Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Luyện thi Đại học - Cao đẳng Khối C Môn văn Trao đổi về những bản dịch thơ bốn bài thơ chữ Hán - Nguyễn Du trong Văn 10...

Tài liệu Trao đổi về những bản dịch thơ bốn bài thơ chữ Hán - Nguyễn Du trong Văn 10

.DOC
5
360
124

Mô tả:

Thơ chữ Hán - Nguyễn Du trong Văn 10 có 4 bài. Độc Tiểu Thanh ký được qui định là bài học. Các bài: Sở kiến hành, Phản chiêu hồn, Long Thành cầm giả ca là những bài đọc thêm. Độc Tiểu Thanh ký và Phản chiêu hồn có in đủ các phần phiên âm Hán- Việt, dịch nghĩa, dịch thơ. Hai bài còn lại, chỉ có phần dịch thơ. Những bản dịch thơ chữ Hán - Nguyễn Du trong Văn 10 đều rút ra từ tập THƠ CHỮ HÁN - NGUYỄN DU (Nxb. Văn học, 1965). Xin tạm gọi những bản dịch thơ này là bản dịch Sách giáo khoa (SGK). Khi đọc lại những bản dịch SGK, tôi có một số băn khoăn nên đã viết bài Trao đổi thêm về những bản dịch thơ chữ Hán- Nguyễn Du trong Văn 10 in trên Tạp chí Trung học phổ thông số 18 (1997), sau đó lại được in một cách đầy đủ hơn trên báo Giáo dục và thời đại số 38 (1998).
Trao đổi về những bản dịch thơ bốn bài thơ chữ Hán - Nguyễn Du trong Văn 10 Thơ chữ Hán - Nguyễn Du trong Văn 10 có 4 bài. Độc Tiểu Thanh ký được qui định là bài học. Các bài: Sở kiến hành, Phản chiêu hồn, Long Thành cầm giả ca là những bài đọc thêm. Độc Tiểu Thanh ký và Phản chiêu hồn có in đủ các phần phiên âm Hán- Việt, dịch nghĩa, dịch thơ. Hai bài còn lại, chỉ có phần dịch thơ. Những bản dịch thơ chữ Hán - Nguyễn Du trong Văn 10 đều rút ra từ tập THƠ CHỮ HÁN - NGUYỄN DU (Nxb. Văn học, 1965). Xin tạm gọi những bản dịch thơ này là bản dịch Sách giáo khoa (SGK). Khi đọc lại những bản dịch SGK, tôi có một số băn khoăn nên đã viết bài Trao đổi thêm về những bản dịch thơ chữ Hán- Nguyễn Du trong Văn 10 in trên Tạp chí Trung học phổ thông số 18 (1997), sau đó lại được in một cách đầy đủ hơn trên báo Giáo dục và thời đại số 38 (1998). Nay nhân trong tay có thêm tập sách 192 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du - Nxb. Văn Hoá Thông Tin - 1996 - tạm viết tắt là tập “192 BT” của dịch giả Bùi Hạnh Cẩn, tôi xin được thuật đôi ý của bài trước, có mấy lời bàn thêm và trình bày kiến giải riêng của mình. . Trước hết là bài SỞ KIẾN HÀNH Câu “Y quần hà khuông nhương”, Nguyễn Du viết mô tả quần áo của bốn mẹ con người ăn mày. Bản dịch SGK là “Quần áo vẻ co rúm”. “Khuông nhương” là rách rưới, dịch “co rúm” không chính xác. Nhiều bộ quần áo mới tinh, may không khéo cũng bị “co rúm”. Bản “1992 BT´dịch chính xác hơn “Quần áo như giẻ bươm”. Hai câu thơ “Kỳ thống tại tâm đầu- Thiên nhật giai vị hoang”. Ý: Lòng đau xót vô cùng. Vòm trời cũng héo úa. Nguyễn Du viết nỗi đau này đã rung động đến cả trời mây. Bản SGK dịch: “Nỗi đau như xé long- Trời cao có thấu nỗi”. Nghĩa là, không biết trời có thấu không ? Trái với ý chủ đạo của nguyên tác, kiểu “Tiếng oan dậy đất, án ngờ loà mây Kiều”. Bản “1992 BT” dịch sát, ý sâu: Nỗi đau xé gan ruột Trời xanh cũng úa vàng. Hai câu “Bất khí vô cố tích- Lân cẩu yếm cao lương”. Ý: Thức ăn thừa đổ bỏ đi không hề tiếc. Chó hàng xóm cũng chán thức ăn ngon. Bản SGK dịch “Thức ăn thừa đổ đi - Quanh xóm no đàn chó”. Dịch như vậy, bỏ mất ý hay của “yếm cao lương”, đến chó hàng xóm cũng chán cao lương mĩ vị, đâu phải chúng chỉ ăn no. Bản “192BT”, dịch sát hơn: Quẳng ném không tiếc rẻ Chó xóm chán mỡ màng. Bản dịch thơ Sở Kiến hành trong 92 BT” sát thể thơ, sát ý, có nhiều ưu điểm. Riêng câu “Nhất án bất đắc thực”, dịch là “Trời trưa chẳng có bữa”. Có lẽ do lỗi in. Phải là “Trời mưa chẳng có bữa”. Câu “Mãn trác trần trư dương”, chẳng nên dịch là “Lợn dê bày khắp bàn”, có lẽ nên dịch “Thịt lợn dê đầy bàn”. Bản dịch thơ Sở kiến hành của dịch giả Bùi Hạnh Cẩn, nếu sửa đôi chữ, có thể chọn đưa vào SGK Văn 10, thay cho bản dịch cũ. . Bài thứ hai, LONG THÀNH CẦM GIẢ CA Câu thơ nguyên tác “Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm”. Chuyện xưa: Trang Tích ốm, Sở Vương hỏi mọi người: “Tích là kẻ tầm thường ở đất Việt, nay làm quan ở nước Sở, được phú quý rồi thì còn nhớ nước Việt nữa không?” Viên ngự thi đáp: “Phàm người ta có nhớ nước cũ hay không thường tỏ ra trong lúc ốm đau. Nếu lúc này ông ta nói tiếng Việt thì tức là nhớ Việt, bằng không thì nói tiếng Sở”. Sở Vương sai người lén nghe thì thấy Trang Tích nói tiếng Việt. Từ điển tích ấy mà Nguyễn Du viết “Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm”. Khi buồn đau, người ta ngâm nga những bài ca của cố hương, theo tiếng của cố hương. Bản SGK dịch “Buồn như tiếng Việt, Trang nằm đau rên”. Rên là tiếng phát khẽ, biểu lộ trong lúc đau ốm. Rên ra thành tiếng Việt, cũng được, nhưng mất chất thơ. Bản “192 BT” dịch “Buồn như tiếng Việt cơn mê thuở nào”. Xem ra, sát với ý của điển tích mà không sát với ý của nguyên tác. Đến câu “Nê thổ kim tièn thù thảo”. Người đẹp hát, bọn vương hầu tỏ ra hào phóng, coi tiền bạc như đất bùn, ném thưởng ào ào. Bản SGK dịch “Tiền như bùn ước lược qua qua”. Sao tiền đã coi như bùn đất mà trước khi ném thưởng cho người đẹp còn ước lược? “Bản 192 BT” dịch sát hơn: Tả rồi hữu tranh giành gieo thưởng Bạc vàng coi rẻ rúng đất bùn. Bản “192 BT” có những câu dịch thơ, gượng gạo. Ví dụ: Chiếu cuối một người hoa râm tóc Mặt võ vàng mệt nhọc gày gò. Nhân đây, tôi xin mạnh dạn, trình bày bản dịch của mình: BÀI CA NGƯỜI GẢY ĐÀN ĐẤT LONG THÀNH Long thành người đẹp từng quen, Đã lâu nào có nhớ tên họ gì. Nguyệt cầm nổi tiếng đương thì, Trong thành quen gọi ca nhi: Cồ Cầm. “Cung phụng” xưa học khúc đàn, Khúc đàn hay, cả thế gian khôn bì. Thiếu thời, từng gặp say mê, Bên hồ Giám, yến tiệc khuya năm nào. Nàng chừng ba bảy trẻ sao, Áo hồng, ánh mặt hoa đào hồng thêm. Ngấm men má đỏ hồn nhiên, Ngón tay buông bắt diệu huyền năm cung. Tiếng khoan như gió rừng thông, Tiếng trong, đôi hạc vọng cùng xa xăm. Mạnh như Tiến Phúc sét gầm, Buồn như Tích ốm điệu ngâm quê nhà. Nghe mê mải nhớ thiết tha, Nhạc xưa Đại nội Trung Hoà khôn quên. Tây Sơn quan khách ngả nghiêng, Mảng vui những muốn nối thêm canh trường. Bốn bề gieo thưởng tranh hơn, Bạc tiền coi rẻ như bùn, ném ra. Vương hầu thua vẻ hào hoa, Kể gì trai trẻ mấy toà Ngũ Lăng. Tưởng như ba sáu cung xuân, Đúc nên vật báu Trường An rỡ ràng. Tiệc xưa đã hai mươi năm, Tây Sơn bại, ta trời nam gửi mình. Tấc gang chẳng thấy bóng thành, Huống chi dự những tiệc quỳnh múa ca. Nặng tình Tuyên phủ tiễn ta, Tiệc vui ca kỹ những là trẻ măng. Chợt cuối phòng mái hoa râm, Mặt vàng mình võ âm thầm xót xa. Nét mày nếp áo phôi pha, Ai hay đệ nhất tài hoa một thời? Khúc xưa nghe lệ thầm rơi, Lắng tai, dạ những bùi ngùi gần xa. Chốc mòng hai chục năm qua, Tiệc bên hồ Giám la đà… còn đây… Thành quách khác, người đổi thay, Nương dâu xưa hóa biển đầy, mù khơi. Nghiệp Tây sơn đã mất rồi, Riêng làng ca vũ một người còn kia. Trăm năm như bóng chớp loè, Thương nàng vạt áo này chia lệ sầu. Nam ra, mình trắng mái đầu, Trách chi người đẹp xanh xao, héo tàn. Trừng trừng đôi mắt mơ màng Quen mà như lạ lại càng thêm thương… . Bài PHẢN CHIÊU HỒN, bản SGK dịch tên bài là “Chống lại bài chiêu hồn”. Bản “192 BT” dịch “Bác lại bài phú chiêu hồn”. Đọc kỹ nội dung bài thơ, thì không hẳn là chống “bài”, chỉ có bác đi cái việc chiêu hồn thôi. Bời vậy chỉ nên dịch “Bác lại chiêu hồn”. Hai câu: Thướng thiên hạ địa giai bất khả Yên Dĩnh thành trung lai hà vi Bản SGK dịch: Lên trời xuống đất hết đường Mà thành Yên, Dĩnh chớ mường để chân. Để vần với “đường” ở câu 6, sang câu 8, dịch giả phải dùng chữ “mường”, chính ra là “màng” chăng ? Câu “Chỉ hữu sấu tích vô sung phì”, Bản SGK dịch: “Gày còm xơ xác không còn thịt da”. Gày còm đến mức, không còn thịt, không còn cả da thì quả là đáng sợ. Bản “192 BT” dịch: “Chỉ có gầy guộc không mập phì”. Câu “Tảo liễm tinh thần phản thái cực”, Bản SGK dịch: “Chi bằng sớm liệu chầu trời. Khuất Nguyên đã mất, đã “chiêu hồn”, sao khuyên ông “chầu trời” lần nữa. Mặt khác hai tiếng “chầu trời” trong tiếng Việt còn có ý châm biếm (Bao giờ ông lão chầu trời - Ca dao). Bản “192 BT” dịch: “Sớm thu tinh thần về thái cực”. Riêng câu “Giảo tước nhân nhục cam như di”. Bản “192 BT” dịch: “Cắn xé thịt người ngon mía de”. Có lẽ dùng từ “de” để cho có vần. DI là loại kẹo mạch nha, ngọt sắc. Ngọt (cam) không phải là ngon. Còn ngọt như mía de thì cũng là lạ. Mía de là loại mía nhỏ - Từ điển Tiếng Việt. Từ điển chú nghĩa như thế cũng chưa thoả đáng. Bây giờ vùng tôi có nhiều loại mía nhỏ nhưng không thấy còn mía de. Xưa, cách đây chỉ chừng 50 năm, ven sông Hồng, sông Đuống có nhiều bãi mía de. Loại mía gầy như những thân sậy, nhiều chỗ mọc hoang như cỏ. Cây mía de to cũng chỉ bằng ngón tay út. Thứ mía những bà mẹ nghèo chợ về mua làm quà cho trẻ nhỏ. Mía de, người lớn có ai ăn? Nói đến bọn Cao, Quỳ mà dịch “Cắn xé thịt người ngon mía de” là khiên cưỡng. Câu “Ngư Long bất thực sài hổ thực”. Bản “192BT” dịch: “Cá rồng không ăn hùm beo cắn”. Long,nhiều Từ điển chú nghĩa là “rồng”, và cũng ghi rõ: “Rồng” là một trong tứ linh, thường làm mây mưa lợi cho muôn vật. Có Từ điển còn giải thích kỹ hơn: “Rồng, động vật tượng trưng theo truyền thuyết, coi là cao quý nhất trong loài vật. Rồng, còn được chỉ cơ thể, hoặc đồ dùng của vua: Mặt rồng, mình rồng, sân rồng… “Ngư Long” nếu dịch là “cá rồng”, không sát với ngôn ngữ Việt. Dịch “ngư long” là “cá rồng” có thể để người ta hiểu là cá và rồng, cũng như phần cuối của câu “sài và hổ” là chó sói và hổ. “Ngư long” là loại thú ở dưới nước ăn thịt người. Phải chăng trong truyền thuyết ta, có một từ nữa chỉ “ngư long”, đó là thuồng luồng? Và “Thực” cũng chẳng nên dịch là cắn. Cắn và ăn thịt khác xa nhau về mức độ nguy hiểm. Từ sự học hỏi, kế thừa, tôi xin trình bày bản dịch “Phản chiêu hồn” của mình: BÁC LẠI CHIÊU HỒN Hồn ơi ! Có về ? Hồn ơi ! Đông Tây Nam Bắc đâu nơi tựa hồn ? Lên trời xuống đất không đường, Dĩnh, Yên đất cũ sao nương được mà. Thành xưa dân đã khác xa, Bụi trần mù mịt lượt là cũng nhơ. Đứa xe ngựa, kẻ ngất ngư Tựa Cao, Quỳ cũng say sưa luận bình. Lộ đâu nọc độc, vuốt nanh, Mà nhai xương thịt dân lành ngọt không. Hồ Nam trăm xứ kìa trông, Đâu béo tốt? chỉ gày nhom, võ vàng. Con đường xưa của Tam Hoàng, Hợp thời đâu nữa, đừng màng, hồn ơi! Thái hư, hồn lánh xa thôi, Đừng trở lại, kẻo miệng cười thế gian. Ai ai giờ cũng Thượng Quan, Khăp nơi sông suối đã toàn Mịch La. Chẳng thuồng luồng hùm sói tha Hồn ơi, hồn hỡi, biết là làm sao? . Bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ, là bài thơ chữ Hán - Nguyễn Du duy nhất có tiết dạy trên lớp. Trong thơ chữ Hán, thất ngôn bát cú, luật Đường, thường khó dịch nhất là hai câu: “thực”, “luận”. Trong bài này: Chi phấn hữu thần liên tử hậu, Văn chương vô mệnh lụy phần dư. Cổ kim hận sự thiên nan vấn, Phong vận kỳ oan ngã tự cư. Bản SGK dịch: Son phấn có thần chôn vẫn hận Văn chương không mệnh đốt còn vương. Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi, Cái án văn chương khách tự mang. “Son phấn” chỉ người đẹp, mà dịch “chôn” người đẹp nghe chưa ổn. Tử là chết, ngôn ngữ ta có nhiều cách diễn đạt. Trong Truyện Kiều, khi diễn tả người đẹp mất, Nguyễn Du viết: Kiếp hồng nhan có mong manh, Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương. Thuyền tình vừa ghé đến nơi, Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ! Vậy khi gặp cảnh “tử” của khách “son phấn”, ta dịch sao đây ? “Liên tử hậu”- mất còn thương xót, sao liên dịch là “hận” Chỉ cách một câu thơ, đến câu thứ 5 trong bài có chữ hận “Cổ kim hận sự”, dịch giả đành chuyển hận thành hờn. Thành ra trong bài thơ dịch, câu 3 và câu 5 cùng có ý “hận”- trùng lặp. Một khía cạnh khác. “Phong vận” và “phong lưu” trong từ Hán đều rút ra từ thành ngữ “Lưu phong dư vận”, có thể hiểu “phong lưu” đồng nghĩa với “phong vận”. Còn trong tiếng Việt, “phong lưu” có nghĩa đầy đủ, giàu có (Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu Ca dao). Người Việt có ai hiểu “phong lưu” là phong cách phong thái, bản lĩnh của khách văn chương? Thành ra câu thơ dịch “Cái án phong lưu khách tự mang” không đạt ý. Bản “192BT”, dịch: Son phấn có thần đau truyện khuất, Văn chương không mệnh nửa thành tro. Xưa nay việc hận trời khôn hỏi, Cũng hội kỳ oan có cả ta. Những câu “thực”, “luận” trong nguyên tác, theo luật đối từ, đối thanh chu chỉnh. Bản dịch “192BT” không giữ được luật đối, mất đi cái hay của thơ luật Đường. Khác với nhiều bản dịch khác, dịch giả Bùi Hạnh Cẩn rất kỹ, tinh tế trong câu chữ, còn bản dịch này dễ dãi, chưa vượt được bản dịch cũ. Bài Độc tiểu thanh ký rất khó dịch, trong khi chờ đợi có một bản dịch mới hơn, chúng ta có thể dùng bản dịch SGK (của Vũ Tam Tập); để khắc phục những nhược điểm, xin mạo muội sửa đi đôi chút được chăng ? Ví dụ: ĐỌC TẬP TIỂU THANH KÝ Hồ Tây vườn cảnh hoá gò hoang, Thổn thức bên song mảnh giấy tàn. Son phấn có thần lìa thêm xót, Văn chương không mệnh đốt còn vương. Giận hờn kim cổ trời khôn hỏi, Oan khuất tài hoa khách tự mang. Chẳng biết ba trăm năm sau nữa, Người đời ai khóc Tổ Như chăng ? Xuất phát từ nguyện vọng muốn giữ sự chân xác trong dịch thuật, từ yêu cầu nâng cao chất lượng sách giáo khoa, giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt, tôi mạnh dạn trình bày đôi điều băn khoăn của mình. Mong muốn được chỉ giáo thêm…
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan