Đăng ký Đăng nhập

Tài liệu Tuyển tập nam cao

.PDF
797
298
53

Mô tả:

THÔNG TIN EBOOK Tên sách: TUYỂN TẬP NAM CAO Tác giả: NAM CAO Nhà xuất bản: VĂN HỌC Năm xuất bản: 2002 Đánh máy và tạo ebook: hiepsiga_TVE Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com TIẾU SỬ Tên thật là Trần Hữu Trí. Sinh ngày 29-10-1917 tại làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam – nay là xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam Ninh. Gia đình làm ruộng và có một hiệu bán đồ gỗ ở Nam Định, sau bị phá sản. Thời kì Mặt trận Dân chủ, học xong bậc Cao đẳng Tiểu học, Nam Cao về làng, rồi theo một ông cậu họ vào Sài Gòn để kiếm việc làm ăn. Làm phóng viên báo Kịch bóng, viết quảng cáo, thư ký hiệu buôn, dạy học tư, chích thuốc ở bệnh viện….Lúc rỗi, thâm nhập đời sống thợ thuyền, đọc sách, học thêm và mơ ước một chuyến đi xa. Ốm nặng, trở về làng một thời gian, rồi ra Hà Nội dạy học tư, viết văn dưới bút danh Nam Cao (ghép hai chữ đầu tên huyện và tổng quê: Nam Sang, Cao Đà), cùng một số bút danh khác như Nguyệt, Thúy Rư, Xuân Du, Nhiêu Khê… Sự kiếm sống khá vất vả, vì vào nghề văn khá chật vật, và dạy học tư thu nhập bấp bênh. Vợ con và bố mẹ sống ở quê – làng Đại Hoàng, nơi nhà văn thường xuyên lui về để nghỉ ngơi, và khai thác chất liệu để viết. Hoạt động trong nhóm Văn hóa Cứu quốc bí mật ở Hà Nội từ 1943. Cách mạng tháng Tám về làng, tham gia cướp chính quyền ở xã, rồi làm báo thông tin, văn hóa tỉnh. Chuyển ra Hà Nội, công tác ở Hội văn hóa Cứu quốc và tham gia tòa soạn tạp chí Tiên Phong, cơ quan ngôn luận của Hội. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trở về quê, hoạt động ở xã, rồi lên tỉnh tham gia công tác tuyên truyền, địch vận, công giáo vận…Giữa 1947, được điều lên Việt Bắc làm báo Cứu quốc Việt Bắc cùng Tô Hoài, Trần Đình Thọ. Thời gian này, được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Ở Việt Bắc, Nam Cao làm báo, viết văn, soạn sách giáo khoa, viết sách địa lý phổ thông. Sau chiến dịch Biên giới năm 1950, về công tác ở Hội Văn nghệ. Cuối năm 1951, sau khi cùng Nguyễn Huy Tưởng vào Khu Bốn trở ra, Nam Cao đi theo đoàn cán bộ Thuế nông nghiệp vào công tác ở vùng địch hậu Khu Ba. Bị địch phục kích và bắn chết ở quãng Miễu Giáp – Hoàng Đan (tỉnh Ninh Bình cũ) ngày 31-11-1951. - Tác phẩm Chí Phèo (tên cũ: Đôi lứa xứng đôi); NXB Đời mới: 1941. - Nửa đêm (tập truyện): NXB Cộng lực: 1943. - Truyện người hàng xóm (truyện dài): in trên Trung Bắc chủ nhật, từ tháng 4 đến tháng 9 – 1944 - Cười (tập truyện); NXB Minh Đức: 1946 - Đôi mắt: đăng báo năm 1948; in thành tập cùng một số truyện kí khác viết trong khoảng 1947-1948; NXB Văn nghệ: 1954. - Chuyện biên giới (tập kí); NXB Văn nghệ: 1951. - Đóng góp (kịch); NXB Văn nghệ: 1951 - Sống mòn (tiểu thuyết) viết 1944; NXB Văn nghệ: 1956 Tái bản: - Chí Phèo (tập truyện); NXB Văn nghệ; 1957. - Truyện ngắn Nam Cao (tập truyện); NXB Văn hóa; 1960 - Một đám cưới (tập truyện); NXB Văn học; 1963 - Nam Cao – Tác phẩm (2 tập); NXB Văn học; 1976-1977. Truyện thiếu nhi (trước 1945): - Nụ cười. Hoa Mai số 20. - Người thợ rèn. Hoa Mai số 20. - Con mèo mắt ngọc. Hoa Mai; Tết 1942. - Ba người bạn. Hoa Xuân số 28; 1942. - Những kẻ khốn nạn. Hoa Mai số 17-18; 1942. - Phiêu lưu. Hoa Mai; 1943. - Bảy bông lúa lép. Hoa Mai; 1943. - v.v…. Truyện dài, viết trước năm 1945, mất bản thảo: - Cái bát - Một đời người. - Cái miếu. - Ngày lụt. NAM CAO VẪN Ở GIỮA CHÚNG TA Trong lời giới thiệu “Đôi lứa xứng đôi” (1941), tập truyện ngắn đầu tay của Nam Cao, Lê Văn Trương đã có con mắt xanh, sớm nhận ra tài năng của cây bút trẻ độc đáo này: “Giữa lúc người ta đang đắm mình trong những chuyện tình thơ mộng và hùa nhau phụng sự cái thị hiếu tầm thường của độc giả, ông Nam Cao đã mạnh dạn đi theo một lối riêng, nghĩa là ông không thèm đếm xỉa đến cái sở thích của độc giả. Những cạnh của tài ông, ông đã đem đến cho văn chương một lối văn mới, sâu xa, chua chát và tàn nhẫn, thứ tàn nhẫn của con người biết tin ở tài mình, ở thiên chức của mình.”. “Trên văn đàn Việt Nam thời kì 1930-1945, Nam Cao là người đến muộn. Trước ông, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng đã xây dựng trên nền của chủ nghĩa hiện thực sừng sững những tòa nhà đẹp. Nam Cao vẫn tiếp nối con đường của những người đi trước. Trong văn chương đã có một chân dung chị Dậu, anh Pha…những người nông dân nghèo khổ, chất phác, bị chà đạp và cũng giàu tinh thần phản kháng. Nam Cao trong một hoàn cảnh mới và ở một cấp độ mới đã nhận ra hiện tượng biến chất phổ biến ở nông thôn và làng quê bắt đầu xuất hiện loại người dị dạng, dị hình và ông đã đóng góp một Chí Phèo”. Nguyễn Minh Châu cho Chí Phèo là một khám phá mới: “Cái dị dạng người trong tính cách Chí Phèo là một khám phá của Nam Cao”. Chí Phèo không phải là một tính cách đơn độc mà thực sự là một kiểu người văn và nhân vật mang nặng trên vai những vấn đề xã hội! Vấn đề Chí Phèo không thuần túy là vấn đề nông dân, mà suy cho cùng đó là vấn đề con người. Cái bi kịch của Chí Phèo là tấn bi kịch của một con người mất dần nhân tính, khao khát trở lại làm người và không có quyền làm người. Trên những trang viết về người trí thức nghèo, Nam Cao đã cống hiến những mẫu người đáng trọng, đáng thương và nhiều khi cũng đáng giận. Họ là nhà giáo, viên chức, nhà văn, họ có ý thức xây dựng cuộc sống, giàu hoài bão, nhưng bị sức ép của hoàn cảnh, một hoàn cảnh hết sức tồi tệ tầm thường, đẩy dần con người đến chỗ mất ý thức tự trọng, mất nhân cách. Những nhân vật này đã rơi vào “bi kịch vỡ mộng” như có nhà nghiên cứu đã từng nói. Họ đã thua cuộc trên con đường tiến thân để xây dựng một sự nghiệp, thực hiện một hoài bão. Nhưng họ đã không thua cuộc trên trận địa bảo vệ đạo đức và nhân cách. Mặc dù phải trải qua nhiều cảnh ngộ éo le đầy nghịch lý và bị miếng cơm manh áo hành hạ trong cuộc sống hàng ngày, cuối cùng họ vẫn là người tốt, không biến chất, tha hóa. Mặc dù viết về những vấn đề khác nhau, người nông dân trong xã hội cũ, người trí thức nghèo, rồi dân nghèo ở thành thị…Nhưng thực chất là Nam Cao viết về con người. Cuộc đời chân thực gần gũi hiện ra hằng ngày đang từng ngày kiếm sống, bị lăng nhục và chịu đựng vô vàn những đắng cay. Những trang viết của Nam Cao như thét lên tiếng kêu cứu: hãy bảo vệ nhân phẩm của con người. Thân phận và cuộc đời Chí Phèo đã kết thúc, nhưng hai tiếng “lương thiện” và ước vọng muốn được làm người lương thiện vẫn còn là dư âm xót xa. Những người trí thức để cuối cùng vẫn giữ được con người của mình sau trước như một. Đứng trên bình diện con người, thế giới nhân vật của Nam Cao trở nên phong phú lạ thường. Không chỉ là người nông dân, người trí thức mà là những kiểu người, những thân phận con người trong trăm ngàn cảnh ngộ. Điều kì diệu là Nam Cao đã khai thác sâu sắc, miêu tả nhiều cảnh ngộ rất khác nhau, những cảnh ngộ riêng thực sự đã nhào nặn và tạo nên những mẫu người. Có người trong suốt cuộc đời luôn giữ được hai chữ lương thiện một cách trọn vẹn, trong sáng như lão Hạc, có người phải vất vả chống lại sức ép của hoàn cảnh để bảo vệ được nhân phẩm cần thiết, như các nhân vật trí thức nghèo, có nhiều người bị tha hóa, biến chất. Trong thế giới các nhân vật của Nam Cao có cả những mẫu người dị dạng, dị hình như Lang Rận, Thị Nở, Trương Rự…Họ bị mất dần nhân tính và càng ngày càng xa lạ với mọi người. Trước đây, nhận xét về những nhân vật này, không khỏi có ý kiến cho rằng Nam Cao đã miêu tả họ như một biếm họa, những con người xấu xí được vẽ ra với nhiều nét có tính chất tự nhiên chủ nghĩa. Thực chất đó là một dụng ý nghệ thuật. Những nhân vật dị dạng, xấu xí là sản phẩm của xã hội cũ. Hoàn cảnh đã đẩy họ vào chốn tăm tối, vào cõi u mê, kéo dài cuộc sống nửa vật nửa người. Bản thân cuộc sống và sự tồn tại của họ là một lời tố cáo. Đóng góp quan trọng của Nam Cao khi miêu tả con người là những trang phân tích tâm lý sắc sảo. Thế giới bên trong của các nhân vật được phơi bầy không thương tiếc, nhất là những nhân vật trí thức nghèo. Tác giả miêu tả nhân vật từ nhiều góc độ, bình diện, rồi nhân vật lại tự bộc lộ, tự phân tích. Nhiều suy nghĩ và tình cảm cao đẹp như đua chen với các tâm trạng phức tạp, thậm chí cả những ý nghĩ tầm thường. Các nhân vật của Nam Cao luôn có ý thức về một lý tưởng sống, song Nam Cao không lý tưởng hóa các nhân vật. Con người trong tác phẩm của Nam Cao không bị đẩy lên một kích cỡ khác thường, không bị lên gân mà là con người như nó vốn có, con người trong cuộc sống quen thuộc hàng ngày. Cũng vì thế, những tâm trạng nhân vật được miêu tả càng trở nên gần gũi. Tâm lý nhân vật cũng không trừu tượng, xa vời mà gắn liền với cuộc sống nghề nghiệp, đời sống gia đình, tình yêu, chuyện cơm áo, quan hệ bè bạn. Nam Cao đã miêu tả nhiều dòng suy nghĩ của nhân vật vận động theo những mạch biện chứng. Ý thức phê phán và tự phê phán của tác giả là cơ sở để các nhân vật mang màu sắc tự biểu hiện được khẳng định vững chắc. Có thể nói nghệ thuật miêu tả tâm lý đã đạt độ chín của tài năng trong truyện và tiểu thuyết của Nam Cao. Trước ông và sau ông, thành công ấy không nhiều trong văn xuôi thời kì hiện đại. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi tập truyện Đôi lứa xứng đôi của Nam Cao được xuất bản. Thời gian không che lấp hoặc làm hao mòn giá trị của tác phẩm Nam Cao. Đúng hơn càng ngày người đọc càng phải nghĩ tiếp về Nam Cao, tác phẩm của Nam Cao cũng không phụ lòng tìm kiếm. Những nguồn mạch suy nghĩ và những phát hiện mới luôn được mở ra với hiện tại. Nam Cao không hề bị cũ đi mà luôn mới mẻ. Tính hiện đại là phẩm chất của tác phẩm Nam Cao. Sự hòa hợp giữa những chất liệu hiện thực được miêu tả sắc sảo với những cảm nghĩ và cách đánh giá tỉnh táo, khách quan, chân tình của người viết đã làm cho trang viết gần gũi với mọi người ở những thời kỳ khác nhau. Nam Cao đã đụng chạm và khơi sâu vào những vấn đề đặt ra không chỉ trong một thời điểm mà dường như là cho mọi thời. Vấn đề của tác phẩm Nam Cao là của hôm qua nay tiếp nhận Nam Cao với không khí và chỗ đứng của hiện tại. Điều quan trọng cần quan tâm là không có những ngăn cách gì đáng kể giữa Nam Cao và cuộc sống hôm nay. Ông vẫn ở giữa chúng ta và như thấu hiểu một phần cuộc đời hiện đại. Từ sau cách mạng tháng Tám, Nam Cao lại có những đóng góp mới. Nam Cao đã tiếp nhận tinh thần Đề cương Văn hóa Việt Nam từ năm 1943 và tham gia vào văn hóa cứu quốc. Nam Cao đã có mặt và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở địa phương. Ông hiểu rõ những đau khổ và thân phận con người trong xã hội cũ, nên cách mạng là điều ông chờ đợi và nhanh chóng hòa nhập. Nam Cao với hành trình: “Đường vô Nam” trong phong trào Nam Tiến, Nam Cao là phóng viên báo Cứu quốc và hoạt động sâu trong vùng rừng núi Việt Bắc, Nam Cao trong chiến dịch Biên giới, cuối cùng là cái chết của nhà văn, chiến sĩ trong chuyến đi công tác vào vùng địch hậu. Ông đã sống với không khí của thời đại cách mạng và tham gia hết mình trong phong trào. Đọc những trang nhật ký Ở rừng và tìm hiểu tâm sự của Độ, hình bóng gần gũi của Nam Cao trong Đôi mắt, chúng ta càng yêu quí và trân trọng những gì Nam Cao đã làm, đã viết trong chặng đường mới của cách mạng. Nam Cao đã mất đi giữa lúc tài năng ở độ chín, ngòi bút tài hoa và đầy sức lực. “Nam Cao đã chết trên cuốn tiểu thuyết lớn của đời mình. Người ấy, tài ấy đương căng đầy sức lực. Nếu còn sống, chắc chắn những mong muốn của anh sẽ thành sự thật rực rỡ trên một tầm xa, rất xa..” (Tô Hoài – Tựa Nam Cao, nhà văn hiện thực xuất sắc, NXB Văn hóa 1961). Đời văn Nam Cao không dài. Trên mười năm sáng tác ở cả hai thời kỳ trước và sau Cách mạng, Nam Cao đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Thời đại trôi qua, tác phẩm của Nam Cao như ngày càng bộc lộ thêm những phẩm chất mới, những giá trị mới. Chúng ta càng thêm yêu quý ông, một tâm hồn trung thực và cao đẹp trong cuộc đời cũng như trên trang sách, một nhà văn, chiến sĩ với ý nghĩa đích thực và trọn vẹn của danh hiệu này. HÀ MINH ĐỨC. NGHÈO - Bu ơi con đói!... Lần này có lẽ là lần thứ mười, thằng cu bé chạy về đòi ăn, chị đĩ Chuột đang quấy một nồi gì trong bếp, cáu tiết quay ra mắng át nó đi: - Đã bảo hết cơm rồi, tí nữa chè chín thì ăn chè mà!.... Thấy mẹ gắt, thằng cu không dám đòi ăn nữa, nhưng mặt nhăn nhó bịu xịu như muốn khóc. Chị đĩ Chuột thương hại, dịu dàng bảo: - Con chạy ra vườn xem chị Gái làm cỏ, lúc nào chè chín bu gọi về cho mà ăn…chóng ngoan rồi bu thương. Nhưng nó không nhúc nhích, mà nó còn nhúc nhích làm sao được: một nắm cơm nhỏ ăn từ sáng đã bị cái dạ dày chăm chỉ của con nhà nghèo tiêu hết đến phèo một cái rồi, còn chi. Nó ngồi phịch xuống đất, gục đầu vào ngưỡng cửa, ngáp…. - Sắp chín chưa, bu? Quay ra vẫn còn thấy con nằm phục đấy, mắt lờ đờ như sắp lả, chị Chuột chép miệng: - Thôi đây! Chín chả chín thì đừng, bắc mẹ nó ra cho chúng mày ăn không có chúng mày làm tội cũng chết. Chốc lại nheo nhéo, chốc lại nheo nhéo…. Chị vừa lẩm bẩm, vừa dập lửa, rồi bắc cái nồi ở trên bếp xuống, lấy một cái vỏ trai múc vào mấy cái bát sành sứt mẻ tứ tung, đặt ngay trên mặt đất. Thằng cu bé vội vàng lê xích lại gần, hai mắt lóng láng đổ dồn cả vào mấy bát “chè” màu nâu đục, khói bốc lên nghi ngút. Mồm nó nuốt nước bọt ừng ực, mũi nó như nở hẳn ra để hít lấy hương vị của khói chè ngon ngọt. Chị đĩ Chuột phải đưa tay cản nó lại, sợ nó sà vào mà bị bỏng. Chị bảo nó: - Còn nóng lắm, chưa ăn được. Con ra vườn gọi chị về cho chị ăn với không thì phải tội chết, nó làm quần quật từ sáng đến giờ mà chưa được tí gì vào bụng. Không đợi gọi đến hai tiếng, cái Gái hớn hở chạy về, lôi thôi lếch thếch trong mấy manh dẻ rách tả tơi. Vừa đến bếp, nó đã reo lên: - Sướng quá! Lại được ăn chè kia chứ, có ngọt không bu? Bu lấy đâu được mà nấu chè thế? Chị Chuột mắng yêu con: - Úi chà! Tíu tít như con mẹ dại ấy! Tha hồ mà ăn đến chán chê, chỉ sợ không sao nuốt được thôi, con ạ. Rồi chị bảo thằng cu bé: - Bé lại đây, bu cho ăn. Thằng cu ngồi xổm bên mẹ, hất mặt lên, há hốc mồm như con chim non đang đợi mẹ mớm mồi. Một miếng vừa vào mồm, nó đã vội nuốt thỏm đi, khen “ngon quá”. Nhưng chưa kịp ăn miếng nữa, nó đã ọe một cái, mũi đỏ lên, nước mắt ứa ra giàn giụa. - Sao thế? Nó chỉ hụ hị nhìn mẹ mà không nói, cũng không chịu há mồm ăn nữa. Cái Gái nhìn mẹ, nhìn em, xêu một miếng chè nữa ăn thử lại: - Nhạt quá, bu ạ. Chị Chuột mắng con: - Làm gì có nhiều mật mà ngọt. Có mà ăn cho no bụng là phúc rồi. Thằng cu chừng đói quá không chịu được, lại há mồm ra. Mẹ nó đút cho nó một xêu nhỏ nữa. Nó nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt cho trôi. Nhưng cũng như lần trước, nó lại ọe ra, và khóc òa lên. Chị đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bủng như người ngã nước. Cái Gái lấy ngón tay “di” một cục chè rồi bỗng nói to lên: - À! Con biết rồi! Không phải chè, cám mà! Cám nấu mà bu bảo chè! Nhưng mẹ nó lại đưa mắt lườm nó, lấy ngón tay chỉ ra phía nhà ngoài nói khẽ, nhưng hơi gắt: - Khe khẽ cái mồm một tí! Réo mãi lên, thằng bố mày nó nghe thấy thì nó chết. Nó đã ốm nằm đấy, thuốc không có, mà còn bực mình thì nó chết. Rồi hai mẹ con lại lẳng lặng ăn, cố nuốt những bát cám đặc khè cho đỡ đói. Thằng cu nhất định không ăn, ngồi khóc tỉ ti đòi cơm. Chị đĩ Chuột đành dỗ nó: - Thôi nín ngay, bu ăn xong bu xin thầy một miếng cho mà ăn. Chị bế con rón rén bước vào chỗ chồng nằm. Thằng bé vẫn sụt sịt. Anh đĩ Chuột giở mình, hơi nghiêng mặt quay ra. Một làn ánh sáng mờ lướt qua làm cái mặt hốc hác và màu da đã xanh lại xanh thêm. Mái tóc dài quá xòa xuống tai và cổ, hai con mắt ngơ ngác và lờ đờ, những chiếc răng dài và thưa ở cái mồm hé ra để cho dễ thở khiến anh có cái vẻ đáng sợ của con ma đói. Thấy vợ con, anh nhếch miệng cố gượng một cái cười méo xệch và vừa thở phều phào vừa hỏi bằng một thứ tiếng yếu ớt như từ thế giới bên kia đưa lại: - Nó làm sao thế? Chị đĩ Chuột xốc con lên một cái: - Nó vòi đấy chứ có làm sao? Cơm gạo đỏ không chịu ăn, đòi ăn cơm trắng của thầy cơ. - Thì lấy cho nó ăn, tôi ăn làm sao hết? Chị đĩ Chuột lấy liễn cơm chực moi cho con một ít, nhưng anh bảo: - Mang cả ra cho nó ăn, tôi không ăn nữa đâu. Còn bao nhiêu vét cho cái gái với bu em ăn hết đi, để nó thiu ra đấy. Chị đĩ Chuột cười, bảo chồng: - Thằng cu nó dở người, chứ mẹ con tôi ăn cơm đỏ đã no rồi, còn ăn vào đâu được nữa? Anh biết vợ nói dối, chực nói, nhưng lại thôi, buồn rầu buông một tiếng thở dài. Vợ lo ngại hỏi: - Bây giờ người thế nào, để tôi kể với ông lang, lấy thuốc? - Tiền đâu mà thuốc thang mãi? - Tôi vừa bán con chó mực với hai buồng chuối non được bốn hào. Chồng nhìn vợ, ngẫm nghĩ một chút rồi bảo: - Đừng lấy thuốc nữa, tôi sắp khỏe rồi, chỉ ăn cho nó khỏe lên chắc bệnh phải hết. Bu em đong cho tôi cả bốn hào gạo đỏ, đừng đong gạo trắng ăn nhạt lắm. Vợ gật đầu: - Cũng được, nhưng đã thật khỏi chưa? Tôi trông thầy em còn mệt lắm. - Ốm luôn sáu tháng trời mà không mệt sao được? Cứ đi đi…… - Đi ngay bây giờ à? - Ừ, đi xuống nhà bà phó Cửu ấy, xa một tí nhưng được rẻ. Vợ gật đầu bảo thằng cu: - Con ngồi đây với thầy cho bu đi đong gạo nhé? Nó không chịu, sợ sệt nhìn cha. Chị mắng: - Con nhà vô phúc, lại sợ bố!.... Khốn nạn, tại đi về không có tiền mua bánh cho nó nên nó giận đấy mà. Phải tội chết, con ạ. Nhưng anh đĩ Chuột bảo: - Cho cả nó đi, kẻo nó khóc. Bảo cái Gái về tôi bảo. Người cha khốn nạn nhìn đứa con chòng chọc, thở dài. Một giọt lệ từ từ lăn xuống chiếu. - Thầy bảo gì con ạ? - Lúc nãy mẹ con mày ăn cám phải không? Gái gượng cười cãi: - Ăn chè đấy chứ. Bố nó chép miệng: - Khốn nạn! Chè đâu mà ăn, cơm còn không có nữa là chè! Rõ mày thì khổ từ trong bụng mẹ… Con Gái cúi đầu không nói. Anh đĩ Chuột thở dài: - Con đi lấy cho thầy cái ghế buộc giậu, với sợi thừng ở gác bếp để thầy mắc lại cái võng, thế này cao quá. Con Gái lấy ghế và thừng vào. Anh đĩ bảo: - Để đấy cho thầy rồi ra vườn làm cỏ đi. Nó ra vườn, anh gượng ngồi dậy, xuống khỏi giường, mon men ra đóng chặt cửa buồng lại. Anh lấy cái thừng làm một cái tròng chắc chắn, dùng hết sức tàn còn lại, trèo lên ghế, hai chân khẳng khiu run lẩy bẩy. Anh buộc cẩn thận một đầu dây lên xà nhà, buộc xong, mệt quá, anh đu vào cái thừng, gục đầu xuống thở. Anh thấy lòng chua xót, nước mắt trào ra hai má lõm. Rồi anh quả quyết, anh đứng thẳng người lên, chui đầu vào tròng, cái thừng cứng cáp cọ vào cổ làm anh rùng mình, khóc nấc lên một tiếng. Cả cái thân hình mảnh dẻ bắt đầu chuyển động như một tầu lá rung trước gió. Bỗng anh ngừng bặt, ngây người ra nghe ngóng: có tiếng ai vừa gọi ngoài ngõ, tiếp đến cái Gái thưa và chạy ra. Tiếng người kia the thé: - Bu mày đâu? Tiếng cái Gái rụt rè đáp lại: - Bẩm bà, bu con đi vắng. - Đi vắng! Đi vắng mãi! Mày về bảo con mẹ mày nội ngày mai không trả tiền tao thì tao đào mả lên đấy. Cái giống chỉ biết ăn không. Anh đĩ Chuột rít hai hàm răng lại. Hai chân giận giữ đạp phắt cái ghế đổ văng xuống đất. Cái tròng rút mạnh lại. Cái bộ xương bọc trong da giãy giụa như một con gà bị bẫy, sau cùng, nó chỉ còn giật từng cái chậm dưới sợi dây thừng lủng lẳng. Ở ngoài ngõ, mẹ con chị Chuột vừa kêu khóc vừa van lạy. Bà Huyện nhất định bắt mẻ gạo mới đong để trừ sáu hào nợ chị Chuột vay từ hai tháng trước cho chồng uống thuốc…. Thúy Rư Tiểu thuyết thứ bảy Số 158 Ngày 5-6-1937 ĐUI MÙ Vào bàn ăn, thấy chỉ có mỗi mình bạn với tôi, tôi không sao giấu nổi sự ngạc nhiên. Hùng như cũng đoán ra điều ấy, mỉm cười hỏi tôi: - Chắc anh lấy làm lạ vì không có Nga cùng ngồi ăn với chúng ta như năm trước? - Quả có thế. Ý hẳn chị đi chơi đâu? Hùng lắc đầu cười gượng: - Tôi bỏ Nga từ năm tháng trước kia rồi! Tôi sửng sốt như bị điện giật, mắt mở to, miệng há hốc. Vẫn với nụ cười chua chát, Hùng bảo tôi: - Anh không tin? Anh không tin là phải, vì tôi yêu Nga lắm, yêu hơn tất cả những tình nhân say đắm khác trên đời. Hồi ấy giá có ai bảo tôi rằng một ngày kia có thể bỏ Nga, thì tôi đã không ngần ngại gì mà cho người ấy là loạn óc? Ấy thế mà cái việc bất ngờ ấy đã xảy ra…xảy ra một cách đau đớn lắm…Nhưng anh cầm đũa đi đã chứ. Ta vừa ăn vừa nói chuyện… Thường thường năm nào cũng vậy, mấy tháng nắng chúng tôi vẫn dọn ra “Ô Cấp” ở. Một ông bác tôi có một cái nhà ở ngoài đó bao giờ cũng sẵn lòng cho chúng tôi mượn không lấy tiền. Nhưng năm nay tôi đang soạn dở một cuốn tiểu thuyết để kịp cho đăng vào tờ tạp chí của anh Quang mới được phép ra, nên cần phải ở nán lại Sài - Gòn vài tuần nữa. Dù thế, tôi cố ép Nga đi ra “Cấp” trước, vì ở Châu thành bấy giờ nóng nực, khó chịu lắm, và nhất là vì tôi sợ bận rộn không săn sóc tới Nga luôn luôn được để Nga buồn. Mà chẳng nói tới anh cũng biết, tôi muốn Nga sung sướng luôn luôn, tôi không thể thấy nàng buồn nản, dù chỉ trong vài phút. Bởi vậy cho nên dù Nga năn nỉ đòi ở lại, đợi tôi và nói chỉ có thể sung sướng khi thấy tôi luôn luôn bên cạnh, tôi cũng nhất quyết nài Nga thu xếp ra đi. Tôi phải nói với Nga rằng tôi muốn Nga ra Cấp sửa sang chỗ ở trước, và hứa với nàng rằng sẽ ráng làm xong công việc cho mau chóng để ra với nàng ngay, nàng mới chịu nghe theo. Nhưng chúng tôi vẫn cứ còn dùng dằng mà không nỡ dứt. Nàng thì lúc chực ra đi, lúc lại đòi ở lại, có lúc hai con mắt van vỉ nhìn tôi như cầu xin, oán trách khiến tôi cảm động đến đáy lòng, và không bao giờ hiểu một cách sâu xa cái tình yêu tha thiết của nàng đối với tôi bằng lúc ấy. Nhưng rồi nàng cũng chịu ra xe. Còn tôi, sau khi đã cố gạt hết những nỗi buồn ly biệt, bèn lập tức quay vào công việc để làm khuây, và nhất là để mau hết, để có thể ra Cấp với người yêu được. Ngay chiều hôm ấy, tôi thu xếp sang Thị - Nghè: tôi cần ở cái xóm làm nơi trú ngụ cho một phần đông dân lao động ấy ít lâu để thu cóp tài liệu cần đến trong cuốn tiểu thuyết tôi đang viết, với cái giá tiền năm đồng một tháng. Vợ một bác thợ may nấu cơm tháng cho năm, sáu người lao động, cho tôi mỗi ngày hai bữa cơm thanh đạm và một cái bàn đã mọt kê ở sát cửa sau, cạnh bức tường làm bằng ván mỏng ghép lại với nhau. Cái bàn ấy mỗi ngày hai lần dùng làm bàn ăn cho cả nhà. Ăn xong, tôi lấy giẻ lau sạch đi, giải một tờ nhật trình lên làm bàn viết. Tối đến thì cái bàn viết ấy lại trở nên một cái giường cho tôi ngủ. Ấy thế mà tôi lại còn vào hạng “đàng hoàng” kia đấy! Mấy người khác, sau khi đã vất vả suốt ngày trong xưởng thợ hay ngoài đường nắng, tối đến chỉ rải một manh chiếu xuống thềm, rồi lăn ra nằm với nhau như heo vậy. Cái cảnh khổ cực luôn luôn bày ra trước mắt tôi làm tôi thấy nỗi nhớ nhung, đau khổ trong lòng tôi là nhỏ nhặt, và tôi đã gần khuây nỗi nhớ thì một sự gặp gỡ lại làm hình ảnh Nga trở về ám ảnh tôi. Một buổi trưa nắng chang chang, tôi đang ngồi nhìn mấy người đàn bà xắn quần lên quá đầu gối đem thùng ra giếng kéo nước, bỗng có tiếng hỏi mượn cái bình pha trà. Tôi quay lại và bỗng ngạc nhiên hết sức. Người con gái đứng sau lưng tôi giống Nga như đúc: cũng đôi mắt trong trẻo ngây thơ, cũng cái miệng nhỏ xinh xinh với làn môi hơi mỏng và nếu không có nước da hơi sạm nắng, bàn tay hơi lớn và thô, với dáng người nặng nề vì quen khó nhọc thì tôi đã tưởng đó chính là Nga, mặc bộ đồ mộc mạc ấy trở lại để làm tôi sửng sốt. Sự giống nhau ấy làm tôi có cảm tình với chị ta mà sau hỏi ra tôi mới biết là vợ một người lính ở ngay nhà bên cạnh. Tôi càng có cảm tình với chị ta khi tôi biết chị thật là cái hạnh phúc vô song của người chồng sung sướng nọ. Đã bao lần tôi nhìn qua khe những tấm ván ghép làm tường, sống cái cảnh êm đềm, vui vẻ của đôi vợ chồng trẻ quyến luyến nhau và phải mỉm cười mơ màng nhớ lại những phút say sưa của tôi với Nga trong những lúc nhìn nhau bằng con mắt đầy âu yếm. Nhưng tôi cảm động nhất khi một buổi sáng vô tình dự vào cuộc tạm biệt của đôi uyên ương ấy. Tôi nhận lại hết những dáng điệu quyến luyến, dùng dằng buồn rầu không nỡ dứt của Nga và tôi hôm nọ. Tôi rỏ nước mắt khi nghe thấy câu thiết tha đầy vẻ thành thật của người vợ trẻ: - Thôi mình đi đi…em lại đành ngồi mong từng phút cho ngày chóng hết! Và tôi bỗng rầu rầu tưởng đến nỗi nhớ mong của Nga mỏi mắt đợi người yêu ngoài Cấp. Tôi lại vội vàng lấy bút mực cắm đầu viết cho mau xong cuốn truyện. Mới viết được chừng một trang thì tiếng cười rúc rích ở nhà bên cạnh làm tôi ngừng viết. Tôi mỉm cười, nghĩ bụng: “Chắc anh chồng ra đi một quãng, suy nghĩ thế nào lại còn muốn về hôn vợ thêm cái nữa!”. Rồi tôi cúi đầu nhìn trộm qua khe ván xem điều dự đoán của mình có đúng không. Nhưng người tôi bỗng run lên một cái. Cấy viết rơi xuống đất. Tôi giụi mắt lại ba cái và bàng hoàng không tin ở mắt mình. Người thiếu phụ có con mắt ngây thơ trong trẻo kia đang nũng nịu trên giường, cánh tay trần đu lấy cổ một chàng trai trẻ mà tôi nhận ra không phải là anh lính. Mặt nàng đỏ bừng bừng, đầu hơi ngả về đằng sau, khoe cái cổ tròn trĩnh và cái ngực nở đang hồi hộp, hai làn môi đỏ ướt hé mở như chờ một cái hôn. Tôi bỗng thấy trái tim như ngừng đập, người run rẩy, cổ khô, đầu choáng váng như chính Nga đang quằn quại trên giường với người khác vậy. Nhưng tôi còn tức tối hơn nữa khi chiều hôm ấy lúc chồng về con dâm phụ lại vẫn giữ được vẻ trong trẻo, ngây thơ, vồn vã xoắn xít chồng như không có chuyện gì xảy ra…. - Gớm! Sao mình về trễ thế. Em đợi mình từng phút. Ba hôm sau tôi đi Cấp, dù cuốn tiểu thuyết chưa xong một nửa. Nếu tôi có ở lại thì chắc cũng không viết được thêm một trang nào nữa. Tôi lấy cớ rằng tài liệu đã thu cóp đủ để an ủi lòng: “đủ tài liệu rồi thì ở đâu viết mà chả được”, tôi nghĩ thế rồi đáp xe đi ngay, không do dự. Tôi tới Cấp vào lúc bốn giờ sáng. Tuy đang ngái ngủ, Nga cũng tiếp tôi vồn vã vô cùng. Nhưng trái với mọi lần, hôm nay tôi thấy sự mừng rỡ xoắn xít của nàng hơi khó chịu. Có lẽ nàng cho vẻ mặt lãnh đạm của tôi lúc bấy giờ là do đi đường mệt nhọc nên không để ý. Còn tôi thấy bộ đồ ngủ quá hở của nàng và đưa mắt nhìn lên giường mền xốc xếch thì tự nhiên thấy lòng nôn nao một cách lạ thường. Nhưng một giấc ngủ êm đềm đến tận mười giờ đã làm tôi bình tĩnh lại. Nhìn Nga nhảy nhót khắp nhà như một con chim, đôi mắt ngây thơ trong trẻo như không bao giờ có điều hối hận, cái miệng xinh xinh líu lo những câu chuyện không đầu không cuối như con nít, tôi thấy lòng vui vẻ lại. Nàng nũng nịu hỏi tôi: - Nhà thi sĩ của em có muốn làm thơ không? Tôi mỉm cười. - Nếu muốn thì Nga dẫn đến Thiên Thai cho mà ngâm vịnh! Cái thiên thai của Nga là một đám cát mấp mô đầy những tảng đá nhẵn nhụi ở dưới chân núi, liền mặt biển. Cây cối um tùm che kín khiến nó tách biệt ra như một thế giới khác. Ở ngoài sóng biển xô nhau dào dạt chảy vào và bắn tung lên thành những đám bụi trắng xóa. Tôi không để ý đến vẻ nên thơ của cảnh, mà chỉ băn khoăn nghĩ đến sự kín đáo của một nơi có thể che đậy bao nhiêu cuộc ái ân lãng mạn. Thấy Nga nũng nịu đu lấy cổ tôi, tôi thấy trong tim rung lên một cái như bị một mũi dao chạm phải. Rồi luôn luôn tôi sống những ngày khổ sở, băn khoăn trong sự nghi ngờ. Và sau cùng, tôi muốn biết: Và tôi đã biết! Phải anh ạ, tôi đã biết!.... Trí sáng suốt, sự tò mò lòng tự ái tôi đều được thỏa….nhưng trái tim tôi thì tan nát mất rồi!... Tôi đã nói dối Nga rằng tôi phải về Sài – Gòn có việc cần. Nhưng đi được một quãng, tôi bắt dừng xe lộn lại, và lần ra chỗ “thiên thai” nấp vào trong bụi rậm. Sự nghi ngờ của tôi không đến nỗi vô lý. Quả nhiên chiều hôm ấy tôi được thấy Nga nũng nịu đu lấy cổ một chàng trai trẻ, như đã đu lấy cổ tôi cũng ở tảng đá cũ. - Thế rồi anh ly dị? Hùng không đáp. Anh ngồi cúi mặt, mắt đăm đăm nhìn xuống bàn, lộ một vẻ đau đớn lắm. Một lúc anh khẽ nói, giọng chán nản của một anh chàng bị đánh cắp ái tình: - Tôi hối hận. Thà rằng tôi cứ ở chúi xó thôn quê ấy để thầm ca tụng lòng chung thủy của Nga, thà rằng tôi cứ đui mù như anh lính nọ lại được hoàn toàn sung sướng hơn là tìm đến sự thực để rồi thất vọng vì sự thực. Thúy Rư Tiểu thuyết thứ bẩy Số 160 Ngày 19-6-1937 CÁI CHẾT CỦA CON MỰC Người ta định giết Mực đã lâu rồi. Mực là con già hơn trong hai con chó của nhà. Nhưng cũng là con nhiều nết xấu. Nó tục ăn: đó là thường. Nó nhiều vắt: cái ấy đủ khổ cho nó. Nó cắn càn ấy là cái khổ của bọn ăn mày. Nhưng nó lại sủa như một con gà gáy: cái này thì không thể nào tha thứ được. Thoạt tiên người ta định ngày chết cho nó vào dịp Thanh Minh. May cho nó hôm ấy bà chủ nhà bị ốm. Rồi thì là Tết tháng năm. Bỗng nhiên đứa con út của bà ươn mình: bà phải kiêng để lấy sữa lành cho con bú. Sau cùng người ta nhất định thịt nó vào rằm tháng bảy ai ốm mặc. Nhưng lần nầy Mực vẫn còn thoát nạn là vì nhờ có Du. Người con cả xa xôi ấy vừa viết thư báo chẳng bao lâu sẽ về. Bà mẹ mừng như tìm được một vật quý bị rơi và bà nhất định lùi ngày xử con Mực lại. Bây giờ thì Du về rồi. Chiều hôm qua con người phóng đãng ấy đã khệ nệ xách cái vali rất nặng bước vào sân, miệng mỉm cười và mặt đỏ. Cái nhà tranh, mấy cây cau hình như vừa đứng thẳng hơn lên để chào chàng. Rồi đến lũ em ầm ỹ đẩy mành chạy òa ra, và bà mẹ mừng quá cười và khóc. Nhưng kẻ lên tiếng trước nhất là con Mực. Con chó già nua ấy rít lên cái thứ tiếng gà gáy của nó và chạy lại Du. Bà mẹ thét lên và lũ em chửi những câu thô tục. Du bỡ ngỡ nhìn mọi người. - Hình như mẹ không được khoẻ, ồ các em đã lớn cả rồi: Thanh, Tú, đứa nào đây? à, Thảo con chuột nhắt, trông Thảo xinh quá nhỉ? à! con Mực, vẫn con chó ngày ấy đấy à?... trông nó già đi tệ!... Con chó đã nhận ra người chủ cũ. Nó đứng lặng vẫy đuôi, đầu cúi xuống, hai mắt nhèm ươn ướt nhìn đất như tủi phận. Du thương hại: đó là người bạn lặng lẽ thui thủi bên chàng những năm xưa khi đêm vắng, chàng ngồi nhìn trăng mà mơ mộng. Chàng muốn cúi xuống vuốt ve. Nhưng nó bẩn ghê gớm quá, lông rụng từng mảng, thịt trắng lộ ra có nơi sần mụn nữa. Dáng điệu thì già nua, có vẻ buồn và len lén như phòng bị một cách yếu ớt. Không còn những cái vẫy đuôi mạnh dạn những cái nhìn rất bạn bè và những cái hít chân vồ vập như khi một con chó đã vui và không ngờ vực. Du thấy lòng nằng nặng. Chàng đưa chân chạm khẽ vào con chó để tỏ tình thương. Con chó vẫy đuôi mạnh hơn nhưng len lén lánh ra: dáng điệu một kẻ sợ hãi cố cười với người nó sợ. Và tức khắc nó vặn vẹo mình và rít lên một tiếng ngắn và to; đứa em tưởng anh đá hụt trả thù cho anh bằng một cái đá mạnh vào sườn con vật. Nó lấm lét lảng dần cũng không dám chạy một cách thẳng thắn để đi trốn nữa. Du trách em:
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan