Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Văn hóa biểu diễn việt nam...

Tài liệu Văn hóa biểu diễn việt nam

.PDF
18
360
134

Mô tả:

1. Tổng quan 1.1Tên gọi Theo P.L Mi-nhon (Mignon) trong cuốn Bách khoa - Phổ thông, từ Ma-ri-on-nét (Marionnette - múa rối) là một từ giảm nhẹ của (Mariole) thời Trung cổ dùng để chỉ những bức tượng Đức Mẹ đồng trinh nhỏ. Người ta không thấy từ này trong các ngôn ngữ khác, từ pup-pê trong tiếng Đức và puppet (búp bê) trong tiếng Anh được dùng để gọi con rối, vì về ngoại hình con rối trông giống con búp bê. 1.2Các loại hình múa rối Trong nước ta thì có múa rối cạn và múa rối nước. Múa tối cạn thì gồm có , rối tay,rối dây, rối que. Rối tay: gồm một cái đầu bằng gỗ gọt và một túi vải rộng làm thân mình, con rối hoạt động được là nhờ các ngón tay và bàn tay của người điều khiển. Rối que: gồm một que điều khiển đầu và mình và các que phụ điều khiển hai tay. Điển hình là rối que Ja-va và múa rối cạn của Việt Nam. Rối dây: con rối dây có đầy đủ các bộ phận chủ yếu: đầu, cổ, mình, chân tay... ghép vào nhau bởi các khớp có thể cử động được. Bộ máy điều khiển gồm một bàn máy có các dây dài nối xuống các bộ phận cần phải cử động của con rối. Ngoài ra, còn có rối Nhật Bản: có kích thước rất lớn (0,8 mét đến 1,3 mét) gồm đầy đủ các bộ phận của cơ thể người. Có ba người điều khiển đứng đằng sau con rối. Người điều khiển chính làm cử động đầu và tay phải con rối. Người điều khiển thứ hai làm cử động tay trái con rối và người thứ ba điều khiển các chân con rối. Rối Việt Nam thì chỉ có múa rối nước. 1.3Nghệ thuật múa rối ở Việt Nam Nghệ thuật rối ở Việt Nam có từ lâu, phát triển cao trong kỷ nguyên Đại Việt (thế kỷ XI). Bị thiệt hại nặng nề của chính sách hủy diệt văn hóa bản địa của quân xâm lược Minh (Trung Quốc) và sự xem nhẹ của các triều đình Lê, Nguyễn (1428 – 1945). Theo Tô Sanh, Trung Quốc có hình thức múa rối gần giống với Việt Nam, gọi là “Bù nhìn nước”, có từ thời Tống – ngang với thời Lý nước ta. Tuy nhiên, múa rối nước Việt Nam diễn trong ao, múa rối nước Trung Quốc diễn trong bể thiên về trò chơi hơn là hí kịch. Rối nước Việt Nam diễn ở những nơi công cộng, trong khi rối nước Trung Quốc diễn ở cung đình. Điều quan trọng hơn là sau đời Tống không thấy nói đến múa rối nước nữa. Ở Việt Nam ngày nay vẫn đang được duy trì. Ngoài Trung Quốc thấy có nhắc đến múa rối nước thời Tống, không thấy tồn tại múa rối nước ở quốc gia nào nữa, có chăng chỉ đề cập đến rối cạn. Như vậy có thể nói rằng nói đến múa rối nước là nói đến Việt Nam. 2.Nghệ thuật múa rối nước ở Việt Nam 2.1 Nguồn gốc của múa rối nước Xuất phát từ nghệ thuật tạo hình, trò chơi của nhân dân lao động Việt Nam có từ trước thời Lý. Hoạt đông từng nhóm, từ trong một gia đình, một dòng họ, vua chúa cung đình biết đến và sử dụng từ trước thế kỉ XII, rồi phát triển mạnh nhất vào thời Lý-Trần. Có thể coi la cực thịnh của múa rối dân tộc. Hình thức hoạt động sinh hoạt:hoạt động thành từng gánh từng phường, từng đội biểu diễn lưu động từ trước thế kỉ XVIII đến ngày nay. Đất Sơn Tây (vùng chùa Thầy) là nơi có điều kiện hơn cả để phát sinh ra nghệ thuật múa rối nước dân tộc. Hầu hết tôn Từ Đạo Hạnh là người sáng lập và là thần bảo hộ. Theo các truyền thuyết, huyền thoại lịch sử, trò rối nước ra đời từ thời xây thành Cổ Loa, Kinh An Dương Vương, năm 255 trước công nguyên. Còn theo sử sách, văn bia, trò rối nước ra đời năm 1121 (đời Lý). 2.2 Khái niệm múa rối nước Múa rối nước là loại hình nghệ thuật sân khấu múa rối mà chỗ diễn con rối là ở mặt nước (ao, hồ hay bể rộng) . Mang đặc sắc của văn hóa lúa nước,do tính đặc sắc của nó, nên từ nghệ thuật mang yếu tố dân gian Múa rối nước đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống, có thể sánh ngang với Tuồng, Chèo là những bộ môn nghệ thuật có vị trí cao trong nền sân khấu dân tộc. Tinh hoa Múa rối nước Việt Nam đã được sự ngưỡng mộ trong làng bạn bè thế giới, sân khấu Múa rối nước được xem là bộ môn nghệ thuật “Độc nhất vô nhị”. Múa rối nước được coi là nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam, một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống lâu đời ở vùng châu thổ sông Hồng thường diễn ra trong các dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày Tết. 2.3 Các giai đoạn phát triển của múa rối nước Thời kì 1: thời kì này múa rối nước chỉ là trò chơi của nông dân lao động thợ thủ công, nông dân, không phổ biến rộng hoạt động trông pham vi nhỏ,một vài gia đình , một vài dòng họ , một vài địa phương diễn ra vào giữa thế kỉ XI trước thời Lý. Thời kì 2: đây là thời kì hình thành một nhóm người chơi rối của nhân dân lao động tiến lên thành một phường, một gánh, bắt đầu diễn ở địa phương đông người xem, lan rộng ra ngoài xóm làng, được nhiều vùng lân cận, đình chùa biết đến. Diễn ra trong ngày lễ hội lớn (tk XI) trước thời Lý nhưng cực thịnh ở thời Lý Trần. Thời kì 3: Có nhiều cơ sở múa rối. Có sự giao lưu, thi đấu, học hỏi, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các phường, gánh rối. Nội dung chủ yếu phản ánh cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày. Các phường rối ghanh đua nhau tìm ra cái tôi để tôn vinh đơn vị mình và thu hút sự quan tâm của công chúng. Thời kì 4: Sau cách mạng tháng Tám. Mục đích chủ yếu phục vụ công cuộc giải phóng dân tộc, phong trào phụng sự tổ quốc, coi nhẹ tính kinh tế. Nhiều kho tàng rối cả về cơ sở vật chất và nội dung bị mất mát do chiến tranh. Thời kì 5(1954-1975): Hòa bình lặp lại trên miền Bắc Việt Nam. Hoạt động rối và một số phường rối được phục hồi. Múa rối trở thành tài sản của dân tộc, được sự quan tâm và đầu tư duy trì, phát triển. Thời kì 6 (sau 1975): Thống nhất nước nhà, độc lập tự do. Múa rối nước trở thành mục tiêu phát triển của đất nước nhằm duy trì, đào tạo và phát triển phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. 2.4 Đặc điểm của múa rối nước 2.4.1 Con rối Quân rối nước chính là sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian, vừa giàu tính hiện thực, vừa mộc mạc, đằm thắm, trữ tình. Con rối làm bằng gỗ được đục đẽo với những đường nét cách điệu riêng sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét, tính cách cho từng nhân vật. Để làm ra được những “chú rối” phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo của những người nghệ nhân. Chất liệu làm nên con rối phải là loại gỗ sung - một loại gỗ dai, nhẹ, dẻo để con rối có thể nổi trên mặt nước và người điều khiển con rối có thể dễ dàng biểu diễn. Quân rối càng hoàn hảo, càng giúp cho kỹ xảo điều khiển nâng cao, khả năng diễn đạt phong phú. Quân rối nước làm bằng gỗ tốt sẽ nặng và chìm cho nên người ta mới dùng gỗ sung là chất liệu thông dụng để tạc con rối. Ở đây tài năng của nghệ nhân đã đem lại cho ta cái tươi mát, đôn hậu, hiền dịu, niềm lạc quan yêu đời, yêu thiên nhiên, con người qua cái bình dị đơn sơ được khuếch đại và nghệ thuật hóa. Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, tính hài và tính tượng trưng cao. Những quân rối nước thường được sử dụng trong buổi biểu diễn gồm có chú Tễu, cô tiên, người đi cày hay người đánh cá... Trong đó, nhân vật tiêu biểu nhất là chú Tễu, thân hình tròn trĩnh, nụ cười hóm hỉnh lạc quan. Quân rối nước dù tạc liền một khối gỗ hay chắp lại đều có hai phần gắn liền nhau đó là phần thân và phần đế. Phần thân là phần nổi lên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp máy điều khiển cho quân rối cử động. Thông thường, mở đầu cho buổi biểu diễn múa rối nước là sự xuất hiện của chú Tễu với thân hình tròn trĩnh, mặc áo nẹp khuy không cài, vẻ mặt hỏm hỉnh làm nhiệm vụ dẫn dắt, mở đầu câu truyện. Thông qua những tiết mục múa rối, khán giả sẽ được dẫn dắt vào một thế giới tưởng tượng phong phú. Trải qua nhiều năm, người Việt Nam từ chốn cung đình cho đến các làng mạc nông nghiệp nghèo nhất, ai ai cũng yêu mến chú Tễu và coi Tễu là con rối quan trọng nhất.Tếu là linh hồn của rối nước, là cầu nối giữa người biểu diễn và người xem. 2.4.2 Kĩ thuật biểu diễn Kỹ thuật điều khiển trong múa rối nước rất được coi trọng, tạo nên hành động của quân rối nước trên sân khấu, đó chính là mấu chốt của nghệ thuật múa rối. Quân rối đẹp mới chỉ có giá trị về mặt điêu khắc. Sự thành công của quân rối nước chủ yếu trông vào sự cử động của thân hình, hành động làm trò đóng kịch của nó. Máy điều khiển được giấu trong lòng nước, lợi dụng sức nước, tạo sự điều khiển từ xa, cống hiến cho người xem nhiều bất ngờ kỳ diệu. Nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò thao tác bằng cây sào hoặc giật con rối bằng hệ thống dây. Phương thức nhờ nước để con rối hoạt động, nhờ nước giấu đi bộ máy và cách điều khiển là sáng tạo tuyệt vời. Nước làm cho con rối sinh động, làm cho chúng tươi tắn. Nước đã tham gia cùng diễn với con rối như một nhận xét: "Nước cũng là một nhân vật của múa rối." Mặt nước êm ả với đàn vịt bơi, trở nên thơ mộng trong làn khói huyền ảo khi bầy tiên nữ giáng trần múa hát. Nhưng mặt nước cũng sôi động trong những trận chiến lửa, những con rồng vây vàng xuất hiện. Báo nước ngoài từng viết: "Con rối được điều khiển bằng sự khéo léo khó mà tưởng tượng. Con rối như có phép thuật điều khiển." Đấy chính là sự tài tình, là điều hấp dẫn và sáng tạo của nghệ thuật múa rối nước. 2.4.3 Kịch bản,ngôn từ Về ngôn ngữ., ngôn ngữ sử dụng là ngôn ngữ bình dân, trái ngược hẳn với văn phong Hán – Việt của hát tuồng hay hát bội thường chỉ giới nho sĩ và chuyên môn mới hiểu được. Nó cũng không hề chịu ảnh hưởng của sử thi Ra-ma-ya-na như các loại hình múa rối Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác là Thái Lan, Campuchia, Lào, Mianma, Malaysia và Indonesia. 2.4.4 Nghệ nhân múa rối Các nghệ nhân dân gian đã dựa vào kinh nghiệm và khả năng sáng tạo để làm ra nhiều kiểu máy rối nước phong phú và đa dạng. Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò để điều khiển con rối. Họ thao tác từng cây sào, thừng, vọt... hoặc giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên ngoài hoặc dưới nước Sự thành công của quân rối nước chủ yếu trông vào sự cử động của thân hình, hành động làm trò đóng kịch của nó. Tùy thuộc vào khả năng và thế mạnh có thể tham gia vào một trong các vị trí: Nghệ nhân tạo hình quân rối. - Nghệ nhân sáng tạo tích trò và tích diễn : - Nghệ sỹ biểu diễn: + Nghệ sỹ điều khiển rối: + Nghệ sỹ biểu diễn tích trò, tích diễn 2.4.5 Sân khấu múa rối Yếu tố độc đáo của rối nước là sử dụng mặt nước làm sân khấu để con rối diễn trò, đóng kịch. Buồng trò rối nước (nhà rối hay thủy đình), được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc cân đối tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Tất cả buồng trò, sân khấu cùng trang bị cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã đúng là một đình làng thu nhỏ lại với những mái uốn cong lung linh phản chiếu trên mặt nước. Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò, nó chỉ thực sự hoàn chỉnh khi đã vào chương trình biểu diễn và cũng bắt đầu mất đi ngay khi chấm dứt tiết mục cuối cùng. Qua những tiết mục biểu diễn của nghệ thuật rối nước cổ truyền, những cảnh sinh hoạt bình thường về đời sống, tập tục tinh thần và vật chất truyền đời của người nông dân Việt Nam được thể hiện một cách rõ nét. 2.4.6 Âm nhạc Khởi thủy là biểu diễn trên sân khấu ngoài trời giữa ao hồ, nên rối nước cần âm thanh mạnh để giữ tiết tấu và khuấy động không khí buổi diễn. Các phường hội dân gian chuyên dùng bộ nhạc gõ dân tộc như trống cái, não bạt, mõ, pháo, tù và ốc. Âm nhạc rối nước mang tính đại náo của hội hè, có tác dụng kích động mạnh cả người diễn lẫn người xem. Vốn là một nghệ thuật lấy động tác làm ngôn ngữ diễn đạt, rối nước gắn bó với âm nhạc như nghệ thuật múa. Các nghệ nhân múa rối nước dựa theo tiết tấu nhạc mà điều khiển con rối lúc khoan thai, lúc sôi động, giúp gắn kết các tiết mục với nhau Người Pháp gọi môn nghệ thuật múa rối nước với những con rối duyên dáng là "linh hồn của đồng ruộng Việt Nam" và đánh giá: "Với sáng tạo và khám phá, rối nước đáng được xếp vào những hình thức quan trọng nhất của sân khấu múa rối". 3.Giá trị văn hóa- nghệ thuật của múa rối nước 3.1 Giá trị nghệ thuật Múa rối nước Việt Nam từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn đối với người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Những yếu tố làm nên giá trị của nghệ thuật rối nước Việt Nam được thể hiện ngay trong nội dung của tác phẩm và hình thức thể hiện. Đến với múa rối nước Việt Nam, người xem được sống trong không gian sông nước, âm nhạc, cuộc sống nơi đồng quê thôn dã. Các quân rối, nhà thủy đình, trò diễn với tính bất ngờ, kỳ lạ, với những yếu tố vui cười... luôn đem lại những giây phút sảng khoái, truyền thêm tình yêu đời cho người xem rối nước. Tính kỳ là một trong những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của nghệ thuật rối nước Việt Nam. Tính kỳ luôn đóng vai trò đặc biệt trong phương pháp nghệ thuật và quyết định sự thành công của trò diễn. Những con rối chuyển động, nhảy múa, ca hát trên mặt nước mà người xem không biết chúng chuyển động bằng cách nào. Hàng loạt cờ phướn bật lên từ trong lòng nước mà vẫn khô ráo; những hoạt động xay thóc, giã gạo, gà mổ thóc, cấy lúa, đánh cá, úp nơm, cá bơi dưới nước đột nhiên ngóc đầu lên đớp mồi câu; cáo lại ngoạm được con vịt, leo được lên cây cau cao vút; rồng lại phun lửa trên mặt nước... Trong mênh mông ao nước, lúc thấy con rối ở đầu bờ ao này, lúc lại ở đầu ao bên kia, làm đủ các trò. Đó là những bất ngờ, kỳ diệu, cuốn hút người xem. Ao nước giúp người nghệ nhân giấu kín que, sào, dây và những đạo cụ khác, để các con rối diễn những trò diễn trong một thế giới đầy bất ngờ, bí ẩn, ngoài sự phán đoán, tưởng tượng của người xem. Tính kỳ của trò diễn rối nước, trong chừng mực nào đó, cũng là sự thể hiện của tính nghịch thường, trái với quy luật của tự nhiên. Trong tâm thức người Việt và các dân tộc vùng Đông Nam Á khác, rồng bao giờ cũng được coi là vật linh thiêng, là biểu tượng của quyền lực tối thượng, của vua chúa. Nhưng trong rối nước, rồng mang tính kỳ ở chỗ, biết hút nước, phun nước, phun lửa, tạo ra những vệt sáng kỳ lạ trong không gian và trong lòng nước... Lửa nước là hai yếu tố, theo quan niệm triết học phương Đông, vốn xung khắc, nhưng lửa - nước trong múa rối Việt Nam đã được nghệ sĩ cấu trúc hài hòa trong một chỉnh thể, tạo cho người xem cảm giác thích thú trong cái nghịch thường. Bên cạnh tính kỳ trong nghệ thuật, múa rối nước Việt Nam còn có tính cười, vui của khán giả. Nội hàm của tính cười, vui ấy, là niềm vui, hồ hởi về trạng thái tâm hồn của khán giả. Có lẽ, không có tính kỳ, nghịch thường với tính cười - vui, chắc không thành trò diễn rối nước. Con rối từ một vật thể vô tri vô giác, nhưng nhờ sự điều khiển khéo léo, tài nghệ của người nghệ nhân, bỗng trở nên sống động như một sinh thể có hồn, đem đến những điều kỳ lạ, cười, vui... Đây chính là biểu hiện cao nhất của cái đẹp trong nghệ thuật múa rối nước. Tính kỳ, cười, vui càng cao bao nhiêu, thì trò diễn càng hay bấy nhiêu. Có lẽ, cũng chính vì tiêu chí này mà các phường rối nước từ xa xưa cho đến nay đã có ý thức trong việc nghiên cứu, tìm tòi miếng trò riêng của phường mình, để thi thố, khẳng định tài năng. Các phường rối nước xưa thường giao lưu với nhau, các tiết mục tuy có trùng lặp nhưng đều có tính sáng tạo, tính kỳ, tính cười, vui riêng, với những bí quyết nhà nghề riêng. Khi rối nước phát triển, có tục lệ thi đấu, phường rối nào cũng cố tìm ra những trò mới, hay, khéo, lạ để thu hút sự chú ý của người xem, để lại dấu ấn riêng biệt của phường mình. Vì thế, giá trị nghệ thuật của múa rối nước càng đặc sắc hơn. Cùng xuất hiện trên vùng châu thổ sông Hồng, mang những đặc điểm chung của văn hóa vùng, nhưng rối nước mỗi phường lại có những nét độc đáo riêng, làm nên sự đa dạng trong nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Được tạo hình dựa trên cùng một nguyên tắc của điêu khắc tượng tròn, đều bằng gỗ, nhưng quân rối mỗi phường, mỗi vùng cũng có những nét riêng. Quân rối làng Đống (phường Đông Các) nhỏ hơn quân rối các phường khác (trung bình chỉ cao từ 20-35 cm) do truyền thống biểu diễn lưu động hay còn gọi là rối thùng của phường. Quân rối phường Phú Đa thường có vẻ mặt phúc hậu, từ bi, ít vui tươi hóm hỉnh hơn so với quân rối các phường khác, bởi được tạo nên từ bàn tay của những người thợ điêu khắc làm tượng, chùa xưa. Con rối phường Đào Thục lại có chiều cao nhỉnh hơn so với các phường khác (trung bình 50-60cm) bởi nghệ nhân có kỹ thuật độc đáo hơn trong việc làm nổi. Nét riêng biệt trong kỹ thuật múa rối cũng thể hiện rất khác nhau. Rối nước làng Đống chủ yếu sử dụng các máy sào làm bằng gỗ nghiến (bởi họ biết cách để máy sào không những không bị chịu sức cản của nước mà lại tận dụng được sức đẩy của nước để di chuyển quân rối theo phương thẳng đứng). Phường Phú Đa diễn bằng máy dây (sử dụng dây chão, dây thép căng trên đầu một hệ thống các cọc ngầm từ buồng trò ra sân khấu). Phường Đào Thục lại sử dụng cả hai kỹ thuật truyền thống dùng máy sào bằng tre, sào gỗ, sào kim loại, kết hợp với máy dây bằng chão, dây thép, để điều khiển những con rối lớn. Như vậy, giá trị nghệ thuật của múa rối nước thể hiện rất rõ ở những dấu ấn địa phương, từ quân rối, kỹ thuật máy, kỹ thuật điều khiển, hay cùng một trò diễn giống nhau, nhưng mỗi phường, mỗi địa phương lại thể hiện khác nhau... Nói tới giá trị nghệ thuật của rối nước, không thể quên Tễu, nhân vật mang tính biểu tượng của múa rối nước, của văn hóa lúa nước Việt Nam. Cùng một nhân vật Tễu nhưng Tễu làng Đống to hơn và hoạt động linh hoạt hơn so với Tễu của các phường khác qua các động tác: gật đầu, đưa tay lên cao, xuống thấp, xoay ngang, qua trái, qua phải, đi vòng khắp sân khấu và thông minh, hóm hỉnh, nghịch ngợm, sinh động với lời giáo: "Nay mừng vận mở thái hòa, Tễu tôi nhanh nhảu bước ra trình trò”. Ngoài phạm vi quân rối, kỹ thuật, kỹ xảo của các máy móc điều khiển quân rối, nghệ thuật múa rối nước vùng châu thổ sông Hồng còn mang tính nguyên hợp: có tích, có trò, có ca, múa, nhạc, diễn, hề... trên cơ sở của tư duy nguyên hợp ba trong một. Hình tượng rối được sáng tạo theo nguyên tắc tả thực bằng khác thực, miêu tả cuộc sống hiện thực bằng quân rối, ca múa nhạc, sân khấu nước... Tuy nhiên, tính nguyên hợp trong múa rối nước nổi trội hơn so với xiếc, vì nó kế thừa được giá trị văn hóa, văn minh lúa nước của người Việt vùng châu thổ sông Hồng. Múa rối nước là sự kết hợp tổng hòa, nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật chế tác và tạo hình quân rối, nghệ thuật biểu diễn dân gian với kỹ thuật lắp máy, dây điều khiển quân rối, âm nhạc dân gian. Đặc biệt, hình ảnh nghệ nhân dùng sào, dùng gậy để múa rối gợi liên tưởng đến việc người xưa đã dùng mái chèo khấy động mặt nước trong các cuộc đua thuyền tại các ngày lễ hội... Trong điều kiện tự nhiên của vùng sông nước, phương tiện giao thông bằng thuyền là sự lựa chọn, thích ứng của con người. Bởi vậy, hành động đẩy thuyền, kéo thuyền trở thành thói quen thường nhật của con người, chẳng khác nào hành động đẩy sào, kéo dây trong múa rối nước. Đây là sự sáng tạo dựa trên nguyên lý kỹ thuật kéo, đẩy, kết hợp với sức nước. Điều này làm nên giá trị nghệ thuật của múa rối nước, cũng chính là giá trị của nghệ thuật dân gian Việt Nam. Yếu tố âm nhạc giữ vai trò quan trọng, tạo nên sự hấp dẫn của loại hình múa rối nước. Trước đây, khi giai điệu âm nhạc chưa xuất hiện, thì bộ gõ là những nhạc cụ sơ khai của múa rối nước. Múa rối nước cần âm thanh mạnh, để giữ tiết tấu và khuấy động không khí buổi diễn trong không gian ngoài trời, trong các lễ hội làng ồn ào, náo nhiệt. Tiếng trống rộn ràng, cùng với mặt nước phản âm khiến âm thanh càng thêm vang xa, náo động, tạo nên sự hấp dẫn, cuốn hút, tác động mạnh tới cả người diễn lẫn người xem. Các nhạc cụ gõ sử dụng trong múa rối nước là: trống cái, trống con, trống cơm, mõ, thanh la, não bạt. Khán giả đến với nghệ thuật rối nước không chỉ xem những con rối ngộ nghĩnh, chuyển động tài tình trên mặt nước, mà còn được thưởng thức không khí biểu diễn náo nhiệt, sôi động, phấn khởi từ âm nhạc của bộ gõ. Qua âm nhạc, người nghệ nhân mới có thể diễn tả được hết vẻ đẹp của con rối. Âm nhạc là công cụ đắc lực trong việc thể hiện tâm tư, tình cảm của con rối vô tri mà lời thoại không thể chuyển tải hết. Âm nhạc còn làm nhiệm vụ gắn kết các trò diễn với nhau, giúp người xem không có cảm giác vụn vặt giữa các trò diễn, nội dung truyền tải tốt hơn, tạo nên sự giao lưu, gần gũi giữa con rối và người xem. Chính điều này làm cho khán giả thoải mái, thích thú theo dõi từ đầu đến cuối buổi diễn. Nếu chú Tễu là một biểu tượng của múa rối nước, thì thủy đình, nơi biểu diễn rối nước, là một yếu tố góp phần làm nên nét độc đáo trong giá trị nghệ thuật của múa rối nước. Trong thực tế, đã có đến 28 phường hội rối nước dân gian ở 11 tỉnh khu vực châu thổ sông Hồng. Thủy đình được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc cân đối, tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Thủy đình có mặt bằng kiến trúc hình vuông, mái lợp được chia làm hai lớp âm dương, bốn cột cái đỡ các mái trên đầu và gánh chịu một đầu các mái dưới ở giữa. Mười hai cột con sắp thành hàng quanh bốn bên đỡ đầu còn lại của các mái dưới. Hai mái được lợp bằng ngói mũi hài xếp chồng lên nhau theo hình vẩy cá. Nơi giáp góc các mái đều được làm thành những đầu đao uốn lượn cong lên. Nếu tính từ mặt nước lên tới nóc thì cả mái trên và mái dưới cộng lại cao gấp đôi phần thân nhà. Dù được xây gằng gạch hay dựng bằng gỗ thì thủy đình vẫn được mở thông ra nhiều hướng. Tư duy người Việt thường gắn giá trị thẩm mỹ với giá trị ích dụng. Vì vậy, thủy đình với kiến trúc như vậy sẽ không có nhiều công năng sử dụng, nên đã có ít nhà thủy đình ở các phường rối. Tính độc đáo của thủy đình rối nước chính là ở chỗ thường tọa giữa ao làng, trong một tổng thể không gian kiến trúc của đình, đền, chùa, miếu... không những đẹp về kiến trúc mà còn mang đậm ý nghĩa phong thủy trong sinh hoạt cộng đồng làng xã... 3.2 Giá trị văn hóa Múa Rối Nước là nghệ thuật của hội hè làng xóm, là sáng tạo bí truyền của từng phường, từng hội, từng nghệ nhân - chứa đựng và lưu giữ nhiều hoạt động xã hội, nhiều truyền thống dân gian, nhiều kỹ thuật nhân dân thô sơ, nhiều nghệ thuật và sinh hoạt tinh thần vật chất của nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Sân khấu múa rối nước trình bày những cảnh đời thường ngày, những sinh hoạt dung dị đến ngạc nhiên. Nó cắt nghĩa rõ ràng khả năng và tài năng của một dân tộc sinh sống bằng nghề trồng cây lúa nước. Này đây: cha cầy, mẹ cấy, em bé chăn trâu, anh chị quăng chài, chăn vịt, thả cá, cả làng vui hội vui hè, đấu vật, rước thánh, rước thần, hát chèo, hát tuồng, đánh đu, đua thuyền, thi bơi, múa lân, múa rồng, múa tiên, đua ngựa, đấu kiếm... tính hoành tráng, vĩ đại của dân tộc, của lịch sử đất nước như được thu gọn trong sân khấu nhỏ bé này. Người sáng tạo và duy trì nghệ thuật múa rối nước từ hàng nghìn năm nay là người làm ruộng, sống với nước từ khi còn trong bụng mẹ, gắn bó với nước chặt chẽ, ân tình "sống ngâm da, chết ngâm xương". Ngâm bùn lội nước là cuộc sống thường ngày. Biểu diễn rối nước với họ là niềm thích thú được tham gia sáng tạo. Nghệ nhân rối nước đều là người đứng tuối, đã lăn lộn với đồng nước, với con trâu cái cầy. Trò rối nước vốn không xuất phát từ nghệ thuật ngôn từ nên lời ca giọng hát chỉ làm phụ trợ. Việc làm rối nước chỉ là chơi "trò văn nghệ" lý tưởng say mê và tự hào của họ. Múa rối nước là một sinh hoạt vǎn hoá xóm làng, được bà con trân trọng, quí mến, nuôi dưỡng, giữ gìn và phát triển. Họ luôn dành cho các hoạt động của phường mọi sự giúp đỡ, từ nắm lạt, sợi thừng, cây tre, tấm ván, lá cót, mảnh phên... để dựng buồng trò, đến cây sung tạc quân, cái sào điều khiển, chiếc thúng chuyên chở... khi biểu diễn. Ngoài ra, tuỳ theo khả năng những người có chữ nghĩa, có tay nghề thủ công... còn tham gia vào sáng tác lời giáo, chế tác quân máy, quyên góp tiền bạc, mua sắm trang thiết bị... do đó có phường số thành viên đông tới bảy tám chục người trong khi lượng người biểu diễn cần thiết thường chỉ đến hai chục người là tối đa. Là một di sản văn hoá Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến, tuy nhiên, rối nước Việt Nam chưa được quan tâm thực sự. Rất ít thiếu nhi Việt Nam biết rối nước là gì, người lớn thì không mấy quan tâm, nhất là những người sống ở thành phố, còn ở vùng sâu vùng xa... đương nhiên là người dân rất xa lạ với múa rối, chứ đừng nói đến rối nước. Số em từng được xem biểu diễn rối nước không nhiều. Một số người băn khoăn, liệu có phải bao nhiêu công sức thời gian các nghệ sĩ đều đầu tư cho việc hướng ngoại cả ? Ngay ở Hà Nội, các show diễn của Nhà hát Múa rối T.Ư cũng rất thưa thớt. Hàng năm, chỉ có đợt 1/6 và Trung thu nhà hát mới tổ chức các show diễn cho thiếu nhi. Thiết nghĩ, để một loại hình nghệ thuật trở thành "đặc sản" văn hoá của nước mình thì trước hết cần gây dựng, gìn giữ nó trong lòng người Việt Nam trước đã. Làm sao để ở các trường học trẻ em hiểu và yêu nghệ thuật rối nước, được xem biểu diễn, được giao lưu với các nghệ sĩ biểu diễn. Sức sống bền vững nhất của bất cứ loại hình văn hóa nào cũng phải được xây dựng từ chính cái nôi sinh thành ra nó. Hơn nữa, niện múa rối nước vẫn tồn tại phân tán trong các phường hội dân gian. Việc khai thác nâng cao sử dụng một số trò để phục vụ giao lưu với nước ngoài và phục vụ nhân dân trong nước gần 20 năm qua tưởng đã đủ cơ sở để tổ chức, khai thác, bảo tồn, phát huy và phát triển nó một cách khoa học, nghiêm túc và kịp thời. Nhân vật thể hiện giá trị đặc sắc của múa rối nước là chú tễu Trải qua nhiều năm, người Việt Nam từ chốn cung đình cho đến các làng mạc nông nghiệp nghèo nhất, ai ai cũng yêu mến chú Tễu và coi Tễu là con rối quan trọng nhất.Tếu là linh hồn của rối nước, là cầu nối giữa người biểu diễn và người xem. Vẻ đẹp rối nước trong tinh thần làng quê Việt Múa rối thì hầu như dân tộc nào cũng có, nhưng múa rối nước thì duy nhất chỉ có ở Việt Nam. Nghệ thuật múa rối nước xuất hiện từ đời Lý, ngay từ thời này hai loại hình nghệ thuật rối cạn và rối nước đã được kết hợp nhuần nhuyễn đạt đến độ tinh sảo trong diễn xuất. Rối nước chuyên sử dụng các con giống, các tượng gỗ, các lốt giả trang để làm trò đóng kịch trên sân khấu, song cái đặc biệt ở đây là môi trường nước được sử dụng làm sân khấu, cơ sở diễn xuất của nó dựa trên nền tảng diễn xướng dân gian. Ngoài việc kế thừa các kỹ thuật cổ truyền, ngày nay các nghệ nhân còn sáng tạo và làm phong phú hơn loại hình nghệ thuật này ở cả khía cạnh trò diễn cũng như kỹ thuật biểu diễn và ca từ. Những năm gần đây, nghệ thuật múa rối đã khẳng định được vị thế trong đời sống của dòng chảy văn hoá. Đặc biệt, trong những địa phương này, nổi bật có rối Thẩm Rộc của đồng bào Tày ở huyện Định Hoá, Thái Nguyên. Từ 13 đời nay, nghề rối được dòng họ Ma Quang gìn giữ. Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng nghề vẫn được truyền đến ngày nay. Múa rối Thẩm Rộc thuộc loại hình rối que, thông thường phường rối có 12 thành viên gồm người điều khiển, người chơi nhạc và một số người giúp. Cách điều khiển con rối ở phường rối Thẩm Rộc cũng có cách khác với các phường rối khác. Ngoài một số con rối dùng dây giật, cầm trên tay điều khiển, phần lớn các con rối được điều khiển qua các que tre. 3.3 Một số phường múa rối nước nổi tiếng Nghệ thuật rối nước là đặc phẩm văn hoá bản địa dân tộc Việt, phát triển ở hầu hết các làng xã quanh kinh thành Thăng Long như Đào Thục (Đào Xá) - Huyện Đông Anh, chùa Nành - Gia Lâm, Phường rối nước xã Thanh Hải - Thanh Hà - Hải Dương và nhiều phường rối ở hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài Nhà hát múa rối Trung ương và Nhà hát múa rối Thăng Long, cón có một số phường nổi tiếng như Đào Thục, Tế Tiêu, Tràng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá, Nguyên Xá và Nam Chấn[3]. Đặc biệt, trong những địa phương này, nổi bật có rối Thẩm Rộc của đồng bào Tày ở huyện Định Hoá, Thái Nguyên. Từ 13 đời nay, nghề rối được dòng họ Ma Quang gìn giữ. Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng nghề vẫn được truyền đến ngày nay. Múa rối Thẩm Rộc thuộc loại hình rối que, thông thường phường rối có 12 thành viên gồm người điều khiển, người chơi nhạc và một số người giúp. Cách điều khiển con rối ở phường rối Thẩm Rộc cũng có cách khác với các phường rối khác. Ngoài một số con rối dùng dây giật, cầm trên tay điều khiển, phần lớn các con rối được điều khiển qua các que tre[3]. Năm 1992, Nhà hát Múa rối Thăng Long tại Hà Nội phục hồi 17 trò rối nước làm sống dậy trò rối nước trên toàn quốc gồm 17 trò: Bật cờ, Chú Tễu, Múa rồng, Em bé chăn trâu, Cày cấy, Cậu ếch, Bắt vịt, Đánh cá, Vinh quy bái tổ, Múa sư tử, Múa phượng, Lê Lợi trả gươm, Nhi đồng vui chơi, Đua thuyền, Múa lân, Múa tiên, Tứ linh. Tại thành phố Hồ Chí Minh có sân khấu múa rối nước Rồng Vàng. 4.Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối Việt Nam Múa rối nước dân gian ở khu vực đồng bằng Bắc bộ đang tồn tại và phát triển nhưng cũng gặp phải những điều bất cập. Trên thực tế vẫn tồn tại những phường Rối tuy vẫn duy trì hoạt động, nhưng thực chất lại là dập khuôn. Gần như hầu hết các phường Múa rối nước trên toàn miền Bắc đều diễn một chương trình gần giống nhau, đó là 16 trò Múa rối nước dân gian được rút ra từ phường Nguyên Xá ở Thái Bình và phường Nam Chấn ở Nam Đinh. Trong khi đó hàng trăm trò diễn độc đáo do nghệ sĩ dân gian sáng tạo trong hàng trăm năm qua, vẫn còn nằm im trong ký ức của những người có nghề ở nông thôn, bởi những nghệ sĩ cao niên không thể diễn được nữa, việc tạo hình con rối hiện nay cũng không nhất quán về phong cách. Sự tản mạn, manh mún của phong trào Múa rối nước dân gian là nguyên nhân chính của sự mai một và mất bản sắc dân gian trong môn nghệ thuật đặc sắc này. * Do vậy, giải pháp đầu tiên đặt ra để bảo tồn và phát triển Múa rối nước dân gian là phải tiến hành việc sưu tầm sân khấu Múa rối nước. Những năm gần đây, công tác sưu tầm sân khấu Múa rối nước đã được quan tâm hơn, nhưng thực chất vẫn chưa đáp ứng được tầm quan trọng của nó. Sưu tầm còn mang tính tự phát của một số cá nhân hay của một vài cơ quan chức năng mang tính hình thức chủ nghĩa. Có một nghịch lý: Chúng ta bỏ không biết bao nhiêu công sức, của cải, thời gian khai quật, tìm tòi những di vật cổ trong lòng đất, trong đáy đại dương nhưng lại bỏ quên những di tích, những cổ vật quý hiếm nằm rải rác ngay xung quanh chúng ta, trong đó có múa rối nước. Rất nhiều con rối cổ bị đem bán ra nước ngoài, một số còn lại, có những con rối mang tuổi vài trăm năm, vẫn còn nằm im trong các làng quê, trong các góc đình làng ẩm thấp. Những con rối ở nhà mồ Tây Nguyên, ở bản làng Đăklăk, ở Cao Bằng, ở Hà Tây cũng đang cần đến những người sưu tầm. Nếu kéo dài tình trạng này, việc phát huy Múa rối nước sẽ gặp nhiều khó khăn ngay từ khâu sưu tầm. * Giải pháp thứ hai: Công tác đào tạo. Từ trước tới nay, việc đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu Múa rối nói chung tồn tại hai hình thức. Đào tạo theo lối truyền nghề, đó là cách đào tạo truyền thống. Tất cả các phường Rối cạn cũng như Rối nước tồn tại như một hình thức văn nghệ dân gian. Nó có nhiều ưu điểm là người học nghề có khả năng bắt chước nhanh, thuần thục những gì được học, nhưng khả năng tư duy, sáng tạo độc lập lại hạn chế, bởi chỉ được truyền những kinh nghiệm và thủ thuật diễn một cách máy móc và dập khuôn. Hình thức đào tạo theo trường lớp, học theo khung chương trình, có giáo án, giáo trình, ngoài môn chuyên ngành còn phải học nhiều môn kiến thức cơ bản và liên ngành khác. Vì vậy, học viên khi tốt nghiệp có khả năng tư duy và sáng tạo độc lập theo ý đồ của đạo diễn cũng như của tập thể. Hình thức theo kiểu trường lớp này có tính khoa học nhưng thực chất không có hiệu quả bằng lối đào tạo truyền nghề như ở mô hình đào tạo truyền thống ở một số địa phương; cũng như Tuồng, Chèo phương pháp đào tạo tại chỗ, cha truyền con nối là có hiệu quả hơn. Múa rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, từ xưa tới nay vẫn là truyền nghề là chính, vì thế mà vai trò của nghệ nhân rất quan trọng: Nghệ nhân tạo hình con rối, làm máy móc điều khiển con rối và biểu diễn.Vì thế phải quan tâm nhiều hơn nữa trong việc sử dụng nghệ nhân, trong việc đào tạo lực lượng diễn viên Múa rối nước trẻ. Đào tạo phải gắn với thực hành, nghĩa là phải tổ chức hoạt động biểu diễn thường xuyên để diễn viên trẻ được thực hành, được nâng cao kỹ năng, được tiếp cận thường xuyên với công chúng. Thực tế có một số phường Múa rối nước đào tạo xong một lớp diễn viên rồi chỉ cho biểu diễn mấy buổi báo cáo rồi nghỉ kéo dài vì không tổ chức biểu diễn được, trong khi sân khấu Múa rối nước phải thường xuyên đến với quần chúng, vì đối tượng mà nó phục vụ cũng là nguồn động viên cho nghệ thuật phát triển. * Để nghệ thuật Múa rối nước dân gian có thể tồn tại và phát triển theo định hướng mà Nghị quyết 05 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nhà nước cần quan tâm và đầu tư thêm tài chính để nghệ thuật Múa rối nước có sức tồn tại tự thân ngay ở trong làng, xã. Cuộc sống của những người hoạt động Múa rối nước dân gian ở tình trạng bấp bênh thì họ không thể yên tâm ngồi cạnh những cái ao làng lạnh lẽo với những con rối vô hồn mà họ phải bươn chải, phải tự vận động theo cơ chế thị trường để tồn tại. Bên cạnh sự quan tâm, tài trợ của Nhà nước, chúng ta phải thực hiện chính sách xã hội hóa đối với Múa rối nước, để phục hồi những trò diễn cổ - vốn quý do nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa sáng tạo ra và tiếp tục cho xây thêm một số Thủy đình biểu diễn Rối nước ở địa phương. * Đã đến lúc đi tới việc hình thành tổ chức Hội chuyên ngành Múa rối nước, vì lâu nay ta chỉ mới có Hội sân khấu - Hội nghề nghiệp chung của nhiều bộ môn sân khấu kết hợp lại. Đây là một Hội chuyên ngành - Hội nghề nghiệp những người hoạt động Múa rối nước, là chỗ dựa tinh thần để họ hành nghề trong sự thống nhất và có điều kiện phát triển khả năng và truyền dạy kinh nghiệm cho thế hệ sau. Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy, nghệ thuật múa rối (Bunraku) đã tồn tại 6, 7 trăm năm mà vẫn còn giữ được nguyên xi như thời mới ra đời. Bunraku không phát triển tràn lan như Múa rối nước ở Việt Nam ta, mà biết tập trung vào một số địa phương tiêu biểu và được nhà nước và các tổ chức xã hội chăm lo bảo tồn như báu vật quốc gia. Ở những nơi đó đều có sân khấu riêng của Bunraku với lịch biểu diễn định kỳ. Mỗi lần biểu diễn được ban quản lý Hiệp hội tổ chức hết sức chu đáo, từ việc tuyên truyền, tổ chức sân khấu đến việc biểu diễn, bán vé thu tiền và cuối cùng là trả lương cho nghệ sĩ. Đặc biệt nghệ sĩ múa rối Bunraku không sống tập trung trong một đoàn, một đội, mà sống tự do, khi cần biểu diễn, ban quản trị của Hiệp hội thông báo tập hợp lại và có thể biểu diễn ngay không phải qua tập luyện vì họ đã quá thuần thục. Nếu ai không đảm bảo kỷ luật và kỹ thuật biểu diễn sẽ bị loại ra khỏi Hiệp hội, ngược lại, những người giỏi nghề và hoạt động theo tổ chức thì lương được duy trì lâu dài. Các hình thức sân khấu truyền thống ở Nhật hoạt động hoàn toàn theo xã hội hóa, mỗi loại hình đều có Hiệp hội riêng để chịu trách nhiệm về ngành nghề của mình. Nhờ có Hiệp hội, các loại hình nghệ thuật truyền thống luôn luôn được đề cao, người nghệ sĩ được tôn trọng và mức sống của họ khá cao. Vì thế mà không ai bỏ nghề, hoặc làm nghề có tính chất tay trái như tình trạng Múa rối nước dân gian ở Việt Nam: chỉ biểu diễn xuân thu nhị kỳ, còn lại là làm nghề khác, nên vẫn mang tính nghiệp dư hơn là chuyên nghiệp. Thành lập Hội Múa rối nước là một giải pháp tích cực đối với quá trình phục hồi và phát triển Múa rối nước dân gian hiện nay. Khi đã có Hội, riêng hoạt động của Múa rối nước dân gian sẽ không bị phân tán, không rơi vào tình trạng cha chung không ai khóc, không bị cô lập, mà ngược lại mọi việc được tập trung hơn, đời sống của nghệ nhân càng được đảm bảo. Đời sống nghệ nhân được ổn định thì nghệ thuật nhất định sẽ được nâng cao. Dĩ nhiên, để được công nhận là nghệ nhân đòi hỏi phải có năng khiếu, tài năng và sự lao động bền bỉ để nuôi dưỡng tay nghề và không ngừng nâng cao chất lượng nghệ thuật. * Làm thế nào để phục hồi được những trò diễn độc đáo do các nghệ nhân nhiều thế hệ đã sáng tạo ra? Đây là vấn đề nan giải, nhưng không phải là không làm được. Như chúng ta đã biết, hai bộ môn nghệ thuật truyền thống Tuồng, Chèo sau khi khôi phục cho đến sau 1954 chỉ còn rất ít các tiết mục cổ. Chiến tranh kéo dài và những quan niệm lệch lạc một thời về nghệ thuật truyền thống đã làm rơi rụng nhiều giá trị nghệ thuật hai bộ môn này. Nhưng từ cuối những năm 50 của thế kỷ 20 khi các nghệ nhân, nghệ sĩ của hai bộ môn nghệ thuật này tập hợp lại theo chủ trương phục hồi vốn cổ, thì chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, các nghệ nhân cùng sự trợ giúp của các nhà nghiên cứu, đã phục hồi được hàng chục vở tuồng, chèo cổ và hàng trăm trích đoạn hay, hàng trăm làn điệu, khuôn hình biểu diễn mẫu…Từ đó cho đến nay, hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ diễn viên và đạo diễn kế tiếp, mới có cơ sở để học tập và sáng tạo ra những tiết mục mới, những vở diễn mới. Với Múa rối nước hoàn cảnh và môi trường có khác với Tuồng, Chèo, bởi Múa rối nước chỉ tồn tại ở làng quê với những ao hồ, lại phân tán trên một diện rộng gần khắp miền Bắc. Do đó, việc tập trung lại để khai thác vốn cổ có phần khó khăn hơn. Cho đến thời điểm này, số nghệ nhân Múa rối dân gian thực thụ còn lại rất ít. Bên cạnh đó, nghệ nhân lại tuổi cao, sức yếu, bỏ nghề đã quá lâu, nên vốn truyền thống được bảo lưu trong họ mỏng manh, vừa tản mạn và dễ tam sao thất bản. Tuy vậy, nếu có quyết tâm và có sự đầu tư đúng mức của Nhà nước có kế hoạch khai thác vốn truyền thống chặt chẽ, chúng ta vẫn có thể làm được, nhưng phải xúc tiến nhanh, nếu không thì sẽ quá muộn. * Cùng với việc khai thác, phục hồi và biểu diễn những tích trò cổ, ngành Múa rối nước cũng cần đẩy mạnh quá trình xây dựng những tiết mục biểu diễn hoàn toàn mới. Hai quá trình này nên tiến hành song song, đồng thời. Kinh nghiệm rút ra từ lịch sử nghệ thuật trong nước cũng như trên thế giới đã cho thấy rằng, sức sống của một bộ môn nghệ thuật không chỉ thu lại ở phương diện bảo tồn và tiếp thu tinh hoa của quá khứ mà còn thể hiện ở phương diện phát huy và phát triển loại hình nghệ thuật đó trong thời đại mới. Nếu chỉ khoanh việc biểu diễn Múa rối nước trong 16 trò quen thuộc thì đến một lúc nào đó sẽ trở nên nhàm chán cho người xem và cả cho người tổ chức. Và như thế, vô tình trong ta làm xơ cứng, nghèo nàn một di sản nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Làm mới nghệ thuật Múa rối nước đòi hỏi một tinh thần sáng tạo nghiêm túc và kiên trì. Mới nhưng vẫn mang đặc trưng nghệ thuật Múa rối nước và phong cách dân gian truyền thống. Công việc này trước tiên đặt lên vai các đoàn nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp như là bước đột phá mở đường để các phường rối dân gian học tập. Múa rối nước không những là một bộ môn nghệ thuật mang tính tập thể cao, mà còn thể hiện cái độc đáo trong cái độc đáo của bản sắc dân tộc. Nó là sản phẩm của văn hóa nước vùng châu thổ Bắc Bộ, không thể lẫn vào đâu được. Nó đã trải qua các khâu tìm tòi, cải tiến và điều chỉnh để nâng cao và đạt tới hiệu quả thẩm mỹ cao nhất. Đến lượt hậu sinh tiếp nhận các di sản ấy, chúng ta lại vẫn tìm tòi, cải tiến, điều chỉnh và nâng cao, để nghệ thuật thích nghi với thời đại, với định hướng văn hóa của đất nước. Nguyên tắc đó đã trở thành nguyên lý xây dựng và phát triển bộ môn nghệ thuật mà ta đang toàn tâm toàn ý trong việc bảo tồn và phát huy. Với tinh thần đó, GS Vũ Khiêu trong công trình luận bàn về nghệ thuật (Anh hùng và nghệ sĩ) đã có cái nhìn thấu đáo về biện chứng lịch sử của các sân khấu nghệ thuật truyền thống; “không phải một cá nhân lỗi lạc nào đó đã bỗng nhiên tạo nên một chiếc đàn bầu, một cây sáo trúc, một cái phách tre. Cũng không phải một ngày nào đó bỗng xuất hiện những điệu trống quân, cò lả, quan họ, những giọng ca Huế, cải lương, Bài chòi, những lời thơ lục bát du dương, những màu sắc đậm đà và giản dị của tranh Tết…Tất cả những phương tiện đó là do tập thể của dân tộc ta sáng tạo, được hoàn thiện không ngừng từ đời này qua đời khác”. Vì thế việc bảo tồn và phát triển Múa rối nước dân gian đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Có như vậy Múa rối nước mới thực sự xứng đáng là một loại hình nghệ thuật đặc sắc có tuổi đời hàng ngàn năm, hội nhập và hòa vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong giai đoạn hiện nay.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan