Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tóm tắt luận văn thạc sĩ hạn chế rủi ro tín dụng tại ngân hàng tmcp việt nam thị...

Tài liệu Tóm tắt luận văn thạc sĩ hạn chế rủi ro tín dụng tại ngân hàng tmcp việt nam thịnh vượng (vpbank)

.DOC
20
244
142

Mô tả:

TÓM TẮT LUẬN VĂN MỞ ĐẦU Hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững là mục tiêu của tất cả các tổ chức kinh tế trong đó có các NHTM. Để đạt được mục tiêu này, các NHTM phải quản trị tốt các danh mục rủi ro trong hoạt động đặc biệt là quản trị RRTD. Hiệu quả của hệ thống quản trị rủi ro tín dụng tại mỗi ngân hàng thể hiện ở việc kiểm soát được tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu ở mức hợp lý. Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tỷ lệ nợ xấu năm 2011 là 1,82%/năm tăng 52% so với năm 2010 (1,2%). Với tỷ lệ tăng khá cao như trên mà không được kiểm soát lại thì kế hoạch duy trì nợ xấu của Ngân hàng dưới mức 3%/năm theo Nghị quyết số 01/2012/NQ-ĐHĐCĐ-VPBank ngày 24/04/2012 của Đại hội đồng cổ đông thường niên VPBank rất khó thực hiện được. Là một người đang làm công tác quản lý tín dụng tại VPBank, xuất phát từ thực tế trên, tác giả đã chọn đề tài “Hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)” để làm luận văn. Mục đích nghiên cứu của luận văn: Hệ thống hóa lý luận RRTD, nội dung và sự cần thiết của hạn chế RRTD trong hoạt động của các NHTM; Phân tích thực trạng hạn chế RRTD của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), từ đó đề xuất một số giải pháp và kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác hạn chế RRTD của VPBank Để tiến hành nghiên cứu và phân tích, tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu: phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp quy nạp, phương pháp diễn dịch, phương pháp logic. Nội dung của luận văn được kết cấu thành 3 chương như sau: CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ‎ LUẬN VỀ HẠN CHẾ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Trong chương này, tác giả đề cập tới vấn đề mang tính lý luận cơ bản về tín dụng, rủi ro tín dụng và hạn chế rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng thương mại. 1.1. Tổng quan về tín dụng ngân hàng Tín dụng là sự chuyển nhượng tạm thời một lượng giá trị từ người sở hữu này sang người sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, khi đến hạn người sử dụng phải hoàn trả một lượng giá trị lớn hơn giá trị ban đầu. Tín dụng ngân hàng có những đặc điểm cơ bản như sau: Thứ nhất, tín dụng ngân hàng dựa trên cơ sở lòng tin; Thứ hai, tín dụng là sự chuyển nhượng một tài sản có thời hạn; Thứ ba, tín dụng phải trên nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi; Thứ tư, tín dụng là hoạt động tiềm ẩn rủi ro cao cho ngân hàng; Thứ năm, tín dụng phải trên cơ sở cam kết hoàn trả vô điều kiện. Từ những đặc điểm trên cho thấy tín dụng là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể gây ra thất thoát vốn của ngân hàng vì vậy mà các ngân hàng thương mại phải xây dựng quy trình quản trị RRTD thích hợp. 1.2. Rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh NHTM RRTD được giải thích là khả năng xảy ra tổn thất mà ngân hàng phải chịu do bên vay trong một giao dịch không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo thời hạn và điều kiện của hợp đồng làm cho người cho vay phải gánh chịu tổn thất tài chính. RRTD xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, việc phân tích và tìm ra các nguyên nhân dẫn đến RRTD là một công việc hết sức quan trọng trong quản lý rủi ro, từ đó NHTM có thể đưa ra những biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời, giảm thiệt hại. Có 3 nhóm nguyên nhân cơ bản gây nên RRTD: Nhóm nguyên nhân từ phía NHTM; Nhóm nguyên nhân từ phía khách hàng; Nhóm nguyên nhân khách quan khác Khi RRTD xảy ra sẽ gây hậu quả nghiêm trọng: Đối với bản thân NHTM: RRTD xảy ra sẽ làm giảm thu nhập và lợi nhuận; làm giảm khả năng thanh khoản; giảm uy tín, giảm năng lực cạnh tranh của NHTM trên thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu của NHTM; RRTD ở mức quá cao, không kiểm soát được thể hiện tỷ lệ nợ gốc và lãi đã cho vay không thu hồi được quá lớn, NHTM bị lỗ và mất vốn dẫn đến phá sản. Đối với nền kinh tế: Khi một NHTM gặp phải RRTD dẫn đến bị phá sản sẽ làm quyền lợi của người gửi tiền không được bảo đảm; tạo ra sự nghi ngờ của những người gửi tiền về sự ổn định và khả năng thanh toán của cả hệ thống NHTM, gây tác động xấu đến tình hình tài chính của NHTM khác, kéo theo phản ứng dây chuyền và phá vỡ tính ổn định của thị trường tài chính, nền kinh tế bị rối loạn và mất ổn định. Từ những hậu quả nghiêm trọng mà rủi ro tín dụng có thể gây ra cho bản thân mỗi ngân hàng, cho hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế đặt ra yêu cầu cấp thiết là mỗi ngân hàng phải xây dựng một quy trình hạn chế rủi ro tín dụng hợp lý, khoa học, hiệu quả. 1.3. Hạn chế rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh NHTM Hạn chế rủi ro tín dụng là việc NHTM sử dụng các biện pháp, công cụ thông qua đó giảm thiểu mức độ RRTD và hậu quả của RRTD. Quy trình hạn chế RRTD bao gồm: Nhận diện RRTD; Đo lường RRTD; Hạn chế RRTD và Xử lý RRTD. Nhận diện RRTD: là khâu đầu tiên và quan trọng trong công tác hạn chế rủi ro tín dụng. Có thể chia các dấu hiệu liên quan đến rủi ro tín dụng thành 02 nhóm: Nhóm dấu hiệu phát sinh rủi ro từ phía khách hàng (khách hàng chậm thanh toán nợ gốc, lãi; khách hàng dùng vốn vay ngắn hạn để tài trợ dài hạn; đổi thường xuyên cơ cấu của hệ thống quản trị, ban điều hành …) và Nhóm dấu hiệu xuất phát từ chính sách tín dụng của ngân hàng (sự đánh giá và phân loại không chính xác về mức độ rủi ro của khách hàng; Chính sách tín dụng quá cứng nhắc hoặc lỏng lẻo để kẽ hở cho khách hàng lợi dụng…). Nhận diện chính xác và kịp thời RRTD là cơ sở để đưa ra những biện pháp tối ưu giúp ngăn ngừa và xử lý có hiệu quả các khoản tín dụng có rủi ro. Đo lường RRTD là đo lường mức độ thiệt hại thực tế hoặc tiềm năng do RRTD gây ra cho ngân hàng. Một trong những mô hình hiện đại nhất để ước tính tổn thất tín dụng là dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu đánh giá nội bộ -IRB (Internal Ratings Based approach). Ngoài ra, các NHTM cũng thường sử dụng các chỉ tiêu sau để đo lường RRTD như: Tổng số nợ quá hạn; Tỷ lệ nợ quá hạn; Tổng số nợ xấu; Tỷ lệ nợ xấu; Mức độ đảm bảo RRTD; Tỷ lệ nợ được xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro; Mức độ tổn thất tín dụng… Hạn chế RRTD: Để hạn chế RRTD, các ngân hàng phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, ngăn ngừa rủi ro tín dụng xảy ra bằng các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng, tiến hành thu hồi sớm đối với các khoản nợ có dấu hiệu chuyển nợ xấu để bảo toàn vốn Xử lý RRTD: là khâu cuối cùng trong quy trình hạn chế RRTD. Để xử lý các RRTD đã xảy ra, ngân hàng thương mại cần có những biện pháp đảm bảo thu hồi được vốn với tỷ lệ cao nhất, các biện pháp đó bao gồm: Xử lý trực tiếp (ngân hàng thành lập công ty, phòng, ban quản lý, xử lý nợ có vấn đề, nợ xấu; Xử lý tài sản bảo đảm…); Xử lý gián tiếp (mua bán nợ, chứng khoán hóa các khoản nợ). Trong luận văn, tác giả cũng đã tìm hiểu, phân tích một số kinh nghiệm hạn chế RRTD của các ngân hàng trên thế giới để rút ra bài học cho các ngân hàng của Việt Nam nói chung và VPBank nói riêng. CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HẠN CHẾ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG (VPBANK) Trong chương này, tác giả phân tích thực trạng công tác hạn chế RRTD tại VPBank, chỉ ra những thành tựu mà VPBank đã đạt được và cần phát huy trong thời gian tới, tìm ra nguyên nhân của những vấn đề còn tồn tại làm cơ sở đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác hạn chế RRTD tại VPBank. 2.1. Giới thiệu về VPBank Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (tên giao dịch là VPBank) tiền thân là Ngân hàng TMCP Các Doanh nghiệp Ngoài Quốc Doanh Việt Nam được thành lập năm 1993. Qua 19 năm hoạt động, VPBank đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến cuối năm 2011, tổng tài sản của VPBank đạt 82.818 tỷ đồng, vốn điều lệ nâng lên thành 5.050 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 5.996 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt 71.059 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 29.184 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.064 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,82%, tổng số điểm giao dịch là 199 điểm trong đó có 1 Sở giao dịch, 2 công ty con, 44 chi nhánh và 154 Phòng giao dịch tại các tỉnh thành phố trên cả nước. Mặc dù mức tăng trưởng của VPBank thời gian qua là khá cao nhưng các chỉ tiêu an toàn vốn của VPBank vẫn vượt mức yêu cầu của NHNN: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) là 11,94%, tỷ lệ khả năng chi trả ngay là 20,83%. Tất cả những kết quả này cho thấy, VPBank xứng đáng được NHNN đánh giá xếp hạng nhóm A, có tình hình hoạt động và tài chính vững mạnh và là một trong 12 NHTM hàng đầu Việt Nam. 2.2. Thực trạng hạn chế rủi ro tín dụng tại VPBank VPBank thực hiện hạn chế rủi ro tín dụng thông qua: Mô hình tổ chức hạn chế rủi ro tín dụng (bao gồm các các văn bản chỉ đạo hoạt động tín dụng, bộ máy hạn chế rủi ro tín dụng) và Quy trình hạn chế rủi ro tín dụng (nhận diện rủi ro tín dụng, đo lường rủi ro tín dụng, hạn chế RRTD, xử lý nợ có vấn đề) Văn bản tín dụng: VPBank xây dựng các văn bản chỉ đạo hoạt tín dụng khá đầy đủ đảm bảo hoạt động tín dụng tăng trưởng theo đúng định hướng phát triển của Hội đồng quản trị ngân hàng, đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, của Chính phủ và hạn chế rủi ro ở mức hợp lý. Bộ máy hạn chế rủi ro tín dụng gồm nhiều Khối, Phòng, Ban khác nhau: khối quản trị rủi ro, khối tín dụng, khối vận hành, khối kiểm toán, ban quản lý tín dụng tại các chi nhánh, bộ máy phê duyệt cấp tín dụng, đơn vị trực tiếp thẩm định khách hàng. Tất cả các bộ phận trên đều là yếu tố quan trọng cấu thành nên hệ thống kiểm soát RRTD tại VPBank. Nhờ có hệ thống này mà nhiều năm qua VPBank đã hạn chế được RRTD trong hoạt động của mình và đạt được kết quả kinh doanh tốt. Nhận diện rủi ro tín dụng, khâu đầu tiên trong quy trình hạn chế rủi ro tín dụng tại VPBank. Nhận biết RRTD được VPBank thực hiện cả trong quá trình thẩm định tín dụng và sau cho vay gồm 03 nhóm dấu hiện: khách hàng/khoản vay có dấu hiệu RRTD cao, khách hàng/khoản vay có dấu hiệu RRTD trung bình, khách hàng/khoản vay có dấu hiệu RRTD thấp. Đo lường RRTD, Các chỉ tiêu phản ánh rủi ro tín dụng tại VPBank được kiểm soát khá tốt. Tỷ lệ nợ xấu qua các năm duy trì ở mức thấp: năm 2009 là 1,63%, năm 2010 là 1,20%, năm 2011 là 1,82%. Mức độ đảm bảo RRTD tương đối cao: năm 2009 là 171,08%, năm 2010 là 194,72%, năm 2011 là 182,54%. Mức độ tổn thất tín dụng rất nhỏ: năm 2009 là 1,2 tỷ đồng, năm 2010 là 1,3 tỷ đồng, năm 2011 là 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên thời gian tới, vì muốn mở rộng thị phần VPBank đã dần nới rộng hoạt động tín dụng, cho vay một phần tín chấp, một phần bảo đảm bằng tài sản nên mức độ rủi ro cao hơn đặt ra yêu cầu VPBank phải ngày càng hoàn thiện quy trình quản trị rủi ro tín dụng của mình để đảm bảo phát triển bền vững. Xếp hạng tín dụng, Hệ thống xếp hạng tín dụng là một phương pháp lượng hóa mức độ RRTD của khách hàng thông qua quá trình đánh giá bằng thang điểm thống nhất. Việc xếp hạng tín dụng tại VPBank gồm 03 phần: Chấm điểm RRTD; Đánh giá TSBĐ; Đánh giá tín dụng kết hợp. Với việc chấm điểm một cách toàn diện như trên giúp VPBank có được sự đánh giá tổng hợp về mức độ rủi ro của khoản vay và ra quyết định cho vay chính xác. Kiểm tra, giám sát tín dụng, Tất cả các khoản cấp tín dụng tại VPBank đều được kiểm tra, giám sát một cách toàn diện trong suốt quá trình cấp tín dụng cho khách hàng: Kiểm tra, giám sát trong quá trình thẩm định, xét duyệt cho vay; Kiểm tra trong quá trình giải ngân, Kiểm tra sau giải ngân, Khoản tín dụng có mức độ rủi ro càng cao thì tần suất kiểm tra càng lớn. Việt kiểm tra, giám sát thường xuyên đảm bảo xử lý các vấn đề phát sinh một cách kịp thời, khoản tín dụng được sử dụng đúng mục đích, thu hồi đầy đủ cả vốn và lãi đúng hạn, bảo đảm an toàn trong hoạt động tín dụng. Xử lý nợ có vấn đề, Với các khoản nợ có vấn đề, VPBank sẽ tiến hành phân luồng và áp dụng một trong ba giải pháp xử lý nợ (giải pháp tự thu, giải pháp tài chính, giải pháp tố tụng) phù hợp với mức độ rủi ro của các khoản vay nhằm ngăn chặn/giảm thiểu rủi ro phát sinh và sớm thu hồi nợ cho VPBank. 2.3. Đánh giá thực trạng hạn chế rủi ro tín dụng tại VPBank Từ thực trạng hạn chế RRTD tại VPBank ở trên có thể đánh giá khái quát những kết quả đạt được và những mặt tồn tại trong hạn chế RRTD tại VPBank như sau * Những kết quả đạt được trong công tác hạn chế rủi ro tín dụng tại VPBank Một là, Duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp Hai là, Quy định, quy trình, quy chế, chính sách liên quan đến tín dụng thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh, ban hành kịp thời phù hợp với thực tế hoạt động tín dụng từng thời kỳ, phù hợp với quy định của ngân hàng nhà nước * Những tồn tại trong công tác hạn chế rủi ro tín dụng tại VPBank Thứ nhất, những tồn tại trong mô hình tổ chức bộ máy quản trị rủi ro: Bộ máy quản trị rủi ro mới được thành lập nên chưa được tổ chức chặt chẽ thành nhiều khối (khối quản trị RRTD, khối quản trị rủi ro hoạt động,..), công việc và trách nhiệm của cá nhân trong bộ máy quản trị rủi ro chưa được phân định rõ giúp kiểm soát được các loại rủi ro ở các góc tiếp cận khác nhau Thứ hai, tồn tại trong công tác nhận diện rủi ro tín dụng: cán bộ tín dụng sau khi cho vay không thường xuyên theo dõi nợ vay, chưa nhạy bén trong việc nhận biết các dấu hiệu xấu của khoản vay mà chỉ khi khoản vay quá hạn mới chú ý. Việc phát hiện muộn gây rất nhiều tốn kém cho công tác thu hồi nợ, xử lý nợ. Thứ ba, VPBank chưa đa dạng các công cụ đo lường rủi ro tín dụng để dự tính được tổn thất rủi ro tín dụng do đó việc đánh giá rủi ro tín dụng không chính xác ảnh hưởng nhiều đến công tác hạn chế rủi ro tín dụng. Thứ tư, VPBank chưa thực hiện đa dạng hóa các công cụ hạn chế rủi ro tín dụng (hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng, chứng khoán hóa các khoản nợ…) mà chỉ áp dụng các phương pháp truyền thống như đòi nợ trực tiếp, xử lý tài sản bảo đảm nên chi phí xử lý nợ thường cao, thời gian xử lý nợ dài Thứ năm, những tồn tại trong hệ thống chấm điểm, xếp hạng tín dụng nội bộ: hệ thống chấm điểm, xếp hạng tín dụng nội bộ còn thiếu cập nhật để phù hợp với thực tiễn. Thứ sáu, những tồn tại trong công tác thẩm định và phân tích tín dụng: Mặc dù đã xây dựng được quy trình tín dụng, các mẫu biểu phục vụ cho công tác thẩm định, tuy nhiên, công tác phân tích thẩm định tín dụng vẫn thiếu tính thực tiễn, chủ yếu dựa trên hồ sơ mà chưa đi sâu khảo sát, tìm hiểu tình hình thực tế khách hàng và thẩm tra phương án vay vốn Thứ bảy, những tồn tại trong công tác kiểm soát và quản lý khoản vay: Theo thống kê cho thấy phần lớn các cán bộ chưa thực sự coi trọng công tác kiểm soát sau giải ngân và kiểm soát sau định kỳ: kiểm tra thiếu hoặc kiểm tra chỉ mang tính hình thức nên không phát hiện kịp thời những rủi ro dẫn đến phát sinh nợ quá hạn, nợ khó đòi,…. Thứ tám, những tồn tại trong công tác xử lý nợ có vấn đề: Công tác xử lý nợ hiện vẫn chưa có quy trình chi tiết hướng dẫn; Nhân viên tín dụng còn chậm trễ trong việc đôn đốc khách hàng có dư nợ xấu; Xử lý nợ hiện nay tại VPBank vẫn chỉ sử dụng các phương pháp xử lý nợ trực tiếp như trực tiếp đòi nợ khách hàng, xử lý tài sản bảo đảm mà chưa phát triển các hình thức xử lý nợ gián tiếp như mua bán nợ, chứng khoán hóa các khoản nợ để tăng hiệu quả xử lý nợ, giảm chi phí. * Nguyên nhân của những tồn tại trên: Từ phía VPBank: Do chịu sức ép chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; Trình độ cán bộ tín dụng còn nhiều bất cập; Đa dạng hoá khách hàng kém; Hệ thống báo cáo tín dụng chưa kịp thời và chính xác; Hệ thống công nghệ thông tin cần phải đầu tư nhiều hơn Từ phía khách hàng vay: Trình độ quản lý kinh doanh của khách hàng chưa tốt dấn đến thất thoát vốn hoặc không duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả để trả nợ ngân hàng; Khách hàng không có năng lực sản xuất kinh doanh, cạnh tranh trên thị trường, hậu quả là sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được do không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng hoặc không cạnh tranh được với đối thủ; Tình hình tài chính doanh nghiệp yếu kém, thiếu minh bạch, quy mô tài sản, nguồn vốn chủ sở hữu nhỏ bé, tỷ lệ nợ so với vốn tự có cao; Khách hàng trây ỳ, cố tình lừa đảo để chiếm dụng vốn của VPBank. Những vấn đề chung của nền kinh tế - xã hội: Trong giai đoạn 2010-2011, tỷ lệ lạm phát nền kinh tế có sự biến động mạnh gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh: đó là sự tăng giá nguyên vật liệu, năng lượng,... gây khó khăn về tài chính trở nên gánh nặng đối với người đi vay, kết quả là không trả được nợ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng… Môi trường pháp lý, Xử lý tài sản đảm bảo, nợ xấu còn nhiều bất cập, trong thực tế NHTM gặp không ít khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo; Hệ thống kế toán, kiểm toán còn nhiều bất cập và chưa hoàn toàn thống nhất với các chuẩn mực kế toán. CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP HẠN CHẾ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG (VPBANK) Trong chương này, tác giả luận văn kết hợp giữa định hướng phát triển chung của VPBank, định hướng phát triển riêng của hoạt động tín dụng cùng với thực trạng hạn chế RRTD đã phân tích ở chương 2 để đề xuất những giải pháp và kiến nghị phù hợp 3.1. Định hướng phát triển của VPBank Phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2015 VPBank trở thành 1 trong 5 Ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam, VPBank đã xây dựng và từng bước thực hiện những định hướng phát triển của riêng mình: kế hoạch tổng tài sản năm 2012 đạt 110.000 đồng; tỷ lệ nợ 35 nhỏ hơn 3%, dư nợ cho vay đạt 33.562 tỷ đồng; Xây dựng và hoàn thiện bộ máy quản trị rủi ro đặc biệt là rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và RRTD; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống xếp hạng, phân tích khách hàng để làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách giá; Xây dựng và hoàn thiện trung tâm phê duyệt tín dụng tập trung trợ giúp cho các cấp lãnh đạo trong việc ra quyết định, kiểm soát RRTD… 3.2. Các giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng tại VPBank Những giải pháp hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa RRTD và khắc phục hậu quả nếu rủi ro xảy ra tại VPBank bao gồm: - Hoàn thiện mô hình tổ chức Khối Quản trị rủi ro. - Các giải pháp phòng ngừa, hạn chế RRTD bao gồm: Giám sát và kiểm soát chặt chẽ quá trình giải ngân và sau khi cho vay; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao chất lượng thẩm định và phân tích tín dụng; Hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ; Tăng cường công tác kiểm toán nội bộ; Đa dạng hóa danh mục cho vay; Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống công nghệ ngân hàng. - Các biện pháp xử lý khi RRTD xảy ra: tăng cường hiệu quả của công tác xử lý nợ có vấn đề; Tiếp tục khai thác, xử lý các khoản nợ có TSBĐ; Bán các khoản nợ xấu 3.3. Kiến nghị Bên cạnh những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại VPbank nên trên, luận văn cũng có một số kiến nghị với Chính phủ và NHNN Việt Nam về cách thức quản lý, điều hành và tạo lập một môi trường pháp lý đầy đủ cho hoạt động tín dụng, cụ thể: * Kiến nghị đối với Chính phủ Một là, Hoàn thiện hệ thống pháp lý cho hoạt động của NHTM Hai là, Tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và ổn định chính sách tiền tệ Ba là, Hoàn thiện cơ sở hạ tầng về hệ thống thông tin kinh tế Bốn là, Thiết lập và phát triển thị trường mua bán nợ xấu * Kiến nghị với Ngân hàng nhà nước Việt Nam Một là, Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quản lý và điều hành Hai là, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát Ba là, Nâng cao chất lượng của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) Với tất cả những giải pháp và kiến nghị trên, tác giả luận văn mong muốn tạo ra một môi trường kinh doanh tín dụng an toàn, hiệu quả đảm bảo hạn chế tối đa RRTD xảy ra. KẾT LUẬN Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề cơ bản về hạn chế RRTD của NHTM, phân tích thực trạng hạn chế RRTD tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng luận văn đã đưa ra một số giải pháp có tính ứng dụng cao có thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn hạn chế RRTD tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Tuy nhiên, đề tài về hạn chế RRTD là một đề tài lớn, chịu ảnh hưởng theo sự biến động và phát triển của thị trường nên với khuôn khổ một luận văn thạc sỹ chỉ nghiên cứu trong một giai đoạn ngắn nên vẫn tồn tại một số bất cập, thiếu sót. Để hoàn thiện hơn, Luận văn cần phải được tiếp tục nghiên cứu sâu và phát triển đề tài hơn nữa trong thời gian tới.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan