi lại, vẽ lại, bắt chước đối tượng giễu nhại để làm bật lên tiếng cười nhằm tác động mạnh mẽ đến nhận thức và tình cảm của chủ thể tiếp nhận. Nó trở thành một yếu tố của nội dung nghệ thuật, của thái độ, tư tưởng và cảm xúc phê phán của người nghệ sĩ: có quan hệ thống nhất với chủ đề và tư tưởng của tác phẩm, chi phối sự lựa chọn đề tài và phương thức thể hiện nội dung tư tưởng ấy. 1.1.2. Cảm hứng giễu nhại trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 1.1.2.1. Tiền đề xuất hiện cảm hứng và giọng điệu giễu nhại Trong văn học nói chung, giọng điệu giễu nhại thường đi liền với cảm hứng phê phán. Trong văn học Việt Nam trước 1945, giọng điệu này có nhiều trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... Những kiểu ăn bẩn của bọn tham quan, thói học đòi nhố nhăng của bọn trọc phú, những kẻ cậy giàu sang, quyền thế bắt nạt người nghèo... thường là đối tượng phê phán và giọng điệu giễu nhại đóng vai trò chủ âm trong các sáng tác đó. Cuộc đời được cảm nhận và được tái hiện như một sân khấu hài kịch, một canh bạc đầy những chuyện vô nghĩa lý, con người tham lam, vô nhân tính, biến chất,... bằng giọng điệu giễu cợt, đả phá, phẫn uất, châm biếm, giễu nhại. Trong số đó, tiêu biểu nhất phải kể tới là tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, các truyện ngắn: Đồng hào có ma; Cô kếu, gái tân thời,... của Nguyễn Công Hoan đều là những trang viết mang đậm dấu ấn giễu nhại ấy. Đương nhiên, trong nhiều tác phẩm khác của các tác giả khác, giọng điệu giễu nhại tuy không là chủ âm nhưng ít nhiều xuất hiện góp phần tạo nên tính đa thanh, đa giọng điệu, làm sống động hơn cho bức tranh cuộc sống đa diện được phản ánh trong tác phẩm. Sau 1945, do những yêu cầu của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, giọng điệu giễu nhại không được sử dụng nhiều. Nhận thức về mối quan hệ giữa văn học với chính trị lại càng trở nên cứng nhắc hơn do tính chất của cuộc sống và yêu cầu phục vụ chiến đấu. Thời đại lúc bấy giờ thúc giục văn nghệ sĩ cùng nhìn về một hướng, cùng hòa giọng trong bài trường ca ca ngợi Tổ quốc, quê hương anh hùng, dân tộc kiên cường và nhân dân anh dũng. Giọng trữ tình, ngưỡng mộ, ngợi ca vẫn là giọng điệu chủ đạo hào sảng vang vang khắp văn đàn. Trong hoàn cảnh đó, giọng điệu giễu nhại không được gieo mầm, càng không có cơ sở lộ diện. Khi ý thức dân chủ chưa được phát huy thì ý thức sáng tạo càng không thể giải phóng. Không có nhiều nguồn cảm hứng khi đứng trước hiện thực cuộc sống đa dạng, cảm hứng anh hùng và giọng điệu ngợi ca là “đặc sản” trong “thực đơn” của các nhà văn thời ấy, âu cũng là điều dễ hiểu. Sau 1975, nhu cầu đổi mới đã trở nên vô cùng bức thiết không chỉ với nền kinh tế đang đòi hỏi được phục hồi khẩn thiết sau chiến tranh mà còn đối với những lĩnh vực khác liên hệ trực tiếp với kinh tế như văn hóa, xã hội, chính trị, pháp luật, đạo đức... Đổi mới văn nghệ trong đó có văn học cũng nằm trong cái tất yếu ấy. Nhu cầu đổi mới đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI nhận định: “Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn, phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn...” [8, tr.64]. Trên tinh thần dân chủ của thời đại, quan điểm chỉ đạo văn nghệ thông thoáng và cởi mở hơn đã “thổi một luồng gió lớn vào đời sống văn học nghệ thuật nước nhà, mở ra một thời kỳ đổi mới của văn học Việt Nam trong tinh thần đổi mới tư duy và nhìn thẳng vào sự thật” [27, tr.11] cho phép công dân thể hiện chính kiến, quan điểm của mình về mọi vấn đề trong đời sống xã hội một cách thẳng thắn, trung thực. Có thể nói, ý thức cá nhân, trách nhiệm cá nhân được đề cao hơn bao giờ hết. Điều này lại càng có ý nghĩa với người nghệ sĩ, nhất là với giới văn chương - những người có trái tim và ngòi bút giàu nhạy cảm trước cuộc đời. Bên cạnh đó, bản thân những người nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà văn, có đầy đủ tự tin để thể hiện cá tính, phát huy tinh thần dân chủ, nâng cao vai trò cá nhân của mình trong mối quan hệ với tập thể, cộng đồng. Năng lực của họ gặp gỡ với nhu cầu được thư giãn, giải tỏa, nhu cầu được đánh giá, được bình phẩm của độc giả về các hiện tượng đời sống mà văn học phản ánh, thể hiện. Chính vấn đề được thỏa mãn những nhu cầu chính đáng ấy trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật đã khơi nguồn cho những cảm hứng phê phán mới mẻ trong những sáng tác của họ. Trên cơ sở đó, tiếng cười và cảm hứng giễu nhại trở lại xuất sắc hơn, ấn tượng hơn. 1.1.2.2. Cảm hứng giễu nhại trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 Giai đoạn từ năm 1975 đến 1986, Nguyễn Minh Châu và Lê Lựu là những nhà văn đã có những tác phẩm thể nghiệm sự đổi mới trong đó ẩn chứa tiếng cười xen lẫn dư vị chua cay, sự giễu nhại được gợi ra từ mối quan hệ giữa thật và giả, những tình huống nghịch lý, dở khóc dở cười trong hiện thực đời sống đất nước sau chiến tranh. Giai đoạn sau 1986, những gợi mở của Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu và Tô Hoài đã chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo của cảm hứng giễu nhại. Với những nhà văn trẻ “thuộc thế hệ thứ tư” như Lê Minh Khuê, Phạm Thị Hoài và nhất là Nguyễn Huy Thiệp thì cảm hứng giễu nhại đã thực sự rõ nét cả trong nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. Các tác giả đã tập trung giễu nhại sự tha hóa và lối sống thực dụng của con người thời hiện đại, những bất ổn của cơ chế xã hội, những quan niệm lệch lạc, ấu trĩ của con người, cái lố bịch nảy sinh trong đời sống xã hội. Có thể nói, hồi sinh mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu của cảm hứng giễu nhại trong văn xuôi Việt Nam thời kỳ đổi mới là một thực tế không thể phủ nhận. 1.1.2.3. Giễu nhại, một yếu tố chủ đạo trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, cảm hứng giễu nhại đã thực sự rõ nét cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Nguyễn Huy Thiệp không ngần ngại ứng dụng giọng điệu giễu nhại với cả những hình tượng lịch sử mà đa số người vẫn kiêng kị. Ông phá bỏ lớp sương khói phủ mờ của những thánh nhân (vua Gia Long, vua Quang Trung ), kéo họ gần hơn với những tính cách con người bình thường, đôi khi tầm thường. Các truyện lịch sử tạo nên danh tiếng cho ông như Phẩm tiết, Kiếm sắc, Vàng lửa... đã tốn không ít giấy mực của giới phê bình. Song, giá trị chân thực của chúng có lẽ cần tới những người đọc mạnh dạn và công tâm hơn. Bên cạnh đó, khu vực cuộc sống đời thường cũng được Nguyễn Huy Thiệp soi chiếu bằng giọng điệu giễu nhại. Tướng về hưu, Sang sông,... đều là những thể nghiệm thành công của nhà văn với chất giọng này. Nhà văn đã dùng giọng điệu giễu nhại để “giải thiêng” những quan niệm anh hùng, thi vị hóa cuộc sống. Cuộc đối thoại ngắn giữa đứa cháu thơ ngây và ông nội đã thẳng thắn vạch trần cái hiện thực trớ trêu của vị tướng già giữa đời thường: “Cái Mi hỏi: Ông đi ra trận hả ông? Cha tôi bảo: Ừ! Cái Vi hỏi: Đường ra trận mùa này đẹp lắm phải không ông? Cha tôi chửi: Mẹ mày! Láo! [50, tr.39]. Trong một đoạn khác, nhà văn lấy suy nghĩ của những đứa trẻ để giễu nhại và xót xa về lối sống thực dụng đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người: “Cái Mi hỏi: Sao chết đi qua đò cũng phải trả tiền? Sao lại cho tiền vào miệng bà? Cái Vi bảo: Đấy có phải là ngậm miệng ăn tiền không bố? Tôi khóc: Các con không hiểu đâu. Bố cũng không hiểu, đấy là mê tín. Cái Vi bảo: Con hiểu đấy. Đời người cần không biết bao nhiêu là tiền. Chết cũng cần” [50, tr.33]. Nguyễn Huy Thiệp không e sợ mà còn dám đưa ngòi bút giễu nhại của mình vào những vấn đề truyện dân gian, đạo đức, niềm tin tôn giáo. Chứng kiến cảnh hai tên buôn đồ cổ đập vỡ chiếc bình quý để cứu đứa trẻ đang bị kẹt tay trong miệng bình, chính ông giáo, một biểu tượng sống của văn hóa và đạo đức thốt lên: “Trời! Anh ấy dám đập vỡ bình! Thật đúng là một anh hùng! Một nhà cách mạng! Một nhà cải cách!”, trong khi đó, “chị lái đò giấu nụ cười thầm. Chị biết, vô phúc cho ai một mình gặp hắn trong đêm” [50,tr.268]. Kẻ cướp có thể trở thành anh hùng, thậm chí thành Phật nếu đối sánh với nhà sư - người từ đầu tới cuối không hề biểu lộ một lời nói hay hành động nào. Đây chỉ là một vài trong số những dẫn chứng minh họa cho triết lý mang đậm cảm hứng giễu nhại “bậc hiền triết - con chó xồm” và đã trở thành một yếu tố chủ đạo trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. 1.2. Nhại muôn mặt đời thường trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp 1.2.1. Bộ mặt đời thường trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp Truyện ngắn - nghệ thuật của khoảnh khắc “cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại” (Nguyễn Minh Châu). Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với cái nhìn giễu nhại ngay từ những truyện ngắn đầu tiên đã thể hiện thành công “nghệ thuật khoảnh khắc đó”. Cái khoảnh khắc dồn nén của hiện thực cuộc sống, của bộ mặt đời thường, hiện thực vừa cụ thể sinh động “một đời người” vừa chứa đựng ý nghĩa khái quát của một đời nhân loại. Bộ mặt đời thường được phản ánh qua cảm hứng giễu nhại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đa dạng, nhiều tầng. Nó được khai thác ở chiều sâu của các mối quan hệ. Mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng xã hội, giữa con người với thế giới tự nhiên. Trong tổng hòa các mối quan hệ đó, nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang mối quan hệ bất hòa với thực tại với hoàn cảnh sống. Va chạm xung đột với môi trường xung quanh, nhân vật trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã bộc lộ những phẩm chất của con người, những phẩm chất mà ở đó phần ý thức về những giá trị cao quí chỉ còn là thứ ánh sáng hiếm hoi xa lạ giữa thực tại trớ trêu đen tối. Một thực tại của sự suy thoái tha hóa các giá trị đạo đức nhân phẩm, sự xuống cấp của các mối quan hệ tình cảm giữa con người với con người. Người Việt Nam xưa nay vốn luôn luôn coi trọng các giá trị đạo đức, tình cảm cộng đồng, tình cảm gia đình huyết thống. Các giá trị đạo đức này trở thành mối gắn bó sâu nặng bền vững giữa con người cá nhân với cộng đồng xã hội. Hơn nữa đó cũng là tinh thần nhân văn có tính nhân loại. Điều này mỗi chúng ta đều nhận thấy rõ qua văn học quá khứ. Đến Nguyễn Huy Thiệp, bộ mặt đời thường được phản ánh trong các tác phẩm là mặt trái của con người, mặt trái của các mối quan hệ tình cảm. Con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là những nhân vật đã đánh mất phần nhân bản thiêng liêng, ý thức về những giá trị đạo đức bị coi thường không còn được tôn trọng nữa. Thực trạng của những cương thường đạo lý, đạo đức truyền thống bị phá vỡ lần lượt được phản ánh trong các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Sự phá vỡ các giá trị đạo đức tốt đẹp nảy sinh từ trong mỗi con người, mỗi một thành viên của gia đình, mỗi tế bào của xã hội. Trong gia đình, tình cảm gắn bó huyết thống máu mủ ruột già. Tình cha con, tình mẫu tử, tình ông cháu, tình nghĩa vợ chồng... trở thành mối quan hệ xa lạ: “Khi lớn lên tôi chẳng biết gì về cha mình... mẹ tôi hiểu về cha tôi cũng ít... vợ tôi biết ít về ông... hai đứa con gái của tôi ít gần ông nội...” (Tướng về hưu). Mỗi con người trong cuộc sống gia đình không chỉ là những kẻ xa lạ đối với nhau mà họ còn coi nhau như kẻ thù: “Với Đoài, Khiêm coi như kẻ thù. Nhưng Đoài khôn, Khiêm không nói gì được... Khiêm tức nghẹn họng, sùi bọt mép” (Không có vua). Trong gia đình nhà lão Kiền những nhân vật như Đoài, Khiêm, Cẩn, lão Kiền luôn luôn hằm hè hăm dọa nhau. Họ coi nhau như kẻ thù đến nỗi họ đối xử với nhau không còn tình người nữa. Họ mong cho nhau chết. Các con biểu quyết: “Ai đồng ý bố chết giơ tay. Tôi biểu quyết nhé” (Lời nhân vật Đoài trong cuộc “họp gia đình”). Anh em mong cho nhau bị đi tù, đi xa gia đình để chiếm nhà cửa, chiếm chị dâu: “Đoài bảo: “Bố già bố chết, thằng Khiêm trước sau cũng đi tù, thằng Khảm ra trường không đi Tây Bắc cũng Tây Nguyên...”. Quan hệ đạo đức bị phá vỡ từ trong gia đình, mỗi con người đều sống với triết lý của mình. Đó là cái triết lý dung tục tầm thường, cái triết lý trục lợi đã làm những con người trở thành những kẻ táng tận lương tâm dám làm đủ những điều phi nhân bất nghĩa. Hình ảnh của những mẩu hài nhi trong nồi cám lợn của bác sĩ Thủy trong “Tướng về hưu” những kẻ bị chết đuối dưới sông trong “Chảy đi sông ơi”; cảnh đầu rơi máu chảy trong “Kiếm sắc”... Tất cả là những hiện thực đau xót rùng rợn. Hiện thực đang tồn tại là hiện thực của cái ác. Con người ở đây đã mất đi tình yêu thương đồng loại. Từ trong gia đình, đến ngoài xã hội mối quan hệ giữa con người không còn trong sáng cao thượng nữa. Bố con nhà lão Kiền mong cho nhau chết (Không có vua). Còn Nguyễn Ánh thẳng tay chém Đặng Phú Lân kẻ anh hùng vô tội (Kiếm sắc). Cái chết của Đặng Phú Lân trong “Kiếm sắc” phản ánh mối quan hệ “Vua hiền tôi giỏi” không còn giữ được đạo lý từ ngàn xưa nũa. Triết lý “Tiền là vua” (Không có vua); “ăn là trên hết” (Tướng về hưu) đã biến đổi quan hệ giữa người với người trở thành quan hệ “tiền trao cháo múc” lạnh lùng sòng phẳng. Thủy đã trả tiền công cho ông Bổng - người chú ruột, trong đám tang của vợ chồng tướng Thuấn. “Thôi coi như trả công. Lão ấy tốt nhưng nghèo”. Cũng trong đám tang ấy, ông Bổng chửi đổng vì tiếc rẻ: “mất mẹ bộ xa lông. Ai lại đi đóng quan tài bằng gỗ dổi bao giờ? Bao giờ bốc mộ, cho chú bộ ván” (Tướng về hưu). Trong dân gian có câu “nghĩa tử là nghĩa tận” nhưng câu nói cửa miệng ấy không còn ý nghĩa thiêng liêng, không còn là sự bối rối nuối tiếc một con người đã qua đời. Trong đám tang của vợ tướng Thuấn mọi người “hồn nhiên như việc bình thường”. Đồng tiền còn tác oai tác quái len lỏi vào cả những con người đã chết: “Người sống cần tiền, người chết cũng cần” (Tướng về hưu). Đạo lý của con người, mối quan hệ gắn bó tình cảm bị xuống cấp, tha hóa từ trong gia đình đến ngoài hàng xóm. Chúng ta hãy nghe nhân vật Đoài trong “Không có vua” tâm tình cùng một người hàng xóm: “Xin lỗi bác cháu chẳng biết nhà bác có bao nhiêu người, tên là gì” ông hàng xóm cười: “Thì tôi cũng thế”. Tình làng xóm là tình “tối lửa tắt đèn có nhau” nhưng có lẽ nhân vật công chức ngành giáo dục rởm như Đoài không bao giờ biết và hiểu điều đó. Sự băng hoại của các giá trị đạo đức tình cảm, làm cho bộ mặt đời thường trở nên đen tối phi lý. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đã lột trần, mổ xẻ căn bệnh đang lan tràn trong toàn xã hội. Nó đang hiển nhiên tồn tại, tồn tại một cách “rất đời” nữa. Các giá trị đạo đức bị phá vỡ, sự ràng buộc hữu ái giữa con người với con người không còn là giá trị đích thực trong cuộc sống. Sống trong gia đình, sống giữa hàng xóm bè bạn cộng đồng nhưng con người không hề quan tâm, không hề có những suy nghĩ về số phận của hai chữ Con Người nói chung. Những con người ở đây đã trở thành những cá nhân nhỏ bé, ti tiện, không có lý tưởng. Họ không gặp nhau ở phần cao cả của tinh thần. Phản ánh hiện thực đen tối, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mang một tâm linh lớn. Đó là nỗi xót xa trước hiện thực đau lòng. Trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, đối lập với các cá nhân nhỏ bé ích kỷ là những nhân cách lớn. Những nhân cách đứng cao hơn hiện thực “Thế nhân ô trọc”. Đó là nhứng con người luôn luôn phán xét, tỏ ra lo lắng trước sự suy vi của con người xã hội. Trong con người họ mang ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn, của đạo làm người như nhân vật thầy giáo Triệu (Những bài học nông thôn); chị Thắm (Chảy đi sông ơi); tướng Thuấn (Tướng về hưu)... Mối quan hệ lạnh lùng, dửng dưng giữa con người với con người từ trong gia đình đến ngoài hàng xóm hay chốn quan trường đã làm cho mỗi người ở đây trở thành một cá nhân cô độc. Một thế giới cái Tôi riêng biệt từ những kẻ “khốn nạn” đến những người có tâm huyết. Hình ảnh những con người này trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được khai thác từ nhiều góc độ hiện thực, từ nhiều môi trường sống, từ nhiều chiều thời gian. Đó là một bộ mặt đời thương sinh động nhiều màu sắc được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thể hiện qua việc xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của mình dưới nhiều dạng. Thông qua cái nhìn giễu nhại, tác giả đã phơi bày một thực trạng đáng báo động về mối quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống và những cạm bẫy, những nguy cơ làm băng hoại những giá trị tốt đẹp của con người trong quan hệ gia đình, cộng đồng đẩy con người tới sự tha hóa biến dạng. 1.2.2. Con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp Qua cái nhìn giễu nhại, Nguyễn Huy Thiệp đã chỉ ra những nét khiếm khuyết của con người trong xã hội như; con người cô độc, bất lực; con người không hoàn thiện; con người bi kịch; con người khát vọng - kiếm tìm như để góp thêm một tiếng nói, một cái nhìn về con người vào mẫu số chung của văn xuôi sau 1975 là nhấn mạnh sự không hoàn thiện, sự “đa đoan” của con người trong “cuộc đời đa sự”. 1.2.2.1. Con người cô đơn, bất lực. Con người cô đơn, bất lực là nhân vật chính. Hình tượng nhân vật này, chiếm một số lượng khá lớn trong các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Trong các truyện thế sự như Chảy đi sông ơi là nhân vật chị Thắm; trong Tướng về hưu là nhân vật tướng Thuấn; trong Muối của rừng có nhân vật ông Diểu. Những nhân vật chính là con người cô đơn còn được thể hiện trong những truyện viết dưới dạng những câu truyện cổ tích như: Nhân vật Khó trong “Trái tim hổ”; nhân vật Bua trong “Nàng Bua”, cặp vợ chồng cô đơn trong “Con thú lớn nhất”. Con người cô đơn, bất lực còn là nhân vật Tôi - Người dẫn chuyện. Nhân vật người dẫn chuyện này thường đi bên cạnh nhân vật chính, chứng kiến tham gia vào câu chuyện của nhân vật chính. Từ đó nhân vật này có sự hiểu biết đồng cảm với số phận nhân vật chính trong truyện, để rồi sau đó người dẫn chuyện cũng trở thành một nhân vật cô đơn trong tác phẩm. Hình tượng nhân vật cô đơn được thể hiện trong các tác phẩm: nhân vật Tôi trong “Chảy đi sông ơi”, nhân vật Tôi trong “Tướng về hưu”, nhân vật Tôi trong “Những bài học nông thôn”. Con người xuất hiện trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp với những triết lý về thân phận, những khắc khoải, âu lo, bất lực, trước hiện hữu và hư vô. Con người cô đơn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường sống trong niềm cô đơn thân phận và mang một sức ám ảnh lớn. Một cô gái sống tha hương ở xứ người cảm thấy “cô đơn khôn tả” (Không khóc ở Califorlia), một chàng trai hát về tình yêu với “tâm trạng cô đơn lạnh buốt lẫn lộn với những khao khát nồng nàn” (Truyện tình kể trong đêm mưa), một người thợ săn ra đi với ý định sát hại thú rừng để trở về với bộ dạng “cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi’ (Muối của rừng), một ông vua, một thi nhân với “khối cô đơn khổng lồ” (Vàng lửa)... Nỗi cô đơn có khi biến thành mặc cảm về cuộc đời “chỉ có ta cô đơn giữa bầy” (Sang sông). Không thể phủ nhận một điều rằng “mỗi thời, mỗi giai đoạn, các nhà văn đều tìm thấy cho mình một mô hình để theo”. Nhắc đến chủ đề cô đơn - một chủ đề quen thuộc trong văn chương. Ở đó có nhiều tác phẩm nói về thân phận con người nhỏ bé, hữu hạn với “cái chết sẽ đến với mỗi chúng ta chẳng trừ ai” (Tướng về hưu). Và con người cũng hữu hạn khi đứng trước một vũ trụ bao la, rộng lớn (Muối của rừng). Nguyên nhân sự cô đơn của con người cũng xuất phát từ hiện thực cuộc sống với đầy rẫy những bất công. Họ trở nên cô đơn trước hết từ chính sự khác biệt của mình với thế giới xung quanh. Sự khác biệt đó trong đời thường có thể diễn ra trên phương diện hoàn cảnh, ngoại hình, tâm lí... Song điều cơ bản nhất vẫn là phẩm chất và lối sống. Trong Người xa lạ, Huyền thoại Sysyphe của A. Camus; Hóa thân, Vụ án của F. Kafka; Buồn nôn của J.P. Sartre... hình ảnh con người cô độc xuất hiện. Đó là những con người bị “bỏ đi”, trở thành những kẻ xa lạ giữa cuộc sống xung quanh mình. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp cũng khai thác về kiểu con người này để nói lên sự thay đổi chóng mặt của xã hội khi mà con người không kịp thích nghi với nó. Trong triết học hiện sinh cũng như trong văn học, câu hỏi Con người là ai? Được đặt ra với những câu trả lời khác nhau trong Con gái thủy thần, Thương nhớ đồng quê, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi... Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, nỗi cô đơn của con người xuất phát từ day dứt trên hành trình đi tìm cái đẹp của cuộc đời. Nhưng trong thế giới không có vua, cái đẹp trở nên mong manh. Nhân vật trong Chảy đi sông ơi đi tìm huyền thoại về con trâu đen nhưng chỉ chứng kiến được sự lạnh lùng và tàn nhẫn “hành trình tìm điều thiện lặng lẽ và cô đơn như con dã tràng xe cát”. Con người càng đi càng cảm thấy mình cô đơn “Trước mắt tôi dòng sông đang thao thiết chảy. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển mà tôi đã sống nửa cuộc đời rồi đấy... Tôi đứng lên đi về nhà. Ngày mai tôi đi ra biển. Ngoài biển không có thủy thần”. Đã ba lần nhân vật gào lên “Đói. Rét. Nỗi cô đơn như gió quất vào lòng”, một “sự cô đơn hoang vắng ở trong lòng tôi. Chương ơi! Nỗi cô đơn và bất lực của mi nào ai thấy được ngoài mi” (Con gái thủy thần). Nhân vật Chương cô đơn bởi sự lạc lõng của mình trong cuộc sống. Trong khi mọi người nhìn nhận con gái thủy thần chỉ là chuyện bịa đặt, thêu dệt thì anh ta lại tin đó là sự thật. Trong Tướng về hưu, ông Thuấn trăn trở với câu hỏi sao tôi cứ mãi lạc loài? Cuộc sống trong quân đội khác hẳn với cuộc sống đời thường mà ông đang phải đối mặt. Cuộc sống thực dụng không tạo cho ông một điểm tựa, khiến ông trở thành một con người cô đơn, một người thừa trong gia đình. Ông khóc khi chứng kiến cái rau thai nhi trong nồi cám “khốn nạn, tao không cần sự giàu có này”. Ông luống cuống khổ sở trong một đám cưới ngoại, ngán ngẩm trước việc đứa con dâu ngoại tình và sự trơ trọi, lạc lõng của ông chính từ sự mâu thuẫn giữa con người của một thời huy hoàng sẵn sàng hy sinh đến mạng sống của mình với con người của một thời khác với những mưu toan của cuộc sống. Từ một ông tướng quen với quyền uy và sự trọng vọng, trở về gia đình, ông đánh mất đi trò tự chủ của chính mình: ông muốn giúp cô Lài, ông Cơ, muốn viết thư gửi bạn bè, ông đều phải hỏi ý kiến người khác. Nguyễn Huy Thiệp đã miêu tả rất sâu sắc sự hụt hẫng, chua xót của một người hay đúng hơn là một thế hệ trong sự va tranh với những quan niệm và lối sống mới. Không chỉ viết sự lạc loài của con người trong hiện tại, Nguyễn Huy Thiệp còn ngược dòng lịch sử tìm về những nỗi niềm cô đơn bất tận của cõi đời. Ở đó, một Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, một Hồ Xuân Hương, Đề Thám cũng đang đau đớn trong sự cô đơn của kiếp người. Ý thức được sự cô đơn của mình, Nguyễn Trãi luôn mang mặc cảm lạc loài, lạc thời “Nguyễn sống âm thầm. Khi về Côn Sơn, khi ra Đông Đô, chẳng nơi nào ông thấy yên ổn. Nội tâm ông sôi réo, thúc giục. Ông tránh các tình huống phải tự biểu hiện. Những mũi tên đố kị nằn thù nhìn ông từ bốn phía”. Cái cô đơn của Nguyễn Trãi là cái cô đơn của một cá nhân, cá tính không thể hòa đồng và cũng không thể dung nạp bởi những giá trị vượt trội so với chuẩn chung. Hồ Xuân Hương cũng vậy. Trong Chút thoáng Xuân Hương là nỗi cô đơn của một tâm hồn thanh khiết, một bản lĩnh, nhân cách giữa sự nhá nhem, ô trọc của cuộc đời. Bên cạnh đó, con người cô đơn luôn có cảm giác tù túng và vùng vẫy để thoát ra khỏi nó, khỏi những định kiến. Thậm chí đến mức chấp nhận cuộc sống cô đơn ấy như Tổng Cóc, Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp. Các nhà văn đương đại nói chung, Nguyễn Huy Thiệp nói riêng, đã thẳng thắn đặt ra và đối thoại với rất nhiều quan điểm, học thuyết. Đó là “sự đối thoại với nỗi buồn, sự cô đơn, cảm giác lưỡng lự, thân phận bị lưu đầy (chủ nghĩa hiện sinh) trong các sáng tác của Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương; là sự soi chiếu từ góc nhìn Phân tâm học trong Song song của Vũ Đình Giang; là cảm thức về cái phi lí, sự đổ vỡ, bất tín nhận thức (kịch phi lí) trong sáng tác của Thuận; là vấn đề cách viết của nhà văn được đặt ra trong Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh, Đi tìm nhân vật - Tạ Duy Anh, Một truyện cổ điển - Phạm Thị Hoài...; là xu thế đối thoại với lịch sử, huyền thoại trong Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh... Những Đức Phật nàng Savitri và tôi (Hồ Anh Thái), Mẫu thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), đã có sự giải thiêng, giải mã tri thức theo thời đại về tôn giáo trong văn học”. Nhà văn có cách nhìn nhận, cắt nghĩa về con người bằng cách khác nhau trong văn chương của mình. Bởi lẽ, nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kì lịch sử nhất định. Nguyễn Huy Thiệp đã thể hiện niềm day dứt hiện sinh qua nhân vật Chương - Người kể chuyện xưng tôi trong Con gái thủy thần. Chương hỏi mẹ Ai cứu con?, mẹ Chương đáp: mẹ Cả cứu. Nhưng mẹ Cả chỉ là một huyền thoại, càng tìm Chương càng rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Truyện thứ ba trong Con gái thủy thần, Chương không làm gì được để cứu Mây và cứu chính bản thân mình. Mọi chuyện Như “đổ vỡ và tan nát”, từ mái nhà đến bầu trời rộng lớn ngoài kia. Ở đây, Chúa đã chết con người tự do. Tình huống này giống với tuyên bố của Nietzsche và cũng giống quan điểm của Sartre về sự bỏ rơi. Con người hoàn toàn bơ vơ không có gì để dựa vào. Trong cuộc sống hiện sinh ấy, con người muốn tồn tại phải tự vượt qua thử thách của mình, phải thoát ra khỏi những thử thách ấy và bám chắc vào cuộc sống. Nhân vật Chương than thở: “Tôi vui một mình, buồn bã một mình, mơ mộng một mình... Tôi chỉ có con gái thủy thần chờ đợi”. Trong xã hội hiện thực, con người muốn tìm kiếm người tri âm, tri kỉ với mình, xoáy sâu vào mong muốn ấy, nhà văn đã đi tìm người cùng nói lên tiếng nói như mình. Chúng ta hiểu quá nhiều? Chúng ta tồn tại hiện sinh, nhìn thế giới xunh quanh mà phân vân không biết nó đang trôi về đâu, nó đang hiện hữu với đầy những giá trị vật chất. Con người sống trong sự hờ hững của nhân loại “lúc nào cũng phải làm quen những kẻ tình cờ gặp để rồi không bao giờ gặp lại lần thứ hai, không bao giờ thành bạn hữu chân tình” (Kafka). Nhân vật cô đơn đắm mình trong những suy nghĩ riêng tư, nếu nói ra thì đó cũng là biểu hiện của sự im lặng, tự đối thoại với chính bản thân mình. Nhân vật tự chọn cho mình lối sống cô đơn hoặc bị đẩy vào trạng thái cô đơn. Nguyễn Huy Thiệp đã lựa chọn cho mình cách thể hiện khác nhau với những số phận cô đơn. Khi cô đơn đã lên đến đỉnh điểm, cái chết của con người trở nên tất yếu như cái chết của nhân vật anh giáo Thiệu trong Những bài học nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp, bé Hon trong Thiên sứ của Phạm thị Hoài hay như trong Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh. Ở đó, họ hoàn toàn bất lực. Sự cô đơn, mất phương hướng đã khiến họ tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Trước những cái chết có khi bất ngờ, có khi lặng lẽ ấy, có cái gì đó thấm thía trong lòng mỗi độc giả. Nếu như nhân vật trong những truyện ngắn của Bảo Ninh, Chu Lai... tìm lại hiện tại ở trong quá khứ thì nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp băn khoăn với cuộc sống hiện tại, kiếm tìm cái đẹp trong cuộc sống cô đơn. Hành trình tìm kiếm và sáng tạo ra cái đẹp của người nghệ sĩ luôn là hành trình cô đơn, thầm lặng. Cô đơn trong chính thế giới mà họ tồn tại và cô đơn trong tâm hồn từng nhân vật mà họ sáng tạo ra. Một sự cô đơn trải dài miên man. Thông qua cảm hứng giễu nhại, Nguyễn Huy Thiệp đã xây dựng hình tượng con người cô đơn, bất lực qua nhiều dạng khác nhau trong cùng một thời đại, và cả thời đại đã qua, thời đại chưa tới. Từ hiện tại, quá khứ đến tương lai, từ con người bình thường đến vĩ nhân, từ cái thiện đến cái ác... tất cả mỗi nhân vật mang một dáng vẻ, nhưng họ đều phản ánh quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Huy Thiệp. Cái cô đơn u uẩn cố hữu bao trùm lên toàn bộ cuộc sống và thân phận con người. 1.2.2.2. Con người không hoàn thiện
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan