Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Vấn đề ly thân trong thực tế hiện nay tương đối phổ biến. hãy trình bày hiểu biế...

Tài liệu Vấn đề ly thân trong thực tế hiện nay tương đối phổ biến. hãy trình bày hiểu biết của mình về vấn đề ly thân

.DOC
12
136
92

Mô tả:

ĐẶT VẤN ĐỀ Như một lẽ thường tình, khi mâu thuẫn vợ chồng đi đến căng thẳng, mọi nỗ lực hòa giải hầu như bế tắc thì ý định ly hôn xuất hiện. Nhiều người nảy sinh tâm lý giải quyết càng nhanh càng tốt, không muốn kéo dài tình trạng căng thẳng, bầu không khí gia đình ô nhiễm đầu độc con cái, để lại nhiều di hại. Tuy nhiên do nhiều lý do vướng mắc như con cái, tài sản, danh tiếng mà nhiều gia đình chỉ dừng ở ly thân. Xu hướng này đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu vực thành thị. Để làm rõ hơn về vấn đề ly thân hiện nay, e xin được trình bày đề tài “ Vấn đề ly thân trong thực tế hiện nay tương đối phổ biến. Hãy trình bày quan điểm của mình về vấn đề này”. Do đây là một đề tài khá phức tạp và cần sự am hiểu sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, nên trong bài tập không thể tránh khỏi những thiếu sót, sai lầm, mong thầy cô và các bạn đóng góp để kiến thức cũng như bài tập của em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn! NỘI DUNG I. Những hiểu biết chung về ly thân 1. Khái niệm và một số vấn đề chung về ly thân a. Khái niệm ly thân Trong luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 của nước Việt Nam ta không có một chế định nào quy định về ly thân. Tuy nhiên, dựa vào quy định trước đây của Nhà nước ta về ly thân cũng như định nghĩa về ly thân trong bộ luật của các nước khác (Hoa Kỳ, Anh…), ta có thể định nghĩa như sau: Ly thân là hiện tượng giữa vợ và chồng vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân và chỉ chấm dứt một nghĩa vụ duy nhất là nghĩa vụ sống chung. Như vậy, ly thân hiểu đơn giản là sự sống riêng giữa vợ và chồng, như là: không ăn chung, ở chung, không sinh hoạt vợ chồng….v….v b. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly thân Ly thân có thể xuất phát từ những sự hiểu nhầm, những bất đồng trong quan điểm, cách sống, những tình huống ghen tuông phản bội, những sự đối xử thô bạo với nhau.... Những nguyên nhân gắn với sự xúc phạm nặng nề về nhân cách thường đẩy ly thân đến đích ly hôn nhiều hơn là hàn gắn. Trong thực tế, có rất nhiều những kiểu li thân, có thể do vợ chồng giận dỗi nhau suy nghĩ bồng bột mà ly thân, cũng nhiều khi vì bị phản bội mà một trong hai người quyết định rời xa nhau và không loại trừ khả năng, có đôi coi đó là phép đo mức độ tình cảm. Mối quan hệ vợ chồng bị đổ vỡ có thể là một trong các giai đoạn khó khăn nhất cho bất kỳ đời sống cá nhân nào. Đây thường là giai đoạn đánh dấu bởi cao điểm của xung đột, bối rối, âu sầu và tức giận c. Kết quả của ly thân Khác với tình huống ly hôn là đã kết thúc trọn vẹn một bi kịch với đầy đủ cơ sở pháp lý của nó rồi, chỉ còn có giá trị đem lại bài học kinh nghiệm sai lầm cho những người khác và cho lần kết hôn khác, trong tình huống ly thân, bài học đang được mở ra và có giá trị ngay tức thì cho những người trong cuộc, vì những bất đồng, xung đột đang diễn ra theo hai chiều hướng hoàn toàn đối lập nhau: - Hoặc tình huống sẽ khá lên, nhờ hai bên đều có thời gian “giãn cách nhau”, “lắng lại” để xem xét, phân tích những gì đã và đang xảy ra, tìm cách tự điều chỉnh, cứu vãn hạnh phúc; - Hoặc tình huống sẽ trở nên ngày càng trầm trọng và tiến gần đến ly hôn. Khoảng cách giữa ly thân và ly hôn là rất mỏng manh. Do vậy những ứng xử bình tĩnh, sáng suốt, thấu tình đạt lý của những người trong cuộc lúc này sẽ ngay lập tức quyết định số phận hạnh phúc của họ và của con cái họ. d. Điểm giống và khác nhau giữa ly thân và ly hôn Có thể thấy ly hôn và ly thân vẫn có những điểm khác nhau riêng biệt như: + Về mặt hình thức: Ở nước ta đã từng tồn tại chế định về ly thân trước đây, nhưng Luật hôn nhân và gia đình hiện nay lại đã bãi bỏ chế định ly thân, nên về mặt hình thức, hiện tượng ly thân không được quy định trong Bộ luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành năm 2000. Trong khi đó, Bộ Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hẳn một chương X với 15 Điều luật (từ Điều 85 đến Điều 99) để quy định về chế định ly hôn. + Về quan hệ hôn nhân: Trong Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có ghi rõ: “Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng”. Như vậy, khi ly hôn, quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng đương nhiên chấm dứt, đồng thời việc ly hôn cũng phải có quyết định của Tòa án mới được công nhận. Ngược lại đối với ly thân, vì không có chế định nào quy định về ly thân nên vợ chồng nếu muốn ly thân hoàn toàn không phải phụ thuộc vào quyết định của Tòa án mà phụ thuộc vào chính bản thân họ có muốn ly thân hay không. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian ly thân, quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng vẫn tồn tại, tức là trên danh nghĩa thì hai người đó vẫn là vợ và chồng của nhau. + Vấn đề chia tài sản: Nếu vợ và chồng quyết định ly hôn, thì vấn đề chia tài sản chung là một vấn đề bắt buộc. Vấn đề này được quy định rõ từ Điều 95 đến Điều 99 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Như đã nói ở trên, quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng vẫn tồn tại trong thời kỳ ly thân, nên vấn đề chia tài sản chung là không bắt buộc. Vợ và chồng nếu có yêu cầu có thể thỏa thuận hay nhờ Tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (Điều 29). 2. Một số vấn đề pháp lý về ly thân a. Vấn đề ly thân trong pháp luật nước ngoài Theo học thuyết mác – lênin về hôn nhân và gia đình về vấn đề ly thân có nguồn gốc từ tôn giáo. Theo quan điểm của giáo hội thiên chúa, việc lấy vợ lấy chồng của nam nữ là do chúa tạo lập, hôn nhân có tính cách bất khả tiêu, vợ chồng phải ăn đời ở kiếp với nhau, không được ruồng bỏ nhau; quan điểm của giáo hội thường cấm vợ chồng ly hôn. Tuy nhiên, hôn nhân là 1 hiện tượng xã hội có nội dung khá đa dạng. Trong thực tiễn cuộc sống chung giữa vợ và chồng, có nhiều trường hợp vì những nguyên nhân lí do động cơ nào đó mà có những xung đột, mâu thuẫn sâu sắc, vợ chồng không muốn hoặc không thể sống chung. Pháp luật Việt Nam theo quan điểm tôn giáo thường cấm vợ chồng ly hôn và chế định ly thân được pháp luật quy định với mục đích ban đầu coi ly thân là 1 giải pháp nhằm giải tỏa xung đột trong đời sống vợ chồng, tạo điều kiện sống riêng Hiện nay, trong pháp luật của các nước tư bản, bên cạnh việc quy định cho vợ chồng được ly hôn còn công nhận quyền ly thân của vợ chồng. Ly thân được coi là 1 giải pháp quá độ, 1 giai đoạn thử thách cuối cùng trước khi ly hôn. Thời gian vợ chồng sống ly thân theo luật định sẽ tạo điều kiện cho vợ chồng suy nghĩ lại, tạo điều kiện tái hợp cuộc sống chung của vợ chồng trước khi quyết định ly hôn nhằm chấm dứt quan hệ vợ chồng. Khi nghiên cứu về bản chất của quan hệ vợ chồng, Ph. Ăng ghen đã chỉ rõ : “ Cái sẽ biến mất 1 cách chắc chắn trong chế độ 1 vợ 1 chồng là tất cả các đặc trưng mà những quan hệ tài sản đẻ ra nó . Những đặc trưng đó là : Thứ nhất là sự thống trị của người đàn ông và thứ 2 là tính ràng buộc vĩnh viễn của hôn nhân. Sự thống trị của người đàn ông trong hôn nhân chỉ đơn thuần là sự thống trị về kinh tế. Tính rằng buộc vĩnh viễn của hôn nhân, 1 phần là kết quả của các điều kiện kinh tế trong đó chế độ 1 vợ 1 chồng phát sinh và phần nữa là truyền thông của thời kì trong đó mối liên hệ giữa những điều kiện kinh tế ấy với chế độ 1 vợ 1 chồng còn chưa được người ta hiểu đúng đắn và đã bị tôn giáo thổi phồng lên..”1 và “Nhà thờ Thiên chúa cấm ly hôn có lẽ cũng chỉ vì đã thấy rằng không có phương thuốc nào trị được ngoại tình cũng như không có thuốc nào trị được cái chết”.2 Thông thường, pháp luật của nhà nước tư sản quy định về ly thân và hậu quả của ly thân rất chặt chẽ. Toà án giải quyết ly thân thường dự trên cơ sở lỗi của vợ hoặc chồng. Hậu quả pháp lí của ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật mà chỉ tạm thời chấm dứt 1 số quyền và nghĩa vụ theo luật định. Khi ly thân, vợ chồng rơi vào tình trạng biệt cư, họ được miễn trách nhiệm đồng cư, vợ chồng không cần sống chung, họ có quyền ở riêng. Hậu quả pháp lý khi ly thân đặt vợ chồng vào tình trạnh biệt sản. Khi ly thân, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia, mỗi bên vợ chồng được chia 1 phần trong khối tài sản chung theo quyết định của toàn án, phần tài sản này sẽ thuộc sở hữu riêng của vợ chồng. Tức là chế độ cộng đồng tài sản chấm dứt khi vợ chồng ly thân. Tuy nhiên, ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng . Giữa vợ và chồng vẫn ràng buộc trách nhiệm với nhau và với con chung : vợ chồng vẫn phải chung thuỷ với nhau, không được kết hôn với người khác , phải có nghĩa vụ đóng góp phí tổn vào nhu cầu chung của gia đình, nuôi dưỡng con chung. Sau 1 thời gian vợ chồng sống ly thân, nếu xung đột, mâu thuẫn vợ chồng đã được dàn xếp thì vợ chồng có quyền yêu cầu toà án huỷ bỏ bản án ly thân trước đây và tái hợp chung sống vợ chồng bình thường. Nếu không thể tái hợp thì trong thời gian sống ly thân ( thường được pháp luật quy định là 3 đến 5 năm ) vợ chồng có quyền yêu cầu toà án cải hoán ( sửa đổi) án ly thân thành án ly hôn để được chấm dứt quan hê vợ chồng b. Vấn đề ly thân trong pháp luật Việt Nam Trong pháp luật phong kiến Việt Nam, vấn đề ly thân hoàn toàn không được dự liệu vì nó trái với tập quán truyền thông của gia đình Việt Nam. Theo tập quán truyền thống gia đình Việt Nam, quan hệ hôn nhân được xác lập dựa trên cơ sở tình cảm yêu thương chân chính của nam nữ, vợ chồng yêu thương nhau cùng thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm với gia đình với con cái. Nguyên tắc không bình đẳng giữa vợ và chồng của pháp luật Việt Nam đã cột chặt người phụ nữ , người vợ vào nhà chồng, lấy chồng theo quan điểm “ thuyền theo lái, gái theo chồng”, “ sống gửi thịt, chết gửi xương” người vợ thường vô năng lực chỉ được ở riêng nếu được chồng cho phép. 1 2 Sau khi thực dân pháp xâm lược nước ta, trước năm 1945, chính quyền bù nhìn đã ban hành 3 bộ luật dân sự, áp dụng riêng trên ba miền bắc – trung – nam. Chế độ hôn nhân và gia đình theo 3 bộ luật này phần nhiều dựa trên bộ dân luật pháp ( 1804 ). Tuy nhiên, vấn đề ly thân chỉ được quy định 1 cách giản đơn trong bộ dân luật giản yếu của Nam kì (1883). Bộ dân luật ở bắc kì ( 1931 ) và trung kì ( 1936) không quy định về ly thân. Trong thiên thứ 5 về ly hôn, bộ luật giản yếu nam kì có nêu rõ : “ Trong các trường hợp có thể xin ly hôn được, vợ chồng cũng có thể xin ly thân. Đơn ấy sẽ được thẩm cứu và xử trong vụ ly hôn. Sau này cũng có thể khởi tố xin ly hôn, và căn cứ vào những duyên cớ đã nại ra để xin ly thân.” Ở miền nam nước ta trước ngày giải phóng ( từ năm 1954 – 1975 ), chế độ nguỵ quyền sài gòn cũng ban hành 1 số văn bản luật, trong đó có quy định về vấn đề ly thân. Bộ luật gia đình ngày 2/1/1959 dưới chế độ Ngô Đình Diệm, tại điều 55 đã quy định rõ cấm vợ chồng không được ly hôn, việc ly hôn chỉ đặt ra trong trường hợp đặc biệt và được tổng thống quyết định. Từ điều 56 – 69 của Bộ luật này có quy định việc ly thân, những duyên cớ ( lỗi ) để vợ chồng yêu cầu ly thân và hiệu lực của việc ly thân. Sắc luật số 15/64 ngày 23/7/1964 quy định về giá thú, tử hệ và tài sản cộng đồng thay thế bộ luật gia đình dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Sắc luật này vừa chấp nhận cho vợ chồng ly thân đồng thời cũng công nhận quyền ly hôn của vợ chồng ( chương II từ điều 62 đến 99 đã quy định về ly thân, ly hôn ). Bộ luật dân sự ngày 20/12/1972 của Nguỵ quyền sài gòn thay thế sắc luật 15/64. Bộ dân luật này cũng quy định cho vợ chồng vừa được ly hôn cũng có quyền yêu cầu ly thân. Trong tiết III nói về ly thân từ điều 202 đến điều 206 quy định trình tự thủ tục; hậu quả của ly hôn. Hệ thống pháp luật dân sự và hôn nhân và gia đình của nhà nước ta từ cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay không quy định về vấn đề ly thân của vợ chồng. Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 không quy định việc ly thân giữa vợ chồng. có quan điểm cho rằng điều 18 chấp nhận việc ly thân của vợ chồng. Hiểu như thế là không đúng với nội dung ý nghĩa của điều luật. Điều luật quy định việc thanh toán tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại, nếu vợ hoặc chồng yêu cầu và có lí do chính đáng. Quy định này xuất phát từ thực tế khách quan, có 1 số trường hợp vì lý do nào đó dẫn đến việc vợ chồng có xung đột, không muốn ly hôn mà chỉ ở riêng và có yêu cầu chia tài sản chung ( Nghị quyết số 01/ HĐTP ngày 20/1/1988 của HĐTP TANDTC, hướng dẫn TAND các cấp áp dụng 1 số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986.) Quy định này đã góp phần giải quyết ổn thoả 1 số mâu thuẩn gia đình, bảo đảm quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ chồng. Tuy nhiên, hạn chế của điều 18 là chưa định rõ hậu quả pháp lý ; các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản vợ chồng được hiểu và áp dụng như thế nào khi toà án đã chia tài sản chung của vợ chồng. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 tiếp tục không thừa nhận và quy định vấn đề ly thân II. Thực trạng về vẫn đề ly thân ở Việt Nam và các tác động của ly thân 1. Thực trạng về vấn đề ly thân ở Việt Nam Hiện nay ly thân đang khá phổ biến, thậm chí còn nhiều hơn các ca ly hôn. Một thực tế cho thấy ở các vùng thành thị, các cặp vợ chồng ly thân xảy ra nhiều gấp 2 lần so với ở nông thôn. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra ở những cặp vợ chồng ngoài 30 tuổi. Nhóm tuổi này thường có cuộc sống thu nhập ổn định, thành đạt, họ không muốn ly hôn vì sợ ảnh hưởng đến địa vị, uy tín, hay con cái. Khác với ở các nước phương Tây, người Việt Nam thường ly thân nhưng vẫn sống chung nhà, mọi giao tiếp chỉ là chiếu lệ. Trước mặt người thân, bạn bè, hàng xóm họ vẫn tỏ ra quan tâm yêu thương nhau. Trong thực tế, nhiều trường hợp tuy cuộc sống vợ chồng quá nặng nề nhưng họ không muốn ly hôn. Có những người mà vợ chồng họ bất hòa nhưng ông chồng là 1 quan chức nhất định không chịu ly hôn vì danh tiếng. Ông này sẵn sàng chấp nhận vợ cặp với người khác nhưng trước mặt quan khách, họ hàng thì hai người vẫn phải vui vẻ, quan tâm nhau như 1 cặp tràn trề hạnh phúc. Luật Hôn nhân và gia đình hiện nay của Việt Nam hoàn hoàn toàn không có chế định về ly thân. Vì luật không quy định nên không có một định nghĩa chính xác về ly thân, cũng không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra giải quyết cho ly thân theo hướng ra quyết định hoặc bản án công nhận cho ly thân. Trong quy định về căn cứ cho ly hôn cũng không có quy định là vợ chồng phải sống ly thân một thời gian rồi mới được ly hôn. 2. Tác động của ly thân a .Tác động đến vợ, chồng - Như trên đã nói, nhiều cặp vợ chồng coi ly thân như “phép thử” cho cuộc hôn nhân, có nhiều cặp vợ chồng sau thời gian ly thân đã nhận thấy những sai lầm, khuyết điểm của mình để rồi quay lại với nhau, cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình. - Khi lý thân rất nhiều cặp vẫn sống chung một nhà và giấu giếm không cho những người ngoài biết. Vì sợ ảnh hưởng tới con cái nên họ giấu cả con. Cuộc sống hai mặt khiến người trong cuộc sẽ chịu nhiều mất mát, họ phải hy sinh khao khát cá nhân, không được sống cuộc sống tự do của chính mình. Hơn nữa, khi sống ly thân mà vẫn còn những quan hệ, ràng buộc, hai người sẽ rất dễ va chạm, dẫn đến xúc phạm lẫn nhau. Khi đó, cuộc sống trở nên vô cùng căng thẳng, con người phải chịu stress nặng nề. Mái ấm hạnh phúc ngày nào trở thành nhà giam của mỗi người. Và khi đầu óc quá căng thẳng, phải suy nghĩ nhiều hai người sẽ không còn sự cân bằng tâm lý, không đủ khả năng để sáng tạo, làm việc. - Việc ly thân trong khoảng thời gian quá dài dẫn đến sự mệt mỏi, buông xuôi, chấp nhận cuộc sống chung nhà mà không chung lòng, không cần đến ly hôn nữa. b.Tác động đến con cái - Đối với con cái sự hạnh phúc giả tạo này sẽ cực kỳ nguy hiểm. Bởi khi đứa con phát hiện ra, những gì cha mẹ chúng đối xử với nhau chỉ là một vở kịch thì chúng sẽ hụt hẫng, sụp đổ niềm tin. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của người con. Vì khi cha mẹ - những người thân cận và đáng tin nhất mà còn lừa dối thì sẽ chẳng còn gì đáng tin nữa. - Khi biết cha mẹ ly thân, con cái thường cảm thấy bất lực và bất ổn, tâm lý thường thấy của trẻ em trong trường hợp này là: + Tức giận và buồn rầu về sự mất mát gia đình; + Bị hất hủi và từ bỏ bởi người cha, mẹ đã bỏ đi; + Bị bối rối không biết có nên thương yêu người cha, mẹ không còn sống với chúng nữa; + Tội lỗi, cho là sự ly thân là do lỗi của chúng; + Lo âu cho người cha, mẹ không còn ở với chúng; + Một vài trẻ em có thể bị thoái hóa trong phát triển - như trở lại đái dầm, dùng ngôn ngữ của ấu nhi hoặc hành động một cách hung hăng và khó giao tiếp. - Khi ly thân, để hạn chế những tác động tiêu cực đến con cái, cha mẹ cần: + Nên tránh việc tranh cãi trước mặt con cái; + Khi nói chuyện với con, cố gắng dùng lời khuyến khích mối quan hệ đang tiếp diễn giữa chúng với người cha/mẹ kia; + Tiếp tục truyền đạt nhu cầu và sở thích của con cho người cha/mẹ kia + Tránh nhờ con chuyển lời cho người cha/mẹ kia; + Nên tìm hỗ trợ tình cảm qua một người lớn khác, hơn là qua con mình; + Làm cho con yên tâm rằng việc ly thân không phải là do lỗi của chúng; + Cho con mình biết rằng cả cha và mẹ vẫn yêu thương chúng; + Khuyến khích con mình bày tỏ cảm nghĩ về sự chia tay - giữ bí mật có thể gây khó khăn nhiều cho chúng; + Hãy nghĩ đến việc cho trường học của con biết sự việc đang xảy ra - thông báo cho hiệu trưởng, nhân viên tư vấn của trường hoặc giáo viên III. Quan điểm của bản thân về vấn đề ly thân và pháp luật Ly thân với ý nghĩa tích cực, nó như một “thử nghiệm” để các cặp vợ chồng có thời gian suy nghĩ kỹ hơn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng là ly hôn. Có nhiều ý kiến cho rằng không cần phải quy định chế định về ly thân trong Luật hôn nhân và gia đình hiện hành, nhằm tránh gây thêm nhiều phức tạp trong mối quan hệ đã rất “rối ren” này. Bên cạnh đó, nhiều gia đình chỉ ly thân trong thời gian rất ngắn rồi lại quay về với nhau, nếu luật pháp có quy định về ly thân thì họ phải đưa đơn ra Tòa làm thủ tục ly thân rồi lại hủy bỏ ly thân thì rất rắc rối và mất công. Thậm chí một số người còn nêu quan điểm: ly thân là lối sống không lành mạnh, vi phạm nghiêm trọng các đạo đức, truyền thống tốt đẹp trong gia đình của nhân dân Việt Nam ta, là lối sống sa đọa, tha hóa của các nước tư bản phương Tây. Tuy nhiên theo em,với sự phát triển phức tạp của các quan hệ xã hội nói chung cũng như các quan hệ trong hôn nhân nói riêng, pháp luật nước ta nên tiến hành quy định thêm các chế định về ly thân trong Luật Hôn nhân và gia đình, vì thực tế hiện nay lại cho thấy hiện tượng ly thân đang ngày càng phổ biến, có nhiều vấn đề cần được pháp luật điều chỉnh và giải quyết Thứ nhất, nhiều cặp vợ chồng lấy việc ly thân như một “sự ràng buộc không hồi kết”: Nhiều trường hợp dù đã hết tình cảm nhưng chỉ vì muốn trả thù, không cho đối phương được tự do sinh hoạt và có quan hệ chính thức với người mình thích mà nhất quyết không chịu ly hôn, chỉ sống ở tình trạng ly thân. Không những thế, một số người còn quan niệm, phải để cho đối phương của mình hối hận, ăn năn cả đời về những sai lầm đã mắc phải, không cho đối phương có cơ hội để sửa sai cũng như tìm kiếm hạnh phúc mới. Đây là một hiện tượng ngày càng phổ biến ngày nay, đặc biệt là với phụ nữ - những người thường xuyên có tư duy “trả thù” hay “không ăn được thì đạp đổ”. Như vậy, ý nghĩa tốt đẹp của hiện tượng ly thân đã bị một số người lợi dụng để thực hiện mục đích riêng không tốt của mình. Ngoài ra, nếu trong giai đoạn này có sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm thì rất hiệu quả. Các chuyên gia sẽ tiếp xúc với từng người, tạo ra trạng thái cân bằng tâm lý cho họ. Tuy nhiên thời gian ly thân chỉ nên kéo dài tối đa 6 tháng vì càng kéo dài càng phức tạp, mỗi bên có thể thiết lập những mối quan hệ khác. Đặc biệt, không nên ly thân vô thời hạn, vì như thế chẳng khác nào tự đày đọa cuộc đời mình trong khi có thể tìm thấy cuộc sống khác hạnh phúc hơn hay ít ra cũng thanh thản hơn. Pháp luật nên đưa những quy định về thời hạn cho phép vợ chồng được ly thân hoặc bắt buộc vợ chồng phải thỏa thuận thời hạn ly thân, tránh những hiện tượng nêu trên. Nếu sau thời hạn này, cả 2 vẫn chưa thấy cần ly hôn, thì nên tiến hành quay lại sống chung với nhau. Thứ hai, nhiều người lợi dụng việc ly thân để dễ dàng ly hôn hơn : Đây cũng là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Với mong muốn ly hôn để được kết hôn với “tình nhân” của mình, một số người đã thực hiện ly thân, sau đó lấy cớ này để đệ đơn ra Tòa án xin ly hôn. Không những thế, một số đối tượng còn “gian xảo” hơn, vì đối phương không chịu ly hôn, họ thực hiện một vở kịch để đối phương tức giận, ra sống ly thân, nhờ vào đó họ viết đơn xin ly hôn với nguyên nhân là do lỗi của đối phương, nhằm trốn tránh trách nhiệm và không bị thiệt hại về tài sản khi chia tài sản chung. Hiện tượng này chủ yếu xuất hiện ở những ông chồng, khi mà “thèm của lạ, ham đồ mới” đi ngoại tình. Việc này đã gây ra một thiệt thòi lớn cho các chị em phụ nữ, khi vừa phải mang trong mình tiếng là “làm chồng không chịu được, phải đòi ly hôn”, vừa có nguy cơ hạn chế hơn trong vấn đề chia tài sản chung nếu chồng có đơn kiện ra Tòa án về vấn đề chia tài sản. Khi quyết định cho ly hôn, Tòa án cũng nên xem xét vào thời gian ly thân, nguyên nhân dẫn đến ly thân (nếu có) để có thể có những phán xét công bằng và đúng đắn hơn. Thứ ba, việc phân chia tài sản, chế độ chịu trách nhiệm liên đới giữa vợ và chồng cũng như vấn đề con cái khi ly thân : Có thể thấy, khi ly thân, vợ và chồng hầu như đều sống tách biệt, không có nhiều những mối quan hệ với nhau, đặc biệt là mối quan hệ về tiền bạc. Vợ và chồng đều tự do chi tiêu mà không bị chi phối bởi bất kỳ ai. Như vậy, vấn đề phát sinh là nếu trong trường hợp chị A và anh B đang ly thân (hai người không tiến hành chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân), anh B lại vay một khoản tiền rất lớn để chơi cờ bạc và đã bị thua, bản thân anh không đủ để trả. Trong thời gian ly thân, chị A lại kiếm được một khoản tiền rất lớn mà không xác minh được nguồn gốc (ví dụ như nhặt được trên đường). Như vậy, khoản tiền chị A kiếm được là tài sản riêng hay tài sản chung? Vì nếu là tài sản chung theo như quy định của pháp luật, chị A sẽ phải là người tiếp tục trả khoản nợ này cho anh B, trong khi chị không hề biết và có liên quan gì đến số tiền cũng như số tiền vay kia hoàn toàn không phục vụ cho vấn đề sinh hoạt hay chi tiêu của gia đình? Bên cạnh đó, vấn đề nuôi dưỡng và chăm sóc con cái sẽ được quyết định như thế nào trong thời kỳ ly thân? Nếu người vợ mang thai trong thời kỳ ly thân sẽ quyết định thế nào? Đây đều là những câu hỏi mà dư luận đang thắc mắc. Pháp luật nên quy định cụ thể những vấn đề này. Có nên áp dụng việc chia tài sản và trách nhiệm nuôi dưỡng con cái như ly hôn hay không? Hay sẽ có những quy định mới phù hợp hơn? KẾT LUẬN Như vậy, hiện tượng ly thân hiện nay đang càng ngày phổ biến. Ý nghĩa tốt đẹp mà chúng ta xem xét trên phương diện tích cực của ly thân là điều không thể chối cãi. Chính vì vậy, để tránh tình trạng lợi dung ly thân để thực hiện những mục đích, mưu đồ bất chính riêng, pháp luật nên đưa ra một khuôn khổ, một hành lang pháp lý rõ ràng để nhân dân dễ dàng thực hiện, để mục đích của ly thân ngày càng được phổ biến và có hiệu quả hơn. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Giáo trình Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, nxb CAND, năm 2009 2. Bộ luật hôn nhân và gia đình năm 2000 3. Vấn đề ly thân có được quy định trong luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1986, thạc sĩ Nguyễn Văn Cừ, tạp chí luật học, trường Đại học Luật Hà Nội số 6 năm 1997 4. Nguyễn Văn Cừ và Ngô Thị Hường, một số vấn đề lý luận và thực tiễn về luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002. 5. Nguyễn Ngọc Điện, bình luận khoa học luật hôn nhân và gia đình, tập 1, Nxb trẻ thành phố HCM, 2002. 6. Nguyễn Văn Cừ, chế độ tài sản của vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, luận án tiến sĩ luật học, trường đại học luật Hà Nội, 2002. MỤC LỤC ĐẶT VẤN ĐỀ........................................................................................................1 NỘI DUNG...............................................................................................................1 I. Những hiểu biết chung về ly thân........................................................................1 1. Khái niệm và một số vấn đề chung về ly thân...................................................1 a. Khái niệm ly thân..................................................................................................1 b. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly thân.............................................................1 c. Kết quả của ly thân................................................................................................2 d. Điểm giống và khác nhau giữa ly thân và ly hôn................................................2 2. Một số vấn đề pháp lý về ly thân........................................................................3 a. Vấn đề ly thân trong pháp luật nước ngoài.........................................................3 b. Vấn đề ly thân trong pháp luật Việt Nam............................................................4 II. Thực trạng về vẫn đề ly thân ở Việt Nam và các tác động của ly thân..........6 1. Thực trạng về vấn đề ly thân ở Việt Nam.......................................................6 2. Tác động của ly thân.........................................................................................6 a .Tác động đến vợ, chồng........................................................................................6 b.Tác động đến con cái.............................................................................................7 III. Quan điểm của bản thân về vấn đề ly thân và pháp luật...............................8 KẾT LUẬN.............................................................................................................10 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO..............................................................11
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan