Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Vận dụng tư tưởng hồ chí minh về giai cấp...

Tài liệu Vận dụng tư tưởng hồ chí minh về giai cấp

.DOCX
109
104
129

Mô tả:

LUẬN VĂN: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân vào việc xây dựng đội ngũ công nhân Nghệ An trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay Mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới đó để lại cho Đảng ta, dân tộc ta những di sản tư tưởng to lớn. Tư tưởng của Người là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và thành công trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm về giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam được Người nhận thức đúng đắn, khoa học, là giai cấp có sứ mệnh lịch sử đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Để GCCN hoàn thành được sứ mệnh lịch sử đó, Người chỉ rõ: Trước hết và hơn ai hết giai cấp công nhân phải giác ngộ quyền lợi giai cấp, giác ngộ xã hội chủ nghĩa ra sức học tập, trau dồi văn hoá, chính trị và kỹ thuật, nâng cao trình độ về mọi mặt, gương mẫu trong sản xuất và trong cuộc sống, đặc biệt, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, mạnh dạn đấu tranh. Vì vậy, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, GCCN Việt Nam mà đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nêu cao bản chất cách mạng, lãnh đạo toàn dân tộc làm nên những thắng lợi lịch sử vô cùng to lớn. Ngày nay, trong xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), nhất là trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, GCCN Việt Nam nói chung và đội ngũ công nhân Nghệ An nói riêng đã tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đang tiếp tục phát huy vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục làm nên những kỳ tích mới. Tuy nhiên, sự phát triển của GCCN chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế cả về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; thiếu các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; phần lớn công nhân xuất thân từ nông dân, chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống. Một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường. Giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của công nhân không đồng đều; việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân đang có nhiều khó khăn, bức xúc. Mặt khác, Đảng ta có chú trọng xây dựng GCCN nhưng quan tâm chưa đầy đủ, chưa ngang tầm với vị trí, vai trò của GCCN trong thời kỳ mới. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và luật pháp xây dựng GCCN, nhưng còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng GCCN, nhưng hiệu quả chưa cao, còn nhiều yếu kém. Các doanh nghiệp và người sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế đóng góp tích cực vào tạo việc làm và thu nhập cho công nhân nhưng không ít trường hợp còn vi phạm chính sách, pháp luật đối với người lao động. Nghệ An là một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá đối với khu vực Bắc Trung Bộ. Vị thế ấy được xác lập, phát triển nhờ vào vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của đội ngũ công nhân - lực lượng sản xuất chủ yếu trong các lĩnh vực và các thành phần kinh tế; là những chủ nhân đang cùng cả tỉnh đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, đô thị hoá và hội nhập quốc tế... Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh, những ưu điểm, đội ngũ công nhân Nghệ An còn bộc lộ những yếu kém, khuyết điểm đòi hỏi phải từng bước khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử của mình. Sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay nói chung và Nghệ An nói riêng đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ công nhân không ngừng lớn mạnh; coi sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân là một điều kiện bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước. Do vậy, việc tìm hiểu, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về GCCN là một yêu cầu khách quan, qua đó tìm ra phương hướng và giải pháp đúng đắn xây dựng đội ngũ công nhân trong quá trình CNH, HĐH hiện nay là rất cần thiết và cấp bách. Vấn đề này không chỉ trực tiếp cho Nghệ An mà còn là cơ sở khoa học cho những quan điểm, chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển GCCN cả nước trong bối cảnh mới. Với ý nghĩa quan trọng đó, tôi chọn đề tài: “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân vào việc xây dựng đội ngũ công nhân Nghệ An trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay” làm luận văn thạc sỹ chuyên ngành Hồ Chí Minh học. 2. Tình hình nghiên cứu của đề tài - ở Việt Nam, vấn đề giai cấp công nhân đã được nhiều công trình khoa học nghiên cứu với nhiều góc độ và phạm vi khác nhau. Đáng chú ý là một số công trình nghiên cứu về khái niệm giai cấp công nhân; thực trạng và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam; những giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay như: Cuốn “Một số vấn đề về giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay” (của Bùi Đình Bôn, Nxb Lao động, Hà Nội, 1996). Cuốn “Một số vấn đề về giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam” (của GS. Văn Tạo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997). Cuốn “Đảng cộng sản Việt Nam với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam” (của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Nxb Lao động, Hà Nội, 2000). Cuốn “Xu hướng biến động của giai cấp công nhân Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XIX” (của Viện Công nhân và Công đoàn, Nxb Lao động, Hà Nội, 2001). Cuốn “Giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XIX (của Viện Công nhân và Công đoàn, Nxb Lao động, Hà Nội, 2002). Cuốn “Những tác động tới việc làm, đời sống của người lao động và các giải pháp hành động công đoàn khi Việt Nam gia nhập WTO” (của Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam và Viện FRIEDRICH EBERT (FES), Nxb Lao động, Hà Nội, 2005). Cuốn “Những trang viết về phong trào công nhân và Công đoàn trong thời kỳ đổi mới” (của Hồng Phong (tuyển chọn), Nxb Lao động, Hà Nội, 2005). Cuốn “Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đổi mới” (của Lê Thanh Hà, Nxb Lao động, Hà Nội, 2007). Cuốn “Đổi mới tư duy về giai cấp công nhân - Kinh tế tri thức và công nhân tri thức” (của GS. Văn Tạo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008). Cuốn “Góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam từ thực trạng công nhân Thành phố Hồ Chí Minh” (của PGS. TS Nguyễn Đăng Thành, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008)... Các công trình nêu trên đã khai thác tương đối toàn diện những vấn đề liên quan đến GCCN, xu hướng biến động của nó trong thời kỳ quá độ lên CNXH, mặt khác đã đưa ra một số giải pháp nhằm xây dựng GCCN không ngừng lớn mạnh đáp ứng yêu cầu của của sự nghiệp đổi mới hiện nay. - Một số công trình khoa học nghiên cứu trực tiếp mối quan hệ giữa CNH, HĐH với sự phát triển GCCN; Vai trò của GCCN trong quá trình CNH, HĐH đất nước như: Cuốn “Giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (của PGS. TS Dương Xuân Ngọc, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2004). Cuốn “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự phát triển của giai cấp công nhân” (của PGS. TS Cao Văn Lượng, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2001). Cuốn “Công đoàn và phong trào thi đua trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (của Dương Văn Sao, Nxb Lao động, Hà Nội, 2005). Cuốn “Một số vấn đề xây dựng, phát huy vai trò giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (của Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội, 2004)… Các công trình này đã đề cập đến mối quan hệ biện chứng giữa quá trình CNH, HĐH đất nước với sự phát triển của GCCN, đặt ra những vấn đề về phát triển GCCN đáp ứng được những đòi hỏi đặt ra trong giai đoạn đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH. - Một số công trỡnh nghiên cứu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về GCCN và Công đoàn Việt Nam như: Cuốn “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam” (của GS. Đỗ Quang Hưng, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2008) đã tập hợp các bài viết của nhiều tác giả như GS. Đỗ Quang Hưng, PSG. TS Bùi Đình Phong, GS. TS Phùng Hữu Phú về Hồ Chí Minh với GCCN, với Công đoàn Việt Nam và di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về GCCN và tổ chức Công đoàn. Cuốn “Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước” (của Lê Quang Thiệu, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2008) đã đề cập đến vấn đề phong trào thi đua yêu nước của GCCN và vận dung vào công cuộc đổi mới hiện nay. Cuốn “Đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống - Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn” (của PGS.TS Lê Văn Tích (chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008)... đã có đề cập đến vấn đề đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào giai cấp công nhân từ thực trạng hiểu biết của giai cấp công nhân về tư tưởng Hồ Chí Minh. Cuốn “Hồ Chí Minh với công nhân và Công đoàn Việt Nam” (của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), đã tập hợp trên 30 bài phát biểu, tham luận của nhiều tác giả viết về lòng biết ơn của GCCN và tổ chức Công đoàn Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về GCCN và Công đoàn Việt Nam. ở Nghệ An, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tiến hành khảo sát đưa ra những đánh giá bước đầu nhằm xây dựng đội ngũ công nhân lớn mạnh. Song, nhìn chung chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu có hệ thống vấn đề phát triển đội ngũ công nhân Nghệ An trong sự nghiệp CNH, HĐH; đặc biệt là vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về GCCN vào việc xây dựng đội ngũ công nhân. Vì vậy, nghiên cứu vấn đề: “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân vào việc xây dựng đội ngũ công nhân Nghệ An trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay”, tác giả hi vọng luận văn sẽ góp phần bổ sung những nhận thức, kinh nghiệm vào công tác xây dựng đội ngũ công nhân Nghệ An trong sự nghiệp CNH, HĐH hiện nay. 3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn 3.1. Mục đích Trên cơ sở nghiên cứu, làm rõ các quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về GCCN, luận văn tập trung phân tích, vận dụng tư tưởng của Người vào việc xây dựng đội ngũ công nhân Nghệ An trong sự nghiệp CNH, HĐH hiện nay. 3.2. Nhiệm vụ Để đạt được mục đích trên, luận văn tập trung giải quyết những vấn đề sau: - Trình bày một cách hệ thống các quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về GCCN. - Phân tích thực trạng đội ngũ công nhân Nghệ An, từ thực trạng đó, dự báo xu hướng biến động của đội ngũ công nhân Nghệ An trong sự nghiệp CNH, HĐH hiện nay. - Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giai GCCN để đưa ra những quan điểm và giải pháp xây dựng đội ngũ công nhân Nghệ An trong sự nghiệp CNH, HĐH hiện nay. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Luận văn tập trung nghiên cứu: - Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về GCCN. - Đội ngũ công nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 5. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu của luận văn 5.1. Cơ sở lý luận và thực tiễn Luận văn được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về GCCN, các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND, Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An về GCCN. Cơ sở thực tiễn là kết quả điều tra thực trạng đội ngũ công nhân ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua. 5.2. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng các phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Ngoài ra, luận văn còn sử dụng các phương pháp lịch sử và phương pháp lôgíc, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp điều tra xã hội học... làm cơ sở cho những nhận định và kết luận vấn đề. 6. Đóng góp mới về khoa học của luận văn - Luận văn góp phần làm rõ những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về GCCN. - Làm rõ thực trạng đội ngũ công nhân Nghệ An trong 10 năm trở lại đây, qua đó luận giải có hệ thống quan điểm và giải pháp xây dựng đội ngũ công nhân Nghệ An dưới ánh sánh tư tưởng Hồ Chí Minh. 7. ý nghĩa lý luận và thực tiễn - Luận văn góp phần làm sáng tỏ những quan điểm lý luận về GCCN của Hồ Chí Minh và của Đảng ta, đặc biệt vai trò của GCCN trong sự nghiệp CNH, HĐH của cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng. - Luận văn bảo vệ thành công có thể làm tài liệu tham khảo cho việc xây dựng, hoạch định những chủ trương, chính sách và giải pháp xây dựng đội ngũ công nhân tỉnh Nghệ An đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp CNH, HĐH. - Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu và giảng dạy, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh. 8. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn gồm 2 chương, 5 tiết. Nội dung Chương 1 Tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân việt nam 1.1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của giai cấp công nhân 1.1.1. Khái niệm giai cấp công nhân Bàn đến khái niệm GCCN cho đến nay, do lập trường giai cấp, thái độ chính trị, trình độ nhận thức và phương pháp tiếp cận khác nhau nên vẫn còn những ý kiến không giống nhau. Có thể phân ra ba loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất: Trong thời đại ngày nay, thời đại công nghệ thông tin, do sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, do sự điều chỉnh “có hiệu quả” của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt trên lĩnh vực xã hội, GCCN không còn nữa, hoặc đã trở thành giai cấp trung lưu, hoặc đã tan biến vào đội ngũ trí thức. Loại ý kiến thứ hai: GCCN không những không biến mất mà còn được bổ sung thêm vào trong thành phần của mình đội ngũ trí thức. Rằng, trong xã hội hiện đại, trí thức không còn là một tầng lớp xã hội độc lập mà chỉ là một bộ phận của GCCN. Loại ý kiến thứ 3: GCCN vẫn tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội, nhưng được bổ sung những phẩm chất mới. GCCN đang trong quá trình “trí thức hoá”. Vậy, giai cấp công nhân là gì? Địa vị sứ mệnh lịch sử của nó ra sao? Trả lời những câu hỏi này luôn là vấn đề nhạy cảm và tiêu điểm phân ranh giới giữa người mácxít, cách mạng với kẻ cơ hội, phản động, phi mácxít. Để có một cách nhìn khách quan và khoa học, một sự nhận thức thống nhất về khái niệm GCCN và sứ mệnh lịch sử của nó, tất yếu phải trở về thế giới quan, phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin. Ngay từ năm 1845, khi bắt tay vào nghiên cứu GCCN, trong tác phẩm Gia đình và thần thánh, C.Mác đã đặt câu hỏi: “Vấn đề là ở chỗ tìm xem giai cấp vô sản thực ra là gì và phù hợp với sự tồn tại ấy của bản thân nó, giai cấp vô sản buộc phải làm gì về mặt lịch sử” [40,tr.56]. Trong các tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen (1844), Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh (1844 - 1845), Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản (1847), Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848)..., C.Mác và Ph.Ăngghen còn bàn đến và sử dụng nhiều từ đồng nghĩa để biểu đạt khái niệm GCCN như: “giai cấp công nhân”, “giai cấp vô sản”, “giai cấp vô sản công nghiệp”, “giai cấp vô sản hiện đại”... Ngoài ra, trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, các ông còn sử dụng một số hình thức diễn đạt khác như: “lao động làm thuê”, “giai cấp xã hội hoàn toàn chỉ sống dựa vào bán sức lao động của mình”, “giai cấp của những người hoàn toàn không có của”, “giai cấp công nhân làm thuê thế kỷ XX”... Cần khẳng định rằng, tất cả những thuật ngữ đồng nghĩa này chỉ là sự khác nhau về hình thức biểu đạt trong những văn cảnh cụ thể của một khái niệm là: “giai cấp công nhân” với sự thống nhất về bản chất: lực lượng lao động trong nền sản xuất công nghiệp hiện đại... C.Mác - Ph.Ăngghen phân biệt GCCN có sứ mệnh lịch sử thế giới và bản chất cách mạng với bộ phận công nhân đã bị tha hoá, đánh mất mình bằng những thuật ngữ đối ngược nhau: giữa một bên là “giai cấp vô sản cách mạng” với một bên là “tầng lớp vô sản lưu manh” mất gốc, những phần tử cặn bã của xã hội. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phân biệt GCCN cách mạng với bộ phận công nhân đã khuất phục, trở thành công cụ của giai cấp tư sản để phá hoại phong trào công nhân từ bên trong, mưu toan kìm hãm và khuôn cuộc đấu tranh của GCCN trong trật tự của “chủ nghĩa tư bản” vì mục tiêu kinh tế và lợi ích tầm thường do hệ tư tưởng tư sản và tiểu tư sản thao túng mà ở đây các ông đã sử dụng thuật ngữ: “Công nhân quý tộc”. Theo các ông, “công nhân quý tộc” và tầng lớp vô sản lưu manh không còn là bộ phận của GCCN nữa mà đã trở thành một bộ phận của giai cấp tư sản hoặc đã là tầng lớp cặn bã của xã hội. Nói tóm lại, tuy có khác nhau trong cách gọi, cách diễn đạt tuỳ từng hoàn cảnh lịch sử. Nhưng những thuật ngữ không giống nhau nêu trên về khái niệm GCCN đều được các nhà kinh điển Mácxít sử dụng như một khái niệm đồng nhất dựa trên hai tiêu chí cơ bản để phân định GCCN với các giai tầng xã hội khác: Một là, về phương thức lao động, cách thức sản xuất GCCN là những người (tập đoàn người) lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành các công cụ sản xuất có tính chất công nghiệp ngày càng hiện đại và xã hội hoá, quốc tế hoá cao. Đây cũng là tiêu chí cơ bản phân biệt người công nhân hiện đại với người thợ thủ công thời trung cổ hay người thợ trong công trường thủ công. C.Mác viết: “Trong công trường thủ công và trong nghề thủ công, người công nhân sử dụng công cụ của mình, còn trong công xưởng thì người công nhân phải phục tùng máy móc” [41,tr.605]. Đối với C.Mác và Ph.Ăngghen, GCCN là tập đoàn người, bao gồm những người công nhân công xưởng, là sản phẩm của nền đại công nghiệp và phát triển cùng với sự phát triển của đại công nghiệp: “Các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp” [41,tr.610] hay “Công nhân cũng là một phát minh của thời đại mới, giống như máy móc vậy... Công nhân Anh là đứa con đầu lòng của nền công nghiệp hiện đại...” [42,tr.11]. Như vậy, GCCN ra đời và phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của đại công nghiệp. Chính vì thế, GCCN là hiện thân của lực lượng sản xuất hiện đại, đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến và mang trong mình những đặc trưng riêng có mà không một giai tầng nào có được đó là: tính tiên tiến, hiện đại; ý thức tổ chức kỷ luật cao, tác phong công nghiệp, tinh thần khoa học và thái độ cách mạng triệt để; tinh thần quốc tế cao cả và trong sáng... Hai là, về vị trí trong quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, GCCN là những người không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động, làm thuê cho nhà tư bản và bị nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư. Chính vì vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen đã gọi GCCN là: giai cấp vô sản. Và, cũng vì điều này mà khiến cho giai cấp công nhân trở thành giai cấp đối kháng với giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản, tức là tư bản, mà lớn lên thì giai cấp vô sản, giai cấp công nhân hiện đại - tức là giai cấp chỉ có thể kiếm được việc làm, và chỉ có thể kiếm được việc làm, nếu lao động của họ làm tăng thêm tư bản - cũng phát triển theo. Những công nhân ấy, buộc phải tự bán mình để kiếm ăn từng bữa một, là một hàng hoá, tức là một món hàng đem bán như bất cứ món hàng nào khác; vì thế, họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường [41, tr.605]. Căn cứ vào hai tiêu chí trên, trong tác phẩm “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản”, Ph.Ăngghen đã đưa ra định nghĩa về GCCN: Giai cấp vô sản là một giai cấp xã hội hoàn toàn chỉ kiếm sống bằng việc bán sức lao động của mình, chứ không phải sống bằng lợi nhuận của bất cứ số tư bản nào, đó là một giai cấp mà hạnh phúc và đau khổ, sống và chết, toàn bộ sự sống còn của họ đều phụ thuộc vào số cầu về lao động, tức là vào tình hình chuyển biến tốt hay xấu của công việc làm ăn, vào những sự biến động của cuộc cạnh tranh không gì ngăn cản nổi. Nói tóm lại, giai cấp vô sản hay giai cấp của những người vô sản là giai cấp lao động làm thuê trong thế kỷ XIX… [41,tr.456 - 457]. Như vậy, mặc dù C.Mác và Ph.Ăngghen chưa nêu lên thành một định nghĩa hoàn chỉnh về GCCN, nhưng qua những tác phẩm của mình, với những cách tiếp cận khác nhau, các ông đã nêu một cách khách quan các đặc trưng cơ bản, thuộc tính bản chất nhất của GCCN, nhờ đó, chúng ta có thể dễ dàng nhận diện được GCCN trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Phát triển học thuyết C.Mác và Ph.Ăngghen trong thời đại mới - thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản, đặc biệt trong CNXH hiện thực, trên cơ sở quan niệm đúng về GCCN, V.I Lênin đã bổ sung thêm những thuộc tính mới của GCCN. Theo V.I Lênin, sự phân chia giai cấp phải dựa vào địa vị và sự khác nhau của các tập đoàn người trong quan hệ đối với quản lý sản xuất và khác nhau trong quan hệ phân phối sản phẩm. Trên cơ sở quan niệm mới về giai cấp như vậy, trong nhiều tác phẩm của mình, như “Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga”, “Nhà nước và cách mạng”, “Kinh tế chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản”... Lênin đã khẳng định: sau khi cách mạng vô sản thành công, GCCN đã trở thành giai cấp cầm quyền, địa vị kinh tế - xã hội của GCCN đã hoàn toàn thay đổi, từ thân phận nô lệ làm thuê trở thành giai cấp thống trị về chính trị, thông qua đảng tiền phong của mình lãnh đạo toàn xã hội cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Theo V.I.Lênin, GCCN là giai cấp thống trị về chính trị, giai cấp lãnh đạo toàn xã hội trong cuộc đấu tranh lật đổ ách tư bản, trong sự nghiệp sáng tạo xã hội mới, trong toàn bộ cuộc đấu tranh để thủ tiêu hoàn toàn các giai cấp. Xu hướng phát triển của giai cấp vô sản là đi tới chỗ tự thủ tiêu mình với tư cách là giai cấp vô sản. Giờ đây, khi lịch sử đã thay đổi, để hiểu đúng quan niệm của chủ nghĩa Mác Lênin về GCCN, đòi hỏi chúng ta cần có thái độ khách quan và phương pháp khoa học để tiếp cận khái niệm này. Trước hết, cần khẳng định rằng những thuật ngữ cơ bản của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin nói về GCCN, như đã nêu ở trên, có cùng một bản chất và có hình thức diễn đạt chặt chẽ, hàm súc của một khái niệm khoa học. Thời đại mới đã vượt qua những hạn chế về mặt lịch sử, để hiểu bản chất và trình độ phát triển của giai cấp công nhân hiện đại, xét trên phạm vi thế giới, khu vực và từng quốc gia - dân tộc. Trong tất cả những thuật ngữ mà C.Mác - Ph.Ăngghen đã dùng trước đây, thuật ngữ “giai cấp công nhân” và “giai cấp công nhân hiện đại” là phù hợp hơn cả. Nó cũng phù hợp và giữ nguyên giá trị trong xu thế phát triển của thế giới, của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại. Hiện nay, ở các nước XHCN, hoặc ở các nước đang trên con đường phát triển theo định hướng XHCN, khi GCCN trở thành giai cấp cầm quyền và trở thành chủ sở hữu đích thực các tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội, thì khái niệm giai cấp vô sản theo đúng nghĩa đen của từ đó cũng hoàn toàn không còn nữa. Tuy nhiên, GCCN ở các nước này vẫn là một bộ phận của giai cấp vô sản toàn thế giới. Giai cấp có sứ mệnh xoá bỏ tình cảnh vô sản, nô lệ của mình và trở thành giai cấp có địa vị làm chủ để tiến tới thủ tiêu chính mình với tư cách là một giai cấp. Đây là xu thế không gì cưỡng nổi. Và do đó, ở các nước TBCN và các nước phát triển theo con đường TBCN hiện nay, trên thực tế cũng không còn giai cấp vô sản như quan niệm ở thế kỷ XIX nữa, cả về tài sản, mức sống, điều kiện sống, ở trình độ học vấn và trình độ văn hoá nói chung. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, GCCN có xu hướng “trí thức hoá” và xu hướng tiếp thu số lượng ngày càng lớn đội ngũ trí thức vào hàng ngũ công nhân để hình thành nên bộ phận công nhân trí thức. Tuy nhiên, trình độ tri thức của công nhân ngày càng cao không hề làm thay đổi bản chất của GCCN trong CNTB, với tư cách là giai cấp làm thuê cho giai cấp tư sản trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Hiện tượng công nhân có cổ phần có xu hướng ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ công nhân này không lớn và giá trị cổ phiếu rất nhỏ so với khối lượng tư bản khổng lồ của giai cấp tư sản. Thực tế đó không làm thay đổi một sự thật là toàn bộ tư liệu sản xuất cơ bản nhất, quyết định nhất, đối với nền sản xuất TBCN vẫn nằm trong tay giai cấp tư sản, và GCCN vẫn phải bán sức lao động chân tay và lao động trí óc cho nhà tư bản để kiếm sống. Do đó, bản chất bóc lột của chế độ TBCN không hề thay đổi. Đối với cách mạng Việt Nam, GCCN luôn có một vai trò và vị trí hết sức quan trọng. Trong các giai đoạn cách mạng trước đây, GCCN Việt Nam không chỉ là giai cấp lãnh đạo cách mạng mà còn là một trong những lực lượng cách mạng chủ yếu trong cuộc đấu tranh thắng lợi để giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, GCCN Việt Nam tiếp tục đảm đương sứ mệnh lịch sử lớn lao không chỉ tiếp tục là giai cấp lãnh đạo cách mạng mà còn là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, thực hiện CNH, HĐH đất nước. Để khẳng định hơn nữa về vai trò và vị trí của GCCN Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp. Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng [16,tr.43-44]. Quan niệm trên, tuy chưa phải là một định nghĩa, nhưng đã phản ánh được những nội dung chủ yếu của khái niệm GCCN Việt Nam như: Thứ nhất: GCCN Việt Nam hiện nay là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển cùng với quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH gắn liền với phát triển kinh tế tri thức; chưa định hình rõ, luôn có sự đan xen chuyển dịch giữa các giai cấp, tầng lớp. Thứ hai, GCCN là những người lao động chân tay và lao động trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp. Điều đó có nghĩa là, trong cơ cấu giai cấp công nhân có cả bộ phận công nhân trí thức, công nhân lao động trí óc nhưng làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp. Thứ ba, GCCN Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là cơ sở nhận biết, phân biệt GCCN với các giai tầng khác trong cơ cấu xã hội, đồng thời cũng để phân biệt GCCN Việt Nam với GCCN trên thế giới; cơ sở để đánh giá thực trạng, xu hướng biến đổi và xác định những chủ trương, chính sách xây dựng GCCN lớn mạnh toàn diện. 1.1.2. Quan điểm Hồ Chí Minh về vai trò của giai cấp công nhân trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Nguyễn ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác -Lênin và tìm thấy ở đó con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp - con đường cách mạng vô sản. Nguyễn ái Quốc cũng là người Việt Nam đầu tiên thấy rõ bản chất tàn bạo của bọn chủ tư bản đối với những người công nhân, khiến “tình cảnh của họ quá ư khốn khổ, khốn khổ đến mức mà ở châu Âu người ta không thể tưởng tượng được” [44,tr.114]. Nhận thấy ở giai cấp công nhân thuộc địa, giai cấp công nhân Việt Nam một tư tưởng cách mạng vô địch và cũng chính Người đã hết lòng ca ngợi tư tưởng cách mạng tiến công, tư tưởng cách mạng triệt để, thể hiện sự kết hợp giữa đấu tranh giành độc lập dân tộc với đấu tranh cho CNXH. Và điều quan trọng nhất từ đầu, Nguyễn ái Quốc đã khẳng định vị trí tiên phong của GCCN thuộc địa và một chế độ do chính giai cấp đó lãnh đạo chế độ cộng sản chủ nghĩa. Công lao to lớn của Nguyễn ái Quốc là đã đưa GCCN từ chỗ không được ghi tên trong danh sách “mười hạng người đồng tâm cứu nước” mà một nhân vật lỗi lạc nhất trong phong trào cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX - cụ Phan Bội Châu - đã nêu ra, trở thành một lực lượng cơ bản và cùng với nông dân trở thành đội quân chủ lực của cách mạng. Chính Bác Hồ là người Việt Nam đầu tiên khẳng định: “Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam” [52,tr.9]. Người đã sớm trao vũ khí sắc bén nhất của thời đại - tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin cho GCCN để họ đảm đương được sứ mệnh của giai cấp độc lập và duy nhất đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, mặc dù Hồ Chí Minh chủ yếu sống và hoạt động ở nước ngoài, nhưng Người vẫn nắm chắc phong trào cách mạng trong nước. Vấn đề to lớn nhất mà Người quan tâm giữ vững là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, của GCCN đối với phong trào cách mạng. Cách mạng tháng Tám thành công đã khẳng định rằng, GCCN Việt Nam đủ sức tiến lên bằng một bước nhảy vọt, kết thúc chế độ thuộc địa ở nơi đầu não của nó. Nhưng GCCN Việt Nam hơn ai hết, hiểu rõ rằng: “Giành chính quyền đã khó, giữ được chính quyền lại càng khó hơn”. Đây là một trong những thời kỳ khó khăn phức tạp nhất của cách mạng, khi vận mệnh Tổ quốc đã có lúc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Đưa con thuyền cách mạng có thể vượt qua những mỏm đá ghềnh lướt tới đích cuối cùng, ngoài vấn đề có tính quyết tử là đi theo đường lối kháng chiến do Đảng và Hồ Chí Minh đã vạch ra, thì việc bố trí lực lượng cách mạng trên trận tuyến kháng chiến, là một khâu hết sức quan trọng. Theo Hồ Chí Minh, trong kháng chiến, kiến quốc và xây dựng nền dân chủ mới, “giai cấp công nhân phải là người lãnh đạo. Vì vậy, mỗi nam, nữ công nhân phải cố gắng học hỏi, tiến bộ, phải cố gắng xung phong làm kiểu mẫu trong mọi việc để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của giai cấp mình” [47,tr.3]. Từ đó, Người đặt niềm tin vào công nhân “đã dũng cảm trong công việc kháng chiến, thì ắt cũng dũng cảm trong sự nghiệp kiến quốc” [47,tr.420]. Niềm tin của Người vào công nhân là niềm tin của Đảng, của dân tộc vào giai cấp lãnh đạo. Đó là một trọng trách, không những chỉ công nhân ở miền tự do mà cả công nhân ở vùng tạm bị chiếm. Hoàn thành được trọng trách đó, tức là công nhân “đã có công với nước nhà” giúp cho “kháng chiến sẽ chóng thắng lợi, thống nhất và độc lập sẽ chóng thành công, toàn thể đồng bào lao động sẽ chóng được giải phóng” [47. tr, 421]. Cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm của nhân dân ta giành được thắng lợi vẻ vang, đưa miền Bắc đi lên CNXH, trong đó, Hồ Chí Minh đánh giá năng lực cách mạng của GCCN, rằng “công nhân ta rất xứng đáng với cái tên vẻ vang là đội tiền phong của dân tộc ta” [47.tr,593] là “lực lượng vô địch trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc” [47.tr,593]. Từ năm 1954, Tổ quốc ta tạm thời chia cắt làm hai miền với hai chế độ khác nhau: miền Bắc hoàn toàn giải phóng và làm cách mạng XHCN, miền Nam đang bị tay sai thống trị, tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Tuy nhiệm vụ cách mạng ở hai miền có khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích: “đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà để xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” [51,tr.339]. Để hoàn thành cuộc cách mạng vẻ vang nhưng nặng nề đó, Đảng phải huy động sức mạnh to lớn của độc lập dân tộc kết hợp với sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, tức là “Đảng ta phải dựa vào giai cấp công nhân, lấy liên minh công nông làm nền tảng vững chắc để đoàn kết các tầng lớp khác trong nhân dân” [52, tr. 605]. Hồ Chí Minh cho rằng: “Thực hiện cho được liên minh công nông vì đó là sự đảm bảo chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền của nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội” [54,tr.303-304]. Với giai cấp công nhân, Người vạch rõ: Một là: “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo” Hai là: “Bản chất của giai cấp công nhân là đoàn kết đấu tranh” [54, tr. 569]. Ba là: “tổ chức, giáo dục quần chúng công nhân, viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội” [54, tr.564]. Bốn là: “Lúc này chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước”. Vì vậy nhân dân niềm Nam nói chung, công nhân nói riêng “hăng hái thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa anh dũng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, vùa hết lòng ủng hộ miền Nam” [53,tr.434]. Rõ ràng, quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của GCCN trong sự nghiệp cách mạng giải phóng niềm Nam, bảo vệ niềm Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà và đưa cả nước tiến lên CNXH là một quan điểm nhất quán về các mặt: vai trò tiên phong, lãnh đạo của GCCN, liên minh công - nông là cơ sở của Mặt trận dân tộc thống nhất, công nhân mỗi miền, trong khi góp phần hoàn thành nhiệm vụ từng miền, chính là nhằm mục tiêu chung, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước... Đó chính là cái nhìn chính xác, phản ánh bản chất cách mạng và năng lực lãnh đạo của GCCN Việt Nam. Trong những điều kiện cụ thể, Hồ Chí Minh đã phát triển nhận thức của mình về vai trò, vị trí của GCCN một cách đúng đắn, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng từng miền và nhiệm vụ chung của cả nước. Nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhận thức có phát triển đến mức nào, thì điều căn bản, cốt yếu nhất của GCCN, như Hồ Chí Minh đã nêu ra vẫn không hề thay đổi: “Tiền đồ của giai cấp công nhân rất rộng và vẻ vang. Nó vừa cải tạo thế giới, vừa cải tạo bản thân mình” [51,tr.285]; “Giai cấp công nhân chẳng những đấu tranh để tự giải phóng mà còn để giải phóng cả loài người khỏi áp bức, bóc lột. Cho nên lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích của nhân dân là nhất trí” [51,tr.288]. Đó là, “làm cho cả nước không còn ai bị bóc lột, xây dựng một xã hội mới, trong đó mọi người sung sướng, ấm no” [51,tr.286]. 1.1.3. Quan điểm Hồ Chí Minh về vai trò của giai cấp công nhân trong cách mạng xã hội chủ nghĩa 1.1.3.1. Đưa đất nước tiến dần theo con đường chủ nghĩa xã hội - Lý tưởng và mục đích cao cả của Hồ Chí Minh Ngay từ năm 1920, ở Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp, khi bỏ lá phiếu tán thành ủng hộ Quốc tế III, Hồ Chí Minh đã trọn vẹn đặt niềm tin vào con đường cách mạng vô sản. Đánh đổ đế quốc, phong kiến giành độc lập cho dân tộc, đưa đất nước tiến theo con đường XHCN, đã trở thành lý tưởng, mục đích phấn đấu suốt đời của Hồ Chí Minh. Lý tưởng và mục đích cao đẹp đó nhất quán, xuyên suốt mọi hoạt động lý luận và thực tiễn của Người. Xuất phát từ niềm tin sắt đá: đi lên CNXH là một tất yếu lịch sử vì nó đồng nhất với ước mơ khát khao của loài người về một xã hội hạnh phúc, công bằng, bác ái thực sự, cho nên sau khi miền Bắc nước ta được giải phóng, Hồ Chí Minh đã cùng với Trung ương Đảng quyết định đưa miền Bắc tiến theo con đường CNXH. Miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ đi lên CNXH trong lúc đất nước tạm thời bị chia cắt, cuộc chiến tranh cách mạng niềm Nam ngày càng phát triển, đòi hỏi Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng phải tập trung toàn bộ trí tuệ và sức lực chỉ đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng niềm Nam, thống nhất đất nước. Bằng nhãn quan chính trị sâu sắc, tầm nhìn cao rộng, Người đã chỉ rõ những nhiệm vụ nặng nề phải làm và lường đoán trước những thử thách to lớn đối với dân tộc ta trong cuộc trường chinh lên CNXH. Người nói: Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng nghìn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xoá bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột, áp bức. Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp (...) Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hoá cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc. Chúng ta lại phải tiến hành những nhiệm vụ đó trong những điều kiện đặc biệt của nước ta, nghĩa là trên cơ sở của một xã hội mới vừa thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, hết sức lạc hậu và trong hoàn cảnh nước ta đang bị chia cắt làm hai miền [450,tr. 493- 494]. 1.1.3.2. Từng bước đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội trước hết là sứ mệnh và nhiệm vụ lịch sử của giai cấp công nhân Ngày 18 tháng 7 năm 1969, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam. Người nêu câu hỏi: “Ai là người xây dựng chủ nghĩa xã hội? Và tự trả lời: “Nói chung là những người lao động trong xã hội gồm công nhân, nông dân, trí thức cách mạng, v.v.. nhưng lực lượng chủ chốt xây dựng chủ nghĩa xã hội là công nhân” [54,tr.565]. Bác Hồ luôn luôn đặt niềm tin lớn lao vào GCCN, khẳng định sứ mệnh lịch sử, vai trò lãnh đạo của công nhân trong sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội mới. Người khẳng định: “Để giành lấy thắng lợi, cách mạng nhất định phải do giai cấp công nhân lãnh đạo. Vì nó là giai cấp tiền tiến nhất, giác ngộ nhất, kiên quyết nhất, có kỷ luật nhất và tổ chức chặt chẽ nhất” [51,tr.283]. Trong suốt 15 năm, kể từ khi miền Bắc bắt tay vào thời kỳ cách mạng XHCN, đến năm 1969, khi Hồ Chí Minh qua đời, mặc dù bận trăm công, nghìn việc với cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, Người vẫn giành nhiều thời gian, trí lực để đi thăm hỏi, nói chuyện với cán bộ, công nhân ở nhiều xí nghiệp trên các địa phương miền Bắc. Thông qua những bài viết, bài nói của mình, Người đã chỉ ra cho GCCN những nhiệm vụ lịch sử trong thời kỳ cách mạng mới. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, với tư cách là người chủ đất nước, là giai cấp lãnh đạo, trước hết GCCN phải đi đầu trong trong trào thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng CNXH, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và góp phần đắc lực vào cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Ngày 15 tháng 9 năm 1958, trong buổi gặp gỡ thân mật với cán bộ, công nhân nhà máy Tĩnh Túc (Cao Bằng) Bác Hồ đã đặt câu hỏi: “Là giai cấp công nhân, là giai cấp lãnh đạo thì phải làm gì?” Trả lời câu hỏi đó, Người nhấn mạnh: “Lãnh đạo phải đi trước, phải gương mẫu sản xuất và tiết kiệm mới là lãnh đạo”, “là công nhân làm chủ xí nghiệp, muốn làm chủ phải làm thế nào? Làm chủ là phải cố gắng làm việc chứ không phải làm chủ chỉ ăn no, ngủ say”. Khi về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân trên công trường xây dựng ba Nhà máy xà phòng - cao su - thuốc lá ở Hà Nội ngày 24 tháng 2 năm 1959, Người ân cần nhắc nhở cán bộ, công nhân: Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, muốn xứng đáng là giai cấp lãnh đạo cách mạng thì phải gương mẫu trong công tác. Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, muốn nước nhà mau chóng thống nhất, muốn được tự do, sung sướng, mọi người phải khắc phục khó khăn, thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm [51,tr.340]. Như vậy, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, trong thời kỳ xây dựng đất nước theo con đường đi lên CNXH, nhiệm vụ hàng đầu của GCCN là phải tiên phong trên mặt trận kinh tế, phải thể hiện vai trò, sứ mệnh của mình bằng sức mạnh kinh tế, bằng hoạt động kinh tế có hiệu quả chứ không phải bằng chính trị suông, bằng cái phẩm chất chính trị chung chung, siêu hình. Đồng thời với nhiệm vụ sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển kinh tế, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: GCCN cần tích cực tham gia quản lý guồng máy sản xuất, quản lý Nhà nước. So sánh vị trí chính trị của GCCN trong hai thời kỳ cách mạng, Người phân tích: “Trước ngày giải phóng miền Bắc anh chị em công nhân ta là những người nô lệ..., bây giờ công nhân làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp của mình” [50,tr 510] “mỗi công nhân phải biết mình là chủ, phải có tinh thần phụ trách trước Đảng, trước Chính Phủ, trước tất cả các anh chị em nữa”. Người cho rằng, muốn xây dựng CNXH, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Muốn tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm thì phải quản lý tốt... Công đoàn phải phát động công nhân viên chức cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp. Người luôn luôn căn dặn, khuyến khích, phát động công nhân thiết thực tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý sản xuất, đấu tranh xoá bỏ sự cách biệt tuyệt đối giữa người quản lý và người sản xuất. Theo Người, “Công nhân phải vừa sản xuất, vừa quản lý, cán bộ phải vừa quản lý vừa sản xuất”, có như vậy mới thực hiện được nguyên tắc quản lý, dân chủ trong xí nghiệp, góp phần ngăn chặn được các tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu. Với nhận thức: xây dựng CNXH là sự nghiệp của quần chúng, trong đó giai cấp công nhân là lược lượng chủ chốt, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Giai cấp công nhân phải tập hợp, tổ chức, hướng dẫn các lực lượng xã hội khác cùng tham gia xây dựng chế độ xã hội mới. Trước khi giành được chính quyền, liên minh giữa công nhân và nông dân chủ yếu là liên minh về chính trị - quân sự. Một khi hoàn cảnh lịch sử và nhiệm vụ của cách mạng đã thay đổi, bước vào thời kỳ cách mạng XHCN, sự liên minh về kinh tế giữa hai giai cấp nổi lên hàng đầu, và được mở rộng thành mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn, công nghiệp với nông nghiệp, xí nghiệp với các hợp tác xã nông nghiệp. Muốn củng cố được mối liên hệ mật thiết với người bạn đồng minh chiến lược đông đảo, lôi cuốn họ đi vào quỹ đạo XHCN, GCCN trước hết phải sử dụng các biện pháp kinh tế tích cực, hiệu quả. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh những nội dung mới trong quan hệ liên minh giữa hai giai cấp. Người nói: “Phải hiểu rằng giúp đỡ nông nhân tiến bộ là một nhiệm vụ cách mạng của giai cấp công nhân. Đó không phải là một sự ban ơn...”; “Nhà máy giúp nông thôn” là một việc rất hay, có ý nghĩa lâu dài và to lớn. Lênin dạy chúng ta rằng: “Lập quan hệ giữa nông nhân và công dân, xây dựng một hình thức bầu bạn giúp nhau, giản đơn, dễ làm. Đó là một trong những nhiệm vụ căn bản của giai cấp công nhân, đã nắm chính quyền”. Song song với việc nhắc nhở GCCN về nhiệm vụ đoàn kết, giúp đỡ giai cấp nông dân, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề xây dựng mối quan hệ giữa lao động chân tay và lao động trí óc. Người nói: “Trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí, cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”, trí thức phải “gần gũi công nông”[40,tr.215]. Đối với các lực lượng xã hội khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ dẫn GCCN phải có thái độ đúng đắn về đoàn kết, tập hợp, động viên họ góp công, góp của xây dựng đất nước. Người nói: “Giai cấp công nhân đoàn kết với những người thủ công và những người buôn bán nhỏ vì họ là người lao động và họ vui lòng đi vào con đường hợp tác hoá, họ tán thành và ủng hộ cách mạng xã hội chủ nghĩa” [51,tr.586].
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất