Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Truyện ngắn sơn nam và bình nguyên lộc từ góc nhìn văn hóa học...

Tài liệu Truyện ngắn sơn nam và bình nguyên lộc từ góc nhìn văn hóa học

.PDF
199
375
75

Mô tả:

1 DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài Marxim Gorki, văn hào người Nga, từng nói: “Người nghệ sĩ thật sự vĩ đại trước hết phải là người nghệ sĩ của một dân tộc, một quê hương cụ thể”. Trong lịch sử văn học thế giới và văn học Việt Nam, có rất nhiều nhà văn nổi tiếng nhờ biết phát huy những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình. Nhiều nhà văn Nam Bộ đã ghi tên tuổi mình vào lịch sử văn học Việt Nam nhờ biết khai thác bản sắc độc đáo của văn hóa vùng miền, trong đó, nổi tiếng hơn cả trong thế kỷ trước là Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc. Giá trị tác phẩm của hai nhà văn này được nhiều người nhận định trước hết là ở chỗ gắn bó sâu sắc với vùng đất quê hương qua việc phản ánh chân thực hình ảnh thiên nhiên và con người vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc là hai nhà văn tiêu biểu của Nam Bộ sau 1945, sau thời đại của những nhà văn như Hồ Biểu Chánh, Phi Vân... Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc, một người ở miền tận cùng của đất nước mênh mang sông rạch, một người thì ở vùng đất rừng khô cằn, buồn tẻ. Sơn Nam viết về miền Tây Nam Bộ, Bình Nguyên Lộc viết về miền Đông Nam Bộ, tác phẩm của hai nhà văn này đã đưa người đọc trở về với thời những lưu dân Việt đi mở đất phương Nam, phản ánh thiên nhiên, cuộc sống và con người nơi đây với những nét độc đáo của riêng vùng đất Nam Bộ. Trong lối cảm, cách nghĩ và nhất là văn phong của hai nhà văn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc cũng mang đậm chất Nam Bộ. Tìm hiểu sự nghiệp sáng tác của hai nhà văn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc, ghi nhận những cống hiến thầm lặng của họ trong việc thể hiện hình ảnh đất và người phương Nam, vì thế, có ý nghĩa góp phần trong việc nghiên cứu những thành tựu của văn học Nam Bộ trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Lâu nay, đã có khá nhiều bài viết, luận văn viết về Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc nhưng chưa có công trình nào chuyên sâu về thể loại truyện ngắn của hai ông trong quan hệ với đề tài văn hóa Nam Bộ. Mặt khác, nhiều công trình chỉ mới nghiên cứu tổng quát các nhà văn Nam Bộ nói chung hoặc riêng lẻ về nhà văn Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc chứ chưa nghiên cứu hai nhà văn này trong thế liên hợp đối sánh. Việc nghiên cứu 2 chung cả Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc không chỉ nhằm làm sáng tỏ những điểm tương đồng giữa họ về sự phản ánh văn hóa Nam Bộ mà còn cho thấy phong cách riêng của mỗi nhà văn trong nội dung cũng như hình thức thể hiện văn hóa miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Tiến trình khẩn hoang vùng đất phương Nam góp phần mở ra vận hội mới cho dân tộc. Những lưu dân thời mở cõi đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và xương máu để biến đất hoang thành ruộng đồng phì nhiêu, rồi chính họ lại tiếp tục dấn thân trong những cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm, gìn giữ nền độc lập của Tổ quốc, để đất nước được hòa bình, thống nhất, vững vàng đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hôm nay. Do đó, việc nghiên cứu truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc không chỉ có ý nghĩa về mặt văn chương mà còn cả về mặt văn hóa nữa. Tác phẩm của hai nhà văn này được dạy ở cấp phổ thông trung học, đại học và được đông đảo độc giả trong và ngoài nước yêu mến, chắc chắn sẽ góp phần giới thiệu văn hóa Nam Bộ như một phần quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam. Từ những lý do trên, chúng tôi đã chọn nghiên cứu đề tài: Truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc từ góc nhìn văn hoá học. 2. Lịch sử vấn đề Trước và sau năm 1975, chủ yếu là ở miền Nam, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo đã viết rất nhiều về cuộc đời và tác phẩm của Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc. Tuy nhiên, phần lớn những bài viết đó chỉ mới ở dạng thẩm bình, cảm nhận chứ chưa nghiên cứu một cách có hệ thống về tác phẩm của hai nhà văn nói chung, truyện ngắn của họ nói riêng. 2.1. Lịch sử nghiên cứu về Sơn Nam Trước năm 1975, việc tìm hiểu Sơn Nam chủ yếu mang tính chất giới thiệu chung, đáng kể nhất là nhận xét của nhà báo Nguiễn Ngu Í và nhà phê bình Tạ Tỵ. Nguiễn Ngu Í trong Sống và viết với… khẳng định vị trí của nhà văn Sơn Nam: “Sự nghiệp văn chương của anh cũng khá vững và có những nét độc đáo. Bây giờ, hễ nói đến miền Nam thì người ta nhớ ngay đến Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam. Còn với anh em văn nhân toàn quốc, anh cũng “có hạng” [96, tr.206]. 3 Khi nghiên cứu Sơn Nam, nhiều người chú trọng tới giá trị nội dung trong tác phẩm của ông, nhất là hình ảnh thiên nhiên và con người. Trong Mười khuôn mặt văn nghệ, Tạ Tỵ đã nói về Sơn Nam như sau: “Càng đọc anh, chúng ta càng nhận thấy rõ rằng thân phận con người Việt Nam được phản ánh qua những khung cảnh khắc khổ của thiên nhiên, của xã hội, cái thiên nhiên và xã hội dưới thời nô lệ như a tòng với nhau để đè nén con người.” [249, tr.244]. Sau 1975, tác phẩm của nhà văn Sơn Nam được đưa vào giảng dạy ở bậc trung học phổ thông với truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh hạ. Trên lĩnh vực xuất bản, có nhiều bài viết giới thiệu về Sơn Nam, như lời “Tựa” của nhà thơ Viễn Phương viết cho tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau, ông viết: “Đọc Hương rừng Cà Mau, đồng bào hiểu thêm được về thiên nhiên, về lịch sử, về đời sống, về con người của vùng đất xa xôi, huyền bí này. Bàng bạc trong những trang sách này là một tình yêu quê hương đậm đà, đằm thắm.” [352, tr.2]. Hoàng Phủ Ngọc Tường trong “Lời giới thiệu” tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau, tái bản năm 1998, thì cho rằng: “Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam là một quyển cảo thơm... viết về những mảnh đời thường của đất, của nước, của rừng, ruộng và của những số phận con người tưởng chừng rất tầm thường nhưng dưới ngòi bút Sơn Nam đã vụt hiện thành những điểm sáng, lấp lánh trên bức tranh sơn thuỷ của miền cực Nam Tổ quốc.” [372, tr.4]. Trong “Lời giới thiệu” quyển Hồi ký của Sơn Nam, nhà xuất bản Trẻ đã khẳng định: “Gần 60 năm cầm bút, trải qua bao thăng trầm vất vả, ông đã có một số lượng tác phẩm thật đồ sộ: gần 300 truyện ngắn, hàng chục tập sách biên khảo về người và đất Nam Bộ. Ông thật xứng đáng với danh hiệu cao quý mà bạn đọc xa gần phong tặng: nhà Nam Bộ học.” [363, tr.3]. Lê Minh Đức trong “Lời giới thiệu” tập 26 truyện ngắn của Sơn Nam, cho rằng: “Những cuốn sách và những bài báo của Sơn Nam đã giúp người ta đi trở lại những ngày đầu khai phá tìm hiểu những điều kiện thiên nhiên và xã hội của cuộc sống trong vùng, có khi cách nay nhiều thế kỷ, về cách thức làm ăn và sinh sống của con người những thời kỳ ấy.” [323, tr.3]. 4 Trong “Lời giới thiệu” cuốn Đồng bằng sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa & Văn minh miệt vườn của nhà văn Sơn Nam, có đoạn viết: “Nói đến tác phẩm Sơn Nam là nói đến chủ đề Nam kỳ Lục tỉnh, về đất, về người, về lịch sử khẩn hoang và phát triển của Nam Bộ.” [356, tr.4]. Trong phần “Lời giới thiệu” của tập truyện ngắn Hai cõi U Minh, có đoạn viết: “Truyện của Sơn Nam biểu lộ xu hướng đi sâu viết về người nông dân Nam Bộ, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ, từ Hà Tiên tới mũi Cà Mau, tức là miền đất được khai phá sau cùng.” [344, tr.5]. Trong “Lời giới thiệu” của cuốn Lịch sử khẩn hoang miền Nam, có đoạn viết: “Ngay từ những năm trước giải phóng, khi đất nước còn chia cắt, nhà văn Sơn Nam, bằng kinh nghiệm sống, với ưu thế tìm tòi, chắt lọc trong vốn tư liệu quý và trong cái cô đơn tìm lối dẫn về cội nguồn, về quá trình thiên di, sinh cơ lập nghiệp của lưu dân Việt trên vùng đất mới phía Nam ngót ba thế kỷ qua.” [339, tr.4]. Trong bài “Sơn Nam, nhà văn của vùng đất mới Nam Bộ”, Nguyễn Trọng Tín nhận xét: “Nhà văn Sơn Nam là một trong hai người còn lại hiểu biết nhiều về Nam Bộ. Ông có nhiều cống hiến cho văn chương và là người đứng đầu trong số các nhà văn Nam Bộ. Bên cạnh sự nghiệp sáng tác, ông còn rất nhiều công trình khảo cứu về văn hoá Nam Bộ. Đặc biệt, ông là người hiểu biết quá trình hình thành dải đất Nam Bộ. Từ hiểu biết uyên bác đó, ông lại thể hiện bằng những trang viết rất giản dị khiến nhiều tầng lớp độc giả đều đọc và dễ hiểu tác phẩm của ông.”1 Còn trong bài viết “Những trang hồi ức về văn hoá của Sơn Nam”, Nguyễn Trung Quốc có nhận xét: “Sơn Nam có vốn sống thật phong phú, có thể gọi ông là nhà Nam Bộ học. Khi nhắc tới vùng đất ấy, ngòi bút Sơn Nam sinh động hẳn. Hồi ký của ông cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu quý về vùng đất trù phú về lúa, cây trái, phong phú về văn hóa dân gian.” 2 1 Nguyễn Trọng Tín –“Sơn Nam, nhà văn của vùng đất mới Nam Bộ” ( http://thoangsaigon.com/2010/05/s%C6%A1n-nam-nha-van-c%E1%BB) 2 Nguyễn Trung Quốc - Những trang hồi ức về văn hoá của Sơn Nam (quechoa.info/) 5 Nguyễn Mạnh Trinh trong “Sơn Nam, ông già Ba Tri của đồng bằng Nam Bộ” đã khẳng định: “Sinh hoạt một thuở của những người di dân Nam Bộ được sống lại trong Hương Rừng Cà Mau.” 1 Trong “Sơn Nam, nhà văn, nhà Nam Bộ học (Phỏng vấn người Sài Gòn)”, Phan Hoàng đã viết: “Tất cả đã tạo nên tên tuổi Sơn Nam, nhà văn, nhà Nam Bộ học mà sự nghiệp gắn liền với vùng đất mới, trù phú và đầy hào khí. Với ông, đi và viết như một nhu cầu sinh tồn. Cho đến thời điểm bước vào kỷ niệm 300 Sài Gòn, Sơn Nam đã có trong tay mấy mươi tác phẩm giá trị về văn minh miệt vườn, về những người đi khai phá vùng đất mới và sáng tạo ra nền văn hoá truyền thống” [88, tr.59]. Huỳnh Công Tín trong bài viết “Nhà văn Sơn Nam - nhà Nam Bộ học” cho rằng: “Ông còn làm sống lại quá khứ miền Nam, không chỉ hiện nay mà cả vài trăm năm về trước, từ chuyện khẩn hoang miền Nam, chuyện thời Đàng Cựu, đến lai lịch của từng vùng đất cụ thể: Sài Gòn, Gia Định, An Giang, Hà Tiên, Cần Thơ, Hậu Giang, Long Hồ, Vĩnh Long...” [237, tr.175]. Trần Hữu Dũng trong bài “Sơn Nam - Mấy độ qua đường phố, nghiêng mình nhớ đất quê” xác quyết: “Ông viết nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu phong tục tập quán, hồi ký… nhưng tất cả đều xoay quanh cái trọng tâm muôn thuở – miệt vườn, châu thổ sông Cửu Long.” [414, tr.8]. Nhà văn Trần Mạnh Hảo trong bài “Sơn Nam - Dề lục bình Nam Bộ” có viết: “Sơn Nam là một nhà Nam Bộ học, một cuốn từ điển của thời đầu mở đất Đồng Nai. Ông tiếp tục truyền thống văn chương của những Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Của, Hồ Biểu Chánh, Đông Hồ…” 2 Võ Phiến trong bộ Hai mươi năm văn học miền Nam (1994) có đánh giá về Sơn Nam: “Sự nghiệp văn chương của Sơn Nam được gầy dựng nên do chính cái ngộ ấy. Bởi 1 Nguyễn Mạnh Trinh - Sơn Nam, ông già “ba tri"của đồng bằng Nam Bộ. ( Nguyenmanhtrinh.blogspot.com/”) 2 Trần Mạnh Hảo - Sơn Nam - Dề lục bình Nam Bộ. (http://www.e-thuvien.com/forums/showthread.php?t=16585) 6 ông là người Nam, ông không để ý đó thôi. Ông đã phát huy cá tính miền Nam một cách tài tình mà không hay. Tài tình mà vô tình.” [171, tr.154]. Trong công trình Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (1998), ở tập 2, Sơn Nam được nhắc đến với tư cách như là một trong những nhà văn tiêu biểu có những đóng góp lớn cho văn học Nam Bộ giai đoạn 1954-1975. [65, tr.168]. Trong tác phẩm Nhìn lại một chặng đường văn học (2000), một công trình nghiên cứu về văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975, nhà nghiên cứu văn học Trần Hữu Tá nhận xét: “Đất nước, lịch sử và con người Nam Bộ đã được Sơn Nam say sưa phản ánh trong tập truyện Hương rừng Cà Mau” và: “Tác giả đã không tách những nỗ lực chinh phục thiên nhiên của người dân miền Nam khỏi tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ quê hương đất nước của họ.” [197, tr.72]. Lê Phương Chi trong Tâm tình văn nghệ sĩ, cho rằng: “Ông đã làm sống lại hào khí miền Tây Nam Bộ, thời Tổ tiên ta di dân lập ấp, và ông dựng lại những cảnh tượng bi hùng của ông cha ta trong công cuộc khai hoang tranh đấu giành sự sinh tồn với thiên nhiên, giành từng tấc đất ngọn rau để giành đất, lấn biển mở rộng bờ cõi.” [28, tr.132]. Trong Tự điển Văn học (2004), ở mục từ “Sơn Nam”, Trần Hữu Tá nhận xét: “Con người và vùng đất nê địa Cà Mau cứ hiện lên trên từng trang viết của ông, cuốn hút, say người. Ông kể lại một cách sinh động cảnh nhân dân dũng cảm trừ rắn, bắt cá sấu, chống trả quyết liệt và chiến thắng thiên nhiên khắc nghiệt. Trong gian khổ, tinh thần những người tay lấm chân bùn ấy vẫn bình thản, hồn nhiên.” [199, tr.1566]. Bùi Đức Tịnh trong quyển Lược khảo lịch sử văn học Việt Nam (2005), nhận định: “Trong các truyện của Sơn Nam nổi bật trên bức tranh làng mạc quê hương là những người nông dân đôn hậu, chất phác, dũng cảm, đã đem tất cả sức sống khai phá và giữ gìn từng tấc đất cho gia đình và Tổ quốc.” [239, tr.564]. Nguyễn Thị Thanh Xuân trong Tiếng vọng những mùa qua, viết về Sơn Nam như sau: “Phạm Anh Tài, ngay từ “Tây đầu đỏ” và “Bên rừng cù lao Dung” đã thể hiện những nét riêng trong cách dẫn truyện cũng như lối xây dựng nhân vật và tài tả cảnh. Đó là cách dẫn truyện tự nhiên và rất có duyên, không hề lộ ra sự sắp xếp; đó là sự khắc 7 hoạ người nông dân Nam Bộ rất đậm đà bản sắc từ ngoại hình đến ngôn ngữ; đó là sự am hiểu và quan sát tỉ mỉ về đất miền Nam.” [265, tr.233]. Hoài Anh, trên Tạp chí Văn hoá, số 7, trong bài “Sơn Nam, người đánh đàn độc huyền kể chuyện Nam Bộ”, có nhận xét: “Anh Sơn Nam là một con người Nam Bộ chân chất, thẳng thắn, một nhà văn, nhà văn hoá của Nam Bộ mà những trang viết cũng giản dị, đầy ắp chất sống, thấu đáo nhân tình như chính lời nói hằng ngày của anh.” [6, tr.25]. Văn Giá trong sách Bình văn (Trần Hòa Bình, Lê Duy, Văn Giá), ở bài “Chủ nhân của rừng tràm” đã nhìn nhận Sơn Nam là nhà văn sáng tác bằng tâm hồn và vốn kiến thức sành sỏi về “tính nết, thổ ngơi, sản vật, lịch sử và địa bàn cư trú của nhân dân vùng Đất Mũi.” [21, tr.148]. Gần đây, có một số luận văn nghiên cứu về Sơn Nam, như: Đặc điểm truyện ngắn Sơn Nam giai đoạn 1954 – 1975 của Lê Thị Thùy Trang (luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) [245], Văn hoá và con người Nam Bộ trong truyện của Sơn Nam của Đinh Thị Thanh Thuỷ (luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) [233]… Khi nhà văn Sơn Nam qua đời, có rất nhiều bài viết đăng trên các báo ghi lại cuộc đời và những quan hệ, những kỷ niệm giữa nhà văn với bạn bè, đồng nghiệp, ngợi ca tác phẩm của ông. Các bài viết trên đã tái hiện rất rõ chân dung nhà văn: hồn hậu, giản dị, thanh bần, chân tình và lạc quan. 2.2. Lịch sử nghiên cứu về Bình Nguyên Lộc Bình Nguyên Lộc là nhà văn sáng tác rất sớm, từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước. Ở miền Nam trước năm 1975, tác phẩm của Bình Nguyên Lộc được trích giảng trong các sách Giảng văn ở bậc trung học phổ thông. Trên các báo và tạp chí thời gian này có một số bài phỏng vấn, bài điểm sách, bài nghiên cứu về Bình Nguyên Lộc của Nguyễn Ngu Í [96, tr.217] ghi nhận Bình Nguyên Lộc sáng tác về quê hương như để trả món nợ với vùng đất Đồng Nai; Nguyễn Hiến Lê viết bài “Điểm sách” của Bình Nguyên Lộc trên tạp chí Bách Khoa số 61, năm 1967 [113, tr.73-78]; Cô Phương Thảo (Vũ Hạnh) trên tạp chí Bách Khoa số 82, năm 1968 có 8 bài phê bình tác phẩm Ký thác của Bình Nguyên Lộc, khẳng định tình yêu quê hương và sắc thái địa phương trong tác phẩm [73]; Bàng Bá Lân trong Văn thi sĩ hiện đại (1968) cho rằng: “Bình Nguyên Lộc chính là sự tiếp nối Hồ Biểu Chánh về thể loại tiểu thuyết của miền Nam ở thế kỷ trước” [109]; Lê Phương Chi phỏng vấn Bình Nguyên Lộc (1972) nhiều vấn đề chung quanh cuộc đời nhà văn, trong đó có quan niệm về văn chương, cách viết truyện của Bình Nguyên Lộc [28]; Nguyễn Nam Anh có bài phỏng vấn “Nhà văn Bình Nguyên Lộc” đăng trên Giai phẩm Văn số 199 ra ngày 01-4-1972, trong đó khẳng định Hương gió Đồng Nai, tác phẩm đầu tay, đã được nhà văn viết với cả tấm lòng yêu thương quê hương [8]; tạp chí Thời tập số 25 ra ngày 10-10-1974 có dành riêng số đặc biệt về Bình Nguyên Lộc. Trong số này có nhiều bài viết rất có giá trị như các bài của Trần Văn Nam, Cao Huy Khanh v.v..[150]; [101]. Sau năm 1975, có một số bài viết về Bình Nguyên Lộc như của các tác giả Viễn Phương, Trang Thế Hy, Thanh Việt Thanh, Nguyễn Mẫn… Nhà thơ Viễn Phương đã gợi lại những kỷ niệm về Bình Nguyên Lộc qua bài “Thương một nhành mai” [178]; Trang Thế Hy ghi lại những kỷ niệm với Bình Nguyên Lộc và khẳng định đây là con người rất gắn bó với xứ sở quê hương (Văn nghệ Tp. HCM, số Xuân 2005); Thanh Việt Thanh đã khẳng định truyện ngắn là thể loại sở trường và thành công nhất của Bình Nguyên Lộc [203, tr.9]; Nguyễn Mẫn thì cho rằng Bình Nguyên Lộc là nhà văn của tình yêu: tình yêu quê hương, tình yêu nam nữ và tình yêu con người [134, tr.16]. Trong Nhìn lại một chặng đường văn học, Trần Hữu Tá khi viết về văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975, có nhắc đến Bình Nguyên Lộc. [197, tr.23]. Năm 2002, tác phẩm của Bình Nguyên Lộc được in lại trong Tuyển tập Bình Nguyên Lộc do Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn và giới thiệu [433]. Tiếp theo, Nguyễn Q. Thắng còn giới thiệu cuộc đời và tác phẩm của Bình Nguyên Lộc trong Văn học Việt Nam nơi miền đất mới, tập 2 [212] và trong “Bình Nguyên Lộc với Hương gió Đồng Nai” (2010) [215]. Trong Từ điển văn học (Bộ mới), tại mục từ “Bình Nguyên Lộc”, T.Khuê có giới thiệu sơ lược cuộc đời và nêu giá trị một số tác phẩm của Bình Nguyên Lộc như Nhốt gió, Rừng mắm, Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc… rồi nhận 9 định: “Trước Bình Nguyên Lộc, dường như chưa có một nhà văn Việt Nam nào viết về sự khai phá đất hoang của dân tộc Việt, về đất và nước một cách bát ngát và sâu xa đến thế.” [199, tr.133]. Năm 2004, Nguyễn Lương Hải Khôi hoàn thành luận văn Thạc sĩ: Đặc trưng văn xuôi nghệ thuật Bình Nguyên Lộc, bảo vệ tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn đã chỉ ra những nét riêng trong tác phẩm văn xuôi nghệ thuật của Bình Nguyên Lộc dưới góc nhìn thi pháp. Năm 2005, người viết luận án này cũng đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ với đề tài Văn hoá và con người Nam Bộ trong tác phẩm Bình Nguyên Lộc tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn chung, có thể thấy, đa số các bài viết, các công trình thường nhận xét khái quát về cuộc đời, nội dung tác phẩm của Sơn Nam, của Bình Nguyên Lộc chứ hầu như chưa có bài viết hay công trình nào tìm hiểu thấu đáo về văn hoá và con người Nam Bộ trong truyện ngắn của hai ông. Từ đó, có thể nói, đề tài luận án là mới mẻ, là công trình đầu tiên nghiên cứu có hệ thống và chuyên sâu về truyện ngắn của Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc từ góc nhìn văn hoá học. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án này là đặc điểm, giá trị của truyện ngắn của hai nhà văn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc về phương diện thể hiện văn hóa Nam Bộ; phân tích, lý giải, đánh giá những đặc điểm, giá trị ấy trong bối cảnh miền Nam vào những năm đầu của thế kỷ trước. Phạm vi khảo sát của luận án này là toàn bộ truyện ngắn đã được công bố và hiện còn giữ được của hai nhà văn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc. Dĩ nhiên, trong quá trình khảo sát, chúng tôi tập trung vào những tác phẩm thể hiện rõ những yếu tố văn hóa Nam Bộ, cụ thể là những tác phẩm viết về con người và thiên nhiên miền Tây và miền Đông Nam Bộ. 4. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng các hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu sau: 10 - Hướng tiếp cận văn học từ góc độ văn hóa học: Đây là hướng tiếp cận trong những năm gần đây được một số nhà nghiên cứu, phê bình Việt Nam và nước ngoài vận dụng với ý thức tự giác và cố gắng thử nghiệm một số phương pháp, thao tác mới. Nghiên cứu truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc từ hướng tiếp cận này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần khẳng định vị trí, giá trị tác phẩm của hai nhà văn từ một phương diện mới, góc độ xem xét mới có tính liên ngành. - Phương pháp thi pháp học: Luận án tìm hiểu, khảo sát thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn của Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc, qua đó, làm nổi bật không chỉ hiện thực được phản ánh mà cả quan niệm về con người và cuộc đời của hai nhà văn nói trên. - Phương pháp hệ thống: Truyện ngắn của hai nhà văn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc được xem xét như một hệ thống các yếu tố nội dung và nghệ thuật, trong quan hệ tác giả - tác phẩm - thực tại - độc giả; và đến lượt nó, hệ thống văn chương này lại trở thành một yếu tố trong văn hóa vùng, văn hóa dân tộc như những hệ thống lớn hơn, bao trùm. - Phương pháp so sánh: Để làm nổi bật đặc trưng văn hoá vùng cũng như phong cách tác giả trong nội dung cũng như hình thức nghệ thuật thể hiện của truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc, luận án áp dụng phương pháp so sánh: so sánh Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc; so sánh Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc như những nhà văn của Nam Bộ với một số nhà văn tiêu biểu gắn bó cùng đề tài văn hoá Bắc Bộ hay văn hóa Trung Bộ. - Phương pháp lịch sử - xã hội: Đặt văn học trong mối tương quan với các yếu tố xã hội và lịch sử, từ đó phân tích truyện ngắn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc trong quan hệ với văn hóa Nam Bộ. 5. Đóng góp mới của luận án 5.1. Vận dụng hướng tiếp cận văn hoá học - văn học trong nghiên cứu truyện ngắn của Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, luận án có đóng góp về văn học sử cũng như về lý luận, về phương pháp nghiên cứu. 5.2. Qua phân tích nội dung và hình thức thể hiện không gian văn hoá, thời gian văn hoá, tính cách văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam và Bình Nguyên 11 Lộc, luận án làm rõ những đặc điểm và những đóng góp của hai nhà văn đối với văn học, văn hoá Nam Bộ nói riêng; văn học, văn hóa Việt Nam nói chung. 6. Kết cấu luận án Ngoài phần Dẫn nhập và Kết luận, luận án chia thành bốn chương: Chương 1: “Những vấn đề chung”, trình bày cơ sở lý luận của đề tài và khái quát về truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc trong mối quan hệ với văn hóa Nam Bộ. Ba chương tiếp theo (Chương 2: “Truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc với không gian văn hóa Nam Bộ”, Chương 3: “Truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc với thời gian văn hóa Nam Bộ”, Chương 4: “Con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc ”) tìm hiểu sự thể hiện ba chiều kích cơ bản của văn hóa Nam Bộ (không gian văn hóa, thời gian văn hóa, chủ thể văn hóa) trong thế giới nghệ thuật (với ba phương diện cơ bản là không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật và nhân vật) của các truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc. 12 CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Cơ sở lý luận 1.1.1. Quan hệ văn học - văn hóa và hướng tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa học Trước hết, về văn học, hiện nay, có nhiều định nghĩa về văn học. Một cách vắn tắt, có thể xem văn học là một loại hình nghệ thuật, dùng ngôn từ làm phương tiện xây dựng hình tượng, phản ánh và biểu hiện cuộc sống và con người. Định nghĩa về văn hóa có phần phức tạp hơn. Các nhà nghiên cứu từng thống kê đến hơn bốn trăm định nghĩa với nội hàm, ngoại diên khác nhau về văn hóa. Cách hiểu của ông Federico Mayor, Tổng giám đốc UNESCO, được cộng đồng quốc tế chấp nhận (tại Hội nghị liên chính phủ về chính sách văn hóa họp tại Venise), ông cho rằng “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động” [Tạp chí Người đưa tin UNESCO, tháng 11 / 1989, tr 5]. Một nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam, Trần Ngọc Thêm, đã đưa ra định nghĩa: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”. Định nghĩa này chú ý tới tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân sinh và tính lịch sử của văn hóa. Như chúng ta đều biết, văn học là tiếng nói từ trái tim của con người, là sự suy nghĩ và cảm nhận của con người về cuộc sống. Hơn nữa, văn học còn thể hiện khả năng nhận thức và cách ứng xử của con người trước môi trường thiên nhiên và xã hội, trong không gian và thời gian. Còn văn hoá là sản phẩm đặc thù của con người, ra đời và tồn tại cùng với loài người. Theo nghĩa rộng, văn hoá là những giá trị mà con người tạo ra trong quá trình tác động vào tự nhiên và xã hội. Văn hoá bộc lộ ở cách thức, trình độ sinh hoạt, tổ chức, ứng xử; ở quan hệ nhiều mặt của con người với thế giới: tự nhiên, xã hội, bản thân. Văn hoá là cách sống, quy luật sống của một cộng đồng, là khả năng lựa chọn các ứng xử, các giải 13 pháp của cộng đồng trong những tình huống hệ trọng, có ý nghĩa bước ngoặt của đời sống, của lịch sử. Như vậy, có thể nói, con người sáng tạo ra văn học, thông qua văn học mà phản ánh văn hóa. Văn học là công cụ thể hiện văn hóa và ghi lại bóng dáng con người qua các thời đại. Văn học còn góp phần quan trọng trong việc bổ sung những giá trị văn hóa làm cho cuộc sống ngày càng phong phú hơn. Tác phẩm văn học có thể giúp con người nhận thức rõ hơn về cuộc sống, ý thức về cộng đồng, truyền thống lịch sử. Trong quy luật phản ánh, văn học không phản ánh toàn bộ đời sống mà phản ánh một cách có chọn lọc. Chính ở đây, văn học còn có vai trò điều chỉnh và định hướng văn hoá. Chính vì có sự tác động lẫn nhau nên quan hệ giữa văn học và văn hóa luôn vận động theo nhịp sống của thời đại; mặt khác, văn học tuy là một bộ phận trong cấu trúc tổng thể của văn hóa, nhưng nó không phải là một bộ phận thụ động, chịu sự tác động một chiều. Do đó, văn học vừa phản ánh văn hóa, vừa là một nhân tố tích cực trong hệ thống văn hóa, thúc đẩy văn hoá phát triển. Văn học, với vai trò là một nhân tố năng động của văn hóa, sẽ phản kháng những hiện tượng đi ngược lại văn hóa dân tộc để từ đó nêu một cách thức phù hợp đối với việc chọn lựa, phê phán, sáng tạo, thậm chí tiếp biến những hiện tượng văn hóa. Văn học lúc này thúc đẩy sự biến đổi của văn hóa, làm cho văn hóa chuyển động, phải nhận thức lại cho phù hợp với yêu cầu thời đại, và quan trọng nhất là phù hợp với những đòi hỏi và sự tiến bộ của con người. Từ đó cho thấy văn học và văn hóa có mối quan hệ tương tác nhiều chiều. Văn học như một bộ phận trong văn hóa tinh thần của một nền văn hóa. Văn học phản ánh văn hóa. Văn học chịu sự chi phối và ảnh hưởng của văn hóa, đồng thời văn học cũng tác động trở lại đối với việc giữ gìn, phát triển văn hóa. Văn học và văn hoá có mối quan hệ hữu cơ mật thiết, nên việc tìm hiểu văn học dưới góc nhìn văn hoá là một hướng đi cần thiết và có nhiều triển vọng bổ sung cho những cách tiếp cận xã hội học, mỹ học, thi pháp học…Những yếu tố văn hoá liên quan đến thiên nhiên, địa lý, lịch sử, phong tục, tập quán, ngôn ngữ… có thể được vận dụng để cắt nghĩa những phương diện nội dung và hình thức của tác phẩm văn học. 14 Bàn về mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, Trần Đình Sử viết: “Nội dung văn hóa trong văn học mang tính chất toàn bộ. Nó bao gồm mọi phương diện văn hóa cụ thể như chính trị, kinh tế, pháp luật, tôn giáo, thị hiếu, ẩm thực, trang phục, tập quán, cử chỉ… Đọc bất cứ tác phẩm văn học nào ta đều có thể bắt gặp vô vàn biểu hiện văn hóa trong đó.” [193, tr.9]. Văn hóa và văn học, suy cho cùng, đều phản ánh và thể hiện những góc nhìn về con người. Điều này được Lê Trí Viễn khẳng định: “Nói văn học, nói văn hoá gì, chung quy là nói con người.” [dẫn lại: 240, tr.182]. Nhà văn M. Gorki từng nói “Văn học là nhân học”. Trong bất kỳ tác phẩm văn học nào, con người vẫn là đối tượng trung tâm để nhà văn phản ánh, con người đó tồn tại trong môi trường không gian và thời gian cụ thể. Con người với tính cách là một thực thể văn hóa bao giờ cũng tồn tại trong ba mối quan hệ căn bản: quan hệ với môi trường tự nhiên, quan hệ với xã hội và quan hệ với chính bản thân mình. Giữa con người và văn hoá có mối quan hệ mật thiết với nhau, chính con người đã sáng tạo ra văn hoá; đồng thời con người lại là sản phẩm của văn hoá. Con người kế thừa những thành tựu văn hoá ở thế hệ trước, “Con người là tổng hoà của những mối quan hệ xã hội” (Mác). Con người luôn mang những giá trị văn hoá, do đó, con người cũng là đại biểu thể hiện giá trị văn hoá do chính mình sáng tạo ra. Văn học và văn hóa quan hệ chặt chẽ như vậy nên tiếp cận văn học từ góc độ văn hóa học chắc chắn là một hướng đi hứa hẹn nhiều triển vọng. Hướng nghiên cứu này được khá nhiều nhà nghiên cứu văn học trên thế giới cũng như ở nước ta vận dụng với ý thức tự giác ngày càng rõ nét. Một trong những lý thuyết nghiên cứu văn hóa sớm được các nhà nghiên cứu văn học trên thế giới quan tâm là lý thuyết Văn hóa - Lịch sử của Hippolyte Taine (1828-1893). Theo Hippolyte Taine, “Ba động lực đầu tiên” có vai trò quyết định đối với đặc điểm một nền văn hóa cũng như tính cách con người trong nền văn hóa đó, là (1) chủng tộc, (2) môi trường và (3) thời điểm. Với ba động lực này, Taine đã nhấn mạnh những điểm quan trọng về (1) chủ thể văn hóa, (2) không gian văn hóa và (3) môi trường văn hóa. 15 Trường phái Văn hóa và Nhân cách mà đại diện tiêu biểu là Ruth Fulton Benedict (1887-1948), Margaret Mead… chú ý tới kiểu thức (pattern) / cấu hình (configuration) văn hóa. Theo Benedict, “Một nền văn hóa là một kiểu thức ít nhiều bền vững và nhất quán, hòa hợp của những tư tưởng và hành động”. Quan điểm lý thuyết này có ảnh hưởng đến hướng tiếp cận bản sắc văn hóa cũng như đặc điểm tính cách con người được thể hiện trong văn học. Tiếp tục trong nỗ lực giải mã các nền văn hóa, các nhà Tân Benedict, trong đó có Clifford Geertz (1926-?), đã phát triển luận thuyết về Văn hóa với tư cách văn bản (Culture as text). Theo Geertz, có thể và cần thiết “đọc những thực hành văn hóa như những văn bản”, nhiệm vụ của nhà nghiên cứu văn hóa là cắt nghĩa những “từ vựng”, “ngữ pháp” quan trọng đặc thù của một nền văn hóa nhất định giúp hiểu bản chất của nó. Từ đây, quan điểm về Văn hóa như văn bản liên quan đến các lý thuyết Cấu trúc luận, Hậu hiện đại luận… được quan tâm và có ý nghĩa quan trọng đối với cả nghiên cứu văn hóa lẫn nghiên cứu văn học. Trên thế giới, nổi tiếng nhất trong số các nhà nghiên cứu thành công với hướng tiếp cận văn hóa học - văn học phải kể đến Ia.V. Propp (1895-1970) và M. M.Bakhtin (1895-1975). Qua hai công trình Hình thái học truyện cổ tích và Những nguồn gốc lịch sử của truyện cổ tích thần kỳ, Propp đã soi sáng cấu trúc chung của vô vàn những truyện cổ tích thần kỳ và cho thấy gốc rễ của cấu trúc này trong quan hệ với văn hóa truyền thống, cụ thể với nghi lễ thành đinh. Trong Những vấn đề thi pháp Dostoievski, Bakhtin đã lấy nguyên lý đối thoại để cắt nghĩa phương diện tổ chức ngôn từ cũng như xây dựng hệ thống nhân vật thể hiện những quan niệm về thế giới trong tác phẩm văn học. Trong Sáng tác của François Rabelais với văn hóa dân gian Trung đại và Phục hưng, Bakhtin lý giải thi pháp Rabelais trong quan hệ với lễ hội trào tiếu dân gian. Ở Việt Nam, trước 1945, Trương Tửu đã áp dụng hướng tiếp cận văn hóa khi nghiên cứu ca dao Việt Nam (Kinh Thi Việt Nam), Nguyễn Du (Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du) và Nguyễn Công Trứ (Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ)…. Cách tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hoá cũng được nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu quan tâm, ứng dụng như trong các công trình về văn học Việt Nam thời trung đại của Trần Đình 16 Hượu, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn…Trong cuốn Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Trần Đình Hượu đã chọn Nho giáo để tìm hiểu một số vấn đề của văn học trung đại. Trần Ngọc Vương tiếp tục bằng các công trình: Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, Văn học Việt Nam, dòng riêng giữa nguồn chung, Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá…, nhiều tác phẩm văn học trung đại như Truyện Kiều, Bình Ngô đại cáo… đã được Trần Nho Thìn tiếp cận từ góc độ văn hoá học. Lê Nguyên Cẩn có công trình Tiếp cận Truyện Kiều dưới góc nhìn văn hóa. Gần đây, Đỗ Lai Thuý vận dụng hướng nghiên cứu này đối với văn học trung đại và hiện đại mà tiêu biểu là Từ góc nhìn văn hoá, Hồ Xuân Hương: hoài niệm phồn thực… Sự quan tâm đến hướng nghiên cứu này, về mặt lý luận, ở Việt Nam, mới khởi sắc gần đây, có thể thấy qua những bài viết của các tác giả như Trần Đình Sử (Chuyển hướng văn hóa trong nghiên cứu văn học Trung Quốc), Nguyễn Văn Dân (Tiếp cận văn học bằng văn hóa học), Đỗ Lai Thúy (Mối quan hệ văn hóa - văn học), Trần Lê Bảo (Giải mã văn hóa trong tác phẩm văn học), Lê Nguyên Cẩn (Tính văn hóa của tác phẩm văn học), Huỳnh Như Phương (Văn học và văn hóa truyền thống), Đỗ Thị Minh Thúy (Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học), Nguyễn Văn Hiệu (Mối quan hệ giữa nghiên cứu văn học và văn hóa học), Cao Kim Lan (Văn học và ngữ cảnh văn hóa)… Trong bài “Chuyển hướng văn hóa trong nghiên cứu văn học Trung Quốc”, Trần Đình Sử đã từ kinh nghiệm nước ngoài nhận diện “những hướng nghiên cứu (văn học) mới trong tầm nhìn văn hóa” với ba định hướng chủ yếu: (1) nghiên cứu thi pháp văn hóa; (2) nghiên cứu văn học trong quan hệ với các truyền thống văn hóa, văn học trong quan hệ với chính trị, với “sinh thái tinh thần” của xã hội; (3) nghiên cứu văn học trong quan hệ với văn hóa đại chúng. Về phương pháp, đây là hướng nghiên cứu liên ngành, kết hợp các phương pháp dân tộc học (ethnography), phân tích văn bản (textual approaches), nghiên cứu tiếp nhận (recepion studies), phương pháp xã hội học… Vận dụng hướng nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa học trong đề tài luận án, chúng tôi tập trung vào hai điểm cốt lõi: (1) phân tích những phương diện văn hóa Nam Bộ đã được Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc lựa chọn phản ánh (2) lý giải nội dung, nghệ thuật thể hiện trong tác phẩm của họ bằng những yếu tố văn hóa Nam Bộ. 17 1.1.2. Văn hóa vùng và vùng văn hóa Nam Bộ Xin được bắt đầu bằng khái niệm văn hóa vùng. Trong công trình Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam, Ngô Đức Thịnh đã định nghĩa: “Văn hóa vùng là một thực thể văn hoá, hình thành và tồn tại trong một không gian lãnh thổ nhất định, thể hiện trên toàn bộ các mặt của đời sống, tuy nhiên nổi bật hơn là trong lĩnh vực ứng xử, giao tiếp, lối sống, các hoạt động văn hoá nghệ thuật, tâm lý, phong cách… của con người. Những đặc trưng văn hoá đó hình thành và định hình trong quá trình lịch sử lâu dài, do cư dân các dân tộc trong vùng thích ứng với cùng một điều kiện môi trường, có sự tương đồng về trình độ phát triển xã hội, đặc biệt là giữa họ có mối quan hệ giao lưu văn hoá mật thiết.” [227, tr.163]. Theo phân vùng của Ngô Đức Thịnh, Nam Bộ là một trong bảy vùng văn hóa của Việt Nam. Văn hóa vùng Nam Bộ hình thành và phát triển trong bối cảnh văn hóa Việt Nam từ miền đất gốc ở Bắc Bộ, Trung Bộ được lưu dân Việt mang theo trong quá trình khẩn hoang, trải qua các biến cố lịch sử và biến đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Trong bối cảnh tự nhiên cũng như quá trình chung sống, sự pha trộn với văn hoá của những tộc người khác như Chăm, Khmer, Hoa…,quá trình giao lưu tiếp biến mạnh mẽ với văn minh phương Tây và hội nhập quốc tế… đã hình thành, phát triển văn hoá Nam Bộ với những nét riêng, có nhiều khác biệt so với các vùng văn hoá khác, nhất là văn hoá truyền thống Bắc Bộ. Với tư cách là một vùng văn hoá mang tính chất như một bộ phận của nền văn hoá Việt Nam thống nhất, văn hoá Nam Bộ mang những nét chung của bản sắc văn hoá Việt Nam đồng thời mang những nét riêng của một vùng văn hóa đặc thù. 1.1.2.1. Không gian văn hoá Nam Bộ là vùng đất cuối cùng của đất nước về phía Nam, phía Tây tiếp giáp Vịnh Thái Lan, phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông, phía Bắc và Tây Bắc giáp Campuchia. Vị trí địa - văn hóa của Nam Bộ tạo cho nó có những đặc điểm riêng, thuận tiện trong việc tiếp nhận, giao thương với khu vực và thế giới. Về địa hình, Nam Bộ nằm gọn trong lưu vực của hai con sông: Đồng Nai và Cửu Long, với hai tiểu vùng (miền) chính: Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Miền Đông chủ 18 yếu là vùng đất bazan màu mỡ và đất phù sa cổ, thoát nước tốt, thuận lợi cho việc trồng cây công nghiệp trong khi miền Tây với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt thuận lợi cho việc trồng lúa nước, khai thác thủy hải sản. Về khí hậu, Nam Bộ có hai mùa rõ rệt: mùa nắng và mùa mưa. Miền Tây Nam Bộ còn có thêm mùa nước nổi, kéo dài từ ba đến bốn tháng, bắt đầu từ tháng chín. Mùa nước nổi tuy có những khó khăn nhưng đồng thời cũng đem đến cho người dân nơi đây nhiều nguồn lợi như tôm cá, phù sa và nguồn nước tưới mát cho những cánh đồng mênh mông mỗi năm. Điều kiện tự nhiên vừa ưu đãi vừa có những thách thức nói trên đã góp phần quan trọng tạo nên cách ứng xử hòa hợp với tự nhiên của người Nam Bộ. 1.1.2.2. Chủ thể văn hoá Nam Bộ là vùng đa văn hóa nhất nước. Ở vùng đất này, người Việt cộng cư cùng với những tộc người khác như Chăm, Khmer, Hoa, Mạ, Stiêng, Chơro, Mơnông… tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng với cấu trúc chủ thể đa tộc người, trong đó người Việt chiếm đa số. Từ xưa đến nay, các dân tộc trên vùng đất Nam Bộ cùng nhau chung sống hoà bình, tôn trọng nhau và quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc diễn ra liên tục, không ngừng làm giàu thêm những sắc thái phong phú cho mỗi nền văn hóa… 1.1.2.3. Thời gian văn hoá Thời gian văn hóa Nam Bộ có thể được chia làm ba giai đoạn: (1) Giai đoạn trước khi người Việt đến khai hoang – từ trước thế kỷ XVII, (2) Giai đoạn khẩn hoang – từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, (3) Giai đoạn tiếp xúc với Phương Tây và hội nhập quốc tế - từ thế kỷ XIX đến nay. Thứ nhất là giai đoạn trước khi người Việt đến khai hoang. Trên miền đất là Nam Bộ ngày nay đã có dấu tích của những nền văn hóa cổ phát triển (Óc Eo). Thứ hai là giai đoạn khẩn hoang. Khoảng cuối thế kỷ XVII, đã có những người Việt đầu tiên tới khai phá vùng đất phương Nam. Người Việt tiến về phương Nam chính là do sự thôi thúc tất yếu của lịch sử. Nước ta phía Đông giáp biển, phía Bắc giáp Trung Quốc, một đất nước rộng lớn, phía Tây gặp rừng núi đầy hiểm trở. Để phát triển, chỉ còn 19 lại phía Nam với đất đai bằng phẳng, khí hậu ôn hoà, chưa được khai phá nhiều nên những lưu dân thuở trước đã từng bước tiến về phương Nam, chinh phục vùng đất này. Qua nhiều đợt, người Việt từ miền Bắc và miền Trung với di dân cá nhân lẻ tẻ hoặc do nhà nước tổ chức, đã tiến về phương Nam lập nghiệp. Họ mang theo trong hành trang truyền thống văn hóa của miền đất gốc nhưng mặt khác cũng sẵn sàng chấp nhận thay đổi, sáng tạo để phù hợp với miền đất mới. Để lại và quên đi những lầm than và áp bức ở vùng đất cũ, những lưu dân đi mở cõi dễ dàng đồng cảm với nhau, không câu nệ và coi những người cùng hoàn cảnh là anh em, coi vùng đất Nam Bộ là quê hương mới. Đất Nam Bộ mênh mông đã trở thành nơi dung chứa cho những thân phận ly hương. Lưu dân người Việt cùng với người Chăm, người Khmer, người Hoa …nối tiếp nhau chung tay khai khẩn, đào kinh, canh tác, định cư, buôn bán… dần dần biến vùng đất hoang vu này thành những vùng nông nghiệp trù phú và những đô thị sầm uất. Trong bối cảnh đó, văn hoá Nam Bộ được hình thành như một sự dung hợp mà cốt lõi là văn hoá Việt với những yếu tố tiếp biến từ văn hoá Chăm, Khmer, Hoa... và cả phương Tây sau này. Nam tiến là một cuộc chinh phục lâu dài, đầy cam go và thử thách. Nơi đây chính là miền “đất hứa” với tự do, hạnh phúc và tình người nở hoa. Đánh giá về ý nghĩa to lớn của công cuộc khai phá Nam Bộ đối với sự phát triển của Việt Nam, nhà văn Nguyên Ngọc đã viết: “Bằng cuộc đi dài dũng cảm đó của cha ông, Tổ quốc ta đã được nhân lên gấp đôi về lãnh thổ. Và chắc hẳn không chỉ là về lãnh thổ. Chính trong cuộc đi dài này, văn hoá Việt Nam đã phát triển bằng biến động và hấp thụ hết sức phong phú, để vừa là chính nó, thậm chí chính nó sâu sắc hơn, vừa trở nên đa dạng, giàu có hơn rất nhiều, mở rộng hy vọng cho tương lai.[155, 7]. Li Tana, Giáo sư Đại học Quốc gia Australia, viết: “Đàng Trong trở thành đầu tàu thay đổi mang tính lịch sử, và kéo trọng tâm quốc gia - dù là được nhìn theo nghĩa chính trị, kinh tế hay thậm chí văn hoá - về hướng Nam từ thế kỷ XVII cho đến khi người Pháp áp đặt sự cai trị.” [196, tr.179]. Thứ ba là giai đoạn tiếp xúc với Phương Tây và hội nhập quốc tế. Văn hóa phương Tây đã đến với Nam Bộ sớm nhất, trực tiếp nhất, mạnh mẽ nhất so với cả nước, nó gắn với cuộc xâm lăng của hai thế lực thực dân, đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Nam Bộ 20 kiên cường trong kháng chiến cũng là Nam Bộ đi đầu trong tiếp thu ảnh hưởng văn minh phương Tây, đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày nay, Nam Bộ vẫn là nơi năng động nhất nước trong việc hội nhập toàn cầu. Về thời gian văn hóa, như vậy, Nam Bộ vừa có bề dày trong diễn trình lịch sử của văn hóa Việt Nam, lại là vùng đất giàu sức trẻ của cả các tộc người ở đây. Nam Bộ là vùng văn hóa linh hoạt, năng động, hiện đại hóa mạnh nhất nước. Những đóng góp của Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc đối với văn học Nam Bộ nói riêng, văn học Việt Nam nói chung chính là sự thể hiện một cách nghệ thuật những đặc trưng văn hóa vùng qua không gian, thời gian và chủ thể văn hóa. 1.2. Nhà văn Sơn Nam với văn hóa Nam Bộ 1.2.1. Cuộc đời của Sơn Nam Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài (theo khai sinh là Phạm Minh Tày, do nhân viên ký lục ghi sai), sinh ngày 11-12-1926, tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, mất ngày 18-8-2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở Rạch Giá, sau đó học trung học tại trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ. Năm 1945, tốt nghiệp Thành chung, Sơn Nam về lại Rạch Giá với ý định tìm một chân thư ký thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Sau đó, Sơn Nam gia nhập Thanh niên Tiền phong, một tổ chức cách mạng, tham gia cướp chính quyền ở địa phương, rồi xếp bút nghiên, mang nóp với giáo ra bưng biền trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Ban đầu, Sơn Nam làm Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Rạch Giá, rồi được điều về công tác ở Hội Văn hóa Cứu quốc tỉnh, sau về công tác tại phòng Chính trị Quân khu 9. Năm 1950, ông chuyển qua làm cán bộ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Kỳ. Chính cuộc sống chiến đấu gian khổ, ác liệt ở rừng U Minh và vùng tứ giác Long Xuyên là nguồn tư liệu sống cho các trang viết của Sơn Nam sau này. Chín năm kháng chiến ở bưng biền, nhà văn Sơn Nam có dịp tìm hiểu về thiên nhiên, lịch sử và đời sống con người vùng châu thổ sông Cửu Long, hiểu được tính khẳng khái, ngoan cường đấu tranh cho sự sinh tồn của con người ở vùng đất mới. Lúc này, ông viết nhiều trên báo Tiếng súng kháng địch và tạp chí Lá lúa - một tạp chí văn nghệ thời chống Pháp.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan